Bua an tập thể

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

BỮA ĂN TẬP THỂ

Khi đã về ở, làm việc trong Bắc Bộ Phủ, anh em cấp dưỡng vẫn nấu một nồi to, đến giờ thì Bác cùng xuống ăn với anh em những bữa cơm đạm bạc, như những ngày trong kháng chiến. Anh em giúp việc định nấu riêng cho Bác, nhưng Bác nhất định không đồng ý. Khi đi công tác, kể cả những khi đi thăm ngày Tết… bao giờ Bác cũng bảo chuẩn bị sẵn bữa ăn mang theo. Sau gần 50 năm mới có dịp về thăm quê lần đầu tiên, tháng 6-1957, trong bữa cơm tỉnh Nghệ An mời Bác có Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng dự. Mâm cơm chỉ có mấy món ăn đơn giản, nhưng mỗi món đều được dọn làm 2 bát. Thấy vậy, Bác liền cất bớt, chỉ để mỗi món một bát. Bác bảo: “Ăn hết thì lấy thêm, không ăn hết để người khác ăn, chớ để người ta ăn thừa của mình!. Bữa cơm đó, một nửa số thức ăn vẫn còn nguyên. Riêng có món cà mắm chỉ có một bát nhưng mọi người ăn chưa hết, Bác gắp bỏ vào bát bảo mọi người phải ăn hết để khỏi lãng phí.

Lần thứ hai Bác về thăm quê năm 1961, bữa cơm chiều Bác dặn cả Chủ tịch và Bí thư của tỉnh là Võ Thúc Đồng và Nguyễn Sĩ Quế cùng đến ăn cơm với Bác cho vui, nhưng nhớ là phải mang phần cơm của mình đến. Khi vào bàn ăn, Bác lấy ra gói cơm của Bác có độn ngô và ít thịt rim mặn. Hai cán bộ tỉnh, phần cơm do nhà ăn của tỉnh chuẩn bị được nấu bằng gạo trắng, không độn; thức ăn có cá, thịt, miến… Thấy vậy, Bác hỏi: Các chú ăn như thế này à? Ông Võ Thúc Đồng trả lời: Dạ, thưa Bác. Hôm nay Bác về thăm, cơ quan mới chuẩn bị các món ăn như thế này, còn thường ngày thì không có đâu ạ! Bữa cơm hôm đó, mọi người cùng Bác ăn hết phần cơm độn ngô trước, khi dùng sang phần cơm cơ quan tỉnh mang đến thì Bác xin thôi không ăn nữa…

TRƯỜNG HỌC CỦA BÁC

 Có lần, nhân câu chuyện kể với các bạn trẻ trong Khu Phủ Chủ tịch, Bác Hồ nói: “Các cô, các chú bây giờ đi học có trường, có bàn ghế, có thầy cô, bạn bè, sách vở, giấy bút, có giờ giấc đoàng hoàng. Tối đến có đèn điện, thế mà học một năm không lên được một lớp là không đúng. Ngày xưa, lúc Bác đang tuổi các cô, các chú thì tất cả bàn ghế, thầy, bạn, sách vở, giấy bút chỉ có trong bàn tay này thôi”. Bác giơ bàn tay trái lên nói tiếp: “Hồi ấy Bác làm bồi tàu, làm người quét tuyết ở Anh rồi đi làm phụ bếp. Làm việc từ sáng đến tối, suốt ngày không được cầm đến tờ báo mà xem. Đến đêm mới hết việc, mới được đọc sách, đọc báo. Ban ngày muốn học chỉ có một cách là viết chữ lên mảnh da tay này. Cứ mỗi buổi sáng viết mấy chữ rồi đi cọ sàn tàu, cọ thùng, đánh nồi, rửa bát, thái thịt, băm rau, vừa làm vừa nhìn vào da bàn tay mà học. Hết ngày, người thì mồ hôi đầm đìa, chữ cũng mờ đi, cuối buổi đi tắm mới xoá được chữ ấy đi. Coi như đã thuộc. Sáng mai lại ghi chữ mới”.

Sách Hồ Chí Minh, đồng chí của chúng ta gồm nhiều hồi ký của các bạn Pháp viết, Nhà xuất bản Xã hội Pari in năm 1970 có trích một đoạn Bác trả lời phóng viên A.Kan (báo Nhân Đạo của Đảng Cộng sản Pháp) như sau: “Tôi không có hạnh phúc được theo học ở trường đại học. Nhưng cuộc sống đã cho tôi cơ hội học lịch sử, khoa học xã hội và ngay cả khoa học quân sự. Phải yêu cái gì? Phải ghét cái gì? Cũng như tôi, tất cả người Việt Nam cần phải yêu độc lập, lao động, Tổ quốc”.

“Tất nhiên không phải riêng tôi mà toàn thế giới đều kính trọng những nhà báo chân chính. Tôi cũng có thời gian học làm báo, cũng có thời gian tôi bỏ ngòi bút, cầm súng để chống lại kẻ thù, chống lại chủ nghĩa thực dân. Khi tôi còn ở Pháp, khi còn biết ít tiếng Pháp tôi đã là Tổng biên tập, biên tập và phát hành cả một tờ báo”.

Bác thường nói với cán bộ: “Học thêm được một thứ tiếng nước ngoài coi như có thêm một chìa khoá để mở thêm một kho tàng tri thức. Việc học là việc suốt đời”.

ĐI THĂM MIẾU KHỔNG TỬ

Ngày 19-5-1965, nhân lúc đang thăm Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến quê hương Khổng Tử. Hai giờ chiều, trong bộ quần áo lụa Hà Đông, Bác Hồ thong thả bước vào Khổng phủ trang nghiêm, cổ kính. Bác kể cho các cán bộ cùng đi: “Cho đến năm 1937, Khổng Đức Thanh là lớp con cháu đời thứ 77. Bố Khổng Tử có ba vợ. Khổng Tử là con vợ thứ ba. Khổng Tử lấy vợ sinh con là Khổng Lý... Đời Tống, Nguyên, Thanh đều góp của, góp công sửa sang Khổng phủ, Khổng miếu... Điều đó chứng tỏ học thuyết Khổng Tử từ lâu thành hệ tư tưởng chính thống, có sức sống qua nhiều thời đại. Chúng ta không gạt bỏ tất cả mà phải chọn lọc, tiếp thu những cái tốt đẹp nhất để làm giàu cho mình, cho con cháu mình....”. Đứng dưới gốc cổ thụ ở Khổng miếu mà nghe nói chính tay Khổng Tử trồng, cách đây 2.400 năm, Bác nói, giọng trầm lắng: “Khổng Tử là người chủ trương quyền bình đẳng về của cải và sự công bằng trong đời sống. Câu “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng” mà Bác trích là từ câu của Khổng Tử: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng. Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên. Đã công bằng thì không nghèo, đã hoà mục thì không thiếu, lòng dân đã yên thì không sợ nghiêng đổ”. Rời Khổng miếu, sang Khổng Lâm, dạo bước dưới bóng cây cổ thụ, Bác Hồ lại tiếp tục nói chuyện. Bác nhắc đến chữ “nghĩa chiến” của Mạnh Tử trong sách “Khổng học đăng” chính là chiến tranh nhằm mục đích nhân nghĩa, Bác nói: “Khổng Tử thường nêu “dân vi bang bản” (dân là gốc của nước) hoặc “quốc dĩ dân vi bản” (nước lấy dân làm gốc)...”. Gần ba giờ vừa đi xem cảnh, vừa nói chuyện, đến năm giờ chiều, Bác cùng đoàn cán bộ lên xe lửa về Tế Nam. Ngồi trên tàu, nhìn nắng chiều nhạt dần trên triền núi mờ xa, Bác đọc bài thơ chữ Hán vừa làm: Thăm Khúc Phụ :

“Mười chín tháng năm thăm Khúc Phụ

Miếu xưa vẫn dưới bóng tùng xưa

Uy quyền họ Khổng giờ đâu nhỉ?

Lấp loáng bia xưa, chút ánh tà”.

BIỂN CẢ DO CÁI GÌ TẠO NÊN?

Năm 1968, các ông Hà Huy Giáp, Lê Xuân Đồng, Phan Hiền được Bác Hồ mời đến trao đổi về việc biên soạn lại sách “Người tốt - Việc tốt”.

Bác chỉ chồng tài liệu cao gần nửa mét trên bàn và cho biết đó là những bài báo và báo cáo viết về hơn bốn nghìn người được Bác thưởng huy hiệu trong mấy năm qua. Bác đã sắp xếp lại thành 18 tập. Nếu kể cả tập thứ 19 đang làm dở dang thì số người được Bác khen đã lên tới năm nghìn.

Những tập tài liệu đều đóng bìa vở học sinh, giấy nền bên trong là giấy báo cũ. Những bài báo và báo cáo về Người tốt - Việc tốt được cắt dán cẩn thận trên giấy báo. Bài nào cũng mang bút tích của Bác bằng mực đỏ hoặc bút chì đỏ, ghi rõ tặng một hay mấy huy hiệu.

Bác nói đùa:

- Như thế là đã thành Bách khoa toàn thư rồi đấy. Từ đó, các chú chọn ra những tấm gương nào cần viết lại trước và viết cho thật tốt, để mọi người có ý thức làm theo, và làm hơn thế.

Bác trao cho ông Giáp mấy tờ giấy đánh máy ghi rõ mỗi ngành, mỗi giới, mỗi địa phương có bao nhiêu người được khen thưởng. Bác phê bình một số cán bộ lãnh đạo mải làm công tác sự vụ hơn là để tâm sức xây dựng con người mới…, cho nên không chịu theo dõi việc làm hàng ngày của quần chúng nhân dân… và hỏi:

- Hình như các chú cũng chưa coi trọng những việc nhỏ như thế?

Không đợi trả lời, Bác nói tiếp:

- Các chú có biết biển cả do cái gì tạo nên không? Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối, thành sông, rồi thành biển. Một pho tượng hay một lâu đài cũng phải có cái nền mới đứng vững được. Nhưng người ta dễ nhìn thấy pho tượng và lâu đài mà không chú ý đến cái nền. Như thế thì chỉ thấy ngọn mà quên mất cái gốc.

Ngừng một lúc, Bác nói tiếp:

- Bác chỉ muốn nhắc nhở các chú một điều: Chớ bỏ qua những việc mà các chú tưởng là tầm thường. Nếu cứ ngồi kể lại những gương Người tốt - Việc tốt thì kể mãi cũng chẳng hết được. Tất cả những việc làm như vậy đều nói lên tinh thần yêu nước, đạo đức trong sáng, thuần phong mỹ tục của nhân dân ta. Chúng ta đánh giặc và xây dựng mỹ tục của nhân dân ta. Chúng ta đánh giặc và xây dựng xã hội mới bằng những việc làm muôn hình muôn vẻ của hàng chục triệu con người như thế, chứ không phải chỉ bằng thành tích nổi bật của một số cá nhân anh hùng…

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro