Bài 8: KHÁI QUÁT VỀ LUẬT HÌNH SỰ, LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bài 8: KHÁI QUÁT VỀ LUẬT HÌNH SỰ,

 LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ.

 

Phần A: Luật Hình sự

I/ Khái niệm Luật Hình sự.

1-                 Định nghĩa: Luật hình sự là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật Việt nam, bao gồm hệ thống những quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành quy định những hành vi nguy hiểm cho xã hội là tội phạm và hình phạt với các tội phạm.

2-                 Đối tượng điều chỉnh của luật hình sự: Là những quan hệ xã hội phát sinh giữa nhà nước và người phạm tội khi người này thực hiện một hành vi mà nhà nước qui định là tội phạm.

3-                 Phương pháp điều chỉnh của luật hình sự: là phương pháp quyền uy. Trong đó nhà nước có quyền tối cao trong việc định đoạt số phận của người phạm tội, buộc họ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm mà họ đã gây ra. Trách nhiệm hình sự về tội phạm đã gây ra là trách  nhiệm thuộc về cá nhân người phạm tội, phải do chính người phạm tội trực tiếp gánh chịu, mà không thể “chuyển” hoặc “ủy thác” cho người khác.

4-                 Bộ luật hình sự – Hình thức pháp luật chủ yếu của ngành luật hình sự Việt nam.

§      Bộ luật hình sự năm 1999 đang có hiệu lực, được Quốc hội nước CHXHCNVN thông qua ngày 21-12-1999 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-7-2000.

§      Ngoài lời nói đầu, Bộ luật hình sự được cấu tạo gồm 2 phần: phần chung và phần các tội phạm. 2 phần này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Mỗi phần được chia thành các chương. Mỗi chương được chia thành mục với nhiều điều luật.

§      Phần chung Bộ luật hình sự 1999 có 10 chương, mỗi chương quy định về một loại vấn đề chung của luật hình sự.

§      Phần riêng của luật hình sự 1999 có 14 chương, mỗi chương quy định một nhóm các tội phạm cụ thể.

II/ Khái niệm tội phạm, phân loại tội phạm.

 

1-               Khái niệm tội phạm: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật XHCN”. (Điều 8 Bộ luật hình sự)

Từ định nghĩa đầy đủ trên, có thể đưa ra định nghĩa Tội phạm một cách khái quát: Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, có lỗi, trái pháp luật hình sự và phải chịu hình phạt.

 

 

2-        Những dấu hiệu cơ bản của tội phạm.

2.1 Tính nguy hiểm cho xã hội: Là thuộc tính khách quan, là dấu hiệu  vật chất của tội phạm. Hành vi nguy hiểm cho xã hội được coi là tội phạm phải là hành vi gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho các quan hệ xh được luật hình sự bảo vệ.

2.2  Tính có lỗi của tội phạm: Lỗi là thái độ tâm lý của một người đối với hành vi nguy hiểm cho xh của mình và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra.

Trong Bộ luật hình sự, tính có lỗi là một dấu hiệu độc lập với tính nguy hiểm cho xh. Không thể buộc tội một người mà chỉ căn cứ vào hành vi khách quan họ đã thực hiện.

2.3           Tính trái pháp luật hình sự: Hành vi nguy hiểm cho xh chỉ được coi là tội phạm nếu nó được quy định trong luật hình sự.

2.4           Tính phải chịu hình phạt: Bất cứ một hành vi phạm tội nào cũng đều bị đe dọa phải chịu hình phạt. Chỉ có hành vi phạm tội mới phải chịu hình phạt, tội càng nghiêm trọng thì hình phạt áp dụng càng nghiêm khắc.

3-       Phân loại tội phạm.

Tội phạm tuy có chung các dấu hiệu như đã trình bày, nhưng những hành vi phạm tội cụ thể có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xh rất khác nhau. Chính vì vậy mà vấn đề phân hóa trách nhiệm hình sự và cá thể hóa hình phạt được coi là một nguyên tắc quan trọng của luật hình sự. Quán triệt nguyên tắc này, Bộ luật hình sự đã phân loại tội phạm thành 4 loại:

3.1 Tội phạm ít nghiêm trọng: Mức cao nhất của khung hình phạt đối với loại tội này là đến 3 năm tù.

3.2 Tội phạm nghiêm trọng: Mức cao nhất của khung hình phạt đối với loại tội này là đến 7 năm tù.

3.3 Tội phạm rất nghiêm trọng: Mức cao nhất của khung hình phạt đối với loại tội này là đến 15 năm tù.

3.4 Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng: Mức cao nhất của khung hình phạt đối với loại tội này làtrên 15 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

4-       Các tội phạm cụ thể.

Các tội phạm cụ thể được quy định trong “Phần  các tội phạm” của Bộ luật hình sự, bao gồm các nhóm tội phạm cơ bản sau đây:

4.1 Các tội xâm phạm an ninh quốc gia (chương 11)

4.2 Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người (chương 12)

4.3 Các xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân (chương 13)

4.4 Các tội xâm phạm sở hữu (chương 14)

4.5 Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình (chương 15)

4.6 Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (chương 16)

4.7 Các tội phạm về môi trường (chương 17)

4.8 Các tội phạm về ma túy (chương 18)

4.9 Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng (chương 19)

4.10 Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính (chương 20)

4.11 Các tội về chức vụ (chương 21)

4.12 Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp (chương 22)

4.13 Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân (chương 23)

4.14 Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh (chương 24)

III/ Khái niệm hình phạt, các loại hình phạt.

            1/ Khái niệm hình phạt: Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nhà nước nghiêm khắc nhất được quy định trong luật hình sự do Tòa án quyết định nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội và ngăn ngừa tội phạm.

            Đặc điểm của hình phạt:

§      Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nhà nước nghiêm khắc nhất, nó có thể tước bỏ những quyền và  lợi ích của người bị kết án như: quyền tự do, quyền về tài sản, quyền về chính trị, thậm chí cả quyền sống.

§      Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nhà nước được quy định trong Bộ luật hình sự và chỉ được áp dụng cho chính cá nhân người đã thực hiện tội phạm.

§      Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nhà nước do Tòa án áp dụng với người phạm tội và được tuyên bố công khai bằng 1 bản án.

§      Hình phạt là biện pháp cưỡng chế  nhà nước đặc biệt đảm bảo cho luật hình sự có  thể thực hiện được nhiệm vụ bảo vệ, giáo dục.

2/ Các loại hình phạt.

Hình phạt có 2 loại: Hình phạt chính và hình phạt bổ sung.

            2.1 Hình phạt chính là hình phạt cơ bản được áp dụng cho một tội phạm và được tuyên độc lập; đối với mỗi tội phạm tòa án chỉ có thể tuyên độc lập 1 hình phạt chính, bao gồm:

§      Cảnh cáo: Được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt.

§      Phạt tiền: Được áp dụng là hình phạt chính đối với người phạm tội ít nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản l‎ý ‎ kinh tế, trật tự công cộng, trật tự quản l‎ý‎ hành chính và một số tội phạm khác do BLHS quy định.; Được áp dụng là hình phạt bổ sung đối với các tội về tham nhũng, ma túy hoặc những tội phạm khác do BLHS quy định; Mức phạt tiền không được thấp hơn 1 triệu đồng.

§      Cải tạo không giam giữ: Được áp dụng từ 6 tháng dến 3 năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú rõ ràng, nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội.; nếu người bị kết án đã bị tạm giữ, tạm giam thì thời gian đó được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt theo tỉ lệ: 1 ngày tạm giữ, tạm giam = 3 ngày cải tạo không giam giữ; Bị khấu trừ một phần thu nhập từ 5% đến 20% để sung quỹ nhà nước.

§      Trục xuất: Là buộc người nước ngoài rời khỏi lãnh thổ Việt nam.

§      Tù có thời hạn: Là việc buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt tại trại giam trong một thời gian nhất định; Mức tối thiểu là 3 tháng, mức tối đa là 20 năm; thời hạn tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình  phạt tù: 1 ngày tạm giữ, tạm giam = 1 ngày tù.

§      Tù chung thân:Là hình phạt tù không thời hạn được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình; không áp dụng tù chung thân đối với người chưa thành niên phạm tội.

§      Tử hình. Áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; không áp dụng hình phạt tử hình đối với ngươì chưa thành niên phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi xét xử; không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, trong trường hợp này, hình phạt tử hình chuyển thành tù chung thân; nếu được ân giảm thì hình phạt tử hình chuyển thành tù chung thân.

2.2 Hình phạt bổ sung là hình phạt không được tuyên độc lập mà chỉ có thể tuyên kèm theo hình phạt chính. Đối với mỗi tội phạm tòa án có thể tuyên một hoặc nhiều hình phạt bổ sung nếu điều luật có quy định các hình phạt này,bao gồm:

§      Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định: Thời hạn từ 1 năm đến 5 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt  tù hoặc từ ngày bản án có hiệu lực nếu hình phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, hoặc được hưởng án treo.

§      Cấm cư trú: là buộc người bị kết án phạt tù không được tạm trú và thường trú ở một số địa phương nhất định; thời hạn từ 1 đến 5 năm kể từ ngày chấp hành xong án phạt tù.

§      Quản chế: là buộc người bị kết án phạt tù phải cư trú, làm ăn sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định, có sự kiểm soát giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương; Không được tự ‎ ra khỏi nơi cư trú, bị tước một số quyền công dân, bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; được áp dụng đối với người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, người tái phạm nguy hiểm; Thời hạn từ 1 đến 5 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

§      Tước một số quyền công dân: Áp dụng với CDVN phạm tội xâm phạm an ninh QG hoặc tội phạm khác do BLHS quy định.Thời hạn từ 1 năm đến 5 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật trong trường hợp được hưởng án treo.

§      Tịch thu tài sản: Là tước một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hưũ của người bị kết án sung quỹ nhà nước; áp dụng đối với người bị kết án về tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

§      Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính;

§      Trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính.

3/ Các biện pháp tư pháp trong luật hình sự Việt nam.

Các biện pháp tư pháp trong luật hình sự Việt nam là những biện pháp cưỡng chế hình sự được áp dụng đối với những người thực hiện hành vi phạm tội hoặc có dấu hiệu của tội phạm. Trong nhiều trường hợp các biện pháp tư pháp được áp dụng với người không có năng lực trách nhiệm hình sự đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xh. Bao gồm:

§      Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm;

§      Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi;

§      Bắt buộc chữa bệnh;

§      Giáo dục tại xã, phường, thị trấn. (đối với người chưa thành niên)

§      Đưa vào trường giáo dưỡng. (đối với người chưa thành niên)

4/ Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội.

Khi xét xử cùng một lần một người phạm nhiều tội, Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội, sau đó tổng hợp hình phạt theo qui định sau đây:

            4.1 Đối với hình phạt chính:

- Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn thì các hình phạt đó được cộng thành hình phạt chung. Hình phạt chung không được quá 3 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn.

- Nếu hình phạt đã tuyên là cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, thì hình phạt cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành hình phạt tù theo tỉ lệ: 3 ngày cải tạo không giam giữ = 1 ngày tù để tổng hợp hình phạt.

- Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân thì hình phạt chung là tù chung thân.

- Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình thì hình phạt chung là tử hình.

- Phạt tiền, hoặc trục xuất không tổng hợp với các loại hình phạt khác. Các khoản tiền phạt được công lại thành hình phạt chung.

4.2 Đối với hình phạt bổ sung

- Nếu các hình phạt đã tuyên là cùng loại thì hình phạt chung được quyết định trong giới hạn do BLHS quy định; riêng đối với hình phạt tiền thì các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung.

- Nếu các hình phạt đã tuyên là khác loại thì người  bị kết án phải chấp hành tất cả các hình phạt đã tuyên.

IV. Thời hiệu thi hành bản án,  giảm thời hạn chấp hành hình phạt, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

1.      Thời hiệu thi hành bản án: Là thời hạn do BLHS quy định mà khi hết thời hạn đó người bị kết án không phải chấp hành hình phạt đã tuyên.

Cụ thể:

-         Năm năm đối với các trường hợp xử phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc xử phạt tù từ 3 năm trở xuống;

-         Mười năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên 3 năm đến mười lăm năm

-         Mười lăm năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên 15 năm đến 30 năm.

( Thời hiệu thi hành bản án HS được tính từ ngày bản án có hiệu lực phápluật. Nếu trong thời hạn trên, người bị kết án lại phạm tội mới  thì thời gian đã qua không được tính và thời hiệu tính lại kể từ ngày phạm tội mới; Nếu trong thời hạn trên, người bị kết án cố tình trốn tránh và có lệnh truy nã thì thời gian trốn tránh không được tính và thời hiệu đuợc tính lại kể từ ngày người đó ra trình diện hoặc bị bắt giữ)

2.      Giảm thời hạn chấp hành hình phạt

Người bị kết án cải tạo không giam giữ hoặc bị kết án phạt tù nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định và có nhiều tiến bộ thì được xét giảm thời gian chấp hành hình phạt, cụ thể là:

- Thời gian chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 1/3 thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù từ 30 năm trở xuống. 12 năm đối với tù chung thân.

- Một người có thể được giảm nhiều lần nhưng phải bảo đảm chấp hành được ½ mức hình phạt đã tuyên.

- Người bị kết án tù chung thân lần đầu được giảm xuống 30 năm tù và dù được giảm nhiều lần cũng phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 20 năm.

- Đối với người đã được giảm một phần hình phạt mà phạm tội mới nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu sau khi sau khi  người đó đã chấp hành được 2/3 mức hình phạt chung hoặc 20 năm nếu là tù chung thân.

3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

Khái niệm: Là thời hạn do BLHS quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cưú trách nhiệm hình sự.

Cụ thể;

-         5 năm  đối với các tội phạm ít nghiêm trọng

-         10 năm đối với các tội phạm  nghiêm trọng

-         15 năm đối với các tội phạm rất nghiêm trọng

-         20 năm đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng

(Thời hiệu truy cứu trách nhiệm HS được tính từ ngày tội phạm được thực hiện, nếu trong thời gian nói trên, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã, thì thời gian trốn tránh không được tính và thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra tự thú hoặc bị bắt giữ; Nếu trong thời hạn nêu trên, người phạm tội lại phạm tội mới mà BLHS quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên một năm tù, thì thời gian đã qua không đuợc tính và thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày phạm tội mới)

4.      Xóa án tích

Khái niệm:Người bị kết án được xoá án tích coi như chưa bị kết án và được Tòa án cấp giấy chứng nhận.

4.1  Đương nhiên được xoá án tích:

-         Người được miễn hình phạt

-         Người bị kết án nếu từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không phạm tội mới trong trường hợp sau đây:

Ø  1 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng được hưởng án treo;

Ø  3 năm trong trường hợp hình phạt là tù đến 3 năm;

Ø  5 năm trong trường hợp hình phạt là tù từ trên 3 năm đến 15 năm;

Ø  7 năm trong trường hợp hình phạt là tù từ trên 15 năm.

4.2  Xóa án tích theo quyết định của Tòa án: (Được quy định đối với những người bị kết án về các tội tại chương XI, XXIV).

 

 

Phần B: Luật tố tụng hình sự

I- Khái niệm luật tố tụng hình sự.

            1/ Khái niệm tố tụng hình sự: Là toàn bộ hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng (cơ quan điều tra,VKS, tòa án), người tiến hành tố tụng, các cá nhân, cơ quan nhà nước và tổ chức xh góp phần vào việc giải quyết vụ án hình sự theo quy định của luật tố tụng hình sự

Luật tố tụng hình sự Việt nam chia hoạt động giải quyết vụ án hình sự thành các giai đoạn sau:

§      Khởi tố vụ án hình sự.

§      Điều tra, truy tố.

§      Xét xử.

§      Thi hành án hình sự.

2/ Khái niệm luật tố tụng hình sự: Là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật Việt nam, là tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và chấp hành án hình sự.

§      Đối tượng điều chỉnh của luật tố tụng hình sự là những quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình giải quyết vụ án hình sự giữa các chủ thể của quan hệ pháp luật tố tụng hình sự.

      Quan hệ pháp luật tố tụng hình sự có các đặc điểm:

      + Mang tính chất quyền lực nhà nước

      + Liên quan mật thiết tới quan hệ pháp luật hình sự.

      +Liên quan hữu cơ tới các hoạt động tố tụng hình sự.

§      Phương pháp điều chỉnh của luật tố tụng hình sự là phương pháp quyền uy và phối hợp, chế ước lẫn nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng để điều chỉnh các quan hệ pháp luật tố tụng hình sự.

3/ Các nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng hình sự.

3.1 Các nguyên tắc chung:

§      Nguyên tắc pháp chế XHCN: Mọi trình tự thủ tục giải quyết vụ án hình sự phải được thực hiện theo đúng qui định của luật tố tụng hình sự.

§      Bảo đảm quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật.

§      Tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân.

§      Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân.

§      Bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, và nhân phẩm của công dân

§      Bảo đảm về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân.

3.2 Các nguyên tắc riêng:

§      Xác định sự thật khách quan của vụ án

§      Bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.

§      Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

§      Thẩm phán  và hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật

§      Tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số; Có hội thẩm nhân dân tham gia.

§      Nguyên tắc xét xử công khai.

§      Bảo đảm quyền bình đẳng của mọi công dân trước tòa án.

4. Các giai đoạn của hoạt động tố tụng hình sự

4.1 Khởi tố vụ án hình sự: Là giai đoạn đầu của hoạt động tố tụng hình sự, các cơ quan có thẩm quyền xác định sự việc xảy ra có  hay không có dấu hiệu của tội phạm để ra quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự. Giai đoạn này được bắt đầu từ khi các cơ quan có thẩm quyền nhận được tin báo hoặc tố giác về tội phạm và kết thúc khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.

Các cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự là: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, tòa án, thủ trưởng đơn vị Bộ đội biên phòng,cơ quan hải quan, kiểm lâm, lực luợng cảnh sát biển và thủ trưởng các cơ quan khác của công an nhân dân (điều 104 BLTTHS năm 2003).

Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngáy nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố cơ quan có thẩm quyền phải ra quyết định khởi tố hoặc không lhởi tố vụ án hình sự. Trong trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 2 tháng.

4.2 Điều tra vụ án hình sự: Cơ quan điều tra được sử dụng mọi biện pháp do luật tố tụng hình sự quy định để thu thập các chứng cứ nhằm xác định sự việc phạm tội và người phạm tội làm cơ sở cho việc xét xử của tòa án.

+ Các cơ quan điều tra hình sự:

§      Cơ quan điều tra trong công an ND điều tra tất cả các tội phạm, trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra  của cơ quan điều tra trong QĐND và cơ quan điều tra của VKSND tối cao.

§      Cơ quan điều tra trong quân đội ND

§      Cơ quan điều tra của VKSND.

§      Ngoài ra luật còn qui định một số cơ quan khác được tiến hành 1 số hoạt động điều tra: Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và các cơ quan khác của CAND, QĐND.

+ Các hoạt động điều tra:

§      Khởi tố bị can và hỏi cung bị can. Tạm đình chỉ chức vụ mà bị can đang đảm nhiệm.

§      Lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại…

§      Đối chất, nhận dạng, giám định, thực nghiệm điều tra;

§      Khám xét người, nhà ở, đồ vật, thư tín; thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản;

§      Khám nghiệm hiện truờng, khám nghiệm tử thi…

§      Đình chỉ và tạm đình chỉ điều tra. Căn cứ để đình chỉ điều tra (như căn cứ không khởi tố vụ án (k2 điều 105; điều 107BLHS), đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm); Căn cứ để tạm đình chỉ điều tra (bị can mắc bệnh tâm thần, bị can bỏ trốn không biết ở đâu- ra lệnh truy nã)

§      Kết thúc điều tra, đề nghị truy tố.

Thời hạn điều tra được qui định tại điều 119 BLTTHS.

+Các biện pháp ngăn chặn:

§      Bắt bị can, bị cáo để tạm giam. Người có quyền ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam được quy định tại điều 80, 81 BLTTHS; Thời hạn tạm giam để điều tra được qui định tại điều 120 BLTTHS, cụ thể:

Loại tội phạm

Thời hạn tạm giam

Gia hạn tạm giam

Ít nghiêm trọng

Không quá 2 tháng

1 lần không quá 1 tháng

Nghiêm trọng

Không quá 3 tháng

2 lần (Lần 1: không quá 2 tháng; Lần 2: không quá 1 tháng)

Rất nghiêm trọng

Không quá 4 tháng

2 lần (Lần 1: không quá 3 tháng; Lần 2: không quá 2 tháng)

Đặc biệt nghiêm trọng

Không quá 4 tháng

3 lần, mỗi lần không quá 4 tháng

§      Tạm giữ người (đối với người bị bắt khẩn cấp hoặc bị bắt quả tang). Thời hạn tạm giữ không được quá 3 ngày kể từ khi cơ quan điều tra nhận người bị bắt. Trong trường hợp cần thiết có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 3 ngày; trong trường hợp đặc  biệt có thể gia hạn lần thứ 2 nhưng không quá 3 ngày (điều 87 BLTTHS) .

§      Cấm đi khỏi nơi cư trú

§      Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam (người bảo lĩnh có thể là cá nhân-phải có ít nhất 2 người; tổ chức)

§      Đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm là biện pháp ngan chặn để thay thế biện pháp tạm giam. Đ 93.

4.3 Truy tố bị can ra trước tòa án.

Truy tố bị can ra trước tòa án vưà là quyền, là nhiệm vụ của VKSND khi thực hiện quyền công tố được nhà nước giao.

Thời hạn quyết định truy tố; Trong thời hạn 20 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, VKS phải ra một trong những quyết định sau:

§      Truy tố bị can bằng bản cáo trạng;

§      Trả hồ sơ để điều tra bổ sung;

§      Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.

Trong trường hợp cần thiết, Viện trưởng VKS có thể gia hạn nhưng không quá 10 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, Không quá 15 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng, không quá 30 ngày tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

4.4 Xét xử.

Việc xét xử thuộc thẩm quyền của các tòa án.  Là giai đoạn tố tụng hình sự, trong đó  tòa án xử lý sự việc phạm tội và người phạm tội và quyết định áp dụng hình phạt đối với người phạm tội bằng các bản án và quyết định của mình

4.4.1 Các cấp tòa án và thẩm quyền xét xử:

§      Tòa án nhân dân cấp huyện và tòa án quân sự khu vực xét xử sơ thẩm những tội phạm mà BLHS quy định hình phạt đến 15 năm tù  (cũ là từ 7 năm tù trở xuống). Tuy nhiên việc thực hiện qui định này đang được chuẩn bị theo lộ trình của cơ quan chức năng trong việc xác định tòa án cấp huyện nào đủ điều kiện mới giao thẩm quyền.

§      Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tòa án quân sự cấp quân khu xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về những tội phạm không thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp huyện và tòa án quân sự khu vực hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền của tòa án cấp dưới mà mình lấy lên để xét xử.

4.4.2 Chuẩn bị xét xử  - xét xử sơ thẩm.

§      Sau khi nhận hồ sơ vụ án, thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa nghiên cứu hồ sơ. Trong thời hạn 30 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 45 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, 2 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, 3 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án, thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải quyết định đưa vụ án ra xét xử, hoặc trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung, hoặc quyết định tạm đình chỉ hay đình chỉ vụ án.

§      Trong thời hạn 15 ngày (hoặc 30 ngày nếu có lý do chính đáng) kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa. Thủ tục tố tụng tại phiên tòa được quy định cụ thể trong BLTTHS.

4.4.3 Xét xử phúc thẩm.

Xét xử phúc thẩm là việc tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị.

Ø  Những người có quyền kháng cáo,  bao gồm:

-         Bị cáo, người bị hại, người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo bản án, quyết định sơ thẩm;

-         Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người chưa thành niên, hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất;

-         Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại;

-         Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ. (Tham khảo điều 231 BLTTHS)

Ø  Thời hạn kháng cáo là 15 ngày, kể từ ngày tòa tuyên án. Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết. Nếu đơn kháng cáo gửi qua bưu điện thì ngày kháng cáo được tính căn cứ vào ngày bưu điện nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Trong trường hợp đơn kháng cáo gửi qua ban giám thị trại giam, thì ngày kháng cáo được tính căn cứ vào ngày ban giám thị trại giam nhận được đơn.

Thời hạn kháng nghị của VKS cùng cấp là 15 ngày, của VKS cấp trên trực tiếp là 30 ngày kể từ ngày tuyên án.

Ø  Toà án cấp phúc thẩm có quyền quyết định:

-         Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm;

-         Sửa bản án sơ thẩm;

-         Huỷ bả án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại hoặc xét xử lại;

-         Huỷ bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.

Ø  Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

4.4.4 Xét lại bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật

@ Thủ tục giám đốc thẩm.

Ø  Giám đốc thẩm là xét lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc xử lý vụ án. Như:

§      Việc điều tra xét hỏi tại phiến diện hoặc không đầy đủ.

§      Kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án.

§      Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi điều tra, truy tố hoặc xét xử.

§      Có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng BLHS.

Ø  Người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm:

- Chánh án TANDT và viện trưởng VKSNDTC có quyền kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án các cấp trừ quyết định của hội đồng TPTANDTC.

- Chánh án tòa án quân sự trung ương và viện trưởng VKSQSTW có quyền kháng nghị bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án quân sự cấp dưới.

- Chánh án TAND tỉnh và viện trưởng VKSND cấp tỉnh, Chánh án TAQS cấp quân khu và viện trưởng VKSQS cấp quân khu kháng nghị bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án cấp dưới.

Ø  Thẩm quyền giám đốc thẩm:

-         Uỷ ban thẩm phán TAND cấp tỉnh(gồm: Chánh án, các phó chánh án TAND Tỉnh, Tp trực thuộc trung ương + một số thẩm phán TAND tỉnh, tp trực thuộc trung ương do Chánh án TANDTC quyết định theo đề nghị của chánh án TAND tỉnh, tp trực thuộc trung ương nhưng không quá 9 người và ); Uỷ ban thẩm phán TAQS cấp quân khu; (Khi GĐT phải có ít nhất 2/3 tổng số thành viên)

-         Toà HS TANDTC; Toà án quân sự trung ương; (Khi giám đốc thẩm phải có 3 thẩm phán)

-         Hội đồng thẩm phán TANDTC (gồm: Chánh án, các phó chánh án, các chánh toà, phó chánh toà các toà chuyên trách của TANDTC, một số thẩm phán TAND do Chánh án TANDTC quyết định và phải được UBTVQH phê chuẩn). Khi giám đốc thẩm phải có ít nhất 2/3 tổng số thành viên.

@ Thủ tục tái thẩm.

Ø  Thủ tục tái thẩm được áp dụng đối với bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà tòa án không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó.

Ø  Những người có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm

- Viện trưởng VKSNDTC có quyền kháng nghị đối với bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND các cấp trừ quyết định của HĐTPTANDTC;

- Viện trưởng VKSQSTU; Viện trưởng VKSND cấp tỉnh; Viện trưởng VKSND cấp quân khu.

Ø  Thẩm quyền tái thẩm:

- UBTP TAND cấp tỉnh; UBTP TAQS cấp quân khu;

- Toà HS TANDTC; TAQS trung ương;

- HĐTPTANDTC.

4.5 Thi hành bản án hình sự.

            -Cơ quan công an thi hành án phạt tù có thời hạn, tù chung thân; tham gia hội đồng thi hành án tử hình;

            -Chính quyền xã, phường, thị trấn, hoăc cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án cư trú hoặc làm việc có nhiệm vụ theo dõi, giám sát việc cải tạo của những người được huởng án treo hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ;

            -Cơ sở y khoa thi hành quyết định về bắt buộc chữa bệnh đối với người mắc bệnh tâm thần có hành vi nguy hiểm cho xã hội.

            -Chấp hành việc thi hành án phạt tiền, tịch thu tài sản và bồi thường thiệt hại, phải có cơ quan công an phối hợp khi áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#hưng