Đông.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đông đấy ư? Đông của đầu mùa, Đông của ngàn đông, đông không tàn là đông duy nhất, đông không tàn là đông có em.

[...]

"Tôi bảo này, mình còn nhớ ngày xưa không, cái hồi lần đầu tôi gặp mình ấy."

"Có, em nhớ chứ."

Để tôi nhớ lại đã, cái năm ấy tôi gặp em hẳn còn trong giai đoạn những khi nước nhà bị chia cắt thành hai miền, thời phải sống trong khói lửa, vùi dập vào bụi mờ ấy. Nói chung là khổ, khổ vô cùng. Đến bây giờ tôi vẫn chưa nguôi mỗi chiều lân la nhớ về từng dòng cảnh nọ, khi mà đất nước tôi còn bị xiềng xích bởi chiến tranh. Mà phàm là dính đến hai chữ chiến tranh, thì đời tôi, hay đời người đều chẳng bao giờ an ổn, rời khỏi đớn đau, thôi căm hờn. 

Ngày ấy tôi đi, mẹ tôi lưng tròng nước mắt, dặn dò đủ điều. Mẹ chỉ có tôi, còn tôi, thú thật từ tận đáy lòng tôi thương bà nhiều lắm. Và dẫu chẳng nỡ, không đành, thì lòng tôi vẫn chọn đi theo nỗi khát khao bảo vệ tổ quốc, giành độc lập. Lựa chọn của tôi, nghĩa là tôi đã nửa chân đạp xuống âm ti, cõi chết, nào mong một ngày sống sót trở về, chỉ hi vọng sẽ có một ngày xa dần hai chữ chiến tranh.

- Thưa mẹ, con đi.

Mẹ tiễn tôi đến sân ga, vẫn chưa ngơi lời căn dặn, sợ một mai tôi xa nhà cảm thấy lạ lẫm, không quen. Bà thôi khóc, dằn từng giọt lệ sầu, nở nụ cười gượng gạo khắc khoải trăm vạn cái bi ai, chưa dứt. Chính đôi mắt đượm buồn ấy lại càng khiến tôi thêm xót xa, đau lòng. Nhưng đành thôi, tôi phải ra trận như bao người, ba lô đựng đồ lặt vặt, tôi nhặt mảnh nhớ nhung, cất gọn vào xó.

Hãy chiến đấu, vì Tổ quốc. Hãy sống, vì quê hương.

Rồi tôi đi xa quê, chẳng ngoảnh lại, để thôi nhớ mẹ già, nhớ ngôi làng, nhớ từng ngõ ngách.

...

Một đôi mắt biếc mở đầu cho chạng vạng chiều thu, mở đầu cho cuộc đời tôi, cuộc đời em. Gió hôn nhẹ lên bờ tóc, em cúi người, kéo nắng ấm trên lưng.

- Anh không viết thư gửi về nhà sao?

Sau những thời giờ dầm sương, tôi chạy, gấp gáp lùng sục kiếp sống hiếm hoi ngoài sa trường, thì bấy giờ cũng có chút phút giây để mắt tôi ngơi nghỉ. Nhưng rồi chợt, có tiếng gọi đến, như xa cách, lại như hỏi han ân cần. Tôi không giận vì giấc ngủ ngắn hạn bị phá vỡ, chẳng rõ tôi lấy đâu ra nhiều cái dung nhượng cho em như thế. Kì lạ gớm, khi mà tôi còn vô cùng bằng lòng.

- Sao em lại hỏi thế?

- Tôi thấy anh thường xuyên nghía mắt nhìn nó, tự nghĩ chắc anh phải chứa đựng nhiều tâm sự lắm.

Em chỉ vào nó, một chiếc khăn soa đã cũ, nhưng vẫn phẳng phiu được tôi cẩn thận giữ kĩ, nâng niu từng li. Khăn tay này của mẹ tôi, tối hôm trước ngày tôi đi, tôi vẫn nhớ như in chính chiếc khăn ấy đã đựng không ít nước mắt lăn từ khóe mi bà, bởi thế nên tôi thấy thấm thiết vô cùng, chốc lại lấy ra nhìn để thỏa nỗi nhớ nhung.

- Nói ra thì hơi ngại, trước nhà tôi nghèo, đã học qua được chữ nghĩa gì đâu mà đòi viết thư như người ta.

Nghe tôi nói thế, em trố mắt hơi ngạc nhiên, rồi chẳng hiểu làm sao mà em lại cười. Em cười rõ đẹp, nhưng ít khi thấy em cười. Ở thời chiến sống một giây quý một giây, không trách nổi. Bởi lẽ, chúng tôi, những mảnh vỡ vừa chớm đôi mươi, vì nghĩa tha hương thôi cũng đành.

- Tôi còn tưởng không có cái gì làm khó được anh cơ. Nào, lại đây, tôi giúp anh viết.

Đấy là lần đầu tôi gặp em, không tên chẳng tuổi, hai con người xa lạ tìm về nhau, rồi thân thương một cách diệu kỳ. Vận mệnh giữa người với người đôi khi chỉ đơn giản như thế đó. Có khi chỉ bất chợt ngoảnh đầu nhìn thấy đôi mắt biếc, lòng đã rộn rạo không nguôi, lạ lẫm. Nắng dịu dàng phủ lên đôi bờ mi, tôi như thấy cả mảnh lửa rực rỡ treo lấp lửng xuôi theo mắt người, rồi chảy dọc bao hoài bão lớn lao. Chỉ như thế cũng đủ để tôi nhớ, để tôi ghi hằn rồi.

Những lúc tôi cảm thấy mình hiểu em, ở một khía cạnh nào đó. Rồi thật chẳng hiểu nỗi, kì cục làm sao. Nhưng bởi nhẽ không riêng tôi, mà cả em, cả những đồng đội đã cùng chúng tôi sát cánh tử sinh đều như thế. Chúng tôi có cùng gánh nặng, có cùng đích đến, nên chúng tôi nương nhờ nhau mà vượt qua đầy rẫy đớn đau của gian trần.

- Tôi tên Trường, còn em?

- Đông ấy, anh gọi tôi là Đông nha!

Đang thu mà tôi tìm thấy Đông, giữa đồng mình cằn cỗi, trên đám cỏ xác xơ.

Ừ nhỉ, quê của Đông ở miền bắc, thế mà vận mệnh xoay vần thế nào để cho em vào đội do tôi chỉ huy, mà tôi đấy, một kẻ gắn với miền nam từ tận thủa khai sinh kia kìa. Ấn tượng về em lúc bấy giờ, hay cho nói cho đến mãi sau, em luôn là một cậu trai trẻ, giỏi giang, có tình có nghĩa, chưa bao giờ có thể nhòa phai trong thước kí ức đơn côi, lặng lẽ. Đông khoác lên mình bộ áo lính, mang theo tư tưởng của Cụ Hồ, và đến đây, tại đây.

Nhiều khi phải nói, số phận lạ lắm, nó khắc nghiệt để chiến tranh cướp lấy tất thảy, rồi lại như vô tình không để ý, ban cho một cơ hội hạn hữu để chúng tôi gặp nhau, cùng kề vai chiến đấu. Thật trớ trêu.

Năm 1953, chiến dịch Thu Đông, không nhanh cũng không chậm.

...

Từ dạo ấy, thỉnh thoảng Đông sẽ bẻ nhánh cây khô, viết lên nền đất đôi ba chữ cơ bản để tôi nhận mặt. Chữ em đẹp, mảnh khảnh, và để một kẻ như tôi phải miêu tả, thì hẳn là nó rất cuốn hút, một cách lạ kì.

- Đông hả em?

- Dạ.

Mặt trận phía Nam căng thẳng, nhiều ngày mất ngủ canh đêm cũng chẳng phải chuyện xa vời. Những đêm có trăng còn đỡ, những đêm cứ đen hoai hoái, trời lại mưa, đất cằn cỗi ẩm ướt như hắt lên da, đưa cái lạnh vào xương. Nói không sợ là giả, nhưng khi có người bầu bạn thâu đêm, bỗng lãng mạn hơn nhiều.

Bọn tôi kể về đời của nhau, trút bỏ tâm tư, mượn nhờ ánh trăng thành tri kỷ.

Lắm lúc gác tay lên trán như nghỉ mắt, thật là đang tự nhẩm lòng mình, may mắn khi có em kề bên, một thôi một hồi lại bắt đầu than trời trách đất cho số phận bạc bẽo. Cớ gì phải là bây giờ. Cớ gì lại là lúc từng giây từng hồi phải thoi thóp chênh vênh ở bờ tử sinh. Cớ gì, cớ gì. Tôi có tình, nhưng tôi chẳng dám tỏ.

...

Cứ thế chúng tôi đã đấu tranh kéo dài từng năm, từng năm một.

Năm 1954. Một tiếng súng vang lên, âm vang ngang tàn, giữa làn khói lửa chỉ còn mảnh tàn tro.

Kết thúc rồi, trận chiến kéo dài dai dẳng.

Chúng tôi quen nhau từ chiến dịch Thu Đông, và may mắn sống sót để tận mắt chứng kiến chiến thắng Điện Biên Phủ, một chiến thắng đầy vàng son và oanh liệt. Vào một hôm đầy nắng, không phải dẫm lên đất đá gồ ghề, vượt qua ngàn suối truân chuyên, bên tai cũng vắng tiếng bom đạn khói mù. Địch lún sâu vào hai tiếng lụi bại, bấy nhiêu thôi cũng chỉ đủ để chúng tôi vui mừng, nào đâu gột rửa được tội lỗi bọn nó cán gáng lên người Tổ quốc kính yêu của chúng tôi.

Ngày đầu tôi chỉ huy đã từng thề với mọi người, chỉ cần tôi còn sống một giây, tôi sẽ bảo vệ cho đời tôi, đời em, đời các cậu chiến sĩ cùng tiến cùng lùi với tôi nữa. Cho đến khi chúng tôi phất được ngọn cờ đỏ sao vàng, thì dẫu lúc này thây chảy thành suối, máu chảy thành sông cũng chẳng uổng!

Đoạn tôi về, cả đội ôm chầm lấy, hát to khúc ca tự do, nước mắt rắn rỏi mấy năm ròng tuôn lơi không ngừng nghỉ, nhưng vì vui thôi. Tôi biết. Rồi chúng tôi tạm biệt nhau trong không nỡ, kẻ về để mẹ già thôi ngóng, người về để con trẻ thôi chờ.

- Anh Trường, chờ đã!

- Ơi, sao em?

Đông nhét vào túi áo tôi một lá thư đã trở màu, rồi em cười toe, vẫy tay tạm biệt tôi.

- Anh đợi em nghe! Đông năm sau em đến miền Nam thăm anh.

Tôi gật đầu, cất gọn lá thư.Trong một thoáng lướt qua, tôi vẫn nghe rõ, rằng em đã hát làn điệu tôi từng rất yêu.

- Ừ, anh chờ.

Nhưng đông năm ấy, em không đến như câu hò hẹn.

Mà tôi cũng chẳng rõ bản thân mình cố chấp vì cái gì, tôi vẫn chờ. Tôi sẽ đợi em hết mùa đông, đến khi hoa nở, rồi đông năm sau tôi lại chờ tiếp.

Nhớ quá.

...

Lúc gặp gỡ, cũng không nhớ đã trôi qua bao nhiêu cái mùa đông. Họ chỉ rõ, rằng họ đã bỏ lỡ nhau rất nhiều năm rồi. Từ khi chiến tranh loạn lạc đến khi thái bình thịnh thế, khi non trẻ dại khờ đến khi trưởng thành thấu đáo tất thảy.

Nhưng may là, họ vẫn gặp nhau trong dòng đời vội vã thói đưa.

- Anh còn giữ lá thư ấy chứ?

- Còn, nhưng tôi chưa đọc.

Đông phì cười, cầm lấy lá thư úa vàng, đứng dưới vạn hàng nắng dịu, đọc vỏn vẹn một dòng duy nhất trong lá thư. Một dòng chữ tỉ mẩn gọn ghẽ lúc này được em rành mạch đọc to. Vào tai tôi, mê mẩn.

- Gửi anh Trường, từ Đông. Tận đáy lòng, em thương anh nhiều lắm, đã rất rất lâu rồi.

Không biết nghĩ gì, Đông hơi khựng lại, rồi lại tiếp lời câu dở dang. Mà câu ấy, ở trong thư không có.

- Đến hiện tại, vẫn thương.

- Tôi là người thô lỗ, không giỏi nói lời sến sẩm, nên là...

Vài chữ vụn vỡ tan theo làn gió, bởi, tôi hôn em.

Nhưng tôi biết Đông nghe tôi nói.

"Tôi yêu em."

- Tôi thương mình.

- Em biết, em cũng yêu mình.

Yêu, hay thương. Từ thời trẻ, cho đến khi góa bụi về già. Xin cho tôi yêu đến tận khi nằm sâu dưới hai tất đất, và kiếp sau, kiếp sau nữa.

End.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro