Cuộc vận động cảm xúc của "Tương tư"

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

a) Tâm trang nhớ nhung trong tương tư:

Bài thơ "Tương tư" vốn là sự vận động không ngừng của những xúc cảm trong tình yêu đôi lứa. Nguyễn Bính đã đem sự mộc mạc, chân thành của mình mà viết lên những dòng thơ đầy nhớ nhung với người thương:

" Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông

Một người chín nhớ mười mong một người"

Mở đầu bài thơ "Tương tư" thì độc giả đã bắt gặp được một trong những trạng thái điển hình của tình yêu-nỗi nhớ, thông qua điệp từ "nhớ" cứ được lặp đi lặp lại như nỗi bứt rứt, nhớ thương của con người khi yêu. Chúng ta cũng có thể tình cờ bắt gặp nỗi nhớ trong kho tàng ca dao Việt Nam:

"Nhớ ai ngơ ngẩn, ngẩn ngơ

Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai

Nhớ ai bổi hổi bồi hồi

Như đứng đống lửa, như ngồi đống rơm"

Có thể nói Nguyễn Bính đã đi sâu vào trong những cảm xúc của chính ông, hay nói chính xác hơn là tác giả đã đi sâu vào nội tâm của con người để khắc họa rõ nét nhất, hiện thực nhất về con người khi yêu. Ngay từ câu mở đầu, câu thơ đã xác lập được chủ thể và đối tượng nhớ nhung: Thôn Đoài, Thôn Đông. Xuyên suốt quá trình phát triển của văn học Việt Nam thì cũng có rất nhiều tác giả viết về tâm trạng tương tư trong tình yêu như Lý Phương Liên, Chế Lan Viên hay Xuân Diệu... nhưng cái tài và độc đáo của Nguyễn Bính là nét chân quê, mộc mác của ông. Tác giả viết nỗi nhớ nhung của mình ngay từ những dòng đầu tiên một cách bóng gió , hoán dụ "Thôn Đoài", "Thôn Đông"- là hai hình tượng khái quát, mang tính cộng đồng. Phải chăng đây là sự phá cách trong sang tác của Nguyễn Bính? Bởi lẽ trong tình yêu, người ta thường nhấn mạnh cái tôi của mình một cách mạnh mẽ, tựa như tác giả Xuân Diệu đã từng chấp bút:

"Anh nhớ tiếng . Anh nhớ hình . Anh nhớ ảnh .
Anh nhớ em , anh nhớ lắm ! Em ơi !"

(Trích Tương tư chiều_Xuân Diệu)

Với Xuân Diệu, thì cái tôi là một sự quyết liệt, mạnh mẽ, không giấu diếm trong tình yêu. Nhưng không đề cập đến cái tôi thỉ không có nghĩa là tình yêu của Nguyễn Bính là một sự yếu ớt , nhạt nhòa , bởi nhà thơ chân quê ấy theo cách riêng của mình. "Thôn Đoài" và "Thôn Đông" , vốn những cái tên hết đỗi quen thuộc với người nông dân Việt Nam, đã không còn bó buộc cảm giác tương tư trong một không gian riêng lẻ của một cá nhân nữa mà giờ đây chúng đã được khái quát không gian lớn hơn- không gian cộng đồng. Nỗi nhớ của Nguyễn Bính ẩn mình kín đáosau khung cảnh thôn quê Việt Nam, thổi hồn vào địa danh "thôn Đoài", "thôn Đông". Nếu như câu đầu tiên, nỗi nhớ là một sự bị động, trạng thái tĩnh qua động từ "ngồi nhớ" thì ở câu thơ tiếp theo nó lại được nâng cao lên thành một trạng thái mãnh liệt hơn thông qua cụm từ "chín nhớ mười mong". Thành ngữ " chín nhớ mười mong" được biến tấu từ thành ngữ "chín đợi mười chờ", việc Nguyễn Bính thay thế thành "nhớ", "mong" tạo cho người đọc một cảm giác rạo rực, bồn chồn chứ không mang cảm giác âm thầm tĩnh lặng như từ "đợi" và "chờ". Câu thơ " Một người chín nhớ mười mong một người", việc sắp xếp "một người" ở đầu và cuối tựa như bị tách thành hai bờ sông xa nghìn trùng và chỉ có thể giao hòa cảm xúc thông qua nhịp cầu bắc ngang "chín nhớ mười mong". Số từ "chín nhớ", "mười mong" tạo nên một sự tăng cấp về nỗi nhớ về mức độ lẫn cường độ. Lời thơ vừa cất lên như một khúc hát dạo đầu đưa ta vào thế giới tâm hồn đầy nhớ mong nhưng cũng mang theo đầy sắc màu. Không chỉ dừng lại ở đó, Nguyễn Bính còn đưa ta đi sâu vào nỗi nhớ nhung của riêng ông, cắt nghĩa cội nguồn của nỗi nhớ thông qua hai câu thơ tiếp theo:

" Gió mưa là bệnh của giời

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng"

Khác với nhiều nhà thơ khác, với Nguyễn Bính ông cắt nghĩa tình yêu theo quy luật của thiên nhiên để giải thích quy luật của tình cảm. Đây cũng không phải một cách thức mới trong ca dao, người xưa cũng mượn trời đất, thiên nhiên để nói lòng mình:

"Thấy anh như thấy mặt trời
Chói chang khó ngó trao lời khó trao."

Hay:

"Em thương anh chẳng dám nói ra

Sợ mẹ bằng đất, sợ cha bằng trời"

Việc mượn thiên nhiên để nói hộ long mình thì cũng không phải là mới, nhưng cái mới của Nguyễn Bính là nhà thơ dám "cả gan" đem cái tôi của long mình sánh ngang với trời đất. Cái tôi duy cảm của tác giả giờ đây đã mang luồn gió tươi mát của thơ mới. Tuy không mãnh liệt như Chế Lan Viên:

"Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất.



Không có ai bè bạn nổi cùng ta "

(Trích Hy Mã Lạp Sơn_Xuân Diệu)

Hay khao khát Huy Cận:

"Muốn uống vào trong buồng phổi vô cùng

Tất cả ánh sáng dưới gầm trời lồng lộng"

nhưng Nguyễn Bính đã phần nào mang giọng nói quả quyết dòng thơ Mới. Nguyễn Bính đã rất tinh nghịch khi "đổ tội" cho tương tư là một thứ bệnh, cũng như nắng mưa trong trời đất này mà "tôi yêu nàng".

Như vậy thì "tương tư" ở đây không phải là căn bệnh quái ác của bất kì một con người nào mà nó chính là tâm trạng phổ biến của mọi con người khi yêu ,và cái tôi trong tương tư cũng không phải là một thứ ngoại lệ.

b) Tâm trạng băn khoăn, hờn dỗi trong tương tư

Nếu như bốn dòng thơ đầu là một sự nhớ nhung , chở đợi mòn mỏi mà hóa thành bệnh, thì ở những câu thơ tiếp theo, cái tôi trữ tình lại vận động trạng thái từ nỗi nhớ sang giận hờn, trách móc:

" Hai thôn chung lại một làng,

Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này"

Nhưng đây cũng chỉ là một sự trách móc nhẹ nhàng, đáng yêu,và ngay trong sự hờn dỗi ấy cũng mang tình yêu tha thiết bởi lẽ khi yêu, thì ai có thể làm đau người thương được cơ chứ? Nhà thơ hết sức ý nhị khi kết hợp "hai thôn" thành " một làng", nhưng cũng xuất hiện hai khái niệm "bên ấy" với "bên này". Đây không phải là một lời trách cứ hoàn toàn vô lí, bởi việc vận dụng không gian "thôn", " làng" rất đỗi cởi mở, gần gũi và hoàn toàn khác biệt với không gian thành thị. Tác giả chân quê Nguyễn Bính khắc họa khoảng cách giữa chàng và nàng bằng không gian làng quê, cách nhau bởi mái nhà, con đường đất mộc mạc. Chính vì điếu đó mà giận, mà hờn bởi lẽ dù là người "hai thôn" nhưng chung một làng nhưng tại sao lại không sang gặp chàng. Song đây cũng là một lời trách móc "Cớ sao" có phần vô lý, khi tác giả đã đồng nhất khoảng cách địa lý với khoảng cách của tình cảm. Trách cứ thế thôi nhưng người ta có trả lời đâu,bởi bản thân của chữ "Tương tư" là tình yêu từ một phía để rồi những cảm xúc ấy của Nguyễn Bính khắc khoải thành băn khoăn, giận hờn.

c) Tâm trạng đợi chờ, thở than và hờn trách trong tương tư

Với những dòng thơ tiếp theo, Nguyễn Bính đã đẩy tâm trạng băn khoăn hờn dỗi lên cao hơn bằng lời thở than, nỗi lo lắng về tuổi trẻ, về tình yêu đôi lứa. Không như Xuân Diệu với quan niệm về tình yêu là phải "Vội vàng" ,bởi lẽ tuổi trẻ là có hạn mà tình yêu cũng chỉ đẹp trong một khoảnh khắc nào đó mà thôi:

"Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất

(Trích Vội vàng_Xuân Diệu)

Với Nguyễn Bính thì không hẳn là như vậy, ông không hô hào hay nói những lời to tát mà chỉ nhẹ nhàng nhưng thấm tâm, dùng nét chân quê để đến gần hơn với độc giả:

" Ngày qua ngày lại qua ngày

Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng"

Đọc những dòng thơ trên, chúng ta hoàn toàn như đang chìm đắm trong sự chờ đợi, thấm thía với cách giải bày tình yêu của ông. Điệp từ "ngày" được nhắc đi nhắc lại trên một dòng thơ, mang theo nét trĩu nặng tựa như hình ảnh một chàng trai đang ngồi nhẩm tính thời gian. Với nhịp thơ 3-3 hay 2-1-3 tùy theo từng cách lý giải khác nhau ở câu thơ " Ngày qua ngày lại qua ngày", khiến cho người đọc dường như thời gian đang bị kéo dài ra. Thởi gian của vật lý thì chỉ có một, nhưng thời gian của tâm lý thì được co dãn đến vô cùng. Cũng như người xưa có câu: " Nhất nhật bất kiến, như tam thu hề" ( Một ngày không gặp như cách ba thu), điều đó cho thấy tâm trạng của người chờ đợi đối với thời gian dài lê thê là mòn mỏi đến tuyệt vọng. Nếu như Xuân Diệu đã từng miêu tả một sự thay đổi nhanh chóng, quyết liệt đến bào mòn của thiên nhiên: "Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh" ( Trích Đây mùa thu tới_Xuân Diệu). Còn với Nguyễn Bính thì ông cũng dùng một động từ mạnh " nhuộm" trong câu thơ: " Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng". Động từ "nhuộm"được đặt trước từ "đã" ở đây mang sắc thái chậm rãi, nặng nề trôi của thời gian và khẳng định mạnh mẽ sự biến đổi của thời gian. Chính nỗi sầu tương tư, đợi chờ mòn mỏi của lòng người mạnh mẽ đến nỗi không chỉ thời gian trong tâm tưởng mà còn đủ sức thay đổi không gian biến " lá xanh"" thành "cây lá vàng". Sự biến đổi về màu sắc ở đây, không chỉ là sự biến đổi theo năm tháng mà còn là do sự thay đổi của nỗi sầu tương tư.

Không chỉ dừng lại ở tâm trạng thở than, nỗi đợi chờ đến sốt ruột, tương tư còn khiến cho chàng trai bật ra những lời trách móc hờn dỗi nhẹ nhàng giống như chính sự chân quê, bình dị của tác giả:

" Bảo rằng cách trở đò giang

Không sang là chẳng đường sang đã đành

Nhưng đây cách một đầu đình

Có xa xôi mấy mà tình xa xôi"

Một lời trách móc kín đáo, đầy khéo léo mang theo phong cách của Nguyễn Bính, chẳng bằng sự quyết liệt hay ầm ĩ, tình cảm của tác giả vẫn được thể hiện qua từng vần thơ da diết. Bốn câu thơ tựa như nhân vật trữ tình đang chất vấn người yêu: giá như "cách trở đò giang" hay "chẳng đường sang đã đành" những khó khăn về mặt địa lý, nhưng hai người chỉ cách "một đầu đình" thôi mà vẫn " xa xôi mấy mà tình xa xôi". Khi nói đến tình yêu, chúng ta có thể nhận ra Nguyễn Bính thường gắn liền với những cái ao, những mái đình... mang theo hương vị Việt với những bài ca dao vẫn thấm vào lặng lẽ trong tâm hồn ta từ rất lâu rồi. Tại đây chúng ta cũng có thể bắt gặp nét giao thoa với hai câu thơ ở trên : " Hai thôn chung lại một làng. Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?", cũng là sự đồng nhất về khoảng cách không gian với khoảng cách của tình cảm.

Không chỉ dừng lại ở lời than thở, chàng trai lại tiếp tục kể lể về nỗi tương tư của bản thân:

" Tương tư thức mấy đêm rồi

Biết cho ai, hỏi ai người biết cho"

Dường như ngay lúc này đây, tác giả cũng đang đắm chìm trong nỗi băn khoăn về tình yêu. Câu thơ như một sự trăn trở, trằn trọc của chàng trai giữa những đêm không yên giấc với phép đảo phách tinh tế trong câu hỏi "Biết cho ai, hỏi ai người biết cho". Đây như là một sự nhấn mạnh về sự hờn giận vu vơ, kể lể của chàng trai khi cô gái không đáp trả tình cảm. Lúc này đây, lời thơ của Nguyễn Bính không còn là những dòng chữ trên trang giấy nữa, mà nó đã trở thành lời than thở, hờn trách của một chàng trai, hay sâu xa hơn là tâm trạng khi yêu của một tâm hồn da diết.

d) Khát vọng mơ hồ, một nỗi tương tư nhắc lại

Sau khi đã trải qua một loạt các khung bậc tình cảm của "Tương tư", từ nhớ nhung, cho đến hờn dỗi, và cả những thở than thì ở đoạn cuối của bài thơ lại là khát vọng mơ hồ của nhà thơ:

" Bao giờ bến mới gặp đò

Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau?"

Ở hai câu thơ này, chúng ta lại tiếp tục bắt gặp những nét rất riêng chỉ có ở Nguyễn Bính bằng việc sử dụng những hình ảnh gần gũi , chân quê của mình:" bến-đò", "hoa-bướm". Nhưng ở đây chúng ta cũng có thể bắt gặp được nét độc đáo trong câu:" Bao giờ bến mới gặp đò", tại sao lại có sự khát biệt với câu ca dao: "Thuyền đi có nhớ bến chăng. Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền". Chẳng phải thông thường "bến" sẽ được ví von như sự chờ đợi của người con gái, còn "đò"là một phương tiện di chuyển để ẩn dụ cho người con trai nay đây mai đó. Theo cách suy nghĩ của người Á Đông thì chàng trai sẽ là người chủ động đi tìm cô gái, nhưng với Nguyễn Bính thì lại là "thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông" mà trách móc, kể lể, giận hờn trong mối tình đơn phương ấy.Cả một vế câu "Bao giờ bến mới gặp đò", từ để hỏi "bao giờ" mang một nỗi khắc khoải một niềm chờ mong. Chúng ta có thể thấy ở đây thấp thoáng hình tượng người con trai chân quê mang một chút rụt rè, nhút nhát. Còn người con gái trong thơ Nguyễn Bính, hình như đang ở thế chủ động đi tìm tình yêu. Nhà thơ đã tự nâng cô gái lên thành "hoa khuê các"- mang theo nét đẹp đài cát, nhẹ nhàng, còn bản thân mình lại mà "bướm giang hồ"- mang theo sự phóng túng, phong trần . Hai câu thơ như tiếng lòng thầm kín của chàng trai cho mơ ước mong về ngày gặp lại, là một sự phức hợp của tâm trạng khi trai gái yêu nhau.

Xuyên suốt từ đầu tác phẩm đến bây giờ, tác giả đã mang người đọc đến với những cảm xúc sâu lắng, đầy xúc cảm và giờ đây Nguyễn Bính lại đem đến cho người đọc sự ngọt ngào của tình yêu:

" Nhà em có một giàn giầu

Nhà anh có một hàng cau liên phòng"

Nhân vật trữ tình không còn phải ẩn mình sau "thôn Đoài" và "thôn Đông" hay "một người" với "một người", mặc dù cái tôi trữ tình dần lộ diện trong cách xưng hô "tôi" và "nàng" trong câu " Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng", nhưng chính lúc này đây sự hiện diện đã có phần rõ nét, trực tiếp hơn thông qua "nhà em", "nhà anh". Dù chàng trai chỉ mới là tương tư, đơn phương thôi nhưng sự xuất hiện lại những tín hiệu hôn nhân "giầu"và "cau" . Chúng ta có thể cảm nhận được một tình yêu thấ đượm đất nước, giàu hương vị dân quê: khi yêu là phải nghĩ đến hôn nhân, nghĩ đến cưới xin nghiêm túc, đỡ đần nhau suốt đời. Chính kết cấu kết thúc có hậu là một biểu hiện của chất dân gian đậm đà trong thơ Nguyễn Bính. Đến đây thì "Tương tư" đã mang sắc thái của một lời cầu hôn và kết thúc trong lời hỏi của chàng trai:

"Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông

Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?"

Câu thơ ngọt ngào mang hương vị ca dao đã làm cho chúng ta liên tưởng đến một tương lại hạnh phúc. Việc điệp lại "thôn Đoài"-"thôn Đông" với đoạn một như một cách kết thúc đầu cuối tương ứng nhịp nhàng của nỗi sầu tương tư. Câu hỏi nhưng mang theo nét khẳng định: "Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?", tựa như một lời thẹn thùng, bân khuân. Trong khát vọng mơ hồ, nỗi tương tư được nhắc lại thì đây chính là kết thúc mĩ mãn về một tình yêu trọn vẹn trong mơ ước của chàng trai.

Цwѱ

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro