bao 27

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

'Không phải Quốc hội bàn dự án bô xit thì tốt hơn Chính phủ'

"Mà vấn đề là ở chỗ đưa ra Quốc hội có nghĩa là đưa ra nhân dân. Khi Quốc hội quyết thì đạt được sự đồng thuận cao", đại biểu Nguyễn Đình Xuân phát biểu khi đề nghị đưa dự án ra thảo luận.

> Chính phủ giải trình về dự án bô xít

Trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội ngày 26/5, dự án bô xit Tây Nguyên đã thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội.

Các vấn đề được đưa ra phần lớn xoay quanh 2 yếu tố: Hiệu quả kinh tế và tác động môi trường. Đại biểu Lê Thanh Phong, Lâm Đồng, nơi có dự án triển khai nhận định, việc khởi công dự án Tân Rai đã tạo luồng sinh khí mới cho địa phương này.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết. Ảnh: TTXVN

Vị đại biểu đang là Phó bí thư tỉnh Lâm Đồng bày tỏ, quan điểm của tỉnh là không vì vấn đề môi trường mà không khai thác tiềm năng tài nguyên để phát triển kinh tế. Nhưng cũng không vì mục tiêu phát triển kinh tế, khai thác tiềm năng mà không đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường.

Với diện tích khai thác nhỏ so với tổng diện tích đất tự nhiên, ông Phong cho rằng ảnh hưởng của dự án Tân Rai là không lớn đến sản xuất nông nghiệp của vùng. "Riêng năm 2009, dự án góp phần kích cầu phát triển các ngành công nghiệp vật liệu xây dựng với số tiền 4 tỷ đồng", ông Phong nói.

Cũng là đại biểu của tỉnh nằm trong dự án bô xit Tây Nguyên, ông Điểu K'Ré (Đắk Nông) cho biết, quá trình triển khai dự án được tiến hành nhiều năm và công khai, minh bạch. Tính toán về hiệu quả kinh tế mang lại cho tỉnh nhà, ông K'Ré cho biết, riêng dự án tổ hợp bôxít alumin Nhân Cơ ở giai đoạn 1 với công suất là 650.000 tấn alumin một năm, dự kiến sẽ nộp khoảng 547 tỷ đồng tiền thuế. "Dự án khi đi vào hoạt động dự kiến đào tạo nghề cho 1.600 công nhân công nghiệp, tạo việc làm ổn định cho khoảng 16.000 lao động liên quan", ông nói.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu lại bày tỏ những băn khoăn mong được giải đáp. Đưa ra nhiều con số và dẫn chứng, ông Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, giải trình của Chính phủ chưa giải đáp được cả 3 vấn đề: hiệu quả kinh tế, tác động môi trường và an ninh quốc phòng. Đại biểu này phân tích, bô xit Tây Nguyên là một đại dự án liên quan nhiều vùng, nhiều ngành với số tiền đầu tư rất lớn. Từ nay đến 2025, dự án huy động 190.000-250.000 tỷ đồng và có hàng loạt cụm nhà máy. Thêm vào đó có rất nhiều công trình phụ trợ mà tính riêng đường xe lửa dài gần 300km đã tiêu tốn hàng tỷ USD...

Ông Thuyết cho rằng, nếu tiền đầu tư các công trình phụ trợ này vào sản phẩm alumin thì giá rất cao, bán không có lãi. "Nếu không tính vào sản phẩm alumin mà tính vào công trình dân dụng thì có thể nói, vô hình chúng chúng ta đã lấy tiền thuế của dân làm lợi cho doanh nghiệp", ông Thuyết băn khoăn.

Cho rằng, giá alumin và nhôm trên thế giới hiện đang xuống rất thấp, giá alumin lại chỉ bằng 12% giá nhôm thành phẩm đại biểu Thuyết nhận đinh, hiệu quả dự án là rất thấp. "Ngay chính chủ tịch hội đồng quản trị của TKV cũng đã nói là dự án 50 ăn 50 thua. Nếu chúng ra bỏ tiền túi ra thì có nên kinh doanh theo kiểu chưa nhìn thấy lãi mà đã đầu tư hay không?", đại biểu này đặt câu hỏi.

Cũng theo ông Thuyết, dự án khi triển khai sẽ xây các hồ chứa nước ở Tây Nguyên, ảnh hưởng đến đồng bằng Nam Bộ khi mà khu vực này đang ngày càng thiếu nước. Đặc biệt, với vấn đề bùn đỏ, đại biểu này tính toán, với luợng alumin sản xuất ra, từ năm 2015 mỗi năm dự án thải 10 triệu tấn bùn đỏ.

"Tính toán bộ thời gian thực hiện 50 năm, thì dự án này thải ra 1,5 tỷ tấn. Đây là những quả bom bùm treo trên đồng bằng Nam Bộ và Nam Trung Bộ", ông Thuyết cảnh báo.

Về số công nhân được đào tạo, đại biểu Thuyết tỏ ý nghi ngờ với con số 1.600 do đại biểu K'Ré đưa ra khi trong thời gian qua, chỉ có 2 trong số 300 công nhân là nguời của địa phương. Ông đề nghị đưa dự án bô xit Tây Nguyên vào danh mục công trình mang tầm quan trọng quốc gia.

"Nếu chúng ta không tính cả cụm dự án mà tách từng dự án ra rồi bảo chưa đến mức phải đưa vào công trình trọng điểm quốc gia. Như thế là lách luật", ông Thuyết nói.

Kiến nghị của ông Thuyết sau đó nhận được sự đồng tình của 2 đại biểu Nguyễn Lân Dũng và Nguyễn Đình Xuân. Theo hai đại biểu này, đưa dự án bô xit ra trước Quốc hội sẽ tạo điều kiện dân chủ bàn bạc. "Không phải Quốc hội bàn bạc tốt hơn Chính phủ bàn bạc, mà vấn đề đưa ra Quốc hội có nghĩa đưa ra nhân dân. Khi Quốc hội quyết thì đạt được sự đồng thuận cao", đại biểu Nguyễn Đình Xuân nói.

Với chất giọng khúc triết vốn có của nhà sử học, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, báo cáo của Chính phủ chưa đầy đủ, chưa giải quyết được những phản biện mà các nhà khoa học đưa ra. Ở Tây Nguyên, bô xit không phải là là tài nguyên duy nhất, nên dành cho các thế hệ tương lai khai thác, khi đã đủ năng lực để có hiệu quả cao nhất.

Với quy mô và ý nghĩa có thể làm thay đổi Tây Nguyên, đại biểu này bày tỏ ý ngạc nhiên khi tận thời điểm này Quốc hội mới có cơ hội bàn đến dự án bô xit.

"Chính phủ đưa ra tiêu chí để dự án không phải trình Quốc hội là hạn mức đầu tư chưa đủ và mới chỉ lập quy hoạch. Nhưng ai cũng biết là việc xây nhà Quốc hội và mở rộng Hà Nội đâu phải vì hạn mức đầu tư hay lập quy hoạch mới đưa ra Quốc hội?", ông Quốc nói.

Hôm nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận về các vấn đề kinh tế xã hội.

..............

Triều Tiên cảnh báo có thể tấn công Hàn Quốc

Bình Nhưỡng hôm nay tuyên bố rút khỏi thỏa thuận ngừng bắn ký với Seoul sau cuộc chiến liên Triều trước đây và cảnh báo có thể mở cuộc tấn công quân sự chống Hàn Quốc.

> Triều Tiên thách thức cảnh báo

Các binh sĩ Triều Tiên. Ảnh: Reuters.

Bình Nhưỡng tức giận sau khi Seoul hôm qua quyết định tham gia sáng kiến an ninh quốc tế do Mỹ khởi đầu, được đưa ra sau vụ tấn công khủng bố 11/9, nhằm ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Theo đó, lực lượng Hàn Quốc bắt đầu khám xét tàu thuyền để tìm vũ khí hạt nhân.

Triều Tiên cho rằng hành động của Hàn Quốc chính là "lời tuyên chiến", đồng thời cảnh báo sẽ không đảm bảo sự an toàn cho các tàu Mỹ và Hàn Quốc ngoài bờ biển phía tây của họ. Bình Nhưỡng còn cho rằng bán đảo Triều Tiên đang trên bờ vực chiến tranh.

"Những kẻ chọc tức chúng tôi sẽ phải đối mặt với hình phạt không khoan nhượng ngoài sức tưởng tượng", hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên KCNA tuyên bố. Trong khi đó, cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953 kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn mà chưa có hiệp ước hòa bình nào được ký kết, vì vậy trên danh nghĩa, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh.

Tình hình bán đảo Triều Tiên vốn căng thẳng đã đột ngột nóng lên sau khi Bình Nhưỡng bất ngờ thử hạt nhân lần thứ hai hôm 25/5. Sau đó, bất chấp sự lên án và cảnh báo trừng phạt của quốc tế, Triều Tiên liên tiếp thực hiện 3 lần phóng thử tên lửa với 6 quả tầm ngắn được bắn.

Ngay sau những diễn biến căng thẳng mới, quân đội Hàn Quốc được đặt trong tình trạng báo động cao. Nước này tăng cường an ninh cho khu vực thủ đô Seoul cũng như vùng biên giới giáp miền bắc. Mỹ và một số đồng minh đang vận động quốc tế có hành động chung đáp trả mạnh tay với vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng.

...........

Bệnh 'than nghèo kể khổ' của doanh nghiệp

Lạm phát kêu khó, khủng hoảng than khổ, đến khi được Chính phủ hỗ trợ lại không đề cập tới chuyện giảm giá bán, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Hội chứng này đang lan nhanh trong cộng đồng doanh nghiệp.

Kể từ khi Chính phủ ban hành các gói kích cầu, hỗ trợ lãi suất, đơn xin được miễn giảm thuế, ưu đãi chính sách của doanh nghiệp cứ ngày một dày thêm. Không chỉ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngay cả ông lớn trong làng dầu khí, điện lực, sắt thép, ôtô cũng lũ lượt có đơn xin được trợ giúp hoặc đề xuất tăng giá bán một số mặt hàng.

Hồi đầu năm, Bộ Nông nghiệp đề xuất tăng thuế nhập khẩu sữa để hỗ trợ cho sản xuất trong nước, gián tiếp kích cầu người dân dùng sản phẩm nội. Nhu cầu tiêu dùng tăng thêm ắt các nhà sản xuất sẽ hạ giá bán. Thế nhưng khi các cơ quan chức năng đang còn bàn bạc thì ngoài thị trường, nhiều sản phẩm sữa đã rục rịch niêm yết giá mới. Lý do doanh nghiệp đưa ra là chi phí đầu vào tăng cao, khủng hoảng khiến họ ngày một khó, thuế nhập khẩu sắp tăng, điều chỉnh giá bán là không thể đừng. Thế là Bộ Tài chính lại phải tiếp tục duy trì chính sách thuế ưu đãi từ năm 2007. Hậu quả đến nay người tiêu dùng VN tiếp tục nếm trái đắng khi giá sữa trong nước đang được coi là đắt nhất thế giới.

Giá sữa ở VN đắt nhất thế giới. Ảnh: Hoàng Hà.

Phó tổng giám đốc Big C Thăng Long - Nguyễn Thái Dũng cho hay, thời gian qua siêu thị cũng nhận được đề nghị tăng giá của khá nhiều nhà cung cấp, trong đó tập trung chủ yếu vào mặt hàng rau, củ, quả và hàng thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt gà. Mức tăng phổ biến đối với sản phẩm thịt đông lạnh này là 7-10%. Ngoài ra, một số hãng mỹ phẩm cũng đã có kế hoạch tăng giá.

Theo ông ngoài nguyên nhân khách quan như giá nguyên liệu đầu vào tăng lên, nhiều mặt hàng cũng đang bị tác động bởi yếu tố tâm lý - khi giá xăng dầu lục rục tăng nhiều mặt hàng khác cũng tính chuyện niêm yết giá bán mới.

Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro) cũng tiếp nhận đề nghị tăng giá bán của khoảng 10 nhà cung các sản phẩm bánh kẹo, thực phẩm khô như ruốc thịt, các kho đóng gói... Mức tăng đề xuất phổ biến 5-10%, cá biệt một số doanh nghiệp đề nghị tăng thêm 18-30%.

Kịch bản tương tự cũng xảy ra với các mặt hàng khác như sắt thép, ôtô... Dù Chính phủ đã quyết định giảm một nửa phí trước bạ từ 10-12% xuống còn 5-6%, và giảm 50% thuế VAT đến hết năm 2009 cùng với một loạt chính sách hỗ trợ khác, mới đây, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô (VAMA) vẫn có văn bản "than khổ". Hiệp hội này đề nghị Chính phủ hoãn việc thi hành Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) với mặt hàng ôtô đến hết 2009 và thậm chí đến thời điểm nào đó thị trường ôtô phục hồi.

Tiếp đến, VAMA cũng đề xuất kéo dài thời gian hỗ trợ 50% thuế giá trị gia tăng đến 2010. Hiện mức thuế giá trị gia tăng ưu đãi 5% kéo dài đến 31/12/2009. VAMA cũng mong 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM giảm một nửa phí trước bạ đăng ký ôtô dưới 10 chỗ. Theo tính toán của VAMA trong tháng 4 lượng xe tiêu thụ đã giảm tới 80% so với các tháng trước đó khiến nhiều liên doanh rơi vào tình cảnh khó khăn.

Không đề cập đến những tác động nếu không có những hỗ trợ trên, nhưng văn bản kêu cứu này được coi là hành động đặc biệt nhanh nhạy của VAMA trong bối cảnh hầu hết các doanh nghiệp đều kêu khó.

Mới đây Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) - đóng góp gần 30% cho GDP của cả nước cũng xin tăng giá khí từ bể Cửu Long bán cho điện từ 2 USD lên 2,98 USD cho một triệu BTU (đơn vị đo năng lượng nhiệt). Lý do được PVN đưa ra là chi phí đầu vào tăng khiến doanh nghiệp kinh doanh không còn nhiều lãi.

Đáp lại những lời đề nghị trên, Bộ Tài chính đang cân nhắc tới khả năng sẽ giãn thời gian thi hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô, còn giá khí thì được duyệt tăng từ ngày 1/6. Dù cơ quan thẩm định là Bộ Tài chính nói rằng việc tăng giá khí không ảnh hưởng đến giá điện song giới chuyên gia vẫn lo ngại về lâu dài đây sẽ là cái cớ để ông nhà đèn tính chuyện tăng giá bán.

Ai cũng biết khủng hoảng, khó khăn là câu chuyện chung của cả thế giới chứ không riêng một quốc gia nào. Bản thân Việt Nam cũng 2 lần tung ra gói kích cầu nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước. Thế nhưng, số vốn kích cầu lên đến vài chục nghìn tỷ mà Nhà nước bỏ ra cứ như "muối bỏ bể", doanh nghiệp vẫn kêu khó, người tiêu dùng vẫn phải mua hàng với giá cắt cổ...

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế - Viện Nghiên cứu và phát triển Kinh tế Xã hội - Hà Nội cho rằng, khi đưa ra gói kích cầu, Chính phủ đã không đặt ra một yêu cầu cao hơn là "ép" doanh nghiệp giảm giá khi được hưởng chính sách hỗ trợ, lãi suất vay ưu đãi. Các chính sách này mới dừng lại ở chỗ giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, ổn định các hoạt động kinh doanh.

"Tôi cho rằng tới đây, Chính phủ cần bổ sung thêm điều kiện cho doanh nghiệp khi được hưởng ưu đãi là phải tiến tới mục tiêu giảm giá thành sản phẩm", ông Phong nói.

Đành rằng "con có khóc thì mẹ mới cho bú", song theo ông Phong doanh nghiệp cũng cần chia sẻ khó khăn với Nhà nước và người tiêu dùng chứ không nên "hát đi hát lại bài xẩm cũ". "Có vẻ như chứng than thở và văn hóa ngại giảm giá đã ăn quá sâu vào tiềm thức các doanh nghiệp. Chính vì thế mà trong hầu hết lĩnh vực, hàng hóa dịch vụ vẫn còn yếu tố độc quyền hoặc tính cạnh tranh hiếm khi thấy doanh nghiệp tự nguyện xin giảm giá", ông Phong nhấn mạnh.

Một chuyên gia kinh tế của Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương nói với VnExpress.net rằng cũng phải nhìn nhận có rất nhiều doanh nghiệp hưởng ứng gói kích cầu tiêu dùng của Chính phủ bằng các chương trình khuyến mãi giảm giá. Đi tiên phong là các siêu thị, trung tâm mua sắm, cửa hàng điện máy, công ty du lịch, các hãng hàng không với các chương trình siêu giảm giá tới gần 50%.

Tuy nhiên, vị chuyên gia kinh tế này cho rằng những sản phẩm dịch vụ được treo pano, biển hiệu rằng "giá sốc tận óc" hay "siêu giảm giá"... chỉ được coi là chiêu câu khách vì những thứ được giảm không phải là mặt hàng thiết yếu mà dân cần như gạo, nước, điện, xăng... "Người ta không thể bỏ tiền ra thay mới tivi, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa nhiệt độ, ôtô khi mà gạo trong bồ hết, rau ở chợ đội giá lên gấp đôi, xăng nay dọa tăng mai đòi điều chỉnh giá bán", vị chuyên gia này nói.

Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội - Vũ Vinh Phú cũng cho rằng, nếu các cơ quan chức năng không tích cực vào cuộc để hạn chế những tiêu cực trong cạnh tranh thì giá hàng hóa sẽ còn bị đẩy lên cao hơn nữa. "Khi đó không chỉ ảnh hưởng tới đời sống của người dân mà những nỗ lực của Chính phủ trong việc ngăn chặn đà suy giảm của nền kinh tế cũng sẽ không phát huy được hiệu quả như mong muốn", ông Phú cảnh báo.

Gói kích thích kinh tế lần một được Chính phủ công bố hôm 23/1 với chính sách hỗ trợ lãi suất hỗ trợ 4% đối với các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng trong thời gian tối đa là 8 tháng, kết thúc vào ngày 31/12/2009. Vốn vay này nhằm giúp doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm, duy trì sản xuất kinh doanh, và tạo công ăn việc làm trong điều kiện nền kinh tế bị tác động bởi khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới.

Gói kích thích kinh tế lần hai được Chính phủ công bố hôm 6/4 nhằm cung cấp bù lãi suất 4% cho doanh nghiệp, song hướng vào các nguồn vốn trung và dài hạn trong khoảng thời gian tối đa 24 tháng. Việc hỗ trợ lãi suất này được thực hiện từ ngày 1/4/2009 đến hết ngày 31/12/2011.

............

Chấp nhận bội chi nhưng cần đặt điều kiện với Chính phủ'

Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, để tránh thiểu phát, thậm chí là trì lạm - tình trạng vừa trì trệ vừa lạm phát, nền kinh tế cần chấp nhận mở rộng đầu tư. Nhưng việc chi thêm tiền cần có điều kiện.

> 'Lạm phát có cơ trở lại vào cuối năm'

Đại biểu Trần Du Lịch. Ảnh: Gia đình & Xã hội

Là một trong những người thảo luận sau cùng tại hội trường sáng nay, đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM) đưa ra những nhận xét toàn diện cùng nhiều đề xuất về tình hình kinh tế - xã hội. Ông đưa ra 4 cảnh báo, trong đó thứ nhất là kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi rất yếu, nếu xét về diễn biến tình hình của các tháng từ tháng 2-5 vừa qua. Do đó, dễ rơi vào tình trạng phục hồi nhưng chậm, tức là trì trệ.

"Việt Nam giữ tốc độ tăng trưởng dương là thành tựu lớn, nhưng kinh tế chúng ta tăng trưởng dưới tiềm năng, nếu xét về chỉ số đầu tư, sử dụng lao động, năng lượng, tài nguyên", vị đại biểu vốn là tiến sĩ kinh tế này nhận xét. Nếu không kiểm soát được CPI 2009 dưới 10%, mà tăng trưởng GDP ở 4-5%, Việt Nam rơi vào tình trạng trì lạm. Hiện tượng này, theo ông, rất "khó trị" vì sẽ vô hiệu hóa tất cả công cụ, chính sách tiền tệ và tài khoá.

Thứ hai, thu hút vốn đầu tư chậm sẽ dẫn tới khả năng không hấp thụ được hoặc sử dụng không hiệu quả, đặc biệt khi dòng vốn không chảy vào đầu tư mà vào đầu cơ. Thứ ba, tỷ lệ bán thất nghiệp tăng rất cao. Nếu kinh tế tăng trưởng dưới 6%, Việt Nam sẽ khó giải quyết hơn một triệu lao động đến tuổi việc làm mỗi năm, cộng với lao động từ nông thôn. Cuối cùng, là tình trạng nhập siêu, dẫn đến những thách thức về kiểm soát tỷ giá, cán cân thanh toán.

Những thách thức lớn này đối với nền kinh tế, trong bối cảnh kinh tế thế giới khó lường, buộc Việt Nam chấp nhận dùng công cụ tài khóa mở rộng để tăng đầu tư, đồng nghĩa với bội chi. "Tôi cho rằng vấn đề không nằm ở bội chi 7%, 8% hay 6% GDP, mà phải bảo đảm mục tiêu vào hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nông thôn. Tôi ủng hộ việc tăng, nhưng phải là bội chi có điều kiện", ông Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Với quan điểm này, ông Trần Du Lịch đề xuất Quốc hội khi thông qua bội chi ngân sách cần kèm theo những điều kiện, như chi vào đâu cho đúng mục tiêu, và không tăng chuyển nguồn vốn qua năm sau. Cơ quan lập pháp cũng cần giám sát một số dự án, chương trình vấn đề gói kích cầu. Trước đó, trao đổi với báo giới, ông cũng cho rằng, với mỗi mức bội chi, cần có các điều kiện cụ thể về số lượng việc làm được tạo ra, cũng như tỷ lệ tăng trưởng GDP tương ứng.

Vị đại biểu của TP HCM kiến nghị Chính phủ sớm minh bạch hóa toàn bộ gói kích cầu, đánh giá hiệu quả như tạo thêm bao nhiêu việc làm, nông dân đã được những gì. Đồng thời, chuẩn bị giải pháp trung hạn cho tái cấu trúc nền kinh tế.

Cùng quan điểm về việc Quốc hội có vai trò giám sát lớn hơn, đại biểu Trần Đình Long (Đắk Lắk) cho rằng, việc sử dụng dữ trữ ngoại hối hoặc dự trữ ngân sách cần được Chính phủ báo cáo cụ thể. Dự trữ ngoại hối là tài sản dự trữ bằng tiền nước ngoài, vàng và giấy tờ có giá trị thanh toán quốc tế tại Ngân hàng Nhà nước. Còn dự trữ ngân sách nhà nước được sử dụng khi nguồn thu tập trung chưa đáp ứng yêu cầu chi, nhưng phải hoàn lại trong năm ngân sách. Mức tối đa khi sử dụng dự trữ ngân sách Nhà nước là 30%. Ông Trần Đình Long cho rằng, vài trò và trách nhiệm của Quốc hội đối với vấn đề này cần được làm rõ.

................

'Tái cấu trúc kinh tế, nhân lực là thách thức lớn nhất'

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng đề án tái cấu trúc nền kinh tế để trình Chính phủ thông qua ngay cuối năm, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết thông tin này tại hành lang Quốc hội sáng nay.Cả ngày 26/5 và sáng nay, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước cũng như đề xuất của Chính phủ điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế, ngân sách. Nhiều ý kiến lo ngại về nguy cơ tái lạm phát, hệ lụy không mong muốn từ việc triển khai gói kích cầu và đặc biệt là tình hình bội chi.

- Sau hơn một ngày lắng nghe đại biểu đóng góp ý kiến, Bộ trưởng rút ra điều gì?

- Nói chung đại biểu đồng tình với đánh giá của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội. Tôi vẫn lắng nghe các ý kiến để thu thập, bổ sung vào công tác điều hành của Chính phủ.

- Số liệu thống kê tháng 5 cho thấy kinh tế vẫn khó khăn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lường trước diễn biến này khi đề nghị Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng từ 6,5% xuống 5%?

- Trong báo cáo của Chính phủ đã nói rõ quý I năm nay khác hẳn quý I hằng năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, xuất khẩu giảm và đặc biệt là nhập siêu cũng cần chú ý.

Con số được tính toán kỹ dựa trên dự báo của các cơ quan nghiên cứu. Chúng tôi có 2 bộ phận là Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. Còn một bộ phận nữa cũng đưa ra dự báo cho dù không chuyên nghiệp lắm, đó là Tổng cục Thống kê, cơ quan này thường căn cứ vào kết quả đã đạt được để đưa ra dự báo. Tất cả những luồng dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy kinh tế vẫn có khả năng tăng trưởng từ 4,5-5,6%. Một số người đưa ra mức 4,69-5,67%. Nên chúng tôi trình phương án khoảng 5%, có thể đạt trên hoặc dưới 5%.

- Con số 5% được tính toán dựa trên những yếu tố nào?

- Căn cứ vào khả năng tăng trưởng của công nghiệp, nông nghiệp và lĩnh vực dịch vụ. Khu vực nông nghiệp vẫn hy vọng đạt mức tăng trưởng bình quân hằng năm 3%. Từ xưa tới nay nông nghiệp đều tăng trưởng vững như vậy. Công nghiệp quý I giảm, nhưng cần chú ý nó giảm sâu nhất vào tháng 2, bắt đầu từ tháng ba đã đi lên, tháng tư tăng 5,4% so với tháng ba. Với điều kiện thị trường hiện nay, cùng với khả năng phát triển của doanh nghiệp, chúng tôi dự báo mức tăng của công nghiệp sẽ trên 5%. Dịch vụ cũng như vậy, điều kiện thị trường và khả năng của doanh nghiệp tốt hơn.

- Nhiều đại biểu đang lo ngại nguy cơ tái lạm phát trong điều kiện tăng công chi kích thích kinh tế. Giải pháp nào được cho là hữu hiệu để kiểm soát đà tăng giá trở lại?

- Tăng thu và kiểm soát tỷ lệ bội chi không quá 8% GDP. Chính sách tài chính tiền tệ phải được thắt chặt hơn nữa, đặc biệt đầu tư phải có hiệu quả hơn, chi thường xuyên cũng phải tiết kiệm hơn đảm bảo khả năng cân đối ngân sách, và ổn định hệ thống tài chính tiền tệ.

Chúng tôi cũng lường trước điều này, nên đã đề chỉ tiêu để nghiêm túc thực hiện. Nếu không tích cực, chúng tôi có thể để theo chỉ tiêu Quốc hội đã duyệt là 15%. Nhưng phòng ngừa khả năng tái lạm phát và đảm bảo ổn định tài chính tiền tệ, chúng tôi đã chủ động đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu CPI dưới 10%, tức là lạm phát ở mức một con số. Chính phủ sẽ thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn nữa để con số đó càng thấp càng tốt.

- Ông có đề cập tới chuyện thắt chặt chính sách tài chính tiền tệ, liệu có đồng nghĩa với việc lãi suất tăng cao trở lại?

- Các biện pháp chúng ta đang triển khai hiện nay đều theo hướng kích cầu. Song phải giám sát chặt dư nợ cũng như nợ xấu của hệ thống ngân hàng, để đả, bảo ổn định hệ thống tài chính tiền tệ quốc gia.

- Trong trường hợp Quốc hội chỉ duyệt bội chi ở mức 7%, không như đề xuất 8% của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chuẩn bị kịch bản nào thay thế?

- Chính phủ đã tính toán các kịch bản khác để xem xét khả năng bội chi. Hiện nay, các ý kiến đại biểu Quốc hội đang thảo luận. Một khi đã có ý kiến chỉ nên giữ bội chi ở dưới 7%, thường vụ Quốc hội sẽ tiếp thu và cùng các thành viên chính phủ bàn bạc đưa ra phương án hợp lý.

- Nhiều chuyên gia cho rằng chúng ta cần chuẩn bị phương án tái cấu trúc nền kinh tế khi khủng hoảng qua đi. Bộ trưởng có ý kiến gì về vấn đề này?

- Đúng là chúng ta phải nghĩ tới cái đó, không chỉ là một vài biện pháp mà cần có hẳn đề án tổng thể. Đề án đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chuẩn bị và sẽ trình Chính phủ thông qua cuối năm nay. Nội dung cụ thể, các cấp chuyên viên đang xây dựng. Nhưng mục tiêu quan trọng là đảm bảo tăng trưởng với chất lượng cao nhất.

- Để đạt mục tiêu đó, theo Bộ trưởng vấn đề nào cần lưu tâm nhất?

- Nguồn nhân lực là thách thức lớn nhất của chúng ta hiện nay. Kế đó là cơ sở hạ tầng. Muốn tái cấu trúc nền kinh tế, 2 yếu tố đó phải mạnh và tốt.

...............

Vốn nước ngoài nhỏ giọt vào Việt Nam

Lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký trong 5 tháng đầu năm chỉ đạt 6,68 tỷ USD, chủ yếu xuất phát từ những dự án quy mô nhỏ.

Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, nguồn vốn FDI cấp mới trong 5 tháng đạt 2,7 tỷ USD, với trên 250 dự án. 40 dự án đang thực hiện cũng xin tăng vốn thêm 3,96 tỷ USD, đưa tổng vốn đăng ký lên 6,68 tỷ USD.

Hiện Mỹ tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong những tháng đầu năm, với tổng cộng trên 4 tỷ USD trong 9 dự án. Tiếp sau là các đối tác châu Á, gồm Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan.

Vốn FDI duy trì đà tăng chậm từ từ đầu năm đến nay, do sự khó khăn của nhà đầu tư trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái. Doanh nghiệp nước ngoài có xu hướng quay trở lại thị trường nội địa để tiếp nhận sự hỗ trợ của chính phủ các nước này.

Từ cuối năm 2008, xu hướng vốn FDI đi xuống đã được dự báo do tác động của suy giảm kinh tế thế giới cũng như trong nước. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký của năm nay sẽ vào khoảng 20 tỷ USD, bằng 1/3 năm vừa qua.

..............

'Lạm phát có cơ trở lại vào cuối năm'

Phần lớn đại biểu Quốc hội đồng tình với việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng cả năm xuống 5%, song lo ngại về mức bội chi ngân sách lớn và nguy cơ lạm phát quay trở lại vào cuối năm.

Hôm nay là ngày thảo luận đầu tiên của Quốc hội về báo cáo tình hình kinh tế 2008 và những tháng đầu năm 2009, đồng thời xem xét đề xuất của Chính phủ điều chỉnh một số mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội cả năm.

Đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường hôm nay. Ảnh: TTXVN.

Đại biểu Trần Hồng Việt (Hậu Giang) phân tích về những vấn đề kinh tế năm 2009 dựa trên kinh nghiệm thực tế khi tiếp xúc cử tri tại địa phương. Vào cùng thời điểm này năm 2008, người dân than thở rất nhiều. Nhưng năm nay, phần lớn tỏ ra ít căng thẳng hơn. Sự khác nhau cơ bản là năm trước kinh tế tăng trưởng khá, nhưng lạm phát cao. Năm nay, kinh tế có khó khăn, nhưng giá cả chỉ tăng nhẹ.

Theo ông Việt, lạm phát không nên cao hơn 1,2 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế, tức là không quá 6% trong năm nay. "Năm nay chúng ta toàn lực chống suy giảm, không cẩn thận đến cuối năm ta lại chuyển sang toàn lực chống lạm phát", đại biểu tỉnh Hậu Giang cảnh báo. Với yêu cầu đó, bội chi ngân sách không được vượt quá 7%.

Cho rằng các chính sách kinh tế trong thời gian qua đã linh hoạt, song theo đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) việc liên tiếp điều chỉnh các mục tiêu kinh tế cũng là biểu hiện của sự thiếu nhất quán. Tháng 5/2008, mục tiêu kinh tế chuyển từ tăng trưởng cao sang kiềm chế lạm phát ổn định vĩ mô. Đến gần cuối năm, Việt Nam chủ trương tiếp tục kiềm chế lạm phát, song song với ngăn ngừa suy giảm kinh tế. Đến nay, mục tiêu dự kiến được chuyển thành tập trung mọi nỗ lực ngăn suy giảm, duy trì tăng trưởng hợp lý, với mục tiêu GDP tăng 5%, bội chi ngân sách 8% và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng dưới 10%.

"Cần xây dựng chính sách có tính nhất quán và lâu dài, có tầm nhìn sâu rộng, để tránh nền kinh tế đi từ thái cực này sang thái cực khác", vị đại biểu vốn là lãnh đạo của một tập đoàn kinh tế ngoài quốc doanh này lưu ý.

Đại biểu Huỳnh Văn Đáng (Bình Dương) nhấn mạnh, cần thận trọng khi nhận định kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục, dù ông đồng tình với ý kiến kinh tế đã có chuyển biến tích cực trong thời gian qua. Cùng quan điểm, đại biểu Vi Trọng Lễ (Phú Thọ) nêu dẫn chứng, kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục phức tạp, kinh tế trong nước phụ thuộc nhiều vào quốc tế. "Quý cuối năm sẽ phải đạt tốc độ tăng trưởng 6,8-7,4%, để đảm bảo cả năm là 5%. Tôi nghĩ mục tiêu này là khó thuyết phục, mà khả năng cả năm đạt 4-4,5%", ông Vi Trọng Lễ phát biểu.

Đại biểu Quốc hội cũng quan tâm đến hiệu quả sử dụng vốn và những hệ lụy như bội chi ngân sách, nguy cơ lạm phát khi các gói kích cầu của Việt Nam được thực hiện từ tháng 2, với tổng chi phí nâng dần từ 1 lên 6 tỷ USD, và gần đây tiến lên 8 tỷ USD, tương ứng gần 10% GDP.

Đại biểu Hà Sơn Nhin (Gia Lai) nhận xét, việc kích cầu tiêu dùng vẫn chậm và nhiều doanh nghiệp sản xuất chưa tiếp cận được vốn. Trong khi đó, những vấn đề được coi là muôn thuở, như văn bản hướng dẫn chậm và rườm rà vẫn chưa được giải quyết. Bà Phương Thị Thanh, đại diện cho Bắc Kạn, một trong những địa phương khó khăn nhất nước, cho rằng, hỗ trợ lãi suất mang tính cào bằng và chưa ưu tiên cho tỉnh nghèo.

Các ý kiến cho rằng gói kích cầu hiện nay mang tính bình quân, và chỉ mới hỗ trợ được các doanh nghiệp thông thường. "Doanh nghiệp đã mạnh lại càng mạnh. Còn những doanh nghiệp khó khăn, chưa thể tiếp cận vốn thì vẫn không thể có cơ hội", bà Phạm Thị Loan nhận xét. Cần xác định các ngành kinh tế mũi nhọn, cần được ưu đãi để phát triển. Việc đầu tư cho nông - lâm - thủy hải sản cần được chú trọng, cũng như các ngành điện, vật liệu xây dựng...

Nhiều đại biểu nhấn mạnh, gói kích cầu cần hướng về nông thôn, nơi đang có 70% dân số Việt Nam sinh sống. Đây cũng được coi là nơi "trú ngụ" của lao động trong thời khủng hoảng. Đại biểu Dương Kim Anh (Trà Vinh) khuyến nghị, nguồn vốn cần tập trung cho nông dân vay để mua sắm máy móc và cải thiện hạ tầng nông thôn, những bước cơ bản nhằm tăng thu nhập cho nông dân.

Đại biểu Trần Văn Thức (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, nếu không được giám sát, gói kích cầu có thể trở thành "hiểm họa" bởi khoản tiền rất lớn sẽ được bơm vào nền kinh tế, gây lạm phát. Trong năm nay, Việt Nam dự kiến phát hành 64.000 tỷ đồng trái phiếu, một hình thức vay vốn từ trong dân để bù đắp các khoản đầu tư cần thiết và sử dụng cho kích cầu. Bội chi ngân sách dự kiến được nâng từ 5% lên 8%. Nhưng nếu tính cả trái phiếu, theo các đại biểu, tỷ lệ có thể lên tới 10%. Theo các đại biểu Quốc hội, bội chi ngân sách cả năm không nên vượt quá 7%.

Ngoài ra, còn có lo ngại về việc hệ số ICOR đang tăng ngày một cao tại Việt Nam. Về lý thuyết, một nước có ICOR tăng cao sẽ thu được sản lượng tăng thêm thấp từ nguồn vốn đầu tư. Trong năm 2008, hệ số này tăng lên trên 6%, trong khi tốc độ tăng GDP lại giảm từ 8,5% của năm 2007 xuống 6,18%. Theo phân tích của đại biểu Trần Hữu Trí (Tiền Giang), Việt Nam đang phải trả số tiền gấp đôi cho mỗi phần trăm tăng trưởng so với Đài Loan, một chỉ báo cho thấy hiệu quả sử dụng đồng vốn thấp hơn hẳn.

...........

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất xuất 5.000 m3 dầu hỏa đầu tiên

7h30 sáng nay, tàu chở dầu thành phẩm thuộc PV Oil Shipping đã tiếp nhận 5.000 m3 dầu hỏa đầu tiên tại nhà máy Lọc dầu Dung Quất, đưa đi tiêu thụ tại thị trường phía Nam.

> Dung Quất cho ra mẻ xăng đầu tiên\ Nhà máy lọc dầu rộng bằng 200 sân bóng đá

Ngày 28/5, tàu dầu sản phẩm sẽ vận chuyển dầu hỏa về tổng kho xăng dầu của PV Oil tại Vũng Tàu.

Bể chứa sản phẩm xăng dầu tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ảnh: P.K.

Sau đúng 3 tháng kể từ ngày cho ra dòng sản phẩm đầu tiên của nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhà máy đã xuất hơn 2.000 tấn dầu DO đưa ra tiêu thụ ở miền Trung và hơn 7.000 tấn dầu diesel tiêu thụ trên cả nước.

Dự kiến, vào đầu tháng 6, nhà máy sẽ cho ra đời xăng A90, A92 và A95.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, giá bán các sản phẩm của nhà máy Lọc dầu Dung Quất phải đảm bảo 3 nguyên tắc: bám sát giá thị trường, mức giá không ảnh hưởng đến nguồn thu của các đối tác trong Xí nghiệp Liên doanh Vietsopetro và phải đảm bảo cho nhà máy hoạt động bình thường, tức là có lãi để đảm bảo cho việc bán cổ phần vào năm 2010.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất được khởi công năm 2005 trên diện tích rộng hơn 600 ha, tương đương với 200 sân bóng đá.

.............

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#bao