Bài 21

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bài 21.

BỆNH CÚM, CÚM H5N1 VÀ HỘI CHỨNG HÔ HẤP

CẤP TÍNH NẶNG (SARS) 

          Ts, Bs Trần xuân Chương

Mục tiêu

1. Trình bày được tính chất chung của các tác nhân gây bệnh và cách thức lây bệnh cúm, cúm A (H5N1) và SARS

2. Mô tả cách phát hiện, chẩn đoán và điều trị ban đầu những trường hợp cúm có biến chứng, cúm A và SARS..

3. Trình bày cách tổ chức phòng và chống các bệnh trên  cho cá nhân và cộng đồng.

Nội dung

I. BỆNH CUM

Bệnh  cúm  là  một  bệnh  truyền  nhiễm  cấp  tính  đường  hô  hấp  do  virus  influenza  gây

nên. Tuy trong đa số trường hợp, bệnh chỉ khu trú ở đường hô hấp trên với tiến triển lành tính,

nhưng có thể gây tử vong khi có biến chứng. Chúng thường gây nên những vụ dịch, thậm chí

đại dịch, do đó số người tử vong vì cúm rất đáng kể. 

1. Tác nhân gây bệnh

Virus cúm có tên khoa học là virus influenza, thuộc họ Orthomyxoviridae, được phân

biệt thành ba typ A,B,C dựa trên sự khác nhau của các kháng nguyên. Cấu trúc của virus cúm

gồm hai phần :

- Phần lõi có chứa một sợi ARN mang những thông tin di truyền.

- Phần vỏ có 3 kháng nguyên :

+ Kháng nguyên S (Soluble): là kháng nguyên hoà tan.

+ Kháng nguyên H (Hemaglutinin): giúp virus bám dính vào tế bào cảm thụ 

+ Kháng nguyên N (Neuraminidase): giúp giải phóng virus thế hệ sau ra khỏi tế bào. 

Hai  kháng  nguyên  H  và  N  của  typ  thường  có  những  thay  đổi.  Sự  thay  đổi  kháng nguyên có thể xảy ra từ từ, tạo nên những vụ dịch nhỏ hay có thể đột ngột, tạo nên những đại dịch. Virus B và C ít thay đổi kháng nguyên và chỉ thay đổi chậm nên hiếm khi gây dịch lớn.

- Sự ngưng kết hồng cầu xảy ra khi virus tiếp xúc với bề mặt của hồng cầu. Người ta dựa vào hiện tượng này để nghiên cứu sự nhân đôi của virus và đo nồng độ kháng thể.

2. Dịch tễ học

- Bệnh rất dễ lây và lây rất nhanh trong cộng đồng. Trong các vụ dịch, có đến 30-60%

dân cư trong vùng có dịch bị mắc bệnh. Các vụ dịch xuất hiện không theo chu kỳ rõ ràng.

- Đường lây : chủ yếu là đường hô hấp. Các giọt nước bọt rất nhỏ của người bệnh dễ dàng lọt vào đường hô hấp của người tiếp xúc và gây bệnh nếu người bị nhiễm không có miễn dịch tương ứng. Người bệnh có thể lây cho người khác từ 6 ngày trước khi có triệu chứng cho dến 1 -2 tuần sau khởi bệnh.

- Sự thay đổi kháng nguyên (nhất là virus typ A) làm giảm khả năng miễn dịch củanhững người đã từng bị mắc cúm trước đó, do đó làm tăng tỷ lệ mắc bệnh trong cộng đồng, gây nên những vụ dịch, thậm chí đại dịch nếu sự thay đổi kháng nguyên nhiều và đột ngột.

- Bệnh thường xảy ra vào mùa lạnh, từ cuối thu đến mùa xuân năm sau. Dịch đạt đến cao điểm 1-2 tuần sau khi khởi đầu và kéo dài khoảng 1 tháng. 

- Tử vong thường xảy ra ở những người có nguy cơ bị biến chứng cao. Đó là những người già yếu (trên 65 tuổi), phụ nữ có thai, có các bệnh về chuyển hoá , có bệnh tim phổi mạn tính,  suy thận mạn, những người suy giảm miễn dịch..

3. Sinh lý bệnh

Sau khi vào cơ thể theo đường hô hấp, virus bám dính rồi thâm nhập vào tế bào biểumô của đường hô hấp trên và nhân lên ở đó. Trong quá trình nhân lên và phát triển của vi-rút bên trong tế bào, vi-rút làm rối loạn chuyển hoá tế bào và phá vỡ tế bào lành rồ tiếp tục phá vỡ các tế bào khác. 

Quá trình này xảy ra khá nhanh nên chỉ trong một thời gian ngắn, virus có thể lan toàn bộ niêm mạc đường hô hấp trên, có khi lan đến tận phế nang. Các tế bào biểu mô sẽ sung huyết, phù nê,ö hoại tử và bong ra. Sự bong ra của niêm mạc đường hô hấp trùng với sự xuất hiện sốt và sổ mũi. Tuy nhiên sau khi khỏi bệnh, chúng thường được thay thế bởi các tế bào biểu mô mới từ lớp tế bào mầm bên dưới.

4. Lâm sàng

4.1 Thể điển hình 

4.1.1 Thời gian ủ bệnh

Kéo dài 1-3 ngày, trung bình 48 giờ. Bệnh khởi phát đột ngột với sốt, ớn lạnh, nhức

đầu, sổ mũi, đau cơ, mệt mỏi. 

4.1.2 Thời kỳ  khởi phát 

Thường đột ngột, sốt cao 39-400C, rét run, nhức đầu, buồn nôn, đau mỏi toàn thân.

4.1.3 Thời kỳ toàn phát: có 3 hội chứng:

* Hội chứng nhiễm trùng: 

- Sốt : đột ngột và tăng lên nhanh chóng trong những ngày đầu tiên, có khi lên đến 40 độ C kèm ớn lạnhü. Sau đó giảm dần và trở lại bình thường trong vòng 1 tuần.

- Mệt mỏi toàn thân, chán ăn, môi khô, lưỡi bẩn.

* Hội chứng đau lan toả:

- Nhức đầu: quanh hốc mắt, vùng trán hay thái dương. Có trường hợp ở vùng chẩm.

Nhức đầu thường giảm dần từ ngày thứ ba đến ngày thứ năm, gần tương ứng với cơn sốt. 

- Đau cơ khớp : đau toàn thân, nhưng rõ nhất là ở cẳng chân và vùng thắt lưng. 

* Dấu hiệu viêm long đường hô hấp trên: 

Thường có sổ mũi, ho khan, đôi khi có đàm, rát họng.

- Khám thực thể : có khi không phát hiện gì. Nhiễm virus typ B có thể gặp các triệu

chứng ở mắt: đau mắt, sợ ánh sáng, viêm kết mạc.

- Tiến triển : bệnh thường tự hồi phục trong vòng 4-7 ngày khi không có biến chứng.

Tuy nhiên chán ăn, ho và mệt mỏi còn kéo dài đến 3 tuần sau, nhất là ở người già.

4.2. Cúm ác tính  

Có biểu hiện của hội chứng suy hô hấp cấp do virus cúm gây ra. Thường gặp ở những người suy hô hấp, có bệnh van hai lá, phụ nữ có thai, già yếu hay có suy giảm miễn dịch. 

- Lâm sàng: thở nhanh, tím đầu chi, phổi có ran nổ hai bên. Có thể có dấu suy tim phải và rối loạn ý thức. Hiếm hơn có thể viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, suy thận, suy gan..

- X quang phổi : mờ lan toả ở hai phổi. Bệnh nhân thường tử vong do thiếu Oxy nặng.

4.3.Biến chứng 

4.3.1. Bội nhiễm phế quản-phổi do vi khuẩn  

Đây là biến chứng thường gặp nhất của cúm.

-  Tác  nhân  gây  bệnh  thường  là  Haemophilus  influenza,  phế  cầu,  liên  cầu,  tụ  cầu vàng.., thường gặp ở người già và người bị suy hô hấp mạn tính.

-  Triệu  chứng  báo  hiệu  thường  là  sốt  tăng  trở  lại  sau  khi  đã  giảm  xuống  1-2  ngày. Bệnh  nhân  ho  nhiều  kèm  khạc  đàm,  đau  ngực.  Nghe  phổi  có  nhiều  ran  nổ,  có  thể  có  hội chứng đặc phổi hoặc viêm phế quản.

- Có thể dùng kháng sinh phòng bội nhiễm ở những người có nguy cơ.

4.3.2. Bội nhiễm Tai-Mũi-Họng  

Hiếm gặp hơn, chủ yếu ở trẻ em, bao gồm:

           - viêm tai giữa

- viêm xoang

- viêm thanh quản

4.3.3. Biến chứng khác  

Rất hiếm gặp, gồm có :

- viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim

- viêm màng não lymphô có hoặc không kèm dấu hiệu viêm não

- sẩy thai ở phụ nữ có thai

- Hội chứng Reye‟s : phù não, hạ đường huyết, tổn thương tế bào gan và thận.

Thường chỉ gặp ở trẻ dưới 15 tuổi, có dùng Aspirin để hạ sốt.

- Hội chứng Guillain - Barre

5. Chẩn đoán

5.1. Chẩn đoán  

Chẩn đoán cúm thường dựa vào :

5.1.1 Lâm sàng

- Các triệu chứng nhiễm virus nói chung : sốt cao đột ngột, mệt mỏi, chán ăn..

- Hội chứng đau

- Dấu hiệu viêm long đường hô hấp trên.

5.1.2 Yếu tố dịch tễ : Có nhiều người cùng mắc bệnh trong vùng bệnh nhân đang sống.

5.1.3 Chẩn đoán xác định 

+ Phân lập virus : có thể phân lập virus trong dịch xuất tiết mũi họng hay khí quản, cấy trên tổ chức phôi gà.

+ Chẩn đoán huyết thanh: phương pháp ức chế ngưng kết hồng cầu (Hemagglutination inhibition) hoặc cố định bổ thể (Complement fixation). Cần lấy máu 2 lần, cách nhau 7-10 ngày. Kết quả (+) khi hiệu giá đạt 1/1280 hoặc kháng thể lần 2 tăng gấp 4 lần so với lần đầu. Các phương tiện chẩn đoán xác định bằng phương pháp huyết thanh học hay phân lập virus rất đắt và không thực tế. Chúng thường chỉ dành cho các nghiên cứu dịch tễ học, phục vụ công tác dự báo và làm vaccine.

5.2 Chẩn đoán biến chứng 

Dựa vào các triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm liên quan.

5.3 Chẩn đoán gián biệt 

-  Trên  lâm  sàng,  rất  khó  phân  biệt  với  các  bệnh  do  các  loại  virus  khác  như  virus parainfluenza, rhinovirus, adenovirus.. gây ra. Chủ yếu dựa vào yếu tố dịch tễ. 

-  Phân  biệt  với  viêm  phổi  do  Mycoplasma,  Chlamydia,  viêm  họng  do  các  vi khuẩn..Các bệnh này thường không tự giới hạn và đáp ứng với kháng sinh thích hợp. 

6. Điều trị

6.1 Nguyên tắc 

     - Không có điều trị đặc hiệu. Chủ yếu điều trị triệu chứng và các biến chứng.

- Nâng cao thể trạng bệnh nhân .

6.2 Điều trị cụ thể 

- Nghỉ ngơi, ăn uống và bù nước đủ cho bệnh nhân. Chỉ hoạt động trở lại dần dần khi hồi phục, nhất là những trường hợp nặng.

- Nếu bệnh nhân sốt cao : hạ nhiệt bằng Paracetamol 500 mg x 3-4 lần/ ngày. Không dùng Aspirin hay các dẫn xuất có Salicylate khác, nhất là cho trẻ em.

- Vitamin C, 1 -2 g/ ngày.

- Các thuốc điều trị triệu chứng (kháng histamin, long đàm, giảm ho..): chỉ dùng khi cần thiết. Nếu có ho khan và đau sau xương ức có thể dùng Codeine, 16 - 64 mg mỗi 4 -6 giờ.

- Đối với các bệnh nhân có nguy cơ cao ( trẻ sơ sinh, người già, người có suy hô hấp mạn tính, suy tim.. ) có thể cho kháng sinh phòng bội nhiễm.

- Thuốc chống virus đặc hiệu : Ribavirin, Amantadine và Rimantadine chỉ có hiệu lực nhưng không cao lắm với virus cúm typ A và phải dùng rất sớm ngay sau khi nhiễm virus .

- Điều trị các biến chứng : Kháng sinh thích hợp nếu có bội nhiễm vi khuẩn ( chủ yếu để  kháng  lại  Tụ  cầu,  Phế  cầu  và  H.  influenza  ).  Bảo  đảm  hô  hấp.  Trường  hợp  hội  chứng Reye‟s: truyền Glucose, chống phù não.

- Điều trị cúm ác tính :

+ Theo dõi và điều trị tại phòng Hồi sức cấp cứu.

+ Hồi sức hô hấp và các biện pháp khác : thở Oxy, thở máy, cân bằng nước-điện giải,

kháng sinh.

7. Phòng bệnh

- Tuyên truyền rộng rãi kiến thức về cúm cho nhân dân. Đặc biệt nhấn mạnh đến khả năng lây lan mạnh và nhanh, chú ý các đối tượng có nguy cơ biến chứng cao khi mắc cúm.

- Cách ly bệnh nhân nghi cúm. Không cho những người có bệnh tim mạch mạn tính, già yếu..tiếp xúc với bệnh nhân cúm. Nếu có tiếp xúc, có thể dự phòng bằng Amantadine ( hay Rimantadine ) 200 mg/kg/ngày x 3-7 ngày. Khả năng bảo vệ khoảng 70% đôïi với virus cúm A, nhưng không có hiệu quả đối với virus  B. Thuốc kháng virus mới Ribavirin, dùng đường uống hoặc khí dung, tỏ ra có hiệu quả tốt trong dự phòng và điều trị bệnh cúm.

- Trên thế giới, người ta thường chủng ngừa vaccine vào đầu mùa thu (trước mùa dịch hàng năm). Vaccine thường được sản xuất dựa trên các virus cúm gây dịch những năm trước, thường có hiệu quả bảo vệ tốt (khoảng 65 - 70%). Thời gian bảo vệ 3 - 6 tháng. Vì bệnh cúm thường tự giới hạn và tỷ lệ tử vong không cao nên vaccine cúm không được đưa vào chương trình tiêm chủng đại trà. Tuy nhiên khi có đột biến của virus thì người đã chủng ngừa vẫn có thể mắc cúm.

II. BỆNH CÖM A (H5N1)

1. Giới thiệu

Bệnh cúm gà đã xuất hiện lần đầu tiên ở Hồng Kông năm 1997 và ở một số nước khác sau đó. Riêng ở nước ta từ năm 2004 đã xuất hiện cúm gà do virus cúm H5N1gây ra. Đây là một bệnh có khả năng gây dịch nhỏ tại địa phương cũng như dịch lớn ở nhiều vùng trong cả nước. Dịch này đã gây tổn thất rất lớn cho ngành chăn nuôi nói riêng cũng như cho nền kinh tế nói chung và gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân. Tính đến 30.09.2005 ở nước ta đã có hơn 90 bệnh nhân nghi bị cúm H5N1, trong đó có 21 trường hợp tử vong. 

2. Tác nhân gây bệnh

Tác nhân gây bệnh là virus cúm, thuộc họ orthomyxoviridae. Virus có 3 type, type A thay đổi kháng nguyên rất nhanh và gây hầu hết các vụ dịch cúm. Vỏ của virus có chứa hai protein hemagglutinin (H) và neuraminidase (N). Hiện có 15 phó type của H (được ký hiệu H1-H15) và 9 phó type N (N1-N9). Virus cúm hiện đang gây dịch ở nước ta là loại H5N1.

3. Dịch tễ học và cơ chế bệnh sinh

3.1. Dịch tễ học

- Nguồn bệnh: 

+ Người đang nhiễm virus. 

+ Gà hoặc gia cầm mắc bệnh: người ta nghi ngờ có sự lây lan khi tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh hoặc môi trường bị nhiễm virus.

- Đường lây: 

+ Đường hô hấp, do nước bọt của người nhiễm virus khi ho, hắt hơi.

+ Do tiếp xúc với nước bọt của người bệnh hoặc với gia cầm bị bệnh rồi đưa vào mũi, miệng người lành.

+  Thời  gian  lây:  1  ngày  trước  khi  có  triệu  chứng  và  kéo  dài  3-7  ngày  sau  khi  khởi bệnh.

3.2. Cơ chế bệnh sinh: Tương tự cơ chế bệnh sinh của các bệnh cúm thông thường.

4. Triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng

Xem phần triệu chứng lâm sàng bệnh cúm.

5. Chẩn đoán

5.1. Chẩn đoán 

Chẩn đoán cúm thường dựa vào :

- Các triệu chứng nhiễm vi-rút nói chung : sốt, mệt mỏi, chán ăn..

- Tổn thương đường hô hấp, suy hô hấp cấp.

- X quang phổi: có hình ảnh mờ lan tỏa cả hai phổi.

- Yếu tố dịch tễ: Có tiếp xúc với bệnh nhân cúm H5N1 hoặc với gia cầm bị mắc bệnh.

5.2. Chẩn đoán xác định :

+ Phân lập virus: bằng  kỹ thuật PCR có thể phân lập virus trong dịch  xuất tiết mũi họng hay khí quản.

+ Chẩn đoán huyết thanh: bằng phương pháp Ức chế ngưng kết hồng cầu hoặc phương pháp Cố định bổ thể.

6. Điều trị 

6.1.Điều trị cúm thông thường 

- Nghỉ ngơi tại giường, ăn uống và bù nước đủ cho bệnh nhân. Chỉ được hoạt động trở lại dần dần khi hồi phục, nhất là những trường hợp nặng.

- Nếu bệnh nhân sốt cao: hạ nhiệt bằng Paracetamol 500 mg x 3-4 lần/ ngày. Không dùng Aspirin hay các dẫn xuất có salixylat khác, nhất là cho trẻ em.

- Vitamin C, 1 -2 g/ ngày.

- Các thuốc điều trị triệu chứng (kháng histamin, long đàm, giảm ho..) : chỉ dùng khi thật cần thiết. Nếu có ho khan và đau sau xương ức có thể dùng Codein, 16-64 mg mỗi 4 -6 giờ.

- Đối với các bệnh nhân có nguy cơ cao (trẻ sơ sinh, người già, người có suy hô hấp

mạn tính, suy tim..) có thể cho kháng sinh phòng bội nhiễm.

-  Điều  trị  nguyên  nhân:  Dùng  thuốc  kháng  virus  Tamiflu  (Oseltamivir).  Liều  dùng:

viên 75mg x 2 lần/ngày trong 5 ngày.

- Điều trị các biến chứng : Kháng sinh thích hợp nếu có bội nhiễm vi khuẩn ( chủ yếu

để kháng lại Tụ cầu, Phế cầu và H. influenza ). Bảo đảm hô hấp.

6.2. Điều trị cúm có suy hô hấp

- Cho thở Oxy, thở máy, cân bằng nước-điện giải, kháng sinh.

- Xét nghiệm: công thức máu, khí máu, điện giải đồ..., chụp X quang phổi hàng ngày.

7.Phòng bệnh 

- Tuyên truyền rộng rãi các kiến thức về cúm cho nhân dân. Đặc biệt nhấn mạnh đến

khả năng lây lan mạnh và nhanh, chú ý những vùng có gia cầm chết hàng loạt không rõ lý do.

- Tất cả gia cầm trong phạm vi 3 km quanh nơi có dịch đều phải được tiêu huỷ. Tuyệt

đối không vận chuyển gia cầm từ vùng có dịch đến các vùng khác. Gia cầm hoặc thịt gia cầm

đều phải được kiểm dịch trước khi bán ra thị trường.

- Tất cả bệnh nhân bị cúm hoặc nghi bị cúm do H5N1 đều phải được cách ly tuyệt đối. 

III. HỘI CHỨNG HÔ HẤP CẤP TÍNH NẶNG (SARS)

1. Giới thiệu

Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (Severe acute respiratory syndrome, viết tắt là SARS)

hay còn gọi là Hội chứng viêm đường hô hấp cấp, là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus

gây ra, có khả năng gây dịch lớn ở nhiều khu vực trên thế giới. Dịch xuất hiện lần đầu vào

tháng  11.2002  ở  Quảng  Đông  (Trung  Quốc),  sau  đó  nhanh  chóng  lan  rộng  ra  nhiều  nước,

trong đó có Việt Nam. Từ tháng 11.2002 đến 07.08.2003 dịch lan rộng đến 29 nước và vùng

lãnh thổ. Tổng số bệnh nhân là 8096 người, có 774 trường hợp tử vong; riêng ở nước ta có 63

bệnh nhân SARS và đã có 5 bệnh nhân tử vong.

Bệnh có tỷ lệ tử vong cao, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine. Dịch SARS đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, du lịch, chính trị xã hội của nhiều nước. Theo ước tính dịch SARS đã gây thiệt hại hơn 150 tỷ đô-la Mỹ cho các nước trong vùng dịch.

2. Tác nhân gây bệnh

Tác  nhân  gây  bệnh  là  một  loại  coronavirus,  thuộc  họ  coronaviridae,  một  loại  ARN virus.  SARS  coronavirus  có  cấu  trúc  phân  tử  giống  60-70%  loại  coronavirus  trước  đây. Coronavirus  kinh  điển  thường  gây  viêm  cấp  tính  nhẹ  đường  hô  hấp  trên,  chủ  yếu  ở  người trưởng  thành.  SARS  coronavirus  là  loại  rất  mạnh,  có  khả  năng  phá  huỷ  tổ  chức  và  tế  bào đường hô hấp nặng nề hơn coronavirus trước đây. 

SARS-CoV có thể sống sót bên ngoài cơ thể tương đối bền vững, nhất là trong điều kiện nhiệt độ thấp, thời tiết mát và lạnh. Virus có thể tồn tại 3-4 ngày trên các vật liệu gỗ, vải, giấy, kim loại, da; 4-5 ngày trong nước bọt và chất thải của bệnh nhân. Virus có thể tồn tại với độc lực cao ở 4-20 0C trong 5 ngày. Tia cực tím và các hoá chất khử trung  y tế ở nồng  độ thong thường có thể diệt được virus trong vòng 60 phút.

3. Dịch tễ học và cơ chế bệnh sinh

3.1. Dịch tễ học

- Sự lưu hành bệnh: Chỉ trong vòng 9 tháng, bệnh SARS đã lan truyền nhanh chóng ra 29  nước  ở  cả  5  châu  lục.  Điều  này  cho  thấy  khả  năng  phát  tán  và  lan  truyền  toàn  cầu  của bệnh. Các virus corona kinh điển cũng được chứng minh là có mặt ở nhiều khu vực trên thế giới. Như vậy khả năng  lưu hành rộng rãi  của SARS-CoV là rất cao. Tuy  nhiên,  cũng như nhiều dịch bệnh đường hô hấp khác, khu vực châu Á với mật độ dân cư đông và nhiều yếu tố tự nhiên thuận lợi cho sự bùng phát dịch hô hấp, có thể vẫn là điểm xuất phát và là nơi lưu

hành thường xuyên nhất của dịch bệnh SARS.

- Ổ chứa: Người ta cho rằng nguồn gốc của các tác nhân gay bệnh SARS là súc vật hoang dã.Các nhà khoa học ở Trung Quốc đã xét nghiệm trên 300 mẫu máu từ cầy hương ở nơi xảy ra dịch SARS của tỉnh Quảng Đông và đã phát hiện trên 70% số mẫu này có SARS-CoV với những đặc điểm giống như SARS-CoV được phân lập ở người mắc bệnh.

- Nguồn lây: Bệnh nhân SARS đang trong giai đoạn khởi phát và toàn phát là nguồn bệnh  nguy  hiểm  nhất.  Người  và  súc  vật  mang  coronavirus  không  có  triệu  chứng  cũng  là nguồn lây bệnh trong cộng đồng.

- Đường lây: 

Đường hô hấp: nước bọt và dịch tiết đường hô hấp của bệnh nhân khi nói, ho, khạc.

Đường tiếp xúc: dịch tiết đường hô hấp và các chất thải khác có virus của bệnh nhân có thể làm ô nhiễm bề mặt phòng bệnh hay trong nhà cùng các vật dụng cá nhân, từ đó qua tay người thâm nhập vào niêm mạc miệng, mũi và mắt.

3.2. Cơ chế bệnh sinh

Phần lớn coronavirus nhân lên ở các tế bào biểu mô của đường hô hấp và gây nên các triệu chứng hô hấp tại chổ. ARN của virus hoà nhập vào nhân tế bào của vật chủ, điều khiển tế bào tổng hợp những thành phần kháng nguyên, các vỏ, các enzym thích hợp. Sau đó chúng sẽ ghép lại thành các virus mới và tiếp tục tấn công các tế bào khác. 

Quá trình này xảy ra khá nhanh nên chỉ trong một thời gian ngắn, virus có thể lan toàn bộ niêm mạc đường hô hấp trên đến tận phế nang. Các tế bào biểu mô sẽ sung huyết, phù nề, hoại tử và bong  ra. Sự trao  đổi khí  giữa màng-mao mạch bị  giảm sút làm cho nồng  độ  O2 trong máu giảm đi nhanh chóng. Ở các khoảng kẽ có sự tăng tiết gây viêm khoảng kẽ. 

4. Triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng

4.1. Lâm sàng

4.1.1 Thời gian ủ bệnh: 7-10 ngày, có thể dao động trong khoảng 3-14 ngày. Trong Thời gian ủ bệnh mặc dù cơ thể đã nhiễm virus chưa ghi nhận trường hợp lây bệnh. Do đó người ta thấy rằng khi tiếp xúc với người bệnh SARS sau 10 ngày mà không bị sốt thì coi như không bị lây nhiễm SARS.

4.1.2 Thời gian khởi phát: trung bình 1 tuần sau khi tiếp xúc với nguồn lây.

* Triệu chứng toàn thân:

- Sốt cao đột ngột, thường sốt liên tục trên 380C, đôi khi rét run. Thời gian sốt kéo dài 5-15 ngày, trung bình 10 ngày. Mặt đỏ, mạch nhanh, ăn kém. 

- Đau đầu và đau mỏi các cơ, đau sau hốc mắt. Có thể sưng hạch ngoại biên.

- Mệt mỏi, ăn uống kém

- Nhức đầu, chóng mặt

-Tiêu chảy: một số bệnh nhân ỉa chảy 3-4 lần/ngày, phân lỏng vàng, không nhày  máu.

* Triệu chứng hô hấp: Có một hoặc nhiều triệu chứng sau:

- Ho: thường ho khan, có thể có đàm trắng.

- Khó thở: thở nhanh, nông, trên 25 lần/phút. Có các dấu hiệu suy hô hấp cấp.

- Nghe phổi có thể có nhiều ran rít, ran ngáy hoặc ran ẩm ở một bên hoặc hai bên phổi.

Một số người bệnh không có ran.

- Rung thanh và gõ đều bình thường.

Như  vậy  biểu  hiện  tổn  thương  phổi  ở  bệnh  nhân  SARS  là  đặc  trưng  của  viêm  phổi

không điển hình.

4.1.3 Thời kỳ hồi phục: Sau khoảng 10-15 ngày bệnh nhân hét sốt, hết ho, ăn ngủ bình

thường. Hình ảnh tổn thương phổi dần dần thu nhỏ lại và mất đi.

4.2. Cận lâm sàng

-  CTM:  Số  lượng  BC  và  TC  bình  thường  hoặc  giảm.  BC  tăng  khi  có  bội  nhiễm  vi

khuẩn. Số lượng tế bào lympho tuyệt đối hạ.

- Khí máu: giảm Oxy máu nặng với SpO2dưới 90% hoặc PaO2 dưới 60 mmHg, PaCO2

bình thường hoặc tăng.

- Số lượng T CD4, T CD3 giảm.

- Transaminase tăng khoảng 2-6 lần. Chức năng thận bình thường.

- X quang phổi: có hình ảnh viêm phổi kẽ, lúc đầu khu trú, sau đó lan toả. Từ ngày đầu có những đám mờ thâm nhiễm ở một hoặc hai bên phổi. Tổn thương tiến triển nhanh từng ngày. Sau 1-2 ngày đã lan đến 1/2 hoặc 2/3 phổi. Trường hợp nặng có thể mờ toàn bộ hai bên phổi làm cho bệnh nhân khó thở và suy hô hấp nặng.

Tổn thương phổi là những  đám thâm nhiễm ở khoảng kẽ hoặc những  đám mờ ranh giới không rõ rệt ở một bên hoặc hai bên phổi.

5. Chẩn đoán

5.1. Yếu tố dịch tễ

Người bệnh ở vùng dịch lưu hành hoặc có nghi ngờ tiếp xúc với người  bệnh SARS.

Nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc, điều trị bệnh nhân SARS.

5.2. Lâm sàng

Có triệu chứng sốt và khó thở như trên.

5.2.1 Trường hợp nghi ngờ SARS:

- Sốt cao đột ngột (>380C)

- Đau cơ, đau mỏi toàn thân

- Có một hoặc nhiều triệu chứng hô hấp (ho, đau ngực, đau họng, thở nhanh, khó thở)

- Trong tiền sử 10 ngày trước đó có tiếp xúc với người bị viêm đường hô hấp cấp hoặc

chất đờm dãi của người bệnh hoặc có đi du lịch đến vùng đang bị dịch SARS.

5.2.2 Trường hợp có khả năng bị SARS:

- Sốt cao đột ngột (>380C)

- Đau cơ, đau mỏi toàn thân

- Có một hoặc nhiều triệu chứng hô hấp (ho, đau ngực, đau họng, thở nhanh, khó thở)

- X quang phổi có viêm phổi hoặc có hội chứng hô hấp cấp

- Trong tiền sử 10 ngày trước đó có tiếp xúc với người bị viêm đường hô hấp cấp hoặc chất đờm dãi của người bệnh hoặc có đi du lịch đến vùng đang bị dịch SARS.

5.3. Cận lâm sàng 

Có hình ảnh X quang phổi đặc trưng.

Chẩn đoán xác định bằng phân lập virus trong máu, đờm, dịch phế quản bằng phản ứng chuỗi polymerase phiên mã ngược (PCR) hoặc phát hiện kháng thể của viru s bằng các phương pháp thử nghiệm miễn dịch men (ELISA), miễn dịch huỳnh quang gián tiếp (IFA).

5.4 Chẩn đoán phân biệt

Khi bị viêm phổi do SARS cần phân biệt với:

5.4.1 Viêm phổi thuỳ do vi khuẩn (phế cầu, liên cầu, tụ cầu…)

Đây là loại viêm phổi điển hình, có các triệu chứng lâm sàng chủ yếu như:

- Sốt cao đột ngột 39-400C, rét run

- Đau ngực dữ dội

- Ho có đờm, đờm có mủ hoặc có máu màu rỉ sắt

- Khó thở, thở nhanh và nông

- Khám thực thể có hiện tượng đông đặc phổi

- Bạch cầu máu tăng, đa số là đa nhân trung tính. X quang có hình ảnh viêm phổi thuỳ.

5.4.2 Viêm phổi không điển hình do virus: Rất nhiều loại virus đường hô hấp có thể gây viêm phổi không điển hình. 

- Triệu chứng lâm sàng: sốt cao đột ngột, ho, nhức đầu, mệt mỏi, sổ mũi. Nghe phổi có ran rít, ranngáy, ran ẩm.

- X quang: có tổn thương phổi hình mạng lưới, thâm nhiễm thuỳ phổi, rốn phổi đậm.

- Bạch cầu máu bình thường hoặc giảm.

6. Điều trị

6.1. Nguyên tắc

- Mọi trường hợp được phát hiện bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh đều phải nhập viện và cách ly hoàn toàn.

- Chủ yếu là điều trị triệu chứng. Phát hiện và xử trí kịp thời tình trạng suy hô hấp.

- Thông báo ngay tất cả những trường hợp bệnh được phát hiện về Trung tâm Y tế dự

phòng của địa phương và Bộ Y tế.

- Phòng điều trị bệnh nhân: Không được dùng máy điều hoà nhiệt độ. tất cả các cửa sổ phòng phải mở để thông khí và đồng thời làm giảm được mật độ virus trong phòng. Ở một số nước, người ta đóng kín cửa phòng và dùng máy có áp lực âm để thông khí, đẩy không khí trong phòng bệnh ra ngoài và nhận khí ngoài trời vào. 

6.2. Điều trị nguyên nhân

Ribavirin 400mg tiêm TM 3 lần/ngày trong 3 ngày hoặc đến khi tình trạng bệnh nhân cải thiện, sau đó chuyển sang dùng đường uống, 2400 mg/ ngày, chia 2 lần.

Một  số  nước  có  dùng  Oseltamivir  (Tamiflu),  viên  75  mg,  uống  2  lần/  ngày  hoặc Amantadin 100 mg x 2 viên/ ngày.

Tuy nhiên cho đến nay người ta vẫn chưa chứng minh được các thuốc này có tác dụng kháng virus SARS hay không. Tại Viện Y học LS các bệnh nhiệt đới không dùng thuốc kháng virus cho tất cả bệnh nhân SARS, kể cả những bệnh nhân suy hô hấp nặng.

6.3. Điều trị triệu chứng

- Dùng thuốc giảm ho nếu có ho khan nhiều. Nhỏ mũi bằng Naphazolin.

- Hạ sốt: Paracetamol, 2g/ngày cho người lớn, 50-60mg/kg cân nặng/ngày cho trẻ.

6.4. Điều trị hỗ trợ

- Methylprednisolon tiêm TM , liều 1mg/kg/ngày  khi có suy hô hấp hoặc tình trạng nhiễm trùng nặng nhưng không nên quá 5 ngày.

-  Có  thể  dùng  Gammaglobulin  truyền  TM  200-400mg/kg,  chỉ  dùng  một  lần.  Hoặc albumin 20% x 100ml/lần truyền TM ba ngày một lần.

6.5. Dinh dưỡng

- Đảm bảo đủ dinh dưỡng. Uống nhiều nước hoa quả. 

- Truyền dịch NaCl 0,9%, Ringer lactate, Glucose 5%, đạm.. tuỳ tình trạng bệnh nhân.

6.6. Điều trị suy hô hấp cấp

- Bảo đảm thông khí, thở Oxy qua ống sonde mũi hoặc mặt nạ. Lưu lượng 4-10 l/phút. 

- Theo dõi liên tục SpO2 hoặc PaO2.

- Đặt nội khí quản và thở máy khi có rối loạn ý thức, thở nhanh quá 35 l/phút hoặc

chậm dưới 10 l/phút, toan hoá máu nặng: pH < 7,25.

7. Phòng bệnh

7.1. Phòng bệnh trong bệnh viện

- Bệnh nhân mắc bệnh  hoặc nghi ngờ mắc bệnh SARS phải lập tức được cách ly ở những  khu  vực  riêng  trong  bệnh  viện.  Người  bệnh  đã  xác  định  bệnh  phải  ở  phòng  riêng, không ở chung phòng với người nghi ngờ mắc bệnh. 

- Cho bệnh nhân  súc miệng bằng dung dịch sát khuẩn đường mũi họng.

-  Tất  cả  bệnh  nhân  phải  mang  khẩu  trang  tiêu  chuẩn  như  N95.  Mọi  thủ  thuật,  xét

nghiệm đều phải được thực hiện tại chỗ.

- Cấm người nhà và khách đến thăm khu cách ly.

- Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân SARS phải mặc áo choàng bảo hộ (áo giấy, dùng một lần), mang khẩu trang N95, kính bảo hộ hoặc mặt nạ che mặt, găng tay.

- Dụng cụ dùng cho người bệnh phải cọ rửa và tẩy uế bằng xà phòng và hoá chất khử khuẩn hằng ngày. Đồ vải phải hấp ướt dưới áp lực trước khi giặt.

7.2. Phòng bệnh trong cộng đồng

-  Tuyên  truyền  trên  các  phương  tiện  thông  tin  đại  chúng  về  dịch  SARS,  các  triệu chứng thông thường của bệnh và cách phòng ngừa.

- Thành lập các khu vực cách ly ở các vùng có dịch, cảng hàng không quốc tế, cảng biển, cửa khẩu...Tất cả hành khách từ các vùng có dịch phải được theo dõi, kiểm tra và cách ly nếu mang mầm bệnh. Kiểm tra nhiệt độ bằng máy đo thân nhiệt hồng ngoại hoặc nhiệt kế đo qua tai.

Câu hỏi ôn tập

1. Trình bày một số đặc điểm dịch tễ học của virus cúm.

2. Trình bày triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng của cúm ác tính.

3. Trình bày nguyên tắc điều trị bệnh cúm.

4. Thế nào là một trường hợp nghi ngờ SARS ?

5. Trình bày các nguyên tắc điều trị bệnh SARS.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro