Chương 17: Có hy vọng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hai ngày liên tục Chiến không thấy Kiệt đến thăm mình, cũng không thấy thằng Tèo hay theo làm chân sai vặt cho anh đến tìm mình chuyển lời của anh, làm cho cậu cảm thấy sốt ruột cả ngày đi ra đi vào.

Ngồi trong sân nấu bánh Tét, chị Thi thấy thỉnh thoảng Chiến cứ nhìn ra ngoài đường, rồi lại thở dài não nề. Trong lòng chị đoán ngay ra được là đứa em này của mình đang nhớ người yêu rôi.

Lửa cháy đã tàn củi, mà Chiến vẫn không thêm củi vào. Chị Thi liền tự tay thêm củi vào trong lửa rồi lên tiếng trêu:

- Đứng nhìn ra ngoài đường nữa. Củi lửa tàn hết rồi đây nè.

Chiến bị chị Thi trêu liền giật mình quay sang nhìn chị, mặt mũi đỏ ửng lên như trái cà chua chín muồi:

- Dạ...em xin lỗi...

Vừa nói Chiến vừa gắp củi thêm vào trong lò, nhưng chị Thi đã nhanh chóng lên tiếng:

- Chị đã thêm củi vô rồi. Hai ngày nay mày sao vậy, cứ lóng ngóng như con lật đật là sao? Nhớ ai à?

Chiến ấp a ấp úng:

- Dạ...em đâu có nhớ ai đâu chị hai. Tại em thấy giờ này sao hông có ai đi chợ nên hơi tò mò chút thôi.

Chị Thi lại trêu:

- Không nhớ ai thiệt hông đó. Chứ tui thấy hai ngày nay mấy người lạ lắm à nghe, hồn vía thì để ở đâu. Mỗi lần tui kêu thì giật mình. Nói thiệt đi, nhớ ai rồi phải hông?

Chiến vội đánh trống lãng:

- Vậy chị hai canh nồi bánh này dùm em đi. Em đi giặt đồ.

Nhìn theo bóng dáng của Chiến bưng thau đồ dơ đi ra sông, chị Thi không biết nói gì ngoài việc mĩm cười. Thau đồ đã được giặt sạch rồi, thì cần gì phải giặt nữa chứ.

Chị Thi thấy đứa em này của mình rõ ràng là biết yêu rồi, nhưng lại không chịu thừa nhận.

Ngồi bên bờ sông giặt đồ, Chiến cứ nhìn sang nhà của Kiệt ở bên bờ bên kia để tỉm kiến hình bóng quen thuộc, nhưng mà tìm mãi vẫn không thấy. Có lẽ hôm nay Kiệt không có ở nhà.

Lúc ở trên sân ga chuẩn bị về quê, Kiệt đã hứa với Chiến là hãy đợi tin của anh, nhưng cậu đã đợi hai ngày nay rồi, mà không thấy tăm hơi của anh ở đâu. Đúng là làm cậu sốt ruột thật mà.

Chờ Kiệt cả một buổi sáng, mà không thấy sang tìm mình. Chiến thở dài một hơi, rồi đem thau đồ về nhà phơi lên sào, sau đó lại ngồi thẩn thờ như người mất hồn.

Thấy Chiến ngồi thở dài, lâu lâu lại nhìn ra cửa. Chú Tiến chống gậy đi ra xoa đầu cậu:

- Sao thở dài hoài vậy con? Con có chuyện buồn hả?

Chiến lắc đầu:

- Dạ đâu có...con đâu có chuyện gì buồn đâu cha?

Chú Tiến hỏi lại:

- Hông có gì sao mà cha nghe con cứ thở dài hoài vậy?

Chiến thở dài:

- Cha! Hồi đó tới giờ cha có từng mong ngóng chưa cha?

Chú Tiến lắc đầu:

- Một người tật nguyền, tàn phế như cha thì làm gì có ai để ý mà cha mong ngóng. À có nghe...có à...Là mẹ của con á.

Chiến cười tươi rói:

- Thiệt hả cha? Cha kể con nghe đi cha...

Chú Tiến nheo mắt:

- Cha đã kể con nghe mấy lần rồi mà.

Chiến bắt đầu mè nheo:

- Nhưng mà con muốn nghe nữa. Cha kể con nghe đi mà cha, con muốn biết tại sao cha lại nói là cha từng mong ngóng mẹ con.

Nhìn thấy ánh mắt mong chờ của Chiến khi muốn biết cha nuôi và mẹ của mình quen nhau bằng cách nào. Chú Tiến không còn cách nào khác ngoại trừ việc ngồi xuống bên cạnh kể tường tận mọi chuyện cho cậu nghe.

Cách đây hai mươi hai năm, khi chú Tiến chỉ mới bình phục sau khi bị một con chó dại cắn được hai hôm, thì dì Mai- chị của chú đã dẫn về một người phụ nữ cũng trạc tuổi chú, nhưng trên tay còn đang ẵm một đứa nhỏ còn đỏ hỏn.

Người phụ nữ đó không ai khác chính là cô Lệ và đứa bé mới vừa cắt dây rốn được mấy hôm chính là Chiến.

Chú Tiến đối với cô Lệ chính là vừa nhìn đã yêu. Chú yêu cô ngay từ cái nhìn đầu tiên, nhưng vì chú ngại mình tật nguyền chân cao chân thấp và không thể sinh được con, nên chú không bao giờ dám bày tỏ tình cảm của mình với cô Lệ.

Người xưa có câu 'lù khù có ông Cù độ mệnh', chú Tiến không giàu sang như những người từng theo đuổi cô Lệ, nhưng chú có một trái tim nhân hậu và bản tính thật thà chất phát. Do không biết ăn nói, nên cứ mở miệng nói được hai câu văn vở học lóm được bên trường làng, là đến đâu thứ ba nói sai ngay.

Mỗi lần nghe chú Tiến nói sai là cô Lệ lại bật cười, nhưng không phải là cười khinh thường, mà cười thật lòng vì chú quá hiền và quá thật thà.

Tuy rằng, chú Tiến bị tật ở chân, nhưng vẫn có thể làm đồng áng được như bao người khác, nên mỗi lần được chủ ruộng thưởng tiền hay gạo, là chú lại đi ra chợ mua cho cô Lệ một sấp vải, không thôi là chú sẽ đổi gạo thành tiền, rồi mua tặng cô lệ một cái kẹp tóc...

Chú Tiến còn nhớ rất rõ, cô Lệ rất thích gội đầu bằng lá bưởi và trái bồ kết, nên ngày nào chú cũng ra chợ mua bồ kết về nấu nước cho cô gội đầu. Có khi là đích thân chú gội đầu cho cô...

Mái tóc của cô Lệ rất dài và rất dày, chú Tiến rất thích chải tóc cho cô.

Mỗi ngày chú đều lân la đến gần mấy cô trong xóm hỏi cách tết tóc, rồi về tết tóc cho làm đẹp cho cô. Nhưng chú không biết rằng, cô Lệ đã qua cái tuổi thắt tóc thành hai bím ở hai bên rồi.

Biết chú Tiến thật thà cục mịch, nên cô Lệ cũng không giận hờn hay trách móc. Ngược lại, cô bắt đầu có cảm tình với chú, nhưng lại không dám mở lòng vì cô mặc cảm mình từng có một đời chồng, và có một đứa con riêng.

Người xưa có câu, lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Chú Tiến dùng cả tấm chân tình của mình để thương yêu cô Lệ, dùng tình thương của một người cha để chăm sóc dạy dỗ Chiến nên người.

Dù rằng chú Tiến và cô Lệ có tình cảm với nhau, nhưng cả hai không dám bày tỏ củng nhau, nên lời yêu cứ bị bỏ quên hết ngày này đến ngày khác.

Chú Tiến thì chờ cô Lệ hỏi để chú có cơ hội tỏ tình với cô.

Còn cô Lệ thì chờ chú tiến chủ động bày tỏ với mình trước, để cô có cơ hội nói rõ lòng mình...

Ngày tháng trôi qua, chú Tiến cứ mong chờ cô Lệ hỏi tới chuyện tình cảm, nhưng mà chú chờ hoài, chờ mài mà không thấy cô Lệ lên tiếng.

Mãi cho đến khi cô Lệ phát hiện mình bị lao phổi và biết bản thân mình không còn sống được bao lâu, nên đã nhân lúc Chiến đi ra ngoài mua thuốc, cô Lệ đã nắm tay chú Tiến dùng một chút hơi tàn của mình để nói những lời mà mình muốn nói với chú:

- Mình à! Tui biết mình hông còn sống bao lâu nữa, nhưng tui hy vọng là sau khi tui đi rồi, mình ở lại thay tui chăm sóc Chiến. Mình cũng giữ gìn sức khỏe nghe mình.

Chú Tiến rơm rớm nước mắt, nắm tay cô Lệ;

- Mình à...

Cô Lệ cố gắng nói những gì mình chưa nói hết, trước khi lưỡi cô không còn nói được:

- Tui...tui...tui thương mình...

Nghe được những lời mà mình muốn nghe từ cô Lệ, hai mắt chú Tiến cay xè:

- Mình...yên tâm đi. Tui sẽ cố gắng chăm sóc út Chiến thật tốt, mình nhớ phù hộ nó nghe mình.

Một nụ cười nở trên môi cô Lệ, hai mắt cô bắt đầu nhắm nghiền lại. Chú Tiến cứ vậy mà ngồi bên giường nói chuyện với cô, dù rằng cô đã không còn nghe hay trả lời chú được nữa. Mãi đến khi toàn thân của cô Lệ cứng lại rồi, chú mới không còn nói chuyện với cô nữa.

Chú Tiến theo di nguyện của cô Lệ, làm gà trống nuôi con mà không một lời than vãn. Và điều mà chú Tiến cảm thấy an ủi, đó là mỗi một ngày lớn lên, thì Chiến càng giống cô Lệ.

Nghe chú Tiến kể xong câu chuyện chú gặp mẹ của mình và chỉ sống với nhau có mười ba năm ngắn ngủi, nhưng nụ cười hạnh phúc của chú mỗi khi nhắc đến cô Lệ, đã làm cho Chiến hiểu thế nào là yêu. Hiểu thế nào là nhớ, là chờ đợi.

Chiến chỉ chờ câu trả lời của Kiệt mới có hai ngày, mà đã sốt ruột. Trong khi chú Tiến đã chờ câu trả lời của cô Lệ đã mười mấy năm ròng rã, nhưng mà cuối cùng vẫn nghe được câu trả lời của cô đó thôi.

Ngồi ngoài sân đến tối, trời không có một ánh sao nào. Chỉ có những ánh lửa của lò nấu bánh tét và tiếng cười đủa của bọn trẻ trong xóm.

Chiến vẫn ngồi thẩn thở trên cái chõng tre trước cửa nhà, tay cầm một bông hoa cúc và không ngừng ngắt từng cánh:

- Được...hổng được...được...hổng được...

Chị Thi ngồi canh lửa nồi bánh chưng, thấy Chiến không ngừng ngắt mấy cánh hoa cúc, thì chỉ biết lắc đầu thở dài bất lực:

- Thôi đừng đếm nữa...trời tối rồi người ta hông có qua đâu.

Chiến ném cành hoa đã trụi cánh vô đống lửa:

- Biểu mình chờ mà hai ngày nay hông thấy tăm hơi đâu hết. Tốt nhất là đừng có ló cái mặt qua đây nữa.

Chị Thi vừa thêm củi vô lửa vừa trả lời:

- Ngóng ai mà bữa nay cau có dữ vậy?

Chiến ngắt thêm một cành hoa cúc nữa và tiếp tục hành hạ cái bông đáng thương:

- Dạ hông có. Tại em tưởng tượng vậy thôi à.

Nghe giọng điệu giận đỗi của Chiến, lại thêm bộ dạng lóng ngóng của cậu, đã làm cho chị Thi đoán được người cậu đang mong ngóng hai hôm nay là ai.

Đến giao thừa, nhà nhà trong xóm bắt đầu đốt pháo bông nổ từng tiếng bốp bớp giòn tan. Những đóm lửa lóe lên trong màn trời đêm nhìn như những vì sao đang rơi từ trên trời xuống.

Kiệt ngồi trong nhà nhìn những dây pháo hoa nổ đùng đùng rồi lại nhìn sang cậu ba Thiện và chị Thoa đang ngồi tựa đầu vào nhau ngắm pháo hoa, thì anh lại cảm thấy buồn và nhớ Chiến.

Lúc ở trên ga tàu hỏa, Kiệt đã hứa với Chiến là sẽ cố gắng thuyết phục bà hội đồng một lần nữa và dặn cậu phỉa ờ nhà đợi tin của anh.

Thế nhưng, ông trời không hiểu cho tấm chân tình của Kiệt, cho dù anh có nói như thế nào, thì bà hội đồng cũng không đổi ý. Bà vẫn không chịu chấp nhận Chiến bước vào nhà họ Vương làm dâu.

Hai ngày hôm nay Kiệt đi dâu, bà hội đồng cũng bảo thằng Lạc đi theo anh thay vì là bào thằng Tèo đi theo anh như mọi lần. Vì bà biết anh sẽ đi tìm Chiến, nên đã bảo người làm trong nhà theo sát anh, khiến cho anh cảm thấy mình đang mất tự do.

Thấy Kiệt cứ ngồi nhìn lên trời thở dài, ông hội đồng liền lấy hết can đảm bật nóc nhà một lần nữa:

- Bà đồng ý cho thằng Kiệt nhà mình cưới con ông Tiến dưới xóm dưới đi bà. Con nhỏ chỉ làm ca sĩ thôi, chứ có phải làm cái nghề gì xấu xa đâu. Gia đình nó khó khăn, nó hông được học hành tới nơi tới chốn mới đi làm cái nghề ca hát này. Bà hông thương hai đứa nó thì thôi, mắc cái gì bà ngăn cản hai đứa nhỏ lấy nhau.

Bà hội đồng vừa nhai trầu vừa trả lời:

- Tui tự biết tính, ông đừng có nói gì nữa hết á.

Ông hội đồng vẫn cố gắng làm ông mai se duyên cho đôi trẻ:

- Nếu là do út Chiến nó làm ca sĩ bà hông chịu, vậy tui hỏi bà nè. Vợ thằng Thiện cũng là ca sĩ đó, sao bà đồng ý, con ông Tiến thì bà hông chịu.

Bà hội đồng hơi xìu xìu, nhưng vẫn nói cứng:

- Tui đã quyết định rồi. Bây giờ ông có nói gì cũng như không thôi à.

Nhìn theo bà hội đồng giận dỗi đứng lên bỏ đi vào trong phòng. Ông hội đồng, quay sang nhìn hai thằng con quý tử của mình rồi nhướng mày nấy cái, sau đó đứng lên đi theo bà hội đồng.

Từ cái hôm mà nói chuyện với Chiến ở trên Sài Gòn, là ông hội đồng đã biết cậu không giống như những người khác hay nghĩ xấu về người theo kiếp cầm ca. Cậu rất hiểu chuyện, lại còn lễ phép, nên ông mới quyết định nói giúp cho hai người.

Đã vậy, ông Lợi còn nghe Phi kể lại, mấy ngày Kiệt bệnh bẹp giường. Chiến đã không sợ mình sẽ lây bệnh của anh, mà ở lại chăm sóc cho đến khi anh khỏi bệnh. Nhờ vậy, mà ông Lợi càng thương và càng muốn Chiến bước vào nhà mình làm dâu hơn.

Sống với nhau mấy chục năm trời, có với nhau ba mặt con. Ông Lợi tin rằng mình sẽ làm cái nóc nhà ba mét bẻ đôi của mình đồng ý cho Chiến bước chân vào nhà họ Vương của mình làm dâu.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro