2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thành tích, giống như thành quả, thành tựu, thành công, là chuyện tốt, chuyện hay, đáng nêu gương, đáng học. Vì những cái “thành” ấy là do lao động sáng tạo mà ra. Cuộc sống thực phát triển, là do tất cả những cái “thành” từ mồ hôi nước mắt ấy của toàn xã hội.

Nhưng chạy theo thành tích ảo, đánh lừa người khác bằng con số ma, bằng báo cáo tô vẽ, như Bác Hồ từng phê bình là “làm láo báo cáo hay”, thì đáng gọi là “bệnh thành tích”, nguy hại cho cả xã hội lẫn chính người mang bệnh. Bệnh này có từ xưa lắm, nay thì lây lan rộng khắp các ngành các cấp, các địa phương, có thể xem là mạn tính, nguy hại lớn hơn bao giờ hết.

ĐUA DANH, DANH ẢO SINH LỢI TH ẬT!

Gốc rễ sâu xa của bệnh, là ở tâm lý hám danh hơn trọng thực vốn là một thói tật của con người tiểu nông cạn hẹp. Nên mới đua danh, tranh tiếng, xóm giềng mà hận nhau suốt đời chỉ vì một lời chê, rồi thì “gà tức nhau tiếng gáy”, “mua danh ba vạn”, vay tiền vay gạo làm đám cưới, đám tang, khao vọng linh đình để lấy tiếng tăm…

Khi cái danh vô ích ấy không chỉ được người chung quanh vị nể, mà còn có bằng, có sắc làm chứng loè thiên hạ, nhất là khi danh ảo có thể dẫn tới cái lợi thật, cái chức thật, cái quyền thật, rồi từ quyền lại đẻ ra danh, ra lợi cao hơn v.v., thì bệnh thành tích thời nào cũng có thể trở nên trầm trọng, lây nhanh, có khi bùng phát. Nay kinh tế thị trường hối thúc, đua tranh tiếng tăm, thương hiệu càng kích thích chạy đua thành tích ảo.

Xưa, từng có thời dân đinh trai trẻ chả biết chữ nào nhưng cứ bỏ ra ba quan tiền, là được cấp chứng chỉ “sinh đồ”, thành ra sinh đồ đông quá thể, dân chúng cười gọi “tam quán sinh đồ” để phân biệt với sinh đồ thật. Có thời vào vận mạt, ngân khố trống rỗng, như thời Trịnh Sâm, triều đình liền nghĩ mẹo đem bán một số chức tước có danh mà chẳng có quyền, cũng thu được một khoản tiền kha khá dùng vào việc đắp đê chống lụt.

Còn như chuyện người xưa làm giám thị, giám khảo mà gian lận, cũng như người dùng thế, dùng quen thân mà chạy tiếng, chạy bằng ( mà có bằng thi quốc gia là được bổ làm quan), cũng chẳng hiếm gì. Đến như bác học, Bảng nhãn Lê Quí Đôn cũng còn bị mang tiếng xấu là nhờ quan giám thị gà bài cho quí tử của mình trong kỳ thi hội!

Nay thì bệnh thành tích là muôn hình vạn trạng, có thứ triệu chứng thô lậu dễ thấy, có thứ tinh vi khó lường, nhưng cái hại thì cả trước mắt lẫn lâu dài đối với phát triển đất nước, tương lai dân tộc, cả về vật chất lẫn tinh thần, đạo đức, lối sống…

HAM DANH, GÂY HẠI KHÔN LƯỜNG

Hại to về tiền của, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng công quĩ xuống sông xuống biển, bởi ham phát triển dự án theo phong trào, không tính toán cặn kẽ đến hiệu quả đầu tư, trình độ công nghệ, thị trường...hoặc là do nhiệt tâm nhưng nôn nóng, hoặc do thiên về lấy tiếng tỉnh nhà, huyện nhà trong nhiệm kỳ mình không thua kém. Những xi măng lò đứng, nhà máy mía đường, chương trình đánh bắt xa bờ, chương trình bò sữa… ở nhiều nơi chẳng hạn.

Rồi nữa là công trình chạy theo tiến độ, cốt cho nhanh để được khen “về trước thời hạn”, nhất hạng là để “chào mừng”, hậu quả là chất lượng thấp, lại phải đổ tiền ra sửa chữa. Những chuyện bi hài cỡ nhỏ như sân vận động để mít tinh hay mở lễ hội chào mừng, chưa đến hội thì tường đã đổ, hay như vừa xong hội thì đã dỡ nền sân ra làm lại ( như sân VĐ Việt Trì, Phú Thọ dịp Lễ hội du lịch tỉnh năm 2005).

Hại cho uy tín của thể chế ta, của Nhà nước ta, là nạn gian dối thi cử, chạy điểm (ảo), chạy bằng (bằng thật học giả) của cán bộ học tại chức, có cả đại học, trên đại học, cùng những cuộc chạy huân huy chương, chạy danh hiệu, hàm vị này khác mà dư luận bàn tán từ lâu, tiếc là quá ít vụ việc bị phát giác, xử lý.

Hại cho đời sống văn hoá, mà văn hoá là một cầu nối nước ta với thế giới, chẳng hạn là nạn chạy theo thành tích thể thao. Nên nôn nóng giành huy chương mà ăn sổi, coi nhẹ xây đắp tầng nền là đào tạo tài năng thể thao từ tấm bé cho lâu dài tiến lên vững chắc. Nên xảy án hối lộ trọng tài, mua điểm, dàn xếp tỷ số…trong bóng đá. Âm nhạc cũng hối hả bụi bặm chạy đua của các ca sĩ nửa mùa, hát kém, chỉ giỏi phô phang thân thể, tranh lấy cơ hội các bầu sô lăng xê ầm ĩ, tiếng (ảo) nổi như cồn, cát sê cao, tiền vào như nước...

Hại cho sự nghiệp “trồng người”, cho chất lượng nguồn lực lao động mới, cho tương lai đất nước, mà dư luận toàn xã hội phàn nàn từ rất lâu nay, hiện đã đến đỉnh cao bức xúc, là nạn chạy theo thành tích, nói rõ hơn là nguỵ tạo những tỷ lệ quá cao số học sinh lên lớp, tốt nghiệp phổ thông các cấp, tốt nghiệp đại học, cao đẳng, xuyên tạc rất lớn chất lượng thật của giáo dục, đào tạo nước nhà. Bức xúc, nên càng sốc, và đau, khi hơn 6000 bài thi đại học vừa qua của các tú tài, là con số không tròn trĩnh, phản ánh một thành tích…trống rỗng về kiến thức của một tỷ lệ không nhỏ con em chúng ta sau suốt 12 năm đèn sách. Số bài thi điểm 1, điểm 2 còn nhiều hơn nữa.

Ngành giáo dục-đào tạo được xã hội hoan nghênh khi dấy lên cuộc vận động “nói không với gian lận thi cử và tiêu cực”. Mà trong số những tiêu cực, thì bệnh thành tích trong hoạt động giáo dục lại có tính xã hội hoá cao, nghĩa là không chỉ ngành giáo dục mà là cả xã hội đều “góp sức” cho bệnh thêm trầm trọng. Sự đời, lắm cái giả chấp nhận mãi thành quen, thành cái bình thường, thông thường, thông lệ, như là cơ thể xã hội đã quen, đã cân bằng với trạng thái bệnh lý.

Người trong cuộc quen nếp vẽ ra chỉ tiêu thi đua dạy tốt học tốt cao, năm sau cao hơn năm trước tý chút cho “hợp chiều hướng phát triển chung”, rồi đóng cửa bảo nhau nâng điểm, cho điểm, dễ tính trong coi thi, chấm thi…Các cấp bên trên ở ngành dọc duyệt chỉ tiêu cho đến các cấp chính quyền nghe báo cáo về chỉ tiêu, cũng đều hài lòng cả. Trường này trường nọ có khi tự thấy ngượng ngùng, có rút thấp chỉ tiêu cũng bị nhắc nhở, bị sức ép nhiều bề, từ trên xuống, từ cha mẹ học sinh lên, đơn độc có đúng cũng khó bề tồn tại, thôi thì cứ thông lệ mà làm, nhìn nhau mà sống, thế là vui vẻ cả.

Cả một hệ thống gian dối tiếp sức chạy theo thành tích cho trường học, nên căn bệnh mới nặng như bây giờ. Học trò đứa ham học, chăm học, bố mẹ biết chiều nhưng cũng biết nghiêm trong chuyện học, chuyện rèn phẩm hạnh của con, nhất là gặp may có thêm thầy cô nào đó có trách nhiệm nghề nghiệp, thì học khá, học giỏi, có em đỗ thủ khoa xứng đáng.

Nhiều học trò khác thấy học nhàn mà vẫn lên lớp, vẫn tốt nghiệp như ai, vì cả xã hội học thay mình, nên ham chơi hơn học. Thầy cô trẻ, muốn vươn lên dậy giỏi, thấy ba bề bốn bên đồng nghiệp phất phơ mà vẫn lên lương lên bậc, rồi cũng nản, buông xuôi…Nếp sống bệnh lý ấy khiến ngay cả cha mẹ học sinh lắm ngườì trong lòng thất vọng vì học lực kém của con em mình, biết rõ “chúng hổng kiến thức ngay từ ở các lớp dưới” ( như lời một phụ huynh tham gia vào cuộc “bồi dưỡng” giám thị tại Phú Xuyên, Hà Tây), nhưng óc chuộng danh và thực dụng khiến vẫn chạy chọt cho con có thể đỗ ảo, từ nạn nhân biến thành thủ phạm tiếp tay cho tiêu cực.

Tất cả đều vui vẻ, chỉ con em là đau khổ, vì học mười mấy năm mà lắm em vẫn thực ra là thất học. Đau khổ chát chúa, thấm thía là sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng, năng lực giả phải đối mặt với đòi hỏi của cuộc sống thực, thi tuyển vào cơ quan này, doanh nghiệp nọ, nhất là doanh nghiệp liên doanh hay doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài chẳng hạn, đương nhiên là là bị loại không thương tiếc. Cuộc sống thực luôn luôn sòng phẳng!

NÓI “KHÔNG” CÁCH GÌ ĐÂY?

Nói “không” với tiêu cực, với bệnh thành tích, trước hết và quan trọng nhất là tự mỗi người trong cuộc. Người trước cả trước hết và quan trọng hơn quan trọng nhất, là người lãnh đạo, người cầm cờ, nêu gương trung thực. Nói “không” và chống tiêu cực, chống nạn gian dối một cách kiên quyết, bền bỉ, khôn khéo. Trên không ép, không đồng tình, không ưa chạy theo thành tích, chạy theo chất lượng ảo, nhìn thẳng vào sự thật đời sống với tinh thần phê phán, bình tâm lắng nghe lời nói thật không mếch lòng, tỉnh táo trước những báo cáo ngợi ca...,thì dưới mới buộc phải và có thể tôn trọng chất lượng thật, dám báo cáo đúng sự thật dù là sự thật nhức nhối, có thể nêu các chỉ tiêu vừa sức để cả tập thể, cộng đồng cố gắng đạt được. Xã hội có cơ chế kiểm soát, ngăn chặn sự gian dối về chất lượng, điều chỉnh các hoạt động vào kỷ cương, trật tự.

Giáo dục- đào tạo vốn được coi là cần tuyệt đối trung thực và hướng tới chất lượng cao nhất, không chấp nhận hàng giả, hàng kém phẩm chất, vì sản phẩm là con người, là các thế hệ cần có học vấn và năng lực sáng tạo.Thiết nghĩ, đã đến lúc mọi thầy giáo, cô giáo, người quản lý, người lãnh đạo giáo dục nói "không " một cách thật lòng, và thực hiện nghiêm cam kết của mình chống bệnh thành tích, chống mọi tiêu cực học đường. Muốn trung thực, có trách nhiệm với đời, hãy trung thực với lòng mình, có trách nhiệm nghề nghiệp với chính mình trước hết.

Vô cảm, thờ ơ trước tiêu cực quanh mình để được an toàn, yên thân, là đồng loã với tiêu cực. Mỗi nhà giáo đều có thể là một thầy giáo Khoa, lương tâm, trách nhiệm, trung thực, dũng cảm, được thế thì tiêu cực trường ốc không còn nơi ẩn náu. Xã hội thì thúc đẩy việc kiểm soát, thông qua việc kiểm tra từ trên xuống, kiểm tra theo chiều liên kết ( thường gọi kiểm tra chéo), và kiểm tra nội bộ bằng hoạt động kiểm tra của các tổ chức Đảng, đoàn thể trong từng trường học, cơ quan giáo dục. Các trường học thì liên kết với chính quyền sở tại, thông qua các Hội cha mẹ học sinh, Hội khuyến học và các đoàn thể, tạo đồng thuận với dân, vì lợi ích của con em mình, nói “không” với tiêu cực, và tham gia kiểm tra hoạt động của nhà trường.

Trong khi, trước mắt, ai cũng biết nên riết róng việc trả bài, chấm điểm, tổ chức thi, coi thi, chấm thi đúng qui chế, thì việc cần nữa là đổi mới cách thức và hoạt động đánh giá chất lượng cả việc học lẫn việc dậy, việc quản lý, điều hành, sao cho đánh giá không phiền toái mà lại chính xác, trung thực, và giảm bớt và làm nhẹ nhàng hơn các kỳ thi. Ai ai cũng kỳ vọng nước ta sớm xây dựng được một nền giáo dục-đào tạo hiện đại, để cho cả học trò lẫn xã hội không phải bận tâm với chuyện thi cử hiện là khu vực nhiều gian lận bức bối, bởi chính học sinh, sinh viên được cởi bỏ sức ép thi cử cổ điển như hiện giờ, chẳng phải “chọi nhau” ở các kỳ thi tập trung đông đúc, do việc học, cách học, thời gian học... được tự do lựa chọn, và việc đánh giá chất lượng học hành trở nên thông thường như mọi hoạt động khác diễn ra trong trường học.

Vẫn biết ngày nay có lắm cái ”không” lại trở nên có giá, nhưng dù sao thì “không” cũng mới chỉ làm cho môi trường xã hội sạch, giống như dọn sạch mặt bằng thi công, chứ chưa xây cất được gì, chưa phải là chất lượng, là tăng trưởng. Cái gốc loại trừ bệnh thành tích, cũng là cái đích xã hội ta hướng tới, là ở sự vươn lên đạt mức tăng trưởng có chất lượng, cao như mong muốn về mọi mặt ( kinh tế, xã hội , văn hoá, lối sống...), với ngành giáo dục-đào taọ là chất lượng giáo dục, đào tạo toàn diện cao ngang hoặc hơn caí mức tưởng tượng hiện giờ ( tức là cái chỉ tiêu thi đua cao ngất ngưởng, bi hài mà ảo bấy nay). Đó mới là câu chuyện dài nghìn lẻ vài đêm...

@ All: tớ xí bài nì rùi, ai chép thì cũng lược bớt đi hok cô lại nói

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro