Chương 6

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 6:

Từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, nếu hỏi ngày gì quan trọng nhất trong năm thì câu trả lời luôn là Tết Nguyên Đán. Từ già đến trẻ, từ trai đến gái, nếu hỏi Tết Nguyên Đán việc gì mà bất kể là ai cũng phải làm, câu trả lời luôn là đi lễ chùa.

Vì vậy chùa Vân vào buổi sáng mùng một chật như nêm cối. Sợ Lành bị chen ngã, nên ba người đã đứng trước cổng chùa hơn một khắc rồi mà chưa đi vào. Bỗng chú tiểu Thiện Tài đi đến trước mặt ba người, chắp tay nói:

-Thiện tai, cha con nhờ con truyền lời lại cho các vị thí chủ. Nếu các thí chủ chưa muốn vào chùa, có thể vào nhà con ngồi nghỉ chân một lát.

-Cám ơn chú tiểu. Chúng tôi phiền hai người một lát vậy – Thấy sắc trời còn sớm, mà chùa vẫn còn khá đông đúc, Hiền chắp tay đồng ý.

Vừa đi theo sau chú tiểu Thiện Tài, Hiền không quên dặn Đông giữ miệng. Đông liếc xéo, ai chẳng biết mùng một kiêng kị nhiều.

Căn nhà lá của sư thầy tuy khá nhỏ, nhưng vẫn dành một góc để bày một kệ thờ Quan Âm. Kệ thờ sạch sẽ không một hạt bụi, trên kệ hương khói lượn lờ, có cả mâm trái cây cùng bình hoa sen trông rất tươi. Hiền cảm thấy có chút thất bại, thầm tính về nhà đóng một tủ thờ ông bà mới phải đạo.

-Thưa sư thầy, hôm nay người đi lễ chùa đông như vậy. Sao giờ sư thầy còn ở đây? – Bình thường tăng sư đều phải lo giúp đỡ các việc trong chùa, đặc biệt là những dịp lễ cần nhân lực như thế này. Đông khó hiểu, buột miệng hỏi.

Nhắc đến nỗi đau trong lòng, sư thầy có chút buồn bã, cúi đầu đáp:

-Đều là do việc không hay của tôi. Tôi không muốn ảnh hưởng đến danh tiếng chùa, lại không muốn xa chùa. Cho nên những dịp đông người thế này tôi sẽ tránh mặt, chờ người ta lễ xong rồi thì vào phụ các thầy dọn dẹp.

Thấy tâm trạng sư thầy không tốt, Hiền giận dữ liếc Đông ra hiệu im lặng, rồi mở miệng an ủi:

-Chuyện qua rồi thì đừng nghĩ đến nữa. Thầy cho chúng con xin lỗi, em con nó không biết ăn nói.

-Không sao, năm năm rồi, nghe mãi cũng quen – Sư thầy cười gượng.

Người lễ chùa dần thưa thớt, mọi người mới bắt đầu đi vào. Lúc đi ngang cây đa lớn trong chùa, Hiền chợt thấy một bóng áo đỏ lóe lên. Cái bóng này có chút ấn tượng, nhưng Hiền không nhớ rõ là gặp ở đâu. Dù sao chuyện không liên quan mình, Hiền lắc đầu đi tiếp.

Trên đường trở về, Đông tò mò hỏi:

-Anh Hiền, anh cầu cái gì vậy?

-Cũng không có gì, chỉ cầu cho Lành mẹ tròn con vuông – Hiền hồn nhiên nói ra, cũng không phát hiện ai kia cúi đầu xấu hổ.

-Em thì cầu chúng ta sớm ngày trở nên giàu có. – Đông gãi đầu, cười cười, nhưng sâu trong mắt vẫn không giấu được hy vọng.

-Lành thì sao? – Hiền quay đầu lại nhìn về phía Lành.

-Tôi cầu...mọi người được vui vẻ. – Lành ấp úng, bóp méo ước nguyện ban đầu của mình trước khi ra khỏi miệng.

Ba người rảo bước đi ngang tường sau chùa, Hiền mới nhận ra bóng đỏ kia là ai. Cô Mầu ngồi dưới góc cây, tóc cắm đầy cỏ gà, trên tay còn cầm hai ngọn cỏ rồi nói chuyện một mình. Lần này có dịp nhìn kỹ mặt, phải nói là cô Mầu đẹp thật. Mặt có chút tái nhợt, ánh mắt có chút vô thần cùng bất cần, nhưng vẫn không khó nhìn thấy được sự quyến rũ. Nếu cô Mầu không điên, chắc hẳn người hỏi cưới đếm không xuể. Đáng tiếc!

Nhưng đáng tiếc thì đáng tiếc, Hiền có thời gian để quấn quýt chuyện của người khác. Lắc đầu tản đi suy nghĩ của mình, Hiền bắt đầu nhẩm tính đi chẻ tre đóng tủ thờ.

Nghĩ là làm, trở về nhà còn chưa kịp ngồi, Hiền đã xách rựa ra lũy tre làng. Hì hục đến tối thì một tủ thờ bằng tre đơn sơ được thành hình. Tủ đặt ở sát vách gian phòng giữa nhà, bài vị của bà nội Đông được đặt lên trên. Nhìn thành phẩm của mình, Hiền cảm thấy có chút thành tựu. Nhà đã có chút hơi thở của gia đình.

Nghỉ ngơi được ba ngày, Đông với Hiền bắt tay làm việc trở lại. Mấy ruộng đậu bắt đầu rút nước, Hiền cuốc đất vét rãnh liếp đậu sâu xuống một tí. Đông theo sau dùng gàu múc nước đổ vào rãnh. Nhưng mà chuyện sẽ không có gì, nếu không nhìn thấy mấy ruộng bên cạnh có người bắt đầu ra canh tác. Đông một bên làm, một bên làu bàu:

-Làm trên đầu trên cổ người khác có vui không. Ăn sẵn máng người khác có vui không. Hừ!

-Kệ đi, mình lo làm của mình là được. Chấp nhặt làm gì cho mệt thân. – Hiền buông cuốc, nhíu mày khuyên.

-Nhưng mà em ức. Hồi trước sao mấy người đó không vét mương tự làm ruộng. Chờ mình vét rồi ra ăn hôi. Tức chết. – Đông càu nhàu.

-Mỗi người có suy tính riêng, đâu phải ai cũng như ai. – Nói thì nói vậy, chứ Hiền cũng buồn lắm. Nhưng số cực rồi thì đi đâu cũng phải cực. Người ta có thể bỏ ruộng thì đương nhiên vẫn còn cách khác mưu sinh. Ruộng tốt lại thì người ta nhân tiện mà sử dụng. Còn cô thì việc vác cuốc đi vét mương là con đường phải đi, không có đường khác.

-Nhưng mà, lúc mình vét không có ai thèm ra phụ một tay. – Đông vẫn còn ấm ức.

-Chắc do người ta không tin. – Hiền đáp một câu, rồi nắm lấy cuốc cúi người cuốc đất, không định nói thêm.

Ngày cứ như vậy trôi qua hơn ba tháng, đậu phộng đến lúc thu hoạch. Ba sào ruộng không tính là nhiều, nhưng hạt đậu nặng hơn lúa, nên thu hoạch khá tốn sức. Hai chị em Hiền dốc hết sức cũng tốn gần bốn ngày trời mới nhổ xong. Mà đậu nhổ lên rồi còn phải lặt rồi phơi. Hiền lựa lấy bốn cân đậu để dành làm giống vụ sau, còn lại đều định mang đi bán. Xong hết thảy cũng mất hơn mười ngày, đậu chất đầy cả sân, cũng được chín trăm mấy mươi cân.

Nói gì thì nói, nhưng việc đáng lo nhất chính là Lành đã mang thai tháng thứ tám. Vì vậy, Hiền quyết định để Đông ở nhà chăm sóc Lành, bản thân đi tìm anh Núi hỗ trợ.

Tiền túi cạn queo, may mà quán nhậu và quán ăn trong làng mua trước năm mươi cân đậu nhà Hiền, thu lại được một đồng. Hiền đem năm hào đi thuê hai chiếc xe bò, chở đậu ra thành Nam Đạo.

Đi hơn nửa tháng, Hiền mới trở lại với hai trăm cân đậu phộng bán chưa hết. Nhưng ngoài những thứ đó ra, Hiền còn mang về một người. Vừa nhìn thấy một cô gái khác cùng Hiền tay trong tay, Lành chịu không nổi đả kích, ôm bụng ngã ra đất bất tỉnh.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro