Bài văn hay

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hãy đọc và thưởng thức bài văn 10 điểm của Bùi Thảo Anh 

Đề bài: Trong tác phẩm "Hai đứa trẻ", Thạch Lam viết: "Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ của họ". Bằng hiểu biết của em về tác phẩm, hãy lí giải câu nói trên.

Bài làm của Thảo Anh 

Trong các nhà văn lãng mạn hiện thực (1935 - 1940), Thạch lam luôn có một phong cách riêng biệt không lẫn với bất kì ai. Ông không đề cập tới tầng lớp trên của xã hội như Khải Huy, Nhất Linh, cũng không châm biếm sâu cay như Vũ Trọng Phụng, không cao trào, gay cấn kịch tính như Ngô Tất Tố hay Nam Cao.... Văn của ông có cái gì khiến người đọc phải sa vào, phải uống lấy. Như giọt mật, như cái gì dịu ngọt chăng tơ ở đâu đây: mềm mại, uyển chuyển, nhẹ nhàng tựa một bài thơ, bài hát có nhịp điệu. Ông đề cập tới tầng lớp dưới của xã hội, ông hướng ngòi bút vào những kiếp người nhỏ bé nghèo khổ sống trong bóng tối mịt mù của sự nô lệ thời kí ấy. Để qua đó nói lên khát khao, ước mơ và hy vọng của họ. 

Truyện ngắn "Hai đứa trẻ" là một ví dụ tiêu biểu cho giọng văn Thạch Lam. Truyện mà không có cốt truyện, "Hai đứa trẻ" chỉ đơn thuần vẽ ra một khung cảnh phố huyện chiều về. Nhưng nó lại hấp dẫn người đọc và để lại ấn tượng sâu sắc. Bằng những chất liệu thực sự của cuộc sống, ông vẽ ra một chiều sâu hun hút, chiều sâu của cuộc sống nghèo khổ nơi phố huyện, chiều sâu của long người và chiều sâu của ước mơ, khát vọng: "Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ của họ". 

"Trong bóng tối". Bóng tối ngập đầy, bủa vây phố huyện nghèo chỉ trong một loáng. Cái mầm mống đầu tiên báo hiệu bóng tối xâm lấn là hình ảnh lũy tre làng "đen lại và cắt hình rõ rệt" trên nền rực rỡ của phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn. Rồi từ đó, bóng tối cứ nhân rộng lên, bủa vây ra như nuốt chửng phố huyện, bao trùm lên mọi thứ. "Đường phố và ngõ con chứa đầy bóng tối, tối hết cả, con đường thăm thăm ra sông, con đường qua chợ về làng, các ngõ vào làng lại càng sẫm đen hơn nữa". Bóng tối cứ lặp đi lặp lại, như một cái gì đó hãi hùng đang thâm nhập, đang len lỏi, luồn lách, bám sát vào mọi cảnh vật, mọi trạng thái hoạt động của mọi sinh vật. Nó như cái nền không gian nghệ thuật mà trên đó con người lập lòe, vật vờ như đốm sáng, cứ bị chao đảo nghiêng ngả, bị bóng tối chỉ chực vồ lấy, nuốt chửng. "Tối đến chị Tí mới dọn hàng dưới gốc cây bàng", về đêm bác phở Siêu mới xuất hiện như một chấm vàng lơ lửng, mất đi rồi lại hiện ra.... Bóng tối là nơi cụ Thi điên đến rồi lại ra đi với tiếng cười khanh khách não nề đến ghê rợn..., rồi cả bóng tối ngập đầy đôi mắt Liên. 

Trên cái nền ấy, cuộc sống nghèo khổ của con người, nói đúng hơn là những cảnh đời lam lũ, nhếch nhác dần dần hiện ra. Những đứa trẻ con đi nhặt nhạnh những thứ rơi vãi ở chợ. Thật tội nghiệp, đáng thương! Chị Tí là điển hình cho người dân phố huyện với nhịp sốn quẩn quanh, chật hẹp: ban ngày đi mò cua bắt tép, ban tối chị mới dọn bán cái hàng nước con con dưới gốc cây bàng, bên cạnh cái mốc gạch. Cái đáng sợ là vẫn biết bán không được gì mà vẫn cứ phải ra. Đây không phải là cuộc sống thực sự mà là sự sống cầm chừng với cuộc sống, giao tranh, giành giật với cái đói, cái chết trông chờ từng ngày. Khách hàng ít ỏi: "thỉnh thoảng", "cao hứng"..., cuộc sống thực sự bấp bênh. Cách chị trả lời câu hỏi của Liên: không trực tiếp trả lời mà bày biện xong mới chép miệng "Ối chao, sớm với muộn mà có ăn thua gì" cho ta thấy nhịp sống chậm chạp, luẩn quẩn của nhân vật. Bác phở Siêu cũng chẳng khá khẩm hơn gì, bởi thứ quà của bác là quá đỗi xa xỉ với phố huyện nghèo khổ này. Còn vợ chồng bác Xẩm góp tiếng đàn bầu bần bật đến não nề trong đêm tối yên lặng mà không hề có tiếng leng keng của đồng xu rơi vào thau trắng. Thằng con bò ra nghịch rác cho ta cảm giác đáng thương đến tội nghiệp. Có lẽ hình ảnh gây nhiều khắc khoải nhất là hình ảnh của bà cụ Thi điên. Bà cụ là một con người tàn lụi, héo úa và cho ta cảm giác ghê rợn, kinh hoàng. Đáng sợ nơi một con người nghiện rượu vừa đi vào bóng tối vừa cười khanh khách. Cách xưng hô với Liên "chị" đã kéo xa khoảng cách người với người. Cụ Thi như một nạn nhân đầy đủ nhất của kiếp người héo hắt tàn lụi. Cụ xuất hiện chỉ trong mấy dòng nhưng lại thức dậy trong ta lòng trắc ẩn chân thành. 

Ở vị trí tiền cảnh của bức tranh đời buồn thảm héo úa, hai chị em Liên cũng âm thầm không kém với cái cửa hàng tạp hóa nhỏ xíu, bán chịu cả bánh xà phòng hay bao diêm.... Cảnh phố huyện chiều tối hiện ra như một khúc nhạc buồn mà điệp khúc cứ lặp lại đơn điệu, buồn tẻ dưới ngòi bút tinh tế và tấm lòng xót thương nơi Thạch Lam. 

Giữa cuộc sống tù túng, nghèo khổ, lầm than ấy, cũng có ánh sáng, cũng có hy vọng. Hy vọng có lẽ làm cho những con người ấy an tâm hơn, là liều thuốc an thần cứu vãn cuộc đời buồn tẻ của những mảnh đời nơi phố huyện. Những hy vọng mơ hồ, những ánh sáng yếu ớt, mà họ cố vớt vát để bám lấy, sống và tồn tại. Ánh sáng lấp lóe qua khe cửa chỉ còn lại là một "khe sáng" mỏng manh. "Vệt sáng" đom đóm chập chờn, yếu ớt. Ngọn đèn của Liên thì thưa thớt từng "hột sáng". Bếp lửa bác Siêu thì lập lòe lúc ẩn lúc hiện. Cuộc đời thu lại buồn tẻ trên chõng, hàng nước và ngọn đèn chị Tí đầy mong manh, không có tương lai. Ánh sáng chỉ như viên sỏi nhỏ ném vào khoảng không vô tận là cái ao chứa bóng tối khổng lồ. Ngọn đèn chị Tí lặp lại bảy lần đầy day dứt, kiếp sống nhỏ nhoi, lay lắt, mù tối trong đêm đen mênh mông của cuộc đời hiện ra đầy ám ảnh, ngưng đọng, mỏi mòn. Nó chỉ làm tăng thêm cái bóng tối đáng sợ kia mà thôi. 

Hy vọng cũng mỏng manh, leo lét như ánh sáng: như hột sáng, như khe sáng, như vệt sáng, quầng sáng mà thôi. Hy vọng "mong đợi một cái gì tươi sáng". Cái gì nhỉ? Vẩn vơ, mong manh, yếu ớt. Đó là hy vọng bán hàng của chị Tí chăng? Một hy vọng cầm chừng những vị khách đánh tổ tôm, những chú lính lệ, cao hứng mới ngồi làm điếu thuốc lào. Hy vọng mơ hồ! Bác Xẩm hy vọng gì? Hy vọng những tiếng leng keng rơi trên chiếc thau trắng đặt trước mặt, để tiếng đàn bầu bật lên vui vẻ hơn, không còn ủ rũ não nề nữa, để thằng con không phải nhặt nhạnh, bới nghịch rác trên nền đất cằn cỗi như bản mặt của cái phố huyện này. Bác phở Siêu hy vọng gì? Có lẽ là hy vọng gánh hàng của bác sáng sủa hơn, có khách ghé qua, đồng nghĩa với hy vọng cuộc sống phố huyện tốt đẹp hơn... Còn nhân vật chính của chúng ta, cô bé Liên thì mong đợi điều gì? Mong đợi ánh sáng của Hà Nội rực rỡ và hàng ngàn ngôi sao lấp lánh trên trời kia không còn là xa cách, không còn ảo ảnh, nằm ngoài tầm với. Hy vọng có tiền cho những đứa trẻ đáng thương để chúng không phải nhặt nhạnh trên nền chợ chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, bã mía, vỏ thị.... Hơn hết, cô hy vọng về đoàn tàu, về Hà Nội rực rỡ ánh đèn. Cái hy vọng ấy làm cho Liên và An buồn ngủ ríu mắt vẫn cố thức đợi tàu, không phải hy vọng bán được mấy bao diêm, vì cũng chẳng có ai mua, mà chỉ là hy vọng nhìn thấy đoàn tàu còi "rít lên", "rầm rộ", nhìn thấy tàu chạy vụt qua, các toa sáng trưng, lố nhố những người, đồng và kền lấp lánh. các cửa kính sáng choang.... Bởi vì, vì con tàu đem một chút thế giới khác đi qua. Một thế giới khác hẳn với quầng sáng ngọn đèn chị Tí và ánh lửa của bác Siêu. Đoàn tàu mang đông vui nhộn nhịp, mang hơi thở Hà thành: Hà Nội xa xăm, sáng rực, vui vẻ và huyên náo trong kí ức. Đó là sự thiết tha muốn được sống lại những hồi ức vui vẻ ngày xưa, là cuộc sống nội tâm mạnh mẽ, sôi nổi, buồn trước cuộc sống tẻ nhạt, tĩnh lặng, sống giữa bao sự xa xôi nên cần tìm một cái gì đó gần gũi, sôi động, náo nhiệt, cố gắng níu giữ một cái gì đó mới mẻ, khao khát, ước vọng cuộc sống mới có âm thanh, hình ảnh. Và mong muốn thoát khỏi hiện tại đầy bóng tối, còn tương lai thì mù mịt, ước mơ vươn tới ánh sáng, thoát khỏi cuộc đời tăm tối đang chôn vùi. 

Qua tác phẩm, qua câu hỏi ấy, Thạch Lam đã thể hiện niềm xót thương vô hạn đối với những con người không có ánh sáng hạn phúc, của người dân lầm than trên toàn đất nước, qua đó lay tỉnh những tâm hồn uể oải, lụi tắt, thắp lên trong họ ngọn lửa khát khao sống một cuộc sống có ý nghĩa hơn. Ông đem đến cho người đọc ước mơ đẹp và ý nghĩa nhân văn sâu sắc, lắng sâu, thanh lọc tâm hồn bằng gốc rễ bám sâu vào hiện thực cuộc sống.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro