HAI

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Anh nằm hút thuốc một lúc lâu, đăm đăm nhìn lên khoảng đen của vòm mái. Tiếng ngáy của hai hạ sĩ lên xuống nhịp nhàng. Anh kiệt sức, nhưng không buồn ngủ. Vết thương nhói lên khó chịu theo từng nhịp, nhịp nào cũng thắt lại như nhau. Dù là cái gì trong đó, nó cũng sắc và ở gần bề mặt da, và anh muốn dùng đầu ngón tay chạm vào. Nỗi mệt mỏi khiến anh dễ bị tổn thương vì những ý nghĩ chính anh chẳng hề mong muốn. Anh đang nghĩ đến thằng bé người Pháp ngủ trên giường, về sự dửng dưng của những kẻ có thể rót đạn cối xuống một vùng phong cảnh đẹp thế này. Hay trút bom lên một ngôi nhà đang say ngủ cạnh đường ray, không cần biết hay quan tâm có ai đang ở trong đó. Nó là một quá trình mang tính công nghiệp. Anh đã thấy các đơn vị Pháo binh Hoàng gia của chính phe họ làm việc, những đội liên kết chặt chẽ, lao động cả ngày, tự hào mình có thể ghép pháo đạn vào một lô nhanh đến thế nào, tự hào về kỷ luật, sự trui rèn, huấn luyện, phối hợp ăn ý của họ. Họ cần không bao giờ thấy kết quả cuối cùng - một thằng bé biến mất. Biến mất. Khi từ này thành hình trong suy nghĩ, giấc ngủ vồ lấy anh, nhưng chỉ trong vài giây. Rồi anh lại tỉnh, trên giường, nằm ngửa, nhìn vào bóng tôi đen kịt trong xà lim của mình. Anh có thể cảm thấy mình trở lại nơi đó. Anh có thể ngửi thấy mùi sàn bê tông, mùi nước giải trong xô, sơn bóng trên tường, và nghe tiếng ngáy của những người nằm thành dãy. Ba năm rưỡi chỉ toàn những đêm như thế này, không ngủ được, nghĩ đến thằng bé biến mất khác, một cuộc đời biến mất khác vốn từng là cuộc đời anh, và đợi bình minh, rồi đổ phân và rồi lại một ngày hoài phí nữa. Anh không biết làm cách nào mình có thể sống sót qua nổi sự ngu xuẩn thường nhật của nó. Sự ngu xuẩn và nỗi sợ những không gian chật hẹp. Bàn tay bóp chặt cổ họng anh. Ở đây, náu trong một kho thóc, với một đám quân đang rút chạy, nơi chân một đứa trẻ nằm trên cây là thứ gì đó mà người bình thường có thể lờ đi, nơi cả một quốc gia, một nền văn minh sắp sửa tan rã thì vẫn tốt hơn ở đó, trên cái giường hẹp dưới ánh đèn điện mờ mờ, chờ đợi không gì cả. Ở đây có những thung lũng đầy cây cối, dòng suối, ánh nắng trên hàng dương, những thứ họ không thể lấy đi trừ phi họ giết anh. Và ở đây có hy vọng.

Em sẽ đợi anh. Trở về với em. Có một cơ hội, chỉ một cơ hội, để quay về. Anh cất lá thư gần đây nhất và địa chỉ mới của nàng trong túi. Đây là lý do tại sao anh phải sống sót, và khôn ngoan tránh lộ chính nơi những máy bay ném bom nhào lượn trên không chực chờ như bầy chim ăn thịt.

Rồi, anh ngồi dậy từ dưới chiếc măng tô, xỏ bốt vào, mò mẫm trong kho thóc để ra ngoài đi tiểu. Anh hoa mắt vì mệt, nhưng vẫn chưa sẵn sàng ngủ được. Lờ đi những con chó gầm gừ, anh đi men theo con đường nhỏ đến một gò cao rậm rịt cỏ để nhìn những tia lóe lên trên bầu trời phía Nam. Xe bọc sắt quân Đức đang đổ về như sấm. Anh đưa tay lên sờ túi trên, nơi có bài thơ nàng gửi kèm với lá thư. Trong cơn ác mộng của bóng đêm, Tất cả bầy chó châu Âu sủa. Những thư khác của nàng được cất kỹ vào túi trong áo choàng. Đứng trên bánh xe một chiếc moóc bị vứt không, anh có thể thấy những phần khác của bầu trời. Súng lóe lên khắp nơi trừ phía Bắc. Quân đội bại trận đang tháo chạy đến một đường rút chắc chắn rồi sẽ co lại và chẳng mấy chốc bị cắt đứt. Sẽ không có cơ hội chạy thoát cho những kẻ bị tụt lại. Với họ thì may mắn nhất sẽ là bị tống vào tù tiếp. Trại tù. Lần này, anh sẽ không thoát được nữa. Khi Pháp bại trận, sẽ không sao biết được chừng nào cuộc chiến tranh này kết thúc. Không thư từ gì của nàng, và không còn đường quay lại. Không cách gì thương lượng để được thả sớm đổi lại là gia nhập bộ binh. Cánh tay lại siết cổ họng anh. Viễn cảnh mở ra sẽ là một ngàn, hoặc nhiều ngàn đêm giam hãm, mắt mở trừng trừng mà lật lại quá khứ, đợi chờ cuộc đời mình tái hồi, băn khoăn liệu có bao giờ được nữa không. Có lẽ sẽ hợp lý nếu bỏ đi ngay bây giờ trước khi quá muộn, và cứ đi mãi, suốt đêm thâu, suốt ngày dài, cho đến khi đến được biển. Lẻn đi, để mặc hai hạ sĩ cho định mệnh của họ. Anh quay người bắt đầu xuống dốc nhưng rồi lại nghĩ lại. Anh hầu như không thấy được mặt đất phía trước. Tối tăm thế này anh sẽ chẳng đi được bao xa, chưa kể còn dễ bị gãy chân nữa. Mà có khi hai hạ sĩ kia không phải là hai tên ngu hoàn toàn - Mace với cái đệm bằng rơm, Nettle với món quà cho hai anh em nhà kia.

Nhờ tiếng ngáy của họ dẫn lối, anh lê bước vào giường lại được. Nhưng giấc ngủ vẫn không đến, hay chỉ ập xuống rất nhanh, rồi anh lại ngoi lên khỏi nó, chống chếnh với những ý nghĩ anh không có khả năng chọn hay quyết định. Chúng rượt đuổi anh, những chủ đề xưa cũ. Lại nó đây, lần gặp mặt duy nhất giữa anh và nàng. Ra tù được sáu ngày, một ngày trước khi anh nhận nhiệm vụ gần Aidershot. Cho đến lần hẹn gặp tại quán trà Joe Lyons ở Strand năm 1939, họ đã không hề gặp nhau trong ba năm rưỡi. Anh đến quán sớm và chọn một góc ngồi nhìn ra cửa. Tự do vẫn còn mới mẻ quá. Bước chân, tiếng ồn ào, màu những chiếc áo khoác, jacket, váy, cuộc trò chuyện rôm rả vui vẻ của mấy người đi mua sắm ở West End, sự thân thiện của cô gái phục vụ cho anh, sự vắng mặt toàn diện của hiểm họa - anh ngả lưng ra sau mà tận hưởng cái ôm ghì của những thứ thường nhật. Nó có một vẻ đẹp mà riêng mình anh mới biết tận thưởng.

Trong suốt thời gian ở tù, khách phụ nữ duy nhất anh được phép gặp là mẹ anh. Phòng khi anh bị lên cơn kích động, họ nói. Cecilia tuần nào cũng viết thư. Yêu nàng, nhưng buộc mình phải thật lý trí với nàng, nên một cách tự nhiên anh phải lòng từng từ nàng viết. Khi hồi đáp, anh vờ như vẫn là con người cũ, nói dối để giữ cho mình lý trí. Vì sợ bác sĩ tâm thần, ông này cũng là người kiểm duyệt thư của họ, họ không bao giờ được lả lơi, hay thậm chí đa cảm quá. Nhà tù nơi anh bị giam được coi là một nơi hiện đại, đã được khai sáng, dù vẫn lạnh giá như ở thời Victoria. Anh đã được chẩn đoán, với sự chính xác y học, là có khát vọng tình dục quá độ đến bệnh hoạn, cần phải được chữa trị cũng như chỉnh đốn. Anh không được để bị kích thích. Vài lá thư - cả của anh và nàng - bị tịch thu vì vài từ ngữ rụt rẽ bộc lộ tình cảm. Vì vậy họ viết cho nhau về văn học, và sử dụng các nhân vật làm mật mã. Hồi ở Cambridge, họ chỉ đi lướt qua nhau trên đường phố. Tất cả những cuốn sách kia, những đôi hạnh phúc hay bi kịch kia, họ chưa bao giờ gặp nhau mà cùng bàn luận. Tristan và Isolde, Công tước Orsino và Olivia (và Malvolio nữa), Troilus và Criseyde, anh Knightley và Emma, Venus và Adonis. Turner và Tallis. Có một lần, tuyệt vọng, anh nói đến Prometheus, người bị xích vào tảng đá, bị một con kền kền hàng ngày đến ăn gan. Thỉnh thoảng nàng là Griselde kiên nhẫn. Đề cập tới "một góc yên tĩnh trong thư viện" là mật mã cho khoái cảm tình dục. Họ cũng kể lại đời sống thường nhật cho nhau, bằng những chi tiết tẻ nhạt nhưng đầy chăm chút. Anh miêu tả những việc thường ngày trong tù ở mọi khía cạnh, nhưng chưa bao giờ kể nàng nghe về sự ngu xuẩn của nó. Thế là đủ rõ ràng. Anh chưa bao giờ bảo với nàng rằng anh sợ có khi mình gục ngã mất. Cả điều đó nữa cũng rõ rệt. Nàng chưa bao giờ viết rằng nàng yêu anh, mặc dù nàng sẽ viết nếu nàng nghĩ câu ấy có thể đến được tay anh. Nhưng điều đó anh biết.

Nàng kể anh nghe đã cắt đứt với gia đình. Nàng sẽ không bao giờ nói chuyện với cha mẹ, anh trai hay em gái nữa. Anh theo sát từng bước chân nàng trên con đường học để thành y tá. Khi nàng viết, "Hôm nay em đi thư viện để lấy cuốn sách giải phẫu em có kể với anh. Em tìm thấy một góc yên tĩnh và vờ ở đó đọc," anh biết nàng cũng đang sống bằng những ký ức vẫn nghiến ngấu anh hàng đêm, bên dưới lớp chăn tù mỏng mảnh.

Khi nàng bước vào quán cà phê, mặc chiếc áo choàng y tá không tay, làm anh giật mình thoát khỏi một cơn mê dễ chịu, anh bật dậy nhanh quá đến nỗi đánh đổ cả trà.

Anh nhận thấy rõ sự quá cỡ của bộ com lê mẹ anh đã để dành cho anh. Chiếc áo ngoài dường như không chạm vào vai anh ở bất kỳ điểm nào. Họ ngồi xuống, nhìn nhau, mỉm cười, rồi đưa mắt đi chỗ khác. Robbie và Cecilia đã làm tình với nhau bao năm qua - bằng thư. Trong những trao đổi bằng mật mã họ đã dịch lại gần nhau, nhưng bây giờ sự gần gũi đó mới có vẻ giả tạo làm sao khi họ bắt đầu cất tiếng trò chuyện, nói những câu vấn đáp lịch sự yếu ớt. Khi khoảng cách mở ra giữa hai người, họ hiểu rằng trong thư họ đã vượt quá chính mình đến mức nào. Giây phút này đã được mường tượng và khao khát quá lâu, mà giờ lại không thể nào viên mãn. Anh đã ra khỏi thế giới, và không đủ tự tin để mà lùi lại, mà vươn tới cái ý nghĩ lớn hơn ấy. Anh yêu em, em đã cứu đời anh. Anh hỏi nàng về chỗ trọ của nàng. Nàng kể anh nghe.

"Thế em có hòa thuận với bà chủ nhà không?"

Anh không nghĩ được gì khá khẩm hơn, và sợ sự im lặng có thể sẽ tràn xuống, sợ sự ngượng ngập có thể sẽ là màn mở đầu cho việc nàng bảo anh rằng thật vui được gặp lại nhau. Rằng nàng phải về làm việc đây. Tất cả những gì họ có, tất cả đều dựa trên vài phút trong một thư viện cách đây bao năm rồi. Nó có mỏng manh quá không? Nàng có thể dễ dàng rút lại thành ai đó như kiểu em gái. Nàng có thất vọng không? Anh đã gầy đi. Anh đã teo tóp lại theo mọi nghĩa. Nhà tù đã khiến anh ghê tởm chính mình, trong khi trông nàng vẫn đáng tôn thờ như anh nhớ, nhất là trong bộ đồng phục y tá. Nhưng nàng cũng đang căng thẳng đến khổ sở, không thể nào bước tránh khỏi những câu nói tầm phào. Nàng đang cố tỏ ra vui vẻ kể chuyện tính khí bà chủ nhà. Sau một vài trao đổi như thế, nàng đã thực sự nhìn cái đồng hồ nhỏ lủng lẳng trên ngực trái nàng, và bảo anh rằng giờ nghỉ trưa của nàng sắp hết rồi. Họ đã có nửa tiếng đồng hồ.

Anh bước cùng nàng đến đường Whitehall, về phía bến xe buýt. Trong những giây phút quý giá cuối cùng anh viết địa chỉ của mình cho nàng, một dãy lạnh lẽo những con số và từ ngữ. Anh giải thích rằng chỉ khi nào khóa huấn luyện cơ bản kết thúc thì anh mới rời đi. Sau đó, anh sẽ được cho hai tuần phép. Nàng nhìn anh, lắc đầu như thể giận dữ, và rồi, cuối cùng, anh nắm lấy tay nàng siết chặt. Cử chỉ ấy đã phải bao chứa tất cả những gì không được nói, và nàng đáp lại bằng một cái siết từ chính tay nàng. Xe buýt đến, song nàng không thả tay anh ra. Họ đứng đối mặt nhau. Anh hôn nàng, khẽ khàng lúc đầu, nhưng họ kéo nhau lại gần hơn, và khi lưỡi họ chạm nhau, một phần linh hồn anh cảm thấy biết ơn một cách hèn hạ, vì anh biết giờ đây mình đã có ký ức gửi trong ngân hàng và sẽ rút dần ra cho những tháng ngày tiếp tới. Giờ anh đang rút nó đây, trong một kho thóc ở Pháp, trong thời khắc khốn khổ này. Họ ôm chặt lấy nhau và tiếp tục hôn trong khi hàng người đứng đợi xe cứ nhích tới dần ngang qua họ. Một gã nào đó quang quác vào tai anh. Nàng khóc, nước mắt rơi lên má anh, và nỗi đau đớn của nàng làm môi nàng căng ra trên môi anh. Một xe buýt nữa đến. Nàng dứt ra, siết cổ tay anh, và lên xe không nói một lời cũng không nhìn lại. Anh nhìn theo nàng khi nàng tìm chỗ ngồi, và khi xe bắt đầu chuyển bánh thì nhận ra đáng lẽ mình nên đi cùng nàng, trên suốt quãng đường đến bệnh viện. Anh đã ném mất đi mấy phút được có nàng ở bên. Anh phải học lại cách nghĩ và hành động vì chính bản thân mình. Anh bắt đầu chạy dọc đường Whitehall, hy vọng đuổi kịp nàng ở bến tiếp theo. Nhưng xe nàng đã ở cách một đoạn khá xa, và nhanh chóng biến mất về phía Quảng trường Parliament.

Trong giai đoạn anh được huấn luyện, họ tiếp tục viết thư cho nhau. Được tự do không bị kiểm duyệt và cũng thoát khỏi nhu cầu cần phải sáng tạo, họ thận trọng tiến tới. Sốt ruột vì phải sống trên giấy, lưu tâm tới những khó khăn, họ thận trọng không dám đi quá cái nắm tay và nụ hôn duy nhất ở bến xe buýt. Họ nói họ yêu nhau, dùng "anh yêu" và "thân yêu", và biết trong tương lai mình sẽ được ở bên nhau nhưng họ kiềm chế tránh những gần gũi bạo liệt hơn. Nhiệm vụ của họ bây giờ là duy trì liên lạc cho tới hai tuần lễ ấy. Qua một người bạn học ở Girton, nàng tìm được một căn nhà ở Wiltshire mà họ có thể mượn tạm, và mặc dù trong những giây phút rảnh rỗi họ ít nghĩ đến thứ gì khác, họ vẫn cố không mơ mộng quá xa trong những lá thư. Thay vì thế, họ nói những chuyện thường nhật. Giờ nàng làm việc ở khu sản khoa, và ngày nào cũng mang đến những điều kỳ diệu bình thường, cũng như những giây phút kịch tính hay vui nhộn. Cũng có những thảm kịch, so với chúng những khó nhọc của họ nhạt nhòa như không: những đứa trẻ chết non, những bà mẹ chết, những chàng trai khóc than trong hành lang, những bà mẹ mười mấy tuổi đầu bàng hoàng bị gia đình từ, những đứa trẻ ra đời bị dị dạng gợi nên cả hổ thẹn lẫn yêu thương, không biết cái nào nhiều hơn. Khi nàng miêu tả một ca đẻ thành công, cái khoảnh khắc khi trận chiến đã kết thúc và bà mẹ mệt lử lần đầu tiên ôm đứa con vào lòng, mê mẩn nhìn vào khuôn mặt mới, đó là lời mời gọi không lời cho tương lai của chính Cecilia, tương lai mà nàng sẽ chia sẻ cùng anh, là điều khiến cho những lời nàng viết có quyền năng giản dị, mặc dù thực sự là, suy nghĩ của anh ngụ ở phần sinh con không nhiều bằng ở phần thụ thai.

Đến lượt anh mô tả thao trường, nơi tập bắn súng trường, luyện tập quân sự, kỷ luật thép đối với cả những chuyện vớ vẩn nhất, trại lính. Anh không đủ điều kiện tham gia đào tạo sĩ quan, mà cũng chẳng sao, vì chẳng sớm thì muộn anh sẽ gặp ai đó trong phòng ăn tập thể sĩ quan có biết quá khứ của anh. Về mặt cấp bậc anh không là gì cả, nhưng hóa ra chuyện đã từng vô khám đem lại cho anh một vị thế nhất định. Anh phát hiện ra mình đã thích nghi khá tốt với kỷ luật quân đội, với nỗi kinh hoàng của việc xếp quân trang và gập chăn thành hình vuông vuông thành sắc cạnh, với những lần điểm danh xếp hàng. Không giống đồng đội, anh nghĩ thức ăn chẳng tệ chút nào. Các ngày, dù mệt nhọc, lại có vẻ phong phú đa dạng. Những chuyến hành quân qua vùng quê cho anh niềm thích thú mà anh không dám lộ ra với những tân binh khác. Anh tăng cân và khỏe lên. Tuổi tác và học vấn làm anh bị hạ thấp, nhưng quá khứ của anh bù đắp lại và không ai gây khó dễ cho anh. Thay vào đó, anh được coi như là một con chim già thông thái biết kiểu cách của "họ", là người luôn có ích mỗi khi phải điền một tờ đơn. Như nàng, anh khuôn những lá thư của mình vào những chuyện thường nhật, xen vào những mẩu chuyện vui nhộn hoặc gây hoang mang: chú tân binh đi tập trận mà thiếu một cái bốt; cừu chạy điên loạn vào trại lính và không tài nào đuổi ra được, tay trung sĩ giáo viên suýt nữa ăn đạn ở nơi tập bắn.

Nhưng có một diễn biến bên ngoài, một bóng đen mà anh phải nhắc đến. Sau sự kiện Munich năm ngoái, anh tin chắc chắn, như mọi người khác, rằng sẽ có chiến tranh. Đợt tập huấn của họ được đơn giản hóa đi và đẩy nhanh, một trại mới được mở rộng để lấy thêm tân binh. Anh lo lắng không phải vì chuyện mình sẽ phải tham gia chiến đấu, mà lo vì giấc mơ Wiltshire của họ có nguy cơ không thành. Nàng phản chiếu những nỗi sợ hãi của anh bằng việc miêu tả những chuẩn bị bất ngờ ở bệnh viện - thêm giường, các khóa học đặc biệt, thực tập cấp cứu. Nhưng đồng thời cả hai vẫn thấy toàn bộ chuyện này có cái gì đó không thực, vẫn còn xa xôi mặc dù có khả năng xảy ra. Chắc chắn chiến tranh sẽ không xảy ra nữa, người ta tiếp tục nói thế. Thành thử họ tiếp tục bám víu vào hy vọng của mình.

Còn một vấn đề khác, bức thiết hơn, ám ảnh anh. Cecilia đã không nói chuyện với cha mẹ, anh trai hay em gái từ tháng Mười một năm 1935 khi Robbie bị kết án. Nàng không viết thư cho họ, cũng không cho họ biết địa chỉ. Thư đến tay nàng qua mẹ anh, bà đã bán căn bunga¬low và chuyển sang làng khác. Thông qua Grace mà nàng cho gia đình biết mình vẫn ổn và không muốn liên lạc gì. Leon đã đến bệnh viện một lần, nhưng nàng không nói chuyện với anh. Anh đợi ngoài cổng suốt cả chiều. Khi thấy anh, nàng trốn vào trong cho đến khi anh bỏ đi. Sáng hôm sau anh ở ngoài khu nội trú của y tá. Nàng đi lướt qua anh và thậm chí không nhìn về phía anh. Anh níu khuỷu tay nàng, nhưng nàng giật mạnh tay ra bước tiếp, không hề tỏ ra động lòng bởi sự nài xin của anh.

Robbie biết rõ hơn ai hết nàng yêu anh trai mình thế nào, nàng thân thiết với gia đình thế nào, và căn nhà và công viên có ý nghĩa thế nào với nàng. Anh có thể không bao giờ quay lại, nhưng anh khổ sở khi nghĩ đến việc nàng đang hủy hoại một phần trong nàng vì anh. Sau một tháng huấn luyện, anh nói với nàng mình đang nghĩ gì. Đó không phải lần đầu tiên họ đả động đến chuyện này, nhưng vấn đề đã trở nên rõ ràng.

Nàng viết trả lời, "Họ quay lưng lại với anh, tất cả họ, ngay cả cha em. Khi họ hủy hoại cuộc đời anh, họ hủy hoại đời em. Họ quyết định tin bằng chứng của một con oắt loạn trí, ngớ ngẩn. Trên thực tế, họ đã khuyến khích nó bằng cách không cho nó đường nào mà quay lại. Nó mới mười ba tuổi đầu, em biết, nhưng em không bao giờ muốn nói chuyện với nó nữa. Còn với những người còn lại, em không bao giờ có thể tha thứ cho việc họ đã làm. Giờ đây khi cắt đứt, em bắt đầu hiểu sự trưởng giả nằm sau sự ngu xuẩn của họ. Mẹ em không bao giờ tha thứ cho anh vì anh đã tốt nghiệp thủ khoa. Cha em thích trốn mình vào công việc. Leon hóa ra lại là một tên ngốc không xương sống, lúc nào cũng tí ta tí toét hòa hợp với tất cả mọi người. Khi Hardman quyết định che giấu cho Danny, không ai trong gia đình em muốn cảnh sát thẩm vấn ông ta những câu hỏi rõ rành rành. Cảnh sát truy tố anh. Họ không muốn vụ của họ bị rối tung lên. Em biết nghe thật chua chát, nhưng anh thương yêu của em, em không muốn thế. Em thực lòng hạnh phúc với cuộc đời mới và bạn bè mới. Bây giờ em cảm thấy mình có thể hít thở. Trên hết thảy, em có anh làm mục đích sống. Một cách thực tế, phải chọn lựa - anh hoặc họ. Làm sao có được cả hai? Em chưa bao giờ hồ nghi một giây phút nào: Em yêu anh. Em tin anh hoàn toàn. Anh là người thương nhất đời của em, lý do của đời em. Cee."

Anh thuộc lòng những câu cuối cùng này và giờ đây nhẩm đi nhẩm lại trong bóng tối. Lý do của đời em. Không phải lý do để em sống, mà là lý do của cả đời em. Thật cảm động. Và nàng là lý do của đời anh, và lý do anh phải sống sót. Anh nằm nghiêng, nhìn ra nơi anh nghĩ là cửa kho thóc, đợi ánh ngày đầu tiên. Giờ anh bồn chồn đến mức không chớp mắt nổi. Anh chỉ muốn bước đi mãi cho đến biển.

Không có căn nhà tranh nào ở Wiltshire cho họ. Ba tuần sau khi đợt huấn luyện kết thúc, người ta tuyên chiến. Quân đội phản ứng một cách tự động, giống như phản xạ của con trai trước ánh sáng. Mọi kỳ phép bị hủy bỏ. Sau đó ít lâu, người ta định nghĩa lại là "tạm hoãn". Ngày tháng được ấn định, rồi thay, rồi hủy. Và rồi, bằng một thông báo trước hai mươi tư giờ, lệnh lên đường bằng tàu hỏa được ban ra. Họ có bốn ngày trước khi trình diện nhận nhiệm vụ ở trung đoàn mới. Có tin đồn họ sẽ lại di chuyển. Nàng phải cố gắng sắp xếp lại ngày nghỉ, và trong chừng mực nào đó đã thành công. Khi cố lần nữa, nàng không được chấp thuận. Đến lúc thư anh đến, báo với nàng là anh về, nàng đã trên đường đi Liverpool để tập huấn chăm sóc chấn thương nghiêm trọng tại Bệnh viện Alder Hey. Hôm sau ngày về đến London, anh khởi sự theo nàng tới phía Bắc, nhưng tàu xe chậm không tưởng tượng nổi. Người ta dành ưu tiên cho quân đội đi về phía Nam. Tại ga Birmingham New Street, anh bị nhỡ tàu chuyển tiếp còn chuyến tiếp theo bị hủy. Lẽ ra anh đã đợi đến sáng hôm sau. Anh đi đi lại lại trên sân ga nửa tiếng đồng hồ, rối tinh không biết quyết định thế nào. Cuổi cùng, anh quyết định quay về. Trình diện muộn là một vấn đề nghiêm trọng.

Đến lúc nàng lừ Liverpool về, anh đang xuống tàu ở Cherbourg và mùa đông ảm đạm nhất đời anh trải ra phía trước. Dĩ nhiên cả hai đều thấy khổ sở, nhưng nàng cảm thấy nghĩa vụ của mình là phải lạc quan và an ủi. "Em không đi đâu cả," nàng viết trong lá thư đầu liên sau khi từ Liverpool về. "Em sẽ đợi anh. Trở lại với em." Nàng đang trích dẫn lại mình. Nàng biết anh sẽ nhớ. Kể từ đó trở đi, đây là câu nàng dùng để kết mỗi lá thư gửi cho Robbie ở Pháp, từ lá đầu tiên đến lá cuối cùng, đến tay anh ngay trước khi có lệnh rút lui về Dunkirk.

Đó là một mùa đông dài nghiệt ngã cho Quân đội Viễn chinh Anh quốc ở miền Bắc nước Pháp. Không nhiều chuyện xảy ra lắm. Họ đào hào, bảo vệ đường tiếp tế, và được lệnh đi tập luyện ban đêm, chuyện này thật lố bịch với lính bộ binh vì mục đích không bao giờ được giải thích, đạn dược thì lại thiếu. Khi không làm nhiệm vụ, mỗi người đều là tướng hết. Ngay cả anh binh nhì cấp bậc thấp nhất cũng nói như đinh đóng cột rằng chiến tranh sẽ không diễn ra trong hào nữa. Nhưng vũ khí chống tăng họ mong đợi đã không bao giờ đến. Trên thực tế, họ chẳng có thứ vũ khí hạng nặng nào. Đó là thời gian của sự chán chường, những trận đấu bóng giữa các đơn vị, đeo ba lô nặng trịch hành quân suốt ngày trèn các con đường quê, và không có việc gì làm suốt hàng giờ liên tục ngoại trừ vừa bước đều vừa mơ mộng theo tiếng bốt nện lên mặt nhựa đường. Anh thường chìm đắm trong suy nghĩ về nàng, và hoạch định lá thư tiếp theo, trau chuốt câu từ, cố tìm ra hài hước trong sự ảm đạm này.

Có lẽ nhờ nhìn thấy cây cối xanh tươi dọc những con đường nhỏ ở Pháp và dải hoa chuông mờ mờ thấp thoáng trong rừng mà anh cảm thấy cần có sự hòa giải và những khởi đầu tươi mới. Anh quyết định mình nên cố thuyết phục nàng liên lạc với cha mẹ. Nàng không cần phải tha thứ họ, hay khơi lại những mâu thuẫn cũ. Nàng chỉ nên viết một lá thư ngắn gọn, giản dị, cho họ biết nàng đang ở đâu và song thế nào. Ai biết được những năm tới đây sẽ có những đổi thay gì chứ? Anh biết rằng nếu nàng không làm hòa với cha mẹ trước khi một trong hai người chết, nàng sẽ ăn năn day dứt khôn nguôi. Anh sẽ không bao giờ tha thứ cho bản thân mình nếu không khuyến khích nàng.

Vì vậy anh viết vào tháng Tư, và mãi giữa tháng Năm thư hồi âm của nàng mới đến tay anh, khi họ đã rút lui dần dần rồi, không lâu trước khi có lệnh rút lui tới tận Channel. Dưới hỏa lực của địch không liên lạc nào diễn ra được. Lá thư giờ nằm trong túi trên của anh. Đó là lá thư cuối cùng của nàng đến tay anh trước khi hệ thống chuyển phát thư tan vỡ.

... Em không định kể anh nghe chuyện này bây giờ đâu. Em vẫn không biết phải nghĩ gì và em muốn đợi đến khi mình bên nhau. Giờ em nhận thư anh rồi, không kể cho anh thì thật không nên. Ngạc nhiên đầu tiên là giờ Briony không phải ở Cambridge. Mùa thu vừa rồi nó không học lên tiếp, nó không nhận chỗ của mình. Em kinh ngạc vì có nghe bác sĩ Hall nói nó được nhận vào học y tá. Ngạc nhiên nữa là nó đang được huấn luyện ở bệnh viện cũ của em. Anh có tưởng tượng nổi Briony cầm cái bô không? Em nghĩ họ đều nói cùng một điều về em. Nhưng nó là một đứa hoang tưởng, như mình đều biết bằng cái giá mình đã trả. Em thấy thương bệnh nhân nào bị nó tiêm. Thư nó gửi khó hiểu và rối tinh rối mù. Nó muốn gặp. Nó bắt đầu ngộ ra hoàn toàn điều nó đã làm và thế có nghĩa là thế nào. Rõ ràng, chuyện nó không đi học tiếp có ít nhiều liên quan đến chuyện ấy. Nó bảo muốn là người hữu ích theo một cách thực tế. Nhưng em có ấn tượng rằng nó học làm y tá như một kiểu ăn năn. Nó muốn đến gặp em nói chuyện. Có thể em đã hiểu sai, và đó là lý do tại sao em đợi khi nào gặp anh thì sẽ bàn trực tiếp chuyện này, nhưng em nghĩ nó muốn công khai rút lại lời chứng. Em nghĩ nó muốn thay đổi bằng chứng và làm việc đó một cách chính thức hay hợp pháp. Chuyện này thậm chí còn không thể xảy ra, xét vì đơn chống án của anh bị bác. Mình cần hiểu thêm về luật pháp. Có khi em sẽ đi gặp cố vấn. Em không muốn chúng mình nuôi hy vọng để rồi chẳng được gì cả. Cũng có thể nó không có ý như em nghĩ, hoặc có thể nó chưa được chuẩn bị để hiểu hết mọi chuyện. Hãy nhớ con bé là một đứa hão huyền thế nào.

Em sẽ không làm gì cả chừng nào chưa nghe ý kiến của anh. Lẽ ra em không nên kể anh nghe chuyện gì cả, nhưng khi anh lại viết thư bảo em nên liên lạc với cha mẹ (em ngưỡng mộ tinh thần bác ái của anh), em phải nói cho anh biết vì tình huống có thể thay đổi. Nếu về mặt pháp lý Briony không thể đến trước mặt quan tòa mà bảo ông ta rằng nó đã nghĩ lại, ít nhất nó cũng có thể đi nói với cha mẹ bọn em. Rồi họ có thể quyết định họ muốn làm gì. Nếu họ có thể buộc mình viết một lá thư xin lỗi tử tế cho anh thì may ra gia đình em có thể có khởi đầu mới.

Em cứ nghĩ mãi đến con bé. Đi học làm y tá, cắt đứt với hoàn cảnh xuất thân của mình, chuyện đó với nó là một bước lớn hơn nhiều so với em. Ít nhất em đã có ba năm tại Cambridge, và em có lý do rõ ràng để từ gia đình. Hẳn là nó cũng có lý do. Em không chối rằng em rất tò mò muốn biết. Nhưng em đợi anh, anh yêu, nói em nghe anh nghĩ gì. Với cả, nó cũng bảo rằng tác phẩm của nó bị Cyril Connolly ở tờ Horizon từ chối. Vậy là ít nhất cũng có người nhìn thấu được những tưởng tượng méo mó của nó.

Anh có nhớ hai đứa sinh đôi đẻ non mà em kể không? Đứa em chết rồi. Chuyện đó xảy ra vào đúng đêm em trực. Bà mẹ tiếp nhận tin đó thật khó nhọc. Bọn em nghe bảo ông bố làm nghề phụ nề, thế mà chắc bọn em cứ đinh ninh đó là một thằng cha nhỏ con thô lỗ với một điếu thuốc trễ nải trên môi. Anh ta ở tận East Anglia với các nhà thầu giúp việc cho quân đội, xây hàng rào phòng thủ bờ biển, đó là lý do vì sao anh ta đến bệnh viện muộn như vậy. Hóa ra anh ta lại là một người cực kỳ đẹp trai, mười chín tuổi, cao hơn mét tám, tóc vàng lòa xòa phủ trán. Anh ta bị tật bẩm sinh ở chân như Byron, thành thử anh ta mới không tòng quân. Jenny bảo trông anh ta như một vị thần Hy Lạp. Anh ta rất đáng yêu và dịu dàng, kiên nhẫn an ủi cô vợ trẻ. Tất cả bọn em đều cảm động. Chuyện buồn nhất là anh ta vừa mới nói được vài câu an ủi vợ thì thời gian thăm bệnh hết và Y tá trưởng đến buộc anh ta phải ra về cùng với mọi người khác. Thế là bọn em là người phải đi hàn gắn các mảnh vỡ. Cô gái tội nghiệp. Nhưng đã bốn giờ rồi, và luật là luật.

Em sẽ cầm thư này chạy vội xuống phòng phân loại thư ở Balham, hy vọng nó sẽ qua được Channel trước cuối tuần. Nhưng em không muốn kết thư buồn thế. Em thực sự rất phấn khích trước tin về em gái em và ý nghĩa của điều đó đối với hai đứa mình. Em rất thích chuyện anh kể về nhà xí của các trung sĩ. Em đọc chuyện đó cho các bạn nghe, họ cười như điên. Em rất mừng khi sĩ quan liên lạc đã phát hiện ra khả năng tiếng Pháp của anh và giao cho anh nhiệm vụ để dùng được nó. Sao mãi họ mới phát hiện ra anh nhỉ? Anh ẩn mình à? Anh nói rất đúng về bánh mì Pháp - ăn xong chỉ mười phút là lại thấy đói luôn. Toàn là không khí chứ chả có chất gì cả. Balham không tệ như em kể, nhưng lần sau em sẽ nói nhiều hơn. Em kèm đây một bài thơ của Auden về cái chết của Yeats lấy ra từ một số London Mercury hồi năm ngoái. Cuối tuần này em sẽ về quê thăm Grace và sẽ tìm trong các hộp mấy bài thơ của Housman cho anh.

Em phải chạy đây. Từng giây từng phút em đều nghĩ đến anh. Em yêu anh. Em sẽ đợi anh. Trở lại với em. Cee.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro