bao 8.6

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đề nghị Trung Quốc không cản trở ngư dân Việt Nam

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết đã giao thiệp với đại sứ Trung Quốc để đề nghị phía Trung Quốc không có những hoạt động cản trở công việc làm ăn bình thường của ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

>Tàu cá nằm bờ vì ngư trường bị phong tỏa

Hải quân nhân dân Việt Nam canh gác trên đảo Trường Sa. Ảnh: Thanh Hưng.

Ông Lê Dũng, phát ngôn viên ngoại giao Việt Nam hôm qua cho hay hôm 4/6, Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn đã giao thiệp với Đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường, lưu ý việc phía Trung Quốc gần đây thực hiện lệnh cấm đánh cá tại một số vùng biển trong đó có những khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông và tăng cường tàu tuần tra, bắt, phạt tàu cá tại những vùng biển này.

"Thứ trưởng cho rằng điều đó đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của ngư dân Việt Nam tại ngư trường truyền thống của Việt Nam, gây bức xúc trong dư luận, không có lợi cho quan hệ hai nước, đề nghị phía Trung Quốc không có các hoạt động cản trở công việc làm ăn bình thường của ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam", trang web của Bộ Ngoại giao trích lời ông Dũng.

Đại sứ Trung Quốc đã hứa sẽ báo cáo về nước đề nghị nêu trên của phía Việt Nam.

..................

Việt Nam theo sát hoạt động của tàu Trung Quốc ở biển Đông

Trước việc Trung Quốc đưa tàu ngư chính 311 ra hoạt động tại Biển Đông, hôm 17/3 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng cho biết, Việt Nam quan tâm và sẽ theo sát hoạt động của tàu Trung Quốc ở biển Đông.

> Phản đối Philipines vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam

> Trung Quốc đưa tàu tuần ngư lớn nhất đến Biển Đông

Thông tấn xã Việt Nam cho hay, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam, ông Lê Dũng khẳng định, lập trường của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là rất rõ ràng.

"Việt Nam quan tâm và sẽ theo dõi sát hoạt động của tàu ngư chính 311 ở Biển Đông. Mọi hoạt động khai thác hải sản và tài nguyên biển ở biển Đông cần được thực hiện trên cơ sở tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển của các nước liên quan theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982".

Theo Tân Hoa xã, trưa nay, tàu tuần tra ngư chính 311 của Trung Quốc đã đến khu vực quần đảo Hoàng Sa. Vốn là tàu chiến chuyển đổi nên tàu số 311 này có trọng tải là 4.450 tấn và tốc độ tối đa là 37 km mỗi giờ. Đây là tàu tuần tra ngư nghiệp lớn nhất và có tốc độ nhanh nhất của Trung Quốc.

Tàu ngư chính 311 hoạt động trên biển Đông. Ảnh: Tân Hoa xã.

Trong vòng chưa đầy một tuần, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã 3 lần đưa ra các tuyên bố liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày 13/3, ông Lê Dũng khẳng định, việc Tổng thống Philippines ký luật quy các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào lãnh thổ của Philippines là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa. Trước đó, Việt Nam cũng ra tuyên bố nêu rõ việc Trung Quốc cho phép mở tour du lịch ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.

..................

Mỹ dọa đưa Triều Tiên trở lại danh sách tài trợ khủng bố

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Ảnh: BBC.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết Washington đang xem xét việc đưa Bình Nhưỡng trở lại danh sách "trục ma quỷ", bao gồm các nước mà Mỹ cho là tài trợ khủng bố.

Triều Tiên được loại khỏi danh sách này vào tháng 10/2008 khi bắt đầu quá trình vô hiệu hóa một lò phản ứng hạt nhân. Tuy nhiên, nước này vừa tuyên bố tiến hành một vụ thử hạt nhân dưới lòng đất và bắn một loạt các tên lửa tầm ngắn.

Clinton cho hay một số thượng nghị sĩ Mỹ đã yêu cầu Tổng thống Barack Obama xem xét đưa Triều Tiên trở lại danh sách nói trên. "Chúng tôi đang xem xét việc này. Hiển nhiên là chúng tôi muốn thấy bằng chứng mới nhất về việc họ tài trợ cho chủng nghĩa khủng bố", Clinton phát biểu hôm qua. "Họ đã được loại khỏi danh sách này với một mục đích nhất định, nhưng hành động của họ đã đi ngược lại mục tiêu đó".

Khi Washington loại Triều Tiên khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố, Bình Nhưỡng đồng ý cho phép các chuyên gia lấy mẫu và thử nghiệm tại tất cả các cơ sở hạt nhân của họ. Triều Tiên cũng tạo điều kiện cho các thanh sát viên quốc tế xác minh những hoạt động về hạt nhân và nghi vấn về chương trình sản xuất uranium.

Cuộc thử hạt nhân tháng trước của Triều Tiên khiến Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp khẩn cấp và thắt chặt lệnh cấm vận đã áp dụng với nước này từ năm 2006.

"Chúng tôi sẽ đưa ra một phản ứng mạnh mẽ", Clinton nói. "Nếu không có hành động nghiêm khắc với Triều Tiên, chúng ta sẽ kích động một cuộc đua vũ trang ở Đông Bắc Á. Tôi không nghĩ có ai muốn chứng kiến điều đó".

"Trục ma quỷ", còn được gọi là danh sách các quốc gia mà Mỹ cho là tài trợ chủ nghĩa khủng bố, là thuật ngữ được cựu tổng thống Mỹ George Bush đưa ra năm 2002. Các nước trong danh sách này lúc đó bao gồm Iraq, Iran và Triều Tiên.

.............

30.000 tỷ đồng cho phát triển cao su

Thủ tướng vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, theo đó cần dựa trên nhu cầu của thị trường, khai thác và phát huy có hiệu quả lợi thế về đất đai, tự nhiên ở một số vùng.

Định hướng quy hoạch cao su được tập trung ở 5 vùng chính: vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Duyên Hải Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ và các tỉnh vùng Tây Bắc.

Trong đó, vùng Đông Nam Bộ tiếp tục trồng mới 25 nghìn ha trên đất đang sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả... để ổn định diện tích 390 nghìn ha cao su. Vùng Tây Nguyên sẽ tiếp tục trồng mới khoảng 95-100 nghìn ha để ổn định diện tích 280 nghìn ha.

Vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ tiếp tục trồng mới 10-15 nghìn ha để ổn định diện tích 40 nghìn ha, Vùng Bắc Trung Bộ khoảng 20 nghìn ha để ổn định diện tích 80 nghìn ha. Các tỉnh vùng Tây Bắc cần có bước đi phù hợp, không phát triển theo phong trào, phấn đấu đến năm 2020 diện tích cao su toàn vùng đạt khoảng 50 nghìn ha.

Tổng mức đầu tư cho quy hoạch này là khoảng 30 nghìn tỷ đồng. Nhà nước sẽ tiếp tục đầu tư kinh phí cho các dự án nghiên cứu, tuyển chọn, lai tạo và nhập nội các giống cao su có năng suất, chất lượng cao, cung cấp đủ giống đầu dòng cho các vườn ươm phục vụ yêu cầu sản xuất.

Về tổ chức sản xuất, cần đầu tư phát triển cơ sở chế biến mủ, sản phẩm và đồ gỗ cao su gắn với vùng nguyên liệu theo hướng đa dạng sở hữu, đa dạng sản phẩm, hình thành doanh nghiệp công, nông nghiệp nhằm gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu.

Để tiêu thụ sản phẩm tốt, các doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cao su với tổ chức và người sản xuất, bảo đảm tiêu thụ hết sản phẩm đồng thời đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cao su.

............

Thanh tra việc cho vay hỗ trợ lãi suất

Kế hoạch thanh tra của Ngân hàng Nhà nước được tiến hành khi dư luận chưa hết lo ngại về nguy cơ đảo nợ cũng như khả năng một phần vốn kích cầu đã bị chảy vào chứng khoán khiến thị trường tăng nóng.

Theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước, đợt thanh tra sẽ bắt đầu tư 10/6, tập trung vào 3 nội dung chính: cho vay hỗ trợ lãi suất; việc tuân thủ chế độ quản lý ngoại hối và tuân thủ các giới hạn an toàn trong hoạt động ngân hàng. Việc kiểm tra ba nội dung trên sẽ được tiến hành thường xuyên liên tục trong các tháng còn lại của năm 2009 ở tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước. Ngân hàng Nhà nước hy vọng sẽ kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương kích cầu của Chính phủ; đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng.

Nhiều người lo ngại thị trường chứng khoán tăng nóng một phần nhờ nguồn vốn kích cầu. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Việc thanh kiểm tra hoạt động cho vay hỗ trợ lãi suất được Ngân hàng Nhà nước triển khai theo kế hoạch đã định trước, song cũng sẽ thu hút sự quan tâm của dư luận. Vốn vay ưu đãi 4% lãi suất của Chính phủ nhằm tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, đầu tư mới trong bối cảnh suy giảm tăng trưởng. Nhưng nhiều người lo ngại nguy cơ đảo nợ, vay mới với lãi suất ưu đãi (dưới 6% một năm) để trả nợ cũ với lãi suất cao (có thể tới trên dưới 20%) mà không phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Thậm chí, có người còn lo ngại nguy cơ vốn kích cầu bị lợi dụng để vay đầu tư chứng khoán. Vấn đề này cũng được nhiều đại biểu nhắc tới trên diễn đàn Quốc hội.

Tính đến 4/6, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất bằng đồng Việt Nam đạt gầm 332.000 tỷ đồngtăng hơn 4% so với tuần trước đó. Trong đó, nhóm ngân hàng quốc doanh và quỹ tín dụng nhân dân trung ương cho vay hơn 240.000 tỷ đồng, nhóm cổ phần gần 74.000 tỷ đồng. Nhóm khách hàng là doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm tỷ lệ vay lớn nhất, đạt gần 220.000 tỷ đồng trong khi doanh nghiệp nhà nước chỉ vay hơn 53.000 tỷ đồng.

Liên quan tới nội dung quản lý ngoại hối, trong vòng hơn một tháng, từ 10/6 đến 25/7, Ngân hàng Nhà nước sẽ thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất. Thanh tra Ngân hàng Nhà nước cùng với đại diện các vụ chức năng trực tiếp kiểm tra hội sở chính, sở giao dịch của các ngân hàng thương mại nhà nước. Các ngân hàng cổ phần sẽ đón tiếp đoàn kiểm tra do Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố.

Thị trường ngoại hối cũng là vấn đề nóng hiện nay, khi doanh nghiệp rất khó tìm nguồn ngoại tệ để thanh toán hàng nhập khẩu. Các ngân hàng thường thông báo giá kịch trần và bán cho doanh nghiệp với giá cao hơn niêm yết. Các tổ chức có nguồn thu ngoại tệ cũng không mặn mà bán cho ngân hàng.

Song Linh

................

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#bao