1.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy."
"Đất nước" - Nguyễn Đình Thi.

_

Lý Đế Nỗ là người Hà Nội chính gốc. Gia đình nó sống chen chúc trong một căn nhà khoảng chục mét vuông ở phố Hàng Bài. Tường nhà nó ố mèn, rêu phủ thành từng mảnh xanh rờn.

Bố nó làm thầy dạy chữ, mẹ nó có gánh hàng rong đầu phố.

Mấy năm nay, tình hình trong miền Nam đã đến giai đoạn căng thẳng. Đêm đêm nó hay nằm vắt tay lên trán suy nghĩ, bên tai văng vẳng tiếng đánh vần của các cụ già học chữ. Nó nghĩ đến chuyện nhập ngũ, dù gì cũng đến tuổi rồi.

Một buổi sáng sớm năm 67, khi bố nó đang ngồi trên bậc thềm trước cửa, còn mẹ nó đang chất đồ lên gánh hàng rong, Đế Nỗ đứng tần ngần giữa nhà, nuốt nước bọt đánh "ực" một cái rồi dõng dạc thông báo.

"Bố, con muốn đi bộ đội."

Bố nó chỉ liếc một cái, cũng không bất ngờ lắm. Thanh niên thời nay dạn lắm. Thằng Tý nhà hàng xóm, lớn hơn Đế Nỗ nhà mình mấy tuổi, người xơ xác như con cá mắm, thế mà cũng đi được mấy năm rồi, giờ còn đang dẫn dắt một trung đội kia kìa.

"Phải cẩn thận, nhớ viết thư gửi về." - Bố nó vừa giở sang trang báo mới, vừa dặn.

Còn mẹ nó thì lại ngần ngừ, muốn nói lại thôi.

Nó thở phào một cái. Thực ra, Đế Nỗ tính hết cả rồi. Để phòng trường hợp bố mẹ không cho đi, nó đã đi đăng ký từ chiều hôm qua. Đơn cũng nộp rồi, kiểm tra sức khoẻ cũng xong xuôi. Lỡ bố mẹ không cho thì cũng đâu còn đường lui, vì chuyện nó đi đã chắc như đinh đóng cột, chỉ thông báo lên đường nữa là xong.

Tối đó, mẹ nó vào phòng nó. Ánh đèn dầu nhờ nhờ, lập loè chiếu sáng cái góc nhỏ của nó. Mẹ nó ngồi một hồi lâu, ngắc ngứ mãi rồi mới thò tay vào túi áo, lấy ra một chiếc vòng cổ bằng bạc.

"Của ông ngoại. Xưa ông mất khi ra trận, để lại mỗi cái này. Con cầm lấy, ra trận mang theo bên người", để nhỡ có hy sinh thì gia đình có cái còn nhận biết. Vế sau mẹ nó không nói, nhưng nó hiểu.

Thực ra, nó biết nỗi lòng của mẹ. Có người mẹ nào lại nỡ để con mình đến cái nơi mưa bom bão đạn, sống chết trong gang tấc như vậy chứ. Nhưng nếu cứ giữ con ở nhà mãi, thì thật hổ thẹn, hổ thẹn với lòng, hổ thẹn với Tổ quốc.

-

Sáng hôm sau, Đế Nỗ lên đường.

Sương mờ vẫn còn đọng trên lá. Mặt trời chưa hé sau những đám mây. Mẹ nó đứng trước cửa, mắt đỏ hoe. Bố ôm vai mẹ, nheo mắt nhìn bóng dáng nó xa dần.

Lý Đế Nỗ nắm chặt góc áo. Không được quay lại. Không được khóc. Không được chết.

-

Đường dài gập ghềnh khó khăn, nó ngồi bẹp dí phía sau thùng xe, một tay ôm chặt cái ba lô trước ngực, tay còn lại khua khoắng lung tung hòng tìm một điểm tựa để bám víu, không thì sẽ nó sẽ văng ra đường lúc nào không hay.

Đi cả tháng cuối cùng cũng đến nơi. Đường lổm nhổm đầy đất, đầy đá, đầy hố bom. Trai thủ đô thư sinh như nó giờ đây cũng đã cứng cỏi hơn nhiều rồi. Thấy bom rơi, pháo nổ không còn sợ sệt, đêm ngày dầm dãi mưa nắng cũng đã tôi luyện nó thành một người rắn rỏi hơn.

Đến nơi là buổi trưa, trời nắng chang chang, không môt gợn mây.

Đế Nỗ nheo nheo mắt nhìn xung quanh, không có một bóng cây. Bom đã làm trụi cả một mảnh đồi. Cát bụi lẫn lộn hoà vào nhau, mùi xăng, mùi dầu, mùi sắt thép trộn trong không khí.

Đế Nỗ đi cùng với vài cậu lính mới nữa, cả lũ đứng tần ngần ra đấy, đứa nào cũng lơ nga lơ ngơ trông đến buồn cười. Mãi một lúc sau mới có người đến. Anh ta có dáng người thấp, gầy, có khuôn mặt rất hiền. Giọng the thé, nói một câu dài, nghe như chim hót, ngọng líu lo. Đế Nỗ nghe xong phải mất năm bảy giây để hiểu.

Anh ta giới thiệu mình tên Thái Nhất, còn lại Đế Nỗ chả nhớ gì sất, vì có nghe hiểu được đâu. Anh ta dẫn cả đám lính mới các cậu đi lòng vòng một hồi, cuối cùng dẫn đến một túp lều lụp xụp, đứng ở ngoài nói vọng vào:

"Thái Dung, đến rồi!"

Thái Dung ư? Đó không phải là...

"Vào đi." Bên trong vọng ra tiếng nói đanh thép, nghe có phần mệt mỏi.

Một đám người lục tục đi vào, làm căn lều vốn chỉ bé bằng cái lỗ mũi nay càng chật chội hơn.

Thái Dung quay người, đã nhận ra Đế Nỗ, ánh mắt lướt qua những gương mặt non nớt trước mắt. Hắng giọng, anh nói: "Tôi là Thái Dung, trung đội trưởng trung đội 7. Nhận được chỉ huy từ cấp trên, tôi sẽ tiếp nhận các đồng chí, phân công bổ sung vào các tiểu đội. Các đồng chí nghe rõ: Đồng chí Hạo, đồng chí Đông Anh vào tiểu đội 2, Đồng chí Du Thái... còn lại các đồng chí.." Thái Dung dừng một lúc, đọc nốt mấy cái tên, "Đế Nỗ, Thần Lạc và Chí Thành, vào tiểu đội 5. Rõ chưa?"

Tất cả đồng thanh kêu "rõ" một tiếng vô cùng rõng rạc. Thái Dung ngẩng đầu, gọi với ra ngoài, "Thái Nhất, anh cho các tiểu đội trưởng vào đi."

Phía bên ngoài lại có tiếng sột soạt, một lát sau, vài người lại đi vào. Chúng nó phải đứng ríu vào nhau hòng để đủ chỗ cho cả đám.

Từng người giới thiệu, Đế Nỗ đợi mãi mới đến tiểu đội của mình. Anh ta cao ngang Đế Nỗ, có lẽ cao hơn một chút, mắt rất sáng, lông mày dựng lên, mặt mũi lấm lem, từ lúc vào đến giờ lúc nào cũng mỉm cười, trông có vẻ là người dễ mến.

"Báo cáo, tôi tên Lý Minh Hưởng, hiện tại là tiểu đội trưởng tiểu đội 5, rất hân hạnh được đón tiếp các đồng chí!"

Xong xuôi, Lý Thái Dung phất phất tay cho mọi người về với tiểu đội của mình. Trước khi đi anh lén vỗ vai Đế Nỗ một cái, như động viên tinh thần nó.

Lý Đế Nỗ và hai người mới cùng Minh Hưởng đi về lều nghỉ ngơi của bọn họ. Trong đó đã có ba người ngồi sẵn, mặt ai cũng khó đăm đăm.

"Nào, mọi người làm quen với nhau chút đi. Từ giờ mọi người sẽ là đồng đội của nhau, mấy đứa phải giúp đỡ nhau đấy nhé." Minh Hưởng nói với bọn họ.

"Thằng da đen này là Lý Đông Hách, người Thái Bình, thằng lùn này tên Tuấn, người Hải Phòng. Còn thằng kia là Tại Dân, người Ninh Bình."

Sao bảo kêu tự giới thiệu với nhau? Ba người kia chưa kịp mở mồm, Lý Minh Hưởng đã tranh lời mà giới thiệu hộ.

Nói xong, lại chưa kịp để ba người mới tự nói. Lý Minh Hưởng đã nhanh nhảu làm hộ: "Đây, người Hà Nội, thủ đô đó, tên Lý Đế Nỗ. Kia, người da trắng trắng kia tên Thần Lạc, là người Hoa mà bố mẹ ông bà di cư sang đây sớm, nói tiếng Việt sõi lắm. Còn nhóc cao kều này là Chí Thành, thấy không? Người ta mới 15 thôi đó, chẳng bù cho anh em mình, đều già hết rồi..."

"Lý Minh Hưởng ông nói ít thôi có được không hả? Tính ra nãy giờ chúng tôi chưa nói được với nhau câu nào luôn đó! Ông thích thì ra kia mà bô bô với mấy chị bên sư đoàn lái xe!" Đông Hách gào lên, không chịu được mà ngắt lời Minh Hưởng.

Lý Minh Hưởng, đường đường là tiểu đội trưởng, bị thằng em mắng lại không phản bác mà chỉ gãi gãi đầu cười hề hề.

Thằng Tuấn đứng cạnh tặc lưỡi một cái rõ to. "Thôi, thế coi như biết nhau rồi, ngồi xuống hết cả đi."

Nói rồi cả đám ngồi trên cái sạp trong góc (cũng là cái sạp duy nhất).

"Chú người Hoa hả?" còn chưa ngồi ấm mông, Tại Dân đã hất mặt hỏi Thần Lạc. Nó sợ không phải người Việt máu đỏ da vàng thì sẽ không cống hiến hết mình, sợ phản bội. Đã ra trận, đồng đội phải tin tưởng nhau hết mình, không được có bất kì khúc mắc nào.

"Dạ không, không, không phải như thế." Thần Lạc xua tay lia lịa. "Ông bà bố mẹ em là người Hoa thật, nhưng đã ở đây lâu rồi. Em giờ là người Việt Nam rồi, em, em thậm chí còn không biết nói tiếng Trung đâu." Nó nuốt nước bọt ực một cái, rồi là phân bua tiếp, "Em, em còn biết hát quan họ, biết, biết chào cờ nữa! Em thề, em là người Việt!"

"Chưa đánh đã khai lắm thế, được rồi được rồi, chú là người Việt, người Việt chính gốc, được chưa?" La Tại Dân cười phì một cái. Gật gật đầu ra vẻ hài lòng.

Lý Đế Nỗ nghe thấy Thần Lạc len lén thở phào một cái. Như thể sợ chỉ cần nói mình biết tiếng Hoa một cái thôi là Tại Dân kia sẽ lôi đầu nó ra dí vào hố bom ngay tắp lự.

"Mọi người khai rõ lý lịch tí đi. Đế Nỗ, chú đấy, chú nói về Hà Nội tí xem. Anh là anh chưa bao giờ ra đó đâu?" Đông Hách hất cằm.

Lý Đế Nỗ nhíu mày, người này nói chuyện như dân anh chị vậy. "Thì, Hà Nội cũng có vậy thôi à.. À chỗ đầu ngõ nhà tôi có chị kia có gánh phở ngon lắm. Nước dùng ngon lắm, mà rẻ nữa, một bát được múc đầy lắm..." Nói đến đây lại không biết nói gì. Thật tình, trong mười bảy năm cuộc đời nó, nó đã bao giờ chui ra khỏi góc nhà nó đâu. Quanh đi quẩn lại đi có từ đầu đến cuối phố. Học thì bố dạy, ăn uống thì mẹ nấu, bạn bè thì chỉ có hàng xóm chung quanh. Chưa bao giờ phải đi ra ngoài con phố của nó cả.

"Nói thế thì chỗ tao cũng có chị bán phở ngon nhé!" Nhân Tuấn xì một cái.

Lý Đế Nỗ thấy người này cũng nói chuyện giống dân anh chị vậy.

"Hoàng Nhân Tuấn, Lý Đông Hách, bớt bớt cái mồm lại! Sợ người ta không biết mình vô học hay gì!" Tại Dân gắt hai đứa kia.

"À, kể mấy đứa nghe. Hai đứa này trước gia nhập cùng nhau đó. Mỗi thằng dân xã hội một nơi. Hai thằng đầu đường xó chợ, nghe anh Thái Nhất kể, hội thằng Tuấn với thằng Hách đánh nhau, choảng nhau giữa chợ, bị mấy anh bộ đội về nghỉ phép bắt gặp, thế là bị bế lên phường, nhét vào đi lính. Bảo là, đánh nhau hăng thế này không đi đánh tụi Mỹ thì phí cả của giời. Thế là hai nhóc này gia nhập, còn vào trước cả anh nữa!" Lý Minh Hưởng hăng hái kể.

"Ông anh này thiệt tình... Không có bí mật nào lại được với ông hết." thằng Hách lầm bầm.

Lý Đế Nỗ tự nhủ, mắt nhìn người của mình không sai thật, hoá ra hai người kia đúng là dân chợ búa. "Mà... mấy đằng ấy bao tuổi đó?" Xưng anh xưng tao không ngượng mồm hả, còn chưa biết tuổi nhau.

"Tụi tao năm nay 17, mấy người nhiêu?"

"Tôi cũng 17 đó." Đế Nỗ nhìn thẳng vào mắt Đông Hách, ý bảo là, nói chuyện hẳn hoi lại, ai đời lại đi xưng mày tao.

"Ơ, vậy cứ xưng mày tao đi cho thoải mái!" Nhân Tuấn hồn nhiên đáp.

"..."

"Còn nhóc thì sao? Thằng Thành thì nãy anh Hưởng giới thiệu rồi." La Tại Dân quay sang hỏi Thần Lạc.

"Dạ.. em mười sáu." Nó bẽn lẽn trả lời.

"Trẻ quá ha. Tính ra tụi mình là tiểu đội trẻ nhất trung đoàn đó. Mấy bên kia toàn hăm mấy, có người đang học Bách Khoa thì bỏ ngang đi ra trận đó!" Minh Hưởng há mồm "uầy" một cái rồi vỗ đùi cái "bép", ra vẻ tự hào lắm.

"Anh, vậy việc của mình ở đây là gì?" Thằng Thành nãy giờ chưa nói câu nào đột nhiên hỏi.

"Ờ ha, nãy giờ mải nói chuyện, anh quên chưa bảo." Hai thằng Đông Hách Nhân Tuấn lại thay nhau tặc lưỡi vài cái, phát chán với ông tiểu đội trưởng này rồi. "Vốn dĩ nhiệm vụ của mình ban đầu là vào miền Nam, nhưng mới mấy ngày trước thôi, nghe bảo là bên trên tít trên kia đang ấp ủ một chiến dịch mới, chúng ta sẽ được tham gia. Vậy nên anh Thái Dung cho dừng ở đây, chờ chỉ thị từ cấp trên, tạm thời có gì làm đó. Chăm sóc thương binh, rồi dẹp đường, mở đường, phá bom,.. làm hết. Tiểu đội mình được phân dẫn đường cho xe tránh bom. Trước, vốn dĩ việc đó là của các chị bộ đội mở đường. Nhưng tụi Mỹ thả bom nhiều quá, các chị không bị thương thì cũng hy sinh nhiều vô kể..." Nói đến đây Lý Minh Hưởng lại hơi buồn buồn. Không riêng gì các chị ấy, thằng nhóc dù mới tham gia chiến tranh chưa được bao lâu, đã chứng kiến vô vàn người ngã xuống. Ở đây một ngày tiếp nhận bao nhiêu chuyến xe chở thương binh, người cụt tay, người cụt chân, người bị mảnh bom cắm giữa lồng ngực, bao nhiêu là đau thương.

"Thôi, giờ mình cố mà làm. Mấy người chuẩn bị đứng dậy ra đầu đường đón xe chở lương thực tiếp tế đi, giờ này chắc là sắp tới rồi đó." Minh Hưởng cầm mũ, đứng dậy trước.

Rồi lục tục sau đó, cả đám kéo nhau ra đầu đường, đứng nhìn đoàn xe đang nối đuôi nhau kéo về từ xa xa.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro