Part 2: Gia thế của Max

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Gia đình Hoàng tử Maximilian Emanuel

"Hoàng tử nhỏ", hay Hoàng tử Max, là những biệt danh cậu thường được gọi trong quân đội Thụy Điển. Cậu sinh ra ở Stuttgart vào ngày 27/2/1689. Cha cậu là Công tước xứ Wuerttemberg, Friedrich Karl, tổ tiên của nhánh Wuerttemberg-Winnenthal, là con trai thứ bảy của Công tước Eberhard III và người vợ đầu Anna Katharina, là nhiếp chính của xứ Salm-Kyrburg. Công tước Friedrich Karl mất sớm vào năm 1698, hưởng dương 46 tuổi. Ông kết hôn với Nữ Công tước Eleonora Juliana, con gái bá tước Albrecht xứ Brandenburg-Ansbach với người vợ thứ hai Sophia Margaretha, Nữ Công tước xứ Oettingen.

Công tước Friedrich Karl và vợ có 7 người con, lần lượt là:

1. Karl Alexander (1684-1737), là người kế vị, trị vì từ 1733 – 1737.

2. Dorothea Charlotta (1685-1687)

3. Friedrich Karl (1686-1687)

4. Heinrich Friedrich (1687 – 1734)

5. Maximilian Emanuel (1689-1709)

6. Friedrich Ludwig (1690 – 1734)

7. Christiana Charlotta (1694 – 1729)

Tranh khắc đồng Hoàng tử Maximilian Emanuel của tác giả người Pháp Boëtius

Năm 1633, ông nội của hoàng tử Maximilian Emanuel, Công tước Eberhard III xứ Wuerttemberg đã gia nhập Liên minh Heilbronn cùng với người Thụy Điển trong chiến tranh 30 năm. Trong một trận chiến ác liệt tại Nordlingen năm 1634, vùng đất của ông bị quân bảo hoàng xâm chiếm, nhưng đã giành lại được nhờ sự can thiệp của Thụy Điển tại Hòa ước Westphalia năm 1648.

Cha của Maximilian, Công tước Friedrich Karl, là một người có tiếng, rất được tôn trọng. Sau khi học xong đại học, ông đã đi nhiều nơi để phục vụ cho mục đích giáo dục học tập, bao gồm Thụy Sĩ, Pháp, Anh, Đan Mạch và Thụy Điển. Ông đã tới thăm Thụy Điển năm 1672. Ông đã được chào đón nồng nhiệt ở Stockholm. Ở tuổi 22, ông đã là chỉ huy của một trung đoàn kị binh và tham gia một cuộc chiến chống Pháp, đặc biệt là trong trận bao vây pháo đài Philippsburgs năm 1676. Tuy nhiên, vào năm sau đó, ông phải trở về Stuttgart sau khi nhận tin về cái chết của anh trai, công tước đang trị vì lúc đó. Từ năm 1677-1692 ông là người giám hộ cho cháu trai Eberhard Ludwig và trở thành người cai trị Công quốc Wuerttemberg.

Năm 1690, Công tước Friedrich Karl trở thành tướng kị binh hoàng gia. Năm 1691, ông tham gia Đại liên minh thứ hai chống lại vua Louis XIV và tích cực trong chiến tranh Palatinate. Trong trận Speier năm 1692, ngài Công tước đã gặp nguy hiểm chết người. Sau khi quân Pháp vượt sông Rhine, Friedrich Karl được giao nhiệm vụ ngăn quân địch tiến xa hơn. Lúc này ông đã hội quân với các em trai Ludwig và Johann Friedrich. Tuy nhiên vào ngày 17/9, ông đã bị quân Pháp bắt tại Oetesheim và trở thành tù binh ở Strasbourg, về sau chuyển về Paris. Đầu tháng 1 năm 1693, ông được trả tự do. Ông được Hoàng đế thăng chức thành Nguyên soái năm 1694. Cùng năm ấy, ông lại đi chinh chiến, nhưng buộc phải từ chức sau một năm do sức khỏe suy giảm. Ông mất vào ngày 20/12/1698. Châm ngôn sống của ông là: "Khó khăn là một điều quen thuộc với người can đảm". Nữ Công tước Eleonora Juliana mất ngày 4/3/1724. Hai vợ chồng đều được chôn cất ở Giáo phận Stuttgart.

Anh trai lớn nhất của Hoàng tử Maximilian Emanuel là Công tước Karl Alexander. Ngay ở tuổi 11, anh đã tham gia cuộc chiến tranh ở Hà Lan. Năm 1697, anh trở thành thượng tá quân đội hoàng gia và chỉ huy chiến hào khi pháo đài Ebernburg bị chiếm. Năm sau đó, anh đã chiến đấu chống quân Thổ ở Hungary và nổi lên trong trận Temesvar. Trong chiến tranh Kế vị Tây Ban Nha, anh đã tham gia vào cuộc bao vây thành Landau. Năm 1703, anh chiến đấu tại Ofenburg. Năm 1704, anh đánh bại Blainville tại Munderkingen. Cùng năm đó, anh bị thương một chân trong một trận càn quét ở Schellenberg và đã góp công vào cuộc chinh phục Ulm và Landau. Sau đó, anh chiến đấu ở Ý và lại bị thương ở chân trong trận Treviglio năm 1705. Năm sau đó, anh trở thanh trung tướng trên chiến trường và tham gia trận Turin. Năm 1707, anh mở chiến dịch ở Provence. Từ năm 1708 đến 1712, anh phục vụ trong chiến tranh Hà Lan. Năm 1709, anh trở thành Thống đốc Landau. Năm 1712, Hoàng tử Karl Alexander cùng với anh họ là Công tước Eberhard Ludwig, tấn công quân Pháp ở Lautenburg. Năm sau đó, sau một trận phong thủ quả cảm, anh đã phải đầu hàng cùng với pháo đài Landau. Từ 1716-1718, anh tham gia cuộc chiến dưới sự lãnh đạo của Hoàng tử Eugene xứ Savoy chống lại quân Thổ. Nhờ có công của Karl Alexander, trận chiến ở Peterwardein đã thắng lợi năm 1716, Temesvar cũng đã giành được cùng năm đó, tiếp đến là chiến thắng Belgrade năm 1717. Sau khi Passarovitz có được hòa bình, năm 1718, Karl Alexander trở thành chỉ huy trong quân đội Áo, thống đốc Serbia và có dinh cơ ở Belgrade. Ông rời vị trí vào năm 1733 khi anh họ của ông qua đời. Ông trở thành Công tước cai trị của Wuerttemburg.

Anh trai thứ hai của Maximilian là Hoàng tử Heinrich Friedrich. Anh thông thạo tiếng Latin, và đã dùng ngôn ngữ này để thể hiện khả năng diễn thuyết tuyệt vời tại Đại học Tuebingen khi mới ở độ tuổi 13. Từ năm 1703, anh tham gia cuộc chiến tranh Kế vị Tây Ban Nha ở phe Liên Minh. Cùng năm ấy, anh trở thành chỉ huy trung đoàn kỵ binh và tham gia cuộc chinh phục Bonn, dãy núi Rhine và Kaiserberg. Năm 1705, anh trở thành chuẩn tướng trong quân đội Hà Lan và tham gia một số trận chiến như trong trận Ramillie 1706, anh đã chỉ huy một phần kị binh và bị thương. Không bao lâu sau, người em trai Friedrich Ludwig gia nhập quân đội để học hỏi binh nghiệp bên cạnh Heinrich Friedrich. Cả hai hoàng tử đều có mặt trong trận Oudenarde 1708 và trận Mallaquet 1709. Họ cùng nhau sát cánh suốt phần còn lại của Chiến tranh kế vị Tây Ban Nha. Khi đó, Heinrich Friedrich đã lên đến chức trung tướng, rồi sau đó phục vụ cho kị binh Hoàng gia, cùng em trai có mặt trong cuộc chiến chống quân Thổ năm 1716-1718. Năm 1733, ông lãnh đạo một đoàn quân hoàng gia ở Ý và lại tiếp tục chinh chiến trên sông Rhine vào năm sau đó. Tuy nhiên, ông đã đổ bệnh và mất ngày 27/9/1734 tại lâu đài Winnenthal.

Hoàng tử Friedrich Ludwig, em trai út của Max Emanuel , cũng đã dành cả thanh xuân cho chiến tranh sau khi hoàn thành việc học tập tại đại học Turbingen. Anh đã chiến đấu ở Hà Lan trong chiến tranh kế vị Tây Ban Nha, sau đó giúp vua August Khỏe Mạnh chống lại người Thụy Điển tại Pomerania. Năm 1726, anh trở thành tướng kị binh rồi sau đó phục vụ Hoàng gia và thăng chức thành trung tướng. Từ năm 1732-1733, anh dẹp một cuộc nổi loạn ở đảo Corsica. Năm 1734, hanh dẫn đầu đội quân hoàng gia ở Ý trong chiến tranh Kế vị Ba Lan. Trong thời gian đó, anh tham gia trận Parma và tử trận ngày 19 tháng 9 cùng năm trong trận Guastalla.

Ba người chú của Hoàng tử Max là Georg Friedrich (1657-1685), Ludwig (1661-1698) và Johann Friedrich (1669-1693), đều là những người chiến binh uy tín dù qua đời khi còn trẻ. Georg Friedrich mất vì đại bác ở Kaschau, Hungary, Ludwig chết vì đậu mùa còn Johann Friedrich bị bắn trong một trận tay đôi.

Hoàng tử Ferdinand Wilhelm, một hậu duệ của nhánh Wuerttemberg-Neuenstadt (1659-1701), đã có mặt trong nhiều sự kiện của quân đội Đan Mạch và trở thành tướng chỉ huy trong quân đội Đan Mạch. Trong đó ông tham gia chiến dịch Scania năm 1677, sự kiện ở thành phố Kristian và trận Landskrona. Năm 1682, ông trở thành chỉ huy đội Cận vệ Đan Mạch, năm 1689 trở thành trung tướng, năm 1692 thành chỉ huy bộ binh. Từ 1689-1687, ông chỉ huy các đoàn hải quân Đan Mạch. Sau khi chỉ huy liên quân Saxon-Ba Lan chống lại quân Thổ, ông trở thành tướng kị binh lẫn bộ binh Đan Mạch và là tướng chỉ huy ở Holstein chống lại quân Thụy Điển. Ở mọi nơi ông tới, ông đều cho mọi người thấy khả năng, lòng dũng cảm và tấm lòng chân thành của mình. Ông là tướng của Hà Lan, Ba Lan và Đan Mạch.

Em trai ông là Karl Rudolph (1667-1742) cũng là một chiên binh dày dặn và dũng cảm. Năm 1691, ông trở thành tướng quân trong quân đội Đan Mạch. Trong chiến tranh kế vị Tây Ban Nha, ông dẫn dắt 12000 quân viện binh Đan Mạch. Năm 1713, ông là tướng chỉ huy của phe Đan Mạch trong cuộc đầu hàng Toenning cùng năm. Năm 1715, ông có mặt trong trận bao vây Stralsund và năm 1716 là cuộc chinh phục Wismar.

Ferdinand Wilhelm và Karl Rudolph là em họ của phụ thân Hoàng tử Max. Cha của họ là Công tước Friedrich, em trai của công tước Eberhard III.

Trên đây chỉ là một vài ví dụ về những người thân, họ hàng gần nhất của Hoàng từ Max trong Công quốc Wuerttemberg giàu có. Vẫn còn có những người khác ở những thời điểm khác. Đây là gia đình giàu lịch sử truyền thống hào hùng. Xung quanh cái tên Wuerttemberg, từ đầu chỉ là một châu nhỏ, rồi phát triển thành công quốc và sau này lớn hơn, trở thành vương quốc Wuerttemberg.

Với những hoàng tử không có nhiều trọng trách ở quê nhà, họ tìm kiếm cuộc sống và sự nghiệp trong các quân đội nước ngoài. Họ cũng đã từng chiến đấu vì quê hương thay vì Hoàng đế, Saxony, Ba Lan, Hà Lan và Đan Mạch. Các hoàng tử Wuerttermburg đều có mặt ở những điểm nóng chiến tranh ở châu Âu. Dù họ có gặp khó khăn, thậm chí đóng quân ở hai bên đối địch, họ vẫn giữ vững niềm tin, sự cống hiến và lòng dũng cảm. Ở độ tuổi rất trẻ, họ tới các chiến trường, và thường được thăng chức lên các vị trí cao một các xứng đáng. Đó là truyền thống chiến tranh của gia đình hoàng từ Max Emanuel.

À, tôi cũng muốn nói thêm rằng Hoàng tử Maximilian Emanuel là họ hàng 4 đời với vua hiện tại của Wuertemberg, Wilhelm II.(Chú thích: thời điểm 1913)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro