bao tang dan toc hoc

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Người Việt (Kinh) chiếm khoảng 87% dân số toàn quốc. Họ sinh sống trên khắp cả nước song tập trung ở đồng bằng, trung du và ven biển. Tổ tiên của dân cư Việt - Mường đã hình thành Nhà nước đầu tiên của mình vào khoảng đầu thiên niên kỷ thứ I trước Công nguyên. Người Việt luôn là trung tâm liên kết các dân tộc anh em để cùng dựng nước và giữ nước. Làng là đơn vị cư trú cơ bản, nơi sản xuất nông phẩm, làm thủ công nghiệp và buôn bán nhỏ. Làng xã được tổ chức chặt chẽ với bộ máy quản lý theo lệ tục. Làng thường có đền thờ Thành hoàng và các danh nhân văn hoá, lịch sử... Làng là một cơ cấu duy trì cơ cấu xã hội và văn hoá truyền thống. Đô thị xuất hiện sớm và ngày càng phát triển, trở thành các trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá. Người Việt sớm chọn lọc để tiếp thu văn hoá Trung Hoa, Ấn Độ và văn hoá phương Tây đồng thời bảo tồn, phát triển tiếng nói và những tinh hoa văn hoá của dân tộc. Chữ Hán, chữ Nôm và Quốc ngữ đã lần lượt giữ vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển văn hoá quốc gia. Một không gian rộng rãi, sáng sủa và đầy ấn tượng dành cho việc tái tạo quá trình làm nón và hoạt động của người đan đó. Nón là một vật dụng gắn bó sâu sắc với người phụ nữ từ lâu đời. Nghề làm nón ở làng Chuông cũng như nghề đan đó ở làng Thủ Sỹ được tái tạo không chỉ thể hiện sự tinh tế, khéo léo, cần mẫn trong các nghề thủ công này mà còn chứng minh làng ở đồng bằng Bắc Bộ từ lâu đã có mối quan hệ kinh tế và xã hội rộng rãi trong việc làm ra sản phẩm cũng như tiêu thụ sản phẩm. Cảnh làm nón và chợ bán nón, cảnh làm đó và vận chuyển đó đi bán được thể hiện trên màn hình. Một số nét văn hoá cổ truyền người Việt được giới thiệu trong 11 tủ kính trưng bày với các chủ đề: Múa rối nước, nhạc cụ, tín ngưỡng thờ Mẫu, các đồ chơi dân gian của trẻ em, thờ Tổ nghề hát bội. Một số nghề thủ công tiêu biểu như nghề đúc đồng, chạm khắc gỗ, nghề sơn, nghề làm tranh Đông Hồ... được giới thiệu trong các tủ kính. Người xem vừa được thấy một số sản phẩm của nghề thủ công, vừa được biết công cụ, dụng cụ và quy trình sản xuất ra các sản phẩm ấy. Thờ cúng tổ tiên, nét văn hoá tiêu biểu của người Việt được thể hiện qua trưng bày bàn thờ tổ tiên ở một gia đình nông dân

.

Tượng thờ tổ nghề hát bội, bằng gỗ

Việt. Cai Lậy, Tiền Giang. 996.6.75 - Nguyễn Văn Huy sưu tầm

Dụng cụ đo tiền, bằng gỗ, thời Nguyễn

Việt. Cai Lậy, Tiền Giang. 997.6.62 - Nguyễn Văn Huy sưu tầm

Sắc phong của vua Lê Hiển Tông (niên hiệu Cảnh Hưng) năm 1786 cho một vị tướng có công với nước. Viết bằng mực tầu trên giấy dó, trang trí hoa văn hình rồng và vân mây, đựng trong ống quyển sơn son thiếp vàng.

136 x 52cm. Việt. Hà Nội. 996.43.26 - Phạm Văn Dương, Chu Thái Sơn sưu tầm

Kèn loa, bằng gỗ có khảm trai, dùng trong các dàn nhạc lễ.

L. 63cm. Việt, Cai Lậy, Tiền Giang. 997.6.64 - Nguyễn Văn Huy sưu tầm.

Giỏ đựng cơm bằng tre

Cao 15 cm, đường kính 16cm. Việt. Hoài Đức, Hà Tây. 996.41.18 - Nguyễn Bá Hân sưu tầm

Người Thổ là một cộng đồng thuộc các nhóm Kẹo, Mọn, Cuối, Họ, Đan Lai - Ly Hà, Tày Poọng. Dân số khoảng 51.000 người. Họ cư trú ở miền Tây tỉnh Nghệ An (thuộc các huyện Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Con Cuông, Tương Dương) và Thanh Hoá. Tuỳ từng nơi, họ sống chủ yếu bằng nương rẫy hay bằng ruộng nước. Cây gai đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế. Các hình thức săn bắn bằng lưới gai được sử dụng một cách phổ biến. Người Thổ ở nhà sàn hoặc nhà trệt. Họ không làm nghề dệt, thường đem các sản phẩm từ gai đổi lấy vải hoặc quần áo may sẵn. Nam giới ăn vận như nông dân người Việt. Còn nữ giới thì ở mỗi nhóm lại có một kiểu trang phục riêng do ảnh hưởng của những dân tộc cận cư. Đồ dùng trong nhà thường đơn giản. Nhà nào cũng có võng gai và chiếc cối gỗ hình thuyền.

''Võng ma'', đan bằng sợi gai, đồ tuỳ táng.

Thổ (nhóm Cuối). Tân Kỳ, Nghệ An. 996.28.32 - Võ Mai Phương, La Công Ý sưu tầm.

Cộng đồng Chứt gồm có 5 nhóm: Sách, Mày, Rục, A-rem, Mã Liềng. Dân số khoảng 3.000 người. Họ cư trú rải rác trong các thung lũng hẹp của dải Trường Sơn thuộc các huyện Minh Hoá, Tuyên Hoá, Bố Trạch (Quảng Bình), một số ít ở Hương Khê (Hà Tĩnh). Họ vốn là cư dân nông nghiệp nhưng do bị phân tán thành từng nhóm nhỏ, sống gần như tách biệt nhau nên sinh hoạt kinh tế và trình độ phát triển giữa các nhóm có sự chênh lệch. Người Sách sống ở vùng thấp, ngoài nương rẫy còn có ruộng nước, ruộng khô, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhà cửa của họ vững chãi, làng bản tập trung. Các nhóm khác đều ở vùng cao, trước kia sống dựa vào săn bắt và hái lượm những sản phẩm của núi rừng, đặc biệt là thịt Khỉ và bột cây Nhúc. Họ cư trú phân tán, nhà ở tạm bợ. Cách đây không lâu còn có những gia đình thuộc nhóm Rục sống trong các mái đá và hang động.

Giỏ đựng cá, cua, ốc, bằng tre và mây, có dây đeo.

Chứt (nhóm Mã Liềng). Hương Khê, Hà Tĩnh. 997.05.45 - Hoàng Bé, Vi Văn An sưu tầm.

Cộng đồng ngôn ngữ Tày - Thái có 8 dân tộc với dân số 3,1 triệu người, chiếm 4,8% dân số cả nước. Các dân tộc Tày, Nùng, Sán Chay, Giáy, Bố Y sinh sống ở miền đông bắc Bắc bộ. Còn các dân tộc Thái, Lào, Lự phân bố từ miền Tây Bắc đến miền Tây Thanh Hoá. Tổ tiên của một số dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái đã ở Việt Nam khoảng hơn 2000 năm trước. Các tộc người khác mới đến lập nghiệp cách đây vài trăm năm. Cư dân nhóm Tày - Thái có trình độ kỹ thuật cao trong canh tác lúa nước với những biện pháp dùng cày, thâm canh và hệ thống thuỷ lợi hợp lý. Một số nghề thủ công như dệt vải, dệt thổ cẩm được phát triển. Họ chưa có thiết chế gia đình phụ hệ. Từ rất sớm đã xuất hiện các tổ chức gia đình theo kiểu lãnh chúa như chế độ Quằng, Phìa, Tạo. Họ thờ cúng tổ tiên và chịu ảnh hưởng Tam Giáo (Khổng giáo, Phật giáo, Đạo giáo) ở mức độ khác nhau. Nhiều giá trị văn hoá cổ truyền đã ảnh hưởng không ít đến các dân tộc khác. Ở nhiều vùng, tiếng Tày hay tiếng Thái trở thành ngôn ngữ giao tiếp chung

Khuôn làm bánh khảo, bằng gỗ.

44cm x 11cm. Tày. Hà Quảng, Cao Bằng. 996.19.143 - La Công Ý, Võ Mai Phương sưu tầm

Giỏ đựng côn trùng làm thức ăn cho chim, bằng tre.

Cao 14,5 cm. Tày. Văn Quan, Lạng Sơn. 997.24.1 - Nguyễn Văn Huy, Nguyễn Thị Hồng Mai

Giỏ đựng cá, ốc, tôm, bằng tre.

22cm x 19cm. Tày. Hà Quảng, Cao Bằng. 996.19.120 - La Công Ý, Võ Mai Phương sưu tầm

Màn gió thổ cẩm, dệt bằng sợi bông và tơ tằm.

Tày. Cao Bằng. 93

Nón đan bằng tre và lợp lá cọ.

Đường kính 52cm. Nùng. (nhóm Nùng Lòi). Trùng Khánh, Cao Bằng. 996.19.54 - La Công Ý, Võ Mai Phương sưu tầm

Trang phục nữ, vải sợi bông, cúc bạc, đính các hạt bạc trang trí

Nùng (nhóm Nùng Inh). Mường Khương, Lào Cai. 994.6.3 - Nguyễn Thị Hồng Mai sưu tầm.

Trang phục nữ, vải sợi bông, đính các hạt bạc trang trí.

Tày (nhóm Pa Dí). Mường Khương, Lào Cai. 994.6.2 - Nguyễn Thị Hồng Mai sưu tầm

Nhíp cắt lúa, hình con chim.

9cm x 5cm. Bố Y, Quảng Bạ, Hà Giang. 996.32.42 - La Công Ý, Võ Mai Phương sưu tầm

Muôi xúc ngô, lúa, bằng gỗ.

Dài 33cm. Bố Y. (mua của người Hmông). Quảng Bạ, Hà Giang. 996.32.53 - La Công Ý, Nguyễn Trường Giang sưu tầm

Nón phụ nữ, bằng mây, tre và lá cọ.

Đường kính 58cm. Thái. (nhóm Thái Trắng), Phong Thổ, Lai Châu. 996.22.1. - Vương Thị Giỏi tặng

Y phục nữ, vải sợi bông, hoa văn trên váy dệt bằng sợi tơ tằm.

Thái (nhóm Tày Thanh). Nghệ An. 996.8.15 và 996.28.141 - La Công Ý, Vi Văn An, Võ Mai Phương sưu tầm

Giỏ đựng xôi, bằng mây và tre

Cao 11cm. Lào. Sông Mã, Sơn La. 996.6.9 - La Công Ý, Nguyễn Văn Dự sưu tầm

Giỏ đựng xôi, bằng tre và mây.

Cao 25 cm . Thái. (nhóm Thái Đen). Mai Sơn, Sơn La. 996.23.33 - Hoàng Bé, Cầm Trọng sưu tầm.

Gùi, đan bằng tre, có dây đeo qua trán và có ách tì vào 2 vai.

50cm x 45cm. Giáy. Cam Đường, Lào Cai. 996.5.11 - Mai Thanh Sơn. Vi Văn An sưu tầm.

Váy tơ tằm, chủ yếu mặc trong lễ hội, đi chợ hay đi chơi.

90 x 60cm. Thái (nhóm Tày Mường). Quế Phong, Nghệ An. 996.28.159 - La Công Ý, Võ Mai Phương sưu tầm.

Giỏ đựng đồ dùng cá nhân của phụ nữ, bằng tre, có dây đeo chéo qua vai

25 x 19cm. Lào. Sông Mã, Sơn La. 996.6.8 - La Công Ý, Nguyễn Văn Dự sưu tầm.

Túi bằng sợi bông và sợi tơ tằm.

22cm x 31cm. Nung. 938.8.23

Gối tre

21cm x 10cm. Sán Chay (nhóm Sán Chỉ). Định Hoá, Thái Nguyên. 996.11.92 - La Công Ý, Võ Mai Phương sưu tầm.

Gươm ''''''''thiêng'''''''' gia truyền. Vật bùa hộ mệnh, dùng trong lễ khánh thành nhà và một số nghi lễ khác. Thường ngày được treo cùng với túi bùa trên cột nhà ở gian thờ tổ tiên. Khi đi xa, chủ nhà mang theo để làm vật hộ mệnh. Bao và chuôi gươm bằng gỗ quí nạm bạc, lưỡi bằng sắt làm năm 1876, đến nay đã truyền qua năm đời.

Dài 68 cm. Thái (nhóm Thái Đen). Thuận Châu, Sơn La. 997.8.2 - Cầm Trọng sưu tầm .

Y phục nữ, vải sợi bông, hoa văn dệt bằng sợi tơ tằm, đính trang trí những đồng bạc.

Lự. Phong Thổ, Lai Châu. 996.38.41 - Cầm Trọng, Võ Mai Phương sưu tầm

Với dân số hơn 900.000 người, dân tộc Mường phân bố chủ yếu ở tỉnh Hoà Bình (trong đó nổi tiếng là 4 mường: Bi, Vang, Thành, Động) và các tỉnh Thanh Hoá, Phú Thọ, Sơn La. Người Mường làm ruộng nước trong các thung lũng với trình độ canh tác khá cao. Ngoài ra, họ còn chăn nuôi gia súc, gia cầm, săn bắn, đánh cá, hái lượm và làm thủ công nghiệp. Làng xóm định cư ở chân núi, bên sườn đồi, gần sông suối. Chế độ nhà Lang theo hình thức thế tập là tổ chức xã hội truyền thống trước đây. Mỗi dòng họ lãnh chúa (Đinh, Quách, Bạch, Hà, Hoàng...) đều có luật lệ riêng để chi phối các bản mường thuộc phạm vi cai quản của mình. Người Mường có kho tàng văn học dân gian phong phú với những trường ca, truyện thơ nổi tiếng như Út Lót - Hồ Liêu, Nàng Nga - Hai Mối..., có làn điệu Xéc Bùa, hát Ví và những điệu dân vũ đặc sắc như múa Bông, múa Quạt, múa Sạp

...

Ống đựng tên và tên, bằng tre, dụng cụ săn bắn

Dài 44cm. Mường. Lạc Sơn, Hoà Bình. 96.31.35 - Hoàng Bé, Trần Thu Thuỷ sưu tầm.

Lịch tre (khách đoi) dùng để tính ngày tốt, ngày xấu. Gồm 12 thanh tre nhỏ (dài 23cm) được khắc những ký hiệu báo ngày tốt, ngày xấu cho các hoạt động khác nhau (trồng trọt, săn bắn, mua bán...)

Mường. Lạc Sơn, Hoà Bình. 996.31.11 - Hoàng Bé, Trần Thu Thuỷ sưu tầm.

Giỏ (ơp) của phụ nữ, đan bằng dây khọ, đựng đồ dùng cá nhân (kim chỉ, trầu cau hoặc đồ trang sức).

10x13cm. Mường. Lạc Sơn, Hoà Bình. 996.31.9 - Hoàng Bé, Trần Thu Thuỷ sưu tầm

GIỚI THIỆUNhóm ngôn ngữ Việt - Mường

Ngay bên lối vào phòng trung bày này có panô giới thiệu một số thông tin chung nhất về dân tộc Việt cùng với ảnh và bản đồ. Một không gian rộng rãi, sáng sủa và đầy ấn tượng dành cho việc tái tạo quá trình làm nón và hoạt động của người đan đó. Nón là một vật dụng gắn bó sâu sắc với người phụ nữ từ lâu đời. Nghề làm nón ở làng Chuông cũng như nghề đan đó ở làng Thủ Sỹ được tái tạo không chỉ thể hiện sự tinh tế, khéo léo, cần mẫn trong các nghề thủ công này mà còn chứng minh làng ở đồng bằng Bắc Bộ từ lâu đã có mối quan hệ kinh tế và xã hội rộng rãi trong việc làm ra sản phẩm cũng như tiêu thụ sản phẩm. Cảnh làm nón và chợ bán nón, cảnh làm đó và vận chuyển đó đi bán được thể hiện trên màn hình. Một số nét văn hoá cổ truyền người Việt được giới thiệu trong 11 tủ kính trưng bày với các chủ đề: Múa rối nước, nhạc cụ, tín ngưỡng thờ Mẫu, các đồ chơi dân gian của trẻ em, thờ Tổ nghề hát bội. Một số nghề thủ công tiêu biểu như nghề đúc đồng, chạm khắc gỗ, nghề sơn, nghề làm tranh Đông Hồ... được giới thiệu trong các tủ kính. Người xem vừa được thấy một số sản phẩm của nghề thủ công, vừa được biết công cụ, dụng cụ và quy trình sản xuất ra các sản phẩm ấy. Thờ cúng tổ tiên, nét văn hoá tiêu biểu của người Việt được thể hiện qua trưng bày bàn thờ tổ tiên ở một gia đình nông dân

Nhóm ngôn ngữ Môn-Khơ Me ở miền núi

Trang sau Trang tiếp

GIỚI THIỆU

Đây là phần trưng bày về văn hoá 5 dân tộc ở miền Bắc (Khơ Mú, Mảng, Kháng, Xinh Mun, Ơ Đu) và 15 dân tộc ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên (Bru - Vân kiều, Tà Ôi, Cơ Tu, Hrê, Co, Gié-Triêng, Xơ Đăng, Ba Na, Rơ Măm, Brâu, Mnông, Cơ Ho, Mạ, Xtiêng, Chơ Ro). Thuộc không gian trưng bày này có 6 panô giới thiệu về các dân tộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ Me ở miền Bắc, ở Trường Sơn - Tây Nguyên, về nông nghiệp nương rẫy, về nhà cửa và tín ngưỡng. Bên ngoài các tủ kính còn có hiện vật để trên các giá đỡ và treo ở tường. Văn hoá truyền thống của các cư dân này đa dạng, có nhiều nét rất đặc sắc. Người ta còn thấy được những dấu ấn của văn hoá Đông Sơn, văn hoá Sa Huỳnh trên miền Thượng. Mặc dù cách bố trí trưng bày có tạo nên sự phân cách nhất định giữa các tộc người ở miền Bắc và các tộc người ở Trường Sơn - Tây Nguyên, nhưng vẫn dễ nhận ra những điểm thống nhất, tương đồng bên cạnh các đặc điểm tộc người và khu vực. Các chủ đề chính ở đây là: trang phục phụ nữ Khơ Mú, Mảng, những vật dụng hằng ngày của các dân tộc Kháng, Xinh Mun, Ơ Đu..., vỏ bầu trong đời sống, vật dụng bằng vỏ cây, các loại gùi, nghề dệt vải, nhạc cụ... Có 3 tủ giới thiệu về từng tiểu vùng: Bắc Trường Sơn, Bắc Tây Nguyên, Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Có riêng một tủ lớn giới thiệu về người Xơ Đăng. Lễ hội lớn nhất của các dân tộc bản địa ở Trường Sơn - Tây Nguyên là lễ hội đâm trâu cúng thần. Do đó, lễ hội đâm trâu của người Ba Na được lấy làm chủ đề tái tạo ở đây, đồng thời được giới thiệu qua phim video.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro