Chương 7 - Làng To

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Năm mới đến, vào một ngày đông tạnh ráo tuyết ngừng rơi, Lâm nằng nặc đòi được đưa đi Làng To thăm thú một chuyến. Vinh từ chối thế nào cũng không được, đành trưng dụng cái xe đạp để chở người đô thị đi chơi. Ở trong nhà tránh rét lâu ngày âu cũng chán, coi như một dịp ra ngoài để đổi gió. Với cả hôm trước anh cũng đã rào trước, nếu có khi nào chán Làng Nhỏ quá thì sẽ đi tỉnh trên, đi Làng To cho khuây khỏa, cho nên không thể nói là cậu bị bất ngờ được. Nhưng sâu trong lòng Vinh vẫn cứ hi vọng anh sẽ không thấy chán, rằng với anh việc ngày nào cũng uống trà gừng, ăn khoai lang nướng, nghe cậu tâm sự và đi xúc tuyết mới thú vị biết bao! Cậu trông mong cái quái gì chứ. Dù thế, đằng thẳng ra mà nói, bắt người ta cứ ru rú quanh quẩn trong nhà thì cũng không phải cách.

Đấy, nói đến tâm sự, cũng đã có tâm sự được gì đâu, vì cái câu lần trước cậu bất cẩn nói ra nên suốt những ngày sau đó cả hai ngượng ngùng với nhau. Muốn mở lời trong tình trạng ấy cũng khó, sợ rằng chọn từ ngữ không cẩn thận, đối phương lại suy nghĩ với cả 'xao động'.

Nhưng phải nói một điều: hôm đó cậu biết rõ mình muốn nói gì và đã nói gì. Hoàn toàn một chút hối hận cũng không có.

Phản ứng đó của anh gây ra một sự thất vọng ghê gớm. 'Xao động' tức là cứ im ỉm, tránh tiếp xúc và chẳng chịu nói gì sao?

Ngậm tức tối trong lòng, Vinh hùng hục đạp xe phi như bay dù đường đi có dốc lên dốc xuống. Được nửa đường, chắc vì tởn cái tốc độ bàn thờ này quá nên Lâm nhảy xuống đòi đạp thay.

Ngồi sau dáng lưng cao gầy của anh, trong lòng cậu càng thêm bức bối. Gió đông lạnh buốt thế mà sao gò má vẫn có cảm giác ấm nóng lạ lẫm, bụng dạ cứ râm ran nhộn nhạo. Từ ngày gặp người này, đã bao nhiêu bận cậu rơi vào tình trạng đó? Rốt cuộc là vì cớ gì lại ra cơ sự này?

Ở một con dốc xuống, Lâm đột ngột phanh gấp khiến cậu ngã dúi về trước, trong điều kiện cấp bách bị quy định bởi lực tự nhiên mang tên 'quán tính', không có cách nào khác, hai cánh tay cậu đành tóm chặt lấy người phía trước.

"Xin lỗi. Có con chim đáng ghét nhảy ra từ bụi cây!"

Vinh hoảng thì có hoảng nhưng thực ra cũng nhân cơ hội này không chịu buông ra nữa, thậm chí như được tiếp máu gà, cậu bạo dạn gục đầu vào tấm lưng vững chãi trước mặt. Vào cái cảnh này rồi, người ta mới thấm thía lý do vì sao bọn con gái hay giả vờ yếu đuối để được bạn nam chăm sóc bảo vệ. Nhưng cớ gì lấy chuyện đó ra để so sánh thì Vinh vẫn cố chấp không muốn thừa nhận. Cậu với anh là hai gã trai bộc trực thẳng thắn, tính tình, gia cảnh, mọi thứ đều khác biệt. Anh đến từ chốn đô thị cậu chưa từng một lần đặt chân tới, một thế giới mà đối với cậu vừa là niềm đau, vừa là điều bí ẩn. Còn cậu chỉ là một gã nông dân tính tình ẩm ương trái gió trở trời, vì quá cô đơn nên ngộ nhận mọi sự đồng hành mà thôi.

Cả hai chẳng biết gì về nhau. Cả hai chỉ mới trải qua có hai mùa bên nhau.

"Rẽ vào đây à?" Anh hỏi và cậu gật đầu, nhưng nhớ ra anh ngồ đằng trước đạp xe không thể quay đầu lại nhìn được nên cậu đành lên tiếng.

"Vâng, rẽ vào đây và đi khoảng hai trăm mét là tới nhà ông bà tôi rồi."

Lâm dừng xe được một lúc rồi cậu mới miễn cưỡng thả tay ra khỏi eo của anh, chậm chạp bước xuống. Bỗng nhiên anh miễn cưỡng chỉ ra cái điểm vô cùng không cần thiết ngay lúc tâm trạng cậu đang đảo điên thế này.

"Cậu ôm chặt ghê nhỉ? Tôi đi nhanh quá cậu sợ hả?"

Vinh hắng giọng, ra vẻ ôn tồn giải thích. "Anh toàn phanh gấp còn gì! Người ta bảo người thành phố không biết đi xe đạp quả không sai!"

Lâm vênh mặt cười khẩy lập tức đốp chát như thế diều hâu vồ mồi. "Tôi không biết đi thì tôi nhận. Nhưng cậu lại ôm chặt cứng cái người không biết đi, nhỡ lao xuống vực thì cậu cũng toi đời."

Hết cãi nổi, Vinh nhặng xị quát lên. "Mặc kệ tôi, có lao xuống vực với anh cũng mặc kệ tôi."

Chàng nông dân quay người đi thẳng đến trước trước cửa nhà, cứ thế mở toang ra và gọi lớn. "Ông bà bố mẹ! Con đến chơi rồi đây! Mau ra tiếp!"

Từ trong bếp, mẹ ngó ra nhìn. "Ơ, tự nhiên đến à? May quá đang nấu cơm, vào nghỉ rồi chuẩn bị ăn trưa luôn! Mà ai thế kia?"

Mùi đồ ăn thơm nhức cả mũi khiến cậu có chút xao nhãng. Lâm đã nhanh nhẹn cất lời lời chào hỏi. "Cháu chào cô, cháu là Lâm, hiện đang ở nhờ nhà em Vinh ạ."

Em? Mặt cậu tự tiện nóng lên bởi sự kỳ khôi của bản thân, trong cả đống chữ, cậu lấy ra có duy nhất một từ để vào đầu. Vinh lúng túng chỉ trỏ và giới thiệu một cách hết sức đại khái. "Thì đấy, nhà trống hoác nên cho giờ thuê trọ đó mẹ. Bố đâu? Ông bà đâu?"

"Bố đến nhà bác trưởng làng. Bà sang nhà hàng xóm ăn mứt hạt dẻ còn ông thì ở ngoài vườn. À! Cậu... gì... à cậu Lâm, có ăn mứt hạt dẻ không để tôi đi lấy. Gớm, đẹp trai quá thể!"

Không cần đợi sự đồng ý, bà nhanh nhẹn lấy ra hộp mứt lớn nhất, múc ra hai đĩa con, mỗi đĩa có năm viên hạt dẻ vàng óng bóng ngậy được ngâm nước đường được pha cùng một số gia vị khác. Mứt dậy mùi thơm ngọt, và cực kỳ kích thích vị giác. Nét mặt Lâm sáng lên khi thấy món ngon, nuốt nước bọt ừng ực. Hồi mùa thu đã từng chiêu đãi anh món này một lần và vì quá hợp khẩu vị nên anh nhớ mãi, cứ đòi ăn thêm nhưng tiếc là năm nay cậu làm không nhiều, còn lại bao nhiêu đem cho bạn hàng ở tỉnh trên, nên Lâm chưa có cơ hội thưởng thức lại. May mà rừng ở Làng To rộng hơn, nhiều hạt dẻ hơn nên mẹ đã làm được mấy bình lớn, ăn hoài không hết. Nhớ không nhầm bà có nhắc cậu đến lấy về một hộp nhưng vì quá bận nên Vinh quên mất.

"Ồ, lần này lại có vị khác này!" Lâm reo lên, miệng nhai nhồm nhoàm.

Mứt hạt dẻ ăn như bánh mochi, chỉ khó ở đoạn bóc vỏ tách hạt còn chế biến thì không khác gì các loại mứt khác. Nhà nào có rượu thì cho rượu có tương thì cho tương, mẹ thích mứt hoa quả nên cũng bỏ công thử nghiệm các loại vị.

Ăn mứt xong cảm thấy có chút dư thừa năng lượng, cậu định bụng sẽ anh đi quanh nhà chơi. Ra đến vườn sau, gặp ông nội đang ngồi bày bàn cờ vây, Lâm tiến tới chào hỏi vài câu, rồi đột ngột xin chơi với ông một ván. Không ai bảo ai, mọi người trong nhà đều ngạc nhiên trước đề nghị táo bạo này, đặc biệt là ông nội. Trông người thành phố hiện đại lại trẻ trung như vậy, không ai nghĩ lại chơi cái trò chơi cổ xưa chán òm ấy. Hồi nhỏ ông từng dạy cậu chơi thử, nhưng không có khiếu, nên cậu học mãi vẫn không hiểu luật cơ, đến giờ thì chính thức quên tiệt từ cách cầm cờ sao cho đúng. Vinh tìm một xó vừa xem cặp địch thủ kỳ lạ kia chơi, vừa ngắm vườn.

Vườn không lớn nhưng lại vô cùng hài hòa, có non bộ xanh xanh, cây cối, hoa lá được trồng hầu như không thiếu loại nào trong vùng, dù là mùa đông vẫn xum xuê che cả lối đi. Có một ao sen nhỏ đặt ngay chính giữa khuôn viên, đáng tiếc mùa này không có sen nở, nếu đến thăm vào mùa hè, cậu sẽ được chiêm ngưỡng từng đám sen hồng xuyến điểm, nở bừng giữa khu vườn xanh mát. Ngay bên cạnh ao có đặt một bàn đá nho nhỏ cùng vài cái ghế đá thấp, phía đối diện có một cái ghế gỗ dài – dùng để nằm thì thích hợp hơn để ngồi. Trên bàn đá, một già một trẻ đang ngồi đó, chú mục vào bàn cờ.

"Anh học cờ vây ở đâu vậy?" Vinh ngả ngớn trên ghế gỗ, miệng ngậm nhánh cỏ, lên tiếng hỏi chơi.

"À, ở thành phố tôi có thằng bạn là kỳ thủ, nó dạy tôi chơi cờ, lần nào gặp chúng tôi cũng thức đêm đấu cờ với nhau." Anh quay ra nhìn cậu và nở một nụ cười hết sức tự tin.

"Chắc bạn anh mạnh lắm."

"Mạnh chứ, nó chống lại ý bố, tự kiếm tiền học cờ, tự mình đi thi lên chuyên nghiệp, mất ba lần thi mới đỗ. Những đứa tự lực cánh sinh như thế là mạnh nhất đấy."

Nghe cứ như phim ảnh xa vời nào đó. Vinh gật gù, nát óc chiêm nghiệm xem lời anh nói có nghĩa là gì. Cậu không biết ai quanh mình giống như thế. Những đứa trẻ sinh ra, lớn lên và gắn bó với miền quê thường không ham những sở thích xa xỉ vô ích, càng không biết nổi loạn và chống đối bậc sinh thành để theo đuổi ước mơ cá nhân. Ước mơ ư? Nếu có dám nuôi ước mơ, một đứa trẻ nhà quê sẽ chọn ước mơ nào đó thật thân thuộc, không bao giờ tách biệt với ước mơ của cha mẹ. Như là dựng vợ gả chồng, như là có thêm nương ruộng để cày cấy, sắm sửa máy cày máy tuốt lúa, hay xây thêm mái nhà cho con cho cháu sau này.

Cậu cũng không ngoại lệ. Kể cả có bằng đại học, Vinh cũng chưa bao giờ cho rằng đó là ước mơ.

"Ái chà!" Bỗng ông nội cảm thán một tiếng, tay vỗ cái đét vào đùi.

"Ông thua sao? Chẳng có nhẽ?" Vinh ngạc nhiên, nhổm dậy nhìn bàn cờ dù cậu chẳng hiểu gì. Ông lắc đầu, tặc lưỡi.

"Chưa thua nhưng cũng xây xẩm mặt mày." Thế thì lạ thật đấy, ông chơi cờ mấy chục năm, tham gia không biết bao nhiêu cuộc thi của hội cờ người cao tuổi, năm nào cũng khăn gói lên tận thành phố để tranh tài, thậm chí đã từng rinh được cúp về làng mấy lần, thế mà lại bị một thằng nghiệp dư làm khó sao?

Hơn nửa tiếng trôi qua, Lâm vẫn đang nghiêm túc ra sức chống trả sức cờ của ông nội. Vẻ bắng nhắng hàng ngày, không, thậm chí vừa mới trên đường đến đây thôi đã biến mất, thay bằng sự điềm tĩnh lặng lẽ khi anh tập trung tính toán mỗi nước cờ. Dáng vẻ xa lạ cứ như một người nào đó khác này làm cậu thấy khó hiểu. Cờ vây có sức hấp dẫn lớn thế sao?

Vinh đã đi ra đi vào được bảy bận, lấy ra cây kem thứ sáu để mút, vậy mà ván cờ vẫn chưa hạ màn. Nhưng không phải đợi lâu, đúng lúc này, ông nội thở dài và trịnh trọng lên tiếng.

"Lão thua rồi. Tính kiểu gì cũng thua hai mục, đánh thêm phí thời gian. Haha."

"Ông nhường cháu rồi. Hehe." Lâm hí hửng dọn quân cờ, quay sang vênh mặt khoe với cậu.

Vinh ngạc nhiên đến sững người. "Anh thắng sao? Ông nội tôi tuy không phải dân chuyên nghiệp nhưng trình độ không ngán kỳ thủ xịn đâu nhé. Ông còn đi thành phố đánh cờ cơ mà, năm gì giật được cúp hẳn hoi."

"Thắng trung bàn. Hehe." Người đô thị vẫn hí ha hí hửng, miệng nhành ra cười không ngậm lại được.

Dù ông cứ đòi đánh tiếp ván nữa, Lâm xin hoãn đến sau bữa tối để cùng cậu đi thăm thú Làng To.

Cậu đưa anh đi xem khu nhà kho và vườn sau. Cả cơ ngơi của ông bà rất rộng, nhà trên nhà dưới có khi đủ chỗ cho năm sáu người ở. Bên ngoài vườn có cả nhà kính trồng rau, hoàn toàn khác biệt với khu vườn hẩm hiu của cậu.

Vinh dẫn Lâm đi một vòng xem đồng ruộng của làng. Vì là mùa đông nên cũng không có gì đặc sắc. Đâu đâu cũng chỉ có tuyết trắng xóa, Nếu đến Làng To vào mùa thu hoạch hay lễ hội thì khác, đông đúc nhộn nhịp không thở nổi. Cảnh sắc Làng To cũng không khác ở Làng Nhỏ là mấy có cái quy mô mọi thứ cũng to hơn. Dân cư đông hơn, nhà cửa to hơn, núi rừng ao hồ ruộng lúa đều rộng lớn hơn. Thậm chí cả các loại gia cầm dường như cũng nặng cân hơn thì phải.

"Vậy anh đã hiểu tại sao lại đặt tên như vậy chưa?"

Lâm vuốt cằm gật gật vài cái, ra vẻ đã thấm nhuần tư tưởng.

"Trên rừng còn có khu trồng nấm. Trong làng có cả chục khu trang trại nuôi gia cầm gia súc. Đầu làng còn có cả siêu thị lẫn tạp hóa. Nhưng đáng nể nhất, dân Làng To chung tay còn sở hữu một thương hiệu nông sản sạch cũng khá nổi, buôn bán quanh năm. Bố mẹ tôi cũng là một trong hai mươi chủ sở hữu đấy. Nói chung, ở Làng To người ta sống một đời sống nông thôn hạng sang Làng Nhỏ không có bì được."

"Nghe cậu có vẻ ghen tị?"

Vinh bĩu môi thú nhận. "Có chút chút. Nhưng mà biết sao được. Nhân lực ở đây đông hơn, đất đai cũng màu mỡ hơn, lại gần đô thị hơn. Tóm lại có nhiều điều kiện phát triển hơn Làng Nhỏ nhiều."

Anh cười vẻ an ủi. "Nhưng mà cái bằng đại học của cậu không phải có ích hơn nếu cậu về đây ở sao? Tài thì phải được dùng đúng nơi mới phát huy được chứ?"

Một câu hỏi hay. Một câu hỏi không phải ai cũng hỏi. Vinh mất nhiều thời gian để trả lời hơn cậu nghĩ.

"À... tôi... chắc do cái tính của tôi... Nếu anh đi một vòng quanh Làng To anh sẽ thấy nhịp sống ở đây khá nhanh. Phải nhanh như vậy Làng To mới phục vụ được cho một thị trường lớn. Còn ở Làng Nhỏ, tất cả những gì chúng tôi làm là sống hòa hợp với thiên nhiên, cố gắng gìn giữ đất đai, nguồn nước. Hoàn toàn không có tham vọng kiếm tiền. Trong một khía cạnh nào đó, phong cách sống ấy làm tôi rất nể người dân Làng Nhỏ. Tôi biết... cái suy nghĩ cổ hủ lãng mạn này chẳng giúp gì cho bản thân nhưng..."

"Tôi hiểu rồi."

Câu này khiến Vinh phải ngước nhìn. Trông anh rất tự đắc. Không hiểu nghĩ thế nào mà lại tự đắc thế. Cậu không nói nữa, hết chỗ để xem thì liền dắt khách về ăn cơm.

Lâm rất khéo nói chuyện, hoàn toàn duyên dáng trả lời mọi câu hỏi của gia đình cậu, nhưng vẫn chẳng cho biết gì thêm vì lý do anh bỏ phố về quê. Những người tò mò đành phải tự hài lòng với những suy đoán của mình. Có lẽ anh bị đào thải bởi sự cạnh tranh khốc liệt ở chốn phồn hoa. Có lẽ là do thất tình. Có lẽ không hòa hợp với cha mẹ.

Cậu chẳng rõ, càng không rõ liệu bản thân có muốn biết hay không. Cậu chỉ hi vọng anh ở lại càng lâu càng tốt.

Chiều, đang ngồi giúp mẹ nhào bột để làm bánh nếp cho bữa cỗ buổi tối, giữa lúc tán dóc thì mẹ mới nhớ ra, bảo.

"À này, quên không nói, con mèo nhà mình lại đẻ rồi đấy. Mới đẻ tháng trước, con con nó mở mắt rồi."

Vinh bỏ cả bánh với bột để đi tìm mèo. Chuồng mèo nằm ở khu sân sau, đã được ủ rơm đầy đủ để chống lạnh. Con mèo mẹ thực ra được chính cậu đem về từ hồi năm cuối trung học. Hè năm ấy, trong một lần cùng đám bạn trốn học đi tỉnh chơi, lúc đứng đợi xe buýt về làng, cậu bỗng nghe thấy tiếng mèo kêu yếu ớt từ đâu bay đến. Đi tìm thì thấy tiếng mèo phát ra từ một cái hộp giấy bị bỏ lại ở gần một bãi phế liệu, cách chỗ cậu đứng khá xa. Khó có thể nói tại sao xa như thế mà Vinh lại nghe được, chỉ biết đổ lỗi cho nhân duyên. Vinh thương hại con vật nhỏ bèn không ngại bẩn thỉu, ôm khư khư cái hộp cả chuyến xe đem về nhà. Nó sống từ đấy đến tận bây giờ, lại còn đẻ được mấy lứa mèo con.

"Ồ, nói vậy thì con mèo này rất may mắn vì đã gặp được cậu đấy chứ!" Anh lấy tay vuốt nhẹ đầu của mèo mẹ, nhận xét một câu khiến cậu mát lòng mát dạ.

Bỏ mèo con vào lòng bàn tay, cậu chăm chú nhìn nó ngáp. Mèo sinh được một tháng đã bắt đầu mở mắt, trông rất đáng yêu. "Anh nghĩ thế sao? Thật ra nhìn nó tôi chỉ nhớ về hồi cấp ba, khi đó vẫn còn bạn bè cùng trang lứa, thi thoảng bỏ học đi chơi cũng vui, giờ thì chúng nó lên thành phố sống hết rồi."

"Ái chà, boy này cô đơn quá nhỉ. Nhưng nếu sống một mình buồn thì sao không lấy một con đem về nuôi, nó đẻ nhiều thế này cơ mà? Chăm thú cưng cho nhà cửa bớt hiu quạnh."

Vinh lần nữa trầm ngâm vì câu hỏi của anh. Hôm nay anh hởi thật nhiều câu khiến cậu phải suy nghĩ. Những câu không ai hỏi bao giờ. Và Vinh băn khoăn liệu đó có phải là do người thành phố suy nghĩ nhạy bén hơn chăng?

"Tôi sợ... tôi sẽ làm nó chết. Nhỡ đâu đấy. Hồi mới đưa về nó vẫn còn rất nhỏ nên tôi nghĩ để nó theo bố mẹ về đây sống thì sẽ được chăm sóc tốt hơn. Làng To khí hậu không quá khắc nghiệt, lại có nhiều người, nhiều vật nuôi, nó sẽ đỡ buồn."

"Thì đợi chúng nó lớn thêm chút nữa. Ôi chao, đúng lo bò trắng răng, sống được hết ấy mà." Dù anh đã nói vậy rồi, cậu vẫn thở dài ngao ngán. Nói thì dễ lắm.

"Tôi không có đủ tự tin. Tôi sợ nhỡ đem về chúng nó lại chết ra đấy... Sợ lắm."

Với cây cỏ Vinh không có mặc cảm ấy nhưng với vật sống, không ai dạy cậu phải làm thế nào mới đúng.

Lâm ngẫm nghĩ gì đó, rồi chợt thốt lên. "Thế cứ coi tôi là thú cưng đầu tiên của cậu đi! Hehe. thú cưng này không chết được đâu. Sau này nhận nuôi con gì thì cứ nhớ lại lúc nuôi tôi là được."

Vinh trố mắt nhìn bản mặt đẹp trai nhưng hoàn toàn thiếu nghiêm túc bên cạnh, cau mày một cái khiến nụ cười nhăn nhở của anh biến mất. "Anh nói cái gì thế?"

"Thì đấy! Tôi không ngại."

Cậu gắt lên. "Anh không phải thú cưng. Anh... là con người. Khác mà."

Lâm lắc lắc cái đầu, thè cái lưỡi ra như trêu ngươi. "Chả khác. Ở thành phố ai cũng bảo tôi giống chó golden đấy."

Không hiểu sao, Vinh tỏ ra cực kỳ cố chấp trong trò đùa này. "Với tôi, anh chỉ là anh thôi."

Thấy mình hình như lại nói cái gì đó gây hiểu nhầm, Vinh vội lấy hai tay che đi khuôn mặt đang đỏ lên nhanh chóng và quyết định, trong tình huống này, chạy là thượng sách. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro