Bần Ơi!

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi cắp rổ bánh ích ngang hông khéo léo bước lên cây cầu tre bắc qua nhà bác ba. Chưa tới nửa cầu đã nghe tiếng bác ba gái cằn nhằn: "thôi nôi rồi nhỏ nhắn gì nữa đâu, suốt ngày sữa với tã." Nói xong hình như bác ba bỏ ra ruộng nên chỉ còn lại tiếng ru con khe khẽ, tiếng hát ấy là của chị hai Bần _ chị họ, cũng là bạn thân của tôi hồi nhỏ.
Không hiểu sao hai bác lại đặt cho chị cái tên đó. Nghe má kể hồi xưa bác ba trai nghe lời bà thầy nào đó ở kinh Ngang nói là đẻ con trai đầu lòng mới ăn nên làm ra, vậy là ngày bồng chị về ông già ruột không thèm ngó mặt con gái một cái. Hỏi đặt tên con là gì bác ba cũng chẳng thèm nghĩ, ực cốc rượu đế rồi cắn nửa trái bần chua nghe giòn cái rụp. Vậy đó, cái tên Bần của chị tôi được đặt trong hoàn cảnh chạnh lòng như vậy đó. Chị Bần lớn hơn tôi hai tuổi lại là vai chị đáng lí tôi phải gọi bằng chị hai nhưng không hồi nhỏ tôi kêu thẳng tên Bần, lớn lên một chút bị má la quá tôi mới thêm từ chị trước cái tên. Tôi thích gọi như vậy bởi mỗi lần bị kêu tên chị ngại đỏ mặt, giờ nghĩ lại sao hồi đó mình ác miệng quá chừng.
Trong xóm cỡ tuổi hai chị em tôi còn một đứa nữa, nó bằng tuổi chị Bần. Thằng đó tên Thổ, dĩ nhiên tôi cũng không thèm gọi nó bằng anh. Ba đứa tôi cũng như những đứa trẻ khác có một tuổi thơ đẹp và dữ dội. Thằng Thổ chiều tôi nhất nhưng nó thương chị Bần nhất, bởi những lần trốn ngủ hái trái cơm nguội nó chia tôi phần nhiều nhưng mỗi lần bị bác ba đánh đòn nó lại đỡ cho chị Bần. Tự dưng lúc đó tôi mong về đến nhà má đã cầm sẵn cây roi đợi mình, chừng đó tôi sẽ la sẽ khóc thật lớn.
Chị Bần lớn hơn tôi nên có lẽ cái tính dịu dàng của người con gái cũng bộc lộ ra trước. Trong khi tôi còn so đo chia cơm nguội bên ít bên nhiều thì chị đã biết mang theo dầu bôi lên những chỗ thằng Thổ bị kiến cắn.
Nhưng con người càng lớn thì càng có những khoảng cách không tên, đầu tiên phải nói đến khoảng cách của bộ ba thời thơ ấu. Chị Bần và Thổ muốn bo xì với tôi nên họ hay cùng nhau đánh lẻ, cũng như nó chỉ cài hoa lên tóc cho mỗi mình chị hoặc cả hai ra cầu tre ngắm bông bần rụng mà chẳng réo tôi một tiếng.
Thời gian cũng chẳng được bao lâu khi mọi cử chỉ dịu dàng của họ bị bác ba trai tôi phát hiện, ông đánh mắng chị Bần, bác ba gái thì giảng đạo lí ở đời cho chị nghe. Thổ vì thương chị nên cũng ít qua lại mà chuyển sang gần gũi với tôi, còn tôi vì hai người mà thành "giao liên" bất đắc dĩ. Từ những trái bần chín cho tới viên thuốc, chai dầu ... đều phải qua tay tôi hết . Mà nhà họ có xa xôi gì đâu_ đối diện, chỉ cách con sông nhỏ. Nhà của Thổ là căn chòi lá dựng bên mé sông, chiếc xuồng cũ buộc vào cây nọc dưới sàn nhà cũng là kế sinh nhai của nhà nó.
Cứ như vậy tôi "đứng giữa" hai người họ cho đến một ngày bác ba trai ngã bệnh, chị Bần phải bỏ học giữa chừng để ra chợ tìm việc làm. Lúc đó tự dưng tôi tiếc cái công việc "giao liên" của mình vô cùng.
Chị đi giúp việc cho người ta được mấy tháng thì nhà bác ba có tin vui. Nhà trai cộng thêm chú rể chỉ vỏn vẹn chục người mà anh chị sui của bác ba tôi thì chẳng thấy đâu. Đêm nhóm họ bà con thân thuộc đến chơi đông đủ, dao băm thịt đều đều, tiếng chân chạy tới lui lo đồ ăn khuya và giọng cười giòn của mấy đứa nhỏ chắc cũng làm chị đỡ tủi thân. Nhưng mà niềm vui bị nhấn chìm bởi một giọng ca nhừa nhựa hơi men: "tiễn em đi rồi anh về gác lạnh đìu hiu, ngoài trời trăng tỏ mà sao ướt đôi mi gầy...". Má tôi nghe xong còn phải kéo áo chấm nước mắt.
Tôi ghé tai má nói nhỏ :
- Thằng Thổ thấy tội quá má, may mốt con lớn má gả con bù cho nó nghen!
Má nhìn tôi chưng hửng, rồi cốc lên đầu tôi một cái đau điếng.
- Lo mà học đi, bộ bây tính nối nghiệp cái nghề Bà Cậu đó hả? Thấy chị bây nó khôn lanh chưa?
" Chị hai có muốn đâu"_ câu nói ấy tôi nuốt vô bụng chứ đâu dám cãi tay đôi với má.
Rồi chị theo chồng về chợ tôi cũng xa nhà lên tỉnh học, hiếm khi ba đứa có dịp gặp lại để đi bắt cào cào câu rắn mối hay đơn giản là hái trái cơm nguội về ăn. Có lẽ thiếu chị hai nên thằng Thổ không còn thiết tha với mấy trò đó nữa, nhưng... còn hai người cũng vui mà. Lâu dần tôi cũng ít về quê, tôi để dành thời gian cho bạn bè mới và những cuộc tình chóng vánh.
Tôi học ra trường thì vài sợi tóc của má cũng ngả sang màu khói nên quyết định tìm việc gần nhà để tới lui đỡ đần cho má. Làm kế toán cho cửa hàng gạo ngoài chợ tuy lương không cao nhưng được cái phù hợp với ngành nghề tôi học và môi trường cũng thoải mái. Ở chợ thỉnh thoảng tôi hay gặp lại chị hai, lấy chồng mới mấy năm mà chị thay đổi nhiều. Chị hốc hác hơn so với thời con gái, mái tóc cũng xác xơ đi nhiều. Gặp tôi chị hỏi vài câu chiếu lệ cho xong chứ không nhắc gì về kỉ niệm thời thơ ấu. Tôi cũng xã giao những câu đại loại như : "Đám giỗ bác ba trai có về không? Bác ba gái chắc trông chị với cháu dữ lắm...". Chứ tôi đâu dám hỏi thêm về vết bầm trên trán hay những dấu tay in lên gò má của chị.
Ngày chị mang đứa bé về nhà ngoại nó mới sáu tháng tuổi , mỗi đêm tôi đã quen nghe cái liên khúc tiếng khóc đòi sữa, tiếng cằn nhằn của bác ba gái, tiếng nấc nghẹn của chị và dưới mé sông vọng lên tiếng thở dài não nuột.
Đứng giữa cầu hồi lâu, chắc nịch rằng bác ba gái đã đi được một khoảng khá xa bởi tôi chỉ còn nghe âm thanh cọ võng kẽo kẹt và giọng hát run run của chị " ầu ơ... Thân em như trái bần trôi... Gió dập sóng dồi... gió dập sóng dồi chớ biết tấp vào đâu...". Tôi soi mình xuống dòng nước đỏ chép miệng: " ờ ha, không biết mình về đâu ta? Trôi ra sông ra biển... hay tấp lại bên cái chòi lá kia với chiếc xuồng cũ và bó cần câu ếch ?".
Hết.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro