Ảo Mộng Lehman Brothers

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hiện tôi vẫn sống chỉ cách khu trụ sở cũ của Lehman Brothers tại số 745 Đại lộ số Bảy có sáu tòa nhà, và khoảng 10.000 năm. Tôi vẫn đi qua trước tòa nhà đó vài ba lần mỗi tuần, và mỗi lần như vậy tôi cố nhìn về phía trước, theo hướng nam tới phía Phố Wall.

Và tôi luôn quyết tâm tiếp tục bước đi, không nhìn sang phải hay sang trái, tránh khuấy động lên những hồi ức. Nhưng lần nào tôi cũng dừng lại.

Và tôi lại nhìn thấy biểu tượng màu xanh nhạt của Barclays Capital, ít nhất với tôi trông nó giống như lá cờ của một kẻ tiếm ngôi, một sự thay thế mờ nhạt so với biểu tượng huy hoàng đã sừng sững suốt 158 năm phía trên lối vào của ngân hàng thương mại vĩ đại nhất mà Phố Wall từng biết tới: Lehman Brothers.

Họ chỉ là ngân hàng lớn thứ tư. Nhưng những truyền thống của họ là tất cả những gì đặc trưng cho một chiến binh trong giới ngân hàng - định chế tài chính xuất sắc đã ủng hộ và giúp hình thành những người khổng lồ bán lẻ Gimbel Brothers, FW Woolworth, và Macy's; các hãng hàng không: American Airline, National Airline, TWA và Pan American Airline.

Họ đã cung cấp vốn cho Campbell Soup Company, Jewel Tea Company, R.F.Goodrich. Và họ đã đứng đằng sau sự ra đời của ngành truyền hình tại RCA, cũng như các hãng phim của Hollywood như RKO, Paramount và 20th Century Fox. Họ đã huy động vốn cho đường ống dẫn dầu xuyên Canada.

Theo một nghĩa nào đó, tôi nghĩ rằng tôi đã chỉ trông thấy sự sụp đổ của ngân hàng này, cơn hấp hối kéo dài 4 năm của nền tài chính thế kỷ 21 kết thúc vào ngày 15 tháng Chín năm 2008. Mặc dầu vậy, trong tâm trí tôi vẫn nhớ rõ những ngày huy hoàng. Và khi tôi dừng bước trước tòa nhà, tôi cũng biết rõ mình sẽ chìm trong tâm trạng buồn bã trong một vài khoảnh khắc. Nhưng tôi vẫn luôn dừng bước.

Và tôi luôn ngước nhìn lên lầu ba nơi tôi đã từng là một trong những giao dịch viên, tại một trong những sàn giao dịch căng thẳng nhất thế giới. Rồi một cách vô thức tôi thấy mình đang đếm dần tới tầng ba mốt, nơi tất cả mọi thứ đi tới tai họa, đó là tầng nơi Đức vua Richard cùng triều đình của mình ngự trị. Đó là Richard S. Fuld, Chủ tịch và CEO.

Chìm trong hoài niệm, nhói đau như tất cả những người trong cuộc khác bởi chút giận dữ còn dư âm lại, và vẫn bị ám ảnh bởi những câu hỏi không có câu trả lời, tôi đứng nhìn chăm chăm lên trên, buồn bã một cách vô cớ, và bị mắc kẹt giữa hai từ luôn đi bên nhau của những người luôn bị ám ảnh bởi sự sáng suốt khi sự đã rồi: Nếu như.

Đôi lúc tôi nằm thao thức trong đêm, cố gắng sắp xếp những cái "nếu như" đó thành một thứ tự. Và thỉnh thoảng thứ tự đó thay đổi, một thứ gì đó mới mẻ được xếp đứng đầu, một khía cạnh đơn lẻ từ sự sụp đổ của Lehman chợt nổi bật lên so với các khía cạnh khác. Nhưng bức tranh chẳng bao giờ rõ ràng.

Trừ những lúc tôi đứng ngay đây và nhìn lên tòa nhà lắp kính sừng sững như một pháo đài đã từng là căn cứ của Lehman, và nhìn chăm chú vào tầng ba mốt. Lúc đó tất cả trở nên rõ ràng. Phải, luôn rõ ràng. Và hai từ "nếu như" lại vang lên trong đầu tôi.

Nếu như họ chịu lắng nghe - Dick Fuld và chủ tịch hội đồng quản trị của ông ta, Joe Gregory. Đã ba lần họ được cảnh báo bởi những lập luận đầy quan ngại từ ba trong số những bộ óc tài chính xuất chúng nhất của Phố Wall - Mike Gelband, phụ trách toàn cầu về lợi tức cố định của chúng tôi, Alex Kirk - phụ trách toàn cầu về nghiên cứu và giao dịch rủi ro, và Larry McCarthy - phụ trách giao dịch trái phiếu rủi ro.

Từng người trong bọn họ đã chỉ rõ ra, ngay từ năm 2005, rằng thị trường bất động sản đang sống nhờ vào tiền vay được, và rằng Lehman Brothers đang lao thẳng tới tảng băng cho vay dưới chuẩn lớn chưa từng thấy, và nhất là con tàu lại nằm trong bàn tay chèo lái của những người không phù hợp. Cả ba lần Dick và Joe dửng dưng quay lưng lại. Có lẽ đó là điều tồi tệ nhất từng lặp lại ba lần kể từ khi thánh Peter ba lần chối Chúa.

Ngoài ra, còn có sáu lần cảnh báo khác, lần nào cũng u ám tồi tệ hơn lần trước nó.

Nếu như Fuld chịu chú ý sát sao hơn đến hoạt động bên trong tập đoàn của mình - cả những thành công lẫn những sai lầm của nó. Nếu như ông ta chịu lắng nghe các phụ tá của mình, chịu gặp gỡ những người đã tạo nên sức sống và linh hồn của Lehman Brothers, rất có thể tai họa đã không xảy ra. Nhưng thay vì thế, ông ta thu mình lại trong văn phòng sang trọng như một cung điện tít trên tầng ba mốt, cách xa mọi hoạt động, chỉ mơ mộng tới những sự tăng trưởng chóng mặt, nuôi dưỡng những tham vọng quá xa rời thực tế.

Nếu như cuộc vận động bí mật chống lại Fuld và Gregory đã diễn ra sớm hơn vài tháng so với cuộc họp chui vào tháng Sáu năm 2008. Nếu như mười hai giám đốc điều hành, những người đã ngồi lại với nhau một cách dường như phản loạn nhưng hoàn toàn với tình đoàn kết đồng nghiệp trung thành và chính đáng, hành động sớm hơn, và loại bỏ những người lãnh đạo Lehman, củng cố lại con tàu và điều chỉnh hướng đi của nó.

Nếu như thời kỳ kinh hoàng đã đẩy ra cửa những chuyên gia kinh tế xuất sắc nhất của Lehman được dừng lại sớm hơn, chỉ cần nhân danh những lý lẽ thông thường, những nhà quản lý hàng đầu có thể đã tập hợp sức mạnh của họ lại ngay lập tức khi thấy những người khổng lồ như Mike Gelband bị bỏ qua.

Nếu như Dick Fuld biết kiểm soát sự nóng giận, bực bội và khiếm nhã của mình. Đặc biệt ở bữa tối riêng vào mùa xuân năm 2008 với Hank Paulson, Bộ trưởng Tài chính Hoa kỳ. Đó cũng là lúc những ghen tỵ với Goldman Sachs của Fuld trong nhiều năm qua tuôn trào và khiến Paulson bực bội bỏ về vì ông chủ của Lehman đã thiếu tôn trọng vị trí quan trọng của ông ta. Có thể đó là lúc Hank quyết định ông ta sẽ không nhọc công cứu vớt ngân hàng do Richard S.Fuld điều khiển.

Nếu như Tổng thống George W. Bush trả lời cú điện thoại tuyệt vọng cuối cùng gọi đi từ văn phòng của Fuld, do chính người em họ George Walker IV của ông gọi vào buổi tối trước khi ngân hàng bị xếp loại theo Chương 11. Rất có thể chữ nếu này đã tạo ra sự khác biệt.

Nếu như... nếu như. Vẫn hai từ đó ám ảnh những giấc mơ của tôi. Sự sụp đổ của Lehman, và những điều có thể đã làm mọi việc khác đi. Với phần lớn mọi người, cho dù có là nạn nhân của cuộc sụp đổ thị trường tài chính toàn cầu này hay không, điều này theo thời gian sẽ trở thành nước chảy qua cầu mà thôi.

Nhưng không phải với tôi, và thâm niên lâu năm của một người làm nghiên cứu đã nhiều lần thúc đẩy tôi tìm kiếm xa hơn tới tận ngọn nguồn của nguyên nhân đã gây ra sự sụp đổ năm 2008. Tôi muốn ám chỉ đến việc bãi bỏ đạo luật Glass-Steagall1 vào năm 1999.

Nếu như Tổng thống Clinton không bao giờ ký sắc lệnh bãi bỏ Glass-Steagall. Bản thân tôi không bao giờ nghĩ rằng ông muốn làm điều đó, nhưng để hiểu những rối rắm bên trong cần phải giải thích sâu hơn, và trước khi bắt đầu câu chuyện của mình, tôi sẽ đem đến cho các bạn một số thông tin hậu trường quan trọng, nếu không có chúng sự nắm bắt vấn đề của các bạn sẽ không hoàn chỉnh. Đó là mười phút dành cho sự sáng suốt và những nhận thức muộn màng, những chủ đề có vẻ như luôn có duyên với tôi.

Câu chuyện bắt đầu vào những năm cải cách bốc đồng trong nhiệm kỳ tổng thống của Clinton, với cuộc dấn thân phủ đầy màu hồng nhằm thay đổi thế giới, giúp đỡ những người nghèo khó, và kết thúc giữa trung tâm độc địa của thảm họa tài chính toàn cầu.

Roberta Achtenberg, con gái của một chủ cửa hàng tạp hóa gốc Nga trong khu dân cư Los Angeles, đã được Tổng thống Clinton cất nhắc khi còn khá vô danh năm 1993 vào vị trí Thứ trưởng Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị. Roberta và Bill đã gặp nhau ở mong ước chung muốn tăng tỷ lệ sở hữu nhà cho người nghèo và các cộng đồng thiểu số.

Và bất chấp cuộc phản đối quyết liệt, dẫn đầu bởi thượng nghị sĩ Jesse Helms, người thường gọi Achtenberg là "mụ đồng tính chết tiệt", bà Thứ trưởng nhậm chức trong chính quyền mới, đồng thời vạch ra rằng nạn phân biệt chủng tộc bẩm sinh là một trong những lý do chính giải thích vì sao các ngân hàng thường rất miễn cưỡng chấp nhận cho vay tiền với những người không có tiềm lực tài chính.

Trong vài năm sau đó, Roberta Achtenberg đã huy động tối đa vốn năng lực đáng gờm của mình vào hàng ngũ các chủ ngân hàng Mỹ, lúc đe dọa, lúc nhiếc móc, lúc ép buộc; nói tóm lại là bất cứ điều gì để thuyết phục các ngân hàng chấp nhận cho vay thế chấp đối với những người thông thường có thể không đáp ứng được những điều khoản như tiền đặt cọc trước và có thu nhập ổn định hàng tháng.

Từ năm 1993 đến 1999, hơn 2 triệu khách hàng dạng này trở thành những chủ sở hữu nhà mới. Trong khoảng thời gian hai năm làm Thứ trưởng, bà ta đã thiết lập một hệ thống văn phòng quốc gia trong đó có các luật sư và nhân viên điều tra. Mục đích chính của họ là thực thi luật pháp với các ngân hàng, cụ thể là các đạo luật liên quan đến phân biệt đối xử. Một số khoản phạt các ngân hàng lên tới hàng triệu, để thể hiện ý định mà bà Achtenberg công khai thừa nhận là sử dụng pháp luật để thay đổi tập quán cho vay thế chấp ở Hợp chủng quốc Hoa kỳ.

Các ngân hàng bị buộc phải vào khuôn phép, và chẳng bao lâu sau họ tạo ra hàng ngàn khoản vay mà không có bất cứ khoản tiền mặt bảo đảm nào, một thực tế chưa từng có tiền lệ. Các nhân viên cho vay thế chấp trong ngân hàng bị ép buộc phải bẻ cong hay phá vỡ các nguyên tắc của chính họ để có đánh giá tốt theo Đạo luật về tái đầu tư cộng đồng (Community Reinvestment Act- CRA), điều sẽ làm chính quyền vừa lòng bằng cách thể hiện sự rộng rãi với những người vay tiền không được ưu đãi, nếu họ thanh toán trễ hạn. Vay thế chấp dễ dàng là phát minh của phe Dân chủ thời Bill Clinton.

Tuy nhiên, có một thuận lợi rất quan trọng vào nửa cuối những năm 90. Giữa bối cảnh thịnh vượng chung, thị trường nhà đất rất mạnh mẽ và giá cả tăng lên đều đặn. Vào thời kỳ đó, không trả được vay thế chấp hiếm khi xảy ra và việc chứng khoán hóa các khoản vay thế chấp, điều đã dẫn tới những hậu quả tai hại trong cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu năm 2007, hầu như chưa tồn tại.

Dù vậy, có rất nhiều nhà tài chính tinh tường đã hoài nghi xu thế mới này, và thầm mong ước ngày mà các chính sách về ngân hàng quay trở lại hoàn toàn bảo thủ, khi mà việc vay tiền bị từ chối thẳng thừng với bất cứ ai không chứng minh được khả năng hoàn trả.

Và ở tâm điểm của sự bất an sôi sục này, đâu đó giữa các thành viên với miệng lưỡi ngọt ngào đầy sức thuyết phục của đội ngũ vận động hành lang từ các ngân hàng và sự cuồng tín của Roberta Achtenberg, là William J. Clinton, người mà không phải chỉ một lần đã để trái tim sai khiến cái đầu.

Ông hiểu quá rõ thiện cảm đã gây dựng được với những người sở hữu nhà mới trong cộng đồng gốc Phi và cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha. Nhưng ông cũng nghe thấy rõ những giọng nói cảnh báo cao cấp đang thì thầm - Coi chừng sẽ có rắc rối.

Tổng thống Clinton muốn tập trung chú ý vào những mối quan ngại của các chủ ngân hàng, rất nhiều người trong số họ vô cùng bực bội với sức ép từ Achtenberg yêu cầu phải thực hiện các khoản vay thế chấp rủi ro cao. Và ngay trước mắt Tổng thống là một tình huống liên quan mà gốc rễ sâu xa nhất nằm trong cộng đồng tài chính Mỹ.

Tôi muốn nói tới Đạo luật Glass-Steagall huyền thoại ra đời năm 1933 sau sự suy sụp của Phố Wall, nhằm ngăn cản việc sát nhập giữa các ngân hàng thương mại và các ngân hàng đầu tư, từ đó loại trừ khả năng những tay đầu tư liều lĩnh có thể chạm tới nguồn cung cấp tài chính vô tận từ tiền của những người gửi.

Đạo luật Glass-Steagall chính là một bức rào chắn, và nó đã tồn tại hơn 60 năm, nhưng các ngân hàng lớn ở Mỹ muốn dỡ bỏ nó. Họ đã thử nhưng thất bại vào năm 1988. Phải đợi thêm bốn năm nữa để chứng kiến đạo luật ra đời từ thời Đại Khủng hoảng này bị tấn công lần nữa.

Tổng thống Clinton hiểu rõ những sự chia rẽ, và ông cảnh giác với sự cải cách, cảnh giác để không có vẻ đang đứng về phía những người môi giới của các ngân hàng giàu có thuộc hàng lớn nhất trong nước. Ông hiểu sự phức tạp của Đạo luật Glass-Steagall, những người thiết lập ra nó, nguồn gốc và mục đích của nó - chủ yếu nhằm ngăn chặn một quỹ đầu tư ma mãnh nào đó chui sâu vào một tập đoàn như Enron chẳng hạn, rồi sụp đổ mang theo hàng tỉ đô-la tiền mặt của những người gửi tiền nhỏ. Đây không phải là điều Tổng thống Bill muốn.

Ở một phía là niềm tin của những ngân hàng lớn của Mỹ rằng một sự sát nhập như vậy sẽ tăng thêm sức mạnh cho cả ngành tài chính bằng việc làm tăng cơ hội tạo ra những khoản lợi nhuận lớn. Nhưng cũng có rất nhiều ngân hàng nhỏ e ngại việc bãi bỏ Đạo luật Glass-Steagall cuối cùng sẽ dẫn tới những vụ sát nhập lớn, bóp nghẹt khả năng tồn tại của những ngân hàng nhỏ.

Tổng thống Clinton luôn để mắt nhìn lại quá khứ, và ông ý thức được chính các ngân hàng thương mại, với sự háo hức đầu tư quá mức của họ vào thị trường chứng khoán, là nguyên nhân chính dẫn tới sự sụp đổ năm 1929. Họ bị cáo buộc đã vượt quá giới hạn cho phép, đã mua cổ phần của các tập đoàn rồi bán lại cho công chúng. Điều đó tiềm ẩn quá nhiều nguy cơ, và việc theo đuổi những lợi nhuận khổng lồ đã làm mất đi sự sáng suốt trong quyết sách của họ.

Người đã cương quyết chặn đứng cơn bão đang nhen nhóm vào những năm 1930 là thượng nghị sĩ bang Virginia Carter Glass, một cựu Bộ trưởng Tài chính và là người sáng lập ra hệ thống Dự trữ liên bang của nước Mỹ, đồng thời là chủ một tờ báo theo đường lối Dân chủ kiên định.

Ông đã quyết định rằng các ngân hàng thương mại và các ngân hàng đầu tư phải được tách riêng vĩnh viễn.

Ông được Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng và Tiền tệ của Hạ viện, hạ nghị sĩ bang Alabama, Henry Bascon Steagall ủng hộ, và chính bức tường pháp lý cứng rắn họ dựng nên đã đóng góp rất nhiều vào việc giải quyết cơn khủng hoảng tồi tệ nhất từng xảy ra với Phố Wall. Từ đó các ngân hàng lớn nhất bị ngăn không được đầu cơ tràn lan vào thị trường chứng khoán. Nhưng ngay từ khi đó, nhiều người đã coi đây là một đạo luật hà khắc và kìm hãm.

Vào thời điểm Tổng thống Clinton mới tại vị được ba năm, các ngân hàng lớn một lần nữa lại tập hợp lực lượng để thử vận động bãi bỏ Đạo luật Glass-Steagall lần thứ ba, và một lần nữa họ lại chẳng đi đến đâu cả, vì các ngân hàng nhỏ trong nước đã chiến đấu một mất một còn để ngăn chặn một hệ thống mà họ nghĩ sẽ nhấn chìm họ. Đến năm 1996 các ngân hàng lớn lại thất bại thêm lần nữa.

Tuy nhiên, vào đầu mùa xuân năm 1998, một quả bom tấn phát nổ ở Phố Wall, phát đi thông điệp gay gắt rằng thị trường rất có thể sẽ tự đi theo con đường của mình, cho dù các chính trị gia có đi theo cùng hay không. Vào ngày 6 tháng Tư, Citicorp thông báo sát nhập với Traveler Insurance, một tập đoàn lớn sở hữu và kiểm soát ngân hàng đầu tư Smith Barney. Vụ sát nhập sẽ tạo ra một sự kết hợp rộng lớn, bao gồm cả ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán, và công khai thách thức Đạo luật Glass-Steagall.

Hạ viện nhất trí soạn thảo một dự luật cải cách, nhưng một lần nữa việc thông qua lại chìm tàu ở Thượng viện sau khi Tổng thống Clinton tỏ ra quan ngại và gần như chắc chắn sẽ sử dụng quyền phủ quyết. Bất chấp điều đó, vụ sát nhập trị giá 70 tỉ đô-la giữa Citicorp và Traveler vẫn diễn ra.

Kết quả là một người khổng lồ về ngân hàng, tập đoàn tài chính lớn nhất thế giới, và tập đoàn này có quyền bán cổ phiếu, nhận tiền gửi, cho vay, bao mua cổ phiếu, bán bảo hiểm và thực hiện hàng loạt hoạt động tài chính đa dạng, tất cả dưới một cái tên: Citigroup.

Vụ làm ăn rõ ràng trái pháp luật, nhưng Citigroup đã có 5 năm để thay đổi pháp luật, và họ có hầu bao vô tận. Các thượng nghị sĩ tỏ vẻ không tán thành, còn Tổng thống, lo lắng cho các ngân hàng nhỏ hơn trong nước, tỏ ra quan ngại.

Nhưng các nhóm vận động hành lang quyền lực nhất của giới ngân hàng trong nước muốn Đạo luật Glass-Steagall bị bãi bỏ. Và họ tấn công các chính trị gia bằng các khoản đóng góp trị giá hàng triệu đô-la. Họ phỉnh phờ và gây sức ép với Quốc hội để chấm dứt đạo luật lỗi mốt đã tồn tại từ thời Đại Khủng hoảng. Và cuối cùng họ đã thắng. Vào tháng 11/1999, các dự luật cần thiết được thông qua với tỷ lệ 54-44 ở Thượng viện, và 343-86 ở Hạ viện.

Trong những ngày sau đó bản dự luật cuối cùng nhẹ nhàng vượt qua Thượng viện với tỷ lệ 90 phiếu thuận, 8 phiếu chống và 1 phiếu trắng, còn ở Hạ viện với tỷ lệ tương ứng 362-57-15. Những tỷ lệ này đã vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống. Trong suốt cuộc đời tôi, cha tôi đã luôn nói với tôi rằng lịch sử tất yếu sẽ lặp lại chính nó. Và giờ đây tôi đang nghe một nhóm người nói với tôi rằng bây giờ mọi sự đã khác, rằng tất cả đã tinh vi hơn rất nhiều, "ngưỡng cửa thế kỷ XXI" và những thứ tương tự, đã tiến bộ hơn nhiều so với năm 1933.

Thật thế ư? Về phần mình tôi chẳng thấy như vậy. Chẳng bao giờ có gì khác biệt cả. Tôi biết đạo luật đó đã được đưa ra một cách có chủ ý để bảo vệ những khoản tiền gửi ngân hàng của các khách hàng, và tránh cho bất cứ cuộc khủng hoảng nào bị lan rộng tạo nên hiệu ứng dây chuyền giống như một tòa nhà dựng bằng quân bài hay một dãy domino xếp gần nhau. Đạo luật của Carter Glass đã thành công trong việc ngăn các quân domino tách rời nhau ra trong hơn nửa thế kỷ sau khi ông qua đời.

Nhưng đến lúc đó tất cả chuẩn bị chấm dứt. Họ đang di chuyển những quân domino, ghép sát chúng với nhau. Và tôi nhớ cảm giác lo ngại của mình khi xem bản tin truyền hình vào ngày 12 tháng Mười một năm 1999. Những gì diễn ra trên màn hình giống hệt những điều cha tôi đã nói với tôi.

Tôi đang theo dõi Tổng thống Clinton bước tới, rất có thể ngược lại với lương tri của chính ông, và ký vào đạo luật mới toanh Financial Services Modernization Act (còn được biết dưới tên Gramm-Leach-Bliley), bãi bỏ luật Glass-Steagall. Chưa tới một thập kỷ sau, đạo luật mới này sẽ phải chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc đẩy cả thế giới tới bên bờ sụp đổ về tài chính. Nhất là thế giới của tôi.

Ngay tại đây, giữa khói thuốc và mùi hamburger rẻ tiền, tôi đang ở dưới đáy của thế giới tài chính - những nơi như thếnày được đặc trưng bởi bóng ma vật vờ của những tập đoàn làm ăn thua lỗ.

Ở tuổi lên 10 tôi sống cùng gia đình mà như giữa chốn không người, trong một ngôi nhà tuyệt đẹp nhưng không có chút hơi ấm tình yêu ở thành phố nhỏ Bolton rợp bóng cây xanh, cách trung tâm Boston chừng 20 dặm. Cha tôi, Lawrence G.McDonald, đã chấp nhận chấm dứt cuộc hôn nhân của mình, và mặc cho mẹ tôi, một người mẫu thời trang lộng lẫy, một mình nuôi dạy cả năm đứa con. Tôi là con cả.

Nguyên nhân sâu xa của sự tan vỡ xuất phát từ sự nghiệp kinh doanh mà cha tôi say mê theo đuổi. Là ông chủ và giám đốc điều hành của một công ty kỹ nghệ hóa học, trông ông như vừa bước thẳng ra từ bữa tiệc cocktail trong phim The Graduate. "Chất dẻo, con trai. Đó chính là tương lai".

Và tôi chắc rằng theo cách nào đó nó đúng là tương lai. Ít nhất là của cha tôi, vì chất dẻo đã giúp ông kiếm được khá tiền, đủ để ông bắt đầu với công ty môi giới của mình, và ông cũng chỉ mất có 24 giờ mỗi ngày và 7 ngày mỗi tuần để làm điều đó. Cha tôi là một người bị ám ảnh bởi công việc.

Liên hệ tới cuộc chia tay với mẹ tôi, thì đó là phần nổi. Còn phần chìm là sự đam mê của ông với môn golf, thứ chiếm trọn quỹ thời gian rảnh của ông. Trong suốt những năm tôi còn đi học, ông chơi miệt mài để trở thành một tay golf giỏi hoặc hơn thế. Là nhà vô địch của câu lạc bộ Woods Hole Golf ở dưới vùng bờ biển Nantucket Sound, ông có cú đánh rất nghệ sĩ, thoải mái, chính xác, tao nhã, và đầu gậy vẽ thành một đường cong hoàn hảo trong không khí biển nhẹ nhàng. Và ông có thể đánh trúng lỗ cách xa cả dặm.

Mẹ tôi thực tế chẳng bao giờ thấy mặt ông vì bà chưa bao giờ làm việc bảo dưỡng mặt cỏ ở sân golf. Và cha tôi chủ yếu cũng chỉ nhìn thấy bà trong các tạp chí và trên những biển quảng cáo khổng lồ ở Boston, nơi hàng tá hình ảnh chụp bà quảng cáo các đồ thời trang cao cấp.

Khi tôi nói rằng ngôi nhà của gia đình tôi không có tình yêu, tôi đã không hoàn toàn chính xác. Có một ngọn lửa tình yêu bập bùng trong ngôi nhà, nhưng không dính dáng gì đến cha tôi. Ông ra đi, và nhiều tháng sau, một người theo đuổi mẹ tôi xuất hiện.

Nhiều năm sau đó họ làm đám cưới, nhưng từ khi còn nhỏ tôi đã nhận ra ông hẳn phải là một vị thánh xuất hiện để chia sẻ với người mẹ xinh đẹp gánh nặng năm đứa con cùng một ông chồng lông bông không ngừng lượn lờ ám ảnh quanh cuộc đời nàng, giữ chặt nguồn sống của nàng trong bàn tay sắt của mình.

Người đàn ông mới xuất hiện này, mà một ngày sẽ trở thành cha dượng tôi có tên là Ed O'Brien. Ông là một luật sư xuất chúng, cháu trai của một cựu thống đốc bang New Hampshire. Ed là một người rất cừ, và ông thực sự tôn thờ mẹ tôi, giúp bà bằng đủ mọi cách. Ông không cao lớn vạm vỡ như cha tôi - một người mang chút gì đó của John Wayne, với dáng vẻ của một tay ngang tàng ở miền Viễn Tây hoang dã, bộ dạng không thể lẫn đi đâu được của những người tự tay làm nên mọi thứ.

Dù sao đi nữa, đến đây tôi muốn đi thẳng vào vấn đề chính. Chắc các bạn vẫn nhớ, cha tôi không còn sống cùng chúng tôi nữa và Ed thỉnh thoảng ở lại qua đêm. Phải, đúng vào buổi sáng đặc biệt đó, tôi đang đứng trong phòng khách chăm chú ngắm nhìn chiếc Mercedes Benz mui gập kiểu mốt mới nhất của Ed qua khung cửa sổ, một chiếc xe có giá tới 100.000 đô-la ngay cả vào thời ấy, cuối những năm 70. Bất thần tôi trông thấy một chiếc xe dừng lại trước cổng chính.

Lao vào khoảng sân trước nhà là Lawrence G. McDonald, vung vẩy trong tay - theo như tôi quan sát - một cây gậy đánh golf số 7 bằng sắt. Ông đi tới chỗ chiếc xe của Ed rồi nhẹ nhàng vung gậy ra sau, tay trái duỗi thẳng, và bằng một cú đánh làm tiêu tùng hoàn toàn chiếc kính chắn gió trong một cơn mưa mảnh kính vụn. Đầu gậy đập vào ngay phía trên cần gạt nước, hơi thấp một chút. Tôi nghĩ cha tôi có thể đã hơi ngẩng đầu lên một chút đúng lúc đầu gậy đập vào kính.

Ông không hề dừng nhịp chân, cả quyết bước tới phía trước chiếc xe, ngắm đích và đập vỡ tan chiếc đèn pha bên phải. Bước sang phía trái, ông lại nhanh nhẹn vung chiếc gậy ra sau. Tôi nghĩ tôi phát hiện thấy cú đánh có phần cứng hơn, hai tay ông nắm hơi sâu hơn xuống cán gậy. Dù sao đi nữa ông cũng đã hoàn thành việc tương tự với chiếc đèn pha bên trái.

Đến lúc này mảnh kính vỡ đã văng tứ tung khắp nơi và tôi vẫn đứng đờ người ra đó, mồm há hốc, mắt mở to. Tôi thấy cha tôi vòng trở lại phía sau chiếc xe và trong khoảnh khắc tôi đã nghĩ ông chỉ định ngắm nhìn tác phẩm của mình. Bạn biết đấy, giống như đứng lùi lại một chút sau khi bạn đã hoàn thành một cú đánh bóng lọt lỗ từ khoảng cách 3m.

Tôi đã lầm. Một lần nữa ông lại lấy tư thế, vung gậy ra sau và nện thẳng vào cụm đèn hậu bên trái, làm những mảnh kính đỏ văng ra tung tóe. Sau đó ông dịch sang phải hai bước, và với một cú đánh y hệt, hơi xoay cổ tay hơn và vung ra sau hơn rất nhiều, ông nện tan tành cụm đèn còn lại. Nếu như một trong hai cụm đèn hậu đó là một quả bóng golf, hẳn nó sẽ bay rất cao và cắm sâu xuống khi chạm đất, có thể ngang với lá cờ báo lỗ golf. Sáng hôm đó những cú đánh của cha tôi quả thực rất chính xác.

Tôi nhắc tới câu chuyện này vì toàn bộ sự việc đã được ghi sâu vào trí óc tôi. Phải 10 năm sau tôi mới hỏi ông về buổi sáng hôm đó, và ông trả lời theo đúng cách chỉ có ông, hay có thể cả John Wayne nữa, làm được - một cách bình thản. "Đó không phải là một cây gậy sắt số 7, con trai. Chỉ cần một cây pitching wedge thôi."

Ba mươi năm nữa sẽ trôi qua trước khi tôi được chứng kiến tận mắt một hành động tàn phá khác cũng ngang tàng, bướng bỉnh như vậy. Và việc đó xảy ra trên sàn môi giới của một ngân hàng đầu tư tại Phố Wall.

Tôi bắt đầu câu chuyện của mình với vài nét thoáng qua về tính cách cha tôi vì ông luôn có ảnh hưởng sâu sắc tới tôi, ngay cả sau cuộc ly hôn. Về bản chất có thể nói ông là một nhà đầu tư giá xuống - một chú gấu. Không phải ông chỉ nhìn thấy thảm họa toàn cầu mỗi khi chỉ số Dow Jones nhún nhảy đi xuống. Cha tôi luôn là một chú gấu bi quan, luôn nhìn thấy những thảm họa tiềm tàng, bất cứ thời điểm nào kể từ lúc tiếng chuông mở cửa sàn cho tới khi đóng cửa.

Với một số nhà đầu tư, sàn giao dịch của thị trường chứng khoán New York là nơi ẩn náu cuối cùng của Quỷ vương, nơi mà những con quỷ mang vận rủi luôn rình rập ám ảnh đằng sau mỗi màn hình tinh thể lỏng không ngừng nhấp nháy.

Cha tôi không tệ đến vậy, vì ông là một nhà đầu tư có bản năng khôn ngoan, thường là một nhà phù thủy trong việc lựa chọn cổ phiếu, nhận ra những tập đoàn nào sắp phải huy động đến lượng cổ phiếu dự phòng.

Nhưng thái độ của ông suýt nữa đã khiến ông bỏ lỡ hai cuộc đầu cơ giá lên lớn nhất trong lịch sử, vì với cha tôi, tiền mặt là trên hết, và rất có thể ông sẽ cần đến chúng để chuẩn bị cho trường hợp tồi tệ nhất. Nói chung ông là một người thận trọng, có những nét của một kẻ bi quan luôn hoài nghi. Về tính cách, ông khiến Howard Hughes trông giống như một người cực kỳ hướng ngoại.

Trong chuyện làm ăn của mình cha tôi cực kỳ thành công. Ông lấy bằng cử nhân khoa học tại Notre Dame, chính xác là kỹ sư hóa. Ông là Số Một trong đội đánh golf, và sau đó bắt đầu làm nhân viên bán hàng về mảng chất dẻo của General Electric, một thương hiệu thời thượng, một kiểu Google và Microsoft vào thời của ông. Cuối cùng ông trở thành một triệu phú, sở hữu cơ sở sản xuất chất dẻo của chính mình tại Massachusetts.

Khi ông nhắc nhở tôi hãy luôn nhớ rằng lịch sử, không bao giờ lỡ hẹn, sẽ lặp lại chính nó, ông không nghĩ đến ánh hào quang của những thành công. Ông muốn nhắc tới những sự kiện kiểu như vụ phun trào của Krakatoa, Thế chiến thứ hai, sự sụp đổ của Đế quốc La Mã, sự tan rã của Liên bang Xô Viết, và trên hết là vụ sụp đổ năm 1929. Luôn là sự sụp đổ.

Với một thế giới quan như vậy, không ngạc nhiên khi sự yên bình của sân golf là cách giải thoát chính của ông. Và ông là một tay chơi cừ khôi. Ông giữ kỷ lục tại sân Woods Hole trong nhiều năm. Và ông đã chơi những trận golf tuyệt vời trong các giải đấu quan trọng, trong đó có một lần thua cuộc ở lỗ cuối cùng tại Winged Foot Country Club trước một trong những tay golf nghiệp dư xuất sắc nhất mọi thời đại của Massachusetts, Joe Keller. Và ngay cả Joe cũng phải nhờ tới một cú đánh lọt lỗ xa 12m để hạ ông.

Cha tôi đã bắt đầu dìu dắt tôi trở thành một tay golf nghiệp dư trước khi mái nhà che chở thế giới của tôi sụp đổ. Ông chia tay với mẹ tôi, để mặc tất cả chúng tôi trong căn nhà lớn mà không có chút phương tiện nào để duy trì ngôi nhà hay nuôi sống bản thân mình. Ed, giờ đây đã có một chiếc Mercedes mới, hành nghề luật ở Worcester, và chúng tôi chuyển tới thành phố có phần tiều tụy xơ xác nằm ở miền tây Massachusetts này, chủ yếu vì mẹ cần có một người bạn, một người luôn có mặt khi cần thiết, trong hoàn cảnh vắng cha tôi cùng nguồn tài chính của ông.

Bolton, nơi chúng tôi sống trước đó là một thị trấn nhỏ xinh đẹp, một khu vực của tầng lớp trên trong giới trung lưu, nằm giữa vùng đồng quê xanh mướt, với cư dân chủ yếu là gia đình của các doanh nhân thành đạt. Từ nơi đó, mẹ tôi, lúc này trong tình hình tài chính quẫn bách, cùng với ba em trai và em gái tôi cuối cùng phải tới cư ngụ ở khu dự án nhà ở nằm tại khu vực tồi tệ nhất của một thành phố đáng ngờ, với cái tên ngớ ngẩn Lincoln Village Apartments (Khu Căn hộ Lincoln), một nơi chẳng dẫn tới đâu cả. Tôi còn quá nhỏ để có một cú sốc văn hóa, nhưng có Chúa chứng giám, cho dù thế tôi vẫn ý thức được vì lý do nào đó cuộc sống bình yên của tôi đã bị đổ vỡ nghiêm trọng.

Có năm đứa con phải lo lắng, mẹ tôi, Debbie Towle, một người phụ nữ đáng ngưỡng mộ, đã không thể đi làm trở lại. Lúc đó về mọi mặt bà vẫn là một phụ nữ rất xinh đẹp, và hoàn toàn có thể được đề nghị làm người mẫu thời trang, nhưng điều này là không nên. Chúng tôi chưa khánh kiệt đến mức tuyệt vọng.

Môi trường quanh căn hộ của chúng tôi quả là một cơn ác mộng, xuống cấp, bẩn thỉu, và với chúng tôi còn có thêm cảm giác hơi rờn rợn như thể bất cứ lúc nào một tội ác kinh hoàng cũng có thể xảy ra. Mẹ tôi không lúc nào ráo nước mắt. Tôi dám chắc bà ghét nơi này, ghét phải sống ở nơi tồi tệ nhất của một dạng Thung lũng chết giữa lòng thành thị.

Hẳn bạn cũng đã hình dung ra, cư dân ở đây cực kỳ thú vị, rất nhiều trong số họ có cái nhìn gian xảo; đểu cáng, bộ dạng lôi thôi nhếch nhác và đầy hằn học. Một số thực sự là những đứa trẻ sa ngã, những người da trắng nghèo khó, những kẻ bán ma túy, những nhóm tội phạm chuyên cướp cửa hàng và nhập nha ăn trộm khắp thành phố. Chúng đã luôn tìm cách lôi kéo tôi, nhưng tôi đủ hiểu biết để tránh xa những chuyện này. Tôi từ chối nhập bọn với chúng và một buổi tối, thủ lĩnh của chúng đến trước cửa căn hộ của chúng tôi, lôi tôi vào cầu thang phía trước và đấm thẳng vào mặt tôi.

Mẹ tôi suýt nữa lên cơn đau tim, và Ed O'Brien lại xuất hiện kịp thời, cố gắng giúp đỡ bằng tiền bạc. Còn cha tôi? Nói chung ông chẳng hề để tâm. Hoặc có vẻ như vậy. Trong 18 tháng đầu tiên sống ở Worcester tôi tới lần lượt bốn trường học khác nhau, và lần sau luôn tồi tệ hơn lần trước. Đó là một cảnh sống tôi chưa bao giờ ngờ tới.

Về chuyện học hành tôi tụt hậu lại phía sau, phần lớn bởi tôi sợ phải ra khỏi nhà do sự nguy hiểm của nơi chúng tôi đang sống. Thật khó có thể diễn tả những biến động trong đời sống của chúng tôi. Nhưng tất cả mọi thứ đều đổi khác. Không còn những chuyến đi tới Cap, không còn golf, không còn những bữa ăn tối sang trọng tại nhà chúng tôi nữa. Chúng tôi trở thành tù nhân trong những căn phòng giam của Lincoln Village.

Cha tôi thực sự đã làm một việc tuyệt vời cho tôi. Ông đã thu xếp đăng ký cho tôi vào Worcester Golf Club, một không gian xanh thanh bình, nơi tôi làm việc mang đồ cho các tay golf.

Tôi còn quá trẻ để hiểu tôi đang mang trên vai chiếc túi nặng đi khắp sân cho một trong những huyền thoại bất tử - Bob Couzy, cao 1 mét 83, người dẫn dắt lối chơi của đội Boston Celtics, một người bạn của cha tôi và cũng là một tay golf cừ khôi. Bob Couzy, một trong những trụ cột cho thời kỳ vĩ đại nhất của Celtic - Couzy, John Havlicek, anh chàng cao 2 mét 05 Bill Russell và "Ông Chộp" Sam Jones, tất cả dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Red Auerback. Ngôi sao bóng rổ dễ gần này gọi tôi là "Cậu bé", còn tôi gọi ông là "Ngài Bob".

Nhưng những chuyến đi vòng quanh sân golf chỉ là một sự trì hoãn ngắn ngủi trước khi phải quay lại thế giới thực. Tôi kiếm được 100 đô-la nhờ mang gậy đánh golf, và đưa tất cả cho mẹ.

Nhưng gia đình tôi đang chìm dần vào cảnh tuyệt vọng. Tôi vẫn còn nhớ như in tất cả, không một tiếng cười đùa, không niềm vui, và cảm giác không thể nhầm lẫn rằng chúng tôi đáng lẽ không bao giờ nên bén mảng tới gần Lincoln Village. Cuối cùng, cả đại gia đình họp lại, cả bên mẹ tôi và bên cha tôi, và quyết định: "Chúng ta phải đưa lũ trẻ ra khỏi nơi chết tiệt này."

Vào một buổi sáng đẹp trời mùa xuân năm 1979, tất cả chúng tôi chuyển tới Cape Cod, nơi cha tôi vẫn có một căn nhà. Chúng tôi quay lại với ánh nắng mặt trời, trở lại với cuộc sống mà chúng tôi đã từng quen ở Bolton, tránh xa xó xỉnh hẻo lánh u ám của Worcester.

Khi tôi bắt đầu vào học tại trường cao đẳng Cape Cod tại Falmouth, tôi đang ở vị thế rất bất lợi, bị tụt hậu về tất cả các môn. Tôi bắt đầu vật lộn trong một cuộc chiến học đường để trở thành một sinh viên xếp loại C, cố hết sức để bắt kịp chương trình. Vào những năm cuối cấp, khi đã đến lúc cần đưa ra một quyết định về trường đại học, tôi hiển nhiên không được coi là một ứng viên cho một trường đại học hàng đầu.

Vậy bạn có thể hình dung ra sự ngạc nhiên của tôi khi một ngày nọ cha tôi xuất hiện và cho biết sẽ đưa tôi tới trường đại học ông đã từng theo học ở South Bend, Indiana. Notre Dame, ngôi nhà thiêng liêng của đội thể thao Fighting Irish, nơi có một trong những thư viện lớn nhất khu vực Bắc Mỹ, dưới đôi mắt quan sát của Touchdown Jesus trong bức phù điêu lớn hoành tráng đặt ở bức tường phía đông thư viện Memorial.

Ông đưa tôi tới tất cả những nơi nổi tiếng của trường, Hang Lớn, thư viện, đài tưởng niệm Rockne Memorial, nhà thờ Sacred Heart, khu nhà ăn phía nam trông như một cung điện và tất nhiên, sân vận động của trường. Lúc đó tôi đã nghĩ, và bây giờ vẫn vậy, đây hẳn là một trong những khu trường đại học tuyệt vời nhất thế giới.

Tôi rụt rè hỏi ông: "Nhưng tại sao lại là bây giờ? Tại sao đưa con tới đây muộn vậy? Con chắc không thể theo học được, không thể nào, sau những năm ở Worcester. Nếu bố muốn con tới đây học đáng ra con phải ở lại ngôi trường tại Bolton."

Kể cả những lúc cởi mở nhất ông vẫn là một người rất kiệm lời, và khi đón nhận câu nói của tôi, ông còn ít lời hơn lúc bình thường. Ông không giải thích gì thêm về ý định của mình. Và chúng tôi quay trở về nhà tại Cape mà không bàn gì thêm về tương lai thiếu học vấn của tôi. Tôi nghĩ cha biết tôi đã làm tất cả những gì có thể để lấy lại những gì đã mất tại trường học, nhưng không thể có khả năng tôi giành được một chỗ tại Notre Dame.

Khi chúng tôi về tới nhà, cha đặt tay lên vai tôi, quay tôi lại đối mặt với ông và nói bằng giọng nam trung ấm áp của ông: "Con trai, hãy nhớ điều này - đó không phải là nơi con bắt đầu mà là nơi con kết thúc". Tôi thường cho rằng ông nói chẳng khác gì một người con trai đầy tham vọng của một nhân viên phát thư - và về mặt này, có phần hơi giống John Wayne. Một sinh viên phải làm những gì một sinh viên phải làm.

Điều tôi phải làm là cố gắng đăng ký được vào một trường đại học được xếp hạng. Bất cứ hạng nào. Và cuối cùng tôi vào được Đại học Massachusetts tại Dartmouth.

Đây là một thành phố nhỏ ven biển nằm ở góc tận cùng phía nam của bang, nơi Đại Tây dương vỗ sóng lên những mũi đất của Cuttyhunk, hòn đảo cuối cùng trong nhóm đảo Elizabeth.

Trước khi tôi đăng ký theo học các khóa kinh tế tại Đại học Mass, tôi để cả mùa hè làm việc tại trạm xăng ở Falmouth, và nhanh chóng tạo nên một cuộc cạnh tranh quyết liệt với trạm xăng bên cạnh được phụ trách bởi một trong những cậu bạn thân trong khu của tôi, Larry McCarthy.

Cậu ta là một chàng trai khôn ngoan, dáng người như một tay đua ngựa chuyên nghiệp, nặng 54 kg và cao chừng 1 mét 52. Cậu ta luôn gặp rắc rối ở trường, thứ nhất vì cậu ta quá nhỏ con, thứ hai là người ta thường xuyên thấy cậu ta đọc tờ Wall Street Journal từ năm thứ hai ở trung học.

Nhưng cậu ta là một con quỷ nhỏ nóng tính, và chống trả dữ dội như một con cọp, sẵn sàng tung nắm đấm bất cứ khi nào nhận thấy bị coi thường. Tôi đã có dịp chứng kiến tận mắt cậu ta nóng tính đến mức nào khi cả hai chúng tôi cùng ở thế bị dồn vào chân tường hai mươi năm sau.

Cha cậu ta là Chủ tịch Ngân hàng, và ông gửi con trai mình vào trường Sacred Heart đắt đỏ. Ngay từ đầu, Larry đã được chuẩn bị cho một sự nghiệp tại Phố Wall. Cậu ta được tặng một chiếc xe hơi sau khi tốt nghiệp trung học và đăng ký vào Providence College để học kinh tế và quản lý doanh nghiệp.

Tôi đáng ra phải biết ngay từ hồi đó là cậu ta sẽ tiến xa, vì cậu ta là một đối thủ kinh doanh đáng gờm. Một tuần nọ công việc có vẻ im ắng quá, vậy là tôi giảm giá xăng 1 cent, chắc mẩm rằng các cư dân New England vốn nổi tiếng chi li sẽ hưởng ứng nhiệt tình. Tôi đã đúng, và trong vài ngày, tất cả thật tuyệt. Sau đó công việc lại đi xuống và tôi quay lại với tình cảnh ế ẩm.

Chẳng mất nhiều thời gian để tìm ra nguyên nhân. Bên kia đường Larry đã giảm giá xuống 2 cent và gần như lôi sạch khách hàng về mình. Kết thúc mùa hè năm đó chúng tôi vẫn là bạn, nhưng trong kinh doanh đã có một thứ tự được xác lập. McCarthy đã bứt lên trước.

Là sinh viên năm thứ nhất, tôi sống ở Falmouth cùng cha tôi và đi từ nhà tới trường hàng ngày mất nửa giờ. Điều này có lợi thế là tôi được tự do, tất nhiên trừ khoản xăng, và bất lợi ở chỗ tôi bị theo dõi sát sao bởi một nhà tài chính lành nghề, cho tới tận đêm khuya trong khi tôi cố gắng theo kịp chương trình. Cha tôi đã nỗ lực rất nhiều, có vẻ như ông muốn bù đắp lại quá khứ, và chúng tôi trở nên gần gũi hơn. Tôi nghĩ tôi bắt đầu thích ông hơn, như tôi đã luôn quý mến ông kể từ đó trở đi.

Nhưng khi tôi bắt đầu vào trường đại học với tư cách sinh viên chính thức, tôi đã trở thành một sinh viên thuộc tốp đầu, toàn điểm A, trong khi chuyên ngành của tôi là kinh tế, với kết quả có lẽ là tốt nhất trong lớp của tôi. Cha tôi xem tất cả với cái nhìn chăm chú đầy tập trung của một tay thiện xạ. Không bao giờ nói gì. Chắc ông nghĩ không cần thiết. Nhưng tôi dám cược rằng ông thầm biết tôi có thể thành công ở Notre Dame, nếu tôi có tiền đóng học phí.

Khi chúng tôi nói chuyện, chủ đề luôn là kinh doanh. Thỉnh thoảng về một thú vui khác, golf, cả hai chúng tôi cùng chia sẻ, nhưng cha tôi thường để những cây gậy làm thay phần nói. Mặc dù tôi nhớ có lần ông đã kể với tôi rằng ông đánh thành công một cú xa 18 mét vào lỗ thứ 5 tại câu lạc bộ dành riêng cho giới thượng lưu International Club tại Bolton.

Bãi cỏ của lỗ này có tiếng là lớn nhất của sân, rộng 120 mét có hình một cái bánh táo, vẫn được coi là không thể tiếp cận từ bất cứ phía nào. Cha tôi, tay golf cừ nhất trong số thành viên của câu lạc bộ, kể lại kỳ công đó một cách kiệm lời. Nhưng ông đã mô tả lại đúng như nó đã diễn ra, chính xác và trung thực, ủng hộ cái thiện chống lại cái ác, giống như một cảnh lấy ra từ bộ phim High Noon vậy.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro