Chương 10 - Gió xuân

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bố mẹ trước nay vẫn là mẫu hình tình yêu lý tưởng của Hoàng Lạc Vinh. Mẹ vì phổi yếu nên không thể sống ở thành phố, thế nên từ hồi mấy tuổi đã theo gia đình chuyển về Làng Nhỏ sinh sống. Nghe nói quê của mẹ là một nơi rất xa, nhưng bà lại chẳng bao giờ kể vì ký ức với nơi ấy quá ít ỏi. Ngày đầu gặp gỡ, bố mẹ chỉ là những đứa nhóc học cấp một hiếu kỳ với mọi sự. Bố từng kể, hình ảnh đầu tiên của mẹ luôn luôn khắc ghi trong ký ức của ông. Một bạn gái chỉ hơn mười tuổi một chút bận bộ áo đồng phục trắng muốt, với mái tóc dài bay rối trong gió, tay cẳng gầy guộc như chim hạc. Có lẽ là yêu ngay từ ánh nhìn đầu tiên, ông bảo thế. Và rồi thời gian cứ thế trôi, họ quen nhau, thân nhau, những cột mốc đi qua đều đi qua với nhau. Những việc quan trọng, những người quan trọng, những mối lo, những niềm vui, mọi khoảnh khắc đều cùng nhau mà trải qua. Họ cưới nhau khi bố hai mươi bảy, mẹ hai mươi lăm. Vì lo lắng cho sức khỏe của mẹ nên bố quyết định chỉ để bà sinh con một lần. Sinh ra Vinh, mẹ phải chịu không ít cực khổ, bố luôn nhắc cho cậu nhớ điều này.

Về chuyện tình yêu, cậu thường hay tâm sự với mẹ hơn, và lần nào cũng nghe bà nói rất nhiều về bố. Rằng bà sẽ không đi xa đến mức nói rằng vì bố mà trở thành một người tốt hơn. Nhưng làm sao tưởng tượng ra được cuộc sống của bà mà không có ông ở trong đó nữa. Ai sẽ cho mẹ sự tự tin ít ỏi, niềm tin rằng mẹ cũng có thể làm tốt một việc gì đó trong đời. Với bà, bố như ngọn gió xuân đem đến cho biết bao xúc cảm, khiến thế giới rạng rỡ, tràn ngập sắc màu.

Những kỷ niệm khiến bà bồi hồi nhất bao giờ cũng là thời thanh xuân non trẻ nhưng tràn ngập yêu dấu. Hồi cấp ba, bố mẹ rất hay trốn việc đồng áng để lên tỉnh trên chơi. Để dân làng không nhận ra, họ thường làm cái việc vô dụng như là che kín mặt và ngồi ở ghế cuối xe buýt, làm như họ là người nổi tiếng không bằng. Trên những chặng xe ấy, bố hay ôm lấy vai mẹ một cách không quá lộ liễu, như để cố gắng kiềm chế sự hào hứng con trẻ của ông.

Hồi mười bảy mười tám thì bố vẫn chỉ là một đứa trẻ thích đi chơi. Mẹ kể rằng chàng thiếu niên năm ấy rất dễ rung cảm với thiên nhiên đất trời, thích đi đó đây. Và mẹ luôn luôn nghĩ rằng bố thật đáng yêu. Trên xe, mẹ sẽ ngả đầu vào vai ông, và thi thoảng sẽ lén ngẩng đầu để liếc nhìn cạnh mặt của đối phương, dù luôn được cẩn thận giấu sau một lớp khẩu trang. Bố luôn biết khi nào mẹ đang nhìn nên sẽ lặng lẽ cười, hai gò má gồ lên, đôi mắt hạt dẻ ánh lên dưới những sợi tóc mái, không nói gì...

Mãi về sau họ mới được tiết lộ rằng hồi đó cả làng đều biết hai đứa nhóc trốn đi chơi nhưng hùa nhau giấu nhẹm, không có đồn thổi gì, thậm chí ai ai cũng cho rằng bọn trẻ thật dễ thương.

Từ ngày thú nhận tình cảm, Vinh nghĩ mãi về chuyện tình của cha mẹ, và càng nghĩ cậu si mê ra mặt. Còn tự hỏi không biết nếu cậu với anh mà thành, liệu chuyện tình của mình có đẹp hơn chuyện tình của ông bà không.

Một cách thiếu kiên nhẫn, cậu cảm thấy cái nhu cầu cưỡng bách phải thể hiện cho người kia biết. Cậu năng chạm vào người anh hơn, ý là chạm một cách thân mật và xã giao như vỗ vai hay bá cổ. Những lúc cùng nhau khiêng vác cái gì chẳng hạn cũng rất thường xuyên lợi dụng để chạm vào lưng hay cánh tay đối phương.

Ánh mắt cũng bớt giấu diếm hơn xưa, thẳng thắn tán thưởng vẻ đẹp rất mực nam tính mà cũng dịu dàng hiếm có ấy. Miệng lưỡi thì thôi rồi, hở ra sẽ khen anh cái nọ cái kia. Đặc biệt mỗi khi anh giúp cậu xong việc gì đó trong chuỗi công việc vô tận của mùa xuân, cậu nhiệt thành cảm ơn và còn khen anh làm tốt.

"Cơ bắp của tôi á?"

Gã nông dân giật mình vì nhận ra vừa mới rồi cậu lại vô thức khen cơ bắp của anh săn chắc. "À, vâng, phải làm sao mới có được cơ bắp to như thế? Tôi làm nông bao năm người vẫn cứ èo uột, không có sức hút gì hết."

Anh nhếch miệng, chất bao phân bón lên thùng xe rồi đứng lại chỉ vào má cậu. "Cậu có má lúm mà. Tôi thấy điểm đó rất hấp dẫn."

"Má lúm? Làm ơn đi! Ở Làng Nhỏ, tôi suốt ngày bị trêu vì có má lúm. Gì mà hấp dẫn."

"Thế à? Trên thành phố, ai có má lúm sẽ thành người được yêu thích nhất đấy. Chất liệu hot boy luôn nha."

"Anh nói xạo. Má lúm khiến mặt tôi khi cười nhăn nheo như quả táo tàu."

Lâm há miệng cười sang sảng. "Táo tàu gì chứ? Có má lúm đáng yêu mà! Cậu đáng yêu phết đấy chứ. Tự tin lên cái coi!"

Tự tin? Anh có biết cậu mà tự tin thì sẽ làm gì không? Cậu mà tự tin thì sẽ lập tức tỏ tình với anh luôn chứ ở đấy mà đùa! Đúng là người thành phố không biết nhìn xa trông rộng.

Vinh lắc đầu, gàn cái suy nghĩ ấy đi. Trên đường lái xe về làng, cậu nghĩ mãi về việc tỏ tình. Chiều xuân hôm ấy anh và cậu lười biếng nằm nghe những giai điệu du dương của Arvo Pärt, để cho hồn mình say theo hương xuân còn chưa chín tới, lòng đã dẹp hết ngại ngùng mà tiến đến để chạm vào người kia, là chính khi ấy lời tỏ tình suýt chút nữa đã bật ra trên môi.

Bầu không khí ấy, ánh mắt ấy, những cử chỉ, gợi ý và sự tương hợp giữa hai tâm hồn đều đã chín muồi, đều đã ám chỉ cho một cái gì đó ngọt ngào, vừa vặn và thật đúng đắn... Thế mà lời yêu vẫn không thể nói ra.

Lâm giữ yên lặng trên những chặng đường xa, việc nặng việc nhẹ dù ngoài đồng hay trên sổ sách, anh luôn luôn đồng hành với một sự tin tưởng tuyệt đối. Anh ham học, thấy cái gì cũng hỏi, cũng làm và luôn luôn ghi nhớ những điều quan trọng.

Sự gần gũi của chiều xuân ấy không thấy đến thêm lần nào nữa. Họ trở lại là họ như ngày thường vẫn thế và đôi khi Vinh tự hỏi liệu có phải khoảnh khắc ấy chỉ là một giấc mơ đẹp hay không? Một ảo ảnh cậu tự vẽ ra?

Suốt ba tháng xuân người thành phố lẽo đẽo theo cậu đi hết thôn ngoài thôn trong. Và có điều này cậu đã không lường được, đó là phản ứng của bản thân khi chứng kiến tận mắt cái cảnh anh dai thành thị bị bủa vây, tán tỉnh, ngỏ lời bởi các cô nàng đã đến tuổi cập kê. Vinh cứ tối tăm mặt mũi lo công việc nên cũng chẳng giải cứu cho anh được nhưng nếu nói cậu không ghen một tí nào thì là nói dối.

Không phải ghen vì anh không nề hà mà còn vui vẻ đáp lại đôi câu bông đùa của người ta. Ghen vì cậu không có gan để làm được việc tương tự, kể cả chỉ là một câu tán tỉnh vu vơ vô hại mà thôi.

"Mình có thể làm tốt! Mình sẽ làm tốt hơn mấy bà già ấy. Mình sẽ nghĩ ra hàng trăm câu tán hay nhất. Mình còn có thể làm thơ nữa! Hừ!" Cậu thầm nhủ, tự an ủi sau lần thứ mười không thể nói ra cái câu 'bồ công anh bay khi có gió, em chỉ cười vì ở đó có anh'. Lý do thất bại nằm ở chỗ cậu sợ anh sẽ nhìn mình bằng con mắt kỳ khôi, hoặc tệ hơn, cười cho thối mũi. Vốn dĩ ngày nào cũng chỉ chăm chăm giở giọng sai khiến, đối phương làm sai một cái mặt mũi cậu liền khó đăm đăm, giờ đột nhiên quay ra tán tỉnh nịnh bợ bằng mấy cái câu lấy trên mạng, người ta không sợ mới là lạ.

"Hay là dẹp xừ nó tán tỉnh đi, cứ nói thẳng là em thích anh, anh cứ ở đây em nuôi anh béo tròn như con heo nhà lão trưởng làng. Hì hì."

Vừa thọc tay vào bao xem hạt giống, Vinh vừa nghĩ rồi lại thở dài ngao ngán vì nghĩ mãi không ra được ý nào hay. Câu nào nghe cũng hay lắm, nhưng sợ là vào tai người thành thị lịch sự có học thức sẽ không được lãng mạn. Để tự khiến bản thân vui lên, cậu đem mình lên bàn cân với các chị, nếu chi li ra thì cậu, Hoàng Lạc Vinh, mới là người được sống cùng nhà với anh chứ chẳng phải ai khác. Và như thế, đương nhiên cơ hội cậu có nhiều hơn, lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, vấn đề nằm ở lá gan có đủ to hay không mà thôi.

Dù thế, chứng kiến bấy nhiêu sự ve vãn trước mặt mà chẳng làm được gì cũng đủ để cậu giận dỗi vu vơ không nói không rằng đến nửa ngày trời. Ngồi trong xe anh cứ tìm cách bắt chuyện nhưng đáp lại cậu đều im thin thít, nhất quyết không hé răng. Cho đến khi đôi giày đột nhiên được đề cập.

"Cậu không thích đôi giày tôi tặng à? Không thấy cậu đi."

Vinh liếc sang nhìn nét mặt anh, thấy người kia cũng có vẻ hơi dỗi, cứ nhìn xuống đôi ủng cũ cậu cố chấp tha lôi đi mọi nơi dù nó đã cũ lắm rồi.

"À... giày đẹp, tôi định để dịp đi chơi sẽ đi. Ra đồng ra ruộng thì đi giày đó làm gì?"

"Ừm... tùy cậu thôi."

Thấy vẻ mặt phụng phịu kia, cậu cũng hết dỗi luôn, liền nở một nụ cười hối lỗi.

"Mà này, anh có biết, những cặp đôi thường không tặng giày cho nhau vì sợ người được tặng sẽ rời người kia mà đi. Cho nên khi bạn trai hay bạn gái tặng giày, thường thì người ta sẽ mua lại một cách tượng trưng. Bọn yêu nhau nhiễu sự ghê."

Không biết có phải do pha trò không vui nên mặt anh chợt tư lự vẻ khó đoán. Và câu nói tiếp đó anh thốt ra, Vinh không tài nào có thể đoán trước được.

"May mà tôi với cậu không phải người yêu."

Vậy là có ý gì, Vinh không hiểu nhưng bản mặt cậu không khác gì đèn giao thông, vừa đỏ ửng rồi chuyển sang tái mét. Nghĩ càng kỹ càng thấy rối rắm, đầu óc cậu tự suy diễn ra cả vạn lý do cùng một lúc. Là giận vì họ không phải người yêu hay anh đang đáp cái sự thật ấy vào mặt để cho cậu tỉnh ra? Thực sự là thế sao? Thực sự cùng một ý tứ như khi người ta muốn khéo léo từ chối ai đó, có phải không?

Không biết nói gì, Vinh ngậm miệng thật chặt, chú tâm lái xe thẳng về nhà, thầm chửi mình ngu ngốc. Cậu chỉ muốn mua vui nên lôi cái chuyện mê tín dị đoan của bọn yêu nhau ra nói chứ nào có muốn ám chỉ cái mẹ gì đâu? Thế mà anh lại tạt một gáo nước lạnh vào mặt cậu thế này.

"May mà không phải người yêu sao?"

Cậu trốn trong phòng, lấy từ trong góc phòng ra đôi giày được tặng và ôm vào lồng ngực, nhỏ vài giọt nước mắt rồi mới đi làm cơm. Cậu quyết định không để tâm nữa, tuyệt đối sẽ không tự thuyết phục mình rằng mọi chuyện đã vô vọng chỉ vì một lời nói bâng quơ. Cậu cũng chưa hề tỏ tình, nếu đã bi quan có phải quá sớm rồi không.

Trưởng làng hôm nọ cho cho con gà mái. Nay cậu tự tay giết gà, vặt lông, rồi chặt ra thành khúc. Việc này không nhờ được người thành phố vì họ thấy việc cứa cổ một con vật đang còn sống sờ sờ ra đấy là rất gớm. Lâm phụ việc đi nhổ củ gừng trong vườn để làm món gà rang. Cậu định nửa con rang, nửa con làm gà xào nấm chia ra ăn hai bữa.

Lâm cứ đi ra đi vào, thực sự biến thành một vật quấn chân, đụng cái gì là đổ là rơi cái đó, khiến cậu càng thêm tức tối. "Anh ngồi một chỗ đi, không cần giúp gì đâu, tôi lo được."

Cuối cùng thì chàng trai đô thị cũng chịu ngồi xuống bàn đợi đến giờ ăn, miệng vẫn cố phân bua rằng hàng ngày anh không vô dụng đến mức ấy, không hiểu sao hôm nay lại vụng về như vậy.

Vinh nửa giận nửa không, chán trò mua vui rồi nên miệng cứ câm như hến, đứng sừng sững trong bếp tay đảo nồi gà lia lịa. Mua vui cho người ta mà lại chỉ buộc cái bực mình vào người thì nên im đi cho xong.

Cho đến khi anh hỏi một chuyện chẳng liên quan.

"Cậu vất vả cả mùa xuân như vậy, làng có trả công không?"

Vinh ngẫm nghĩ khá lâu bởi người hỏi lại là người ngoài, nhưng cuối cùng vẫn chọn trả lời thành thật, tuy có chút miễn cưỡng. "Có trả công, mỗi mùa xuân tôi đều được nhận một khoản thù lao nhỏ từ trưởng làng, ngoài ra không nhận thêm bất cứ cái gì khác. Nói chung khoản tiền ấy chỉ mang tính chất bồi dưỡng và thay lời cảm ơn của mọi người, nên tôi vẫn nhận. Trong lòng tôi vẫn muốn nghĩ mình đang giúp đỡ mọi người hơn."

Món gà cũng xong, được đơm ra đĩa lớn và để vào giữa bàn ăn. Lâm dè dặt nhìn những khúc gà vàng óng ánh thơm phức dưới ánh đèn và khác với vẻ háu ăn mọi hôm, anh bỗng nhiên chắp hai tay lại như đang cầu nguyện.

"Anh làm gì thế?"

"Dù gì sáng hôm qua tôi cũng đem vài hạt thóc cho con gà này ăn. Giờ nó thành thức ăn cho tôi nên muốn cảm tạ lòng thành của nó."

Vinh nhăn mặt và dù đã nhịn, cậu vẫn cứ ngửa cổ ra cười cho đã. Người đô thị quả thật hài hước.

"Anh nói thế là muốn biến tôi trở thành kẻ xấu ở đây đúng không?"

"Đâu có. Tôi cũng rất biết ơn cậu đã vất vả làm gà rồi nấu nướng kỳ công như thế. Đi làm về mệt vẫn còn phải lăn vào bếp trong khi tôi thì chẳng được việc gì." Trông gương mặt anh tỏ vẻ hối lỗi rất chân thành nên Vinh quyết định giờ đã đến lúc nên bỏ qua tất cả. Chuyện tình ái cứ để ông trời tính thôi, không thể miễn cưỡng.

"Không sao đâu. Anh ăn đi. Tôi thích nấu nướng mà."

Cùng anh ăn một bữa cơm đơn giản một ngày mùa xuân đối với Vinh mà nói là một điều quý giá. Trước mùa đông, cậu còn chẳng dám mơ cái ghế trống đối diện phía bên kia bàn ăn sẽ có người ngồi vào. Và cũng chẳng biết niềm hạnh phúc nhỏ nhoi của cậu sẽ còn kéo dài được bao lâu. Thế nên cậu đã quyết định, thay vì phí hoài vào mỗi giây phút những phiền muộn vu vơ, chi bằng hãy thành thật và mở lòng, chắc chắn cậu sẽ không hối hận.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro