bao 2.4

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Giao dịch chứng khoán lập kỷ lục

Điểm nhấn là sự bùng nổ ở mã STB, thị trường chứng khoán sáng nay có phiên giao dịch hơn cả mong đợi, khi Vn-Index tăng gần 13 điểm. Khối lượng giao dịch đạt cao nhất từ trước đến nay, trên 42 triệu đơn vị.

>Dow Jones tiến sát 8.000 điểm/ G20 chi khẩn cấp 1.000 tỷ USD chống khủng hoảng

Vn-Index phiên này tăng mạnh gần 13 điểm, bất chấp thông tin tăng giá xăng và trước kỳ nghỉ lễ.

Ảnh: Hoàng Hà

Kết thúc phiên giao dịch, Vn-Index đóng cửa tại 310,28 điểm, tăng 12,98 điểm (4,36%). Đây là lần đầu tiên chỉ số của sàn TP HCM trở lại với ngưỡng điểm 300 kể từ ngày 2/2.

Thị trường sáng nay chứng kiến khối lượng giao dịch cao nhất từ trước tới nay, cả về khối lượng khớp lệnh cũng như tổng khối lượng giao dịch. Số lượng chứng khoán được giao dịch qua báo giá đạt 38,97 triệu đơn vị, trị giá 777,52 tỷ đồng. Trước đó, kỷ lục về khối lượng giao dịch qua khớp lệnh là 38,55 triệu, được thiết lập vào ngày 23/9/2008.

Tính cả giao dịch thỏa thuận tổng khối lượng giao dịch của thị trường phiên này đạt 42,34 triệu đơn vị, tương ứng 826,9 tỷ đồng, tăng gần 44% về khối lượng và 26% về giá trị so với phiên hôm qua. Đây cũng là một kỷ lục trên thị trường Việt Nam.

Các blue-chip tiếp tục giữ vai trò dẫn đạo cho toàn thị trường, trong đó ngoại trừ DHG và VNM, các mã lớn đều tăng trần và hết dư bán.

STB bị khối ngoại bán ra trên 2 triệu đơn vị, song vẫn tăng hết biên độ và bùng nổ về khối lượng giao dịch với 10,2 triệu đơn vị, chiếm trên 25% khối lượng khớp lệnh toàn thị trường. Tiếp sau là 2 cổ phiếu quỹ VFMVF4 và VFMVF1 với 1,6 và 1,2 triệu đơn vị. DPM đạt khối lượng 1,5 triệu. FPT, SAM, PPC, REE có khối lượng thấp, với vài chục nghìn đơn vị, vì không có lệnh bán ra.

Nổi lên trong những phiên gần đây là đà đi lên của những cổ phiếu nhỏ, giá gần mệnh giá được gom vào rất mạnh, như KMR, TCM, VKP, VST, VSG, TTF, TNC...

Thị trường TP HCM khởi động với mức tăng điểm mạnh mẽ của Vn-Index ngay từ đầu phiên, với thêm 9,31 điểm (3,13%). Không cần trải qua giằng co, chỉ số dễ dàng vượt ngưỡng cản kỹ thuật 303 điểm, lên 306,61 điểm. Khối lượng giao dịch cũng tăng mạnh, lên 7,95 triệu đơn vị, tương ứng 163,1 tỷ đồng.

Việc chỉ số sàn TP HCM vượt qua ngưỡng cản 303 điểm chỉ sau ít phút mở cửa sáng nay giúp củng cố niềm tin cho giới đầu tư. Vn-Index tiếp tục tiến lên 310,02 điểm trong đợt khớp lệnh liên tục.

Sau 2 phiên tăng điểm vừa qua cùng thanh khoản cao, nhà đầu tư đang hào hứng với việc dòng tiền tiếp tục chảy vào thị trường, thanh khoản tăng cao, giúp nhà đầu tư dễ mua bán. Hôm qua, bất chấp việc khối lượng lớn 35,2 triệu đơn vị đổ về tài khoản sau thời hạn T+3, khối lượng khớp lệnh thành công đạt 30 triệu đơn vị, cho thấy sức cầu vẫn rất mạnh mẽ.

Thị trường Việt Nam sáng nay nhận tin vui, khi thị trường Mỹ hôm 2/4 bứt phá và Dow Jones tiến sát 8.000 điểm sau thông tin tích cực từ hội nghị G20. Hôm nay cũng là phiên giao dịch cuối cùng trước đợt nghỉ lễ Giỗ Tổ và thị trường ngừng giao dịch trong phiên 6/4 tới.

Trước diễn biến tranh mua, bên bán đồng loạt giữ lại cổ phiếu, song khối lượng giao dịch qua khớp lệnh vẫn đạt 38,9 triệu đơn vị, trị giá 777,5 tỷ đồng. Toàn thị trường có 167 chứng khoán tăng điểm, trong đó 126 mã tăng trần, 6 đi xuống và 7 mã giữ giá tham chiếu.

Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó phòng Phân tích và Đầu tư (TVSI) cho rằng, khối lượng giao dịch tăng mạnh trong phiên hôm nay có thể là dấu hiệu cho những chuyển động của thị trường trong ngắn hạn. "Phiên này nhà đầu tư có phần hưng phấn trước diễn biến của thị trường trong những phiên trước, và thông tin từ thị trường thế giới", ông Quang nhận xét. Giao dịch của STB đột biến được nhận định là xuất phát từ việc giá cổ phiếu này giảm nhẹ sau vài phiên liên tục bị bán ra gần đây.

Tại sàn Hà Nội, HaSTC-Index cũng tăng mạnh 6,19 điểm (6,03%), lên mức 108,85 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 21,6 triệu đơn vị, trị giá 458,6 tỷ đồng. Các cổ phiếu dầu khí như PVI, PVS, PVC và thuộc họ Sông Đà được tích cực gom vào.

.............

3 đợt IPO tại sàn Hà Nội trong tháng 4

Một doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí, một thuộc Ngân hàng Công thương và một doanh nghiệp khai khoáng sẽ lần lượt thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại HASTC trong tháng này.

Ngày 15/4, Công ty Máy và Phụ tùng thuộc PVN (PV Machino) sẽ chào bán trên 5,6 triệu cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng. Giá khởi điểm để đấu giá là 10.500 đồng. Công ty này chuyên kinh doanh, nhập khẩu thiết bị, máy móc, với vốn điều lệ 386 tỷ đồng.

Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công thương (VietinbankSC) dự kiến thực hiện IPO ngày 22/4, với trên 19 triệu cổ phần. Giá khởi điểm là 10.200 đồng mỗi cổ phần. Trước đó, IPO của VietinbankSC đã phải hoãn lại vì điều kiện thị trường chưa thuận lợi. Công ty này có vốn điều lệ 900 tỷ đồng.

Công ty Khai thác chế biến xuất khẩu khoáng sản Khánh Hòa cũng thực hiện IPO trong tháng này, với trên 2,7 triệu cổ phần, giá khởi điểm 10.500 đồng. Công ty này có vốn điều lệ 140 tỷ đồng, chuyên khai thác, chế biến khoáng sản, dịch vụ tư vấn địa chất và khai thác mỏ lộ thiên, và cả dịch vụ khách sạn, du lịch.

.................

Người Việt sang Mỹ săn nhà giá rẻ

"Chấm" một căn nhà ở bang Nevada, nếu 2-3 năm trước giá phải khoảng 500.000 USD nhưng nay chỉ bán 350.000 USD, chị Nga quyết định thực hiện một chuyến sang Mỹ để thương lượng giảm giá 50.000 USD.

Chị Bùi Bích Nga là giám đốc một công ty kinh doanh phụ liệu may mặc tại quận Tân Bình, TP HCM, có con gái đang du học năm thứ 2 tại bang Nevada của Mỹ. Mới đây chị cùng ông xã có một chuyến du lịch tới đất nước nữ thần tự do. Ngoài mục đích thăm con, tham quan, vợ chồng chị còn kết hợp tour xem chọn mua nhà vì nghe nói khủng hoảng kinh tế khiến bất động sản ở Mỹ "rẻ cực kỳ nên là cơ hội đầu tư nhà đất".

Tuy nhiên, theo chị Nga, lần đi đầu tiên chỉ như cưỡi ngựa xem hoa, chủ yếu là tham quan không gian, môi trường, điều kiện sống tại khu vực chứ chưa thể đưa ra quyết định được. Kết quả của chuyến đi vừa rồi là vợ chồng chị đã chấm được một căn nhà tại Las Vegas thuộc tiểu bang Nevada với giá bán 350.000 USD, giảm 150.000 USD nếu so với thời điểm này năm trước. Chị Nga cho biết, đang chuẩn bị cho chuyến đi tiếp theo với ý định thương lượng sẽ mua được căn này với giá khoảng 300.000 USD trở xuống.

Cũng theo chị Nga, một người bạn của chị đã đến Mỹ lần thứ ba và chọn được căn nhà ưng ý tại California, đang xúc tiến các thủ tục, giấy tờ, cách thức thanh toán khi mua bán. "Ít nhất cũng phải bay qua bay lại hai lần nữa mới hoàn tất các thủ tục", chị Nga nhẩm tính.

Giá nhà ở tại Mỹ nhiều nơi sụt giảm trên 60%. Ảnh: Tư liệu.

Hiện khủng hoảng kinh tế khiến giá nhà đất một số nơi tại Mỹ đã giảm hơn 60%. Theo Hiệp hội Địa ốc Mỹ (NAR), giá nhà ở đất nước này đã xuống thấp mức kỷ lục và đặc biệt không lúc nào dễ mua như lúc này. Tại California, Nevada, Florida... có nhiều ngôi nhà giá rẻ được dán quảng cáo bán từ giữa năm trước đến nay vẫn chưa có người mua.

Ở TP HCM, số lượng khách đăng ký tour du lịch sang Mỹ kết hợp mục đích xem mua nhà ngày càng tăng. Những người này chủ yếu đều có người thân đang sinh sống và học tập bên Mỹ. Đã có hơn 20 người sinh sống tại TP HCM, thông qua tour của Công ty Du lịch Hoàn Mỹ trở thành chủ nhân ít nhất một căn nhà tại đất nước bên kia bán cầu. Để mua thành công một căn nhà, nhiều người phải "bay đi bay lại" 4-5 lần, tốn hơn chục nghìn "đô" và mất mấy tháng trời nhưng họ vẫn rất kiên nhẫn.

Quá trình xem nhà, chọn nhà và tiến hành các thủ tục khá rắc rối. Bỏ một số tiền không nhỏ, từ 300.000 đến 400.000 USD mới có thể sở hữu một căn nhà vừa ý tại Mỹ, hầu hết người có ý định mua phải tìm hiểu rất nhiều lần. Nói như chị Nga, kinh nghiệm khảo sát không chỉ là vấn đề giá cả căn nhà, khu vực tọa lạc mà còn phải quan tâm tìm hiểu kỹ lưỡng các vấn đề liên quan đến phí bảo dưỡng, an ninh, phí môi trường, tôn tạo đường sá, hạ tầng nơi cư trú, thuế nhà đất...

Trao đổi với VnExpress.net, Tổng giám đốc một công ty kinh doanh bất động sản tại TP HCM nhấn mạnh, cách thức mua bán, đăng ký sở hữu chủ quyền một căn nhà tại hai nước có những khác biệt cơ bản. Đặc biệt, trên đất Mỹ, tại các tiểu bang khác nhau, hệ thống pháp luật cũng khác nhau, cách thức triển khai các thủ tục, quy định không giống nhau. Vì vậy, khi có ý định mua nhà thuộc khu vực nào, cần phải tìm hiểu rõ hệ thống pháp luật áp dụng tại nơi đó một cách kỹ lưỡng.

Ngoài ra, theo quy định của Nhà nước, người dân không được chuyển tiền ra nước ngoài để mua nhà khiến cũng không ít người phải cân nhắc. Thường những "đại gia" khi mua nhà chỉ muốn mua đứt bán đoạn, trả tiền một lần. Tuy nhiên, theo quy định, họ không được thanh toán kiểu này. "Những người mua nhà phải nhờ thân nhân đang ở Mỹ đứng ra mua, sau đó tìm cách trả lại cho người thân sau", ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, cho biết.

Theo đại diện Công ty Hoàn Mỹ, chuyến tham quan đầu tiên, khách đăng ký tham gia du lịch kết hợp tham khảo một số khu vực, giá tour khoảng 3.100 USD cho mỗi khách. Sau khi đã đi xem, nắm được tình hình giá cả, thị trường nhà đất, chọn được khu vực... thì ở những chuyến đi sau đó khách chỉ đăng ký tour chuyên dành cho những người mua nhà, giá chuyến đi lúc này chỉ còn khoảng 2.300 USD mỗi khách. Tuy nhiên, từ đây khách sẽ phải tự làm việc trực tiếp với luật sư, chuyên viên công ty bất động sản tại Mỹ và trả phí tư vấn theo thỏa thuận.

.............

Lễ hội hoa anh đào sẽ thu hút khoảng 200.000 người

Diễn ra trong 3 ngày 10-12/4, tại sân vận động Quần Ngựa, Hà Nội, Lễ hội hoa anh đào năm nay có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với nhiều chương trình biểu diễn giới thiệu văn hóa Nhật Bản.

> Ngày 10/4 khai hội hoa anh đào ở Hà Nội

Ông Vũ Khắc Liên, Chủ tịch Hội giao lưu văn hóa Việt - Nhật, cho hay, tâm điểm lễ hội là 400 cành hoa anh đào tươi được mang trực tiếp từ Nhật Bản, được ghép thành 5 cây lớn, giới thiệu vào ngày cuối cùng của lễ hội. Ngoài ra, 400 cờ cá chép sẽ là những biểu tượng mang đến không gian của mùa xuân Nhật Bản.

Theo ông Sato Fujisawa, Giám đốc điều hành Hội giao lưu văn hóa Nhật -Việt, hoa anh đào được chuyển đến từ vùng đông bắc Nhật Bản trước ngày lễ hội, được bảo quản ở nhiệt độ lạnh để hãm cho nở hoa vào đúng ngày 12/4.

Lễ hội hoa Anh đào năm 2008. Ảnh: Hoàng Hà

Năm 2008, lễ hội chỉ diễn ra trong một ngày, với 120.000 người tham gia. Theo ông Vũ Khắc Liên, năm trước hoa anh đào bị phá gây ấn tượng không tốt với các bạn nước ngoài, nhiều người đến tham dự cũng không được thưởng thức. Do vậy, công tác bảo vệ trong lễ hội năm nay được đặc biệt coi trọng. Ban tổ chức sẽ phối hợp với công an Hà Nội để bảo vệ hoa.

Hàng loạt các chương trình biểu diễn giới thiệu văn hóa Nhật Bản như điệu múa dân gian Nhật Yosakoi thu hút 4 đoàn múa từ đất nước mặt trời mọc, múa nón hoa Hanagasa Ondo, kịch Nam kinh Tama Sudare. Các nghệ nhân còn biểu diễn đàn Koto, đàn dây Samisen, nhạc cổ truyền bằng sáo trúc, thời trang Kimono và thời trang Tokyo... Ẩm thực Nhật được giới thiệu qua cách làm mỳ Soba.

Đặc biệt, chương trình múa Yosakoi được biểu diễn trên đường phố Văn Cao vào chiều 12/4, với sự tham gia của 10 đội múa từ Nhật Bản và 700 sinh viên, học sinh Việt Nam.

Ngoài ra, nhân dịp kỷ niệm 999 năm Thăng Long - Hà Nội, các giáo sư tên tuổi tại Nhật còn công bố nhiều tài liệu có giá trị lịch sử của Hoàng thành Thăng Long, khu phố cổ Hà Nội.

Cũng trong lễ hội, 80 gian hàng của các doanh nghiệp, các trường đại học cùng khoảng 40 gian hàng ẩm thực Nhật Bản sẽ trở thành trung tâm giới thiệu về Nhật Bản và Việt Nam. Sự kiện này được sự đóng góp từ hơn 140 tình nguyện viên của hai đất nước.

..............

Giao tranh tại biên giới Campuchia và Thái Lan

Binh sĩ Thái đứng gác gần ngôi đền Preah Vihear. Ảnh: AFP.

Sớm nay, các binh sĩ Thái Lan và Campuchia nã đạn vào nhau gần ngôi đền cổ tranh chấp, nằm giữa biên giới hai nước.

> Campuchia cảnh cáo Thái Lan

Phát ngôn viên chính phủ Campuchia Phay Siphan cho biết vụ đụng độ nổ ra sau khi một số quân nhân Thái thâm nhập lãnh thổ Campuchia. "Chúng tôi đã bắn rocket về phía binh sĩ Thái", ông nói thêm.

Thiếu tướng Thái Lan Kanok NetraKaveysana xác nhận một vụ giao tranh xảy ra, nhưng chưa có con số thương vong. "Đây là một vụ hiểu lầm và đã được giải quyết", ông nói và không cho biết gì thêm.

Vụ việc diễn ra chỉ một ngày sau khi một binh sĩ Thái bị bay mất một chân vì dẫm phải mìn gần ngôi đền cổ 900 tuổi Preah Vihear. Sau vài tháng lắng dịu, căng thẳng ở khu vực này bùng lên hồi tháng trước khi khoảng 100 binh sĩ Thái vượt sang phần đất Campuchia. Tuy nhiên, đụng độ đã không xảy ra.

Trước đó, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cảnh báo giao tranh sẽ nổ ra nếu binh sĩ Thái Lan vượt biên giới sang nước này. "Tôi nói trước với các vị, nếu các vị thâm nhập lãnh thổ Campuchia một lần nữa, chúng tôi sẽ đánh. Binh sĩ ở biên giới đã nhận được lệnh đó rồi. Tôi là nhà lãnh đạo Campuchia, được dân bầu chứ không phải lên nắm quyền bằng việc cướp quyền", Hun Sen nói và ngụ ý về tình hình bất ổn chính trị tại Thái Lan.

Căng thẳng giữa hai nước láng giềng Campuchia và Thái Lan lên cao hồi tháng 7 năm ngoái sau khi ngôi đền cổ tranh chấp Preah Vihear được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Cả Campuchia và Thái Lan đều khẳng định ngôi đền thuộc về họ. Tòa án Quốc tế giao đền Preah Vihear cho Campuchia năm 1962 song chủ quyền lãnh thổ khu vực quanh đó không được phân xử rõ ràng

............

Đôla Mỹ vẫn thống trị hệ thống tài chính quốc tế

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại London (Anh) hôm 2/4, Nga và một số nước muốn khởi động thảo luận vấn đề cải cách hệ thống dự trữ tiền tệ quốc tế ngay tại hội nghị.

> Trung Quốc kêu gọi dừng lệ thuộc vào đôla

Đề xuất của Nga về một đồng tiền dự trữ toàn cầu mới thay thế đồng USD đã được nhiều nước trên thế giới hưởng ứng, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Hàn Quốc, Venezuela... Theo đề xuất này, đơn vị tiền tệ dự trữ toàn cầu thay thế cho đồng USD sẽ là Quyền Rút vốn đặc biệt (SDR - Special Drawing Rights). SDR là đơn vị tiền tệ quy ước của một số nước thành viên Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). SDR được IMF đặt ra năm 1969 theo đề nghị của 10 nước trong Câu lạc bộ Paris gồm Bỉ, Canada, Pháp, Italy, Nhật Bản, Hà Lan, Thụy Điển, Anh, Mỹ, Đức.

Khi được khai sinh, SDR là tài sản dự trữ có tính chất quốc tế nhằm bổ sung cho tài sản dự trữ của các quốc gia thành viên. SDR có thể được sử dụng trong quan hệ tín dụng giữa các nước thành viên IMF với quỹ này cũng như trong thanh toán cán cân thương mại giữa các quốc gia. Khi giải ngân, có thể quy đổi ra một loại tiền tệ mạnh nào đó như đôla Mỹ, euro, yen Nhật... tùy tình huống. Tuy nhiên nó chỉ là đơn vị quy ước, chỉ được sử dụng để tính toán chứ không thực sự tồn tại trong lưu thông, do vậy người ta không thể tiêu nó như các loại tiền tệ khác.

Giới phân tích cho rằng việc đề nghị thay thế đồng USD bằng một loại ngoại tệ dự trữ khác đã phản ánh phần nào lo ngại của cộng đồng quốc tế trước nguy cơ đồng USD sụp đổ trong bối cảnh thế giới đang phải chống chọi với khủng hoảng kinh tế. Trong đó, có quan ngại về khả năng thanh toán của Mỹ. Và khi các cỗ máy in tiền của Mỹ phải hoạt động hết công suất thì nguy cơ siêu lạm phát là hoàn toàn có thể xảy ra.

Phía các nước ủng hộ cải cách hệ thống dự trữ tiền tệ quốc tế tại Hội nghị cấp cao G20 lần này cho rằng, hệ thống hiện nay không thích hợp và chứa đựng nhiều nguy cơ. Để thực hiện kế hoạch này, trong giai đoạn đầu, các nước phát hành đồng tiền dự trữ nhất thiết phải đưa ra một chính sách kinh tế vĩ mô có trách nhiệm hơn, tránh những hành động có thể gây hậu quả cho các đối tác.

Tuy nhiên, trước mắt thế giới nghiêng về giải bài toán ngăn chặn suy giảm kinh tế, khôi phục và duy trì tăng trưởng hơn là tính đến một hệ thống tiền tệ và tài chính mới có thể phản ánh trung thực toàn cảnh kinh tế thế giới, ở đó loại trừ sự độc quyền của đồng USD. Thủ tướng Anh G.Brown cho rằng, thế giới phải vượt qua 5 thử thách lớn để cứu nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng. Trong đó, có nhiệm vụ bảo đảm nguồn quỹ thích hợp cho các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), để những tổ chức này can thiệp vào các nền kinh tế thị trường mới nổi đang chịu tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Hầu hết các nhà phân tích đều không phủ nhận đơn vị tiền tệ của Mỹ tiếp tục thống lĩnh hệ thống tài chính quốc tế trong một thời gian dài. Mỹ vẫn là cường quốc kinh tế số một thế giới. Thực tế, USD từng là đồng tiền mạnh nhất thế giới. Các nước đều có chủ trương cất trữ USD. Và có một thực tế, khi cuộc khủng hoàng tài chính còn trong hành trình dò đáy thì chính Mỹ - "tâm bão" của cuộc khủng hoảng - vẫn hút được nhiều USD vào "túi" của mình.

Các nhà đầu tư coi USD là vịnh tránh bão, không những thế họ mang USD "cất" vào nơi được coi là an toàn: trái phiếu của Mỹ. Bản thân Trung Quốc đại lục - chủ nợ lớn nhất và quan trọng nhất ngoài biên giới nước Mỹ - đang sở hữu lượng trái phiếu Chính phủ Mỹ với giá trị 739,6 tỷ USD, trong đó riêng đặc khu Hong Kong mua 71,7 tỷ USD.

Trung Quốc tiếp tục mua "nợ" của Mỹ với khối lượng đáng kinh ngạc. Từ tháng 9/2008 đến tháng 1/2009, Trung Quốc đã mua thêm trái phiếu với giá trị 120 tỷ USD. Những thương vụ này đang làm cho giá trị đồng USD tăng lên và cung cấp cho chính quyền của Tổng thống Barack Obama hàng nghìn tỷ USD để tăng thanh khoản cho các nhà băng và kích thích tăng trưởng kinh tế, khi Chính phủ nước này không thể cắt giảm lãi suất thêm được nữa. Trên thực tế, lãi suất USD đã về ngưỡng 0-0,25%.

Không những thế, trên 99% hàng xuất khẩu của Mỹ tính bằng USD, và Mỹ cũng dùng USD để thanh toán đến 92,2% hàng nhập khẩu. Hơn 86% các khoản thanh toán trên toàn cầu đều được tính bằng USD; 60% USD lưu hành ở ngoài nước Mỹ. Riêng với khu vực châu Á, 75% tổng kim ngạch xuất khẩu và 65% nhập khẩu được chi trả bằng USD. Trong khi đó, đồng euro - đơn vị tiền tệ chung của châu Âu - sau hơn 10 năm chính thức lưu thông vẫn chưa thể thay thế được đồng USD.

Là đồng tiền được sử dụng rộng rãi trong kinh doanh trên toàn thế giới, đồng USD một lần nữa lại được khẳng định là đồng tiền dự trữ toàn cầu. Lo ngại của Mỹ thường là khi đồng USD tăng giá, nó sẽ làm giảm sức cạnh tranh về giá đối với hàng xuất khẩu của Mỹ trên thị trường quốc tế. Vấn đề quan tâm của Mỹ lúc này vẫn là thu hút đủ người mua các khoản nợ của Mỹ để tài trợ cho kế hoạch cứu nền kinh tế của họ.

..............

Trung Quốc kêu gọi quốc tế dừng lệ thuộc vào USD

Chủ nợ lớn nhất của Mỹ vừa kêu gọi cộng đồng quốc tế chuyển sang dùng đồng tiền SDR thay vì lệ thuộc vào USD. Tuy vậy, đề nghị này chưa được thị trường tiền tệ thế giới chú ý.

Hồi tuần trước,Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo bày tỏ lo ngại về số tài sản 1 nghìn tỷ USD mà nước này cho Mỹ vay. Ảnh: Chinatoday

Hôm thứ Hai, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc lên tiếng đề nghị quốc tế mở rộng phạm vi sử dụng loại tiền SDR do Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF sáng lập. SDR, viết tắt của Special Drawing Right, là đơn vị tiền tệ dựa trên ba loại tiền euro, đồng yen và đôla Mỹ.

Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Châu Tiểu Xuyên cho rằng, cộng đồng quốc tế nên tạo cho SDR cơ hội mở rộng tầm quan trọng. Theo ông, việc đem đồng SDR vào sử dụng rộng rãi có thể nới lỏng sự phụ thuộc vào một loại tiền của quốc gia nào đó và biện pháp này sẽ giúp quốc tế thoát khỏi ảnh hưởng từ những chính sách tiền tệ của một nước riêng lẻ.

Gợi ý của Trung Quốc đưa ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 tại London. Nhóm G20 chiếm đến 85% tổng sản phẩm quốc dân toàn cầu.

Mặc dù tuyên bố hôm thứ Hai của Trung Quốc thể hiện nước này đang lo lắng về triển vọng dài hạn của đồng đôla Mỹ, tuy nhiên động thái trên không làm thị trường tiền tệ lung lay. Kathy Lien, trưởng nhóm nghiên cứu tiền tệ tại Global Forex Trading nói: "Tôi không thấy thị trường có phản ứng gì với bình luận của ông Châu. Đồng đôla Mỹ vẫn đang đi lên, thay vì đi xuống như Trung Quốc lo ngại".

Trong lần phát biểu gần đây hôm thứ Ba, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói ông thấy không cần thiết phải dùng đến một loại tiền tệ quốc tế chung cho toàn cầu. Ông nói: "Tôi khẳng định đồng đôla vẫn đang vô cùng mạnh mẽ trong thời điểm hiện nay. Các nhà đầu tư luôn xem Mỹ là nền kinh tế lớn mạnh nhất thế giới, được điều hành bởi hệ thống chính trị vững chắc nhất thế giới".

Một mặt, Trung Quốc bày tỏ lo lắng đến tương lai của đồng đôla và số tài sản của họ nơi biên kia bờ Thái Bình Dương, nhưng mặt khác vẫn tiếp tục mua trái phiếu kho bạc của Mỹ.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết nước này vẫn sẽ tiếp tục đầu tư vào trái phiếu Mỹ như một phần quan trọng trong dự trữ ngoại tệ của nước này. Trung Quốc hiện có khoảng 2 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại tệ và là chủ nợ lớn nhất của Mỹ hiện nay.

..............

G20 chi khẩn cấp 1.000 tỷ USD chống khủng hoảng

Lãnh đạo 20 nền tài chính lớn nhất thế giới vừa cam kết chi trên 1.000 tỷ USD cho các khoản vay khẩn cấp nhằm ngăn chặn tình trạng đóng băng tín dụng, vào thời khắc nguy hiểm nhất đối với kinh tế thế giới kể từ sau Đại suy thoái.

> Pháp dọa rút khỏi hội nghị G20

Tại hội nghị thượng đỉnh lần này, hành động được đánh giá là mạnh bạo nhất của G20 là tăng gấp 3 khoản tiền cho Quỹ Tiền tế quốc tế (IMF) từ 250 tỷ USD lên 750 tỷ USD để quỹ này cho các nền kinh tế vay khi cần thiết. Trong đó, 250 tỷ USD sẽ được dành để giúp các nước củng cố nguồn dự trữ ngoại hối, một khoản tương đương hỗ trợ thương mại. Ngoài khoản 750 tỷ USD này, phần còn lại của số tiền 1.000 tỷ USD chưa được công bố cụ thể. G20 cũng đồng ý bán vàng do IMF đang nắm giữ cho các nước nghèo.

Ngay từ trước khi G20 đưa ra thông cáo chung của hội nghị, các thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu đồng loạt tăng mạnh.

Khoản 1.000 tỷ USD cho vay tại các nước kinh tế kém phát triển hơn được coi là một nỗ lực của G20 nhằm dựng lên một "tường lửa" về kinh tế và đảm bảo đầu ra cho hàng xuất khẩu của các nền kinh tế lớn. G20 và các nước đang phát triển cam kết nỗ lực xử lý các bảng cân đối tài sản phần nhiều đã vơi đi của hệ thống ngân hàng và khơi thông nguồn tín dụng. Cùng với đó là xóa bỏ thông lệ về các "thiên đường trốn thuế" và thắt chặt quy định đối với các quỹ đầu cơ đa quốc gia cũng như những nhà đầu tư tài chính nhiều tham vọng tại Mỹ và các nền kinh tế khác.

Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi, và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev (từ trái qua) tại buổi chụp ảnh của Hội nghị G20.

Ảnh: AP

Nhìn chung, các biện pháp được G20 thống nhất đều nhằm tăng nguồn chi tiêu, cho vay và vay vốn, từ đó mở rộng sản xuất, thay vì tình trạng thu hẹp hiện nay. Song không vị lãnh đạo nào đưa ra cam kết về hiệu quả tức thời của kế hoạch này mà họ đều cho rằng, còn nhiều việc phải làm.

Tổng thống Mỹ Obama, trong chuyến công du quan trọng đầu tiên của mình, đã không thành công trong việc thuyết phục lãnh đạo các nền kinh tế khác tăng chi tiêu cho chương trình kích thích kinh tế và tạo công ăn việc làm theo cách Mỹ và Anh đang làm. Hai nước phản đối kế hoạch này mạnh mẽ nhất là Pháp và Đức.

Sau khi quyết định chi gần 2.000 tỷ USD để bảo lãnh cho các định chế tài chính đang bên bờ phá sản, tăng chi tiêu và tạo thêm việc làm, Mỹ tiếp tục thúc giục các nước giàu khác thực hiện như mình. Nhưng các nước châu Âu phản đối do lo ngại mức chi tiêu chính phủ lớn như vậy sẽ dẫn đến thâm hụt ngân sách và gây lạm phát cao tương tự những năm 1920. Các lãnh đạo này cho rằng, các bước đi nhằm thúc đẩy kinh tế của họ như hiện nay đã đủ.

"Khi đến đây, chúng tôi có ý định lắng nghe và học hỏi, nhưng cũng mang đến cách làm của người Mỹ. Tôi cho rằng văn bản của hội nghị đã được xây dựng cùng các bước hành động cụ thể và phản ánh nhiều đối tượng ưu tiên của chúng tôi. Trong cuộc sống không có gì đảm bảo, và trong kinh tế cũng không vậy", ông Obama sau đó nói với báo giới.

Cả ông Obama và Thủ tướng Anh Gordon Brown đều được hỏi, G20 sẽ có hành động nào ngay hôm nay để vực dậy kinh tế thế giới, nhưng cả 2 người đều tránh không trả lời. Trong thông cáo chung, Thủ tướng nước chủ nhà Brown cho rằng, G20 đã "đạt được mức độ đồng thuận cao".

Hội nghị lần này có sự góp mặt của Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nền kinh tế mới nổi. Lãnh đạo G20 tuyên bố, các nước đang phát triển, vốn chịu ảnh hưởng mạnh của khủng hoảng kinh tế, và thường phàn nàn là bị gạt ra bên lề, sẽ có tiếng nói quan trọng hơn trong các vấn đề kinh tế quốc tế.

Chuyên gia phân tích Steven Schrage thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Washington cho rằng, G20 đã tăng nguồn vốn vay cho IMF, song vẫn còn nhiều việc phải làm. "Nếu tình hình chỉ như hiện nay, thì họ (G20) sẽ kiểm soát được. Nhưng nhìn vào "đám cháy" đang lan ra toàn cầu trong suốt 5 tháng qua, sẽ thấy là vẫn chưa có đường đi rõ ràng để giải quyết các thách thức nghiêm trọng. Thực tế, vẫn chưa có sự đồng thuận về cách thực hiện kích thích kinh tế mà các nước đang thực hiện", ông Schrage nói.

Cảnh sát được tăng cường và bao kín khu vực phía đông London, nơi có cuộc họp của G20. Bên ngoài hội nghị, nhiều người biểu tình nhằm phản đối nghèo đói và thay đổi khí hậu.

...............

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#bao