Chương 1 : Cô Ba Nguyên

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Một căn nhà ở Vĩnh Long - 1968

Dưới trăng, dòng sông trôi rất dịu dàng.
Như dải lụa vàng xuôi về phương Đông.
Gành Hào ơi
Nửa đêm ai hát lên câu hoài lang.
Vầng trăng nghiêng xuống trên vạt rừng tràm.

Chiếc băng cassette của những thập niên trước phát ra từng điệu nhạc hoài cổ, người phụ nữ luống tuổi với mái tóc bạc trắng búi đóa hoa theo lối búi tóc của phụ nữ Nam bộ xưa trong bộ bà ba màu ngà ngồi hướng đôi mắt xa xăm ra cửa sổ như đang cùng tiếng hát hồi tưởng lại miền ký ức năm nào. Bà lọm khọm đứng lên, mở ra cái hộc tủ gỗ Cẩm Lai khảm xà cừ lấy ra một chiếc quạt đã nhuốm màu thời gian. Người phụ nữ nâng lên đôi bàn tay lấm tấm đồi mồi, nhẹ nhàng miết theo nét chữ thư pháp trên chiếc quạt, miệng lẩm nhẩm đọc theo từng chữ : "Thiên Nguyên". Bà mở cái quạt ra, đôi tay run rẩy phe phẩy, nhắm mắt vẽ ra bóng hình thân thuộc trong đầu.

Xề u xế u liu phạn.
Dây tơ đàn kìm buông thiết tha.
Xề u xề u liu phạn.
Đưa cung đàn về trên bến xa.

Hai đứa nhỏ trạc mười hai mười ba đứng sau bức rèm che, len lén đưa đôi mắt nhìn người phụ nữ già. Đứa nhỏ hơn kề tai thằng anh nó, lo lắng hỏi : "Ngoại Trúc lại nhớ ngoại Nguyên nữa hả anh hai". Thằng nhỏ ra vẻ người lớn, quay sang làm ra nét mặt hiểu chuyện nói với em nó : "Ừ, em ra an ủi ngoại đi, ngoại buồn tội nghiệp".

Con Xíu thở dài, ngoại Nguyên mất cũng tròn năm năm, cả nhà nó ai cũng tiếc thương, nhưng thương nhất là bà ngoại Trúc của nó. Từ bận ngoại Nguyên mất, bà ngoại Trúc xuống dốc thấy rõ, bà yếu hẳn đi, từ trước tới giờ bà ngoại Trúc chưa từng phải dùng thuốc, vậy mà mấy năm nay bà nhập viện suốt, làm mẹ nó lo lắng không thôi. Thằng Tí anh nó cũng thương ngoại dữ lắm, nhưng nó giống ba, lời ăn tiếng nói vụng về, muốn tới an ủi ngoại nhưng sợ nói điều không phải chỉ làm bà buồn thêm. Thấy em gái cứ đứng vịn vách tường, nó đẩy đẩy vai Xíu, hối : "Đi đi, ngoại Trúc thương mày lắm, mày ra nói chuyện với ngoại là ngoại hết buồn à. Mày ra trước đi rồi anh hai ra sau."

Đứa nhỏ rụt rè bước ra khỏi tấm rèm che, tiến lại gần bà ngoại Trúc của nó, bàn tay nhỏ đặt lên đùi bà rung rung : "Ngoại Trúc ơi. Ngoại Trúc nhớ ngoại Nguyên hả?"

Người phụ già động mi, khẽ mở đôi mắt, bà mỉm cười vuốt má đứa cháu, giọng nói man mác buồn : "Xíu càng ngày càng giỏi nghen, ngoại nhớ ai mà con cũng biết nữa hả. Sao không ra chơi với mấy đứa nhỏ ha phụ người lớn mà vô đây?"

"Dạ má nói chỉ kho nồi thịt nữa là xong rồi. Tụi con không thấy ngoại nên mới vô kiếm ngoại nè." Thằng Tí bước vô đứng kế em nó, lễ phép dâng lên tách trà.

Nhìn thằng nhỏ sáng láng, bên khóe môi trái còn có lúm đồng tiền, đôi mắt nâu phảng phất nét mơ màng làm bà nhớ đến hình dáng chàng thanh niên binh chủng nhảy dù năm nào. Ngó qua con Xíu, ánh mắt thoáng cương thoáng nhu của nó hệt như cô gái gốc Phú Yên ngày xưa. Hai đứa trẻ gợi lại cho bà đoạn ký ức mà chỉ như mới xảy ra ngày hôm qua. Người phụ nữ già bước lại cái giá sách, lấy ra một cuốn album hình cũ rồi ngoắc tay biểu hai đứa nhỏ lại. Trang đầu của cuốn album là tấm hình bốn người, ba nữ một nam, tươi cười đứng giữa một đại lộ Sài Gòn xưa: Người thanh niên oai hùng trong bộ quân phục của quân chủng nhảy dù ngày đó, kế bên là cô gái tóc gợn sóng với chiếc đầm xếp tầng tân thời, tinh nghịch làm dáng với chiếc mũ beret đỏ đặc trưng của người lính không quân ; đứng cạnh cô là hai thiếu nữ dịu dàng trong chiếc áo dài truyền thống, cô gái cao hơn một tay khoác vai cô nàng đội beret, tay kia ôm eo cô gái còn lại, nở nụ cười tươi như ánh mặt trời mùa hạ, ở vị trí cuối bức ảnh là một người con gái có phần thấp hơn ba người còn lại, hai tay e thẹn xách chiếc túi xách để trước bụng, đằm thắm hướng máy ảnh cười.

Di chuyển ngón tay lên mặt từng người trong bức hình, bà ngước lên nhìn thằng Tí rồi chép miệng : "Thằng Tí, con giống ông ngoại con y chang. Nhất là đôi mắt với cái lúm đồng tiền. Còn Xíu y xì đúc bà ngoại Lâm Anh của con."

Hai đứa nhỏ chăm chú nhìn từng tấm hình trong album, tụi nó non nớt nghĩ rằng tụi nó không giống những đứa trẻ khác, có tận ba bà ngoại, nhưng chỉ có một ông ngoại. Thỉnh thoảng tụi nó tò mò, hỏi má thì má chỉ kể đại khái cho tụi nó hiểu. Nhìn hình bốn người trong cuốn album, thằng Tí thầm nghĩ chắc hẳn vào cái thời khói lửa ấy, bốn người họ đã phải trải qua rất nhiều phong ba, chợt muốn biết về cuộc sống của hai bà ngoại, của ông bà ngoại ruột những tháng ngày trước, nó tựa đầu lên vai người phụ nữ già, nhỏ giọng năn nỉ bà kể cho nó nghe.

Lật cuốn album hình, bà lấy ra tấm hình người thiếu nữ tóc dài xõa tới lưng, vận áo dài lam sắc tạo dáng bên chiếc xe cổ trong sân trước của một ngôi nhà kiến trúc Nam Kỳ xưa : "Đây là ngoại Nguyên của con hồi trẻ." Nhấp một ngụm nước trong tách trà đứa cháu trai mới đưa, mắt bà hướng xa xăm, đều đều giọng kể về những ngày xưa thân ái...








Trên con đường quê của một ngôi làng nhỏ thuộc tỉnh Vĩnh Long với bóng tre rợp hai bên, xuất hiện một chiếc Berliet màu ngà ung dung chạy. Vài người tá điền trên đường đi làm đồng về dừng bước nhìn theo chiếc xe, nghĩ thầm loại xe sang trọng như vầy thì chỉ có thể là xe của nhà ông Tỉnh trưởng. Ở làng quê nhỏ, người dân chủ yếu di chuyển bằng xe đạp hoặc xe thổ mộ, loại xe động cơ duy nhất mà họ thường thấy là những chiếc Jeep của những người lính quốc gia, lâu lâu mới xuất hiện những chiếc xe bốn chỗ của những ông chủ, cậu chủ giàu có. Với những người nông dân khắc khổ như họ, xe hơi là thứ xa xỉ, xa xỉ tới độ hiếm khi họ có dịp được nhìn thấy. Dần dần, người dân quê sinh tò mò, hễ thấy có xe hơi chạy về làng là đều tò mò nhìn theo.

Hôm nay trong xe là một giai nhân từ Sài thành về. Cô một thân áo dài lam sắc, cổ đeo kiềng bạc chạm rồng khắc phượng tinh xảo, đưa tay phẩy quạt nhìn ra cửa sổ. Môi son khẽ mỉm cười, khung cảnh thanh bình, con người miệt thứ gần gũi làm cô thích thú không thôi. Trái ngược với đô thành Sài Gòn, ngựa xe như nước, tiếng mời chào buôn bán trong đủ loại ngôn ngữ Việt, Hoa, có cả tiếng Tây xôn xao hòa lẫn tiếng động cơ xe hơi, người người tấp nập trên khắp nẻo đường, ngôi làng này chỉ có con đường làng nhỏ hai hàng cây xanh rợp bóng, đồng ruộng xanh ngát hương lúa trổ đòng, dòng sông đặc sánh màu phù sa, và chỉ có tiếng chào nhau của những người nông dân chân chất. Sài Gòn đem đến cho cô niềm vui và sự hưởng thụ, nhưng chỉ có ở quê cô mới tìm được sự thanh bình và an yên.

"Thưa, tới rồi Cô Ba"

Người tài xế mở cửa, lên tiếng làm gián đoạn dòng suy nghĩ của cô. Chân ngọc chạm đất, người tài xế lật đật bung dù che cho cô chủ, không để cô bị nắng.

"Cảm ơn chú Tuấn. Cực cho chú quá. Chú vô coi ăn chút gì rồi hẵn đi nghen chú."

Cô mỉm cười lễ phép với người lái xe. Tuy là cháu ngoại ông Tỉnh trưởng giàu có thuộc hàng nhất nhì đất Nam Kỳ lục tỉnh nhưng cô rất lễ phép, hòa nhã với mọi người, dẫu là người ăn kẻ ở cũng được cô đối xử đàng hoàng, lịch sự. Gia đình ông bà Tỉnh trưởng Long có tiếng là đức độ, thành ra rất được lòng dân làng.

Vừa bước vô nhà, theo thói quen Thiên Nguyên lên tiếng chào ông bà ngoại : "Thưa ngoại con mới về."

Cô ngồi xuống rót trà thư thả uống, tay vẫn phe phẩy chiếc quạt có ghi chữ Nguyên viết bằng thư pháp bay bổng. Thiên Nguyên đang ngồi chờ ông bà ngoại ra thì thấy Út Mận dưới bếp chạy lên báo rằng hôm nay ông bà Tỉnh trưởng đi đám giỗ làng bên, hỏi cô có đói không để dưới bếp chuẩn bị đồ ăn dọn lên cho cô.

Thiên Nguyên lịch sự lắc đầu : "Chị chưa đói, em cứ làm việc của mình đi. Khi nào đói chị sẽ nói."

Thường thì đồ ăn đã được chuẩn bị sẵn, chỉ chờ cô về là dọn lên cả nhà cùng ăn trưa. Hiếm khi ông bà ngoại vắng nhà, sẵn trời đang nóng, Thiên Nguyên nổi hứng muốn ra đình viên ngồi hóng gió. Cô sẵn tiện sai Út Mận mang đồ đem cất, chỉ cầm theo cuốn tiểu thuyết mới mua trên Sài Gòn theo, định bụng ra mái đình ngồi vừa hóng gió vừa đọc sách. Tâm tình đang tốt, cô vừa đi, tay phe phẩy cái quạt vừa hát vài câu hát từ cái dĩa than mà anh hai tặng cho cô.

Hôm nay ba má đi công chuyện không có ở nhà, cũng không có gì làm, Thanh Trúc ra mái đình trước vườn ngồi ngắm gió mây. Thấm thoắt đã sáu năm nàng làm dâu nhà ông Tỉnh trưởng Long, cũng là năm năm nàng chiếc bóng cô phòng mỗi đêm. Đã nhiều lần ba má chồng ngỏ ý giúp nàng mai mối, ông bà sẵn sàng đứng ra tổ chức lễ vu quy cho nàng nếu nàng đồng ý, tía má dưới Cần Thơ cũng hi vọng nàng có thể bước tiếp. Nhưng nàng thương ba má, tuy là con dâu nhưng nàng chưa từng một ngày khổ tâm vì ba má chồng, ngược lại ông bà thương nàng như con gái ruột. Nay nếu nàng đi theo người khác há chẳng phải là vô ơn với ba má, là bội nghĩa với vong linh phu quân sao. Thôi thì cũng là số trời, nàng chỉ thương cho mình bạc phước không có duyên phu thê. Quãng đời còn lại cứ đời ông trời định đoạt đi. Thanh Trúc thở dài nhìn theo lục bình trôi dưới hồ sen nhỏ, chua xót so sánh phận mình cũng như những nhánh lục bình kia, trôi dạt vô phương theo con nước. Mãi đắm chìm trong suy tư mà nàng không nghe tiếng hát từ chỉ cách vài bước chân. Tuy cách có mấy bước chân mà hai bầu không khí hoàn toàn trái ngược. Một bên thì yêu đời, vô tư, bên kia thì trầm mặc, âu sầu.

Thiên Nguyên đang vui vẻ ca thì thấy có bóng người ngồi bên thềm mái đình. Dáng người thon gầy, mái tóc dài buộc thấp, nước da trắng trẻo như lấp lánh dưới ánh nắng ban trưa. Phía xa xa là mấy bông sen hồng nở rộ, làn gió nhè nhẹ lay vài sợi tóc con rũ bên má nàng. Cảnh đẹp làm nền cho mỹ nhân, làm cho Thiên Nguyên không tin vào mắt mình, cứ ngỡ như một bức tranh. Nhưng ở cái làng này ngoài cô ra thì còn ai có thể xinh đẹp đến động lòng người như vậy. Dựa theo quần áo thì chắc chắn phải là cô Hai cô Tư con ông Tỉnh nào đó. Mà người đó còn lại ngồi trong nhà cô, không lẽ ông bà ngoại hẹn ai tới làm mai mối cho mấy thằng em bà con của cô? Suy nghĩ lung tung chi bằng tới gần để xem cho rõ. Thiên Nguyên nhanh chóng tiến lại phía người ngồi một mình đằng kia.

Thanh Trúc cảm giác có người lại gần, nâng mặt lên nhìn. Đập vào mắt nàng là gương mặt trắng trẻo xinh đẹp nhưng hai mày nhíu chặt, môi son hơi bĩu ra. Đi bộ từ nhà ra sân vườn, bị nắng chiếu vào mắt làm cho giác mạc Thiên Nguyên vẫn chưa thích ứng với bóng râm trong mái đình, nên cô nhíu nhíu đôi mắt đặng nhìn rõ hơn. Có hơi bất ngờ, nhưng Thanh Trúc nhanh chóng nhận ra đó là Thiên Nguyên, là cháu gọi nàng bằng mợ. Mà Thiên Nguyên cũng nhìn được cận mặt cô tiểu thư lạ trong vườn nhà mình chính là mợ út, người đã ở chung nhà với mình suốt hai năm nay. Cô không ngờ nhìn gần mợ út lại xinh đẹp động lòng người như thế này. Đôi mắt bồ câu long lanh dưới hàng mi dài cong vút tự nhiên, chiếc mũi dọc dừa hoàn hảo, nhìn xuống dưới là đôi môi trái tim chum chím. Mang tiếng ở chung nhà, nhưng Thiên Nguyên ngoài ông bà ngoại ra thì rất ít tiếp xúc với người khác. Cô tuy có nói chuyện xã giao với nàng, nhưng chưa từng để ý rõ gương mặt nàng, không nghĩ rằng có một ngày tìm thấy một người đẹp hơn mình ngay trong chính nhà mình. Thiên Nguyên cứ đứng như trời trồng nhìn thẳng vào gương mặt Thanh Trúc.

Thanh Trúc vừa tức cười biểu cảm của Thiên Nguyên, vừa không biết làm sao vì lần đầu tiên bị người khác nhìn trân trân như vậy, đành lên tiếng giải vây cho bầu không khí kì lạ này.

"Cô Ba mới về hả? Cơm nước gì chưa mà ra đây?"

Thiên Nguyên lúc này hồn mới nhập xác, máy móc bước lại ghế ngồi, cuối xuống rót trà để che đi sự bối rối của mình : "Dạ, con mới về hồi nãy. Mà bị ông bà ngoại đi đám giỗ làng bên rồi, thành thử ra con mới đi vòng vòng chơi, ai dè gặp mợ ở đây."

Thanh Trúc theo lệ trả lời : "Vậy sao?". Thời điểm nàng gả về đây thì Thiên Nguyên vẫn còn ở trên Sài Gòn cùng cha. Theo lời ông bà Tỉnh trưởng kể lại thì cô ở cùng với ông bà tới năm 4 tuổi thì theo cha lên Sài Gòn vì cậu ba Lân muốn lên Sài Gòn lập nghiệp. Đến khi cô 16 tuổi thì cậu Lân mở thêm xưởng tàu ở Nha Trang, phải thường xuyên đi công tác qua lại giữa Nha Trang - Sài Gòn nên đành gửi cô về Vĩnh Long ở cùng ông bà ngoại. Từ đó đến nay cũng đã được hai năm. Thanh Trúc còn nhớ ấn tượng của nàng về Thiên Nguyên là một cô gái đậm khí chất đô thành. Khi nàng bước vào căn nhà ba gian, tất cả mọi người, từ người ăn kẻ ở đến ông bà Tỉnh trưởng, kể cả nàng đều bị cô thu hút sự chú ý. Giữa một rừng áo bà ba, Thiên Nguyên mặc một chiếc sơ mi màu cam đất, họa tiết polka dot đen, đầu đeo băng đô ton sur ton với chiếc áo cô đang mặc. Tuy mới 16 tuổi nhưng Thiên Nguyên cao hơn hầu hết những cô gái đồng trang lứa ở quê, chiếc quần tây đen ống đứng tôn lên đôi chân dài miên man của cô. Ở dưới quê phụ nữ cho dù cho điều kiện đến mấy cũng chỉ mang guốc gỗ truyền thống, nhưng Thiên Nguyên mang đôi sandals cao gót đen hở ngón chân, tôn lên bàn chân ngọc trắng nõn. Trên người cô còn thoang thoáng mùi nước hoa Pháp, khiến cho khí chất cô tăng lên gấp bội. Tuy chồng nàng thuở sinh thời từng thỉnh thoảng đưa nàng đi Sài Gòn thăm thú, nhưng khí chất của Thiên Nguyên khác hẳn những cô gái Sài Gòn nàng đã từng gặp.

Thiên Nguyên thấy Thanh Trúc dường như đang chìm vào suy nghĩ của mình, để cho không khí đỡ bối rối đã quyết định tìm chuyện phiếm hỏi vu vơ : "Mợ út cũng ra đây hóng gió hả?"

Kể từ ngày chuyển về quê sống với ông bà ngoại, cô rất ít khi nói chuyện với mợ út. Họ chỉ gặp nhau những lúc ăn cơm chung với ông bà Tỉnh trưởng, bình thường buổi sáng cô đi học, trưa cũng dành thời gian nghỉ ngơi, chiều lại đi bộ qua nhà má Năm chơi với mấy đứa em họ, rất ít có cơ hội tiếp xúc với nàng. Ông bà Tỉnh trưởng đã nhiều lần gợi ý Thanh Trúc nên chỉ dạy cho Thiên Nguyên thêu thùa, may vá nhưng rồi cũng như nước đổ lá môn. Ngoài mặt cô vâng dạ nhưng rồi cũng không làm theo, vì cô không thích những công việc đó.

"Ừm. Ở trong nhà hổm rày nực quá. Mà cô Ba thích đọc sách hả?" - Thanh Trúc nhìn thấy cuốn sách để trên bàn, thuận miệng hỏi.

"Dạ. Hôm bữa lên Sài Gòn anh Hai dẫn con đi nhà sách, ảnh biểu con lựa mấy cuốn về đọc. Mợ út cũng thích sách sao?"

"Lúc trước có hay đọc tại vì tía mợ là thầy giáo, nhưng mà bây giờ không còn đọc nhiều nữa."

Thanh Trúc khẽ thở dài, nhưng hành động của nàng đã bị Thiên Nguyên bắt trọn vào mắt. Bỗng nhiên cô thấy thương cảm cho nàng, cậu út qua đời cũng được năm năm, năm năm qua chắc hẳn nàng rất cô đơn. Dẫu ông bà ngoại có tốt, có thương nàng nhưng nỗi cô đơn đằng đẵng của người góa phụ chắc hẳn không có ai để nàng có thể chia sẻ cùng.

"Nếu mợ không ngại thì cứ lấy sách của con đọc. Mỗi lần về từ Sài Gòn con đều đem theo sách về hết. Để chút cơm nước xong mợ vô phòng con mà lựa, mợ đừng có ngại nghen mợ."

"Thôi, sách của cô Ba thì để cô Ba đọc..."

Thanh Trúc không ngờ Thiên Nguyên mở lời đề nghị mình. Trong lòng nàng cảm kích cô, nhưng nghĩ sợ làm phiền đến Thiên Nguyên nên nàng đành từ chối.

"Không có chi đâu mợ. Sách trong phòng con đều đọc qua hết rồi. Thôi giờ con vô ăn cơm, mợ út cơm nước gì chưa? Chưa thì ăn với con luôn, để con kêu Út Mận dọn lên. Trong phòng con có mấy cuốn sách hay, chút nữa con dẫn mợ vô lựa nghen."

Không đợi nàng nói tiếp, Thiên Nguyên nói hết một hơi rồi xoay gót bước vào nhà. Biết không thể từ chối được nữa, Thanh Trúc đành thuận theo Thiên Nguyên, theo cô vào nhà dùng cơm.



Mâm cơm được dọn ra, Thiên Nguyên lễ phép bới cơm vào chén trước cho Thanh Trúc, không quên mời nàng dùng cơm. Đây là lần đầu tiên hai người ăn cơm cùng với nhau, Thanh Trúc không biết nói gì, tính Thiên Nguyên vốn cũng ít nói với người chưa thân quen, nên cả hai chỉ chăm chú ăn cơm. Thỉnh thoáng Thanh Trúc có hỏi Thiên Nguyên vài câu về chuyện học hành, bữa cơm cứ như vậy mà trôi qua.

Cơm nước xong xuôi, Thiên Nguyên dẫn Thanh Trúc vào phòng giới thiệu cho nàng cái kệ sách của mình. Cô biểu nàng cứ thoải mái lựa chọn rồi đọc thử. Mà Thanh Trúc vốn yêu sách, bởi tía nàng là một thầy giáo, từ nhỏ nàng đã được ông dạy học, rồi từ đó niềm yêu thích của nàng dành cho văn học ngày càng tăng. Chỉ tiếc nàng gả đi quá sớm. Thanh Trúc lựa được một vài cuốn sách hay, Thiên Nguyên nói nàng không ngại có thể lại bàn bên cửa sổ đọc thử. Nàng thuận theo, để sách lên bàn, mở sách chăm chú đọc. Còn bên đây Thiên Nguyên cũng lo xếp mấy thứ đồ linh tinh nàng đem từ Sài Gòn về. Cất xong hết đồ từ hành lí, Thiên Nguyên xoay qua định hỏi Thanh Trúc có ưng mấy quyển sách của cô không thì một lần nữa cô lại bị bộ dạng chăm chú đọc sách của nàng làm hấp dẫn. Nàng ngồi bên cửa sổ, tóc hơi rũ qua một bên vai, mi thanh khẽ chớp. Dáng ngồi nghiêng trong chiếc áo bà ba càng tôn lên đường nét mảnh mai của nàng. Bỗng suy nghĩ đến những năm qua, trong khi mình luôn được cha thương yêu chiều chuộng, luôn mua tặng cho mình những món trang sức, những bộ quần áo đẹp, ở quê thì có mấy đứa em bà con (em họ) bầu bạn, cuối tuần lên Sài Gòn được anh hai chị dâu dẫn đi ăn nhà hàng, đi coi rạp chiếu bóng cùng bạn bè trong khi nàng thì quanh năm cô phòng ủ kín tâm tư, ngày ngày lẩn quẩn trong nhà, trong cái làng quê nhỏ xíu, tối đến thì giường đơn gối chiếc, lạnh giấc cô miên, Thiên Nguyên cảm thấy mấy năm qua Thanh Trúc thật cô đơn biết bao. Cô thấy xót xa thay cho Thanh Trúc, nghĩ rằng mình nên bầu bạn với nàng, để cho nàng vơi đi nỗi niềm.

Đọc lướt qua quyển sách, Thanh Trúc trong lòng đánh giá cao nhân sinh quan của Thiên Nguyên. Tuy tuổi còn nhỏ nhưng những tựa sách nàng đọc đều rất có chiều sâu. Vui vẻ vì đọc được quyển sách hay, Thanh Trúc nhìn Thiên Nguyên, đôi môi hàm tiếu vẽ lên hình cong, nói lời cảm ơn với cô.

Từ Sài Gòn về Vĩnh Long cả trăm cây số, nét mệt mỏi vẫn hiện rõ trên khuôn mặt Thiên Nguyên dù cô đã cố gắng tươi cười giấu đi. Nhưng Thanh Trúc là con người tinh tế, nàng không muốn làm phiền cô nữa, đứng lên chuẩn bị về phòng mình : "Cũng xế chiều rồi, cô Ba đi về nãy giờ cũng mệt. Thôi không làm phiền cô ba nữa, mợ về phòng cho cô Ba nghỉ ngơi."

Thiên Nguyên cũng đã thấm mệt, gật đầu đồng ý với Thanh Trúc. Trước khi Thanh Trúc ra khỏi cửa phòng, Thiên Nguyên chợt kêu lại khiến nàng dừng bước.

"À mà mợ út..."

"Sao vậy cô ba?"

"Hình như hơi không đúng. Mợ út kêu con như vậy hình như không có được phải phải không."

Thanh Trúc ngẩn người ra. Chuyện này là do lần đầu nàng gặp Thiên Nguyên, bị ấn tượng mạnh bởi khí chất áp người của cô, không thể thuận miệng kêu cô bằng con. Chưa kể khi đó nàng cũng còn trẻ, vẫn chưa quen xưng hô với một thiếu nữ nhỏ hơn mình chỉ vài tuổi hai tiếng mợ-con. Nàng đem chuyện đó giải thích sơ qua với Thiên Nguyên. Không ngờ cô cười rộ lên, ánh nắng xuyên qua cửa sổ làm ánh lên gương mặt cô, khiến nụ cười của cô rực rỡ như ánh mặt trời mùa hè.

"Thì ra là vậy sao. Mợ út, vậy từ giờ đừng kêu con là cô ba nữa. Cứ gọi con là Nguyên đi."

Thanh Trúc lại một lần nữa bị bất ngờ bởi lời đề nghị của nàng, thầm nghĩ cô gái này quả nhiên khác xa với những người dân quê ở đây, phóng khoáng đậm chất Sài Gòn. Đôi môi cong lên hình lưỡi liềm, chỉ mới tiếp xúc nhưng Thanh Trúc quả thật rất có cảm tình với cô , nàng cười đáp ứng : "Ừ, vậy nghe theo Nguyên."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro