Mùa Về

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng



Mùa về với người đang yêu

Mùa về với người mãi yêu

...

Xế chiều, trên dòng sông nhỏ, có chiếc ghe cũ kĩ dập dềnh trên mặt nước. Tiêu Chiến thư thả ngắt từng bông điên điển vàng suộm. Nắng chiều nhạt màu, đổ xuống mặt sông sóng sánh như dát vàng.

Thầy Vương bảo tối nay sẽ về sớm, thầy muốn ăn canh chua cá lóc. Vậy nên Chiến mới đi ngắt điên điển, lát còn muốn hái thêm ít rau đắng nữa.

Nghe tiếng anh Sáu gọi bên kia bờ sông, Chiến lau vội mồ hôi rịn ra trên trán, hỏi anh ấy có chuyện gì mà hớt hải vậy? Anh Sáu bảo, "chị Bảy đang tìm chú đấy."

"Dạ, em về ngay đây."

Thế xong là Chiến vội vã ra về. Tiện tay kéo cái nón mê rách bươm bị gió thổi vắt vẻo trên lưng xuống, úp chụp lên rổ rau cho khỏi héo.

Chị Bảy là người ở ấp trên, từ hồi Chiến dẫn thầy Vương về đây sinh sống, tình cờ quen được chị Bảy sau nhiều lần ra chợ bán mắm cá. Dần dà rồi thành chỗ thân quen từ bấy đến giờ.

Về đến bến đậu, Chiến neo lại chiếc ghe cũ của mình cho chắc chắn, cắp theo rổ rau vừa hái, tất tả chạy về nhà. Con đường mòn dẫn vào nhà anh, hai bên có dàn hoa bìm bìm leo xanh biếc đẹp lắm. Cơ mà, những ngày trời nắng ráo thì không nói, chứ trời mà mưa là mặt đường sẽ trơn trượt, lầy lội. Những hôm như thế, Chiến hay đội nón ra chờ thầy Vương đi dạy về.

Vừa nhác thấy bóng Chiến, chị Bảy gọi to, "Chiến Chiến, chú còn mắm cá sặc không lấy cho chị chục kí. Có cái bà kia đi đổ mắm cho nhà hàng nhưng thiếu."

Chiến bỏ rổ rau xuống trước cửa, lau lau mồ hôi.

"Em còn có một ít thôi, nhưng chị Bảy cần thì em lấy cho."

"Tốt quá, may mà chị nghĩ ra chú có mắm cá ngon."

Chiến cười ngại, "mắm em làm cũng bình thường thôi."

"Ôi dào, cứ ngại mãi, không ngon thì người ta đâu có mê. Hay là chú bỏ bùa vô đó hả?"

Nghe chị Bảy đùa, Chiến cũng chỉ biết xua tay. "Em làm em ăn nữa, đâu dám bỏ ba cái đồ bậy bạ."

Nói xong Chiến đi vào bếp lấy mắm cá cho chị Bảy. Chị ấy nhận mắm xong trước khi về còn dặn Chiến, "ngày mốt chị mang tiền cho chú nha."

"Vâng, em cảm ơn chị Bảy."

"Thôi khỏi, chị về nha."

"Dạ."

Chị Bảy về rồi thì Chiến đi nấu cơm, cũng sắp đến giờ cơm tối rồi. Tí nữa thầy Vương về mà chưa nấu cơm xong, lại bắt thầy đợi thì khổ cho thầy ấy quá.

Chiến nấu ăn ngon lắm, món nào anh nấu cũng tốn cơm hết. Thầy Vương cũng vì vậy mà cứ béo mầm ra. Nhiều lần thầy bảo anh, nếu còn cứ cho thầy ăn nhiều, sợ sẽ biến thành con heo mất thôi. Những lúc ấy Chiến cũng hùa vào ghẹo thầy, "nếu mà em biến thành con heo thì anh gọi thương lái vô bán, chắc cũng được giá lắm."

Thầy Vương nghe thấy thế liền vờ hờn dỗi, "anh Chiến hết thương em rồi à?"

Nhìn thầy Vương phụng phịu, Chiến vừa cười vừa dỗ dành. "Đâu có đâu, thương không hết mà." Nói xong còn hôn chóc một cái lên đôi môi đang dẩu ra của thầy ấy.

Hai người chuyển về đây sống cũng ngót bốn năm rồi. Ngày ngày, thầy Vương sẽ đi dạy học, còn Chiến thì ở nhà loanh quanh với ruộng lúa, ruộng khóm. Mùa nước nổi anh sẽ theo những cậu trai trẻ khác trong làng đi đánh cá. Cá bắt được nhiều quá, ăn không hết thì lại đem làm mắm rồi mang ra chợ bán.

Mắm cá Chiến làm cũng khéo nữa, chả thế mà chị Bảy cứ đi giới thiệu cho người này người khác. Tới nỗi, bây giờ mà bảo đây là mắm cá của cậu Chiến ở ấp Tám làm, là y như rằng bán chạy như tôm tươi.

Lúc Chiến đang múc canh chua ra bát cho nguội bớt thì thầy Vương đi dạy về. Thầy dựa cái xe phượng hoàng cũ vào bờ dậu trước sân, xách cái cặp da đen to sụ vào trong nhà.

Nhìn thấy Chiến đang ở trong bếp, lại rẽ xuống bếp, đứng ở ngoài thò cổ vào trong, "em về rồi!"

Mà chắc do tiếng thầy chào hơi lớn làm Chiến giật mình, bát canh nóng trên tay bị sánh ra ngoài. Thầy Vương nhìn thấy thì rối rít. "Anh có sao không?"

"Không sao, đừng lo, không bỏng được đâu." Chiến đặt bát canh chua nóng hôi hổi xuống mâm cơm, tiện thể giục thầy Vương, "em đi tắm cho mát, đợi cơm canh bớt nóng thì mình ăn cơm." Nói rồi Chiến bê mâm cơm lên, lách qua người thầy Vương mà đi thẳng lên nhà.

Tối hôm ấy thầy Vương lại ăn no mòng một bụng cơm. Ăn xong thì chống hai tay ra sau, ngửa mặt lên trời mà thở.

Anh Chiến mang ra đĩa thơm mới gọt, cái mùi thơm lừng làm thầy không kìm được mà nhúp một miếng bỏ tọp vào miệng. Thấy vậy anh Chiến cười cười, "nhìn em kìa."

Thầy Vương vừa nhai vừa hỏi lại, "em làm sao?"

"Chẳng ra dáng thầy giáo gì cả, chậc chậc."

"Chả cần, cứ ra dáng chồng anh là được."

Thầy vừa nói xong thì bị anh Chiến đập cho một cái rõ đau vào vai.

"A, anh Chiến đánh người rồi, đánh người rồi!"

"Mau mau, để anh đưa em đi bệnh viện không vết thương lành lại mất."

Câu chuyện nhạt nhẽo của hai người chỉ có thế mà cũng làm họ cười rung cả vai.

Anh Chiến tính bê chén đi rửa thì bị thầy Vương ngăn lại. Thầy bảo anh ngồi mát tí nữa đi tắm, còn mình thì bê chén đi rửa. Anh Chiến cũng rất vui vẻ chấp thuận, chẳng việc gì phải giằng co nhau cái việc nhỏ này mà.

Anh Chiến tắm xong chỉ mặc độc mỗi cái quần cộc, bên trên thì ở trần, trên vai vắt thêm một cái khăn. Mái tóc anh vẫn còn ướt, nhỏ nước lóp chóp xuống bả vai. Thầy Vương nhìn thấy lại nhăn nhó, "anh lau khô tóc đi, ốm bây giờ."

"Chẳng ốm được, anh thích để vậy cho mát."

"Vớ vẩn, lại đây em xem nào."

Anh Chiến nghe thế thì ngoan ngoãn đi đến, đứng trước mặt thầy Vương. Đầu anh hơi cúi xuống để thầy ấy lau tóc cho mình. Đến khi mái tóc rễ tre bị vò rối tinh rối mù, cảm giác đã không còn chảy nước nữa thì thầy Vương mới dừng tay lại.

"Xong rồi, tiền công là một nụ hôn lên má."

"Ồ, hôm nay rẻ quá nha thầy Vương."

Nói rồi Chiến cúi xuống, hôn nhẹ lên má thầy Vương.

Sau đó Chiến đứng thẳng người dậy, tay xoa nhè nhẹ lên chỗ mình vừa hôn. Hai mắt anh dịu dàng nhìn thầy Vương của anh.

"Sao thế?" Bàn tay to bự của thầy Vương vòng ra sau hông anh, kéo anh sát lại phía mình.

Chiến lắc đầu, "thôi em soạn giáo án tiếp đi."

"Vậy còn anh làm gì?"

"Anh ra ngoài ngồi hóng gió."

Thầy Vương gật đầu đồng ý.

Đêm hè, tiếng dế kêu râm ran trong bụi cỏ trước nhà. Thỉnh thoảng có chú đom đóm đực bay tới bay lui tìm bạn gái. Từng cơn gió rải rác thổi qua mái tranh đơn sơ, thổi hai gò má anh mát rượi. Anh Chiến ngồi chống một chân lên cái chõng tre, một tay vòng qua đầu gối, cầm cái quạt mo phe phẩy.

Chiến là người miền Tây chính gốc, tính cách chân chất thật thà. Còn thầy Vương là người miền trung, tính tình hiền lành, dễ mến. À đấy là anh Chiến nghĩ vậy thôi chứ mấy anh chị gần nhà hay bảo với anh, "thầy Vương sao mà ít nói thế." Nghe vậy anh chỉ biết cười. Thầy Vương mà ít nói thì không biết còn ai lắm lời nữa.

Nhớ cái hồi mà thầy Vương mới vào học đại học sư phạm, chỉ là cậu nhóc mới lớn, lần đầu tiên xa nhà nên có hơi rụt rè. Gặp người lạ cứ đứng im, môi mím chặt, chẳng nói chẳng rằng. Hồi đấy anh Chiến vẫn còn làm trong thành đoàn thành phố. Lần ấy, anh đến tham gia lễ khai giảng của trường, lúc lên trao quà cho sinh viên có điểm thi đầu vào cao, sơ xuất sao mà lỡ dẫm vào giày của thầy ấy. Rõ ràng là đã xin lỗi mấy lần mà thầy Vương đâu có bỏ qua, đến bây giờ vẫn còn nhắc lại đấy.

Nhưng cũng vì sự cố nho nhỏ ấy mà những lần sau gặp lại, thầy Vương chủ động nói chuyện với anh. Dần dà rồi phải lòng nhau lúc nào chẳng biết. Thầy Vương năm hai mốt tuổi, đứng trước mặt anh Chiến, mặt mũi rồi cả hai vành tai đỏ bừng bừng, dõng dạc nói "em thích anh, làm bạn trai em nhé!"

Anh Chiến nghe xong mồ hôi chảy ra ướt cả cổ áo. Rõ ràng là mùa hè mà rùng mình liên tục, toàn thân lạnh toát, lông tóc dựng ngược cả lên.

Lúc đấy, có khi cả cái đất Sài Thành nhộn nhịp chẳng có ai biết hai người yêu nhau. Chuyện tình cảm đặc thù như thế làm gì chia sẻ với ai. Nhưng hai người vẫn cứ dính lấy nhau mỗi khi có cơ hội gần gũi. Đến khi thầy Vương ra trường, hai người tạm phải chia xa một thời gian. Dạo đấy anh Chiến nhớ có cãi nhau tới mức suýt nữa chia tay.

Lí do thì chẳng có gì to tát, chỉ là nhà thầy Vương muốn thầy ấy xin việc ở Bình Định, mà anh Chiến thì vẫn còn ở Sài Gòn. Hai người thư từ cho nhau thế nào lại thành cãi nhau một trận trên giấy. Mà cái kiểu cãi cọ kì lạ, không được đứng trước mặt nhau nói cho rõ ràng, cứ phải gửi thư mất ba ngày mới đến nơi. Đỉnh điểm là lúc anh Chiến bắt xe đi Bình Định, tìm tới tận nhà thầy Vương.

Bố mẹ thầy Vương lúc đầu thấy anh còn nghĩ là bạn tốt của con trai từ xa đến chơi. Sau biết chuyện hai người thì hình như có gì đấy hơi sai sai. Hai ông bà cũng có tuổi rồi, nhưng được cái tư tưởng rất thoáng. Có lẽ do ngày xưa đã từng tiếp xúc với văn hoá của người Tây nhiều, nên chẳng có lấy một lời phản đối hay chửi mắng.

Chiến nhớ mãi cái hôm tiễn anh về Sài Gòn, mẹ thầy Vương chuẩn bị cho anh nào quần áo, đồ ăn, thậm chí còn cho cả tiền tàu xe. Bà cụ dặn anh phải chăm sóc bản thân cho tốt, có thời gian thì về thăm bà. Nhưng mà đó là lần đầu tiên, cũng là cuối cùng anh được gặp hai người họ. Hai năm sau thì bà cụ qua đời vì đột quỵ, cụ ông cũng qua đời sau đó năm tháng.

Hết tang, thầy Vương theo anh về miền Tây sống đến tận bây giờ.

Cuộc sống của hai người hồi mới về quê có hơi chật vật. Thầy Vương chưa tìm được việc ngay nên cứ đi rải hồ sơ xin việc khắp nơi. Anh Chiến cũng chẳng xin vào nhà nước làm nữa, anh về trồng lúa, nuôi lợn. Dù vất vả nhưng được cái nhẹ đầu, chả phải suy nghĩ gì.

May sao mà một thời gian sau, thầy Vương xin được vào dạy hợp đồng cho trường cấp hai trên huyện. Rồi được thi viên chức và luân chuyển công tác về gần nhà.

Cái quạt trên tay Chiến cứ phe phẩy mãi, chuyện xưa như thác như lũ ùa về. Anh hướng mắt về phía ô cửa nhỏ, có người đang cặm cụi soạn giáo án.

Thầy Vương của anh lúc tập trung làm việc thật là đẹp trai.

Cảm giác có ai đang nhìn mình, thầy Vương cũng ngẩng đầu lên, vừa hay nhìn thấy anh Chiến đang chống tay nhìn mình. Thầy nhoẻn miệng cười một cái. Hai cái má phính của thầy y như cái bánh ú nu ú nần. Anh Chiến chép miệng, đúng là không nên cho thầy Vương ăn nhiều nữa.

Đêm ấy, trước khi đi ngủ, anh Chiến bảo thầy Vương, "sáng mai em nên dậy sớm tập thể dục đi."

Thầy Vương vừa dém lại góc màn vừa hếch mặt lên hỏi anh tại sao? Anh nhẹ nhàng thở hắt ra, "vì em mập thù lù như con heo rồi."

Thầy Vương nghe xong ngửa đầu cười ha hả. Tiếng cười giòn tan vui vẻ của thầy vang lên khắp gian phòng nhỏ.

Bên ngoài, tiếng cóc gại răng ngày một rõ ràng. Ngày mai chắc là trời có mưa đấy.

...

Thầy Vương là thầy giáo dạy giỏi có tiếng, chỉ mới chuyển về trường dạy hơn ba năm mà ở cái huyện này nhiều người nghe tiếng thầy. Chả thế mà có người còn chở con đến tận nhà nhờ thầy kèm cặp. Nhưng thầy không nhận dạy thêm ngoài giờ. Thầy nghĩ cả ngày giảng bài sa sả trên bục giảng rồi, thời gian còn lại thầy muốn dành hết cho anh Chiến của thầy.

Ban trưa, lúc anh Chiến đang giặt quần áo thì chị Bảy đến chơi và mang theo tiền bán mắm hôm bữa tới. Vừa thấy chị Bảy, anh Chiến cười toe, "chị Bảy đợi em xíu, em xong ngay đây."

Chị Bảy xua tay, "cứ từ từ mà giặt."

Nói đoạn chị Bảy cởi nón mũ vứt xuống cái chõng tre, rồi ngồi xuống cầm ngay cái quạt mo mà quạt lấy quạt để. Chị nhìn lên trời, mặt nhăn tít cả vào phàn nàn.

"Nắng quá heng, không biết bao giờ mới đến mùa mưa ha."

Chiến đang vò cái áo sơ mi trắng phau của thầy Vương, nghe chị Bảy nói vậy cũng gật gù. "Em cũng nôn đến mùa mưa quá. Mưa cho mát."

Chị Bảy vẫn ra sức quạt mà không ăn thua, chị cau có bảo Chiến, "chừng nào chú Bác về vậy?"

"Phải hơn 5h chiều mới tới nhà đó Bảy."

"Ừm chú Chiến này, chị có thằng cháu năm sau thi lên cấp ba, đang tính nhờ chú Bác nhà chú kèm cặp giúp. Hết bao nhiêu tiền cũng được."

"Cái này thì em không biết đâu, đợi em ấy về rồi chị hỏi em ấy ha."

"Ờ, vậy tối chị lại tới heng, giờ phải về đi đổ mắm cho người ta kẻo trễ."

"Dạ, thế tối Bảy quay lại nghen."

"Tiền chị để dưới quạt mo cho chú nha."

"Dạ, em cảm ơn Bảy."

"Thôi khỏi, chị về đã nha."

Nói xong chị Bảy đội nón, đạp xe về.

Chiến giặt giũ phơi phóng xong thì lại đi lấy cho lợn ít lục bình. Con lợn nái sắp tới ngày sinh nên phải cho ăn nhiều chút, sợ nó không có sức mang con.

Nhá nhem tối, lúc Chiến đang dọn cơm lên nhà thì nghe tiếng sấm rền. Lát sau trời nổi cơn giông to mà thầy Vương vẫn chưa thấy về. Anh sốt ruột tính ra đầu ngõ đợi thì nghe tiếng xe đạp lọc cọc ngoài sân. Ngó ra thì thấy thầy Vương vội vã dựng xe rồi chạy vào nhà.

Thầy Vương đặt cặp da cũ xuống bàn soạn giáo án. Sau đó xoay người, vừa cởi cúc áo vừa nói chuyện với Chiến.

"Hôm nay em phải họp tổ chuyên môn nên về trễ, anh đợi em lâu không?"

"Anh còn đang tính ra đầu ngõ đợi em, chờ mãi mà không thấy về."

"Em xin lỗi, lần sau không để anh phải chờ lâu nữa." Thầy Vương treo áo lên mắc xong thì đến gần thầy Chiến thấp giọng ngọt ngào nói.

Chiến nào có để bụng mấy chuyện này nên đâu cần thầy Vương nói xin lỗi. Anh bảo thầy Vương dở hơi, xin lỗi cái gì, ai mà chả có lúc bận tối tăm mặt mũi. Với cả thầy Vương đi kiếm tiền nuôi anh chứ có đi với người khác đâu mà phải xin lỗi. Nghe thế thầy Vương kéo anh vào lòng, nhỏ giọng bảo,

"Em không cần người khác, em chỉ cần anh Chiến thôi."

Chiến nghe xong mà trong lòng như được rót mật. Bàn tay khẽ đặt lên bàn tay to bự của thầy Vương, xoa nhè nhẹ.

"Anh đùa đấy, anh chỉ lo em có chuyện."

"Làm sao mà em có chuyện gì được, em còn phải nuôi anh Chiến cả đời cơ mà."

Anh Chiến hơi ngẩng đầu, nhìn vào mắt thầy Vương. Trong đôi mắt đẹp của thầy ấy chỉ có mỗi mình anh, cũng chỉ toàn là anh thôi. Thầy Vương của anh thật biết cách nói chuyện mà, chỉ đôi ba câu đã làm tim anh mềm nhũn.

"Đi ăn cơm thôi, cơm canh ngội hết cả rồi, không ngon nữa."

Trước khi buông anh Chiến ra, thầy Vương vẫn còn phải hôn một cái lên thái dương anh mới chịu.

Anh Chiến gắp cho thầy Vương miếng cá to, bỏ vào bát thầy ấy.

"Chị Bảy hồi trưa bảo với anh, muốn nhờ em dạy thêm cho cháu chị ấy đấy."

Thầy Vương đang và dở miếng cơm liền khựng lại.

"Em không nhận đâu."

Anh Chiến dè dặt hỏi, "sao vậy?"

"Ban ngày em đi làm cả ngày rồi, tối về chỉ muốn ở với anh, không muốn ai làm phiền."

Thầy Vương trả lời xong thì và một miếng cơm rõ to vào miệng. Bên này anh Chiến cũng chẳng biết nói sao.

Nhưng mà anh cũng không thích như thế thật.

Cả ngày chẳng được gặp nhau rồi, có mỗi thời gian tối, thầy Vương còn phải soạn bài nữa, lấy đâu ra thời gian. Với cả anh cũng chẳng muốn thầy Vương mệt thêm. Nghĩ thế nên anh bảo, "chắc mưa to chị Bảy không tới đâu, nếu mai chị quay lại thì anh nói với chị ấy cho."

"Vâng, anh cứ nói là em rất bận."

Anh Chiến nghe xong thì gật đầu thật mạnh. "Anh biết rồi."

Ban đêm tiếng mưa như được khuếch đại lớn hơn, anh Chiến nép sát vào lòng thầy Vương lắng nghe tiếng nước từ mái tranh rơi xuống lu nước nghe long tong. Thầy Vương một tay luồn dưới gáy anh, tay còn lại thì vuốt nhẹ mái tóc hơi cứng. Thầy thích nhất là được ôm anh Chiến vào những lúc trời mưa to. Dù bên ngoài sấm sét có gầm gừ dữ dội bao nhiêu thì chỉ cần được ôm lấy anh Chiến, mọi sợ hãi đều chẳng thể chạm đến thầy.

Ắt hẳn anh Chiến biết, thầy Vương rất thích úp hai tay mình lên tay anh mà vần vì qua lại. Bàn tay thầy quanh năm cầm bút, cầm phấn nên chẳng có chai tay như tay Chiến. Vậy nhưng thầy yêu chết những vết chai sần trên tay anh, yêu tới nỗi còn nhiều lần thành kính mà hôn lên đó.

Anh Chiến xoay người lại đối diện với thầy Vương, thân mật đặt tay lên ngực thầy. Sau đó rướn người hôn lên chóp mũi thầy ấy.

"Thầy Vương ngủ ngon nha."

Tiếng thì thầm của anh lẫn với tiếng mưa bên ngoài ô cửa sổ. Thầy Vương cũng học theo, hôn lên thái dương anh, nhỏ giọng thì thầm, "chúc anh Chiến ngủ say."

Nói xong còn dúi mặt vào hõm cổ anh cọ cọ vài cái như con cún nhỏ đang đòi được vuốt ve.

...

Bỏ mặc những lời gièm pha của những người xung quanh, thầy Vương mỗi ngày vẫn cần mẫn đi dạy. Anh Chiến cũng thế, anh vui vẻ với những công việc đồng áng, cũng hào hứng ra mặt khi bắt được nhiều cá vào mùa nước nổi.

Chị Bảy sau bao nhiêu lần cãi cọ với người ở ngoài chợ, xem thầy Vương với anh Chiến có phải là anh em hay không thì cuối cùng cũng chính mắt chứng kiến cảnh không nên thấy.

Hôm ấy là cuối tuần, trời vừa nhá nhem tối thì bắt đầu mưa. Cơn mưa đầu tiên của mùa nước nổi, nhanh chóng sa xuống mảnh vườn nhỏ trồng rau của anh Chiến. Sau khi ăn cơm xong, thầy Vương bê bát đi rửa rồi quay vào bổ táo cho anh Chiến ăn. Chuyện sẽ chẳng có gì nếu như thầy Vương tự mình bỏ miếng táo vào miệng.

Từ bên ngoài, chị Bảy như chết đứng khi nhìn thấy thầy Vương cúi xuống, gặm mất nửa miếng táo trên miệng Chiến. Sau đó còn cười tít hết cả mắt, hôn nhẹ lên khoé môi anh. Lúc đó chị Bảy cảm giác như mình vừa bị Thiên Lôi giáng cho một búa, trên đầu như có hàng chục tia sét nổ ầm ầm. Chị đứng ngây ra như phỗng, cho đến khi Chiến phát hiện ra sự có mặt của chị.

Cả ba người đều cố gắng lờ đi cái sự ngượng ngập đang trào lên trong lòng. Chị Bảy vờ ho hắng xong bảo là, hôm nay chị đến đặt hàng Chiến năm mươi kí mắm cá linh vào mùa nước nổi tới. Nói xong chị vội vã chào hai người rồi ra về.

Còn lại hai người, anh Chiến mếu máo hỏi thầy Vương, "làm sao giờ? Chị Bảy thấy hết rồi."

Thầy Vương kéo anh vào trong lòng trấn an, "kệ đi, nhìn thấy thì nhìn thấy."

Thầy nói vậy nhưng rõ ràng anh cảm nhận được, thầy cũng căng thẳng tới mức tay chân căng cứng hết cả lên rồi này.

Chiến xoay người, chôn mặt vào ngực thầy Vương, mấy cọng tóc trên đỉnh đầu cọ vào cằm thầy ấy.

"Hay là mình chuyển đi chỗ khác."

"Đừng lo, chị Bảy thân với chúng ta mà."

Anh Chiến nghe vậy như hiểu ra gì đó vội ngẩng đầu lên, "ừ nhỉ, chị Bảy quen biết anh cũng lâu như vậy rồi."

"Thế nên anh đừng lo lắng quá."

"Em cũng lo còn gì."

"Đâu có?"

"Lại nói là không đi."

Đêm hôm ấy cả hai đều mất ngủ, cứ trằn trọc mãi chẳng thể nào ngủ ngon. Đến sáng hôm sau mắt ai cũng thâm quầng, mệt mỏi.

Gần tháng sau mọi chuyện vẫn như cũ, chẳng có gì xảy ra cả. Thầy Vương vẫn đi dạy, còn anh Chiến sáng sớm đi kéo cá, ban ngày về làm mắm, đêm lại rúc vào lòng thầy Vương ngủ thật say.

Hồi sáng đi chợ, anh có ghé qua sạp mắm của chị Bảy, thấy chị đang phe phẩy cây đuổi ruồi. Chiến nấn ná mãi mới dám đi tới, hỏi chị còn muốn lấy mắm cá linh nữa không? Chị Bảy thấy Chiến đến thì hồ hởi ra mặt.

"Chú làm xong rồi à, vậy tối chị qua lấy nha, mấy bữa nay nhiều người hỏi quá trời."

Thái độ của chị chẳng có gì khác thường cả, thậm chí còn có phần thoải mái hơn trước. Đến lúc tối, lựa lúc thầy Vương đi tắm, Chiến mới hỏi chị Bảy, chị không ghét em chứ? Chị Bảy bật cười, "sao phải ghét, chị thương hai chú còn không hết nữa."

"Vậy sao cả tháng trời chị không đến lấy mắm."

Sắc mặt chị Bảy hơi sượng lại, lát sau chị mới lên tiếng.

"Xin lỗi chú, chị muốn suy nghĩ lại một chút mà thôi, giờ chị thông suốt rồi nên mới dám tới."

Chiến nghe xong trong lòng như trút được gánh nặng. Lí nhí nói cảm ơn chị Bảy. Chị lại khua tay phóng khoáng như mọi lần, "ôi dào khỏi cần, chị có sống thay các chú được đâu mà ghét bỏ. Đừng nghĩ ngợi nữa, sống thật tốt là được."

Thật sự là lúc này Chiến cảm động lắm, tới nỗi sống mũi còn hơi cay. Nghe tiếng dép loẹt quẹt thì vội quay lại, thấy thầy Vương đang đi về hướng bếp. Nhìn thấy chị Bảy, thầy Vương gật đầu chào chị. Chị cũng cười với cậu, nói, "thôi hai chú ăn cơm đi, chị phải về đi đổ mắm đây. Vài bữa nữa chị mang tiền mắm cho chú sau hen."

Thầy Vương nói cảm ơn chị, xong đi tới trước mặt Chiến, nhìn hai mắt đỏ hoe của anh vội hỏi có chuyện gì. Anh Chiến ôm chầm lấy thầy, nức nở nói, "chị Bảy bảo chúng ta hãy sống thật tốt."

Thầy Vương nghe thế liền cười, bàn tay to lớn của thầy phủ lên vai anh. Giọng nói hơi ồm ồm cũng vang lên ngay sau đó.

"Vậy thì chúng ta nhất định phải sống thật tốt."

"Ừm, nhất định."

"Ngoắc tay nào anh Chiến."

Nhìn ngón tay út của thầy Vương giơ ra trước mặt, Chiến chẳng ngần ngừ mà ngoắc tay với thầy Vương khi ngoài kia cơn mưa lại một lần nữa rơi nặng hạt.

...

Ông cụ Vương về già thì lại thích ăn trầu, chỉ cần là trầu mà ông lão Chiến têm thì nhất định phải ăn một miếng. Ông lão Chiến hay bảo, "rụng hết răng rồi còn cứ đòi ăn trầu."

Cụ Vương nghe vậy liền hướng đôi mắt mờ đục nhìn cụ Chiến mà cười. Ông cụ đã rụng mất mấy cái răng, lúc cười lên chỉ thấy cái lợi hồng hồng, thế mà vẫn thích ngồi ở chõng tre vừa nghe Đờn Ca Tài Tử vừa hóm hém nhai trầu.

Độ này lưng cụ Vương bị đau nhức, có hôm sáng dậy ông lão Chiến phải nâng người mới dậy nổi. Ông lão Chiến lại trêu tiếp, "nhỏ hơn người ta những sáu tuổi, tôi chưa còng lưng mà ông đã không đứng dậy được rồi."

"Thời trẻ chăm cày chăm cuốc, về già chống không nổi." Nói xong cụ ho lên sòng sọc.

Ông lão Chiến vội xoa lưng, "già rồi còn ăn nói linh tinh."

"Tôi nói sự thật đấy chứ."

"Vầng vầng, ông thì có bao giờ biết nói đùa đâu."

Bị chặn họng vậy nhưng cụ Vương chẳng bao giờ nổi giận. Cụ lúc nào cũng nhìn ông lão Chiến mà cười hiền.

Một sáng nọ, sau khi ông lão Chiến vào gọi, phải lay mấy cái ông cụ Vương mới tỉnh. Đôi mắt ông cụ đã mờ đục tới nỗi chẳng còn nhìn rõ lòng đen lòng trắng nữa. Ông lão Chiến hay ngồi bóp gối cho ông cụ Vương. Bàn tay bây giờ xương nhiều hơn thịt, dù có nhẹ tay thì vẫn có lúc làm ông cụ Vương đau. Nhưng mà ông cụ vẫn cứ đòi, "hôm nay ông không bóp chân cho tôi à?"

Thế là ông lão Chiến lại đi đến bóp chân cho cụ Vương.

Ngày cụ Vương bỏ ông lão Chiến mà đi là một chiều nước nổi dâng trắng xoá cả cánh đồng. Hôm ấy cụ Vương mặc bộ quần áo cụ Chiến mới mua cho, nằm ở trước hè hóng gió mát. Gió thổi chòm râu bạc phơ của cụ bay bay. Hai mắt cụ lim dim như muốn ngủ, hai tay để lên trước bụng, trên khoé môi lúc nào cũng như đang cười.

Lát sau, ông cụ Chiến nhẹ nhàng đặt xuống bàn nhỏ bên cạnh một tách trà hoa nhài mà cụ Vương thích nhất. Sau đó lại đưa cho cụ Vương miếng trầu mới têm.

"Ông có ăn trầu không?"

Chẳng thấy ông cụ Vương trả lời, cũng chẳng nghe thấy tiếng thở khò khè như mọi hôm nữa. Cụ Chiến chống đầu gối đứng dậy, đi đến bên cạnh cụ Vương mà ngồi xuống. Bàn tay ấm khẽ khàng phủ lên bàn tay chỉ còn leo lắt chút ấm áp của cụ Vương, run run giọng hỏi,

"Mình đi rồi đấy à? Không đợi tôi nữa sao?"

END

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro