bo la ga trong nuoi toi

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ngày tôi cất tiếng khóc chào đời cũng là ngày mẹ vĩnh viễn ra đi. Mãi là như thế. Như mọi người vẫn bảo đó “là trò đánh đổi của số phận”. Một người chết đi để một người được sinh ra. Đó còn là cả một niềm đau trải dài trong cuộc sống của tôi. Nó còn là sự thiếu vắng tình mẫu tử ở thời tuổi thơ khốn khó, là giọt sữa ngọt ấm nồng, là hơi ấm, là lời ru ầu ơ sớm trưa. Những thứ mà tuổi thơ tôi đã lớn lên mà không có. Hay trong ký ức của tôi đó là một “miền” xa xỉ tột cùng.

Bù vào đó tôi có bố. Người đã làm “gà trống” nuôi tôi.

Bố pha sữa, bố dỗ dành, bố hát ru, bố.. làm tất cả để mong sao có được con trai. Kí ức tuổi thơ của tôi chìm đắm trong lời ru ồm ồm mà ấm áp, trong mùi mồ hôi và nước mắt của ông. Và còn một điều mà tôi biết chắc chắn nữa, đó là tình thương yêu vô bờ bến của ông dành cho con trai. Đó là “nguồn sữa” thời thơ ấu của tôi. Giúp tôi sống và trưởng thành khi không có tình mẫu tử.

Khi mẹ mất đi, ai cũng lắc đầu lo lắng cho số phận của đứa con. Người bảo nhờ bà ngoại, người nói mang nó qua dì, qua cô. Nhưng không, chẳng mang đi đâu cả, bố nói “tự tôi, tự tôi sẽ nuôi sống con trai mình. Không có gì là không làm được cả”.

Mỗi lần tôi đều nghe các bà trong xóm kể: “ở cái xóm này ai bằng bố mày, tự một mình ông nuôi mày lớn mà không cần tới người đàn bà nào cả”. Những lúc ấy mắt tôi lại ánh lên những niềm tự hào, và một ký ức không bao giờ phai.

Nén lại nỗi đau mất vợ. Ông dành hết tình yêu để thổi vào sức sống cho con trai.

Ngày ấy quê tôi nghèo, nghèo đến nỗi khoai còn không có mà ăn. Thì việc nuôi một đứa trẻ sơ sinh khi không có bầu vú của người phụ nữ thật khó khăn biết chừng nào. Quê tôi ở là vùng mà nóng thì như lửa đốt, lạnh lại thấu xương.

Những đêm khuya giá lạnh tôi khóc mà không ngủ, ông ôm tôi trong chiếc chăn chiên, hát ru bài mà những người phụ nữ quê tôi vẫn hát “chờ đêm nông trường cưởi(sương) lạnh biết than rằng với ai…”. Hình ảnh ông bế đứa con trai dỗ dành, đi lại trong căn nhà tranh, dưới bóng ngọn đèn dầu, ngoài trời mưa rét, cứ khắc khoải trong trái tim tôi theo năm tháng. Mặc dù chỉ là nghe kể lại.

Rồi những đêm của mùa hè oi bức, tôi khóc mà không ngủ. Không ngủ vì nóng, vì thiếu hơi ấm của mẹ, và vì đói. Ông ôm tôi vào lòng, ngập ngừng qua gõ cửa nhà hàng xóm, một thiếu phụ nào đó vừa sinh con. Cầu mong cho con trai mình chút sữa. Làm sao tôi có thể quên.

Ngày ấy sữa cho trẻ sơ sinh chỉ là sữa bò đóng hộp. Nhưng đâu phải khi nào cũng có tiền mua. Ông đã phải dành dụm, chắt chiu để có được tiền chen chân vào cửa hàng lương thực.

Bà ngoại tôi kể: “Bố mày không cho ai pha sữa cho mày hết à, tự tay ông pha thôi. Đi đâu cũng một tay thì bế mày còn một tay cầm bình sữa”. Ôi những tháng ngày ấu thơ, trong sâu thẳm ký ức tôi chẳng bao giờ quên được cái núm vú từ bình sữa cả. Nó không ấm áp, mềm mại như vú của người mẹ. Nhưng nó đã cùng bố và tình yêu của ông cho tôi sự sống vào đời.

Tôi và cái bình sữa luôn theo ông trong những ngày tháng ấy. Tay bế con, tay cầm cái túi. Bên trong là sữa và chiếc bình, đi đến đâu chỉ cần xin một ít nước sôi nữa là đủ. Chỉ thế thôi, thế thôi mà bố đã nuôi tôi vượt qua được cái thời tuổi thơ không thể thiếu mẹ trong cuộc đời của con người.

Bố là một người lính đã xuất ngũ, khi đó là chủ tịch cựu chiến binh của xã. Nhưng ông tạm gác tất cả để dành hết cho tôi. Có lẽ ông muốn dành cả cuộc đời còn lại để nuôi nấng, để chăm sóc, yêu thương người con trai tội nghiệp của mình.

Nhớ có lần chị gái tôi kể “nhà chỉ có khoai ăn, mình em là được một bát cơm. Bố bảo không ai được ăn cơm của em. Nhưng mà chị thèm quá, nhân lúc không ai để ý ăn trộm của em mấy thìa. Dần dần quen. Thế là có những hôm em bị đói, bố phát hiện. Chị bị ăn trận đòn”. Cảm ơn các chị nhé. Vì đã cố gắng nhịn, cố gắng để dành tất cả cho em trai.

Ngày hè cũng như đêm đông. Bố vẫn một mình trên chiếc xe đạp, qua bao nhiêu cây số về thị trấn mua thức ăn, mua sữa. Rồi những lần hết tiền mua sữa, bố phải bẽn lẽn qua nhà người bạn mượn tiền. Vì con, vì tình yêu vô bờ bến ấy mà bố có thể làm tất cả.

Sau này lớn lên nếu ai hỏi tôi hơi ấm của người mẹ thế nào, dòng sữa người mẹ ra sao. Thì tôi chịu. Nhưng chỉ cần đổi chủ ngữ trong câu hỏi ấy thôi thì tôi có thể trả lời tất cả. Bố là mẹ, bố là hơi ấm, bố là tình yêu, là tất cả cuộc đời con.

Và tôi cũng lớn dần, đã không còn những đêm trường bố phải ầu ơ ru tôi vào giấc ngủ nữa. Mắt bố đã bớt sâu, người bố đã khỏe lên một chút. Bố vui sướng khi thấy con trai vui đùa tinh nghịch. Chạy theo í ới gọi bố ơi, bố à. Bố lo từng cái quần, may từng cái áo cho tôi mặc qua mùa đông.

Thấm thoắt những năm tháng “gà trống nuôi con” cũng tan biến dần theo dòng thời gian. Khi tôi biết nhổ tóc bạc cho bố để lấy năm trăm đồng đi mua kem. Hay những trận đòn bố dành cho tôi khi theo lũ bạn tắm sông giữa trưa hè nắng cháy.

Bố lại an tâm ra xã, làm công việc của một quân nhân. Nhớ những ngày mà tôi mặc quần đùi lấm lém theo bố ra ủy ban làm việc. Ai cũng dành những ánh mắt ngưỡng mộ cho ông. Cũng trầm trồ khen ngợi, “chú giỏi quá”, hay “anh hay quá”. Nhiều người còn chọc “cứ như anh thì đàn ông không cần phụ nữ nữa rồi”. Bố chỉ cười, tôi cũng cười theo. Nụ cười của tuổi thơ trong trắng. Nhớ ngày ấy, khi trong xóm có vụ ẩu đã, xích mích là người ta lại kêu bố. Rồi ở những đám tang, bố đọc diễn văn đưa tiễn người xấu số mà ai chứng kiến cũng nước mắt rơi. Và tôi cũng nước mắt rơi, những giọt nước mắt tự hào trong trắng.

Vậy mà năm tôi tám tuổi đã phải khóc để lìa xa ông mãi mãi. Căn bệnh quái ác đã cướp đi sinh mạng của ông. Nhưng cơn đau giày vò, những nỗi niềm thương cảm giằng xé khi gần đất xa trời. Mà ông vẫn cười. Thỉnh thoảng người ta chỉ nghe thấy tiếng nghiến răng thin thít của ông trong cơn đau tột cùng của bệnh tật.

Ngày bố về bến kia thế giới. Làng xóm ngập tràn đau thương khi phải mất đi một người công dân gương mẫu. Còn tôi, trong tâm trí non nớt của mình đã thấy xót xa ở đâu đó trong tâm khảm dội về. Còn mơ màng lắm bởi tuổi thơ cuộc đời.

Có những yêu thương không nói được thành lời. Nhưng tôi vẫn muốn nói “Cảm ơn bố. Cảm ơn bố là bố của con và đã mang đến cho con cuộc đời này”

Giờ đây, tôi đã lớn khôn, và mãi mãi không còn bố. Những năm tháng tiếp theo của cuộc đời tôi cũng sẽ được làm bố làm cha. Nhưng tôi biết trong tim tôi luôn có ông và tình yêu thương của ông sẽ là hành trang cho tôi đi hết cuộc đời.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#duy