Các công cụ quản lý môi trường

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Công cụ quản lý môi trường là các biện pháp hành động nhằm thực hiện công tác

quản lý môi trường của Nhà nước, các tổ chức khoa học và sản xuất. Mỗi công cụ

có một chức năng và phạm vi tác động nhất định, chúng liên kết và hỗ trợ lẫn nhau.

Theo bản chất, có thể chia công cụ quản lý môi trường thành các loại cơ bản như

sau:

- Công cụ luật pháp và chính sách

- Công cụ kinh tế

- Công cụ kỹ thuật quản lý

- Công cụ giáo dục nâng cao nhận thức

1. Công cụ luật pháp và chính sách.

Luật quốc tế về môi trường là tổng thể các nguyên tắc, quy phạm quốc tế điều

chỉnh mối quan hệ giữa các quốc gia, giữa quốc gia và tổ chức quốc tế trong

việc ngăn chặn, loại trừ thiệt hại gây ra cho môi trường của từng quốc gia và

môi trường ngoài phạm vi sử dụng của quốc gia.

Luật Môi trường quốc gia là tổng hợp các quy phạm pháp luật, các nguyên tắc pháp lý điều chỉnh các quan hệ phát sinh giữa các chủ thể trong quá trình các

chủ thể sử dụng hoặc tác động đến một hoặc một vài yếu tố của môi trường trên

cơ sở kết hợp các phương pháp điều chỉnh khác nhau nhằm bảo vệ một cách có

hiệu quả môi trường sống của con người. Hệ thống luật bảo vệ môi trường của

một quốc gia thường gồm luật chung và luật sử dụng hợp lý các thành phần môi

trường hoặc bảo vệ môi trường cụ thể ở một địa phương, một ngành.

Quy định là những văn bản dưới luật nhằm cụ thể hoá hoặc hướng dẫn thực hiện

các nội dung của luật. Quy định có thể do Chính phủ trung ương hay địa

phương, do cơ quan hành pháp hay lập pháp ban hành.

Quy chế là các quy định về chế độ thể lệ, tổ chức quản lý bảo vệ môi trường

chẳng hạn như quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, Bộ,

Sở khoa học, công nghệ và môi trường...

Tiêu chuẩn môi trường là những chuẩn mức, giới hạn cho phép, được quy định

dùng làm căn cứ để quản lý môi trường. Tiêu chuẩn môi trường có quan hệ mật

thiết với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Việc xây dựng tiêu chuẩn môi

trường một mặt dựa trên các quy định đã được kiểm nghiệm thực tế, mặt khác

phải có nhiều căn cứ khoa học, nhằm bảo đảm cho tiêu chuẩn môi trường phù

hợp với nhu cầu bảo vệ sinh thái, đồng thời khả thi về mặt kinh tế, xã hội. Hệ

thống tiêu chuẩn môi trường phản ánh trình độ khoa học, công nghệ, tổ chức

quản lý và tiềm lực kinh tế xã hội có tính đến dự báo phát triển. Cơ cấu của hệ

thống tiêu chuẩn môi trường bao gồm các nhóm chính sau:

- Những quy định chung

- Tiêu chuẩn nước (nước mặt, nước ngầm, nước thải...)

- Tiêu chuẩn không khí (khói, bụi, khí thải...)

- Tiêu chuẩn liên quan đến bảo vệ đất canh tác, sử dụng hoá chất trong sản xuất

nông nghiệp.

- Tiêu chuẩn về bảo vệ thực vật, sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ...

- Tiêu chuẩn liên quan đến bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, văn hoá.

- Tiêu chuẩn liên quan đến môi trường do các hoạt động khai thác khoáng sản

trong lòng đất, ngoài biển...

Chính sách bảo vệ môi trường giải quyết những vấn đề chung nhất về quan điểm

quản lý môi trường, về các mục tiêu bảo vệ môi trường cơ bản cần giải quyết

trong một giai đoạn dài 10 - 15 năm và các định hướng lớn thực hiện mục tiêu,

chú trọng việc huy động các nguồn lực cân đối với các mục tiêu về bảo vệ môi

trường.

2. Công cụ kinh tế

2.1 Thuế tài nguyên

Thuế tài nguyên là một khoản thu của Ngân sách Nhà nước đối với các doanh

nghiệp về việc sử dụng các dạng tài nguyên thiên nhiên trong quá trình sản xuất.

Mục đích của thuế tài nguyên là

- Hạn chế các nhu cầu không cấp thiết trong sử dụng tài nguyên.

- Hạn chế các tổn thất tài nguyên trong quá trình khai thác và sử dụng

- Tạo nguồn thu cho Ngân sách và điều hoà quyền lợi của các tầng lớp dân cư về

việc sử dụng tài nguyên.

Thuế tài nguyên bao gồm một số sắc thuế chủ yếu như thuế sử dụng đất, thuế sử

dụng nước, thuế rừng, thuế tiêu thụ năng lượng, thuế khai thác tài nguyên khoáng

sản...

Cơ cấu tính thuế tài nguyên phải được thay đổi phù hợp với khả năng công nghệ

của doanh nghiệp, phương thức quản lý của Nhà nước và điều kiện địa chất kỹ

thuật của khu vực khai thác tài nguyên để bảo đảm có sự phân biệt đối với các

doanh nghiệp hoặc hoạt động gây ra các tổn thất tài nguyên và suy thoái môi

trường ở các mức độ khác nhau; nguyên tắc chung là: hoạt động càng gây nhiều tổn

thất tài nguyên và suy thoái môi trường thì càng phải chịu thuế cao hơn.

2.2 Thuế môi trường.

Thuếí môi trường là công cụ kinh tế nhằm đưa chi phí môi trường vào giá sản

phẩm theo nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả tiền". Thuế môi trường

nhằm hai mục đích chủ yếu: khuyến khích người gây ô nhiễm giảm lượng chất ô

nhiễm thải ra môi trường và tăng nguồn thu cho Ngân sách.

Trên thực tế, thuế môi trường được áp dụng dưới nhiều dạng khác nhau tuỳ

thuộc mục tiêu và đối tượng ô nhiễm như: thuế/phí đánh vào nguồn ô nhiễm,

thuế đánh vào sản phẩm gây ô nhiễm, phí đánh vào người sử dụng.

2.3 Giấy phép và thị trường giấy phép môi trường

Giấy phép môi trường thường được áp dụng cho các tài nguyên môi trường khó có

thể quy định quyền sở hữu và vì thế thường bị sử dụng bừa bãi như không khí, đại

dương.

Để thực hiện công cụ này, trước hết Nhà nước phải xác định mức sử dụng môi

trường chấp nhận được để trên cơ sở đó phát hành giấy phép. Việc này không đơn

giản và cũng đòi hỏi chi phí thực hiện khá lớn. Sau khi quy định mức thải tối đa

trong vùng, có thể phát không giấy phép cho các doanh nghiệp hoạt động trên địa

bàn dựa trên một số căn cứ nào đó hoặc tổ chức bán đấu giá. Cách thực hiện được

nhiều người tán thành nhất là phân phối giấy phép dựa vào mức độ ô nhiễm hoặc

hiện trạng tác động môi trường của từng doanh nghiệp, nói cách khác là thừa kế

quyền được thải quá khứ. Khi đã có giấy phép, các doanh nghiệp tự do giao dịch,

mua đi bán lại số giấy phép đó; giá giấy phép trên thị trường sẽ điều tiết nhu cầu

trong phạm vi tổng hạn mức.

Ưu điểm đáng kể nhất của loại công cụ này là sự kết hợp giữa tín hiệu giá cả và hạn

mức ô nhiễm. So với các loại thuế môi trường hay phí ô nhiễm thì thị trường giấy phép mang tính chắc chắn, bảo đảm hơn về kết quả đạt mục tiêu môi trường vì dù

giao dịch mua bán như thế nào thì tổng lượng giấy phép vẫn nằm trong phạm vi

kiểm soát ở số phát hành ban đầu. Mặt khác, công cụ giấy phép linh hoạt ở chỗ nó

cho phép các doanh nghiệp lựa chọn các phương án mua thêm giấy phép để tiếp tục

thải hay tìm cách cải thiện hiện trạng, giảm thải xuống mức cho phép.

2.4 Hệ thống đặt cọc - hoàn trả.

Đặt cọc - hoàn trả được sử dụng trong hoạt động bảo vệ môi trường bằng cách quy

định các đối tượng tiêu dùng các sản phẩm có khả năng gây ô nhiễm môi trường

phải trả thêm một khoản tiền (đặt cọc) khi mua hàng, nhằm bảo đảm cam kết sau

khi tiêu dùng sẽ đem sản phẩm đó (hoặc phần còn lại của sản phẩm đó) trả lại cho

các đơn vị thu gom phế thải hoặc tới những địa điểm đã quy định để tái chế, tái sử

dụng hoặc tiêu hủy theo cách an toàn đối với môi trường. Nếu thực hiện đúng,

người tiêu dùng sẽ được nhận lại khoản đặt cọc do các tổ chức thu gom hoàn trả lại.

Mục đích của hệ thống đặt cọc - hoàn trả là thu gom những thứ mà người tiêu thụ đã dùng vào một trung tâm để tái chế hoặc tái sử dụng một cách an toàn đối với

môi trường.

2.5 Ký quỹ môi trường

Ký quỹ môi trường là công cụ kinh tế áp dụng cho các hoạt động kinh tế có tiềm

năng gây ô nhiễm và tổn thất môi trường. Nguyên lý hoạt động của hệ thống ký

quỹ môi trường cũng tương tự như của hệ thống đặt cọc - hoàn trả. Nội dung chính của ký quỹ môi trường là yêu cầu các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh

trước khi tiến hành một hoạt động đầu tư phải ký gửi một khoản tiền (hoặc kim loại

quý, đá quý, hoặc các giấy tờ có giá trị như tiền) tại ngân hàng hay tổ chức tín dụng

nhằm bảo đảm sự cam kết về thực hiện các biện pháp để hạn chế ô nhiễm, suy thoái

môi trường.

Mục đích chính của việc ký quỹ là làm cho người có khả năng gây ô nhiễm, suy

thoái môi trường luôn nhận thức được trách nhiệm của họ từ đó tìm ra các biện

pháp thích hợp ngăn ngưà ô nhiễm, suy thoái môi trường.

Trong quá trình thực hiện đầu tư và sản xuất, nếu các doanh nghiệp / cơ sở có các

biện pháp chủ động ngăn chặn, khắc phục không để xẩy ra ô nhiễm hoặc suy thoái

môi trường, hoàn nguyên hiện trạng môi trường đúng như cam kết thì họ sẽ được

nhận lại số tiền đã ký quỹ đó. Ngược lại nếu bên ký quỹ không thực hiện đúng cam

kết hoặc phá sản thì số tiền đã ký quỹ sẽ được rút ra từ tài khoản ngân hàng / tổ

chức tín dụng để chi cho công tác khắc phục sự cố, suy thoái môi trường.

Ký quỹ môi trường tạo ra lợi ích cho Nhà nước vì không phải đầu tư kinh phí khắc

phục môi trường từ ngân sách. Ký quỹ môi trường cũng khuyến khích các doanh

nghiệp tích cực trong hoạt động bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp sẽ có lợi ích

do lấy lại được vốn khi không để xẩy ra ô nhiễm hoặc suy thoái môi trường.

2.6 Trợ cấp môi trường

Trợ cấp môi trường là công cụ kinh tế quan trọng được sử dụng ở rất nhiều nước

trên thế giới, đặc biệt là các nước thuộc tổ chức OECD. Trợ cấp môi trường có thể

dưới các dạng sau:

- Trợ cấp không hoàn lại

- Các khoản cho vay ưu đãi

- Cho phép khấu hao nhanh

- Ưu đãi thuế (miễn, giảm thuế)

Chức năng chính của trợ cấp môi trường là giúp đỡ các ngành công - nông nghiệp

và các ngành khác khắc phục ô nhiễm môi trường trong điều kiện khi tình trạng ô nhiễm môi trường quá nặng nề hoặc khả năng tài chính của doanh nghiệp không

chịu đựng được đối với việc xử lý ô nhiễm. Trợ cấp cũng còn nhằm khuyến khích

các cơ quan nghiên cứu và triển khai các công nghệ sản xuất có lợi cho môi trường

hoặc các công nghệ xử lý ô nhiễm.

Tuy nhiên, trợ cấp có thể gây ra sự không hiệu quả. Các nhà sản xuất có thể đầu tư

quá mức vào kiểm soát và xử lý ô nhiễm (làm giảm ô nhiễm nhiều hơn so với mức

tối ưu cũng là không hiệu quả).

Trợ cấp môi trường chỉ là biện pháp tạm thời, nếu vận dụng không thích hợp hoặc

kéo dài sẽ dẫn đến phi hiệu quả kinh tế vì trợ cấp đi ngược với nguyên tắc "người

gây ô nhiễm phải trả tiền", nó tạo ra sự thay đổi số công ty (vào - ra tự do đối với

ngành công nghiệp), thay đổi mức hoạt động của ngành công nghiệp mà mục đích

giảm ô nhiễm lại không đạt được.

2.8 Quỹ môi trường

Quỹ môi trường là một thể chế hoặc một cơ chế được thiết kế để nhận tài trợ vốn từ

các nguồn khác nhau, và từ đó phân phối các nguồn này để hỗ trợ quá trình thực

hiện các dự án hoặc các hoạt động cải thiện chất lượng môi trường.

Nguồn thu cho quỹ môi trường có thể được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau như:

- Phí và lệ phí môi trường

- Đóng góp tự nguyện của các cá nhân và doanh nghiệp

- Tài trợ bằng tiền hoặc hiện vật của các tổ chức trong nước, chính quyền địa

phương và chính phủ trung ương.

- Đóng góp của các tổ chức, các nhà tài trợ quốc tế

- Tiền lãi và các khoản lợi khác thu được từ hoạt động của quỹ;

- Tiền xử phạt hành chính do vi phạm quy định về bảo vệ môi trường

- Tiền thu được từ các hoạt động như văn hoá, thể thao, từ thiện, xổ số, phát hành

trái phiếu...

Hỗ trợ do Quỹ môi trường cung cấp thông thường dưới hình thức hỗ trợ tài chính

với các điều khoản ưu đãi, chẳng hạn như các khoản trợ cấp không hoàn lại, các

khoản vay vốn dài hạn với lãi suất thấp hơn lãi suất hiện hành trên thị trường để

khuyến khích các dự án đầu tư bảo vệ môi trường, hỗ trợ các dự án nghiên cứu

triển khai, đào tạo và truyền thông môi trường, các dự án kiểm soát và xử lý ô

nhiễm của các doanh nghiệp. Quỹ môi trường thậm chí còn hỗ trợ tiền cho việc

điều trị của các nạn nhân ô nhiễm.

3. Công cụ kỹ thuật quản lý môi trường

Các công cụ kỹ thuật quản lý môi trường thực hiện vai trò kiểm soát và giám sát

Nhà nước về chất lượng và thành phần môi trường, về sự hình thành và phân bố

chất ô nhiễm trong môi trường.

Các công cụ kỹ thuật quản lý môi trường có thể bao gồm các đánh giá môi trường,

kiểm toán môi trường, các hệ thống quan trắc (monitoring) môi trường, xử lý chất

thải, tái chế và tái sử dụng chất thải.

Các công cụ kỹ thuật được coi là những công cụ hành động quan trọng của các tổ

chức trong công tác bảo vệ môi trường.

Thông qua việc thực hiện các công cụ kỹ thuật, các cơ quan chức năng có thể có

những thông tin đầy đủ, chính xác về hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường

đồng thời có những biện pháp, giải pháp phù hợp để xử lý, hạn chế những tác động

tiêu cực đối với môi trường.

Các công cụ kỹ thuật cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tuân thủ các

tiêu chuẩn, quy định về bảo vệ môi trường.

4. Công cụ giáo dục và truyền thông môi trường

4.1 Giáo dục môi trường

"Giáo dục môi trường là một quá trình thông qua các hoạt động giáo dục chính

quy và không chính quy nhằm giúp con người có được sự hiểu biết, kỹ năng và giá

trị tạo điều kiện cho họ tham gia vào phát triển một xã hội bền vững về sinh thái"

Mục đích của giáo dục môi trường là nhằm vận dụng những kiến thức và kỹ năng

vào giữ gìn, bảo tồn và sử dụng môi trường theo cách bền vững cho cả thế hệ hiện

tại và tương lai.

Giáo dục môi trường bao gồm những nội dung chủ yếu:

- Đưa giáo dục môi trường vào trường học

- Cung cấp thông tin cho những người có quyền ra quyết định

- Đào tạo chuyên gia về môi trường

4.2 Truyền thông môi trường

"Truyền thông môi trường là một quá trình tương tác xã hội hai chiều nhằm giúp

cho những người có liên quan hiểu được các yếu tố môi trường then chốt, mối quan

hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa chúng và cách tác động vào các vấn đề có liên quan

một cách thích hợp để giải quyết các vấn đề về môi trường"

• Mục tiêu của truyền thông môi trường nhằm:

- Thông tin cho người bị tác động bởi các vấn đề môi trường biết tình trạng của

họ, từ đó giúp họ quan tâm đến việc tìm kiếm các giải pháp khắc phục

- Huy động các kinh nghiệm, kỹ năng, bí quyết địa phương tham gia vào các

chương trình bảo vệ môi trường

- Thương lượng hoà giải các xung đột, khiếu nại, tranh chấp về môi trường giữa

các cơ quan và trong nhân dân

- Tạo cơ hội cho mọi thành phần trong xã hội tham gia vào việc bảo vệ môi

trường, xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường

- Khả năng thay đổi các hành vi sẽ được hữu hiệu hơn thông qua đối thoại thường

xuyên trong xã hội.

• Truyền thông môi trường có thể thực hiện thông qua các phương thức chủ yếu

sau:

- Chuyển thông tin tới từng cá nhân qua việc tiếp xúc tại nhà, tại cơ quan, gọi

điện thoại, gửi thư

- Chuyển thông tin tới các nhóm thông qua hội thảo tập huấn, huấn luyện, họp

nhóm, tham quan khảo sát.

- Chuyển thông tin qua các phương tiện truyền thông đại chúng: báo chí, ti vi,

radio, pano, áp phích, tờ rơi, phim ảnh...

- Tiếp cận truyền thông qua những buổi biểu diễn lưu động, tổ chức hội diễn, các

chiến dịch, các lễ hội, các ngày kỷ niệm...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro