🪔Chương tám. Phụ mẫu chi dân (2)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cảnh ngơ ngẩn nhìn vào ngọn đèn hồng vừa được thắp lên. Ánh sáng lay lắt mơ hồ vô tình đốt lên một khoảng sâu trong tâm chàng, làm trơ ra một nỗi phiền muộn. Những rắc rối chồng chồng lớp lớp liên tục ập tới, thay phiên nhau ngáng chân Cảnh, khiến chàng ở không được, bước chẳng xong.

Lẽ ra chàng không nên vì hứng chí nhất thời mà xen vào chuyện nhà tri huyện, lẽ ra chàng nên đập cho Bính một trận ngay từ lúc thấy gã nghênh ngang nằm trên võng, lẽ ra chàng nên biết điều xéo đi từ sớm mới phải. Bao nhiêu cái "lẽ ra" cứ đua nhau mọc lên ngồn ngộn, chất thành hối hận.

- Người quen của bác ạ? - Ngẩng mặt lên nhìn, nơi tranh tối tranh sáng chàng thấy rõ mồn một sự nghi ngại trên mặt lão Kình. Hiển nhiên, câu hỏi này Cảnh chỉ hỏi cho có, đáp án vốn đã tỏ như ban ngày.

Đón lấy cốc nước từ tay con trai lão Kình ngần ngừ không uống, mà đặt trở lại xuống bàn. Chè thơm sóng sánh kéo về cho lão bộn bề từ quá khứ xa xăm, trầm ngâm một hồi ông già mới lên tiếng.

- Đầu làng cuối xóm, sao mà không quen cho được.

Thể rồi lão bắt đầu kể. Về những gì lão biết, và còn cả đôi điều lão ngờ ngợ sau cái chết của con Nguyện.

Non nửa năm trước, vào một ngày thường bà huyện bỗng nhiên kêu giời lên vì mất vàng. Khéo thế nào ngày ấy nhà quan lại cho sửa lại mái nhà ngang, tên thợ mộc vừa hay lại là người lạ duy nhất có mặt trong nhà tri huyện, tự nhiên anh ta đã trở thành người phạm tội trong mắt quan bà. Với thái độ kiên quyết đến ác nghiệt của mụ vợ quan ông để anh thợ mộc mặc sức kêu van, không thèm nghe lọt lấy nửa lời, lạnh lùng sai lính trói anh lại, điệu ra công đường.

Lẽ thường những sự vụ liên quan đến ăn cắp, trộm vặt thì cùng lắm chỉ xử ra đến đình, kiện đến xã trưởng là cùng. Nhưng đằng này, người mất của lại là bà huyện. Chưa nói về lí về tình, nào cần đến nhân chứng trạng sư, chỉ bằng mấy lời bóng gió thổi bên tai chồng thôi cũng đủ hành cho tên trộm kia biết xác. Y như rằng, suốt mấy ngày ròng anh ta bị lính nhà quan coi thành phạm nhân, để ép cung chúng nó nạt nộ, bỏ đói thậm chí là đánh đập tên thợ mộc chẳng tiếc tay.

- Thế thì có liên quan gì đến em Nguyện hả cha? - Mắt thấy trăng đã lên cao mà chuyện thì vẫn chưa đâu về đâu, thằng Ngự cầm lòng không đặng hỏi dồn.

Đương kể đến hồi quan trọng lão Kình quắc mắt, đánh cái bốp vào vai thằng con, nạt:

- Mày thì biết cái gì? Thằng thợ mộc ấy là anh trai con bé Nguyện đấy có được chưa? - Đoạn, lão vớ lấy cái mo cau, quạt lấy quạt để cho vơi bớt cơn bực mình. - Năm ấy mày vẫn còn trên kinh nên không biết thôi. Anh trai con bé bị bọn lính nó đánh cho thừa sống thiếu chết, lúc được thả ra thì cũng toi nửa cái mạng rồi.
Ánh mắt thằng Ngự mê man, nó lại toan hỏi.

- Vậy còn...

- Nhiễu sự quá, có yên để tao nói không thì bảo. - Ôi, lão đến phát mệt với ông con đần độn. - Chả dưng không mà người ta lại làm phúc tha bổng cho anh trai con bé đâu. Cái Nguyện đã phải bán cả nhà đi để chuộc tội đấy. Cơ mà, chúng nó đánh đau quá, về nhà được đâu mấy hôm thì tao thấy phát tang. Thằng anh nó mất được đâu ba tháng thì nó cưới thằng Hoan. Vợ chồng chúng nó mới nộp tiền chéo hồi tháng trước, ấy thế mà bây giờ lại...

Lần này đến phiên Cảnh nhăn mày. Như vậy nghĩa là anh trai Nguyện đã nhận tội ư? Và nếu chỉ có thế thì chưa đủ để dẫn đến cớ sự hôm nay.

- Tội gì thế bác? - Nặng cỡ nào, phạt bao nhiêu mới phải bán cả nhà đi để chuộc?

Hỏi đến đây lão Kình chợt ngơ ra. Ngẫm một hồi, lão giật mình đập bộp cái mo cau xuống bàn, buột miệng chửi.

- Mẹ cha nhà nó!

Lão già đến lẩm cẩm mất rồi! Sao mà lão lại quên được thằng huyện là dòng thứ ăn cướp cơm chim cơ chứ.

Năm ấy trống đăng văn không vang, công đường không vụ kiện, chẳng ai ngó thấy tờ vi bằng. Vậy thì tội đâu ra mà chuộc? Vả lại, nào có đứa nào ngu đến độ cắp vàng ngay dưới mí mắt quan bà? Phải thế thì lẽ ra thằng anh cái Nguyện đã bị nọc ra ngay giữa sân, đánh cho một trận ngay lúc ấy rồi. Làm sao phải điệu ra cửa quan làm gì cho mất công?

Nhìn biểu cảm của lão, Cảnh chắc mười mươi suy đoán trong lòng mình, chàng ngồi thẳng dậy, nhét túi tiền vào sâu trong tay nải, từ tốn bảo.

- Án chưa thành thì không thể xử. Đây là quan huyện ép bức dân lành, bác có thể kiện lên phủ. Còn về cái chết của cô Nguyện... Bác muốn biết thì có thể đi gặp chồng cô ta.

Ông già còn chưa nguôi cơn kinh hoảng lần nữa ngây ra như phỗng, lão trợn mắt lẩm bẩm:

- Con bé không phải chết vì bị bệnh à? Lại còn gì khuất tất nữa đây? Lẽ nào...

Đoán được những gì lão định nói, chàng lắc đầu, cười đáp.

- Không phải ông huyện giết. Cô ta tự vẫn. - Lời chàng nói ra nhẹ bẫng như lông hồng, thản nhiên đến mức vô tình. - Với cả, để chuộc thân cho anh từ tay ông huyện thì chỉ mỗi tiền thôi làm sao mà đủ?

Trăng tà giờ đã chết rục, gió đêm vần vũ họa mây thành mặt quỷ. Nhìn ánh đèn leo lét chực tắt, trái tim hai cha con lão Kình cũng nương theo như muốn ngừng đập. Đêm tối vây chặt bốn vách nhà, ngột ngạt khiến người ta chẳng tài nào thở nổi. Sấm rền vang dội xuống từ trên đỉnh đầu, dường như người Thiên cung muốn thị huy với những kẻ người trần mắt thịt đương sắp sửa làm ra một tội ác tày đình.

[...] Để đọc tiếp vui lòng truy cập web/app Waka.

Link đọc: https://sangtac.waka.vn/storybook/detail/que-nay-dai-cat-nv6154

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro