Bông Hồng Bằng Giấy

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

BÔNG HỒNG BẰNG GIẤY

Đêm về, bóng tối dày đặc bao trùm con hẻm nhỏ. Mưa, rơi lộp độp trên những mái nhà, mấy bóng đèn đường lúc sáng lúc tắt lập lòe trông thật nhức mắt. Chợt từ đầu hẻm, xé màn mưa lao đến, tông phải thằng bé đang đi nép vào bức tường rêu phong có in dày đặc những dòng chữ quảng cáo của một căn nhà là một chiếc xe phân khối lớn. "Thằng ngu! Đi đứng thế hả?" - người thanh niên ngồi trên chiếc xe mắng thằng bé đang nằm ngã sõng soài trên đường. Mấy đồng tiền lẻ rách rưới rơi ra khỏi tay thằng bé, nó vươn tay ra cố chộp lại nhưng chỉ được tờ 500 đồng, số còn lại đã bay đi mất. Người thanh niên rồ ga phóng đi, thằng bé thất thần, loạng choạng gắng đứng dậy rồi lại ngã xuống. Mãi cho đến một lúc sau nó mới gượng lên được và lê từng bước chân gầy còm đến mái hiên của một căn nhà to để trú qua cơn mưa. Uớt như chuột lột, thằng bé co mình lại trên mấy bậc thềm của ngôi nhà vì cái lạnh thấu xương cùng với sự cô đơn của đêm mưa. Nó mệt nhoài vì một ngày ăn xin tệ hại, tựa đầu vào cửa sắt, thiếp đi với cái bụng đói cồn cào, nó đã nhịn đói mấy ngày nay.


Nó chiêm bao thấy mẹ nó ôm lấy, xoa đầu, nấu ăn cho nó như bao người mẹ khác vẫn hay làm. Môi nó hằn lên một nụ cười chua chát, bố nó bỏ mẹ con nó mà đi khi nó vừa mới ra lọt lòng vì nghèo đói, còn mẹ nó do quá đau buồn rồi cũng qua đời khi nó mới lên 5. Nghĩ đến đó thôi, hai hàng nước mắt nóng hổi của nó trượt dài xuống cằm. "Bốp!" - Âm thanh đau đớn từ cái tát của người chủ nhà giáng vào mặt thằng bé ăn xin khổ cực, áo quần rách rưới, đầu tóc rối như tơ vò đang ngủ nhờ ở hiên nhà mình. "Cút ngay! Thằng ăn mày!" nói rồi ông ta xoay người bước vào nhà, cầm cây chổi ra toan đánh thằng bé. Thằng bé không chờ người đàn ông độc ác ra tay, nó cúi gằm mặt, dồn hết sức lực vào đôi chân chạy thật nhanh ra đường lớn. Sáng, phố phường nhộn nhịp đông vui, dòng người dòng xe chen chúc nhau trên con đường rộng. Nó bước đi đơn độc trên vỉa hè lát gạch phẳng phiu, bước đi trong cái sự nhộn nhịp ấy càng làm nó buồn thêm. Mùi thơm từ mấy quán đồ ăn sáng bên đường chật cứng người ăn đang nói cười vui vẻ, đã làm cho cái bụng của nó sôi lên thành tiếng. Nó lấy tay ôm bụng rồi cũng tặc lưỡi mặc kệ. Dưới gốc một cây bàng, vươn tán lá xanh mởn như một cái dù khổng lồ che cả một vùng rộng lớn, che luôn cả thằng bé ăn xin đang lót đôi dép tổ ong mà nó nhặt được từ túi rác của một căn nhà mà dựa lưng vào gốc cây. Chỗ nó ngồi cách một ngôi trường tiểu học chừng mấy bước chân. Mấy người đi đường không quan tâm đến thằng bé tội nghiệp, có chăng cũng là ném cho mấy ánh nhìn khinh miệt cùng vài đồng bạc bố thí. Từ đằng xa có một đám học sinh tò mò tiến lại gần thằng bé. Chúng nó bắt đầu trêu chọc, thằng bé sợ sệt vòng tay thu hai đầu gối lại rồi úp mặt vào đó. Nó muốn khóc lắm, nhưng hốc mắt của của nó đã khô rang - có lẽ do nó đã khóc quá nhiều. Mắt nó tuyệt nhiên không rỉ ra một giọt nước nào, nhưng thật ra, nó đang khóc. Thằng mập đầu đàn ngứa tay đánh cho nó một cái, rồi mấy đứa kia cũng bắt chước làm theo. Nó chịu đựng đã quá đủ, vùng dậy tát cho thằng mập kia một cái rõ đau vào mặt. Nhưng chả có quá nhiều tác dụng ngoài việc làm nó bất ngờ đôi chút và tức điên lên. Mặt cu cậu đỏ lừ lên, nắm tay nắm chặt, đấm cho thằng bé ăn xin yếu đuối loạng choạng rồi ngã trên vỉa hè. Đám học sinh khoái chí cười nhạo thằng bé. Bỗng dưng từ trong phòng bảo vệ của ngôi trường tiểu học gần đó, một người đàn ông độ tuổi trung niên bước đến và xua lũ trẻ ra. Chúng nó hậm hực vào trường, có đứa mắng ông bảo vệ: "Dốt nát như ông nên mới phải làm bảo vệ, lại còn bày vẽ giúp đỡ một thằng ăn xin đần độn xấu xí". Mấy lời cay độc đó bị ông bỏ ngoài tai rồi theo gió bay đi mất. Ông dìu thằng bé lúc này vừa mới hoàn hồn vào phòng. Ông đưa cho nó ổ bánh mì chả, thằng bé vồ lấy nhai ngấu nhai nghiến đến nỗi mắc nghẹn. Ông vặn nắp cái chai nước, đưa cho nó uống để nuốt trôi miếng bánh, tay ông vỗ vỗ vào lưng thằng bé. Trong lúc chờ thằng bé ăn xong ổ bánh, ông lấy cái khăn mặt treo ở góc phòng, nhúng tý nước lạnh rồi lau mặt cho thằng bé, vừa lau ông vừa hỏi: " Bố mẹ cháu đâu mà để cháu đi ăn xin vất vưởng như thế này? Rõ tội nghiệp!" , nói xong, đoạn ông thở dài một tiếng. Thằng bé nghe rõ mồn một từng chữ trong câu nói của ông, mắt nó đã ngân ngấn mấy tầng nước chực khóc. Ông bảo vệ hiểu ra nên cũng không hỏi gì thêm nữa, mắc cái võng lên tường bảo thằng bé nằm mà ngủ. Thằng bé ngủ rất ngoan, không động đậy gì, mà còn ngủ rất sâu nữa, mặt nó lúc ngủ không hề cười nhưng nó đang rất vui. Ông bảo vệ vớ lấy cái quạt giấy tim tím trên bàn, quạt cho thằng bé, bất giác, ông mỉm cười. Ông cũng đã từng có một đứa con trai, nhưng ông vẫn chưa kịp nhìn thấy mặt nó.

Ông nhìn đồng hồ, đã hơn bốn giờ ba mười chiều, tức giờ tan ca của ông. Ông chán nản chống cằm trên bàn nhìn ra cổng trường. Bố mẹ của mấy đứa học sinh bắt đầu đến đón con cái của mình. Từng tốp học sinh ùa ra khỏi cổng trường như ong vỡ tổ, sà vào lòng bố mẹ của mình. Cảnh tượng hạnh phúc trước mắt khiến ông không khỏi chạnh lòng. Thằng bé thấy ồn, vươn vai ngáp dài một tiếng rõ to, nó đưa tay lên dụi hai con mắt đen xì. Ông bảo vệ thấy thế cười bảo: "Thôi bây giờ bác đi lấy xe đạp, chở cháu về nhà bác ở luôn, nhà bác tuy nghèo nhưng vẫn còn hơn là cháu ngủ bờ ngủ bụi ở ngoài đường như thế này!" Thằng bé không khách sáo gật đầu dạ luôn, ông bảo vệ đưa cho nó cái ca nước bằng nhựa màu vàng ở trên bàn rồi dặn nó uống hết. Nói xong ông ra bãi đỗ xe dắt chiếc xe đạp cũ của mình về phòng, thằng bé nốc ca nước ừng ực, ợ một cái rồi chùi mép. Ông bảo vệ lách cách khóa cổng trường rồi leo lên xe chở thằng bé về nhà. Thằng bé phi lên xe ông mạnh quá làm ông chao đảo suýt ngã, ông nói: "Cháu mới tý tuổi mà khỏe phết nhỉ!", thằng bé không trả lời, chỉ cười cười. Chiếc xe từ từ lăn bánh trên con đường mà nó đi sáng nay, chỉ khác rằng, lúc này đây nó không còn đơn độc nữa, hoặc ít nhất là nó nghĩ như vậy. Thằng bé gối đầu vào lưng ông, tấm lưng chai sần nhưng lại ấm áp vô cùng. Nhìn từ xa như hai cha con đang rất hạnh phúc. Nó đưa mắt nhìn lên bầu trời xanh biếc, vài đám mây bàng bạc thẫn thờ trôi, mấy giọt nắng chiều quấn quýt trên những cành cây ven đường, gió ve vuốt mái tóc cả hai người, nó thấy bầu trời hôm nay sao lại đẹp thế, lòng nó như có một niềm hạnh phúc không tên đang nhảy múa rộn ràng.

Chiếc xe dừng lại trước một khu chung cư tập thể đã cũ kĩ vì xây dựng từ lâu. Nhưng đối với nó, nơi đây chẳng khác gì một lâu đài lộng lẫy trong cổ tích mà nó từng nghe kể qua các câu chuyện cổ tích từ mẹ nó. Cũng đúng thôi khi mà nó ngủ ngoài đường cũng đã được gần 2 năm ròng rồi. Ông bảo vệ đưa nó lên tầng 10 của khu chung cư nơi có căn hộ của ông. Bước lên dãy cầu thang bằng xi măng, bức tường cạnh cầu thang thì đã nấm mốc, tróc sơn hết cả, cái lan can bằng sắt thì trông đỏ lừ lên và sần sùi vì gỉ sét. Ông lục túi tìm chìa khóa, mở cửa dắt tay thằng bé vào. Khi cách cửa gỗ màu xanh lá cây mở ra là lúc thằng bé đưa hai con mắt đen láy lướt qua căn hộ chỉ chừng năm mươi mấy mét vuông của ông, trong ánh mắt hiện rõ sự ngạc nhiên, thích thú. Cái ti vi màu ở ngay chính giữa nhà, bộ bàn ghế cũ bằng gỗ để tiếp khách, gian bếp nhỏ xíu, cái giường cá nhân nằm ở góc nhà, nó thích nhất là cái cửa sổ bằng kính. Nó chạy ào đến đó trước ánh mắt bất ngờ của ông, nó đẩy cửa ra, đưa mắt tò mò nhìn xuống dưới. Nó lấy tay chỉ ông bảo vệ những con người trở nên bé xíu qua khung cửa sổ, cả mấy chiếc xe máy cũng vậy, nó thích lắm. Ông bảo vệ thấy cảm thấy hơi buồn cười, ông xuống bếp nấu cơm, để cho thằng bé tiếp tục hưởng thụ chút niềm vui nho nhỏ mà khung cửa sổ mang lại. Nấu xong, ông ngạc nhiên khi thấy thằng bé vẫn đang chống cằm lên thành cửa, tay chốc một lại chỉ trỏ thứ gì ở trên trời. Đặt mâm cơm đang bốc khói nghi ngút trên bàn rồi lặng lẽ tiến lại gần nó, ông cũng tò mò xem thằng bé đang nhìn cái gì ở trên trời kia, ông nhìn một lúc rồi thấy không có gì, quay sang hỏi thằng bé:

- Cháu đang nhìn gì thế?

- Cháu đang tìm mẹ cháu bác ạ, mẹ cháu đang trốn đâu đó sau mấy đám mây kia. - thằng bé ngây thơ đáp.

Ông bảo vệ lặng đi trong giây lát, bỗng dưng thấy mắt mình cay cay, ông xoa đầu thằng bé: "Thôi cháu đóng cửa sổ lại đi, lúc khác bác cháu mình tìm mẹ cháu tiếp, mẹ cháu chơi với cháu mệt quá nên đi ăn cơm rồi. Bác cháu mình cũng đi ăn cơm đi, chứ để mẹ cháu ăn một mình như thế thì buồn lắm nhỉ?" Thằng bé ngoan ngoãn gật đầu, khép cửa sổ lại rồi ngồi trên ghế. Ông bảo vệ bảo thằng bé so đũa, xếp chén bát, còn ông thì mở nắp nồi xới một bát đầy cho thằng bé, còn mình thì ăn có một nhúm cơm nhỏ. Thằng bé trầm trồ nhìn vào mâm cơm gồm mấy cọng rau muống luộc chấm xì dầu, vài miếng thịt kho trứng và bát canh nước rau sấu. Thằng bé mời ông bảo vệ ăn, nhưng nó không đợi ông mà lao vào ăn như hạm. "Chắc nó đói lắm" - ông bảo vệ nghĩ thầm. Đột nhiên nó giật bắn người, đưa tay lên sờ sờ cái lưỡi, do ăn nhanh quá nên bị bỏng. Ông bảo vệ thò tay xuống chân bàn, lấy phích nước nguội rót ra cái li đưa cho nó uống. "Cháu ăn chậm thôi, cơm không có chân chạy mất đâu mà cháu sợ" - ông bảo vệ nói đùa. Thằng bé uống xong li nước nhe răng ra cười hì hì, trên răng còn dính ít rau trông thật buồn cười. Nó như chẳng để ý đến lời nói của ông bảo vệ, vớ lấy chén cơm, cầm đôi đũa lên ăn một hơi đã hết nốt phần còn lại. Nó cầm chén cơm bằng hai tay định xin thêm nữa. Ông bảo vệ nhìn đáy cái nồi cơm điện đã sạch boong, đành đưa hết cơm trong chén mình cho thằng bé. Thằng bé trẻ con không biết gì, vâng dạ cho có rồi ăn tiếp. Ông bảo vệ nhìn thằng bé, cười bảo:

- Cháu ăn no chưa?

- Dạ! Cảm ơn bác cháu ăn no rồi! - thằng bé lễ phép trả lời, tay vẫn đang cầm cái muỗng định múc nước rau mà uống

Ông bảo vệ cầm lấy cái muỗng từ tay thằng bé, múc cho nó một chén nước rau đầy ắp, nó húp một hơi hết nhẵn rồi ngả lưng ra ghế. Ông bảo vệ nhặt ít đồ ăn còn sót lại nhai, không hiểu sao ông lại cảm thấy ngon vô cùng, ông húp ít nước rau còn lại rồi đem chén đĩa bỏ vào trong bồn rửa chén, chén dĩa va vào nhau kêu loang xoảng. Ông đeo cái găng tay cao su vào, cầm miếng mút phun tí xà phòng rửa chén lên rồi hì hục lau lau chùi chùi. Thằng bé đứng dậy, tiến lại gần ông hiếu kì đứng xem. Ông nói:

- Cháu xem bác rửa chén mà học này, từ nay cháu không cần phải đi ăn xin nữa, sáng ở nhà làm việc, trưa bác về bác nấu cơm cho mà ăn.

- Vâng ạ! - tiếng thằng bé lảnh lót thưa

Nó học rất mau, rửa chén đĩa rất sạch, ông dạy nó làm việc nhà nó cũng học được rất nhanh chóng. Cứ thế từng ngày trôi qua, mỗi sáng ông làm đồ ăn sáng cho nó và ông, ăn xong ông đi làm còn nó ở nhà làm việc nhà rồi xem ti vi, chiều ông về nấu cơm cả hai cùng ăn rồi cùng làm việc nhà. Người ngoài nhìn vào trông như hai cha con rất hạnh phúc. Ông đi làm để dành được ít tiền thì mua cho nó mấy bộ quần áo mới, mặc vào rất đẹp và vừa vặn và còn in cả hình siêu nhân. Nó thích lắm, chạy khắp căn hộ bé con con mà hò reo phấn khích, cả đôi dép xỏ ngón mới nữa. Rồi một chiều nọ, ông đi làm về trễ, nó ngồi trước cửa sổ ngóng ông về. Vừa mới trông thấy bóng ông ở dưới tầng, nó chạy nhanh xuống mấy bậc thềm cầu thang xuống ôm chầm lấy ông. Ông dắt tay nó lên tầng, hai người vừa đi vừa nói chuyện rất vui vẻ. Vào nhà, ông đưa cho nó một tập gồm 2 quyển sách Toán và Tiếng Việt cùng với 2 quyển vở mới. Nó cầm cuốn lấy cuốn sách, xoay đi xoay lại xem thử, ông hỏi nó có biết sách gì không thì nó cầm ngược tên quyển sách Toán lại mà nói là sách Tiếng Anh. Ông phì cười, hiểu ra rằng nó vẫn chưa được đi học. Ông bảo nó ngồi vào bàn rồi ông chỉ cho, ông dạy cho nó mấy chữ a, chữ b, chữ c, chữ d,... trông nó có vẻ thích thú lắm. Rồi ông dạy cho nó cách viết chữ, mua cho nó quyển tập viết để nó tập, cả cây viết chì và cái gọt. Ông dạy cho nó cách làm toán, nó có vẻ rất sáng dạ, dạy cho một tí nó đã hiểu ngay, ông mua cho nó mấy cái que tính bằng nhựa đủ màu gồm có hai mươi cây để nó làm toán, nó cứ cầm mấy cái que tính sặc sỡ mà ngắm nhìn, phe phẩy trên đầu. Ông nhìn nó, khi tắm rửa sạch sẽ, chải tóc gọn gàng đâu vào đấy thì trông nó cũng rất xinh trai, đôi mắt to tròn chứa đầy niềm tin tươi sáng, ông nuôi nó như chính đứa con trai của mình, từ ngày về ở với ông, nó tăng lên được vài cân, trông người cũng có tí da tí thịt chứ không gầy ốm, đen nhẻm như cái ngày đầu tiên mà ông gặp nó ở gốc cây bàng đang bị đám học sinh hỗn láo bắt nạt.

Một tối nọ, khi ông và nó đang ôm nhau trên chiếc giường cá nhân, ông bảo với nó rằng ông rất thích hoa hồng nhưng đối với ông, hoa là một thứ gì đó vô cùng xa xỉ. Ông chỉ nói bâng quơ một tý, nhưng đối với nó thì mang ý nghĩa rất lớn lao. Nó ngẫm nghĩ rằng ông đã giúp nó quá nhiều, thương yêu nó nhưng nó lại chưa làm được gì cho ông. Có chăng, cũng chỉ là mấy cái xoa bóp, đấm lưng mà nó học được trên ti vi. Nó tự hỏi làm sao để mà mua được một cây hoa hồng để tặng cho ông, nó nghĩ mãi, nghĩ mãi rồi chìm sâu vào trong giấc ngủ. Sáng hôm sau, vẫn là một ngày bình thường như mọi ngày, nắng vẫn vàng, dòng người dòng xe đi đi lại lại nhộn nhịp, không khí vui tươi của ngày mới nhanh chóng ùa vào trong nhà ngay khi nó mở toang cánh cửa sổ. Sau bữa ăn ngon lành với bánh mì ốp trứng cùng với một ly sữa nhỏ, hôm nay là sáng thứ sáu, làm việc nốt hôm nay nữa là ông sẽ được nghỉ hai ngày cuối tuần để chơi với nó nên buổi sáng hôm nay cũng thịnh soạn hơn ngày thường một tý. Như thường lệ, ông hôn chào tạm biệt nó, leo lên chiếc xe đạp rồi đi làm. Nó ở nhà vẫn suy nghĩ cách làm sao để tặng cho ông một bông hoa hồng. Thế là nó nảy sinh ra một ý, nó lấy tập báo cũ mà ông cất ở sau nhà để bán giấy vụn. Nó hí ha hí hoáy xếp báo thành hình hoa hồng, rồi lấy cái đũa gỗ đâm xuyên qua nhụy, lấy băng keo dán bông hoa giấy với cây đũa, bọc xung quanh cây đũa bằng giấy báo. Sau một lúc lâu, nó đã làm xong bông hồng tặng cho ông, nó mừng lắm, nhãy cẫng lên nền nhà nơi băng keo, giấy báo, đũa các thứ nằm la liệt, nó chỉ tiếc không thể làm cho đóa hoa hồng có màu đỏ cho thật giống bông thật. Nó thu dọn nhà cửa như cũ, rửa khuôn mặt đã lấm lem rồi khóa cửa lại, xuống cầu thang tầng trệt ngồi chờ ông trở về. Hôm nay, ông về sớm một tý để chơi với nó, ông hăng hái đạp con xe cũ kĩ về hướng chung cư. Thằng bé đã sớm trông thấy ông từ rất xa, nó chạy ào ra đường đón ông với khuông mặt rạng rỡ, ông cũng vậy. Nhưng...Ông bất chợt nhận ra rằng sắp có một bi kịch sắp xảy ra sau lưng thằng bé nhưng ông không thể nào ngăn chặn kịp. "Kít!" tiếng chiếc xe bán tải phanh gấp lại sau khi tông mạnh vào người thằng bé, chiếc xe dừng lại một lúc rồi lại phóng đi hết tốc lực bỏ trốn. Ông bàng hoàng nhìn thằng bé đổ gục xuống lòng đường, bất tỉnh, trên tay vẫn đang cầm một vật gì đó. Ông ném mạnh chiếc xe đạp lên lề đường, chạy lại chỗ thằng bé đang nằm bất động. Ông ôm lấy đầu nó lắc mạnh mấy cái cố gắng trong tuyệt vọng mong nó tỉnh lại. Ông phát hiện ra nó bị chảy máu rất nhiều, trong cơn hoảng loạn, ông một tay vẫn nâng đầu thằng bé lên, một tay đỡ lấy tấm thân nhỏ bé của nó mà kêu gào cầu cứu. May thay, một người qua đường tốt bụng nghe thấy đã gọi xe cứu thương giúp ông, mười phút sau, xe vẫn chưa đến. Chỉ mười phút ấy thôi mà ông cảm giác như là cả thế kỉ, ông lo sợ sẽ mất đi thằng bé - người mà ông coi như là đứa con trai thứ hai của ông. Máu của thằng bé chảy thành một vũng lớn trên mặt đường, không ai để ý nhưng bông hồng bằng giấy báo của thằng bé cầm trên tay đã được nhuốm đỏ bằng máu của chính nó. Xe cứu thương hụ còi inh ỏi lao đến, người ta nhanh chóng khiêng thằng bé lên. Tình hình của nó bây giờ vô cùng nguy kịch, trong lúc ở trên xe, nó tỉnh lại đôi chút, nó gượng nói:" Bác ơi! Cháu nghe bác nói...rằng bác...rất thích hoa...hồng...nên cháu...đã làm...một bông tặng...bác!" thằng bé yếu ớt nói rồi lại ngất đi. Ông nhìn bông hoa hồng bị nhuốm máu đỏ trên tay nó, khóc hết nước mắt. Qua cửa sổ xe cứu thương, cảnh vật như đang trong một cuốn phim chiếu chậm đầy buồn thảm. Đến bệnh viện, vào phòng phẫu thuật, nó mất máu quá nhiều mà trong bệnh viện lại không có sẵn nhóm máu của nó. Ông vồ lấy vai y tá: "Cô ơi! Làm ơn xét nghiệm dùm xem máu tôi có thể hiến được cho thằng bé không. Tôi van cô!". Cô y tá dặn ông bình tĩnh rồi lấy một mẫu máu của ông đi xét nghiệm. Một lúc sau, cô bước ra từ khu vực xét nghiệm, cô hỏi:

- Ông có phải là cha của đứa bé?

- Thưa cô, tôi chỉ nhận nuôi nó khi nó là một đứa bé lang thang xin ăn ngoài đường. - ông bảo vệ thành thực trả lời

- Nhóm máu của ông phù hợp với nhóm máu của cháu bé, mời ông theo tôi đi lấy máu. - cô y tá vừa nói vừa dẫn ông đến một căn phòng nhỏ

Sau khi lấy máu xong, ông về lại hàng ghế trước phòng cấp cứu kiên nhẫn chờ đợi, mắt liên tục liếc nhìn chiếc đồng hồ treo trên bức tường xanh đã nổi nấm mốc. Dường như có một sợi dây liên kết vô hình nào đó giữa ông và nó, ông quyết định đăng kí xét nghiệm ADN, với ông bây giờ tiền bạc không quan trọng. Từ ngày nó ở trong bệnh viện đến giờ, hầu như ông chưa một lần trở về nhà, trừ một lần lấy tiền chi trả cho thằng bé. Ông đã thức mấy đêm liền rồi. Cứ ngày ba bữa ông đều ra ngoài cổng mua một ổ bánh mì không có nhân chan thêm chút nước thịt lõng bõng ăn cho qua bữa. Từng mẩu bánh cố gắng lắm mới chui xuống được dạ dày qua cái miệng khô khốc. Tối đó, là một tối định mệnh, như một thói quen, ông ngồi dán mắt vào chữ "phòng phẫu thuật" đang sáng mập mờ, chốc một lại đảo mắt lên xem giờ rồi thở dài. Đôi dép cao su sờn cũ hồi hộp gõ lên viên gạch nứt dưới chân làm nó nảy lên nảy xuống. Ngoài kia, những chiếc lá úa rơi lặng lẽ nhuộm vàng một con phố, gió thổi là là sát đất, để lại dư âm xào xạc trầm buồn. Ông ngồi đó, không chút hoài nghi, một mực tin rằng thằng bé sẽ tỉnh, chắc chắc là thế. Nhưng cuộc đời nếu như chỉ cần có niềm tin mà trở nên tươi đẹp thì thật quá đỗi dễ dàng, tồn tại song song với nó chính là số phận. Những câu nói động viên rằng chỉ cần có lòng tin, thì không gì là không thể thật ra là của những kẻ thất bại bị số phận quật ngã. Hôm đó ông mệt quá, thiếp đi một chốc, những cơn gió lạnh giá nhất của mùa đông làm cho đôi bàn chân của ông co quắp lại, toàn thân ông run lên. Rồi cô y tá gọi ông tỉnh dậy từ băng ghế nhựa đã phai màu vào buổi đêm, đưa cho ông một tờ giấy ghi đầy những thông tin và nói:

- Thưa ông, ông chính là cha của đứa bé, chúng tôi đã kiểm tra kết quả rất nhiều lần rồi, nó hoàn toàn chính xác - cô nói bằng giọng thông cảm

Ông không tin vào mắt mình, đọc đi đọc lại tờ giấy hàng trăm lần, ông vo viên rồi ném mạnh nó xuống đất, điều đó là sự thật. Hai hàng nước mắt trào ra từ khóe mắt, những cảm xúc phức tạp lẫn lộn đan xen đang tàn phá tâm trí ông. Cửa phòng mở ra, ông mừng rỡ chạy lại, nhưng tốp bác sĩ phẫu thuật bước ra: "Xin lỗi! Cháu bé bị thương quá nặng, chúng tôi không thể làm được gì thêm ngoài việc kéo dài sự sống cho cháu bé thêm vài phút cuối. Ông có thể vào gặp cháu bé." Nghe hết câu nói của vị bác sĩ, ông sụp đổ hoàn toàn, ông sẽ mất đi người con trai của ông lần thứ hai, nhưng lần này là mãi mãi. Ông đạp cửa phòng cấp cứu lao vào trong, nắm lấy tay thằng bé đang cầm bông hồng giấy nằm vô ý thức trên giường mổ. "Tít" - tiếng điện tâm đồ kêu thật lạnh lùng và não nề, tim của thằng bé đã hoàn toàn ngừng đập, nhưng tay phải vẫn nắm chặt bông hồng. Ông vừa khóc vừa cầm lấy đóa hoa màu đỏ thất thần bước ra khỏi phòng bệnh, bước chân mỗi lúc một khó khăn như có một áp lực vô hình nào đó đè lên đôi vai của ông mỗi lúc một nặng hơn. Trong đêm tối, dáng người đàn ông đơn độc dường như bị nuốt trọn dưới những bóng đèn đường bị cháy. Các bác sĩ nhanh chóng chạy vào nhưng chẳng thể làm được gì hơn.

Ông về căn hộ của mình, đóng chặt cửa lại, tức giận đập phá mọi thứ, hối hận vì đã vứt bỏ đứa con của mình khi nó còn thơ bé. Ông nhận ra rằng có một số thứ khi mất đi mãi mãi sẽ không tìm lại được. Ông hận bản thân mình vô cùng, những dòng suy nghĩ tiêu cực điên cuồng hủy diệt tâm trí hỗn loạn của ông. Người ta vẫn kể lại rằng, sau khi thằng bé chết được vài hôm, ông hóa điên, không ai dám lại gần căn hộ của ông. Họ đem câu chuyện về ông kể khắp mọi nơi rằng ông là bố của đứa trẻ ăn xin mà ông đưa về nhưng chính ông cũng không biết. Mấy ngày sau nữa, họ phát hiện ra có một đám cháy xuất phát từ căn hộ, cửa trong bị đóng chặt. Khi đội cứu hỏa cùng công an đến hiện trường, đám cháy đã tắt, bên trong là thi thể một người đàn ông tuổi trung niên đã cháy đen nhưng lòng bàn tay vẫn nắm chặt. Khi khám nghiệm tử thi, có một điều làm cho người ta chết lặng - trong tay ông vẫn còn một phần của bông hoa hồng giấy chưa cháy hết. Có lẽ, ông muốn đốt cháy tất cả những kí ức đau buồn, những giây phút hạnh phúc ngắn ngủi của ông và con trai mình cùng với bông hồng đỏ bằng giấy xinh đẹp ấy một lần và mãi mãi.


Dương Tuấn Đạt

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro