bao 26

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chính phủ giải trình về dự án bô xít

Dự án bô xít Tây Nguyên không ảnh hưởng đến khu vực phòng thủ quốc phòng, toàn bộ lao động nước ngoài sẽ rút về khi hoàn thành xây dựng nhà máy, tác động môi trường do thải bùn đỏ hoàn toàn có thể kiểm soát. Chính phủ khẳng định trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội.

> 'Cần đánh giá sâu về quốc phòng, an ninh trong dự án bô xít'/ 'Không nên gây căng thẳng về dự án'

Theo báo cáo ngày 22/5, Chính phủ cho biết, quặng bô xít chỉ có ở một số nước với tổng trữ lượng khoảng 29,3 tỷ tấn. Các nước có tài nguyên bô xít đều phát triển trở thành một ngành công nghiệp lớn của đất nước. Việt Nam có nguồn bô xít dự báo khoảng 5,5 tỷ tấn (đứng thứ ba thế giới), tập trung chủ yếu ở khu vực Tây Nguyên với trữ lượng khoảng 5,4 tỷ tấn, trong đó ĐăkNông khoảng 3,4 tỷ tấn.

Đến nay, Thủ tướng đã thông qua chủ trương thực hiện hai dự án Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đăk Nông). Dự án Tân Rai đã được phê duyệt và đang triển khai thực hiện. Đối với dự án Nhân Cơ chỉ triển khai thực hiện sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt và kết quả tính toán, kiểm tra lại hiệu quả kinh tế cho thấy dự án có hiệu quả.

Dự án bô xít Tây Nguyên đang được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm. Ảnh: Chinhphu.vn.

Theo Chính phủ, giá nhôm trên thị trường đang ở mức rất thấp (1.426 USD một tấn), giảm khoảng 70% so với giá nhôm thời kỳ 2006-2007. Giá alumin cũng tương ứng giảm theo làm ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án. Tuy nhiên, các dự án alumin Tây Nguyên đều có tuổi đời trên 50 năm, vì vậy, hiệu quả kinh tế được tính toán dựa trên cơ sở dự báo, phân tích và lựa chọn giá bán alumin bình quân cho cả giai đoạn tồn tại của dự án. Ngoài ra, cần lưu ý đến yếu tố mang tính quy luật của thị trường kim loại thế giới - giá cả tăng giảm có tính chu kỳ.

Dự án Tân Rai và Nhân Cơ khi chuyển sang phương thức vận tải đường sắt sẽ có hiệu quả kinh tế cao hơn, thời gian thu hồi vốn khoảng 13 năm, những năm đầu của dự án có một số năm lỗ (lỗ kế hoạch). So với một số dự án alumin đang xây dựng và mới đưa vào vận hành ở một số nước như Trung Quốc và Braxin thì dự án Việt Nam có nhiều lợi thế hơn về điều kiện khai thác, vận chuyển, chi phí vận hành thấp.

Ngoài ra, hiện nay một số nhà sản xuất alumin lớn trên thế giới như Chalco, Alcoa, BHPB, UC-Russal vẫn đang thể hiện mong muốn hợp tác đầu tư sản xuất alumin tại Việt Nam. Vì vậy có cơ sở để tin cậy và an tâm về hiệu quả kinh tế.

Theo Chính phủ, phương án bố trí nhà máy alumin tại khu vực Tây Nguyên có thể hiệu quả kinh tế thấp hơn so với phương án bố trí tại khu vực ven biển (vận chuyển tinh quặng bằng đường ống), nhưng đảm bảo yếu tố tích cực góp phần phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên, tạo thêm công ăn việc làm cho lao động địa phương, tạo điều kiện cho việc phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ và các loại hình dịch vụ...

Về các ý kiến lo ngại công nghệ Trung Quốc không còn phù hợp, đối tác Trung Quốc không có công nghệ nguồn, không chuyển giao công nghệ tiên tiến, Chính phủ cho biết, cả hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ đều lựa chọn công nghệ Bayer. Đây là loại công nghệ ít phức tạp nhưng có hiệu quả. Hiện nay, trên thế giới, công nghệ này vẫn là công nghệ chính để sản xuất alumin.

Trung Quốc có kinh nghiệm, có công nghệ sản xuất alumin và là một trong các nhà sản xuất alumin - nhôm hàng đầu thế giới hiện nay. Sản phẩm alumin và nhôm đang có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Như vậy, công nghệ Trung Quốc đã được kiểm chứng qua thực tế và có thể áp dụng cho các dự án ở Việt Nam.

Do nhà máy alumin đặt tại Tây Nguyên, cảng biển dự kiến xây dựng tại khu vực Kê Gà (Bình Thuận). Để vận chuyển sản phẩm alumin ra cảng biển chỉ có phương án bằng đường bộ, sử dụng đường ôtô trong giai đoạn đầu (dự kiến đến năm 2014-2015) và chuyển sang vận chuyển đường sắt (giai đoạn sau năm 2015). Các dự án alumin công suất lớn chỉ có thể đưa vào vận hành sau khi xây dựng xong tuyến đường sắt trên.

Theo Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu hao điện cho sản xuất alumin không lớn, bình quân khoảng 200-256 kWh/năm (tương đương nhà máy điện công suất 30 MW), Tại các nhà máy alumin sẽ đầu tư các nhà máy nhiệt điện tự dùng với quy mô khoảng 30 MW, chỉ sử dụng nguồn điện lưới trong giai đoạn thi công dự án và là nguồn dự phòng cho sản xuất.

Tuy nhiên, việc luyện nhôm lại yêu cầu một sản lượng điện rất lớn, khoảng từ 13.500 - 14.00 kWh/tấn nhôm. Chính phủ nhất trí với ý kiến góp ý là trong bối cảnh còn thiếu điện như hiện nay thì việc xây dựng Nhà máy điện phân nhôm ở Việt Nam giai đoạn 2007- 2015 phải được cân nhắc thận trọng.

Về tác động môi trường của các dự án - vấn đề có nhiều ý kiến góp ý bày tỏ sự lo ngại và quan tâm lớn. Chính phủ cho biết, kết quả phân tích bùn đỏ của bô xít Tây Nguyên đã có kết luận tin cậy về thành phần bùn đỏ không có chất gây độc hại cho môi trường, không có chất phóng xạ và không thuộc loại rác thải nguy hiểm. Phương pháp thải ướt bùn đỏ dự kiến áp dụng cho dự án alumin Tân Rai và Nhân Cơ đã được áp dụng thành công ở một số nước.

Theo quan điểm của Chính phủ, khai thác và chế biến bô xít Tây Nguyên không thể tránh khỏi gây ra những tác động môi trường nhất định. Tuy nhiên kinh nghiệm của thế giới cho thấy, những tác động môi trường này hoàn toàn có thể kiểm soát và không chế tới mức an toàn cần thiết. Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương thẩm định thiết kế kỹ thuật của hồ bùn đỏ của dự án Tân Rai và Nhân Cơ, đảm bảo an toàn lâu dài đối với môi trường.

Theo báo cáo của Tập đoàn Than Khoáng sản, giai đoạn xây dựng dự án, phần xây dựng mỏ và khai thác quặng bô xít, nhà máy tuyển quặng bô xít sẽ do lao động Việt Nam thực hiện. Phần xây dựng nhà máy luyện alumin (gói thầu EPC): chủ yếu do lao động của nhà thầu Chalieco (Trung Quốc) thực hiện. Số lượng lao động Trung Quốc tại công trường nhà máy alumin hiện nay (tháng 5) khoảng 600 người, lao động Việt Nam khoảng 350 người.

Trong giai đoạn dự án đi vào vận hành, toàn bộ lao động là người Việt Nam. Trong trường hợp cần thiết, thời gian đầu vận hành của nhà máy alumin có thể thuê thêm chuyên gia nước ngoài hướng dẫn (người Trung Quốc hoặc nước khác).

Trước những băn khoăn về vấn đề an ninh - quốc phòng. Chính phủ khẳng định, đối với dự án Nhà máy alumin Tân Rai, Công ty Chalieco (Trung Quốc) chỉ là đơn vị trúng thầu với thời hạn thi công 24 tháng. Sau khi hoàn thành xây dựng (kèm theo việc đào tạo, chuyển giao công nghệ), nhà thầu Chalieco sẽ bàn giao cho phía Việt Nam tiếp nhận để quản lý, vận hành và rút toàn bộ lao động, trang thiết bị thi công về nước. Dự kiến nhà máy alumin Tân Rai sẽ đưa vào sản xuất cuối năm 2010 hoặc đầu 2011.

Đối với dự án bôxít Tân Rai và Nhân Cơ (cũng như các dự án khai khoáng khác ở Tây Nguyên), chủ đầu tư đều xin ý kiến thỏa thuận của các bộ và địa phương (trong đó có cơ quan quốc phòng) về việc dự án không thuộc phạm vi diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia, di tích lịch sử - văn hóa và không ảnh hưởng đến khu vực phòng thủ quốc phòng...

Tuy nhiên, các bộ, ngành, địa phương và chủ đầu tư thời gian tới phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong việc quản lý, giám sát hoạt động của nhà thầu cũng như việc quản lý lao động nước ngoài, phù hợp với các quy định của hợp đồng EPC và luật pháp Việt Nam.

Giai đoạn 2008 - 2010: dự kiến triển khai 3 dự án alumin, gồm Tân Rai (Lâm Đồng), Nhân Cơ (Đăk Nông 1) và Kon Hà Nừng (Gia Lai); 1 dự án hydroxit nhôm tại Bảo Lộc (Lâm Đồng). Các dự án này đều do Việt Nam tự đầu tư.

Giai đoạn 2011-2015: Quy hoạch dự kiến triển khai đầu tư tiếp 3 dự án là Đăk Nông 2, Đăk Nông 3 và Đăk Nông 4. Cả 3 dự án này đều đã có đối tác nước ngoài mong muốn hợp tác đầu tư, bao gồm Chalco (Trung Quốc), Alcoa (Mỹ) và BHPM (Anh) với tổng công suất dự kiến 4,5-6 triệu tấn alumin/năm.

Giai đoạn 2016-2025: dự kiến duy trì và mở rộng 6 dự án alumin của giai đoạn 2008-2015; tùy theo khả năng thị trường, dự kiến mở rộng nâng công suất các dự án này lên gấp đôi. Đầu tư thêm một dự án alumin Bình Phước với công suất 1-1,5 triệu tấn/năm. Dự kiến tổng công suất của giai đoạn này đạt khoảng 13-18 triệu tấn alumin/năm.

...............

Tổng thanh tra: 'Khó xác định ranh giới tiền hoa hồng và hối lộ'

"Nhiều cơ chế thỏa thuận của đối tác bên ngoài với doanh nghiệp VN, chúng ta chưa có quy định rõ ràng, ví dụ thế nào là hoa hồng bình thường, thế nào là hối lộ", Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền bày tỏ quan điểm về các nghi án tham nhũng có yếu tố nước ngoài.

- Thời gian qua, một số nghi án tham nhũng có yếu tố nước ngoài gây xôn xao dư luận ví dụ như vụ PCI. Vấn đề chống tham nhũng trong lĩnh vực này đang được Chính chủ xem xét thế nào?

- Theo tôi, chúng ta cần phải rà soát lại cơ chế quản lý vốn đầu tư nước ngoài, ví dụ như quản lý vốn ODA, phải phân biệt được trách nhiệm của đối tác nước ngoài đến đâu, trách nhiệm của chúng ta đến đâu. Các đối tác phân bổ giải quyết vốn cho chúng ta nhưng việc thẩm định dự án cho đến khi giao dự án, đối tác nước ngoài đều tác động vào. Mình vay vốn ai thường ưu tiên lại họ để nhận thầu.

Tổng thanh tra Trần Văn Truyền. Ảnh: Việt Anh.

Bộ Kế hoạch Đầu tư và các cơ quan đang xây dựng quy trình, quy định để Chính phủ phân định rõ trách nhiệm của mỗi bên. Đây là vấn đề căn bản. Nếu minh bạch được việc này thì không có chuyện đổ trách nhiệm, đối tác nước ngoài nói tại doanh nghiệp VN tiêu cực nhưng các cơ quan VN nói nước ngoài nắm hết từ khâu đầu đến khâu cuối.

- Có ý kiến cho rằng, với những nghi án tham nhũng liên quan đến yếu tố nước ngoài, các cơ quan chức năng của VN thường khá bị động, chậm trễ. Nguyên nhân là do đâu, thưa ông?

- Nếu thụ động chờ khi nước ngoài tiến hành điều tra rồi mình mới làm theo thì sẽ rất khó khăn bởi có đối tác cung cấp hồ sơ đầy đủ nhưng cũng có đối tác vì lý do này khác không cung cấp hồ sơ. Thậm chí, nhiều dự án sau khi hoàn thành phía đối tác nước ngoài đem hết hồ sơ về. Do vậy cơ quan chức năng khi kiểm chứng không có tài liệu.

Với số lượng đầu tư nước ngoài vào VN ngày càng lớn và trên quy mô rộng thì cơ chế quản lý cần phải điều chỉnh kịp thời, phải có riêng cơ chế quản lý dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Dự án khi hoàn thành, chế độ công khai quyết toán cũng phải rõ.

Vấn đề thứ hai là có rất nhiều cơ chế thỏa thuận từ bên ngoài đối với doanh nghiệp VN mà chúng ta chưa có quy định cụ thể, ví dụ cơ chế "hoa hồng" giữa hai doanh nghiệp, cá nhân. Chưa có ranh giới thế nào là "hoa hồng" bình thường còn thế nào là phạm tội hối lộ.

- Ông vừa đề cập đến vấn đề đưa hoa hồng hay còn gọi là "lại quả" giữa đối tác nước ngoài và doanh nghiệp VN. Trong thời gian tới, việc xác định ranh giới hoa hồng và hối lộ sẽ như thế nào để tránh việc lợi dụng?

- Vấn đề này chúng tôi phải bàn kỹ với các cơ quan chức năng. Tôi mới đi nước ngoài và thấy rằng có nhiều hành vi nước ngoài coi là bình thường nhưng chúng ta lại coi là tham nhũng. Ví dụ tại Mỹ, nhiều khách sạn, nhà hàng nhân viên đều đòi tiền "bo", chi hoa hồng. Còn ở ta, nếu anh nhân viên ở loại hình dịch vụ nào đó nhận tiền của khách thì sẽ bị xử lý.

Tới đây, Chính phủ cũng sẽ nghiên cứu để quy định rõ thêm về việc tặng, nhận quà. Trường hợp nào được xem như bình thường, trường hợp nào coi là bất bình thường, nhận hối lộ.

- Có ý kiến cho rằng, chúng ta cần phải tiếp cận nhanh hơn với các thông tin về tham nhũng ở VN do báo chí nước ngoài đăng tải, tránh dư luận về quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, nhà nước. Quan điểm của ông thế nào?

- Bất cứ khi nào phát hiện thông tin có dấu hiệu không bình thường, tham nhũng, Chính phủ đều chỉ đạo điều tra. Thái độ của Chính phủ là nghiêm túc nhưng có những việc do nắm thông tin bất cập nên muốn xử nhanh, xử ngay cũng không được.

Ngay một số vụ án trọng điểm vừa qua Chính phủ liên tục đôn đốc, yêu cầu xử lý nghiêm nhưng cơ quan chức năng vì lý do này lý do khác dẫn đến chậm trễ. Thí dụ vụ việc phát hiện đã lâu, nay phải giám định về mặt tài chính rất rắc rối. Một số vụ việc cơ quan điều tra và Viện kiểm sát chưa có sự thống nhất dẫn đến hồ sơ trả đi trả lại. Đứng về mặt nguyên tắc, Chính phủ không thể can thiệp vì đây là chuyên môn của cơ quan tố tụng.

.................

Bình Nhưỡng chuẩn bị thử tiếp tên lửa

Tên lửa của Triều Tiên trong một cuộc diễn tập tại một địa điểm bí mật. Ảnh: AFP.

Nguồn tin Hàn Quốc hôm nay cho biết, Triều Tiên đang chuẩn bị bắn thử tên lửa tầm ngắn xuống vùng biển phía tây, chỉ một ngày sau khi tiến hành vụ thử hạt nhân bất ngờ.

> Triều Tiên bất ngờ thử hạt nhân

Theo hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn nguồn tin chính phủ nước này, Bình Nhưỡng đã cấm hoạt động của tàu thuyền trên biển Hoàng Hải, ngoài khơi quận Jungsan thuộc tỉnh Nam Pyongan, cách Bình Nhưỡng khoảng 40 km về phía tây.

Nguồn tin trên còn cho biết loại tên lửa sắp được đem ra thử nghiệm là đất đối hạm có tầm bắn 160 km và dựa trên công nghệ của nước ngoài. Thông tin về vụ thử hỏa tiễn mới này xuất hiện ngay sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc quyết định ra nghị quyết mới về Triều Tiên sau khi nước này thử hạt nhân và tên lửa tầm ngắn sáng qua.

Sau phiên họp khẩn kéo dài một giờ, Hội đồng Bảo an tuyên bố hành động của Bình Nhưỡng đã vi phạm nghị quyết 1718 mà cơ quan này đưa ra sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên năm 2006.

Trong khi đó, Triều Tiên tuyên bố thử thành công hạt nhân trong lòng đất và phóng ba quả tên lửa tầm ngắn đất đối không hôm qua. Nhiều năm nay, nước này liên tiếp thử các loại tên lửa tầm ngắn đất đối hạm hoặc hạm đối hạm ở biển Hoàng Hải hoặc biển Nhật Bản. Các vụ bắn thử đó thường vào thời điểm khi căng thẳng trong khu vực dâng cao.

................

Hội đồng Bảo an lên án Triều Tiên

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon. Ảnh: auswaertiges-amt.de.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án vụ thử hạt nhân của Triều Tiên và cho rằng hành động đó vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết của cơ quan này.

> Triều Tiên bất ngờ thử hạt nhân

> Phản ứng của thế giới

"Các thành viên trong Hội đồng Bảo an kịch liệt phản đối và chỉ trích vụ thử nguyên tử của Triều Tiên hôm 25/5. Hành động đó vi phạm nghị quyết 1718", chủ tịch hội đồng Vitaly Churkin phát biểu sau phiên họp khẩn hôm qua. Các thành viên Hội đồng Bảo an cũng nhất trí lập tức soạn thảo nghị quyết mới về động thái của Triều Tiên.

Ban Ki-moon, tổng thư ký Liên Hợp Quốc, tuyên bố hành động của Triều Tiên "rõ ràng vi phạm" nghị quyết năm 2006, được thông qua sau khi nước này thử hạt nhân lần thứ nhất. Ông cho rằng Bình Nhưỡng quyết tâm theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân bất chấp bị cấm vận kinh tế và sự tức giận của cộng đồng thế giới.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Susan Rice cho biết Washington coi vụ thử hạt nhân của Triều Tiên là hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế đồng thời đe dọa hòa bình và an ninh của khu vực và quốc tế.

Trung Quốc, đồng minh của Triều Tiên, bày tỏ "sự phản đối mạnh mẽ" vụ thử hạt nhân. Trước đó, hàng loạt các quốc gia đã lên tiếng chỉ trích hành động của Triều Tiên.

Ngay sau phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an là cuộc họp "P5 + 2" giữa 5 thành viên có quyền phủ quyết trong hội đồng này cùng với Nhật và Hàn Quốc, hai quốc gia có mặt trong các cuộc đàm phán 6 bên.

Bình Nhưỡng tuyên bố thực hiện thành công một vụ thử hạt nhân ngầm dưới lòng đất nhưng không nói rõ địa điểm. Giới quân sự Nga đánh giá rằng vụ thử có sức mạnh tương đương khoảng 20.000 tấn thuốc nổ TNT.

Các quan chức Hàn Quốc cho biết đã ghi nhận dấu hiệu về cơn địa chấn mạnh 4,7 độ Richter lúc 9h54 (7h54 giờ Hà Nội) tại khu vực đông bắc Triều Tiên, nơi từng diễn ra vụ thử hạt nhân lần đầu tiên 3 năm trước. Các cơ quan khí tượng của Mỹ và Hàn Quốc đều cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy một vụ nổ hạt nhân đã diễn ra tại khu vực này.

..................

Xuất khẩu vàng tăng trở lại

Tháng 5, giá trị xuất khẩu kim loại quý, đá quý ước đạt 60 triệu USD, tăng gấp 4 lần tháng trước, nâng kim ngạch từ đầu năm lên hơn 2,6 tỷ USD. Tuy nhiên, đà tăng này không còn đủ sức duy trì thế xuất siêu vốn rất mong manh của Việt Nam.

Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, giá trị xuất khẩu của nhóm hàng này cao gấp 33 lần.

Một nguồn tin từ Hiệp hội Kinh doanh vàng bạc đá quý cho hay, lượng vàng miếng xuất khẩu trong tháng 3 và tháng 4 lên đến gần 70 tấn, gần bằng kim ngạch nhập khẩu của cả năm ngoái. Cũng theo nguồn tin này, có thể lượng vàng dự trữ trong dân không còn nhiều, nên giao dịch vẫn trầm lắng cho dù giá lên cao kỷ lục.

Trong biểu số liệu xuất nhập khẩu do Tổng cục Thống kê công bố hôm nay, vàng miếng vẫn được xếp chung vào nhóm hàng kim loại quý, đá quý, cho dù gần đây nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng nên tách ra bởi vàng miếng là một phương tiện thanh toán, không phải hàng hóa. Các chuyên gia này cho rằng, đưa vàng miếng vào danh sách các mặt hàng xuất khẩu có thể tạo cái nhìn không thực tế về tình hình xuất khẩu của Việt Nam. Trong hai tháng 3 và 4, vàng miếng là một nhân tố giúp giữ cán cân thương mại ở thế xuất siêu.

Tuy nhiên, tháng 5, cán cân thương mại đã xoay chiều. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,4 tỷ USD, cao hơn tháng trước gần 200 triệu USD, song nhập khẩu tăng 450 triệu USD lên 5,9 tỷ USD. Tính chung cả 5 tháng, Việt Nam thu 22,86 tỷ USD từ hoạt động xuất khẩu, trong khi chi gần 24 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa dịch vụ.

Tổng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng ước giảm 6,8% so với cùng kỳ. Ngoài kim loại quý và đá quý, có thêm 3 nhóm hàng nông sản gồm chè, gạo và sắn vẫn tăng trưởng kim ngạch (trên 10%). Tất cả các nhóm hàng còn lại đều giảm kim ngạch so với cùng kỳ. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu dầu thô giảm 44%, cho dù lượng xuất vẫn tăng 22,5%. Dệt may giảm nhẹ 1,8%; giày dép giảm 10,1% và thủy sản giảm 9,1% kim ngạch.

Kim ngạch nhập khẩu 5 tháng giảm tới 37% so với cùng kỳ, song nếu tính riêng tháng 5 so với tháng tư đã có dấu hiệu phục hồi. Kim ngạch nhập khẩu hầu hết các nhóm hàng từ tiêu dùng cho tới nguyên phụ liệu, máy móc, thiết bị đều nhích lên hoặc tăng mạnh so với tháng 4. Điển hình là nhập khẩu giấy (tăng 33%); sợi dệt (20,3%); điện tử, máy tính linh kiện (tăng 12%) và máy móc, thiết bị (tăng 16%). Nhập khẩu ôtô xe máy nguyên chiếc cũng tăng trở lại, lần lượt tăng 14 và 18% so với tháng 4.

.................

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#bao