[ Đã hoàn thành ]

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tên truyện: Bánh gửi trạo nhi

Bối cảnh: lấy cảm hứng từ giai đoạn thời Trần (Đại Việt) chống quân Mông Nguyên lần thứ 2.

Thể loại: dã sử Việt Nam, nam nữ chênh lệch nhau 8 tuổi

Kết cục: HE
---
Lính trạo nhi là một lực lượng không thể thiếu trong thủy quân nhà Trần, thường được giao nhiệm vụ phá hoại căn cứ thủy quân của giặc.

Những người lính trạo nhi được tuyển chọn từ những dân chài khoẻ mạnh, bơi lặn giỏi để có thể lặn phía dưới tàu địch mà không để bị phát hiện.

Do nhiệm vụ đặc thù, những chàng trai trạo nhi luôn mang một vóc dáng cao lớn, làn da rám nắng, sải tay dài một thước, khi bơi lặn tựa như mái chèo quạt nước.

Họ thường xăm lên người những hình thù thủy quái và bôi lên mặt bùn, màu vẽ để nguỵ trang hoặc doạ cho thuồng luồng và những sinh vật dưới nước khác không tấn công họ.

Chính vì vậy, bọn họ mang một vẻ ngoài rất hung tợn trong mắt những người dân bình thường.

Cái anh lính trạo nhi thường hay chèo thuyền đưa thư cho cha bé An vào lúc hoàng hôn cũng vậy.

Cha bé An từng là viên tướng vô cùng tài giỏi, sau khi vợ mất thì quy ẩn ở một thôn nhỏ bên bờ sông Thiên Đức. Nay đất nước sắp có hoạ xâm lược, chỉ huy đội thủy binh hương Vạn Kiếp hiện giờ ngỏ ý mời ông trợ giúp trong các trận thủy chiến.

Nhưng ông lại không muốn tham gia chiến trận nữa, một phần vì đã bị tàn phế một bên chân, một phần chỉ muốn ngày ngày làm bạn với con đò.

Người chỉ huy kia cũng rất kiên trì, cách một ngày liền gửi thư đến, một mặt vấn đáp binh pháp, mặt khác khuyên ông quay lại giúp nước.

Nhiệm vụ đưa thư này được giao cho một anh lính trạo nhi cẩn trọng, lạnh lùng và làm việc có trách nhiệm. Đó là một người thanh niên khoảng độ 18 tuổi, nước da ngăm, vai rộng người cao nhưng hơi gầy, tóc hớt sát đầu, mặt bôi những vết màu kì quái dữ tợn như ông kẹ trong những câu truyện trước giờ ngủ của trẻ nhỏ.

Chính vì vậy, ngoại hình của anh làm cho một đứa bé gái mới lên 10 cực kì hoảng sợ. Mỗi khi thuyền cập bến, bé An luôn nấp phía sau lưng cha mình, hoặc chạy vào trong buồng, hoặc vờ như đang bận một việc gì đó để tránh mặt.

Có những hôm, anh lính trạo nhi còn mang theo một vài vị tướng sĩ đến để bàn việc quân với thầy. Xong nhiệm vụ bưng trà bánh đãi khách, bé An đi ra phía sau nhà, nơi có anh lính trạo nhi ngồi ngoài thuyền đợi.

Những lúc đó, bé An lấy hết can đảm bưng một chén trà đến trước mặt anh, sau đó nhân cớ ra chợ vội chạy đi mất.

Nhưng anh lính trạo nhi cũng không hung dữ với trẻ con như bé An nghĩ, anh ta chỉ không biết rằng vì sao cô bé rất sợ mình.

Cho đến một ngày, cha của bé An có việc phải đi lên trấn vào lúc sớm. Chỉ có An ở nhà một mình, nấu cơm rồi ra bờ sông phía sau nhà để giặt đồ.

Bỗng một đám mây đen kéo đến, từng giọt mưa trên trời đồng loạt rơi xuống. Trong màn mưa tầm tã, chiếc thuyền cùng bóng người quen thuộc từ từ tiến đến.

Không phải thường hay đưa thư vào lúc chiều hay sao? Vì sao hôm nay anh lính trạo nhi lại mang thư vào buổi sáng vậy? Bé An liền vội vàng bỏ thau đồ chạy vào trong vách, đóng cửa lại, giả vờ rằng nhà vắng người.

- Thầy ơi! Thầy có ở nhà hay không?

Tiếng sét đánh rầm rầm, tiếng mưa không ngớt hoà cùng tiếng kêu hỗn độn làm An sợ đến mức không dám lên tiếng, chỉ ôm đầu chui rút vào trong chăn.

Hết nửa ngày mưa mới từ từ tạnh, cũng không nghe thấy tiếng kêu nữa.

Lúc đó cha cũng về đến, bé An vội vàng ra mở cửa, mới thấy anh lính trạo nhi nằm tựa lưng vào trong vách nhà. Cả người anh thấm nước, mắt nhắm nghiền, gương mặt mệt mỏi, cái trán sốt hầm hập. Bé An lay anh một cái, anh mới giật mình tỉnh dậy, đưa thư cho thầy.

- Thầy ơi, đội thủy quân đang rất cần thầy giúp. Thầy mau về, chúng con mong.

Sau đó, cha bé An đồng ý quay lại doanh trại, phò tá chủ tướng đánh giặc. Năm đó bé An đã 14 tuổi.

Từ ngày hôm đó, anh lính trạo nhi chỉ đến nhà An mỗi tuần một lần. Chủ yếu là để đưa An đến nơi đóng quân nằm ở khúc sông trên để thăm cha.

Có lẽ vì áy náy với việc hôm trước đã không mời anh vào nhà làm cho anh bị cảm lạnh, cộng với việc anh ta cũng có khi bị bệnh như người bình thường, An cũng không sợ hãi hoặc tránh mặt anh như trước nữa.

Mỗi khi chèo thuyền đến đón An, anh lính trạo nhi vẫn không nói chữ nào, gương mặt bôi màu không nhìn ra biểu tình, chỉ lặng lẽ hoàn thành nhiệm vụ. Điều này làm cho một cô bé vốn nhút nhát như An không dám mở miệng.

Tuy vậy, An vẫn muốn làm một thứ gì đó để bù đắp cho lỗi lầm của mình, dù vẫn chưa thể tận miệng nói xin lỗi.

Thế là An nghĩ ra một cách.

An đã nấu vài loại bánh khác nhau, một phần đưa cho cha, một phần cố tình vài lần bỏ quên trên thuyền.

Nhưng cái anh lính trạo nhi quá đỗi thật thà, hoặc là quá ngốc, lần nào chèo được nửa đường cũng mang bánh trả trên thềm nhà.

Đến một ngày, An cũng bị sự ngu ngốc này làm cho bực mình, giận dỗi to tiếng.

- Bánh này em làm bị hỏng, tuy vậy nhưng vẫn ăn được. Bỏ thì tiếc, thôi thì cho anh ấy!

Nói xong bỏ chạy vào trong vách nhà, từ khe cửa An nhìn thấy anh lính trạo nhi lần đầu tiên nở một nụ cười nhẹ, hiền lành và ấm áp trái ngược với vẻ ngoài của anh.

Thế là từ đó, càng nhiều mẻ bánh "hỏng" được để quên trên thuyền của anh lính trạo nhi.

Mà anh ta cũng trở nên cười nhiều chút, nhưng tính tình ít nói thì vẫn thế. An hỏi một câu, anh đáp một câu, đôi lúc chỉ cười cười. Không hỏi thì anh không đáp, cũng không gợi chuyện luyên thuyên.

Tuy vậy, An lại cảm thấy anh lính trạo nhi dễ thương hơn ngày trước. Ít ra An cũng không còn sợ đến mức bỏ chạy trước bộ dạng nghiêm nghị của anh.

Có những lúc, khi trở về từ nơi đóng quân, An thường kêu anh lính trạo nhi chèo ra hồ sen để dạo chơi.

Hoặc có khi An vô tình làm rơi đồ xuống sông, đành nhờ anh lặn xuống tìm hộ.

Thỉnh thoảng, anh lính trạo nhi mang cá anh vừa mới bắt được hoặc một vài bao ngó sen, hạt sen mang đến nhà cho An.

Cuộc sống vẫn êm đềm cho đến khi tin tức báo rằng, quân địch đã tập hợp lực lượng sát biên giới nước ta, vua Nguyên sai sứ ép triều đình ta ra hàng. Sau hội nghị Diên Hồng, tất cả tướng sĩ càng hăng hái khổ luyện, sẵn sàng phá giặc.

Trong cái hào khí Đông A ấy, anh lính trạo nhi cũng không hay đến nhà đưa đón An như dạo trước nữa, vì anh phải bận tập trận cùng những binh lính gia nô khác, để mai này ra chiến trận đền nợ nước, rửa hận cho giang sơn.

An chỉ gặp lại anh lính trạo nhi mỗi khi cùng bà con trong thôn mang thóc, cá mắm, vải vóc cung cấp cho các đạo quân ở hương Vạn Kiếp.

Có một lần nhận đồ từ An, thay vì chỉ ậm ừ rồi cười như trước, lần này anh lính trạo nhi chủ động mở miệng.

- Lại thêm một mẻ bánh "hỏng" nữa?

Đêm nay là đêm Trung Thu, cũng là tiệc khao quân trước khi ra trận của Quốc công, chủ yếu để tăng sĩ khí cho binh lính.

Rượu đã qua vài tuần, Quốc công cho người nổi trống múa sư tử. Những người lính Vạn Kiếp giãn ra, dành chỗ cho những cô cậu bé lon ton chạy vào ăn cỗ.

Giữa tiếng cười nói, tiếng chiêng trống, trong điệu múa Bài Bông, An lướt ra, một thiếu nữ xinh xắn, đôi mắt long lanh, thoáng cười. Dáng người nàng cân đối, dịu dàng thướt tha, gương mặt đầy đặn, đôi môi hồng như trái đào đang hát.

Anh lính trạo nhi đang ngây ngất men rượu, buông chén, ngơ ngẩn.

Bé An nay đã lớn rồi.

Trăng lên cao, tiệc đã tàn. Trẻ con, dân làng kéo nhau bằng nhiều đường về thái ấp, các làng.

Thầy sai anh lính trạo nhi chèo thuyền đưa An về nhà. Đêm nay con sông loang loáng ánh sao trời, bóng trăng dưới nước lấp lánh, từng con đom đóm nhấp nhô trên mặt nước, tạo nên khung cảnh nên thơ tuyệt đẹp.

Dẫu vậy, tất cả cũng chỉ làm nền cho vẻ đẹp của người con gái mới lớn trước mặt đang ngồi trên mạn thuyền.

Không biết là do say rượu, say cảnh hay say người, mà anh lính trạo nhi hình như chèo chậm hơn những lần trước.

Chỉ tiếc rằng con sông chẳng phải vô tận, dù có chậm đến cỡ nào thì đã đến nơi.

Khi An vén váy bước lên thềm nhà, liền bị một lực kéo về. Vẫn chưa hoàn hồn là chuyện gì, một nụ hôn đã đặt lên trán nàng.

Cả hai bất động một hồi, anh lính trạo nhi mới giật mình buông ra. Như một đứa trẻ vừa làm sai chuyện, anh sợ hãi vội vàng lùi ra phía sau vài bước.

Rồi anh trượt chân lọt xuống sông cái tủm. Buổi chia tay trước khi ra trận không ngờ lại kết thúc bằng một tràn cười no đủ.

Quân giặc đã tràn vào nước ta, thế giặc mạnh như vũ bão, chả mấy chốc đã càn quét được các căn cứ trên núi phía bắc. Sau đó chúng tiến quân chiếm được Vạn Kiếp, dần dần ồ ạt cắm trại bên bờ sông Hồng. Rốt cuộc bên kia sông, kinh thành Thăng Long cũng bị lũ cướp nước chiếm mất.

Có mấy khi quân ta vừa đánh vừa rút lên thuyền, ẩn quân vào vùng núi rừng. Các đội dân binh tổ chức những đợt đánh lẻ, cấu rỉa từ từ binh lực và lương thực của địch.

Phụ nữ, trẻ con, người già trong thôn có khi rút vào sâu trong rừng núi, có khi chuyển về gần cửa biển để tránh giặc.

Tuy không rõ bên ngoài là quân địch hay quân ta, nhưng hôm nay An vẫn liều mình dạo bước ngắm nhìn hoàng hôn trên cửa sông Hồng. Trên sông lác đác mảnh gỗ của thuyền, nghe nói mấy hôm trước quân giặc rốt ráo truy đuổi quân ta phía trên ngã ba sông Hải Thị.

Xuôi theo dòng nước trong vắt, có một luồng máu len lỏi. Đi theo dòng máu ấy có một người cởi trần nằm bất động, trên người xăm mấy con thủy quái, tay có khắc hai chữ Sát Thát hình như là trong đoàn đội trạo nhi.

An vội vàng chạy lại gần, lật người đó lên mới nhận ra là anh lính trạo nhi hay đưa thư cho nhà mình. Mắt anh nhắm nghiền, gương mặt tái xanh giống cái hôm anh bị mưa xối cho cảm lạnh, nhưng lần này nặng hơn rất nhiều. Anh bị chảy rất nhiều máu, nhiều mũi tên cắm vào sườn, vào ngực anh. Lần này An cũng lay anh, nhưng anh không tỉnh lại.

May mắn là anh vẫn còn giữ được chút hơi thở. An đưa anh về chỗ trú ẩn của mình, nhờ bà con chạy chữa.

Trời đã sập tối, bà con cũng từ từ rời đi, để lại một mình An nhìn anh lính trạo nhi nằm bất động trên chiếc chiếu hoa cạp điều. An liều mình dùng khăn lau vết thương cho anh, lau khắp ngực, tay và chân anh. Cuối cùng chỉ còn khuôn mặt luôn vẽ lung tung không nhìn rõ nhân dạng, chỉ thấy một chút màu bên má đã bị quẹt đi, lộ ra màu da người.

An chần chừ một lúc, mới tiếp tục lau sạch màu vẽ trên gương mặt anh lính trạo nhi.

Đã 8 năm từ khi quen biết anh, đây là lần đầu An nhìn rõ dung mạo thật của anh chàng này. Phía dưới lớp màu vẽ lung tung che dấu một ngũ quan rõ ràng, đoan chính, gương mặt góc cạnh, phong trần nhưng tràn đầy dũng khí.

An bị mê hoặc nhìn chằm chằm anh lính trạo nhi một hồi, mới bị tiếng cú kêu đêm làm tỉnh giấc.

Những tưởng mất nhiều máu như vậy có lẽ không cứu được nữa, nhưng bằng một cách thần kỳ nào đó, anh đã qua cơn nguy kịch.

Vài ngày sau, anh lính trạo nhi dần hồi phục. Vừa mới tỉnh lại anh đã vội vàng muốn quay về đạo quân của mình.

Với giọng trầm buồn, anh bảo rằng thầy đã hi sinh nơi chiến trận. An đã khóc rất nhiều, anh ngồi kế bên an ủi, bản thân không quên lời nhờ cậy của thầy.

Thầy bảo nếu trận này thầy không về, nhờ anh coi sóc bé An giúp.

Trước lúc ra đi, anh lính trạo nhi bảo rằng anh thèm mấy cái bánh "hỏng". Anh không dễ chết trận đâu vì anh hứa sẽ quay về ăn bánh của An.

Sau đó An không nghe được tin tức gì từ anh lính trạo nhi nữa, chỉ biết rằng Quốc công cùng triều đình đang giấu quân, tạm thời không giao chiến.

Độ khoảng ba tháng sau, khi mà quân địch ở kinh thành Thăng Long đã lâm vào tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng, quân đội ta tổ chức cuộc tổng phản công. Căn cứ giặc ở nhiều nơi như Tây Kết, Chương Dương, Hàm Tử lần lượt bị phá tan, quân ta uy dũng càng đánh càng hăng, chiến thắng ập đến như mưa.

Cuối cùng, kinh thành Thăng Long cũng đã trở về với triều đình nhà Trần, với quân dân Đại Việt như nó vốn phải thuộc về.

An trở về căn nhà cũ bên bờ sông. Nơi này qua mấy tháng mà đã thay đổi nhiều quá. An nhớ những ngày trước đây, lúc còn nhỏ vui đùa bên cha, khi mà cha thường hay ngồi bàn chiến sự trong nhà, lúc đó phía sau nhà thường có một người ngồi đợi trên thuyền.

Cha đi rồi, rốt cuộc người này có thể quay về, hay đã tử trận giống cha?

Đã qua một tuần, An vẫn giữ trong đầu suy nghĩ vu vơ. Nàng thường một mình ngồi trên thềm, chân đong đưa dưới nước chơi đùa.

Trong ánh hồng của buổi chiều hoàng hôn, một bóng người từ xa chèo thuyền đến, giống thời điểm ngày trước anh lính trạo nhi thường hay mang thư đến nhà nàng. Nhưng lần này anh không bôi màu kín mặt nữa, trong quân phục của binh lính gia nô hương Vạn Kiếp, anh để gương mặt trần và nở nụ cười tươi như nắng.

An mừng rỡ nhận ra người quen, người nàng thầm mong đợi nay đã giữ lời hứa quay trở về. Không kìm được nước mắt, nàng lớn tiếng hỏi:

- Anh lính trạo nhi đến lấy bánh "hỏng" đấy à?

Thuyền cập bến, anh lính trạo nhi bước lên thềm, chạy đến ôm lấy An, cảm thấy vai nàng khẽ động. Anh mỉm cười, lau nước mặt trên mặt nàng, đáp.

- Không, lần này anh về lấy vợ, lấy An.

-----
Hết.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro