thời chiến | thư gởi em.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Thằng Cường, mang đội vào xơi cơm cùng anh em."

Trên đầu thì nghe tiếng vi vút của bom đạn ngay từ đầu mặt trận ở quốc lộ B, ở dưới cợt nhả những tiếng đàm tiếu của anh em về lũ địch trên không. Nhưng cái giọng của bác trai nào đó cất lên, mà lại có phần chất phác, lấn át đi cái thanh âm đinh tai từ xa, nghe như êm lòng hơn, nghe như không sầu não hơn. Cái chất giọng nghe như bắc bắc lai nam, như không nam bắc phân kỳ. Như người cha của những lũ trẻ khi ông nghiêm ngặt kêu gọi về nhà ăn cơm khi nó mải mê chạy trốn đi chơi.

"Thôi, cháu chưa đói đâu ạ. Các bác các anh cứ xơi trước, lát cháu ăn sau."

Cường ngồi trên cái võng cũ đung đưa, ló cái đầu vàng lởm bị nắng cháy hết cả tóc, đưa mắt ngó vào cái mái lều nơi những người anh em, người đồng hương, người đồng chí vây quanh mâm cơm đạm bạc. Nói đạm bạc thật ra chỉ là cơm độn củ sắn củ khoai; mà nói "cơm" thì là nói sang, thật ra chỉ chừng ba bát là dành phần cho đứa nhỏ nhất cỡ chừng mười tám mới gia nhập chiến đấu, còn lại các bác các anh ăn bo bo khô khan quấn cuống họng mà sống qua ngày. Mà trên mâm có trứng, có rau là đã sang lắm rồi. Người dân - những người nơi hậu phương, hay thay nhau lẻn vào ra cấp lương thực cho các anh vào mỗi tháng, tháng thì bội thu ăn no cả bữa, tháng thì thất thu ngày đói ngày ăn.

Quảng Trị vào mùa mưa là sống như ếch, ví như cái loài lưỡng cư. Nơi đó ẩm ướt và xuất hiện dịch chấy rận. Chấy là khi ăn cơm, nó bò lổm ngổm khắp quần áo quân phục, không ai để ý nữa vì nhiều quá. Cạo trọc đầu, nhưng tóc lên 1 phân là lại đầy trứng chấy, hầm nào cũng như hầm nào. Thế nhưng 6 tháng sau nó tự biến mất như lúc nó tự đến.

Năm đó có cả hàng nghìn người chiến sĩ ở tuổi đôi mươi, họ gác lại việc đèn sách và quyết định lên đường vì tiếng gọi của tổ quốc, sống trong hoàn cảnh khốn khó nơi ẩm mốc như vậy, ấy thế mà họ không chê. Anh Cường nhìn vào cái lều, những người là người, từ phương xa phương gần, ở khoa văn ở khoa toán. Nhìn họ, anh cũng nhớ năm mình mười tám, anh đi, rời xa mái nhà cũng bốn năm, nhưng vẫn chưa trở về vì ở mặt trận vẫn còn khốn đốn, vẫn hoài gian nan.

Mà hình như trên tay anh đang viết cái gì đó.

"Đấy, cháu bảo mà, thằng Cường lo bận viết thư tình về cho vợ yêu bé bỏng của nó. Ngày nào chả thế."

Nghe trong lều dồn đến một trận cười to rôm rã, anh Cường ở ngoài cũng lắc đầu cười khổ, mấy người anh em trong tiểu đội này hở một chút lại trêu. Mọi người đang vui vẻ, đoạn, lại có giọng của ai đó chắc chạc cỡ tuổi Cường, nói lên làm ai cũng ái ngại.

"Cơ mà bây giờ liên lạc cũng thưa ít dần, sợ chưa đến tay anh em mình đưa để gởi thư về nhà."

Giọng của bác Tường - là người mà lúc nãy đã gọi anh Cường vào xơi cơm, cũng từ tốn cất lên mà trấn an cả tiểu đội.

"Nào. Chắc cũng đã ở đơn vị B rồi ấy chứ, mấy ngày tới lại đến đơn vị ta thôi."

"Vâng, cháu cũng mong thế. Không biết vợ con ở nhà đã thế nào."

Sau đó cả túp lều rơi vào khoảng yên lặng. Anh Cường ngồi ở ngoài cũng cụp mi mắt suy nghĩ thật lâu, anh thương má, thương em. Lo lắng sợ người ở nơi hậu phương lo lắng ngược lại cho anh. Thầy anh Cường đã mất trong chiến tranh, và anh sợ anh lặp lại điều đó. Nên ngày anh đi, đôi mắt em lưng tròng ngấn quanh mi mắt, nó là thứ làm cái lòng của anh đau như cắt quặn từng cơn, nó khiến anh ám ảnh khi nhớ về.

Mọi người trong đơn vị hay trêu thương anh cường và vợ, vì họ biết vợ anh là con trai, nhưng họ không miệt thị. Mà thời bấy giờ ai lại chấp nhận thứ tình cảm đồng giới, thế nhưng anh cường và phi, đã dũng cảm đến nhường nào, đạp đổ cái xã hội đầy định kiến mà ngoan cường đứng lên vẫn tiếp tục thương nhau.

Cái sự kiên trì bền bỉ ở cường làm Phi thương, cái sự dịu dàng mà kiên định ở Phi làm Cường yêu nhớ khôn xiết.

"Kể chi chuyện trước với ngày sau
Quên gió môi son với áo màu;
Thây kệ thiên đường và địa ngục!
Không hề mặc cả, họ yêu nhau."(*)

Anh Cường đi thấm thoát cũng đã bốn năm, không ngày nào mà Cường không viết thư về Phi và về má. Phi thương Tổ quốc lắm, thương từng đoạn ruột đoạn gan, nhưng Phi không thể bước chân vào chiến tranh, vì mắt em bị kéo mây. Một bên mắt em trong trẻo sáng như vì tinh tú, một bên mắt còn lại của em lại mờ đục như sương bao phủ. Nhưng anh Cường thương em lắm, tối nào cũng hôn lên cái mắt bị kéo mây.

--*--

Liên lạc bị cẩn trọng nên không còn ồ ạt ra vào như ba năm trước. Một năm trở lại đây, liên lạc thưa dần, lâu lắm mới có người vào báo tin, sẵn tiện đưa thư gởi về nhà cho từng người. Họ nói, vì là con cháu của cụ Hồ cả mà, nên họ coi nhau như người thân.

Anh suy nghĩ miên man, nhưng tay anh vẫn nghí ngoáy ghi thư để gởi về cho má và em. Vừa ghi, cái miệng anh vừa cong lên một nụ cười rất rõ,

anh nhớ về ngày đầu ta thương nhau.

--*--

Trước năm mười tám tuổi, anh Cường là người giao báo, chạy trên con xe đạp cộc cạch cũ kỹ giao báo cho từng nhà trong cái ngõ làng xóm eo hẹp, nhưng cái lòng của anh Cường vui, cái lòng của anh Cường hạnh phúc đến biết bao.

"Báo đây, báo đây ạ!"

Mà thứ khiến anh Cường rất say mê làm cái nghề giao báo này suốt năm năm là có một cậu em trai nhà trong ngõ, con nhà giáo, thầy em là thầy đồ, em hay ngồi trước thềm vá áo cho thầy và mẹ. Mỗi lần chạy ngang, anh Cường lại đánh mắt nhìn sang, mà cũng không hiểu vì sao người trong nhà rõ ràng khi nhìn từ đằng xa đang rất chuyên tâm may vá, ấy thế mà khi Cường chạy cách đó vài mét hô "báo đây", lại thấy em nhìn ra cửa từ bao giờ.

Hai ánh mắt chạm nhau, tiếng đập của cả hai trái tim đều thổn thức.

Ngày nào cũng vậy, một người giao báo, một người đợi báo.

--*--

Lần đó em Phi nhổ tóc sâu cho má, ngồi trước thềm cặm cụi nhổ tóc sâu, mà ánh mắt vẫn đều đặn nhìn ra phía cửa như đợi điều gì đó. Em đợi chưa bao lâu, từ xa đã cất lên giọng nói quen thuộc vào mỗi ngày. Cái chất giọng đặc quánh rõ tiếng miền nam, cái chất giọng trầm trầm êm êm nghe như muốn nghe nhiều hơn. Phi ngước mắt nhìn anh Cường hô to dõng dạc "Báo đây", em cười ngại ngùng, em biết anh Cường cũng cười,

chỉ có má là không biết.

Anh Cường đạp chiếc xe gần qua nhà em, vừa hô "Báo đây", cái tay vừa mò mẫm trong túi đeo chéo, lấy ra một cái chai rỗng giơ lên cao vẫy đến vẫy lui cười đắc ý, mà trông cái khuôn miệng của anh Cường cũng đẹp trai lắm.

Em Phi hơi sững sốt, một trận ngại ngùng dâng lên trong em. Em vội xin má chạy xuống nhà sau, anh Cường vẫn đứng đó, đối diện nhà em đưa báo cho bác Tư. Em làm gì đó dưới bếp, rồi xộc xạch nhanh chân chạy lên nhà trước, ngồi xuống cái thềm rồi tiếp tục nhổ tóc sâu cho má.

Đến khi anh Cường băng qua, đứng trước cửa nhà em, lần nữa hô "Báo đây" đầy nhẹ nhàng tình tứ. Em lần nữa vội xin má ra lấy báo. Khi anh Cường chìa tay đưa tờ báo cho em, em ngại ngùng đỏ mặt nhận lấy, sau đó nhanh nhanh hấp tấp dúi vào tay anh Cường một trái chanh. Rồi cong mắt cười thẹn thùng ngước lên nhìn anh, khẽ cắn môi ấp úng, anh Cường cười tươi đến tít mắt nhìn em, rồi em mới quay người bỏ chạy vào trong, ngồi trên thềm lại nhổ tóc sâu cho má.

Đến đây, bạn vẫn chưa hiểu vì sao Phi ngại khi anh Cường giơ chai rỗng lên đưa em xem thì tôi nói, là họ đang tỏ tình ý tứ với nhau trước mắt má, thế mà má vẫn không hay.

Anh Cường giơ "chai" rỗng lên có nghĩa là "chờ ai".
Em Phi ngượng ngùng, sau đó chạy xuống bếp lấy trái "chanh" đưa Cường, có nghĩa là "chờ anh".

--*--

"Em Phi siêng đọc báo quá đa!" - Anh Cường vừa cười vừa trêu em, lần nào em ra lấy báo, anh Cường cũng cách cái hàng rào nhà chồm người đến đưa em bằng cả hai tay. Vừa đưa là anh Cường lại có một câu trêu em.

Em cười ngượng ngùng gật đầu nhỏ nhẹ - "Đọc để biết, để cho người ta biết là cháu cụ Hồ."

Anh Cường cười rạng rỡ, anh Cường vui vì em nói ra điều mà anh Cường nghĩ, cứ như thế mà anh thương em, thương em vào lần giao báo đầu tiên.

"Năm sau anh Cường đi, anh Cường thích thư pháp, không biết có ai ra tiễn để đưa thư pháp không đa?"

"Thầy có dạy em viết thư pháp, chỉ sợ anh Cường chê." - Em nói, cái giọng nhẹ nhàng mà thấm cái nét thẹn thùng, em e lệ thướt tha giữa hoàng hôn hửng đỏ như màu vệt má của em. Gió thổi làm tóc em bay, mái tóc mềm mại như bông trổ ngoài đồng ở cửa làng, anh Cường không kềm lòng được, vuốt lấy vài cái yêu thương.

"Anh Cường không chê, chỉ sợ em Phi không dạy anh cường viết thư pháp."

"Em dạy anh Cường viết thư pháp, chỉ sợ anh Cường đi về, lại không cần nhờ em dạy viết thư pháp nữa." - Ý em Phi nói, có nghĩa là sợ anh Cường đi lính trở về, lại mang thêm cô gái nào đó suốt ba năm ở đơn vị về nhà ra mắt má để làm vợ, quên đi em Phi ở nhà luôn ngóng trông.

Ôi chao, thương quá làm sao...

"Anh Cường không chê, cũng không có không cần em Phi..."

--*--

"Ngày mai anh đi, em ở nhà nhớ chăm sức khoẻ cho bản thân và cho má."

Anh cường ôm em trong vòng tay, mà em cũng ôm anh như thể chặt lắm, ôm như thể sợ anh đi mất. Nằm trên giường ở một góc cái buồng nhỏ, em rúc cái đầu mềm mại như bông vào hõm cổ anh. Cường thủ thỉ bên tai em, làm em khóc nấc lên từng cơn, nghe như muốn đứt từng đoạn ruột đoạn gan. Đôi mắt em ướt nhoà, thấm đẫm cả vai áo anh.

"Anh đi rồi, có nhớ đến cái buồng nhỏ này không..."

Anh cường vẫn giữ nguyên tư thế như vậy ôm em. Mà hình như mắt anh Cường cũng ươn ướt, nước mắt anh Cường lăn dài chảy xuống hai bên thái dương. Mắt anh nhìn trần nhà, nhìn lâu thật lâu, như muốn in sâu hình ảnh vào trong khối óc.

"Anh dỗ Phi, Phi đừng khóc, anh đứt ruột lắm thay..."

Rơi vào một khoảng yên lặng, như biết Phi đã thôi khóc, anh Cường xoay người nhìn mặt em, mặt đối mặt, nhoẻn miệng cười, anh Cường nói.

"Phi khóc xấu, không cho Phi khóc nữa."

Anh Cường mò tay xuống cái eo nhỏ gầy gầy của em, cù lét. Đôi mắt ướt mi, cái mũi đỏ lựng của Phi giờ đây bị đột kích bất ngờ, liền bật cười không ngớt.

"A ha... Không cho anh Cường cù... Mắc cười lắm!"

Tiếng cười của em trong trẻo khúc khích làm anh cường vui, anh Cường thôi trêu em, ghé lại tai nói nhỏ.

"Ngày mai anh đi, đến ba năm mới về, chắc xin một tối làm chuyện đại sự, để ba năm không trống trải."

Gương mặt Phi đỏ như gấc, nằm mặt kề mặt thế này, anh Cường lại nói ra mấy câu không đứng đắn, nhưng lại làm em xấu hổ. Anh Cường mỉm cười nhìn em, nhìn em rất lâu.

"Phi có đôi mắt đẹp, đôi mắt trong trẻo và hàng mi dài, anh hôn lên mắt Phi, ngày nào cũng hôn nhưng không hết yêu. Cái mũi Phi nhỏ, như con mèo con, Phi thường khịt cái mũi, mỗi lần như vậy Phi làm anh thích lắm. Còn cái miệng xinh đẹp này..."

Nói đoạn, anh Cường ngưng lại không nói nữa, em to mắt tròn xoe như con mèo nhỏ mà anh cường hay nói, mong chờ câu nói tiếp theo từ môi anh, nhìn thế, anh lại phì cười và chồm người đến đặt lên môi em một nụ hôn.

Anh Cường hôn em rất lâu, như thể trả lời cho câu nói anh vừa ngắt đoạn. Anh Cường vừa hôn vừa âu yếm. Rồi anh dứt môi ra, lại nhìn em, việc ngắm nhìn khuôn mặt của Phi, không bao giờ là điều thừa thãi đối với anh.

Hai bàn tay khô ráp của anh Cường xoa lên mặt lên cổ em rồi xuống dần khắp mình trần truồng trong mảnh chăn dạ. Trong bóng tối bập bùng lên hai ngọn lửa cháy đỏ trong tim. Hai cơ thể con người quằn quại, quấn quýt. Cánh tay, cặp đùi trói lại, thít lại và dằng ra. Niềm hoan lạc vỡ ra, dữ dội dằn ngửa cái xác thịt kia. Đôi môi anh nóng như than đỏ lửa trong vung, rải rác và đi dần theo lối mòn trên khuôn mặt xinh đẹp của em, hôn lên đôi mắt trong trẻo, lên mũi nhỏ xinh, lên cái miệng hoa đào khép hờ rên ư ử.

Cứ thế họ hoà vào nhau, quấn quýt và lại thít chặt cho đến rạng sáng hôm sau.

--*--

Anh Cường vác lên vai ba lô hành quân. Má tiễn anh ở cửa nhà, còn Phi tiễn anh đến khi lên xe của đoàn quân. Trước khi anh lên chiếc xe hành quân, Phi dúi vào tay anh Cường bức thư pháp được viết với dăm đôi nét nguệch ngoạc nhưng lại rất đỗi xinh đẹp, bởi vì nó đã được em Phi viết cho anh. Anh Cường nhìn hoài nhìn mãi về nơi em đứng đó rất lâu. Nước mắt của em rơi xuống, từng giọt từng giọt cắt đứt trái tim như xé toạc vỡ đôi. Nhưng có vẻ em không muốn anh phải đứt ruột thương em, em cố gắng vẽ lên khuôn mặt chính mình một nụ cười thật rạng nhất nhưng nó cũng thật xót xa nhất.

thương đến làm sao, em ơi...

--*--
"Cường, nghĩ ngợi gì mà đẫn người thế hả mày?" - Anh Vĩnh, đồng hương, là bạn từ thủa ở truồng tắm mưa cùng Cường, chắc vừa xơi cơm xong, chạy tọt lên cái võng ngồi chung với cậu bạn.

"Vài chuyện vặt vãnh ấy mà."

"Lại điêu, cứ nói ra là nhớ em Phi đi chú mày ạ."

"Thằng láo nầy." – Tiện tay cầm cây bút, anh Cường gõ một cái rõ đau vào đầu anh Vĩnh. Nhưng anh Vĩnh chỉ cười hê ha rồi làm lơ. Nhanh tay dằng lấy tấm giấy mà anh Cường đang viết, bật cười đắc ý rồi hô to ở cả đơn vị.

"Giời ạ, các đồng chí anh em ra mà xem, ra xem ngâm thơ tình đây này." - Anh Vĩnh kéo dài tiếng, chốc chốc là cả tiểu đội lại ồ ạt từ đâu kéo đến. Một tiểu đội hơn cả trăm người, ấy vậy mà vừa nghe thơ của anh Cường, lại chạy trối đến cho bằng được. Anh Cường ở khoa văn, đương nhiên là giỏi môn văn nhất nhì trong đơn vị, thế nên ai cũng mến. họ thích nghe thơ, và thích nghe anh rung lên vài bản ghita của đời sinh viên.

"xin được ngồi cùng em
thiêu thời gian qua tay mình vất vả
yêu thương nhau bằng những lời bài ca
nhưng rất đượm nỗi buồn và nhớ.

xin chạm môi em vào làn khói trắng
tôi phì phà dăm điếu thuốc trên tay
mắt cay nhèm vì hơi khói tỏa
em cười khì bảo chẳng sao đâu.

xin được hôn em nụ hôn tình đầu
phút trai trẻ của người có tuổi
những cuộc tình thơ dại mang đi dấu
sao tôi nỡ lòng so sánh cân đo.."

"Ây ây, còn nữa này, cái này mới đầm đìa đây." - Anh Vĩnh trêu, rồi hắn giọng đọc tiếp.

"Anh yêu em như anh yêu đất nước
Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần
Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước
Mỗi tối anh nằm mỗi miếng anh ăn." (*)

Một trận ồ lên từ mọi phía, anh em làm thế này anh Cường cũng khá ngại, cái hàm răng đẹp và đều nhưng ngả vàng, do dăm bao thuốc lá, anh phô ra cười xòa cho qua.

"Đúng là không hổ danh Cường khoa văn mấy cậu ạ."

"Chính xác là vậy đó."

Rồi một trận nháo nhào lại ồ lên, như không kiêng nể kẻ địch, hò hét lấn át cả tiếng pháo đạn ngay đầu quốc lộ. Tiếng hò hét to lớn, ồn ã, nghe chẳng kém gì mấy dăm quả đạn xé toạc bầu trời ở trên.

"Đau thương mà tươi thắm thế này, thì chết dở, mấy anh ơi!"

Ở đâu đó vang lên một giọng nói trong trẻo như con gái mười tám đôi mươi. Nghe âm thanh cất lên, mấy anh trong tiểu đội lần nữa lại nháo nhào, rộn rạo cả lên. Họ nhìn theo hướng thanh âm phát ra, từ trong hàng cây khuất mắt gần đó, đi ra năm cô gái trẻ yêu kiều với mái tóc thướt tha phảng phất trong gió, trên tay đầy ụ nào là những lương thực cho tháng này hay hoặc cũng có thể là cho đến tháng sau. Các anh em trong tiểu đội đều ùa ra dành nhau lấy phần đỡ đần, cầm giúp các cô gái nọ.

Sau đó mới biết họ là con của bác Hai ở phố Hàng Buồm, tình nguyện ở đó vào đơn vị của các anh để cấp lương thực dự trữ. Các anh ai nấy cũng hạnh phúc đến sướng rơn cả người. Cả tiểu đội hơn trăm thằng đực rựa, nay lại thêm năm cô em gái từ Hàng Buồm đến, ai mà không vui. Họ ngồi quanh đó với cây đàn ghita của anh Cường, mấy anh hay đùa với Cường. Mà đặc biệt là thằng Thắng, nó hay trêu anh Cường nhất, vì nó là bạn chung phòng với anh ở kí túc xá hồi trường cũ nên không ngại miệng một chút nào.

"Sao nào Cường khoa văn, hay là chọn một nàng ở đây, em Phi ở nhà lại không vui bằng."

"Ôi thằng Thắng, tao lại vạ cái miệng của mày, cái miệng như cái lọ nồi dính đất!"

Các anh em trong tiểu đội cười lớn một trận khoái chí vang rờn cả khu rừng đầy mùi thuốc súng, các em gái thì cười e thẹn ngượng ngùng, anh Cường nghĩ, nhớ Phi quá...

Họ ở lại đến chiều tối mới ra về. Anh Cường lại cầm giấy bút ra đốm lửa vẫn cháy rực giữa màn đêm, anh viết nguệch ngoạc dăm ba con chữ kể về ngày hôm nay ra sao, như thể muốn kể lại tâm sự cùng em. Anh Cường chăm chú viết mà không để ý có ai đã ngồi bên cạnh từ lúc nào.

"Anh Cường viết thơ hay lắm ạ. Nghe được đoạn anh viết khi anh Vĩnh đọc lúc mới vào."

Cường thoáng giật mình, nhìn bên cạnh thấy cô Út, anh nhoẻn miệng cười nói cảm ơn. Nhưng sau đó anh cũng cất đi giấy bút, để người ngoài nhìn thấy lại không hay, vả lại cũng ngại khi để người ta thấy mình viết ra mấy câu sến sẫm chỉ để dành cho Phi nghe. Sau đó, cô Út thỏ thẻ nói, hình như cô Út đang hồi hộp, hai bàn tay cô cứ chà xát vào nhau tới lui.

"Anh Cường sau đi lính về, có người để ra đón không ạ? Để... Để Út ra đón anh Cường được không?"

Một câu ngỏ lời giản dị mà chất phác, có chút vồ cập mà cũng có chút e thẹn ngại ngùng. Anh to mắt nhất thời hoảng mình, cô Út ngỏ lời như là tỏ tình! Cường chỉ kịp nghĩ thế. Nhưng lúc này, hình ảnh của Phi chạy dọc trong đầu anh Cường, anh giật mình kéo hồn mình trở về. Lần nữa cái khuôn miệng điển trai của anh nhoẻn lên, lại cười lộ ra hàm răng đều. Anh Cường cười ái ngại, cái giọng miền Nam cất lên nói chậm rãi.

"Cô út đẹp... Nhưng mà ở nhà tôi còn có người mẹ già, thật ra, cũng may đã có người ở cạnh chăm sóc cho má..."

Một câu trả lời khôn khéo. Cô Út thầm đánh giá Cường, khoa văn và tinh tế. Cô Út nghe câu trả lời, chỉ thoáng buồn nhưng thôi, cô nở nụ cười đầy duyên dáng.

"Ôi thế ạ? Út tưởng anh Cường một mình nên ngỏ lời. Nếu anh Cường có người thương rồi, vậy thì Út chỉ xin làm em."

Anh cười, một nụ cười xã giao đơn thuần. – "Cảm ơn cô Út."

--*--

ĐÙNG !

Một tiếng nổ tung như xé toạc cả bầu trời ở trên không, nổ to hơn sấm và như thể sẽ ù tai và điếc ngay tức khắc. Cả tiểu đội trong đơn vị giật thót mình hoảng loạn. Trung đội trưởng chạy vào lều gào to như rách cả cuống họng.

"CHẠY."

Hơn trăm người thức tỉnh giữa màn đêm lạnh lẽo thấu xương, mở to mắt bật dậy và sải dài chân chạy ngay xuống hầm. Ồ ạt hết tốp người này rồi đến tốp người nọ chạy đi, chạy hết sức bình sinh xuống hầm cách đó mấy trăm mét. Họ chạy đi, dồn lực xuống đôi chân để chạy. Trên đầu máy bay oanh tạc như vũ bão, bên dưới lính tráng quần đùi, không áo. Chúng oanh tạc giữa đêm đánh úp và quân ta chưa kịp chuẩn bị. Cứ thế chạy đi, họ chạy xuống hầm, dưới bàn chân trần như rực lửa.

Nửa tiếng đầu địch bắn pháo rơm, nổ trên không, chụp xuống đất, để mục đích lùa ta vào hầm. Sau đó bắn pháo nổ, để cày nát và san phẳng 2 ki-lô-mét đường giao thông hào, đến tận 2 ki-lô-mét, dài và sâu đến đằng đẵng. Chúng san phẳng để khi ta ra mặt trận, không còn hào để chui để nấp, chúng ác như thế. Hai tiếng pháo nổ rền vang ! Nằm trong hầm mà nghe hai tiếng pháo nổ như thể cái đầu nặng trịch và tai thì ù đến nỗi không còn nghe được gì nữa, nó oanh tạc nổ đì đùng dai dẳng đến kinh hoàng. Sau đó là địch bắn pháo lùi, pháo khoan. Hầm đào sâu và chắc, vậy mà nó đánh bom thì vẫn đến rung chuyển, rung cả hàng trăm trái tim của con người ở trong đấy. Nếu mà viên đấy trúng hầm, trúng khoảng trống là sẽ nổ to. Thế nhưng nó vẫn không trúng, âm thanh nó cứ vi vút, vút, vút, vút. Cỏ hiền miệng trai, 7 cái hầm chứa quân ta, không hầm nào bị trúng.

Sau 4 tiếng trong hầm, nhìn ra thì toàn bộ cái làng đơn vị của các anh bị san phẳng hoàn toàn, không cây nào mà còn nguyên vẹn và cỏ dại mọc vẫn không thấy đầu ngọn. Phẳng hoàn toàn cả 2 cây số vuông. Quân ta người ướt như đẫm và thần kinh dường như bị tê liệt.

OV-10 nó chúi xuống bắn một phát pháo khói, tiểu đoàn trưởng hô to:

"TRINH SÁT ĐÂU, RA DẬP PHÁO!"

Mọi người chạy ra lấy cái chăn cá nhân để dập. 5 phút sau, trên đầu đã nghe tiếng F4. Nó không thấy pháo khói, chắc là liên hệ với thằng OV-10 thế nào, thằng OV-10 lại xác định mục tiêu, chúi xuống bắn phát vào ngay pháo khói nữa cách đấy 200mét. Tiểu đoàn trưởng lần nữa gào to:

"NÓ RA RỒI. BỎ HẦM. CHẠY!"

Nguyên tắc quân ta đào hầm là đào hầm dích dắc, giao thông hào nối theo đó ra hình tam giác. Anh em bỏ hầm chạy rào sống Vĩnh Phước lên phía trên. Chỉ chạy 200mét thôi là không dính bom rồi. Vì nó tự do oanh kích. Lúc bấy giờ nó bắn pháo khói xong thì F4 nhao xuống, mỗi thằng F4 đánh 4 quả bom, 2 thằng đánh 8 quả. Sau đó đến bọn T-58 ra chiến, thằng này đánh mới tởn, cứ bay một vòng là thả 1 quả. Đánh dai như đỉa.

Trong lúc loạn lạc thế này, quân ta chạy, chạy, họ vẫn tiếp tục chạy và sau cuối,

ĐÙNG !

"CƯỜNGGGG !"

Anh Cường dẫm phải mìn. Ôi chao ơi...

Cả người anh nhẹ bẫng vung lên không trung một nhát cao và hạ xuống mặt đất một cách đau đớn như muốn vỡ ra. Anh Vĩnh ngỡ ngàng trước đôi mắt không còn tin vào sự thật đang rành rõi. Anh chạy, đôi chân đầy máu và thương tích chạy về phía Cường, gào to:

"CƯỜNGG. ĐỒNG CHÍ NGHE TÔI NÓI GÌ KHÔNGGG!" – Anh hét lên như xé toạc cả bom đạn, anh gào như điên như dại, anh gào như cuống họng rách ra làm hai, anh gào lên, cứ gào lên. Anh khóc, khóc đến tận cùng thống khổ. Giọng anh vỡ và anh gào lên như bom xuyên tạc trong lòng anh.

"Anh Vĩnh.. Sau này anh về... Về nhà tôi, nói với má rằng tôi xin lỗi, không thể ở bên má mà theo đi theo cha... Và anh nhất định... nhất định phải nói với Phi, là tôi thương em lắm..."

Nói xong câu đó, anh đi. Đi về miền đất xa mà nơi đó không có má và em.
Anh đi, nhưng anh thương Phi lắm...

Năm đó là năm 1972, trận chiến kéo dài suốt 81 ngày đêm dài đằng đẵng cả mùa hạ.
Một mùa hè đỏ lửa.

--*--

Ngày 30 tháng 4 năm 1975
Chiếc xe tăng T-54A được sơn số hiệu 843, là một trong hai chiếc xe tăng đầu tiên đạp đổ cửa chính tiến vào Dinh Độc Lập.

Ngày Thống nhất đất nước, họ rơm rã hô hào như đi trẩy hội. Người dân - con cháu cụ Hồ ra đón những người lính như người quan trọng. Mà cũng quan trọng thật, khép lại chiến tranh, không thuốc súng, không bom đạn, không đau đớn, không sinh ly tử biệt.

Từ đầu làng, đã sôi nổi nhiệt thành, các anh chiến sỹ tiến lên, bước đi trong thật hào hùng đến làm sao. Và anh Vĩnh, trên môi một nụ cười không tắt, anh len qua đám người này rồi đến đám người nọ, đến trước nhà của anh Cường. Đã thấy má và em đứng trước cửa nhà, cái lòng anh chùn xuống, mũi anh cay cay nhưng vẫn kềm lòng. Đau lòng đến làm sao khi ngày Giải phóng lại cũng là ngày sanh nhật của em. Anh Vĩnh thấy lòng mình đau đau. Anh Vĩnh đi tới, lạy má và em. Má anh Cường đôi mắt phúc hậu vui vẻ chào đón, nhưng biết rằng đôi mắt ấy đã thoáng đôi phần đượm buồn vì không thấy Cường đâu. Em Phi, đứa trẻ này phải chịu cú sốc này ra làm sao đây hả, thầy ơi...

"Vĩnh... Cường đâu hả con..."

Anh Vĩnh không nói gì, lấy trong ba lô một cái bằng đã ép dẻo được lồng trong cái rương đầy trịnh trọng. Tay run run đưa má, cái vai anh run lẩy bẩy.

"Nhớ ơn mãi chiến sĩ đã hy sinh
- Bùi Cường."

Má khóc, má không còn đứng vững nữa, ngã khụy gối ngồi bệt xuống nền gạch lạnh lẽo khóc run rẩy như đứt cả gan ruột. Em Phi không khóc, đôi mắt em đỏ, nhưng không thấy nước mắt em rơi, em biết lúc này không nên khóc, làm chỗ dựa cho má. Em ôm má, ôm chặt trong lòng.

Anh Vĩnh chứng kiến thấy đau lòng xót xa quá đổi. Anh thương má của Cường, như má của mình. Thầy của Cường phó thác cả phần đời cho Tổ quốc, anh Cường cũng mặc đời cho mình ở chiến trận. Má Cường khóc nhiều lắm, khóc đến ngất đi đầy ray rứt. Phi đưa má vào buồng chăm sóc, túc trực bên má suốt cả hàng giờ.

Đồng hồ cũ kỹ treo mắc trên tường điểm hai giờ khuya, Phi vẫn chưa chợp mắt được gì. Lòng em đau, đau như vết cắt rất dài cứa vào trong da thịt đến rỉ máu. Em ngăn tiếng khóc rơi ra khỏi đầu môi. Em ngăn lại để không cho ngọn lửa đang cháy biết rằng em đang khóc, em ngăn lại để bóng tối không phải thương xót bủa vây lấy em trong nỗi cô độc, chơ vơ.

Em muốn khóc, khóc cho đến không còn khóc được nữa, em gào lên trong thổn thức, gào lên trong đêm tối tĩnh mịch không ai hay. Em muốn lắm, muốn khóc đến mù lòa đôi mắt...

Nhưng em còn má của Cường, và em rất thương má...

"Em Phi, đây là tất cả thư mà Cường viết vào mỗi ngày để gửi về em. Từ năm 71 đến 72, suốt 365 ngày không ngày nào Cường không viết thư. Vì đội liên lạc bị bắt sống, không gửi về quê nhà suốt 5 năm. Anh biết hiện tại em đau lắm, và không còn nghĩ được gì nữa. Chăm sóc cho má, để dành khi nào yên lòng thì hẵn lấy ra đọc."

Nói đoạn đến đây anh Vĩnh ngừng lại một chút, rồi thở dài một hơi nặng nề như còn vướng lại một nỗi đau tâm can rất lớn, tưởng chừng như đó là lời nói anh Cường nói với Phi.

"Cường thương em lắm..."

Đó là tất cả những gì mà anh Vĩnh nói với Phi lúc buổi trưa.

Phi ngồi bên cái đèn dầu, lật từng tấm giấy đã ngã màu cũ kỹ, vài vết ố vàng, vài vết bị cháy xém. Nhưng thật ra mà nói, những con chữ này, đều đẹp.

Em lật hết tất cả 365 lá thư, xem xét tỉ mỉ từng chút một. Đôi mắt em cong lên, nhưng đầy ự nước. Em cười, anh Cường có đôi lúc cũng sến sẫm đến thế ư?

Em dừng lại ở một bức thư, nó khiến em khóc. Khóc đến bật ra tiếng, em cố ngăn lại nhưng không thể ngăn cự nổi tiếng thống khổ thoát ra trong vô thức.

Và em đã khóc rất lâu, thật lâu.

"Ngày 14 tháng 1 năm 1972,
Vào những năm bảy mươi trên đất Gài Gòn của hơi thở nơi em. Một ngày nào đó bất chợt giữa tháng năm rơi vào mùa hạ đổ nắng, anh trong rừng sâu biên cương nơi đáy mồ của xương cốt rãi rác hành quân song song. Lặng thật hồi lâu cầm bút viết thư gửi em quê nhà nhớ thương khôn xiết.

Thương lắm những ngày đầu mình yêu nhau.

Anh đi, để lại má và em trong nỗi cô đơn dằn vặt khiến lòng anh đau. Đau lắm thay nhưng anh không thể làm gì, em ơi. Ngày hạ đổ nắng cháy da thế này, anh lại khát khao được ôm em và hôn thật lâu, để dư vị nơi môi quấn lấy anh trong từng thớ nhịp đập khi đêm về rét buốt. Buồn quá thay khi hoàng hôn ôm anh mà không phải em; Buồn quá thay khi em bảo muốn ngắm hoàng hôn cạnh anh, giờ đây trong rừng mệt nhoài vì chiến đấu ở mặt trận đổ lửa, chỉ có mỗi hoàng hôn là âu yếm lấy anh, nhưng bên cạnh lại không có ai; Buồn quá thay, anh lại thấy nhớ em rồi...

Anh sẽ đi, rồi quay trở về. Em đợi anh, nói với má đừng lo, rồi anh sẽ về sớm mai này thôi.

Thương em, và hôn rất lâu.
Thương em..."

--*--

"Những dấu chân rồi lùi lại phía sau
Dấu chân in trên đời chúng tôi những tháng năm trẻ nhất
Mười tám, hai mươi sắc như cỏ, dày như cỏ,
Yếu mềm và mãnh liệt như cỏ
Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình
Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc
Cỏ sắc mà ấm quá, phải không em..."

/end./

--*--

(*1): tình trai - xuân diệu
(*2): nhớ - nguyễn đình thi
còn đoạn ở trên kết thúc truyện là lời thoại trong "mùi cỏ cháy".
còn cái đoạn "xin được ngồi cùng em" là do mình viết á =)))))

cảm ơn vì cậu đã đọc đến đây, một lần nữa, chúc cậu ngày hôm nay tốt lành nha~

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro