[2] "Mua sắm gần nhà" là bước đầu tiên dẫn đến thành công

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

     Một điểm cơ bản trong kinh doanh quán đắt khách, đó là “mối quan hệ với hàng xóm". Quán kinh doanh đồ ăn uống xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với hàng xóm sẽ góp phần đưa quán đi đến thành công.
 
     Mở quán mới, bạn phải nghĩ xem sẽ nhập rau củ từ đâu, sắm sửa bát đĩa ở cửa hàng nào. Lúc này, hãy lấy hàng ở các cửa hàng gần quán nhà mình. Dù là ở đâu, bạn phải hiểu rằng bạn sẽ được khu vực địa phương đó hỗ trợ, đồng thời bạn cũng có trách nhiệm cống hiến cho thương nghiệp ở đó nữa. Bạn được như thế là đòn bẩy giúp cho quán bạn phất lên nhanh chóng.
 
     Vì thế, tôi lấy kim chỉ nam là “mua sắm tại địa phương". Hãy đến một nơi thật nhiều lần để họ nhớ khuôn mặt của mình. Bạn cũng muốn những người làm việc ở nơi bạn đến mua sắm sẽ trở thành vị khách hàng ở quán ăn của bạn đúng không?
 
     Để họ nhớ khuôn mặt mình, chuyện nhỏ thôi. Chỉ cần bạn biết một bí quyết nhỏ này.
 
     Giả sử bạn cần mua hai mươi chiếc đĩa. Bạn đừng vội mua liền một lúc tất cả. Hãy chia thành bốn lần mua, mỗi lần 5 chiếc. Bạn đến cửa hàng bát đĩa mua nhiều lần thế, nhân viên cửa hàng sẽ bắt chuyện với bạn. Như thế, bạn thắng chắc rồi. Sau đó, bạn có thể nói chuyện một cách cởi mở hơn với họ: “Tôi sắp mở quán nhậu gần đây, hãy đến nhé". Rồi họ sẽ truyền tai nhau quảng cáo giúp bạn.
 
     Có thể có ý kiến rằng mua liền một lúc hai mươi chiếc đĩa, rồi mời họ: “Tôi sẽ khai trương quán mới, mời anh ghé thăm quán nhé!” cũng không khác gì là mấy. Thật ra khác nhau lắm đấy. Nếu đi mua một lần, nhân viên cửa hàng không thể nhớ mặt bạn ngay được. Không xây dựng được mối quan hệ với họ, quán của bạn sẽ mãi không gắn bó với địa phương ấy được.
 
     Một nhân viên học việc ở quán tôi ra ngoài làm riêng mười năm trước, bắt đầu mở quán ở thành phố Machida, Tokyo. Quán nằm hơi cách xa ga, nên cậu ta buộc phải giữ khách hàng địa phương. Ngày nào cậu ấy cũng mặc bộ kimoni sặc sỡ, đội mũ quan phục đi trên đường. Với bộ dạng ấy, ngày nào cậu ta cũng đi đến cửa hàng rau địa phương và hỏi: “Hôm nay có gì không ạ?”. tuyệt đối họ không thể quên được khuôn mặt của anh ta và chỉ cần nhìn thôi cũng thấy vui hơn rồi. Làm người khác hạnh phúc bằng cách ấy thì thật là tuyệt vời. Bây giờ cậu ta đã làm chủ mấy quán rồi.
 
     Mối quan hệ với các cơ quan tín dụng cũng giống như các cửa hàng thực phẩm và bát đĩa. Bạn hãy đến cơ quan tín dụng gửi doanh thu vào cùng một giờ trong các thời điểm khác nhau, thay vì cất tiền ở két sắt tại nhà. Hãy chọn bộ trang phục để đi ra đường như quần dài và áo phông đỏ chót để gây ấn tượng với mọi người xung quanh. Nhân viên làm ở chi nhánh sẽ nhớ và mỗi Khi mình đến họ lại bông đùa vài câu: “Chuẩn bị người anh chuyển sang hết màu đỏ rồi kìa". Biết mặt nhau rồi, những nhân viên ngân hàng có thể trở thành vị khách ở quán, đồng thời bạn cũng dễ được ai đó đầu tư vốn khi có ý định mở rộng kinh doanh. Những hành động nhỏ bé thường ngày lại là nguyên nhân dẫn tới thành công.
 
     Quan tâm tới hàng xóm xung quanh một chút cũng góp phần làm tăng cơ hội thu hút khách hàng.
 
     Chẳng hạn buổi sáng bạn quét dọn bên ngoài quán. Bình thường chỉ té nước ngay phía trước quán bằng ống phun chừng 2m là được. Còn tôi, tôi sẽ mua luôn ống phun nước chừng 6m để làm sạch cả hai bên xung quanh nữa. Làm được như vậy, nhỡ ai đó hỏi người hàng xóm: “Quán này thế nào?”, chắc hẳn người hàng xóm sẽ trả lời: “Tôi chưa vào quán bao giờ, nhưng người ở quán có vẻ là người tốt". Hành động thường ngày kết nối tới việc quảng bá cho quán. Phun nước không hẳn sẽ giúp thu hút khách, dọn dẹp vệ sinh xung quanh quán cũng không tốn thời gian của bạn là mấy, nhưng tích lũy những việc nhỏ như thế này sẽ góp phần nhỏ giúp quán trở nên được yêu thích hơn.
 
     Mặc dù vậy, có những điều tuyệt đối không được phép làm ở xung quanh quán. Nếu là chuyện riêng tư, bạn có thể đeo kính râm, nhưng ở những nơi liên quan đến quán, tuyệt nhiên không được đeo. Thuốc cũng không được hút. Có lần tôi vô tình bắt gặp anh đầu bếp quán sushi nổi tiếng hút thuốc lá vào giờ giải lao. Trời ơi, tự nhiên tôi thấy buồn nôn, không còn muốn ăn miếng sushi do bàn tay cầm điếu thuốc lá làm nữa. Bạn tuyệt đối không được làm những điều khiến khách hàng cảm thấy khó chịu ở những nơi khách hàng có thể dễ bắt gặp.
 
     Tôi có đồng quan điểm như thế về mối quan hệ với đối tác giao dịch ngoài địa phương. Giống như hàng xóm, xây dựng mối quan hệ với các đối tác này cũng rất quan trọng. Có nhà kinh doanh tỏ thái độ kênh kiệu trước các đối tác giao dịch. Tôi cho rằng đối tác và quán của mình nằm trong mối quan hệ bình đẳng với nhau. Biết giữ mối quan hệ với tâm thế cúi đầu nói lời cảm ơn nghĩa là sẽ được đối tác coi trọng mãi mãi.
 
     Một nhân viên cũ đã ra ngoài làm riêng đã tới quán tôi xin tư vấn một chuyện. Đó là khi công việc kinh doanh quán đã đi vào quỹ đạo, có một công ty bia tới và cho biết các điều kiện bán hàng hấp dẫn hơn đối tác hiện tại. Cậu ta hỏi: “Cháu có nên chuyển sang nhập bia của công ty mới không nhỉ?”. Tôi không định thay đổi bất cứ công ty nào đã từng kết giao ngay từ những ngày đầu. Họ là những đối tác đã đồng hành cùng quán của mình trong những thời điểm khó khăn nhất. Khi công việc kinh doanh ổn định lại quay sang đối tác khác là việc làm trái đạo lý. Không nên ham hàng rẻ. Mối quan hệ con người xây dựng từ trước mới là tài sản quý giá.
 
     Sau đây là một câu chuyện nhỏ khi tôi mới bắt đầu kinh doanh quán nhậu. Một hôm tôi đến cửa hàng cá nhỏ gần đấy, người bán cá hỏi: “Anh mua cá về kinh doanh đấy à?”, tôi trả lời: “Đúng chị ạ". Người bán cá nói luôn: “Có gì mong anh tiếp tục hợp tác nhé. Nhờ anh giới thiệu thêm cho mấy quán nhậu nữa với", rồi bốc thêm cho tôi một vốc sò miễn phí. Chị ấy lại đưa cho tôi cá mòi cơm và nhờ tôi bán hộ. Tôi mua thêm mấy con nữa để về làm món cá rán khúc. Món đấy không ngờ lại bán chạy.
 
     Bây giờ cửa hàng cá đó mỗi tháng bán được mấy chục triệu yên. Hạnh phúc biết bao khi có cơ hội được đồng hành với một quán hay cửa hàng nào đấy, cùng nhau trải qua vất vả rồi cùng nhau lớn mạnh.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro