BÚP BÊ HÁT CHO BẾP LỬA HỒNG

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Một giả thuyết về câu chuyện của Taehyung khi bà cậu ấy mất


Mãi đến sau này, trong kí ức của tôi vẫn luôn thấp thoáng hình ảnh một người bà với gánh bún mắm cũ kĩ nâng niu từng tô bún mang cả tấm lòng của bà cùng đứa cháu loắt choắt chạy theo sau luôn miệng hỏi han.


________________________________________________________________________________


Tô mì gõ nóng hổi từ bàn tay đã lắm đồi mồi của bà truyền sang tay tôi, cái hơi nóng thơm lừng hắt lên mặt tôi đột ngột như cái nắng Sài Gòn khi chiều xuống. Lập tức, tôi nhanh chân đem ra cho khách kèm theo một cái cúi đầu nhẹ và nụ cười thật tươi. Bà đã dạy tôi điều đó. Bà nói phép lịch sự rất quan trọng, nhất là đối với khách hàng. Khi đó họ sẽ đến ăn quán của bà nhiều hơn và hai bà cháu sẽ có một khoảng tiền để mua bánh kẹo. Tôi thật sự không nghĩ người ta đến quán nhiều hơn dựa vào thái độ của tôi, mà là cái mùi hương đặc trưng trong tô bún bà nấu. Nhưng tôi vẫn làm theo, vì bà dạy thế.

Chiều nào cũng vậy, sau khi tiếng chuông trường vừa dứt trong khi chúng bạn tôi ùa vào vòng tay bố mẹ, tôi lại theo lối quen thuộc băng qua ngã tư đường. Giữa dòng người tấp nập, tôi đã thấy dáng người cao gầy của bà kế bên gánh bún có phần xập xệ, tay chắp đằng sau lưng, mắt đăm chiêu xa xăm như đang suy nghĩ lung lắm về điều gì. Những lúc đó, cái tính nghịch ngợm trong tôi lại nổi lên khiến tôi tìm cách xuất hiện sao cho bà bất ngờ, để rồi bị bà bắt quả tang khi chỉ còn cách vài bước. Bà sẽ hôn tôi, cù cho tôi cười phá lên giữa cái nắng oi ả đầy khói bụi, rồi dắt tôi len qua những đám đông ồn ào với xe mì còn đầy, tìm góc đường thân thuộc để chốt phanh đến tối mịt. Tất cả những điều đó được thiết lập như thói quen của hai bà cháu kể từ ngày tôi cắp sách đến trường. Một quãng thời gian đầy bình yên.


________________________________________________________________________________


Nằm gác tay lên trán nghỉ ngơi sau một ngày làm việc miệt mài, tôi nhớ những buổi tối trăng sáng rực trời cùng bà húp tô mỳ gõ lề đường. Bỗng dưng tôi cảm thấy bản thân thật vô tâm. Tôi bận rộn đến nỗi quên mất cả bà, được bao lâu rồi nhỉ ? Để rồi khi đứng trên đỉnh cao của sự nghiệp, tôi lại làm mất đi cả tuổi thơ quý giá của mình. Nhìn lại, những bước đầu tôi quyết tâm làm việc cật lực vì đâu ? Vì bà. Bà đã mong có một quán bún tươm tất hơn cái gánh tạm bợ, tôi đã muốn giúp bà như thế. Sao giờ tôi lại thành một đứa cháu tồi tệ thế này ? Tôi sẽ sống tiếp ra sao nếu thiếu bà đây ? Những giọt nước mắt lăn dài trên má cũng chẳng thể rửa trôi được tội lỗi thân này. Ngước nhìn trời cao, xin ông hãy cho tôi hình phạt thích đáng.

Hương sông thổi bay tâm trí tôi lền bền giữa đêm khuya tĩnh lặng. Nỗi đau nặng trĩu dần kéo tôi xuống vực sâu. Với phần tâm trí đặc quánh, tôi tìm kiếm một cảm giác giúp tôi tỉnh trí trở lại. Và cơ thể tôi trở nên nhẹ tênh trong không khí lạnh lẽo, cơn lạnh vô cảm trói buộc lấy trái tim héo khô. Bất chợt, kỷ niệm trước kia như một thước phim tua ngược chạy qua đầu tôi. Một bàn tay ấm áp kéo tôi dậy. Trời trông như đã xế chiều, tôi thấy bà ngồi cạnh mình.

Chúng tôi ra nhà thờ gần nhà vừa ăn xế vừa ngắm cá vàng bơi. Nhìn bà đút mình từng muỗng cơm, tôi thổn thức trong im lặng. Lạ thay, chẳng hề có một giọt nước mắt nào rơi. Tôi vu vơ hỏi "Bà bao nhiêu tuổi rồi thế ?".

"Bà 99 rồi bé ạ." Bà đáp.

"Bà nói dối con !" Tôi nhăn mũi.

"Thiệt mà. Sao Taehyung không tin bà, hử ?" Bà cười và xoa đầu tôi. "Bà 99 tuổi rồi. Bà sắp 100 rồi. Nhiều chưa ~"  Bạn có tin không ?  

Trên đường về, bà kể cho tôi một câu chuyện lạ. Tôi chưa từng nghe từ bà câu chuyện đó trước đây. Bà kể rằng: Ở một nơi nào đó xa thật xa, có một thành phố, tên là Omelas. Người dân Omelas cũng không khác gì chúng ta. Nhưng vấn đề là chúng ta thì có một thói quen xấu, lại được khuyến khích bởi những nhà thông thái rởm và những kẻ ngụy biện xảo trá, về việc coi hạnh phúc là một thứ có phần ngu xuẩn. Chỉ có nỗi đau mới là hiểu biết, chỉ có quỷ dữ mới thú vị bội phần. Đó chính là cách làm phản của người nghệ sĩ: phủ nhận sự thầm thường của ác ma và nỗi buồn tẻ khủng khiếp của nỗi đau. Nếu không tránh được thì hãy cố tận hưởng chúng. Nếu đau thì hãy cho càng thêm đau. Nhưng tán dương nỗi tuyệt vọng nghĩa là kết án niềm vui, ghì chặt lấy bạo lực nghĩa là tự đánh mất đi sự thấu hiểu vạn vật. Chúng ta đã gần như mất đi sự thấu hiểu đó, chúng ta không còn có thể miêu tả một con người đang hạnh phúc, cũng như không thể tán thưởng niềm vui được nữa. Đối với người dân nơi đây, niềm thỏa mãn lớn lao vô bờ, một chiến công cao quý không đến từ trận đối đầu với thù địch ngoài kia, mà đến từ sự đồng cảm với những tâm hồn trong sáng và ngay thẳng nhất của tất thảy mọi người cùng vẻ đẹp lộng lẫy của mùa hè. Đây chính là điều luôn neo đậu nơi trái tim của người dân Omelas, và chiến thắng mà họ ngợi ca là chiến thắng của sự sống.

Tôi sẽ kể cho bạn nghe về những con người ở Omelas thế nào đây? Họ không phải những đứa trẻ vui tươi khờ khạo – dù con họ, trên thực tế, đang hạnh phúc. Họ là những người trưởng thành, thông minh, đầy đam mê, những người sống một cuộc sống không hề khổ sở bất hạnh. Nhưng người dân nơi đây chẳng phải những người đơn giản, dù họ hạnh phúc. Họ không động đến đao kiếm hay dùng nô lệ. Họ chẳng hề là những kẻ man rợ thô lỗ. Tôi không biết về luật lệ và quy định trong xã hội của họ, nhưng tôi đồ rằng chúng ít đến không ngờ. Vì nơi đây không hề theo chế độ quân chủ và nô lệ, họ sống mà không cần trao đổi hàng hóa, quảng cáo yết thị hay cảnh sát ngầm, hay là bom. Nhưng tôi nhắc lại, rằng họ không hề đơn giản, không hề là những con chiên ngoan hiền, hay những người man khai lương thiện, hay những người duy tâm dịu dàng. Họ không hề kém phức tạp hơn so với chúng ta.

Bạn tin được không ? Hãy để tôi nói thêm một điều nữa nhé.

Nơi tầng hầm dưới một tòa nhà công xinh đẹp của thành phố Omelas, hay có lẽ là trong hầm chứa của một ngôi nhà riêng rộng rãi, có một căn phòng. Một căn phòng bị khóa kín và không có cửa sổ. Một tia sáng chui vào cửa sổ vướng đầy mạng nhện ở bên kia hầm, rồi tiếp tục len qua những vết nứt đầy bụi bặm của tấm ván. Trong một góc của căn phòng có một vài cây lau sàn, với phần đầu cứng đơ, vón cục đầy mùi hôi thối, dựng cạnh một cái xô rỉ ngoèn. Sàn nhà thì bẩn, ẩm thấp, như những căn hầm bẩn thỉu thông thường. Căn phòng chỉ dài ba và rộng hai bước chân: một căn phòng đơn thuần chỉ để chứa chổi hay những vật dụng không còn sử dụng nữa. Trong căn phòng ấy có một đứa trẻ đang ngồi, có thể là trai, cũng có thể là gái. Trông có vẻ như sáu tuổi, nhưng thực ra đã gần mười. Nó bị thiểu năng. Có lẽ từ khi sinh ra nó đã có khiếm khuyết, hoặc có lẽ nó trở nên khờ dại ngu ngơ vì sợ hãi, suy dinh dưỡng và bị bỏ rơi. Nó ngoáy mũi và đôi khi hí hoáy tay chân, hay có lúc động vào bộ phận sinh dục một cách ngờ ngệch, và nó ngồi chồm hỗm trong góc cách xa cái xô và hai cái giẻ lau nhất có thể. Nó sợ cây lau nhà, nó nghĩ chúng thật ghê rợn. Nó nhắm nghiền đôi mắt, nhưng nó biết những cây lau nhà ấy vẫn ở đó mà thôi; và cửa thì bị khóa, sẽ chẳng ai đến cả. Cửa luôn bị khóa như thế, và chưa từng có ai đến thăm, trừ vài lần – vì đứa trẻ không hề còn chút nhận thức về thời gian và khoảng cách – vài lần khi cánh cửa rung lắc dữ dội và mở ra, rồi có một hay vài người đứng đó. Một trong số họ tiến lại và đá đứa bé cho nó đứng dậy. Những kẻ khác thì không bao giờ lại gần, nhưng nhìn chằm chằm vào nó bằng ánh mắt ghê tởm và khiếp đảm. Bát đựng cơm và ca nước được đổ đầy, rồi cửa lại khóa, và những ánh mắt ấy cũng khuất xa. Những người ngoài cửa chẳng bao giờ nói câu gì, nhưng đứa trẻ, không phải từ đầu đã ở trong căn phòng đó, có thể nhớ rõ ánh mặt trời và giọng nói ngọt ngào của mẹ, đôi khi sẽ cất lên tiếng than yếu ớt. "Con sẽ ngoan mà," nó nói. "Làm ơn cho con ra khỏi đây. Con sẽ ngoan mà!" Và họ chẳng trả lời. Đứa bé đã từng la hét cầu cứu suốt đêm, và khóc lóc cầu xin ơn huệ, nhưng giờ đây nó chỉ phát ra tiếng rên "ư ư, a a," và càng ngày, nó càng trở nên kiệm lời. Nó rất gầy và cẳng chân thì không có chút bắp thịt nào, bụng nó nhô ra, mỗi ngày nó chỉ ăn nửa bát ngũ cốc với mỡ. Nó chẳng mặc gì trên người. Mông và đùi thì đầy vết mưng mủ đau đớn, và nó cứ tiếp tục ngồi lên đống phân của chính mình.

Họ đều biết nó ở đó, tất cả những người ở Omelas đều biết. Có vài người đến nhìn nó, vài người khác thì đơn giản chỉ là biết nó ở đó. Họ đều biết rằng nó phải ở đó. Có những người hiểu lý do tại sao, có những người không, nhưng họ đều biết rằng hạnh phúc của họ, hay sự xinh đẹp của thành phố này, sự ân cần của tình bằng hữu, hay sự khỏe mạnh của con cái họ, sự thông thái của những nhà học giả, hay sự lành nghề của những người thợ, thậm chí sự bội thu của mùa màng và sự thuận hòa của thời tiết, đều hoàn toàn phụ thuộc vào sự khốn khổ đến rợn người của đứa bé đó.

Những đứa trẻ thường sẽ được giải thích về điều này khi chúng khoảng tám đến mười hai tuổi, bất cứ lúc nào chúng có khả năng thấu hiểu, và phần lớn những người đến xem đứa bé kia đều là thanh niên, dù người lớn cũng thường xuyên đến, hay quay trở lại để nhìn đứa bé. Không cần biết việc này được giải thích tốt đến thế nào, những khán giả trẻ tuổi ấy luôn bị sốc và phát ốm với cảnh tượng họ nhìn thấy. Họ cảm thấy ghê tởm, vì họ đã cho rằng bản thân mình cao quý hơn. Họ cảm nhận được cơn nóng giận, nỗi sỉ nhục và sự bất lực dù có được giải thích thế nào. Họ muốn làm gì đó cho đứa bé, nhưng họ chẳng thể làm được gì cả. Hẳn sẽ tốt đẹp biết bao nếu đứa trẻ được đưa ra ngoài ánh mặt trời, thoát khỏi nơi tồi tàn đó, nếu nó được tắm rửa sạch sẽ, được cho ăn và vỗ về chiều chuộng. Nhưng nếu làm điều đó, tất cả những phồn vinh, đẹp đẽ và tươi vui của Omelas sẽ úa tàn và bị hủy diệt ngay trong ngày. Đó chính là những điều kiện. Đánh đổi sự tốt đẹp và yên bình của từng người dân ở Omelas cho sự tốt đẹp nhỏ bé ấy: ném đi hạnh phúc của hàng ngàn người cho cơ may hạnh phúc của một người: đó cũng sẽ là lúc họ thừa nhận rằng họ có tội.

Điều kiện rất hà khắc và phải tuyệt đối tuân thủ, thậm chí không một lời nói ân cần nào được nói ra với đứa bé.

Thường thì những người trẻ tuổi sẽ trở về với khuôn mặt đong đầy nước mắt, hay sự phẫn nộ tuôn trào khi họ nhìn thấy đứa trẻ và đối mặt với thứ nghịch lý khủng khiếp ấy. Họ có thể nghiền ngẫm về điều đó hàng tuần hay hàng năm trời. Nhưng thời gian trôi đi khi họ dần nhận ra rằng cho dù nếu đứa trẻ được thả ra, chưa chắc sự tự do sẽ tốt cho nó: đương nhiên nó sẽ cảm thấy chút thỏa mãn mơ hồ về hơi ấm và thức ăn, nhưng tất cả chỉ có vậy. Nó đã trở nên quá ngu ngơ để biết được thế nào là niềm vui đích thực. Nó đã sống trong sợ hãi quá lâu để thoát khỏi bóng ma kìm kẹp ấy. Những thói quen nó có đã khiến nó trở nên quá vụng về để có thể tiếp nhận sự đối xử nhân đạo. Thật vậy, sau một thời gian quá dài, nó chắc chắn sẽ khốn đốn khi không còn bốn bức tường bao quanh bảo vệ, rồi bóng tối đã trở nên quen mắt, và cả đống phân nó ngồi lên. Những giọt nước mắt rơi vì sự bất công cay đắng của họ sẽ sớm khô khi họ bắt đầu nhận thức được sự bất công của thực tế và học cách chấp nhận nó. Nhưng đó là nước mắt và cơn thịnh nộ của họ, là nỗ lực tỏ ra hào hiệp và sự công nhận những bất lực của họ, tất cả có lẽ chính là ngọn nguồn của cuộc sống rực rỡ chói lọi của chính họ. Không hề có thứ hạnh phúc nhạt nhẽo và vô trách nhiệm. Họ biết rằng chính họ, cũng giống như đứa bé kia, không hề tự do. Họ có lòng trắc ẩn. Đứa trẻ đó tồn tại, và việc họ biết về sự tồn tại ấy tạo nên nét quý phái trong kiến trúc, sự thấm thía trong âm nhạc, sự thâm thúy trong khoa học. Đó là bởi vì có đứa bé ấy mà họ mới đối xử tử tế với trẻ em. Họ biết rằng nếu không phải là đứa trẻ bất hạnh ấy phải rên rỉ van lơn trong bóng tối, thì đứa trẻ kia, thằng nhóc thổi sáo, sẽ chẳng còn có thể chơi điệu khúc vui tươi khi những người đua ngựa trẻ tuổi ngoài kia đang tranh đấu trong một buổi sáng đẹp trời đầu hạ.

Giờ thì bạn có tin vào họ nữa không? Họ có trở nên bớt đáng tin hơn không? Nhưng còn một điều nữa tôi muốn nói, và điều này rất lạ thường.

Đôi khi có những cô gái chàng trai đến nhìn đứa trẻ mà khi ra về không hề rơi lệ hay tức giận thở than, thậm chí còn chẳng hề quay về nhà. Đôi khi cũng có người đàn ông hay người phụ nữ trở nên im lặng trong một hai ngày, rồi cũng bỏ nhà ra đi. Những người này ra ngoài phố và lặng lẽ đi bộ một mình. Họ cứ đi, và cứ đi thẳng ra khỏi thành Omelas, qua khỏi những cánh cổng đẹp đẽ ngoài kia. Họ tiếp tục đi qua những trang trại của Omelas. Và dù là thanh niên hay người lớn tuổi hơn, dù nam hay nữ, họ cũng sẽ đi một mình.

Khi màn đêm buông xuống, người lữ hành phải đi dọc theo những con đường làng, giữa những ngôi nhà có cửa sổ tỏa ra thứ ánh sáng màu vàng và nhuộm mình vào bóng tối trên những cánh đồng. Họ đi một mình, đi mãi, về hướng tây hay hướng bắc, hướng về phía những ngọn núi xa. Họ cứ đi. Họ rời xa Omelas, hướng thẳng bước chân mình về bóng tối, và không một lần trở lại. Nơi họ đến là một nơi thậm chí đối với chúng ta còn khó tưởng tượng hơn cả một thành phố ngập tràn hạnh phúc. Tôi chẳng thể nào miêu tả được. Có lẽ nó chẳng tồn tại đâu. Nhưng dường như những người rời đi từ Omelas ấy, họ lại biết rõ đích đến của chính mình.

"Đích đến của con, tại sao lại là đây ? Nơi bà ấm áp cơ mà. Taehyung không nhớ bà ư ?"

Phần chân không bên trong cơ thể hút lấy tôi trở lại dòng nước lạnh lẽo. Tôi hoảng loạn vồ lấy bất cứ thứ gì có thể mang bản thân trở lại mặt nước. Và đột nhiên một cái gì đó đập vào người tôi, đưa tôi trở lại với không khí. Tôi hít lấy hít để, mặc cho bản thân bị mang đi đâu đó. Tôi giờ đây chỉ nghe thấy tiếng òng ọc của nước tràn ngập trong cuốn họng, nó làm tôi không thở được. Cái thứ vừa đưa tôi ra khỏi vòng tay tử thần, xốc tôi lên một bãi đất, có thể gọi là bờ. Cùng lúc đó tôi nôn lấy nôn để bất cứ thứ gì có trong bụng như thể nó là thứ kinh tởm nhất trên đời. Đầu óc tôi choáng váng một lúc mới dần tỉnh lại. Tôi đang nằm trong vòng tay ai đây ? Không phải ông kẹ mặt gớm ghiếc trong truyền thuyết chứ ?

"Hyung có sao không ? Em đây, anh biết em không ?" ....Kook ? Jungkook vỗ mặt tôi càng ngày càng mạnh.

"Uhm, anh đây." Đến khi nó sắp tát tôi một cú trời gián thì tôi đáp. Lập tức Kook ôm chặt tôi vào lòng rồi khóc nức nở. Tôi chả nghe thấy nó nói gì nhưng tôi chợt nhận ra tay tôi đang cầm gì đó. Cầm rất kỹ. Đẩy Kook ra, tôi xem đó là gì. Là một cái đồ bật lửa, loại có nắp và làm bằng kim loại, thậm chí còn khắc cả hình hay chữ gì trên đó nữa. Trông xịn xò phết. Tôi chả biết nó từ đâu ra nhưng đột nhiên tôi run lên vì lạnh. Cơn rùng mình làm tôi thoát khỏi suy nghĩ với cái bật lửa

"Anh lạnh đúng không ? Em có cầm áo cho anh mà lúc nhảy xuống quên mất cầm nó nhảy theo nên giờ ướt hết cả rồi." Jungkook giơ cái áo khoác lên, cười trừ.

"Em đi kiếm củi đi. Mình đốt lửa." Tôi nói. Chỉ gần năm phút sau, dáng người to con quen thuộc quay về, lóc cóc mang theo bó củi. Jungkook cầm một vài cành quá dài bẻ đôi rồi xếp chúng lại thành một tụm nhỏ trước mặt trong lúc tôi vẫn còn thắc mắc sau lại có được củi. "Củi đâu ra thế ?" Tôi hỏi.

"Chả phải anh kêu em đi lấy củi sao ?" Jungkook ngây ngốc ra cùng tôi.

"Sao anh lại kêu em đi lấy củi ? Sao có ngay thế ?" Tôi thắc mắc. Những câu hỏi tại sao cứ quay mòng mòng trong đầu không để tôi yên. Nhưng lạ thay, tôi lại chẳng mảy may quan tâm đến chuyện làm sao Jungkook lại đến đây cứu tôi được. 

"Quanh sông là rừng. Em vào em lấy. Anh cần tịnh tâm lại đi nhé." Jungkook cười vào mặt tôi. Nói rồi nó giật lấy bật lửa từ tay tôi để đốt củi nhưng tôi giành lại vì mong muốn thôi thúc tôi đốt lửa. Một hình ảnh xẹc ngang qua tâm trí tôi. Tôi luôn giành thắp lửa nồi nước lèo của bà mỗi khi chúng tôi cùng nấu.

Ngọn lửa ấm áp bùng lên như góp vào vùng trời đêm tối thêm một vì sao sáng. Tôi bó gối cạnh Jungkook, tiếp tục chìm vào sự chán chường của đau thương. Tôi ngân nga trong cảm giác nhục nhã. Nhục nhã với bản thân. Nhục nhã với bà. Nhục nhã với những nụ cười thời thơ bé. Và nhục nhã với hạnh phúc ngày trưởng thành. Tưởng chừng như tôi chỉ mang những nỗi nhục, hình ảnh hèn hạ bần cùng của tuyệt vọng. Ngày trước, tôi cũng hát cho bà nghe, khi bếp lửa hồng cháy bỏng.

I'm sorry, I'm sorry, I'm sorry my grandma.

Dù cố gắng che dấu, dù tôi có tan biến mất, cũng chẳng thế xóa mờ đi tội lỗi ấy,

Người đang gọi tôi là kẻ tội phạm sao ?

Ắt hẳn người còn có nhiều thứ để nói hơn nhỉ.

Nên hãy khóc đi,

Xin hãy lau khô những giọt lệ này !

Ánh sáng ấy, ánh sáng ấy xin hãy chiếu rọi lỗi lầm của tôi.

Tôi chẳng thể sửa chữa chúng nữa rồi !

Xin hãy trừng phạt tôi.

Xin hãy tha thứ cho tội lỗi của tôi.

Làm ơn.

Tôi hát, hát để cầu xin sự dung tha của trời đất, cầu xin lời thứ tha từ bà.

"Anh đừng buồn nữa. Anh còn có em mà. Anh còn đam mê, còn Bangtan vẫn cùng anh những ngày tới. Đúng không ?"  Tôi nhìn vào cái bật lửa nằm trong tay mình. Nó được khắc: YOU SHOULDN'T THINK THAT YOU A STIGMA.­

-CON KHÔNG NÊN NGHĨ BẢN THÂN MÌNH LÀ MỘT NỖI NHỤC-

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro