Review

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Light novel được đề cập ở đây là bộ Biên niên sử Đế chế Aleixs - Kiêu hùng rung chuyển đất trời của tác giả Akamitsu Awamura. Hiện truyện đã được Tsuki LIght Novel mua bản quyền và phát hành ở VN ít nhất tới tập 7. Một cách đại khái, câu chuyện là hành trình trỗi dậy của hoàng tử Leonart, một người con bị ghẻ lạnh của Hoàng đế Đế quốc Claude vì mang trong mình dòng máu của người mẹ xuất thân thường dân. Sau khi bị hắt hủi, và bị quân xâm lược cướp mất vùng lãnh địa Alexis - quê hương thứ hai, Leonart chưa bao giờ thôi ý định giành lại nơi này. Và sau đó là mở rộng ra cả Đế quốc Claude.


Về khía cạnh xây dựng thế giới, tác giả A. Awamura đã làm tương đối tốt khi dựng lên một thế giới theo hướng châu Âu Trung cổ. Khác với đa số những bộ light novel theo lối isekai, Đế quốc Claude, nơi đặt bối cảnh chính, là một nhà nước quân chủ phân quyền thực sự, với các quý tộc sở hữu thực ấp cùng lực lượng quân sự riêng, và công tước là những người có khả năng lấn át cả vua.


Hầu hết giới quý tộc được thể hiện là thành phần mục ruỗng, bại hoại, là mầm họa cho quốc gia. Điều thế này không phải hiếm, đặc biệt nếu nhìn vào Đế quốc La Mã Thần thánh, điển hình của nền quân chủ phân quyền châu Âu với hàng trăm lãnh địa quý tộc bên trong. Sự hỗn loạn đó kéo dài mãi tới khi nhà Habsburg nắm quyền, và điều tương tự đang cần phải xảy ra tại Claude. Đặc biệt, do vùng Alexis mất bởi bọn công tước đâm sau lưng, việc tiêu diệt các thế lực cát cứ ấy và thống nhất quốc gia rõ ràng không thể tránh khỏi nếu không muốn bị bán đứng lần nữa.


Xét cách hành văn, do đọc bản dịch từ Tsuki Light Novel nên không thể đánh giá quá nhiều. Tuy nhiên, vẫn có thể hình dung được phần nào văn phong của tác giả, dẫu phần lời dịch vẫn hơn. Lời văn nhìn chung trau chuốt, mượt mà, dễ đọc. Không như vài bộ khác của Tsuki, như Slime 300, Ma vương kiến tạo hay Công việc của Long vương, Alexis không có chuyện sử dụng kính ngữ. Mọi kính ngữ Nhật đều bị lược bỏ, thay thế bằng các đại từ tiếng Việt. Điều này giúp việc đọc cảm thấy thoải mái hơn nhiều.


Vậy bộ light novel này có vấn đề gì mà phải đem ra cái lò gạch cũ, quấn nó trong bộ váy đụp rồi sau đó cho một ông bắt lươn đem về, chuyền tay nhau nuôi, nhầm, gạch?


Kỳ thực, đối với người mới đọc, hay không quá quan tâm tới tính logic, Alexis là một bộ truyện đọc thư giãn tốt. Các vấn đề chiến thuật, chiến lược, chính trị, kinh tế,... không quá khó hiểu. Dễ hiểu, dễ nuốt, nhẹ nhàng đúng như tiêu chí của light novel. Nhưng đối với ai nghiên cứu chuyên sâu về các loại hình chiến tranh thời xưa sẽ thấy nó có rất nhiều vấn đề.


CHÚ Ý: TỪ ĐÂY XUỐNG LÀ SPOILER, AI KHÔNG MUỐN SPOIL NÊN DỪNG TẠI ĐÂY!!!


(Cảnh báo rồi đó, lăn xuống tự chịu trách nhiệm, nyufufufufufu :3 )


Đầu tiên, cần phải biết lãnh thổ Alexis là biên thùy phía Bắc của Đế chế Claude. Người trấn giữ vùng đó đã luôn chiến đấu bảo vệ lãnh địa, và rộng hơn là bảo vệ cả quốc gia phía sau. Nhưng bốn nhà công tước lại hợp mưu đâm sau lưng, khiến Alexis thất thủ. Như vậy có phải tự tay mở cổng mời giặc không? Điều thế này thật không bình thường, nhất là khi một trong bốn công tước đó được thể hiện là người có đầu óc, biết dùng mưu và lên kế hoạch soán ngôi từ lâu. Đúng, là soán ngôi. Nếu vậy, để hở cửa ngõ cho quân địch tiến vào thì có gì hay?


Thứ hai, những trận đánh trong Alexis đại đa số đều cho thấy sự "chiếu cố" có phần hơi quá của tác giả. Quân Leonart, dưới sự chỉ huy của quân sư (kiêm nữ chính) Sheila, thường xuyên thực hiện các chiến dịch tấn công đêm, đánh bất ngờ hay đơn giản hơn là dùng Leonart như con bài tẩy.


Cần phải biết, tập kích ban đêm ở phương Tây không phải chuyện quá phổ biến. Chẳng cần phải viện cớ "nữ thần bóng đêm" với mê tín dị đoan như trong truyện, thì thực tế đêm tối khiến việc chỉ huy quân lính, tìm đường và truyền lệnh khó khăn hơn gấp bội. Đã thế, hành quân đêm mà mang đuốc sẽ dễ bị phát hiện, còn không có đuốc thì gần như mù.


Nhưng cách đánh này lại được tác giả dùng liên tục, ít nhất tới trước trận đánh của gã hoàng tử tạo phản, Tiến công đêm, lợi dụng lúc tối trời làm màn che, đoàn quân tập kích vào doanh trại địch. Còn như không, chiến thuật chủ yếu sẽ dựa vào Leonart. Nhân vật này được tác giả khắc họa theo hướng sử thi, với sức lực hơn người, có thể mang thanh "kích" khổng lồ, lách người tránh tên bắn từ xa dễ như không, và nhiều thứ nữa. Quân sư ở phía sau điều binh như thần, cai gì cũng tính trước được.


Và điều đó dẫn tới cái chưa hay tiếp theo: Cách xây dựng nhân vật chưa thoát được tư duy mạo hiểm giả, hay lối suy nghĩ nhân vật chính phải bá đạo. Dàn nhân vật chính được thể hiện là người quả cảm, không mạnh mẽ thì cũng mưu lược hơn người, hay có tài năng riêng.


Tuy tác giả có tạo ra những nhân vật phụ mạnh, nhưng những người đó nếu không chết thì cũng đầu quân về cho Leonart. Việc đó khiến diễn biến truyện trở nên dễ đoán, nhàm chán, vì đằng nào quân ta chẳng thắng? Quân sư Sheila quá thông minh, vượt trội hơn hẳn những cái đầu chinh chiến nhiều năm. Vì thế chiến trường trở nên một chiều và nhạt nhẽo, không còn tạo được cảm giác máu lửa, hưng phấn nữa.


Một điểm trừ cực lớn của Alexis nằm ở nhân vật Tiki. Chỉ một nhân vật duy nhất, nhưng nó đã phá hủy khoảng 50% tính nghiêm túc của Alexis. Đó là, thay vì dốc sức viết và xây dựng một đội ngũ tình báo, do thám chuyên nghiệp, tác giả lại tạo ra một nhân vật có thể giao tiếp với muông thú. Bằng năng lực đó, Tiki có thể sử dụng chim để trinh sát tình hình từ phía trên, sau đó báo cáo lại mà không tốn chút công sức gì.


Chỉ riêng chi tiết này thôi đã khiến bộ truyện mất phân nửa giá trị. Trong chiến tranh, mặt trận tình báo là một trong những thứ quan trọng nhất. Thông tin đáng giá ngàn vàng, và trong khi người ta phải bỏ công huấn luyện một đội điệp viên, do thám chuyên nghiệp, thì nhân vật này giống như cú đá vào mông những chỉ huy quân sự đàng hoàng. Tính chiến thuật trong truyện bị chính tác giả làm lung lay.


Điểm trừ xây dựng nhân vật thứ hai nằm tại cặp đôi nhân vật chính. Leonart là kiểu nam chính điển hình của mấy bộ thế này: Sức trâu, chặt chém, mang mối thù và khá ngu ngơ chuyện tình yêu - ít nhất là tới quyển 5. Sheila lại được xây dựng quá hoàn hảo, với trí thông minh cùng khả năng lập kế hoạch vượt trội dù mới mười sáu, gần tới ngưỡng Mary Sue. Dĩ nhiên, nữ chính thì thể nào cũng phải lòng nam chính, nhưng việc thể hiện tình cảm trong mấy lúc quan trọng lại chưa được xử lý tinh tế.


Còn Leonart, bản thân nhân vật này giống như một cỗ máy chiến tranh hơn. Quá khỏe, quá mạnh, chưa ai đánh bại được. Thậm chí còn đánh một chọi một với voi chiến, và tuy trận đánh đó phải dùng từ "nhảm nhí" để miêu tả, nhân vật chính vẫn thắng. Chỉ có thể gọi là "buff lố".Không liên quan lắm nhưng khi nói về light novel, thì hình minh họa cũng là một phần. Đúng là nó không liên quan tới chuyện viết thật, nhưng với thể loại nhìn hình để hình dung, vì khi viết khá kiệm chữ miêu tả, thì nó lại có vấn đề. Hình vẽ mang đậm lối tư duy mạo hiểm giả, với các nhân vật chính thường chỉ có giáp ngực, vai và cánh tay mà bỏ trống thân dưới.


Vào thời Trung cổ, tùy vào giai đoạn mà người ta sẽ mặc giáp xích hay giáp tấm, nhưng điểm chung là che kín toàn thân. Bên dưới sẽ có thêm một lớp giáp độn để móc những mảnh kim loại vào, không phải áo vải. Những bộ giáp được vẽ trong truyện lại giống phong cách thế kỷ 17, 18 hơn, thời kỵ binh chỉ cần che mỗi thân trên và cầu trời cho đạn súng kíp bị mặt giáp cong làm bật ra.


HẾT SPOILER.


Vậy tóm lại thế nào? Xét một cách khách quan, Alexis không phải bộ truyện tệ. Nó giải trí tốt, lấy đọc mấy lúc chán quá không biết làm gì được. Nhưng nếu bàn vào chuyên sâu, muốn xem xét các chiến thuật, chiến lược và căng não suy nghĩ khi đọc thì không nên. Chỉ nên đọc bộ này với tư duy giải trí thuần túy, do nó chỉ có tới vậy.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro