Chương 4:Tiếng vọng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trước hết, Xuyên phải đào một cái hố thật to, rồi cho thứ này xuống đầu tiên. Sau đó, dùng đầu của ba trăm nữ và bảy trăm nam, tuổi không quá mười, đặt hết vào hố ấy. Hằng đêm đến để niệm chú. Tuyệt đối không cho kẻ phàm lại gần.

Sau thất nguyệt kỵ, sẽ có một con cá chui lên, bơi bên trong hố. Khi nó đẻ trứng, tất cả màu đen, to như cái thúng, nhưng có quả duy nhất là vàng. Chỉ cần chui vào trong trứng này, sẽ đến được cây đại thụ đặt giữa tam cõi.
Xuyên không nghĩ ngợi làm chi, cô bắt đầu thực hiện theo cách mãng xà bày cho. Cứ đêm đến, Xuyên lại dùng pháp lực, bay đi khắp các vùng, sát hại vô số là trẻ con, gieo rắt thương đau cho biết bao gia đình.
Thời gian thấm thoát qua đi. Con cá mà mãng xà nói giờ đã thành hình. Trong khi ấy ở phía Nam, trận giao tranh giữa các phái tà – thiện, tinh, quái đã sắp đến hồi kết thúc. Thương vong không thể đếm xuể, người của Bằng Sơn được cử đi đa phần mất mạng.

Khi tới bên vách núi, Minh bị các đại âm tà đánh rơi xuống. Cũng may mắn có một nữ đạo sĩ họ Diệp kịp thời đỡ chàng trai rồi đưa đi bỏ trốn vào rừng sâu. Người này cũng phải lòng Minh trong khoảng thời gian hai phái là Bằng Sơn và Lĩnh Quái lập hội. Do vậy, cô quyết bảo vệ cho chàng trai kia dẫu thế nào.
Nhưng thật không may, khu rừng họ trốn vào là rừng Tử Kết. Người đời đặt như vậy vì đã nhỡ lạc vào đây thì chẳng có lối ra. Quanh quanh toàn là cây cối, nhưng lại không một con chim hay con thú trú ngụ.
Nữ đạo sĩ biết rằng với pháp lực của mình, cả hai không thể thoát được, chỉ có cô và Minh hợp sức lại thì may ra.
Nhưng chàng trai kia đang bị trọng thương, cần được tẩm bổ và chữa trị. Nơi đây ngoài những cây thuốc quý, chẳng có gì để ăn. Chưa ch.ết vì thương tật, đã chết vì đói.
Nghĩ cho Minh, nữ đạo sĩ quyết hy sinh. Cô tự cắt thịt mình ra cho chàng trai ăn rồi gắng sức mà truyền pháp lực cho anh.
Khi Minh tỉnh dậy trong cơn mê hồ. Anh không biết mình đang ở đâu, cũng chẳng rõ mình đã ăn những gì. Điều duy nhất anh biết đấy là nữ đạo sĩ họ Diệp đã bên cạnh vào lúc nguy khó nhất.
Chẳng bao lâu, Minh hồi phục hoàn toàn, cộng với phần pháp lực nữ đạo sĩ truyền cho, chàng trai bây giờ đã đủ sức rời khỏi Tử Kết.
Lúc mở mắt ra, trông thấy người bên cạnh đã chết không toàn vẹn, lại cảnh âm u xung quanh. Minh mới hiểu những gì nữ đạo sĩ kia trao cho chàng.
Trên đường về Bằng Sơ, lòng Minh đau thắt. Nghĩ đến ơn sâu nghĩa nặng, chàng trai chỉ mong có thể tìm cách, để kiếp sau được cơ may gặp gỡ, chàng làm trâu làm ngựa mà báo đáp cho ân nhân.
Tình cờ, Minh và Xuyên tao phùng. Bấy giờ nàng rằng đã ngộ ra lời chàng thuở ấy. Nay tìm được cách để đến đại thụ định đoạt duyên kiếp con người. Mong muốn Minh sẽ tới ấy cùng nàng để nên mối nghìn năm.
Chàng trai chỉ gật đầu rồi theo Xuyên vào trong quả trứng.
Mỗi một sợi dây trên đại thụ ý chỉ một người, mỗi đoạn lại là một kiếp, không phân luân hồi vào đạo nào. Chỉ những ai mang pháp lực mới nhận ra được đâu là sợi duyên của mình và người mình muốn nên sự.
Tuy thế, xung quanh gốc cây có một vòng kiền, thần – quỷ, yêu – ma không thể bước vào. Vì lẽ đó, Xuyên phải đứng ở ngoài, chỉ Minh mới làm được điều cô hằng mong nguyện.
Nhưng trái với những gì Xuyên muốn, Minh thắt đoạn duyên của chính anh và…nữ đạo sĩ họ Diệp.
Trông cảnh ấy, Xuyên đau khổ vô bờ và nghĩ mình đã bị phản bội. Cô vì chàng, từ bỏ hoài bão trở thành tiên, ra tay sát hại biết bao người. Nay kết cục lại thành ra như thế. Xuyên uất ức khôn nguôi. Cô tự cắn lưỡi để kết thúc kiếp người đầy khổ ải…

Thời gian sau ấy, với những công lao trong trận đại âm tà, Minh được đề chức thống lĩnh ở một điện của phái Bằng Sơ. Chàng ngày ngày tịnh tâm, tu đạo.
Cho tới một hôm, Minh đi ngang qua cái hồ nước lớn. Vị đạo nhân ngẫm lại chuyện xưa cũ, tấm lòng của những người đã vì chàng. Sau, Minh đặt tên cho hồ nước ấy là Dạ Xuyên.
Riêng con cá từng xuất hiện, nghe đâu, nó đi khắp nơi, tác oai tác quái, đã bị nhiều pháp sư triệt hạ.

Đấy là tất cả về truyền thuyết nơi gần với căn chòi của lão Lượng. Bao đời nay, đã rất nhiều người đặt ra nghi vấn: Cái hố chứa đầu người mà Xuyên tạo ra, phải chăng cũng chính là hồ nước này?
Lý do cũng rõ rành rành. Chốn đây đôi khi vẫn xảy ra nhiều chuyện lạ kỳ, chỉ cần nghĩ đến đã thấy rợn :
Như lúc nhà phó tổng có con hầu chửa hoang. Chờ khắc gọt gáy bôi vôi, trói vào bè chuối thì ả ta chẳng biết bằng cách nào lại trốn thoát.
Vài hôm sau, có người đi qua hồ Dạ Xuyên thì tình cờ thấy xác nổi. Nhờ lão Lượng đưa vào bờ, dân mới hay, đấy chính là con hầu nhà phó tổng. Nhưng lạ ở chỗ, bụng ả ta to như cái chum trông khác thường.
Khi nghiệm thi, dùng dao rọc ra, nước đen như mực ào ào tuôn khỏi bụng tử thi. Tuy vậy, chẳng có cái thai nào trong dạ cả.

Hoặc chuyện ông Tịnh - chủ lò gốm, cùng vợ đưa thuyền ra hồ Dạ Xuyên thưởng cảnh. Chỉ hai người ngắm mây ngắm nước, đám thuộc hạ thì đứng ở trong bờ.
Khi thuyền tới giữa hồ, sương khói bắt đầu kéo đến. Người ở bờ trông ra chỉ còn thấy chiếc thuyền trôi mà chẳng có vợ chồng ông Tịnh.
Đứa con trai lớn nhà chủ lò gốm nhờ lão Lượng giúp đỡ. Tuy nhiên đêm ấy mưa to gió lớn, nên ông không bằng lòng.

Sáng hôm sau, Quỷ Lượng cùng người nhà ông Tịnh kéo chiếc thuyền trôi vào trước. Cùng lúc đó thầy Mai xuất hiện. Chẳng hiểu sao thần thái ông ta trông rất vui vẻ.
Người này bảo rằng : Đêm qua mộng thấy ông bà Tịnh đang thượng cảnh thì bị một dòng thủy quái tìm cách lôi họ xuống.
Bấy giờ, mọi người hướng tầm mắt vào đáy thuyền. Họ hớt hải khi phát hiện những vết cào cấu khắc vào gỗ.
Ông Mai nói tiếp : Cũng nhờ vợ chồng nhà Tịnh làm nhiều việc tích công đức, nên được chư tiên ở Tinh Tòa phù trợ. Hãy về nhà bày cơm thịnh soạn, mừng vượt nạn.
Ai nấy nghe thế đều ngờ ngợ. Cho dù ông Mai nổi danh trong tài xem quẻ, nhưng chuyện ông mộng mị liệu có linh ứng?
Nhưng lão Lượng lại rất mến mộ người này. Do đó, cũng theo ý, thúc giục mọi người cứ thế mà làm.
Không ngờ, ông bà Tịnh về nhà thật. Họ chỉ đáp không rõ tại sao cảm thấy buồn ngủ, rồi khi tỉnh dậy đã ở nhà cậu em ở huyện bên. Cũng mất gần ngày đường mới về lại được đây…
Đó là đôi câu chuyện kỳ lạ điển hình xoay quanh hồ Dạ Xuyên. Còn nhiều hơn thế nữa. Và vì lẽ ấy, hồ này mới được mệnh danh là nơi thần bí bậc nhất vùng Loan Kỳ.

Hơi men cũng bay bớt, ông Lượng cầm chiếc đèn dầu ra phía sau căn chòi. Châm lửa lên, lão bắt đầu nấu thuốc. Đây là công việc ông thường làm trước khi ngủ. Gọi là thuốc nhưng thực chất cái công thức đặc biệt này không dùng cho người sống. Nó giúp bảo quản thi thể.
Đôi khi, vớt xác lên từ sông Thị, gia quyến của người gặp nạn sẽ tìm đến ông trong thời gian nhất định kể từ khi loan tin, tuỳ vào họ ở gần hay xa.
Do vậy, phía sau nơi ở của Quỷ Lượng, cũng có một căn chòi khác dùng để chứa thi thể tạm. Gọi chỗ đó là “bể nuôi xác”
Đang ngồi cho củi vào lò, người đàn ông nghe tiếng rít từ phía hồ Dạ Xuyên vọng lại. Âm thanh lúc trầm lúc bổng giữa đêm rất khó để miêu tả.
Lượng vốn đã quen với nó nên cũng chẳng tìm hiểu làm chi. Chỉ có điều, dạo gần đây, tiếng ấy càng ngày càng lớn dần…


“- Tùng! Tùng!”
Kẻ tuần đinh gõ vào trống báo hiệu đã đến canh hai. Lúc này, những người trong dinh của Vĩnh Sự đều say khướt cả.
Mặc dầu lúc đi có ý tìm ông Mai, nhưng tới đây thì gặp em mình đang đón vài vị có chức có quyền, cũng mong muốn xây đắp quan hệ, nên bá hộ Dương “chén chú chén anh”, quên mất công chuyện.

“- Nhân sinh năng kỷ hoan tiếu!(1)” - Thấy Vĩnh Sự đã say bí tỉ, một vị vẫn nâng rượu.
Ông dẫu mệt, nhưng sợ lỡ dịp “rồng đến nhà tôm”, bèn vui vẻ đối lại:
“- Đãn tương phùng, tôn tửu mạc tương thôi.(2)”
Nghe thế, vị kia bật cười rồi đặt chung rượu xuống. Họ cùng nhau trò chuyện, xong… thiếp đi trên bàn lúc nào không hay.

Lão Lượng giật mình tỉnh giấc. Mắt ông mở to trồ trố chăm chăm vào cái mái lá. Ông cảm giác như có ai đấy vừa gọi mình dậy.
Khoác thêm chiếc áo vào cho ấm, lão ta bước khỏi chòi, trông phía sao Hôm. Lão dự chắc cũng tầm đầu canh năm. Chưa khi nào Lượng giật mình tỉnh giấc vào giờ này cả, sớm lắm cũng phải khi gà gáy.
Trong lòng lão bỗng xuất hiện một điềm xa xăm, người đàn ông ấy luôn tin vào trực giác của bản thân mình.
Lượng vội vào trong lấy câu chùm và đèn dầu. Ông băng qua rừng, đi một mạch về phía hồ Dạ Xuyên.

Chỗ này có chiếc thuyền nan lão neo sẵn, nhưng cũng ít khi phải sử dụng tới. Chẳng nghĩ ngợi gì nhiều, Quỷ Lượng chèo ra hồ xem xét thử.

Bốn bề mênh mông u tối. Trông chiếc thuyền của lão trôi le lói ánh lửa tựa như hoa đăng vậy. Lượng rất hiếm khi di chuyển trên hồ này vào ban ngày, huống chi là giấc Mặt Trời còn chưa “dậy”.
Những làn nước cứ vỗ nhẹ vào đáy thuyền, như có ai bên dưới trêu ghẹo Quỷ Lượng vậy. Mỗi lần sào cắm xuống, y hệt bị kéo lại. Nhưng với lão, việc gặp phải cô hồn, bóng quế đã là điều thường nhật. Chẳng có chi hù doạ được người đàn ông cứng cỏi này. Đôi khi, lão còn thấy vui vì ít ra cũng vài “kẻ” muốn lại gần mình.
Như khả năng dự báo thiên phú, mỗi khi sắp tới gần xác người, lông trên chân trái của Quỷ Lượng lại dựng lên. Tuy nhiên đã hơn nửa canh giờ đi qua, chèo vòng quanh hồ Dạ Xuyên, ông vẫn chưa thấy một chút “tín hiệu” nào cả.
Lượng buông mái chèo. Bấy giờ, ông mới sực nhận ra, có một lực đang đẩy thuyền. Khiến nó di chuyển như được đề ra chủ đích rõ ràng. Lão cứ mặc coi nó sẽ dẫn mình tới đâu.
Đột nhiên, lông trên chân Lượng dựng thẳng đứng. Nhưng không chỉ ở cẳng trái mà còn ở cẳng phải.
Thấy bất thường quá, ông hít thở thật sâu để giữ bình tĩnh, cầm lấy chiếc đèn dầu, lia trước lia sau, tay còn lại dò câu chùm, xem có đụng trúng tử thi như mọi lần không
....
(1)Nhân sinh năng kỷ hoan tiếu: Nghĩa là đời người có thể mấy lúc cười vui.
(2) Đãn tương phùng, tôn tửu mạc tương thôi: Nghĩa là những lúc gặp nhau, chén rượu xin chớ giục nhau.
Hai câu trên dựa theo thơ của vị Hoài An lộ tổng quản Lương Tăng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#kinhdi