Bàn về

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

XÃ HỘI HỌC VỀ HẠNH PHÚC
MATTHIEU RICARD – BÀN VỀ HẠNH PHÚC

⭐️⭐️⭐️

Trong khi người bị liệt mà mọi người đều cho là bất hạnh sẵn sáng trợ giúp tinh thần cho những ai bị khuyết tật như họ, thì người trí thức uyên bác – được hứa hẹn cho một sự nghiệp thì người trí thức uyên bác – được hứa hẹn cho một sự nghiệp lẫy lừng lại chìm đắm trong trạng thái khó chịu vô chừng.
Tuy nhiên. “anh ta có tất cả để được sung sướng”.
Câu nói trên gần như là điều ngu ngốc. Hạnh phúc phải chăng được chế biến như người ta làm bánh xốp?
Một nhúm sức khỏe, hai thìa cà phê gì đó...

- Alexandre Jollien

Như chúng ta thấy, một trong những mục đích của cuốn sách này là xác định những điều kiện thuận lợi để đưa tới hạnh phúc và những điều kiện bất lợi ngăn cản nó. Vậy những nghiên cứu về tâm lý xã hội dành cho những yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống có giúp ích gì cho chúng ta không? Chúng tôi đã nhấn mạnh rằng, trong thế kỷ XX, ngành tâm lý học và tâm thần học chủ yếu quan tâm tới việc mô tả và xử lý những rối loạn tâm lý và những chứng bệnh tâm thần. Chúng được nhận dạng và giải thích một cách chính xác, và ngày nay, rất nhiều chứng bệnh đã được chữa khỏi. Nhưng đồng thời, khoa học cũng ít đi vào khả năng chuyển từ một trạng thái “bình thường” sang một trạng thái tốt hơn và được toại nguyện hơn. Giờ đây, mọi thứ đã thay đổi bởi vì các ngành khoa học nghiên cứu về năng lực nhận thức và ngành “tâm lý học tích cực” đã có một bước tiến đáng kể.

Phải chăng con người đã mang sẵn những yếu tố biến thiên về hạnh phúc và khổ đau ngay từ lúc chào đời? Những điều kiện ngoại cảnh với kinh nghiệm nội tâm tác động qua lại với nhau như thế nào? Có thể thay đổi cá tính của chúng ta tới mức nào? Liệu có làm nảy sinh một ý thức nào góp phần vào sự thay đổi ấy? Người ta đã tập trung nghiên cứu khoa học về biết bao câu hỏi đặt ra như vậy từ 30 năm nay. Hàng trăm ngàn chủ đề đã được nghiên cứu tại 70 nước khác nhau và rất nhiều kết quả đã được công bố. Dưới đây, chúng tôi tóm tắt những kết luận trích từ các báo cáo tổng kết do Ruu Veenhoven đã thống kê và so sánh tới 2.475 công trình nghiên cứu khoa học về hạnh phúc và được công bố.

Những công trình khoa học đó đưa ra ba kết luận chính. Thứ nhất, chúng ta có sẵn một nguồn gen để được hạnh phúc hoặc bị đau khổ: khoảng 50% khuynh hướng hạnh phúc được gán cho gen. Thứ hai, những điều kiện ngoại cảnh và những nhân tố chung khác giúp con người được toại nguyện (cương vị xã hội, giáo dục, giải trí, của cải, giới tính, tuổi tác, dân tộc…) có ảnh hưởng phụ, song cũng chỉ chiếm khoảng từ 10 – 15%. Thứ ba, thông qua cách sống, cách suy nghĩ và nhìn nhận các sự kiện rồi theo đó mà hành động, con người có thể tác động rất lớn tới trải nghiệm về hạnh phúc và khổ đau. Rất may mắn là nếu như hạnh phúc là một hiện tượng thiên bẩm thì nghiên cứu về nó và cố gắng để được hạnh phúc hơn sẽ chẳng còn nghĩa lý gì.

Những kết luận trên có công dụng xóa tan hàng loạt suy nghĩ sai lầm về hạnh phúc. Thật vậy, rất nhiều nhà văn và triết gia đã chế nhạo ý kiến cho rằng hạnh phúc có lợi cho sức khỏe, rằng những người lạc quan sống thọ và sung sướng hơn và con người có thể “vun trồng” hạnh phúc. Tuy nhiên, đó lại là những việc có thật, dù những kẻ chán đời xếp hạnh phúc vào loại những trò ngây ngô vô ích có muốn hay không.

🍀 Tính kế thừa của hạnh phúc

Phải chăng khi sinh ra, chúng ta đã có bẩm chất để hạnh phúc hoặc bất hạnh? Gen di truyền có trội hơn hẳn so với các yếu tố tâm lý, nhất là những tác động của thời thơ ấu, của môi trường và giáo dục hay không? Giới khoa học đã có nhiều tranh luận nảy lửa về chủ đề này. Một trong những cách giải đáp là nghiên cứu về những cặp sinh đôi, được tách rời nhau ngay từ lúc chào đời. Chúng mang cùng một gen đơn bội, nhưng được nuôi nấng trong những điều kiện đôi khi rất khác nhau. Chúng sẽ giống nhau về mặt tâm lý đến mức nào? Cũng có thể so sánh tâm lý của những trẻ là con nuôi với tâm lý của cha mẹ đẻ chúng, và cả với tâm lý của cha mẹ nuôi chúng. Những công trình nghiên cứu tâm lý đó cho thấy rằng về tính nóng nảy, u uất, thông minh, hài lòng với cuộc sống, thói quen uống rượu, chứng rối loạn thần kinh chức năng…, những trẻ sinh đôi được nuôi dạy trong những môi trường khác nhau có nhiều điểm tương đồng hơn là những trẻ không phải sinh đôi nhưng được nuôi dạy trong cùng một môi trường. Mức độ giống nhau trong trường hợp này hầu như y hệt khi chúng được nuôi nấng cùng nhau. Cũng thế, về mặt tâm lý, những trẻ là con nuôi giống cha mẹ đẻ hơn (tuy cha mẹ đẻ cùng với họ). Sau khi nghiên cứu hàng trăm trường hợp, Tellegen và các cộng sự của ông đã khẳng định rằng hạnh phúc mang tính kế thừa tới 45% và gen quyết định tới 55% những khác biệt về tính cách.

Theo các nhà nghiên cứu trên, những sự kiện từ thuở ấu thơ chỉ tác động rất ít tới nhân cách của người lớn; so với gen, chúng ít có ảnh hưởng hơn rất nhiều. Trong đại đa số các trường hợp, trừ những hoàn cảnh đặc biệt, như mồ côi mẹ trước bảy tuổi chẳng hạn, không một sự kiện nào của tuổi thơ có thể gây ảnh hưởng đáng kể tới cá tính của người lớn. Đối với Martin Seligman, Chủ tịch Hội tâm lý của Mỹ, những nghiên cứu trên dường như phá tan thuyết quyết định của Freud và quan điểm hẹp hòi của chủ nghĩa hành vi.

Cũng cần lưu ý rằng những thiên hướng nhận biết những cảm xúc khó chịu và dễ chịu có vẻ do các gen khác nhau chi phối. Trong bối cảnh tâm lý phương Tây, những cảm xúc khó chịu bao gồm tức giận, buồn bã, lo âu, sợ hãi, ghê tởm, khinh bỉ và hổ thẹn; còn những xúc cảm dễ chịu là vui vẻ, thích thú, hài lòng, thán phục, biết ơn, trìu mến, nhẹ nhõm, hứng thú, cao thượng, tình yêu và sự hăng hái. Ấy vậy mà  những xúc  cảm khó chịu phụ thuộc tới 55% vào các gen, trong khi phía dễ chịu chỉ phụ thuộc có 40%.

Một số không ít các nhà nghiên cứu cho rằng cách nhìn nhận sự vật như vậy là thái quá và giáo điều. Theo họ, những tỷ lệ phần trăm được nêu trên (như 50% biến đổi cá tính là do gen) chỉ là tiềm năng phụ thuộc vào nhiều nhân tố khác. Một loạt thử nghiệm rất hay đã chứng minh rằng trong tuần đầu tiên, khi chuột con mang sẵn gen lo âu được trao cho những chuột mẹ đặc biệt chăm chút đến con, luôn ấp ủ và liếm lông cho chúng, gen lo âu đã không thể hiện và hiện tượng này kéo dài trong suốt cuộc đời chuột con. Điều này chắc chắn phù hợp với quan điểm của đạo Phật, theo đó, một đứa trẻ luôn cần được yêu thương trìu mến mà ta nhận được thời thơ ấu ảnh hưởng sâu sắc tới cách chúng ta nhìn nhận cuộc đời, điều này là hiển nhiên. Chúng ta biết rằng những trẻ là nạn nhân của lạm dụng tình dục có nguy cơ bị trầm cảm lớn gấp hai lần những trẻ em khác, khi đến tuổi thiếu niên và trưởng thành; rất nhiều tội phạm khi còn nhỏ đã sống trong cảnh thiếu tình thương và bị ngược đãi.

Theo Richard Davidson, đa số những trẻ sinh đôi – đối tượng của các công trình nghiên cứu trên thường được sống tách rời nhau ngay từ lúc lọt lòng và được các gia đình khá giả nhận về làm con nuôi. Những gia đình này từ lâu đã ao ước xin con và họ chăm sóc đứa trẻ một cách chu đáo nhất. Kết quả chắc chắn sẽ rất khác nhau nếu trong cặp sinh đôi đó, một trẻ được sống trong sự đùm bọc yêu thương, còn đứa kia bị rơi vào cảnh “bụi đời” hoặc trong những khu nhà ổ chuột.

Về những thay đổi tính cách, điều quan trọng cần nhấn mạnh là một tính cách liên quan nhiều tới gen dường như ít thay đổi (như khuynh hướng tình dục và trọng lượng trung bình chẳng hạn), trong khi một số khác có thể bị những điều kiện sống và sự rèn luyện tâm linh làm cho thay đổi rất đáng kể. Nhất là đối với các trường hợp sợ hãi, bi quan và… hạnh phúc. Trong chương “Hạnh phúc trong phòng thí nghiệm”, chúng ta sẽ thấy rằng rèn luyện tâm linh có thể làm gia tăng đáng kể khả năng vị tha, cảm thông và thanh thản.

🍀 Những điều kiện chung của hạnh phúc

Người ta đã tiến hành nhiều nghiên cứu về hạnh phúc theo quan niệm nó là “chất lượng sống”, hoặc chính xác hơn là “sự đánh giá chủ quan của con người về chất lượng cuộc sống của mình”. Những phiếu câu hỏi được sử dụng và chỉ đặt ra những câu hỏi rất đơn giản, đại loại như: “Bạn thấy mình rất hạnh phúc, hạnh phúc vừa phải, hay đau khổ hoặc rất bất hạnh? Sau đó người được hỏi sẽ phải cung cấp những thông tin liên quan tới địa vị xã hội, gia đình, thu nhập, sức khỏe, những sự kiện đáng chú ý trong cuộc sống đời họ… Những câu trả lời đó sẽ được phân tích và thống kê lại.

Kết quả cho thấy có nhiều người tự cho là hạnh phúc hơn ở các nước giàu. Tuy nhiên, ở những nước này, khi đạt đến một ngưỡng giàu có nào đó, mức độ toại nguyện dừng lại cho dù thu nhập có tiếp tục tăng. Mối tương quan giữa giáo dục/ hạnh phúc và thu nhập/ hạnh phúc được thể hiện rõ ràng hơn ở các nước nghèo. Tuy thế, cũng nảy sinh trường hợp có “những người nghèo hạnh phúc”; họ vui vẻ và vô tư hơn rất nhiều so với những người giàu sống trong tình trạng căng thẳng. Robert Biswas – Diener đã nghiên cứu về hoặc trong các khu ổ chuột tại Calcuta và thấy rằng đạo đức, ăn uống và niềm vui sống, họ có mức độ thỏa mãn gần tương tự như ở các sinh viên. Ngược lại, Francisco trong cảnh thiếu thốn tình thương và những mối quan hệ xã hội cho rằng họ bất hạnh hơn rất nhiều. Các nhà xã  hội học giải thích rằng vì không còn hy vọng thành đạt về địa vị xã hội và tiền bạc nên rất nhiều người nghèo khó không còn phải bận tâm về chút gì (thức ăn chẳng hạn…) là đã thấy thỏa mãn rồi. Theo đạo Phật, ta có thể suy diễn rộng hơn. Không ai phản đối rằng những người hầu như trắng tay chắc chắn sẽ rất hài lòng khi có nhiều thứ hơn, song chừng nào họ có thể ăn đủ no và không bị ám ảnh bởi giàu sang thì sở hữu ít của cải đi liền với tự do vô lo vô nghĩ.

Đó không phải là một lời hô hào trống rỗng. Khi tôi còn sống trong một khu phố cổ của thủ đô Delhi để in ấn các kinh sách Tây Tạng, tôi thường bắt gặp những người suốt ngày đạp xe chở khách ngồi chen chúc trên ghế băng ở phía sau chiếc xe đạp ba bánh cỗ lỗ sỹ của họ. Những buối tối mùa đông, họ tập trung thành những nhóm nhỏ trên đường phố, quanh một bếp lửa trong một cái lều được quây bằng những chiếc thùng các – tông rỗng. Họ chuyện trò, cười nói rôm rả và những ai có giọng tốt thì cất tiếng hát những làn điệu dân ca. Rồi họ lăn ra ngủ, co quắp trên chiếc ghế băng chở khách. Cuộc sống của họ đâu có dễ dàng gì, song tôi không thể không nghĩ rằng khía cạnh trẻ trung và vô ưu đã khiến họ hạnh phúc hơn nhiều nạn nhân của sự căng thẳng đang ngự trị tại các văn phòng quảng cáo ở Paris hay trên các thị trường chứng khoán. Tôi cũng nhớ lại một lão nông người Bhutan rất thân với tôi. Một hôm, tôi tặng cụ một chiếc áo mới và 1.000 đồng rupi. Cụ lộ vẻ bối rối và nói rằng trong đời mình, cụ chưa từng có một món tiền lớn hơn 300 đồng rupi (7 euro). Khi vị sư trụ trì tự viện tôi ở hỏi cụ có lo lắng gì không, cụ suy nghĩ một lúc rồi đáp:

“Có, tôi sợ những con vắt khi đi rừng vào mùa mưa.

Thế ngoài đĩa ra?

Không lo lắng gì hết.”

Đó không phải là trường hợp của những công dân ở các thành phố lớn, đúng không? Và từ trong chiếc thùng tô – nô nổi tiếng của mình, Diogene đã tuyên bố với Alexandre rằng: “Ta còn vĩ đại hơn người, hỡi lãnh chúa, bởi vì ta coi khinh tất cả những gì ngươi có.” Sự đơn giản của người nông dân Bhutan chắc chắn không thể có tầm cỡ như triết lý của nhà thông thái, tuy nhiên, rõ ràng là hạnh phúc và toại nguyện không tỷ lệ thuận với giàu có. Có thể sẽ khác khi người ta không có những thứ tối thiểu cần thiết, nhưng lúc đó lại là vấn đề sống còn, chứ không phải là khối lượng của cải nữa.

Trở lại với những nghiên cứu tâm lý xã hội, ta thấy rằng người dân cảm thấy hạnh phúc hơn tại các nước đảm bảo cho họ nhiều an ninh, tự chủ và tự do, cũng như nhiều điều kiện dễ dàng trong lĩnh vực giáo dục và truy cập thông tin, tự do cá nhân và quyền dân chủ. Rõ ràng các công dân sung sướng hơn trong một bầu không khí hòa bình; còn dưới chế độ quân phiệt thì người dân sống bất hạnh hơn, ở đây ta không xem xét dưới góc độ kinh tế.

Hạnh phúc tăng lên với những hoạt động xã hội, tham gia vào các tổ chức tự nguyện, chơi thể thao, âm nhạc, hoặc gia nhập các câu lạc bộ với những hoạt động phong phú. Hạnh phúc gắn liền với những mối quan hệ riêng tư và chất lượng của những quan hệ này. Những người có gia đình hoặc sống có đôi gần như hạnh phúc gấp hai những người độc thân, góa bụa, ly dị hoặc ở một mình.

Hạnh phúc có vẻ cao hơn ở những người có công ăn việc làm và được trả lương. Thật vậy, người ta đã nhận thấy tỷ lệ bệnh tật, trầm cảm, tự vẫn và nghiện ngập đặc biệt cao hơn ở những người thất nghiệp. Tuy nhiên, phụ nữ ở nhà không tỏ ra bất mãn hơn phụ nữ đi làm. Một nhận xét thú vị khác, đó là hưu trí không khiến cho cuộc sống kém phần mãn nguyện; trái lại, nó còn nhìn nhận cuộc đời của họ không vui vẻ như lớp trẻ, song lại có cảm giác hài lòng về một toàn cục ổn định hơn và có nhiều cảm xúc tích cực. Tuổi tác khiến con người dày dạn hơn. Hạnh phúc cũng cao hơn ở những người có thể trạng tốt và có nghị lực mạnh mẽ. Điều này dường như không liên quan tới khí hậu, trái với những định kiến cho rằng dân ở vùng chói nắng hạnh phúc hơn dân ở vùng mưa nhiều (trừ một số trường hợp bệnh lý của những người bị trầm cảm do những đêm dài đông giá ở những vùng cao).

Những trò giải trí dễ khiến con người toại nguyện, nhất là ở những người không đi làm (người hưu trí, người hưởng phúc lợi và người thất nghiệp). Những kỳ nghỉ có tác động tích cực tới hạnh phúc, bình an và sức khỏe. Người ta biết rằng chỉ 3% số người đi nghỉ kêu đau đầu so với 21% ở những người đi làm chẳng hạn! Tương tự như các chứng mệt mỏi, bực tức và… táo bón! Cần biết rằng xem ti vi, dù là một hoạt động rất phổ cập, cũng chỉ mang lại rất ít lợi lạc. Tỷ lệ cảm thấy an lạc ở những người “nghiền” ti vi thấp hơn mức trung bình ở những người khác, có thể do họ không có nhiều việc để làm, hoặc do các chương trình truyền hình có chất lượng kém và bạo lực hình ảnh gây ra trạng thái bất an.

Veehoven đã kết luận: “Rất nhiều mối tương quan nêu trên gắn hạnh phúc ở mức trung bình với “hội chứng của tính hiện đại”. (…) Đất nước càng hiện đại thì các công dân ở đó càng sung sướng (…) Dù nền văn minh có những vấn đề, nó vẫn mang lại nhiều phúc lợi”. 80% dân Mỹ tuyên bố rằng họ hạnh phúc! Song tình hình không khả quan như bề ngoài của nó. Bất chấp những điều kiện ngoại cảnh được cải thiện, ngày nay tình trạng suy sụp tinh thần đã tăng lên gấp 10 lần ở các nước phát triển so với năm 1960, càng ngày càng tác động tới những người ở lứa tuổi trẻ hơn. Cách đây 40 năm, tuổi trung bình của người bị trầm cảm là 29, ngày nay, tuối này là 14. Ở Mỹ, bệnh trầm cảm lưỡng cực (ngày trước gọi là điên – trầm cảm) đứng thứ hai trong số các nguyên nhân dẫn đến tử vong ở phụ nữ trẻ và đứng thứ ba trong số các nguyên nhân dẫn đến tử vong ở đàn ông trẻ. Tại Thụy Điển, tỷ lệ tự vẫn đã tăng 260% trong giới sinh viên kể từ những năm 1950. Và nó là thủ phạm của 2% số người chết hàng năm trên thế giới, tức là cao hơn cả số người chết vì chiến tranh và những vụ giết người. Thế đấy! Và tất cả những điều đó xảy ra mặc dù mọi điều kiện bên ngoài của an lạc như chăm sóc y tế, sức mua, giáo dục và giải trí đều không ngừng được cải thiện. Giải thích làm sao điều này?

Theo Seligman: “Một phẩm chất được xây dựng trên cơ sở vị ngã thái quá sẽ mang đậm khuynh hướng coi mình là nạn nhân trước mọi tổn hại nhỏ nhất và làm tăng lòng ích kỷ mãn tính, từ đó càng thúc đẩy khuynh hướng tiêu cực kia”. Đạo Phật thêm vào rằng đó cũng chính là vì chúng ta dành phần lớn thời gian cho các hoạt động và các mục đích bên ngoài không bao giờ dứt, trong khi bỏ qua việc học cách tận hưởng hiện tại với những người thân yêu của mình, tận hưởng sự thanh bình của phong cảnh và nhất là bỏ qua phát triển trạng thái an lạc nội tâm, làm mới mẽ mỗi khoảnh khắc của cuộc đời.

Trạng thái hưng phấn và khoái lạc dưới tác động của việc kích thích các giác quan, những trò giải trí ầm ĩ, hào nhoáng, điên loạn và gợi dục không thể thay thế được tâm bình yên và niềm vui sống mà nó sinh ra. Mục đích của những hành động thái quá là kích động sự lãnh đạm của chúng ta, song chúng chỉ khiến ta mệt mỏi, cáu bẳn và bất mãn kinh niên. Khi đó, ta sẽ sa vào trạng thái cực đoan như trường hợp một thanh niên sống sót sau một tai nạn xe hơi. Sau tám ngày bị hôn mê, anh ta nói với bạn rằng: “Lúc ấy, tớ phóng với tốc độ 160 cây số/ giờ. Tớ biết là mình sẽ không qua được đâu, nhưng vẫn cứ tăng tốc.” Suy nghĩ quá khích ấy xuất phát từ trạng thái chán chường và cho rằng nếu cứ đẩy điều phi lý đi xa hơn thì rốt cục sẽ tới được nơi nào đó, hoặc tự tiêu hủy thì rốt cục sẽ tới được nơi nào đó, hoặc tự tiêu hủy mình “ở bất cứ đâu”. Thái độ chán ghét cuộc sống là do vô minh, hoặc xem thường tài sản nội tâm phong phú của chúng ta. Do khước từ  nhìn vào bên trong mình và không chịu hiểu rằng phải vun bồi tâm trạng thanh thản cho mình và thiện tâm đối với một người thì chúng ta mới có thể tận hưởng niềm vui cuộc sống.

🍀 Những nét cá nhân

Hình như hạnh phúc không liên quan tới năng lực nhận thức, ít ra là theo những thử nghiệm về chỉ số thông minh mà người ta đo được; nó cũng không liên quan tới giới tính, chủng tộc, càng không dính dáng gì đến vẻ đẹp thân thể. Tuy nhiên, sự đồng cảm phân biệt rõ người hạnh phúc với kẻ bất hạnh. Khái niệm “đồng cảm” do Daniel Goleman đưa ra được định nghĩa bằng năng lực nhận biết đúng đắn và quan tâm tới tình cảm của người khác. Đó cũng là khả năng nhận diện sáng suốt và nhanh chóng những cảm xúc của chính mình.

Theo K. Magnus và cộng sự của ông, hạnh phúc đi liền với năng lực tự khẳng định mình với bên ngoài và lòng vị tha: nhìn chung, những người hạnh phúc đều hướng ra thế giới. Họ cho rằng con người có thể tự kiểm soát mình và cuộc sống của mình, trong khi những người bất hạnh lại có khuynh hướng coi mình là con bài của định mệnh. Trên thực tế, người ta thấy rằng cá thể nào càng có khả năng làm chủ môi trường của mình thì càng hạnh phúc. Điều thú vị là trong cuộc sống hàng ngày, những người hướng ngoại gặp nhiều sự kiện tích cực hơn những người hướng nội và những người mắc chứng rồi loạn thần kinh chức năng gặp nhiều điều tiêu cực hơn những người có đầu óc ổn định. Như vậy, chúng ta có thể “bị vận đen” và “gặp rắc rối”, nhưng không được quên rằng, rốt cục, chính tính khí của mình: hướng ngoại hay hướng nội, lạc quan hay bi quan, ích kỷ hay vị tha… khiến chúng ta rơi đi rơi lại vào những tình huống tương tự. Về mặt xã hội, một người hướng ngoại đủ khả năng để vật lộn với những hoàn cảnh khó khăn, trong khi một người tự ti cảm thấy lo âu tăng lên, thường thể hiện qua những khía cạnh tình cảm, gia đình và những thấy bại ngoài xã hội. Một người viết cho tôi: “Cái được gọi là “số phận” giáng mạnh xuống đầu tôi, mỗi ngày đưa đến cho tôi một nỗi phiền muộn lớn, thậm chí một thảm họa, làm tôi thêm tan nát. Tôi không thể chịu nổi nữa, bởi vì tôi không biết tình trạng này có chấm dứt không, hay nó sẽ hủy hoại hoàn toàn cuộc đời tôi. Tôi e rằng không thể thoát khỏi tình trạng đó.”

Những người thực hành một tôn giáo sống hạnh phúc hơn là lâu hơn bảy năm so với tuổi thọ trung bình (ở Mỹ). Tại sao vậy? Theo các nhà tâm lý học, nguyên nhân có thể là nhờ thái độ cởi mở và tích cực trong cuộc sống, sự gắn kết chặt chẽ với xã hội và tích cực giúp đỡ lẫn nhau. Tôn giáo dâng hiến một “khuôn mẫu” tư tưởng, giúp ta sống và giải đáp được những câu hỏi mình tự đặt ra. Bao giờ tôn giáo cũng có khuôn mẫu đạo đức như tiêu thụ ít rượu, thuốc lá và ma túy. Những đệ tử thực hành có nhiều cảm xúc tích cực và ít nguy cơ rơi vào tình trạng thất nghiệp, ly hôn, gây án hoặc tự vẫn. Tôn giáo khiến họ hy vọng mong muố tham gia vào một điều gì đó lớn hơn mình để được che chở.

Tôi muốn nói thêm rằng đời sống tâm linh giúp ta đặt ra một mục đích cho cuộc đời mình. Nó phát huy những giá trị nhân bản, lòng nhân từ, tính cởi mở những nhân tố khiến con người dễ gần với hạnh phúc hơn là khổ đau. Tôn giáo tránh cho chúng ta tư tưởng sai lệch, cho rằng không còn hướng nào khác rằng cuộc đời chẳng khác gì một trận chiến đấu ích kỷ, “ai biết phận người ấy”.

Người ta cứ tưởng rằng sức khỏe chắc phải ảnh hưởng đáng kể tới hạnh phúc, rằng khi lâm bệnh nặng và phải vào nhà thương thì khó mà hạnh phúc được. Song thực ra không phải như vậy, ngay trong những điều kiện đó, người ta vẫn nhanh chóng lấy lại mức độ hạnh phúc của mình như trước khi bị bệnh. Những nghiên cứu trên các bệnh nhân ung thư đã chứng minh rằng mức độ hạnh phúc của họ chỉ thua kém một chút so với mọi người.

Làm cách nào để giải thích rằng, rốt cục, có quá ít tương quan (10 -15%) giữa của cải, sức khỏe, sắc đẹp và hạnh phúc? Theo E. Diener, tất cả đều phụ thuộc vào mục đích mà ta đặt ra cho cuộc đời mình. Có nhiều tiền chắc chắn đóng một vai trò trong hạnh phúc đối với người coi chuyện làm giàu cho bản thân là mục tiêu chính trong đời, song lại chỉ tác động rất ít tới ai coi của cải là thứ yếu. Có thể các bạn cho rằng người ta vẫn nghĩ tới nó, song để đáng tin cậy hơn, chúng ta phải nhờ tới những chứng minh mang tính khoa học.

🍀 Hạnh phúc và sống thọ

D. Danner và cộng sự của ông đã nghiên cứu tuổi thọ của 178 nữ tu sỹ Công giáo sinh ra từ đầu thế kỷ XX. Họ sống trong cùng một tu viện và đều là giáo viên của một trường học tại thành phố Milwankee (Mỹ). Trường hợp của họ đặc biệt thú vị bởi các điều kiện khách quan trong cuộc sống của họ cực kỳ giống nhau: sinh hoạt hàng ngày như nhau, cùng một chế độ ăn uống, không rượu, không thuốc lá, địa vị xã hội và khả năng tài chính như nhau, và cùng hưởng một chế độ chăm sóc y tế. Như vậy có thể loại trừ đa phần những khác biệt về cảm xúc giữa họ với nhau do tác động của những điều kiện bên ngoài.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích những bản tự thuật của họ viết trước khi phát nguyện đi tu và đánh giá những cảm xúc tích cực và tiêu cực của họ qua những trang viết đó. Một số nữ tu sỹ lặp đi lặp lại rằng họ “rất hạnh phúc”, hoặc “cảm thấy một niềm vui lớn lao” khi nghĩ tới việc dấn thân vòa cuộc đời tu sỹ và phục vụ mọi người; một số khác thể hiện ít hơn hoặc không thể hiện cảm xúc tích cực. Kết quả xếp loại họ theo mức độ vui vẻ và toại nguyện thể hiện qua bản tự thuật được mang ra so sánh với tuổi thọ của họ.

90% nữ tu sỹ nằm trong số ¼ số người sếp vào nhóm sống hạnh phúc nhất vẫn còn sống ở tuổi 80, so với 34% thuộc về ¼ số nữ tu sỹ ít hạnh phúc nhất. Khi phân tích sâu hơn bài viết của họ, ta có thể loại trừ những nhân tố khác có ảnh hưởng tới những khác biệt này: không có mối liên quan nào giữa tuổi thọ của họ với mức độ lòng tin vào Chúa, trình độ nhận thức, niềm hy vọng của họ vào tương lai hay mọi trù tính khác. Tóm lại, dường như các tu sỹ hạnh phúc sống lâu hơn những tu sỹ bất hạnh. Cũng như thế, một nghiên cứu tiến hành trong hai năm trên hơn 2.000 người Mehico có độ tuổi trên 65 sống ở Mỹ đã cho thấy rằng tỷ lệ tử vong ở những người hay có những cảm xúc tiêu cực cao hơn gấp đôi so với những người tính tình vui vẻ, an lạc và có nhiều cảm xúc tích cực.

🍀 Và thế thì sao?

Tất cả những mối tương quan đã được phân tích trong ngành tâm lý xã hội là không thể chối cãi được, nhưng trong phần lớn các trường hợp, người ta không biết chúng tác động như là nguyên nhân, hay như là hậu quả. Ta biết rằng tình bằng hữu đi đôi với hạnh phúc, song phải chăng ta hạnh phúc vì lắm bạn? Hoặc phải chăng có nhiều bạn vì ta hạnh phúc? Hướng ngoại, lạc quan và tin cậy có phải là những nguyên nhân của hạnh phúc không, hay chỉ là những biểu hiện của nó? Hạnh phúc có khiến ta sống lâu không, hay những người tràn đầy sức sống cũng là những người có bản chất hạnh phúc? Những nghiên cứu kia không thể giải đáp dứt điểm những câu hỏi như vậy. Vậy thì cần phải nghĩ sao bây giờ?

Hãy thử đặt những câu hỏi chi tiết hơn về lý do khiến các nữ tu sỹ ấy tự cho “mình hạnh phúc”, họ sẽ nói những nhân tố lớn góp phần làm nên trạng thái ấy là gia đình, bạn bè, một hoàn cảnh thuận lợi, một cuộc sống dễ chịu, một sức khỏe tốt, tự do di du lịch, tham gia vào đời sống xã hội, văn hóa, thông tin, và các hoạt động giải trí… Trái lại, họa hoằn họ mới nói tới tâm thái mà họ tự rèn luyện. Ấy vậy mà, dù các điều kiện sống khách quan khiến người ta “có tất cả các yếu tố để hạnh phúc”, không phải lúc nào người ta cũng được như vậy; điều này rất hiển nhiên. Hơn nữa, như chúng tôi đã nói ở đầu cuốn sách, cái “tất cả” kia không sớm thì muộn sẽ tan rã, và hạnh phúc cũng tan theo. Cái “tất cả” ấy không mang trong nó tính chất ổn định. Quá tin vào nó sẽ dẫn tới thất vọng. Bằng cách này hoặc cách khác, tòa nhà bề ngoài ấy chỉ có thể sụp đổ mà thôi. Chỉ cần thiếu một hoặc hai điều kiện thì cả bên ngoài và bên trong đều sụp đổ cùng một lúc. Tin vào những điều kiện trên sẽ sinh ra lo lắng, bởi vì dù có ý thức hay không, chúng ta luôn luôn tự hỏi: “Liệu có chịu đựng nổi hay không? Cho tới lúc nào?” Rồi ra bắt đầu tự chất vấn, lòng đầy lo âu và hy vọng, xem mình có thành công trong việc hội tụ các điều kiện lý tưởng hay không, và rốt cuộc, ta đau khổ khi mất đi những điều kiện đó. Như vậy, lúc nào ta cũng cảm thấy bất an.

Dù cải thiện các điều kiện bên ngoài được xem như cải thiện chất lượng cuộc sống thì bản thân việc đó cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Thích được tự do và có một sức khỏe tốt là những điều rất bình thường. Bất cứ cá thể nào, dù trong trạng thái phấn khích hoặc trầm uất, đều thích tới Paris hay Delhi bằng máy bay trong chín tiếng đồng hồ hơn là một năm đi bộ. Song những số liệu thống kê kia cho chúng ta biết quá ít về những điều kiện bên trong của hạnh phúc, và không hề đả động tới khả năng phát triển chúng ở một cá thể. Mục đích của những nghiên cứu đó chỉ giới hạn ở mức chứng minh rằng những điều kiện bên ngoài cần phải được cải thiện để tạo ra “an lạc hơn nữa cho nhiều người nhất có thể”, một quan điểm giống như quan điểm “vị lợi” của các triết gia người Anh Jeremy Bentham và Stuart Mill. Mục đích đó rất đáng để người ta ao ước, song cuộc kiếm tìm hạnh phúc không phải là phép cộng của những điều kiện bên ngoài. Những hạn chế đó không thoát khỏi con mắt của các nhà nghiên cứu. R. Veenhoven đã từng khẳng định: “Có hai loại yếu tố xác định hạnh phúc: những điều kiện bên ngoài và những tiến trình bên trong. Nếu chúng ta nhận diện được những tình huống trong đó con người có khuynh hướng hạnh phúc thì chúng ta sẽ có khả năng tạo ra những điều kiện như vậy cho tất cả mọi người. Nếu nắm bắt được các tiến trình của tâm thức chỉ đạo những điều kiện đó, chúng ta có thể dạy cho mọi người biết ham thích cuộc sống”.

🍀 Về tổng hạnh phúc quốc nội

Các nhà nước đương đại không cho rằng vai trò của mình là mang lại hạnh phúc cho công dân, mà quan tâm nhiều hơn tới việc đảm bảo an ninh và quyền sở hữu cho họ.
- Luca và Francesco Cavalli – Sforza

Tại một diễn đàn của Ngân hàng Thế giới diễn ra vào tháng 2.2002 tại Katmandu (Nepal), đại diện của Bhutan vương quốc Himalaya có diện tích tương tự như Thụy Sỹ đã khẳng định rằng chỉ số Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) của nước ông không cao là mấy, nhưng ngược lại, ông hài lòng hơn về chỉ số Tổng Hạnh Phúc Quốc nội của Bhutan. Nhiều người đã mỉm cười thích thú trong hội nghị, nhưng ngoài hành lang, họ chế giễu nhận xét đó của ông. Song những nhân vật quan trọng của các nước “siêu phát triển” không tưởng tượng được rằng, ở Mỹ, nếu sức mua tăng 16% trong 30 năm qua thì tỷ lệ người tự cho là “hạnh phúc” giảm từ 36 xuống còn 29%. Cho rằng hạnh phúc không tùy thuộc vào chỉ số Dow Jones của thị trường chứng khoán Wall Street không phải là thiếu tinh tế. Người Bhutan không tin khi người ta nói với họ rằng có những người tự tử vì bị mất một phần tài sản trên thị trường chứng khoán. Chết vì tiền ư? Như vậy chứng tỏ họ đã không sống vì một điều có ý nghĩa.

Đi tìm hạnh phúc trong sự cải thiện đơn thuần các điều kiện bên ngoài cũng giống như xay cát với hy vọng lấy được dầu vậy. Chúng ta còn nhớ câu chuyện về người bị đắm tàu trần trụi sống sót trở về đất liền và tuyên bố: “Tôi mang theo tất cả tài sản cùng với mình”, bởi vì hạnh phúc ở bên trong mình, chứ không phải là những chỉ số sản lượng của các nhà máy sản xuất ô tố. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi các bạn Bhutan xem những người bị hút hồn vào chỉ số tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội hàng năm như những kẻ thô thiển, những kẻ bị tai họa chỉ vì sự tăng trưởng kia giảm đi vài phần trăm. Và cũng may là các quan chức cao cấp của Ngân hàng Thế giới đã quên sĩ diện của mình để xem xét kỹ lưỡng hơn những chọn lựa của Bhutan sau khi nước này đã suy nghĩ chín muồi, chứ không phải vì họ không còn sự lựa chọn nào khác. Đó là dành ưu tiên cho bảo tồn văn hóa và bảo vệ môi trường so với phát triển công nghiệp và du lịch.

Bhutan là nước duy nhất trên thế giới cấm săn bắn và câu bắt trên toàn bộ lãnh thổ. Ngoài ra, người dân ở đây còn khước từ chặt cây, phá rừng trong khi nguồn rừng của họ vẫn rất dồi dào. Đây là điều may mắn đối nghịch với hai triệu người đi săn ở Pháp và lòng tham của các nước đã hủy diệt những cánh rừng của họ trong lúc chúng đã bị thu hẹp đáng kể. Nước phá rừng nhiều nhất là Brazil, Indonesia và Madagascar. Một số người coi Bhutan là một nước kém phát triển (chỉ có ba nhà máy nhỏ trong cả nước), song kém phát triển về mặt nào? Theo quan điểm nào? Tất nhiên, ở đây vẫn còn nghèo khổ, song không có cảnh khốn cùng, cũng không có kẻ ăn mày. Gần một triệu người sống rải rác trong một khung cảnh tuyệt mỹ với 500 cây số chiều dài và thủ đô là Thimpou có 30.000 dân. Ở những nơi khác trong nước, mỗi gia đình đều có ruộng đất, súc vật nuôi, một máy dệt và tự cấp toàn bộ nhu cầu trong nhà. Chỉ có hai cửa hàng lớn trong cả nước, một ở thủ đô và một ở gần biên giới với Ấn Độ. Giáo dục và y tế được miễn phí. Như Maurice Strong, người đã từng giúp Bhutan gia nhập Liên Hiệp Quốc, nói: “Bhutan có thể trở thành bất kỳ một quốc gia nào, song không một nước nào có thể trở lại giống như Bhutan.” Chắc bạn sẽ nghi ngờ và hỏi tôi: “Nhưng những người dân ấy có thực sự hài lòng không?” Hãy ngồi xuống bên sườn đồi và lắng nghe những tiếng động trong thung lũng. Bạn sẽ nghe thấy những người nông dân ca hát trong khi gieo giống, gặt hái và khi họ đi trên đường. Bạn sẽ thốt lên: “Bỏ cái kiểu tuyên truyền rởm ấy đi!” Tuyên truyền rởm ư? Không, đó chỉ là sự phản ánh của chỉ số Tổng Hạnh phúc Quốc nội mà thôi. Ai hát ở Pháp? Khi có một người hát trên đường, thông thường đó là người ăn xin nếu không thì là người dở hơi. Ngoài ra, muốn nghe hát thì phải đi tới rạp mua vé. Bị ám ảnh bởi Tổng Sản phẩm Quốc nội thì làm sao còn muốn hát được nữa…

Trích Bàn Về Hạnh Phúc
Tác giả: Matthieu Ricard
Người dịch: Lê Việt Liên
Nhà Xuất Bản Lao Động, 2017
Ảnh: internet

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro