về thăm mình, nghen em!

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Kim Mẫn Châu chết trong một ngày mưa, lúc đại dương nổi sóng. Xác nàng được dân chài vớt lên, đáng ra theo lí phải trao trả cho người nhà, nhưng Châu không có người nhà, họ đành đưa lại cho người thân cuối cùng là Nguyên Ánh - một người bạn đã lâu không gặp của nàng.

Người dân vùng nước mặn này thắc mắc, hôm đó đài rõ ràng đã thông báo trời sẽ nổi giông lớn, cảnh báo người dân không được phép ra khơi. Từ trước tới nay Mẫn Châu không phải người bạt mạng, tại sao lại bất chấp cả tính mạng mà đi về phía biển? Có người đoán rằng nàng muốn đi tìm loài cá hiếm chỉ xuất hiện khi thủy triều lên, người thì đồn nàng gặp thủy quái, người khác lại nói có người cố tình hại chết nàng. Nguyên Ánh không bình luận gì về những lời đàm tiếu vô bổ, chỉ âm thầm đi tìm mảnh đất đẹp làm chỗ an nghỉ cuối cùng cho Châu.

Đồ đạc của Mẫn Châu không có nhiều, đáng ra chỉ cần một buổi chiều là đã dọn dẹp xong, nhưng Nguyên Ánh lại mất tới ba ngày. Đó là một ngôi nhà gỗ chỉ có một gian, giường được kê sát với tường, bàn làm việc đặt ngay cạnh cửa ra vào, cửa sổ hướng ra biển, không có bếp. Nơi này trước đây đã từng là chỗ ở của hai người, nhưng sau khi Nguyên Ánh lên thành phố, chỉ còn mình Châu ở lại.

Từ đó tới nay ngót bảy năm, quang cảnh đã thay đổi nhiều, người cũng không còn nữa. Ánh nằm vùi trong tấm đệm nồng mùi hương của Mẫn Châu, bảy năm trôi qua, Châu vẫn toả ra mùi hương của biển cả lộng lẫy. Cô nhớ ngày cô dứt áo ra đi, trời nổi gió mạnh, gương mặt Châu nhạt nhoà trong cát bụi, nói: "Nào có dịp em về đây thăm biển". Ánh đáp bằng một cái gật đầu, giờ cô đã về, lại tới lượt Mẫn Châu quay gót.

Không biết có phải do nhà Châu có nòi là ngư dân hay không mà nàng từ tấm bé đã yêu thương biển cả rứt ruột, từng hạt cát được nàng coi là bạch cầu, từng giọt nước biển là máu chảy trong lồng ngực. Từ thuở mới tập đi, bàn chân nàng không đạp lên đất mà chôn vùi trong lòng cát nóng ẩm.

Vậy nhưng trong nhà Châu có cái hạn rất hẩm hiu. Ông nội Châu mất trên biển, bác của Châu mất trên biển, đến lượt ba của Châu cũng bỏ mạng trên từng lớp sóng vỗ. Mẹ của nàng lo sợ con gái sẽ chịu thảm cảnh, đành bán luôn căn nhà đang ở, chuyển ra một khu tập thể xa biển chục cây số, Mẫn Châu không chịu căn nhà mới, lăn ra sàn mà kêu khóc rầm rĩ: "Mình là dân chài, sống ở đây sao được hả mẹ?".

Vậy là mỗi cuối tuần, Châu trốn mẹ bắt xe những mười hai cây số để đi ngắm từng con sóng dạt vào bờ, ngắm đàn hải âu rẽ mây bay vụt về phía chân trời, ngắm rặng dừa rung rinh trước gió. Đến lúc trời tối om nàng mới về nhà, dù đã rửa bằng mấy ca nước nhưng gót chân vẫn còn lấm tấm cát. Mẹ Châu biết mà không nói gì, bà chỉ nức nở ôm lấy đứa con trong lòng, nước mắt rơi xuống mặn như nước biển.

Gần khu tập thể năm trăm mét về phía đông có một khu trại mồ côi, mỗi sáng lại nghe tiếng con nít vang như sấm, Châu đi qua thấy các cô trong trại ngồi trên cái ghế nhựa xanh đọc sách cho mấy đứa nhóc, nàng nán lại, giương mắt nhìn theo. Có đứa chưa đầy hai tuổi, từ đầu tiên biết nói là từ "cô", không phải "mẹ" hay "ba". Trong đám nhỏ có một cô bé kém Châu ba tuổi, gương mặt xinh xắn, người mảnh khảnh, tên là Nguyên Ánh. Châu bầu bạn với cô bé, hỏi ra mới biết Ánh cũng là con nhà chài lưới, ba mẹ cũng bị sóng đánh mất, rồi bị họ hàng đưa vào trại mồ côi năm lên bảy.

Lần ra biển tiếp theo, Châu lúi húi nhặt hai chiếc vỏ sò, lấy dao đục lỗ xỏ dây qua làm vòng cổ, tặng Ánh một cái, mình đeo một cái. Châu nghĩ Ánh cũng yêu biển như mình nên luôn làm mọi cách để biển luôn hiện hữu ở trại mồ côi cách biển mười hai cây số. Ánh mỉm cười không nói, chỉ nghĩ Châu thật sự ngốc quá.

Năm Châu mười tám tuổi, mẹ qua đời do bạo bệnh, sau khi tang lễ xong xuôi, nàng quyết định bán lại căn nhà ở khu tập thể, chạy tới trại mồ côi tìm Ánh lúc này đã mười lăm.

"Em có nhớ biển không hở Ánh?"

Ánh nhìn Châu đang thở gấp, mặt đỏ bừng bừng, mồ hôi chảy ròng ròng xuống hai bên má. Ánh không nhớ biển, em chỉ muốn đi cùng Châu. Thế là hai người chạy ra quốc lộ bắt xe chạy về phía biển, trên người chỉ có mấy bộ quần áo với số tiền bán nhà và tiền mẹ Châu để lại. Châu mua một căn nhà gỗ của ông lão bỏ nghề lên thành phố sống, ông lão định bỏ hoang nhưng thấy uổng quá, bán cho Châu với giá rẻ như cho.

Thế là hai người bắt đầu một cuộc sống mới ở đây. Châu nhận làm phụ việc trong một nhà hàng ven biển, dành dụm tiền cho Ánh đi học. Quanh năm hai người ăn cá khô, bữa nào khá thì có thêm rau, mấy hạt lạc rang muối. Châu sống ở khu tập thể bảy năm, da trắng như trứng gà bóc, bàn tay mềm mỏng dần dần đã đen sạm đi, lốm đốm vết chai. Ai hỏi, nàng lại cười xoà rồi đáp có hề gì đâu, cháu sẽ làm mọi thứ để được sống ở biển.

Nguyên Ánh thì không thế. Em không yêu biển, vì biển đã giết chết ba mẹ em, cũng là nơi người chú của em quyết định bỏ rơi em mà đưa em vào trại mồ côi. Lắm lúc Ánh tự hỏi sao Châu lại yêu biển thế, không phải ba của nàng cũng mất trên biển hay sao? Châu lại cười, ông và bác của chị cũng mất trên biển nhưng ba chị vẫn chọn nghề chài đó thôi.

Cuộc sống của hai người có thể gọi là yên ổn, ngày ngày Châu đi từ lúc mặt trời chưa ló khỏi mặt biển, về lúc màn đêm đã bao trùm lấy không gian. Thỉnh thoảng có ngày nghỉ, Ánh sẽ qua phụ giúp Châu, tay bê đĩa cá chép hầm bia, miệng cười cười nói nói.

Ấy thế mà lại có ngày Ánh quyết định rời đi. Chỉ vì em đã đem lòng yêu Châu.

Ánh yêu Châu, nhưng em thực biết Châu chỉ yêu biển. Nàng chỉ coi em như một người bạn để tỉ tê về cái đẹp của chốn đại dương, không hơn cũng chẳng kém. Dù không yêu biển, nhưng nếu Châu giữ em ở lại thì em vẫn sẵn lòng dành cả cuộc đời sinh sống ở đây, lao động ở đây và chết đi ở đây, miễn là có Châu ở cạnh. Nhưng ngày Ánh đi, Châu đã không níu em lại, chỉ nói: "Nào có dịp em về đây thăm biển". Thế là Ánh gật đầu, dứt áo ra đi.

Bây giờ em về lại, sao nàng không ra đón?

Châu đã nằm sâu dưới sáu tấc đất, tâm tư và suy nghĩ của nàng cũng theo chiều gió mà bay biến, như một thứ ảo ảnh chưa từng tồn tại, chưa từng xuất hiện trên cuộc đời này. Giống như một cây kim rơi xuống đáy đại dương sâu thẳm. Nhưng nếu Nguyên Ánh trở về gặp Mẫn Châu lúc nàng còn sống thì... chắc chắn, chắc chắn nàng sẽ nói em nghe tâm tư của mình, để tình cảm của nàng trở thành một dòng nước chảy về hạ nguồn, hòa vào bể lớn mênh mông.

Châu yêu biển là thật, nhưng đâu phải nàng không có tình cảm gì với Ánh. Trong suốt khoảng thời gian bên nhau đâu phải chỉ mình Ánh rung động, nhưng nàng không nỡ trói chặt tuổi xuân của Ánh ở nơi này. Châu đã nhận ra lâu rồi, rằng Ánh không hề yêu biển, em ở lại đây chỉ vì nàng chọn ở lại mà thôi. Nàng đã giữ em ở bên suốt năm năm, bây giờ em chọn rời đi, nàng nỡ níu kéo em ở lại sao?

Ngày Ánh lên thành phố, Châu cắn chặt môi không cho nước mắt rơi xuống, chiếc vòng cổ xâu vỏ sò năm đó vẫn được em đeo trên cổ dẫu giờ đây em đang từng bước rời xa khỏi nàng.

"Nào có dịp em về đây thăm mình nghen em."

Cuối cùng những câu đó lại không được nói ra.

Ngày Châu chấp nhận để Ánh đi cũng là ngày nàng đóng cửa những khát khao tuổi trẻ, ở tuổi hai mươi ba, Mẫn Châu đã không còn có ước mơ về cuộc đời sau này.

Bảy năm sau, vào một ngày gió thổi mạnh tạo thành một cơn bão cát, biển cả gào lên từng đợt sóng bạc đầu, Mẫn Châu quyết định bỏ lại tất cả mọi thứ sau lưng, hoà mình vào lòng biển lạnh lẽo. Nước mắt nàng không kìm được, rơi lã chã, mặn hơn cả nước biển.

"Em có nhớ mình không hở Ánh?"

"Còn chị thì sao, chị đã bao giờ nhớ em chưa?"


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro