bao 26

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Báo động về chất lượng báo cáo tài chính

Tính đến ngày 20/4, trong số 357 doanh nghiệp niêm yết trên cả hai sàn, có ít nhất 194 công ty có sự chênh lệch kết quả kinh doanh trước và sau kiểm toán, trong đó không ít DN có chênh lệch kết quả kinh doanh rất lớn (trên 10%).

Đây là con số thống kê do stox.vn thực hiện, cho thấy tình trạng báo động về chất lượng báo cáo tài chính chưa kiểm toán. Việc chênh lệch một vài trăm triệu đồng, thậm chí là vài tỷ đồng... giữa doanh thu, lợi nhuận trước và sau kiểm toán là bình thường, vì có thể có những sai sót nhỏ trong cách tính toán, phân loại một số khoản thu, chi của doanh nghiệp và công ty kiểm toán. Nhưng thật khó hiểu với những khoản chênh lệch rất lớn, thậm chí thay đổi hoàn toàn cán cân lỗ - lãi tại một số nơi.

Ấn tượng nhất vừa qua là chênh lệch kết quả kinh doanh trước và sau kiểm toán của 2 doanh nghiệp thuộc họ nhà Kinh Đô là KDC và NKD. Với chênh lệch 202,978 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trước và sau kiểm toán, từ lãi 142,376 tỷ đồng về lỗ 60,602 tỷ đồng, KDC đang là doanh nghiệp xếp số một về khoảng cách chênh lệch lợi nhuận. Một người anh em của KDC là NKD cũng có mức chênh lệch lợi nhuận sau thuế trước và sau kiểm toán hơn 38 tỷ đồng, từ mức lãi hơn 39 tỷ đồng còn chưa đầy 1 tỷ đồng. Một doanh nghiệp rất lớn và uy tín như Sacombank cũng để mức chênh lệch lợi nhuận trước thuế trước và sau kiểm toán lên tới 133 tỷ đồng.

Hai doanh nghiệp ngành xây dựng là Công ty Phát triển đô thị Từ Liêm (NTL) và Công ty Đầu tư Phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (SJS) cũng có chênh lệch kết quả kinh doanh trước và sau khá lớn. Với NTL, doanh thu trước và sau kiểm toán giảm 64,195 tỷ đồng, từ mức 435,502 tỷ đồng về 371,307 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế thu nhập DN cũng giảm từ 98,729 tỷ đồng về 61,812 tỷ đồng. Trường hợp của SJS, lợi nhuận năm 2008 của Công ty trong báo cáo tài chính giảm từ 175,122 tỷ đồng trước kiểm toán về 118,884 tỷ đồng sau kiểm toán.

Trong các doanh nghiệp có chênh lệch kết quả kinh doanh trước và sau kiểm toán lớn, một số công ty không chỉ chênh lệch về số tuyệt đối lớn mà còn nắm giữ tỷ lệ chênh lệch ở mức choáng váng. Trường hợp của Công ty Nam Vang (NVC), có chênh lệch lợi nhuận trước và sau kiểm toán lên đến... 8.500%, từ lãi 0,529 tỷ đồng về lỗ 44,423 tỷ đồng. Hay trường hợp của Công ty Thủy sản Minh Phú (MPC), chênh lệch lợi nhuận trước và sau kiểm toán là 1.043,94%, từ lãi 4,036 tỷ đồng về lỗ 38,097 tỷ đồng.

Theo thống kê của stox.vn, có tới 47 doanh nghiệp có chênh lệch kết quả kinh doanh trước và sau kiểm toán lên tới trên 50%. Nhiều công ty vốn đã lỗ, sau kiểm toán còn bị lỗ nặng hơn rất nhiều, như FPC từ lỗ 44,4 tỷ đồng về lỗ 83,2 tỷ đồng; TPC từ lỗ 51 tỷ đồng về lỗ 61,6 tỷ đồng.

Lần giở toàn bộ giải trình của những doanh nghiệp niêm yết đã có công văn được HOSE và HASTC công bố về chênh lệch kết quả kinh doanh trước và sau kiểm toán, nguyên nhân được ghi nhận khá đa dạng. Như trường hợp của Sacombank, ngân hàng này giải thích, khoản chênh lệch 133 tỷ đồng chủ yếu do cách tính trích lập khác nhau giữa ngân hàng và công ty kiểm toán đối với các loại cổ phiếu chưa niêm yết. Với trường hợp của KDC và NKD, nguyên nhân lại do trong báo cáo tài chính chưa kiểm toán, doanh nghiệp chưa thực hiện trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn.

Với trường hợp của NTL, nguyên nhân được công ty này giải trình là do chênh lệch doanh thu, chi phí, lợi nhuận của các khoản mục khác nhau, đặc biệt liên quan đến dự án Trạm Trôi. Tuy nhiên, bản chất tạo nên sự khác biệt là như thế nào thì chưa được giải thích. Một số trường hợp khác, việc chênh lệch lợi nhuận trước và sau kiểm toán do một số nguyên nhân như: cách tính các khoản phải thu/chi nội bộ, hạch toán chênh lệch tỷ giá.

Hai lý do phổ biến dẫn đến chênh lệch lợi nhuận trước và sau kiểm toán là cách ghi nhận doanh thu/chi phí đối với các doanh nghiệp ngành bất động sản và cách trích lập dự phòng đầu tư tài chính, đặc biệt là với các khoản đầu tư dài hạn cho những công ty có đầu tư tài chính.

Thời hạn để một doanh nghiệp niêm yết công bố báo cáo tài chính quý IV là 25 ngày kể từ ngày kết thúc quý và thời hạn để công bố báo cáo năm đã kiểm toán là 100 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Như vậy, trong khoảng thời gian 75 ngày giữa 2 kỳ báo cáo, không ít nhà đầu tư ra quyết định sai lầm theo những thông tin mà doanh nghiệp công bố.

Bên cạnh những doanh nghiệp có giải trình về chênh lệch tài chính trước và sau kiểm toán thì vẫn còn nhiều công ty chưa có động tĩnh gì. Hiện cả hai sàn mới có khoảng 37 doanh nghiệp có giải trình, trong đó nhiều giải trình chỉ viết rằng, lợi nhuận tăng/giảm ở chỗ này, chỗ kia mà không giải thích tại sao, theo cách tính nào đã làm nên chênh lệch. Nhiều nhà đầu tư đã thắc mắc, có hay không sự cố tình hạch toán thiếu chính xác tại những công ty có chênh lệch lợi nhuận trước và sau kiểm toán quá lớn.

..................

Vỡ nợ hàng chục tỷ đồng trên chợ OTC

Dự đoán sai biến động của cổ phiếu Ngân hàng Quân đội MB, một môi giới cổ phiếu OTC tự do có tên tuổi tại Công ty chứng khoán Đông Dương (DDS), TP HCM, đã biến mất cùng với số nợ ước tính 30 tỷ đồng.

Vỡ nợ OTC khi đương sự mất khả năng thanh toán, buộc phải "cao bay xa chạy" đã không là điều mới lạ trên thị trường này bởi ràng buộc lỏng lẻo giữa bên mua, bên bán. Phần lớn các môi giới tự giao dịch, chốt giá với nhau và tự chịu trách nhiệm về hành vi mua bán đó, công ty chứng khoán chỉ là địa điểm để họ tìm đến. Dẫu biết vậy, song dư âm của vụ vỡ nợ 30 tỷ đồng "đồn thổi" xảy ra cách đây hơn một tuần trước tại DDS vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều người trên chợ OTC.

Nhân vật đang được nhiều nhà đầu tư cổ phiếu chưa niêm yết lùng sục tìm kiếm tên Hằng, thuộc hàng đại gia trong lĩnh vực môi giới OTC ở DDS. Hằng có thâm niên giao dịch khoảng 3 năm, chủ yếu đánh "con" MB, bởi đây là mã thanh khoản cao, sóng lớn và hot nhất trên OTC.

Anh Hữu Thắng, môi giới tại DDS cho biết, lượng mua bán MB của Hằng rất lớn, có khi lên hàng chục triệu cổ phiếu và đó chính là nguyên nhân "té đau". Ví dụ, Hằng bán khống 1 triệu cổ phiếu MB lúc giá 14.000 đồng, một tuần sau giao hàng, MB đã vọt lên 17.000 đồng. Không đủ chứng khoán để giao, Hằng buộc phải mua với giá thị trường 17.000 đồng để trả như đã thỏa thuận và chịu lỗ 3 tỷ đồng. Rất nhiều trường hợp phải giao như vậy, cộng lại khiến tổng nợ của Hằng vượt quá khả năng chi trả.

Ngoài ra, chưa kể lượng cổ phiếu đi vay mượn từ những môi giới khác để xoay vòng cũng gây ra khoản thua lớn cho Hằng. Đây cũng là cách làm mà hầu như những môi giới thuộc hàng đại gia đều thực hiện. Nếu quen biết, tin tưởng lẫn nhau và mượn trong thời gian ngắn (1-2 ngày) sẽ không cần thế chấp, song nếu mượn ở kỳ hạn lâu (1 tuần, 1 tháng), người vay cổ phiếu phải thế chấp 100%. Đến lúc tất toán, mỗi cổ phiếu đã tăng thêm 3.000 đồng. Như vậy ngoài khoản thế chấp ban đầu (lúc giá MB 14.000 đồng) là 1,4 tỷ đồng cho 100 nghìn cổ phiếu MB, người vay phải đưa thêm 300 triệu đồng nếu muốn thanh toán bằng tiền thay vì cổ phiếu.

Như vậy, theo các đồng nghiệp bà Hằng, rõ ràng, môi giới này đã thiệt hại kép. MB giữa cuối tháng 4 biến động rất mạnh. Ngoài ra, khối lượng giao dịch dù là ảo, song mỗi lần giao dịch đến cả triệu cổ phiếu nên khoản chênh lệch lãi lỗ rất lớn. Số lỗ tích tụ dần và đến lúc vượt quá sức chi trả, Hằng đã bỏ trốn, mang theo nhiều khoản nợ chưa thanh toán.

Tuy nhiên do tính chất giao dịch trên sàn OTC, hiện rất khó xác định chính xác số tiền Hằng vỡ nợ, song cứ người môi giới này hỏi đồng nghiệp kia biết mình bị thiệt hại, ước tính khoảng 30 tỷ đồng đã theo Hằng đi mất. Chị Linh, một môi giới tự do tại DDS cho biết: "Đây được xem là vụ vỡ nợ quy mô lớn nhất từ trước đến nay trên thị trường niêm yết phi chính thức, trước đây, các vụ vỡ nợ chỉ dừng lại ở số tiền 1-2 tỷ đồng".

Chợ OTC Đông Dương lúc nào cũng huyên náo bởi những lời chào mua, rao bán. Ảnh: B.H.

Chuyện nhiều nhà môi giới bị mất tiền khi Hằng ôm nợ biến mất đang râm ran trên sàn OTC, song hầu như chưa có cơ quan quản lý hay đơn vị nào lên tiếng, thậm chí tên tuổi, địa chỉ cụ thể Hằng ra sao những người bị hại cũng chưa biết rõ.

Giao dịch OTC xác lập trên chữ tín, cái bắt tay siết chặt, hoặc bằng tin nhắn, ghi chép trong sổ cá nhân; là những khẳng định việc chuyển nhượng cổ phiếu đã thành công. Chính vì vậy, rủi ro khi một phía quỵt nợ rất dễ xảy ra và là điều mà các môi giới tự do đã lường trước được khi giao dịch trên thị trường này. Song, nhu cầu mua bán cổ phiếu chưa niêm yết là có thật nên các chợ OTC vẫn ngày ngày đông nghịt người mua kẻ bán.

Nắm bắt nhu cầu đó, một số công ty chứng khoán dành hẳn khu vực cho hoạt động OTC, đưa cung cầu đến với nhau, trong đó tại TP HCM lớn nhất là chợ DDS. Ngoài môi giới tự do hành nghề, công ty cũng có bộ phận OTC chuyên trách, hỗ trợ khâu trung gian, bảo lãnh số tiền, xác nhận số dư, đặt cọc...

Tại DDS có bộ phận môi giới OTC của chính công ty, nếu hợp tác với bộ phận này những người môi giới sẽ hạn chế tối đa rủi ro gặp phải khi giao dịch. Đơn cử như, nếu muốn bán chứng khoán, họ phải có sổ xác nhận số cổ phiếu có sẵn chứ không thể bán khống, khi mua phải có tiền ký quỹ. Như vậy, sẽ tránh tình trạng bán khi không có cổ phiếu, mua nhưng chưa đủ tiền như môi giới tự do. Buổi chiều sẽ là thời điểm kết sổ, làm biên nhận và ngày mai, các bên có thể làm chuyển nhượng.

Tuy nhiên từ hàng loạt vụ vỡ nợ từ bé đến lớn trên chợ OTC, ông Dương cho biết sắp tới, DDS sẽ lập quy trình chuẩn, có kỷ luật nếu môi giới tự do còn muốn giao dịch tại đây. Theo đó, người môi giới sẽ "nắm hai đầu" mua, bán, DDS là khâu trung gian, mọi giao dịch phải qua công ty để bảo lãnh số tiền, xác nhận số dư, đặt cọc...

Theo ông Nguyễn Sơn, Trưởng ban phát triển thị trường, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (SSC), SSC đang xem xét vụ vỡ nợ OTC lớn nhất này và sẽ yêu cầu các bên liên quan báo cáo thông tin.

Ông Sơn cũng cho rằng, dự kiến tháng 6, sàn giao dịch chứng khoán công ty đại chúng chưa niêm yết (Upcom) hoạt động sẽ hạn chế những rủi ro này, bởi nhà đầu tư phải có tài khoản, cổ phiếu, tiền mở tại ngân hàng mới được tham gia. Song Upcom vẫn còn khoảng trống bởi không thể cùng một lúc đưa hàng nghìn cổ phiếu công ty đại chúng vào giao dịch mà sẽ thực hiện từng bước. Ban đầu sẽ chỉ những công ty tốt, đủ điều kiện niêm yết, cổ phiếu thanh khoản cao vào Upcom trước.

"Tuy nhiên, SSC sẽ có những hình thức giám sát chặt chẽ để hạn chế những rủi ro khi giao dịch ở OTC", ông Sơn nói.

......................

Quỹ đầu tư không dám mơ tới lợi nhuận

Một số quỹ đầu tư dự báo Vn-Index ở mức 400 điểm vào cuối năm và cho rằng, lợi nhuận vài phần trăm - tương đương tốc độ tăng trưởng GDP đã là thành công.

> Quỹ đầu tư đối mặt năm 2009 chông gai

Trưởng đại diện một công ty quản lý quỹ tại Hà Nội cho rằng, nhận định được đưa ra từ đầu năm về những khó khăn với các quỹ đầu tư còn nguyên "hiệu lực". Vn-Index đang quay đầu đi xuống, khiến giá trị của danh mục đầu tư của các quỹ cũng giảm theo.

Thời điểm tệ hại nhất với quỹ này là cuối tháng 1, khi thị trường rớt mạnh dịp gần Tết nguyên đán. Cuối tháng 3 tình hình sáng sủa hơn hẳn, nhưng vị này cho rằng, giá trị danh mục đầu tư ở cuối tháng 4 cũng không khả quan, khi thị trường lại đi xuống từ hơn một tuần gần đây. Bản thân quỹ này cũng không không còn nhiều tiền, trong khi việc huy động thêm vốn hay gây quỹ mới cũng ít có khả năng thành công.

Trong đợt thị trường tăng mạnh cuối tháng 3 vừa qua cùng động thái mua ròng của khối ngoại, giới đầu tư trong nước phỏng đoán về khả năng nhà đầu tư nước ngoài gom cổ phiếu để "làm đẹp" giá trị tài sản ròng (Net Asset Value - NAV). Tuy vậy, nhìn chung, dữ liệu này tại các quỹ cũng không có sự cải thiện đáng kể. VinaCapital, quỹ đầu tư lớn hàng đầu trên thị trường, thông báo NAV trên mỗi đơn vị quỹ (NAVPS) của VOF tại thời điểm 31/3 tăng 0,1% so với tháng 2. Song giá trị tính từ đầu năm đến thời điểm này giảm 3,3%. Với 2 quỹ khác thuộc VinaCapital là VNL và VNI, NAVPS tại thời điểm 31/3 lần lượt giảm 5,2% và 3,1% so với tháng 12/2008.

Trước đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) cho biết, tính đến cuối tháng 12/2008, giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài vào khoảng 4,6 tỷ USD, giảm gần 4 tỷ USD so với đầu năm 2008 - thời điểm giá trị danh mục đầu tư lớn nhất.

Hiện một số quỹ đưa ra nhận định, Vn-Index có khả năng ở ngưỡng 400 điểm vào cuối năm nay, đồng thời xác định tiếp tục chờ đợi qua thời điểm này. Vị trưởng đại diện quỹ tại Hà Nội cho rằng, mức điểm này là phù hợp với diễn biến thị trường và tình hình nền kinh tế hiện nay. Quỹ đầu tư mới thành lập Thăng Long Meritz (TLM Capital) cũng đưa ra nhận định về mức điểm 400, và cho rằng, quỹ đi vào hoạt động trong thời điểm này nhằm chuẩn bị cho thời điểm hồi phục là chính.

Ông Choi Chang Hoon, Giám đốc Khối đầu tư của TLM Capital giữ thái độ thận trọng về diễn biến thị trường: "Đây có thể là thời điểm tốt để đầu tư vào thị trường Việt Nam, bởi chúng tôi đã thấy đáy của Vn-Index trong thời gian qua. Tuy vậy, nền kinh tế đã đến đáy hay chưa thì chúng tôi chưa thể khẳng định".

Một số dữ liệu về kinh tế vĩ mô được công bố cho thấy dấu hiệu tích cực, cũng như các chính sách kích cầu đang được thực hiện, song lãnh đạo các quỹ này đều cho rằng, cần thêm thời gian để kiểm nghiệm về diễn biến thị trường.

Trong báo cáo về kinh tế Việt Nam công bố hôm 22/4, Citibank nhận định, tăng trưởng sẽ chậm lại và tín dụng gia tăng. Tập đoàn ngân hàng này hạ thấp dự báo về tăng trưởng GDP năm nay từ 4,3% xuống 3,3%, bởi nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu và đầu tư của Việt Nam sẽ tiếp tục chịu tác động của suy thoái toàn cầu. Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trước đó đưa ra dự báo tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay lần lượt là 5,5% và 4,75%.

Chủ tịch một quỹ đầu tư cho biết, với kỳ vọng lợi nhuận là tốc độ tăng trưởng GDP trong năm nay, nếu đạt được con số này đã là rất tốt. Bản thân lãnh đạo quỹ cũng không đặt nặng mục tiêu vào kết quả lợi nhuận trong năm, mà nghĩ tới kết quả dài hạn hơn. "Nếu tối đa hóa lợi nhuận trong năm nay, thì có thể lại mất cơ hội những năm sau", ông này cho biết.

Ông cho rằng, với đặc điểm nguồn vốn của nhà đầu tư Việt Nam chỉ tập trung ở thị trường trong nước, chứ chưa thể ra đầu tư ở nước ngoài, thì nguồn tiền trong dân còn lớn và có cơ sở để lạc quan về triển vọng dài hạn.

..................

8.000 tỷ đồng đầu tư nhà giá thấp

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết ưu đãi một số cơ chế, chính sách cho chủ đầu tư để hoàn tất thủ tục khởi công xây nhà giá thấp. Dự kiến, năm 2011, học sinh, sinh viên sẽ có 200.000 chỗ ở với tổng vốn đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ.

Cụ thể, chủ đầu tư xây nhà cho học sinh, sinh viên công nhân và người có thu nhập thấp sẽ được hưởng ưu đãi về đất đai, về thuế... Chủ đầu tư được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) bằng 0%.

Ngoài ra, chủ đầu tư được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 9 năm tiếp theo và được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong suốt thời gian hoạt động. Ngoài ra, Nhà nước còn hỗ trợ tín dụng đầu tư như cho vay vốn tín dụng ưu đãi hoặc bù lãi suất theo quy định, vay từ Quỹ phát triển nhà ở của địa phương.

Giá bán nhà ở giá thấp do chủ đầu tư dự án quyết định theo nguyên tắc tính đủ chi phí đầu tư và được cộng thêm tối đa 10% lãi định mức trên chi phí đầu tư. Mức giá cho thuê không cao hơn mức giá cho thuê nhà ở xã hội do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định và không được tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng của dự án.

Người thuê, mua nhà cũng phải tuân thủ một số quy định như phải đúng đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức... chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng diện tích bình quân dưới 5 mét vuông một người và có thu nhập bình quân dưới 1,5 triệu đồng một người mỗi tháng. Nhà ở giá thấp không được phép chuyển nhượng. Trong quá trình sử dụng, nếu có nhu cầu chính đáng cần chuyển nhượng nhà ở thì chỉ được chuyển nhượng cho Nhà nước hoặc cho chủ đầu tư dự án nhà ở giá thấp đó.

Dự kiến, nhà giá thấp sẽ được khởi công xây dựng trong năm 2009, hoàn thành vào năm 2010 và quý II năm 2011. Theo đó, học sinh, sinh viên sẽ có 200.000 chỗ ở với tổng vốn đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ.

.....................

'Nghề' mua bán nhân thân

Món hàng được giao dịch chính là lý lịch của những người chưa hề quen biết. Tuỳ theo từng mức giá, khách hàng có thể đặt mua thông tin về đối tượng mà họ cần tìm hiểu, từ số điện thoại, địa chỉ email cho đến các mối quan hệ xã hội, sở thích cá nhân.

Nhân viên một công ty "săn đầu người" cần biết thông tin về một chuyên gia máy tính mà công ty anh đang "đặt vào tầm ngắm", bởi một đối tác đang cần "săn" người này để bổ sung vào bộ máy nhân sự đang thiếu hụt. Muốn được việc, cần phải nắm chắc những thông tin về đối tượng, nhất là các mối quan hệ xã hội, thói quen và sở thích cá nhân.

Sau cuộc điện thoại, một bản hợp đồng cung cấp thông tin đã được ký với công ty A. Theo đó, phía công ty A có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và chính xác những thông tin về đối tượng trong thời hạn ba ngày, kèm theo một khoản phí không nhỏ.

Đúng hẹn, khách hàng nhận được một văn bản từ công ty A, trong đó có đầy đủ các dữ liệu cần thiết: số điện thoại, địa chỉ email, địa chỉ nhà riêng, địa chỉ cơ quan, năng lực làm việc. Nhưng phần quan trọng nhất là trong đó có ghi rõ đối tượng thường đi lại, quan hệ thân thiết với ông X, bà Y; thích nghe nhạc cổ điển vào đêm khuya; có thói quen uống cà phê ở quán N vào 15h hàng ngày...

Nắm được những thông tin này, công ty cần người liền lên kế hoạch tiếp cận: dựa vào các mối quan hệ "dắt dây" với những người thân của đối tượng, đồng thời cử một nhân viên cũng có sở thích nghe và am hiểu về nhạc cổ điển đến tiếp xúc. Kết quả là sau hai tuần "kết bạn", việc thuyết phục đối tượng chuyển nơi làm việc đã thành công.

Cách đây ít lâu, nhân viên của một mạng xã hội tiết lộ, ở công ty của anh hiện có hồ sơ thông tin về hàng trăm người làm việc trong một số lĩnh vực khá đặc thù và nhạy cảm. Những hồ sơ này cũng được đặt mua từ một đơn vị làm dịch vụ bán thông tin về nhân thân của những đối tượng "có số má", nhất là các nhà khoa học, nhân sự cao cấp, thương gia, văn nghệ sĩ, nhà báo.

Một người làm "nghề" thu thập thông tin theo dõi đối tượng là nhân sự cao cấp của một công ty thương mại cho biết, yêu cầu nghề nghiệp không cho phép anh ghi chép tại chỗ, nhưng bù lại, anh có trí nhớ và khả năng phân tích tình huống tốt. Anh đã theo ông này từ hai ngày nay, phải bám ông ta từng bước, gần như không ăn, không ngủ và đã thu thập được khoảng 80% dữ liệu theo yêu cầu của khách hàng.

"Nghề" của anh đòi hỏi hoạt động độc lập, quan trọng nhất là phải đảm bảo tuyệt đối không được để lộ hành tung. Những lần xuất hiện trước mặt đối tượng phải hết sức khéo léo để tránh bị nghi ngờ. Anh cho biết, mặc dù mới "vào nghề" được gần hai năm nay, nhưng anh đã nắm được thông tin của gần 40 đối tượng, phần lớn là nhân sự cao cấp.

Nững khách hàng cho biết, trong hợp đồng cung cấp thông tin có hai điểm ràng buộc mà các bên đều phải tuân thủ tuyệt đối: thứ nhất là phía mua thông tin phải nói rõ mục đích của mình, và cam kết làm đúng mục đích ấy. Những mục đích có thể gây hại cho đối tượng đều bị từ chối. Tứ hai là tuyệt đối không tiết lộ danh tính của công ty bán thông tin. Những khách hàng này có chung nhận xét, thông tin được cung cấp bởi các công ty này đều chính xác tuyệt đối. Đó là cơ sở đáng tin cậy để các khách hàng có thể sử dụng nhằm tiếp cận và chinh phục các đối tượng.

.................

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#bao