Bài thu hoạch thăm quan Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh và Bảo tàng Hồ Chí Minh!

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng



ĐỀ:

1. Trình bày cảm nhận khi tham quan tìm hiểu thông tin hình ảnh về sự tàn phá của chiến tranh ở Việt Nam từ năm 1954 - 1975.

2. Sau khi tham quan mô hình nhà tù Phú Quốc - Côn Đảo, trình bày suy nghĩ về quyền của tù nhân.

3. Là 1 sinh viên luật sau khi tham quan, bạn sẽ làm gì để thực hiện quy định của pháp luật liên quan đến quyền con người.

4. Trình bày suy nghĩ của bản thân về những vấn đề mà sinh viên học được từ tư tưởng Hồ Chí Minh qua việc tham quan bảo tàng.


BÀI LÀM

Câu 1:


Cảm xúc đầu tiên nhói lên trong tim tôi khi thăm quan tìm hiểu hình ảnh về sự tàn phá của chiến tranh ở Việt Nam từ năm 1954 - 1975 là sự đau lòng và biết ơn những con người anh hùng đã cầm súng hy sinh cho chúng tôi ngày nay được sống trong hòa bình nói chung và những người anh hùng đã bị thực dân Mỹ bắt giam nói riêng.

Thông qua sách báo về lịch sử hào hùng đấu tranh của dân tộc, tôi đã phần nào cảm nhận được cái tàn khốc của chiến tranh. Cái tôi đọc được cũng là những cái mà những con người yêu hòa bình trên khắp thế giới đọc được, tuy nhiên, phải đến khi vào thăm bảo tàng Chứng tích Chiến tranh ở Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua tôi mới có thể cảm nhận được một cách toàn diện hơn về sự khốc liệt và tàn ác của bọn thực dân, sự tàn phá của chiến tranh ở Việt Nam từ năm 1954 - 1975.

Có thể không phải mọi lính Mỹ đều là kẻ thủ ác, có những lính Mỹ vẫn còn là con người có tình yêu thương nhân loại, nhưng phần lớn lính Mỹ lại cho tôi và cả dân tộc Việt Nam cũng như thế giới thấy được lại là một bộ mặt của một lũ ác quỷ man rợ.

Bên ngoài bảo tàng trưng bày xe tăng, máy bay chiến đấu, xe bọc thép, bom, đạn sử dụng trong chiến tranh. Thú thật thì tôi không am hiểu và cũng không hứng thú với các loại vũ khí như những người bạn đi cùng tôi, với tôi chúng chỉ là những công cụ mà công cụ thì tôi không thấy việc chế tạo ra chúng là sai mà đúng sai là do người sử dụng chúng gây nên.

Tiến vào trong bảo tàng, "chào đón" tôi là những hình ảnh khốc liệt của chiến tranh. Nào là lính Mỹ chặt đầu Việt Cộng, chụp hình lại làm lưu niệm cho một "chiến tích" được xem là "anh hùng" trong mắt họ, một kỉ niệm mà họ muốn lưu giữ mãi mãi trong cuộc đời họ. Kế đó, lại là một tấm ảnh lưu niệm của một anh chàng lính Mỹ bảnh bao ghi lại cảnh anh ta đã ra lệnh giết chết hơn 500 người. Phụ nữ, người già, trẻ em; mổ bụng, bắn vào đầu, đốt cháy rụi. Vụ thảm sát Mỹ lai. Tôi thật không hiểu, cùng là một con người, sao những lính G.I này có thể thẳng tay giết chết người khác, không một chút hối hận, không một chút ám ảnh, mà với họ đó còn lại là một kỉ niệm mà họ tự hào?

Cùng tham quan với chúng tôi là một đoàn du lịch miền Bắc, chúng tôi lặng lẽ theo sau họ du lịch dưới sự hướng dẫn của một chị hướng dẫn viên giọng nói khá ngọt ngào. Chị đã kể cho chúng tôi nghe về 21 năm nhân dân ta cùng chung tay đánh Mỹ, 21 năm cuộc sống của đa số người con Lạc Long Quân cùng Âu Cơ phải chịu đựng đau thương mất mát to lớn mà không sự bù đắp nào có thể xóa nhòa: mẹ già mất con, vợ mất chồng, con mồ côi, những con người thiếu thốn đủ đường thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu tự do bởi vây quanh họ là những "con người" luôn kiểm tra, theo dõi, bóc lột, tra tấn dã man thậm chí có thể giết người không băn khoanh hay do dự khi cần và thậm chí chỉ là bởi vì họ thích vậy. Nghe chị kể chuyện, tôi ngẫm lại mình, cuộc sống của mình và người thân trong hiện tại. Tôi cảm thấy mình và những người Việt Nam đang được sống trong thời bình hiện nay thật may mắn. May mắn vì không phải suốt ngày sống trong lo sợ. May mắn vì ông, bà, bố, mẹ, người thân đang được sống cuộc sống của một con người tự do. May mắn vì không phải ngày ngày sống kề với cái chết. Những năm tháng tưởng chừng như không thể nào qua! 21 năm, liên tục hứng chịu những cơn giận dữ của Mỹ – Diệm, là đối tượng trực tiếp của hàng ngàn tấn bom đạn thả xuống đầu dân ta, đã từng chịu những trận càn khốc liệt của địch, tưởng chừng như nhân dân miền Nam nói riêng và lực lượng bộ đội cụ Hồ nói chung không thể nào vượt qua được, những hình ảnh tàn ác và đẫm máu ấy vẫn ngày đêm ám ảnh những người trẻ tuổi đã có dịp bước chân vào bảo tàng như chúng ta!

Bên cạnh sự tàn sát về người, còn là sự hủy hoại nghiêm trọng về môi trường. Chưa có một số liệu cụ thể nào tính toán được chính xác số lượng chất độc màu da cam, thuốc diệt cỏ 666 mà Mỹ đã rải xuống những cánh rừng của Việt Nam; cũng chưa tính toán được Mỹ đã rải bao nhiêu tấn bom xuống đất nước Việt Nam. Có lẽ vì vậy mà việc thống kê, đánh giá chính xác về sự tổn hại của môi trường và con người Việt Nam. Trong bảo tàng, tôi chứng kiến những đứa trẻ, những con người bị dị dạng do chất độc màu da cam, đằng sau họ là những cánh rừng cằn cỗi do bị chất độc phá hủy nghiêm trọng "đến ngọn cỏ cũng không sống được". Những cánh rừng thiên nhiên xanh tốt, Việt Nam biển bạc rừng xanh, sau chiến tranh chit còn những mảnh đất cằn cỗi, sỏi đá, cây cối trơ trụi. Những con đường, vùng đất còn tiềm ẩn quy cơ bom có thể nổ bất cứ lúc nào, những quả bom nằm im lìm trong lòng đất chưa biết ngày nổ, ẩn nấp dưới lớp đất đá.

Những tưởng sau chiến tranh là những ngày tháng tươi đẹp. Không. Niềm vui chiến thắng chỉ làm vơi đi được những đau thương mấy mát nhưng nỗi xót xa những người thân đã chết, nỗi xót thương những cánh rừng, nỗi xót thương những con người phi thường trở về quê nhà sau chiến tranh nhưng lại bất hạnh nhiễm phải chất độc từ bom đạn, hóa chất thực dân Mỹ rãi xuống khắp đất nước ta vẫn còn tồn tại đó. Bất hạnh thay những cánh rừng thân yêu. Bất hạnh thay những người cha, người mẹ, người con trở về với một thân thể không còn nguyên vẹn, đau đớn thay những con người không còn có thể nhận ra được hình dáng ban đầu, không thể trở về với gia đình yêu dấu mà phải sống âm thầm, đau khổ trong những ngày cuối cùng của cuộc đời tại những trung tâm bí mật. Thầy tôi từng kể, ông đã từng một lần có cơ hội được đi thăm những người tù chính trị không thể trở về với gia đình, họ sống đấy, nhưng với gia đình họ thiết nghĩ thay vì hay tin họ con sống nhưng mất cả tay, chân, mắt mù, tai thủng màng nhĩ, miệng bị vá,... thì có lẽ một tờ giấy báo tử, một chứng nhận tổ quốc ghi công lại là niềm an ủi lớn hơn cho gia đình họ. Có gì đau đớn bằng chứng kiến người thân của mình bị tra tấn, hành hạ đến mức không còn nhận ra nguyên hình, không còn cử động được, không còn nhìn được người họ yêu, không còn nghe được tiếng người thân của mình??? Nỗi đau chiến tranh Mỹ mang lại cho Việt Nam không chỉ là ở quá khứ mà còn là hiện tại. Những chiến sĩ trở về từ chiến trường mang trên mình chất độc màu da cam, những tưởng họ giành được quyền sống hạnh phúc cho con cháu họ, thế nhưng chất độc màu da cam Mỹ rãi xuống không chỉ hại những người chiến sĩ ấy mà còn là con cháu của họ. Không chỉ dừng lại ở những bức hình chụp trong bảo tàng Chiến tích Chiến tranh, tôi đã từng có một dịp đi thăm làng trẻ em nhiễm chất độc màu da cam. Tôi không cầm được nước mắt khi thấy các em. Cuộc sống của các em là những ngày giành giật với tử thần, là những ngày chịu đựng cái thiếu thốn cả mình mà hy vọng vào một tương lai tươi sáng, là những ngày ngơ ngẩn trong cái thế giới chỉ của các em, một thế giới mà các em là những đứa trẻ có thể chạy nhảy nô đùa bình thường. Nhìn các em mà tôi dấy lên một lòng căm phẫn với chiến tranh, với những người đã lãnh đạo cuộc chiến tranh ở Việt Nam một cách sôi sục đến lạ kì.

Tuy vậy, tôi vẫn cảm thấy trên tất cả là niềm tự hào và biết ơn vô bờ bến đối với những người con ưu tú của đất nước, hy sinh mạng sống, quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Chiến tranh đã đi qua được hơn 41 năm, Việt Nam và Mỹ đã bình thường hóa quan hệ - đây là điều tất yếu mà Việt Nam phải thực hiện để có thể đi lên và phát triển trong thời kì quá độ. Mỹ đã và đang giúp đỡ Việt Nam rất nhiều nhưng nếu chỉ vì thế mà quên mất những điều tồi tệ và sai lầm mà Mỹ gây ra là không thể chấp nhận được. Một dạo tôi lướt facebook, thấy một người bạn chia sẻ về những hình ảnh một lính Mỹ nô đùa với trẻ em Việt Nam, đó là một nghĩa cử cao đẹp và tôi không phủ nhận điều đó; thế nhưng người bạn ấy viết "Lịch sử mà đám Việt Cộng viết chỉ là một mặt của sự thật. Những người Mỹ đều rất tốt. Việt Cộng hay đưa những thông tin sai sự thật để kích động nhân dân chống Mỹ. Giá như còn chế độ Việt Nam cộng hòa thì Việt Nam đã không như bây giờ". Vâng. Tôi đồng tình với người bạn đó Việt Nam bây giờ chưa giàu, từ một hòn ngọc Viễn Đông khiến Singapore phải lấy đó đặt mục tiêu lại trở thành một trong những nước phát triển chưa tốt nhất Đông Nam Á. Dù vậy, tôi vẫn được làm người Việt Nam. Gia đình tôi vẫn được sống trong yên bình. Tôi buồn thay cho một thế hệ trẻ Việt Nam không giữ vững được lập trường, tin theo những thông tin từ những tổ chức phản động. Liệu có tốt nếu chúng ta là người dân của một nước thuộc địa? Những người như người bạn bên trên của tôi xem ra là thích "gặm thịt thừa của chủ" hơn là ăn cơm do chính mình làm ra thì phải!


Câu 2:


Ngày 1/2/1862, Thống đốc Bonard ở Nam Kỳ ký quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo - "địa ngục trần gian" (nay thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Đây là một hệ thống nhà tù với nhiều khu vực biệt giam, chuồng cọp. Trại Bagne 1 (sau đó được đổi thành trại 1, trại Cộng Hòa, trại 2, trại Phú Hải) rộng hơn 12.000 m2 gồm 10 khám lớn (phòng giam lớn), 20 hầm đá biệt giam, 1 khám đặc biệt, hầm xay lúa và khu đập đá.

Cùng với nhà tù Phú Quốc, đây là một trong những địa điểm giam giữ các chiến sĩ cộng sản. Tại mỗi phòng giam, lúc cao điểm có đến hàng trăm người bị gông cùm, xiềng xích. Cai ngục thực dân dùng nhiều hình thức tra tấn từ thể xác đến tinh thần đối với các chiến sĩ.

Tôi chưa từng được đi thăm nhà tù Côn Đảo lần nào, chỉ mới được nhìn qua tranh ảnh, qua những dòng bài giảng mà thầy giáo đã từng giảng nhưng khi nhìn mô hình "địa ngục trần gian" tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, tôi đã thực sự phần nào cảm nhận được cái gì được gọi là "địa ngục trần gian".

Khi được nghe cô thuyết trình viên nói đến những đòn tra tấn của Mỹ đã áp dụng với những người mà chúng xem là Việt Cộng, tôi thật sự cảm giác ghê tởm trước tội ác của bọn tay sai. Chuồng cọp nhốt tù nhân chung trong chuồng nhưng chuồng có mái bằng tôn xi - măng thấp, rất nóng vào mùa nắng, rất lạnh vào mùa đông. Ở đây, tù nhân không bị tra tấn bằng đòn roi mà bị tra tấn bằng sự nóng bức, sự lạnh giá, bằng mùi hôi thối, sống chung với giòi bọ. 7, 8 người ở trong một phòng khoảng 4m2 ăn, ngủ, vệ sinh tại chỗ, giòi bọ khắp người và cai tù thay phiên dập vào cửa sắt để tra tấn tù nhân bằng tiếng ồn. Địa ngục trần gian là như thế này đây!

Tại Bảo tàng, Chuồng cọp được phục chế lại mỗi ngăn dài 2,7m, rộng 1,3m, cao 3m. Mùa nóng bị cột chặt từ 5 - 14 người, đến mùa đông thì chúng tách ra để lại 1 - 2 người chân bị còng vào cột sắt, ăn uống, tắm giặt, tiểu tiện đều trên một phạm vi ấy. Chỉ cần một tiếng thở dài, ho hoặc đập mũi là bọn thực dân cai ngục dã man ấy lại thẳng tay đổ vôi từ trên xuống đầu, xuống khắp cơ thể những người tù khiến họ khó thở, da thì bị lỡ loét. Ngoài ra, còn có nhiều hình phạt tra tấn khác như dội nước đá lạnh vào mùa đông khiến người tù rét run cầm cập. Đôi khi chúng chọc gậy dài vào những chuồng cọp quá đông người. Sức khỏe của những người tù Cách mạng suy sụp rất nhanh, không có chuồng cọp nào mà không có người hy sinh vì kiệt sức, bệnh tật.

Bên cạnh những "chuồng cọp", chúa đảo còn lập ra các sân chơi thể thao, giếng để tắm, nhà vệ sinh, bếp ăn, nhà nguyện, bệnh xá... nhưng các tù nhân không được dùng. Trại có bãi trồng rau. Khi có đoàn giám sát nhân quyền của quốc tế đến, bọn cai ngục dẫn ra bãi rau này nói là các tù nhân được cho đi trồng ra để cải tạo bữa ăn. Đó là một trong số hàng ngàn chiêu thức đối phó với dư luận của bọn cai ngục. Thực tế, đằng sau bãi rau này là một hệ thống nhà giam theo kiểu chuồng cọp với những buồng giam và buồng tra tấn hết sức dã man. Suốt một khoảng thời gian dài, bọn thực dân đã dùng những lời lẽ, hình ảnh hoa mỹ, giả tạo để đánh lừa toàn thể dân tộc luôn luôn yêu chuộng và đấu tranh vì hòa bình và nhân quyền trên thế giới.

Trái với khẩu hiệu luôn coi trọng nhân quyền của thực dân Pháp, chúng thẳng tay tra tấn, bốc lột, không xem những người tù Cách mạng là con người. Chúng không họ những quyền cơ bản của một con người, chúng tước đoạt của họ tự do, chúng tước đoạt quyền được sống thiêng liêng và cơ bản nhất của một cơ người. Có đâu nhân quyền khi những người tù sống không bằng chết, điều kiện hết sức thiếu thốn. Có đâu nhân quyền khi một con người có da có thịt bước vào khu "chuồng cọp", trở ra lại là một "xác sống" chỉ còn da bọc xương, đây là minh chứng rõ nét về cái thiếu ăn trong khu nhà tù Côn Đảo này. Có đâu nhân quyền khi một con người đủ chân, đủ tay, đủ ngũ quan đến khi bước ra khỏi khu "địa ngục trần gian" này, người thiếu tay, người mất chân, người không còn thấy ánh nắng mặt trời, người không còn thể nói cười với người thân,... Quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể và sức khỏe là những quyền cơ bản mà chính Pháp đã nêu lên trong bản Tuyên ngôn Dân quyền và Nhân quyền của mình, thế nhưng, thực tế họ đem lại cho những người tù chính trị khi đến chiến trường Việt Nam là gì? Nhân quyền của họ là gì? Phải chăng trong mắt họ chỉ có nhân dân Pháp và các nước phát triển là người, nhân dân các nước nhỏ, các nước thuộc địa là hình nhân cho họ mặc sức chà đạp? Pháp nói, con người có quyền tự do ngôn luận, liệu có tự do ngôn luận khi chỉ cần một tiếng thở dài, hay kêu ca của tù nhân là cả một gian tù ấy lại phải hứng chịu một trận đòn roi, một trận vôi khủng khiếp từ trên đỉnh buồng giam dội xuống?

Pháp, Mỹ và các nước phát triển khác nhận định rằng nhân quyền bao gồm cả "Quyền không bị phân biệt đối xử, được thừa nhận là con người và bình đẳng về phẩm cách và quyền lợi", "Quyền sống, tự do và an toàn thân thể, không bị bắt làm nô lệ hay nô dịch", "Quyền không bị tra tấn hay chịu hình phạt hoặc những đối xử tàn ác, vô nhân đạo, làm hạ thấp nhân phẩm", "Quyền được bảo vệ khỏi bị bắt, giam giữ hay lưu đày tùy tiện", "Quyền được xét xử công khai, công bằng bởi tòa án độc lập, không bị kết án và trừng phạt vượt quá khuôn khổ pháp luật", "Quyền được suy đoán là vô tội cho đến khi có đủ bằng chứng phạm pháp",... Nhưng thực tế, thực dân Mỹ và thực dân Pháp lại tước đoạt một cách trắng trợn và vô lý, ngang ngược những quyền này của tù nhân Việt Nam, chúng có xây bệnh xá đấy, chúng có xây khu vui chơi cho phạm nhân đấy, có xây nhà ăn, có xây lớp học đấy... chẳng qua những thứ này chỉ là những công trình để đối phó với những đoàn kiểm tra về nhân quyền của thế giới.

Sống trong nhà tù Phú Quốc - Côn Đảo, tù nhân không có nhân quyền, tù nhân không được đáp ứng những quyền và nhu cầu cơ bản nhất của một con người!

Câu 3:

Năm 1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng chính thức tuyên bố đường lối đổi mới, với nội dung cơ bản là chuyển nền kinh tế từ mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN; dân chủ hóa đời sống xã hội trên cơ sở xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân; mở cửa tăng cường giao lưu hợp tác với bên ngoài trên tinh thần Việt Nam sẵn sàng làm bạn với các nước, phấn đấu vì hòa bình, hợp tác và phát triển.

Theo xu hướng hội nhập và tất yếu của quốc tế, Nhân quyền ngày càng trở thành một quyền cơ bản, thiêng liêng và bất khả xâm phạm nhất đã, đang và luôn sẽ giành được nhiều sự quan tâm của những người dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Hiến pháp năm 1992 (Điều 50) lần đầu tiên đề cập đến thuật ngữ quyền con người và khẳng định: "Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật".

Là một người con của đất nước, cũng là một sinh viên Luật, thông qua hệ thống đào tạo chuyên sâu của Nhà trường, tôi và những người bạn của mình đã hoàn toàn ý thức được nhân quyền là gì và tầm quan trọng của nhân quyền. Nhân quyền là những quyền mà mỗi một con người cần phải có để có thể trưởng thành và phát triển một cách bình thường.

Quyền con người thể hiện trong nhiều vấn đề, đầu tiên có thể kể đến quyền được "Bảo đảm các quyền dân sự, chính trị". Biểu hiện cụ thể chính là mỗi người dân đều được bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật: Bình đẳng trong bầu cử, ứng cử, tự ứng cử; bình đẳng trong quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và nhiều dạng quan hệ dân sự khác, đặc biệt là bình đẳng trong hoạt động sản xuất – kinh doanh; bình đẳng trong lĩnh vực văn hóa – giáo dục, khoa học – công nghệ như quyền được học tập của công dân, quyền nghiên cứu, sáng tạo, chuyển giao, chuyển nhượng kết quả nghiên cứu của mọi công dân. Tôi luôn có ý thức được rằng bầu cử là quyền và nghĩa vụ của công dân, một lá phiếu đúng là một cơ hội cho tương lai của đất nước; không chỉ bầu cử mà trong các lĩnh vực khác trong đời sống như văn hóa, giáo dục, giao dịch,... tôi và những người khác là những chủ thể bình đẳng với nhau. Đối với những ý kiến sai lầm, quan liêu cũng như thiếu hiểu biết tôi sẽ luôn đấu tranh đến cùng cũng như vận động mọi người xung quanh luôn luôn phát huy sự bình đẳng và đấu tranh chống lại bất công. Sự công bằng giữa những người dân là tiền đề cơ bản cho một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh! Ngoài ra, ta còn có thể nói đến quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, cụ thể: ngăn ngừa những hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của con người (trong đó kể cả những bị can, bị cáo và những phạm nhân đang thi hành án phạt tù)... hay bảo đảm một số quyền dân sự, chính trị khác như :quyền tự do ngôn luận, quyền tự do lập hội, hội họp, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo...

Thứ hai, nhân quyền còn liên quan đến việc bảo đảm các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa. Hiến pháp và pháp luật hiện hành đưa ra rất nhiều quy định điều chỉnh, bảo vệ lợi ích của các bên chủ thể trong mỗi một quan hệ xã hội. Điều đáng tiếc là số lượng người được tiếp cận cụ thể với những "công cụ bảo vệ nhân quyền" này là không nhiều lắm. Theo thời gian trình độ dân trí ngày càng cao, vai trò của pháp luật ngày càng được đề cao, là một người đang được tìm hiểu về pháp luật, tôi luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ những người đang cần đến pháp luật mà tôi biết bằng những kiến thức mình đã được trang bị ở trường để giúp họ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Một ví dụ đơn giản, bằng kiến thức về môn luật dân sự đã học, tôi giúp bố mẹ mình soạn thảo được một hợp đồng cho thuê nhà ở, đảm bảo được quyền và nghĩa vụ cơ bản của các bên, điều này giúp cho hai bên dễ dàng trong việc sinh hoạt, trao đổi hằng ngày như nghĩa vụ sửa chữa nhà, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về nhà cho thuê bị hư hại do lỗi của người thuê,...

Nhờ pháp luật, con người ta bảo vệ được các quyền và lợi ích của bản thân và những người xung quanh! Dù không biết tương lai tôi sẽ là một luật sư bảo vệ cho thân chủ hay là một thẩm phán cầm cân nảy mực trong phiên tòa nhưng tôi chắc chắn được một điều rằng dù là ai, cương vị nào thì việc tôn trọng nhân quyền và bảo vệ nhân quyền sẽ luôn được tôi quan tâm và ngày càng hoàn thiện!

Câu 4:

Tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh là một trải nghiệm khá thú vị nhưng cũng đầy tự hào về một con người vĩ đại, người đã dẫn dắt cho dân tộc Việt Nam đến với bến bờ độc lập, tự do, hạnh phúc.

Tại bảo tàng Hồ Chí Minh, tôi được nghe chị hướng dẫn viên kể rất nhiều về cuộc đời của Bác. Cậu bé Nguyễn Sinh Cung tức Bác Hồ sau này sinh ra ở làng quê Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Xuất thân từ gia đình nhà Nho giáo nghèo nhưng cả quê nội Kim Liên và quê ngoại Hoàng Trù đều là nhữg vùng đất hiếu học nên " cậu Cung" được hưởng một nền giáo dục tốt đẹp có truyền thống từ cả bố và mẹ. Kinh tế gia đình eo hẹp nên rất thấm thía nỗi khỗ của người nghèo và cũng chứng kiến sự thất bại của những phong trào đấu tranh chống thực dân như phong trào Cần Vương, phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, phong trào Duy Tân của Phan Chu Trinh... Người sớm có chí đuổi theo thực dân, giành độc lập cho đất nước, đem lại tự do, hạnh phúc cho đồng bào.

Nói là làm, vào ngày 5/6/1911, trên chiếc tàu La-tút-sơ rời Bến cảng Nhà rồng sang Pháp, Bác với tên Văn Ba đã bắt đầu con đường cứu nước vinh quang chỉ với hai bàn tay trắng. Có một câu chuyện kể, đêm trước khi đi, bác có mời một người bạn của bạn của mình đi cùng. Người bạn ấy hỏi bác "Tiền đâu?", Bác đã giơ ra hai bàn tay trắng của mình, ngụ ý, có ý chí, có nghị lực, có sức khỏe thì tiền đều nằm trong bàn tay này. Người bạn ấy không hiểu Bác, những con người trên mãnh đất phồn hoa Sài Gòn cũng không hiểu Bác. Họ không hiểu và cũng không tin một con người với hai bàn tay trắng có thể làm được gì? Sau 30 năm bôn ba hoạt động gian khổ, chịu nhiều cảnh tù tội, Bác Hồ đã quay về lãnh đạo phong trao cách mạng Việt Nam, giành lấy độc lập tự do hạnh phúc cho dân tộc. Đây là câu trả lời của Bác và cũng như là một tấm gương cho thế hệ mai sau, muốn thành công phải có nghị lực, muốn đạt được ước mơ phải bất chấp gian khổ, muốn thành đại sự quan trọng là phải làm chứ không phải là đợi người khác đến trao cho mình, bố thí cho mình cơ hội. Bác Hồ từng đúc kết bằng một đoạn thơ như sau:

"Không có việc gì khó,

Chỉ sợ lòng không bền.

Đào núi và lấp biển,

Quyết chí ắt làm nên."

Đến thăm bảo tàng, tôi còn được thấy mô hình ngôi nhà nơi Bác ở, thấy từng dụng cụ sinh hoạt của Bác thường ngày mới cảm nhận hết rằng trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng vì nước, vì dân, dù ở bất kỳ cương vị nào Bác vẫn giữ một nếp sống vô cùng giản dị. Đó cũng chính là điểm nổi bật trong phong cách, đạo đức của Người mà chúng ta cần phải học hỏi. Ba bữa cơm của Bác rất đạm bạc

"Sáng ra bờ suối, tối vào hang

Cháo bẹ, rau măng đã sẵn sàng

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng

Cuộc đời Cách mạng thật là sang."

Có người hỏi Bác "Sao Bác tiết kiệm thế? Bác là lãnh tụ của Việt Nam thì cũng nên ra dáng của một lãnh tụ!", Người đã trả lời rằng: "Ở đời ai chẳng thích ăn ngon, mặc đẹp, nhưng nếu miếng ngon đó lại đánh đổi bằng sự mệt nhọc, phiền hà của người khác thì không nên". Hơn nữa, Bác luôn nghĩ đến người khác, có món gì ngon không bao giờ Bác ăn một mình. Bác sẻ cho người này, sẻ cho người kia rồi sau cùng mới đến phần mình và phần Bác thường là ít nhất!

Nói về sự giản dị trong cách ăn mặc của Bác, có lẽ ấn tượng nhất phải kể đến đôi dép cao su và bộ quần áo ka-ki. Đôi dép cao su được Bác dùng hơn 20 năm đến khi mòn gót phải lấy một miếng cao su khác vá vào, các quai hay bị tuột phải đóng đinh giữ. Còn bộ quần áo ka-ki Bác mặc đến khi bạc màu, sờn cổ áo. Những người giúp việc xin Bác thay bộ quần áo mới thì Bác bảo: "Bác mặc như thế phù hợp với hoàn cảnh của dân, của nước, không cần phải thay". Đôi dép cao su của Bác Bộ đồng phục của Bác. "Trên ngực áo này không một tấm huân chương và sau làn vải ngực áo này có một trái tim".

Nói về nếp sống cần kiệm của Hồ Chủ tịch, một tờ báo nước Pháp đã viết: "Sự ăn ở giản dị đến cực độ, như một nhà ẩn sĩ, đó là một đức tính rõ rệt nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một tuần lễ ông nhịn ăn một bữa, không phải là để hạ mình cho khổ sở, mà là để nêu một tấm gương dè xẻn gạo cho đồng bào đặng làm giảm bớt nạn đói trong nước. Hết thảy mọi người xung quanh đều bắt chước hành động đó của ông...". Người tiết kiệm nhưng không ki bo, kiệt xỉ, không lãng phí, phô trương.

Trong thời đại hiện nay, mỗi người Việt Nam đang dần có một cuộc sống ấm no và hạnh phúc hơn trước rất nhiều. Việc làm lương cao, "cuộc sống sang chảnh", nhiều người sẵn sàng phung phí tiền vào những việc vô bổ như mua một cây son giá vài trăm triệu chỉ để tạo xì-căng-đan nổi tiếng, ăn những bữa ăn đắt tiền chỉ để chứng tỏ mình giàu có,... Họ có thấy được, đồng cảm cho những người làm bao nhiêu năm mới có được số tiền nhỏ mà họ bỏ ra để thỏa mãn sự hư vinh của mình? Nhiều người bảo rằng, họ có tiền thì họ có quyền. Đúng vậy, nhưng đó là một sự lãng phí. Trong khi cùng với số tiền họ sẽ giúp được nhiều người, nhưng họ chỉ biết cho họ, còn đâu "5 điều Bác Hồ dạy", còn đâu tính tiết kiệm - phẩm chất đáng quý của một con người?

Bác Hồ, Người là tấm gương đạo đức cao cả, cần, kiệm, liêm, chính chí công vô tư vô cùng khiêm tốn, giản dị. Cả cuộc đời vĩ đại của Hồ Chủ Tịch là tấm gương sáng ngời chí khí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng yêu nước thương dân thắm thiết, đạo đức chí công vô tư, tác phong khiêm tốn giản dị. Người là tượng trưng cao đẹp của chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Chủ tịch Hồ Chí Minh không những là một nhà chính trị lỗi lạc mà còn là một nhà giáo dục, một nhà văn hoá lớn của cả thế giới. Hồ Chí Minh, cái tên sẽ luôn sống mãi trong lòng những người con Việt Nam yêu nước, nhân dân thế giới sẽ luôn vinh danh Bác, một con người kì tài, một biểu tượng đáng tự hào không còn gì đáng bàn cãi của dân tộc Việt Nam. "Far away across the ocean. Far beyond the sea's east-ernrim. Lives a man who is father of Indochinese people..." (The ballad of Ho Chi Minh, sáng tác Ewan McColl).

Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 9 năm 2016.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro