Biết người_chương1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Xin chân thành cảm ơn chị CTT (Chân Trời Tím) đã chia sẻ quyển sách này với Thư Quán. Trong quyển sách này, bối cảnh và các câu chuyện mà tác giả dẫn chứng, các sự kiện lịch sử, các địa danh... là vào những năm thập niên 50. Chính vì vậy, khi xem qua quyển sách này các bạn đọc cần lưu ý cột mốc thời gian và các dẫn chứng mà tác giả đưa ra trong nội dung, trong đó bao gồm cả từ ngữ phổ thông thường được dùng lúc bấy giờ mà ngày nay chúng ta ít nghe hay sử dụng. Chúc các bạn vui vẻ.

ldlvinhquang.

* * *

Tâm lý học là một khoa học người ta thường nhắc nhở đến nhiều nhất, song cũng là một môn khoa học mà ít người hiểu nó nhất, lại càng ít người biết áp dụng một cách hữu ích trong đời sống thực tiễn.

Trong rạp hát, sau khi anh kép cao hứng xổ một tràng lý luận dài dòng và kết thúc bằng một câu đại để: "Tiền! Tiền! Than ôi đời này chỉ có tiền, chỉ vì tiền, tiền là tất cả. Tiền! Tiền! Vì mi mà người ta đã phạm bao nhiêu tội ác". Một tràng pháo tay phát lên từ những hàng ghế cuối cùng, ông khán giả ngồi kề tôi cũng gật đầu nói với người bạn: "Đúng là tâm lý hết sức!".

Cô Hai bán hàng đọc xong một quyển "tâm lý xã hội ái tình, tiểu thuyết" trong đó kể lại một câu chuyện cũ rích như quả địa cầu đại khái: Chàng yêu nàng, dan díu với nàng, nhưng sau đó nghe lời cha mẹ bỏ rời nàng để cưới một cô gái khác có bề thế hơn, bình phẩm với cô bạn đồng sự: "Thật đúng là tâm lý người đời!".

Đó, đại để phần đông người ta chỉ hiểu tâm lý học qua một vài điểm tâm lý sơ đẳng như thế. Ngoài ra họ không biết rõ tâm lý học nghiên cứu những gì, những phương pháp hoặc công dụng của tâm lý học ra sao cả.

Chúng ta đừng nghĩ rằng những người văn hóa khá cao, những người đã từng theo học lớp triết học ban tú tài chẳng hạn có một ý niệm rõ rệt hơn về tâm lý học. Vâng, trong những lớp triết học họ có học qua môn tâm lý học thật, các giáo sư giảng giải cho họ biết những sinh hoạt của tình cảm, của trí thức, có định nghĩa cho họ hiểu thế nào là ý thức, thế nào là vô thức. Họ cũng phân loại các khuynh hướng, các cảm giác, các ảnh tượng. Họ cũng biết phân biệt thuyết chủ nghiệm khác thuyết chủ lý ra sao. Nhưng sau mấy năm đèn sách, mớ trí thức họ đã thâu thập về tâm lý học vẫn lẻ tẻ, rời rạc, có thể thỏa mãn óc tò mò của trí thức nhiều hơn là giúp ích cho họ. Vì thế không mấy người biết nhận định một cách rõ rệt, tổng quát về cái "khoa học của đời sống" ấy và khi bước ra thực tế không mấy người biết áp dụng tâm lý học một cách có ích lợi.

Về tâm lý học, ngoài các phần tâm lý học thuần túy mà người ta cũng gọi là tâm lý học ở nhà trường, còn phần tâm lý học thực tiễn, cái phần tâm lý học "có thể dùng vào một công việc gì" mà các nhà tâm lý học hiện giờ, nhất là những nhà tâm lý học Anh-Mỹ vốn vẫn có óc thực tiễn, đặc biệt chú trọng và đang hướng những tìm tòi, khảo cứu của họ vào đó.

Người ta có thể áp dụng tâm lý học vào các ngành đại để:

Về y học: Khoa phân tâm thần học, tâm lý học.

Về chức nghiệp: Hướng dẫn trong việc chọn nghề, tuyển trạch người làm, tổ chức công việc làm.

Về giáo dục: Hướng dẫn việc học, tuyển trạch, tâm lý nhi đồng, khoa sư phạm.

Về thương mại: Bán hàng, quảng cáo.

"Và ngay trong đời sống hàng ngày, người ta luôn luôn có dịp nhờ đến tâm lý học để nhận định rõ rệt cá tính của người mình giao tiếp, để hiểu rõ dục vọng, sở thích của họ, để biết họ muốn gì, suy nghĩ những gì và cảm tưởng họ ra sao. Người bán hàng cần biết gợi sự ham thích của khách hàng để họ mua hàng. Nhà y sĩ cần biết phán đoán về người bệnh. Viên sĩ quan cần hiểu những binh sĩ dưới tay mình. Nhà văn cần hiểu tâm lý các nhân vật mình tạo ra. Vợ chồng cần hiểu nhau. Cha mẹ cần hiểu con cái.

Đó âu cũng là một khuyết điểm lớn của nền giáo dục hiện tại, chỉ quan tâm đến chữ "Trí" mà ít nghĩ đến chữ "Hành", chỉ lo dạy cho bạn trẻ "biết" thật nhiều điều mà không dạy cho chúng "biết hành động" hoặc ít ra vạch cho chúng "biết đường lối để hành động". Các giáo sư thường nhồi nhét vào óc các sinh viên mớ hiểu biết hỗn tạp với những lý thuyết, những giả thuyết, những tài liệu, những thí nghiệm mà các nhà tâm lý học xưa nay đã thâu thập. Có mấy người đã biết vạch cho bạn trẻ rõ: Bằng cách nào người ta có thể dùng tâm lý học để phát triển cá tính của mình, có thể dùng kỹ thuật tâm lý học nào để làm cho mình thêm sức hăng hái hoạt động hoặc thêm sức chịu đựng, dùng tâm lý học cách nào để quan sát, phân tách và nhận xét tâm tính của những người mình gần gũi?

Vì thế, đa số các bạn trẻ (kể luôn những bạn trẻ có học) rất ngỡ ngàng khi bước ra đời thực tế và họ thường tỏ ra bất lực khi phải hành động. Mớ kiến thức của họ chỉ là những món đồ trang hoàng chứ không phải là những dụng cụ có thể giúp họ xây dựng một đời sống tươi đẹp cho riêng cá nhân họ chứ đừng nói đến việc thực hiện những công cuộc gì lớn lao có thể giúp ích cho xứ sở, cho nhân loại.

Quyển "La Connaissanee Des Hommes" của Philippe Girardet mà chúng tôi đã dịch và trình diện sau đây là một quyển sách thực tiễn. Tác giả vốn là một nhà văn nhưng đã từng lăn lộn trong giới doanh nghiệp, gần gũi với thực tế nên những sách ông soạn phần nhiều đều có tính cách thực tiễn. Dựa vào một lý thuyết về cá tính con người của hai giáo sư F. Achille Delmas và Marcel Boll, ông thử áp dụng thuyết ấy vào đời sống thực tiễn và theo lời ông thú nhận: "Không lúc nào ông thấy nó sai". Đặc biệt nhất là ông đã khéo trình bày một vấn đề trừu tượng bằng một cách rất "sống", ông đã khéo giảng giải một khoa học khúc chiết một cách rất sáng sủa.

Riêng chúng tôi, cũng nhờ may mắn có dịp đọc qua quyển "La Personnalité Humaine" của F. Achille và M. Boll mà thấy thích thú nghiên cứu về tâm lý học và cũng đặng hiểu nó một cách rõ ràng hơn. Chúng tôi cũng đã thử áp dụng tâm lý học một cách ích lợi trong nhiều ngành mà chúng tôi đã có dịp trình bày với độc giả hai quyển "Nghề Bán Hàng" và "Tâm Lý Ái Tình". Cũng từ lâu rồi, chúng tôi có ý định giới thiệu lý thuyết của hai giáo sư ấy với độc giả trong nước nhưng chưa biết phải trình bày thế nào cho dễ hiểu vì nếu dịch thẳng quyển "La Personnalité Humaine" của F. Achille và M. Boll ra Việt văn thì chắc không bổ ích bao nhiêu vì hai nhà tâm lý học này trình bày thuyết của họ theo lối các nhà bác học nghĩa là đứng trên tầm hiểu biết của họ mà giải thích, bất chấp trình độ hiểu biết của phần đông độc giả, thì học chăng chỉ có ích cho một số hiếm người đã từng gần gũi với nhiều loại sách tâm lý. Tình cờ chúng tôi có dịp đọc quyển "La Connaissance Des Hommes" của Philippe Girardet trong đó tác giả cũng có ý định như chúng tôi là thử giải thích thuyết ấy cho đa số người đọc có thể hiểu, lẽ dĩ nhiên là cho độc giả Pháp, và thử áp dụng thuyết ấy vào đời sống thực tiễn.

Ông Philippe Girardet đã viết một quyển sách chúng tôi định viết. Không phải mất thì giờ để làm lại công việc đã có người khác làm và làm rất hay, chúng tôi thấy chỉ việc xin phép tác giả cho dịch sách ấy ra Việt văn là có thể thực hiện ý định của mình. Tác giả đã vui lòng cho phép và hôm nay quý độc giả có dịp đọc quyển "Biết Người", tâm lý học áp dụng vào đời sống thực tiễn, sớm hơn chúng tôi đã tiên liệu.

Sở dĩ chúng tôi dịch quyển "Biết Người" vì muốn giới thiệu với độc giả một khoa học rất hữu ích: Tâm lý học, mà nhất là vì đó là một quyển sách phổ thông kho học đã đặng viết bằng một lối văn hết sức giản dị, dễ hiểu. Đó là một thí nghiệm chứng tỏ người ta có thể giảng giải những khoa học khúc chiết bằng một lối văn thông thường cho mọi người có thể đọc và hiểu. Tác giả có nói rõ ý định của mình ở chương đầu sau đây. Riêng về phần tác giả, chúng tôi nhận thấy ông đã đạt mục đích một cách rực rỡ. Những ai từng có dịp đọc qua quyển "La Personnalité Humaine" của F. Achille và M. Boll và quyển"La Connaissance Des Hommes" của Philippe Girardet ắt cũng phải đồng ý với chúng tôi rằng chính ông sau này đã giúp chúng ta hiểu rõ lý thuyết của Delmas và M. Boll còn hơn hai người cha đẻ ra thuyết ấy.

Nhưng về phần dịch giả, chúng tôi có đạt được mục đích ấy chăng? Điều đó cũng còn tùy sự rộng lượng của độc giả. Khoa tâm lý học đối với chúng ta còn mới quá, sách về tâm lý chưa có bao nhiêu, chúng ta lại thiếu cả những danh từ về tâm lý học. Vì thế trong sách này mỗi khi phải dùng đến một danh từ hơi chuyên môn hoặc chưa được thống nhất chúng tôi có chua thêm tiếng Pháp để độc giả có dịp đối chiếu và ở phần sau sách chúng tôi có làm một tự vựng giải thích các danh từ ấy.

Tin rằng một khi đã hiểu qua những khó khăn ấy, quý độc giả chẳng những sẽ không "quá nghiêm khắc" đối với chúng tôi mà còn sẵn lòng chỉ bảo cho những khuyết điểm và chúng tôi xin có lời thành thật cảm ơn trước.

Dịch giả cẩn chí

Tháng 5/1956

Phần I - Chương 1

CÁ TÍNH CỦA CON NGƯỜI

NHỮNG LỢI ÍCH CỦA TÂM LÝ HỌC

Một điều hơi lạ, trong việc đào luyện con người, người ta không mấy quan tâm đến môn tâm lý học. Trong chương trình học vấn, người ta không đếm xỉa đến nó hoặc chỉ dạy phớt qua. Có lẽ người ta nghĩ rằng những lớp triết học mà một số ít sinh viên ban trung học có dịp theo đuổi, là những hành lý đầy đủ để họ xông pha trên trường đời. Ngoài ra người ta phó thác họ cho đời chỉ dạy.

Theo ý kiến một vài nhà giáo dục, chúng ta nhồi nhét vào trí óc của trẻ em quá nhiều tri thức. Chúng ta muốn nhào nặn khối óc của chúng trở thành một bộ bách khoa toàn thư "sống", nhưng chúng ta quên dạy chúng cái khoa học cốt yếu, quên trao cho chúng cái chìa khóa có thể mở các cánh cửa: tâm lý học.

Ngoại trừ bị giam hãm suốt đời trong một phòng thí nghiệm hoặc trong một xưởng máy, chúng ta luôn luôn cần nhờ đến người khác để áp dụng những điều hiểu biết của mình hoặc đối phó với sự thờ ơ, ghét vơ của họ.

Nên chúng ta dốt đặc về tâm lý học, nếu chúng ta không hiểu về những định luật bất dịch chi phối những thị dục của con người, nếu chúng ta không đặng dẫn dắt bởi những chân lý đã từng thí nghiệm, thì với hiểu biết của chúng ta rất có thể đưa chúng ta tới thất bại. Chúng ta có thể nói không sợ lầm rằng: sự hiểu biết của mọi người có đắc dụng chăng là tùy thuộc sự thấu đáo về tâm lý của họ.

Kiến nghiệm và khoa học:

Đành rằng, kinh nghiệm của sự đời cũng có thể giúp chúng ta nhận xét để hiểu biết người. Thường gần gũi với người đồng loại, chúng ta có thể phán đoán về họ, nếu chúng ta có chút ít khả năng về việc đánh giá con người.

Nhưng chúng ta đừng lầm lộn việc áp dụng thực tiễn một khoa học với khảo cứu những nguyên tắc của nó. Cái kinh nghiệm chúng ta thâu rút khi chung đụng với đời có thể hợp thành một phương pháp kinh nghiệm. (Phương pháp kinh nghiệm là phương pháp chỉ được căn cứ vào những kinh nghiệm, không chịu tìm hiểu nguyên do, khác với phương pháp thực nghiệm căn cứ trên những thí nghiệm khoa học. Thí dụ Đông y dựa vào phương pháp kinh nghiệm và Tây y sau khi trải qua giai đoạn kinh nghiệm, đã tiến đến giai đoạn thực nghiệm). Dù không có ý khinh rẻ phương pháp kinh nghiệm, chúng ta cũng phải nhận thấy nó có lắm bất tiện. Muốn dùng đặng nó chúng ta phải trả một giá khá đắt: phải trải qua những lỗi lầm, đau thương, phải mất bao nhiêu thời giờ, bao nhiêu cố gắng. Đó là chưa kể muốn áp dụng đặng những kinh nghiệm ấy chúng ta phải có đôi chút khả năng thiên nhiên; trái lại, phương pháp thực nghiệm căn cứ trên những nền tảng khoa học có thể giúp ích cho một số đông người có những khả năng tầm thường.

Ở ngoài đời, chúng ta đã từng thấy có người văn hóa rất kém (mà chúng tôi đã đặt cho họ cái tên hơi bất công là "những người sơ đẳng") đã chiếm đặng những địa vị khả quan trong xã hội. Có nên vì đó mà kết luận rằng văn hóa không cần thiết để thành công?

Có lắm tay ngang thiếu học chuyên môn những cũng cạy cục rất tài để có thể ráp nỗi một bộ máy vô tuyến truyền thanh rắc rối. Tuy không biết qua về lý thuyết nhưng nhờ có mó tay vào thực hành nên họ cũng có thể bàn về "tần số", về "cuộn xen", về "máy phát sóng"... một cách khá rành rẽ. Có phải vì thế mà chúng ta nên cho rằng muốn học về vô tuyến điện không cần phải học qua phần lý thuyết? Chắc chắn là không ai sẽ nghĩ như thế, vì ai ai cũng thấy rõ, một tay ngang thiếu cơ sở khoa học mà ráp nổi bộ máy truyền thanh ấy, ắt đã mất bao nhiêu thì giờ, bao nhiêu dọ dẫm và bao nhiêu nhẫn nại mới có thể đạt đến đích, đó là chưa kể hắn phải có nhiều tài quan sát. Một kỹ sư điện học, trái lại chỉ cần vài giờ suy nghĩ là có thể ráp xong máy ấy nhờ áp dụng những hiểu biết về lý thuyết mà ông ta đã thu thập được khi học ở trường.

Biết người:

Bí quyết của thành công, trong đời sống cũng như doanh nghiệp gồm hai chữ "Biết Người". Ở đây chúng ta không nên hiểu hai chữ "thành công" với cái nghĩa hẹp hòi là thâu đoạt được nhiều tiền của, nhiều danh vọng, mà nên hiểu rộng là sự tiến bộ về tri thức cũng như về vật chất, là sự hoàn thành một cách hợp lý cái nhiệm vụ mà đời sống đã vạch cho mình.

Một người bán hàng, một thương gia dù sẵn có nhiều khả năng thể chất hoạt động tâm thần cũng chưa ắt đã dễ thành công nếu họ thiếu đức mẫn tiệp, thiếu hiểu biết về tâm lý học để có thể gợi sự thèm thuồng của khách hàng.

Một kỹ sư khôi nguyên ở trường bách khoa xuất thân rất có thể thất bại trong những công trình của mình, nếu họ không biết gì về cá tính của những nhân viên làm việc dưới tay họ.

Một doanh nghiệp có thể suy sụp dù rằng được điều khiển bởi một viên giám đốc có tài, nếu ông ta lầm lỗi trong việc tuyển chọn những nhân viên cần thiết giúp ông ta làm tròn nhiệm vụ.

Một tay cuộc chê đi chào mời khách hàng bảo hiểm nhân mạng, dù rằng có biết rõ sự ích lợi về mặt xã hội của việc bảo hiểm, cũng chưa ắt đã có thể khuyến dụ khách hàng ký hợp đồng nếu hắn không biết cách trình bày những lý lẽ một cách khéo léo để cho khách hàng gật đầu.

Một người có thể có tài viết văn, nhưng làm báo lại rất dở nếu họ không hiểu tâm lý quần chúng. Một họa sĩ dù có sẵn thiên tư cũng cần thấu đáo cá tính của người mẫu mới mong đạt được sắc diện của người ấy nổi. Một nghị sĩ phải thấu hiểu cử tri của mình. Một trạng sư: những thân chủ của mình. Một y sĩ: những bệnh nhân của mình. Một sĩ quan: những quân sĩ của mình. Một vị thuyền trưởng: đoàn thủy thủ của mình. Chỉ có nhân viên thu thuế là... không cần hiểu những tên dân đen.

Trong đời sống thực tiễn, những cuộc xào xáo trong gia đình, những xích mích giữa bạn bè, những bất mãn do người giúp việc bất tín gây ra, những thất vọng về đường tình duyên thường có nguyên do bởi sự dốt nát về tâm lý học.

Như chúng ta đã thấy, bất luận trong ngành sinh hoạt nào, chúng ta cũng cần biết rõ cá tính của những người mà chúng ta có liên lạc gần hay xa.

Nghiên cứu về tâm lý học chẳng những giúp ích chúng ta rất nhiều trong phạm vi chức nghiệp, ngoài ra nó còn giúp chúng ta thâu đoạt nhiều kết quả thiết thực trên đường giao thiệp.

Ngày nay, tâm lý học là một khoa học có thể truyền dạy cũng như bao nhiêu khoa học khác. Với một bộ óc thông minh trung bình người ta cũng có thể học và hiểu nó. Nó cũng không bắt buộc người học phải có số vốn về triết học. Nó căn cứ trên những yếu chỉ và những nguyên tắc có lẽ còn giản dị hơn môn hình học hoặc vật lý học. Người đã có một cơ sở tâm lý học sẽ dễ mà rút tỉa những cái hay trong mớ kinh nghiệm mà đời sống sẽ đưa đến cho họ sau này. Họ sẽ dễ thông cảm, mau hiểu người đồng loại hơn cũng như viên kỹ sư điện học dễ mò ra những bí quyết của vô tuyến điện hơn một tay ngang chỉ dựa vào mớ kinh nghiệm.

Lối văn "triết học":

Nói cho đúng, việc đọc sách khảo cứu về tâm lý học thường dễ làm cho người dù hiếu học đến đâu cũng đâm ra chán nản. Nản vì "lối văn triết học" mà phần nhiều tác giả sách này quen dùng, lối văn mà A. Abalat đã chỉ trích gắt gao trong mấy tác phẩm bàn về nghệ thuật viết văn. Kể ra "lối văn triết học" này có thể so sánh với "lối văn sở cẩm" mà André Thérive đã từng chế giễu. Và có khi nó còn tệ hơn, vì trong lối văn sau này, những danh từ dùng sai nghĩa song người ta còn có thể đoán được chứ đọc "lối văn triết học" thì chẳng khác gì đọc sấm ký, bởi tác giả thường khéo che đậy một cái trống không to tướng dưới một lớp danh từ khúc mắc có vẻ khoa học.

Đành rằng văn của Bergson (Nhà triết học Ly Lạp) cũng tối mò song ít ra chúng ta còn thưởng thức đặng cách bố trí chặt chẽ những ức thuyết rất tân kỳ của ông. Dù vậy, tôi cũng mạn phép trách ông điều này là ông đã không biết làm cho một người chỉ có óc thông minh trung bình hiểu đặng tư tưởng ông. Muốn hiểu ông, phải đọc qua những sách diễn giải tư tưởng ông.

Tôi vốn nghi kỵ những lối văn chuyên môn dành riêng cho từng khoa học. Vì người ta rất dễ lạm dụng nó để lòe đời và như vậy người ta chỉ cần học qua một mớ thuật ngữ là có thể bàn đến nhiều vấn đề vô lý dưới cái vẻ sành sỏi.

Anatole France nói rất đúng: "Sự dốt nát sở dĩ có là do trong ngôn ngữ chúng ta còn lắm danh từ nghĩa không được đích xác".

Trong quyển "Luận Về Trí Năng Con người" nhà đại tư tưởng Locke đã nói: "Muốn cho người ta thâu nhận những chủ nghĩa phi lý hoặc kỳ hoặc, không có cách gì hay bằng bao phủ những lý thuyết ấy dưới một lớp danh từ tối nghĩa, mù mờ hoặc không định rõ nghĩa".

Tôi tin rằng người ta có thể bàn giải nhiều vấn đề mắc mỏ bằng một lối văn thông thường, với những danh từ thông dụng, chỉ dùng đến những thuật ngữ khi chúng ta không tìm thấy trong ngôn ngữ thông thường một danh từ tương đương và nếu phải dùng đến một danh từ chuyên khoa ít ra chúng ta phải định nghĩa nó cho rành mạch.

Đó cũng là quy tắc mà chúng tôi cố gắng theo khi soạn ra sách này. Chúng tôi được sung sướng nếu tất cả bạn đọc đều có thể hiểu chúng tôi, dù là người chỉ có sức học cơ sở sơ học.

Có cần gì phải nói không phải một khi gấp quyển sách này lại mà quý bạn đọc đã trở thành một nhà tâm lý sành sỏi.

Việc dọ dẫm, khảo xét cá tính con người là một công việc tế nhị vì mỗi con người là mỗi trường hợp riêng biệt.

Nhưng muốn giải đáp bài toán, ít ra cần phải biết những định lý căn bản. Đây chỉ là một mớ tài liệu về khoa học của tâm hồn mà chúng tôi ước mong rằng nó sẽ giúp cho những ai muốn tìm hiểu bài giải về cá tính con người.

Phần I - Chương 2

CÁ TÍNH CỦA CON NGƯỜI

NHỮNG PHƯƠNG PHÁP CỦA TÂM LÝ HỌC

Đi xem một cuộc triển lãm hội hoạ, chúng ta nhận thấy các bức tranh trưng bày chẳng những khác nhau về đề tài, về khuôn khổ mà còn khác nhau rất nhiều về sắc độ. Bức thì màu sắc rực rỡ, bức lờ mờ, hoặc lộng lẫy, hoặc vui hoặc buồn. Có bức thì đơn sắc, có bức lại gồm có nhiều màu sắc đối chọi nhau một cách ngộ nghĩnh, có bức hình dáng chẳng khác gì một tấm thảm.

Tuy thế, tất cả những bức tranh ấy đều đặng tạo nên với một ít màu chính, lúc nào cũng thế.

Cá tính của con người cũng giống như các bức tranh nói trên. Tuy nó hiện ra dưới bao nhiêu sắc thái nhưng tựu trung nó cũng chỉ đặng tạo nên bởi một ít bẩm màu căn bản. Chính sự phối hợp vô cùng phức tạp của những bẩm chất này đã làm cho có sự khác nhau giữa loài người, làm thành bao nhiêu hạng người.

Tâm lý học nhằm hai mục tiêu: Tìm xem đâu là những bẩm chất cốt yếu của con người và sau khi đã định rõ giá trị mỗi bẩm chất ở một người, sẽ tiên đoán thái độ, lối xử sự của người ấy.

Hai cá tính của con người:

Từ lâu rồi người ta đã ngờ ngợ rằng những yếu tố cấu thành cá tính con người có thể phân làm hai loại. Người ta nhận thấy một cách mơ hồ rằng trong thâm tâm của mỗi người đều có một cái gì vững vàng, suốt đời không thay đổi và bao phủ trên cái cái phần ấy, như một cái mặt nạ, còn có một cá tính khác, uyển chuyển hơn, biến hóa hơn, lại chịu ảnh hưởng của những biến cố bên ngoài.

Một trong những thắng lợi của tâm lý học hiện giờ là đã chỉ định một cách rõ rệt rằng trong mỗi người đều có hai cá tính.

Lúc chào đời chúng ta mang sẵn trong người cái cá tính thiên nhiên. Những yếu tố của nó làm nòng cốt cho cái khí chất và cái trí tuệ của chúng ta. Cái cá tính thứ nhì được gọi là cá tính tập thành bởi nó được kết thành do những hiện tượng bên ngoài, do tất cả những biến cố của đời sống.

Đôi khi các nhà khoa học cũng gọi nó là "bản ngã căn bản", "bản ngã ngoại diện". Nhưng chúng ta xin miễn dùng những tiếng "lóng" ấy và chỉ có thể nói một cách giản dị là mỗi người khi sinh ra đời đều có nhận được một số dụng cụ hoặc tốt hoặc xấu, đó là cá tính thiên nhiên. Dưới ảnh hưởng của những hiện tượng đời sống, họ sẽ dùng những công cụ ấy để xây dựng cá tính tập thành.

Bây giờ chúng ta hãy xem xét cái cá tính thiên nhiên ấy làm bằng những gì? Lúc sinh ra đời, chúng ta đã nhận được những dụng cụ gì? Những bẩm chất nào là những bẩm chất căn bản? Bao nhiêu câu hỏi mà bấy lâu nay người ta không tìm ra lời giải.

Tuy thế, từ lúc nào cũng như lúc nào, con người luôn luôn muốn tìm hiểu lý do những hành động của mình. Họ tự dò la, khảo sát, tự thú. Họ đã ghi chép kết quả của những cuộc khảo sát này trong bao nhiêu sách vở: tiểu thuyết, ký sự, khái luận, khảo cứu và thu thập rất nhiều tài liệu song chẳng đi đến một kết quả khả quan nào. Không thể xếp thành loại mớ tài liệu ấy, cũng không thể rút ra những quy tắc tổng quát. Ngay việc đặt để và định nghĩa các danh từ, những tác giả cũng chưa đồng ý thay. Việc dùng "phương pháp nội quan" để tìm hiểu tâm lý con người đã thất bại.

Vì sao? Bởi khi người ta chỉ trông qua một bức tranh thì không tài nào có thể phân định những màu căn bản mà họa sĩ đã dùng để vẽ bức tranh ấy. Hẳn thí dụ rằng loài người chưa biết thuật hội họa. Có thể nào qua một bức tranh chúng ta phân tách nổi trong bức tranh ấy có bao nhiêu chất màu xanh, và cách phân phối màu xanh ấy ra sao? Chúng ta có biết màu xanh là màu căn bản chăng? Chắc là không, cho đến khi chúng ta tìm ra một phương pháp có thể làm nổi bật ra một màu này hoặc một màu khác trong bảy màu của cầu vòng. Lúc bấy giờ chúng ta mới rõ: chỉ có bảy màu chính, bảy màu căn bản, cách phân phối những màu ấy ra sao, và chúng ta biết rõ tất cả các sắc do sự pha trộn của hai hoặc nhiều màu trổ ra.

Cách nhà tâm lý học hiện giờ đã tìm ra một thứ "thuốc thử" na ná như thể để phân tách rõ rệt những yếu tốt tạo thành cá tính con người. Thuốc thử đó là bệnh điện.

Thuốc thử của bệnh điên:

Nếu khoa học tâm lý về con người ngày nay đã có một nền tảng vững chắc đó là nhờ công trình của nhiều nhà chuyên về bệnh tinh thần như Ernest Dupré chẳng hạn và nhất là nhờ những phát minh của hai nhà bác học: Giáo sư F. Achille Delmas, một tâm y sĩ có tiếng và giáo sư Marcel Boll, một nhà khoa học mà cũng là môt nhà văn, một nhà phê bình nhiều người biết đến.

Họ đáng cho chúng ta ghi ân. Chính họ là những người sáng tạo ra nền tâm lý học tân thời. Chẳng những họ đã lập ra một lối phân loại rất hợp lý về các bẩm chất căn bản của cá tính con người, ngoài ra họ cũng là những người đầu tiên đã phân biệt có hai loại tâm lý học: Một thứ tâm lý học tịnh khảo sát về cá tính thiên nhiên và các tính tập thành. Một thứ tâm lý học động khảo sát về lối cư xử, thái độ của con người. Nói một cách khác, có thứ tâm lý học chuyên khảo xét về các bộ phận của guồng máy lại có thứ chuyên khảo về cách vận dụng của guống máy ấy.

Chính tôi đã căn cứ trên lý thuyết của hai nhà khoa học ấy để xây dựng cái nền tảng vững chắc của sách này, và trong bao nhiêu áp dụng mà tôi đã đề cập trong sách này tôi chưa hề thấy lý thuyết ấy sai chạy ở một điểm nào.

Muốn hiểu rõ tại sao người ta có thể dùng người điên để phân tích tâm trí của người có đủ lý trí, chúng ta cần hiểu qua về những chứng bệnh tinh thần và cách xếp loại của nó.

Xưa kia người ta không biết gì về bệnh điên cả. Thấy người nào nói xàm nói nhảm hoặc có những hành động kỳ dị, người ta cho rằng họ điên hoặc khùng, không hơn không kém. Tuy rằng người ta đã nhận thấy có nhiều chứng cuồng tâm, loạn óc song không ai buồn nghiên cứu những bệnh ấy. Cho đến cuối thế kỷ XVIII người ta vẫn còn xem những người điên như loài ác thú, người ta cùm xích họ lại, họ sống một đời sống đáng thương hại.

Đến đầu thế kỷ XIX, mới có một nhà y sĩ từ tâm biết nghiêng mình xuống số phẩn hẩm hiu của những người bạc phúc ấy. Đó là ông Pinel. Ôngười đã kéo họ ra khỏi chốn cực hình, đã bắt đầu nghiên cứu về họ một cách hợp lý.

Suốt thế kỷ gần đây, nhiều người khác đã tiếp tục việc khảo cứu này và ngày ngay, khoa tâm y học tức là khoa học nghiên cứu về các chứng bệnh tinh thần đã tiến bộ một cách khả quan. Những công cuộc nghiên cứu liên tục này đã giúp người ta tìm ra một lối xếp loại rất quan trọng: Phân chia các chứng bệnh tinh thần ra làm hai nhóm riêng biệt: Những bệnh do thương tích gây ra và những bệnh do thể tạng tức là do sự cấu thành của thể chất tạo nên.

Những bệnh điên do thương tích gây ra:

Những bệnh điên do thương tích có những đặc điểm cốt yếu sau đây:

Con bệnh luôn có những vết thương trong óc, người ta tìm thấy những vết thương này khi mổ thây người chết để khám nghiệm.

Có thể đây là một chứng bệnh tập thành chứ không phải do thiên bẩm, vì những vết thương này phát ra sau khi con người đã sinh ra hoặc nếu sớm hơn, thì cũng là khi bào thai đã tượng hình.

Tùy theo vết thương có tính chất vĩnh viễn hay tạm bợ, người ta sẽ chia những bệnh do thương tích này làm hai loại:

Loại đầu gồm những chứng mất trí, ngu đần, động kinh, bất toại, điên cuồng, lẩm cẩm vì già nua. Loại sau gồm những bệnh điên phát sinh bởi một vết thương hoặc một chất độc (rượu, thuốc phiện v.v...).

Những bệnh này thường đều bất trị, trừ những bệnh thuộc loại thứ hai và ở trường hợp mà chất độc chỉ gây những thương tích nhẹ.

Những bệnh điên do thể tạng gây ra:

Những bệnh tinh thần thuộc nhóm thứ hai, tức là những bệnh điên do thể tạng sinh ra, mới đáng cho người muốn nghiên cứu về tâm lý học quan tâm hơn.

Những bệnh thuộc nhóm này có hai thuộc tính:

Nó do thiên bẩm. Mầm gốc những chứng bệnh ấy đã sẵn có trong người con bệnh từ lúc họ mới lọt lòng. Rất có thể và thường khi như thế, bệnh ấy chưa phát triển đầy đủ lúc con bệnh còn thơ ấu, bởi sự phát triển ấy có thể hoặc sớm hoặc muộn, tuy nhiên người ta luôn luôn nhận thấy điều này là những bệnh ấy do thể tạng của con bệnh tức là do cơ cấu thể chất mà họ có sẵn từ lúc họ ra chào đời. (Giáo sư F. Achille Delmas định nghĩa cơ cấu tâm bệnh như thế này: Đó là một nhóm xu hướng tâm thần nhất định, thuộc cá tính thiên nhiên của con bệnh, phát triển lúc người ấy mới sinh ra, và suốt đời họ, bộc lộ bởi những phản ứng mạnh hay yếu... nó có thể đi đến những chứng bệnh thần kinh tuần hoàn, thuyên giảm trong chốc lát hoặc tiệm tiến (nghĩa là bệnh điên phát triển trong một thời kỳ gần hay xa hoặc tuần tự mà tiến). - Bài phúc trình về tâm bệnh học ở hội nghị Limoges, từ ngày 25 đến 30 tháng 7 năm 1932.

(Còn vấn đề: Bằng cách nào và do đâu bệnh điên có thể phát sinh từ một cư cấu tâm bệnh thì người ta chỉ hiểu lờ mờ. Trong bản phúc trình nói trên, giáo sư Delmas chỉ thử tìm cách giải).

Những con bệnh này không mang vết thương tích nào trong óc cả. Khi người ta khám tử thi một người bệnh điên thuộc nhóm này, người ta thấy óc họ chẳng khác gì óc một người lành mạnh. Rất có thể sự giống nhau ấy chỉ có ở mặt ngoài, còn nếu có chỗ khác nhau thì những phương tiện tìm tòi hiện giờ cũng chưa cho phép chúng ta nhận thấy những đặc điểm của các khối óc bệnh hoạn ấy.

Điều quan trọng cũng là điều cốt yếu trong việc nghiên cứu của chúng ta là những chứng bệnh ấy chỉ là sự lệch lạc, sự phát triển quá độ hoặc sự khuyết kém những yếu tố căn bản tạo thành cá tính của một người lành mạnh.

Ở người lành mạnh, những yếu tố ấy pha trộn, phối hợp lẫn nhau một cách điều hòa khó lòng cho chúng ta phân biệt.

Ở những con bệnh tinh thần trái lại tính cách bất thường của những yếu tố ấy làm cho nó nổi bật lên trên cá tính, nhờ đó chúng ta rất dễ thấy.

Vì thế chúng ta có thể dùng những bệnh "điên" thuộc nhóm sau này như một thứ "thuốc thử" mà chúng tôi đã nói ở trước. Một khi có thể phân biệt và xếp những chứng bệnh ấy thành loại thì chúng ta cũng đã biết rõ có bao nhiêu bẩm chất căn bản tạo thành cá tính con người. Công trình nghiên cứu của hai ông F. A Delmas và M. Boll là đã xác định lối phân loại ấy.

Phần I - Chương 3

CÁ TÍNH CỦA CON NGƯỜI

NHỮNG CHỨNG BỆNH TINH THẦN DO THỂ TẠNG GÂY RA

Có thể chia những bệnh này làm ra năm loại. Dưới đây chúng ta sẽ nghiên cứu riêng từng loại.

Chứng cuồng vọng (paranoie):

Loại này là do sự cuồng vọng của óc đòi hỏi gây ra, y học gọ nó là bệnh paranoia, nhưng xét theo nguồn gốc thì danh từ này đặt chưa thật xác nghĩa, bởi theo tiếng Hy Lạp thì paranoia có nghĩa là "lý luận lạc đề".

Chúng ta cứ gọi là bệnh "cuồng vọng" cho dễ hiểu.

Người bị cuồng vọng luôn luôn đòi hỏi hơn những quyền lợi hoặc quyền hạn mà họ có. Họ tự ban cho mình những tài sản phi thường, tự đặt cho mình những tước vị không thể tưởng tượng. Họ mong chờ những gia tài kếch sù, tự xưng là vua là hoàng đế đôi khi là Thượng Đế. (Ông N. P. Thiên vương nào đó mà vừa rồi báo chí có nói đến, đã tự gán cho mình ba cấp bằng thạc sĩ và tự xưng là hoàng đế Việt Nam, rõ là một con bệnh cuồng vọng (1956).

Và đương nhiên họ không bao giờ đoạt được những gì mà họ tưởng rằng họ phải có, hoặc có quyển hưởng, nên họ đâm ra bất mãn, tưởng rằng mình bị ngược đãi hoặc bị những kẻ thù tưởng tượng ám hại. Sự cuồng loạn của tinh thần bị ngược đãi là kết quả đương nhiên của bệnh cuồng vọng.

Những con bệnh cuồng vọng này cũng như những con bệnh sẽ được kể dưới đây, mới xét ra chúng ta không thấy vẻ gì tỏ ra là người cuồng trí, nhưng họ có thể trở nên nguy hiểm. Bởi như đã nói trước, họ cho rằng nỗi khổ tâm, những thất vọng của họ là do những kẻ thù địch vô danh gây ra, và một ngày kia họ có thể nhận thấy kẻ thù địch ấy ở một cá nhân hoặc ở những người nào đó để rồi họ sẽ trả thù lại. Những án mạng do người cuồng vọng gây ra khó mà đo lường bởi tính họ vốn hay ngờ vực nên không có ai là tri kỷ, không ai biết được ý định của họ.

Chứng gian ác (la perversité):

Sự thác loạn của tâm đức tức là bệnh gian ác thuộc loại thứ hai. Người mắc phải bệnh này mất cả giác quan luân lý, họ không biết luân thường đạo lý là gì nữa. Họ có những hành động phản xã hội và như vậy không vì một nguyên do nào cả.

Trong loại này chúng ta có thể kể những người điên khát máu, giết người không gớm tay, đốt nhà cho vui mắt, những tay bạo dâm tức là những người tìm thấy sự khoái trá bệnh hoạn trong sự hành hạ, giết hại người khác, những người ăn cắp vặt v.v... (Ăn cắp vặt là một hành vi phản xã hội, lẽ dĩ nhiên phải kể nó vào bệnh gian ác. Nhưng cũng còn tùy, có những kẻ ăn cắp vặt không vì tham lam hay làm hại ai cả, song là do một sự ám ảnh bệnh hoạn khiến họ ăn cắp nhiều món đồ không ích lợi gì cho họ, ở trường hợp này phải xếp họ vào hạng đa cảm xúc mà chúng tôi sẽ nói ở phần sau).

Những tay bạo chúa ngày xưa như hoàng đế Néron đốt thành Roma, Tần Thủy Hoàng đốt sách chôn học trò, Đắt Kỷ xúi Trụ Vương xây Bá Lạc Đài đều là những người mà tâm đức bị thác loạn. Và ngày nay cứ dần dở những hồ sơ trên toàn án chúng ta cũng tìm thấy lắm vụ án mạng mà thủ phạm rõ ràng là những con bệnh thoại loại này như Landru, người Pháp đã giết bảy, tám người vợ, như Kuerten mà báo chí đã đặt tên là "con dơi hút máu ở Dusseldorf", giết người để hút máu.

Chứng khoác lác (la mythomanie):

Bệnh thứ ba trong nhóm này là bệnh khoác lác. Người mắc phải chứng bệnh này nói dóc thì tột bực và nói một cách rất tự nhiên. Nhưng sự khoác lác của họ thường khi không có mục đích làm ai cả chỉ muốn làm cho người ta quan tâm đến mình, để kiếm chút danh vọng hão. Trong loại này có thể kể những tổ sư nói dóc hay bịa chuyện trên trời dưới đất để lòe đời, những người hay giả vờ, những có tính "đồng bóng".

Thỉnh thoảng trên mặt báo chúng ta thấy kể lại một vài "kỳ công" của những con bệnh này. Một người cho rằng họ bị trộm, bị cướp, bị ám sát. Đôi khi người ta thấy quả thực họ bị nhét khăn vào cổ, bị trói thúc ké hoặc bị đánh sưng mặt, bầm mình. Nhưng nhờ sự điều tra sáng suốt của nhà chức trách, người ta mới "bật ngửa" vì "nạn nhân" đã thú nhận rằng chính họ đã giàn cảnh như thế chứ không ai cướp bóc, hành hung họ cả (Hẳn bạn đọc còn nhớ vụ bà thiếu úy hay đại úy nào đó ở Gia Định vì thua bạc nên đã giàn xếp một vụ "bị cướp" theo lối này). Có người xếp đặt "tấn tuồng" ấy vì một sự lợi ích nào đó, nhưng đôi khi cũng có người chỉ vì muốn thấy tên tuổi của mình được nêu trên mặt báo.

Ngoài ra chúng ta cũng có thể kể những tay bịp bợm thích mang những huy chương giả, thích ăn vận quân phục hoặc đeo lon giả để tự ban cho họ chức thiếu tá hay thiếu úy, những người giả vờ bị tai nạn, những người viết thư rơi (thông báo mất) v.v...

Nói cho đúng lối bịp bợm của những con bệnh khoác lác này cũng không mấy khi làm hại ai một cách trực tiếp, song nó có thể đưa đến những vụ án oan rất tại hại bởi nói khoác một cách rất tự nhiên, ít khi tự phản lấy họ nên dù tòa án có sáng suốt cũng chưa dễ gì lột mặt nạ của họ.

Vụ án thiếu úy De La Roncière đã xảy ra bên Pháp vào giữa thế kỳ XIX là một trường hợp đặc trưng cho sự lầm lạc của tòa án gây ra bởi một con bệnh khoác lác. Một cô gái nọ tố cáo thiếu úy De La Roncière toan cưỡng bức cô, vị thiếu úy này bị tòa kêu án khổ sai, những về sau người ta mới nhận thấy nỗi oan ức của ông ta.

Chứng tâm thần bất định (la cyclothymie):

Bệnh thứ tư thuộc nhóm bệnh này là bệnh tâm thần bất định. Người mắc phải chứng này tính tình không điều hòa khi thị họ bị kích thích nên bồng bột, hăng hái một cách thái quá mà như vậy không vì lý do chính đáng nào cả. Khi thì trái lại họ tỏ ra uể oải, suy nhược, biếng đi, biếng nói. Tâm thần họ bất định, luôn luôn chuyển từ thái cực này đến thái cực khác. Trong loại này chúng ta có thể kể những người điên thiểu não, ngồi ủ rũ một nơi, những người điên thả rong rêu.

Riêng tôi được biết một bà nọ không có vẻ gì mất trí hay loạn tâm, nhưng đôi khi ba ta bế cửa nằm nhà cả đôi ba tuần lễ, để rồi liền sau đó lại sống trong những ngày nhộn nhịp, tiếp tân, tiệc tùng, du lịch không ngớt. Kế đó bà ta lại trở về với cuộc đời tu tỉnh, đó là lúc tâm thần ba đang "xuống dốc", lúc ấy, dù chẳng bệnh hoạn gì bà ta cũng nằm lỳ trên giường không chịu đi đứng.

Chứng đa cảm xúc (I'hyperémotivié):

Bệnh thứ năm cũng là bệnh chót trong nhóm này là đa cảm xúc. Người đa cảm xúc rất dễ xúc cảm, xúc cảm một cách thái quá mà không có một nguyên do nào để giải thích thái độ của họ.

Trong loại này chúng ta có thể kể những người bị ám ảnh, những người lo âu, những người lo sợ một cách không đâu, sợ cả cái bóng của họ. Đôi khi chúng ta lại thấy họ áy náy đi tìm những cảm xúc. Luôn luôn họ nghĩ đến sự chết. Mỗi việc đối với họ đều rất quan trọng. Một sự bất mãn cỏn con đối với họ đã thành một thảm kịch trong đời sống. Sự lệch lạc của cảm tính này thường gây ra bởi một việc hoặc một trạng huống nào đó đã thường trực ám ảnh họ.

Bệnh cảm tính cuồng loạn này có thể pha trộn với bệnh tâm thần bất định để tạo ra những tên sát nhân mà chúng ta khó hiểu nổi, như trường hợp một tên sát nhân giết vợ và một đứa con, nhưng lại dung tha cho đứa khác (trường hợp bệnh sầu lo áy náy).

Đọc tiểu sử của Lucile De Chateaubrind, em gái nhà đại văn hào Pháp, chúng ta thấy rõ con bệnh thuộc loại này.

Ngoài ra chúng ta tìm thấy nhiều thí dụ khác trong lịch sử.

Sự xếp loại này rất quan tọng, chúng tôi tưởng cần tóm lược nó lại bằng một bảng kê hầu các bạn dễ nhận định.

Những bệnh do thể tạng sinh ra tức không phải do thương tích gây ra:

- Cuồng vọng: Óc đòi hỏi, óc nhận xét bị cuồng loạn.

- Gian ác: Bị kích thích làm những việc có phương hại đến xã hội.

- Khoác lác: Bị kích thích nói dóc, nói khoác.

- Tâm thần bất định: Hoạt động tính mất thăng bằng (có tật riêng, buồn bã).

- Đa cảm xúc: Cảm tính phát triển đến mức thái quá, bệnh hoạn.

Phần I - Chương 4

CÁ TÍNH CỦA CON NGƯỜI

I. KHÍ CHẤT - NHỮNG BẨM CHẤT CĂN BẢN THUỘC CẢM TÍNH

Chúng ta đã nhận thấy mỗi chứng bệnh trong bảng kê trước đây tương ứng với bệnh thái của một bẩm chất căn bản thuộc cảm tính của cá tính chúng ta.

Lòng tham muốn:

Bệnh cuồng vọng chỉ là sự phát triển quá mức của một bẩm chất thiên nhiên: lòng tham muốn. Ở đây chúng ta không nên hiểu chữ "tham muốn" theo cái nghĩa "xấu" mà người ta thường gán cho nó. Đó là một bẩm chất thiên nhiên nó khiến chúng ta biết đòi hỏi những gì chúng ta có quyền "có" hoặc có quyền "hưởng" để nhận lấy của đời sống những tài sản vật chất hoặc tinh thần mà chúng ta thấy rằng cần thiết cho chúng ta. Đó là một bẩm chất hữu ích, nó đem lại cho chúng ta một mục đích sống mà người ta thường gọi một cách hơi thô là "lợi lộc".

Tùy người, lòng tham muốn có nhiều giá trị khác nhau. Nếu nói về tài sản vật chất (tiền bạc, bàn ghế, nhà cửa, đất đai) nó có thể đi từ óc vô tư, bất vụ lợi đến lòng gian tham và từ sự nhún nhường hoặc khiêm tốn đến thói quen kiêu ngạo, nếu nói về những tài sản thuộc tinh thần hoặc danh vọng.

Lòng nhân:

Sự thác loạn của tâm đức là bệnh gian ác, do sự thiếu bẩm chất lòng nhân một khuynh hướng thiên nhiên nó khiến chúng ta yêu người đồng loại, muốn kết thân với họ, lưu tâm đến họ, nghĩ đến họ cũng như chúng ta nghĩ đến mình, nói tóm lại, nó làm cho chúng ta có lòng nhân, biết thương nhau. (Lòng nhân là sự gạt bỏ những lợi lộc riêng của mình một khi biết rằng muốn đoạt được những lợi lộc ấy tất phải làm thiệt hại kẻ khác (A. Delmas). Sự gian ác chỉ là sự khuyết kém "lòng nhân" nó không như người ta thường tưởng là sự đối ngược với "lòng nhân". Sự gian ác không phải luôn luôn có nghĩa là làm ác một cách cố tình, đôi khi đó chỉ là một hành động mà người đã làm không lưu tâm gì đến những thiệt hại hoặc những đau khổ gây ra cho kẻ khác. Sự gian ác nó thuộc về bệnh lý, là một sự khuyết kém, chứ không phải sự mất hẳn "lòng nhân". Người ta nhận thấy tình thương ở người gian ác, tình thương ấy thường hướng về một người hoặc số rất hiếm người.

Không có danh từ nào riêng để chỉ về mực cao nhất của lòng nhân. Người ta có thể gọi là lòng ái nhân vẹn toàn.

Óc hợp đoàn:

Bệnh khoác lác là sự phát triển quá mức của một bẩm chất tự nhiên: óc hợp đoàn. Bẩm chất này khiến chúng ta biết làm cho người khác quan tâm đến mình, khiến cho chúng ta tìm kiếm, mua chuộc hoặc chinh phục tình cảm, sự kính nể hoặc lòng tốt của kẻ khác. Thật thế, người khoác lác là người có nhiều óc hợp đoàn nhất, họ đặt điều vẻ chuyện để đề cao mình một cách thái quá, để đoạt được những lợi lộc về mặt xã hội, để làm người khác phải ngạc nhiên, phải bất ngờ v.v...

Óc hợp đoàn khác lòng nhân ở chỗ, một đàng thì tìm kiếm còn một đàn thì phân bố tình cảm.

Óc hợp đoàn là điều kiện tất yếu của đời sống tập thể: Nó nảy sinh ra phép lịch sự, phép xã giao, những nghi thức, những nghi lễ v.v...

Ở phần cao của nó là tính diêm dúa, tính khoác lác bịp đời, lẻo dối, nói một cách chung là sự giả dối.

Ở phần thấp nó là tính trắng trợn, tính nói xẵng, nói thực nhưng cộc lốc, nói như "dùi đục chấm mắm".

Được phát triển điều hòa, nó nảy sinh ra tính thực thà.

Hoạt động tính:

Bệnh tâm thần bất định là sự lệch lạc của bẩm chất cốt yếu thứ tư: hoạt động tính.

Hoạt động tính chỉ về sức hoạt động mạnh mà cũng có nghĩa là sự cần dùng hoạt động. (Một người hoạt động không bắt buộc phải là một người khỏe về thể chất. Chúng ta thường thấy những người ốm yếu nhưng hoạt động rất hăng, trái lại có người "voi vật không ngã" nhưng lại tỏ ra bải hoải, suy nhược). Hoạt động không cốt là vận động, nó gồm những cử chỉ, những sắc mặt, những thái độ, những lời nói, xét cách chung, nó gồm tất cả những phương cách để diễn đạt tình cảm, biểu lộ tư tưởng. Bẩm chất này giúp chúng ta chuyển tư tưởng sang hành động.

Đừng làm lộn hoạt động tính với thái độ và lối xử sự của một người nó thuộc về động lực. Hoạt động tính là một khả năng đã có trong chúng ta, là những gì chúng ta có thể làm. Thái độ và lối xử sự là tổng kết những hành động đã được thực hiện, là những gì chúng ta làm. Hoạt động tính thuộc về tiềm tế, thái độ và lối xử sự thuộc về thực tế.

Ở địa hạt trên của hoạt động tính là: tính liến thoáng, náo động, bộc lộ, cởi mở. Ở địa hạt dưới là tính nhu nhược, chậm chạp, bất động. Hoạt động tính có nhiều cấp bậc nó đi từ sự thoải mái tới sự khích động.

Hoạt động tính tùy thuộc mật thiết với một trạng thái thể chất chung mà người ta gọi là toàn thân cảm giác. Toàn thân cảm giác là tất cả những cảm giác bên trong con người do trạng thái thần kinh chúng ta gây ra. Khi bộ thần kinh chuyển vận điều hòa toàn thân cảm giác chúng ta tốt, chúng ta cảm thấy một sự khoan khoái toàn thể khó tả, một cảm giác khoan khoái nó giúp cho sự chuyển vận của hoạt động tính. Trái lại khi toàn thân cảm giác chúng ta không được tốt thì hoạt động tính bị ngưng trệ.

Cảm xúc tính:

Đa cảm xúc là sự phát triển quá độ của bẩm chất cảm xúc tính, bẩm chất thứ năm và sau cùng của những bẩm chất thuộc cảm tính.

Cảm xúc tính là phản ứng của một người trước sự khiến dụ của ngoại giới, nó có thể là một sự đau khổ, một nguy hiểm, một niềm vui. Cảm xúc tức là buồn, vui, sợ hoặc giận dữ. Đó là bẩm chất đặc biệt giúp bản ngã phòng thủ, một bộ máy đề phòng, một con chó giữ nhà nó nhận biết đâu là thù, đâu là bạn của chủ nó. Nó giúp chúng ta đề phòng, tự vệ.

Ở phần cao nó là tính nỏng nảy, đa cảm. Ở phần thấp tính lanh lợi, tính thản nhiên.

Những phản ứng sinh lý có thể làm cho những cảm xúc lộ ra ngoài: Khi chúng ta giận dữ hoặc sợ hãi, mặt chúng ta sẽ đỏ bừng hoặc tái xanh, tay chân run rẩy.

Năm bẩm chất căn bản ấy: tham muốn, lòng nhân, óc hợp đoàn, hoạt động tính, cảm xúc tính được gọi là những bẩm chất thuộc hoạt động và tình cảm. Đó là những trạng thái tiên nhiên, do trời sinh, do cách cấu thành thể trạng của con người.

Hai trong những bẩm chất ấy là hoạt động tính và cảm xúc tính có liên quan mật thiết với sinh lý và có thể biểu lộ ra ngoài mặt nên được gọi là những bẩm chất thuộc hoạt động. Còn lại ba bẩm chất kia lòng tham muốn, lòng nhân, óc hợp đoàn thì được ghép vào những bẩm chất thuộc cảm tính.

Đem một người ra mà xét, chúng ta thấy những bẩm chất ấy không thay đổi, lúc nào chúng cũng hiện diện và giữ nguyên giá trị. Chúng nó tồn tại suốt một đời người và vẫn ở một mức độ, nhưng ở phần sau đây, chúng ta sẽ thấy bằng cách nào cái cá tính tập thành có thể che đậy nó, kích thích nó hoặc làm giảm sức hoạt động của nó.

II. TRÍ TUỆ - NHỮNG KHẢ NĂNG TINH THẦN

Căn cứ vào những chứng bệnh tinh thần do thể tạng sinh ra, chúng ta đã nhận định năm bẩm chất cốt yếu của khí chất, nhưng còn những bẩm chất của trí tuệ thì ra sao? Vì sao những chứng bệnh nói trên không thể giúp chúng ta biết gì về những bẩm chất của trí tuệ cả?

Thưa, bởi một lẽ giản dị là ở những chứng bệnh này trí tụê không hề bị thương tổn. Nói cho đúng, những người mắc bệnh "tham vọng", "khoác lác"... không phải là những người cuồng trí hẳn. Đầu óc họ chỉ bị lệch lạc ở một điểm nào đó thôi, ngoài ra họ vẫn biết suy luận đúng đắn, trí tụê họ không hề hấn gì cả. Vì thế, lâu nay người ta vẫn cho rằng họ hoàn toàn chịu trách nhiệm về những hành vi của họ (và hiện giờ vẫn thế, tòa án vẫn kết tội họ), họ là những người nửa khùng nửa điên. Khi họ bị giam giữ, người ta có thể dùng họ để làm những công việc cần đến trí tuệ.

Người ta có thể ngờ rằng những bệnh thuộc nhóm đầu, những bệnh do thương tích gây ra có thể giúp chúng ta biết rõ về những bẩm chất của trí tuệ, vì những chứng bệnh này có ảnh hưởng đến những bẩm chất thuộc trí tuệ, và những con bệnh ấy đều là những người điên thật sự. Nhưng người ta vướng phải một lối bí. Những thương tích đã gây nên những chứng bệnh ấy cũng đã làm hư hỏng cả guồng máy trí tuệ. Bộ não của những con bệnh ấy không giống những người khác, vì thế cũng không rút tỉa được một vài nhận xét hay ho nào về những bộ não lành mạnh.

Nguồn gốc của sự sống:

Phải khảo xét ở một nguồn gốc khác: ở nguồn của sự sống, nó đã giúp chúng ta kiểm điểm những bẩm chất thuộc hoạt động và cảm tính vì lẽ đương nhiên, những bẩm chất này cũng xuất hiện cùng một nguồn gốc ấy.

Không có cách nào khác để định nghĩa sự sống hơn là dựa theo những biểu hiện của nó. Đặc tính cốt yếu của sự sống là sự liên tục. Mỗi sinh vật đều do một sinh vật khác sinh ra. Mỗi tế bào đều bắt nguồn gốc ở một tế bào khác. Nhưng ai đã sáng tạo ra tế bào đầu tiên?

Vấn đề này đã gây ra bao nhiêu cuộc bàn cãi sôi nổi cho đến nay vẫn chưa chấm dứt.

Những người tin theo thuyết "quyết định", thuyết "duy vật" cho rằng sự sống là sự hợp thành toàn bộ những hiện tượng thuộc lý hóa học mà về cách truyền chủng, chúng ta chưa hiểu được, không phải vì không hiểu nổi bản thể của những hiện tượng ấy mà vì tính cách vô cùng phức tạp của chúng.

Những người thuộc phái "vạn vật sáng tạo" thì tin rằng phải có một đấng tối cao dựng nên vạn vật. Mỗi phái đều có một số người bênh vực cuồng nhiệt. Chúng ta không dự vào cuộc bàn cãi ấy, nó vượt qua khỏi phạm vi sách này. Chúng ta chỉ biết rằng cho đến ngày nay chúng ta chưa hề biết gì cả về nguồn gốc sự sống. Nếu chúng ta rõ được, chúng ta đã làm những bậc thần thánh, nhưng chúng ta chỉ là người, nghĩa là chưa có gì đáng kể.

Song nếu chúng ta chưa biết gì về nguồn gốc của sự sống, ít ra chúng ta cũng biết được những điều kiện căn bản của sự sống. Mỗi sinh vật sống đều biểu thị bởi bốn hiện tượng riêng biệt.

Những hiện tượng của sự sống:

Hiện tượng đầu tiên là dinh dưỡng. Tất cả mọi sinh vật đều biết tự dưỡng, nghĩa là ở mỗi sinh vật đều có một sự trao đổi những thực chất với hoàn cảnh mà nó đang sống. Những sinh vật thô sơ nhất chỉ gồm có một tế bào, như loài "protiste" chẳng hạn, cũng nhận được của cái hoàn cảnh mà chúng đang sinh sống, những chất bổ cần thiết nó ngấm qua cái vỏ bọc nguyên sinh chất của chúng. Càng bước cao lên trên đẳng cấp sinh vật, chúng ta sẽ thấy cơ năng dinh dưỡng được quy định vào một cơ quan do đó những cơ quan này đã trở nên phức tạp.

Hiện tượng thứ hai là hiện tượng sinh sản. Tất cả những sinh vật đều được truyền tồn, nối dõi. Đó là do tính cách liên tục của sự sống. Để thi hành công việc ấy, tạo vật dùng nhiều phương thức khác nhau và bất chấp cái luân lý của con người. Đôi khi, ở những sinh vật thô sơ, cái tế bào nguyên khởi tự chia ra làm đôi để sinh ra hai sinh vật mới riêng biệt; có trường hợp sinh vật ấy nảy sinh thêm bằng cách nảy mầm nở mọng, lại cũng có khi những sinh vậy ấy tạo ra những tế bào đặc biệt, được gọi là tế bào tính dục. Hai tế bào trống mái sẽ kết hợp nhau để sinh ra một sinh vật mới. Đó là lối sinh sản tính biệt.

Hiện tượng thứ ba là hiện tượng di động. Tất cả những sinh vật đều có thể di động, tự động, vận động, chuyển động. Dù là những sinh vật sơ đẳng nhất, trông ở mặt ngoài hình như không có động lực, nhưng bên trong vẫn có nhiều sự vận chuyển dù là yếu ớt. Những sự máy động này có thể rất chậm như ở giống san hô hoặc nhanh như ở loài chim én.

Hiện tượng sau cùng là cảm thụ tính. Tất cả những sinh vật đều bị khích động hoặc ít hoặc nhiều bởi những khích động của hoàn cảnh bên ngoài. Tất cả đều biết cảm giác. Lẽ dĩ nhiên ở đẳng cấp dưới, những cảm giác này rất thô thiển, nó được cảm giác bởi toàn bộ của tế bào. Càng lên cao ở đẳng cấp sinh vật nó càng trở nên phức tạp. Các sinh vật cao đẳng có những cơ quan riêng biệt cho mỗi loại cảm giác.

Người ta cũng nhận thấy bốn điều kiện của sự sống này ở những vật thể vô tổ chức nhưng chỉ thấy riêng từng hiện tượng một. Một ngọn lửa chẳng hạn, cho chúng ta thấy hình ảnh của sự dinh dưỡng. Nó cũng biết hấp thụ và biến hóa những thực chất của cảnh vật bên ngoài.

Việc thành lập những tinh thể trong một thứ nước mà chất thuốc đã tan đến nung độ, gần giống như sự sinh sản. Sự vận động rất thông thường trong tạo vật: những con nước, cái trọng lực, những tinh tú, đều di chuyển.

Sau hết một vài vật thể cũng biết cảm thụ, cũng có những cảm giác thực sự. Chất thép thu nhận một vài tính chất mới khi gặp phải một từ dả và biến thành nam châm. Dưới ảnh hưởng của ánh sáng, chất "gélatine bichromatée" không còn tan được trong nước, và chất "gélatino bromure d'argent" (hai chất này dùng trong việc làm phim ảnh) sẽ trở nên đen sậm. Điện trở của chất sélénium đổi thay tùy theo sức sáng và điện trở của chất kim khí thì thay đổi tùy theo nhiệt độ v.v...

Nghiên cứu về những sinh vật, chúng ta nhận thấy điều này: bốn tính chất nói trên, xét riêng từng tính chất một thì nó chỉ thuộc về phương diện lý hóa học. Người ta chỉ có cách phân biệt một hiện tượng sinh sống với một hiện tượng vật chất bởi một cái gì đó, mà hiện tượng sau này không thể có.

Tất cả vấn đề là sự hiện diện đồng thời của bốn hiện tượng nó biểu thị cho sự sống.

Bốn tính chất này vừa "đầy đủ" vừa "bất biến". Đầy đủ vì môt khi có đủ bốn tính chất này thì có sự sống. Bất biến vì không một sinh vật nào mà không có đủ bốn tính chất này.

Người ta nhận thấy ngay hai tính chất đầu tiên (dinh dưỡng và sinh sản) là hai cơ năng bảo tồn có mục đích làm cho sinh vật được trường tồn. Còn hai tính chất kia (vận động và cảm thụ tính) là những cơ năng tiếp ngoại, giúp cho sinh vật liên lạc, giao dịch với cảnh vực bên ngoài, để hoặc tự sử dụng hoặc để tự bảo vệ.

Nguồn gốc của những bẩm chất thiên nhiên:

Những bẩm chất tâm lý làm cơ sở cho cá tính chúng ta, chắc chắn có liên hệ mật thiết với bốn tính chất của sự sống. Nếu không do đó mà ra thì do đâu? Sau đây chúng ta sẽ tuần tự xem xét qua.

Sự dinh dưỡng đã nảy sinh ra những bản năng thèm khát như khát ăn, khát uống, hô hấp v.v... Những bản năng này về phương diện tâm lý, đối ứng với bẩm chất tham muốn. Vả lại lời tục người ta cũng thường nói là: thèm tiền, khát danh vọng v.v...

Sự sinh sản đã tạo ra tính năng ăn sâu ở mỗi sinh vật. Về mặt sinh lý tính năng đã tạo ra lòng nhân và các giai đoạn phụ thuộc: ái tính, tình mẫu tử, tình bè bạn, tình thương, lòng ái nhân. Freud đã có nói, tuy nói lơi hố về ảnh hưởng của tính dục trong cá tính con người.

Tình dục cũng đã gây nên gia đình và bành trướng ra để lập thành những bộ lạc, những giống dân nói tóm lại là xã hội. Trong ngành này, tính năng cũng đã phát sinh ra óc hợp đoàn, điều kiện cần thiết cho cuộc sống chung.

Sự di động thì chuyển thành bản năng: một thuộc về hoạt động, để tiến tới, để di chuyển, hai là thuộc về phản ứng để tự vệ. Một sinh vật có thể dùng cái cảnh vực để sinh sống hoặc để bảo vệ sự sống.

Bản năng trước là nguồn gốc của hoạt động tính, bản năng thứ hai là nguồn gốc của cảm xúc tính mà chúng tôi đã nói đó là lối phản ứng để phòng thủ.

Tính chất sau cùng là cảm thụ tính đã phát sinh những khả năng trí tuệ của chúng ta. Điều đó có thể đoán biết, vì cảm thụ tính là dấu vết của hoàn cảnh đã in trên sinh vật. Nhờ nó mà chúng ta có thể hiểu nổi những hiện tượng chúng ta đã chứng kiến, những hiện tượng ở bên ngoài chúng ta.

Cảm thụ tính đã sinh ra ba khả năng: trí nhớ, trí tưởng tượng và óc phán đoán.

Trí nhớ là sự hấp thụ những tri giác, sự gìn giữ, ký giữ, xếp đặt để có thể nhận biết lại những tri giác ấy khi cần. Đó là cơ năng trí tuệ thụ động.

Trí tưởng tượng là khả năng làm cho tri giác, những ký ức mà chúng đã moi móc trong trí nhớ có thể gần gũi, tập hợp hoặc liên kết với nhau để đối chiếu, tương phản nhau và tạo thành những liên hợp mới mẻ. Đó là yếu tố cốt yếu của sự sáng tạo dưới mọi hình thức.

Óc phán đoán là khả năng giúp chúng ta phân biệt những tri giác bằng cách đối chiếu, so sánh và đánh giá những tri giác ấy.

Trí nhớ, trí tưởng tượng và óc phán đoán là ba bẩm chất cốt yếu hợp thành trí tuệ của chúng ta.

Đến đây chúng ta có thể lập thành bảng kê cái cá tính thiên nhiên của con người như sau đây:

III. NHÌN TỔNG QUÁT VỀ CÁ TÍNH THIÊN NHIÊN

Như chúng ta thấy, cá tính thiên nhiên của chúng ta căn cứ trên tám yếu tố căn bản:

Năm yếu tố thuộc cảm tính và hoạt động, hợp thành cái khí chất con người.

Ba yếu tố thuộc tinh thần, hình thành nên trí tuệ con người.

Tám bẩm chất này có tính cách tiên nhiên, căn bản và thường xuyên.

Tiên nhiên, vì chúng ta thừa hưởng những bẩm chất ấy bởi di truyền, do cha mẹ, do ông cha tổ tiên chúng ta. (Ông Jean Rostand một nhà sinh học có tiếng chủ trương rằng: Di truyền ảnh hưởng đến trí tuệ nhiều hơn tính tình. Chúng ta không hiểu lý do. Vì những bẩm chất thiên nhiên của chúng ta có lẽ cũng phải được truyền sang bởi những yếu tố di truyền của những nhiễm thể như những đặc tính của thể chất và chắc chắn cũng do theo những định luật giống nhau).

Căn bản, vì đó là những vật liệu làm cơ sở hành lý, là những khả năng chúng sẽ theo người trong cuộc thi chạy trên đường đời.

Thường xuyên, vì từ lúc mới sinh ra đến lúc chúng ta chết, những bẩm chất ấy không hề thay đổi. Chúng ta không thể thay đổi mực độ của chúng. Đó là những công cụ đã đặt để sẵn trong tay chúng ta, chúng nó như thế nào, hoặc tốt, hoặc xấu, hoặc tệ, chúng ta cũng phải nhận lãnh; nhưng nhờ cái thế của cá tính tập thành, chúng ta có thể làm giảm bớt hoặc gia tăng hiệu năng của chúng.

Tám bẩm chất này được phân phát cho chúng ta không theo một cấp bậc, một phẩm trật nào cả. Nếu chúng ta nhận thấy nơi một người có một bẩm chất ở mực độ cao, điều ấy không chỉ rằng những bẩm chất khác tất cũng ở mực độ ấy. Muốn phán đoán về một người chúng ta phải biết rõ tất cả những bẩm chất của họ, vì sự liên kết giữa những bẩm chất ấy có thể sinh ra vô số những bẩm chất phụ thuộc khác mà sau đây chúng ta sẽ có dịp xét quan.

Sự khác biệt giữa khí chất và trí tuệ thực ra không quá rõ rệt như người ta có thể tưởng khi nhìn qua bảng kê trước đây. Một người không phải là một tinh thần thuần túy, họ cũng không phải là tôi đòi của những bẩm chất thuộc cảm tính. Hai loại bẩm chất này luôn luôn có ảnh hưởng đối lại nhau.

Một bẩm chất được gọi là quyết định khi nó có ảnh hưởng ưu thế đối với toàn diện của cá tính. Nó được xem là phụ trợ khi nó chỉ đóng một vai trò phụ thuộc. Một bẩm chất quyết định chế ngự cả cá tính, một bẩm chất phụ trợ chỉ có thể tu chính, điều chỉnh cá tính.

Nên gọi ngay rằng ba thành phần của trí tuệ chỉ đóng một vai trò phụ trợ, nó không bao giờ có tính cách quyết định. Nói một cách khác, chúng ta thành động theo ảnh hưởng của những bẩm chất thuộc cảm tính. Trí tuệ chỉ xen vào để bổ chính, tu chính những hành động của chúng ta.

Năm bẩm chất thuộc cảm tính và hoạt động tính có tính cách quyết định hoặc phụ trợ.

Một người quá tham đến nỗi không còn biết trọng quyền lợi của kẻ khác sẽ biết dùng những ngón xã giao, lịch thiệp, những giao du để kiếm lợi lộc. Ở đây bẩm chất tham muốn chế ngự còn óc hợp đoàn thì tu chính.

Lại có người chỉ biết tìm cách đề cao mình lên, làm cho người ta yêu thích mình, thích tìm danh vọng hơn là tiền tài, họ dám tốn bạc để mua chuộc danh vọng. Ở đây lòng tham muốn là một tu chính cho óc hợp đoàn.

Ảnh hưởng của những bẩm chất thuộc cảm tính:

Lòng tham muốn là một bẩm chất quyết dịnh, nó là nguyên động lực mọi hành động của con người. Nói rằng "Tư lợi dẫn dắt loài người" là một điều thừa. La Rochefoucauld đã chẳng nói: "Đạo đức mất trong tư lợi cũng như con sông nào rồi cũng trổ ra biển cả". Nhưng bẩm chất tham muốn cũng có thể đóng vai trò tu chính khi nó ảnh hưởng để tu chính sự thái quá của một bẩm chất khác.

Lòng nhân thường có tính cách tu chính hơn là quyết định. Những bậc ái nhân hoàn toàn rất hiếm. Thánh Vincent de Paul, thánh Gandhi là gương sáng của những cá tính bị lòng nhân chi phối. Văn nghiệp của Tolstoi cũng tràn ngập tình yêu nhân loại.

Óc hợp đoàn vừa tu chính vừa quyết định. Nó chi phối ở những người diêm dúa hay làm dáng, những thích nói, ham nói, những người hay khoe khoang, khoác lác v.v...

Hoạt động tính là một yếu tố tu chính, nhưng nó có thể trở thành quyết định ở những người say mê hoạt động. Chúng ta há chẳng thấy có người suốt đời mình hướng về một mục tiêu: hoạt động, họ hành động để mà hành động và đôi khi thiếu suy xét.

Cảm xúc tính khi thì bổ trợ, khi thì quyết định. Nó đóng vai trò tu chính khi nó khích động một bẩm chất nào đó của cá tính chúng ta.

Do đó cảm xúc tính có thể ảnh hưởng đến người hoạt động làm cho họ đâm ra cuồng nhiệt và ở một người giàu bác ái nó có thể gợi ra lòng thương hại.

Cảm xúc tính có tính quyết định trong việc đi tìm những thích thú tinh thần, trong những công trình của nhà nghiên cứu, nhà bác học, nhà nghệ sĩ. Sự khích động thường can thiệp vào những sinh hoạt tinh thần có tính cách thực tiễn hơn là tư duy. Sự phối hợp của hai tính cách nói trên cũng thường thấy.

Cảm xúc tính dự vào, với tư cách là thành phần trong việc đi tìm những thú vui xác thịt, từ thú vui lành mạnh do thể thao đem lại cho đến những thú vui về nhục dục. Ở trường hợp sau, lòng tham muốn và sự khích động liên kết với cảm xúc. Những sự đòi hỏi hạ cấp về sinh lý, không phải chỉ tùy thuộc lòng tham muốn. Người đa cảm lắm khi cũng là người đa dục.

Ảnh hưởng của những bẩm chất thuộc trí tuệ:

Trí nhớ là một yếu tố thụ động nhưng vai tuồng của nó rất quan trọng trong việc thành lập cái cá tính tập thành mà cũng sẽ nói đến.

Trí tưởng tượng là một khả năng cần thiết cho sự sinh hoạt. Thiếu nó, đời sống khó mà tồn tại, Bergson nói: "Đời sống chúng ta hướng về tương lai". Có những người tưởng rằng họ kém tưởng tượng, dù vậy họ cũng có dùng đến nó, dùng để tiên đoán về tương lai thiển cận.

Óc phán đoán là khả năng trọng yếu nhất của cá tính. Nó đứng trên chót vót cái tòa nhà trí tuệ vì nhờ nó mà chúng ta có thể đánh giá, đo lường sự vật. Nó cũng ảnh hưởng rất mạnh đến đời sống tình cảm chúng ta. Như thế, vai trò của óc phán đoán cũng ảnh hưởng đến tất cả mọi thể thức phô diễn, trong đời sống thực tiễn, trong trường doanh nghiệp, trong đời sống tình cảm, cũng như trong đời sống tinh thần.

Những thói mê tín, những lỗi lầm, những hớ hênh đều do phán đoán sai lầm mà ra cả, nguyên do vì óc phán đoán do bẩm sinh rất kém hoặc vì một bẩm chất nào đó thuộc cảm tính phát triển quá mạnh để có thể hủy diệt óc phán đoán trên một vài phương diện nào đó.

Mọi người đều có cái cá tính thiên nhiên và đặc tính của nó là bất di bất dịch, nó được di truyền từ lúc chúng ta sinh ra, do những tổ hợp mới mẻ song không có sự "tiến bộ" nào về phẩm cả, bởi nó được kết hợp một cách may rủi, những nhà thần học có thể dựa vào đó để bênh vực tin điều cho rằng mọi người đều mắc tội tổ tông và nhân loại cần được cứu rỗi...

Song nếu muốn bác lại, người ta cũng có thể viện lẽ rằng sở dĩ mắt phàm của con người nhận thấy cái tính cách bất di bất dịch của cá tinh thiên nhiên là bởi cái thời gian của những "thời kỳ lịch sử" chỉ là một nháy mắt sánh với những "thời đại địa chất" hoặc "thời đại thiên văn". (Một nhà bác học, ông Rchard Carrington viết trong quyển A Guide To Earth History: Nếu chúng ta thâu gọn lại lịch sử quả địa cầu trong một năm thôi chúng ta sẽ thấy rằng phải đợi đến tám tháng qua sự sống mới xuất hiện. Hai tháng kế tiếp đó chỉ có những sinh vật thô sơ, từ những vi phân, những vi trùng chỉ có một tế bào đến những con sứa. Loài vật có vú chỉ xuất hiện vào tuần lễ thứ nhì của tháng chạp. Và con người, con người như chúng ta thấy hiện giờ chỉ ra đời vào ngày 31 tháng chạp lúc 23 giờ 45 phút. Còn cái lịch sử văn minh có biên chép lại đàng hoàng thì chỉ thấy kể lại từ phút sau cùng trong năm (dẫn theo tạp chí "Sélection số tháng 4 năm 1956).

Phần I - Chương 5

CÁ TÍNH CỦA CON NGƯỜI

CÁ TÍNH TẬP THÀNH

Đời sống con người được đặc trưng bởi hai phần: con người và cái hoàn cảnh mà con người ấy sinh sống.

Con người được tiêu biểu bởi cá tính thiên nhiên mà chúng ta vừa xét qua đó, nó thọ bẩm cá tính thiên nhiên này từ lúc mới sinh ra đời. Hoàn cảnh do nhiều phản ứng khác nhau, sẽ tạo ra cho con người một cá tính thứ hai nó bao trùm cá tính trước đó. Đó là cá tính tập thành.

Ở đây, chúng ta thấy ngay sự lầm lạc của những triết gia ở thế kỷ XVIII như Jean Jacques Rousseau và Bernadin de Saint Pierre đã tin tưởng ở tính thiện của tạo vật và cho rằng sở dĩ con người bị hư hỏng là do những luật lệ không hay mà xã hội đã lập ra. Thực ra, nếu để con người sống riêng biệt khỏi vùng ảnh hưởng của xã hội, người ta sẽ thấy rằng cá tính của con người cũng sẽ khác nhau và không bị đúc khuôn theo một lý tưởng tốt đẹp nào. Cá tính của họ vẫn giữ nguyên hình ảnh của cá tính thiên nhiên.

Cái "tính thiện" cái "luân lý" của tạo vật, chỉ là những danh từ vô nghĩa. Tạo vật không tốt cũng không xấu, không luân lý cũng không vô lý. Nó chỉ theo đuổi một mục tiêu: làm cho sự sống được trường tồn và để đạt mục tiêu ấy, nó thường dùng nhiều phương tiện lạ lùng. (Và thường khi không phải là những phương tiện "tốt" đâu. Lắm triết gia đã từng nhấn mạnh về tính cách "thiếu hòa hợp" của tạo vật). Kỳ thực, đó chỉ là một cuộc sát sinh khổng lồ. Nhà tự nhiên học E. Fabre có thuật lại những tập tục vô cùng độc ác - lẽ dĩ nhiên là theo quan điểm của con người - của một vài loại sâu bọ. Nhưng đứng về quan điểm tạo vật, những thủ đoạn độc ác tinh tế ấy là điều cần thiết cho sự trường tồn của chủng loại.

Ảnh hưởng của hoàn cảnh:

Nhưng chúng ta hãy để qua bên vấn đề của tạo vật tính vốn thiện hay không thiện, để xét về ảnh hưởng của hoàn cảnh đối với con người.

Cái hoàn cảnh mà chúng ta đang sống rất là phức tạp, nó thường biến đổi là luôn luôn tiến hóa. Hiện giờ rất hiếm người sinh trưởng, sống và chết ở một nơi. Sự phát triển của các phương tiện giao thông, sự thâu hẹp của quả địa cầu bởi cơ giới làm cho con người hiện giờ nhiều dịp sống trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.

Chúng ta còn nói đến quê hương, xứ sở nhưng hiện giờ có mấy ai còn nghĩ đến "lũy tre xanh" của làng mình. Vì chức nghiệp, vì sự xê dịch, vì sự du lịch, vì những bước thăng trầm của cơ nghiệp, hoàn cảnh sinh sống chúng ta có thể thay đổi luôn.

Vấn đề cá tính tập thành vì thế rất phức tạp. Chúng ta bao giờ cũng tránh nhọc nhằn, sợ đau khổ. Do bản năng, chúng ta tự nhiên biết tìm cách thích ứng với hoàn cảnh để sống một cách tiện nghi. Do đó nảy sinh cái tính tập thành nó luôn luôn thay đổi, suốt đời chúng ta tùy theo những biến cố chúng ta đã trải qua.Cá tính thiên nhiên chúng ta vẫn không thay đổi, song cá tính tập thành nó bao phủ trên cá tính thiên nhiên ấy có thể ngăn trở hoặc đốc xuất những biểu hiện của cá tính thiên nhiên tùy trường hợp.

Càng ít chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh, cá tính thiên nhiên chúng ta càng giữ lại được cái trạng thái nguyên khởi của nó. Những người sống trong đồng bái xa thị thành hoặc trên rừng núi ít khi chung đụng với xã hội mà được có một cá tính tập thành là do chính họ tạo nên (tự giáo dục) bởi thế nó gần giống với cá tính thiên nhiên. Do đó tính tình của họ thường có tính cách độc đoán (vì thế có một số nhà văn thích nghiên cứu về hạng người ở đồng bái ấy như Balzac, Zola, Pérochon, Jean Giono v.v...), như chúng ta sẽ thấy sau đây, bởi cá tính tập thành đóng một vai trò san bằng, nó bào gọt bớt những góc cạnh.

Ở tuổi thơ, cá tính tập thành dường như không có, trẻ con chịu ảnh hưởng của cá tính thiên nhiên. Vì thế trong tâm lý học, việc nghiên cứu tâm lý trẻ con rất quan trọng. Xét qua cái thái độ hoặc lối xử sự của một người lúc họ còn thơ ấu, chúng ta có thể đoán biết được thực chất cá tính của con người ấy, dù về sau cá tính của họ có bị che đậy bởi những gì họ đã thâu thập khi chung đụng với đời sống.

Các nhà giáo dục không nên xem thường những việc mà họ thường cho là có tính cách "trẻ con" vì thực ra đó là những dấu hiệu chắc chắn nhất có thể hướng dẫn họ trong việc giáo dục con người.

Có ba loại sự kiện có thể ảnh hưởng đến cá tính tập thành:

Trước hết là những sự kiện thuộc thể chất. Một tuổi thơ đau khổ, sự thiếu tình thương của cha mẹ, một đời sống bần cùng, một cảm xúc quá mạnh có thể ảnh hưởng sâu xa đến cá tính tập thành. Qua các tác phẩm của hai văn hào J. J Rousseau và Jack London chúng ta thấy rõ suốt đời họ, đã giữ mãi dấu vết của những đau khổ mà họ đã trải qua lúc thiếu thời.

Nhiều quyết định của vua Louis XIV (nhất là việc dời đô về Versailles) có nguyên do ở cái kỷ niệm không hay của ông ta về cuộc nổi loạn La Fronde. Lúc còn bé, vua Louis XIV đã bị đau khổ về tinh thần lẫn vật chất vì cuộc bạo động này, ông bị xúc động quá mạnh nên suối đời vẫn giữ mãi cái ấn tượng ấy.

Sự đau khổ về thể chất của dân cư ở những vùng bị chiếm đóng lúc chiến tranh chắc chắn cũng có ảnh hưởng đến cá tính tập thành của họ.

Kế đó là những sự kiện thuộc sinh học. Một tật bệnh có ảnh hưởng đến cá tính tập thành. Bệnh cận thị chẳng hạn làm thay đổi thái độ và lối xử sự của một đứa trẻ.

Lúc thiếu thời, thi hào Byron tính tình nhút nhát hay lo sợ, hay ngờ vực, có lẽ vì ông bị tật ở chân. Về sau, mặc dù ông đã trở nên một nhân vật có tiếng tăm, ông cũng không thoát khỏi ảnh hưởng ấy.

Sau hết là những sự kiện thuộc xã hội. Những sự kiện này vừa nhiều và cũng vừa quan trọng. Đó là ảnh hưởng của gia đình, của nhà trường, của bạn bè, của sách vở, của giáo dục, của những cuộc du lịch, của những cuộc thành công, thất bại...

Những sự kiện xảy ra hàng ngày có thể biến chuyển ra nhiều sự kiện mới rất phức tạp. Vì thế khó mà nghiên cứu một cách tinh tế từng sự kiện một. Lúc nào chúng ta cũng bị ảnh hưởng của chúng, không nhiều thì ít, chúng ta cũng thích nghi theo chúng.

Sự phản ứng của các bẩm chất thuộc cảm tính:

Một người mà có bẩm chất tham muốn quá nhiều sẽ có nhiều tham vọng vọng đặt quá cao, trên địa vị xã hội của họ và tự nhiên họ sẽ bị nhiều thất vọng ê chề, lòng tự ái họ bị va chạm. Nhưng họ sẽ rút được mớ kinh nghiệm hay nếu họ biết phán đoán, mớ kinh nghiệm ấy có thể giúp họ đề phòng lòng tham vọng của họ, về sau họ sẽ biết "liệu cơm gắp mắm" không còn mộng ảo những việc quá xa vời. (bẩm chất tham muốn).

Một người vì quá tốt bụng mà bị kẻ khác lợi dụng, hoặc lấy ơn làm oán. Về sau, một khi họ định thi ân cho ai điều gì, họ không còn khinh xuất, họ sẽ biết dè dặt hơn. Luôn luôn họ vẫn muốn mở rộng lòng của họ, song những mối thất vọng vừa qua sẽ giảm bớt lại, hoặc ngưng hẳn cái nguồn nhân ái của họ. (bẩm chất lòng nhân).

Một đứa trẻ tinh nghịch, miệng hay bép xép, ăn nói trống trải, không biết nể nang hoặc đếm xỉa đến người khác sẽ bị cha mẹ quở mắng. Cha mẹ nó giải thích cho nó hiểu, nếu vì thiện ý mà nói thì nó sẽ làm buồn người ta, còn nếu vì muốn đề cao mình thì nó sẽ bị người ta xem rẻ v.v... (bẩm chất óc hợp đoàn).

Khi bẩm chất hoạt động tính phát triển quá độ nó có thể chuyển hướng vào những cuộc hoạt động hữu ích như chơi thể thao chẳng hạn. (bẩm chất hoạt động tính)

Có thể cải thiện một người tính nóng nảy hoặc đa cảm do bẩm sinh bằng cách khích động một bẩm chất khác như lòng nhân, lòng tham muốn hoặc óc hợp đoàn. (bẩm chất cảm xúc tính).

Sự giáo dục đã dự phần rất lớn trong việc tạo nên cá tính tập thành, có thể làm giảm bớt ảnh hưởng của một bẩm chất quyết định bằng cách dùng những bẩm chất khác để diệt bớt ảnh hưởng của nó. Nó đóng một vai tuồng san bằng, điều hòa. Song giáo dục sẽ không ảnh hưởng nổi những bẩm chất đã phát triển đến một mức độ quá cao để không còn có thể làm giảm bớt, hoặc khi nó không thể cậy nhờ những bẩm chất khác can thiệp. Vì thế có những thứ tính tình "bất trị".

Kết quả sự thích nghi của cá tính chúng ta được gọi là kinh nghiệm, nói về đời sống tình cảm và sự thành thục, già dặn nói về tinh thần.

Ký ức, ý kiến và tín ngưỡng:

Lẽ đương nhiên, trí nhớ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo thành cá tính tập thành. Nó ghi nhớ và lưu trữ tất cả những việc, những sự kiện đã ảnh hưởng chúng ta, nó thâu thập tất cả những kinh nghiệm của chúng ta đã trải qua. Khi cần xử sự, chúng ta sẽ chọn lấy trong mớ ký ức ấy những tài liệu để cân xét. Trí nhớ có thể kém, nhưng không mấy khi đến nỗi quá tệ để chúng ta không còn biết thâu rút những kinh nghiệm. Kinh nghệm được có là do chúng ta biết áp dụng óc phán đoán.

Những người mà chúng ta bảo rằng "họ không học được gì với đời sống cả" là những người có nhiều tham muốn song óc phán đoán kém hoặc giả óc phán đoán của họ bị ngăn trở bởi một bẩm chất phát triển quá độ như bệnh "khoác lác" chẳng hạn.

Về phương diện tinh thần, cá tính tập thành gồm có những ký ức chúng ta đã rút tỉa trong khi nói chuyện hoặc xem sách báo, những kinh nghiệm chúng ta đã trải qua, những cảm giác chúng ta đã xúc cảm.

Dưới ảnh hưởng của óc phán đoán, một vài ký ức này sẽ kết thành hệ thống biến những phương thức tư tưởng thông thường. Óc phán đoán sẽ quyết định rằng một điều gì đó đáng tin là thực, ở một trường hợp nào đó phải có một hành động gì. Lúc bấy giờ những quyết đoán chúng ta đã chắc như "rựa chém đất" không thay đổi nữa cho đến khi một biến cố nào khác vạch cho chúng ta thấy rằng anh đã lầm lạc. Những một khi đã quyết đoán chúng ta không còn phán đoán, suy xét nữa. Những ký ức ấy đã biến thành những tín ngưỡng nếu đó là thuộc cảm tính, hoặc thành những ý kiến, những trí thức nếu phần trí thức chiếm ưu thế.

Tất cả những tri thức chúng ta đã thâu thập trong đời sống sẽ hợp thành cái ý thức của chúng ta. Nhưng đừng nhầm lẫn cái ý thức này với cái lương tâm của luân lý học nó chỉ là một sắc thái đặc biệt của cái ý thức tổng quá.

Thói quan và tập tục:

Trên phương diện phát động, cá tính tập thành được kết thành bởi những thói quen.

Thói quen khởi đầu bằng một hành động có suy nghĩ. Hành động ấy được lập lại mãi sẽ không còn nhờ đến óc suy nghĩ và biến thành thói quen.

Những thói quen có thể có tính cách cá nhân hoặc tập thể. Những thói quen cá nhân rất nhiều và thay đổi tùy người, thí dụ lúc ra đường quen cầm cây gậy trên tay, đi mãi theo một con đường, quen đọc một thứ báo, hút một thứ thuốc v.v... Chúng ta nhận thấy trong cách áp dụng tâm lý học, mục đích của quảng cáo là gây một thói quen của khách hàng.

Những thói quen có tính cách tập thể là phong tục, tập quán. Những thói quen ấy cũng có thể tạo ra lắm thói quen có tính cách xã hội khác.

Những thị hiếu và những khuynh hướng:

Về phương diện cảm tính, cá tính tập thành được kết thành bởi những thị hiếu, những khuynh hướng. Những thị hiếu liên quan với tất cả những bẩm chất, những khuynh hướng trái lại chỉ do bẩm chất lòng nhân sinh ra.

Những thị hiếu, những khuynh hướng luôn luôn phát sinh ở một cảm xúc mà người ta cho là thú vị, êm ái, bởi thích hợp với một khuynh hướng thiên nhiên. Người cũng bắt đầu tìm cách để hưởng trở lại những cảm xúc ấy. Song những cảm xúc ấy nếu được lập lại mãi sê sinh ra sự chán chê, nên để ý sự chán chê này chỉ có tính cách nhất thời, khi sự lập lại cách khoảng thưa thớt hơn thì người ta lại hết chán.

Lòng tham muốn gây ra những thị hiếu thuộc thú vui vật chất, nhục dục, thói mê ăn, thói giữ trật tự thuộc về vật chất. (Thói giữ trật tự về vật chất là thói quen sắp xếp các đồ vật cho ngăn nắp và sau khi dùng đồ vật ấy rồi thì đâu để lại đó không hề sai siển. Cái trật tự này thuộc về thị hiếu, nhưng muốn tập cho có, cần phải có đôi chút "tham muốn" và "trí nhớ". Những người không ham thích gì cả thường không biết trật tự, ngăn nắp).

Hoạt động tính có quan hệ với thú chơi thể thao, tập thể dục, làm việc bằng tay chân, đi bộ, đi du lịch, khêu vũ hoặc tất cả những thứ gì có thể thỏa mãn bẩm chất hoạt động của con người. Sự suy nhược sẽ gây ra thói ăn không ngồi rồi, thích ấm áp. Người hoạt động chịu rét rất giỏi, người nhu nhược luôn đắp chăn bông, mặc ấm.

Cảm xúc nảy sinh ra những thị hiếu thuộc thẩm mỹ mà nền tảng là cảm xúc âm nhạc, hội họa, điêu khắc, văn chương, kịch. Thú thích chạy nhanh là do cảm xúc tính. Thú đánh bạc, thú mạo hiểm cũng do cảm xúc tính mà ra.

Nếu phải kể tất cả những thị hiếu thì rất dài dòng, vả lại, nếu muốn xếp nó thành loại tùy theo những bẩm chất đã ảnh hưởng đến nó cũng không khó.

Có những thị hiếu bị chi phối bởi nhiều bẩm chất. Thí dụ sưu tầm là do lòng tham muốn và cảm xúc tính gây ra.

Sở thích muốn có nhà cửa ấm cúng là do lòng nhân (yêu gia đình) do óc hợp đoàn (phô trương sự xa hoa) do cảm xúc tính (thích những đồ vật đẹp).

Lẽ đương nhiên, giáo dục cũng có thể tạo nên hoặc phát triển những thị hiếu song ít ra đương nhân phải sẵn có những bẩm chất thiên nhiên tương xứng và ở một mực độ kha khá.

Những khuynh hướng đều do bẩm chất lòng nhân mà ra. Nó bắt nguồn ở một hiện cảm thiên nhiên đối với một người, một vật, một chế độ, một công cuộc, một thực thể, cũng có khi là đối với một người đã quá vãng (thôi tôn sùng những ký ức).

Cũng như đối với những thị hiếu, cái thiện cảm ấy nảy nở do sự đổi mới, nó phát triển và sau cùng sẽ được kiên cố. Ở trạng thái sau này khuynh hướng có cả một đời sống riêng biệt. Nó có thể thay đổi, nảy nở, ổn định hoặc biến mất.

Những khuynh hướng kể ra thì thật nhiều, sau đây là một vài thứ: tình thương, tình bằng hữu, lòng quý chuộng, tình yêu dưới mọi hình thức, lòng hâm mộ, sự kính nể, lòng biết ân, lòng ái quốc, lòng mộ đạo, lòng từ thiện, lòng yêu súc vật. (Danh từ tình cảm là một trong số những danh từ mù mờ không rõ nghĩa mà khi đề cập về tâm lý học người ta thường dùng đến. Ở đây tưởng cũng nên định nghĩa nó lại cho minh bạch. Thường khi người ta dùng danh từ tình cảm để ám chỉ cái mà ở đây chúng tôi gọi là khuynh hướng tức là những trạng thái đặc biệt. Nhưng chúng tôi đồng ý với Marcel Boll là nên dành danh từ tình cảm để chỉ về những trạng thái tạm bợ, chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn ngủi như sự thèm muốn, sự sợ sệt, sự bằng lòng, sự chán nản).

Một khuynh hướng có thể hành động ngược lại lòng nhân, thí dụ: tính khó thương, sự hiềm khích, thù oán...

Cần phân biệt rõ những khuynh hướng, những thị hiếu và những hình thức của tâm tính.

Thị hiếu, khuynh hướng là những áp dụng đặc biệt của các bẩm chất thiên nhiên chúng ta, còn những hình thức của tâm tính mà sau đây chúng tôi sẽ có dịp nói đến, là những lối phối hợp thông thường ở con người.

Tình bằng hữu chẳng hạn là một khuynh hướng, một thiện cảm chúng ta có đối với một người. Vả lại, một người hiền từ và có óc hợp đoàn bao giờ cũng là người thuần hậu. Tính thuần hậu là một trạng thái tổng quát đối với mọi người. Chúng ta có tình cảm riêng đối với một người nhưng chúng ta tỏ ra thuần hậu với mọi người. Một người rất có thể có cảm tình riêng đối với một người nào đó và tỏ ra khó thương đối với một người khác.

Những đam mê:

Khi những thị hiếu, những khuynh hướng tiến đến một mực độ quá cao, sẽ biến thành những đam mê.

Khi một thị hiếu trở nên khẩn khiết nó có thể lôi cuốn, bắt buộc một người phải thỏa mãn nó đến cùng, nếu người ấy không có một óc phán đoán chắc chắn để vạch cho họ thấy những tai hại của thị hiếu ấy. Quá thích đánh bạc sẽ gây ra sự mê đánh bạc. Một khuynh hướng quá mạnh thiên về một người sẽ gây ra thứ tình yêu say đắm.

Sự đam mê ít khi được phát hiện ra một cách đột ngột. Luôn luôn đam mê bắt đầu ở một thị hiếu hoặc ở một khuynh hướng nó nảy nở hoặc nhanh hoặc chậm. Cái "tình yêu sét đánh" mà người ta thường nói đến, dù sao cũng rất hiếm. Người ta thường gặp nó ở những người đa cảm xúc. (Và thường khi người này rất dễ lầm lạc, trước một cảm xúc quá mạnh, óc phán đoán của họ đâm ra bất lực). Lắm tiểu thuyết gia và kịch gia đã từng nghiên cứu về sự phát triển của những mối tình si. Stendhai (văn sĩ Pháp, tác giả quyển "De I'amour") đã từng vạch rõ sự tiến triển từ một khuynh hướng đến mối tình si khi ông nói về sự "kết tinh của tình ái". Ông đã làm nổi bật cái điểm then chốt mà từ đó một khuynh hướng biến thành đam mê. Sự "kết tinh" ấy chẳng qua là cái ý thức đam mê về một biến cố nó vạch rõ cho một người thấy rằng khuynh hướng của mình nó nồng nhiệt là bao, khi mà trước đó họ không bao giờ ngờ.

Một khuynh hướng nồng nhiệt đối với những việc có tính cách xã hội: quê hương, tôn giáo, chính trị cũng có thể gây ra những đam mê. Lòng ái quốc có thể tiến đến mức bài ngoại, lòng mộ đạo có thể đi đến sự cuồn tín v.v...

Các nhà tâm lý học đều nhận thấy điều này: càng gặp trở ngại bao nhiêu, những đam mê càng phát triển mạnh bấy nhiêu. Hình như sự khó khăn là điều kiện cần thiết để những đam mê này nảy nở. Và cũng như nước triều dâng lên, phá vỡ các bờ đê để rồi sau đó tràn lan một cách dễ dàng khắp đồng nội, những đam mê chỉ phô trương lực lượng của nó khi nó gặp phải trở lực, nếu được thỏa mãn một cách quá dễ dàng, tự nó sẽ dập tắt nó.

Sự phát triển của mọi đam mê nhất là của tình si đều có dính dáng đến giá trị của một vài bẩm chất. Tất cả những đam mê đều là những người nhiều tham muốn, lại đa cảm xúc.

Sự ham thích là hệ luận của đam mê. Một người bất vụ lợi tự nhiên sẽ không ham thích gì cả. Cũng như một người điềm nhiên không hề bị lôi cuốn bởi một đam mê nào, bởi lúc nào họ cũng tự chủ được hoặc chỉ xúc động nhẹ thôi.

Óc phán đoán ở một mực độ cao có thể tiết chế những đam mê.

Những mối tình si chỉ có thể phát sinh ở những người nhạy "xúc cảm", giàu "lòng nhân" và có khá nhiều "tham muốn".

Tóm lại đam mê là một trạng thái cảm tính của cá tính do một vài thị hiếu hoặc khuynh hướng bị cản ngăn sự phát triển sinh ra.

Sự quan trọng của cá tính thiên nhiên:

Vai trò của cá tính tập thành rất quan trọng nhưng không phải là cốt yếu. Chính cá tính thiên nhiên mới thực là người dìu dắt chúng ta, nó chi phối chúng ta một cách vô thức. Thường khi chúng ta hành động theo mệnh lệnh của nó mà chúng ta không ngờ tới.

Óc khôn ngoan của dân chúng đã nói rõ sự thực này trong những câu tục ngữ: "Đuổi cái bản tính đi, nó sẽ chạy sải trở lại", "Người tính thế nào sẽ ra thế ấy", "Không thể đổi thay tính người" v.v...

Bởi chúng ta không làm chủ được cá tính thiên nhiên và lắm khi còn bị ảnh hưởng của nó mà chúng ta không dè, cho nên trong lối xử sự và hành động, chúng ta có một phần nào có cá tính thiên nhiên chỉ định, xin nói rõ "chỉ định" chứ không phải là "tất nhiên". Chúng ta bị cá tính thiên nhiên thúc đẩy phải hành động theo một hướng lối nào đó vị tất chúng ta đã phải bắt buộc hành động theo hướng đó. Cá tính tập thành có thể can thiệp để sửa đổi lối xử sự và hành động chúng ta và nhất là để tránh những hành vi không hay về mặt xã hội.

Óc phán đoán chúng ta dựa vào những tri thức đã có, sẽ vạch rõ đường lối nên theo, do đó chúng ta có cảm tưởng rằng mình được có "tự do ý chí" phần nào, song thực ra có lẽ đó chỉ là một ảo tưởng.

Nhưng, chúng ta có thể xét về trách nhiệm của một hành vi dưới một góc cạnh khác. Về phượng diện xã hội một hành vi có thể bị trừng trị khi mà nó làm hại cho đoàn thể và khi người đã có hành vi ấy có ý thức rõ rệt là nó có phương hại. Và sự trừng phạt, theo quan niệm ấy không có nghĩa là trừng trị một hành vi nghịch với luân lý xã hội hoặc luân lý của Thượng Đế mà là một lối phản ứng để bảo vệ xã hội. Thuyết này càng ngày càng chiếm ưu thắng trong việc pháp chế. Và lịch sử của trừng phạt như người ta nói, chỉ là những bãi miễn liên tiếp.

Dù sao sự phân định giới hạn trách nhiệm vẫn còn là một bài toán khó giải cho các quan tòa nhất là cho những y sĩ giám định luôn luôn phải giải quyết những vụ án.

Sự quan trọng của cá tính thiên nhiên là ở tính cách ổn định, vững chãi của nó và cũng bởi nó đã bắt nguồn từ huyết thống tổ tiên chúng ta, trước khi chúng ta sinh ra từ lâu. Nó được kết thành bởi một sự phát triển chậm chạp mà chúng ta chưa biết rõ, còn cá tính tập thành thì mới thành lập sau khi chúng ta ra đời và luôn luôn thay đổi.

Khi một người nào đó nói "tôi thay đổi rất nhiều", chúng ta chớ nên tin họ bằng lời. Vì thực ra chỉ có cá tính tập thành của họ bị đổi thay do những biến cố, còn cá tính thiên nhiên của họ vẫn không thay đổi. Sự thay đổi của cá tính tập thành là việc thường xảy ra trong đời người, từ lúc xuân xanh đến tuổi già. Một vài biến cố phi phường có thể làm nổi bật sự biến đổi của cá tính. Sự sụp đổ một cơ nghiệp, một cái tang đau đớn, việc lập nên cơ đồ một cách nhanh chóng v.v... thường khi là những yếu tố sâu xa có thể thay đổi cá tính.

Nạn chiến tranh, mà bao nhiêu người bị lôi kéo ra khỏi cái hoàn cảnh sinh sống của họ để bị đặt vào những cảnh sống rất quái đản, cũng đã làm cho cá tính tập thành của nhiều người biến chuyển rất nhiều.

Trí khôn của loài vật:

Tất cả những nhận xét trên đây giúp chúng ta rọi một ít ánh sáng vào vấn đề hơi phụ thuộc: vấn đề trí khôn của loài vật.

Đã biết rằng, cá tính chúng ta là do những điều kiện nguyên thủy của sự sống tạo thành, chúng ta có thể suy ra và cho rằng loại vật cũng có một cá thể, lẽ dĩ nhiên cá thể ấy ít phức tạp và không được tiến bộ như con người. Descartes đã lầm lạc khi ông cho rằng loài vật chỉ là những "bộ máy" và có lẽ Gassendi, người đã chống lại Descartes, có lý hơn. Thực ra, trong đẳng cấp sinh vật, từ loài vật không xương sống đến loài người, đã từng có bao nhiêu thứ cá thể, từ thứ đơn sơ nhất cho đến thứ phức tạp. Song chỉ ở những loài vật cao cấp, gần giống loài người, chúng ta mới nhận thấy những sơ bộ của cá tính.

Loài vật gần giống chúng ta ở những bẩm chất thuộc cảm tính. Thí dụ, chúng ta nhận thấy loài chó cũng có lòng "tham muốn", lẽ dĩ nhiên lòng "tham muốn" này chỉ tựu trung ở việc kiếm ăn. Có những con chó tham ăn đến phải ốm, lại có những con khác rất có tiết độ.

Có những con chó tự nhiên tính vốn hiền lành và có những con chó hung dữ. Có những con chó rất dễ giao du, thích người ta nâng niu, có những con lại không thích.Cũng có con lười biếng và những con rất siêng năng. Các tay đi săn đều biết rằng có những con chó bẩm sinh vốn đa cảm và có những con tính lại rất điềm nhiên. Sau hết, loài chó cũng biết ghen tuông như ai kia...

Đối với giống mèo, ngựa và đến loài chim người ta cũng có những nhận xét tương tự.

Trên địa hạt tinh thần, những bẩm chất của loài vật càng kém cỏi. Trí tuệ của chúng thường chỉ gồm có trí nhớ, thường khi được nảy nở rất khá, nhất là loài ngựa và chó.

Đôi khi người ta cũng nhận thấy ở một vài loài vật có dấu vết của trí tưởng tượng, nhưng óc phán đoán thì tuyệt nhiên không có. Thỉnh thoảng người ta cũng nhận thấy ở loài vật một vài hành vi có thể làm cho chúng ta nghĩ rằng chúng biết phán đoán ít nhiều, nhưng đồng thời chúng ta cũng đã chứng kiến bao nhiêu hành vi phi lý khác của chúng.

Có thể kết luận rằng cái mà chúng ta cho là "trí khôn" ở loài vật chỉ là những biểu hiện gây ra bởi những bẩm chất thuộc cảm tính của chúng và cái "trí khôn" thực sự của chúng gần như không có. Mà như thế kể cũng hay, sở dĩ chúng ta yêu loài vật là vì chúng sống bằng tình cảm chứ không phải bằng lý trí. Nếu loài vật có "trí khôn" thực sự thì đó cũng là sự mô phỏng rất xấu xí, rất nhố nhăng của con người. Bởi chúng bị chỉ huy bởi những bẩm chất thuộc cảm tính, cho nên chúng ta có dịp thấy đôi khi chúng biết tỏ ra một lòng tin tưởng rất cảm động, một tình thương không bờ bến, không toan tính đối với chúng ta, nếu những bẩm chất ấy tốt và nhất là chúng ta tỏ ra hiểu biết chúng. (Những văn sĩ biết tả rất khéo loài vật là những người thuộc hạng "linh tính" và văn nghiệp của họ thường chịu ảnh hưởng rất nhiều của những bẩm chất thuộc cảm tính của họ. Nữ văn sĩ Colette đã làm cho chúng ta hiểu nhiều về loài vật là một gương sáng).

Tóm luận:

Với bảng kê dưới đây, chúng ta sẽ có một cái nhìn toàn diện về cá tính con người.

Khí chất: Là tổng số những bẩm chất thiên nhiên thuộc cảm tính.

Tâm tính: Là khí chất thêm vào những thị hiếu, khuynh hướng, thói quen, đam mê của chúng ta.

Trí tuệ: Là tổng số những bẩm chất thiên nhiên thuộc tinh thần.

Tâm trí: Là trí tuệ hợp với những gì mà đời sống mang lại cho chúng ta: giáo dục, ý kiến, tín ngưỡng v.v...

Cá tính trọng vẹn: Là tổng hợp của tâm tính và tâm trí.

Phần I - Chương 6

CÁ TÍNH CỦA CON NGƯỜI

TÂM TRÍ

Giữa tâm trí và tâm tính không có một sự khác biệt quá rõ rệt như chúng ta có thể tưởng khi nhìn qua bảng kê trước đây.

Thực ra giữa tâm trí và tâm tính luôn luôn có một sự phản ứng đối lại nhau. Tâm tính tô vẽ thêm cho tâm trí và ngược lại tâm trí cũng ảnh hưởng đến tâm tính.

Ba yếu tố cơ bản của trí tuệ: trí nhớ, trí tưởng tượng và óc phán đoán khi phối hợp với nhau và sau khi đã bị ảnh hưởng của cá tính tập thành gồm có những ký ức, ý kiến, tín ngưỡng v.v... sẽ tạo nên nhiều thứ tâm trí. Chúng ta có thể nói: mỗi người đều có một tâm trí riêng biệt. Sau đây chúng ta sẽ thử xét về ảnh hưởng của những bẩm chất thuộc tinh thần.

Những người có tài nhớ giỏi:

Người có nhiều trí nhớ sẽ biết ghi và giữ lại những ký ức một cách dễ dàng. Như vậy, trí nhớ là một món đồ dùng rất tiện lợi cho sự áp dụng những quan năng khác.

Người có nhiều trí nhớ không hẳn là người thông minh. Có những người vô học có thể học và nhớ làu làu những bài thật dài mà họ không hiểu gì cả, có khi là những bài bằng ngoại ngữ. Người ta kể lại có người đọc qua một mạch hằng chục trang trong quyển niên giám điện thoại và có thể đọc nằm lòng lại không sót một chữ. (Nên chú ý: những người "làm tính bằng trí" giỏi không hẳn là người có nhiều trí nhớ. Phép tính nhanh bằng trí cốt ở thuật "nhồi trộn" những con số và thấu rõ những tính chất riêng của những con số ấy).

Trái lại, một trí nhớ thật tốt cũng có thể sống chung với một số quan năng thượng đẳng. Nguyên tổng thống Pháp, ông R. Poincaré chẳng hạn có một trí nhớ kỳ diệu, ông có thể đọc những bài diễn văn thật dài không cần nhìn vào bài mà vẫn không bỏ sót một chữ nào.

Ông Louis Loucheur, nhà kỹ nghệ và nhà chính trị Pháp vón là một khối óc thông minh và cũng là một người có tài nhớ dai.

Như chúng ta thấy, trí nhớ là một quan năng hoàn toàn riêng biệt với những quan năng khác và những quan năng này không ảnh hưởng gì đến nó. Đó là một quan năng thụ động, một dụng cụ.

Trừ những trường hợp thuộc về bệnh lý, không ai là người không có trí nhớ, chỉ có người kém trí nhớ. Ở một phần sau chúng ta sẽ thấy, bằng cách nào giáo dục có thể bồi bổ sự suy kém trí nhớ và quan niệm chúng tôi về sự huấn luyện trí nhớ ra sao.

Những người giàu tưởng tượng:

Trí tưởng tượng có nhiều thứ, nhiều loại khác nhau. Tất cả những sáng tạo trong địa hạt nghệ thuật, khoa học, kỹ nghệ, đều đòi hỏi một trí tưởng tượng khá dồi dào. Đó là một trong những điều kiện cần thiết của việc sáng tác, nhưng đó không phải là tất cả.

Trong sinh hoạt hàng ngày, những tay thợ may sáng chế những kiểu quần áo, những chuyên viên trang trí nhà cửa, những nhà tiểu công nghệ, những nhà vẽ quảng cáo v.v... đều là những người giàu tưởng tượng.

Những người giàu óc tưởng tượng luôn luôn hướng về tương lai, ít khi nhìn về dĩ vãng. (Người La Mã thời xưa đặt tương lai ở bên phải và dĩ vãng ở bên trái. Cũng nên để ý, những vận hành trong tạo vật đều hướng về bên phải: vỏ ốc, đọt cây đều cuốn về bên phải. Kim đồng hồ cũng quay từ bên trái sang phải).

Sự mơ mộng và đời sống trầm tư mặc cảm đòi hỏi nhiều óc tưởng tượng. Sự tiên liệu những sự việc xảy ra trong đời sống hàng ngày cũng cần đến óc tưởng tượng. Những thương gia, kỹ nghệ gia, và nói chung, những tay chỉ huy luôn luôn cần đến óc tưởng tượng để xếp đặt chương trình hành động. Muốn làm việc ít ra chúng ta phải biết rõ những gì chúng ta sắp làm. Càng ở địa vị cao, sự tiên liệu này càng phải nhắm thật xa. Việc đặt để lời lẽ một bản hợp đồng mới xét qua có thể cho là một công việc không thơ mộng chút nào, nhưng thực ra nó cũng đòi hỏi ít nhiều óc tưởng tượng, vì muốn đặt để một bản hợp đồng cho khéo cần phải tiên liệu những hậu quả của nó trong tương lai.

Người kém trí tưởng tượng chỉ sống trong hiện tại. Ít khi họ nghĩ đến ngày mai. Không bao giờ họ biết thảo ra kế hoạch hay chương trình. Phần đông họ ít thích về mỹ thuật và chỉ hướng về những công cuộc có tính thực tiễn. Họ chỉ quan tâm đến những gì họ thấy. Những gì ở ngoài phạm vi của họ, trên trình độ hiểu biết của họ, họ kể như không thể có. Đó là những người thực tế, sống là xà ở mặt đất, những đầu óc hẹp hòi. Vì không biết tiên liệu bằng cách suy luận nên trong đời sống của họ gặp lắm thất vọng.

Những người biết suy nghĩ:

Óc phán đoán, đức tính chủ yếu của tâm trí, cũng đổi thay tùy người. Nó không ăn chịu với học vấn, giáo dục. Có những người học cao nhưng suy luận, phán đoán sai và có những người quê mùa, văn hóa kém lại biết suy luận rất đúng.

Ở đây, chúng ta nên đề phòng một sự lầm lạc rất thường thấy. Những người học cao có thể "mở mắt", lừa phỉnh chúng ta bằng cách phô bày tri thức của họ. Sự hiểu rộng của họ có thể làm cho chúng ta lầm tưởng rằng họ có những ý kiến tân kỳ, những tư kiến.

Muốn đánh giá họ cho đúng, phải đặt họ ở những tình thế mới mẻ mà mớ trí thức của họ sẽ không giúp ích gì họ được. Lúc bấy giờ chúng ta sẽ thấy họ lý luận lạc đề và thực ra họ chỉ biết nhai lại những phán đoán, những tư tưởng của người khác.

Óc phán đoán là nền tảng của óc phê bình. Thiếu nó, chúng ta không thể có những ý kiến riêng về người và sự vật.

Muốn đo lường bẩm chất này ở một người, chúng ta phải lưu tâm đến những bẩm chất thuộc cảm tính và hoạt động tính của họ. Người ta há chẳng thường nói: "Anh này thông minh lắm, nhưng hắn xử sự như một thằng ngốc". Đó là óc phán đoán đã bị đam mê làm mờ ám, mê đánh bạc, mê gái, mê đạo, mê chính trị v.v... Cũng nên nói rõ, họ chỉ bị tối mắt về những điểm gì có dính dáng đến đam mê ấy, còn ngoài ra họ vẫn sáng suốt, vẫn biết suy luận đúng đắn.

Thỉnh thoảng người ta thấy, và đó cũng là đầu đề nhiều tiểu thuyết hoặc phim ảnh,có những bậc đại nhân, đầu óc sáng suốt lại trở thành những mòn đồ chơi trong tay một người đàn bà mà trình độ kém.

Một đam mê về chính trị có thể làm cho một số người phán đoán sai, mặc dầu về văn chương hoặc mỹ thuật họ vẫn là những tay phê bình lỗi lạc. Trường hợp của Léon Daudet chẳng hạn. Khi một người đứng ra "chống đối" với một điều gì đó một cách đam mê thì họ không còn đủ tinh thần khách quan để nhận xét.

Tính hà tiện cũng có thể làm cho một người rất khôn ngoan lại có những hành động ngu xuẩn. Một tay keo kiệt khôn ngoan, học rộng và có giáo dục nhưng trong đời sống hàng ngày lại có thể tỏ ra bất lịch sự, thô lỗ, khi đụng tới một việc gì có dính dáng đến tiền nong dù là một số tiền mọn.

Nói tóm lại óc phán đoán là một khả năng giúp chúng ta nhận định một cách đứng đắn những phối hợp của tri thức tưởng tượng mà vật liệu là do trí nhớ cung cấp.Vì thế óc phán đoán là yếu tố rất quan trọng trong cá tính. Chính nó giúp chúng ta đánh giá những sự trạng tâm lý.

Sự ngu ngốc, đần độn là những chướng ngại khó vượt, là những vết xấu đã ăn sâu, không thể chữa dù những bẩm chất khác có tốt chăng nữa. Trong thương trường thà gặp một tên điếm khôn ngoan hơn là một thằng ngốc. Vì ít ra đố với tên bợm bãi kia chúng ta còn thu thập được một bài học còn đối với thằng ngốc thì chúng ta chịu...

Về sự huấn luyện những bẩm chất thuộc tinh thần:

Bằng cách nào chúng ta có thể dung hòa sự bất biến của cá tính thiên nhiên với việc giáo dục, việc huấn luyện những bẩm chất thuộc tinh thần như trí nhớ, trí tưởng tượng, óc phán đoán?

Nếu cho rằng có thể rèn luyện những bẩm chất ấy thì làm sao có thể nói rằng cá tính thiên nhiên bất di bất dịch?

Sự mâu thuẫn ấy chỉ có ở mặt ngoài. Thực ra sự giáo dục không cải biến hẳn những khả năng thiên nhiên của chúng ta, nhưng nó có thể dạy cho chúng ta cách sử dụng những khả năng ấy một cách hay hơn, khéo hơn, có lợi hơn.

Có thể phân biệt nhiều loại trí nhớ nó tùy thuộc vào những giác quan chúng ta.

Trước hết có thứ trí nhớ thuộc thị giác. Những sự vật chúng ta đã trông thấy sẽ in vào trí nhớ chúng ta, hoặc nhiều hoặc ít và trong những sự vật này có cái lại dễ in vào trí nhớ chúng ta hơn những cái khác.

Thí dụ, có người nhớ giỏi về những đoạn văn, những tranh ảnh. Người khác lại giỏi nhớ về những cảnh vật, những đường xá, những thành thị, đó là trí nhớ địa lý Lại có người khác lại nhớ mặt người rất tài. Người có thể nhớ giỏi những đoạn văn song hay quên mặt người hoặc địa thế những con đường.

Kế đó là trí nhớ thuộc thính giác. Loại trí nhớ này cũng có nhiều thứ. Có người nhớ rõ tên người hoặc tên thành phố, người khác lại có tài nhớ những nốt nhạc: trí nhớ âm nhạc. Có người đọc thơ thì nhớ ngay mà đọc văn xuôi thì nhớ kém hơn.

Sau hết, có những loại trí nhớ thuộc khứu giác, vị giác và xúc giác, song những loại trí nhớ này không phát triển bao nhiêu. Mặc dầu người ta cũng được thấy một vài nhà chuyên môn thử rượu nho, chỉ nếm qua cốc rượu có thể biết rượu ấy thuộc vùng nào sản xuất năm nào hoặc một nhà bán len chỉ sờ vào những sợi chỉ len có thể đoán biết thứ len ấy thuộc hạng nào, cũng có những nhà hóa học chuyên môn chế nước hoa có thể nhận biết mùi gì do chất gì chế ra v.v...

Có thể so sánh trí nhớ với lớp nhựa của kính ảnh hoặc một tập ảnh dán những kính ảnh hoặc phim ảnh gồm có nhiều trang. Cái gì bất biến là cái mực độ ăn ảnh của những kính ảnh hay phim ảnh đó.

Những phim ảnh này bị tác dụng bởi những quang tuyến tế nhị nó xuyên qua những ngũ quan chúng ta, ở trong trường hợp này, những ngũ quan ấy có thể sánh với những ống kính của máy ảnh. Các thứ ống kính ấy: mắt, mũi, tai v.v... có thể tốt hoặc xấu, đó là do bẩm sinh chúng ta không thể sửa đổi nó.

Và chúng ta cũng biết rằng việc ảnh ăn vào phim tùy thuộc vào ba yếu tốt: sức nhạy của kính ảnh, sức sáng của ống kính, sự chiếu sáng của đề mục chúng ta định chụp và cái thời gian chúng ta để ánh sáng lọt vào ống kính.

Xét qua thí dụ trên đây, chúng ta đã hiểu rõ guồng máy của trí nhớ và vai trò của giáo dục, của học vấn.

Người có nhiều trí nhớ về thính giác là người được có một thứ "ống kính tai" rất nhạy, một thứ ống kính đã được sửa chữa, trong đó rất có thể họ chỉ có một "ống kính mắt" rất tầm thường. Sức nhạy của trí nhớ vẫn ở một mực độ song những tri giác do lỗ tai đem vào sẽ ấn tượng sâu và mạnh hơn những tri giác do đôi mắt thu thập.

Xét riêng về trí nhớ thuộc thị giác chẳng hạn, sở dĩ một bài văn có thể ăn sâu vào trí nhớ hơn một gương mặt là do phẩm chất của "ống kính mắt" có thể để những "tri giác bài văn" lọt vào trí nhớ hơn những "tri giác gương mặt". (Có thể so sánh hiện tượng này với sự khác nhau của tác dụng những màu sắc đối với kính ảnh. Có những màu không ăn vào chất nhựa gélaitino-bromure của kính ảnh thường. Nhưng có thể sánh một trí nhớ tốt với phim ảnh ăn nhiều màu).

Giáo dục có thể can thiệp vào việc rọi sáng những đề mục, nguồn gốc của tri giác, và vào việc để ánh sáng lọt vào ống kính. Khi chúng ta chú ý vào những đề mục ấy, chúng ta kéo dài cái thời gian để ánh sáng lọt vào ống kính và cũng rọi cho những đề mục ấy được thêm sáng tỏ. Nó tập chúng ta nhận xét về đề mục ấy lâu dài hơn, nó cũng giúp chúng ta nhận biết để mục ấy rõ hơn và do đó nó giúp trí nhớ chúng ta ghi lại những tri giác ấy, để những tri giác khỏi chóng phai.

Vì thế, chúng tôi nói rằng người ta không thể luyện tập để làm tăng trí nhớ, nhưng người ta có thể tập sử dụng trí nhớ một cách khéo hơn, đắc lực hơn.

Người thường so sánh trí tưởng tượng với tấm bảng gắn màu của các họa sĩ. Có người được có một tấm bảng gắn màu thật to, gồm đủ những màu sắc khác nhau, người khác chỉ có một tấm bảng vừa phải, lại có người chỉ được một hộp đựng màu nhỏ như các em học sinh.

Hạng người trước có đủ phương tiện để tạo nên những bức tranh một cách dễ dàng. Họ không cần phải trộn màu vì họ đã sẵn có đủ màu sắc. Hạng giữa vẫn còn nhiều phương tiện nhưng ít ra họ phải biết pha trộn màu. Hạng sau cùng chỉ có thể tạo nên những bức tranh xấu xí vì họ thiếu cả những màu sắc căn bản.

Đối với hạng sau này giáo dục có thể dạy cho họ cách dùng một ít màu cốt yếu mà họ có để vẽ nên những bức tranh khả dĩ xem được. Ở đây cũng thể, giáo dục không biến đổi hẳn những miếng màu trên bảng gắn màu của họ sĩ, nó chỉ có thể chỉ cho họa sĩ biết cách sử dụng một cách hay hơn những miếng màu mà họ đã có.

Có thể sánh óc phán đoán với chiếc đồng hồ. Người biết lẽ phải là người được có một chiếc đồng hồ Thụy Sĩ chạy thật đúng, hoặc nếu có xê xích thì cũng sai chạy trong một vài sao (giây). Người khác chỉ nhận được chiếc đồng hồ hạng thường có thể chạy sai cả năm mười phút trong một năm. Một người thứ ba nhận được một chiếc đồng hồ "ngủ gật" đi sớm hoặc đi muộn cả chục phút trong một ngày. Lại còn một anh khác nữa vớ phải chiếc đồng hồ "trời đánh" chỉ những giờ phút "theo ý riêng của nó" không giống ai cả...

Sự giáo dục có ảnh hưởng là ở chỗ nó có thể tính và đoán biết chiếc đồng hồ ấy chạy nhanh hay chậm. Đối với người mà có óc phán đoán chưa mất hẳn, sự giáo dục có thể nhắc nhở cho họ biết nên đề phòng lối suy luận của họ và nên kiểm tra nó. Người có giáo hóa nhờ vậy được có một "phương trình" riêng của họ và họ căn cứ vào đó để sửa đổi những phán đoán tiên khởi.

Và cái thí dụ này rất đúng, bởi giáo dục không sao cải biến anh khờ, cái anh chàng được có chiếc đồng hồ "trời đánh" lúc chạy chậm lúc thì chạy nhanh. Giáo dục không thể tạo cho chàng ta một "phương trình" riêng. Vì thế một người khờ dù có học thức bao giờ cũng vẫn là người khờ.

Một vài thứ "đầu óc":

Một người có nhiều trí nhớ nhưng thiếu óc tưởng tượng chỉ có thể làm những công việc có tính cách biên tập, sưu tầm, tham bác. Đó là một người thừa hành hơn là chỉ huy. Họ co thể tuân theo những chỉ thị để thừa hành, nhưng không có sự sáng kiến, họ không biết sự sáng tạo dù ở địa hạt nào. Chúng ta có thể viết:

Nhà biên khảo hoặc nhà kỹ thuật = trí nhớ dai + óc tưởng tượng kém.

Giá trị của một chuyên viên là ở óc phán đoán của họ.

Một người bị kích thích mạnh hoặc giàu tưởng tượng sẽ có một trí óc rất tinh nhanh nhưng nếu óc phán đoán kém họ sẽ thiếu phần sâu sắc.

Trí óc tinh nhanh = kích thích + tưởng tượng dồi dào.

Óc phán đoán kém hợp với một trí tưởng tượng nghèo nàn sẽ sinh ra một thứ trí thức đần độn, hẹp hòi.

Những người mà ba bẩm chất tinh thần: trí nhớ, trí tượng tượng và óc phán đoán được nảy nở, phát triển điều hòa họ rất sâu sắc, minh mẫn, lanh lợi. Nếu những bẩm chất thuộc cảm tính và hoạt động tính của họ lại cũng tốt nữa thì họ sẽ là những người thượng đẳng, trách việc.

Tâm tính có ảnh hưởng đến tâm trí như chúng ta sẽ thấy ở những thí dụ sau đây:

Một người có trí óc điều hòa những có nhiều hoạt động tính và đa cảm xúc sẽ thành một người bồn chồn, nóng này.

Nếu hoạt động tính của họ ở một mực độ thật cao, đầu óc họ sẽ đầy nhiệt huyết, luôn luôn hâm hở những công việc thuộc tri thức.

Một người thông minh nhưng suy nhược thì trí óc sẽ chậm chạp. Họ suy nghĩ và làm việc hơi chậm nhưng việc làm của họ rất tốt và bền bỉ.

Một người thông minh được có một hoạt động tính khá sẽ thành một đầu óc nhanh lẹ hiểu mau mà làm cũng nhanh.

Nhưng nếu trong cái cá tính trên đây óc phán đoán kém, chúng ta sẽ thấy một thứ đầu có ẩu tả, hay làm xằng, làm bậy, thiếu suy nghĩ và óc phán đoán càng kém bao nhiêu thì tật xấu này càng lớn bấy nhiêu.

Trí óc sơ thiển là do óc phán đoán khuyết kém hợp với trí nhớ tệ.

Một người thông minh, hoạt động, nhiều tham vọng thường hướng về việc kinh doanh, và họ sẽ dễ thành công trên đường đời, nhất là khi óc phán đoán họ lại rất tốt.

Có thể phân tích guồng máy tâm lý của người quen sống trong ảo tưởng, trong mộng ảo, luôn luôn toan tính những công cuộc không thể thực hiện.

Trí tưởng tượng quá sung mãn sẽ cung cấp cho họ những vật liệu để họ xây đắp những trù định ngông cuồng. Họat động tính không ngớt thúc đẩy họ thực hiện, nhưng vì thiếu phán đoán nên họ không còn biết nhận định một cách đứng đắn những hy vọng rất là mong manh để có thể thành tựu trong những công cuộc ấy. Và lúc bấy giờ họ sẽ "nhắm mắt làm liều".

Người ảo tưởng = Trí tưởng tượng quá sung mãn + Hoạt động tính mạnh + Óc phán đoán kém.

Óc ngoan cố là do bẩm chất tham muốn khá mạnh hợp với óc phán đoán kém. Lòng tham muốn kích thích những tham vọng song óc phán đoán không thể phân biệt để nhận biết những ước vọng, những tham vọng ấy có hợp lẽ chăng. Và người ta đâm ra cố lỳ, bướng bỉnh, ngoan cố. Những hạng người "đầu bò", "cứng cổ như lừa" đều là những người kém óc phán đoán.

Có thể vạch cái chương trình của óc nghịch thượng như sau đây:

Một vài đức tính tinh thần hợp với nhiều óc hợp đoàn. Bởi bẩm chất này tiến đến một mực độ quá cao nên người ta hay khoác lác, dối giả, đó là nói về địa hạt tinh thần. Xét kỹ ra, sự nghịch thượng chỉ là một ý kiến kỳ quặc, phi lý nhưng được tình bảy một cách khéo.

Những có óc nghịch thượng lắm khi rất thành thực với họ, vì mãi chú trọng những ý kiến trịch thượng ấy thét rồi họ tin tưởng như thật.

Người có óc hoài nghi là người không tin tưởng gì cả. Đó là một người có nhiều tham muốn nhưng trầm tĩnh và kém lòng nhân. Nếu là người thông minh, sự hoài nghi của họ có tính cách cao thượng nhưng nếu kém thông minh họ chỉ là một người vô tín ngưỡng tầm thường.

Quá thông minh cũng có thể dẫn dắt đến sự hoài nghi. Người hểu biết hết mọi sự không còn tin tưởng ở gì cả.

Một người hiền lành, kém hoạt động và thiếu phán đoán rất dễ bị dẫn dụ. Nhận xét về họ, người ta nói: "Hắn luôn luôn nhận rằng người nào nói câu sau cùng là người có lý". Óc phán đoán quá kém làm cho họ không còn đủ sức chống trả với những dẫn dụ của người khác và bởi họ hiền lành và nhu nhược nên họ sẽ ngã theo ý kiến của người khác, vì sợ sệt và cũng có khi chỉ vì không muốn làm phật ý ai.

Óc tài tử là một lối sinh hoạt tinh thần làm cho người ta có thể lo lắng, mó tay vào nhiều việc trong một lúc nhưng không bao giờ đam mê việc gì vả chỉ thích rút tỉa những lạc thú trong công việc ấy.

Người nào có óc tài tử biết phán đoán, có ít nhiều tưởng tượng và cũng dễ xúc cảm. Họ ít hoạt động, kém lòng nhân và không thể mê say những vấn đề họ nghiên cứu.

Cái phương trình của óc tài tử có thể viết ra như sau đây:

Óc phán đoán khá + Trí tưởng tượng dồi dào + Chút ít đa cảm + Lòng nhân và hoạt động tính kém.

Người có óc tinh nhuệ là người biết đánh giá sự việc một cách chắc chắn và nhất là đúng với cái phương sắc của nó. Người tinh tế là người mẫn tính, sáng suốt. Họ có nhiều óc phán đoán, trí tưởng tượng dồi dào và cảm xúc tính khá nhiều.

Óc kỷ hà đối lại với óc tinh nhuệ. Người có óc kỷ hà xét đoán sự việc một cách nghiêm khắc, không dài dòng giới thiệu cũng không bình luận. Họ đo lường và cho biết kết quả một cách khô khan. Óc kỷ hà có thể nhanh hay chậm, sôi nổi hay ôn hòa nhưng luôn luôn nó xác đáng. Biết phán đoán là đức tính đầu tiên của một người có óc kỷ hà song họ kém tưởng tượng và cũng ít nhiều cảm xúc.

Trong óc tinh nhuệ có một phần lớn cảm tính dự phần vào, do đó người có óc tinh nhuệ cũng dễ bị nó đánh lạc trong phán đoán, nhưng óc kỷ hà thì không hề lầm lạc. Trái lại, óc kỷ hà bởi bẩm chất vốn không quan tâm đến những hiện tượng thuộc cảm tính, có thể có những quyết định rất đúng đắn, nhưng kết quả lắm khi không hay. Đôi khi người ta có lỗi vì đã có lý hoặc ít ra bởi người ta nói quá rõ ý kiến riêng của mình - dù là ý kiến ấy có giá trị - nếu người ta không chịu hiểu rằng đó chỉ là một chi tiết nhỏ không đáng kể trong toàn khối của vấn đề. Lắm nhà chuyên môn có óc kỷ hà này từng bị nó trác nhiều vố khá đau, khi họ phải điều khiển nhiều nhân viên dưới tay họ.

La tinh có câu phương ngôn: "Khi người ta áp dụng luật pháp quá gắt gao người ta đã phạm nhầm nhiều nỗi bất công". Ấy thế, luật pháp là cái biểu hiện rất rõ rệt của óc kỷ hà.

Dung hòa được hai khối óc trên đây chúng ta sẽ có thứ óc siêu đẳng. Người có óc siêu đẳng biết phán đoán chín chắn, trí tưởng tượng dồi dào và trí nhớ tốt. Cảm xúc tính sẽ giúp họ biết nhận định một cách tinh nhuệ.

Phần I - Chương 7

CÁ TÍNH CỦA CON NGƯỜI

TÂM TÍNH

Tâm tính là kết quả sự phối hợp của năm bẩm chất thuộc cảm tính và hoạt động tính.

Trước hết người ta nhận thấy có những thứ tâm tính đơn giản "làm bằng một khối", bị chi phối bởi một bẩm chất duy nhất.

Những người tham vọng và những người bất vụ lợi:

Lòng tham muốn quá mạnh gây ra tâm tính của một hạng người luôn luôn đòi hỏi nọ kia, bất luận ở đâu họ cũng muốn có chỗ tốt nhất lãnh phần to nhất. Luôn luôn họ kéo chăn bông về phía họ. Trong công cuộc làm ăn phải gác hơn người. Bất luận ở đâu họ cũng muốn đứng đầu dù phải lấn át người khác để vượt lên. Ngồi lại bàn họ cầm đũa trước nhất và không nhớ đến ai cả. Họ không lo lấy "tiếng" mà chỉ cần có "miếng". Thỏa mãn dục vọng của mình trước đã, đó là khẩu hiệu của họ.

Tùy hoàn cảnh xã hội, hoàn cảnh sinh sống, hoặc họ sẽ có những tham vọng về tài sản thuộc vật chất và họ sẽ trở thành người tham lam hoặc giả họ sẽ tham muốn những lợi lộc về tinh thần hay trí tuệ và họ sẽ đâm ra kiêu hãnh. Những hạng người "hãnh tiến" đều là những người nhiều tham muốn.

Ngược lại đó, nếu lòng tham muốn kém, chúng ta sẽ thấy một thứ tâm tính đơn giản khác: người bất vụ lợi (nhiều khi tính bất vụ lợi cũng do tinh thần suy nhược mà ra), người khiêm tốn, nhún nhường là người luôn luôn chịu nép cái phần của mình đáng hưởng luôn luôn nép mình dù có thiệt thòi cũng cam.

Người hiền và kẻ dữ:

Bẩm chất lòng nhân quá nhiều sẽ sinh ra tính ái nhân, hay thương người; quá ít, họ sẽ thành tính hung ác.

Lòng nhân được có nhiều cảm xúc phụ họa vào sẽ sinh ra tính hay thương hại. Một người hiền từ nhưng lạnh lùng có thể giấu nhẹm lòng nhân của họ ở bên trong và vẫn cư xử rất nhân đạo. Người đa xúc cảm trái lại biểu hiện lòng nhân của họ.

Hợp với hoạt động tính lòng nhân sẽ tạo ra tính ân cần tức là tính hay giúp đỡ người. Người có tính ân cần do hoạt động tính thúc đẩy sẽ dùng lòng nhân để giúp đỡ người khác. Thiếu óc hợp đoàn, một người hiền từ sẽ thành một gắt tính nhưng tốt bụng, "xấu miệng nhưng tốt lòng".

Khi bẩm chất lòng nhân quá kém, đến mực độ có thể sinh ra tính hung tợn thì nó không còn chống trả nổi với những phản ứng của các bẩm chất khác.

Người ta có thể định nghĩa công đức phản ứng của lòng nhân đối với các bẩm chất khác.

Người thích giao du và người ghét đời:

Óc hợp đoàn tạo ra hai thứ tâm tính đơn giản: tính vờ vĩnh và tính trắng trợn. Molière đã vẽ rõ hai thứ tính tình này ở hai nhật vật Philinte và Alceste. (Hai nhân vật trong vở kịch Le Misanthrope (Người Ghét Đời). Philinte tính bải buôi, dễ dãi, hay tha thứ lỗi lầm của người. Alceste trái lại tính thực thà nhưng xẳng, rất gắt gao với tật xấu của người).

Người vờ vĩnh luôn luôn tìm cách đề cao mình hoặc bằng cách ăn mặc, bằng dáng điệu hoặc bằng lời nói. Luôn luôn họ đóng kịch và đóng kịch rất tài. Những người hay "kiểu cách", người theo thời trang một cách mù quáng đều thuộc hàng người này. (Những người thích làm cho người khác biết đến mình hoặc phách lối là những người vừa kiêu ngạo lại vừa có nhiều óc hợp đoàn nhất).

Nếu khả năng tinh thần của họ tốt, họ có thể làm nên miễn là họ có đủ hoạt động tính, cảm xúc tính và họ không bị lòng nhân làm trở ngại. Song không ai có thể mờ mắt người ta suốt đời và dù người vờ vĩnh có thông minh đến đâu, có ngày họ cũng bị lột mặt nạ.

Những đàn bà diêm dúa cũng thuộc hạng người vờ vĩnh, họ thường có ý thức về vẻ đẹp của họ, thường nghĩ đến hoặc thích đề cao những ưu điểm thể chất hoặc thực sự hoặc tưởng tượng của họ. Nói dối cũng là một phương sách mà người có nhiều óc hợp đoàn quen dùng.

Người trắng trợn trái lại kém óc hợp đoàn, tính ngay thực, thẳng thắn của họ đi đến sự trắng trợn. Bụng nghĩ thế nào họ nói ra thế ấy, bất chấp lời dị nghị của người khác. Nếu lòng nhân kém, họ sẽ cảm thấy một sự khoái trá bằng cách làm cho người khác bởi sự ngay thẳng của họ. Người gắt gỏng, không thích giao thiệp là người kém óc hợp đoàn nhưng nó không biểu lộ ra ngoài. Họ thích ẩn dật sống riêng biệt ngoài vòng xã hội. Ở đây, tính thích cô độc lại đi chung với lòng nhân.

Người hoạt động và người suy nhược:

Về phương diện hoạt động tính, chúng tôi đã nói rằng người ta có thể phân biệt hai thứ tâm tính: hạng người náo động và hạng người suy nhược. Chúng tôi cũng đã nói rõ hoạt động tính liên hệ mật thiết với các trạng thái thuộc thể chất mà người ta gọi là "toàn thân cảm giác" nó do sự vận động điều hòa của toàn diện bộ giao cảm thần kinh.

Người hoạt động cừ là người được có một "toàn thân cảm giác" tốt. Họ hành động nhanh, nói nhiều, phí sức nhiều, quyết định ngay. Họ cho chúng ta cái cảm tưởng rằng họ có rất nhiều ý kiến bởi họ suy nghĩ thật nhanh. Họ thường vui tính, họ gác bỏ những tư tưởng đen tối, những cảnh tượng đau thương. Gặp phải nghịch cảnh hay thất bại họ trấn tĩnh được ngay và nhìn thấy bộ mặt tốt của sự việc. Nếu là người đa cảm họ lại thêm tính nóng, càng gặp khó khăn bao nhiêu họ càng hăng, càng kích thích bấy nhiêu.

Những người tọc mạch, những người hay nói, những tay xài lớn, những nhà đại doanh nghiệp, những tay du lịch nhiều đều thuộc hàng người nhiều hoạt động. Nói về họ người ta bảo: "Họ không thể ngồi yên một chỗ", hoặc "Họ như có chất nổ trong người". Luôn luôn họ phải hoạt động, bằng cách này hay các khác. Họ quan niệm đời là một cuộc hoạt động không ngừng và không lúc nào họ nghĩ đến việc dưỡng già.

Những tay kiến quốc lừng danh, những nhà cái trị có tài đều là những người nhiều hoạt động.

Thánh Paul, dù là ốm yếu cũng là một người rất hoạt động. Colbert, Lazare Cornot, Napoléon và bao nhiêu người khác nữa cũng đều là những tay hoạt động cừ.

Những người suy nhược thường là những người bi quan, đó là những nàng Cassandre (nhân vật trong thần thoại Hy Lạp đặc trưng cho hạng người hay tiên đoán những điều không hay) hay tiên đoán những tai ương, thảm họa.

Ít cảm xúc họ là những người không hay nghịch ngợm, nhưng đứng đắn. Trái lại nếu đa cảm xúc họ là những người buồn bực, bi quan, những người luôn luôn có "bộ mặt đưa đám ma".

Một thứ tâm tính khác do hoạt động tính tạo thành là tính tâm thần bất định. Đó là do sự phát triển bất thường của hoạt động tính, nhưng không phải luôn luôn nó biến thành một bệnh thái.

Thực ra trong chúng ta ai cũng có không ít thì nhiều tính tâm thần bất định này. Có lúc chúng ta thấy hăng hái, vui vẻ thích hoạt động và chúng ta vui vẻ làm việc, lúc khác chúng ta thấy uể oải, bạc nhược, biếng nói, biếng cười. Nếu sự biến chuyển từ trạng thái hăng hái đến trạng thái an tĩnh quá rõ rệt, nó có thể sinh ra thứ tính tình bất thường, tính hay dời đổi, tính "ngông".

Nhiều bậc thiên tài thuộc hạng tâm thần bất định. Lúc mà tinh thần họ suy nhược, thường khi họ rất đau khổ, họ ghi lại những cảm giác làm tài liệu cho những tác phẩm của họ, trường hợp của Jean Jacques Rousseau là một.

Người đa cảm và người thản nhiên:

Hai thứ tâm tính cực đoan do cảm xúc tính tạo thành là tính dễ cảm và tính thản nhiên.

Người dễ cảm thường xúc cảm một cách đột ngột, nhanh chóng, kèm theo đó là những phản ứng mạnh mẽ. Họ phản ứng rất dễ dàng trước một niềm vui cũng như một nỗi buồn, rất có thể họ mới vừa cười đó rồi lại khóc ngay. Luôn luôn họ ở trong một tình trạng cấp báo, mắt luôn luôn rình rập, họ run sợ vì những chuyện không đâu. Trong ngôn ngữ thường người ta gọi họ là những người "cau có". Nếu họ lại thêm chứng tâm thần bất định thì tính dễ cảm của họ càng thêm rõ rệt.

Người thản nhiên trái lại ít cảm xúc. Nếu có cũng rất hiếm và chậm chạp. Dù là gặp cảnh huống nguy nan họ cũng không cuống quít và luôn luôn bình tĩnh. Những biến cố dường như không ảnh hưởng đối với họ. Trước vẻ điềm nhiên bình tĩnh của họ chúng ta có cảm tưởng như đứng trước một tấm vách, một tảng đá khó bị xay sát. Nhưng thản nhiên quá mức là một tật xấu, người không biết cảm xúc quyết định rất chậm chạp.

Maurice De Fleury có thuật lại chuyện một vị đại tá mà người ta phải thuyên chuyển về hậu quân. Dưới cơn lửa đạn, ông ta điềm nhiên như bàn thạch và do đó ông không thấy những nguy hiểm, không biết phản ứng lại và gặp một cảnh ngộ bất ngờ ông không còn biết hành động nhanh chóng để đối phó lại.

Giáo dục có thể ức chế cảm xúc tính phần nào nhất là đối với những người được có một vài đức tính tốt khác, ví dụ óc phán đoán tốt. Họ có thể đè nén những cảm xúc vào bên trong. Cảm xúc tính của họ không bị triệt hẳn. Nó chỉ không biểu lộ ra ngoài. Những người ấy thường có một đời sống bên trong phong phú, nhiều cảm xúc, do đó họ thường đau khổ nhiều hơn.

Đừng lầm lẫn cảm xúc tính với lòng nhân. Có những người đa cảm nhưng không nhân ái chút nào. Trước cảnh khổ của một người, người đa cảm có thể xúc cảm mạnh, nhưng bởi bẩm chất lòng nhân ở họ rất kém nên họ không thể hy sinh một phần nào của họ, và cũng không làm một điều gì để xoa dịu bớt nỗi khổ ấy. (Cái thói thương hại vì cảm xúc này thường thấy trong văn chương. Do đó chúng ta mới có thể hiểu tại sao một người tính vốn ích kỷ lại có thể viết nên những sách đượm lòng nhân ái). Vì thế chúng ta thấy có lắm người ứa lệ trước đau khổ của người, nhưng đó là họ khóc cho họ, khóc vì họ, bởi biết rằng rất có thể họ cũng gặp những cảnh huống không hay ấy nên họ tủi thân. Cái khóc của nàng Kiều trước mộ Đạm Tiên:

"Đau đớn thay phận đàn bà,

"Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung"

Những thứ tâm tính pha trộn:

Những bẩm chất cốt yếu của tâm tính có thể hòa trộn phối hợp lẫn nhau, có khi hai, có khi ba bẩm chất phối hợp với nhau, cũng có khi nhiều hơn nữa. Kết quả của những phối hợp đó tùy thuộc cái giá trị tương đối của những bẩm chất đã liên kết, cũng tùy thuộc giá trị của tâm trí đã nhuận súc những bẩm chất ấy.

Một người vừa đa cảm vừa tham lam sẽ có tính tiện tặn nếu cảm xúc của họ trội hơn lòng tham muốn. Nếu ngược lại lòng tham muốn trội hơn cảm xúc tính và nếu họ suy nhược tức là kém hoạt động tính họ sẽ đâm ra hà tiện, keo kiệt.

Một người đa cảm và nhiều lòng nhân sẽ có tính hay thương hại nếu cảm xúc tính của họ trội hơn lòng nhân, còn trái lại thì họ là người cẩn thận biết làm việc một cách có lương tâm.

Lòng nhiệt huyết là sự phối hợp của cảm xúc tính với hoạt động tính thêm vào đó là chút lòng nhân. Người giàu nhiệt tâm là người bị kích động vừa đa cảm vừa hiền lành.

Những người có tính rụt rè, lưỡng lự, ngần ngừ, do dự là những người đa cảm và suy nhược. Bởi khuyết kém bẩm chất hoạt động tính nên không biết quyết định.

Người táo bạo là người thản nhiên, họat động nhưng kém phán đoán. Nhờ ít cảm xúc và không biết phán đoán nên họ thường không thấy đâu là hiểm nguy.

Người nhiều tham muốn mà thiếu lòng nhân sẽ đâm ra ích kỷ. Tất cả những thói ích kỷ đều do sự phối hợp hai bẩm chất tham muốn và lòng nhân ở nhiều cấp độ khác nhau.

Người cao vọng là người nhiều tham muốn và nhiều óc hợp đoàn nhất.

Người có có hợp đoàn và hiền lành là người có tính nhã nhặn, khả ái.

Óc hợp đoàn và hoạt động tính phối hợp với nhau sẽ sinh tính dễ thương nếu hoạt động tính trội hơn. Trái lại, nếu óc hợp đoàn nhiều hơn thì sinh ra phách lối.

Người giả hình là người vờ vĩnh mà thiếu lòng nhân. Tính nham hiểm là tính giả dối thêm vào đó sự suy nhược.

Người keo kiệt hoàn toàn mà Molière đã bất hủ hóa trong vai Harpagon và Balzac trong vai lão Grandet, là một người tham lam đa cảm nhưng suy nhược, kém hoạt động.

Nếu trong đó có ít nhiều hoạt động tính chúng ta sẽ thấy một thứ tâm tính hà tiện khác. Người hà tiện mà hoạt động sẽ biết tiêu tiền trong một vài trường hợp, trong công cuộc làm ăn. Hoặc giả trong những thú mê say nào khác như thú sưu tầm chẳng hạn nhưng trong những trường hợp khác thì họ vẫn "rít chúa ngô công kẹo". Một người tham lam nhưng có óc hợp đoàn dám tiêu tốn bạc vạn trong những cuộc tiếp tân, đãi đằng hoặc trong những dịp có thể mua lấy sĩ diện với hàng xóm song ở nhà thì họ bắt vợ con ăn cơm với rau muống luộc chấm muối vừng.

Người mưu sĩ là người có nhiều óc phán đoán nó khiến họ hay nói dối; đồng thời họ có nhiều tham muốn, kém lòng nhân, song rất nhiều hoạt động tính nó khiến họ thích đua tranh với đời.

Tính ghen tuông đáng cho chúng ta nghiên cứu một cách riêng. Đó là hình thức đặc biệt của mỗi thứ tâm tính rất phức tạp mà chúng ta nhận thấy có ít ra hai hình thức.

Trước hết đó là thứ ghen tuông do lòng tham muốn gây ra. Bởi người ta cho rằng mình là chủ của một vật, của một người (hoặc giả người ta muốn là chủ) nên người ta ghen. Trí nhớ ghi lại tất cả những sự kiện có dính dáng đến người yêu và nhất là óc tưởng tượng có thể tô vẽ thêm những sự kiện ấy để phụ họa vào, và làm cho tính ghen thêm sôi nổi.

Lại có thứ ghen tuông do một cảm tính lo âu, áy náy mà Crommelynck đã nghiên cứu rất tế nhị trong vở kịch "Le cocu magnifique" (Anh chàng bị mọc sừng hiên ngang). Người ghen tuông lâm vào một tình trạng lo âu, bâng khuâng áy náy không còn thể chịu nổi, nhất là khi họ chỉ nghờ vực mà không có bằng cớ xác thực nào về sự phản bội của người yêu, họ thích bị phản bội hoặc xúi người yêu phản bội họ, như vậy cốt để họ có lý lẽ để ghen tuông. Và khi đã bị phản bội thực sự, họ cảm thấy như đỡ khổ hơn và khoan khoái một cách ẩm uất.

Lẽ dĩ nhiên ghen tuông có nhiều cấp bậc, nhiều mức độ khác nhau tùy theo trị số của những bẩm chất đã kết thành nó. Thí dụ một người ghen mà kém tưởng tượng thì chỉ ghen "bằng mắt", hắn không bị ngờ vực, nghi ngờ, hành hạ vì lẽ hắn không thể tưởng tượng những gì người yêu có thể làm sau lưng hắn. Hắn phải "nhìn tận mắt" mới có thể nổi cơn ghen.

Những thứ tâm tính phức tạp:

Ngoài ra còn nhiều cách phối hợp khác, phức tạp hơn. Một người hoạt động và hiền lành có thể mang tật lười biếng vì thiếu tham muốn nên không có tham vọng. Nhưng tham muốn lại cần thiết, ít ra trong một cấp độ nào đó: muốn làm việc đắc lực cần phải biết ham thích, phải có một mục đích.

Có người lười biếng do một sự suy nhược tiên thiên. Một người suy nhược kém lòng nhân hoặc kém cảm xúc cũng dễ sinh lười biếng mặc dù họ có tham muốn.

Có người hoạt động nhưng vì thiếu lòng nhân nên cũng đâm ra lười biếng, họ chỉ hướng sức hoạt động vào những cuộc chơi bời.

Nhiều bẩm chất có thể khiến cho một người trở nên siêng năng.

Người ta có thể thích làm việc vì sở thích (cảm xúc tính), vì lợi lộc (tham muốn), vì bổn phận (lòng nhân), vì tự ái (sợ dư luận người đời: óc hợp đoàn); cũng có khi chỉ vì thói quen, kết quả của sự phát triển của cá tính tập thành.

Lòng can đảm cũng có nhiều nguồn gốc. Có người tỏ ra can đảm nhờ biết đè nén sự sợ sệt (cảm xúc tính) (cái can đảm của vị tướng Turenne lúc ra trận run sợ nhưng cố trấn tĩnh mình bằng câu: "thân xác này, mày cứ run...), nhờ biết suy luận (khả năng tinh thần tốt).

Cũng có thể do hoạt động tính bị kích thích hoặc vì danh vọng, vì tiếng tăm (óc hợp đoàn). Có người tỏ ra can đảm bởi có lòng ái quốc hoặc tín ngưỡng (hình thức tinh thần của lòng nhân).

Lòng tham muốn, tính ham mê của cải cũng có thể làm cho một người trở nên can đảm. Harpagon thà chết không chịu mất của. (Tôi có biết một bà đại điền chủ ở lục tỉnh, hai phen bị bọn cướp bắt đánh, tra tấn rất dã man, nhưng bà ta vẫn không chịu chỉ chỗ bà ta giấu vàng bạc).

Sau hết cũng có người can đảm chỉ vì họ kém cảm xúc tính, do đó tự nhiên họ tỏ ra bình tĩnh.

Trong lúc chiến tranh, những người đa cảm xúc thường rất bị khổ, mặc dù họ có nhiều đức tính khác.

Cá tính tập thành có thể ảnh hưởng do thói quen. Một người không có khuynh hướng về hà tiện nhưng sống chung mãi với những tay keo kiệt thét rồi nhiễm lấy tật xấu ấy.

Một người tham vọng nhưng bị đời bạc đãi sẽ trở nên một người nhường nhịn, nếu họ kém hoạt động và có đôi chút lòng nhân.

Biếm nhẽ và trào lộng:

Bây giờ chúng ta thử xét qua một trường hợp hơi phức tạp, trường hợp những hình thức của tính biếm nhẽ, của tính trào lộng, tức là khuynh hướng tinh thần hay làm nổi bật cái góc cạnh lố lăng, đáng cười của người, của sự việc.

Cơ sở của tính biếm nhẽ hoặc có óc trào lộng, thứ trào lộng có ý nhị, là óc tinh nhuệ. Đặng kết hợp với ba bẩm chất lòng nhân, óc hợp đoàn và hoạt động tính, óc tinh nhuệ sẽ nhuộm cho tính biếm nhẽ nhiều màu sắc khác nhau tùy theo cái cấp độ tương đối của ba bẩm chất ấy.

Cái biếm nhẽ chua cay chán chường là do lòng nhân kém (tính ác), thiếu óc hợp đoàn (tính trắng trợn) và thiếu hoạt động tính (tính bi quan).

Nếu trong đó có nhiều hoạt động tính thì sẽ biến thành thứ biếm nhẽ cay độc. Tính trắng trợn, tính ác độc làm cho người ta thích nói chua cay và hoạt động tính đem lại cho người ta cái tinh thần phá phách.

Nếu lòng nhân tuy kém, nhưng óc hợp đoàn và hoạt động tính khá nhiều nó nảy sinh ra cái tính khăm tức là tính ác nhưng có vẻ tử tế. Nếu ba bẩm chất lòng nhân, óc hợp đoàn và hoạt động tính đều tốt cả thì chúng ta chỉ thấy những tính trêu chọc, chế giễu để mà cười xòa không có ý làm hại ai cả.

Phần I - Chương 8

CÁ TÍNH CỦA CON NGƯỜI

CÁI PHƯƠNG TRÌNH CỦA CÁ TÍNH

Mang dùng những ký hiệu của số học trong địa hạt tâm lý học, sợ e có người sẽ cho rằng chúng tôi có nhiều cao vọng quá chăng? Nhưng, mặc dù không có ý nghĩ rằng lối dùng ký hiệu này có thể đưa đến sự chính xác của khoa học, chúng tôi thấy rằng lối đánh số mà chúng tôi áp dụng sau đây có thể giúp ích cho chúng ta phần nào trong việc khảo xét về tính con người.

Để nhớ lại thành phần của những tâm tính và tâm trí mà chúng tôi vừa phân tách, chúng ta có thể dùng lối đánh số sau đây:

0 tiêu biểu cho trị số trung bình của một bẩm chất.

>0 tiêu biểu cho trị số trên mức trung bình.

0< tiêu biểu cho trị số dưới mức trung bình.

Có thể tượng trưng cho tám bẩm chất cốt yếu như sau đây:

M = Tham muốn.

L = Lòng nhân.

H = Hoạt động tính.

Đ = Óc hợp đoàn.

C = Cảm xúc tính.

N = Trí nhớ.

T = Trí tưởng tượng.

P = Óc phán đoán.

Bây giờ chúng ta có thể lập một bằng kê tóm lược những thứ tâm tính con người như sau đây:

Tính bồng bột: H >0 C >0 (Tức là hoạt động tính và cảm xúc tính trên mức trung bình).

Tính chậm lụt: H <0 (Tức là hoạt động tính dưới trung bình).

Tính nhanh nhẹn: H >0

Tính nông nổi, ẩu tả: P <0 H >0

Tính nông cạn, sơ thiển: P <0 H >0

Óc không tưởng: P >0 H >0 C >0 T >0

Óc ngoan cố: M >0 P <0

Óc nghịch thượng: Đ >0

Óc hoài nghi: L <0 C >0

Tính dễ cảm: L >0 H <0 P <0

Óc tài tử: P >0 T >0

Óc sâu sắc: P >0 T >0 C >0

Óc kỷ hà: P >0 T =0

Óc siêu đẳng: P >0 T >0 N >0

Tính ân cần: L >0 H >0

Tính thương hại: L >0 C >0

Tính nhã nhặn: L >0 C >0

Tính gắt gỏng: L >0 Đ <0

Tính hà tiện: M >0 C <0 H <0

Tính thận trọng: L >0 C >0

Lòng nhiệt tâm: H >0 C >0 L >0

Tính lưỡng lự: C >0 H <0

Tính mạo hiểm: H >0 C <0

Tính ích kỷ: M >0 L <0

Tính giả dối: L <0 Đ >0

Tính nham hiểm: L <0 Đ >0 H <0

Óc tham vọng: M >0 H >0

Tính mưu sĩ: M >0 H >0 Đ >0 L >0

Tính ghen tuông: C >0 M >0 T >0 N >0

Tính nhẫn nhục: H <0 L >0

Tính lười biếng, tính siêng năng, tính can đảm: Do nhiều nguyên nhân khác nhau (xem trong bài).

Bây giờ chúng ta có thể thử diễn tả một cá tính bằng lối đánh số gán cho mỗi bẩm chất căn bản một trị số.

Đẳng cấp của lối đánh số này có thể đi từ 0 đến 10 hoặc từ 0 đến 20, tùy ý chúng ta đặt để. Nhưng, để làm rõ rệt thêm những trị số ở trên hoặc dưới mực trung bình trong những thứ tâm tính không không thuộc bệnh lý, chúng tôi áp dụng lối đánh số mà Marcel Boll đã dùng, nó gồm có bảy trị số đi từ -3 đến +3, số 0 tiêu biểu cho mực trung bình. Khỏi phải nói, trong mỗi cá tính và đối với mỗi bẩm chất cấp bực của mỗi trị số này rất là rộng rãi, chứ không phải chỉ có ở trong giới hạn của bảy trị số ấy.

Vì thế, chúng ta chỉ nên xem những phương trình sau đây với tính cách biểu thị. Đó chỉ là những cái khuôn thô sơ, tạm phân định một cách khái quát cái ranh mức của tâm tính và trí tuệ. Thực ra cá tính con người phức tạp hơn nhiều, nhất là trước sự hỗ trợ rất biến thiên của cá tính tập thành. Nhưng đặng có một người dẫn đường, tìm thấy một cái mối nhỏ trong cái gút cũng là điều đáng kể trong việc dò xét tâm trí và tâm tính con người.

Sau đây là một vài phương trình để làm thí dụ và những giải thích của nó:

Phương trình của một nhà doanh nghiệp, một người chỉ huy:

Tham muốn.............. +1

Lòng nhân................ 0

Óc hợp đoàn............. +1

Hoạt động tính......... +3

Cảm xúc tính............ -1

Trí nhớ...................... 0

Trí tưởng tượng........ +2

Óc phán đoán........... +2

Nhiều hoạt động tính hợp với lòng tham muốn vừa phải tạo ra một cao vọng hợp lệ.

Lòng nhân điều hòa, cảm xúc tính kém, hợp với óc phán đoán tốt và óc tưởng tượng dồi dào giúp cho họ biết phán đoán một cách chắc chắn, có óc công bằng và nhiều tính khí.

Óc hợp đoàn vừa phải giúp họ gieo cảm tình với những người chung quanh, họ đặng nhiều người thương, bề giao du rộng rãi giúp cho họ nhiều trong công việc làm ăn, vả lại họ sẵn có tính ân cần, bãi bôi.

Phương trình của một gã gian hồ (như Casanova chẳng hạn):

Tham muốn.............. +1

Lòng nhân................ +1

Óc hợp đoàn............. +3

Hoạt động tính......... +3

Cảm xúc tính............ +2

Trí nhớ...................... +3

Trí tưởng tượng........ +3

Óc phán đoán........... 0

Đặc điểm của cá tính này là óc hợp đoàn phát triển quá mạnh, gần biến thành bệnh khoác lác, sức hoạt động cuồng nhiệt, một trí nhớ và trí tưởng tượng rất dồi dào. Nhưng óc phán đoán rất tầm thường không đủ sức chế ngự sự thái quá của những bẩm chất kia. Cảm xúc tính khá mạnh làm họ dễ đam mê (mê đánh bạc, mê gái, ham du lịch, thích phiêu lưu). Nhờ có lòng nhân khá nhiều nên kể ra họ cũng khả ái. Lòng nhân của họ không nhiều đến nỗi giúp họ biết thận trọng - gặp dịp họ đăm liều lĩnh - song nó cũng khá đủ để làm cho họ thỉnh thoảng có những hành động từ tâm.

Phương trình của một người suy nhược (như vua Ngọa Triều):

Tham muốn.............. -2

Lòng nhân................ +1

Óc hợp đoàn............. -1

Hoạt động tính......... -2

Cảm xúc tính............ -2

Trí nhớ...................... 0

Trí tưởng tượng........ -2

Óc phán đoán........... -1

Trong cá tính này tất cả các bẩm chất đều suy nhược trừ lòng nhân. Kém hoạt động, thiếu cảm xúc, tính tình ít bộc lộ, nghèo tưởng tựơng, óc phán đoán cũng kém. Trước những biến cố người suy nhược thường bó tay, họ không có một phản ứng nào dù là trong những hoàn cảnh nguy hiểm, bởi thường khi họ không thể hiểu nổi.

Phương trình của một nghệ sĩ:

Tham muốn.............. -2

Lòng nhân................ +2

Óc hợp đoàn............. -1

Hoạt động tính......... +2

Cảm xúc tính............ +3

Trí nhớ...................... 0

Trí tưởng tượng........ +3

Óc phán đoán........... 0

Nhà nghệ sĩ vừa đa cảm xúc vừa có óc tưởng tượng dồi dào. Lòng tham muốn kém làm cho họ ít biết quan tâm đến lợi lộc. Họ không biết bảo vệ quyền lợi vật chất của họ bởi đồng thời họ cũng nhiều lòng nhân.

Rất siêng năng, hoạt động nhưng tính hơi bất định, ít bộc lộ, họ rất khiêm tốn và không thích danh vọng cũng không thích cái xã hội phù phiếm. (Đây là nói về một nghệ sĩ chân chính).

Phương trình của một tay mưu sĩ nguy hiểm (theo kiểu Tào Tháo):

Tham muốn.............. +2

Lòng nhân................ -2

Óc hợp đoàn............. +3

Hoạt động tính......... +3

Cảm xúc tính............ -2

Trí nhớ...................... +2

Trí tưởng tượng........ +1

Óc phán đoán........... +1

Óc hợp đoàn phát triển thái quá hợp với nhiều tham muốn và nhiều hoạt động tính làm cho người mưu sĩ thêm nguy hiểm vì họ vốn hung ác (kém lòng nhân) rất điềm nhiên (kém cảm xúc) lại rất thông minh.

Tính khô khan, mạo hiểm, táo bạo nhưng ích kỷ và hay giả vờ, nếu cần họ không nề nà gì mà không nghiền nát những trở ngại bước đường tiến của họ. Thiếu lòng nhân và óc hợp đoàn quá nhiều là nhược điểm của cá tính này.

Làm một bài toán nhỏ, chúng ta sẽ thấy ngay tâm tính con người rất phức tạp.

Để tiện việc lập phương trình, chúng ta chỉ tạm ấn định cho mỗi bẩm chất căn bản bảy cấp bậc. Lẽ dĩ nhiên trong thực tế thì những cấp bậc này nhiều hơn số đó bội phần, nhưng hãy cứ tạm nhận bảy cấp bậc ấy. Biết rằng có tất cả tám bẩm chất căn bản, chúng ta có thể tính ra con số những phối hợp có thể có, khác nhau ít nhất một cấp bậc là 78 tức: 7x7x7x7x7x7x7x7=5.764.801.

Với cái thuyết ấy, dù kém hơn thực tế nhiều, chúng ta cũng thấy rằng với bốn chục triệu dân số, mỗi người Pháp đều có một phương trình cá tính khác nhau.

Cái hy vọng tìm thấy hai phương trình giống nhau hẳn là hẳn là không thể có.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro