bai 9/5

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

'Không nên quá lạc quan về tín hiệu phục hồi kinh tế'

Chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh nhận định, sản xuất công, nông nghiệp giữ được mức tăng trưởng là đáng mừng, song nếu khuyến cáo dân kinh tế còn khó khăn để cùng nỗ lực, VN sẽ thoát nhanh khỏi khủng hoảng.

> 'Tôi giữ cách nhìn thận trọng về phục hồi kinh tế' / 4 kịch bản hồi phục

- Theo ông, doanh nghiệp và người dân nên có cách nhìn như thế nào về tín hiệu phục hồi kinh tế?

- Với đặc điểm của người dân Việt Nam là khá cầu thị và thực dụng, tôi nghĩ nên có một thông điệp theo hướng khuyến cáo tình hình vẫn còn khó khăn, để mọi người cùng nỗ lực, mới nhanh chóng bước ra khỏi khủng hoảng.

Nếu nói rằng chúng ta có khả năng hồi phục sớm thì cũng phải nói rõ là hồi phục như thế nào, hồi phục lĩnh vực gì. Còn nếu chúng ta tạo ra một mối lạc quan "tếu", cho rằng mọi việc đều đã rồi, trong khi tình hình chưa có nhiều chuyển biến thì sẽ nguy hại.

Singapore dự báo là năm nay họ sẽ tăng trưởng âm 8% và mức độ trì trệ do khủng hoảng sẽ kéo dài khoảng 6 năm, để Chính phủ và người dân cùng chuẩn bị tinh thần.

- Như vậy, ông có cách nhìn khá thận trọng về những tín hiệu phục hồi kinh tế?

- Tôi cho rằng, khi xem xét vấn đề này cần có tiêu chí rõ ràng. Chẳng hạn GDP tăng trưởng như thế nào thì nền kinh tế mới thực sự hồi phục; mức độ tăng trưởng tín dụng là bao nhiêu, tạo ra bao nhiêu công ăn việc làm, số người thất nghiệp đã giảm chưa.

Những tiêu chí đó đều phải được đưa ra thảo luận, tránh tình trạng người cho là đã hồi phục, người thì bảo chưa. Như thế càng làm rối loạn thêm cho nền kinh tế và cho các doanh nghiệp.

Các tuyên bố về kinh tế trên thế giới hiện đều nói rằng, tình hình tiếp tục phức tạp và có thể là cuối năm nay thì kinh tế thế giới có cải thiện, mức tăng trưởng âm có thể giảm, chứ không có nghĩa là đã tăng trưởng dương.

- Nhưng GDP của Việt Nam đã duy trì mức tăng trưởng dương, sản xuất công nghiệp cũng nhích lên?

- Việc những chỉ số của nền kinh tế đã có bước cải thiện hơn so với hồi đầu năm là một điều tốt, nhưng đó cũng là bình thường. Chẳng hạn như GDP, quý I có Tết Nguyên đán, thì sản xuất bị ngưng lại nên tăng trưởng chỉ đạt 3,1% là dễ hiểu. Nhưng đến quý II, khi mà mọi hoạt động của nền kinh tế đã quay trở lại và nhu cầu về tiêu dùng, xây dựng có chiều hướng tăng lên thì GDP tiếp tục tăng lên cũng là điều bình thường.

Một số chỉ số khác như xây dựng, nông nghiệp, công nghiệp đang có dấu hiệu tăng trưởng tốt là đáng mừng. Song chúng ta cũng phải chú ý rằng, trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam 4 tháng đầu năm, biểu hàng xuất khẩu chỉ có 6 mặt hàng tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2008, gồm vàng bạc, gạo, chè, hạt tiêu, sắn, hàng dệt may, nhưng đến 50% số lượng mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng không đáng kể.

Xuất khẩu chiếm trên 70% GDP của Việt Nam, còn giá trị nhập khẩu và dịch vụ thì tương đương trên 100% GDP, thì rõ ràng chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào kinh tế thế giới. Trong khi đó, các nền kinh tế lớn vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục.

- Ông từng đề cập đến 4 mô hình phục hồi kinh tế mà Việt Nam có thể sẽ đi qua. Với những diễn biến kinh tế vĩ mô gần đây, theo ông kịch bản kinh tế sẽ nghiêng về hướng nào?

- Theo tôi, mô hình mà chúng ta nên tránh và có thể tránh được là chữ L, tức là nằm mãi dưới đáy mà không thoát lên được, giống như Singapore và Nhật Bản. Chúng ta có một nền nông nghiệp khá hiệu quả vì các sản phẩm này có thị trường khắp thế giới và phù hợp với điều kiện suy thoái kinh tế.

Do vậy, với điều kiện chúng ta có cải cách mạnh mẽ, đổi mới cấu trúc của nền kinh tế thì có thể kinh tế sẽ tăng trưởng theo hình chữ V và đây là kịch bản mơ ước. Nhưng quan điểm của tôi thì khả năng dễ xảy ra nhất của kinh tế Việt Nam là tăng trưởng theo chữ W, tức là vẫn có lên, rồi lại xuống, lại lên.

- Chỉ số giá tiêu dùng đang lấy lại đà tăng, trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện các gói kích cầu. Ông nghĩ sao về khả năng lạm phát quay trở lại?

- Tôi cho rằng, cần chú ý đối với những tín hiệu về chính sách tiền tệ, bởi hiện nay tổng cung của phương tiện thanh toán đã tăng lên 11,4%, cao hơn rất nhiều so với 5,3% của cùng kỳ năm ngoái. Như vậy có nghĩa là chúng ta đã bơm tiền tăng cung tín dụng rất nhiều.

Bên cạnh đó, nếu giá dầu tiếp tục tăng lên, kéo theo một số mặt hàng khác tăng theo thì khả năng quay trở lại của lạm phát là hoàn toàn có thể.

........................

Công hàm Trung Quốc vi phạm chủ quyền VN tại Biển Đông

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng hôm qua cho biết, công hàm của Trung Quốc phản đối việc Việt Nam nộp Báo cáo về Ranh giới ngoài thềm lục địa đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông.

Trường Sa, quần đảo thiêng liêng của Việt Nam giữa Biển Đông. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Việt Nam trình Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc bản Báo cáo quốc gia xác định Ranh giới thềm lục địa nằm ngoài phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam, hôm 7/5. Trước đó một ngày, Việt Nam và Malaysia cũng phối hợp trình Liên Hợp Quốc bản Báo cáo chung về khu vực thềm lục địa kéo dài liên quan đến hai nước.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Dũng cho biết: "Việc trình các báo cáo này là việc làm bình thường của quốc gia thành viên nhằm thực hiện nghĩa vụ của mình theo đúng quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982".

Trong ngày hôm qua, phái đoàn Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc đã gửi tổng thư ký Liên Hợp Quốc công hàm phản đối việc Việt Nam nộp Báo cáo về Ranh giới ngoài thềm lục địa. Đề cập đến phản ứng của Việt Nam trước động thái này, ông Lê Dũng nhấn mạnh: "Nội dung công hàm của phía Trung Quốc và bản đồ kèm theo công hàm đó đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông. Đường yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc thể hiện trên bản đồ đi kèm với công hàm là không có giá trị vì không có cơ sở pháp lý, lịch sử và thực tiễn".

"Một lần nữa, chúng tôi khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa", ông tuyên bố thêm.

Điều 76 của Công ước Luật Biển xác định thềm lục địa của một quốc gia ven biển là đáy biển và lòng đất của phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ quốc gia ven biển đến mép ngoài rìa lục địa. Nếu rìa lục địa nhỏ hơn 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của quốc gia ven biển, thì thềm lục địa của quốc gia ven biển là 200 hải lý. Nếu rìa lục địa của quốc gia ven biển rộng hơn 200 hải lý, thì quốc gia đó có quyền mở rộng thềm lục địa của mình ra quá 200 hải lý, nhưng tối đa không quá 350 hải lý.

Theo khoản 8 của Điều này, để xác định thềm lục địa vượt quá 200 hải lý, quốc gia ven biển phải nộp báo cáo lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa với đầy đủ các thông tin đo đạc khảo sát, khoa học, kỹ thuật theo bản hướng dẫn của Ủy ban để chứng minh. Các quốc gia ven biển có thể tự nộp báo cáo toàn diện hoặc báo cáo từng phần và cũng có thể phối hợp với nhau trình báo cáo chung cho Ủy ban. Đối với các quốc gia ven biển đã trở thành thành viên Công ước trước ngày 13/5/1999, trong đó có Việt Nam, thì thời hạn cuối cùng để nộp báo cáo quốc gia là ngày 13/5/2009.

Trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát toàn diện về tình hình địa chất, địa mạo của thềm lục địa Việt Nam, các cơ quan hữu quan của nước ta đã xây dựng báo cáo quốc gia về ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía bắc và phối hợp với Malaysia xây dựng báo cáo chung về khu vực phía Nam Biển Đông và đã trình Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên hợp quốc đúng thời hạn quy định.

.................

Nhiều cổ phiếu lấy lại sức mạnh

Thị trường chứng khoán khởi sắc, giúp nhiều doanh nghiệp niêm yết có cơ hội hoàn nhập dự phòng, kinh doanh lãi và ghi điểm trở lại trong mắt nhà đầu tư.

Nắm bắt những con sóng thị trường tăng mạnh vừa qua, nhiều doanh nghiệp cơ cấu lại danh mục, hoàn nhập dự phòng, đẩy lợi nhuận chung của quý I lên cao so với quý IV/2008.

Điển hình nhất là Công ty cổ phần cơ điện lạnh REE. Thua lỗ 152 tỷ đồng trong năm 2008 sau khi trích lập dự phòng 467 tỷ đồng cho đầu tư tài chính, REE bị Sở giao dịch chứng khoán TP HCM đưa vào diện cảnh báo. Tại đại hội cổ đông, Hội đồng quản trị REE đã cam kết: "Doanh nghiệp lên kế hoạch thanh lý dần danh mục cổ phiếu niêm yết và trên thị trường OTC trong năm nay để biến thành những khoản đầu tư có ý nghĩa hơn".

Chớp lấy những đợt sóng tăng của Vn-Index trong quý I vừa qua, REE thực hiện cơ cấu lại danh mục như lời hứa với cổ đông trước đó. Đây chính là nguyên nhân góp phần làm nên kết quả hoạt động tài chính của công ty lãi gần 24 tỷ đồng, đưa tổng lợi nhuận trước thuế toàn nhóm công ty trong quý lên hơn 79 tỷ đồng.

Với bức tranh sáng sủa hơn, cổ phiếu REE đã ghi điểm trong mắt nhà đầu tư khi lượng trao tay mã này lên đến cả triệu ở nhiều phiên liền. Trong khi đó, tháng 2 - thời điểm mới bị liệt vào diện cảnh báo, thanh khoản chỉ nhỏ giọt dao động 200 nghìn cổ phiếu chuyển nhượng mỗi ngày.

Nhà đầu tư luôn theo dõi sát hoạt động doanh nghiệp. Ảnh: B.H.

Cũng thuộc diện hoàn nhập dự phòng đầu tư chứng khoán khiến lợi nhuận tăng so với quý cuối năm 2008 còn có mã KDC (Công ty cổ phần Kinh Đô). Năm 2008, doanh nghiệp này lỗ 61,7 tỷ đồng và bị đưa vào diện cảnh báo, trong đó có nguyên nhân trích lập dự phòng. Song quý đầu năm nay, khoản trích lập này đã hạ xuống, giảm gánh nặng tài chính, KDC đạt lợi nhuận 21,5 tỷ đồng.

Hai phiên liên tiếp từ khi HOSE công bố giải trình nguyên nhân chênh lệch lợi nhuận so với quý cuối cùng của năm 2008, KDC tăng tốc đi lên. Tính từ ngày bị đưa vào diện cảnh báo (20/4) đến nay, mã này lên 14%. Từ đầu tháng 5, KDC giao dịch khá ổn định ở mức vài trăm nghìn cổ phiếu một phiên.

Tương tự, khoản trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán gần 13,7 tỷ đồng khiến Công ty cổ phần vận tải Hà Tiên (HTV) phải trả giá bằng bàn thua gần 1,6 tỷ đồng trong quý IV năm ngoái. Tuy nhiên, doanh nghiệp này nhanh chóng lấy lại phong độ trong quý 1 với mức tăng hơn 300% so với quý 4, đạt gần 4 tỷ đồng. Phiên giao dịch ngày 8/5, cung cầu mã này chệch hẳn về mua vào.

Hoàn nhập dự phòng cũng đã đóng góp một phần vào mức tăng lợi nhuận từ hoạt động đầu tư tài chính trong quý I của VNM (Công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk), lên 179 tỷ đồng so với quý IV/2008.

Đứng ở khía cạnh nhà đầu tư, anh Hoàng ở sàn Bản Việt cho rằng, hoàn nhập dự phòng góp phần tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Nhưng nếu khoản mục này chiếm tỷ lệ cao trong tổng lời, chứng tỏ, hoạt động chủ lực của doanh nghiệp sa sút mạnh. Qua đó, nhà đầu tư sẽ đánh giá thực lực, độ vượt khó của công ty trong giai đoạn thử lửa hiện nay.

Theo ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc khối phân tích của Công ty chứng khoán SME, trong số doanh nghiệp hoàn nhập dự phòng, có đơn vị đang thuộc diện cảnh báo. Song, điều này hiện không còn quan trọng. Bởi điều mà nhà đầu tư quan tâm là doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, mang lại lợi nhuận để chia cổ tức, phần thặng dư cho cổ đông.

Hơn nữa, theo ông Lân, tình hình năm nay đặc biệt hơn so với bình thường. Những năm trước, nhất là giai đoạn khi thị trường đi lên, nhà đầu tư thích đọc báo cáo tài chính để xem công ty nào có lãi đột biến và quyết định hướng đầu tư. Chính vì vậy, mỗi đợt công bố kết quả kinh doanh quý, thị trường sẽ có phản ứng ngay. Còn hiện tại, nhà đầu tư cho rằng, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp kém khả quan là điều đã được đoán biết trước bởi khó khăn chung của nền kinh tế thế giới. Chính vì vậy, họ đã không đặt kỳ vọng quá cao chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp, ngược lại, nhà đầu tư đón nhận báo cáo quý 1 hết sức bình thản.

Hiện hơn 2/3 doanh nghiệp trên HOSE công bố kết quả kinh doanh quý I, trong số đó, có không ít đơn vị lãi đột biến so với quý trước như HAG, HPG, SC5, DPM..

...................

Có cơ sở để chứng khoán đi lên đến hết năm'

Thị trường đã bước qua đáy và đang thiết lập xu hướng tăng trưởng trong trung hạn, cùng sự lạc quan của các nhà đầu tư ngày càng tăng - Giám đốc Khối phân tích đầu tư Công ty chứng khoán Tân Việt (TVSI) Hoàng Xuân Quyến nhận định.

> 'Tôi giữ cách nhìn thận trọng về phục hồi kinh tế'

Ông Hoàng Xuân Quyến. Ảnh: Báo Tổ quốc

- Từ những chỉ báo kinh tế vĩ mô được công bố mới đây, ông đánh giá thế nào về khả năng kinh tế Việt Nam hồi phục và tác động của nó đến thị trường chứng khoán trong trung hạn?

- Hiện nhiều ý kiến cho rằng kinh tế thế giới cũng như trong nước đã bước qua điểm đáy của khủng hoảng. Ở trong nước đã xuất hiện dấu hiệu hồi phục kinh tế, có thể thấy qua các chỉ số kinh tế, sự đi lên của thị trường chứng khoán, sự ấm lên của thị trường bất động sản. Và nhất là qua báo cáo kết quả kinh doanh quý I tương đối khả quan của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, sản xuất, thương mại, công nghệ. Thị trường chứng khoán thường phục hồi trước nền kinh tế khoảng 6 tháng. Do đó, hoàn toàn có cơ sở để tin rằng thị trường sẽ tiếp tục đi lên cho đến hết năm, đồng thời nền kinh tế có thể vượt qua khủng hoảng vào quý IV năm nay.

- Vn-Index tăng rất mạnh, thậm chí được nhiều người gọi là tăng nóng trong đợt "sóng" tháng 3-4 vừa qua. Theo ông, điều gì đã tạo nên sức bật của chỉ số này?

- Thị trường chứng khoán Việt Nam và thế giới đã tạo đáy vào tháng 3 và phục hồi rất nhanh chóng ngay sau đó. Chỉ số Vn-Index tăng điểm rất ấn tượng từ đáy 235 lên 320 điểm vào cuối tháng 4 chỉ trong vòng gần 2 tháng. Đợt tăng điểm này có nguyên nhân từ việc thị trường chứng khoán trong nước đã trải qua thời kỳ giảm điểm rất mạnh trong năm 2008, trước khi thị trường thế giới đi xuống, rồi tiếp tục giảm rất mạnh xuống đáy 235 vào tháng 3/2009. Thị trường trong nước đã giảm điểm quá mức, và do đó có bước bật mạnh trở lại.

Mặt khác, còn nhiều khó khăn nhưng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cũng không đến nỗi xấu như mọi người dự kiến. Các nhà đầu tư đã nhận thấy điều đó và tích cực quay lại thị trường, tạo nên bước khởi sắc mạnh mẽ. Điều đó đồng thời cho thấy thị trường đã bước qua đáy của mình và thiết lập xu hướng tăng trưởng trong trung hạn cùng với sự lạc quan của các nhà đầu tư ngày càng tăng.

- Việc nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế tăng hơn 11% so với năm 2008 và các gói kích cầu đang được thực hiện có vai trò như thế nào đối với thị trường chứng khoán?

- Thị trường có dấu hiệu hồi phục trong thời gian gần đây một phần do các gói kích cầu của Chính phủ đã tác động lên các doanh nghiệp, giúp tình hình kinh doanh khả quan hơn. Điều này đã được thể hiện trong báo cáo quý I. Đó là thông tin tốt giúp nhà đầu tư quyết định quay lại thị trường.

- Nhà đầu tư trong nước đang theo dõi từng diễn biến của chứng khoán Mỹ để ra quyết định. Theo ông, tác động của thị trường Mỹ đến Việt Nam thể hiện ở những khía cạnh nào?

- Thực tế vừa qua cho thấy diễn biến của thị trường chứng khoán Mỹ là nhân tố quan trọng có tác động khá mạnh đến biến động của thị trường Việt Nam. Tác động ở đây chủ yếu mang ý nghĩa hỗ trợ về mặt tâm lý cho các nhà đầu tư trong nước thêm vững tin tham gia thị trường. Bởi thị trường Mỹ phục hồi cho thấy dấu hiệu suy thoái kinh tế dần dần qua.

Tuy vậy, nhân tố này không phải là quan trọng nhất vì thị trường trong nước đã có những bước phục hồi nhanh và mạnh trước cả thị trường Mỹ, cũng như có các diễn biến theo xu hướng đi lên ngay cả khi chứng khoán Mỹ đang trong nhịp điều chỉnh.

Ngọc Châu

.................

Giá cho thuê văn phòng tuột dốc

Giá thuê văn phòng hạng A tại TP HCM tiếp tục giảm 20% so với quý trước, còn trung bình 57,3 USD mỗi m2 một tháng. Dự báo cuối năm nay giá dịch vụ này sẽ hạ xuống đến mức 30-40 USD mỗi m2 một tháng.

> Cao ốc văn phòng sẽ tiếp tục giảm giá còn 50%

Báo cáo quý 1 của Công ty CB Richard Ellis Việt Nam (CBRE) vừa công bố cho thấy, nhu cầu về văn phòng tại TP HCM đang tiếp tục sa sút. Tổng diện tích được thuê mới đã giảm 45% so với quý trước và giảm đến 85% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sở dĩ xảy ra tình trạng này vì trong quý 2 TP HCM có đến 13 cao ốc văn phòng đi vào hoạt động, cung cấp thêm 77.893 m2 sàn. Diện tích này góp phần nâng tỷ lệ văn phòng bị bỏ trống lên đến mức 12,3%.

Báo cáo cũng đề cập đến sự cạnh tranh về giá giữa các tòa tháp cao cấp và thấp cấp. Theo đó, nhiều doanh nghiệp có khuynh hướng di dời khỏi các văn phòng hạng A nhằm tiết kiệm chi phí. Cộng thêm nhiều cao ốc hạng B chủ động điều chỉnh giá thấp hơn trước đây cũng thu hút các khách thuê hạng C đang muốn nâng cấp.

Căn nhà phố này được xây dựng lại thành cao ốc đang treo biển quảng cáo tìm khách thuê tại quận 3. Ảnh: Kiên Cường.

Trước đó, tập đoàn tư vấn bất động sản Savills và Công ty Cushman & Wakefield đều nhấn mạnh, trong năm 2009 giá cho thuê các văn phòng hạng A sẽ xuống mức 30-35 USD mỗi m2 một tháng.

Giá (trung bình) thuê cao ốc một vài khu vực tại TP HCM cuối năm 2008 do Cushman & Wakefield khảo sát tính theo đơn vị mỗi m2 một tháng:

Khu trung tâm Sài Gòn: 40 USD.

Vùng cận trung tâm: 30 USD.

Tuyến đường ra sân bay (Tân Bình) 24 USD.

Khu gần sân bay: 20 USD.

Khu Văn Thánh (Bình Thạnh): 20 USD

Khu Phú Mỹ Hưng (quận 7): 24 USD.

Quanh trường đua Phú Thọ (quận 10, 11): 17 USD

Hiện nay, chủ một số tòa nhà hạng A đang đưa ra mức chiết khấu lên đến 30% trên giá chào thuê và giá thuê, thay vì chỉ ở mức 15-20% như trước đây. Theo khảo sát của CBRE có ít nhất 22 tòa nhà văn phòng dự kiến sẽ hoàn thành trong 4 quý tới, tức năm 2010, sẽ cung cấp thêm 203.928 m2 sàn. Đó cũng là lúc sự cạnh tranh giữa văn phòng hạng A và B sẽ trở nên khốc liệt nhất.

Trao đổi với báo chí trong hội thảo "Thấu hiểu thị trường", Tổng giám đốc Công ty CBRE VN Marc Townsend cho biết: "Văn phòng hạng A còn trung bình 57 UDS mỗi m2 một tháng chỉ là khung chủ đầu tư chào giá. Thực tế giao dịch này có thể sẽ còn thấp hơn mức trên rất nhiều. Song, đâu là mức giá đáy vẫn còn là ẩn số".

Bàn về việc văn phòng cho thuê đang đối mặt với nhiều thách thức nhưng các công trình này vẫn mọc lên như nấm, ông Marc nhận định, hầu hết chủ các tòa tháp tại VN có thói quen xây cao ốc phục vụ nhu cầu nội tại của công ty, phần còn dư ra mới tính đến việc cho thuê.

Ông lấy ví dụ trường hợp cao ốc văn phòng BIDV ở Hà Nội, dự kiến 50% diện tích là dành để phục vụ nhu cầu của tập đoàn này, một nửa còn lại sẽ được tung ra thị trường. Nhiều tập đoàn lớn cũng đi theo hướng này, xây văn phòng như tổng hành dinh cố định của doanh nghiệp.

"Thị trường văn phòng cho thuê chỉ có thể hồi phục khi nền kinh tế có dấu hiệu khởi sắc rõ rệt", ông Marc nói.

Từ đầu năm 2008 đến nay thị trường văn phòng cho thuê đã có nhiều biến động và điều chỉnh giá đáng kể. Năm ngoái, từ cột mốc 75-100 USD mỗi m2 một tháng, cao ốc hạng A đã hạ còn 70 USD. Đến quý 1 năm nay, văn phòng hạng A tiếp tục rớt giá còn 57 USD mỗi m2 một tháng. Các đơn vị tư vấn khảo sát bất động sản đều dự báo văn phòng hạng A sẽ đối mặt với việc tuột xuống còn trung bình 30-40 USD mỗi m2 một tháng vào cuối năm nay.

....................

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#bao