Alzheimer

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Cô có biết bệnh Alzheimer không?"

Tôi dừng động tác lau bàn, ngẩng đầu về phía âm thanh vừa phát ra. Ông không trông về đây, hãy bận ngoảnh ra không gian bên ngoài khung cửa sổ. Nhưng với đôi mắt mờ đục đó, tôi đoán không có điểm cụ thể nào, ông chỉ đang nhìn vô định vậy thôi.

"Cháu biết." Tôi trả lời, giọng nâng lên đôi chút để ông có thể nghe rõ. "Là một căn bệnh làm người già suy giảm trí nhớ. Gần đây báo đài hay nhắc đến."

"Cô có biết bệnh đó thế nào không?"

"Triệu chứng ấy ạ? Cháu không rõ, nếu ông muốn biết thì để cháu tra mạng."

"Không... Ý tôi là bản thân người mắc bệnh. Tôi tự hỏi khi trí nhớ lẫn lộn, cảm nhận của họ về thế giới ngoài kia sẽ ra sao."

"Cái này thì cháu chịu thôi." Tôi cười. "Cháu mới hai mươi lăm, nằm ngoài phạm vi tấn công của căn bệnh đó."

"Ừ nhỉ... Tôi quên mất..."

Ông nói như thì thào, nhưng tôi nghe được vì đúng lúc có làn gió xông thẳng từ ngoài vào đây, tiện thể chở theo mấy tiếng đó tới tai này.

"Cô có nghĩ tôi sẽ mắc bệnh ấy không?"

"Cháu không biết... Cháu mong là không. Khoa học hiện nay vẫn chưa tìm ra cách chữa trị dứt điểm Alzheimer. Nếu lỡ mắc phải thì chẳng khác nào mang một bản án tử. Sống thêm được chục năm là cùng."

"Chục năm là nhiều đấy chứ. Dù không mắc bệnh cũng chưa chắc tôi đã sống thêm được chục năm."

"Ông đừng nói bi quan vậy. Chị Yuri sẽ buồn lắm. Chị ấy thương ông thế nào ông cũng biết..."

Tôi nhắc đến Yuri con gái ông, đồng thời là người thuê tôi làm công việc này. Là mối quan hệ như thế nên khi kể chuyện với người khác, tôi thường gọi cô là "chị chủ". Yuri năm nay vừa tròn ba mươi, sự nghiệp thành công, thường xuyên vắng nhà bởi tính chất công việc, nhưng tôi biết chị hết mực yêu thương người cha già, bằng chứng thấy ngay đó là thay vì gửi ông đến viện dưỡng lão, chị chọn cách tìm người trông nom. Tôi đến với gia đình này theo cách ấy.

Mặt bàn đã sạch bóng sau vài lần lau chùi, tôi đứng dậy đi giặt giẻ và phơi ở nơi có ánh nắng. Xong xuôi mới bước đến chiếc giường kê gần cửa sổ, kéo ghế gỗ và ngồi xuống cạnh bên. Ông tựa lưng vào thành giường, chăn đắp ngang hông. Tôi dóng mắt theo hướng nhìn của ông, không tìm ra sự vật nào. Đôi mắt của ông đã nhuốm vẻ mơ màng đờ đẫn. Ông đang không ở đây, hồn ông hãy còn bận bịu ở khúc đường nào trong ký ức, còn tôi chỉ là kẻ lạ bỗng dưng xuất hiện, không thể xen vào, nên đành im lặng.

"Yuri... Trông thế thôi, chứ nó mạnh mẽ lắm. Từ xưa đã vậy rồi." Ông vẫn không nhìn tôi, nói chầm chậm. "Chúng tôi đều đã chuẩn bị tinh thần cho sự chia ly."

Tôi không nói gì. Ông lại tiếp:

"Có thể lấy giúp tôi một tờ giấy không? Cả bút nữa."

Cạnh giường có tủ đựng đồ, làm bằng gỗ, đã sứt sẹo vài nơi. Tôi kéo ngăn trên cùng, bên trong vừa hay có một cuốn sổ nhỏ. Sổ còn mới cứng. Tôi xé một trang trắng đưa ông, mất thêm nửa phút để tìm được cây bút bi nằm lăn lóc dưới gầm giường. Tôi thấy ông đặt giấy lên đùi và cúi người viết gì đó. Để tôn trọng sự riêng tư, tôi ngoảnh mặt không nhìn. Mắt tôi dừng ở chiếc đồng hồ đặt trên mặt tủ. Hình hộp chữ nhật, màu xám, hiển thị con số 15: 05, 14°C. Đang là tháng Mười, không khí vẫn còn se se, đợi thêm hai tháng nữa thì lá vàng đều lìa khỏi cành. Tôi bắt đầu suy nghĩ nên nấu món gì cho ông khi tiết trời trở lạnh...

Tôi thoát khỏi không gian riêng khi nghe tiếng gọi tên mình. Ông đã viết xong, đặt bút sang một bên, đưa tôi tờ giấy gấp làm tư. Ông nói, đợi khi nào tôi mắc bệnh thì hãy mở ra xem nhé.

"Nếu ông không mắc bệnh thì sao?" Tôi hỏi.

"Vậy tờ giấy này không còn tác dụng gì, cô cứ vứt đi là được."

"Cháu đọc được không? Ý cháu là, sau khi ông... mất?"

Tôi hỏi và nhìn xem liệu ông có phật lòng bởi sự tò mò của mình. May mắn, ông không tỏ vẻ gì như tôi lo ngại. Ông nói với giọng điềm nhiên.

"Tùy cô."

Nhưng trường hợp ấy đã không xảy ra. Căn bệnh Alzheimer tìm đến ông vào một năm sau đó. Mới đầu là gặp vấn đề về ngôn ngữ, dần dà ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp và sinh hoạt hàng ngày. Chị Yuri yêu cầu chuyển ông từ tầng hai xuống tầng một bởi bấy giờ ngay cả việc đi đứng bình thường ông cũng bị căn bệnh làm cho khó dễ. Lúc đi phải có người dìu, có lần tôi chỉ rời mắt khỏi ông khoảng nửa phút, khi quay lại thì thấy ông tự mình rời khỏi sô pha, hai chân loạng choạng, nếu không có tôi đến đỡ e rằng đã ngã lăn ra đấy.

Ông bắt đầu lãng quên người thân. Ông không nhận ra chị Yuri, khi được cho xem ảnh gia đình cũng vẫn một đôi mắt hờ hững. Giống như chỉ còn thể xác ở đây, còn hồn đã lạc đi đâu mất.

Chị Yuri không khóc. Chí ít tôi chưa từng thấy chị rơi nước mắt vào những lúc ba chúng tôi ở cùng nhau, mặc cho ông có phần bài xích những hành động thể hiện tình cảm của chị.

Chị không khóc, nhưng tôi biết chị buồn. Trong lòng chị nặng trĩu một dòng sông, cứ lẳng lặng trôi đi, chưa bao giờ dâng trào dậy sóng. Không trào lên được, cũng không nhất thiết phải bật thành âm thanh nức nở chua xót. Nỗi buồn của chị đã chạm đáy nhân gian. Chị buồn không phải vì ông mắc bệnh và quên đi người thân, mà vì biết đây là điều sẽ xảy đến. Vì biết không thể nào tránh được.

Chị nói với tôi.

"Không biết bố chị đã kể với em chưa... rằng chị không có chung dòng máu với ông ấy. Chị là trẻ mồ côi được nhận nuôi."

"Bảo sao em chưa bao giờ nghe ông kể về người phụ nữ nào trong đời..."

"Ừ. Ông ấy không kết hôn. Chị có hai người cha. Một người đã mất vào ba năm trước; chị theo họ của người đó. Matsuno."

"Chị nói ông không kết hôn nhưng chị lại có hai người cha...?"

"Hai người ấy nhận nuôi chị, nên chị coi họ là cha. Còn giữa họ không phải dạng tình cảm có thể đi đến hôn nhân - kiểu hôn nhân mà em hay nghe ấy. Họ chỉ sống cùng nhau thôi. Thêm chị là thành một nhà ba người." Chị im lặng vài giây trước khi ngập ngừng: "Không hẳn là ba... Chị cảm thấy trong tâm trí họ còn tồn tại một hình bóng nữa. Một người chị chưa bao giờ gặp. Một người thuộc về ký ức. Người ấy có mặt trong cuộc sống của chị, không biết vì sao, đôi lúc có cảm giác mình sẽ nhận ra nếu người ấy có xuất hiện ở trước mặt."

"Người cha thứ ba của chị à?" Tôi đùa.

Nụ cười của chị nhàn nhạt, rèm mi hạ xuống che đi cảm xúc trong đôi mắt. Chị nói:

"Không... Với độ tuổi của người ấy thì chỉ làm con được thôi. Người ấy không có cơ hội nếm trải thời gian, mãi mãi đóng băng trong dáng hình niên thiếu. Mãi mãi là vết son không phai trong lòng người ở lại... Nhất là ông ấy..."

Chúng tôi nhìn người đang nằm ngủ trên giường. Hai tay đặt ngay ngắn trên bụng, bờ ngực phập phồng khe khẽ. Lúc này là mười hai rưỡi trưa, ông đã ngả lưng được hơn một giờ, không biết vào giấc từ lúc nào.

Chị vuốt mái tóc bạc phơ của ông, động tác dịu dàng như một người mẹ.

"Chị được nghe kể lại, trước đây ông ấy hay gặp ác mộng, giấc ngủ rất nông. Bây giờ già rồi, muốn ngủ sâu cũng khó. Nên chị tự an ủi bản thân nên thấy vui nếu một ngày ông được chìm vào giấc mơ vĩnh cửu..."

"Nếu chị muốn khóc thì cứ khóc đi."

"Không, chị không kiềm nén gì cả. Có thể hơi kỳ lạ, nhưng chị đã chuẩn bị tinh thần từ lâu. Ở cạnh ông ấy, chị cảm nhận được nỗi buồn và niềm đau. Có gặp gỡ thì sẽ có chia ly, chỉ là thời gian bên nhau dài hay ngắn. Nếu đã cố gắng bám trụ đến hạt cát cuối cùng của đồng hồ, vậy thì nên vui. Vì chứng tỏ khi ấy con người đã chạm đến đích điểm, chứ không phải vấp ngã và phải dừng chân ở đoạn nào đấy giữa đời. Trong vô thức, ông ấy đã dạy cho chị điều đó. Chị hiểu và chấp nhận."

Ông dần quên mặt chữ, sử dụng từ ngữ lộn xộn, có lúc phải dùng tay mô tả hình dáng vì không nhớ đồ vật có tên gọi là gì. Thần trí ngờ nghệch như một đứa trẻ con. Chị Yuri nói hãy đưa ông giấy bút, xem liệu ông còn nhớ được những chữ nào.

Ông không viết được tên mình, nhưng lạ thay ghi nhớ một cái tên khác. Đó là chủ nhân của xấp thư mà có một ngày chị Yuri mở khóa ngăn cuối của chiếc tủ cạnh giường, phủi lớp bụi mỏng bám trên hộp cứng, trầm ngâm hồi lâu trước khi đưa tay chạm vào hồi ức.

"Bố còn nhớ không," Chị vuốt ve bàn tay gầy guộc của ông, thủ thỉ. "những khi ở một mình, bố thường lấy thư ra đọc, nâng niu chúng như thể đó báu vật duy nhất của trần gian. Con đòi bố cho xem, bố từ chối, nói là trẻ con có đọc cũng chẳng hiểu gì. Nhưng đã có lần con lén mở tủ xem thư. Thực như lời bố nói, quá nhiều lỗi chính tả khiến con hoa mắt chẳng buồn đọc, nhưng vẫn tóm được nội dung đại khái là mấy lời hỏi thăm và chuyện kể ngày thường. Sau này con mới biết, chúng là một phần của quá khứ, là bí mật bố muốn giữ làm riêng... Bố sợ con sẽ thất vọng nếu biết được nhỉ? Nhưng con hiểu mà. Con không trách cứ gì. Bố ở trong lòng con vẫn luôn là người tuyệt nhất. Con đoán người ấy cũng có cảm nhận như vậy."

Ông không đáp một lời. Sự chú ý của ông đặt ở những lá thư. Có lẽ căn bệnh cản trở ông nhận diện mặt chữ, nhưng không thể nào ngăn được tình cảm vấn vít như tơ. Tơ lòng trăm sợi, một đầu bén ở quá khứ, một mối dính chặt gót chân, kéo dài theo mỗi bước người cất. Đi suốt mấy chục năm, sợi dày đến mấy cũng dần mỏng dần nhạt. Có lúc không nhìn thấy, nhưng không có nghĩa là không còn. Không có nghĩa là đã bị thời gian vùi lấp. Nó thuộc về tiềm thức, là nơi căn bệnh không thể tiến vào. Trái tim con người vẫn luôn được bảo vệ như thế.

Tôi nói với chị Yuri, hình như ông gặp ảo giác. Cứ nhìn vào khoảng không trước mặt và lầm bầm điều gì. Như đang nói chuyện với ai. Trông ông lúc ấy hạnh phúc vô cùng.

Chị Yuri lắng nghe. Rồi chị mỉm cười, hỏi tôi. "Có thật đó là ảo giác?"

Những ngày cuối đời, ông hầu như im lặng, chỉ có mình tôi độc thoại để căn phòng bớt quạnh quẽ, lúc có chị Yuri ở thì may ra thêm được chút năng lượng sống. Đa số thời gian ông nằm trên giường, nhưng có đôi lần như thể ý thức quay trở lại, ông đột ngột lật chiếc chăn đang đắp và thò chân định bước xuống sàn, có can ngăn thế nào cũng không chịu nghe. Tôi hỏi ông muốn gì, để cháu đi lấy, đừng gấp gáp như vậy kẻo ngã. Ông bỏ ngoài tai mọi lời, cũng gạt phăng cánh tay của tôi, không biết lấy đâu ra sức lực. Bất đắc dĩ tôi phải theo ông. Ông bước về phía cửa vào, điệu bộ như thể nơi ấy chứa ánh sáng cuối con đường hầm. Nhưng không có gì cả. Cánh cửa mở toang, bầu trời ảm đạm u buồn, gió ngày đông thốc vào thổi bay hơi ấm trên da thịt. Ngoài đường không một bóng dáng, hàng cây trụi lá vươn cành khẳng khiu. Không có ai, không có người nào mà ông mong đợi. Tôi khép kín cửa, nhưng ông vẫn đứng tần ngần ở đấy, như là đã hóa thành tượng. Một lúc lâu sau, mới lẩm bẩm.

"Vậy mà cứ tưởng có ai gọi tên tôi."

Tôi dìu ông về lại giường.

Một ngày, ông không còn nói thành câu, chỉ có thể thốt ra những từ rời rạc. Cả việc ăn uống và vệ sinh đều phải có người giúp đỡ. Tôi và chị Yuri đều biết thời điểm đã tới rồi.

Đó là một ngày mùa xuân, chị Yuri không có ở nhà. Tôi lau người sạch sẽ cho ông, đỡ người từ từ nằm xuống giường. Cả quá trình ông như một con rối gỗ. Nhưng rồi tay ông cử động. Môi ông cũng mấp máy. Tôi vội cúi người và ghé tai, dường như ông muốn nói điều gì.

Tôi nghe ông thì thào ba chữ.

Đầu tiên là tên ông.

Tiếp đến là tên của chủ nhân xấp thư mà ông lưu giữ.

Cuối cùng. Như gió thoảng qua tai. Mỏng manh như thế, nhưng lại trĩu nặng lòng người.

Ông nói.

Yêu.

Chỉ như vậy.

"Ông ơi...?"

Tôi gọi. Thanh âm nhẹ tan như con sóng trở lại mặt biển. Ông cũng đã về với biển, có người nắm tay dắt ông đi. Tựa như ảo ảnh. Đó là ngày xuân, hay là nắng hạ đang tràn về? Phải chăng là chút ký ức còn sót lại trần thế. Một thế giới mà tôi không biết, ông và người ấy đã cùng nhau bước vào. Có giọt lệ chảy qua khóe nhăn nheo. Dường như thời gian đang hồi tưởng. Tôi thấy đôi mắt ông sáng trong, màu cát rực rỡ trong nắng hồng. Sóng xanh bao bọc lấy ông, cứ thế chìm sâu, sâu mãi...

Ông đã ngủ say, trầm trong giấc mơ vĩnh cửu.

Tôi báo tin cho chị Yuri. Qua điện thoại, chị lặng im một hồi, rồi hỏi.

"Ông có lời nào trăng trối không?"

"Ông nói ông yêu một người..."

Chị thì thầm câu gì, làn gió lao xao bất chợt sượt qua khiến tôi không nghe rõ.

Không biết qua bao lâu, chị hỏi tôi:

"Trước lúc mắc bệnh, ông có dặn dò em điều gì không?"

Có chị nhắc, tôi mới sực nhớ tờ giấy mà ông đã đưa.

"Ông đưa em một tờ giấy... có viết gì đó." Tôi nói trong lúc lục lọi ký ức. "Cũng vài năm rồi, em không nhớ rõ mình cất ở đâu..."

"Không nhớ ra cũng không sao." Chị nói, giọng nhẹ đi. "Chị nghĩ mình biết ông viết gì."

"Thế ạ..."

"Những cái tên. Ông viết tên của những người quan trọng trong cuộc đời."

Tôi hỏi chị, để làm gì.

"Nếu một ngày em biết mình lãng quên, liệu em có thắc mắc mình sẽ quên những gì. Quên cho sạch hết, bộ não hoàn toàn trống không; hay là quên người này và nhớ người kia, vậy người được em nhớ đến sẽ là ai, giữ vị trí nào ở trong lòng. Em có bao giờ muốn biết? Phải. Đó là câu hỏi cuối cùng mà ông đặt ra, không cho ai, chỉ tự hỏi mình. Ông viết tên ra giấy, dùng cách đó để kiểm nghiệm. Rốt cuộc trái tim con người cố chấp đến đâu, có phải tất cả tình cảm rồi sẽ theo gió trôi mất... Em là người ở cạnh ông trong giây phút cuối, em nghĩ ông đã có câu trả lời chưa?"

Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ. Dường như có tiếng sóng vỗ đâu đây.

Tôi nói, vâng.

"Ông đã có câu trả lời rồi."

Dù cho bị thế gian chèn ép hòng hủy hoại con tim, thì sau tất cả người duy nhất ông không quên.

Người duy nhất còn sót lại trong trí nhớ.

Baji Keisuke.


Hết.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro