Ba

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Theo như tấm áp phích treo ở tiền sảnh, ngày công diễn đầu tiên của vở Những gian nan của nàng Arabella chỉ sau lần tập đầu tiên duy có một hôm. Tuy nhiên, quả không mấy dễ dàng cho nhà biên kịch kiêm đạo diễn tìm được lúc nào không có vụ gì để làm việc tập trung. Như buổi chiều hôm trước thì khó khăn nằm ở khâu tập hợp đội ngũ diễn viên. Vào đêm Arabella bất tuân lời cha, Jackson đã đái dầm ra giường, như bao thằng nhóc xa nhà bất an khác, và bị bắt buộc làm theo lý thuyết hiện thời là mang ga trải giường cùng pyjama xuống phòng giặt tự mình giặt lấy, bằng tay, dưới sự giám sát của Betty, người đã được chỉ đạo là phải giữ khoảng cách và cứng rắn. Việc này đưa ra không phải là để phạt thằng bé, mà chỉ để hướng cho nó có ý thức rằng những việc làm sai trái trong tương lai sẽ dẫn đến những chuyện phiền phức và vất vả; nhưng nó buộc phải cảm thấy đó thực sự là hình phạt khi đứng ở chỗ cái bồn đá to đùng cao đến ngang ngực, bọt xà phòng bò lên tận cánh tay trần làm ướt sũng hai tay áo sơ mi đã xắn lên, tấm ga ướt nặng như một con chó chết và cảm giác khổ sở tột độ bao trùm khiến nó chẳng còn thiết gì nữa. Briony chốc chốc lại chạy xuống xem nó làm ăn ra sao. Em bị cấm không được giúp, còn Jackson, dĩ nhiên, chưa bao giờ giặt một thứ gì trong đòi nó; hai lần giặt, vô số lần giũ và cuộc vật lộn không ngừng nghỉ bằng cả hai tay với cái máy cán là, cộng thêm mười lăm phút run lẩy bẩy sau đó ở bàn bếp với bánh mì, bơ và một ly nước, đã chiếm mất đứt hai tiếng diễn tập.

Khi Hardman từ cái nóng buổi sáng bước vào lấy vại bia, Betty bảo anh ta rằng bà hết chịu nổi khi cứ phải chuẩn bị bữa tối có món thịt nướng đặc biệt trong thời tiết thế này, và rằng cá nhân bà nghĩ đối xử với thằng bé như thế là khắc nghiệt quá, đáng lẽ chỉ nên cho vài cái phát thật đau vào mông, rồi tự mình giặt ga. Với Briony thì nghe rất hợp nhĩ, vì buổi sáng đang sắp hết đến nơi. Khi mẹ em đích thân xuống xem nhiệm vụ đã được hoàn thành, thì không thể tránh khỏi chuyện cảm giác được giải thoát tràn ngập lòng những kẻ can dự, còn trong tâm trí bà Tallis lại xuất hiện ít nhiều cảm giác tội lỗi không nói ra, vì thế khi Jackson lí nhí xin phép được bơi ở hồ bơi bây giờ và cho em trai đi cùng, ước muốn của nó ngay lập tức được đáp ứng, còn những lời phản đối của Briony bị gạt sang bên một cách rộng lượng, như thể chính em mới là người đang áp đặt những hình thức tra tấn không mấy dễ chịu lên một đứa nhỏ yếu ớt. Và rồi thì đi bơi, và rồi thì hiển nhiên là đến bữa trưa.

Trước đó buổi diễn tập vẫn tiếp tục mà không có Jackson, nhưng không có cảnh quan trọng đầu tiên, buổi tiễn biệt Arabella, thì đúng là hủy hoại sự toàn hảo của vở kịch, đã thế Pierrot lại quá lo lắng cho số phận anh trai ở dưới nhà kia nên không tài nào đóng nổi vai tay bá tước ngoại quốc hèn nhát; bất cứ chuyện gì xảy đến cho Jackson cũng sẽ là tương lai của Pierrot. Nó liên tục làm các chuyến du ngoạn đến phòng rửa mặt ở cuối hành lang.

Lúc Briony sau khi quay lên từ một trong những chuyến viếng thăm phòng giặt, nó hỏi em, "Anh ấy có bị phát vào đít không?"

"Vẫn chưa."

Như anh trai, Pierrot có sở trường tước đi bất cứ nghĩa gì trong câu thoại. Nó phát âm một loạt từ đều đều như điểm danh: "Cô-nghĩ-thoát-nổi- nanh-vuốt-của-tôi- ư?" Từ nào cũng có mặt và chính xác.

"Đó là câu hỏi đấy," Briony cắt lời. "Em không hiểu à? Phải lên giọng ở cuối câu."

"Ý chị là sao?"

"Đây. Em vừa làm xong. Em bắt đầu thấp giọng và cuối thì cao lên.

Đó là câu hỏi."

Nó nuốt đánh ực, hít một hơi, rồi thử lần nữa, lần này là giọng điểm danh cao hơn nửa cung.

"Ở cuối. Lên giọng ở cuối!"

Giờ thì đến lượt một câu điểm danh đều đều như cũ, đột ngột ngắt ra, đổi từ giọng trầm sang kim, ở âm tiết cuối cùng.

Lola đã đến phòng trẻ sáng đó trong lốt vỏ người lớn, cô tự coi rằng ở tận sâu thẳm mình đã thực sự là người lớn. Cô vận quần vải flanen chiết li phồng ra ở hông và loe ở mắt cá chân, kèm một áo ngắn tay may bằng vải cashmere. Những biểu hiện khác của sự trưởng thành bao gồm một chiếc vòng cổ bằng nhung có đính những hạt ngọc trai nhỏ xíu, những lọn tóc đỏ hoe được thu gọn lại nơi gáy, một chiếc cặp bằng ngọc lục bảo giữ chúng lại, ba cái vòng rộng bằng bạc đeo ở cổ tay đầy nốt tàn nhang, và sự thật là mỗi khi cô đi lại, không khí xung quanh cô nức hương dầu thơm hoa hồng. Cái kiểu hạ mình của cô, khi được kiềm chế hoàn toàn, càng có uy lực. Cô điềm tĩnh đáp ứng những gợi ý của Briony, đọc lời thoại của mình, có vẻ cô đã học chúng suốt đêm, mặt biểu cảm vừa đủ, và còn dịu dàng khuyến khích cậu em, mà không hề xâm lấn tí nào quyền hạn của đạo diễn. Như thế Cecilia, hay thậm chí là mẹ em, đã đồng ý dành ít thời gian đóng một vai cùng bọn trẻ con, và quyết tâm không mảy may để lộ sự chán nản.

Cái thiếu vắng chính là không có bất cứ dạng thức biểu hiện nào của sự hào hứng om sòm kiểu trẻ con. Khi Briony cho ba chị em họ xem quầy bán vé và hộp thu tiền buổi tối hôm trước, hai đứa sinh đôi đã đánh nhau để đáng được đứng ở sảnh khán phòng hơn, còn Lola chỉ khoanh tay, cất một lời khen chín chắn, lịch thiệp qua một nụ cười nửa miệng vừa đủ mờ ảo để không ai dò ra được nét giễu cợt nào.

"Thật phi thường. Nghĩ mà xem, Briony, chị mới giỏi khủng khiếp làm sao. Chị tự tay làm hết đây à?"

Briony ngờ rằng đằng sau cách cư xử toàn hảo của cô em họ kia là dụng ý phá hoại. Biết đâu Lola đang dựa vào hai đứa sinh đôi để phá hỏng vở kịch mà chẳng động tay vào, chỉ cần đứng lùi lại mà mục kích.

Những ngờ vực không chứng minh được, chuyện Jackson bị giam chân ở phòng giặt, kiểu thoại khổ sở của Pierrot và cái nóng khủng khiếp của buổi sáng làm lòng Briony nặng trĩu. Nhận thấy Danny Hardman đang dòm ngó từ cửa phòng em càng khó chịu. Phải bảo anh ta đi. Em không thể hiểu thấu được sự thờ ơ của Lola hay dỗ ngọt cho Pierrot lên giọng xuống giọng bình thường như những câu giao tiếp thường nhật. Lúc đó, thật là nhẹ cả người khi đột nhiên chỉ còn mình em trong phòng trẻ. Lola bảo cần ngắm nghía lại tóc, còn em trai cô thì lang thang ra ngoài hành lang, đến phòng rửa mặt, hay xa hơn nữa.

Briony ngồi trên sàn, xây lưng lại tủ đựng đồ chơi cao âm trong tường, lấy tập trang bản thảo quạt mặt cho mát. Căn nhà yên tĩnh tuyệt đối - không tiếng người hay tiếng bước chân ở tầng dưới, không tiếng nước chảy rì rầm trong đường ống; trong khoảng trống giữa hai khung kính của cửa sổ trượt đang mở, một con ruồi bị mắc kẹt đã bỏ cuộc, thôi vật lộn cố bay ra, và bên ngoài, tiếng chim hót véo von đã bay hơi dưới cái nóng. Em duỗi thẳng chân ra để cho các nếp váy trăng vải muslin và những nếp nhăn trên da đầu gối thân thuộc, thương mến chiếm trọn tầm mắt. Đáng lẽ sáng nay em phải thay váy rồi. Em nghĩ mình nên chăm sóc vẻ ngoài nhiều hơn, như Lola ấy. Không làm vậy thì thật là trẻ con. Nhưng làm vậy mới khó làm sao. Thinh lặng rít lên trong tai em và mọi thứ trong tầm mắt em bỗng như thoáng méo mó - đôi bàn tay đặt trên đùi đột nhiên trông to lạ thường, đồng thời lại có vẻ xa xăm, như thể nhìn từ một khoảng cách rất xa. Em giơ một tay lên, gập ngón tay lại và tự vấn, như trước đây thỉnh thoảng vẫn làm, sao cái vật này, cái thiết bị dùng để cầm nắm này, cái hình con nhện nung núc thịt ở cuối cánh tay này, lại có thể là của em, tuyệt đối bị em làm chủ. Liệu nó có cuộc đời nhỏ mọn nào của riêng nó không? Em nắm tay lại rồi xòe ra. Bí ẩn nằm trong phút giây trước khi nó cử động, khoảnh khắc phân chia giữa chưa cử động và cử động, khi ý chí sai khiến của em chờ có hiệu lực. Như ngọn sóng trên đường òa vỡ. Em nghĩ giá như được ở ngọn sóng, em có thể tìm được bí mật của bản thể mình, của cái phần thực sự đóng vai trò làm chủ trong em. Em giơ ngón trỏ lại gần mặt và chằm chằm nhìn nó, nài nỉ nó cử động. Nó vẫn yên vị vì em đang giả vờ, em không thật sự nghiêm túc, và vì ra lệnh cho nó cử động, hay toan cử động nó, thì không giống với thực sự cử động nó. Và khi cuối cùng em cong ngón tay lại, hành động đó có vẻ như bắt đầu từ chính ngón tay, chứ không phải từ chỗ nào đó trong tâm trí em. Khi nào nó biết phải cử động, khi nào em biết phải cử động nó? Không gì giúp em rõ ràng được. Hoặc là cái này, hoặc là cái kia. Không đường may, không vết chỉ, ấy vậy mà em biét bên dưới cấu trúc mềm mại bất tận kia là cái tôi đích thực - tâm hồn em chăng? - và nó đã quyết định thôi giả vờ, và đưa ra mệnh lệnh dứt khoát.

Những ý nghĩ này với em vừa thân thuộc, vừa khiến khuây khỏa như chính hình dạng của đôi đầu gối kia, cái vẻ ngoài hòa hợp nhưng đồng thời cũng cạnh tranh, vừa đối xứng vừa linh động. Sau ý nghĩ đầu tiên luôn là một ý nghĩ nữa, bí ẩn này sản sinh bí ẩn khác: Những người khác có thực sự đang sống như em không? Chẳng hạn, chị gái em có thực sự quan trọng với bản thể của chị, có quý giá với chính bản thân chị như Briony quý giá với em không? Liệu làm Cecilia có cảm giác sống động như làm Briony không? Chị em liệu có một cái tôi thực sự ẩn giấu sau con sóng vỡ, và chị có dành thời gian trăn trở về nó, trong lúc đưa một ngón tay lên sát mặt không? Mọi người, cả cha em, Betty, Hardman có thế không? Nếu câu trả lời là có, vậy thì thế giới, thế giới về phương diện xã hội, sẽ phức tạp đến khôn kham, với hai tỉ tiếng nói, và ý nghĩ của mỗi người sẽ đấu tranh một cách quyết liệt như nhau, và đòi hỏi của mỗi người từ cuộc sống cũng sẽ bạo liệt như thế, rồi ai cũng nghĩ mình là độc nhất vô nhị, mặc dù chẳng ai là thế cả. Người ta có thể chết chìm trong những điều vụn vặt. Nhưng nếu câu trả lời là không, thì Briony sẽ bị những cỗ máy vây quanh, bề ngoài thông minh và tử tế, nhưng bên trong lại thiếu vắng những xúc cảm mãnh liệt và thầm kín như em vẫn có. Như thế thật xấu xa và cô độc, mà cũng bất khả nữa. Vì, dù điều đó có xúc phạm ý niệm về trật tự của em, em vẫn biết khả năng người khác cũng có ý nghĩ như em là vô cùng có thể. Em biết điều này, nhưng chỉ bằng một cách khá chung chung; thực sự em không cảm thấy thế.

Những buổi diễn tập cũng xúc phạm đến ý niệm trật tự của em. Thế giới độc lập mà em vẽ ra bằng những nét vẽ rõ ràng, hoàn hảo, đã bị những nét nguệch ngoạc của các tâm hồn khác, nhu cầu khác bôi xấu; và cả thời gian nữa, thời gian, đã được phân chia trên giấy thành những hồi và cảnh dễ dàng là thế, bây giờ thậm chí lại đang bị rò rỉ đi mà không sao kiểm soát. Hẳn là Jackson sẽ không quay lại tập cho đến sau bữa trưa. Leon và bạn anh chỉ sẩm tối là sẽ về, mà thậm chí còn sớm hon, vở kịch đã được sắp xếp diễn lúc bảy giờ. Ấy vậy mà chưa có nổi một buổi diễn tập ra hồn, hai đứa sinh đôi thì không biết diễn, đến đọc thoại cũng không xong, Lola thì cướp vai diễn đáng ra là của Briony, và em không thể xoay xở được gì nữa, trời thì nóng, nóng không tưởng tượng nổi. Cô bé nén những ức chế lại và đứng dậy. Bụi ở ván ốp chân tường làm bẩn tay em và đằng sau váy. Mải mê nghĩ, em chùi tay vào trước váy khi bước lại cửa sổ. Cách đơn giản nhất để gây ấn tượng với Leon lẽ ra phải là viết tặng anh một câu chuyện, rồi tự mình dúi vào tay anh, và dõi mắt nhìn anh đọc. Tên truyện được viết hoa, bìa minh họa, những trang viết được đóng lại - clử riêng với từ đó thôi em đã cảm thấy sức hấp dẫn của sự ngăn nắp, hình thức được giới hạn và có thể kiểm soát mà em đã bỏ đi để quyết định viết một vở kịch. Một câu chuyện thì trực tiếp và đơn giản, không cho phép bất cứ thứ gì xen vào giữa bản thân em và độc giả - không có gì trung gian giữa em với những tham vọng riêng tư hay sự kém cỏi của họ, không sức ép thời gian, không giới hạn về nguồn lực. Trong câu chuyện ta chỉ cần mong ước, ta chỉ cần viết ra, và thế là ta sẽ có cả thế giới; trong một vở kịch thì phải xoay xở với những gì sẵn có: không ngựa, không đường làng, không bờ biển. Không phông màn. Giờ khi đã quá muộn, có vẻ quá rõ ràng rằng: một câu chuyện là hình thức thể hiện sự giao cảm từ xa. Viết bằng mực những ký hiệu lên trang giấy, em có thể gửi đi ý nghĩ và cảm xúc trong tâm hồn mình đến độc giả. Đó là quá trình kỳ diệu, nhưng lại bình thường đến mức không một ai chịu dừng lại mà thán phục. Đọc một câu cũng giống như hiểu được nó; và như quá trình cong một ngón tay, đều diễn ra liền mạch. Quá trình hiểu những ký tự là liên tục. Ta thấy từ lâu đài, và lập tức hình dung ra lâu đài ở kia, thấp thoáng xa xa, phía trước là cánh rừng trải rộng giữa mùa hè, không khí phảng phất màu trời, đìu dịu với làn khói từ lò rèn bay lên, và con đường trải đá quanh co khuất dần vào bóng râm xanh non màu lá...

Lúc này em đã tới đứng trước khung cửa sổ phòng trẻ mở toang, và hẳn đã trông những gì hiện ra trước mắt từ vài giây trước khi định hình được. Đó là một cảnh rõ ràng là giống, ít nhất khi nhìn từ xa, một lâu đài Trung cổ. Cách địa phận nhà Tallis vài dặm là khu dồi Surrey Hills và những ngọn sồi nhấp nhô, im lìm bất động mọc san sát dày đặc, sắc xanh của chúng dịu đi dưới làn khí nóng màu trắng sữa. Rồi, gần hơn, công viên rộng thênh thang của khu dinh thự, hôm nay trông khô cằn và thảm hại, nóng giãy như một trảng xavan, nơi những thân cây cách xa nhau chỉ ngả được chút bóng bè bè xơ xác xuống, còn cả bãi cỏ trải dài thì đã bị ánh nắng hung vàng như màu lông sư tử của ngày hè rực nóng đeo bám suốt.

Gần hơn nữa, bao trọn trong hàng bao lơn, là vườn hồng, gần hơn nữa, là đài phun Triton, đứng cạnh thành bể nước là chị gái em, và ngay trước chị là Robbie Turner. Cách anh đứng có gì đó hơi nghiêm trang, hai chân hơi giạng ra, đầu ngả về phía sau. Lời cầu hôn. Briony sẽ không lấy gì làm ngạc nhiên. Chính em đã từng viết câu chuyện về anh chàng tiều phu hèn mọn cứu công chúa bị chết đuối rồi đến cuối truyện kết hôn với nàng. Chuyện đang diễn ra ở đây khớp đến hoàn hảo. Robbie Turner, con trai độc nhất của một người mẹ quét dọn hèn mọn và một người cha không biết mặt biết tên, Robbie chàng trai đã được cha Briony chu cấp ăn học từ phổ thông đến đại học, từng muốn trở thành một người làm vườn, và giờ đây muốn theo đuổi ngành y, đang có tham vọng đầy táo bạo được ở bên Cecilia đến trọn đời. Hợp lý tuyệt đối. Những bước nhảy vượt ranh giới như thế chính là lãng mạn trong cuộc sống thường nhật.

Tuy nhiên, chuyện lại đâm ra hơi khó hiểu khi Robbie giờ đây đột ngột giơ tay lên, như thể ban ra một mệnh lệnh mà Cecilia không dám không tuân theo. Thật lạ thường làm sao khi chị không thể cưỡng lại anh. Trước sự kiên quyết của anh, chị bắt đầu cởi váy áo, rất lanh lẹ. Chị đã cởi tung áo, giờ thì thả váy tuột xuống đất và bước ra khỏi nó, trong khi anh bồn chồn quan sát, tay chống lên hông. Uy quyền kỳ lạ nào đã khiến anh điều khiển được chị? Tống tiền? Hăm dọa? Briony giơ hai tay lên che mặt rồi bước lùi lại một chút khỏi cửa sổ. Em nghĩ nên nhắm mắt lại, tránh cho mình khỏi phải nhìn thấy nỗi nhục nhã của chị gái. Nhưng như thế là bất khả, vì những ngạc nhiên hơn nữa còn đang chờ đón. Cecilia, may thay vẫn còn bộ đồ lót trên người, đang leo xuống bể, và đứng đó, nước ngập ngang eo, bóp chặt mũi - rồi chị biến mất. Chỉ còn lại Robbie, áo váy trên nền sỏi, và ngoài kia là công viên im lìm, cùng rặng đồi xa xa xanh thẫm.

Phần tiếp theo thật phi lý - cảnh chết đuối, tiếp đó là cứu mạng, đáng lẽ ra phải diễn ra trước lời cầu hôn. Ý nghĩ cuối cùng của Briony là vậy, trước khi em chấp nhận rằng mình không hiểu gì cả, và rằng em chỉ nên dõi mắt chứng kiến. Không bị ai nhìn thấy, từ vị trí cách mặt đất hai tầng nhà, với lợi thế mà ánh mặt trời chói chang đem lại, em đã có được đặc quyền vượt trước nhiều năm để đến với hành vi của người lớn, đến với những nghi lễ và lệ thường mà cho đến giây phút đó em vẫn chẳng hiểu gì. Rõ ràng, dưới kia đang xảy ra những chuyện như thế. Cùng lúc đầu chị em ngoi lên khỏi mặt nước - ơn Chúa! - Briony đã có đầu mối đầu tiên yếu ớt rằng từ đây sẽ không còn lâu đài và nàng công chúa cổ tích nào nữa, mà chỉ còn sự kỳ lạ của hiện tại, của điều vừa diễn ra giữa hai người, hai người bình phàm em quen biết, của uy quyền một người có thể tác động lên người kia, và rằng mọi chuyện có thể bị hiểu sai lạc dễ dàng đến mức nào, hoàn toàn sai lạc. Cecilia đã leo ra khỏi bể nước và đang mặc lại váy, khó nhọc tròng chiếc áo lên làn da ướt đẫm. Chị quay ngoắt lại, cầm lên từ trong bóng rộng do thành đài phun hắt ra cái bình hoa mà Briony trước đó không để ý thấy, rồi mang theo nó bước thẳng về phía ngôi nhà. Không nói một lời với Robbie, không một liếc mắt về phía anh. Anh đứng nhìn trân trối vào mặt nước, rồi anh cũng bước đi, rõ ràng đã mãn nguyện, quành qua bên hông ngôi nhà. Bất thình lình cảnh kia trở nên vắng lặng; vạt ướt trên đất nơi Cecilia bước ra từ bể nước là bằng chứng duy nhất cho mọi chuyện vừa mới xảy ra.

Briony đứng dựa vào tường, thẫn thờ nhìn suốt phòng trẻ. Em chợt cảm thấy một con cám dỗ trở nên bí ẩn và đầy tính kịch, và coi những gì em chứng kiến là một hoạt cảnh dựng lên dành riêng cho em mà thôi, một bài học đặc biệt dành cho em được bọc trong lớp vỏ bí ẩn. Nhưng em biết rất rõ rằng nếu em không đứng đó vào thời điểm ấy, cảnh kia vẫn sẽ xảy ra, vì nó hoàn toàn không phải về em. Chỉ sự tình cờ mới đưa em đến bên cửa sổ. Đây không phải là truyện cổ tích, đây là đời thực, là thế giới người lớn nơi chàng cóc không chuyện trò với công chúa, và thông điệp duy nhất là thông điệp người ta thực sự gửi đi. Trong em cũng trào dâng niềm cám dỗ chạy đến phòng Cecilia, đòi hỏi một lời giải thích. Briony cưỡng lại vì em muốn rượt đuổi trong đơn độc cảm giác hồi hộp phảng phất trước khả năng có thể xảy ra mà trước kia em từng cảm thấy, sự kích thích khó lòng lý giải trước viễn cảnh mình đã đến rất gần việc định nghĩa nó, ít nhất về mặt cảm xúc. Định nghĩa ấy sẽ tự tinh lọc qua tháng năm. Em cần phải thừa nhận rằng có lẽ mình đã thêm vào nhiều suy diễn hơn khả năng của một cô bé mười ba tuổi là em. Còn ngay lúc đó thì hẳn đã không có một dạng thức ngôn từ chính xác nào nảy ra trong em; trên thực tế điều em đã trải qua khi ấy chẳng là gì ngoài sự nóng lòng được bắt đầu viết lại.

Khi đứng trong phòng trẻ đợi ba chị em họ kia quay lại, em linh cảm có thể viết được một cảnh như cảnh đã diễn ra bên đài phun, có thể cho thêm vào đó một người quan sát giấu mặt như chính em nữa. Em tưởng tượng bây giờ mình vội lao xuống phòng, đến bên chồng giấy xép phẳng phiu có kẻ hàng và cây bút máy Bakelite vỏ cẩm thạch. Em nhìn thấy những câu đơn giản, những ký hiệu truyền cảm xúc đang tích lũy, tràn ra nơi đầu ngòi bút. Em có thể viết đi viết lại cảnh đó ba lần, từ ba cách nhìn khác nhau; điều kích thích em là nỗi khao khát được tự do, được chuyển tải cuộc chiến dữ dội giữa tốt và xấu, giữa những người hùng và đám vô lại. Trong ba cách nhìn ấy không cái nào xấu xa, nhưng cũng chẳng quan điểm nào đặc biệt tốt đẹp. Em không cần phán xét. Sẽ không nhất thiết phải có bài học đạo đức. Em chỉ cần bộc lộ ba tâm hồn riêng biệt, sống động như tâm hồn em, vật lộn với ý tưởng rằng những tâm hồn khác sống động không hề thua kém mình. Không chỉ đồi bại và toan tính khiến con người bất hạnh, nguyên nhân bất hạnh còn vì những hiểu lầm và bối rối; trên hết thảy, là vì không thể nhận thức được một sự thật giản đơn rằng sự tồn tại của những người khác cũng thực như của ta. Chỉ trong truyện kể ta mới đi vào được những tâm hồn khác nhau và cho họ thấy họ có giá trị bình đẳng. Một câu chuyện chỉ cần truyền tải bài học đạo đức duy nhất ấy.

Sáu thập kỷ sau, em sẽ miêu tả khi ở tuổi mười ba mình đã trải qua những cách viết từng phát triển trong cả một lịch sử văn học như thế nào, bắt đầu từ những câu chuyện dựa trên truyện dân gian truyền thống châu Âu, của thể loại kịch nói với ý định rao giảng đạo đức đơn thuần, rồi đến được với chủ nghĩa hiện thực tâm lý khách quan mà chính bản thân em đã khám phá ra vào một buổi sáng đặc biệt trong làn gió nóng mùa hè năm 1935. Em cũng sẽ nhận rõ mức độ huyền thoại hóa bản thân, và sẽ ban cho những tác phẩm của chính mình giọng điệu tự giễu, hay nửa trào phúng nửa hùng tráng. Tiểu thuyết của em nổi tiếng vì nằm ngoài phạm vi quy kết về luân lý, và như tất cả mọi tác giả bị một câu hỏi lặp đi lặp lại dồn ép, em thấy mình có nghĩa vụ phải viết ra một mạch truyện, một cốt truyện miêu tả quá trình phát triển của bản thân, trong đó bao gồm khoảnh khắc khi em trở thành chính mình với đầy đủ nhận thức. Em biết sẽ không chính xác khi nhắc đến các vở kịch em viết ở dạng số nhiều, khi nói rằng thói thích chế giễu của em đã ngăn em khỏi đứa trẻ biết suy nghĩ, nhiệt thành trong em, rằng thứ mà em vẫn hay hồi tưởng lại nhiều đến thế không phải là bản thân buổi sáng xa xưa ấy, mà là những gì diễn ra sau đó theo cách lý giải của em. Có lẽ những ngày đó trong tâm trí em chỉ có những suy tư về một ngón tay gập cong lại, cái ý tưởng khôn kham về những tâm hồn khác và sự ưu trội của truyện kể so với kịch nói. Em cũng biết rằng dù cho điều gì đã thực sự xảy ra thì nó có ý nghĩa như vậy chỉ bởi nó được rút ra từ tác phẩm đã xuất bản của em và sẽ không được nhớ tới nếu không có tác phẩm ấy.

Mặc dầu vậy, em không thể hoàn toàn bội phản chính mình; chắc chắn đã có một sự tiết lộ nào đó. Khi cô bé bước trở lại cửa sổ và nhìn xuống, cái vạt ướt trên nền sỏi đã bốc hơi. Giờ chẳng còn dấu vết nào còn sót lại của vở kịch câm bên đài phun nước ngoài những gì đã sống sót trong ký ức. Sự thật đã trở nên ma mị như sự sáng tạo. Bây giờ em có thể bắt đầu, viết lại nó như khi em chứng kiến, vấp phải thử thách khi khước từ không lên án hình ảnh gây choáng váng lúc chị gái gần như lõa thể, dưới ánh ngày, ngay cạnh ngôi nhà. Rồi cảnh đó có thể được viết lại, qua mắt Cecilia, và rồi qua mắt Robbie. Nhưng giờ không phải lúc để bắt đầu. Ý niệm về sự tuân phục trong Briony, cũng như bản năng đòi trật tự của em, lấn át tất cả; em phải hoàn thành cái em đã khởi xướng, em còn một buổi diễn tập dang dở, Leon đang trên đường về, cả nhà mong đợi buổi công diễn tối nay. Em nên xuống phòng giặt thêm một lần nữa để xem những gian nan của Jackson đã kết thúc chưa. Sự viết có thể đợi, đến khi em rảnh rỗi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro