bao 10.4

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền VN tại Hoàng Sa

Một sắc chỉ của triều đình Nguyễn liên quan đến việc canh giữ quần đảo Hoàng Sa được gia tộc họ Đặng ở huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, gìn giữ suốt 174 năm qua, nay trao lại cho Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh.

Hậu duệ của dòng họ Đặng, ông Đặng Văn Thanh, vừa lặn lội từ đảo Lý Sơn vào đất liền, đến thành phố Quảng Ngãi để trao di vật tổ tông cho lãnh đạo tỉnh. Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và du lịch Quảng Ngãi, nói: "Quá vui mừng và bất ngờ khi tôi nhận được tư liệu quý này, bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền VN đối với quần đảo Hoàng Sa". Đây là sắc chỉ của vua Minh Mạng (triều Nguyễn), phái một đội thuyền gồm 3 chiếc với 24 lính thủy ra canh giữ đảo Hoàng Sa vào ngày 15 tháng 4 năm Minh Mạng thứ 15 (tức năm Ất Mùi 1835).

Chủ nhân của bức sắc chỉ.

Qua phiên dịch của tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, Phó giám đốc thư viện, Viện Nghiên cứu Hán Nôm VN, sắc chỉ ghi rõ (bằng chữ Hán): "Giao cho ông Võ Văn Hùng ở Lý Sơn chọn những thanh niên khỏe mạnh và giỏi nghề bơi, lặn để gia nhập đội thuyền, giao Đặng Văn Siểm (dòng họ ông Đặng Lên đang giữ tài liệu) lo kham việc đà công (người dẫn đường), giao Võ Văn Công phụ trách hậu cần".

Sắc chỉ còn thể hiện cách thức tổ chức của đội Hoàng Sa, thủy quân Hoàng Sa, phiên chế, cách tuyển chọn, thời gian xuất hành mà nhiều bộ chính sử và các tư liệu lâu nay chưa đề cập rõ.

Theo tiến sĩ Vũ, đây là sắc chỉ duy nhất còn nguyên vẹn bản gốc liên quan đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Sắc chỉ này là bằng chứng lịch sử khẳng định mỗi năm vua Minh Mạng đều cho thành lập một hải đội gồm các thợ lặn thiện chiến nhất ở Lý Sơn giong buồm đến Hoàng Sa để tìm hải vật và cắm bia khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo này. Triều đình từ thời đó cũng đã xác định đây là công việc rất quan trọng, được phối hợp chặt chẽ từ trung ương đến địa phương trong việc lập bản đồ, cắm mốc chủ quyền, trồng cây và bảo vệ Hoàng Sa.

Từ sắc chỉ này, theo nghiên cứu của giới sử học Quảng Ngãi, công việc bảo vệ Hoàng Sa thời xưa kéo dài suốt nhiều năm và rất nhiều hải đội người Việt đã nối tiếp nhau có mặt ở quần đảo Hoàng Sa. Không chỉ tộc họ Đặng mà ở huyện đảo Lý Sơn còn có các tộc họ Võ, Phạm, Nguyễn... cũng liên tiếp nhau đến Hoàng Sa - Trường Sa theo lệnh của triều đình. Tiến sĩ Diện cũng khẳng định sắc chỉ là một tờ lệnh rất quý giá, có niên đại vào năm Minh Mạng thứ 15. Các dấu ấn đóng trên văn bản cho thấy giá trị xác thực và tin cậy của tờ lệnh.

Ấn của vua được đóng trên sắc chỉ.

Ông Đặng Lên, chủ gia đình đang lưu giữ tờ lệnh của tổ tiên, kể, sắc chỉ đã truyền trong dòng họ từ nhiều đời nay và được 6 thế hệ lần lượt cất kỹ trong một hộp kín, hiếm khi được mở ra nên không biết nội dung nói gì. Chỉ đến dịp giỗ tộc Tết vừa rồi, cả dòng họ thống nhất photo tờ sắc chỉ gửi đến Sở Văn hóa nhờ dịch, mới biết tổ tiên từng tham gia bảo vệ chủ quyền đất nước ở Hoàng Sa. "Tộc họ chúng tôi rất tự hào về truyền thống tổ tiên giong buồm đến Hoàng Sa theo lệnh triều đình nên nay quyết định hiến tờ sắc chỉ cho quốc gia", ông Lên xúc động nói.

Theo ông, mới đây có người giả danh là cán bộ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi tìm đến gia đình ông để xin nhận tờ sắc chỉ. Tuy nhiên, khi liên lạc với Sở có xác nhận là không cử người đến nhà, gia đình ông Lên kiên quyết từ chối trao tư liệu này cho kẻ mạo danh.

Trao đổi với VnExpress.net ngày 9/4, ông Võ Xuân Huyện, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết, chính quyền địa phương đang chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường bảo vệ gia đình ông Lên cùng với bức sắc chỉ được xem là cứ liệu lịch sử quan trọng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Sáng cùng ngày, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tiếp quản và bảo lưu tài liệu này. Sở cũng làm một phiên bản của sắc chỉ có chiều dài 1,5 mét, rộng 0,6 mét trong khung kính để ở nhà thờ họ Đặng tại Lý Sơn, đồng thời tặng giấy khen cho ông Đặng Lên.

Nội dung của sắc chỉ.

Mấy ngày qua, câu chuyện về những người lính giong buồm đến Hoàng Sa được người dân Lý Sơn kể cho nhau nghe như những bản anh hùng ca. Theo lời kể của những người già trên đảo Lý Sơn, họ từng được nghe cha ông truyền miệng nhau về những chuyến giong buồm vượt biển đến Hoàng Sa gần 200 năm trước.

Theo ông Lên, trước khi giong buồm vượt biển Đông, các thành viên của hải đội Hoàng Sa được gia đình, họ tộc làm lễ "tế sống", gọi là Lễ khao lề tế (thế) lính Hoàng Sa. Lễ này thường diễn ra vào tháng 2 và 3 hằng năm ở đảo Lý Sơn. Mỗi người lính được tạc một hình nhân để thế mạng và chôn vào các ngôi mộ gió, bởi chuyến đi của họ giống như cuộc ra đi của tráng sĩ Kinh Kha - khó có ngày về.

Ở Lý Sơn ngày nay, hầu như đi đến đâu cũng bắt gặp vô vàn những ngôi mộ gió này. Các hải đội Hoàng Sa ở Lý Sơn nối tiếp nhau đến Hoàng Sa - Trường Sa trên những chiếc ghe bầu được đóng bằng gỗ chò mà người xưa hay gọi là tiểu điếu thuyền. Ghe chỉ rộng khoảng 3m, dài hơn 10m, chở được 10 người. Nương theo chiều gió, ghe căng ba cánh buồm cùng với sức chèo đi khoảng ba ngày ba đêm thì đến đảo Hoàng Sa. Ngoài lương thực, nước uống được mang theo tạm đủ dùng trong 6 tháng, những người lính còn bắt cá, chim làm lương thực trong suốt chiều dài hải phận. Trước khi ra đi, các thành viên không quên mang theo bên mình một thẻ bài ghi rõ danh tính, quê quán, phiên hiệu hải đội. Mỗi người còn chuẩn bị một chiếc chiếu, dây mây, nẹp tre để lo hậu sự cho chính mình nếu không thể trở về đất liền.

Nhắc đến Hải đội Hoàng Sa, người Lý Sơn luôn khắc cốt ghi tâm những người anh hùng bất chấp hiểm nguy để cắm mốc, dựng bia chủ quyền, đo đạc thủy trình, trồng cây cối, thu lượm hải vật ở quần đảo Hoàng Sa, trong đó có những người của tộc họ Phạm là Phạm Quang Ảnh và Phạm Hữu Nhật.

Theo gia phả lưu giữ tại gia tộc Phạm, vào triều Nguyễn, Phạm Quang Ảnh được phong làm cai đội Hoàng Sa. Ông lãnh quân ra đi rồi mãi mãi không về. Con cháu đắp nấm mộ chiêu hồn tập thể cho ông cùng 10 người lính của mình. Đến nay, ngôi mộ gió này vẫn còn được thờ tự ở thôn Đông, xã An Vĩnh.

Còn ông Phạm Hữu Nhật được phong làm Chánh đội trưởng suất đội, đã dẫn đầu một nhóm thuyền chở khoảng 50 người mang theo lương thực đủ ăn 6 tháng vượt biển đến Hoàng Sa. Ở từng điểm đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, họ đều dừng lại cắm mốc, dựng bia chủ quyền ở đảo đó và đo đạc thủy trình, trồng thêm cây cối, thu lượm hải vật, rồi mới về tấu trình hoàn thành nhiệm vụ.

Không ai rõ Phạm Hữu Nhật đã đi bao nhiêu chuyến, nhưng có một điều chắc chắn rằng lần cuối cùng ông đi mãi không về. Gia đình, họ tộc đã phải an táng ông bằng nấm mộ chiêu hồn không có hài cốt. Tổ quốc cũng khắc ghi công ơn của ông bằng việc đặt tên Hữu Nhật cho một hòn đảo lớn nằm ở phía nam quần đảo Hoàng Sa. Một hòn đảo lớn trong nhóm đảo Lưỡi Liềm ở Hoàng Sa cũng được đặt tên Quang Ảnh để ghi nhớ công lao của Phạm Quang Ảnh- người đã từng đặt chân lên đảo này để khẳng định chủ quyền.

Giới nghiên cứu sử học tại Quảng Ngãi cũng xác nhận những thông tin này là thật.

,,,,,,,,,,,,,,,,,,

Bộ Ngoại giao tiếp nhận tài liệu đặc biệt về Hoàng Sa

Chiều 10/4, tỉnh Quảng Ngãi đã bàn giao tờ lệnh triều đình Nguyễn lập hải đội đến Hoàng Sa năm 1834, tài liệu lịch sử chứng minh chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo này, cho đại diện Bộ Ngoại giao.

> Bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền VN tại Hoàng Sa

Thay mặt UBND tỉnh Quảng Ngãi, Phó Chủ tịch Nguyễn Hoàng Sơn đã trao lại tài liệu đặc biệt này cho ông Vũ Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ biên giới Bộ Ngoại giao VN.

Ông Sơn cũng khẳng định, đây là tờ lệnh, tương tự như lệnh gọi nhập ngũ hiện nay, của triều đình Nguyễn, hơn là một sắc chỉ. Nhờ sự gìn giữ của tộc họ Đặng ở đảo Lý Sơn trong suốt 175 năm qua, tài liệu này còn tương đối nguyên vẹn, gồm 4 trang viết bằng chữ Hán trên giấy dó, khổ 20x30cm.

Ấn của vua Minh Mạng được đóng trên tờ lệnh. Ảnh: Phạm Khang

Theo Bộ Ngoại giao, tờ lệnh này được ban hành ngày 15 tháng 4 năm Minh Mạng thứ 15, tức năm Giáp Ngọ 1834 chứ không phải Ất Mùi 1835 như xác định ban đầu. Người trực tiếp thừa hành nội dung ghi trong tài liệu này là ông Đặng Siểm và Dương Văn Định.

Tờ lệnh ghi rằng: Tỉnh Quảng Ngãi được lệnh của Bộ Binh và triều đình quyết định cử binh thuyền đi Hoàng Sa thi hành nhiệm vụ. Binh thuyền gồm 8 thủy thủ, 3 chiếc thuyền và 24 lính giỏi nghề bơi lặn. Giao cho ông Võ Văn Hùng lo việc tuyển chọn ngư dân giỏi có nhiều kinh nghiệm đi biển, ông Đặng Văn Siểm là đà công cùng 8 người khác đều có ghi tên, quê quán.

Dòng họ Đặng giữ tờ lệnh tòng quân của tổ tiên gần 200 năm nay, truyền qua 6 thế hệ nhưng rất ít khi mở ra xem và cũng không hiểu rõ nội dung. Tết năm nay, nhân lễ cúng giỗ tộc, cả họ thống nhất photocopy tờ lệnh một bản rồi cử đại diện từ đảo Lý Sơn vào đất liền để tìm giới nghiên cứu văn hóa nhờ dịch.

Biết được nội dung và ý nghĩa quan trọng của tờ lệnh, rồi bị kẻ mạo danh định lừa cướp di sản, hậu duệ họ Đặng đã hiến tặng cho Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi để trao lại cho nhà nước.

Thảo Nguyên

.....................

Đua xây nhà giá rẻ để bán

Các doanh nghiệp bất động sản TP HCM tính đến việc dành quỹ đất để triển khai căn hộ 6-10 triệu đồng mỗi m2, còn đơn vị tư vấn thiết kế cũng tung dịch vụ cải tạo, xây mới nhà nhỏ với giá tối thiểu 300 triệu đồng.

Nhắm đến đối tượng khách hàng là người có thu nhập trung bình muốn sửa chữa và xây mới nhà có diện tích nhỏ, Công ty Nhà Vui xây dựng hẳn gói giải pháp cải tạo và xây mới nhà cá thể với bài toán tiết kiệm và giảm nhẹ chi phí. Với kế hoạch này, dự kiến nhà có diện tích sàn xây dựng từ 30 đến 50 m2, tổng diện tích sử dụng không vượt quá 150 m2, quy mô 1- 3 tầng (1 trệt, 2 lầu, 1 sân thượng), sẽ có tổng kinh phí 300-500 triệu đồng. Đối với những nhà nhỏ hơn 30 m2, Nhà Vui sẽ áp dụng các hình thức cải tạo sửa chữa, không xây mới.

Gói dịch vụ này cung cấp 20 mẫu nhà có diện tích khiêm tốn đã được thiết kế thẩm mỹ, công năng sử dụng, giá thành xây dựng trọn gói cho khách hàng lựa chọn. Thời gian xây dựng tối đa 5 tháng, bảo hành một năm, giá thiết kế trọn gói 10 triệu đồng mỗi ngôi nhà.

Theo lãnh đạo Nhà Vui, đây là chương trình giúp người thu nhập thấp, có ngân sách hạn hẹp vẫn có thể xây nhà trọn vẹn từ khâu thiết kế, thi công cho đến khi hoàn thiện và cải thiện không gian sống.

Dự án chung cư Lê Thành, quận Bình Tân. Ảnh: L.T.

Sau gói dịch vụ xây, sửa nhà giá "mềm" của Nhà Vui, trong tuần lễ đầu tháng 4, Công ty thương mại xây dựng Lê Thành đã bàn giao 134 căn hộ ở block A1 thuộc dự án chung cư Lê Thành (quận Bình Tân) cho khách hàng. Cụm chung cư này gồm hai khu A và B với quy mô 7 block căn hộ cao 10-16 tầng, gồm 1.154 căn hộ có diện tích từ 50 đến 81,4 m2. Giá gốc của 134 căn hộ đầu tiên này được chủ đầu tư bán với giá 6 triệu đồng mỗi m2. Tuy nhiên, hiện nay sản phẩm này được giao dịch trên thị trường với giá cao hơn 1,5 lần so với giá gốc, khoảng 9-10 triệu đồng mỗi m2.

Theo ông Lê Hữu Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Công ty Lê Thành, trong thời gian tới, các căn hộ còn lại trong dự án này dự kiến có giá bán khoảng 10 triệu đồng mỗi m2. Đây là chung cư dành cho người có thu nhập trung bình và cán bộ công nhân viên, sinh viên mới ra trường, người trẻ đang lên TP HCM lập nghiệp. Ông Nghĩa cho hay, để có được giá bán như hiện nay, chủ đầu tư đã tinh giảm tối đa bộ máy quản lý, các chi phí trung gian được hạn chế... Hiện nay những dự án tương tự được bán với giá tối thiểu 13 triệu đồng mỗi m2 trên thị trường.

Tiến thêm một bước, Công ty Lê Thành đang chuẩn bị thủ tục đầu tư một dự án trên đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương ở phường Tân Tạo, quận Bình Tân, gồm 8 block chung cư. Dự kiến dự án này sẽ hướng đến những người có thu nhập thấp. Chủ đầu tư tiết lộ, diện tích căn hộ chỉ vào khoảng 50 m2, các tiện ích như thang máy, thiết bị phòng cháy chữa cháy... được nghiên cứu xây dựng để giảm giá thành, làm sao những người thu nhập thấp cũng có thể mua được nhà.

Không chỉ có Lê Thành hướng đến thị phần nhà giá rẻ, Công ty Hòa Bình cũng dự kiến sẽ triển khai một dự án chung cư 5 tầng tại huyện Nhà Bè. Giá bán chỉ khoảng 5-6 triệu đồng mỗi m2.

Trước đó, lãnh đạo Công ty Đất Lành cũng tuyên bố, nếu thực hiện thành công dự án thí điểm căn hộ diện tích nhỏ, giá khoảng 500 triệu đồng cho người bình dân tại quận 12, doanh nghiệp sẽ mạnh tay áp dụng hàng loạt dự án tương tự vì tiềm năng của phân khúc thị trường này rất lớn.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của các chủ đầu tư dám táo bạo phát triển sản phẩm căn hộ giá "mềm" là thiếu cơ chế thông thoáng. Khi làm việc với Sở Xây dựng TP HCM, lãnh đạo Công ty Lê Thành băn khoăn quy định cứ từ 4 đến 6 căn hộ phải có một chỗ dành cho xe hơi. Trong khi đó, ôtô đối với người có thu nhập bình dân như công nhân hãy còn là món hàng xa rời thực tế. Thêm vào đó, việc thiết kế nhà để xe đúng tiêu chuẩn quy định cũng là gánh nặng vì phải tăng ngân sách mới đảm đương nổi. Nếu xây dựng 200 căn hộ với diện tích 50 m2 sẽ phải xây dựng 4.000 m2 dành cho giữ xe, điều này làm tăng chi phí xây dựng, đẩy giá thành căn hộ lên cao.

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp "ớn" xây nhà giá rẻ vì không được sự hỗ trợ, ưu đãi, lại phải đối mặt với bài toán cắt giảm chi phí trong tình hình khó khăn. Đơn cử chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp vay tiền với lãi suất 0% rất khó tiếp cận. Riêng Công ty Đất Lành cũng năm lần bảy lượt lặn lội từ TP HCM đến tận Bộ Xây dựng đề xuất thực hiện dự án căn hộ diện tích nhỏ cho trí thức trẻ, nay chỉ mới được thuận cho thí điểm.

Trao đổi với VnExpress.net, Phó tổng giám đốc Công ty địa ốc Hoàng Quân Trương Thái Sơn ước tính: "Nhu cầu nhà giá rẻ chiếm 70-80% thị phần tại TP HCM, khách đều là dân nhập cư có thu nhập ổn định, điển hình là trí thức trẻ". Theo ông Sơn, nếu nhà nước không chủ động hỗ trợ 50% đáp ứng lượng nhu cầu này cho doanh nghiệp thì bài toán nhà ở vẫn không giải được. Bởi lẽ, doanh nghiệp sẽ không mặn mà với canh bạc nhà giá thấp nếu như họ chưa nhận được sự hỗ trợ tích cực từ chính sách ưu đãi thiết thực.

.......................

Địa ốc châu Á đã qua đáy

Các chuyên gia bất động sản tại châu Á nhận định, đáy của thị trường khu vực đã qua, nhu cầu giao dịch đang tăng nhanh ở một vài phân khúc. Thái Lan và Trung Quốc đang chuyển biến mạnh. Việt Nam cũng được nhắc đến với nhiều triển vọng.

Thái Lan được đánh giá là thị trường tiềm năng nhất, với nhu cầu ngày càng mạnh mẽ, đặc biệt với những dự án nằm ở vị trí thuận lợi và đây là triển vọng của thị trường bất động sản châu Á. Giám đốc điều hành Công ty Bất động sản Fragrant Property (Thái Lan) cho biết, Bangkok là nơi các bất động sản có vị trí đắc địa được tiêu thụ khá tốt trong những tháng đầu năm 2009. Hàng loạt dự án nhà ở cao cấp với số vốn lớn đang được triển khai. Những dự án khu căn hộ cao cấp tại khu trung tâm thương mại sầm uất sẽ tiếp tục là điểm nhấn.

Thị trường bất động sản tại Bangkok là một trong những điểm nóng tại châu Á. Ảnh: Virtualtourist.

Tại Trung Quốc, thị trường ở những thành phố lớn như Thượng Hải, Thâm Quyến và Bắc Kinh cũng đang có chuyển biến mạnh. Lượng giao dịch nhà ở đã qua mức thấp kỷ lục và tăng rất tích cực. Thậm chí, lượng mua bán còn tăng vượt dự báo. Trong hai tháng đầu tiên, khối lượng mua bán tại một số thành phố chính ở Trung Quốc đã tăng khoảng 50% so với "đáy" cuối năm 2008. Trong tháng 2, xuất hiện thêm một số "điểm nóng" về sự tăng trưởng giao dịch như Châu, Thành Đô (Tứ Xuyên) và Thiên Tân. Nhiều dự án xây dựng bị đình trệ đã bắt đầu triển khai lại.

Thị trường Việt Nam cũng được nhắc đến trong điều tra mới nhất này của các chuyên gia bất động sản khu vực. Những dấu hiệu hồi phục bắt đầu xuất hiện ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM. Một số dự án đã tăng giá khoảng 20% so với trước Tết, bất kể đây là những dự án vốn trước đây không được quan tâm nhiều.

........

Nới lỏng tiền tệ, nhưng chưa giảm lãi suất cơ bản

Trái với đồn đoán của thị trường, trong loạt quyết định ban hành hôm qua, Ngân hàng Nhà nước không giảm lãi suất cơ bản, chỉ điều chỉnh các công cụ lãi suất khác nhằm hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại.

Kể từ ngày 10/4, các mức lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đồng loạt giảm 1%. Trong đó, lãi suất tái cấp vốn giảm còn 7%. Lãi suất tái chiết khấu giảm từ 6% xuống 5%. Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng giảm từ 8% xuống 7%.

Riêng lãi suất cơ bản không được đề cập trong các quyết định mới của Ngân hàng Nhà nước. Trước đó, 1/4, cơ quan này công bố lãi suất cơ bản vẫn giữ mức 7%.

Doanh nghiệp vay vốn theo chương trình kích cầu của Chính phủ chỉ phải trả lãi suất tối đa 6,5% một năm. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng còn áp dụng chương trình vay vốn cam kết bán ngoại tệ và áp dụng lãi suất 0% cho doanh nghiệp. Ảnh: Hoàng Hà

Nửa tháng gần đây, nhiều ý kiến đề xuất nên giảm lãi suất cơ bản để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến phản đối, bởi nếu để lãi suất thấp quá, ngân hàng khó huy động vốn và khó cân đối lợi nhuận khi huy động lãi suất cao, nay phải cho vay lãi suất thấp. Hơn nữa, vấn đề lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là thị trường tiêu thụ, lãi suất giảm nhưng chưa giải quyết được đầu ra cũng không mặn mà vay vốn.

Hiện nay, lãi suất kinh doanh của các ngân hàng thương mại ít nhiều vẫn bị ràng buộc bởi lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố hằng tháng (lãi cho vay và huy động không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản). Nếu lãi suất cơ bản hạ xuống, các ngân hàng không còn cách nào khác là phải hạ lãi suất cho vay.

Trong khi đó, lãi suất tái cấp vốn là lãi suất do Ngân hàng Nhà nước áp dụng khi cung ứng vốn ngắn hạn có đảm bảo cho các ngân hàng. Lãi suất chiết khấu được áp dụng khi Ngân hàng Nhà nước chiết khấu (hay tái chiết khấu) thương phiếu và các giấy tờ có giá khác cho các tổ chức tín dụng. Còn lãi suất qua đêm là một dạng lãi suất liên ngân hàng, do các ngân hàng vay ngắn hạn của nhau để bảo đảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hay bảo đảm tính thanh khoản.

Cho dù giữ nguyên lãi suất cơ bản, song Ngân hàng Nhà nước vẫn thể hiện rõ động thái nới lỏng chính sách tiền tệ khi giảm một loạt các loại lãi suất còn lại. Lãi suất tái cấp vốn, chiết khấu, lãi cho vay qua đêm hạ thấp sẽ giúp các ngân hàng giảm chi phí vốn đầu vào, từ đó bớt áp lực tăng lãi suất cho vay.

Quyết định mới của Ngân hàng Nhà nước được đánh giá là bước đi thận trọng, vừa hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng mà không tạo áp lực giảm ngay lãi suất cho vay.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn yêu cầu các ngân hàng thương mại báo cáo hoạt động cho vay trong suốt quá trình giảm lãi suất cơ bản. Hơn một năm qua, lãi suất cơ bản trải qua 9 lần điều chỉnh, trong đó 3 lần tăng mạnh và 6 lần giảm. Cú sốc đáng nhớ nhất là vào 19/5, lãi suất cơ bản tăng từ mức 8,75% lên 12% rồi tiếp tục lên đỉnh 14% chỉ gần một tháng sau đó, đẩy lãi suất cho vay lên đến 21%. Sau 4 tháng duy trì ở mức cao, đến 21/10 lãi suất cơ bản liên tục giảm, khiến các ngân hàng chật vật xử lý số vốn huy động với lãi suất cao.

Theo yêu cầu mới, các ngân hàng phải báo cáo tổng dư nợ cho vay bằng VND tính đến cuối 31/3, trong đó phân loại dư nợ theo các mức lãi suất khác nhau ứng với từng giai đoạn điều chỉnh lãi suất cơ bản. Ngân hàng Nhà nước lý giải yêu cầu này nhằm phục vụ cho công tác điều hành lãi suất cơ bản.

Lãi suất huy động nội tệ tại các ngân hàng cổ phần đang tiếp tục nhích lên. Mức tăng không lớn, song cho thấy rõ lo ngại của ngân hàng trước nguy cơ dòng vốn bị san sẻ sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán hay bất động sản. Trong khi đó, ngân hàng cần lượng vốn lớn để triển khai 2 gói kích cầu của Chính phủ.

Tính tới ngày 10/4, các ngân hàng thương mại đã cho vay hơn 218.000 tỷ đồng theo chương trình hỗ trợ lãi suất ngắn hạn 4% của Chính phủ, tăng 16.293 tỷ đồng so với cuối tuần trước. Trong đó, nhóm quốc doanh vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo, với lượng giải ngân hơn 162.000 tỷ đồng.

....................

Việt Nam đối mặt với 37 vụ kiện thương mại

Các thị trường nhập khẩu ngày càng trở nên khó tính, doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vụ kiện thương mại, và diện mặt hàng bị kiện không ngừng mở rộng.

Dệt may Việt Nam cũng là một trong những nạn nhân của các vụ kiện từ thị trường nước ngoài. Ảnh: Hoàng Hà

Trong 3 tháng đầu 2009, Việt Nam phải đối mặt với 2 vụ kiện chống bán phá giá. Vụ thứ nhất Canada áp dụng với sản phẩm giày không thấm nước, vụ thứ hai Mỹ kiện Việt Nam về mặt hàng túi nhựa đựng hàng hóa bán lẻ.

Trong vụ kiện với mặt hàng túi nhựa, Mỹ đồng thời kiện cả chống bán phá giá và chống trợ cấp. Vụ việc này có nguy cơ trở thành một tiền lệ xấu đối với các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường nước này.

Chỉ trong 2 tháng vừa qua, riêng Ấn Độ đã có 3 quyết định áp thuế cuối cùng chống phá giá đối với hàng hóa Việt Nam.

Sáng 10/4, trong buổi tọa đàm về bảo vệ hàng hóa trong nước, ông Nguyễn Đức Thành, Phó cục trưởng cục cạnh tranh lo ngại: "Sự kiện diễn ra trong bối cảnh ưu thế thương mại đang nghiêng hẳn về phía Ấn Độ. Năm 2008, Việt Nam nhập siêu ở mức độ tuyệt đối từ nước này với hơn 2 tỷ USD nhập khẩu trong khi kim ngạch xuất khẩu chỉ khoảng 200 triệu USD".

Từ 1994 đến nay đã có 37 vụ kiện về thương mại chống lại Việt Nam, trong đó 31 vụ về chống bán phá giá. Liên minh châu Âu trở thành thị trường khó tính nhất với 10 vụ. Diện mặt hàng bị kiện ngày càng mở rộng, từ những mặt hàng có kim ngạch nhỏ đến lớn.

Trong tình hình đó, Cục quản lý cạnh tranh khuyến cáo các doanh nghiệp cần phải coi biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với Việt Nam là một rủi ro thương mại. Doanh nghiệp nên đưa việc này vào danh sách quản lý rủi ro để có những biện pháp phòng ngừa thích hợp.

...............

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#bao