Ao Trang Mua Thu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lá me lả tả rơi theo trận gió thu, rắc đầy con đường Hùng Vương đang ngập màu áo trắng.

Những tà áo lụa trắng thướt tha bay trong gió như đàn bướm dập dìu. Những chiếc áo sơ mi trắng tinh khôi, những đôi giày bata, những đôi đát. Những âm thanh huyên náo, tiếng cười đùa, chuyện trò tíu tít... tất cả đã làm nên cái không khí háo hức như mở hội của ngày khai trường.

Ngồi trên chiếc xe đạp nhỏ xinh xinh, Hoàng Hà đang sóng đôi cùng Trường Sơn hân hoan đến trường.

Chợt một cơn gió hất tung mái tóc mượt dài của Hoàng Hà. Con bé vội vã vén những mái tóc mai qua vành tai, không phiền hà, lại quay sang Trường Sơn cười thú vị.

- Ðúng là mùa thu, Sơn nhỉ?

Cậu con trai đang sức lớn, chân dài, gương mặt thông minh nhưng hiền hậu, ngước nhìn bầu trời đang ửng hồng với những đám mây bạc, ngớ ngẩn đáp lại:

- Sao Hà biết đó là gió mùa thu?

Hà dài môi, liếc Sơn:

- Vậy chứ mùa khai trường chẳng phải là mùa thu, có "lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàn bạc" là gì?

Sơn chậc lưỡi, đưa một tay lên vỗ trán:

- Chà! Hà nhớ dai quá chứ! Có phải là một đoạn văn trong bài "Tôi đi học" của thi sĩ Thanh Tịnh không?

Hà gật gật, mỉm cười:

- Ðúng, đúng! Trí nhớ của Sơn có kém gì Hà đâu nè!

Sơn nhún vai:

- Sơn lại thấy bây giờ là mùa mưa thôi. Hà không thấy đêm hôm, mưa dữ dội đến long trời lỡ đất hay sao?

- Ai không biết! Nhưng ngày nhập học, Sơn chẳng có chút xíu cảm xúc nào sao?

Làm sao Sơn chẳng có cảm xúc kia chứ? Ngày đầu tiên đi học, nhất là trường trung học, đâu riêng Hà, chính Sơn cũng cảm thấy "nôn nao khó tả" như cậu bé trong bài tập đọc Hà vừa nhắc đến.

Cảnh vật cũ vẫn thế, nhưng cái nao nao khó tả trong người đ@£ làm Sơn có cảm giác như chưa từng đi qua con đường cậu đã mòn chân in dấu.

Dường như hôm nay màu xanh của những hàng me già vốn đã cằn cỗi đang bừng lên sức sống của tuổi thanh xuân hay sao ấy! Chúng chỉ đợi đến mua thu lại rút lá lên người những cô cậu học trò, vui mừng trong ngày hội ngộ sau ba tháng hè xa cách. Rồi những chùm hoàng điệp rực vàng, màu hồng thắm của trúc đào ven hai bên đường cũng đang chào đón... tất cả đã làm nên những gì rất khó tả, không chỉ ở Sơn mà cả ở Hà nữa.

Cô bé thích thú cười luôn miệng:

- Sơn trông kìa! Hôm nay cái gì của học trò tụi mình cũng mới. Các bạn diện quần áo, tóc tai, cặp vở ... nhất nhất đều mới, đúng không?

- Và cảm giác đi học cũng mới nữa chứ! - Sơn thêm vào.

Hà che miệng cười:

- Chỉ có chiếc xe của Sơn là cũ xì thôi!

Trường Sơn nhìn xuống chiếc xe sườn ngang cà tàng của mình cười, nói:

- Chọc quê Sơn hoài.

Hà liếc nhìn Sơn hóm hỉnh:

- Tưởng đâu phần thưởng của ông thủ khoa ít ra cũng là một chiếc xe thật mới chứ!

Sơn cười tư lự:

- Ðáng lẽ thì như vậy, nhưng rủi ro cho Sơn, lúc này nhà Sơn... tài chính kẹt lắm.

Hà tròn đôi mắt nai:

- Sao vậy? Chỉ một đợt dừa thôi cũng đủ mua cho Sơn một chiếc xe tốt rồi mà!

Sơn gật đầu, có vẻ bối rối:

- Bình thường thì như vậy nhưng lúc này khác rồi Hà à!

Hà ngạc nhiên lắm:

- Khu vườn nhà Sơn vẫn mênh mông dừa là dừa. Có gì khác trước đâu?

Sơn thở ra, giọng nhỏ đi:

- Ba Sơn đã đốn trụi để trồng cam và nhãn rồi!

Hà suýt xoa:

- Uổng quá!

Hà nhíu mày vẻ suy tư, chợt con bé reo lên:

- Chắc ba Sơn đã tính kỹ rồi đấy chứ. Hôm trước Hà nghe nói nhà vườn ai cũng than dừa không có giá.

Sơn gật đầu:

- Ðúng rồi, hiệu quả kinh tế sẽ tăng nếu cam nhãn thay cho dừa.

Cậu có vẻ buồn:

- Phải chi ba Sơn đốn dừa phân nửa thôi ... Ðằng này ông làm cái rụp. Ðã không thu được huê lợi từ dừa mà còn phải bỏ vốn đầu tư cho những cây mới trồng... Mẹ Sơn chới với chứ chẳng chơi!

Hà nhớ đến bác Lâm, ba Sơn, một người đàn ông quắc thước. Tính tình ngay thẳng, cương quyết mà Hà rất mến mộ, Hà bênh vực:

- Bác Lâm làm như vậy cũng có lý do chính đáng chứ hả Sơn?

- Ừ, ba nói, làm gấp để không kịp lo cho Sơn vào đại học.

Hà toét miệng ra cười, hở mười cái răng trắng đều tăm tắp:

- Bác Lâm lo xa ghê!

Cổng trường trung học Nguyễn Ðình Chiểu hiện ra sừng sững. Lá quốc kỳ phấp phới trong gió. Pho tượng cụ Ðồ Chiểu như đang mỉm cười, vẫy tay mời đàn cháu nhanh chân đến trường.

Sân trường rộng thên thang. Chính giữa là hội trường rộng lớn, bốn dãy lầu dùng làm phòng học bao bọc xung quanh. Cây cỏ và những tàn phượng xanh um đã tạo cho sân trường vẻ thoáng mát, tươi đẹp kỳ diệu.

Trường Sơn háo hức xuống xe, mắt dán vào ngôi trường cậu đã yêu ngay từ khi chưa vào học.

Trong lúc Hà còn đang lúng túng. Con bé từ tốn bước chân ra khỏi nhà xe và dắt nó một cách cẩn thận, không để cát đất từ bàn đạp dính vào đôi tà áo quá đổi trịnh trọng. Dáng đi của Hà, do vậy, bổng trở nên dịu dàng quá đỗi!

Sơn quay lại chờ đợi. Cậu không thể không bỡ ngỡ trước những điều quá ư kỳ diệu nơi nhỏ bạn vốn liếng thoắng, tinh nghịch và hay bắt nạt mình nữa!

Bỗng nhiên Sơn thấy Hà lớn quá! Thật khác với con bé tóc đuôi gà mấy tháng trước đây, lúc hai đứa còn tranh nhau ôn thi chuyển cấp.

Ðến gần, Hà cười với Sơn như để chia niềm hân hoan được đến ngôi trường chúng hằng mơ ước thì Sơn lại càng lạ lẫm hơn vì đôi môi Hà tươi màu sơri chín, đôi má căng tròn, ửng hồng... Trời ạ! Cả đôi mắt của Hà vốn đã tròn với hàng mi đen nhánh, nay lại có vẻ mơ màng huyền hoặc ... tất cả như thôi miên, làm thằng bé đứng trơ như phổng.

Hà vô tình:

- Ði thôi, trễ rồi đó Sơn!

Sơn buột miệng:

- Tụi mình không còn học chung một lớp, buồn quá Hà nhỉ?

Hà nghênh mặt:

- Dữ nha! Bữa nay được học lớp chuyên rồi lại buồn vì không dở như Hà hả? Vừa thôi bạn ơi!

Sơn thản nhiên:

- Con gái mà học chuyên toán như Sơn thì khô khan lắm! Cứ học như vậy thì hay hơn Hà ạ!

Phải rồi. Bản tính mơ mộng như Hà làm sao học chung với Sơn được, Hà cũng buồn:

- Không học nhưng tụi mình vẫn đi chung một đường, cũng là an ủi rồi.

Giọng Sơn bỗng trở nên hào hứng:

- Thôi, đầu năm chúc Hà học giỏi ... rồi tụi mình sẽ vào đại học một lượt!

Hà liếc Sơn e ngại:

- Hổng dám một lượt đâu, Sơn học giỏi thấy mồ.

Sơn nhẹ giọng:

- Thì Hà cố gắng lên đi. Hà chỉ Văn cho Sơn. Toán có gì không hiểu, Sơn sẽ giảng cho Hà ... Lo gì tụi mình không vào được đại học?

Hà ậm ừ dắt xe, nhìn xe cộ hàng hàng lơp lớp chật ních nhà xe, ngán ngẩm. May thay Sơn đã đưa cặp của nó cho Hà rồi nhanh tay gửi cả hai chiếc vào đó một cách gọn gàng:

Hà nhăn mặt:

- Mới đến lớp ngày đầu mà Sơn chuẩn bị tập vở chi nhiều vậy?

Sơn nghiêm trang:

- Ở cấp ba, nhập học là vô chương trình liền. Sơn sợ về nhà bận bịu không chép bài lại được thôi.

- Tiết kiệm thời gian quá nhỉ. Hèn gì tụi nó đặt cho Sơn là Sơn "tiên sinh" là phải rồi!

Sơn cười xòa:

- Ừ, Sơn hà tiện lắm, không tiêu vặt, không lãng phí thời gian... như vậy có gì là xấu đâu Hà nhỉ?

Hà không kịp trả lời vì các bạn đã tề tựu dưới cờ cả rồi. Con bé cuống quít:

- Trễ rồi. Hà đi nhen!

Nó đi như nhón gót vì đôi giày đế cao. Ống quần vừa rộng vừa dài, bước đi của Hà tha thướt quá! Hèn gì đám con trai cứ ngoái cổ nhìn theo. Có đứa nào còn buông lời chọc ghẹo, nhưng Hà chẳng thèm nghe, cứ mải đi tìm chỗ sắp hàng của lớp mình.

Bỗng một cánh tay thò ra vẫy tíu tít:

- Lớp mình đây nè, Hoàng Hà!

Hà mừng rỡ:

- Ủa, Tú Anh! Tụi mình học chung một lớp hả?

Tú Anh kéo Hà vào hàng. Hai đứa nắm tay nhau thân thiết. Tú Anh thì thầm:

- Chỉ còn tao với mày thôi, không có ma nào của lớp mình cả!

Hà cởi mở:

- Vậy cũng được rồi, còn hơn bị bơ vơ giữa lớp mới.

Cả hai đứa bỗng cảm thấy thân thiết, mặc dù hồi còn học ở cấp hai, thỉnh thoảng giữa hai đứa mới có một câu chào!

Chẳng phải vì Hà không có tình đoàn kết mà là nhỏ Tú Anh thuộc gia đình giàu có, cậy thầy đến nhà kềm cặp, nó học khá giỏi và xem bọn Hà chẳng có ký lô nào cả.

Chẳng dè qua mấy tháng hè, con bé đã thay đổi, tay bắt mặt mừng với Hà như vậy. Giữa chốn đông người lạ đất, âu cũng là quý hóa với Hà rồi.

- Thấy có tên mày trong danh sách 10C3, tao mừng dễ sợ!

Hà cười tươi tắn:

- Ðầu năm tụi mình đã có bạn, không sợ bị ăn hiếp Tú Anh hé?

Tiếng loa phóng thanh vang vọng, thầy hiệu trưởng đang đọc diễn văn khai trường. Tú Anh kiễng chân lên ngắm vị thầy già, vốn có tiếng là lắm tài, nhiều đức... Bỗng con nhỏ chạm phải ánh mắt có vẻ tìm kiếm của Sơn, nó liền quay phắt lại trêu Hà:

- Ấy, vừa nghe mày nói sợ bị ăn hiếp, có người đã lo tìm mày để "bảo vệ" kìa!

Hà ngây ngô:

- Lớp nào đứng yên chỗ nấy, ai tìm đâu?

Tú Anh cười rúch rích:

- Người ta tìm bằng mắt, nhỏ khờ ạ!

Nó kéo tay, đưa hà đến đối diện tầm nhìn của Sơn.

- Ðó, đó... thấy chưa?

Hà bẻn lẻn, quay ngang:

- Tưởng ai! Sơn với Hà là bạn bè thân thiết, tại Tú Anh không biết đấy thôi!

Tú Anh nháy đôi mắt một mí to đen, xinh như con gái Nhật Bản, gật gù:

- Rất thân thiết nữa à? Ðấy, rõ là mày không lẽ loi ở trường này rồi! Hì hì! Vậy mà cũng giả đò than thở. Tội ghê!

Tiếng chuông vào học đã cắt ngang câu chuyện còn chưa ngã ngũ của hai cô bé.

Tú Anh vui vẻ:

- Ê! Thầy hiệu trưởng biết điều quá hen! Nói vắn tắt như vậy tao chịu đó! Bài diễn văn mà dài chắc tụi mình phơi nắng đã luôn!

Hà dợm bước thì Tú Anh la ơi ới:

- Ðợi tao với!

Thì ra trong lúc kiễng chân quan sát "hiện trường", chiếc giày bên phải của Tú Anh đã trật khỏi gót, lính quýnh thế nào mà nó gài mãi không vô.

Hà chắc lưỡi:

- Ðể Hà làm cho! Nhanh lên! Mình lại vào lớp trễ cho coi:

Tú Anh bướng bỉnh:

- Ðầu năm mày sợ gì!

Xui cho Hà, quai giày của Tú Anh đã yên thì tới phiên con nhỏ... nhón! Chả là vì Tú Anh hơi lùng nên nó mang đôi giày cao một tấc vào. Kết quả là khi bạn bè ai đã vào chỗ nấy thì hai đứa mới lùm đùm vào lớp.

Nóng ruột vì chờ đợi lời mở đầu của cô chủ nhiệm đã lâu. Một đứa mát mẻ, nói to:

- Xin hai công chúa nhanh chân dùm!

Hà xấu hổ đỏ mặt, nhanh chân ngồi vào chỗ trống ở bàn thứ ba. Còn lại Tú Anh cứ thong thả ngồi tận bàn cuối.

Cũng may thay, cô chủ nhiệm lớp Hà còn rất trẻ, có lẽ là mới ra trường.

Nếu không mặc áo dài màu và trang điểm chút phấn son thì tụi nó đã lẫn lộn với nữ sinh trong trường rồi.

Tuổi trẻ nên dễ cảm thông. Ðứng chờ hai "công chúa" sốt ruột vậy mà cô chỉ mỉm cười không nói. Rồi cô bắt đầu câu chuyện đầu năm với lớp, phân chia tổ, nhóm, bình bầu lớp trưởng, lớp phó, tổ trưởng và các trưởng phó ban cán sự lớp, sau cái công việc đầu tiên rất khó nhọc là sắp đặt chỗ ngồi cho tụi nó.

Mặc cho cô tách rời. Tú Anh thấp bé ngồi bàn trên, Hà chân dài một chút phải ngồi bàn dưới, Tú Anh cứ một mực kêu nài cho được ngồi gần bên Hà mới thôi.

Không dè dãy bàn của đám con trai sau lưng Hà nhiều chuyện hết biết.

Hai đứa vừa ổn định chỗ ngồi bèn có tiếng xì xào:

- Hoàn Châu công chúa, Tử Vy công chúa ngự giá ở đây, tụi bây liệu hồn đừng có quậy nhe! Ðám con trai cười phụ họa.

- Vạn tuế nhị vị công chúa. Thiên, thiên tuế!

Tú Anh cũng chẳng vừa, trừng mắt nhìn cái tên phát biểu "linh tinh" vừa dài môi ra "xí" một tiếng dài thòng!

Lại có tiếng thì thầm:

- Nhờ vậy mới được tận mắt diện kiến dung nhan Hoàng Châu công chúa đấy chứ!

Tú Anh nổi cáu, nói to cốt để tụi con trai nghe rõ.

- Xêkô ở đâu cũng có, bực bội ghê!

Cái mỏ của thằng nọ kịp thời tốp lại. Không ngờ Hoàn Châu công chúa tung chiêu lợi hại, đánh trúng ngay cái mỏ nhọn Xêkô của nó. Lập tức có người ủng hộ ngay:

- Ê, stop cái mỏ Xêkô lại, cô đang dặn dò kìa!

Ðúng là cô chủ nhiệm đang nói những lời từ biệt để tụi nó bước sang tiết học khác.

Không ngờ thầy dạy hóa học làm việc rất quân sự. Cứ một hai là vô chương trình cái rụp. Chẳng đứa nào còn có cơ hội đôi chối nữa!

Ðầu năm đầu tháng, tinh thần học tập của tụi nó có thừa. Ðứa nào đứa nấy nghe thầy giảng không sót một câu! Bài chép trong vở còn nắn nót ghê lắm!

Tụi nó tràn ngập trong hạnh phúc của ngày đầu tiên đến trường, mở đầu thời kỳ đẹp nhất của đời học sinh trung học. Cái thời mà tụi nó bắt đầu lớn, bắt đầu mơ mộng ngoài cửa lớp.

Tan học rồi thấy Hà còn ngồi ghi ghi, chép chép, Tú Anh sốt ruột giục:

- Về thôi Hà ơi! Siêng dữ vậy?

Hà ngước khuôn mặt đỏ hồng vì nắng trưa lên, bảo Tú Anh:

- Tú Anh về trước đi, Hà không muốn mất thời giờ chép tới chép lui bài vở đâu!

Tú Anh tròn mắt:

- Sao vậy? Ở nhà mày bận lắm hả?

Hà lắc đầu, lại tiếp tục cắm cúi viết.

- Không! Thời gian ấy để học và làm bài hợp lý hơn.

- Ý kiến hay! Nhưng như vậy thì phi đi tuổi trẻ đấy!

Hình như Hà không nghe được lời nói sau cùng ấy, nó cứa thản nhiên gạch dưới những tiêu đè, viết bằng mực đỏ đàng hoàng.

Tú Anh tròn mắt:

- Sao vậy? Ở nhà mày bận lắm hả?

Hà lắc đầu, lại tiếp tục cắm cúi viết.

- Không! Thời gian ấy để học và làm bài hợp lý hơn.

- Ý kiến hay! Nhưng như vậy thì phi đi tuổi trẻ đấy!

Hình như Hà không nghe được lời nói sau cùng ấy, nó cứa thản nhiên gạch dưới những tiêu đè, viết bằng mực đỏ đàng hoàng.

Hà ơi! Về thôi!

Hà xua tay:

- Về trước đi, một chút nữa Hà mới về!

- Ủa, Hà còn đợi ai nữa?

Hà ngước lên vì giọng nói thân quen ấy rồi toét miệng ra cười:

- Sơn mà Hà lại ngỡ là Tú Anh chứ!

Sơn ngồi xuống ghế đối diện với Hà và thản nhiên nói:

- Hà làm gì cứ làm đi, Sơn đợi.

Hà xếp tập cất vào cặp, vội đứng lên:

- Xong rồi, Sơn à!

Sơn sực nhớ việc phải làm, hối hả bảo Hà:

- Hà đưa thẻ để Sơn lấy xe cho! Tụi lớp chiều đã kéo đến rồi kìa.

Hà nhìn theo Sơn, nói với theo:

- Nhanh lên, Hà chờ đấy!

Nhờ Sơn gửi và lấy xe dùm, nên chiếc xe không làm bộ áo quần trắng của Hà lấm bụi chút nào. Chiếc nón mây điểm ít hoa vải xinh xinh càng làm cho Hà duyên dáng hơn. Hai chiếc xe song song bên nhau. Chợt Sơn thả lỏng bàn đạp để cho chiếc xe lùi sau Hà một chút rồi vọt lên trên, vui vẻ bảo Hà:

- Trông Hà giống "cô nữ sình bướng bỉnh" ghê!

Hà giận dỗi:

- Sơn làm như hà dữ dằn lắm vậy!

Sơn bật cười:

- Không phải. Sơn thấy Hà lớn phỗng, giống "cô" rồi đấy chứ!

Hà nghiêng mặt cười duyên với Sơn:

- Hà lớn rồi chứ bộ, để mình Sơn người lớn thôi sao?

Hai đứa lặng thinh, bâng quơ nhìn những chiếc lá khô bị gió đuổi trên đường.

Chợt Sơn quay sang Hà hớn hở:

- Suýt chút nữa thì quên! chiều nay Sơn đem ghe rước hà với Giang qua nhà Sơn chơi nhe!

- Hả? Chi vậy?

Sơn tươi cười:

- Ðám giỗ ông nội. Năm nay má Sơn làm đơn giản, chỉ dám mời hai chị em Hà sang ăn bữa cơm gia đình thôi.

Hà reo lên:

- Hay quá! Hà cũng đang muốn sang nhà Sơn xem vườn tược thay đổi ra sao.

Sơn dặn dò:

- Ðúng ba giờ chiều, Sơn đợi ở bến đò cũ, nhớ đừng quên áo mưa đấy.

Hà nguýt Sơn:

- Sơn lo xa quá, làm như Hà là em bé không bằng!

Sơn quẹo lên đường Trưng Trắc chạy thẳng. Hà đổ xuống Lý Thường Kiệt về nhà, bộ mặt tươi rói dắt xe vào cổng.

Thằng Giang vừa thấy mặt chị nhảy bổ ra khoe, giọng hí hửng:

- Chị Hai, xem nè!

Nó đưa lên cao, một người máy điện tử.

- Ở đâu Giang có, mẹ mua cho hả?

Giang hãnh diện:

- Bạn của ba tặng. Xem đây!

Nó đặt gã người máy xuống đất, tức thì nó chuyển động, khoa tay múa chân như sắp lâm trận.

Hà nhìn qua, hứ nhẹ:

- Món đồ chơi này bạo lực quá! Chỉ làm người ta thích đánh nhau thôi, chị không thích!

Giang ôm chú người máy vào lòng ra chiều yêu quý:

- Tại chị không có, lấy gì mà thích!

Hà làm mặt giận:

- Mày nói như vậy thì chiều nay đừng hòng đi theo tao sang bác Lâm ăn giỗ nữa!

Giang nghệch mặt ra, rồi xuống nước:

- Cho em đi với chị Hai! Rồi em sẽ cho chị chơi chung!

Hà dựng xe, hầm hứ:

- Xí! Bộ mày tưởng tao ham thứ đó lắm sao mà dụ!

Giang quay sang mẹ nó đang từ trong nhà đi ra, vòi vĩnh:

- Má! Chị Hai không cho con sang cồn thăm bác Lâm nè!

Bà Quân ngạc nhiên:

- Bác Lâm bệnh hay có chuyện gì mà sang ấy Hà?

- Bác Lâm rủ con sang đấy ăn đám giỗ má à!

- ...

Bà dặn thêm:

- À, nhớ mang hộp bánh má để trên đầu tủ chén, mua thêm bó nhang sang cúng bàn thờ nhé!

Chị em Hà "dạ" rân. Mẹ Hà cởi mở:

- Ngày trước bác Lâm và ba con cùng đơn vị và thân nhau lắm. Chẳng hiểu sao hòa bình rồi bác lại về quê, không chuyển ngành làm việc nữa!

Thằng Giang hớt lẻo:

- Chắc tại bác ấy không muốn làm giám đốc như ba thôi, phải không chị Hai.

Hà trợn mắt ngó Giang:

- Ba làm giám đốc hồi nào đâu? Dóc không hà!

Thằng Giang không bỏ lỡ dịp khoe:

- Hỏi má xem! Sắp tới má còn mở tiệc mừng ngày ba lên chức nữa đấy!

Hà nhoẻn miệng cười thật tươi:

- Thật không má?

Bà Quân phấn chấn:

- Phải rồi! Ba con được đề bạt làm giám đốc một tuần rồi!

Hà cũng sung sướng không kém:

- Vậy mà má giấu con!

Bà Quân xởi lởi:

- Thì trước hay sau gì con cũng biết, vội vàng gì mà khoe.

Hèn gì trong nhà Hà gần đây sung túc hẳn lên. Bánh trái, đồ chơi người biếu liên tục. Chung quy cũng do ba làm giám đốc ngành giao thông vận tải tỉnh nhà ...

Thằng Giang hứng chí:

- Ba làm giám đốc thật là oai! Ði đâu cũng có xe hơi đưa rước. Sướng thật má hả?

Mẹ Hà nghiêm giọng:

- Không phải như vậy đâu, mà là bận bịu lo toan. Con không thấy ba vắng nhà luôn đó sao? Má thì phải đi làm. Tụi con liệu mà lo học hành cho tử tế nhé!

Hà ngoan ngoãn:

- Dạ, tụi con hiểu rồi, má đừng lo.

Giang kéo tay chị, giọng náo nức:

- Ăn cơm đi chị Hai! Bữa nay má đãi mình thịt gà quay đó, đã không?

Hà khoái chí hít hà:

- Hèn gì! Thơm quá là thơm!

Quả là bữa ăn ngon hiếm hoi của gia đình Hà từ xưa đến nay. Lúc nào ba, má Hà cũng phải tiết kiệm mới có đủ tiền lo cho chị em Hà "ăn trắng mặc trơn", học hành đến nơi đến chốn như vậy.

Hôm nay thì khác. Hà có cảm giác như một tương lai tươi sáng đang chào đón chị em cô, khi ba đã làm một giám đốc! Quả là một niềm vui to lớn đối với Hà, một hạnh phúc mà Hà chưa bao giờ dám mơ đến...

Hà vui lắm! Cô bé ăn một lúc ba chén cơm, bụng to kềnh lên, mắt híp lại.

Vừa ngả lưng lên giường, chợp mắt chưa được bao lâu thì thằng Giang đã réo bên tai Hà:

- Dậy, nhanh lên chị Hai. Ba giờ rồi!

Hà mắt nhắm mắt mở bật dậy. Nhớ lời hẹn với Sơn, con bé quýnh lên:

- Trời ơi! Vậy mà mày không kêu tao dậy sớm hơn một chút nữa.

Tiếng máy nổ giòn. Chiếc ghe rẽ sóng bắng ngang sông Cửu Long với tốc độ vừa phải, từ tốn như bản tính cẩn thận vốn có của Sơn.

Giang và Hà ngồi xổm trong lòng chiếc ghe khá lớn, thích thú nhìn những đám lục bình dập dềnh theo sóng nước. Thỉnh thoảng một vài chiếc tàu chạy ngang qua mũi lái của Sơn làm sóng cuộn lên, chiếc ghe bồng bềnh, nước văng tung tóe vào người chúng nó. Thằng Giang thích thú cười khanh khách, chỉ vào đám hoa tím, đang bị sóng dập vùi, nói to:

- A! Hoa mọc dưới nước, ngộ ghê chị Hai!

Hà gật đầu trông theo:

- Ừ, màu tím buồn buồn tội tội làm sao, Giang há!

Giang cười rộ lên:

- Không chừng chị còn làm bài thơ tặng hoa nữa à!

Nó quay sang nói với Sơn:

- Chị Hai em có tâm hồn thi sĩ cùng mình, anh Sơn há?

Sơn không nghe rõ vì ngồi cạnh chiếc máy nổ ầm ĩ bên tai, nhưng cũng nhìn theo đám lục bình mỉm cười. Không biết nó trôi về đâu, giống như lãng tử lang thang vậy.

Thằng Giang bỗng đứng lên, reo to:

- Ðến nhà bác Lâm rồi, chị Hai!

Mái ngói đỏ tươi của nhà Sơn nổi bật dưới vòm trời xanh, không còn khuất lấp bởi những hàng dừa cao tít tắp, trĩu quả nữa rồi.

Hà chép mìệng:

- Ðúng là nhà Sơn thay đổi nhiều quá!

Sao bác Lâm lại can đảm đốn trụi mấy công vườn dừa nặng trái vậy nhỉ? Hà buộc miệng nói:

- Tiếc thật! Bác Lâm đốn không còn một cây dừa làm thuốc nữa!

Thằng Giang tò mò:

- Bác Lâm đốn dừa làm gì vậy chị Hai?

- Ðể trồng cam, trồng nhãn, có tiền nhiều hơn, hiểu không?

Thằng Giang khoái chí:

- Bác Lâm làm như vậy là đúng đấy! Mai mốt sang đây, chị em mình tha hồ bẻ nhãn mà ăn, phải không anh Sơn?

Sơn cười tươi:

- Cho Giang ăn no mới về, chịu không?

Nói rồi Sơn tắt máy cho ghe từ tù cặp vào. Bến là cây cầu xi măng đưa ra mặt sông. Chiếc ghe tròng trành một chút, Sơn không chậm trể chống cây sào bằng nứa xuống nước, rồi bảo Hà:

- Hà lên trước rồi đến Giang. Nhanh lên nhé! Má Sơn đợi hai người nãy giờ đó!

Hà dắt em bước lên cây cầu rợp bóng bần mát rượi, hăng hái đi vào khu vườn trống trơn. Sơn đi sau, tay xách giỏ thay cho Hà.

- Còn bác Lâm trai không có nhà hả Sơn?

- Ðấy! Ba Sơn đang bắt sâu bên mấy nhánh cam kìa!

Theo tay chỉ của Sơn, Hà thấy đúng là bác Lâm đang cặm cụi tỉa lá bắt sâu cho mấy cây cam non, cao chưa đầy một mét. Những hàng cam, hàng nhãn xen nhau, thẳng tắp, màu xanh của lá óng ánh dưới nắng chiều, ngập tràn sức sống. Bác Lâm thật là người làm vườn giỏi. Chỉ nhìn những bắp thịt ở cánh tay ông thì rõ, nó cuồn cuộn, gân guốc, rắn chắc. Tất cả đều dành để tước trên mảnh vườn tươi tốt.

Cả hai chị em hà rạp mình thưa to:

- Thưa bác con mới qua!

Ba Sơn ngước lên, khuôn mặt chữ điền cương nghị cười hiền hậu:

- Chào các cháu! Vào nhà nhanh kẻo nắng. Bà ấy nhắc các cháu nãy giờ đó.

Hà ngập ngừng:

- Bác cũng vào nhà chứ?

Ba Sơn chậm rãi:

- Bác ở ngoài này, các cháu cứ tự nhiên!

Rồi ông tiễn bọn trẻ bằng nụ cườ khuyến khích. Hiểu ý ba, Sơn bỏ nhỏ:

- Ba Sơn muốn Hà với Giang tự do, thoải mái. Mình vào nhà đi!

Không ngờ bà Lâm đã ra cửa tíu tít đón chúng nó đến.

- Chao ơi! Lúc này bé Hà lớn quá, dễ thương bác nhận không ra nữa là ...

Hà cười bẻn lẻn, mặt càng đỏ lựng lên vì câu khen ngợi của má Sơn:

- Con của anh Quân, chị Hân có khác, xinh đáo để là xinh! Cả Giang nữa, con trai mà da trắng nõn, thật là dễ thương!

Giọng nói của bà Lâm ngọt ngào, ánh mắt chân chất của bà nhìn hai chị em Hà thân thiết dường nào!

Từ căn nhà cổ, nền đất, vách thưa đến bộ quần áo bà ba giản dị b à Lâm mặc trên người ... tất cả đều mang vẻ thiếu thốn nghèo nàn, duy chỉ có tình cảm dành cho chị em Hà là chan chứa.

Bao giờ cũng vậy, bà quan tâm, thăm nom từ đứa, nhất là với Hà.

- Sơn và Hà năm nay vẫn còn học chung phải không?

Sơn đỡ lời mẹ:

- Dạ tụi con học chung một trường nhưng khác lớp, má à!

Bà Lâm cười chất phát:

- Vậy là quý rồi, ráng đi! Chừng nào hai đứa vào đại học là bác mở tiệc ăn mừng cho coi!

Sơn cười toe toét:

- Còn lâu mà má.

Bà Lâm dắt ta Giang đi vào trong. Mâm cỗ đã đầy. Hà tinh tế hơn thắp nén nhang cho người quá cố và đặt gói bánh lên bàn thờ. Xong, con bé rón rén theo sau.

Mẹ Sơn biết ý, luôn miệng dặn dò:

- Tụi con phải ăn tự nhiên như ở nhà đấy nhé! Bánh xèo này, món của Hà thích, bác mới chiên xong, còn nóng đấy, ăn đi ... món càri này là của bé Giang phải không? Bác còn nhớ lần trước sang đây, nó giận dỗi vì phần quá ít mà, phải không?

Bà Lâm cười nói xởi lởi, vui vẻ lắm.

- Sơn gắp thức ăn cho Hà đi! Ái chà! Con gái lớn, biết e lệ rồi đấy!

Trước mặt Hà, Sơn bỗng trở thành anh con trai rắn rỏi, có cái vẻ gì đó rất người lớn, không còn là thằng Sơn hôm nào nữa. Tự nhiên con bé thấy e dè, nửa như ngượng ngập trước ánh mắt nhiệt thành của Sơn.

Mẹ Sơn nhắc lại:

- Ăn mạnh đi chứ, Hà! Về đến nhà không được than là đói bụng đâu nhé!

Bà Lâm vui vẻ hỏi thăm gia đình, cha mẹ Hà - Giang. Biết ba chúng được thăng quan tiến chức, bà Lâm mừng ra mặt.

- Ra vậy. Mừng cho ba má các con đấy! Còn ba thằng Sơn an phận rồi. Chừng đám nhãn này có trái, hai bác nghỉ dưỡng già cũng vừa.

Bữa cơm đã tàn mà câu chuyện bác cháu vẫn còn rôm rả. Chỉ thằng Giang háo hức muốn ra vườn leo trèo nên đi rửa miệng. Nó nói liền:

- Bác Lâm ơi! Cho tụi con ra vườn chơi một lát nghen!

Bà Lâm nhìn ra khu đất trống trải, có vẻ buồn:

- Vườn của bác chỉ còn dăm cây mận thôi, có gì vui nào?

Thằng Giang vẫn một mực:

- Con thích mận lắm chứ! Con đi với anh Sơn nha bác!

Không đợi bà Lâm đồng ý, nó đã khoát tay Sơn chạy biến ra mé bờ sông. Chỉ một lát đã nghe tiếng hú hí:

- Chị Hà ơi! Ra ăn mận nè!

Hà nôn lắm nhưng nó phải phụ bà Lâm gọn dẹp bát đĩa xuống sân rửa chén. Cũng may bà Lâm rất tinh tế. Thấy con bé nhấp nhổm bà liền chìu ngay:

- Cứ để cho bác rửa. Con ra chơi với em đi!

Hà chỉ chờ có thế. Nó "dạ" rồi ù chạy ra gốc mận, nơi Sơn và thằng Giang đang ngồi vắt vẻo trên cành, miệng vừa nhồm nhoàm nhai mận vừa vứt hột lủm bủm xuống sông. Thấy Hà, nó reo lên:

- Leo lên đây chơi, chị ơi!

Nhưng Hà lắc đầu, rút cổ. Cây cao thế chẳng có cách gì lên được. Nó ngồi phệt xuống gốc nói nhóng lên:

- Ngồi đây hóng gió ngắm tàu bè qua lại sướng hơn.

Hà vừa dứt câu thì Sơn từ trên cây tụt xuống sau lưng Hà, đang kêu to:

- Xuống đây vui hơn, Giang ơi!

Hà quay lại đụng phải chùm mận đỏ au trên tay Sơn.

- Cho Hà nè! Mận hồng đào ngọt lắm!

Hà suýt xao nhìn những trái mận no tròn:

- Mùa này hết mận rồi, sao Sơn bẻ hay vậy?

Sơn tươi cười:

- Chùm mận này Sơn để dành chờ Hà hôm nay đó.

Con bé đỡ lấy, sung sướng nói:

Hay mình để dành làm qua cho ba má, Giang nhỉ?

Sơn khuyến khích:

- Cứ ăn đi, phần của bác đã có má Sơn lo rồi!

- Vậy thì tụi mình "ùm"!

Hà chia cho Sơn và Giang mỗi người hai trái. Cả bọn nhai rau ráu, nghe như bắp rang.

Hà có vẻ thú vị:

- Sơn có chỗ học bài lý tưởng thật!

Sơn cười mủm mỉm:

- Ừ, lý tưởng đến nổi Sơn chống trả quyết liệt cũng không chống nỗi cơn buồn ngủ. Chỉ mấy người có tâm hồn thơ thẫn là hợp thôi.

Thằng Giang lí lắc:

- Ai chứ chị Hà em có sẵn túi thơ trong người, lâu lâu bể "bọc" ai cũng sợ hết trơn.

Hà đỏ mặt, "cốc" vào đầu em một cái vì cái tội dám khai xấu nó. Chẳng dè đau quá hóa rồ, thằng Giang gân cổ lên tố cáo:

- Chứ lúc trước, không phải đêm nào chị cũng "đúm tùm lai", muốn trôi cả em hay sao?

Sơn được dịp cười chảy cả nước mắt. Tiếng cười càng làm cơn tức của Hà lên đến cực điểm. Con nhỏ đỏ mặt gầm lên:

- Cái thằng này!

Nhưng thằng Giang không để chị đánh lần nữa, nó thót ngay lên cành mận, miệng nhe cổ rút:

- Í, bà chằn kìa!

Không làm gì được thằng em, Hà nổi cáu nhặt đá ném lên cành cây. Thằng Giang được thể cười lên như chuột rúc.

Ðã nư rồi, Hà ngồi phịch xuống gốc mận, lầu bầu:

- Ðừng mong chị mày cho mận ăn nữa! Ôi ngon quá! Chua chua ngọt ngọt, đã ơi là đã!

Chẳng hiểu bằng cách nào thằng Giang lại chuyền sang được cây sơri Sơn đang leo trên ấy. Nó vặt những trái sơri còn xanh lè bỏ vô miệng, chép miệng:

- Chua quá, quá chua anh Sơn há?

Hà lờ đi, miệng rau ráu miếng mận vừa ngọt vừa thơm. Chẳng dè hết thức ăn rồi, cái miệng Hà bắt đầu hoạt động trước tiếng chép muốt rát tai của hai tên con trai nghịch ngợm.

Sơn lên tiếng:

- Ăn không? Sơn bẻ cho, Hà!

Hà lắc đầu quay phắt đi, nuốt nước miếng đánh ực một cái.

Thằng Giang reo hò:

- Chị Hà thua rồi! Hoan hô! Chị Hà thèm chảy nước miếng kìa!

Hà quay lên, trợn mắt:

- Chảy nước miếng hồi nào?

Ðụng phải bộ mặt nhăn như khỉ đang "chép, chép" của thằng bé, Hà giận nuốt nước miếng lần nữa, sửa soạn mở đài. Bỗng đâu Sơn nhảy vào xin giảng hoà bằng những trái sori tròn trịa, đỏ tươi.

- Thôi xin can. Ðây là lễ vật mong tiểu thư xá tội cho!

Hà bật cười thích chí, nhưng tính con bé vốn thích làm nư, nó ngoe nguẩy:

- Chọc quê tui đã rồi xí huề hả! Ðâu có được!

Con nhỏ ngồi xuống mô đất, bỏ gối nhìn trời ... hiu quạnh.

Sơn bối rối, sà xuống bên Hà năn nỉ:

- Bỏ qua đi Hà, giống sơri Gò Công này ngon lắm!

Nó cầm tay Hà, đặt vào đó những trái sơri đỏ tươi.

- Ðừng giận Sơn nữa nhe.

Bàn tay Sơn nóng hổi, Hà có cảm giác như có luồng điện chạm vào tay nó. Con bé rụt tay lại, thoáng thấy ánh mắt long lanh của Sơn nhìn mình bối rối.

Hà đánh trống lảng:

- Nhà Sơn trồng cây gì cũng tốt hết. Giỏi ghê!

Sơn gật đầu:

- Ba Sơn rất thích làm vườn. Bởi vậy sau này Sơn cũng chọn ngành nông làm để phụ giúp gia đình.

- Hà hóm hỉnh:

- Chừng ấy, khu đất này sẽ xum xuê cây trái, thành vườn "địa đàng" Sơn há?

Sơn đỏ mặt:

- Không dám mơ như vậy đâu ... nhưng có lẽ nó phải tốt đẹp hơn bây giờ chứ!

Hà ngắm Sơn, buột miệng:

- Sơn có triển vọng lắm đó. Dám trở thành một kỹ sư đại tài đấy!

Sơn vẫn còn đỏ mặt, nhưng cậu nghiêm trang hơn:

- Dù sao thì Sơn cũng phải cố gắng học! Cực khổ vất vả lắm nhưng ba chỉ mong Sơn được như thế!

Lý tưởng của Sơn hình thành sớm quá. Chính Hà cũng chưa biết sau này nó định làm gì nữa! Giọng Sơn nhẹ nhàng:

- Sơn cũng mong tụi mình cùng vào đại học cho có bạn, Hà cố gắng lên nhé.

Ước mơ của Sơn thật xa vời, Hà chỉ ậm ừ cho qua. Với con bé, thời học sinh là hoa là bướm, Hà chỉ muốn được sống với bạn bè, với thầy cô, sách vở mãi như vậy thôi.

- Còn lâu quá, tụi mình mới vào lớp mười mà!

Sơn cười:

- Vậy chứ nó tới mình lo không kịp đó!

Hà chợt nhìn thấy những vệt nắng chiều yếu ớt, lấp lánh trên sông. Thằng Giang cũng vừa chạy tới, thúc hối:

- Mình về đi chị Hai, gần tối rồi đó.

Hà đứng lên, chép miệng:

- Nhanh thật! Mới đây mà đã chiều rồi!

Sơn gật đầu:

- Ừ, hai người về kẻo hai bác lại trông!

Thằng Giang đã chuẩn bị sẵn, hành trang là cái giỏ nặng trĩu.

- Bác Lâm đã gởi về cho ba má đấy chị Hai!

Hà lật đật chào bác Lâm rồi mới về. Bà Lâm lưu luyến tiễn hai chị em ra tận bến sông, dặn dò:

- Chủ nhật rảnh rỗi nhớ sang bác chơi nhé!

- Vâng ạ!

Chúng nó "dạ" vang, và vẫy chào khi Sơn cho thuyền rời bến. Chiếc cầu, cây bần rồi khu vườn nhà Sơn lùi lại đằng xa, sau những con sóng mên mông phù sa.

Sang bên này là những dinh thự, những cao ốc. Người và xe cộ ồn ào. Thằng Giang chắc lưỡi:

- Tưởng tối, ai dè bên này sáng trưng chị Hai hén?

Hà gật đầu, mắt còn hướng sang bên kia bờ sông:

- Ừ, bên vườn cây cối um tùm trời tối mau có gì lạ đâu!

Ðặt giỏ trái cây lên bờ, Hà vui vẻ:

- Cám ơn Sơn nhiều, tụi Hà về nghen!

- Ừ, hẹn sáng mai gặp lại.

- Ừ, đến sớm nhen Sơn!

Sơn vẫy tay, cho ghe lùi xa bờ. Hà còn nhìn theo bóng chiếc ghe nhấp nhố trên sông, thằng Giang sốt ruột:

- Về mau đi! Xích lô đến, em kêu nha chị Hai!

Hà nhắc cái giỏ. Không ngờ nó nặng kinh khủng.

Thằng Giang tiếp tục dèm pha:

- Ðủ thứ đồ ăn: nào mận, bánh ú, bánh ít tùm lum. Chị xách không nổi đâu.

Ði xích lô tốn tiền lắm! Hai chị em mình thay nhau xách không được sao?

Mặt thằng Giang chảy ra:

- Vậy mà cũng là con giám đốc, chán thật!

Hà gật gật:

- Phải! Ba đi xe hơi thì mình cũng đi xích lô được thôi! Xích lô kìa, kêu đi.

Nhờ đi xe, cả hai về đến nhà rất nhanh. Hà nhìn cánh cổng mở toang, dặn em:

- Nhà có khách, mình đi vòng ngã sau nghen!

Thằng Giang rón rén nhìn vào cửa sổ. Ba nó đang tiếp khách. Nghe ngóng một hồi, nó chạy một mạch xuống bếp giọng hồ hởi:

- Ba sửa soạn cất nhà chị Hai ơi!

Hà nhíu mày:

- Tiền đâu mà cất nhà? Có nghe lộn không đấy?

Thằng Giang gân cổ lên cãi:

- Em nghe rõ ràng mà. Ba xây nhà lầu đàng hoàng. Chị không tin thì thôi!

Hà bán tín bán nghi hỏi mẹ:

- Thằng Giang nói ba đang bàn chuyện cất nhà có không má?

Mẹ nó cười, có vẻ náo nức:

- Nhà mình sắp sập đến nơi, ba tính vậy là đúng rồi!

Hà nhảy cẩng, reo lên:

- Tụi mình sắp có nhà mới để ở rồi, sướng quá. Má xây cho con một phòng riêng, đầy đủ tiện nghi con mới chịu nhé!

- Xây cho con một phòng nữa!

Mẹ chúng nó gắt lên:

- Gớm, chưa chi tụi bây đã nhăng lên rồi! Không thấy ba má rối cả ruột gan lên hay sao?

Thằng Giang vẫn cứ rộn lên chuyện xây phòng cho đến khi ba nó tiễn khách, tay cầm tờ giấy vẽ sơ đồ căn nhà mới, bảo mẹ nó:

- Mình ngồi xuống đây, tôi bàn một chút coi!

Không bảo cả Hà lẫn Giang đều vây quanh nghe câu chuyện và bàn giúp.

Cuối cùng thì cả nhà đều thống nhất xây một căn nhà hai tầng. Trong ấy đáp ứng mọi yêu cầu của tụi nó... Ai cũng vui, chỉ có mẹ Hà là lo lắng.

- Tốn tiền nhiều quá ông ạ. Tiền đâu mà xoay cho đủ đây?

Ba nó cười ung dung:

- Tôi đã trù liệu cả rồi. Có thiếu thì nhà thầu chỗ quen biết họ giúp đỡ. Bà lo làm gì cho tốn sức.

Hà vừa được mẹ may cho bộ pyjama bằng phi bóng, màu hồng rất ngọt.

Mặc lên người, Hà thích thú nhìn bóng mình trong gương: Ôi, chẳng phải là Hà! Con bé hai bím nào đó xinh ơi là xinh, lại lớn rồi chứ!

Hà cười với mình. Niềm vui len nhẹ vào lòng. Chẳng phải là nó hạnh phúc lắm sao? Ðẹp gái, con nhà giàu. Chỉ học chưa giỏi lắm thôi... những đã được mẹ cưng, thầy yêu, bán quý rồi còn gì?

Mới hơn nửa năm học, Hà đã có thêm nhiều bạn bè, có thêm nhiều niềm vui mới. Cuộc sống của Hà bây giờ thật tốt đẹp.

Còn đang miên man suy nghĩ, bỗng có tiếng chuông báo khách kéo dài. Không chậm trễ, con bé tụt xuống cầu thang, chạy bay ra cửa.

Thì ra là Tú Anh và Mỹ Lệ. Hôm nay "rồng" đến nhà cóc rồi.

Hà tươi cười, nói :

- Xin mời hai tiểu thư vào nhà!

Tú Anh cười khanh khách vì câu nói đùa của Hà :

- Có cái gì thì đem hết cho nhị vị cô nương thưởng thức đi.

- Có ngay, có ngay! Mỹ Lệ, Tú Anh ngồi nghỉ một chút nghen.

Mỹ Lệ nhìn căn phòng sang trọng buột miệng khen:

Nhà Hoàng Hà đẹp quá, Tú Anh hả?

Tú Anh bỏ nhỏ:

- Nhà giám đốc không đẹp sao được?

Mỹ Lệ ngạc nhiên:

- Sao mày rành quá vậy?

- Ừ, ông anh tao làm bên ngành giao thông, ổng rành ba con Hà lắm!

- Vậy sao? Hèn chi lúc này nhỏ Hà ăn diện hết biết!

Hà đi ào ào làm hai ly mãng cầu xay muốn trào ra ngoài:

- Xin mời!

- Phải có ăn nữa chứ! Uống không đủ, phải không Lệ? - Tú Anh liếc Hà.

Mỹ Lệ gật gật:

- Mày đòi hỏi quá đi! Coi kìa, con Hà chạy muốn sút bím tóc rồi đó!

Hà cười dễ dãi:

- Tụi mình ăn hạt dưa, nói chuyện, chịu không?

Tú Anh trừng mắt nhìn Hà:

- Ta không có thời giờ nói chuyện phiếm mà đến đây với một sứ mạng quan trọng...

Hà hồi hộp theo dõi nhất cử nhất động trên gương mặt giả vờ nghiêm trang của Tú Anh.

- Có chuyện gì? Nói mau đi!

- Xem đây! Thiệp mời sinh nhật.

- Của ai?

- Của thằng Minh Bao.

Hà thở ra:

- Tưởng chuyện gì ghê gớm lắm chứ! Hà không đi đâu.

Tú Anh chống nạnh:

- Sao mày hủ lậu quá vậy? Thằng Minh cũng là bạn bè y như tụi tao thôi, sao mày từ chối?

Hà ấp úng:

- Ừ, tại Hà không thích, vậy thôi.

Tú Anh nổi nóng:

- Mày chê nó đen hả? Hay thế nào?

Hà chưa kịp trả lời thì tiếng chuông lại vang lên. Con bé đứng dậy.

- Có khách. Chờ Hà chút xíu.

Theo sau cô bé là Sơn, cậu xách một túi đệm có vẻ nă.ng.

Tú Anh nhìn tướng nhà quê của Sơn với cái áo kaki sờn cổ, cái quần ngắn ngủn, "chó táp ba ngày không tới" cười toe toét:

- Chào Sơn "tiên sinh!" Lâu quá mới hân hạnh gặp lại!

Nhận ra Tú Anh, Sơn cũng cười cởi mở:

- Lâu quá Sơn mới gặp lại Tú Anh thì có!

Tú Anh cười hăng hắc;

- Xạo ghê! Mới gặp Tú Anh hôm khai giảng đây mà lâu cái gì?

Thấy Sơn ngơ ngác, Tú Anh tiếp tục giải thích:

- Cái hôm Sơn ngó dáo dác tìm xem Hà đứng đâu ấy mà! Nhớ chưa?

Sơn đỏ mặt, ấp úng:

- À, nhớ, nhớ rồi!

- Mỹ Lệ nè, Sơn học giỏi nhất lớp tao hồi đó! Sơn chắc biết Lệ mà, đúng không?

Sơn đã phần nào lấy lại phong độ nhìn thẳng vào con bé mặc áo thun bó, quần jeans.

- Ðúng, tôi mới biết Lệ từ nãy đến giờ.

Tú Anh cười cướp lời:

- Nhưng giới thiệu thêm, Mỹ Lệ là người đẹp thời trang của C3 đó Sơn!

Mỹ Lệ ngượng quá, nhéo Tú Anh một cái đích đáng.

- Con quỷ, nói xàm không hà!

Tú Anh nhăn nhó:

- Ui da, ý mà hổng đau.

Nhìn thấy cái giỏ to kềnh của Sơn, Tú Anh hí hửng reo lên:

- Thế nào Sơn cũng có mận đem theo Lệ à! Sơn chuyên chăn nuôi trồng trọt, một nhà nông chính hiệu đó!

Không đợi cho phép, Tú Anh nhẩy bổ đến, mở túi đệm lục lọi.

- A! Có đủ cả các món ăn chơi, xoài, mận, ổi, cóc... đãi bạn hiền một phen được không Sơn?

Hà khôn ngoan hơn, bảo bạn:

- Ðể dành một phần cho ba má Hà, còn bao nhiêu tụi mình tha hồ sử dụng, chịu không?

Thế rồi cóc, ổi, xoài, mận để đầy lên bàn, tụi Tú Anh, Mỹ Lệ ngồi ăn thoải mái, tự nhiên như không có Sơn, chuyện trò hào hứng.

Hà gọt quả xoài ra đĩa mời Sơn:

- Ăn đi Sơn!

Sơm mỉm cười lắc đầu:

- Ðể Hà pha nước chanh, chắc Sơn mệt lắm phải không?

Sơn khoa tay:

- Hà tiếp Tú Anh, Mỹ Lệ đi! Sơn về liền bây giờ mà!

- A! Có phải Tú Anh làm Sơn mất hết khí thế, muốn bỏ về liền không?

Sơn lắc đầu nguầy nguậy:

- Không phải. Nhưng Sơn bận, không ở chơi lâu được, Tú Anh à!

- Bận cuốc đất, trồng cây phải không?

Sơn cười gượng gạo:

- Thì đại loại cũng là vậy!

Tú Anh liếc Sơn, cười tinh quái :

- Ê, nhớ đừng trồng cây si, nguy hiểm lắm đó nghen! Sơn biết không, trước nhà Hà, nhiều cây đã tốt trái... còn chưa ăn thua gì đấy!

Hà ngượng chín người, đỡ lời bạn:

- Tú Anh nói đùa hoài, để Sơn tự nhiên đi mà!

Sơn biết Tú Anh có ý chê mình "cù lần", mỉm cười:

- Tú Anh biết Sơn nhà quê còn cứ chọc hoài. Thôi Sơn về à!

Sơn quay sang Hà:

- Hà à! Sơn mới mua được quyển "giúp học tốt toán lớp mười", cho Hà mượn đấy! Ở lại chơi vui vẻ nhé hai bạn!

Tú Anh giữ Sơn ở lại nhưng cậu lờ đi, cứ thẳng ra cửa.

Sơn về rồi, Tú Anh nhún vai:

- Về đâu về quách cho rồi!

- Tao mới mua được quyển tạp chí thời trang nè, lại đây! - Mỹ Lệ ngoắc Hà.

Lật trang "Mùa hè vui khỏe", Mỹ Lệ chỉ một mẫu hình trong báo, bảo Hà:

- Ê Hà! Mày giống con nhỏ này! May bộ váy này mặc chơi nhỏ!

Tú Anh cũng chụm đầu vào xem, nó cũng tán dướng ý Mỹ Lệ :

- Sẵn dịp sinh nhật của Minh Bao, mày diện vào là hết ý luôn, Hà ạ! Ngu sao không sắm!

Hà thích lắm, nhưng sợ mẹ không cho. Bà mới mua quần áo mới cho Hà rồi còn gì!

Mỹ Lệ lại bàn:

- Sắm cả đôi giày này nữa mới đúng điệu. À, thêm cái túi này nữa... Rẻ lắm, khoảng ba trăm ngàn là cùng!

Hà le lưỡi:

- Dễ gì! Má Hà không đồng ý đâu!

Tú Anh bỏ nhỏ:

- Mày có cái miệng làm chi không biết đặt chuyện nói láo?

Hà lườm bạn, thấy con nhỏ thật ghê gớm.

- Nhỏ này xúi bậy không hà!

Mỹ Lệ cốc vào đầu Hà, gắt lên:

- Cho mày hay, sinh nhật Minh Bao toàn những dân dữ dằn, lơ mơ là mình quê đó, con ngốc ơi! Tụi tao đã chuẩn bị cả rồi, chỉ còn mình mày thôi.

- Thì Hà ở nhà thôi.

Tú Anh, Mỹ Lệ đứng lên:

- Tùy mày! Không nghe thì đừng trách tụi tao đoạn tình, đoạn nghĩa. Thôi, tụi tao về!

Tú Anh quay lại đánh đầu Hà:

- Mày nhớ mày là tiểu thơ ngài giám đốc nhé. Tao đã lỡ giới thiệu với tụi nó hết rồi đó!

Hai đứa nó về rồi, Hà lại vớ vẫn nghĩ chuyện vừa rồi. Quyển tạp chí Mỹ Lệ vô ý bỏ lại còn nằm trên ghế salon. Hà tẩn mẩn xem lại. Rõ ràng là người giống nhau như đúc... nhưng Hà còn quê lắm, không bì nổi người mẫu trong báo. Thì ra "người đẹp vì lụa, trẻ trung nhờ mốt" thật!

Bà Quân chạy chiếc chaly xình xịch về đến, Hà reo lên:

- Má đi chợ về, có gì ăn không?

Má nó nhìn đám vỏ trái cây trên bàn, mặt không vui:

- Ăn bày một nhà, còn muốn gì nữa?

Hà cười mơn trớn:

- Ý con muốn hỏi má đi chợ cho tụi con ăn món gì ấy mà.

- Vịt tiềm, giò heo bắc thảo. Chuẩn bị làm cơm đi.

Hà sốt sắng chuẩn bị bữa ăn. Lúc này mẹ nó thường bày món ăn cầu kỳ, sửa soạn cũng mệt... y như có tiệc không bằng! Hèn chi lúc này bụng của ba phệ ra thấy rõ. Cả nhà nó đều mập mạp, đỏ da trắng thịt, sức lực tràn trề.

Ðang làm thức ăn, Hà chợt khám phá:

- Chà! Má uốn tóc kiểu này hợp ghê!

Má nó cười cười:

- Thật à? Má thấy nó mốt quá cũng ngượng.

Hà cười cầu tài :

- Má không thấy ba ăn mặc sang trọng, thắt cà vạt oai vệ như vậy sao? Má mà không diện thì đâu dó xứng?

Con gái bà nói đúng. Ai cũng vậy, đủ ăn rồi sẽ lo cái mặc tươm tất, uốn tóc, làm móng tay có gì là quá đáng đâu! Chắc chồng bà cũng không nỡ trách khi bà muốn làm vừa lòng ông, muốn xứng địa vị của ông đang có.

Rồi bà vui hẳn lên, nôn nao mong ông Quân về dùng bữa.

Thằng Giang đi học thêm về, đói bụng cũng nôn nóng không kém. Ðợi mãi không thấy ba nó về, nó nài nỉ:

- Cho con ăn đỡ một chén cơm đi má! Mười hai giờ rưỡi rồi má ơi! con chịu hết nổi rồi!

Mẹ nó quát lên:

- Ðợi cả nhà ăn cho vui, con không thấy ba đi làm về mệt, chỉ mong có bữa cơm gia đình đoàn tụ vui vẻ hay sao?

Ðồng hồ điểm một giờ, bóng ba nó vẫn bặt tăm. Bao nhiêu nhuệ khí trong người mẹ nó cứ xẹp dần. Hai, ba rồi bốn giờ chiều, tiếng kèn xe quen thuộc mới vang lên trước ngõ.

Bà Quân mừng rỡ, chạy ra đón chồng. Không ngờ, ông Quân mặt mày đỏ gay, lè nhè bảo vợ dìu vào nhà... Thì ra trong buổi tiệc mừng ở cơ quan, ông đã quá chén.

Lần đầu Hà nhìn thấy ba nó trong bộ dạng bê bối, quần áo xốc xếch như vậy. Loanh quanh chỗ ba nằm, Hà chờ mẹ sai bảo.

Ông Quân nằm trên giường có vẻ mệt mỏi. Bỗng "ụa... ụa..." Mẹ Hà rối rít:

- Hà, lấy cái thau nhỏ cho má!

May quá, cái thau vừa đem lên thì ông Quân bắt đầu nôn thốc, nôn tháo ra ngoài.

Hà bịt mũi, kinh quá!

Mẹ Hà vừa dọn dẹp, vừa rên rỉ:

- Ăn nhậu gì ác nhơn như vậy chứ!

Hà lo lắng:

- Má, ba có sao không?

Mẹ Hà gắt gỏng:

- Ba say, ói ra được như vậy là tốt rồi!

Lấy chai dầu xức hai bên thái dương cho ba, một chút là tỉnh ngay thôi!

Bà Quân lại giục Hà nấu cháo. Lấy nước nóng chườm trán cho ba nó... Cả nhà cứ tất bật cả lên. Cuối cùng thì món giò heo bắc thảo, vịt tiềm nguội lạnh nằm trơ ra đó. Ba mẹ con Hà, trừ thằng Giang chẳng ai còn lòng dạ nào mà ăn nữa!

Buổi sáng, thật bất ngờ, không khí nhà Hà thay đổi hoàn toàn. Ba nó đã tỉnh táo, đang sửa soạn đi làm, mẹ Hà mặt tươi như hoa lo bữa ăn sáng cho cha con nó.

Hà ngạc nhiên hỏi mẹ:

- Con thấy má vui hơn hôm qua đó! Có tin gì hả má?

Mẹ Hà không giấu diếm:

- Ừ, hôm qua ba được khen thưởng.

Hà reo lên:

- Vậy là má được ba thưởng rồi, đúng không?

Cơ hội bằng vàng, Hà thỏ thẻ:

- Cho con may bộ đầm đi sinh nhật nhe má?

- May gì lắm vậy? Bộ đồ con đang mặc, chẳng mới là gì?

Hà phụng phịu:

- Con cần đồ mặc để đi ăn nói. Cho con đi, một lần này thôi mà.

Ba Hà lõm bõm nghe được chuyện xin xỏ của nó nãy giờ, nói chen vào :

- Ba cho con đó! Việc gì cứ này nỉ bà trùm ấy dữ thế!

Hà mừng rỡ, chạy sang ba nó:

- Con biết mà! Ba của con luôn luôn là số một, nhất trên đời, là...

Thằng Giang cướp lời:

- Vừa thôi chị Hai, chừa chỗ cho em nịnh với chứ!

Thằng nhỏ xuống nước:

- Cho con chiếc xe đạp đua nữa, ba!

Ba nó hứng chí:

- Cho luôn. Bà nhớ thực hiện lời hứa của tôi đó nghe!

Mẹ Hà quay lại tươi cười:

- Tuân lệnh giám đốc!

Hai chị em nó đồng reo lên:

- Hoan hô ba má! Hoan hô!

Chuyện say xỉn của ông Quân không chỉ diễn ra một lần. Càng về sau, sự việc ấy diễn ra càng nhiều, càng nhặt.

Mấy lúc gần đây, giữa ba má Hà thường có những chuyện lục đục... mặc dù cuộc sống của gia đình Hà mỗi ngày một sung túc. Căn nhà rộng thênh thang, đầy đủ tiện nghi không còn êm ấm, lâu lâu lại dậy lên ba đào sóng dữ. Thường là khi ông Quân đem khuôn mặt đỏ gay về nhà, và Quân kiên nhẫn không nỗi, nói vài câu khích bác, thế là chiến tranh nổ ra. khi ấy Hà và Giang chỉ còn biết đóng cửa phòng lại mà tránh... đạn pháo của hai phe!

Ðêm nay, Hà đang lim dim vào giấc ngủ thì một tiếng "rầm" đinh tai. Con bé giật bắn người, nhấn nút stop của chiếc máy hát. Phản ứng đầu tiên của nó là nhổm đầu lên nghe ngóng, miệng lầm bầm:

- Lại chiến tranh nữa rồi!

Nhưng cuộc chiến không chỉ bùng lên dữ dội, rồi phụt tắt như thường bữa mà kéo dài, mỗi lúc một gay cấn.

Chịu không nỗi, con bé phóng ra ngoài, áp tai vào phòng ba má nó, hồi hộp nghe ngóng.

Tiếng thút thít của mẹ Hà, giọng hằn học của ba...

"Kẻn...g!" Tiếng đổ vỡ của đồ đạc.

Hà ngồi thụp xuống gạch thở ra buồn bã. Có chuyện lớn rồi! Tiếng đỗng hồ điểm mười một giờ. Ðã quá khuya, nhưng ba mẹ không ai chịu nhường bước.

Làm thế nào bây giờ? Con Hà vặn tay, rối rắm. Nghĩ sao nó chạy ào ào đến phòng thằng Giang, đập cửa rầm rầm:

- Giang ơi, dậy đi!

Thằng Giang vẫn ngủ như chết. Cái thằng hư! Mê ăn mê ngủ! Hà chán nản quay lại, dán mắt vào ổ khóa phòng ba má.

Lúc này mẹ nó đã đổi giọng chì chiết ba nó:

- Hừ! Ông mà còn nghĩ đến vợ con à? Còn nghĩ, còn thương mà ngày nào cũng lết đến cái quán bia ôm để kiếm cái con ấy! Ông có biết xấu hổ không hả?

Ba Hà hầm hừ:

- Bà nói ai vậy?

- Tôi nói ai thì ông biết đấy! Nó ôm hết người này đến người kia, chỉ để lấy tiền thôi, ông nghe chưa?

- Ðừng xem mặt mà "bắt hình dong". Ai bán bia ôm hồi nào? Ðừng vu khống cho người ta!

Mẹ Hà gào to:

- Trời ơi! Ông quan hệ với nó, còn bênh nó hả? Thật tôi không ngờ anh hùng như ông không chết trong trận mạc lại vùi thân ở vũng bùn nhơ nhuốc, bị xã hội lên án mà không biết nhục là gì! Tại sao vậy?

"Bốp!" Mẹ Hà bị cái tát tai xiểng niểng. Không vừa, bà túm lấy cổ áo ông mà giật. Hai người dằn co một hồi thì:

"Huỵch!" Mẹ hà ngã xuống vì bị cú đấm của ông trúng mắt. Tá hỏa, bà la lên oai oái:

- Khốn nạn! Ông muốn giết tôi để theo con ấy phải không? Ðồ phản bội, đồ...

"Chát! Chát!"

Hà quýnh lên dậm chân, đập cửa, gào:

- Ba, đừng đánh má nữa, ba ơi!

Im lặng đột nhiên trùm lên căn phòng. Một phút sau, cửa phòng xịt mở. Ông Quân xách vali ào ào đi ra.

Hốt hoảng, Hà chạy theo, giật tay ba, kêu van:

- Ba, đừng bỏ tụi con, ba ơi!

Ðôi mắt đẫm đìa nước mắt của Hà không đủ giữ chân ba nó lại. Ông Quân giật tay ra, hằn học bảo:

- Chịu hết nổi rồi, ba phải đi khỏi cái nhà này, đi thật xa!

Hà chạy đến, năn nỉ mẹ:

- Má, xinh lỗi ba đi! Con van má mà!

Bà Quân chua chát:

- Ông ấy đã có người đàn bà khác, má con mình chẳng có nghĩa gì đâu, đừng nài nỉ mất công!

Ông Quân quay lưng đi thẳng, không nhìn lại một lần. Tiếng cửa đóng sầm, âm thanh quen thuộc của chiếc dream xa dần. Căn nhà đột nhiên vắng vẻ, ủ rũ, não nề!

Mẹ Hà ôm mặt khóc như mưa. Hà quỳ xuống bên mẹ nức nở. Chung quanh những mảnh gương vụng vỡ, vung vãi. Hà nói trong nước mắt:

- Sao má để ba đi? Sao má không chịu năn nỉ ba một câu? Sao vậy má?

Mẹ Hà ngưng khóc, giọng nói cứng cỏi:

- Má không có lỗi! Má chỉ có tội ghen mà thôi! Ông ấy dã chạy theo đứa con gái trẻ trung, xinh đẹp quên gia đình rồi, con không thấy sao?

Hà thừ người ra nghĩ ngợi. Má không nói oan cho ba đâu! Hèn gì lúc này ba đỏm dáng, tóc nhuộm đen, người sực nức mùi nước hoa hảo hạng. Ðã đi sớm về tối lại hay cáu bẳn với vợ con, bắt bẻ đủ điều... thì ra gây lộn với má chỉ là cái cớ cho ba thoát ly gia đình, đi theo người ấy!

Ha gục đầu xuống thành giường mà khóc. Sao ba thay đổi mau quá vậy? Mới ngày nào ba với má cười cười nói nói, ý hợp tâm đầu, thuận hòa vui vẻ mà bây giờ... chắc tại người đàn bà ấy đẹp đẽ, ngon ngọt, dụ dỗ ba nó đủ điều đây!

Hà ngước lên nhìn khuôn mặt đã tàn phai của mẹ, chợt nó ngưng khóc, nắm tay mẹ, lắc lắc:

- Má, má phải sửa saọn cho đẹp lại mới được!

Bà Quân thở dài:

- Ðẹp sao được, má đã già rồi con à!

Hà rắn giọng:

- Má chưa già đâu! Thế này, má đi thẩm mỹ viện đi! Người ta sẽ làm cho má trẻ, đẹp lại. Thế nào ba cũng quay về mà! Nghe con đi!

Bà Quân chẳng còn lòng dạ nào để nghe lời bàn của Hà nữa. Bà hiểu rằng mình đang bị một loại thuốc độc ghê gớm tàn phá dung nhan. Ðó là ghen hờn, uất ức. Không có mỹ viện nào làm được chuyện này đâu.

Nguôi ngoai rồi, mẹ Hà mới chán nản bảo nó:

- Ði ngủ sớm còn đi học, Hà ạ. Má muốn nghỉ ngơi một mình.

- Hay con ngủ luôn với má?

Mẹ Hà uể oải:

- Con về phòng đi! Má muốn yên tỉnh để nghĩ cách... đi đi con!

Rồi Hà cũng dỗ được giấc ngủ, nhưng là một chuỗi mộng mị thì đúng hơn.

Sáng ra, ngườ ngầy ngật, đầu nhức như búa bổ. Hà lết xuống bếp như cái máy lo cho bữa ăn sáng trước khi đi học.

Thằng Giang vô tư không biết gì, nheo mắt nhìn bộ mặt chảy dài của chị:

- Mới sáng ra, nhìn mặt chị tưởng trời sắp mưa đấy!

Hà trừng mắt:

- Kệ tao! Mắc mớ gì tới mày?

- A! Biết rồi! Chị Hai giận anh Hai phải không? Ý... quên, anh Sơn ấy mà! Sorry nhe!

Hà vung tay, thằng Giang ôm đầu:

- Cho chị hay, dạo này anh Sơn về chung với bà kia, đẹp hơn chị nữa kìa!

- Im đi cho tao nhờ. Ai có bạn mặc họ, mắc gì tao phải giận!

Chỉ vào phòng mẹ, Hà xuống giọng:

- Mày ở nhà liệu đó, má bệnh nằm trong phòng mày đâu có hay!

Con bé uể oải dắt xe ra khỏi nhà, mặt buồn như đưa đám. Thằng Giang vô tình đã gieo thêm nỗi ray rứt cho Hà trong lúc tâm trí nó chưa yên ổn vì chuyện hồi hôm.

Sơn có bạn mới là phải!

Hà nhớ lại cách đây sáu tháng, giữa nó và Sơn có chuyện không vui...

Ấy làm một buổi chiễu tháng năm. Hà cùng Tú Anh, Mỹ Lệ, Sang và Minh Bao đi chơi vườn cacao về.

Trời nắng gắt, bọn Hà lưng đẫm mồ hôi đang gò lưng đạp xe. Bỗng một âm thanh chát chúa làm tụi nó giật nẩy người. Thì ra bánh xe của Tú Anh bị nổ.

Cả bọn dắt xe tìm chỗ vá, đường dài, bụi đỏ, đứa nào cũng phờ phạt cả người.

Chợt Minh Bao phát hiện ra một túp liều ven đường với bảng "Vá xe đạp - Honda" sơ sài.

Ôi nóng quá!

Hà tìm được một gốc cây bàng nghỉ chân ngồi tán dốc với Mỹ Lệ, Tú Anh.

Thằng Sang ra vẻ điệu nghệ, dắt xe Tú Anh hỏi ông chủ vá xe:

- Thay ruột xe bao nhiêu một cái?

Chợt thằng Sang khựng lại. Không phải "ông" mà là "thằng", chỉ trạc tuổi Sang, tuy lam lũ, nhưng mặt sáng sủa, thông minh. Anh chàng không trả lời Sang lại hỏi ngược lại:

- Thay ruột của Trung Quốc hay của Nhật?

Sang lên giọng với vẻ con nhà giàu, làm phách:

- Xe Nhật thì phải thay ruột Nhật. Sửa mà không biết nhìn xe là chết rồi.

Anh sửa xe cười gượng, nhẫn nhịn câu nói khó nghe của Sang.

- Ý tôi muốn hỏi rõ để tránh phiền phức khi tính tiền ấy mà!

Sang chống nạnh:

- Tôi nói ruột Nhật. Thay đi! Bao nhiêu tiền cũng được.

Anh sửa xe lẳng lặng dựng ngược xe, móc ruột thay vào rất nghề, chỉ mười phút đã xong.

- Cho tôi hai mươi ngàn!

Sang dắt xe tới lui, hai bánh xe được bơm căng phồng lăn tròn nhẹ nhàng. Nó móc tiền, không đưa lại trả giá.

- Mười ngàn được rồi, sao mắc quá vậy?

Anh chàng cười hiền lành:

- Tại ruột xe tốt là như vậy. Thông cảm miễn trả giá.

Thằng Sang tự ái.

- Chứ không trả để "ông" chặt đẹp à?

Chàng sửa xe nhún vai:

- Mắc tôi trả tiền lại, cứ hỏi đi thì biết.

Thằng Sang ngoắc Minh Bao. Hai đứa thì thầm điều gì đó, Minh Bao lục túi rồi thất vọng. Thì ra sau một buổi đi chơi ăn xài vung vít, cả hai đứa đã nhẵn túi, chỉ còn vỏn vẹn có năm ngàn.

Thằng San nhăn nhó, vẻ khó chịu.

Kêu Tú Anh đưa tiền thì ngại, bằng xuống nước năn nỉ thằng sửa xe này thì ê mặt quá.

Cũng may Tú Anh và Hà kéo tới. Thấy chiếc xe sửa xong Tú Anh mừng rơn, nó móc túi đưa tờ năm chục ngàn mới tinh và lên tiếng:

- Cho gởi tiền đi!

Anh chàng sửa xe vừa quay lại, Tú Anh bỗn gtrố mắt ngạc nhiên:

- Ủa! Sơn! Trời ơi, giữa đường gặp quới nhơn mà không hay!

Hà đến bên Sơn bỡ ngỡ:

- Sơn làm ở đây lâu chưa, nãy giờ Hà thật sơ ý.

Con nhỏ đổi giọng hờn mát:

- Vậy mà Sơn cũng không kêu Hà một tiếng nữa!

Sơn cười hiền:

- Tại Sơn cũng... vô ý mà thôi!

Hà ríu rít:

- Sơn à, Sơn sửa xe lâu chưa?

- Gần ba tháng rồi.

Hà tròn mắt:

- Mà sao...

Nó nhớ không lầm thì Sơn vẫn được tuyên dương học sinh giỏi trên bảng danh dự toàn trường. Thời gian đâu Sơn học sửa xe nữa?

Sơn hiểu ý Hà nên cười xòa giải thích:

- Sơn chỉ phụ thôi. Giờ trưa để ba về nghỉ ngơi... Còn hè thì thay hẳn cho ba chăm nom vườn tược.

Hà buột miệng:

- Sơn giỏi ghê. Lại có hiếu với cha mẹ nữa, Tú Anh nhỉ?

Tú Anh chanh chua:

- Công bằng mà nói, Sang cũng nổi như cồn, có kém gì Sơn đâu! Mày khen Sơn, Sang buồn đó nghen!

Sơn cười thầm, Sang "quậy" nổi tiếng ở trường ăng chơi, rượu chè, phá phách thầy cô ai chẳng biết! Sao Hà lại có thể thân thích với nó như vậy chứ?

Thằng Sang chen vào:

- Làm cho bạn bè phải tính giá đặc biệt đó nghen!

Sơn thẳng thắn:

- Bớt một ngàn, xem như tôi giúp bạn thay ruột mới.

Tú Anh nhăn mặt:

- Sang trả giá chi vậy? Sơn làm cực khổ, mình cho thêm không hết nữa là.

Nó cương quyết không nhận một ngàn của Sơn quay quả ra về.

Hà vẫy tay chào nhưng Sơn chỉ lặng lẽ nhìn theo Hà bên đám bạn quần là, áo lượt, gương mặt rất buồn.

Ðến nay là giữa năm lớp mười một. Do Thời khoá biểu giữa hai lớp khác biệt nhau nên Hà và Sơn ít có dịp gần gũi. Một phần vì Sơn bận bịu với nghề sửa xe của ba, còn Hà thì có nhiều dịp vui chơi với đám bạn bè trưởng giả.

Bây giờ giữa lúc buồn rầu, thằng Giang nhắc lại làm Hà nhớ Sơn quá chừng! Lâu quá rồi không đến nhà rủ Hà cùng đến trường nữa. Có lẽ Sơn buồn, Sơn giận đám bạn bè hách dịch của Hà ... mà cũng có thể Sơn mặc cảm nữa cũng nên.

Không mặc cảm soa được khi Hà cùng đám bạn quần này áo nọ thì Sơn chỉ với chiếc áo trắng sờn vai và chiếc quần bạc màu đến trường! Không xa rơi Hà sao được khi Sơn miệt mài trong chòi tranh, sửa xe cho khách lở đường phụ giúp cha mẹ?

Hà bỗng cảm thấy mình vô tình, lạt lẽo với Sơn quá. Hà tự trách mình rồi hiểu rằng nó sẽ rất buồn nếu mất đi tình bạn với Sơn.

Bỗng mắt Hà sáng lên rồi lại tối sầm. Sơn kia rồi, nhưng cậu không đi một mình mà còn một nhỏ con gái quần trắng áo daì đạp xe bên cạnh. "Bà kia còn đẹp hơn chị nữa kìa!" câu nói của thằng Giang lại văng vẳng bên tai. Hà theo sau, mím môi nhìn đôi "nhân tình" cười cười, nói nói.

Con bé có dáng thật đẹp. Hèn gì Sơn nghỉ chơi với Hà để chạy theo con bé ấy!

Hà nghĩ lại ba, nó bỗng ghét cay ghét đáng lũ đàn ông "phản bội". Mẹ nó rủa như vậy mà đúng thật. "Không cần" Hà lẩm bẩm cho xe tụit lại đằng sau, chẳng them nhìn theo bóng Sơn và con bé nọ đã mất hút ở cổng trường.

Buổi học hôm nay với Hà đúng là một cực hình. Tiết văn của cô Phương Lan càng khiến cơn buồn ngủ của Hà trổi dậy.

Tú Anh còn tệ hơn một bậc. Nó ngang nhiên gật gù, mắt híp tịp. Hà kịp thúc tay nót khi tiếng gọi lãnh lót của cô vang lên:

- Tú Anh!

Bật dậy như lò so, Tú Anh ngơ ngác:

- Thưa cô!... Cô đặt lại câu hỏi đi ạ!

Cả lớp cười rần. Cô khoát tay ra dấu im lặng, lại bắn mũi tên sang Hà:

- Cô hỏi gìl hãy lập lại cho bạn nghe.

Khổ cho Hà, nó như người từ sao hoả xuống. Cô đặt câu hỏi hay chưa thì nó mơ hồ không rõ. Môi con bé trắng nhợt, mấp máy.

Cả hai đứa đứng lên chịu trận. Cô lại gọi một đứa ở bàn chót. Thằng này tỉnh táo hơn:

- Thưa cô, xin cô đặt câu hỏi ạ.

Cô Phương Lan nở nụ cười muộn:

- Dữ chưa! Bây giờ mới có một người chú tâm nghe giảng.

Sẵn dịp cô trách cứ một hơi: nào tụi nó chễnh mảng lo ra, nào ngủ gục trong giờ học, điểm văn dưới trng bình nhiều ... Làm cô mất tinh thần giảng dạy ...

Cuối cùng thì cô cũng tiếp tục giảng bài, nhưng để hai đứa đứng chào cờ ... cho dễ tiếp thu.

Hết giờ, Hà buông người xuống ghế rụng rời tay chân. Tú Anh lầm bầm:

- Tao ngủ đã đành, còn mày mở mắt cũng như không, tệ thật!

Minh Bao đi ngang xâu vào:

- Bữa nay các bà đi học không xem ngày rồi, sao "chổi chà", sao "dàn thung" bắn quá dữ.

- Tắt đài đi, tụi mày quê nãy giờ chưa đủ sao còn ghẹo! - Tú Anh nổi dóa.

Minh Bao cười cầu tài:

- Bớt giận đi Hoàn Châu công chúa, kính thỉnh hai bà xuống căn tin uống ly nước chanh sẽ quên hết buồn phiền ngay!

Tú Anh hưởng ứng ngay:

- Có như vậy mới đúng là bạn hiền của ta chứ! Ði thôi Tử Vy công chúa!

Hà lắc đầu chán nản:

- Làm biếng quá, hai người đi đi!

Tú Anh trề môi:

- Ðừng nói là bị cô la rồi mắc cỡ nghe! Mình đi, Minh!

Thoắt một cái Tú Anh đã ra khỏi lớp, mặt tỉnh khô như không có chuyện gì xảy ra. Còn Hà gục đầu xuống bàn ray rứt chuyện bị chào cờ giữa lớp. Tú Anh ngủ gục bị phạt đã đành, còn Hà lo ra chỉ vì chuyện ba má nó đánh nhau hồi đêm. Câu chuyện đổ vỡ ấy không ngừng ám ảnh nó. Chỉ tại cô không hiểu lại vơ đũa cả nắm, thật là buồn! Chẳng những thế, Hà còn bị quê với bạn bè. Quê hết biết nữa là khác.

Chung quanh vẫn là tiếng cười nói râm ran, tiếng giày dép khua, tiếng đùa giờ rầm rầm như mọi khi nhưng hôm nay Hà bỗng cảm thấy nó vang lên từ một nơi nào đó và nó như là một người ngoài cuộc!

Chợt mặt bàn của Hà bị rung lên, con bé giật mình ngước lên. Thì ra tụi con Hằng, thằng Long giỡn xô đẩy trúng bàn của Hà.

Thằng Long mau mắn:

- Xin lỗi nha!

Con Hằng cười toét miệng, bỗng nó chợt biết sắc, la lên:

- Hà, làm sao vậy? Trúng gió hả?

- Ðâu có! - Hà ngơ ngác.

- Mặt Hà xanh mét phải không Long?

- Ai đem xanh mét phải không Long?

- Ai đem dầu cho tôi mượn đi! Có người bệnh rồi! - Con Hằng la lớn.

Tức thì hai ba chai dầu gió được đưa tôi. Con Hằng mau mắn:

- Ngước mặt lên, Hằng giật gió cho!

- Hà không sao đâu mà!

- Không được! Nếu không tụi mình đưa Hà xuống phòng y tế nằm nghỉ nhé?

- Vậy thì gió đi, Hà không muốn xuông phòng y tế. - Hà gượng cười.

Nhỏ Hằng giật gió có nghề. Chỉ một phút sau, Hà đã thành cô gái Ấn Ðộ với một dấu son giữa trán đỏ chói.

- Hèn gì lúc nãy cô gọi lên, Hà chẳng biết gì hết!

- Ừ, Hà nhức đầu kinh khủng!

Hai ba đứa con gái xúm lại:

- Cô bệnh mà không nói, để cô phạt rồi buồn. Con nhỏ Hà này thật hiền hết biết à!

Một đứa hăng hái:

- Ðể tao nói cô Phương Lan biết...

- Chỉ có con Tú Anh giờ vãn nào cũng ngủ. Nó mắc bệnh ngủ ngày hả tụi bây?

- Ừ, ngày nào nó cũng gật gưỡng như "xì ke" thiếu thuốc vậy đó! Lạ thật!

Tú Anh về đến. Nó vẹt đám đông ngồi sát bên Hà, hỏi trỏng:

- Chuyện gì vậy?

- Tụi tao đang nói mày là "xì ke", được không?

Tú Anh gằn giọng:

- Cái gì, tao ... "xì ke" chỗ nào?

Con Hằng thẳng thừng:

- Ở chỗ gục gục như vầy nè! Ê! Bộ ban đêm mày không ngủ hả?

Tú Anh ngáp dài. Tụi con gái phá lên cười:

- Ðó! Cơn ghiền nó lên rồi kìa!

Tú Anh sừng sộ:

- Con quỷ! Bộ mày muốn làm chết danh tao hả? Ốm tong teo như mày mới là "xì ke" thứ thiệt còn nói ai!

Mấy đứa kia kéo tay Hằng, điệu ra sân, tụi nó xì xầm to nhỏ gì đó, lâu lâu lại rộ lên cười. Tú Anh căm lắm, mặt nó chằm vằm:

- Thứ con gái nhiều chuyện, lẻo mép!

Quay sang Hà, Tú Anh hạch sách:

- Ê, bộ mày nói cái gì với tụi nó hả?

- Nói cái gì?

- Thì tao ngủ gục đúng không?

- Ai không biết mày ngủ gục mỗi ngày, đâu cần tao phải quảng cáo!

Tú Anh véo tay Hà, nghiến ngấu:

- Tưởng mày là chiến hữu, ai ngờ cũng về phe tụi nó, nói xấu tao không hà!

Hà chống tay nhìn Tú Anh dò xét:

- Chắc Tú Anh đi dự tiệc mỗi ngày chứ gì?

Tú Anh nháy mắt cười cười:

- Sinh nhật tụi nó liền liền. Bây giờ đổi tông không làm ở nhà mà toàn đến mấy quán karaoke mà quậy chứ!

Tú Anh có vẻ thú vị:

- Vậy mà vui, không bị ông bà già dòm ngó. Ðã lắm! Mày đi không, tao rủ!

Hà xuôi lơ:

- Không thích gì cả! Chán đời rồi!

Tú Anh bật lên cười dòn dã:

- Ðích thị là mày "tê tê" rồi! Hí hí!

- Cái gì tê tê?

Con Anh kề tai nhỏ Hà bỏ nhỏ:

- Thằng Sơn có ghệ khác, đúng không?

- Chuyện đó có liên quan gì đến Hà? Thật lảng nhách. - Hà tự ái dồn dập.

- Cái đó thì mày biết rõ hơn tao mà, miễn bàn! Nhưng như vậy là quá dở Hà ạ! Tao mà như mày thì kết mô đen ngay với thằng Sang để trả thù. Tội gì mà buồn! Mày thấy không, con nhỏ kia chỉ hơn mày ở chỗ ăn mặc đẹp thôi. Người đẹp vì lụa mà. Làm sao cho đẹp hơn con đó thằng Sơn mới quê! Hề hề!

Hà tò mò muốn biết con nhỏ đó của Sơn là ai, tên gì, học lớp mấy, nhưng tự ái, Hà tỏ vẻ bất cần:

- Sơn với tao chỉ là con số không khổng lồ thôi! Ðừng nói nữa!

Tan học, Hà bước đi hết nỗi. Thì ra thằng Giang không nói tào lao. chuyện Sơn có bạn khác rõ như ban ngày rồi, chính mắt Hà cũng thấy. Vì sao nó vẫn mơ hồ, không chịu tin? Với Hà, Sơn là một người tốt. Dấu ấn không hề phai nhạt trong nó ... Có lẽ vì vậy mà Hà cảm thấy mất mát và buốn đến khóc lên được khi biết Sơn đã có "người" khác.

Nắng hôm nay thật vàng trong tiết tháng chạp se se lạnh, nhưng sao Hà chỉ thấy có một màu vàng hiu hắt, màu vàng "phản bội", đáng ghét...

Ôi! Lòng người!!!

Từ hôm xảy ra sự cố ba Hà bỏ nhà theo tiếng gọi của cô nàng bia ôm nào đó, tiếp theo chuyện sóng đôi với con nhỏ rất "thời trang" cùng trường thì mẹ con Hà ra sức chỉnh ngoại hình của mình.

Bà Quân thưòn gđến mỹ viện sửa lại sóng mũi, xâm lại vành môi, tắm trắng, làm thon lại vóc dáng đã "nở nang" quá mức của mình.

Hà trái lại lấy việc ăn mặc đúng mốt làm trọng, vì vậy cũng thường lui tới những trung tâm thời trang.

Hôm nay nhằm ngày giáp lễ Giáng Sinh, những quầy bán quần áo may sẵn, quầy vải nhộn nhịp khách mua sắm.

Còn đang bị choáng ngộp vì sắc màu của nhung gấm, lụa là, bên tai Hà bỗng vang lên giọng nói thân quen trầm ấm:

- Vải đẹp quá! Thích thứ nào cứ chọn mua nhé!

Hà quay phắt lại như bị điện giật, nhìn trân trối vào cô gái trẻ cạnh ba nó.

Thì ra con nhỏ "bia ôm" này đây! Nó ăn mặc thật sang trọng, mặt mày đầy son phấn. Người ngợm thơm phức, cử chỉ lả lơi đang bá cổ ba Hà làm nũng.

Hà rung lên vì giận dữ. Ðôi môi con bé giật giật, nó chỉ thốt lên được tiếng "ba" rồi tắt nghẹn.

Ông Quân sửng sốt đối diện với đôi mắt ngỡ ngàng của con gái, nhưng lấy lại bình tĩnh ngay. Vẫn giọng nói ôn tồn, ba Hà bảo:

- Con mua xong chưa? Ðể ba trả tiền cho!

Hàm mím môi, trút hết căm giận và câu trả lời:

- Ba cứ lo cho người ta đi! Ba đã phụ lòng tin của con, của má ... Con không có một người cha như ba đâu.

Ông Quân tái mặt:

- Hà!

Con bé bịt chặt hai tai lắc đầu, nước mắt ràn rụa.

- Con không muốn nghe gì nữa! - Nó lập lại câu nói của mẹ - Kể như con đã không còn ba nữa. Hu hu!

Con bé ôm đầu chạy, bất kể phương hướng. Trong lòng Hà, ba nó như một ông vua mất ngôi. Sụp đổ hết rồi! Niềm hy vọng ba má bắt tay nhau, chung sống thuận hòa nó hiểu không bao giờ trở thành sự thật nữa. Sự thật bây giờ là ba nó đang say mê một cô gái nhỏ hơn mình hai chục tuổi, đã bỏ gia đình và xây tổ uyên ương với cô jta mà bất chấp dư luận. Ðiều này ít nhiều đã làm Hà vô cùng bất mãn. Hà cứ chạy mãi. Ðến khi dừng lại mới hay đã về đến cống nhà.

Bà Quân đang tiễn một phụ nữ lạ hoắc, thấy Hà thất thểu, nước mắt đầm đìa thì đâm hoảng:

- Hà, chuyện gì vậy? Mất xe phải không?

Hà khe khẽ lắc đầu, lại ôm mẹ mà khóc. Bà Quân nóng ruột, đẩy con bé ra gằn giọng:

- Nói cho má biết, tại sao con khóc?

Hà dợm nói lại xuôi xị:

- Không có chuyện gì cả, má à!

- Vậy là sao? Còn xe, nói đi?

- Còn ở chỗ gửi xe. Má kêu thằng Giang đi với con, con đem về ngay bây giờ.

Má Hà có vẻ mừng:

- Nó đi học, được rồi để má chở con đi! Con gái gì mà đoảng thế!

Hai mẹ con dừng lại ở cửa sau tầng hầm khu trung tâm thương mại. Hà giục mẹ:

- Má! Má về trước đi!

Ðột nhiên bà Quân đổi ý:

- Hay con ở đây trông xe, má vào mua cái mùng cho thằng Giang rồi về một thể!

Hà nhăn nhó:

- Ðể bữa khác đi má ơi!

- Ðâu có được! Con không thấy thằng Giang bị muỗi cắn đầy người hay sao? Cái mùng của nó rách ngang rách dọc, phát khiếp lên được.

Không để mất thời gian, bà Quân bước lên bậc tam cấp, bỗng mắt bà tối sầm... Người chồng yêu quý của bà đang cặp tay cô nhân tình "bé bỏng", trên tay lỉnh khỉnh những xách gói ...

Giận căm gan, bà Quân không kịp suy nghĩ, tiến tới nắm tóc con nhỏ, xáng vào mặt nó. Ông Quân hoảng hốt giật tay vợ ra, giữ chặt để cô nhân tình thoát thân. Không ngờ bà Quân la bai bãi:

- Ðồ cướp chồng, đồ gái bia ôm, ơi làng nước ơi! Ra xem ông giám đốc mà mê gái bán bia này!

Ông Quân xấu hổ phát cuồng, thẳng tay tát vào mồ vợ mấy cái đích đáng.

Ðám đông vây quanh, chỉ chỏ, cười nói:

- Ðánh ghen, bà lớn đánh bà nhỏ, bị chồng đánh kìa!

Hà vẹt đám đông, ôm ba nó lại:

- Ba đừng đánh má nữa!

Cơn giận sôi sục, ông Quân quay sang tát vào mặt con gái mấy cái nẩy lửa.

- Lẻo mép, nhiều chuyện này!

Hà ôm mặt lảo đảo, hai bên má rát bỏng còn in dấu năm ngón tay ba nó.

Con nhỏ lì mặt, không khóc, kéo tay mẹ nó:

- Má, mình về thôi!

Bà Quân tóc rối tung, mắt tái mét vì cơn giận chưa nguôi còn đang muốn "ăn thua đủ" với chồng.

Hà ra sức thuyết phục:

- Má ghen làm gì! Chẳng phải là con đã không còn ba nữa sao? Nghe lời con kẻo họ bu lại xem, xấu hổ lắm má à!

Ông Quân biến đi rất nhanh. Ðám đông tản ra dần. Hà dìu mẹ, tay gạt nước mắt ra chổ gửi xe. Ước gì nó độn thổ được trong lúc này, có lẽ là hay hơn.

Mẹ Hà nghiến răng:

- Phải làm đơn ly dị thôi, má chịu hết nổi rồi!

Ðến nước này, con Hà không biết phải khuyên mẹ nó như thế nào nữa! Ba má nó đã không còn thương nhau, đã sống riêng, thù hận nhau như vậy, ly dị là giải pháp tốt nhất.

Nó sẽ theo mẹ, nhưng như vậy là mất ba. Chị em Hà cũng chẳng kh'ac mẹ góa con côi là mấy. Trước mắt Hà là khoảng trời đen tối. Nước mắt nó chảy dài, trong lòng đau xót ...

Ngày hôm qua ba lên chức, đưa gia đình lên đỉnh vinh quang. Rồi hôm nay, chính ba nó lại dìu mẹ con nó xuống hố sâu tuyệt vọng.

Ôi! Vinh hoa, phú quý chỉ là phù vân! Là đám mây trôi nổi trên bầu trời kia thôi.

Ðêm đó Hà không ngủ được. Mãi đến gần sáng nó mới chợp mắt được một chút, khi mở bừng mắt Hà mới hay đã bảy giờ kém mười.

Dù có hối hả thế nào, khi đến nơi cổng trường đã khép chặt. Nài nỉ cách mấy bác bảo vệ vẫn không cho vào. Hà ủ rũ ghé vào quán sách đọc qua quít cho hết giờ, đợi tiết học sau xin giấy mới được vào lớp.

Xui cho nó, tiết hóa học của thầy Phương, Hà lại được chiếu tướng. Kết quả nó được cặp trứng ngỗng thật to, kèm theo lời giáo huấn pha chút đe dọa của thầy.

Hà không trách thầy vì hai tháng nay, Hà đã phạm nhiều lỗi tương tự. Hà chỉ buồn vì cái nhìn của mọi người với Hà đã thay đổi. Hà không còn là con bé chăm chỉ hiền lành, trái lại trở thành phần cá biệt, tồi tệ của lớp C3, vốn có truyền thống hiếu học này rồi.

Ý nghĩ bỏ học đột nhiên hiện lên trong trí Hà. Nó làm Hà nhẹ nhõm, tưởng chừng thoát ra được bao nỗi khổ đang hành hạ Hà. Ðồng thời làm mất hẳn tinh thần học tập vốn rất sôi nổi trong Hà.

Bài giảng của thầy lóang thoáng bên tai. Cây bút con bé quậy quậy trên giấy những giòng chữ vô hồn. Hà mong thời giang qua thật mau mà sao nó dài hàng thế kỷ.

Hà cảm thấy như được phóng sinh khi tiếng chuông tan học kéo dài.

Hà lặng lẽ một mình đếm bước, tránh tất cả bạn bè. Sơn đang vô tình bước trước mặt Hà, dáng cậu mạnh mẽ, tự tin lắm. Hà chợt nhận ra Sơn đã trưởng thành, đã rất thanh niên, không như Hà nghĩ. Nghèo khó chưa hẳn đã làm Sơn mặc cảm.

Chỉ có Hà mới phải suy nghĩ lại chính mình thôi. Mỗi lúc Hà cảm thấy khoảng cách của hai đứa càng xa dần, không còn cơ hội hàn gắn được nữa.

Ôi! Buồn thay! Hà đã mất tất cả rồi sao?

Ðã ba ngày, Hà nghỉ học liên tiếp. Sợ mẹ la rầy, sáng nào nó cũng cắp cặp đi học, kỳ thực là ghé vào chỗ thuê truyện nào đó, đọc dăm ba quyển sách. Ðến giờ mới uể oải đi về.

Trưa nay, vừa ở ngoài bước vào cổng, Hà đã bị mẹ nó lôi vào nhà hỏi tội:

- Hà! Tại sao có tờ giấy này, nói mau?

Hà xanh mặt nhìn giấy báo của nhà trường. Dấu cũng chẳng được, nó ấp úng:

- Tại ... con nghỉ học không phép má à.

Bà Quân đỏ lừ đôi mắt:

- Tại sao nghỉ học? Ngày nào mày cũng cắp cặp đến trường. Vậy mày đi đâu?

Hài cúi đầu thật thấp:

- Con đi ... chơi!

Bà Quân không dằn được cơn nóng, quất xối xả vào người Hà:

- Khốn nạn! Mày học cái thói này bao giờ? Cúp cua, trốn học này!

Ðánh chưa đã tay, bà Quân đã thở hồng hộc:

- Trời ơi! Chồng bỏ đi, con lại hư thân mất nết, tôi sống làm sao được nữa!

Bà Quân khóc nấc lên, thôi khảo tra con gái. Nhưng chính lúc này, Hà lại cảm thấy đau đớn hơn những đòn roi vừa hứng chịu.

Nó lặng lẽ ôm cặp lên, định bỏ về phòng. Ðột nhiền mẹ nó thét lên:

- Hà!

Hà lấm lét:

- Dạ!

- Tại sao con bỏ học! Nói cho má biết!

Cái nhìn dữ dội của mẹ làm Hà khiếp sợ. Nó lúng túng:

- Tại con không muốn học nữa má à.

Bà Quân gắt gỏng:

- Cho đi học không muốn, bây giờ mày muốn gì thì nói ra đi!

Hà buông thỏng:

- Con không muốn gì nữa hết!

Bà Quân cao giọng:

- Không nói gì nữa. Ngày mai, bắt buộc mày phải đến lớp. Nghe rõ chưa?

Hà lừ đừ:

Dạ rõ!

Lúc này mẹ nó mới thuyết pháp một mạch về những lợi ích của việc học hành. Nào phải thế này, thế khác... Nhưng với Hà bây giờ, chẳng có lời nào của mẹ lọt vào tai nó. Nó vẫn khăng khăng ý định nghỉ học. Chỉ có nghỉ học nó mới thoát khỏi mặc cảm, ánh mắt khắt khe của mọi người nhìn nó mà thôi.

Sau màn đánh đập, mẹ Hà đổi chiến thuật ngon ngọt, dụ dỗ.

Thấy Hà yên lặng, mẹ nó ngỡ con gái đã hối hận, bà yên tâm quay sang kiểm tra chuyện học hành của thằng Giang.

Không ngờ thằng Giang cũng tệ không kém, điểm xấu đầy trong vở. Mẹ nó cáu tiết cho thằng bé một trận nên thân, sau đó vào phòng đóng chặt cửa. Từ đó đến tối, bà Quân không bước ra ngoài nữa.

Hà vẫn còn đau vì trận đòn lúc nãy của mẹ, chẳng thiết gì đến cơm nước. Ðên khi đói rát ruột chịu không nổi, nó lọ mọ xuống bếp tìm cơm nguội, mới hay cái nồi cơm còn nguyên. Như vậy không riêng gì Hà, cả mẹ nó lẫn thằng Giang đều nhịn đói.

Hà lo em đói, đập cửa kêu thằng Giang, nhưng thằng nhỏ mê ngủ, không dậy. Hà lại quay sang phòng mẹ. Bà Quân mệt mỏi nằm quay mặt vào vách, thở dài ảo não ...

Con bé rón rén gọi:

- Mái ơi! Dậy ăn cơm!

Giọng bà Quân tắt nghẽn:

- Ăn đi. Má không đói.

Hà ngồi xuống bên giường, buồn hiu:

- Má không ăn thì tụi con cũng nhịn đói luôn!

Bà Quân nhổm dậy:

- Con phải ăn mới có sức mà học chứ Hà! Má hỏi thật, cơn có thương má không?

Nước mắt Hà rân rấn, nó cố nén xúc động:

- Dạ thương!

Má Hà vuốt ve mái tóc con gái, dịu dàng:

- Gắng mà học, ngoan ngoãn nghe lời má, nghe không?

- Dạ con nghe!

Mặc dù lúc sau này, bà Quân đổi tính hay cáu gắt và đánh đập con cái ... nhưng đến giờ phút này, đối diện với hình hài tiều tụy của mẹ, Hà biết rằng tình thương dành cho mẹ vẫn không hề mất đi. Trái lại, Hà cảm thấy hổ thẹn vì đã góp phần làm mẹ nó đau khổ. Ý nghĩ muốn bỏ học bỗng lung lay. Hà không đủ can đảm làm mẹ nó tuyệt vọng.

Nắm tay bà Quân, Hà nói khẽ khàng:

- Má à, con sẽ nghe lời má, không trốn học nữa đâu!

Bà Quân nở một nụ cười, hài lòng. Nụ cười như xóa tan các nét nhăn trên mặt, trông bà như trẻ lại mấy tuổi.

Hà bỗng khám phá ra chính niềm vui mới là liều thuốc tiên, chữa được căn bệnh già nua của con người.

Hà cũng cười rất tươi:

- Má cứ cười như vậy, khỏi cần đi mỹ viện cũng trẻ cũng đẹp rồi má ạ!

Bà Quân phì cười:

- Tổ cha cô! Xúi đi mỹ viện, bây giờ lại bảo đừng.

Hà làm mặt nghiêm:

- Má à! Hay má kiếm chuyện gì đó làm cho thư giãn đầu óc. Con thấy như vậy hay hơn!

Bà Quân có vẻ buồn:

- Phải chi má đừng xin nghỉ việc, chắc sẽ bớt buồn hơn là ở không như vầy.

- Hay má đến nhà mấy người bạn chơì đi!

Vẫn giữ vẻ trầm ngâm, giọng bà Quân thấp hơn:

- Ai cũng biết chuyện ba con. Nghe họ hỏi má càng thêm nhức đầu. Không được đâu!

- Má xem phim không? Con đi thuê cho!

- Má không xem.

- Hè này má con mình đi Ðà Lạt, má chịu không?

- Má không được khỏe. Chẳng muốn đi đâu cả.

- Chẳng lẽ má ở nhà chịu khổ hay sao?

Bà Quân cười buồn:

- Chỉ khi nào má ly dị với ba con xong, mọi chuyện mới ổn thôi!

Hà buồn rầu:

- Má! Hình như má quyết định vội vàng quá. Không có ba, mẹ con mình sẽ sống ra sao, tiền đâu xài hả má?

Bà Quân mím môi:

- Có vốn rồi, khỏi phải làm gì cũng sống được, con đừng lo.

Hà tròn mắt:

- Má nói vậy nghĩa là sao?

- Ừ, má đã cho người tay vay, lãi suất năm phần trăm, đủ để má con mình sống hàng tháng.

Con bé lo ngại:

- Má gửi ngân hàng chắc ăn hơn. Con thấy như vậy đó.

- Nhưng lãi suất của họ thấp quá, cao nhất chỉ được 1%, đâu ăn thua gì.

Hà suy nghĩ một lát rồi lại nói:

- Hay má rút tiền lại, mình bà ra mua bán có lý hơn má ạ!

Bà Quân một mực giữ ý định của mình:

- Mua bán bây giờ cạnh tranh dữ lắm, mình làm không lại đâu. Cho người ta vay là nhất rồi. Chỗ này uy tính, má không sợ.

Hà thở ra:

- Má tính vậy thì thôi, con khỏi bà nữa ... Thôi mình đi ăn cơm má.

- Con ăn đi! Má nuốt không nổi. Cứ nghĩ đến ổng thì cổ họng má nghẹn lại làm sao ăn được! Ăn uống rồi lo học hành, ngủ nghỉ đi. Ðừng lo cho má nữa.

Hà uể oải, ăn không đầy một bát là buông đũa. Giá như mẹ Hà uyển chuyển hơn trong chuyện ba nó có "bồ nhí", chắc chắn bà đã không dứt áo ra đi như vậy. Ba đi rồi, nhà vắng tánh. Cứ như thế này, chẳng có lúc nào mẹ con Hà yên được cả. Rồi Hà lại lo, ngày mai nó phải đến trường, phải đối diện với những ánh mắt làm nó khó chịu đến ray rứt ... Làm sao bây giờ nhỉ?

Ngồi vào bàn, Hà rất muốn học, nhưng không tài nào nhét được chữ nào vào óc.

Cuộc đời học sinh của nó đã tận cùng rồi chăng? Hà khổ sở gục đầu xuống bàn. Chẳng ai hiểu được nó cả. Dường như tất cả những người thân yêu đều muốn xa Hà ... Cả Sơn nữa ... Hình ảnh Sơn giữa con sống mênh mông chiều nào lại hiện ra, những kỷ niệm dễ thương của hai đứa, câu nhắn nhủ của cậu "chúng mình sẽ vào đại học một lượt"...

Mơ ước ấy vơi Hà bỗng trở nên quá xa xôi. Hà nghe lòng chùng xuống, buồn thật là buồn.

Người đón Hà vào lớp đầu tiên là nhỏ Hằng, con nhỏ mình hạc xương mai nhưng ồn ào nhất lớp. Vừa thấy Hà, miệng nó la inh ỏi:

- Tử Vy công chúa hồi cung!

Hai ba nhỏ con gái ào ra, nắm tay Hà hỏi thăm rối rít:

- Nghỉ lâu vậy Hà? Sao xanh lè vậy?

- Bệnh phải không?

- Thầy cô ai cũng nhắc mày đó!

Hà cười ngượng ngập:

- Hà bệnh... nhưng là bệnh lười, chứ không có gì hết.

Cái nhìn của con Hằng xoáy sâu vào mặt Hà:

- Không dám lười đâu! Ê tụi bây! Tự dưng con Hà với Tú Anh nghỉ một lượt. Chắc hai đứa bay hẹn hò, âm mưu chuyện gì phải không?

Hà lắc đầu:

- Hổm rày Hà không gặp nhỏ Anh, làm gì có chuyện hẹn hò.

Con Thảo khều Hằng:

- Nói bậy bạ, đụng chạm lắm nghen!

Hà thắc mắc:

- Cái gì mà "đụng chạm"! Nói huỵch toẹt ra cho rồi, úp úp mở mở thấy ghét!

Con Hằng rú lên cười:

- Chuyện này quái lắm, mày nghe làm gì?

Ba con nhỏ xúm quanh Hà cũng sì sục cười. Hà giận dỗi:

- Mấy người không nói thì thôi, ta đây cóc cần.

- Mày nghe không? Bữa nay con Hà nói chuyện cỏ vẻ "anh chị" ghê chứ?

Tụi nó tản ra dần, Hà lỏm bỏm nghe tiếng được tiếng mất... Ôi, thây kệ. Suy nghĩ thêm nhức đầu. Giờ học đến, tay chân con bé toát mồ hôi vì sợ thầy cô "chiếu tướng". Cũng may tai qua nạn khỏi. Hai tiết Anh văn sau cùng được nghỉ. Cô đi công tác đột xuất. Con Hà thở phào nhẹ nhỏm. Cơ hội may mắn, nó mượn quần Anh văn của con Hằng về chép bài.

Còn đang lơ ngơ chờ lấy xe, bỗng một đám trai gái ào đến vây lấy Hà. Thằng Sang lên tiếng:

- Lên trại rắn chơi Hà ơi!

- Ðể bữa khác đi, Hà kẹt công chuyện.

- Lên ấy có nhiều mục hay lắm, Tú Anh đang chờ Hà lên đó! - Thằng Sang động viên.

- Có Tú Anh nữa sao? Nghe nói nó bị bệnh gì đó mà?

- Ừ, Tú Anh bệnh nhưng hết rồi. Nó rủ mình lên nhà nó, chắc có tiệc tùng giỗ quảy gì đó. - Thằng Sang cười bí ẩn.

Ðúng lúc ấy, Sơn cắp cặp đi tới, Hà buộc miệng:

- Ừ, Hà đi với Sơn, bạn ấy đến rồi. Thôi chào nhé!

Sơn vẫn vô tình. Gặp Hà, cậu rất mừng:

- Chờ Sơn về với nhe!

Thằng Sang liếc sang Sơn hậm hực:

- Lúc này Hà thân thiết với thằng cù lần ấy, bỏ bê tụi này há?

Hà khó chịu ra mặt:

- Thân với ai là quyền của Hà, Sang nói chi nặng nề quá vậy?

- Ừ, Sang tức lắm. Tiểu thư như Hà mà quen chi với hạn người như thế?

Hà đỏ mặt vì giận:

- Vừa thôi nha! Sơn là bạn tốt của Hà. Ai nói gì mặc ai.

Thằng Sang quay đầu xe máy lại:

- Hà nói vậy còn tình nghĩa gì nữa. Ði thôi các bạn.

Thằng Sang nổ máy xe rầm rầm, ra vẻ tức giận. Chúng nó vụt đi, bụi đỏ mịt mờ.

Hà chẳng thèm nhìn, lấy xe ra, gặp Sơn vẫn đứng chờ ở cổng trường. Con bé vờ không thấy, lên xe đi thẳng. Sơn đạp xe theo, không biết nói câu gì cho phải. Hai đứa cứ lặng lẽ đi song song. Cuối cùng Sơn mở đầu:

- Hà ơi! Giận Sơn hả?

Hà không thèm quay mặt lại, hững hò:

- Làm gì mà phải giận Sơn?

- Sao không nói gì hết vậy?

- Dạo này Sơn có bạn mới, Sơn học giỏi, được thầy yêu, bạn mến, cần gì đến Hà nữa.

Sơn lúng túng:

- Tại Hà gán cho Sơn thôi, Sơn vẫn bình thường có gì thay đổi đâu!

Hà nguýt dài:

- Giả bộ hoài. Cả trường, cả lớp Hà ai chẳng biết!

- Biết chuyện gì mới đượcj! Hà nói khó hiểu quá đi!

Hà ngập ngừng. Nói ra Sơn lại nói mình ... ghen. Ngu sao nói:

- Thì... à ... thôi, Sơn tự tìm hiểu lấy.

Sơn khổ sở:

- Nói đi! Sơn đã làm gì mà Hà trách cứ như vậy. Sơn sẵng sàng sửa đổi mà!

Hà mỉm cười:

- Hổng dám sửa đâu! Dại gì mà sửa?

Sơn sốt ruột:

- Nữa! Cứ nói dông dài hoài. Nói đi, Sơn năn nỉ mà!

- Hà không nói! Rồi Sơn khắc biết! Hà về à!

Sơn tức lắm, nhưng đã đến ngã rẽ "tâm tình" rồi. Ai phải về nhà nấy thôi. Cậu định bụng, sáng mai đến sớm, rủ Hà đi học, tìm cho ra lẽ mới được. Con gái ... bí mật, khó hiểu quá trời.

Sáng hôm sau, Hà đang chuẩn bị thì Sơn đến đợi Hà đi học.

Dữ hen! Sao không giỏi đưa đón "người ta" nữa đi! Hà nghĩ thầm. Con bé không nhìn mặt Sơn cũng biết hôm nay cậu mặc áo mới hơn, đi chiếc xe đạp cũng mới hơn.

Sơn vui lắm, thấy Hà mỗi ngày một xinh ra, nhưng con bé có vẻ suy tư, không hồn nhiên như dạo nào.

Quanh qua, quẩn lại, thằng Sơn cũng điều tra chuyện hôm qua, Hà trách móc, hờn mát với nó. Nhưng con Hà nhất định không nói. Thằng Sơn nói lẫy:

- Hà không nói, tức là xem Sơn không phải là bạn phải không?

Hà bướng bỉnh không kém:

- Sơn không xem Hà là bạn thì có!

- Hà ấy!

- Sơn... Sơn ... vô tình quá mà!

Ðúng là Sơn vô tình. Bạn vè gì mà lúc Hà buồn, Hà khổ, chẳng thấy Sơn đâu. Ðã vậy Sơn còn đi theo "người khác" nữa chứ. Càng nghĩ Hà càng giận Sơn.

Sơn chịu hết nỗi. Chuyện gì Hà không nói, lại cứ trách "Sơn này, Sơn nọ" trong lúc Sơn tối tăm mặt mày ở chỗ sửa xe. Về nhà lại bón phân, tưới cây ... Mệt muốn đứt hơi! Ðâu được túm tụm bè bạn như Hà ...

Hà thấy Sơn vẫn yên lặng, mặt tỏ vẻ bất nhẫn, nó càng giận:

- Hà nói với Sơn là bạn không hợp. Chia tay là vừa.

Sơn cũng hờn không kém:

- Chia tay thì chia tay. Có gì mà sợ!

Con Hà vụt lên phía trên, bỏ Sơn lại đằng sau. Sơn cố tình thả lỏng bàn đạp để ngắm bộ dạng lúc giận dữ trông thật dễ thương, lại cũng rất buồn cười của Hà. Kẻ trước người sau, nhưng hai đứa cũng gặp nhau tại cổng trường. Sơn lại lẽo đẽo theo sau, chờ gởi xe cho Hà ...

Thằng Sang thắng xe sát bên Sơn, phun nước miếng cái phèo. Nó còn kênh Sơn một cái trước khi bỏ đi.

Sơn nhún vai, chờ Hà sánh bước vào lớp. Hai đứa vẫn không nói với nhau lời nào.

Trời nóng như đổ lửa. Về đến nhà lưng áo Hà đã đầm đìa mồ hôi. Vừa đói vừa mệt. Buông cặp ra là Hà "bay" xuống bếp, miệng kêu réo um sùm:

- Má ơi, cho con cái gì ăn đi! Má ...

Con Hà ngậm miệng liền khi thấy bếp trống trơn, bát đĩa ngày hôm qua cũng chưa rửa, còn vương vải, cả nồi cơm cũng không ai nấu.

Hà la lớn:

- Giang, mày đâu rồi. Bớ Giang!

Thằng Giang chạy sầm sập xuống nhà. Quần áo đi học đã chỉnh tề. Nó nhăn như khỉ ăn ớt.

- Má đi đâu từ sáng đến giờ, đói bụng thấy mồ!

Hà ngạc nhiên:

- Má đi đâu mày biết không?

- Không biết ... nhưng có một cô trẻ trẻ đưa má đi.

Hà nhíu mày, lục tung trí nhớ. Chắc người này nó không biết bao giờ. Má đi đâu vậy kìa? Nhưng bao tử đang hành chị em nó đây.

Con Hà quyết định:

- Ăn mì. Chiều ăn cơm sớm, được chứ?

Nó làm liều. Chỉ cần nhấn nút của máy đun sôi, Hà đã có hai tô mì ăn liền bốc khói.

Vừa ăn, Hà vừa "tra cứu":

- Mày có biết má đi với ai, đến đâu không?

Thằng Giang lắc đầu:

- Người lạ hoắc... Hình như có đến nhà mình hai ba lần gì đó nhưng má thân lắm. Tưởng má đi về liền, em cũng không hỏi.

- Chắc má đi chơi cho khuây khỏa!

Con Hà cảm thấy an tâm vì ý nghĩ ấy. Chẳng phải nó đã giục má nó làm như vậy sao? Hy vọng bà vui vẻ hơn mà sống với chị em nó. Hà bảo em:

- Yên tâm đi học đi! Chiều về, chắc chắn sẽ có cơm mà.

Còn một mình ở nhà, Hà dọn dẹp bát đĩa, tha thẩn một lát thì trời tối. Hà sốt ruột lắm nhưng mẹ nó vẫn chưa về... Nó bắt đầu rối trí, đặt giả thuyết tùm lum, nhưng mẹ nó chưa về là thực tế nhất, giả thuyết vẫn chỉ là giả thuyết mà thôi!

Dũ ác, đến mười giờ tối bà Quân mới xuất hiện, mặt mày hớn hở. Hà nhảy bổ ra mừng:

- Có tin vui hả má? Nói cho con nghe với!

Mẹ nó cười cười:

- Vui gì mà vui! Má đi chơi cho đỡ buồn ấy mà!

Hà mừng mừng. Bệnh ghen của mẹ nó đã có thuốc trị rồi.

- Nếu thấy vui, má cứ đi. Con lo cơm nước cho.

- Ừ, ừ.

- Nhưng má đến chỗ nào, có chuyện gì con tìm mới được chứ?

Má nó rút từ trong ví ra một tấm danh thiếp đưa cho Hà:

- Cứ theo số này điện thoại cho má là được, giữ khéo kẻo mất đấy nhé!

Hà đón lấy, lẩm nhẩm đọc:

- Dịch vụ du lịch, xe mười hai, mười lăm, hai mươi lăm chỗ ngồi ... Hình như quen quen má à!

Nó vỗ tay reo lên:

- Nhà của nhỏ Tú Anh. Tưởng ai xa lạ. Má đi với ai vậy, chủ nhà à?

- Em của bà chủ hay sao ấy! Tay này có mấy hãng nước mắm ở Ðồng Tầm ấy!

- Má cho bà ta mượn tiền phải không?

- Ừ, bảo đảm uy tín mà!

Hà gật gù:

- Chỗ quen biết, như vậy cũng được há má?

Bà Quân thay đồ, tuồn vào phòng ngay, Hà gọi giật lại:

- Má ăn gì chưa? Con dọn cơm nhé?

Bà Quân ngáp dài:

- Má ăn hủ tiếu rồi, người ta tiếp đón tử tế lắm!

Hà thắc mắc:

- À, má chơi gì mà ở tới khuya vậy?

Bà Quân lúng túng một chút rồi thản nhiên:

- Thì cơm nước, chuyện vãn... thôi.

Hà cũng chẳng thắc mắc. Ðàn bà con gái, nhiều chuyện là lẽ thường rồi. Mẹ nó đang có tâm sự, hẳn còn phải dài lời hơn nữa.

- Má à, lần sau má nhớ đi chợ rồi hãy lại đó chơi nhe!

Bà Quân gật đầu, giọng gượng gạo:

- Tại họ níu kéo quá, má quên. À, hai đứa có lấy lạp xưởng trong tủ ra ăn không? Má cũng có ý để khi lỡ bữa thì dùng đó mà!

- Dạ có. Không có đồ ăn, thằng Giang nó nhăn dữ lắm.

Vậy là mừng rồi. Dù sao Hà cũng mong cho mẹ nó đi ra ngoài để khuây khỏa mà sống, nếu không chắc mẹ nó cũng ...

Tú Anh và Hà thân nhau từ đấy! Thường thì Tú Anh đi học về thẳng nhà Hà luôn. Hai đứa cơm nước xong, tán phét với nhau cho đến tối. Lúc thì coi phim đến khuya, Tú Anh mới về.

Thỉnh thoảng Tú Anh đổi món, rủ Hà đi chơi. Hai đứa đi long rong, uống nước, ăn hàng rồi về.

Tối nay, Tú Anh lại đem lại nhà Hà một bọc "đồ nghề", sửa sọan đi ăn noi. Khoảng sáu giờ, nó ra lệnh:

- Sửa soạn đi, tụi nó gần đến rồi đó!

Hà ngạc nhiên:

- Tụi nào đến? Tụi bây định đi đâu vậy?

Tú Anh đưa ngón tay lên môi:

- Bí mật.

Hà làm mặt giận:

- Vậy thì tao không đi!

- Tại sao?

- Mắc học bài, làm bài.

Tú Anh bỉu môi:

- Xí, làm như siêng học lắm vậy?

Hà chu môi:

- Chứ sao!

- Ði bữa nay nữa thôi, sắp thi học kỳ hai rồi.

- Chà! Mới nghe mày nói chuyện học à. Còn đi chơi bỏ cho ai?

Tú Anh cười hì hì:

- Bỏ cho mày. Ði, làm lẹ đi, trễ rồi!

Hà kiếm chuyện:

- Má tao sắp về. Ði chơi là lãnh đạn chết luôn à!

Tú Anh "xì" dài thoòng:

- Má mày đang lâm trận, ít nhất cũng phải mười hai giờ mới về!

Hà nghiêm mặt:

- Mày nói cái gì vậy? "Lâm trận" là sao?

Tú Anh phác cử chỉ, xòe bài. Cười:

- Là như vầy nè! Bộ mày không biết thật hả?

Hà bỡ ngỡ:

- Má tao đánh bài ở nhà mày, hồi nào?

Tú Anh cao giọng:

- Mỗi ngày, không tin hỏi má mày thì rõ!

Hà chới với, ngồi phịch xuống ghế:

- Trời đất!

Tú Anh bồi thêm:

- Yên tâm chưa? Tụi tao bảo đảm sẽ trả mày về trước mười hai giờ đêm.

Hà vùng vằng:

- Không đi đâu hết! Ðể tao yên đi!

Tú Anh nghiến răng:

- Cái con này định giở chứng hả? Bây giờ đi hay không? Nói!

Nó luồng tay vào cổ và nách con Hà mà cù. Con Hà dở cười, dở khóc la ơi ới.

Mỹ Lệ chạy vào tiếp cứu, Tú Anh lại la lớn:

- Nó nhất định không theo tụi mình, Mỹ Lệ, phụ với tao trừng trị con Hà coi!

Con Hà giơ cả hai tay lên đầu hàng:

- Tao chịu thua, đừng thọc léc nữa. Tao cười đứt ruột mà chết bây giờ nè!

Tú Anh vẽ mặt cho con Hà rất kỹ, đánh son màu nâu. Nó lại chọn cho Hà bộ váy ngắn bằng thun màu cánh gián, tôn vẻ đẹp của hai bàn tay trắng như hai búp sen và đôi chân thon dài của Hà.

Mỹ Lệ ngắm Hà trầm trồ:

- Giống y như diễn viên Hàn Quốc, nhất đêm nay rồi đấy Hà!

Hà nhăn mặt:

- Mệt tụi bây ghê! Cứ như đi dạ hội không bằng!

Mỹ Lệ cười cười:

- Cũng gần như vậy đấy. Lát mữa mày sẽ biết.

Tiếng xe rộn ràng trước cửa làm con Anh quýnh lên:

- Ði, tụi bây!

Thằng Giang trên lầu chạy xuống, gọi giật lại:

- Chị Hai, đi đâu vậy?

Hà ngoái lại, hấp tấp nói:

- Tao đi chơi một chút. Nhớ đóng cửa cẩn thận, má có về hãy mở cửa nghen.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#teyru