bao 31

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Giao dịch nhà đất 'sợ' giá vàng

Bỏ ra 3 tuần "săn" căn nhà mặt tiền đường Nguyễn Trãi quận 5, TP HCM giá 800 lượng vàng, chị Hương đành để hụt món hàng tâm đắc vì nếu chấp nhận thương vụ chị phải chi thêm ít nhất 1,6 tỷ đồng.

> Giá vàng tăng từng giờ

Cuộc giao dịch bất thành được các nhân viên môi giới tại sàn ACBR chi nhánh Nguyễn Đình Chiểu ví von là thất bại vào phút thứ 89 của trận bóng. Chị Hương nhẩm tính, với tổng giá trị 800 lượng vàng, nếu mua nhà lúc này phải chi thêm 1,6 tỷ đồng tiền chênh lệch do lúc thương thảo giá vàng chỉ có 19,9 triệu đồng mỗi lượng, nay lên đến hơn 21 triệu đồng. "Tôi định mua để kinh doanh nhưng trước mắt đã thấy đi đứt gần 2 tỷ đồng nếu tính tất cả các chi phí. Đành xem như mình không có duyên với căn nhà này", chị Hương bộc bạch nhưng vẫn còn tiếc rẻ.

Một trường hợp khác cũng tại sàn ACBR, anh Nghiêm mua căn nhà hẻm trên đường Nguyễn Cư Trinh quận 1, giá 105 lượng vàng nhưng đã phải mất hơn một tháng trời mới hoàn tất thương vụ. Người khách này cho hay, tính từ lúc bàn thảo cho tới khi tất toán, giá vàng ở mức19,6 triệu đồng đã vọt lên 20,05 triệu động một lượng. "Nếu không vì ưng ý căn nhà và chuẩn bị sẵn tâm lý chấp nhận giá vàng biến động mạnh thì tôi đã buông vụ mua bán này", anh Nghiêm nói.

Khách hàng xem giá bán của các sản phẩm nhà đất tại sàn ACBR. Ảnh: B.Q.

Theo một nhân viên môi giới tại sàn bất động sản ACBR, nhiều người đã biết trước và dự phòng thêm 1 khoản tiền khi mua nhà bằng hiện kim. Thế nhưng việc phải chi trả thêm những khoản tiền dôi ra do giá vàng biến động đã khiến những căn có giá 500 lượng trở lên khó giao dịch hơn. Chỉ tính từ ngày 14/5 đến nay, giá vàng đã biến động và tăng hơn 1 triệu đồng một lượng, người mua nhà niêm yết bằng vàng cảm thấy bị áp lực thua lỗ trước cơn lốc tăng giá chóng mặt của kim loại quý này.

Thống kê của sàn ACBR chi nhánh Nguyễn Đình Chiểu, nơi có tỷ lệ rao bán địa ốc bằng vàng lớn nhất TP HCM, lượng giao dịch nhà đất bằng hiện kim từ nửa cuối tháng 5 đến nay đã giảm 15% so với hồi đầu tháng. Nguyên nhân do giá vàng biến động mạnh, liên tục phá vỡ kỷ lục trước đó nên việc mua bán nhà bằng hiện kim không xuôi chèo mát mái.

Cụ thể, tính từ ngày 15/5 đến nay, trong 29 cuộc mua bán nhà đất thành công tại sàn, chỉ có 7 giao dịch bằng vàng, chiếm 24%, số còn lại đều bằng tiền đồng. Trong khi trước đó, thời kỳ giá vàng chưa vượt cột mốc 20 triệu đồng một lượng, tỷ lệ giao dịch nhà cá thể bằng vàng tại đây thường đạt trên 35%.

Phần lớn các cuộc mua bán nhà đất thành công bằng vàng trong 2 tuần nay đều có giá trị trung bình dưới 100 lượng, tương đương 2 tỷ đồng trở xuống, chiếm trên 85% tổng số giao dịch bằng hiện kim. Thương vụ lớn nhất bằng vàng trị giá 250 lượng, tức trên 5 tỷ đồng, chiếm 15%, cho thấy những căn nhà có giá trị lớn niêm yết bằng vàng đang trở nên kén khách hơn.

Nhiều người tìm kiếm thông tin địa ốc đang chào bán tại sàn ACBR. Ảnh: H.P.

Trao đổi với VnExpress.net, Tổng giám đốc Công ty cổ phần địa ốc ACB (ACBR) Phạm Văn Hải cho biết: "Giá vàng tăng cao, thậm chí tăng từng giờ và liên tục vượt những kỷ lục vừa lập được đã khiến giao dịch nhà cá thể bằng hiện kim trở nên ì ạch và khó khăn hơn so với trước đây rất nhiều".

Theo ông Hải, tỷ lệ rao bán nhà bằng vàng tại sàn chiếm 40% còn bằng tiền đồng thường đạt 60%. Thế nhưng nửa tháng nay giao dịch bằng vàng chỉ đạt mức 24% là quá thấp. Điều này cho thấy các cuộc mua bán nhà bằng vàng không chỉ có chiều hướng giảm mạnh trong thời gian tới mà sẽ còn lệ thuộc vào diễn biến thất thường của giá vàng.

Ông Hải phân tích, tâm lý của người mua kỳ vọng giá vàng giảm để có lợi hơn khi thanh toán còn người bán không muốn chờ lâu sợ giá vàng bị nhích xuống sẽ bị mất đi một khoản tiền lớn. Đôi bên đều chần chừ, khó đưa ra quyết định trong khi giá vàng biến đổi từng ngày sẽ làm thương vụ kiểu này trở nên bế tắc. "Chính vì lường trước khó khăn trên nên hầu hết các khách hàng đến sàn đều được tư vấn niêm yết giá nhà bằng tiền đồng cho dễ thương lượng và giao dịch", ông Hải nói.

Tuy nhiên, chuyên gia này nhận định, chỉ có nhà cá thể đã tồn tại lâu năm trong khu dân cư hiện hữu mới gặp phải trở ngại khó giao dịch khi giá vàng lên xuống liên tục. Còn nhà chung cư, đất nền dự án, nhà biệt thự hoặc nhà phố mới xây thường được niêm yết giá bán bằng tiền đồng nên không bị ảnh hưởng.

Giải thích nguyên nhân còn tồn tại việc bán bất động sản bằng vàng, ông Hải cho hay, những căn nhà tọa lạc trên nền đất đã có tuổi hàng chục thậm chí hàng trăm năm trong khu dân cư hiện hữu với kết nối hạ tầng tốt, vị trí thuận lợi, giấy tờ hợp pháp thường được gia chủ quy ra vàng để bán. Đây là tâm lý chung của người Việt cho rằng vàng có giá trị bền vững, chỉ tăng lên chứ không giảm sút nên niêm yết giá nhà bằng vàng sẽ không bị mất giá theo thời gian. Mua bán nhà bằng vàng là thói quen rất lâu đời của người Sài Gòn. Tuy nhiên, từ năm 2000 đến nay, do giá vàng trong nước trải qua nhiều biến động nên tỷ lệ mua bán nhà tính theo đơn vị lượng vàng ngày càng giảm dần, chiếm 50-50 so với giao dịch bằng tiền đồng. Từ đầu năm 2009, tỷ lệ giao dịch nhà đất bằng vàng chiếm 40% so với tổng số các thương được ghi nhận tại sàn. Trong tháng 5, tỷ lệ này sụt giảm đáng kể, hiện ở mức 24%. (Nguồn sàn địa ốc

.............

Không đồng ý tăng học phí đại học lên 255.000 đồng

Sáng nay, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề xuất, ngay năm học 2009 -2010 sẽ tăng trần học phí đại học từ 180.000 đồng lên 255.000 đồng một tháng. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra của Quốc hội cho rằng, chỉ nên tăng tối đa 230.000 đồng.

> 'Đề án học phí không nên gây sốc cho xã hội'

Theo Đề án Đổi mới tài chính giáo dục và đào tạo giai đoạn 2009-2014 của Bộ Giáo dục Đào tạo, năm 2009, khi chưa thực hiện việc thay đổi cách đóng học phí theo đề án, học phí đào tạo sẽ tăng bằng 50% mức mất giá đồng tiền năm 2008 so với năm 2000. Dự kiến, học phí đại học tăng từ 180.000 đồng một tháng lên 255.000 đồng, học phí cao đẳng nghề tăng từ 120.000 đồng lên 170.000 đồng một tháng.

Bắt đầu từ năm học 2010-2011, việc điều chỉnh học phí sẽ thực hiện theo lộ trình của Đề án Đổi mới tài chính Giáo dục đã được phê duyệt"Chúng tôi giữ quan điểm, dù có những bất hợp lý trong học phí hiện nay, nhưng khi sửa bất hợp lý đó thì cũng phải sửa từ từ, có lộ trình, không thể "đùng một cái tăng ngay". Giá mà 10 năm vừa qua, mỗi năm sửa một chút thì tốt, giờ tích tụ lại rồi tăng từ 180.000 lên 255.000 đồng thì rất có thể lại gây sốc. Mức đó phải cân nhắc thêm một chút", Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Đào Trọng Thi cho VnExpress.net biết.

Tuy nhiên, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên nhi đồng của Quốc hội cho rằng, năm 2009, mức trần học phí đại học chỉ nên tăng từ 180.000 đồng lên 230.000 đồng một tháng (bậc cao đẳng có hệ số bằng 0,8 lần đại học) và cao đẳng nghề từ 120.000 đồng lên 155.000 đồng một tháng.

Ngoài ra, Ủy ban này cũng đề nghị để tránh xảy ra tình trạng nâng học phí đồng loạt tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập (đặc biệt là hệ CĐ, ĐH) sau khi áp dụng chế độ học phí mới (từ năm học 2010-2011), cần có mức trần học phí đối với chương trình giáo dục đại trà ngoài công lập để có mức học phí hợp lý.

Mức trần có thể xác định trên cơ sở tham khảo mức trần học phí tương ứng của các cơ sở giáo dục công lập cộng với mức hỗ trợ của ngân sách Nhà nước cho các cơ sở giáo dục công lập. Đồng thời, cần ban hành quy chế sử dụng học phí trong các trường ngoài công lập và có biện pháp để kiểm tra giám sát việc thực hiện.

Hầu hết các trường hiện không cam kết chất lượng giáo dục. Ảnh: Tiến Dũng.

Theo Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, trong 10 năm qua (1999-2008) (GDP) bình quân đầu người tăng 4,7 lần, lương tối thiểu tăng 1,86 lần, chỉ số giá cả tiêu dùng tăng gấp 2 lần. Trong khi đó, khung học phí 10 năm không thay đổi dẫn đến hậu quả tổng nguồn lực của đất nước huy động cho giáo dục đào tạo vẫn rất hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, gây bất hợp lý thêm trong hệ thống giáo dục.

Do mất giá đồng tiền, nên học phí đại học 180.000 đồng một tháng năm 2008 chỉ có giá trị 90.000 đồng một tháng so với năm 1998 khi khung học phí ban hành. Ngoài ra, Nhà nước tăng lương tối thiểu từ 290.000 đồng lên 540.000 đồng một tháng (năm 2008), mà học phí thì không tăng, nên các trường phải dành tỷ lệ trong tổng thu cho trả lương ngày một cao, phần dành cho giáo trình, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy ngày càng ít đi, ảnh hưởng ngày càng lớn đến chất lượng đào tạo.

Với mức học phí đại học 180.000 đồng, chi phí đào tạo cho 4 năm hoặc 5 năm học để trở thành kỹ sư, cử nhân, người học phải trả là 7,2 triệu đến 9 triệu đồng, trong khi ra trường ngay năm đầu tiên đi làm, thu nhập của các kỹ sư, cử nhân đã từ 1,2 triệu đồng đến 3 triệu đồng một tháng, tức là 14,4 triệu đến 36 triệu đồng một năm.

Ngoài ra, sinh viên sư phạm được miễn đóng học phí, song có một số nhất định sau khi ra trường không làm việc cho ngành giáo dục. Điều này không công bằng, làm giảm hiệu quả đầu tư của Nhà nước cho giáo dục.

Cuối cùng, người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng, với các gia đình có thu nhập bình quân trên 1,5 triệu đồng một người một tháng (6 triệu đồng một hộ 4 người một tháng), mức học phí THPT tối đa là 35.000 đồng một tháng là rất thấp, dưới khả năng chi trả của họ, nếu có 2 con đi học thì chi phí học tập chỉ tương đương 3,3% thu nhập của gia đình.

Sau khi trình Quốc hội, Đề án đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục 2009-2014 sẽ được các đại biểu thảo luận ở tổ ngày 3/6 và thảo luận ở hội trường 9/6. Sau khi Quốc hội thống nhất, Nghị quyết về vấn đề trên được thông qua vào ngày 20/6.

.....................

5 ngôn ngữ tình yêu của doanh nhân

Nhiều cặp doanh nhân hăm hở, tràn đầy yêu thương trước ngày cưới nhưng sau đó đụng phải các vấn đề phức tạp của cuộc sống, lại lúng túng không biết cách giải quyết.

Rất nhiều câu hỏi như vậy được doanh nhân đưa ra để nhờ đến giới chuyên gia tư vấn.

Điều gì đang xảy ra trong cuộc sống vợ chồng của họ? Liệu có phải tình yêu của 2 người đang gặp rắc rối? Vấn đề chính nằm ở ngôn ngữ tình yêu mà mỗi chúng ta dùng để giao tiếp với nhau.

Gary Chapman - chuyên gia tâm lý nhớ lại: "Ở độ cao 9.000 m, trên chuyến bay giữa Buffalo và Dallas, người đàn ông đặt tờ báo vào trong ngăn đựng đồ phía sau lưng ghế ngồi trước mặt và quay sang hỏi tôi.

- Xin lỗi, anh làm nghề gì vậy?

- Tôi tư vấn hôn nhân và tổ chức các buổi hội thảo giúp hạnh phúc gia đình bền vững.

Tôi trả lời đơn giản.

- Thế à? Tôi vốn thắc mắc mãi điều này mà không biết hỏi ai. Theo anh, sau ngày cưới, tình yêu sẽ đi về đâu?

Hết hy vọng được chợp mắt đôi chút, tôi bèn hỏi lại anh ta:

- Ý anh là sao? Tôi không hiểu lắm.

Anh ta giải thích:

- À, tôi từng kết hôn ba lần và lần nào cũng thế cả, hôn nhân của chúng tôi đều tan vỡ. Với những người phụ nữ từng đi qua đời tôi, tất cả tình yêu mà tôi nghĩ mình đã có đối với họ cũng như tình cảm mà họ dành cho tôi đều dần tan biến. Tôi cũng là người hiểu biết, thậm chí tôi còn điều hành cả một doanh nghiệp thành công, thế nhưng tôi lại không thể nào hiểu nổi điều này.

- Anh đã lập gia đình bao lâu rồi? - Tôi hỏi.

- Cuộc hôn nhân đầu tiên của tôi kéo dài khoảng mười năm. Lần thứ hai khoảng ba năm. Còn lần cuối cùng là gần sáu năm.

- Vậy với anh, tình yêu kết thúc ngay sau khi kết hôn hay phai nhạt dần theo thời gian? - Tôi hỏi.

- Cuộc hôn nhân thứ hai của tôi gặp vấn đề ngay từ những ngày đầu tiên. Thật tình tôi cũng chẳng biết chuyện gì đã xảy ra nữa. Tôi đã nghĩ rằng chúng tôi thực sự yêu nhau; thế nhưng tuần trăng mật lại như một cơn ác mộng, và chẳng bao giờ chúng tôi có thể hàn gắn được vết rạn nứt đó. Chúng tôi bị cuốn vào nhau tựa một cơn lốc và chỉ sau sáu tháng quen biết, cả hai quyết định kết hôn. Một tình yêu cuồng nhiệt! Nhưng ngay sau đám cưới, tình yêu đó đã nhanh chóng biến thành một cuộc chiến.

Còn với cuộc hôn nhân đầu tiên, ít ra chúng tôi cũng từng có ba bốn năm hạnh phúc bên nhau trước khi đứa con đầu lòng ra đời. Sinh con xong, vợ tôi dường như chỉ còn biết đến mỗi đứa bé. Tôi cảm thấy mình bị bỏ quên. Cứ như thể mục tiêu duy nhất trên đời của cô ấy là có một đứa con, và chấm hết. Cô ấy chẳng còn thiết tha gì đến tôi nữa.

- Thế anh có nói cho cô ấy biết điều đó không? - Tôi hỏi.

- Ồ, có chứ. Nhưng cô ấy bảo tôi khùng. Cô ấy còn cho rằng, tôi chẳng hề thông cảm đến nỗi khổ của người vú nuôi 24/24 như cô ấy. Cô ấy nói tôi cần phải quan tâm, giúp đỡ cô ấy nhiều hơn mới phải. Tôi cũng đã cố, nhưng dường như cũng chẳng ích gì. Càng ngày, chúng tôi càng thêm xa cách. Và sau một thời gian thì tình yêu chết thật. Và cả hai chúng tôi đều đồng ý chia tay.

Còn cuộc hôn nhân cuối cùng ư? Tôi đã nghĩ nó sẽ khác hai lần trước. Lúc đó, tôi đã sống một mình được ba năm. Và chúng tôi cũng đã hẹn hò gần hai năm trời. Tôi đã nghĩ rằng chúng tôi hẳn phải biết mình đang làm gì, thậm chí tôi còn nghĩ đó là lần đầu tiên tôi thực sự hiểu được ý nghĩa của việc yêu thương một ai đó. Và tôi cũng đoán chắc rằng cô ấy yêu mình. Sau khi cưới nhau, tôi vẫn trước sau như một, luôn thể hiện tình cảm của mình với vợ.

Tôi khen cô ấy đẹp, dành cho cô ấy những lời yêu thương, và rằng tôi rất tự hào khi được làm chồng cô ấy... Thế nhưng chỉ vài tháng sau đó, vợ tôi bắt đầu phàn nàn. Bắt đầu từ những việc hết sức cỏn con như tôi không chịu đổ rác hoặc vứt quần áo lung tung. Sau đó, cô ấy tấn công sang tính cách của tôi, nào là chẳng thể tin tưởng tôi được, nào là tôi không chung thủy.

Có thể nói là cô ấy bỗng nhiên biến thành một người hết sức tiêu cực - trái ngược hoàn toàn với những gì tôi biết về cô ấy trước đây. Khi chưa lấy nhau, chưa bao giờ cô ấy phàn nàn điều gì. Cái gì tôi làm cũng là số một. Nhưng cưới nhau rồi thì dường như trong mắt cô ấy tôi bỗng trở thành một anh chàng vô tích sự. Quả thật, tôi chẳng biết chuyện gì đã xảy ra nữa. Cuối cùng, tình yêu tôi dành cho cô ấy cũng lụi tàn, và tôi bắt đầu cảm thấy bực bội với cô ấy. Rõ ràng, cô ấy không yêu tôi. Chúng tôi nhận thấy việc sống chung chẳng còn ý nghĩa gì, thế nên chúng tôi đã chia tay".

Gary Chapman nói: "Tất cả những chuyện xảy ra khiến tôi luôn mang trong mình câu hỏi rằng điều gì đã xảy ra với tình yêu sau ngày cưới? Liệu mọi người có gặp phải những chuyện tương tự như tôi hay không? Liệu đó có phải là lý do khiến rất nhiều cặp vợ chồng ly hôn? Tôi không tin nổi mình lại ly hôn đến ba lần. Còn những cặp vợ chồng bền vững thì sao? Phải chăng là nhờ họ biết chấp nhận một đời sống hôn nhân không tình yêu, hay vì tình yêu vẫn ngự trị trong họ? Nếu quả như thế thì làm thế nào họ có được may mắn đó? "

Những câu hỏi mà người đàn ông ấy đưa ra cũng chính là điều mà hàng triệu cặp vợ chồng - hoặc vẫn còn chung sống, hoặc đã ly hôn - băn khoăn, tìm hiểu. Một số người tìm đến bạn bè, một số khác thì nhờ chuyên viên tư vấn hoặc quanh quẩn tự hỏi bản thân. Câu trả lời đôi khi thật khó hiểu bởi nó liên quan đến nhiều thuật ngữ tâm lý, hoặc cũng có khi nó lại được diễn giải qua các câu chuyện dân gian hay lời pha trò hóm hỉnh. Dù rằng tất cả cũng nói lên phần nào sự thật nhưng thực tế chúng không mang lại hiệu quả như mong muốn.

Ước muốn có được một cuộc hôn nhân lãng mạn cũng như làm thế nào giữ mãi ngọn lửa tình yêu sau ngày cưới là điều hết sức chính đáng và trở thành vấn đề quan tâm của hầu hết mọi người. Ngày nay, báo chí, sách vở cũng như các phương tiện thông tin đại chúng khác đều tập trung khai thác mảng đề tài này.

Thế nhưng trước một lượng thông tin khổng lồ như vậy, không phải cặp vợ chồng nào cũng tìm ra được bí quyết gìn giữ tình yêu cho mình. Hàng ngày, vẫn có vô số cặp vợ chồng tham dự các buổi trò chuyện về hôn nhân gia đình, được hướng dẫn cụ thể những điều cần làm để duy trì ngọn lửa tình yêu; nhưng khi về đến nhà, họ vẫn không thể nào phát huy và ứng dụng tốt những gì đã được học. Vậy, nguyên nhân của vấn đề nằm ở đâu?

Đó là: Mỗi người có một cách biểu đạt tình yêu, hay còn gọi là ngôn ngữ tình yêu khác nhau.

Trong giao tiếp, bạn không thể dùng tiếng Anh để truyền thông điệp đến một người không hiểu tiếng Anh; và nói chung, việc không sử dụng cùng một ngôn ngữ sẽ làm nảy sinh vô số khó khăn trong giao tiếp. Do đó, để có thể giao tiếp hiệu quả và không gặp phải những rào cản về sự khác biệt văn hóa, chúng ta cần học ngôn ngữ của đối tượng mình muốn giao tiếp.

Trong tình yêu cũng vậy. Rất có thể, ngôn ngữ yêu thương của bạn và bạn đời là hoàn toàn khác nhau. Điều này cũng giống như người đàn ông trong câu chuyện trên, anh đã sử dụng những lời đẹp nhất để thể hiện tình yêu của mình với người vợ thứ ba nhưng kết quả nhận được lại không như anh mong muốn. Rõ ràng, tình yêu của anh ấy chân thành, nhưng có thể người vợ lại mong muốn anh phải bộc lộ tình yêu qua hành động cụ thể trong đời sống chứ không chỉ bằng những lời nói tốt đẹp. Do đó, chỉ chân thành không thôi chưa đủ. Chúng ta còn cần phải sẵn lòng học lấy ngôn ngữ tình yêu của người bạn đời nếu muốn đạt được hiệu quả mong muốn trong giao tiếp với người mình yêu.

Sau ba mươi năm làm công tác tư vấn hôn nhân, tôi đúc kết được 5 ngôn ngữ tình yêu cơ bản - đó là năm cách để biểu đạt và thấu hiểu cảm xúc trong tình yêu. Có thể, bạn sẽ bắt gặp đâu đó những bài viết kiểu như: "10 Cách để thể hiện tình yêu với vợ", "20 Bí quyết để giữ chồng ở nhà" hoặc "365 Cách thể hiện tình yêu trong hôn nhân"... Theo tôi, tất cả những cách ấy chỉ gói gọn trong 5 ngôn ngữ tình yêu cơ bản. Tuy nhiên, mức độ áp dụng của mỗi người lại khác nhau. Mọi giới hạn trong việc biểu đạt tình yêu của bạn với người bạn đời là do sự giới hạn trong sức tưởng tượng của bạn mà thôi. Điều quan trọng nhất cần nhớù là, hãy nói bằng ngôn ngữ tình yêu của người bạn đời chứ không phải của bản thân bạn.

Ngay từ khi còn nhỏ, trong mỗi đứa trẻ đã hình thành những chuẩn mực tình cảm đặc trưng. Chẳng hạn, có những đứa trẻ sớm có lòng tự trọng cao, lại có những đứa sớm có tính tự ti, một số khác lại luôn bị ám ảnh bởi cảm giác bất an, trong khi có những đứa may mắn hơn lại lớn lên trong cảm giác bình yên. Tương tự như vậy, có những đứa trẻ được nuôi dưỡng trong sự yêu thương, lại có những trẻ khác lớn lên trong sự hắt hủi, ruồng bỏ và khinh thường.

Với những đứa trẻ may mắn lớn lên trong yêu thương, chúng sẽ sớm phát triển ngôn ngữ tình yêu một cách trọn vẹn. Trong khi đó, những đứa trẻ kém may mắn cũng sẽ phát triển ngôn ngữ tình yêu của riêng chúng, nhưng lại bị bóp méo, sai lệnh đi giống như những đứa trẻ học kém ở trường vẫn thường dùng sai văn phạm và từ vựng. Điều đó không có nghĩa là những đứa trẻ học kém không thể giao tiếp tốt, nhưng chúng sẽ phải nỗ lực nhiều hơn những đứa trẻ khác. Cũng tương tự như thế, những người có ngôn ngữ tình yêu bị bóp méo sẽ phải gắng sức nhiều hơn so với những ai may mắn được lớn lên trong một gia đình tràn đầy tình yêu thương.

Hiếm khi vợ chồng có chung một ngôn ngữ tình yêu. Chúng ta thường có xu hướng sử dụng ngôn ngữ tình yêu của mình để rồi ngạc nhiên không biết vì sao đối phương không hiểu được những gì mình thể hiện. Điều này chẳng khác gì người nói một đằng, người hiểu một nẻo. Đó là lý do vì sao tôi đã dành rất nhiều thời gian và tâm huyết để biên soạn cuốn sách này.

Hôn nhân không có nghĩa là con đường chấm dứt tình yêu, nhưng để nuôi dưỡng ngọn lửa yêu thương, mỗi người chúng ta cần phải nỗ lực tìm hiểu ngôn ngữ tình yêu của nhau. Một khi hiểu và học được cách sử dụng ngôn ngữ tình yêu của bạn đời, tôi tin rằng đó cũng là lúc bạn nắm giữ trong tay chìa khóa của một cuộc hôn nhân hạnh phúc, bền lâu.

"Hãy học lấy ngôn ngữ yêu thương của bạn đời để có thể giao tiếp hiệu quả trong đời sống vợ chồng", Gary Chapman nhấn mạnh.

.................

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#bao