Đòn sấm sét làm rung chuyển chủ nghĩa thực dân - đế quốc

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Tác giả: Phạm Văn Tri
(Nguồn: Báo Cà Mau)

Tuổi thơ Nguyễn Tất Thành nhận thấy thực dân Pháp là kẻ thù. Chúng trực tiếp áp bức, bóc lột tàn bạo, gây ra nhiều tội ác với nhân dân ta. Khi đặt chân lên nước Pháp, Nguyễn Tất Thành nhận ra ngay: Người Pháp ở nước Pháp tốt, lễ phép hơn người Pháp ở Đông Dương.

Chứng kiến cảnh tượng bọn Pháp bắt người da đen lội ra chiếc tàu khi biển trong cơn gió to sóng lớn, Nguyễn Ái Quốc nhận định: "Người Pháp ở Pháp phần nhiều là tốt. Song, những người Pháp thực dân rất hung ác, vô nhân đạo.

Ở đâu cũng thế. Ở ta, tôi cũng thấy chuyện như thế xảy ra ở Phan Rang. Bọn Pháp cười sặc sụa trong khi đồng bào ta chết đuối vì chúng nó. Đối với bọn thực dân, tánh mạng của người thuộc địa da vàng hay da đen cũng không một xu"...

Phải đến sau này, khi gởi yêu sách của nhân dân An Nam đến Hội nghị Véc-xây, đặc biệt khi tiếp xúc bản sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lê-nin, Nguyễn Ái Quốc càng hiểu rõ và nhận ra đầy đủ bản chất không chỉ của bọn thực dân Pháp mà đó là của chủ nghĩa thực dân nói chung.

Chúng là kẻ thù của tất cả các dân tộc thuộc địa ở khắp các châu lục. Từ đó, Nguyễn Ái Quốc không chỉ tố cáo tội ác của thực dân Pháp mà là tố cáo tội ác man rợ của tất cả bọn thực dân ở các thuộc địa trên toàn thế giới.

Nguyễn Ái Quốc khẳng định, chủ nghĩa thực dân là con đẻ của các cường quốc tư bản chủ nghĩa. Chúng không chỉ áp bức bóc lột nhân dân các dân tộc thuộc địa mà còn áp bức bóc lột nhân dân lao động ở chính quốc.

Chủ nghĩa thực dân là kẻ thù chung của các dân tộc thuộc địa và nhân dân lao động ở chính quốc. Chủ nghĩa thực dân là giai đoạn mở đầu của chủ nghĩa đế quốc, là nguyên nhân của các cuộc chiến tranh trên thế giới.

Nguyễn Ái Quốc bằng nhiều hình thức từ viết bài đăng báo đến diễn đàn tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân. Đặc biệt, "Bản án chế độ thực dân Pháp" là tác phẩm xuất bản lần đầu tiên ở Paris, thủ đô nước Pháp, vào năm 1925. "Bản án chế độ thực dân Pháp" là tác phẩm vừa có giá trị lớn về chính trị, tư tưởng, vừa có giá trị lớn về văn học của Nguyễn Ái Quốc, như một quả bom công phá thành trì chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc trên toàn thế giới.

Tác phẩm "Bản án chế độ thực dân Pháp" của Nguyễn Ái Quốc gồm 12 chương. Tác giả dành 11 chương tố cáo tội ác man rợ của chủ nghĩa thực dân đối với người bản xứ ở các thuộc địa. Chương cuối cùng, tác giả cổ vũ phong trào đấu tranh của nhân dân các dân tộc thuộc địa và làm rõ mối quan hệ giữa cách mạng Nga, quốc tế cộng sản, các tổ chức quốc tế khác với phong trào đấu tranh của các dân tộc thuộc địa.

Tác phẩm chứa đựng vô vàn những mẩu chuyện thật. Nguyễn Ái Quốc lên án: "Tất cả những điều người ta có thể nói ra vẫn còn dưới mức sự thật. Chưa bao giờ ở một nước nào mà người ta lại bị vi phạm mọi quyền làm người một cách dã man, độc ác trắng trợn đến thế".

Chương I phản ánh cảnh người bản xứ bị bắt lính sang "mẫu quốc" làm bia đỡ đạn cho bọn thực dân để nhiều người trong số họ không bao giờ còn trông thấy mặt trời nữa... Và "khi đại bác đã ngấy thịt đen, thịt vàng rồi thì những lời tuyên bố tình tứ của các ngài cầm quyền nhà ta bỗng dưng im bặt như có phép lạ, cả người Nêgrô lẫn người Anmamít mặc nhiên trở lại "giống người bẩn thiểu".

Không những thế, họ còn bày trò ăn mừng chiến thắng một cách lố bịch hết chỗ nói. Nguyễn Ái Quốc kể lại một câu chuyện trong một bức thư: "Nếu trên đời này mà có một việc quái gỡ vừa thương tâm lại vừa lố bịch thì đó hẳn là việc bắt một dân tộc vẫn đang chịu đựng đủ mọi thứ bất công và không có bất cứ thứ quyền nào phải làm lễ mừng cuộc chiến thắng của "công lý" và "chính nghĩa". Ấy vậy mà bên này (chính quốc) chúng tôi làm như vậy...".

Đặc biệt, trong tác phẩm "Bản án chế độ thực dân Pháp", tác giả dành 6 chương nêu rất nhiều bằng chứng cụ thể phơi bày bộ mặt thực dân xấu xa mà cả một bộ máy cầm quyền, những tổ chức luật sư "tài ba" của chúng cũng không thể bào chữa được tội ác của chúng.

Những bằng chứng đó Nguyễn Ái Quốc trích dẫn từ những bức thư hay những đoạn nhật ký của chính những người trong bộ máy cầm quyền hay sĩ quan, binh lính quân đội chính quốc ở thuộc địa. Trong nhật ký đi đường của anh lính ở thuộc địa kể, do anh chứng kiến: "Đôi khi để đùa vui, một anh Sốp phơ hất một thùng nước sôi xuống lưng những người bán hàng khốn khổ. Thế là những tiếng kêu rú lên, mái chèo vung lên loạn xạ để bơi tránh làm cho xuồng va chạm vào nhau lộc cộc".

Người lính kể: "Ngay bên dưới tôi một người An Nam bị dội nước sôi bỏng từ đầu đến chân, phát điên lên muốn nhảy xuống biển. Người anh của anh ta, quên cả nguy hiểm bỏ chèo, ôm lấy anh ta, bắt anh ta nằm xuống lòng thuyền...

Cuộc vật lộn chớp nhoáng vừa chấm dứt thì một thùng nước sôi khác do một bàn tay thành thạo lại dội xuống. Thế là đến lượt chính người đi cứu người bị luộc chín. Tôi trông thấy anh ta giãy giụa trong thuyền, da bị lột ra, tròi thịt đỏ rói, gào rống lên như một con vật.

Thế nhưng, cảnh đó lại làm cho chúng tôi cười, cho là ngộ nghĩnh. Quả thật, chúng tôi đã có tâm hồn thực dân". Anh lính ở thuộc địa viết ở trang khác: "Thời kỳ ở đây (Bắc Kỳ) không có tuần nào tôi không thấy vài cái đầu rụng. Trong cảnh ấy tôi chỉ còn ghi nhớ được một điều là chúng ta còn độc ác, còn dã man hơn cả bọn kẻ cướp nhà nghề...".

Người lính thuộc địa khác kể: "Khi bọn lính kéo đến, tất cả dân chúng đều chạy trốn, chỉ còn lại hai cụ già, một thiếu nữ, một thiếu phụ - thiếu phụ đang cho đứa con mới đẻ bú và tay dắt một em gái lên tám. Bọn lính đòi tiền - rượu - thuốc phiện... Vì không ai biết tiếng Pháp, nên chúng nổi giận, lấy báng súng đánh chết cụ già.

Còn cụ già kia thì bị... hai tên lính, khi đã say mèn, đem thiêu sống trong một đống lửa hàng mấy giờ liền để làm trò vui với nhau. Trong khi đó, những tên khác thay phiên hiếp cô thiếu nữ, người mẹ và đứa con gái nhỏ của bà. Xong chúng vật ngửa cổ thiếu nữ ra, trói lại, nhét giẻ vào miệng, một tên cầm lưỡi lê đâm vào bụng cô, chặt ngón tay cô lấy chiếc nhẫn và chặt đầu cô để lấy cái vòng cổ".

"Tác phẩm "Bản án chế độ thực dân Pháp" là sản phẩm tổng hoà của tất cả các tri thức: chính trị, triết học, xã hội, lịch sử, văn học và kho tàng kinh nghiệm thực tiễn được tiếp thu, bồi bổ, phát triển trong quá trình đấu tranh đầy sóng của Người", cố Giáo sư  - Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn viết.

"Bản án chế độ thực dân Pháp" của Nguyễn Ái Quốc đã bóc trần bộ mặt xấu xa của chủ nghĩa thực dân, là thông điệp cảnh báo cho các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới hãy đứng lên chống chế độ thực dân đang bành trướng khắp các châu lục. "Bản án chế độ thực dân Pháp"' của Nguyễn Ái Quốc như quả bom đầu tiên công phá thành trì chủ nghĩa thực dân - chủ nghĩa đế quốc.

Phạm Văn Tri (Nguồn: Báo Cà Mau)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro