Bí ẩn thế giới...

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bóng ma xuất hiện khi có sóng hạ âm

Chuyên gia công nghệ thông tin người Anh Vic Tandy không bao giờ quên đêm đó. Ông đang làm thêm trong phòng thí nghiệm tại ĐH Coventry, Anh. Đồng hồ chỉ 7 giờ tối. Tất cả các cộng sự đã về song Tandy dường như mất cảm giác về thời gian vì hoàn toàn bị cuốn vào công việc.

Đột nhiên, ông cảm thấy lạnh buốt dọc sống lưng - có ai đó đang theo dõi ông. Tandy nhìn quanh và trông thấy một cái gì đó không rõ hình dạng, mờ ảo như sương mù, màu xám đang tiến về phía mình. Nó dường như đang di chuyển và nhìn thẳng vào Tandy. Bóng ma ấy biến mất trong luồng không khí mỏng khi chỉ còn cách nhà nghiên cứu chưa đầy một mét.

Trên đây chỉ là phần đầu câu chuyện mà Tandy kể lại với một trong các tờ báo Anh. Phần còn lại mở ra như một cuốn phim trinh thám xen kẽ với các chi tiết khoa học.

Là một nhà nghiên cứu thực thụ, Tandy quyết định tìm hiểu hiện tượng này, trên nền tảng khoa học vững chắc. Ông đã bỏ ra 5 năm để tìm hiểu tất cả các câu chuyện liên quan đến ma quan sát được trong các lâu đài ở Anh, đồng thời "mai phục" vào đêm. Ông cũng nghiên cứu các thiết bị khoa học. Cuối cùng, Tandy tin rằng mình đã biết các bóng ma từ đâu đến, thậm chí giải thích được lý do vì sao cư dân xứ sở sương mù chạm trán ma với tần suất cao hơn cư dân các nước khác.

"Những bóng ma ở đất nước này có nhiều lý do để đi dọc theo các hành lang và tháp canh của những lâu đài và biệt thự cổ vì gió biển mạnh thổi nhanh trên khắp các hòn đảo nước Anh", Tandy nói. "Những cơn gió đã tạo ra sóng âm ở một dải tần số đặc biệt, mà cho đến gần đây các nhà nghiên cứu vẫn không ghi nhận được. Người ta thường nhìn ra hiện tượng được tạo bởi những sóng âm này là những con ma".

Tandy đi đến kết luận này một cách tình cờ. Ông mang một thanh kiếm mỏng tới chỗ làm việc một ngày sau khi nhìn thấy bóng ma trong phòng thí nghiệm. Thanh kiếm này cần được sửa chữa để tham gia một cuộc thi đấu mà Tandy dự định vào cuối tuần đó. Ông giữ nó trong một cái mỏ cặp và không lâu sau quan sát thấy nó đu đưa như thể một bàn tay vô hình nào đang nhấn từ trước ra sau. Nhà nghiên cứu tin rằng ông đang chứng kiến hiện tượng cộng hưởng.

Vào thời điểm đó, phòng thí nghiệm rất yên tĩnh. Tandy hạ thanh kiếm xuống để đo đạc quá trình này bằng một vài thiết bị. Ông thực sự kinh ngạc khi phát hiện thấy một tiếng động kinh hoàng đang tràn đầy căn phòng ngay lúc đó. Nhưng tất cả những âm thanh này là sóng hạ âm, với tần số nằm dưới ngưỡng nghe của con người.

Không mất nhiều thời gian để định vị ra nguồn phát âm thanh: Nó xuất phát từ một bộ thông gió mới được lắp đặt trong một máy điều hoà. Khi nhà nghiên cứu tắt bộ thông gió, thanh kiếm ngừng dao động. Giây sau, một ý nghĩ thú vị đến với ông: "Hiện tượng này có liên quan gì với những bóng ma?"

Sóng âm đo được trong phòng thí nghiệm có tần số 18,98 Hz. Nó tương đương với tần số chuyển động của nhãn cầu người.

Theo Tandy, gió thổi giật qua những bức tường của một toà tháp cổ cũng tạo ra sóng âm trong vùng hạ âm này. Âm thanh có thể đi xuyên qua những bức tường dày nhất. Khi ở trong một cái tháp, người ta có thể nghe gió hú và rên rỉ giống như người điên trong các hành lang.

"Không phải là ngẫu nhiên mà các bóng ma thường được nhìn thấy đi dọc theo hành lang khi gió thổi mạnh trên các bức tường", nhà nghiên cứu dẫn chứng cho giả thuyết của mình.

Song đến nay, Tandy vẫn chưa giải thích được tại sao "những âm thanh cộng hưởng" lại tạo ra một hình dáng cụ thể như vậy. Ngoài ra, vẫn chưa rõ phản ứng của các sóng hạ âm khi chúng được tạo ra từ các cơn gió mạnh hoặc các loại phương tiện và máy bay rít qua.

Bóng đèn nhỏ hơn sợi tóc

Các nhà khoa học Mỹ đã chế tạo thành công chiếc bóng đèn nhỏ nhất thế giới. Khi có điện, trông nó giống như một chấm sáng

Các nhà khoa học phải đặt kính hiển vi thường ở phía trên kính hiển vi điện tử để quan sát bóng đèn nano. Ảnh: Livescience.

Nhà sáng chế Thomas Edison trước kia dùng sợi carbon để chế tạo đèn sợi đốt. Còn nay các nhà khoa học của Đại học California (Mỹ) chỉ dùng một ống carbon ở cấp độ nano. Sợi đốt của họ có độ dài 1,4 mm (ngắn hơn bóng sợi đốt truyền thống 10.000 lần) và có đường kính 13 nanomet (tương đương 100 nguyên tử và nhỏ hơn sợi đốt truyền thống 100.000 lần).

Đám mây bong bóng kỳ lạ trên bầu trời Anh

Tối sẫm, chen chúc nhau như những giọt dầu khổng lồ và đầy vẻ hăm dọa, đám mây trên bầu trời Hertfordshire tuần trước trông như một hiệu ứng đặc biệt trong phim kinh dị.

Nhưng nó lại là một sản phẩm hoàn hảo của thiên nhiên, và cũng hoàn toàn vô hại, một hiện tượng khí tượng được gọi là mây mammatus

Được đặt tên theo tiếng Latin, nghĩa là bộ ngực, những đám mây mammatus luôn đi kèm với những cơn dông mạnh có thể xảy ra trong mùa hè, và là dấu hiệu của một lượng hơi nước lớn được giữ trong không khí.

Mây thông thường bao gồm các giọt nước, các tinh thể băng hoặc hỗn hợp cả hai, và hình dạng mây khác nhau được tạo nên bởi một số yếu tố như nhiệt độ, tỷ lệ nước và băng, độ cao của mây và tốc độ gió ở trong đó.

Nhưng trong khi hầu hết các đám mây có rìa mỏng không rõ ràng, thì mây mammatus (thường ổn định chỉ trong vài phút) lại có ranh giới rõ ràng và sắc nét một cách lạ thường. Mỗi "giọt" của nó có thể có đường kính tới 1 dặm. Chúng cũng gần như mờ đục, khiến cho đám mây trông như là có thể sờ mó được.

Biến kim loại thành trong suốt

Các nhà khoa học Mỹ và Trung Quốc vừa phát hiện ra dạng trong suốt của Natri (Na) sau khi đưa nguyên tố này vào môi trường có áp suất cao.

> Dưới áp suất lớn, hydro biến thành kim loại

"Chúng ta đều biết rằng dưới sức nén đủ lớn tất cả vật chất đều trở nên rắn như kim loại. Trên sao Thổ và sao Mộc, ngay cả khí hydro cũng biến thành kim loại do tác động của áp suất và nhiệt độ cực lớn", Artem Oganov, giáo sư bộ môn tinh thể học lý thuyết của Đại học Stony Brook (Mỹ) cho biết.

Dưới áp suất khí quyển Natri có màu trắng. Tuy nhiên, giáo sư vật lý Yanming Ma của Đại học Cát Lâm (Trung Quốc) dự đoán rằng cấu trúc tinh thể bất thường của Natri khiến nó trở nên trong suốt và có khả năng cách điện dưới áp suất cao. Ma đã chứng minh được rằng dưới sức nén cực lớn, nguyên tử Natri đẩy các điện tử (electron) bên ngoài vào các "hố" nằm giữa những nguyên tử.

"Khi lọt vào những hố này electron không thể thoát ra. Chúng có vai trò giống như các nguyên tử giả mạo và điều đó khiến trạng thái rắn biến mất", giáo sư Ma giải thích. Kết quả thí nghiệm cho thấy, khi áp suất tăng lên trên mức 1 atm, Natri chuyển dần sang màu đen. Ở mức 2 triệu atm, Natri biến thành màu đỏ trong suốt. Nếu áp suất tiếp tục tăng, kim loại này vẫn trong suốt nhưng không còn màu sắc.

"Phát hiện này rất quan trọng vì nó giúp giới khoa học hiểu rõ những đặc tính của vật chất trong môi trường áp suất cao, đặc biệt là trên các ngôi sao và siêu hành tinh. Điều khiến chúng tôi bất ngờ nhất là mức áp suất để sự biến đổi trạng thái xảy ra lại có thể đạt được bằng thực nghiệm", Oganov phát biểu.

Natri là kim loại mềm, nhẹ, màu trắng bạc, có phản ứng hóa học mạnh nên không thể tìm thấy ở dạng tự do trong thiên nhiên. Natri nổi trong nước và có phản ứng mãnh liệt với nước, tạo ra hydro và các ion hydroxit. Nếu được chế thành dạng bột đủ mịn, Natri sẽ tự bốc cháy trong nước. Tuy nhiên, nó không bốc cháy trong không khí có nhiệt độ dưới 115°C.

Cơn dông kỳ lạ ở Mỹ

Trong một buổi chiều thu khô và lạnh gần đây ở bang Iowa, các camera đã ghi lại được một hiện tượng bất thường có thể thấy bằng mắt sự va chạm của hai khối khí. Mây tách ra thành hàng loạt vệt sọc vắt ngang trên bầu trờiNhững sóng mây hình sọc vắt ngang trên bầu trời thành phố Des Moines, bang Iowa (Mỹ) hôm 3/10.

Những sọc lượn sóng này hình thành do các điều kiện thời tiết làm mất ổn định bầu không khí theo một cách đặc biệt. Trong trường hợp tại Des Moines, Iowa, chúng thành tạo hôm 3/10 khi một nhóm cơn dông tiến gần đến thành phố.

"Vào thời điểm đó, một lớp không khí lạnh, ổn định đang ở trên đầu Des Moines. Những cơn dông tiến đến đã làm xáo trộn bầu khí quyển, tạo ra gợn sóng hơi giống với cảnh tượng khi ném một hòn đá xuống ao", chuyên gia về khí tượng Time Coleman từ Trung tâm công nghệ và khoa học vũ trụ quốc gia ở Alabama, cho biết.

Sóng mây là một dạng của sóng hấp dẫn, ở đó lực hấp dẫn đã kéo những con sóng xuống. Coleman mô tả các sóng mây này giống như những gì được tạo ra khi một con thuyền lướt trên mặt nước.

"Khi con thuyền lướt trên mặt hồ, nước ở mũi tàu bị đẩy lên trên, lực hấp dẫn lại kéo nước trở xuống và thế là hình thành một con sóng", ông giải thích. Trong trường hợp trên bầu trời Des Moines đầu tháng 10 vừa qua, các cơn dông đóng vai trò con tàu.

Coleman cũng lưu ý rằng các công dân của thành phố Des Moines thực sự đã cảm thấy gió thổi trở tới trở lui khi những cơn sóng lướt trên đầu họ.

"Những lá cờ bay theo một hướng vào lúc đợt sóng dâng cao và quay ngắt 180 độ khi đến vùng trũng của sóng", ông nói.

Những đợt sóng mây sọc này thông thường có đỉnh cách nhau 8 km, đôi khi chúng cũng có thể tự mình tạo nên các cơn dông

Vùng cực xuất hiện các đám mây sáng rực bí ẩn

Những đám mây không ngừng rực sáng và bò dần về phía vùng cực, lần đầu tiên được vệ tinh chụp từ vũ trụ. Các nhà nghiên cứu không hiểu chúng là gì.

Loại mây bí ẩn này được gọi là "đèn đêm".

"Rõ ràng chúng đang biến dạng, một dấu hiệu cho thấy một phần của bầu khí quyển đang thay đổi và chúng tôi không hiểu bằng cách nào, vì sao hay cái gì đã khiến nó như vậy", nhà khoa học khí quyển James Russell III từ Đại học Hampton, Virginia, Mỹ nói.

"Những quan sát mới cho thấy có mối liên hệ với sự thay đổi trên toàn cầu ở tầng khí quyển thấp và có thể đại diện cho một cảnh báo sớm rằng môi trường trái đất đang thay đổi".

Vệ tinh Aeronomy of Ice in the Mesosphere của NASA lần đầu tiên chụp ảnh những "đèn đêm" này hôm 25 tháng 5. Người dân ở vùng bắc Âu bắt đầu nhìn thấy chúng từ hôm 6/6.

Các đám mây hình thành ở độ cao 80 km trên bề mặt đất, trong tầng trên của khí quyển gọi là mesosphere. Lớp hơi nước và tinh thể này xuất hiện trong những tháng hè ở cực Nam cũng như trong mùa hè ở cực Bắc.

Vệ tinh Aeronomy of Ice in the Mesosphere sẽ theo dõi hai mùa mây hoàn chỉnh trên cả hai vùng này, nhằm có được dữ kiện đầy đủ về vòng đời của những đám mây sáng rực. Các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ giải đáp được câu hỏi tại sao chúng hình thành và mối liên hệ của chúng với sự thay đổi khí hậu trái đất

Điện sinh học - năng lượng kỳ bí ở con người

Một nông dân Nhật phát hiện xác đứa trẻ chết đuối. Anh định vùng chạy nhưng cái xác đã vùng dậy, quờ lấy anh ta, khiến anh ngã xuống chết. Các nhà khoa học giải thích, không phải ma quỷ mà chính điện sinh học đã gây hiện tượng trên.

Mỗi cơ thể con người là hàng tỷ tế bào, mỗi tế bào là một chiếc pin sống. Chỉ có điều các pin này hết sức nhỏ, nên điện của chúng tạo ra vô cùng yếu. Có những điều con người cho là kỳ lạ nhưng lại xuất phát từ nguồn điện sinh học đang tồn tại trong cơ thể con người.

Có rất nhiều câu chuyện liên quan đến dòng điện sống ở con người mà cho đến nay, nhiều người vẫn cho là do một thế lực siêu nhiên nào đó, và các nhà khoa học luôn đi tìm cách lý giải. Hiện tượng "quỷ nhập tràng" là một ví dụ, thực ra đây chỉ là một cách nói dân gian huyền bí làm câu chuyện trở nên ly kỳ.

Ở tỉnh Togshiga, Nhật Bản vào năm 1974, một người nông dân đã phát hiện xác đứa trẻ bị chết đuối trôi dạt vào bờ. Một nhân chứng thuật lại, khi nhìn thấy xác chết, dường như có một điều gì đó rất lạ làm người nông dân đó hoảng sợ định vùng chạy, nhưng cái xác lại vùng dậy, quờ lấy anh ta, rồi không thấy anh ta trở dậy.

Câu chuyện tưởng chừng như chỉ có trong các cuốn truyện kinh dị, hù dọa những người yếu tim, nhưng lại được giải thích một cách khoa học. Vì quá sợ khi nhìn thấy xác chết, não người nông dân đã phóng ra một nguồn điện rất mạnh truyền xuống chân, chân anh chạm vào xác chết - vốn là một chất dẫn điện, và dòng điện này truyền xuống đất ẩm rồi quay trở lại, xuyên qua xác chết trở lại cơ thể người đàn ông. Như vậy là nguồn điện đã "đóng mạch", xác chết giẫy mạnh bám lấy chân người nông dân khiến anh ta phát hoảng bỏ chạy, đồng thời kéo cái xác đi một đoạn. Người nông dân này không bị "ma bắt" như người ta thêu dệt mà bị đứng tim và chết do quá sợ.

Tương tự như vậy, vào mùa xuân năm 1957 ở Ba Lan, một sinh viên tên là Mangecki có hẹn với cô bạn gái vào lúc 6 giờ tối, nhưng do làm việc căng thẳng nên anh đã ngủ quên. Trong giấc ngủ chập chờn, anh được thông báo về cái chết của người bạn gái. Sự thật là một chiếc ôtô lao nhanh đã cán ngang qua người một cô gái đi sang đường đúng vào giờ hẹn. Theo các nhà khoa học, trong trường hợp này, khi cô gái chết, não của cô đã phóng ra một làn sóng điện và não của Mangecki như một chiếc TV thu tín hiệu chuyển thành thông tin đến với anh.

Điện sinh học không chỉ tồn tại trong cơ thể con người mà nó còn có trong một số loài động vật, điển hình là ở cá đuối. Trên lưng cá đuối có sẵn 2 nguồn điện sống, có thể phát ra nguồn điện mạnh đến 720 vôn để săn mồi. Chúng săn tìm những con cá khác mà không cần đến gần con mồi.

Trong mỗi người chúng ta có một dòng điện sống. Mỗi tế bào chính là một chiếc pin, nhưng nguồn điện này lại quá yếu nên con người không bị điện giật. Đặc biệt ở não bộ, nơi điều khiển mọi hoạt động của cơ thể con người, số lượng tế bào nhiều và tập trung hơn bất kỳ bộ phận nào. Nó là nhà máy phát điện mạnh nhất.

Các nhà khoa học đã đo được trong mỗi tế bào não có một dòng điện khoảng 90 milivôn, và với 15-18 tỷ tế bào não, ta sẽ có một dòng điện cực mạnh. Trong mỗi con mắt của một người bình thường cũng có tới 130 triệu tế bào.

Ở bộ não, mỗi một cử động nhìn, nghe hay suy nghĩ của con người được não bộ tiếp nhận và xử lý thông qua hàng triệu các xung động điện từ của các tế bào thần kinh. Bộ não là nơi duy nhất không sản sinh thêm các tế bào thần kinh nào, mà chúng mất đi theo tuổi tác.

Theo các nhà khoa học của Nga, thông thường các tế bào não hay tế bào thần kinh được sắp xếp theo một trật tự nhất định và điều khiển mọi hoạt động bình thường của con người. Nếu ở người nào các tế bào đó bị sắp xếp lộn xộn, các pin yếu kết hợp lại và phóng điện ra ngoài, thì người đó sẽ có khả năng... đặc biệt. Chẳng hạn như một người Italy có khả năng làm mọi vật bốc cháy, hay như một em bé "nam châm" ở Nga có khả năng hút các đồ vật bằng sắt...

Các nhà khoa học cho rằng, xung quanh những người này luôn xuất hiện một trường điện từ rất mạnh được điều khiển từ bộ não. Khi muốn thì khả năng đặc biệt mới bộc lộ, còn bình thường họ không có gì khác biệt với chúng ta.

Ứng dụng khoa học về dòng điện

Nhà bác học Faraday từng nói: "Cho dù điện vật lý có hấp dẫn bao nhiêu thì cũng chẳng thể nào so được với sức cuốn hút kỳ diệu của điện sinh học, điện trong cơ thể ta". Hiện nay, ở các bệnh viện đã có máy để ghi lại điện tim hay điện não.

Khi nghiên cứu tác động của trường điện từ tự nhiên đối với bộ não, giáo sư Hyland thuộc Đại học Coventry (Tây Ban Nha) cho rằng, những thay đổi về điện não đo được ở người chứng tỏ sức khỏe của con người bị tác động của dòng điện tự nhiên. Nó làm não bộ mất cân bằng về một số chất sinh hóa, giống như những người say rượu, và ngăn cản quá trình sản xuất melatonin, một hoóc môn chống ung thư ở người.

Những thay đổi của dòng điện sinh học trong cơ thể, hay những biến đổi về trường điện từ của bộ não cũng có thể đang báo hiệu một bệnh cảnh lâm sàng nào đó, đặc biệt là các bệnh về thần kinh. Bác sĩ T.Sharma ở Học viện tâm thần London (Anh) cho biết, việc chữa bệnh mất trí nhớ bằng phương pháp sốc điện đã cho kết quả khả quan. Gần 2.800 bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này trong vòng 3 tháng, 80% trong số họ cho biết tình trạng bệnh được cải thiện.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng phương pháp trên sẽ tiêu diệt các tế bào thần kinh của não bộ. Thực tế là người ta đã kết hợp giữa dòng điện tự nhiên của cơ thể với dòng điện từ bên ngoài, và tác động vào các tế bào thần kinh.

Các nhà khoa học đã thí nghiệm trên những người bị thương tổn não bộ. Họ dùng một dòng điện yếu kích thích nhiều vùng trên não để tìm ra những điểm điều khiển các hoạt động khác nhau của con người, có thể là vùng trí nhớ, vùng sợ hãi, hay vùng làm con người vui vẻ... Bằng phương pháp này, các bác sĩ có thể chữa được những căn bệnh liên quan đến tâm thần.

Áo tàng hình sắp trở thành hiện thực

Những chiếc áo tàng hình của cậu bé phù thủy trong bộ truyện Harry Potter có thể xuất hiện trong tương lai, nhờ hai loại vật liệu mới có khả năng bẻ cong đường đi của ánh sáng do các nhà khoa học Mỹ chế tạo.

Trong quang học, "meta material" là thuật ngữ chỉ các vật liệu nhân tạo được thiết kế để có chiết suất âm, nghĩa là có thể khúc xạ ngược ánh sáng nhìn thấy. Đặc tính này có được nhờ cấu trúc của vật liệu chứ không phải thành phần của chúng. Do đó, vật liệu chiết suất âm có thể làm cho một vật thể trở nên tàng hình bằng cách bẻ cong các sóng ánh sáng để chúng "lượn vòng" quanh vật thể rồi hội tụ ở phía sau, giống như dòng nước chảy quanh một tảng đá.

"Tàng hình là chủ đề mà mọi người quan tâm, nhưng kết quả nghiên cứu của chúng tôi không chỉ đơn thuần tập trung vào khả năng ấy. Chúng tôi tìm hiểu khả năng tạo nên những đặc tính chưa từng tồn tại trong tự nhiên. Với những đặc tính ấy chúng ta có thể làm nhiều việc và tàng hình chỉ là một trong số đó", Xiang Zhang, giáo sư thuộc Đại học California (Mỹ), phát biểu.

Vật liệu chiết suất âm cũng có thể làm tăng khả năng của các microchip, ăng-ten và cho phép tạo ra "siêu thấu kính" để quan sát những vật thể có kích thước nhỏ hơn bước sóng ánh sáng.

Một loại vật liệu mới - có tên Negative Refraction One - được tạo nên bởi sự kết hợp giữa những sợi dây bạc có đường kính nhỏ hơn sợi tóc người khoảng 20 lần và nhôm oxit (Al2O3). Để tạo ra vật liệu thứ hai, nhóm nghiên cứu đặt những sợi bạc có đường kính ở cấp độ nano nằm xen kẽ với các lớp magie fluoride (MgF2). Sau đó họ tác động để nó có cấu trúc hình lưới.

Kết quả thử nghiệm cho thấy cả hai loại vật liệu mới đều bẻ cong đường đi của ánh sáng nằm trong dải bước sóng nhìn thấy. Nhiều nhà khoa học đã tạo ra được hiệu ứng tàng hình, song họ chỉ làm được điều đó trong không gian hai chiều với các sóng ánh sáng mà mắt người không thể nhìn thấy.

Ngoài việc tạo ra chiết suất âm trong không gian ba chiều đối với các tia sáng có dải bước sóng lớn hơn (trong đó có cả các sóng khả kiến), phát hiện của Xiang Zhang và cộng sự giúp giới khoa học khắc phục được hiện tượng suy hao năng lượng của ánh sáng.

Các vật liệu có chiết suất âm trước kia hấp thu phần lớn sóng ánh sáng chứ không bẻ cong chúng. Hai vật liệu mới được thiết kế để ánh sáng không mất năng lượng ngay cả khi chúng gặp những vật liệu có đặc tính hấp thu sóng ánh sáng mạnh nhất.

David Schurig, một chuyên gia về vật liệu có chiết suất âm của Đại học North Carolina (Mỹ) nhận định rằng hai sản phẩm của nhóm Xiang Zhang là "những vật liệu có chiết suất âm thú vị nhất từ trước tới nay". "Ở trạng thái hiện nay, hai vật liệu đó có thể được ứng dụng trong công nghệ ghi hình hoặc liên lạc bằng ánh sáng", ông nói.

Tuy nhiên, David nhấn mạnh rằng các nhà khoa học của Đại học California còn một chặng đường dài để chinh phục trước khi có thể làm tàng hình những vật thể có kích thước lớn hơn cấp độ nano.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro