mary on a cross;

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Your beauty never ever scared me.

If you choose to run away with me

I will tickle you internally

And I see nothing wrong with that.

.

Chào.

Ừm, hơi bối rối để bắt đầu nhỉ? Tôi chưa bao giờ viết lách, nhưng tôi nghĩ rằng tôi muốn viết xuống, cái gì cũng được, mọi điều tôi đang nghĩ.

Giọng văn có thể hơi rời rạc, ai đọc được thì thông cảm nhé.

Bắt đầu nào.

Tôi có một người mẹ. Hơi kì đúng không? Ai mà chẳng có một người mẹ? Mẹ là người sinh ra tôi, yêu bố tôi, dưỡng dục tôi.

Tôi yêu mẹ tôi, và cả bố tôi nữa.

Nhưng thành thật mà nói, tôi yêu bố tôi hơn. Tôi yêu cả ông bà, cả những người xung quanh.

Hừm...

Hơi bẽ bàng nếu mẹ tôi nghe được, nhưng có vẻ tôi yêu mọi người nhiều hơn yêu mẹ. Tình yêu của tôi dành cho mẹ rất ít, dù mẹ luôn bên cạnh tôi, luôn bên cạnh tôi.

Tôi từng yêu mẹ lắm.

Tôi còn nhớ cảm giác lúc nhỏ, khi tôi còn đang chập chững đi theo từng bước mẹ đi rất nhanh. Đi theo mẹ khắp nơi trong nhà. Mẹ nấu ăn cho tôi, đọc sách cho tôi, xem hoạt hình cùng tôi.

Cho đến khi bố tôi trở về nhà, từ lúc đó trở đi tôi chỉ bám bố cho đến khi ông lại đi làm vào sáng mai, và tôi lại ở nhà với mẹ.

Tôi cũng không hiểu tại sao tôi lại nhớ cảm giác ấy rõ ràng đến vậy. Dù cho tôi còn rất nhỏ, nhưng cái cảm giác khi mở mắt, chập chững tự mình đi ra phòng khách, bố đã đi mất rồi.

Chỉ còn lại mẹ tôi, quay lưng về phía lối đi, đọc sách hoặc thơ thẩn nhìn ra ngoài cửa sổ.

Tôi gọi, mẹ tôi quay lại.

Và vẻ mặt ấy lúc nào cũng mơ màng, trống rỗng như thể vẫn chưa từng trở về với tôi hay bố từ thế giới của mẹ.

Lúc đó tôi vẫn thấy bình thường. Ăn vui của tôi, chơi vui của tôi, hát vui của tôi, nghe mẹ đọc lên những câu truyện cổ tích cũng rất vui của tôi.

Tôi chỉ là một đứa trẻ.

Đứa trẻ này nhiều khi lại chưa từng trải qua cảm giác giống với bất kì ai, sau này đi học mẫu giáo tôi mới biết.

Đi học, cô giáo dạy chúng tôi về "yêu thương", về "gia đình", và bảo rằng các con chính là kho báu quý giá nhất của bố mẹ. Bố mẹ luôn là người yêu thương các con vô điều kiện, không bờ bến.

Hôm đó tôi còn nhớ là tôi vui lắm. Bố đón tôi ở cổng trường, tôi hí hửng hỏi bố:

"Bố ơi bố yêu thương ai nhất trên đời thế bố?" - Tôi cười, hỏi trong sung sướng, chắc mẩm đáp án đương nhiên là tôi, công chúa của bố.

Bố bỗng im lặng, nhưng cuối cùng vẫn nhìn tôi trìu mến.

"Đương nhiên là bố yêu con nhất rồi."

Nhưng rất nhanh thôi, tôi biết lời nói của bố là nói dối.

Vì tối hôm đó, trên bàn ăn, khi tôi hỏi mẹ tôi câu tương tự, mẹ chẳng chờ lấy một giây phút ngập ngừng như bố, đáp lời tôi.

"Mẹ yêu bố con nhất. Rồi mới tới con."

Tôi phụng phịu, thấy bố xoa đầu mẹ, rồi hôn lên trán mẹ.

Tôi lúc đó không thèm chấp với mẹ, vì lúc bố con tôi về nhà, mẹ lại khóc trong phòng.

Bố đã sợ hãi, bỏ mặc tôi ngoài phòng khách, vào phòng với mẹ.

Cơm hôm đó cũng là bố nấu. Mẹ lại quá buồn bã để nấu cơm, dù tôi không hiểu tại sao mẹ tôi cứ như thế suốt.

.

Tôi lên tiểu học, mấy đứa trong lớp đứa nào cũng bị ép đi học thêm, nhưng nhà tôi thì chẳng cho tôi đi. Ngược lại với bọn nó, tôi muốn đi học thêm.

Có lí do cho việc đó.

Tôi thích không khí rộn ràng sôi nổi của bạn bè trong lớp học thêm, còn hơn cứ phải đăm chiêu im lặng ngồi cùng mẹ tôi trên bàn học cả tối.

Vẫn luôn là nét mặt đượm buồn và trống rỗng đó, mẹ phải đọc đề của tôi rất lâu mới bắt đầu giảng, dù đây chỉ là bài toán tiểu học. Có nhiều khi mẹ tôi đọc xong thì tôi đã không cần mẹ chỉ nữa. Tôi nghĩ ra rồi.

Hoặc giả như có một bài toán nào đó tôi thấy rất khó, nhìn mẹ tôi thì chắc chắn mẹ không giải được, tôi sẽ phải chờ đến khi bố về.

Tôi học rất nhanh, và tôi cũng thích học vì tôi thấy bài học dễ và thú vị. Tôi học vì tôi thích cảm giác được giải quyết những vấn đề được cho bằng chính sức của mình. Lực học của tôi rất mạnh, nên cuối cùng, đấu tranh mãi, bố mẹ cũng đã đồng ý cho tôi học thêm.

Tôi nghĩ là khoảng cách giữa tôi và mẹ đã bắt đầu xuất hiện từ đó. Từ sâu thẳm con tim, tôi có ý coi thường mẹ. Càng lớn lên, cảm giác ấy càng rõ ràng. Càng ngày càng có nhiều thứ mẹ không giảng được cho tôi. Thậm chí khi tôi và mẹ đi mua đồ cùng nhau, bà tính nhẩm giá tiền cũng toàn sai bét.

Chắc mẹ tôi chỉ mới tốt nghiệp tiểu học, vậy thì bây giờ tôi đã học cấp 2 rồi. Chắc vì thế nên mẹ mới không thể đọc hiểu bài tập của tôi nữa.

Mẹ tôi rất lơ là việc nuôi dạy tôi, phải nói thẳng là thế. Tầm lúc đấy có vẻ mẹ nhận thêm một công việc ở nhà. Tôi cứ thấy đủ thứ chai lọ nhãn mác hóa chất đầy phòng khách, rồi mẹ sẽ in đơn, đóng hộp để giao đi. Nghỉ hè với mẹ nhiều khi cả ngày tôi chẳng được ăn gì, phương tiện giải trí cũng chỉ có ti vi. Nên tôi buộc phải gọi cầu cứu bà ngoại. Sau đó hình như mẹ tôi thấy phiền quá, nói bà mang tôi đi luôn đi.

Thế là tôi sang nhà bà chơi đến hết hè. Dù vậy, tôi vẫn vui hơn. Vì ở nhà với mẹ tôi chán lắm. Ở với bà thì bà nấu cho nhiều món ngon, còn được ăn vặt thoải mái. Và quan trọng nhất, bà cũng giải toán rất giỏi. Tôi đua giải toán với bà vui thú hơn lúc ngồi học với mẹ tôi chục lần.

"Nó định cứ như thế đến lúc nào?" - Bà ngoại thở dài vì mẹ với bố tôi, còn bố chỉ cười nhạt rồi từ biệt tôi trước cửa nhà bà để về với mẹ.

Mẹ tôi "cứ như vậy" là cứ ủ ê ấy hả? Tôi cũng có cùng câu hỏi với bà ngoại đấy.

Coi thường như vậy, nên tôi cũng không mấy hứng thú với những câu chuyện cổ tích cũ rích mà mẹ đã nhai đi nhai lại cả chục lần. Trước đây, chỉ có giờ đọc sách tôi mới có thể trò chuyện, lắng nghe mẹ. Mẹ hay ngừng lại rồi hỏi tôi mấy câu bâng quơ như: "Con nghĩ sao nếu thế giới này chưa bao giờ có chiến tranh?", "Con có nghĩ mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn nếu con người chưa bao giờ phải đấu tranh cho bất cứ điều gì không?", hay "Nếu con là nhân vật này, con sẽ nghĩ gì, cảm thấy như thế nào?". Câu hỏi mẹ đặt ra hầu như đều tối nghĩa và nghe có vẻ chung chung cưỡi ngựa xem hoa như vậy. Mẹ đặt ra cho tôi nhiều câu hỏi vì sao hơn cả một đứa trẻ. Có rất nhiều câu tôi không trả lời được, không biết trả lời làm sao. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến những việc đó, và tôi cũng không mấy hứng thú để trả lời câu hỏi của mẹ. Dần dần, mẹ không hỏi nữa, tôi với mẹ dần không còn nói chuyện nhiều, mất kết nối với nhau. Tôi cũng có thử đọc sách của mẹ khi đã chán ngấy mấy cuốn cổ tích, nhưng những cuốn sách mẹ đọc cũng buồn tẻ và tối nghĩa như những câu hỏi của mẹ vậy.

Tôi chỉ nói chuyện với bố thôi, nhưng đợi được bố về thường rất muộn. Mẹ tôi có vẻ cũng chẳng để tâm đến tôi, cứ mặc tôi thức chờ bố một mình.

Từ nhỏ tôi đã được học trường quốc tế. Bố mẹ của bạn bè tôi rất giỏi, tôi đã từng thấy. Họp phụ huynh của chúng tôi giáo viên cũng toàn nói tiếng Anh, nhưng không có phụ huynh nào phải nhờ giúp đỡ từ trợ giảng cả. Tôi còn biết bố mẹ tụi nó còn chỉ tụi nó làm bài tập nâng cao, còn tự tay ôn cho tui nó thi những cuộc thi quốc tế.

Nhưng tôi chẳng sợ.

Bố tôi cũng rất giỏi. Tất cả những bài tập đó bố đều có thể chỉ cho tôi, bố nói tiếng Anh chuẩn như người bản xứ, cũng rất nổi tiếng trong group phụ huynh. Tôi biết hết, vì khi chơi điện thoại bố, tôi thấy phụ huynh của nhiều bạn nhắn tin cho bố qua lại.

Và tôi cũng biết do bố tôi đẹp trai. Cực kì đẹp.

Mang tấm ảnh thẻ cũ của bố hồi đại học lên khè đám bạn, tụi nó còn tưởng là tài tử điện ảnh nào.

Từ nhỏ đến lớn, toàn là bố đi họp phụ huynh cho tôi. Tôi cũng không có ý kiến gì, vì để mẹ đi họp nhiều khi mẹ không hiểu thì lại thành ông nói gà bà nói vịt. Tôi cũng không muốn bạn bè tôi biết mẹ tôi không biết tiếng Anh.

Cho tới một ngày hôm đó, mẹ tôi phải lên trường tôi gấp.

Tôi ở sân chơi bị một thằng cố tình xô ngã gãy chân. Lúc tôi vào đến phòng y tế, nước trên mắt tôi còn chảy đầm đìa vì đau.

Giáo viên chủ nhiệm gọi điện cho gia đình tôi, mà tôi thì chưa kịp nói với cô hãy gọi bố. Mẹ em không biết tiếng Anh.

Tôi cắn răng khi phòng y tế bắt đầu bó bột cho tôi, tim như nứt toạc khi mọi chuyện đã quá muộn. Cô gọi cho mẹ.

Ở ngoài cửa, tôi không biết đã xảy ra chuyện gì.

Nửa tiếng sau, thời gian ngắn nhất tôi từng thấy mà mẹ tôi có mặt nhanh như vậy.

Mẹ long sòng sọc vào phòng y tế, chỉ vào mặt từng người có trong phòng, hỏi lạnh băng:

"Thằng đẩy con tao đâu?"

Bằng tiếng Việt.

Trong khi ngoài một trợ lý người Việt, tất cả ở đây đều là người nước ngoài.

"Chị ơi, xin chị hãy bình tĩnh..."

"Đừng nói tao phải làm gì." - Bà mỉm cười, nhưng tôi chưa bao giờ thấy nụ cười nào trên đời lại độc ác như vậy - "Mang thằng đó lên đây."

"We apologise for..." - Chủ nhiệm người Anh thấy tình hình có vẻ căng thẳng, định vào khuyên giải...

Nhưng trong mắt tôi, mẹ tôi chỉ lườm chủ nhiệm một cái, không nói không rằng, đi đến ngồi xuống ghế thăm bệnh cạnh tôi, nắm tay tôi.

Có vẻ không muốn nói năng gì thêm. Mẹ chỉ chờ đúng thằng đấy, ai hỏi gì cũng không thèm tiếp.

Tôi thấy tay mẹ lạnh ngắt.

Tôi vừa thương mẹ vừa bực bội mẹ. Sao mẹ lại không biết tiếng Anh? Sao mẹ lại nạt cả giáo viên? Giáo viên có làm gì đâu. Mẹ chẳng biết điều gì cả, lại còn xưng "tao" với người ta như phường vô văn hóa vậy.

Ừ thì mẹ lo cho tôi, nhưng tôi bỗng thấy rất xấu hổ. Nếu đây là bố thì tốt rồi.

Bố sẽ không bao giờ cư xử như thế.

Rất nhanh thôi vì còn trong giờ học, thằng đẩy ngã tôi bị dẫn tới.

Thằng đó mặt kênh lên tận trời, gặp mẹ tôi cũng không thèm chào. Lại còn nhìn tôi nhếch miệng thách thức bằng tiếng Anh, mẹ tôi cũng chưa nói gì.

Lời nó nói chuyện rất hỗn, có cả thầy cô ở đây mà nó cũng chẳng nể nang gì cả. Đại loại là bố nó cơ to, tống cổ tôi khỏi cái trường này chỉ vì nó ghét cũng chỉ là chuyện nhỏ như con kiến.

Trước mặt mẹ tôi, giáo viên e ngại mắng nó, nhưng cũng không nặng. Hình như bố nó cơ to thật, trước đó tôi còn nghe phong phanh bố nó là một trong những cổ đông đầu tư vào cái trường này, nên nó chẳng sợ bố con thằng nào cả, kể cả giáo viên.

"Mẹ ơi." - Tôi níu áo mẹ - "Gọi bố đi mẹ."

Nói được câu đó là do tôi hết chịu nổi rồi. Nhiều khi lời ra tiếng lại nãy giờ mẹ tôi cũng chẳng hiểu nửa chữ, chưa kể tôi còn sợ mẹ tôi làm ầm lên, làm khó người khác vô lý...

"Gọi bố làm gì?" - Mẹ tôi nhìn tôi, hơi nhíu mày.

"Cho bố giải quyết." - Tôi lấy tay còn lại che mắt - "Con chịu hết nổi rồi."

Nghe thế, mẹ tôi buông tay tôi ra. Vẻ lãnh đạm quay trở về trên gương mặt mẹ. Tôi hé mắt, thấy mẹ đứng dậy, cầm tay lôi thẳng thằng kia ra khỏi phòng.

Hành lang trường hôm đó là cả một đống hỗn độn.

Giáo viên hốt hoảng, học sinh đi qua tò mò nhòm ngó.

Tôi chỉ nằm im. Tôi bị gãy chân mà.

Suy nghĩ đâu đâu. Nghĩ đến cả chuyện không biết tại sao ngày xưa bố có thể yêu mẹ, lấy mẹ. Khoảng cách giữa hai người thật là lớn. Bố điềm tĩnh, trầm ổn, học thức và cực kì nhã nhặn. Còn mẹ lại học thấp như thế, sống như người trên trời, bộc trực và chẳng hiểu cái quái gì về thế giới ngoài kia.

Tôi chảy nước mắt, nhưng lần này đau trong tim.

Tiếng hét ngoài cửa khiến tôi giật mình. Là tiếng hét của thằng xô ngã tôi.

Tôi nghe nó gào rú bằng tiếng Pháp, có vẻ hiệu trưởng tới rồi.

Tôi thở dài trong nước mắt, ngày càng thấy bất lực. Thằng kia hét toáng lên, nói toàn mấy thứ mách lẻo đại loại như bà này làm con sợ, bà này đe dọa bẻ gãy chân con, con sợ lắm thầy ơi.

Lạ thật đấy, tôi cười mỉa.

Mẹ tôi lại đi dọa những việc đó kia.

Tôi có thể tưởng tượng được một đống người nước ngoài bao vây. Thằng nhóc thì nói đủ thứ bằng tiếng Anh tiếng Pháp, kế bên có người phụ nữ trông như bị dại chỉ biết nói mấy câu đe dọa thấp kém thế với một thằng nhóc.

Không ngầu.

Không thích.

Rồi phụ huynh thằng kia cũng đến, họ bỏ tôi lại, vào phòng hiệu trưởng nói chuyện rất lâu.

Tôi bị lay dậy trong giấc ngủ thiu thiu. Mẹ tôi đỡ tôi ngồi, theo sau là thằng xô tôi, ba nó, giáo viên chủ nhiệm và cả thầy hiệu trưởng.

Đây mới là thứ khiến tôi ngạc nhiên nhất ngày:

Thằng đó xin lỗi tôi. Vừa nghiến răng vừa xin lỗi như không cam tâm còn bị bắt ép.

Ba nó còn ngượng ngùng chìa tay với mẹ tôi, xin lỗi và hứa không có lần sau nữa. Ổng sẽ chấn chỉnh con ổng.

Lần đầu tiên tôi nhìn mẹ tôi kĩ đến thế.

Gương mặt gần như không mang theo dấu vết của thời gian. Áo sơ mi rộng thật thoải mái, quần jean bình thường, Airforce 1 đôi với bố. Mái tóc búi lên tùy hứng, những cọng tóc rủ xuống tự nhiên và lộn xộn như tôi vẫn luôn cố tạo kiểu. Dáng người mẹ đẹp, nhìn qua không nghĩ mẹ đã có con lớn như tôi.

Lời xin lỗi vừa xong, bất chấp tất cả những khúc mắc, lần đầu tiên tôi thấy mẹ thật sự rất đẹp.

Mẹ lái xe đưa tôi về nhà. Tôi phải nghỉ một tuần dưỡng thương.

Bố vừa về nhà đã phát hoảng lên vào phòng tôi, hỏi thăm hết cái này đến cái khác. Và sau đó là:

"Mẹ con có sao không?"

Tôi ngạc nhiên quá đỗi.

Mẹ thì có thể bị làm sao được?

Mấy ngày sau đó bố tôi không về muộn nữa. Mà bố về thì mẹ lại nấu ăn rất đầy đủ. Để so sánh thì thật ra mẹ nấu ăn ngon hơn bà ngoại, nhưng thường là lười nên bỏ bữa, chỉ mua đồ ăn ngoài cho tôi. Bố ở nhà thì bữa cơm mới đầy đủ, đó cũng là một trong những khoảng thời gian tôi cực kì hạnh phúc.

Nhưng, tôi dỏng tai nghe bố mẹ nói chuyện trong bếp.

Bố hỏi về cái ông phụ huynh của thằng kia.

Nghe giọng như ghen ấy. Bố mà cũng ghen à?

Nhưng cũng chỉ tới thế, lúc tôi ló đầu vào thì lại thấy bố hôn mẹ rồi, thế là tôi "eo" một cái rồi cút thẳng ra ngoài.

Khi còn nhỏ, tôi rất dị ứng với cái cảnh đấy, nhưng sau này cũng quen dần.

Bố hay hôn mẹ. Lên trán, lên chóp mũi, lên cả môi.

Bố chưa bao giờ lên giọng với mẹ, ngay cả lúc đang nghiêm khắc dạy dỗ tôi, chỉ cần nói chuyện với mẹ cũng rất nhanh đã chuyển thành giọng điệu dịu dàng.

Tôi đã từng thấy rất bất công, mẹ cũng làm sai nhiều thứ mà.

Nhưng sau này lớn lên tôi mới hiểu.

Mẹ, đối với bố không hề giống tôi.

Hồi xưa bố nói dối. Bố nói bố yêu tôi nhất, xì!

Khoảng thời gian tôi dưỡng thương vui vẻ hơn, tôi cũng nói chuyện với mẹ nhiều hơn. Nhưng rất nhanh, một tuần đã kết thúc.

Và quay trở lại với những ngày tháng trước đó, tôi lại một lần nữa mất kết nối với mẹ.

Cuối cấp hai, trường tôi có chương trình trao học bổng cho du học chuyển tiếp sang Anh, rút gọn cấp 3 cho những đứa có thành tích học tập trong top cao để pathway lên đại học. Trong đó có tôi.

Hiển nhiên rồi, tôi top 5 trong trường mà.

Tự học đó nhé.

Tôi thật là thông minh tài giỏi quá.

Sau khi mang lá thư thông báo về cho bố mẹ, bố cười toe nhấc bổng tôi lên. Mẹ cũng vui, tôi thấy điều đó qua đôi mắt vốn trống rỗng của mẹ, qua biểu cảm mờ nhạt của mẹ.

Rồi tối đó chúng tôi ở phòng khách, cùng nhau chọn trường.

Tôi như lạc trong một biển thông tin, nhìn hoa mắt trường này ngành kia, không biết cái nào mới tốt.

"Hay con đăng kí trường này đi, có khoa con chọn này." - Mẹ đẩy laptop về phía tôi.

"Nhưng trường này khó lắm, con sợ mình không được ấy." - Tôi nhìn một cái đã nói ngay.

Không biết mẹ tôi có biết hết là trình độ của tôi tới đâu không, nhưng mẹ vừa chỉ đại học Manchester, nằm trong top 10 trường tốt nhất bên Anh, trong top 50 thế giới. Tuy ở đây tôi giỏi thật, nhưng tôi cũng thừa hiểu là ngoài kia có đầy đứa giỏi hơn mình, sang bên kia lỡ đâu tôi không thích nghi được, lại thụt lùi thì sao? Nếu thế thì chọn trường này cũng rủi ro, tôi cần một option an toàn hơn. Mà mẹ tôi hiển nhiên là không hiểu. Tôi nhìn mẹ tôi còn phải dịch trang web sang tiếng Việt để đọc mà chán.

"Đâu?" - Bố tôi cũng ló đầu vào nhìn - "Trường này tốt đấy. Bố thấy được mà."

Nữa.

Tôi thở dài.

Tuy tôi tin tưởng lời nói của bố hơn, nhưng cũng phải loại trừ trường hợp bố hùa theo mẹ nữa. Bố hay hùa theo mẹ lắm, nhiều khi mẹ tôi sai lè, nhưng bố vẫn bênh mẹ chứ chẳng bênh tôi.

"Bố đùa con à?" - Tôi nhăn nhó - "Trường này cao lắm."

Bố chỉ tủm tỉm cười.

"Bố biết con gái của bố làm được mà."

Một câu động viên vô nghĩa. Tôi dài mắt, vỗ tay ghi nhận tấm lòng của bố khích lệ tôi, cho bố vui.

"Thôi hai mẹ con vào tìm giấy tờ đi để muộn." - Bố tôi nói - "Để bố ngoài này lên danh sách cho, tí ra chọn tiếp."

Tôi tò tò đi theo sau mẹ vào phòng ngủ.

Mẹ tôi tìm chìa khóa, mở két sắt.

Trong mười mấy năm cuộc đời, lần đầu tôi mới được thấy cái két sắt đó mở ra.

Trái với suy nghĩ của tôi, bên trong không có tiền, mà chỉ có rất nhiều bìa sơ mi và những cuốn album ảnh. Gáy album được dán tiêu đề, tên tôi chỉ được viết trên đúng một cuốn.

Tôi híp mắt đã manh nha cận thị, còn lại là những cái tên như "Manchester", "la vie en rose", "au fond", "London", "Barca in wind days" và cuối cùng là "Entrelacé".

Tôi lập tức thấy tò mò.

Mẹ thì cắp lấy những bìa sơ mi, còn tôi lôi hết đống album đó ra xem.

Bên trong toàn ảnh của bố mẹ.

Và đúng như những cái tên ghi chú trên gáy, bên trong là ảnh của bố mẹ cùng nhau cười thật tươi ở Manchester, London và Barcelona. Lúc này trông bố mẹ tôi còn rất trẻ, cũng rất là điển trai xinh gái. Hai người đẹp đến mức nếu là thời bây giờ, chắc chắn phải là hotface trên mạng.

"Bố mẹ đi nhiều nhiều nơi thật." - Tôi cảm thán, rồi lại xụ mặt - "Thế mà chẳng bao giờ cho con đi. Đến nỗi con còn tưởng bố mẹ chưa bao giờ đi nước ngoài chứ."

Mẹ cười cười, nói rất nhỏ nhưng tôi vẫn nghe được.

"Đi nhiều mới ra con đấy."

Tôi hừ mũi, hơi đỏ mặt. Mẹ nói thế trước mặt con nít mà cũng được à?

Trong lúc mẹ lục rồi phân loại giấy tờ hành chính này nọ, tôi để ý thấy một xấp rất mỏng bằng bìa cứng, màu tím nằm bẹp dí trong đống bìa chất chồng lên nhau. Mẹ tôi chẳng buồn liếc mắt, nên tôi đưa tay lấy.

Đập vào mắt tôi là một dòng chữ dập bạc ngoài bìa:

The University of Manchester

Và phần để lộ tấm bằng bên trong ghi:

Bachelor of Science

In the falcuty of Humanities

Business Accounting with Industrial

To

Duong Hoang Bach Ton

Tuy thứ tự tên họ trong hệ thống nước ngoài hơi lộn xộn, nhưng đó chắc chắn là "Tôn Hoàng Bạch Dương", tên bố tôi. Tôi chấn động, ngây ra như phỗng. Rồi sau đó tim đập như điên.

"Mẹ!" - Tôi túm tay mẹ - "Bố học Manchester à?"

"Ừ." - Mẹ tôi tỉnh bơ trả lời - "Con mới biết à?"

Tôi há hốc mồm.

Đúng - là - tôi - mới - biết!

Có ai nói cho tôi biết đâu?!

Tôi gần như điên lên vì bất ngờ.

"Bố giỏi vậy bây giờ con mới biết." - Tôi vội mở bìa để đọc bên trong.

Nhớ ra vẫn còn, tôi vội nhìn lại tiếp vài tấm bằng cùng màu dưới đất.

Rồi tôi hoàn toàn câm miệng. Ngày sốc nhất đời tôi chính là hôm nay, cái ngày là tôi thấy tên mẹ tôi - người tôi luôn nghĩ mới chỉ tốt nghiệp tiểu học, trên tấm bằng cử nhân của Manchester - cái trường mà khi nãy tôi còn nói sợ rằng không đủ tự tin để thi vào.

Tôi hoàn toàn sốc đến nỗi không nói nên lời.

Ủa?

Tôi tưởng mẹ tôi không biết tiếng Anh chứ?

Mẹ tôi - người lúc nào cũng nhờ tôi dịch menu lúc cả nhà đi ăn nhà hàng tây.

Mẹ tôi - người tranh cãi với giáo viên bản xứ của tôi chỉ nói tiếng Việt.

Mẹ tôi - xem website trường đại học cũng phải dịch nghĩa.

Bố thì tôi còn hiểu được. Nhưng mà... mẹ tôi á?

Tôi dán mắt vào tấm bằng như cố moi móc từng chi tiết ra xem đây có phải là bằng giả không. Thậm chí tôi còn cầm bằng của bố lên để so sánh. Từng đường vân in chìm, từng nét lăn chữ, logo phản quang dập nổi, và cả chữ kí của hiệu trưởng, năm tốt nghiệp cũng y đúc nhau, chỉ khác tên bằng, tên ngành và tên người nhận bằng.

Bachelor of Art

In the falcuty of Humanities

Philosophy

To

Ngu Thanh Song Pham

Phạm Thanh Song Ngư. Không thể nào có chuyện hoang đường thế này được.

Săm soi chán chê, tôi mới buồn bực ngóc đầu lên, mẹ tôi đã ngồi đó, im lìm nhìn tôi trìu mến từ lúc nào.

"Philosophy là gì mẹ?" - Tôi hỏi.

"Triết học." - Mẹ tôi nhếch môi.

Tôi vẫn chưa hoàn hồn, và dưới đất vẫn còn hai tấm bằng nữa. Đừng nói với tôi là...

Lúc cầm lên, y như chóc không trật đi đâu được.

Hai tấm bằng thạc sĩ. Master. Một của bố, một của mẹ.

Của mẹ.

Của - mẹ.

CỦA MẸ!

"Bất ngờ lắm à?" - Mẹ tôi nhìn tôi nãy giờ bây giờ mới dửng dưng lên tiếng.

Nói là dửng dửng cũng không hẳn là dửng dưng. Mẹ tôi thì vẫn lãnh đạm như đó giờ thôi, nhưng tự tôi thấy trong đó là dửng dưng, còn có đắc ý, còn có cao ngạo, lừa đảo, dối gian, xấu xa, bỉ ổi nữa! Sao mẹ dám lừa con hả!?

Tôi thở phì phò, mất một lúc mới chấp nhận được sự thật.

"Đó giờ con nghĩ mẹ chỉ tốt nghiệp tiểu học đúng không?" - Mẹ tôi vừa nói ngang phè vừa gom giấy tờ, trước khi bỏ tôi lại trong phòng, mẹ còn bỏ lại một câu.

"Mẹ của con nào phải dạng xoàng, nhớ đấy."

Nếu là đối với người khác, có lẽ người ta sẽ không phản ứng như tôi. Tôi hơi xa cách với mẹ. Với tôi mẹ chỉ giống như một người lớn hay một người bạn chung nhà. Mẹ tôi không nghiêm khắc, không bao giờ gây sức ép gì cho tôi, thậm chí là thơ ơ, hơi thiếu trách nhiệm hơn những bố mẹ khác, bằng chứng là mẹ tôi cứ thả tôi ở đấy tự sinh tự diệt, còn không nấu ăn mà. Chưa kể đến cả gia đình nội ngoại của tôi rất coi trọng tri thức, mà mẹ như trên mây hỏi gì cũng hả cũng nói không biết, mẹ nói mẹ lười, nhưng lâu dần tôi nghĩ là mẹ không biết thật chứ chẳng phải lười.

Bây giờ sự thật kì lạ này đập vào mặt tôi.

Ồ, thế là lười thật chứ không phải giả à?

Tự nhiên mẹ cũng biết tôi nghĩ bả chỉ học hết tiểu học, bỗng thấy hơi xấu hổ. Vậy ra đó giờ tinh tướng lên mặt thế chắc trong lòng mẹ cười cho thối mũi.

Tôi lập tức xốc lại được tư tưởng ngay, hốt vội bốn tấm bằng, phóng như bay ra ngoài, đứng giữa nhà, tôi trịnh trọng tuyên bố:

"Con sẽ thi vào Manchester!" - Tôi nắm tay lại đầy quyết tâm, giơ cao bốn tấm bằng mà đối với tôi cực kì danh giá và đầy tự hào, vẻ vang - "Bằng mọi giá. Con còn lâu mới thua hai người!"

Bố khoác vai mẹ, cười rất to.

"Được! Được đấy! Con gái bố là phải thế chứ!"

Vậy ra bố mẹ chỉ điểm là có mục đích à? Hai người phải lên cái kịch bản lừa bịp con nít này bao lâu rồi hả?!

Và cứ thế, nguyện vọng của tôi được ấn định.

Tôi hỏi mẹ để tôi giữ bằng đại học của bố mẹ được không, mẹ tôi phất tay không quan tâm như thể đó là giấy vụn. Tôi nghĩ mình bắt đầu hiểu mẹ hơn, nhận ra nếu mẹ coi đó là giấy vụn thì đã không cất kĩ như thế trong két sắt.

Tối đó tôi nằm lăn trên giường, ngắm nghía mãi những tờ giấy tưởng như vô tri này không biết chán. Tôi còn mang cả đống album ảnh vào. Những mốc thời gian trong đó rất rõ ràng. Ban đầu là ảnh riêng của bố, của mẹ, tiếp là tới khoảng thời gian hai người gặp nhau, yêu nhau ở đại học. Chà, có rất nhiều ảnh chụp cực kì nghệ, cũng rất là "vibe". Có cả những tấm ảnh riêng tư, tôi xem mà lòng cuộn sóng, đỏ mặt.

Bố tôi rất đẹp trai, mẹ cũng xinh đẹp cực kì. Có ảnh mẹ đang đọc sách, đi bộ, cười, mặt sau tấm ảnh có bố kí tên. Có ảnh bố tay đang nghiêng chai bia, cười say hi rất gợi đòn, tay còn kẹp điếu thuốc, rất... trai hư. E hèm. Mặt sau cũng có chữ kí của mẹ.

Có những tấm polaroid pov đôi. Mẹ nghiêng đầu dụi mặt vào bàn tay đang đưa ra mà chắc chắn là tay của bố, nhìn thẳng vào cam. Và ảnh còn lại là pov của mẹ, bố đang cười rất đểu, lè lưỡi liếm cổ tay mẹ, mắt rất khiêu khích.

Lửa. Tôi thấy lửa. Rất nhiều lửa.

Tôi đỏ mặt, rất là đỏ mặt, bỗng có cảm giác như mình đang đọc teen-fic sống vậy ấy. Bố mẹ tôi chụp polaroid rất nhiều. Những tấm ảnh vibing vụn vặt cũng nhiều.

Burger, cola, late night drive.

Sneaker, hoodie, skateboarding.

Chill with you, mon Ari/Pisie.

We're drunk af.

I'm high.

Bday of Nicole (who tf is that why am i even here?)

Next morning, why u next to me?

Ê ê, tôi nhận ra bố mẹ tôi cũng hư hỏng lắm nhé. Cũng gọi là thanh xuân cuồng nhiệt đó. Nhìn là biết mẹ không phải dạng xoàng, đúng như mẹ tôi nói. Coi cái áo khoác da và body đó kìa, thảo nào bố lại mê thế.

Tôi rung động, thầm kín gom hết những thứ này, biến tất cả thành love target của chính mình.

Sau đó ôm vào lòng như ôm một ước mơ, như thể đây là niềm tin, hi vọng của tôi. Mang theo cả sự tự hào, sự vỡ lẽ, niềm kính yêu đối với bố mẹ trào dâng. Và cả áp lực, một chút thôi, khi đã mạnh miệng tuyên bố sẽ giỏi hơn hai người.

Rồi tôi thiếp đi trong một mảnh kí ức hồi mầm non, rằng tình yêu thương của bố mẹ là vô bờ, nên tôi cần gì phải đánh bại họ? Họ là đồng chí, là đồng đội, là bệ phóng của tôi. Bố và mẹ, người luôn dang rộng vòng tay đón tôi trở về.

Là con của những người đẹp lại còn tri thức sướng thật đấy.

Và tôi phải công nhận đây đúng là một kịch bản hào hùng, bi tráng nhất.

.

Trước kì nhập học mùa xuân, cả nhà tôi và bà ngoại về quê ngoại ăn Tết. Lúc nào chúng tôi cũng về ngoại, vì bên nội đi Mỹ hết rồi, chẳng còn ai.

Sau ngày tôi biết mẹ tôi không phải dạng vừa thì tôi rất hân hoan, mở lòng hơn với mẹ rất nhiều. Có rất nhiều chủ đề mà lúc trước tôi không muốn nói với mẹ vì sợ mẹ không hiểu, bây giờ tôi lôi hết ra. Tôi cũng không dám khinh thường gu thời trang của mẹ tôi nữa. Tầm vóc của mẹ trong tôi tăng vọt, vì tôi biết mẹ tôi rất giỏi, và dư sức dạy dỗ tôi rất nhiều điều. Để chiêm nghiệm, để nghiền ngẫm, tôi nhận ra rằng không phải mẹ giấu diếm trình độ với tôi mà ngược lại, những chuyện mẹ nói, tôi mới là đứa chưa chắc đã hiểu được.

Tôi cứ hiểu lầm mẹ như thế, dần xa cách như thế.

Nhưng giờ thì không còn nữa.

Tôi nói chuyện với mẹ tôi rất nhiều, hỏi rất nhiều. Phát hiện ra là mẹ đã cố kết nối với tôi từ lúc đọc truyện cổ tích, với những câu hỏi mà tôi bảo là "tối nghĩa" mà gần đây tôi mới biết đấy là Triết học, là chính trị. Nhưng cuối cùng tư duy của tôi không vận hành như vậy, chưa kể bảo một đứa trẻ quan tâm nghiền ngẫm đến những thứ ấy thì hơi quá sức.

Bây giờ tôi mới biết.

Và biết thì mới hứng thú.

Nhưng mẹ tôi thì vẫn như cũ, lười. Và mẹ thể hiện ra mặt là tôi đang rất phiền.

Tôi bĩu môi khi hỏi đến lần thứ ba mà mẹ vẫn không thèm đáp, quay sang hỏi bố.

Rồi tôi phát hiện cũng có thứ bố không biết.

Nhất là những thứ mẹ biết, mẹ quan tâm. Bố giải thích được đại khái, nhưng chẳng thể phân tích sâu xa được như mẹ.

À, bây giờ vị thế hai người trong lòng tôi mới cân bằng đấy.

Về đến quê ngoại ở miền bắc, trời trở rét.

Tôi rất thích lạnh. Lạnh càng tê tái tôi càng thích. Lăn trong chăn và trong quần áo ấm, tôi cảm thấy an toàn.

Nhà tôi về trước, còn nhà dì tôi năm nay cũng về ngoại chơi để tiễn tôi đi du học, nhưng về sau.

Bữa tối chỉ có gia đình tôi và bà ngoại. Từ việc hiểu mẹ, tôi còn học cách lắng nghe nữa. Hiếm thấy mà tôi không chạy lăng xăng chơi với chó mèo mà ngồi nghe người lớn nói chuyện trên bàn cơm. Có rất nhiều thứ tưởng như cơ bản mà tôi không hề biết. Là bà ngoại cũng rất giỏi, một mình bà làm ăn nuôi mẹ và dì ăn học đỗ đạt thành danh, chính bà ngoại hồi xưa cũng học đại học top Việt Nam. Năm mẹ tôi tốt nghiệp cấp ba, bà mở doanh nghiệp kinh doanh sản xuất, làm ăn rất khá. Khi bố mẹ tốt nghiệp về nước, bà nghỉ hưu, bố mẹ từ lúc sinh ra tôi đã thừa kế công ty của bà, bây giờ đang cùng nhau điều hành và phát triển.

Trời ơi cuốn cuốn cuốn!

Hóa ra nhà tôi giàu thế.

Hóa ra mẹ tôi cũng làm việc.

Tôi tưởng đó giờ bố làm thuê, mẹ thất nghiệp ở nhà bố nuôi chứ.

Tôi nghe đắm đuối không sót một chữ. Cười toe định quay sang cảm thán với mẹ, tôi sững lại khi mẹ từ lúc nào đã sa sầm xuống, sắc mặt rất xấu.

Tất cả mọi người chẳng hiểu sau lại đồng loạt im lặng.

"Mẹ." - Tôi níu níu gấu áo mẹ - "Mẹ sao vậy?"

"Dương với mẹ nói chuyện đi." - Mẹ tôi bỗng đứng lên, nhìn bố tôi, bóp nhẹ vai tôi - "Con ngồi với bố với bà, mẹ ra ngoài đi bộ chút."

"Ngư." - Bà ngoại gọi mẹ, mắt bà bỗng dưng ậng nước - "Mẹ xin lỗi, tới bây giờ con vẫn..."

"Có trẻ con ở đây, mẹ đừng nói linh tinh." - Ánh mắt lãnh đạm trống rỗng đó quay trở lại - "Mời cả nhà ăn cơm."

Nói rồi, mẹ đứng lên, vớ lấy áo gió, thật sự đi ra ngoài.

Bà ngoại bật khóc. Bố tôi im lặng uống cạn một chén rượu.

Tôi chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Bà ngoại xin lỗi? Bà ngoại xin lỗi chuyện gì?

Không thèm nghĩ thêm, tôi đứng bật dậy, chẳng nói chẳng rằng với ai, tức tốc đuổi theo mẹ. Nãy thấy mẹ đi ra cổng rẽ phải, tôi cũng rẽ phải.

Thở ra khói trong trời lạnh, tôi nhìn quanh quất. Thấy một bóng người đứng ở góc ruộng, tôi chạy vội tới.

Trong cuộc đời mới ngắn ngủi của mình, có lẽ người đầu tiên khiến tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác không ai khác chính là mẹ.

Mẹ tôi, quần áo đơn giản thảnh thơi, tóc buông xõa, đứng lặng im như lại chìm vào mê mang thẫn thờ.

Hút thuốc.

"Mẹ." - Tôi khẽ gọi.

Mẹ tôi không giật mình, ánh mắt vẫn trống rỗng như vậy, nhìn tôi. Chẳng buồn hốt hoảng giấu diếm con gái, chẳng có gì phải chột dạ, phải sợ sệt... thản nhiên gạt tàn thuốc.

Rồi đưa lên môi hút tiếp.

"Mẹ buồn bà ngoại thì cũng đừng có tập tành hút hít ba cái thứ này chứ." - Tôi nhăn nhó, sấn tới giật điếu thuốc còn đỏ lửa của mẹ, ném xuống ruộng.

Mẹ chỉ cười với tôi, đút hai tay vào túi áo.

"Ai nói mẹ tập tành?" - Mẹ nhướng mày.

"Chứ còn gì nữa! Làm như mới lớn ấy." - Tôi vùng vằng, đứng ra cạnh mẹ - "Con mách bố mẹ hư!"

"Mách đi." - Mẹ lè lưỡi trêu tôi.

"Con mách thật đấy." - Tôi bặm môi, găng lên.

"Bố biết mà." - Mẹ thản nhiên nói, rồi lấy cả hộp thuốc trong túi áo ra - "Cho mẹ hút hết điếu này. Mẹ cần bình tĩnh lại chút nữa."

Nhìn mẹ châm lửa, tôi bỗng không biết phải nói gì tiếp.

Mẹ cần bình tĩnh lại chút nữa.

Một lời bộc bạch tâm trạng từ một phụ huynh châu Á. Cực kì lạ lẫm.

"Mẹ." - Tôi không màng mùi khói, sấn đến ôm mẹ - "Mẹ buồn à?"

"Ừ." - Mẹ nói rất khẽ.

"Sao vậy?"

Mẹ tôi im lặng một chút, giống như đang cố vùng vẫy, đấu tranh trong nội tâm có nên vượt qua rào cản tâm lý giữa cha mẹ và con cái để trải lòng hay không.

"Có những chuyện..." - Mẹ nói, còn khẽ hơn trước, như lẩm bẩm - "Rất kinh khủng đã xảy ra."

Tôi mênh mang, tò mò.

"Chuyện kinh khủng gì hả mẹ?"

"Bí mật." - Mẹ bỗng mỉm cười, thoát ra khỏi cái ôm của tôi.

Tôi nhăn nhó, sắp vùng vằng mẹ lại thế rồi, mẹ tôi đã nói.

"Thật sự là một bí mật." - Mẹ tôi ném điếu thuốc đi - "Đến khi bà ngoại mất, nhiều khi mẹ sẽ kể cho con."

Có ai hiểu được cảm giác của tôi không?

Đặt mình vào trường hợp của tôi rồi nghĩ, các bạn cảm thấy thế nào, thì tôi cảm thấy như thế đấy. Chứ cảm giác này khó tả quá.

Cái lắc người thoát khỏi cái ôm của tôi của mẹ cũng khiến tôi chênh vênh. Mẹ tôi là vậy, rất ít đụng chạm thân thể với người khác, ngoài bố tôi, kể cả tôi mẹ cũng cho cảm giác đang xa cách.

Không có khi không mà tôi không gần gũi với mẹ.

Cái gì cũng có lí do của nó.

Chưa kịp nói thêm câu gì, bố tôi đã ra.

Bố đi qua tôi, cầm bàn tay mẹ đưa lên mũi.

"Em lại hút thuốc."

Mẹ chỉ cười. Còn tôi lại ngẩn người.

Hóa ra bố tôi biết thật. Có vẻ mẹ không phải "tập tành" mới đây.

Còn những chuyện gì về bố và mẹ mà tôi chưa từng biết đến?

Hai người giống như nắm trong tay mọi ngóc ngách bí mật của nhau, mà tôi vĩnh viễn bị gạt ra ngoài rìa. Bỗng nhiên tôi tủi thân.

Bố đúng là chỉ yêu mẹ nhất.

"Đi lên phố ăn kem đi." - Bố tôi bỗng dưng nói, nhìn tôi cười - "Bố thèm ăn kem dừa ở cái hàng chỗ quảng trường ấy."

Tôi vẫn còn phụng phịu, bố đã kéo tay tôi.

"Đi, đi đánh xe ra với bố." - Rồi nhìn mẹ tôi - "Anh đánh xe ra đây nhé?"

Mẹ tôi gật đầu, xua xua tay với hai bố con. Bố còn định nói thêm gì đó, mẹ đã bảo:

"Em không hút nữa."

Bấy giờ tôi với bố mới đi lấy xe.

"Bố." - Vừa khuất, tôi đã kéo áo bố ngay - "Chuyện của bà ngoại với mẹ là chuyện gì?"

Bố liếc qua tôi, trả lời đại khái.

"Sau này lớn lên con biết."

"Kinh khủng lắm à?"

Tôi vừa nói, bố đã khựng lại.

"Mẹ nói à?"

"Dạ." - Tôi gật đầu - "Còn nói gì mà lúc bà ngoại mất, có khi mẹ sẽ kể."

Bố tôi không phản ứng gì nhiều, ngồi vào xe, tôi chui ra ghế sau.

"Vậy khi nào mẹ muốn kể cho con, thì con sẽ biết." - Bố lại nói.

"Bố có biết không?" - Tôi chồm lên hóng hớt.

"Biết."

"Thật ra đó giờ con thấy mẹ với bà ngoại không hòa thuận với nhau, hóa ra là do có mâu thuẫn." - Tôi ngẫm nghĩ - "Làm rể mà bố hòa hợp được với cả hai thế thì bố cũng giỏi thật đấy."

Bố tôi đã lái xe đến tận chỗ mẹ đứng, trước khi mẹ mở cửa đi vào, bố tôi nói rất nhanh.

"À, chỉ là bố yêu mẹ con rất nhiều thôi."

.

Đã vài năm trôi qua, tôi đã sang Anh. Chuyện ở nhà thì cũng chỉ có như vậy. Tôi thì cũng phải chăm lo cho bản thân sống sót. Học hành, hoạt động, sinh hoạt rồi làm việc này nọ.

Tài chính dư dả, bố mẹ chu cấp đầy đủ, tôi còn có học bổng nữa.

À, thêm một chuyện, mọi người có nhớ cái thằng mất dạy hồi xưa xô tôi ngã gãy chân không?

Bây giờ nó đang làm người yêu tôi. Chính tôi cũng không tin được là cuộc đời mình lại thành ra như thế.

Nó thì nhà giàu hơn tôi, du học bên này được bố mẹ sắm luôn cho ô tô. Có một hôm tụi tôi đang late night drive, không nhớ là có vụ gì mà lại nhắc đến chuyện ngày xưa tôi nghĩ mẹ tôi không biết tí ngoại ngữ nào. Người yêu tôi ngừng tôi lại mà trên mặt vẫn còn hãi.

"Không biết tiếng Anh?" - Anh ngạc nhiên - "Em nói gì vậy? Đừng nói tới tiếng Anh, hôm đó mẹ em chửi cả hiệu trưởng bằng tiếng Pháp đấy."

"Hả?" - Tôi ngớ người.

"Nghĩ lại anh vẫn còn sợ nè. Mới đầu mẹ em chỉ nói tiếng Việt, nói là mấy người làm ăn trên đất nước của người Việt thì phải biết mà hiểu tiếng Việt, nhập gia tùy tục dần đi. Rồi quay qua ra bà chủ nhiệm đang can ngăn, chỉ thẳng mặt vầy nè: "you quite, I don't talk to you.". Accent của mẹ em hơi bị đỉnh đấy, nhưng ông hiệu trưởng cứ chày cối bảo không theo kịp không hiểu này kia, mẹ em xổ tiếng Pháp như hát luôn. Nói cái gì politique rồi morale, code de conduite tùm lum tùm la, lúc đó anh bên ban Pháp mà anh nghe còn không hiểu nữa, anh phải về tra từ mới hiểu hôm đó bả nói cái gì."

Tôi há hốc mồm.

"Em tưởng tượng được không? Trước đó anh còn la làng méc hiệu trưởng vì nghĩ làm sao mà bà cô này hiểu được, nhưng nghe mẹ em chửi xơi xơi xong chân tay anh bủn rủn."

"Thế nên sau đó anh với bố anh mới tới xin lỗi em hả?" - Tôi cười khúc khích.

"Chứ sao?" - Anh trợn mắt như lẽ tất nhiên - "Không nể cũng phải nể à. Lúc đó cương với mẹ em là chỉ có chết."

Cảm giác đó đã quay trở lại. Chạy đến tận trời tây mà vẫn không trốn được mấy pha "hết hồn chưa bà già" của mẹ tôi.

"Lúc đó trong phòng y tế em còn đang chán nản vì mẹ em yếu thế." - Tôi tặc lưỡi - "Bây giờ anh nói em mới biết mẹ em còn nói tiếng Pháp."

"Thôi nhắc lại sợ lắm." - Người yêu tôi rùng mình - "Về gặp mẹ em chắc anh dập đầu tạ lỗi luôn á chứ."

"Khổ sở chưa?" - Tôi hếch mặt - "Ai kêu ngày xưa bày đặt xô người ta?"

"Tại thấy chướng mắt á." - Anh bóp mặt tôi - "Hồi trẻ trâu tâm lý muốn bully mấy đứa yếu kém hơn thôi."

"Yếu kém chỗ nào?" - Tôi bực mình.

"Em than với nhỏ bạn thân em là mẹ em mới tốt nghiệp tiểu học, không chỉ được bài cho em còn gì?"

"What? Sao anh biết?" - Tôi nhăn nhó.

"Nhỏ đó cua anh mà. Xong nó nói hết chuyện của em cho anh nghe."

"Con chó." - Tôi chửi thề ngay - "Đm lẽ ra lúc cạch mặt em nên giết nó."

Chúng tôi còn nói rất nhiều thứ chuyện. Cuộc đời cũng cứ tiếp diễn như thế. Nhưng công bằng mà nói, trong hành trang vào đời của tôi, bố mẹ luôn là một tượng đài vững chắc, là hình mẫu cho tình yêu lý tưởng mà tôi luôn hướng đến.

Khi yêu vào tôi mới biết, tình yêu của bố tôi dành cho mẹ tuyệt vời đến thế nào. Nhờ hai người mà tôi không bao giờ hiểu được cảm giác cha mẹ đấu đá nhau, vứt bỏ nhau rồi mang hai chữ "vì con" ra chóp lưỡi đầu môi như ti tỉ vụ li dị tranh chấp trên đời. Để tôi nhận ra một đạo lý: trong gia đình, muốn yên ấm, cha mẹ phải yêu thương nhau trước đã. Vì họ hạnh phúc với nhau, con cái mới hạnh phúc.

Như những ngày xưa mẹ tôi đã từng nói: Mẹ yêu bố con nhất, sau đó mới tới con.

Bố tôi thì trước mặt tôi nói yêu tôi nhất thế, nhưng có cần tôi lặp lại lần thứ ba là bố tôi là đồ nói dối không?

Nhưng không sao. Cảm ơn bố đã cho con một hình mẫu bạn đời tuyệt vời, để con có thể tự tin đi tìm người bạn đời lý tưởng của đời con.

Dù con không hoàn hảo, như mẹ vậy.

Nhưng mẹ tôi thì ngầu. Càng lớn tôi mới càng thấm thía thế nào là ngầu.

Và mẹ tôi thì ngầu nhất thế giới.

.

Vài năm sau, giữa một buổi trưa, tôi hoảng hốt đặt vé về nước.

Mẹ tôi gọi điện, báo bà ngoại bị tai biến. Mặt tôi biến sắc, lao thẳng về nhà sắp đồ bay về ngay lập tức.

Thế rồi bà mất.

Tôi khóc như điên như dại.

Vì chỉ còn hai tháng nữa là đến lễ cưới của tôi rồi. Bà không thể thấy cháu gái yêu của bà bước lên lễ đường nữa.

Anh ở bên cạnh tôi, thay tôi chạy ngược chạy xuôi việc trong nhà.

Tôi lại nhìn mẹ, rất lâu rồi mới lại được nhìn mẹ.

Mẹ tôi không còn bất khả xâm phạm với thời gian như trước nữa. Mẹ tôi hơn năm mươi rồi. Và giống như tôi, bên cạnh mẹ có bố. Nhưng mẹ lại rất bình tĩnh, trong đám tang lại thật lạnh lùng.

Tôi bỗng nhớ đến lời mẹ nói năm xưa.

"Có những chuyện rất kinh khủng đã xảy ra."

"Đến khi bà ngoại mất..."

Mắt tôi nhòe căm trong nước mặn. Một ngọn lửa cuồng nộ cháy lên trong tôi. Là chuyện gì? Chuyện gì có thể kinh khủng đến mức mà suốt bao nhiêu năm mẹ vẫn không tha thứ cho bà?! Chuyện gì... là chuyện gì đến nỗi đến tận khi bà mất, mẹ cũng không thể nguôi ngoai, để mẹ lạnh lùng như vậy?! Mẹ có còn là con người không?! Tim của mẹ bị chó ăn rồi à?! Sao mẹ có thể độc ác như vậy?!

Tôi không thể bình tĩnh nổi, lôi mẹ vào phòng, tôi hét lên đầy căm phẫn, chất vấn mẹ.

Từ lúc bà ốm trở nặng, bố mẹ đã về đây chăm sóc bà. Mang theo rất nhiều đồ đạc.

Mẹ vẫn luôn thờ ơ trong cái siết vai của tôi, nghe tôi gào thét chán chê, mới nói tôi buông ra. Rồi mẹ đi đến tủ đầu giường, lấy ra một cuốn sổ đã cũ.

Đưa cho tôi.

Rồi đi ra ngoài.

Suốt cả buổi tối ôm đó, tôi tan vỡ.

Bố mẹ không hề vào làm phiền tôi, chỉ có anh đập cửa, muốn vào với tôi. Trong phòng bố mẹ, anh nằm cùng tôi. Anh ôm lấy tôi, tôi run phát điên, khóc khàn cả tiếng, rất lâu mà vẫn chưa hề bình tĩnh lại được. Hoặc có lẽ... cả đời khi nhắc đến câu chuyện này, tôi cũng không thể bình tĩnh.

.

Năm này, mẹ tôi mới hai mươi hai tuổi. Sổ da viết:

Ngày... tháng... năm...

Xé toạc tôi

Xé toạc tôi

Nó nói gì vậy?

Nó nói gì vậy?

Hả mẹ?

Song Tử, em con, nó nói gì vậy?

Con nghe nhầm phải không? Con bị điên phải không?

Tiền đó ở đâu ra, con muốn một lần được hỏi mẹ?

TIỀN ĐÓ Ở ĐÂU RA?!

NÓI ĐI!

Cái công ty này mẹ nói với con mẹ gom hết vốn liếng tích cóp xưa nay...

VỐN LIẾNG GÌ?!

VỐN LIẾNG ĐÉO GÌ?!

Tất cả những học phí đó, những chiếc xe máy, sau này là cả ô tô đó, công ty ăn nên làm ra đó...

ĐỀU LÀ TIỀN CỦA ÔNG TA ĐÚNG KHÔNG?!

ĐÚNG KHÔNG?!

ĐÚNG KHÔNG?!!!!!!!!!

Của ông ta...

Của anh họ mẹ...

Của thằng khốn con luôn gọi là bác.

Mẹ ngủ với ông ta đúng không?

Song Tử nó thấy đấy mẹ à, vào ngày con đi vắng, và đôi giày da đó trước cửa nhà, tiếng rên trong phòng mẹ.

Con cũng thấy đấy mẹ à, nhưng con chưa từng mảy may nghĩ đến những thứ nhơ nhuốc kinh tởm đó về mẹ. Những hôm mẹ đi khuya đi hôm. Những đi mà mẹ bảo "làm công nợ" rồi "mùa bận rộn". Ha ha ha! Công việc chó gì, hai người chỉ chịch nhau thôi. Ông ta có vợ, mẹ thì li dị rồi. Nhưng...

Hai người là anh em mà.

Là gia đình mà?

Bố ông ta là anh ruột mẹ của mẹ đấy?

What the fuck mẹ bị cái đéo gì vậy?!

Mẹ à, đến chữ kinh tởm cũng không còn xứng với mẹ nữa rồi. Màu này thì chỉ còn lại "bại hoại đạo đức" thôi.

Ha ha ha ha ha

Ha ha ha ha ha... Ha ha ha ha ha...

Ha hahahahahahahahahahahahahah!!!!!

Rồi công ty đó, sản nghiệp đó, cái gì là của mẹ, mẹ nói con nghe với.

Tất cả nhà cửa, áo quần, tiền bạc này...

Không khí này mà con hít thở...

Mẹ đã làm gì với nó vậy?

Mẹ đã làm gì với nó vậy?

Mẹ đã làm gì với nó vậy?

Mẹ đã làm gì với nó vậy?

Mẹ đã làm gì với nó vậy?

Mẹ đã làm gì với nó vậy?

Những dòng chữ lặp lại, nhòe căm.

Ngày... tháng... năm...

Hai người vẫn chưa chịu ngừng lại à?

Ngày... tháng... năm...

Tiền bạc là thứ đến nỗi con người phải đánh đổi toàn bộ nhân cách như vậy sao? Tôi không hiểu được. Hay tôi mới là kẻ ngu ngơ, có vấn đề?

Ngày... tháng... năm...

Phải giết ông ta. Phải giết ông ta. Phải giết ông ta.

Ngày... tháng... năm...

Những trói buộc này. Những con chó giẻ rách này.

Ngày... tháng... năm...

Tự tay tôi phải bóp nát nó.

Ngày... tháng... năm...

Ông ta cuối cùng cũng chết rồi, con nên lật bài ngửa chứ nhỉ?

Ngày... tháng... năm...

Thừa kế?

Mẹ đùa đấy à?

Ngày... tháng... năm...

Dương biết rồi, vì tôi bất cẩn ngất trong phòng làm việc.

Một nét chữ khác. Chữ của bố tôi.

Ngày... tháng... năm...

Em nguy kịch quá, anh lo lắm. Nếu em có mệnh hệ gì, làm sao anh sống được đây?

Em này, nếu có chuyện đáng tiếc nào xảy ra, anh sẽ quỳ gối trước em để em biết rằng dù một trăm lần thì anh vẫn không bao giờ thay đổi quyết định. Nếu phải chọn giữa con và em, anh sẽ giữ lấy em.

Bằng bất cứ giá nào. Dù cho em có chết cũng không bỏ con.

Em đang trong cấp cứu, anh run quá, nhưng ngoài viết vào đây thì anh bất lực rồi. Chỉ cần một câu hỏi phải lựa chọn, câu trả lời của anh luôn luôn là em. Kiếp này không đủ, kiếp sau anh cũng phải tìm lại em.

Anh sợ lắm.

Anh sợ lắm, Ngư à.

Anh không thể mất em được.

Nếu mệnh hệ gì xảy ra... anh xin lỗi... anh không sống được.

Pisie, tu es ma vie, pour toujours ma vie et ma foi.

Em.

Em của anh.

Don't leave. I love you for eternal, for this life, and after that.

Em chỉ cần sống thôi, anh sẽ làm mọi thứ cho em. Công ty của mẹ, em đã khó chịu như thế thì cứ để một mình anh làm cũng được. Lễ nghĩa báo hiếu gì cứ để anh lo. Em không cần phải làm gì hết. Làm được bao nhiêu anh sẽ mang hết về cho em. Việc của mẹ em với em cứ để một mình anh gánh vác là được. Chồng em nào có thể ở không đây được nhỉ, em quên anh là á khoa crush của em à?

Để ngôi sao băng ngày ấy trong mắt em yêu em, sống vì em nhé?

Sống với anh.

Không cần thứ gì khác, anh sẽ mang mọi thứ trên đời dâng cho em.

Chỉ cần em sống, với anh.

Sống.

Alive ấy, bé hiểu không?

Nét mực này rất run. Viết sai rồi gạch xóa cũng rất nhiều. Từng con chữ hoảng loạn đến mức tôi tưởng như chính tôi mới là người đang ở phòng chờ cấp cứu năm ấy.

Tim tôi vỡ nát, lồng ngực xốn đau. Để cuối cùng, tôi vỡ òa.

Khi dường như, mọi cuộc đời được lật sang một trang mới.

Ngày... tháng... năm...

Chào con, Thiên Tầm của bố mẹ. Chào mừng con đến với thế giới diệu kì này.

Mày mà phá mẹ là bố thả cho về với tự do đấy nhé.

.

Ha ha ha, chào anh, không ngờ lại có thể gặp anh ở nơi sâu kín này. Tôi yêu anh, ma vie et ma foi. - ton Pisie.

...

Giây phút mà ly rượu rời tay bố trên lễ đường. Tôi bất chấp tất cả ôm chầm lấy ông.

"Nín, nín." - Bố tôi lau nước mắt tèm lem của tôi - "Trang điểm xinh đẹp như thế này, lem nhem thì người ta cười cho đấy."

Khách khưa bên dưới xì xầm cái gì tôi không còn hơi sức quan tâm.

"Con... con luôn xinh đẹp..." - Tôi phân trần trong nức nở - "... Xinh đẹp giống mẹ vậy."

Mẹ tôi đứng ngay kế bên, chỉ chăm chăm nhấp rượu rồi chép miệng, còn bảo rượu này chả ngon. Nói cho rõ, tất cả gồm tôi và chồng tôi, bố mẹ hai bên đều đang đứng trên sân khấu, và đây là lễ cưới của tôi.

Cô dâu không chịu buông bố ra để làm lễ là đã loạn lắm rồi, nhưng mẹ tôi thì cứ thế.

Cuối cùng cũng xong, nhưng thay vì đi từng bàn tiếp khách ngay, tôi phải quay trở lại phòng nghỉ, khóc tu tu trong đó một chập, rồi phải dặm lại make-up.

Lẽ ra tôi không đến nỗi như thế, nhưng trước khi lên lễ đường, bố tôi - tóc đã điểm bạc, vẻ điển trai năm xưa đã bị thời gian bào mòn, nhìn tôi thật yêu thương:

"Con xinh lắm, y hệt mẹ con cái ngày hẹn bố ở lễ đường."

Mắt ông hơi đỏ lên. Trong đời tôi chưa bao giờ thấy bố tôi khóc.

"Trông con y hệt bà ấy." - Ôm tôi - "Cố lên, đi lên đó và buông tha cho hai ông bà già tụi tao."

Từ lúc đó là tôi đã không ổn rồi.

Nhưng tôi phải buông tha cho hai ông bà, thể theo nguyện vọng của bố tôi.

Để mấy hôm sau, tôi đi cạnh chồng tôi xuống đồi, trước mặt là mẹ tôi đang đứng chụp ảnh cho bố dưới một cái gốc cây, cố tình zoom mặt rồi chụp sao cho ổng thật xấu. Sau đó ới tôi lại, mẹ tôi đứng ra cạnh bố, hai người khoác vai nhau như anh em rồi giơ ngón cái, mặt không cười, cứng đơ nhìn cam của tôi.

"Hai ông bà hài thật đấy." - Chồng tôi thấy bố mẹ tôi vậy thì cũng cười nắc nẻ - "Già rồi mà cũng không biết sến được tí."

"Sến cả đời rồi, bây giờ bớt bớt là phải thôi." - Tôi bĩu môi.

Tuần trăng mật của tôi trên Sapa, tôi đưa hai bạn già của tôi theo luôn. Tranh thủ một tí trước khi tôi và chồng tôi về Anh trở lại. Chúng tôi định cư bên đó, gặp mặt bố mẹ rồi cũng sẽ khó khăn, không còn bao lâu nữa, phải tranh thủ.

"Anh yêu em bằng một nửa bố Dương yêu mẹ Ngư thôi là chúng ta đã là cặp đôi hạnh phúc nhì thế giới rồi." - Tôi vỗ vỗ mông anh.

"Yêu em gấp đôi luôn." - Anh đắc ý lắm.

Tôi tủm tỉm, thách thức.

"Chưa chắc đâu. Hồi đó lúc chưa quen mẹ, lẽ ra bố em học xong là sẽ qua Mỹ định cư. Mà bố sẵn sàng bỏ thẻ xanh luôn để lấy mẹ, mà mẹ đòi ở Việt Nam thôi á, anh làm được hong?"

"Có gì mà hong được? Mai mình bay qua Anh chuyển đồ cho em luôn."

Tôi cười phá lên.

"Nhưng mà tự dưng em thích ở Anh rồi giờ sao giờ?"

"Thì mình ở Anh tiếp, easy vl? Em muốn ở đâu là mình ở đó, trừ Ấn Độ nha. Ấn Độ hiếp dâm nhiều lắm..." - Nói chưa quá hai câu đàng hoàng, anh ta bắt đầu lạc đề và sa đà vào nhảm nhí - "À! Và Trung Quốc nữa nha. Anh không ở Trung Quốc đâu, anh sợ bị bắt cóc lấy nội tạng lắm..."

Tôi bắt đầu nhìn anh ta bằng ánh mắt hờ hững như ánh mắt của mẹ tôi ngày thường thôi là đủ rồi, ngứa tay pat đầu anh ta cái bốp. Gì thì gì chứ điểm này thì anh trai này lại y hệt bố tôi. Hay bị sa đà vào lạc đề nhảm nhí, thế mà nhậu xỉn vẫn ngồi tiếp chuyện được nhau rất tài. Mà nói cũng là bàn ra, toàn nói nhảm nhí. Tới đây nữa thì tôi với mẹ tôi lại hợp nhau: quá mệt mỏi những trò vô tri nhảm nhí của anh của cha trong nhà rồi, đi ngủ. Nhưng ngày thường thì cũng hay hùa theo, tại thấy cũng vui, nhảm vậy cho đời đỡ chán, iu quá. Kiểu dậy đó.

Haiz, nói chung love is from small things mà mọi người.

Và vì họ đã từng viết cho nhau, để có khi sau này, vào một ngày đẹp trời nào đó sau cơn giông, tôi cũng sẽ viết cho anh...

Je t'aime pour l'éternité, pour cette vie, et après ça - ö ma vie et ma foi.

I love you for eternity, for this life and after that, ö my life and faith.

END


























Tái bút của Cus:

Ladies, I did cry writting this down. I don't know the feeling. There's just a really deep-hollow hole right there in my chest.

This fiction is not really a happy story to me, it's in between hardness and serenity eventhough they are no related.

Deep down in my heart, adult here seem like they owe each other something. It is not as calm as a kid's pov, they were stuck somewhere, just like me. Somewhere in between of intellectual minds and feelings. Somewhere that the kid does not see, a silent fight is going on. It twists my heart to mud, to ashes.

Kids make stories simplified, brighten them as well as clarify them. Humanity forever cannot lie, and those eyes, those pauses in silence are also. I'm in hurt, they're in hurt.

It is deep, at least in very early of my 20s. To myself in later on and beyond: please keep your faith, raise them well.

And give them a life I have never had.

23.06.2024

- 23.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro