Bến Nổi

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mùa nước lên, con sống dâng đầy

Anh Sáu giăng câu linh bầy theo lưới

Điên điển bông vàng tận đồng xa

Bông súng trời mưa, trổ trắng trên đồng

Canh chua đồng ngoại nấu, thơm ngọt dòng phù sa.

Chú Tâm lái xe bỗng lên hứng ca vài câu ca đậm chất miền Tây, giọng chú ngọt lại xuôi tai khiến Thanh và mấy người đồng nghiệp cứ tấm tắc khen mãi không thôi. Chú Tâm là người dễ gần ăn nói phóng khoáng lại hóm hỉnh nữa, nói thật đến Thanh vốn luôn kiệm lời còn nói nhiều gấp đôi ba bình thường, hỏi thử xem mấy đồng nghiệp của Thanh trước giờ vốn mau mồm mau miệng nay lại gặp cạ cứng như chú Tâm ...chắc là bắn pháo liên thanh suốt chặng đường mất.

Thanh cười trừ vài cái rồi lại tranh thủ kiểm tra máy quay và mấy dụng cụ phục vụ cho chuyến quay phóng sự về An Giang - mùa nước nổi kì này. Mấy kì trước đều do một anh tiền bối của Thanh đảm nhận, kì này anh ấy chuyển công tác nên giao lại cho Thanh phụ trách.

Thanh cầm máy quay tỉ mẩn kiểm tra không bỏ sót một chi tiết nhỏ nào, sau cùng còn điều chỉnh hiệu ứng và chế độ quay giúp mấy ông tám kia nữa. Xong xuôi đâu đấy Thanh mới thư thả tựa người xuống ghế, dõi mắt nhìn ra những ngôi nhà ngói lụp xụp nép mình e ấp dưới rặng thốt nốt già ven sông, tầng tầng lớp lớp nối đuôi nhau, che chở nhau rồi hiên ngang như những anh lính canh đồn chỉ vì bảo vệ vẻ đẹp yên bình nơi thôn quê bến nước. Khung cảnh này đã bao năm không một lần thấy lại? Dòng kí thác cứ thế cuộn trào như dòng máu nóng chảy khắp cơ thể, rót vào lòng Thanh biết bao hoài niệm về một thời thơ ấu, gột rửa đi lớp bụi phủ kí ức  đã vùi sâu trong những lo toan bộn bề của cuộc sống, để lộ ra đâu đó bên trong tâm hồn trai sạn của chàng trai trẻ một lớp da non mớn hồng.

Chiếc xe chậm rãi lăn bánh, tiến từng chút từng chút một lên chiếc phà chở đầy những xe trước mặt. Tút...tút... Tiếng còi phà vang lên mấy hồi báo hiệu giục giã như đang hối thúc kẻ đi xa trở về, rồi chiếc phà cũ kỹ từ từ rẽ nước chậm rãi tiến về phía trước. Chú Tâm buông tay lái, thong thả xoay người lại lớn giọng thông báo:

-Đây là phà Vàng Cống, qua phà là tới An Giang. Mấy cậu đã chọn địa điểm quay chưa?

- Dạ, chúng cháu định tới làng ngoại cậu Thanh để quay.

Tiến - đồng nghiệp của Thanh nhanh nhảu tiếp lời.

Chú Tâm ngạc nhiên nói :

-Ủa, quê ngoại cậu Thanh ở An Giang sao? Vậy mà chẳng nói chẳng rằng gì. Cậu có hay về đây thăm quê hông vậy?

Thanh cười trừ, gãi gãi cái mớ tóc ngắn cụt ngủn mới cắt dăm bữa trước, anh nói :

- À! cái đó tại chú không có hỏi... Từ khoảng cuối năm cấp hai đến giờ cháu cũng không có về, phần do bận nhiều việc, phần cũng vì bất tiện trong việc đi lại.

Chú Tâm ậm ừ gật gật đầu nghe vẻ hiểu lắm, nhỏ giọng nói:

- Kể cũng đúng, từ Hà Nội vô An Giang cũng cực lắm! Một đằng ở trời Bắc một đằng ở tít cuối trời Nam đi máy bay còn đỡ chứ đi tàu hỏa thì mệt hay xe khách thì mệt. Nhưng ngần đấy năm không về lần nào kể cũng...

Chú Tâm nói nhát ngừng bỏ lại nửa câu sau yên lặng trầm ngâm như đang suy tư điều gì đó, một lúc sau lại chậm rãi tiếp lời :

- Chú nói cho mấy cậu nghe, thanh niên thời nay chỉ thích sống nơi phồn hoa phố thị đông vui nhộn nhịp, mà quên đi cái vẻ đẹp mộc mạc chân chất giản dị nơi thôn quê, quên đi hai tiếng "Quê hương" thiêng liêng mà mỗi người con dù đi đâu đều phải khắc cốt ghi tâm. Cậu Thanh này, An Giang cũng là quê hương thứ hai của cậu, dù cuộc sống công việc có bộn bề đến đâu chăng nữa quê hương vẫn luôn là nơi có thể đem lại cho cậu cảm giác an lành. Vả lại nơi đây chắc hẳn vẫn còn có ai đó đang ngóng trông từng phút giây cậu về thăm. Chú nói cậu nhớ lấy nghen.

Thanh lặng người đi, viền đuôi mắt đã hoen đỏ. Tiếng thổn thức khe khẽ phát ra từ sâu trong thâm tâm của người con xa xứ: "Ngoại ơi! Con về rồi".

Phà cập bến, chú Tâm lái chiếc xe chở đoàn phim tiến sâu vào con đường mòn gần đó, đường dằng, xóc, khúc khuỷu lại quanh co khiến cả đoàn một phen hoa mắt chóng mặt. Có kẻ đã bụm miệng đi tìm cái bọc quanh đó, rồi có kẻ kéo cả cửa kính xe xuống nhoài đầu ra ngoài mà hít lấy hít để thứ hương vị nhàn nhạt của chốn sông nước này. Còn Thanh, anh chỉ trầm ngâm yên lặng, ngoài mặt không đổi sắc, thế nhưng trong lòng thì đang gợn lên từng đợt sóng dữ.

Chiếc xe du lịch tám chỗ đỗ kịch lại trước một ngõ nhỏ sâu hun hút. Mọi người lục tục bước xuống xe, tay xách nách mang đủ loại dụng cụ lỉnh kỉnh chủ yếu để phục vụ cho công việc. Chú Tâm  đánh xe ra chiếc lán giữ xe dựng ven đê rồi nhanh chân nhập hội với mọi người. Chú Tâm liếc thấy Thanh đang đứng lặng trước ngõ nhỏ, khuôn mặt mang vẻ cười cười gọi với qua chỗ Thanh:

- Cậu Thanh cứ về thăm ngoại đi. Chú cũng có quen với anh Sáu người khu này, chú dẫn họ đến đó trước, lát cậu theo sau nghen.

Thanh chợt bối rối, lúng túng dạ vâng nhìn theo đám người đang xa dần sau mỗi bước chân, khẽ thở dài vài cái rồi cũng xoay người nhanh chân bước vào con ngõ nhỏ trước mặt. Thân hình Thanh bỗng khựng lại, trước gian nhà ngói quen thuộc cả một khoảng sân rợp bóng lim, bóng xà cừ phủ kín vòm trời rộng lớn  như bàn tay khổng lồ ôm trọn lấy gian nhà ngói cũ kĩ. Trước thềm, giàn thiên lý rủ xuống những sợi mảnh mềm mại thướt tha như làn tóc thiếu nữ nhẹ bay trong gió chiều. Thanh lách cách mở chốt cổng, nhẹ nhàng bước vào. Ngước mắt nhìn tán cây cao lớn Thanh khẽ cười, vậy là những cái cây mà bà và Thanh trồng ngày đó giờ đã lớn như vậy rồi sao? Thanh bước lên bực cửa, cởi giày bước vào gian giữa. Trên kệ thờ khói hương vẫn nghi ngút, mùi hương vòng vương vít tỏa khắp xung quanh. Khuôn mặt  ngoại hiền từ nhìn Thanh, bà mặc chiếc áo dài tím bằng lụa nhung, cổ đeo mấy chiếc vòng đá xanh ngọc và cả chiếc vòng hạt tràng màu nâu gỗ sậm nữa. Thanh đốt mấy nén nhang rồi vái ba vái lòng thành tâm cầu nguyện. Xong xuôi Thanh định trở ra thì gặp cô Xoan - một người họ hàng của Thanh. Cô mừng rỡ ôm trầm lấy Thanh mà khóc thút thít, mà kể lể về sự cô đơn khi một mình phải trông nom nhà cửa, hương khói cho ngoại. Thanh biết cô cực nhọc, biết cô đã cô đơn nhường nào khi luôn phải cô quạnh một mình. Thanh nhẹ nhàng nắm bàn tay gầy guộc của cô, run giọng nói:

- Cháu xin lỗi! Xin lỗi vì bao lâu nay...

Thanh nói được nửa câu, nửa câu còn lại cứ nghẹn ứ nơi cuống họng không thể nào thốt lên thành lời.

- Thôi được rồi cháu ngoan không sao, không sao đâu.

Cô Xoan dịu dàng vỗ vỗ bờ vai run rẩy của Thanh.

OoO

Thanh lững thững bước từng bước vô định trên con đường nhỏ ven đê, Thanh đi và nghĩ đến bao điều vu vơ, về cái ngày mà ngoại mất, Thanh đã chẳng thể ở bên ngoại những giây phút cuối đời. Rồi ngày giỗ đầu của ngoại chính là ngày bố mẹ Thanh chia tay Thanh buộc phải rời quê, kể từ ngày đó An Giang trong Thanh đã nhuốm một màu bi thương. Rồi dù đã lớn khôn, Thanh lại bị những bộn bề lo toan cuộc sống hàng ngày níu chân. Thanh đứng đó, lặng nhìn dòng nước trôi lững lờ giát lên mình một lớp bạc lấp lánh bởi nắng và gió.

Nghe tiếng mọi người gọi, gương mặt đang trầm xuống bỗng chốc thay thành vẻ bình tĩnh thường ngày, Thanh bước đi vội, cố không nghĩ đến đau thương. Bước chân dần nhanh hơn, chẳng mấy chốc Thanh đã đuổi kịp đoàn phim, bắt đầu hành trình trở về của mình.

Chú Tâm dẫn mọi người vào những căn nhà bè trên sông, những căn nhà bao quanh bốn bề là nước, lững chững giữa dòng tựa hồ đang trôi dạt.

Cảnh sắc ban trưa tuy nắng gắt nhưng cũng thật yên bình. Yên bình như cái tên mà người ta đặt cho chốn này vậy "Bến nổi" . Thanh cùng đồng nghiệp được người dân chốn này tiếp đón rất chu đáo, họ chân chất giản dị mà vô cùng hào sảng phóng khoáng.
Đoàn làm phim theo chân người dân đi hái điên điển vào cuối mùa nước nổi, họ đi thành từng đoàn, từng tốp hệt như đi trẩy hội vậy. Những bông điên điển vàng tươi mọc dại ven bờ ruộng, tựa như cả một sắc vàng điểm tô lên dòng sông xanh tươi vậy. Họ thi nhau ngắt hoa còn tranh thủ hái quả về trồng ven ruộng kiếm thêm thu nhập kể cũng một khoản kha khá. Điên điển, loài hoa của dòng sông quê An Giang, không đẹp cũng không ngon, nó có cái vị đắng nhàn nhạt và hương thơm nhẹ kết hợp nấu với cá linh rất đậm đà vị quê. Người miền Tây có câu: " Mùa nước nổi mà không ăn canh điên điển nấu với cá Linh thì thật không thể cảm nhận được hết  mùi vị nước nổi".

Món canh cá linh bông điên điển mà Thanh yêu thích vẫn là từ ngoại nấu, ngoại bảo bà có nguyên liệu tuyệt mật mới có thể nấu được món ăn đặc sản này, vị thật khác biệt, mùi vị ngòn ngọt đăng đắng pha lẫn vị béo bở của cá linh cùng với chút vị tình yêu của bà. Tất cả đều làm nên một món ăn cả đời này Thanh cũng không thể nào quên được.

---------------------------------------

Xế chiều, đoàn phim tập trung trên những chiếc xuồng con thuê bởi dân làng 'Bến nổi', họ kiểm tra lại máy móc thiết bị rồi đến trang phục và bài phóng sự. Thanh loay hoay cùng với cái máy quay từ sáng đến giờ, anh kiểm tra thật kỹ lưỡng, hy vọng kì này phóng sự sẽ thành công hơn. Ít kinh nghiệm nhưng chăm học hỏi, điều này luôn làm người ta thích anh hơn so với cái tính ít nói của mình, ngoại từng nói: "Mầy đi ra ngoài mà học hỏi chứ bám bà thế nầy sao lớn hở cháu? Giỏi nhưng ở đời cũng cần mồm miệng chút con ạ. Mầy cứ nói khi còn có thể nếu không lại lở dở cả tài năng."

Thanh nhớ lại lời bà mà thấy thật thấm thía lại nao nao đến lạ kì, dường như đây là lời nói đã khắc ghi trong tâm khảm của Thanh rồi, là triết lý sống, là nguồn động viên, là thứ anh mãi không thể nào để mất đi được.

"Xin chào mọi người, tôi là Thanh- phóng viên đài XX. Hôm nay, chương trình "Miền Tây sông nước" sẽ dẫn các bạn đến với chốn được mang danh là 'Bến nổi', nơi tụ họp của người nông dân khoác áo lưới làm ngư dân. Nơi các loài thủy sản mang theo phù sa dịu ngọt cùng những loài hoa vốn giản dị mà trở thành đặc sản quê hương. Nơi những con người thả hồn vào cái hoang sơ bình dị của nước non lặng lẽ thấm nhuần từng giọt mồ hôi.

Thanh ngồi trên chiếc xuồng đủ sức chứa khoảng vài tạ cá, cất tiếng nói. Lời Thanh như một khúc ca thanh mảnh giữa lòng sông sâu thẳm mà êm đềm đến lạ kì, anh từng bước dẫn dắt chương trình theo trình tự thường ngày nhưng sâu trong đó vẫn là một phần từ đáy lòng thoát ra, như được bộc lộ ra hết cái nhớ thương đã ủ ấp bao lâu nay. Từ anh quay phim đến người dân tất cả đều lặng lẽ làm việc,  lặng lẽ lắng nghe tâm tư mà Thanh muốn truyền tải để rồi lặng một lúc lâu.

Thanh nói đến từng chi tiết một, như hiểu cặn kẽ và tỉ mỉ hay có thể gọi là kể chuyện xưa chứ không phải chỉ đơn giản là tường thuật. Thanh hỏi sang chú Tâm thì mồ hôi đã úa ra từng chút một như đang kể lể sự mệt nhọc của chủ nhân:

-Đây là chú Tâm, người dân lâu năm của Bến nổi. Chú hiện hành nghề lái xe du lịch vào làng, chúng tôi may mắn được quen biết chú khi đến đây và bên cạnh đó, chú Tâm cũng là người đã giúp tôi trong suốt chặng đường sống và làm việc ở nơi non nước bao quanh này.

Chiếc máy quay phim chuyển hướng cận cảnh chú Tâm làm chú lúng túng một lúc rồi cười xuề xòa, mang đậm cái vẻ chất phác vốn thường trực của dân quê. Mặt chú nhăn lại vì cười lớn, hằn rõ những nếp nhăn xô lại nhuốm màu của thời gian, khẽ lau đi những giọt mồ hôi trên trán, vắt cái khăn rằn kẻ ca rô lên vai, chú nói:

-Chào bà con, tui là Tâm, hôm nay tui được lên ti vi rồi, hôm qua tui đã nói với bé Linh nhà tui là sẽ được lên truyền hình trực tiếp, nó bảo nó chả tin đâu. Lần này, làng xóm gần xa sẽ biết đến Tâm ở Bến nổi rồi. Để tui dẫn bà con đi tham quan nhé, dù nơi đây cũng chỉ là một địa phương nghèo nàn nhưng Bến nổi luôn là niềm tự hào của Tâm tui và bà con nơi đây.

Thanh khẽ cười, rồi lại lẳng lặng hướng mắt về con đê chạy dài phía bên kia sông. Hình ảnh hai bà cháu nom khom gỡ lưới tơ, người bà dù bận rộn cách mấy cũng không lơi mắt khỏi đứa cháu nhỏ đã tràn ngập trong ánh mắt Thanh, trào ra thành giọt lệ nóng hổi trên má người con sau bao năm xa quê giờ mới trở lại.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro