BIỂU HIỆN CỤ THỂ CỦA MỐI QUAN HỆ NHO - PHẬT - ĐẠO

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

2.1. Mối quan hệ giữa Nho - Phật - Đạo thể hiện trên các phương diện

2.1.1. Đường lối trị nước của các triều đại phong kiến

Có thể nói, hệ tư tưởng Nho - Phật - Đạo là ý thức hệ và là công cụ thống trị chủ yếu nhất của các triều đại phong kiến trong quá trình hình thành, xác lập, phát triển của chế độ phong kiến ở nước ta. Tuy nhiên tùy theo từng điều kiện, yêu cầu khác nhau mà ở từng triều đại đã có sự lựa chọn tư tưởng chủ đạo trong hệ tư tưởng Nho - Phật - Đạo đối với việc cai trị đất nước. Lĩnh vực tư tưởng chính trị - xã hội cho thấy ảnh hưởng sâu sắc của Nho và sau đó là của Đạo, Phật. Trước hết là trị nước bằng nhân trị, đức trị, rồi đến lý tưởng xã hội: Vua thánh tôi hiền, xã hội Đường - Ngu, và quan hệ vua tôi, cha con với nghĩa vụ trung và hiếu… vốn là của Nho. Hoặc chủ trương bất tranh, quả dục, mềm dẻo… vốn là của Đạo giáo, Phật giáo.

Đầu thế kỷ XI, việc xác lập triều đại nhà Lý đã mở ra một thời kì phát triển mới về mọi mặt của xã hội Đại Việt. Mặt khác mối quan hệ tam giáo vào thời Lý đã được nâng lên một trình độ phát triển mới về chất, phản ánh mối quan hệ giữa chính trị xã hội với đời sống tâm linh.

Đứng trước yêu cầu xây dựng một nhà nước phong kiến trung ương tập quyền, tư tưởng Nho giáo từng bước được vận dụng vào thực tiễn và đã phát huy tác dụng tích cực. Để giữ yên thần dân dưới sự ngự trị của mình, triều đình nhà Lý, Trần (hay các triều đại phong kiến Việt Nam) đều nhận thấy sự đắc lực của Nho giáo với những đạo lý tề gia, trị quốc có trật tự, chặt chẽ, rõ ràng. Từ thời Lý, Trần đã cho dựng Văn Miếu, lập viện Hàn Lâm, tổ chức thi cử cho viết sử ghi chép… Tuy vậy, đáp ứng yêu cầu của các triều đại phong kiến về mặt tổ chức và quản lý cuộc sống trần gian trong xã hội phong kiến, “Nho giáo đã không giải đáp được rất nhiều vấn đề có tính chất huyền bí hằng ngày xảy ra trong đầu óc con người mê mê hoặc hoặc trước muôn vạn hiện tượng chung quanh mình” [3;55].

Lý Công Uẩn và cả nhà Lý rất tôn sùng đạo Phật. Có thể nói rằng ở thời Lý, “giữa Nho giáo và Phật giáo và cả Lão giáo đã có một sự hòa hợp khá dễ dàng: về phải và trái hay và dỡ, lợi và hại trong cuộc sống trần gian thì chủ yếu dựa theo lễ giáo và đạo lý của nhà Nho nhằm giữ vững quyền thống trị của thế lực vua quan thời phong kiến. Còn về phúc và lộc ở nơi “thiên cung”, miền “cực lạc” hoặc ở chốn “địa ngục” cõi âm ty cũng như về sự báo ân báo oán từ kiếp này đến kiếp khác hoặc đối với con cháu đời đời thì lại dựa vào giáo lý và phép tắc của Phật giáo, Đạo giáo nhiều hơn” [3;55].

Điều đặc biệt, thời kỳ Lý - Trần chứng kiến sự nhập thế cao độ của Phật giáo trên vũ đài chính trị - tư tưởng. Thực tế cho thấy, trong thời kỳ này, nhiều nhà sư đã kết hợp tư tưởng Nho, Lão để góp phần vào sự nghiệp xây dựng và củng cố chính quyền vững mạnh.

Trước cuộc xâm lược lần thứ nhất của nhà Tống, với tư cách “quốc sư của triều đình” Tiền Lê, nhà sư Khuông Việt đã thay mặt nhà vua đến ngôi đền mà ông lập thờ người gặp trong mộng là Tỳ Sa Môn để cầu xin thần phù hộ. Như vậy, yếu tố Đạo giáo phù thuỷ thần linh cũng được sử dụng như một yếu tố tinh thần để chống giặc ngoại xâm.

Với tinh thần “Phật pháp ở thế gian, không lìa thế gian giác” các nhà sư sẵn sàng cởi áo cà sa, mặc áo chiến lúc Tổ quốc lâm nguy; khi đất nước hòa bình, họ lại trở về với cuộc sống tôn giáo, nhưng không bao giờ tách rời thế sự, đó là nét đặc sắc của mối quan hệ tam giáo thời Lý - Trần.

Còn trong mô thức “Tam giáo đồng nguyên” từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX do những nhà Nho, nhà tư tưởng đề xuất và coi đó là phương tiện hữu hiệu nhất để khắc phục tình trạng rối ren của xã hội và sự suy yếu, khủng hoảngcủa Nho giáo, của chế độ phong kiến. Mặc dù, những người đề xuất mô thức đó không phản bác và đều thừa nhận Phật giáo, Đạo giáo nhưng lại kết hợp ba đạo này theo tinh thần “dĩ Phật, Đạo nhập Nho”, hoặc giải thích Phật, Đạo từ lập trường Nho, trên cơ sở Nho, hoặc coi Phật, Đạo có nguồn gốc từ Nho, cùng dòng với Nho. Mục đích “đồng nguyên” cốt nhằm duy trì Nho giáo trên cương vị là cái độc quyền chi phối đường lối trị nước, giáo dục - khoa cử và nhiều lĩnh vực chủ yếu khác trong đời sống chính trị -xã hội của con người.

Tóm lại, dưới chế độ phong kiến Việt Nam, Nho, Phật, Đạo đều có vị trí, vai trò trong đường lối trị nước. Tất nhiên vị trí, vai trò của mỗi đạo là khác nhau, dù rằng cả ba đạo này đều được các triều đại phong kiến Việt Nam khai thác sử dụng làm công cụ thống trị. Trong cấu trúc hệ tư tưởng Nho - Phật - Đạo hay trong mô thức “Tam giáo đồng nguyên”, với tư tưởng tôn quân quyền, đường lối tu tề, trị, bình, nguyên tắc chính danh định phận, tư tưởng thiên mệnh trung hiếu... Nho giáo đã dần dần trở thành hệ tư tưởng cần thiết, hữu ích và thiết thực đối với giai cấp phong kiến trong việc định hướng triển khai đường lối cai trị, duy trì trật tự, kỷ cương xã hội và lợi íchcũng như địa vị thống trị của họ. Còn đối với Đạo giáo và Phật giáo, giai cấp phong kiến Việt Nam khai thác các yếu tố “tôn giáo, an thần”, để tranh thủ sự ủng hộ hay nhằm thủ tiêu ý thức và hành động phản kháng của đông đảo quần chúng nhân dân. Sử dụng hay lợi dụng hai tôn giáo này cũng nhằm hỗ trợ, bổ sung cho những mục đích chính trị, của giai cấp phong kiến.

2.1.2. Tư tưởng của các nhân vật lịch sử

Trong tư tưởng của các nhà yêu nước, các nhân vật lịch sử nổi tiếng trong thời kì lịch sử này cũng đã để lại những dấu ấn của “tam giáo”. Dưới đây là tư tưởng của một số nhân vật lịch sử tiêu biểu:

* Khuông Việt Thiền Sư (Ngô Chân Lưu) (933 - 1011)

Ngô Chân Lưu là nhà sư nổi tiếng ông sống vào bốn triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý. Khi còn nhỏ, Ngô Chân Lưu theo học Nho, khi lớn lên ông theo đạo Phật. Là một người thông tuệ về Phật giáo và cũng rất am hiểu về Nho giáo và Đạo giáo. Năm 971, Tăng Thống Ngô Chân Lưu được ban tên Khuông Việtđại sư. Nhà sư nhưng lại nhập triều tham chính, chẳng những thế hoàng đế còn hy vọng ông là người có khả năng “khuông phò đất Việt”. Nên có thể nói, về hình thức ông là một tăng quan, nhưng thực tiễn thì các hoạt động chính trị của ông là một phức thể của Nho và Phật. Tác phẩm “Nguyên hỏa” của Khuông Việt Thiền Sư là một bài kệ hội dung ngôn ngữ của Phật - Nho. Bài kệ là một dấu hỏi lớn về vấn đề luân hồi, sinh lão bệnh tử, cũng như bản thể luận thế giới và con đường tu chứng ngộ đạo. Về mặt ngôn ngữ bài thơ là một sự cộng hưởng, đa trùng của ngôn ngữ Nho giáo và Phật giáo.

Vốn là một người Tòng Nho nhập Thích ông có thể nhìn cả Nho lẫn Phật từ nhiều góc nhìn của một chủ thể. Đối với ông không có sự phân biệt, câu chấp Nho hay Phật một cách rạch ròi, khô cứng mà trải nghiệm triết lý (Phật) và tiễn hành thực tế (Nho) là một thực thể sống động, hòa quyện trong tư duy cũng như trong đời sống xã hội của ông.

*Trần Thái Tông(1218-1277).

Tuy là một vị vua theo đạo Phật, nhưng trong tư tưởng của ông cũng có những biểu hiện của tư tưởng Tam giáo. Trong bài Tựasách “Thiền tông chỉ nam”, Trần Thái Tông không chỉ đề cao vai trò của Nho giáo và Phật giáo mà còn vạch rõ vị trí, vai trò cụ thể khác nhau của mỗi đạo trên. Ông viết: “đạo Phật không phân chia Nam Bắc đều có thể tu mà tìm; Tính người có trí ngu, cũng nhờ có giác ngộ mà thành đạt. Vì vậy, phương tiện dẫn dụ đám người mê muội, con đường tắt sáng tỏ lẽ sinh tử ấy là đại giáo của đức Phật. Đặt mực thước cho hậu thế, làm khuôn mẫu cho tương lai đấy là trách nhiệm của tiên thánh [1;101].

Để khuyến khích con người làm điều thiện trong bàiGiới sát sinh văn, vua còn nêu lên chỗ tương đồng của Tam giáo về mặt hành thiện: “Sách Nho dạy làm điều nhân đức, kinh Lão dạy thương yêu người và vật, Phật chủ trương hãy giữ gìn giới cấm sát sinh …” [6;555]

*Nguyễn Bỉnh Khiêm(1491 - 1585)

Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm 1491, đỗ Trạng Nguyên năm 1535 dưới triều Mạc và làm quan đến Tả thị lang bộ Lại, kiêm đông các đại học sĩ.

Là nhân vật chủ soái phát ngôn cho thuyết “Tam giáo đồng nguyên” thời Mạc. Năm 1578, ông có bài minh khắc vào bia đặt ở tượng Tam giáo chùa Cao Dương (Thái Bình), có đoạn viết: “Tôi là nhà Nho, tuy chưa được nghe thấu đáo về đạo Phật, Đạo giáo, song đọc rộng, suy ngẫm những điều nghi hoặc cũng nắm được chút ít về các đạo này. Đạo Phật gốc ở chỗ làm sáng sắc và tâm, phân biệt rõ ràng nhân và quả. Đạo giáo chú trọng vào khí để tới chỗ mềm dẻo, nắm cái lý duy nhất để giữ bản chất chân thực của mình. Đạo lý đức thánh Khổng gốc ở đạo đức, nhân nghĩa, văn hạnh, trung tín (tất cả) đều là giáo lý tuân theo tính tự nhiên con người mà tu dưỡng đạo đức cùng với vị Diệu Thiện (Quan thế âm Bồ Tát) do lòng thiện mà được nổi tiếng, há chẳng phải là không xuất phát từ tâm tính con người ?”[9;132]. Rõ ràng, theo Nguyễn Bỉnh Khiêm “tam giáo” đều có một điểm xuất phát chung: đó là tuân theo tính tự nhiên của con người mà tu dưỡng đạo đức.

Đồng thời, chính ông cũng đã làm sống lại tinh thần Tam giáo tịnh tồn dưới thời Lý - Trần. Ông đã làm mềm hóa đi rất nhiều học thuyết Nho gia so với hệ tư tưởng Nho giáo chính thống xơ cứng và độc tôn thời Lê Sơ.

* Lê Quý Đôn(1726 - 1784)

Lê Quý Đôn sinh năm 1726 (Thái Bình), là người thông minh học rộng, từ thi Hương đến thi Hội đều đỗ đầu. Trên bình diện tư tưởng Lê Quý Đôn là một Nho sĩ: “đã công khai thừa nhận việc kết hợp Nho với Phật và Đạo, Âm Dương Ngũ Hành…” [7;436].

Không những thế, ông còn bênh vực Phật, Đạo Lão cho rằng tách Phật, Đạo ra khỏi tư tưởng của con người thì chẳng khác gì lấy dao chém xuống nước, dao qua đi thì nước lại liền ngay. Ngoài ra thuyết địa lý, thuyết phong thủy cũng giữ một vị trí đáng kể trong tư tưởng của ông. Thành thử Lê Quý Đôn đã đặt Nho giáo ngang hàng với nhiều học thuyết khác, và như vậy là trên thực tế đã phủ nhận vai trò truyền thống của Nho.

Trong tác phẩmKiến văn tiểu lục, quyển IX:Thiền dật, Lê Quý Đôn đã bày tỏ lòng tôn kính Tam giáo bình đẳng và khuyến cáo một số nhà Nho thiển cận như sau: Đạo giáo của họ Phật, họ Lão thanh tĩnh hư vô, cao siêu tịch diệt, không hệ lụy đến sự vật, đấy cũng là đạo giáo của bậc cao minh dùng để tu dưỡng bản thân; đến những lời bàn luận sâu rộng về đạo đức, về hình thần, không điều gì là không có ý nghĩa mầu nhiệm. Nhà nho chúng ta, cứ giữ thành kiến kia khác, thường thường bác bẻ, như thế có nên không ?

Lê Quý Đôn nói Phật “không phải bảo người ta bỏ hết cương thường luân lý”, và tu của nhà Phật “vừa lợi người vừa lợi mình, tóm lại đều là một lòng nhân từ cả” (Kiến văn tiểu lục)

* Ngô Thì Sĩ(1726 - 1780)

Trên bình diện tư tưởng, trong điều kiện của lịch sử, tuy vẫn tự khép mình trong Nho giáo truyền thống nhưng trong thực tế, Ngô Thì Sĩ đang muốn vùng vẫy, thoát khỏi sự ràng buộc của cái luồng tư tưởng chật hẹp. Ông tự ngụy biện cho bản thân Nho giáo đã dung nạp, tích hợp hai dòng tư tưởng phi chính thống mang tính đối trọng là Phật giáo và Đạo giáo, tạo thành Tam giáo đồng nguyên. Ngô Thì Sĩ nói: “đạo Phật, đạo Lão cũng ở trong phạm vi của Khổng Phu Tử của ta, chớ không phải là riêng của Phật, Lão”[7;416].

Ông cho xây chùa Tam giáo trong động, cùng thờ tự ba vị giáo tổ đặt cạnh nhau và phân trần: “Phu tử (Khổng Tử) và Phật, Lão tuy tên là ba, nhưng thực đạo chỉ thống nhất là một. Ông tự nhận mình là khăn áo đạo sĩ, nét mặt nhà Nho (Nho dung Đạo phục) [6;128-129].

Năm 1760, nhân trùng tu chùa Tam giáo (làng Kim Bảng), Ngô Thì Sĩ làm bài văn bia nêu lên ý kiến của ông về Tam giáo như sau:

Đạo Phật chủ trương từ bi, Đạo gia thanh tịnh, Nho gia lấy thuyết nhân nghĩa, trung chính mở đường cương thường của Trời để dựng nên một trật tự cho người (...). Chỗ tịch diệt của Như lai, chỗ hư vô của Lão quân, chỗ không muốn nói của Phu tử đều là gom cái tâm mình về chỗ chánh mà thôi” [Con đường Tam giáo, Lê Anh Dũng].

Trên đây là một số nhân vật lịch sử tiêu biểu qua các thời kỳ thể hiện tư tưởng Tam giáo một cách rõ nét nhất. Ngoài ra còn có một số nhân vật khác như: Viên Chiếu, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Dữ… cũng có những tư tưởng về Nho, Phật, Đạo, nhưng không rõ nét.

2.2.3. Văn học

* Trong bộ phận văn học dân gian

Văn học dân gian (hay văn chương truyền khẩu) qua các loại hình cổ tích, dân ca, ca dao, tục ngữ... là những bằng chứng rõ ràng cho thấy dấu ấn Tam giáo (Nho, Phật, Đạo) trong văn hóa, đạo đức của dân tộc Việt. Các vị tiên, Phật luôn luôn có mặt trong các câu chuyện cổ tích để giáo dục con người tu nhân tích đức, làm lành lánh dữ. Sau đây là một số tác phẩm tiêu biểu như:

Truyện Phật bà chùa hương”: Truyện này thể hiện một tín ngưỡng tổng hợp của người Việt, ở đây đức tin Trời, đạo Phật, Nho, Lão không hề phân chia ranh giới, mà hòa điệu với tín ngưỡng của giới bình dân. Về mặt tư tưởng, truyện đã giải quyết mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội, bao gồm việctự độlà giải thoát thành Phật (tức phần cá nhân), và việcđộ tha(khía cạnh xã hội) là chữhiếuvới gia đình, chữtrungvới nước và chữnhânvới chúng sanh. Ngay từ khi vào truyện tác giả khuyết danh đã nhấn mạnh:

Chân như đạo Phật rất mâu,

Tâm trung chữ hiếu, niệm đầu chữ nhân

Định nghĩa hai chữ “Hiếu”, “Nhân”:

Hiếu là độ được đấng thân,

Nhân là độ được trầm luân mọi loài” [11].

Tư tưởng tích cực đó rất gần gũi với dân tộc Việt Nam.Nhân vật chính trong truyện là Chúa Ba, tu Phật, đắc quả, được gọi làBồ tát, làPhật Bà, sự kiện đó phản ảnh tâm lý bình đẳng tín ngưỡng có từ lâu đời, và đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt.

Một tác phẩm khuyết danh tác giả nữa làLâm tuyền kỳ ngộ(sự gặp gỡ lạ lùng giữa chốn suối rừng) với hai nhân vật chính là Bạch viên (con vượn cái lông trắng) và chàng Nho sĩ Tôn Các.

Lâm tuyền kỳ ngộmang đầy đủ dấu ấn của Nho, Phật, Đạo. Với Nho, đó là đạo phu thê, đạo cha con, đạo quân thần, phải nhập thế giúp đời. Với Phật, là giáo lý giải thoát khỏi nghiệp chướng thế gian (Bạch viên cởi lốt). Với Đạo là vai trò cầm luật Thiên tào của Thượng đế, là kiếp trích tiên ở chốn thế gian của Bạch viên, Tôn Các…

Ngoài ra còn có truyện Chử Đồng Tử mang những dấu ấn của Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo. Việc công chúa Tiên Dung gặp chàng trai Chử Đồng Tử và đã cùng chàng kết duyên vợ chồng là duyên Trời đã định. Sau đó Chử Đồng Tử gặp được Phật Quang, nhà sư bèn truyền Đạo cho. Sau một năm học được Đạo, Phật Quang cho chàng một chiếc gậy và một chiếc nón và nói: “Tất cả phép màu nằm trong tay chiếc gậy và chiếc nón này”. Chử Đồng Tử về nhà truyền Đạo cho vợ. Một hôm giữa chặng đường xa, họ cắm gậy, úp nón lên bổng canh ba một tòa lâu đài hiện lên. Được tin về phép lạ đó, vua cha cho phái quân đi tiểu dẹp. Chỉ sau một đêm toàn bộ lâu đài cùng vợ chồng Chử Đồng Tử bay về trời.

Các truyện kể dân gian khác như Thạch Sanh, Tấm Cám đều chứa đựng màu sắc của Đạo giáo nhưng đều mang một thông điệp của Phật giáo đó là ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác.

Tóm lại, kho tàng văn học dân gian Việt Nam, đã có những bằng chứng cho thấy nét văn hóa đạo đức truyền thống của người Việt, đó là lòng bình đẳng trước mọi tôn giáo, và khả năng tiếp thu, chuyển hóa Tam giáo cho hòa hợp với văn hóa bản địa.

*Trong bộ phận văn học viết

Có thể nói, tác phẩm “Lý hoặc luận” của Mâu Bác (được viết vào cuối thế kỷ II) là tác phẩm phản ánh mối quan hệ Tam giáo đầu tiên ở nước ta. Nội dung của tác phẩm Lý Hoặc Luận gồm 37 điều. Từ điều 1 đến điều 3 trình bày tổng quát về Phật giáo từ sư tích đức Phật (điều 1), đến Phật là gì (điều 2), đạo thế nào (điều 3), và 9 điều dành cho việc phê phán Đạo giáo, cộng với điều kết thúc cuối cùng, 25 điều còn lại dành cho việc xử lý những thắc mắc về quan hệ giữa Phật giáo và Nho giáo.

Chiếu dời đô (Thiên đô chiếu) của vua Lý Thái Tổ (1010) “thể hiện cùng một lúc tư tưởng của ba đạohay tôn giáo : Trên vâng mệnh Trời (Lão), dưới theo ý dân (Nho), nếu thấy thuận tiện thì thay đổi (Phật)”. Rõ ràng ông vừa nhìn nhận triết lý của đạo Lão xác định có Trời là đấng tối cao (khác với thiên mệnh của Nho học), vừa hành đạo theo Khổng Mạnh lấy dân làm gốc nên làm theo ý kiến của nhân dân (Dân vi quý). Ông lại khéo léo sử dụng giáo lý nhà Phật là phá chấp tức không câu nệ, chấp nhất mà linh hoạt trong hành động dời đô”. [10].

Chiếu còn xácđịnh tính phong thủy về vị trí, địa hình thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương ở vào nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đúng ngôi Nam, Bắc, Đông, Tây lại tiện hướng nhìn sông, tựa núi…

Như vậy, nhà vua đã thấm nhuần tư tưởng Tam giáo, vận dụng sáng tạo nhuần nhuyễn Nho giáo, Lão giáo và Phật giáo đồng quy, hợp nhất hay điều hòa trong Chiếu dời đô mà tác giả vốn là con nhà Phật.

Mối quan hệ Tam giáo còn có mặt trong tác phẩm “Cư trần lạc đạo phú” của vuaTrần Nhân Tông. Bài phú gồm mười hội chứa đựng nội dung tư tưởng Tam giáo, được bắt đầu từ sự khẳng định của tác giả cho rằng, sống giữa thành thị nhưng nắm được yếu chỉ của đạo thì muôn nghiệp sẽ lặng, thể tính sẽ được an nhàn và thanh tâm được tự tại.

Ngoài ra, các tác phẩm văn học trung đại như Truyện Kiều của NguyễnDu và Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu đều có 3 yếu tố: Nho, Phật, Lão.

2.2.4. Giáo dục - thi cử

Vào thời Lý - Trần, nhận thấy Nho giáo có thể đáp ứng được nhu cầu đào tạo đội ngũ quan lại, phục vụ cho việc trị nước cho nên các vua Lý - Trần đã đưa Nho giáo vào trong giáo dục - thi cử. Năm 1070, Lý Thánh Tông cho xây dựng nhà Văn Miếu ở kinh thành Thăng Long, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công, tứ phối 72 người hiền của đạo Nho. Năm 1076 vua Lý Nhân Tông lập ra Quốc Tử Giám, sách vở chủ yếu trong hệ thống đào tạo là Tứ thư, Ngũ kinh, Bắc sử, Nam sử và sách của Bách gia chư tử. Tuy nhiên, do ảnh hưởng đậm nét của Phật giáo và một phần của Đạo giáo, Nho giáo chưa có vị trí độc tôn như sau này. Các trường lớp còn dạy nhiều kiến thức về Phật giáo và Đạo giáo. Việc mở khoa thi Nho giáo đầu tiên đánh dấu mốc về việc nhà Lý chính thức tuyển người theo Nho giáo làm quan bên cạnh tầng lớp quan lại thiên về kiến thức Phật giáo trước đó. Trong kỳ thi thứ tư, thí sinh phải viết luận về chủ đề Y quốc thiên (thiên trị nước) và thiên tử truyện (truyện đế vương). Các khoa thi không hỏi riêng về kiến thức một lĩnh vực Nho giáo đơn thuần, mà hỏi cả về Phật giáo và Đạo giáo. Vì vậy, đòi hỏi người ứng thí các khoa thi phải thông hiểu kiến thức cả 3 đạo này mới có thể đỗ đạt.

Bên cạnh nền giáo dục khoa cử Nho học thì dưới thời kì Lý - Trần còn tổ chức các kỳ thi Tam giáo. Việc tổ chức thi Tam giáo (Phật, Nho, Đạo) chính thức được thực hiện năm 1195 dưới triều vua Lý Cao Tông. Thi cử bằng cả Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo phản ánh “Tam giáo tịnh hành” khá phổ biến vào thời Lý. Thời Trần Sau khi dành ngôi báu từ nhà Lý, nhà Trần đã mở khoa thi Tam giáo (năm 1227) để chọn người giỏi trong tam giáo (Nho, Phật, Đạo) ra làm quan giúp nước. Đến năm 1247 nhà Trần tiếp tục mở khoa thi Tam giáo. Có chia ra Giáp khoa và Ất khoa.

Có thể nói, nền giáo dục thi cử Lý - Trần mang tính chất tổng hợp tam giáo sâu sắc, đặc biệt là ở thời kì đầu. Kết quả là, về đội ngũ trí thức thời kì này có không ít các nhà sư vừa giỏi cả Nho học vừa tinh thông cả Dịch học của Nho, khoa địa lý phong thủy của Lão (thí dụ như Thiền sư Vạn Hạnh). Tóm lại, tầng lớp trí thức thờiĐinh, Lê, Lý, Trần tập trung chủ yếu là giới tu hành, vừa tăng, vừa đạo sĩ.

Các vua thời Lý - Trần cũng đã thực hiện nhiều chính sách dung hòa tôn giáo như: vừa cho dựng chùa, lập các đạo cung, đạo quán, xây đền miếu; vừa đặt giai phẩm cho tăng đạo, sắc phong cho các vị Nho thần; cho dựng văn miếu và Quốc Tử Giám mở khoa thi Nho học nhưng đồng thời mở cả khoa thi Tam giáo dành cho quan lại chuyên trách việc tôn giáo, tế lễ hoặc những người đứng đầu các đền miếu chùa chiền. Kết quả là đã góp phần thúc đẩy nền văn hóa và giáo dục phát triển.

Như vậy, mối quan hệ Nho - Phật - Đạo trong lĩnh vực giáo dục biểu hiện rõ nhất dưới thời Lý - Trần là việc tổ chức thi Tam giáo để tuyển những người thông hiểu cả ba tôn giáo Nho, Phật và Lão.

2.1.5. Một số lĩnh vực khác

ØQuan hệ với tín ngưỡng dân gian

Trước hết, trong quan niệm về Tam giáo của người Việt có sự kết hợp hài hòa giữa đức tin ở Trời và tín ngưỡng thờ. Họ cho rằng Trời là một đấng ở trên cao có thể nhìn thấy mọi việc ở dưới đất, trong bối cảnh xã hội nông nghiệp, lòng tin Trời gắn liền với sinh hoạt của con người. Trời và Phật trong quan niệm người Việt không có ranh giới phân biệt, khi hoạn nạn, Phật và Trời đều là nơi con người hướng vọng cầu xin sự tế độ từ bi.

Trong cách thờ phụng thì chùa ở Việt Nam không hẳn chỉ là nơi thờ Phật mà có chùa còn thờ cả Quan thánh Đế quân. Làng Kim Bảng (Vụ Bản, Nam Định) thờ cả Tam giáo Tổ sư (Thích ca, Khổng tử, Lão tử).

Trong thế kỷ XVII - XVIII, do những tác động của sự phát triển nền kinh tế hàng hóa đô thị, sự bất ổn về chính trị - xã hội, nhất là chốn kinh thành, Nho giáo đã dần biến thoái, đi vào suy thoái và khủng hoảng. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phục hưng và trỗi dậy của những trào lưu tư tưởng - tâm linh phi chính thống như Phật giáo, Đạo giáo và các tín ngưỡng dân gian cùng chung sống hòa bình với Nho giáo chính thống.

Tóm lại, trong quá trình dân gian hoá và phong tục hoá (dân tộc hoá) của tín ngưỡng dân gian người Việt đối với các dòng tư tưởng ngoại nhập Nho - Phật - Đạo, tam giáo đã có mối quan hệ gắn bó tương giao và dung hoà, nương tựa hay bổ sung cho nhau với tín ngưỡng dân gian bản địa, để cùng nhau tồn tại và phát triển. Có được điều đó là nhờ truyền thống khoan dung vốn của người Việt và đặc điểm đan xen, hòa đồng, khoan dung của tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam.

ØKiến trúc, điêu khắc, hội họa

Trong lĩnh vực kiến trúc, đặc biệt là các kiểu kiến trúc cung đình, kiến trúc tôn giáo... chúng ta thường thấy có sự kết hợp của Tam giáo. Khi xây dựng cung điện, lăng tẩm, chùa chiền… thì người cho xây dựng rất chú ý đến thuật phong thủy. Vị trí xây dựng phải đáp ứng được các yếu tố cơ bản như: tiền án, hậu chẩm, tả thanh long, hữu bạch hổ (ảnh hưởng của Đạo giáo). Ngoài ra các công trình kiến trúc này thường sử dụng hình ảnh con rồng, tứ linh để trang trí nhằm làm tăng tính oai nghiêm cho vương quyền (ảnh hưởng của Nho giáo). Đồng thời các công trình lớn thường được bố trí sao cho cân xứng, hài hòa toát lên vẻ thanh cao, thâm nghiêm của Phật giáo.

Trong điêu khắc, hội họa thì Tam giáo tổ sư là chủ đề để các nghệ nhân Việt thể hiện tài năng của mình. Trong quyểnTam giáo kinhlưu hành ở Việt Nam, một nghệ nhân nào đó đã khắc gỗ thành một bức tranh tài tình minh họa một tòa sen lớn, cùng ngồi chung trên đó là Đức Phật Thích ca (ở giữa), Đức Lão tử (bên trái), Đức Khổng tử (bên phải). Ba vị bằng nhau, ba vầng hào quang như nhau. Bên dưới là một bình hương nghi ngút. Khổng, Lão mà ngồi tòa sen, người Việt Nam nghĩ ra được hình tượng ấy mới là độc đáo.

ØTrong đời sống của người dân

Trong đời sống hằng ngày của người dân Việt thường có sự hòa hợp Tam giáo. Theo Trần Ngọc Thêm, cùng một người Việt Nam nhưng tùy từng thời điểm tuổi tác khác nhau mà ứng xử với tôn giáo khác nhau. Khi trẻ trung thì học Nho để ra giúp nước, khi sa cơ lỡ vận, gặp điều không may thì cầu trời khấn Phật phù hộ, khi ốm đau già yếu thì mời đạo sĩ đến trừ tà, trị bệnh hoặc luyện tập dưỡng khí an thần. Ngay trong một ngày mà có ba phong thái khác nhau trong một con người. Ngay ở thời Lê, thời kì Nho giáo giữ địa vị quốc giáo mà một ông vua như Lê Thánh Tông cũng chỉ bộc lộ chất Nho vào buổi sáng lúc thiết triều giải quyết công việc, còn buổi chiều thì đi thăm chùa với tâm linh của một Phật Tử, gặp một cô Tiên xinh đẹp tài hoa, vua bèn cùng nàng xướng họa thi văn, rồi cho dựng “Vọng Tiên Quán” nơi cô bay lên trời.

2.2. Một số nhận xét, đánh giá về mối quan hệ Nho - Phật - Đạo ở Việt Nam

2.2.1. Quan hệ giữa Nho - Phật - Đạo ở Việt Nam xuất phát chủ yếu từ tính hài hòa và dung hợp của văn hóa Việt.

Trong các yếu tố cấu thành văn hóa Việt Nam thì yếu tố khu vực đóng vai trò quan trọng. Yếu tố khu vực ở đây chính là văn hóa Đông Nam Á, văn hóa của cư dân nông nghiệp phương Nam với 3 thành tố: văn hóa đồng bằng, văn hóa núi và văn hóa biển, trong đó, nghề nông là chủ đạo kết hợp với săn bắn và thuần dưỡng thú rừng. Đó là nền văn hóa thiên về âm tính, trọng mẫu, bình đẳng, sống hài hòa với thiên nhiên. Đồng thời, đặc trưng của văn hóa nông nghiệp lúa nước là trọng tình nên có tính hiếu hòa, dễ dàng dung hợp các yếu tố văn hóa ngoại nhập có lợi cho họ. Người Việt nhận thấy những cái hay, cái tốt trong Nho giáo, cũng như Phật, Đạo giáo nên họ dễ dàng chấp nhận, và kết quả là dẫn đến có mối quan hệ giữa Nho, Phật, Đạo.

2.2.2. Quan hệ giữa Nho - Phật - Đạo ở Việt Nam là mối quan hệ vừa cạnh tranh, vừa dung hợp lẫn nhau

Vào khoảng đầu Công nguyên, ở Việt Nam, Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo đã được du nhập, hình thành cái thế “tam giáo”: Nho - Phật - Đạo. Trong suốt thời kì từ đầu Công nguyên cho đến thế kỷ XIX, mối quan hệ giữa ba dòng tư tưởng, tôn giáo này là hệ quả của quá trình vừa cạnh tranh, vừa tiếp nhận lẫn nhau.

Thứ nhất, xét ở khía cạnh các tư tưởng, tôn giáo này cạnh tranh với nhau. Khi mới được truyền bá vào các hệ tư tưởng đều cố gắng tìm cho mình một chỗ đứng trong quần chúng nhân dân. Nhưng cùng một khoảng thời gian có tới ba tư tưởng, tôn giáo lớn, chính vì thế để khẳng định được mình thì không bao lâu giữa các đạo đã xảy ra sự đấu tranh. Bên nào cũng muốn khẳng định vai trò của mình. Nho giáo yêu cầu Phật giáo phải làm rõ vai trò để có lý do tồn tại. Phật giáo cũng thấy phải làm rõ bản thân mình để phá thế độc quyền của Nho giáo. Các cuộc tranh luận vì thế đã nổ ra rất gay gắt, cả Nho giáo và Phật giáo đều ra sức chứng minh sự cần thiết của mình trong xã hội trong các thế kỷ đầu thời kỳ Bắc thuộc.

Tuy nhiên, sự cạnh tranh, phê phán đó không nhằm để loại bỏ lẫn nhau, mà chỉ nhằm hạn chế vai trò của các tôn giáo kia và các hậu quả xã hội xấu mà tôn giáo kia đã gây ra. Đồng thời sự cạnh tranh đó cũng nhằm mục đích khẳng định bản thân, khẳng định vai trò, vị trí, sự cần thiết của tôn giáo đó trong xã hội. Mặt khác, nhìn vào lịch sử tư tưởng nước ta, ta thấy có nhiều thời kỳ một học thuyết tư tưởng - tôn giáo giữ vai trò chủ đạo trong xã hội như Phật giáo ở thế kỷ X - XIV, Nho giáo ở thế kỷ XV - XIX, nhưng chưa bao giờ chỉ có một học thuyết tư tưởng hoặc tôn giáo nào chi phối toàn bộ đời sống tinh thần xã hội. Thông thường, dưới ảnh hưởng của một học thuyết mang tính chủ đạo, vẫn tồn tại song hành các học thuyết tư tưởng và tôn giáo khác cũng tác động vào những lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội.

Thứ hai, xét ở khía cạnh dung hợp lẫn nhau giữa ba dòng tư tưởng, tôn giáo Nho, Phật, Đạo ở nước ta. Trên nền tảng tín ngưỡng dân gian bản địa và tinh thần khoan dung, hòa đồng tôn giáo của người Việt, các dòng tư tưởng, tôn giáo này khi vào nước ta đã có nhiều biến đổi để thích ứng với thực tiễn xã hội và đời sống tư tưởng của dân tộc ta. Đồng thời, tồn tại bên cạnh nhau, trong cùng một không gian văn hóa, một cơ sở kinh tế - xã hội của người Việt, hiện tượng các dòng tư tưởng, tôn giáo dung hợp lẫn nhau là một hiện tượng hợp quy luật. Chúng không chỉ ảnh hưởng lẫn nhau mà hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau.

Có thể nói, mặc dù xét về nội dung tư tưởng, vị trí và phạm vi ảnh hưởng của Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo là khác nhau nhưng ở một số thời kỳ lịch sử, cả ba dòng tư tưởng, tôn giáo này đều có thể đáp ứng được nhu cầu cai trị, quản lý xã hội của giai cấp thống trị. Mặt khác, không có một học thuyết tôn giáo nào có thể thỏa mãn tất cả yêu cầu của xã hội. Mỗi học thuyết chỉ có thể đáp ứng được một mặt nào đó, một khía cạnh nào đó trong những ước vọng, những yêu cầu của con người. Thời Lý -Trần, mặc dù sùng Phật giáo nhưng các vua của hai triều đại này đã bắt đầu trọng dụng và tạo điều kiện cho Nho giáo có chỗ đứng trong xã hội. Song, “Nho chỉ nói tới chính trị, đạo đức mà không nói tới các vấn đề sống chết, họa phúc, không nói tới thế giới tâm linh, không nói tới sự thanh thản của con người trong cuộc sống nghẹt thở của xã hội phong kiến và do đó, Nho cần được Phật giáo và Lão giáo bổ sung” [8;317] bởi vì “việc hiểu Phật, Lão là rất cần trong việc trị nước. Để cai trị phải nắm lịch sử là điều Nho giáo cung cấp nhưng lại còn phải am hiểu nhu cầu tâm linh của nhân dân, mà điều này không có trong Nho giáo, lại biểu hiện rất rõ trong Phật giáo, Đạo giáo” [5;327].

Trong đường lối trị nước và cả trong đời sống tinh thần của nhân dân, Nho, Phật, Đạo có những lợi thế khác nhau nhưng không mâu thuẫn đối chọi nhau mà bổ sung, hỗ trợ cho nhau: “Nho giáo lo tổ chức xã hội sao cho quy củ nề nếp; Đạo giáo lo thể xác con người sao cho thư thái, mạnh khỏe; Phật giáo lo cứu khổ tâm linh, lo cho kiếp sau của con người ” [6;555]. Trong giai đoạn lịch sử tiếp theo thì các hệ tư tưởng đó do hoàn cảnh, nhu cầu của xã hội việt Nam đã khiến cho Nho, Phật, Đạo ngày càng “hỗn dung” với nhau. Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo đã bổ sung cho nhau, kết hợp với nhau, tiếp nhận lẫn nhau cùng tồn tại để rồi tạo nên mối quan hệ“tam giáo”.

2.2.3. Hiện tượng tư tưởng “Tam giáo đồng nguyên” ở Việt Nam là hệ quả của quá trình hội nhập Nho - Phật - Đạo

Tư tưởng “Tam giáo đồng nguyên” (Tam giáo Phật - Đạo - Nho có cùng nguồn gốc) xuất hiện ở Trung Quốc từ thời Ngụy - Tấn - Nam Bắc triều do Cát Hồng (284 - 364) đề xướng. Về quan niệm thế nào là “Tam giáo đồng nguyên”, hiện nay, đã có rất nhiều ý kiến của các học giả và được nhìn từ nhiều góc độ khác nhau.

Từ góc độ của một nhà nghiên cứu tôn giáo, Lê Anh Dũng cho rằng “Tam giáo đồng nguyên” cũng tức là “Tam giáo nhất nguyên” (cùng một nguồn phát sinh), “Tam giáo đồng tông” (cùng một ông tổ sinh ra), “Tam giáo nhất gia” (cùng một nhà), “Tam giáo đồng quy” (cùng đi về một đích).

Từ góc độ của một nhà nghiên cứu triết học, Trần Nghĩa cùng đồng ý kiến khi cho rằng “Tam giáo đồng nguyên” còn gọi là “Tam giáo nhất nguyên”, “Tam giáo hợp lưu”, “Tam giáo đồng quy”, “Tam giáo nhất trí”, “Tam giáo nhất thể”… Song, tác giả cũng đưa ra cơ sở để phân biệt từng thuật ngữ: “Tam giáo đồng nguyên” hay “Tam giáo nhất nguyên” là nói về điểm xuất phát của Nho, Phật, Đạo: chúng được coi như từ một cội nguồn mà ra. “Tam giáo hợp lưu” hay “Tam giáo đồng quy” là nói về nơi gặp gỡ, chỗ hội tụ của Nho, Phật, Đạo: chúng được coi như cùng trở về một mối. “Tam giáo nhất trí” hay “Tam giáo nhất thể” là nói về bản chất của Nho, Phật, Đạo: chúng được coi là đồng nhất với nhau, không phân biệt, không mâu thuẫn, không xung đột với nhau [4;207].

Trần Nghĩa cho rằng: Ở Việt Nam, quá trình hội nhập Nho - Phật - Đạo đã diễn ra từ thời Bắc thuộc (111 TCN - 939) và kéo dài trong suốt thời kỳ vương quốc độc lập tự chủ (939 - 1885), theo một tiến trình gồm ba bước: “Tam giáo đỉnh lập” (từ đầu Công nguyên kéo dài đến thế kỷ XIV), Tam giáo dung hợp” (từ thế kỷ X đến thế kỷ XV), Tam giáo đồng nguyên” (từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX). Và theo ông, “Tam giáo đồng nguyên” có thể xem là hệ quả của quá trình vừa cạnh tranh vừa tiếp nhận lẫn nhau để cuối cùng đi đến hội nhập trong đa dạng về phương diện tư tưởng [4;203].

Nguyễn Hoài Văn thì cho rằng: Hiện tượng “Tam giáo đồng nguyên” đã xuất hiện hai lần. Lần thứ nhất là vào thời kỳ Lý - Trần: “Lấy cơ sở của dòng tôn giáo chủ lưu là đạo Phật, được nhà nước chính thức đứng ra bảo trợ như một quốc giáo. Bên cạnh đó, Đạo giáo cũng có điều kiện phát triển, bám rễ sâu trong quần chúng bình dân. Đạo Nho đang ở thế đi lên, như một nền giáo dục và văn hóa chính trị để xây dựng một thể chế quân tập quyền, nhưng chưa phải là một hệ tư tưởng chính thống”. Lần thứ hai xuất hiện vào giai đoạn từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX và bắt đầu từ thời nhà Mạc với đặc điểm: “Nho giáo vẫn được duy trì như một hệ tư tưởng chính thống nhà nước còn Phật giáo và Đạo giáo đã nhân cơ hội nhà Lê Sơ sụp đổ trỗi dậy như những luồng tư tưởng chính thống. Nho giáo ngày càng pha màu sắc của Phật giáo và Đạo giáo” [9;130-131].

Qua quá trình nghiên cứu, chúng tôi nhận thức rằng: Hội nhập “tam giáo” chỉ khuynh hướng của vận động, sự điều chỉnh tư tưởng Nho, Phật, Đạo diễn ra ở một thời điểm cụ thể, có chủ thể và mục đích xác định. Quá trình hội nhập ấy đã dẫn đến sự hình thành hiện tượng tư tưởng “Tam giáo đồng nguyên”. Ở đây “tam giáo” chỉ Nho, Phật, Đạo, “đồng” có nghĩa là cùng; “nguyên” nghĩa là gốc, đầu tiên, điểm xuất phát. Như vậy, “Tam giáo đồng nguyên” nghĩa là ba tôn giáo do cùng một gốc mà ra, cùng điểm xuất phát.

Ngay từ đầu Công nguyên, Nho - Phật - Đạo đã du nhập vào nước ta và hình thành thế chân vạc. Mối quan hệ giữa chúng thường là phân lập, hoặc có chỉ trích nhau, phê phán nhau nhằm mục đích khẳng định bản thân của mỗi tư tưởng, tôn giáo. Thời kỳ Lý - Trần, “tam giáo” Nho, Phật, Đạo xâm nhập vào nhau, bổ trợ cho nhau, chung sống cùng nhau, theo chúng tôi có thể gọi là giai đoạn “Tam giáo tịnh hành”. “Tịnh hành” theo cách hiểu này nghĩa là ba dòng tư tưởng Nho, Phật, Đạo cùng chấp nhận và vận hành mà không bài trừ lẫn nhau Ở giai đoạn này, Nho, Phật, Đạo trước yêu cầu của đất nước thời kỳ độc lập, tự chủ đã bắt đầu có cách nhìn nhận khác nhau về vị trí, vai trò của mỗi đạo trong xã hội. Các triều vua thời Lý - Trần đã tạo điều kiện cho Nho, Phật, Đạo xích lại gần nhau. Về giai đoạn “Tam giáo đồng nguyên”, chúng tôi tán thành quan điểm cho rằng nó tồn tại từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, rõ nét nhất là ở thế kỷ XVII - XVIII.

Mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau nhưng điều quan trọng là, trong suốt tiến trình lịch sử tồn tại trên đất Việt, “tam giáo” đã cố gắng để xích lại gần nhau. Nho, Phật, Đạo từ chỗ quay lưng lại với nhau, cuối cùng đã kết thành một mạng lưới tạo nên sức mạnh vì mục đích nhân văn, vì cuộc sống con người.

2.2.4. “Tam giáo” đã trở thành bộ phận cấu thành quan trọng trong tư tưởng Việt Nam

Lịch sử Việt Nam đã trải qua mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, đồng hành với cùng với quá trình lịch sử, tư tưởng của dân tộc ta cũng vận động không ngừng. Mỗi thời kỳ qua đi, nền tảng tư tưởng ấy lại càng phong phú và sâu sắc hơn. Nhân dân ta đã tạo lập được một nền văn hóa tinh thần đậm đà bản sắc dân tộc và hệ Tam giáo là một trong những thành tố quan trọng đóng góp cho sự phong phú đa dạng của văn hóa dân tộc Việt Nam. Bản thân Nho - Phật - Đạo, với tư cách là những dòng tư tưởng tôn giáo ngoại nhập, khi được truyền bá vào Việt Nam đã được “Việt hóa” sâu sắc. Hay nói cách khác, chính sự khoan dung của nền văn hóa bản địa, của tín ngưỡng đa thần, đã biến đổi và thâu nạp Tam giáo vào hệ tư tưởng bản địa. Trong suốt chiều dài lịch sử qua quá trình chọn lọc, gạn đục khơi trong của người Việt dần dần Tam giáo đã trở thành bộ phận cấu thành quan trọng tư tưởng của Việt Nam.

Xét hệ tư tưởng Nho - Phật - Đạo, ta thấy tư tưởng của mỗi đạo có những mặt ưu điểm, tích cực nhất định. Đó là, Phật Giáo với tư tưởng bình đẳng, bác ái, từ bi, hỷ xả, với chủ trương cứu khổ cứu nạn… thấm đậm tinh thần nhân bản, Đạo Giáo với phương châm vô vi, tiêu dao thoát ly với hiện thực, ít nhiều phù hợp với tâm lý, tình cảm, phong tục tập quán, tín ngưỡng bản địa (thờ thần và thờ cúng tổ tiên) của người Việt nên đã được đông đảo người Việt tiếp nhận. Còn Nho giáo với tư tưởng đức trị đã có vai trò nhất định trong việc tổ chức và định hướng hoạt động của bộ máy nhà nước Việt Nam.

Nho - Phật - Đạo được du nhập sớm, tồn tại lâu dài ở Việt Nam lại là công cụ tư tưởng của giai cấp phong kiến người Việt, Nho - Phật - Đạo không thể không ảnh hưởng lớn đến lịch sử tư tưởng Việt Nam, do đó đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong tư tưởng dân tộc.

Ảnh hưởng quan trọng hơn là ảnh hưởng về mặt thế giới quan và nhân sinh quan. Nhiều quan niệm về thế giới, về xã hội, về con người của tư tưởng Việt Nam bắt nguồn từ Nho, Phật, Đạo. Điều này về tính chất phổ biến không những đúng với các nhà tư tưởng tiêu cực mà còn đúng với cả các nhà tư tưởng tích cực, không những đúng với tư tưởng của giai cấp phong kiến lúc đi xuống mà còn đúng với cả tư tưởng của nó lúc đi lên. Không những thế, trên một mức độ nhất định, tư tưởng của Nho - Phật - Đạo còn ảnh hưởng tới dòng tư tưởng trong dân gian, giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân.

Trong đời sống xã hội và sinh hoạt tinh thần thì Nho - Phật - Đạo đã có một sức sống hết sức bền bỉ, ăn sâu bám rễ trong nhân dân, ảnh hưởng đến ăn ở, tư duy cộng đồng người Việt, hòa điệu với tập tục, bản sắc riêng của văn hóa bản địa Việt Nam, Các thế hệ người Việt đã tiếp nhận “Tam giáo” thiên về khía cạnh đạo đức của nó, vận dụng vào cuộc sống, tức là hành đạo, sống đạo. Những giá trị đạo đức của các dòng tư tưởng tôn giáo đó kết hợp với những giá trị đạo đức truyền thống của người Việt cổ, được bản địa hóa, nâng giá trị đạo đức Việt Nam lên tầm cao mới, từ thế kỷ đầu Công nguyên đến thế kỷ XIX đã được chắt lọc, trở thành những chuẩn mực, quy phạm đạo đức của dân tộc Việt Nam. Đồng thời những mặt tích cực của Nho, Phật, Đạo với những quy phạm luân lý đạo đức, những chuẩn mực góp phần điều chỉnh những hành vi của con người cho tốt đẹp hơn.

Lĩnh vực triết học, lĩnh vực thế giới quan cho thấy dấu ấn của Nho, Phật, Đạo rất sâu sắc. Ở đó có các quan niệm: Nhân sinh hữu mệnh, âm dương biến hóa sinh ra trời đất, vạn vật phát triển tuần hoàn… vốn là của Nho; có các quan niệm: có sinh thì có diệt, đời người ngắn ngủi… vốn là của Đạo; có các quan niệm luân hồi nhân quả, đời là bể khổ… vốn là của Phật. Song những nhận thức có tính quy luật của người Việt Nam về dân tộc và về một dân tộc độc lập, về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên vùng nhiệt đới, giữa con người với làng xã có tính chất công xã… thì về đại thể không có hình ảnh của Nho, Phật, Đạo. Những yếu tố đó là sản phẩm của con người Việt Nam.

2.2.5. Tư tưởng của Nho - Phật - Đạo là tiền đề cho sự hình thành đạo Cao Đài ở Việt Nam

Đạo Cao Đài là tên gọi tắt của một tôn giáo bản địa ở Việt Nam, có tên đầy đủ là “Đại đạo Tam kỳ Phổ độ ”. Cao Đài là một tôn giáo có tính dung hợp và được chính thức thành lập ở Việt Nam vào năm 1926. Tư tưởng của Nho, Phật, Đạo chính là cơ sở, nền tảng cho sự ra đời của đạo Cao Đài. Hay nói cách khác đạo Cao Đài ra đời trên cơ sở tổng hợp, vay mượngiáo lý có sẵn trong Nho giáo, Phật giáo, Lão và và cả Thiên Chúa giáo. Có thể thấy, tư tưởng “Tam giáo đồng tôn” Phật, Nho, Lão được xem như là trung tâm của giáo lý đạo Cao Đài, điều này được thể hiện cụ thể như sau:

Về giáo lý và điều luật của đạo Cao Đài gồm có: Đại thừa Chân giáo; Ngọc đế Chân truyền; Pháp Chánh truyền; Thánh ngôn hợp tuyển. Trong đó, đạo Cao Đài nêu ra từ khi có loài người đến nay thượng đế đã hai lần cứu rỗi phổ độ chúng sinh. Lần thứ nhất gọi là “Nhất kì phổ độ”, gồm có: Thái Thượng đạo tổ, tiền thân của Lão; Phục Hi - tiền thân của Nho; Nhiên Đăng Nhật - tiền thần của Phật. Lần thứ hai gọi là “ Nhị kỳ phổ độ” chúng sinh, tính là “Hội sửu trùng nguyên”, gồm có Thích Ca Mâu Ni, lập ra đạo Phật, Thái Thượng Lão quân lập ra đạo giáo; Khổng Tử lập ra đạo Nho. Đạo Cao Đài không chỉ dung hợp Tam giáo, mà còn hướng tới sự dung hợp hết thảy “vạn giáo” bằng tôn chỉ “Vạn giáo nhất lí” và “Thiên nhân hợp nhất” .

Đạo Cao Đài cho rằng họ là một “đại đạo”, dựa trên cơ sở “Quy nguyên tam giáo” (tức là hợp nhất ba tôn giáo lớn ở phương Đông: Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo) với sự từ bi bác ái của đạo Phật, công bằng nhân nghĩa của Nho giáo, phù phép thần tiên của Đạo giáo.

Còn về luật lệ của đạo Cao Đài có nhiều nội dung chịu ảnh hưởng của Tam giáo đó là: Về đạo đức đối với tín đồ có “Tứ đại điều quy” (bốn điều trao dồi đức hạnh) được rút ra từ Nho giáo (đó là Ôn, Cung, Khiêm, Nhường); Về “ngũ giới cấm” đối với tín đồ được rút ra từ Ngũ giới của đạo Phật;

Về đạo đức lấy “Tứ hải giai huynh đệ” của Khổng Tử, Cao Đài khuyên mọi người phải thương yêu nhau, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội. Lấy tư tưởng “vô vi” của Lão Tử, đạo Cao Đài khuyên mọi người từ bỏ ham muốn, nhục vọng. Ngoài ra còn lấy tư tưởng “luân hồi nghiệp báo” của đạo Phật.

Vềlễ phục cũng bao gồm ba ngành đó la ngành Thái thuộc Phật màu vàng, ngành Thượng thuộc Lão màu xanh, ngành Ngọc thuộc Nho màu đỏ.

Về lễ nghi thờ cúng của đạo Cao Đài cũng phản ánh tinh thần tổng hợp Tam giáo, đó là: Lễ phẩm có năm cây hương tượng trung cho tiến trình của người theo đạo Phật và tượng trưng cho Ngũ hành; đồ dâng cúng gồm rượu, trà, hoa, tượng trưng cho Tam bảo (tinh, khí, thần), và nền tảng của sự sống theo quan niệm của đạo Lão; tín đồ dâng lễ đi theo hình chữ “Tâm” là di tích của đạo Nho.

Như vậy, trên con đường tồn tại và phát triển của mình, Nho - Phật - Đạo với ba con đường đã hội nhập với nhau để tạo thành một con đường lớn (Đại đạo) và “tam giáo” chính là tiền đề tư tưởng của đạo Cao Đài.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro