CÁC CUỘC CHIẾN TRANH TIỀN TỆ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng



Hồi ức về một thời kỳ vàng son

"Chúng ta đang ở trong đám mây mù của một cuộc chiến tranh tiền tệ quốc tế."

— Guido Mantega,

Bộ trưởng Tài chính Brazil, ngày 27/09/2010

"Tôi không thích cách diễn tả đây là cuộc chiến tranh tiền tệ."

— Dominique Strauss- Kahn,

Tổng Giám đốc IMF, ngày 18/11/2010

Chiến tranh tiền tệ xảy ra khi một quốc gia liên tục phá giá đồng tiền của họ so với tiền tệ của các nước khác, là một trong những hậu quả có sức tàn phá lớn và đáng sợ nhất trong kinh tế học quốc tế. Điều này gợi nhớ lại những ám ảnh của thời kỳ Đại Suy thoái, khi các quốc gia thi nhau phá giá đồng tiền của mình theo kiểu "làm nghèo nhà hàng xóm", đồng thời áp dụng những hàng rào thuế quan khiến thương mại thế giới đổ nhào! Nó cũng gợi nhớ những năm 1970, thời gian mà giá dầu tính bằng đô-la tăng gấp 4 lần khi nước Mỹ nỗ lực làm suy yếu đồng tiền của họ qua hành động xóa bỏ Bản vị vàng. Cuối cùng, điều này cũng khiến người ta nhớ lại các cuộc khủng hoảng đồng Bảng Anh năm 1992, đồng Peso Mexico năm 1994 và đồng Ruble Nga năm 1998, bên cạnh những sự cố khác. Dù kéo dài hay có cường độ nghiêm trọng, các cuộc khủng hoảng tiền tệ nói trên cũng như những đợt khủng hoảng khác thường gắn với đình trệ, lạm phát, thắt chặt chi tiêu, hỗn loạn tài chính và những hậu quả kinh tế tồi tệ khác. Nói ngắn gọn, chẳng hề có điều gì tích cực đi cùng với một cuộc chiến tranh tiền tệ cả.

Vì thế, giới tinh hoa của cộng đồng tài chính thế giới vừa ngạc nhiên vừa bực bội khi Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantega tuyên bố thẳng băng vào cuối tháng 9/2010 rằng một cuộc chiến tranh tiền tệ mới đã bắt đầu. Tất nhiên, với giới tinh hoa này thì những sự kiện và áp lực dẫn đến tuyên bố của Mantega chẳng có gì là mới mẻ hay xa lạ. Những căng thẳng ở tầm quốc tế về chính sách tỷ giá và theo đó là chính sách lãi suất/tài chính đã hiện diện thậm chí từ trước khi suy thoái nổ ra vào cuối năm 2007. Trung Quốc liên tục bị các đối tác thương mại cáo buộc đã cố tình định giá đồng Nhân dân tệ ở mức quá thấp, đồng thời tích tụ một lượng nợ vượt trội của Mỹ dưới hình thức trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên cơn hoảng loạn tài chính hồi năm 2008 lại mang đến một góc nhìn khác cho các tranh luận về tỷ giá. Hoàn toàn bất ngờ khi miếng bánh kinh tế bị thu hẹp lại thay vì phình to ra, dẫn đến việc các quốc gia vốn trước kia rất hài lòng với phần bánh ngày một tăng lên của họ thì nay phải lao vào tranh giành lẫn nhau những mảnh vụn bánh còn lại.

Bất chấp những sức ép rõ ràng lên nền tài chính quốc tế cho đến năm 2010, giới tinh hoa tài chính vẫn né tránh, coi việc nhắc tới chiến tranh tiền tệ là một điều cấm kỵ. Thay vào đó, các chuyên gia tiền tệ quốc tế dùng những cụm từ như "tái lập cân bằng" hay "điều chỉnh" để nói về những nỗ lực dàn xếp các loại tỷ giá để đạt được cái mà một số người cho là những kết quả đáng mong đợi. Tất nhiên, sử dụng uyển ngữ chẳng thể nào làm dịu đi tình trạng căng thẳng trong hệ thống!

Có một nghịch lý nằm ngay trung tâm của mọi cuộc chiến tranh tiền tệ. Tuy chiến tranh tiền tệ diễn ra trên bình diện quốc tế, nó lại do những vấn đề nội bộ từng quốc gia gây ra. Chiến tranh tiền tệ bắt nguồn từ cảm nhận rằng tăng trưởng nội tại là chưa đủ. Một nước bắt đầu câu chuyện này thông thường sẽ có tỷ lệ thất nghiệp cao, tăng trưởng thấp hay tốc độ tăng trưởng suy giảm, hệ thống ngân hàng yếu kém và hệ thống tài chính công suy kiệt. Trong hoàn cảnh này, rất khó thúc đẩy tăng trưởng thuần túy dựa trên các công cụ nội tại; và việc xúc tiến xuất khẩu thông qua phá giá tiền tệ trở thành động lực tăng trưởng duy nhất còn lại. Để hiểu rõ vấn đề này, xin xem lại 4 thành tố cơ bản của GDP (tổng sản phẩm quốc nội), bao gồm tiêu dùng (C), đầu tư (I), chi tiêu của chính phủ (G) và xuất khẩu ròng (xuất khẩu X trừ đi nhập khẩu M). Định nghĩa tổng quát về tăng trưởng đó được thể hiện qua phương trình sau đây:

GDP = C + I + G + (X – M)

Một nền kinh tế sẽ gặp vấn đề khi tiêu dùng (C) đình đốn hay suy giảm do nạn thất nghiệp, do gánh nặng về nợ, hay do cả hai. Đầu tư (I) vào nhà máy sản xuất, thiết bị hay nhà cửa được đo lường độc lập với tiêu dùng, song rõ ràng là có sự liên hệ gắn bó chặt chẽ giữa đầu tư và tiêu dùng. Một doanh nghiệp sẽ không đầu tư mở rộng sản xuất nếu họ không kỳ vọng người tiêu dùng sẽ mua sản phẩm của họ, ngay lập tức hoặc trong một tương lai gần. Do đó khi tiêu dùng chậm lại, đầu tư kinh doanh cũng thụt lùi. Chi tiêu công (G) có thể được mở rộng một cách độc lập khi tiêu dùng và đầu tư đều suy giảm. Đây chính là điều mà các kinh tế gia theo trường phái Keynes đề xuất để duy trì mức tăng trưởng của một nền kinh tế ngay cả khi cá nhân và doanh nghiệp đã đứng sang một bên. Vấn đề là chính phủ phải phụ thuộc vào tiền thuế hay tiền đi vay thì mới có thể đẩy mạnh chi tiêu công trong thời buổi suy thoái, mà cử tri thì không hề sẵn lòng ủng hộ cả hai cách vừa nêu khi mà gánh nặng thuế khóa đã rất lớn và bản thân họ – những người dân – cũng đang phải thắt lưng buộc bụng. Trong các chế độ dân chủ, luôn có những hạn chế chính trị rất gắt gao về khả năng chính phủ có thể gia tăng chi tiêu công trong thời buổi kinh tế khó khăn, ngay cả khi các nhà kinh tế đã đề xuất hướng giải pháp này.

Trong một nền kinh tế mà các cá nhân và doanh nghiệp không mở rộng chi tiêu/sản xuất, đồng thời chi tiêu công cũng bị hạn chế, lựa chọn duy nhất còn lại để tăng trưởng là tăng xuất khẩu ròng (X – M); và cách nhanh nhất để làm điều này là hạ giá đồng nội tệ. Ví dụ sau đây sẽ minh chứng điều này: giả sử một chiếc xe hơi Đức được định giá 30.000EUR, tỷ giá 1EUR=1,4USD, như vậy giá chiếc xe này tính theo đô-la Mỹ sẽ có giá là 42.000USD. Bây giờ chúng ta giả sử tiếp rằng EUR xuống giá chỉ còn 1EUR=1,1USD mà thôi, khi đó giá của chiếc xe hơi tính bằng đô-la Mỹ sẽ chỉ còn 33.000USD. Việc giá xe hơi bằng đô-la giảm từ 42.000USD xuống còn 33.000USD sẽ khiến mặt hàng này hấp dẫn hơn với người mua xe tại Mỹ, từ đó xe hơi Đức bán được nhiều hơn. Trong cả hai trường hợp, doanh thu của nhà sản xuất xe hơi tại Đức là 30.000EUR cho một chiếc xe, con số này không thay đổi. Do đồng EUR bị hạ giá, nhà sản xuất có thể bán thêm nhiều xe hơi tại Mỹ mà không phải hạ giá xe hơi tính theo EUR. Điều này làm tăng GDP của nước Đức, tạo thêm nhiều công ăn việc làm tại Đức để đáp ứng nhu cầu mua xe hơi của Hoa Kỳ.

Hãy hình dung động lực trên đây không chỉ áp dụng cho Đức mà còn cho cả Pháp, Ý, Bỉ và những quốc gia khác sử dụng đồng Euro. Và cũng hãy hình dung ảnh hưởng (của việc phá giá tiền tệ – ND) không chỉ lên mặt hàng xe hơi mà còn lên các hàng hóa khác như rượu vang Pháp, hàng thời trang Ý và chocolate của Bỉ, không chỉ lên các hàng hóa hữu hình mà còn cả các hàng hóa vô hình như phần mềm máy tính và dịch vụ tư vấn... Sau hết, hãy xét tới việc ảnh hưởng này không dừng lại ở những hàng hóa xuất khẩu mà còn cả du lịch và đi lại. Khi giá trị của đồng Euro giảm từ 1,4USD xuống còn 1,1USD, giá một bữa ăn tối 100EUR tại Paris sẽ chỉ tương đương với 110USD thay vì 140USD như trước đó, tức là giá cả trở nên phải chăng hơn so với du khách Mỹ. Bạn hãy nghĩ tới ảnh hưởng của việc đồng Euro giảm giá so với đô-la Mỹ trên phạm vi rộng lớn như vừa nêu, áp dụng cho mọi hàng hóa dịch vụ được trao đổi, cả hữu hình và vô hình, và bạn sẽ bắt đầu thấy mức độ mà phá giá tiền tệ có thể trở thành một động lực mạnh mẽ như thế nào đối với tăng trưởng, tạo việc làm và lợi nhuận. Cám dỗ của hành vi phá giá đồng nội tệ trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn dường như là không thể cưỡng lại.

Tuy nhiên, các vấn đề và hậu quả không mong đợi của những hành động nói trên sẽ xuất hiện hầu như ngay lập tức. Trước hết, hầu như chẳng có hàng hóa nào được sản xuất từ đầu đến cuối trong phạm vi một quốc gia. Trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, một sản phẩm có thể có công nghệ Hoa Kỳ, thiết kế Ý, làm bằng nguyên liệu từ Úc, lắp ráp tại Trung Quốc, có những phụ tùng của Đài Loan và được phân phối qua hệ thống đặt tại Thụy Sĩ, sau đó đến tay khách hàng tại... Brazil! Từng bộ phận của chuỗi cung ứng và cách tân vừa nêu đều có phần trong lợi nhuận gộp vì những đóng góp của chúng cho cả chuỗi. Vấn đề suy ra ở đây là khía cạnh tỷ giá của kinh doanh toàn cầu không chỉ ảnh hưởng tới đồng tiền của thương vụ cuối cùng (bán cho người mua sau cùng – ND) mà còn tới mọi loại tiền tệ của các giao dịch đầu vào và giao dịch trong chuỗi cung ứng. Một quốc gia phá giá đồng nội tệ có thể thấy hàng hóa của họ được bán ra nước ngoài với giá rẻ hơn, nhưng chính họ lại bị ảnh hưởng xấu khi cần phải có nhiều nội tệ hơn để mua nhiều loại nguyên liệu đầu vào khác nhau (vì nội tệ giảm giá nên sẽ bị thiệt hại khi nhập khẩu – ND). Khi một quốc gia sản xuất vừa có doanh số xuất khẩu cao vừa có doanh số nhập khẩu nguyên liệu và phụ tùng cao để sản xuất ra những hàng hóa xuất khẩu của họ, giá trị đồng nội tệ có thể không ảnh hưởng nhiều tới xuất khẩu ròng (X – M) so với các yếu tố khác như chi phí lao động, thuế suất thấp và cơ sở hạ tầng tốt của nền kinh tế.

Chi phí đầu vào gia tăng không phải là bất lợi duy nhất của việc phá giá tiền tệ. Mối quan ngại lớn hơn, nhãn tiền hơn là sự phá giá trả đũa. Chúng ta cùng xem lại ví dụ về giá xe hơi Đức ở mức 30.000EUR khi tính giá bằng USD sẽ giảm từ 42.000USD xuống 33.000USD khi đồng Euro bị giảm giá từ 1EUR ăn 1,4USD xuống chỉ còn 1,1USD. Làm sao mà nhà sản xuất xe hơi Đức có thể yên tâm rằng tỷ giá sẽ luôn ở mức thấp như vậy? Nước Mỹ có thể bảo vệ ngành xe hơi nội địa của họ bằng việc làm giảm giá đồng đô-la so với đồng Euro, đẩy Euro từ mức 1,1USD lên mức 1,4USD. Điều này có thể thực hiện được qua việc Mỹ giảm lãi suất đô-la Mỹ, khiến đồng tiền này kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư quốc tế, hoặc đơn giản là in thêm tiền để làm giảm giá đô-la Mỹ. Cuối cùng, Mỹ cũng có thể can thiệp trực tiếp vào thị trường tiền tệ bằng cách bán USD và mua vào EUR để điều chỉnh tỷ giá EUR/ USD trở lại mức mà họ mong muốn. Nói gọn lại, tuy việc phá giá đồng Euro có thể có lợi ích ngay tức khắc và trong ngắn hạn, chính sách này sẽ mau chóng phản tác dụng nếu một đối thủ mạnh mẽ như Mỹ quyết định phá giá trả đũa.

Đôi khi những hành động phá giá cạnh tranh không có hồi kết, khi mỗi bên đều có lợi thế tạm thời, không bên nào chịu nhượng bộ lợi thế lâu dài cho đối phương. Khi ấy, để tiếp tục bảo vệ các nhà sản xuất trong nước, cần có một công cụ "nặng ký" hơn, đó là chủ nghĩa bảo hộ (protectionism) dưới hình thức thuế quan, cấm vận hay những hàng rào khác đối với thương mại tự do. Lấy cùng một ví dụ về ngành xe hơi, nước Mỹ có thể trả đũa một cách đơn giản bằng cách đánh thuế nhập khẩu 9.000USD trên một chiếc xe nhập từ Đức, điều này sẽ nâng giá xe hơi tại Mỹ từ 33.000USD lên 42.000USD ngay cả khi tỷ giá EUR/USD chỉ là 1,1. Thực tế thì Mỹ đã loại bỏ hoàn toàn lợi thế của người Đức khi họ phá giá đồng Euro bằng một mức thuế ngang với lợi thế đó, từ đó loại bỏ luôn lợi thế của đồng Euro trên thị trường Mỹ. Từ quan điểm của một người lao động làm trong ngành xe hơi Hoa Kỳ thì đây là điều tốt nhất vì nó vừa bảo hộ được ngành xe hơi Mỹ, vừa cho phép người lao động này hưởng những ngày nghỉ với mức giá phải chăng ở châu Âu (do đồng Euro giảm giá nên du khách Mỹ sẽ có lợi hơn khi chi tiêu trong các kỳ nghỉ ở châu Âu – ND).

Chủ nghĩa bảo hộ không chỉ giới hạn ở việc áp thuế mà còn bao gồm cả những chế tài thương mại khác nghiêm ngặt hơn, chẳng hạn như cấm vận. Một trường hợp khá nổi tiếng gần đây là vụ đụng độ nhỏ về tiền tệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Trung Quốc là quốc gia hầu như kiểm soát toàn bộ nguồn cung của đất hiếm, tức một số nguyên tố kim loại trong lòng đất, rất hiếm và khó khai thác nhưng lại vô cùng quan trọng trong quá trình chế tạo hàng điện tử, xe hơi lai (hybrid) và các ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xanh khác. Đa số trữ lượng đất hiếm thuộc Trung Quốc, còn Nhật là nước sử dụng chính loại nguyên liệu này để sản xuất hàng điện tử và xe hơi. Tháng 7/2010, Trung Quốc tuyên bố cắt giảm 72% sản lượng xuất khẩu đất hiếm, có tác dụng làm suy giảm ngành chế tạo của Nhật và những nước khác đang phụ thuộc vào nguồn cung loại nguyên liệu này từ Trung Quốc.

Ngày 07/09/2010, một tàu đánh cá Trung Quốc va chạm với một tàu tuần duyên của Nhật ở một vùng đảo xa trong phạm vi vùng biển Hoa Đông, vốn đang bị tranh chấp giữa hai nước. Khi tàu tuần duyên Nhật bắt giữ viên thuyền trưởng tàu đánh cá, phía Trung Quốc đã phản đối dữ dội, yêu cầu phía Nhật thả ngay người bị bắt và đưa ra lời xin lỗi chính thức. Khi những yêu cầu này không được thực hiện ngay lập tức, Trung Quốc đi xa hơn tuyên bố cắt giảm sản lượng đất hiếm hồi tháng Bảy và đình chỉ mọi lô hàng xuất đất hiếm qua Nhật, khiến các nhà sản xuất Nhật khó khăn. Qua ngày 14/09/2010, Nhật Bản phản ứng bằng việc bất thình lình phá giá đồng Yen trên thị trường tiền tệ quốc tế: đồng Yen Nhật giảm 3% so với đồng Nhân dân tệ Trung Quốc chỉ trong vòng vỏn vẹn ba ngày! Sự kiên quyết của nước Nhật theo hướng phá giá này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới xuất khẩu của Trung Quốc vào Nhật, so với xuất khẩu từ những nước có chi phí thấp hơn như Indonesia và Việt Nam.

Trung Quốc đã tấn công Nhật Bản bằng một đợt cấm vận, ngược lại Nhật trả đũa bằng việc phá giá nội tệ, nhưng bên ngoài cả hai nước đều giả vờ như đang tranh cãi về những hòn đảo xa xôi không có người ở và số phận của một viên thuyền trưởng tàu đánh cá bị giam giữ. Vài tuần sau tình hình ổn định lại, viên thuyền trưởng được thả, Nhật đưa ra lời xin lỗi tạm thời, đồng Yen lên giá lại và dòng vận chuyển đất hiếm qua Nhật cũng được phục hồi. Người ta đã tránh được một hậu quả tồi tệ hơn thế, nhưng cả hai bên đều rút ra được những bài học và đều sẵn sàng "mài kiếm" cho lần đụng độ tiếp theo.

Khi tham gia vào một cuộc chiến tiền tệ, bạn phải luôn đối mặt với những hậu quả ngoài ý muốn. Giả sử rằng một đợt phá giá nội tệ, chẳng hạn xảy ra ở châu Âu, thành công với mục đích kỳ vọng và giúp hàng xuất khẩu từ châu Âu rẻ hơn, từ đó xuất khẩu trở thành một động lực của tăng trưởng. Điều này tốt cho châu Âu, song sau đó việc chế tạo hàng hóa ở những nước khác phải chịu thiệt hại do mất thị trường (vào tay các nhà xuất khẩu châu Âu – ND), từ đó dẫn tới việc đóng cửa các nhà máy, giãn thợ, phá sản và suy thoái v.v... Suy thoái mở rộng sẽ khiến doanh số bán hàng của châu Âu giảm theo, không phải do tỷ giá mà do người lao động ở những nước khác không đủ tiền để mua hàng xuất từ châu Âu ngay cả với những mức giá rẻ hơn trước. Ảnh hưởng suy thoái toàn cầu này của những cuộc chiến tiền tệ có thể phải mất nhiều thời gian hơn mới xuất hiện, nhưng có lẽ đó chính là ảnh hưởng tiêu cực nhất.

Vì thế, phá giá tiền tệ để đẩy mạnh xuất khẩu không hề là một vấn đề đơn giản. Nó có thể dẫn đến chi phí đầu vào gia tăng, những đợt phá giá trả đũa, những hàng rào thuế quan và cấm vận, suy thoái toàn cầu v.v... xảy ra rất sớm sau đó. Với những hậu quả tiêu cực và những tác dụng ngoài ý muốn như thế, nhiều người có thể thắc mắc tại sao chiến tranh tiền tệ vẫn xảy ra. Chiến tranh tiền tệ có hại cho cả đôi bên khi kéo dài, và rốt cuộc thì không ai là người chiến thắng trong cuộc chơi này.

Với bất kỳ chính sách kinh tế nào, những yếu tố lịch sử có thể có ích. Thế kỷ XX được đánh dấu bằng hai cuộc chiến tranh tiền tệ lớn. Chiến tranh tiền tệ lần thứ nhất diễn ra từ năm 1921 đến năm 1936, tức là gần như toàn bộ thời gian giữa hai cuộc Thế chiến, bao gồm cả cuộc Đại suy thoái, và người ta rất hay gắn cuộc chiến tranh tiền tệ này với Đại suy thoái. Chiến tranh tiền tệ lần thứ 2 diễn ra từ năm 1967 đến năm 1987, cuối cùng được kết thúc bằng hai thỏa thuận quốc tế là Hiệp ước Plaza năm 1985 và Hiệp ước Louvre năm 1987 mà không biến chuyển thành những cuộc xung đột quân sự.

Chiến tranh tiền tệ giống đa số các cuộc chiến tranh khác ở chỗ nó không có những tiền đề hay nguyên nhân dễ thấy. Ba tiền đề quan trọng nhất của chiến tranh tiền tệ lần thứ nhất là chế độ Bản vị vàng từ 1870 đến 1914, việc hình thành Hệ thống Dự trữ Liên bang (Federal Reserve) vào 1907 đến 1913, Thế chiến thứ I và Hiệp ước Versailles năm 1914 – 1919. Tóm tắt ngắn gọn ba giai đoạn này sẽ giúp bạn đọc hiểu được những xung đột kinh tế xảy ra sau đó.

• Bản vị vàng – từ 1870 đến 1914

Vàng đã là tiền tệ quốc tế ít ra là từ thế kỷ thứ VI trước Công nguyên dưới triều đại vua Croesus của Lydia, vùng đất ngày nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ. Gần đây hơn, nước Anh từng thiết lập một loại tiền giấy đảm bảo bằng vàng theo một tỷ giá cố định vào năm 1717, hệ thống này kéo dài dưới nhiều hình thức khác nhau (trừ một số thời kỳ gián đoạn do chiến tranh) cho đến tận năm 1931. Những cơ chế tiền tệ tương tự đều có thể được gọi là "Bản vị vàng", tuy khái niệm này không có một định nghĩa thống nhất. Hệ thống Bản vị vàng có thể bao gồm nhiều hình thức, từ việc sử dụng tiền xu bằng vàng thật cho đến tiền giấy đảm bảo bằng vàng với những số lượng khác nhau. Về mặt lịch sử mà nói, khối lượng vàng dùng để đảm bảo cho tiền giấy dao động từ 20% đến 100%, và trong một vài trường hợp hiếm hoi khi lượng vàng chính thức nhiều hơn số lượng tiền phát hành thì tỷ lệ này còn cao hơn 100%.

Hệ thống Bản vị vàng cổ điển trong giai đoạn 1870-1914 có một vị trí duy nhất trong lịch sử của vàng đóng vai trò tiền tệ. Đây là giai đoạn hầu như không có lạm phát; hoặc chỉ có giảm phát tích cực ở các nước có nền kinh tế phát triển; kết quả của những cách tân về kỹ thuật làm gia tăng năng suất và mức sống mà không làm gia tăng thất nghiệp. Đây là giai đoạn đầu tiên của toàn cầu hóa, có nhiều nét tương đồng với giai đoạn toàn cầu hóa thứ nhì bắt đầu vào năm 1989 với sự kết thúc của Chiến tranh lạnh.

Toàn cầu hóa giai đoạn 1 được nhớ tới bởi những tiến bộ kỹ thuật trong các lĩnh vực truyền thông và giao thông: những người làm ngân hàng ở New York có thể trao đổi công việc qua điện thoại với đối tác ở Lon don, thời gian di chuyển giữa hai trung tâm tài chính này cũng giảm xuống chỉ còn khoảng 7 ngày mà thôi. Những phát triển này lúc đó có thể chưa rộng khắp, song chúng đã tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và ngân hàng toàn cầu. Những trái phiếu phát hành ở Argentina, bảo lãnh ở London và mua bán ở New York tạo ra một mạng lưới dày đặc các tài sản và nợ gắn kết với nhau, theo một cách thức tương tự như ngày nay. Đứng đằng sau sự tăng trưởng và thương mại quốc tế đó chính là vàng.

Hệ thống Bản vị vàng đầu tiên không được hình thành ở các hội nghị quốc tế như trong thế kỷ XX, cũng không được các tổ chức đa phương áp đặt từ trên xuống. Bản vị vàng ngày xưa có vẻ giống như một câu lạc bộ do các quốc gia tình nguyện tham gia. Một khi đã tham gia, các quốc gia thành viên hành xử theo những quy tắc chung được mọi người hiểu rõ, mặc dù không được văn bản hóa. Không phải tất cả, nhưng nhiều quốc gia tham gia hệ thống này, và họ đều tự do hóa tài khoản vốn, các lực lượng thị trường thắng thế, can thiệp của chính phủ là rất nhỏ, tỷ giá ổn định.

Một số quốc gia đã áp dụng Bản vị vàng từ rất lâu trước năm 1870, như Anh Quốc từ năm 1717 và Hà Lan từ năm 1818, nhưng phải từ sau năm 1870 mới là giai đoạn nhiều nước cùng áp dụng hệ thống này, từ đó "câu lạc bộ Bản vị vàng" hình thành những đặc điểm riêng biệt. Các thành viên mới gồm có Đức và Nhật năm 1871, Pháp và Tây Ban Nha năm 1876, Áo năm 1879, Argentina năm 1881, Nga năm 1893 và Ấn Độ năm 1898. Về thực tế thì Hoa Kỳ cũng đã theo Bản vị vàng từ năm 1832, khi họ bắt đầu đúc những đồng tiền vàng 1 ounce với giá trị quy đổi bằng 20 đô-la vào thời đó; tuy nhiên Mỹ không chính thức áp dụng Bản vị vàng trong việc quy đổi từ tiền giấy ra vàng mãi cho đến khi Đạo luật Bản vị vàng ra đời vào năm 1900. Vì thế có thể xem Mỹ là nước lớn cuối cùng tham gia hệ thống Bản vị vàng cổ điển.

Các nhà kinh tế khá nhất trí với nhau khi nói về những kết quả kinh tế thuận lợi của thời kỳ này. Giulio M. Gallarotti, sử gia kinh tế và lý thuyết gia hàng đầu của thời kỳ Bản vị vàng này đã tóm tắt ngắn gọn như sau trong tác phẩm The Anatomy of an International Monetary Regime (tạm dịch Mổ xẻ một cơ chế tiền tệ quốc tế):

Trong phạm vi các quốc gia áp dụng Bản vị vàng trong giai đoạn ba thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XIX, hiếm khi xảy ra những luồng di chuyển vốn một cách bất thường, hiếm khi có những can thiệp về tỷ giá, thương mại quốc tế tăng trưởng kỷ lục, hầu như không có các vấn đề về cán cân thanh toán, vốn, tư liệu sản xuất và người lao động dịch chuyển dễ dàng, hầu như không có nước nào hủy bỏ khả năng chuyển đổi từ tiền giấy ra vàng (convertibility) và nếu có thì cũng sớm quay lại, tỷ giá luôn được giữ trong giới hạn tương ứng của vàng (tức là cực kỳ ổn định), có rất ít xung đột về chính sách giữa các nước, việc đầu cơ mang tính chất bình ổn (tức là hành vi đầu tư có xu hướng đem tỷ giá quay trở lại trạng thái cân bằng nếu như các đồng tiền bị định giá sai), các điều chỉnh rất nhanh gọn, thanh khoản dồi dào, lòng tin của cả khu vực công và khu vực tư vào hệ thống tiền tệ quốc tế là rất lớn, giá cả ổn định và có thể dự đoán trong dài hạn, lạm phát thấp, viễn cảnh dài hạn trong sản xuất công nghiệp và tăng trưởng thu nhập là khả quan, thất nghiệp giữ ở mức khá thấp.

Nhận xét rất tích cực trên đây của Gallarotti được tán đồng bởi một nghiên cứu khác của Ngân hàng Dự trữ St. Louis, với kết luận "Thành tích kinh tế tại Hoa Kỳ và Anh trong giai đoạn Bản vị vàng là tốt hơn nhiều so với giai đoạn phát hành tiền theo luật định (từ bỏ Bản vị vàng – ND) sau đó". Giai đoạn 1870-1914 là thời kỳ vàng son, xét theo khía cạnh tăng trưởng mà không có lạm phát, của cải và năng suất gia tăng tại các nước công nghiệp hóa và chế tạo hàng hóa.

Một phần quan trọng giải thích cho tính hấp dẫn của Bản vị vàng là tính đơn giản của nó. Trong hệ thống này không nhất thiết phải có một ngân hàng trung ương (mặc dù ngân hàng trung ương có thể thực hiện một số chức năng nhất định), và thực tế thì ngay nước Mỹ cũng không có ngân hàng trung ương trong thời kỳ Bản vị vàng. Khi tham gia vào "câu lạc bộ Bản vị vàng", một quốc gia chỉ đơn giản tuyên bố rằng đồng tiền giấy của họ có giá trị bằng một khối lượng vàng nhất định nào đó, và rằng họ sẵn sàng mua hay bán vàng với mức giá đó để đổi lấy tiền giấy đã phát hành, với bất kỳ số lượng nào từ các nước thành viên khác. Quá trình mua bán vàng ở mức giá gần với mức giá mục tiêu nhằm duy trì giá mục tiêu cũng tương tự như nghiệp vụ thị trường mở ngày nay: nó có thể được ngân hàng trung ương thực hiện, mà cũng có thể do chính phủ thực hiện trực tiếp hay gián tiếp thông qua các đại diện tài khóa như ngân hàng và nhà kinh doanh tiền tệ. Mỗi nhà kinh doanh tiền tệ được ủy quyền đều phải có quyền tiếp cận một lượng vàng nhất định, với sự hiểu biết rõ rằng khi thị trường hỗn loạn, sẽ cần nhiều vàng hơn để đổi cho người dân. Mặc dù chính phủ có can thiệp, song sự can thiệp này được thực hiện một cách minh bạch và mang tính bình ổn hơn là thao túng thị trường.

Đối với tài chính quốc tế, lợi ích của hệ thống này nằm ở chỗ khi giá trị của hai đồng tiền được neo với một khối lượng vàng nhất định thì tỷ giá giữa hai đồng tiền đó cũng được "neo" lại với nhau. Quá trình ràng buộc lẫn nhau này không đòi hỏi sự có mặt của các thể chế như IMF hay G20 như hiện nay. Trong thời kỳ Bản vị vàng cổ điển, thế giới được hưởng lợi từ sự ổn định của các loại tiền tệ và giá cả, mà không cần có cơ chế giám sát lẫn nhau hay việc lập kế hoạch của các ngân hàng trung ương.

Một lợi ích nữa của Bản vị vàng là bản chất tự quay về trạng thái cân bằng, không chỉ xét trên các nghiệp vụ thị trường mở hàng ngày, mà ngay cả khi xét tới những sự kiện lớn hơn như việc thay đổi sản lượng khai thác và sản xuất vàng. Nếu nguồn cung vàng tăng nhanh hơn so với năng suất của xã hội (điều đã từng xảy ra khi người ta khám phá được những mỏ vàng tại Nam Phi, Úc và khu vực Yukon trong giai đoạn 1886-1896), mức giá hàng hóa sẽ tạm thời tăng lên. Tuy nhiên, điều này sẽ dẫn tới việc gia tăng chi phí cho các nhà sản xuất vàng, từ đó làm giảm sản lượng vàng và sau cùng là tái thiết lập xu thế ổn định giá cả trong dài hạn. Ngược lại, nếu năng suất kinh tế tăng nhanh do công nghệ mới, giá cả hàng hóa sẽ giảm tạm thời, có nghĩa là sức mua của đồng tiền tăng lên. Điều này khiến những người giữ vàng bán vàng ra, các nhà sản xuất vàng nỗ lực khai thác hơn, sau cùng thì nguồn cung vàng gia tăng và quay trở lại tình trạng ổn định giá cả. Trong cả hai trường hợp, những cú sốc tạm thời về cung và cầu vàng dẫn tới những thay đổi trong hành vi của các thành viên thị trường, những thay đổi này sẽ tái lập tình trạng ổn định về giá cả trong dài hạn.

Trong thương mại quốc tế, các yếu tố cung cầu cũng cân bằng theo cách thức tương tự. Một quốc gia có tình hình thương mại cải thiện, khi giá xuất khẩu vượt giá nhập khẩu, sẽ bắt đầu có thặng dư thương mại. Thặng dư của quốc gia này sẽ được phản ánh bằng thâm hụt của quốc gia khác, những nước có điều kiện thương mại kém thuận lợi hơn. Quốc gia thâm hụt sẽ thanh toán cho quốc gia thặng dư bằng vàng. Điều này dẫn tới việc cung tiền sẽ giảm ở quốc gia thâm hụt thương mại và tăng ở quốc gia thặng dư (do cung tiền bị ràng buộc bởi lượng vàng mà từng quốc gia nắm giữ – ND). Quốc gia thặng dư với cung tiền gia tăng sẽ bị lạm phát, ngược lại quốc gia thâm hụt bị giảm phát. Tình trạnh lạm phát và giảm phát (thiểu phát) tại các đối tác thương mại này sẽ mau chóng làm đảo ngược các điều kiện thương mại ban đầu. Cụ thể, hàng xuất đi từ quốc gia thặng dư ban đầu sẽ trở nên đắt đỏ hơn, trong khi hàng xuất đi từ quốc gia thâm hụt sẽ rẻ đi. Sau cùng thì quốc gia thặng dư sẽ bị thâm hụt thương mại còn quốc gia lúc đầu thâm hụt nay sẽ trở nên thặng dư. Lúc này vàng sẽ quay đầu trở lại quốc gia đã mất vàng lúc trước. Các nhà kinh tế gọi đây là cơ chế chảy vàng.

Quá trình tự cân bằng này vận hành mà không cần có sự can thiệp của ngân hàng trung ương. Tạo điều kiện cho quá trình đó là những người kinh doanh chênh lệch giá, mua vàng "rẻ" ở nước này và bán vàng "đắt" ở nước khác (sau khi đã tính tới các yếu tố như tỷ giá, giá trị theo thời gian của tiền tệ, chi phí vận chuyển và chi phí tinh chế vàng). Việc kinh doanh này cũng theo đúng luật chơi, bao gồm những quy tắc và cách làm được các bên thấu hiểu, tất cả dựa trên lợi ích song phương, lý trí thông thường cũng như lợi nhuận từ quá trình kinh doanh chênh lệch giá.

Không phải yêu cầu nào cũng được thanh toán ngay lập tức bằng vàng vật chất. Hầu hết giao dịch thương mại quốc tế được tài trợ bằng thương phiếu và tín dụng thư, những công cụ này sẽ tự thanh toán khi người mua nhận hàng hóa và bán hàng để lấy tiền mặt mà không cần bất kỳ sự chuyển vàng vật chất nào. Dự trữ vàng có tác dụng như một "mỏ neo" hay nền tảng cho toàn bộ hệ thống, hơn là một phương tiện trao đổi. Tuy nhiên đây chính là một mỏ neo rất hữu hiệu trong việc ngăn chặn hành vi đầu cơ tiền tệ, cũng như cung cấp cho các thành viên thị trường một mức độ chắc chắn nhiều hơn về giá trị sau cùng của các giao dịch của họ.

Hệ thống Bản vị vàng cổ điển là hiện thân cho kỷ nguyên thịnh vượng trước Thế chiến thứ I (1914-1918). Hệ thống Bản vị hối đoái vàng sau đó vào những năm 1920, theo suy nghĩ của nhiều người, chỉ là nỗ lực nhằm quay lại thời tiền chiến vàng son mà thôi. Tuy nhiên, những nỗ lực sử dụng lại mức giá vàng trước chiến tranh đã bị phá hỏng bởi hàng núi nợ nần và những sai lầm về chính sách đã biến hệ thống Bản vị hối đoái vàng trong những năm 1920 trở thành cỗ máy giảm phát và suy thoái. Kể từ 1914, thế giới đã không còn thấy sự vận hành của Bản vị vàng thuần túy trong nền tài chính quốc tế nữa.

• Sự hình thành Hệ thống Dự trữ Liên bang: 1907-1913

Tiền đề thứ hai của cuộc chiến tranh tiền tệ là việc hình thành Hệ thống Dự trữ Liên bang tại Hoa Kỳ vào năm 1913. Bản thân sự kiện này cũng có những tiền đề của nó, và chúng ta cần nhìn trở lại xa hơn, đến tận thời gian Cơn hoảng loạn năm 1907. Cơn hoảng loạn này bắt đầu trong bối cảnh một số ngân hàng tại New York (kể cả một trong những ngân hàng lớn nhất là Knickerbocker Trust) nỗ lực bất thành trong việc lũng đoạn thị trường đồng. Khi tin tức về việc Knickerbocker liên quan đến mưu đồ nói trên vỡ lở, một đợt đổ xô đến ngân hàng rút tiền đã xảy ra. Nếu vụ Knickerbocker xảy ra ở những thị trường bình tĩnh hơn thì có lẽ phản ứng thị trường đã không hỗn loạn như vậy, nhưng thị trường Mỹ lúc đó đã rất hoang mang và dao động sau những mất mát thua lỗ lớn do trận động đất San Francisco năm 1906 gây ra.

Thất bại của Knickerbocker Trust chỉ là sự khởi đầu cho một vết dầu loang của sự mất lòng tin trên diện rộng, dẫn tới một vụ sụp đổ nữa của thị trường chứng khoán, nhiều cuộc đổ xô rút tiền tại các ngân hàng, và cuối cùng là khủng hoảng thanh khoản toàn diện, đe dọa tính ổn định của toàn bộ hệ thống tài chính. Nguy cơ này chỉ được ngăn chặn bằng một hành động tập thể của các đại gia ngành ngân hàng lúc bấy giờ, dưới hình thức một gói giải cứu tài chính tư nhân do J. P. Morgan tổ chức. Trong một diễn biến kịch tính nhất trong toàn bộ lịch sử tài chính Mỹ, ông trùm Morgan triệu tập các chủ ngân hàng lớn tới nhà riêng của ông ta tại khu Murray Hill gần Manhattan và tuyên bố... không cho ai ra về chừng nào mọi người chưa thống nhất xong một kế hoạch giải cứu bao gồm những cam kết tài chính cụ thể của từng ngân hàng, nhằm mục đích giành lại niềm tin của thị trường. Kế hoạch giải cứu này đã có hiệu quả, nhưng thị trường cũng phải gánh chịu những thua lỗ và xáo trộn vô cùng to lớn.

Hậu quả của đợt hỗn loạn nổi tiếng năm 1907 là: các ngân hàng tư nhân tham gia vào cuộc giải cứu nói trên đều thống nhất rằng nước Mỹ khi đó cần có một ngân hàng trung ương do chính phủ thành lập, ngân hàng này có khả năng phát hành tiền hoặc các công cụ tài chính tương đương để giải cứu hệ thống ngân hàng tư nhân khi được yêu cầu.

Các ngân hàng cần một thiết chế do chính phủ tài trợ, có khả năng cho họ vay một số lượng tiền mặt không giới hạn với nhiều loại tài sản thế chấp khác nhau. Họ cũng nhận ra rằng không phải lúc nào cũng sẵn có một ông trùm ngân hàng cỡ như ngài J. P. Morgan, hơn nữa những đợt khủng hoảng trong tương lai có thể cần những giải pháp vượt ra ngoài nguồn lực và tài năng của chính Morgan. Nước Mỹ cần có một ngân hàng trung ương với vai trò "người cho vay cuối cùng" với số lượng không hạn chế cho các ngân hàng tư nhân để có thể đối phó với những đợt khủng hoảng trong tương lai.

Thực ra thì nước Mỹ vốn có "thiện cảm" với các ngân hàng trung ương từ rất lâu trước đó. Trước năm 1913 đã từng có hai nỗ lực xây dựng cái gọi là ngân hàng trung ương trong chiều dài lịch sử Hoa Kỳ. Lần đầu tiên là việc Ngân hàng Hoa Kỳ (Bank of the United States) được cấp phép bởi Quốc hội theo đề xuất của Alexander Hamilton vào năm 1791, tuy nhiên giấy phép hoạt động này hết hạn năm 1811 dưới nhiệm kỳ Tổng thống James Mad ison, và dự luật tái cấp phép cho ngân hàng này bị bác bỏ với cách biệt vỏn vẹn một lá phiếu tại Quốc hội. Năm năm sau đó, chính Tổng thống Madison chủ trì việc cấp phép cho Đệ nhị Ngân hàng Hoa Kỳ (Second Bank of the United States) thông qua Quốc hội, tuy nhiên giấy phép lần thứ hai này cũng chỉ có giá trị trong vòng 20 năm và cần được gia hạn vào năm 1836.

Khi đến thời gian gia hạn giấy phép của Đệ nhị Ngân hàng Hoa Kỳ, việc này bị phản đối không chỉ ở Quốc hội mà còn ngay ở Nhà Trắng. Một phần trong chiến dịch tranh cử năm 1832 của Tổng thống Andrew Jackson là dựa trên đề xuất hủy bỏ ngân hàng này. Sau một cuộc tranh luận gay gắt ở tầm quốc gia, bao gồm cả việc Tổng thống Jackson ra lệnh rút toàn bộ các khoản tiền gửi của Bộ Ngân khố Mỹ ra khỏi Đệ nhị Ngân hàng để đem gửi tại các ngân hàng do các tiểu bang cấp phép, Quốc hội thông qua việc tái cấp phép cho Đệ nhị Ngân hàng Hoa Kỳ. Jackson phủ quyết điều này, và thế là việc tái cấp phép bị hủy bỏ!

Những phản đối về mặt chính trị đối với hai ngân hàng quốc gia nói trên đều do việc mất lòng tin vào quyền lực tài chính tập trung, cũng như niềm tin rằng việc phát hành tiền giấy sẽ tạo ra bong bóng tài sản, dẫn đến lạm phát do tín dụng ngân hàng trở nên dễ dàng. Từ 1836 đến 1913, gần 8 thập kỷ thịnh vượng chưa từng có trôi qua với những cách tân và tăng trưởng kinh tế, nước Mỹ hoàn toàn không có ngân hàng trung ương.

Còn bây giờ, trong đống đổ nát thực tế của trận động đất năm 1906 tại San Francisco và đống đổ nát tài chính của cuộc hỗn loạn 1907, người ta lại nỗ lực xây dựng một ngân hàng trung ương. Hiểu rằng công chúng vẫn chưa tin tưởng vào thể chế này, những người ủng hộ ý tưởng này, dẫn đầu là J. P. Morgan, John D. Rockefeller, Jr., và Jacob H. Schiff (từ Kuhn, Loeb & Company) hiểu rằng cần tổ chức một chiến dịch vận động và giáo dục quần chúng để có được sự ủng hộ cần thiết. Bảo trợ về chính trị cho nhóm này là Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Nelson W. Aldrich đến từ Rhode Island, chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện, cũng là người ủng hộ dự luật năm 1908 thành lập Ủy ban Tiền tệ Quốc gia (National Monetary Com mission). Sau vài năm, ủy ban này là nơi tổ chức nhiều nghiên cứu, tài trợ cho các sự kiện, bài phát biểu, liên kết với các hiệp hội nghề nghiệp danh tiếng của các nhà kinh tế và khoa học chính trị, tất cả đều nhắm tới mục tiêu quảng bá cho ý tưởng thành lập một ngân hàng trung ương hùng mạnh.

Tháng 9 năm 1909, Tổng thống William H. Taft công khai đề xuất việc xem xét hỗ trợ thành lập một ngân hàng trung ương. Cùng tháng này, tạp chí Phố Wall Journal tung ra một loạt bài xã luận nhan đề "A Central Bank of Issue", ủng hộ việc thành lập ngân hàng trung ương. Đến mùa hè năm sau, những nền tảng cần thiết về chính trị cũng như công luận đã được hình thành, chuyển sang giai đoạn lập kế hoạch cụ thể cho một ngân hàng trung ương mới. Tuy nhiên, những gì xảy ra sau đó lại là một trong những chương kỳ lạ nhất trong lịch sử ngành tài chính. Thượng nghị sĩ Aldrich là nhà bảo trợ chính cho các dự thảo luật lập nên ngân hàng trung ương, song dự thảo đó phải làm sao để thỏa mãn giới ngân hàng New York, vốn vẫn còn chao đảo sau đợt hỗn loạn năm 1907 và luôn tìm kiếm một "người cho vay cuối cùng" để giải cứu họ trong trường hợp khủng hoảng nổ ra lần nữa. Cần có một ủy ban gồm các nhà ngân hàng để dự thảo kế hoạch thành lập cho ngân hàng trung ương.

Đến tháng 11/1910, Aldrich chủ trì một cuộc họp với sự tham gia của một số đại diện các ngân hàng của phố Wall, và Abram Piatt Andrew, người vừa được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Ngân khố. Các nhà ngân hàng tham gia buổi họp này gồm có Paul Warburg từ Kuhn, Loeb; Frank A. Vanderlip từ National City Bank of New York (ngân hàng do Rockefeller kiểm soát); Charles D. Norton từ First National Bank of New York (ngân hàng do Morgan kiểm soát); và Henry P. Davison – thành viên cao cấp nhất, quyền lực nhất tại J. P. Morgan & Company, chỉ đứng sau chính Morgan mà thôi. Thứ trưởng Andrew là một nhà kinh tế học từ đại học Harvard, người sẽ đóng vai trò tư vấn kỹ thuật cho nhóm cân bằng lợi ích giữa hai đại gia Morgan và Rockefeller.

Aldrich đề nghị các đại biểu hẹn gặp nhau vào lúc trời tối tại một khu vực khá tách biệt gần đường ray xe lửa ở Hoboken, New Jersey, nơi đó một chiếc xe riêng đang đợi họ. Mọi người được yêu cầu đến nơi hẹn một cách riêng rẽ và bằng mọi cách phải tránh sự chú ý của đám phóng viên (vì đây toàn là những người nổi tiếng trong giới tài chính ngân hàng nên khi họ có mặt cùng nhau tại một địa điểm sẽ dễ gây chú ý của báo chí săn tin – ND). Khi đã lên tàu, họ chỉ gọi nhau bằng tên riêng để những người khuân vác không nhận ra rồi đi "tám" với bạn bè hay cánh phóng viên; thậm chí một số vị còn sử dụng tên giả để tăng cường mức độ "phòng gian bảo mật"! Sau hai ngày trên xe lửa, họ tới Brunswick, Georgia, một địa điểm trên bờ Đại Tây Dương ở vào khoảng giữa Savannah và Jacksonville, Florida. Từ đây họ tiếp tục di chuyển tới đảo Jekyll và vào nghỉ tại câu lạc bộ đảo Jekyll, do chính J. P. Morgan sở hữu một phần. Nhóm người này làm việc suốt một tuần để thảo ra dự luật Aldrich, đó sẽ là phác thảo đầu tiên của Hệ thống Dự trữ Liên bang Mỹ (Federal Reserve System).

Phải mất thêm ba năm nữa để thông qua đạo luật Dự trữ Liên bang (Federal Reserve Act), đây là cái tên chính thức của dự luật Aldrich nói trên, kết quả của kế hoạch đảo Jekyll. Đạo luật này được thông qua với đa số áp đảo tại Quốc hội vào ngày 23/12/1913, chính thức có hiệu lực từ tháng 11/1914.

Đạo luật Dự trữ Liên bang năm 1913 bao hàm rất nhiều ý tưởng do Aldrich và Warburg khởi xướng để chống lại sự phản đối với mô hình ngân hàng trung ương tại Mỹ. Thể chế mới này sẽ không mang tên ngân hàng trung ương, mà được gọi là Hệ thống Dự trữ Liên bang. Đây cũng không phải là một thể chế riêng lẻ, mà là một tập hợp các ngân hàng dự trữ của từng khu vực, được điều hành bởi một Ban Thống đốc (Federal Reserve Board), các thành viên của ban/hội đồng này do Tổng thống đề cử và Quốc hội phê chuẩn, chứ không phải do các ngân hàng bầu lên.

Tổng quan mà nói thì cơ chế này có vẻ tản quyền và chịu sự kiểm soát của các viên chức được bầu lên một cách dân chủ. Tuy nhiên bên trong kế hoạch này lại là một cơ chế khác, mà về mặt thực tế thì khá tương đồng với ý định ban đầu của nhóm Al drich trên đảo Jekyll. Chính sách tiền tệ (thực hiện thông qua nghiệp vụ thị trường mở) sẽ chịu sự tác động lớn nhất của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, bởi Fed chủ yếu giao dịch với các ngân hàng và định chế tài chính lớn tại New York. Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York được điều hành bởi một hội đồng quản trị và thống đốc do các cổ đông chứ không phải các chính trị gia bầu ra, mà những cổ đông này lại do các ngân hàng lớn ở New York kiểm soát. Kết quả là dường như có một "Fed bên trong Fed" do các ngân hàng ở New York khống chế và tuân theo các mục tiêu của họ, bao gồm cả việc cấp tín dụng dễ dàng cho các gói giải cứu khi cần thiết.

Một số đặc tính nói trên được thay đổi trong những tu chỉnh luật vào thập niên 1930, tập trung quyền lực vào tay Ban Thống đốc của Hệ thống Dự trữ Liên bang tại thủ đô Washington, D.C. Trong những năm gần đây, thành phần của hội đồng này đa số không phải là những nhà ngân hàng, mà là các nhà kinh tế, luật sư; tuy nhiên điều khôi hài là bản thân họ còn thiên về chính sách giải cứu và nới lỏng tín dụng hơn chính những nhà ngân hàng trước kia! Tuy nhiên, ít ra thì trong những năm 1920, Hệ thống Dự trữ Liên bang chịu ảnh hưởng lớn của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York với bàn tay sắt của Benjamin Strong, người giữ vị trí chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York từ năm 1914 đến khi ông ta qua đời năm 1928. Strong là "truyền nhân" của Henry Davison cũng như của chính J. P. Morgan, do đó ảnh hưởng của Morgan lên ngân hàng trung ương non trẻ của nước Mỹ là rất to lớn.

Lịch sử thường lặp lại. Nhiều thập kỷ sau cuộc họp trên đảo Jekyll, National City Bank của Frank Vanderlip và First National Bank của Charles Norton sáp nhập trở thành First National City Bank of New York, ngân hàng này sau đó tiếp tục rút ngắn tên gọi trở thành Citibank. Năm 2008, Citibank nhận được khoản tiền giải cứu lớn nhất mà Fed từng dành cho một ngân hàng trong lịch sử. Như vậy, những nền tảng mà Vanderlip, Norton và những cộng sự của họ đã dựng lên trên đảo Jekyll từ năm 1910 đã tỏ ra đủ bền vững để giải cứu chính ngân hàng của họ gần một thế kỷ sau đó, đúng như dự liệu.

• Thế chiến thứ I và Hiệp ước Versailles – từ 1914 đến 1919

Tiền đề cuối cùng của Chiến tranh Tiền tệ lần thứ nhất là sự nối tiếp của thế chiến thứ I, hội nghị hòa bình Paris và hiệp ước Versailles.

Thế chiến thứ I kết thúc không phải với một sự đầu hàng của bên nào, mà kết thúc với một sự đình chiến, hay thỏa thuận ngừng bắn. Khi đình chiến, người ta kỳ vọng các bên có thể tạm dừng thù địch và ngồi vào bàn thương lượng hòa bình, nhưng trong một số trường hợp thì hòa hội vẫn thất bại và tiếng súng lại tiếp tục trở lại. Thương lượng về một nền hòa bình lâu dài chính là mục tiêu của Hội nghị Hòa bình Paris năm 1919. Anh và Pháp hiểu rõ rằng đã đến lúc tính toán phí tổn cho cuộc chiến, và họ xem hòa hội Paris chính là cơ hội tốt để áp những khoản chiến phí đó lên các nước bại trận như Đức và Áo.

Tuy nhiên, thành công của thương lượng tại Paris không hề là một việc đương nhiên xảy ra. Tuy bộ binh và hải quân Đức bị đánh bại nặng nề vào tháng 11/1918, tới mùa xuân năm 1919 vẫn chưa có hiệp ước hòa bình nào được ký kết, đồng thời càng lúc càng ít thấy khả năng phe Đồng minh muốn hay có thể tiếp tục cuộc chiến. Do đó các cuộc thương lượng về bồi thường chiến phí vẫn dậm chân tại chỗ. Khả năng của phe Đồng minh trong việc áp đặt các điều khoản của hiệp ước đã suy giảm dần trong thời gian từ tháng 11/1918 đến tháng 3/1919. Bây giờ, để buộc nước Đức chấp nhận các điều khoản hòa bình do phe Đồng minh đưa ra, có lẽ quân Đồng minh cần phải tràn ngập lãnh thổ Đức.

Quy mô và nội dung của các khoản bồi thường chiến phí mà nước Đức phải gánh chịu là một trong những vấn đề đau đầu nhất tại Hội nghị Hòa bình Paris năm đó. Đầu tiên, Đức buộc phải nhường một số vùng lãnh thổ và tiềm năng công nghiệp của họ. Mặt khác, nếu như phần nhượng bộ nói trên càng nhiều thì nước Đức càng ít có khả năng thanh toán các khoản bồi thường chiến phí về tài chính mà họ cũng bị buộc phải trả. Pháp dòm ngó kho vàng của người Đức, vốn đã lên tới 876 tấn vào thời điểm 1915, trữ lượng này đứng hàng thứ tư thế giới sau Mỹ, Nga và Pháp.

Tuy người ta chỉ đơn thuần quan tâm tới việc người Đức có khả năng trả được bao nhiêu bồi thường chiến phí cho Đồng minh, thực tế thì bức tranh toàn cảnh phức tạp hơn rất nhiều, khi mà cả các nước thắng cuộc và thua cuộc trong thế chiến thứ I đều đang lâm vào nợ nần. Như tác giả Margaret MacMillan đã viết trong tác phẩm Paris 1919 , cả Anh và Pháp đều cho Nga vay một số tiền lớn, số tiền này Nga đã không trả được sau khi Cách mạng Tháng Mười nổ ra. Những con nợ khác như Ý cũng mất khả năng trả nợ. Nhưng chính nước Anh cũng nợ Hoa Kỳ 4,7 tỷ đô-la, Pháp thì nợ Mỹ 4 tỷ đô-la và nợ Anh 3 tỷ đô-la. Nói chung thì chẳng có con nợ nào có khả năng trả nợ, toàn bộ hệ thống tín dụng và thuơng mại bị đóng băng.

Như vậy, vấn đề không chỉ là việc Đức bồi hoàn chiến phí cho phe Đồng minh mà còn là một mạng lưới hỗn độn các khoản vay nợ lẫn nhau chính trong phe Đồng minh. Việc cần làm lúc này là làm sao cho dòng tín dụng và thương mại chảy trở lại. Giải pháp tối ưu là đề nghị nước có tiềm lực tài chính mạnh nhất – nước Mỹ – khởi động quy trình với các khoản cho vay và bảo lãnh mới, bên ngoài các khoản cho vay trước đây. Dòng thanh khoản mới này, cùng với những khu vực tự do thương mại, sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng cần thiết để chống lại gánh nặng nợ nần. Một phương pháp khác cũng được nhiều bên đề xuất là xóa toàn bộ các khoản nợ để "làm lại từ đầu". Pháp có thể thấy khó xóa nợ cho Đức nhưng nếu chính Pháp được Mỹ xóa nợ thì lại quá tốt bởi vì tính đi tính lại thì nếu cả hai điều trên cùng xảy ra, Pháp sẽ có lợi: Mỹ là chủ nợ đòi ráo riết hơn, trong khi khả năng thu nợ từ Đức là không cao. Tuy nhiên, thực tế thì không có giải pháp nào vừa nêu xảy ra. Các nước mạnh, dẫn đầu là Anh và Pháp, đòi hỏi các nước yếu (chủ yếu là Đức) phải trả các khoản chiến phí bằng cả tiền mặt, vàng và hiện vật.

Tính toán các khoản bồi thường cũng như cơ chế thanh toán các khoản đó hầu như là nhiệm vụ bất khả thi. Pháp, Bỉ và Anh muốn tính toán dựa trên những thiệt hại chiến tranh thực tế, nhưng Mỹ lại thiên về cách tính dựa trên khả năng chi trả của kẻ bại trận - nước Đức. Tuy nhiên các số liệu thống kê về kinh tế Đức là rất tồi tệ, mù mờ, do đó rất khó có được những tính toán đáng tin cậy về khả năng trả nợ của họ. Ngược lại, việc đánh giá các khoản thiệt hại (như Pháp, Bỉ và Anh đề nghị - ND) cũng khó hoàn thành trong ngắn hạn. Rất nhiều khu vực địa lý lúc này hoàn toàn không thể tiếp cận được, chứ chưa nói tới việc xác định chi phí của quá trình tái thiết.

Ngay nội bộ phe Đồng minh cũng có những tranh luận gay gắt, không kém những tranh luận với nước Đức, về việc khoản bồi thường chiến phí được giới hạn ở những thiệt hại thực tế (điều này được Pháp và Bỉ ủng hộ) hay bao gồm cả những chi phí tài chính như lương hưu và lương lính (nước Anh ủng hộ phương án này). Cuối cùng, Hiệp ước Versailles chẳng nêu ra được con số chính xác nào về khoản bồi thường chiến phí cả. Đây là kết quả của việc không thể tính toán ra một con số (yếu tố kỹ thuật) cũng như không thể thống nhất về con số đó (yếu tố chính trị). Bất kỳ con số nào đủ cao để Pháp và Anh vừa lòng thì lại quá cao với người Đức và ngược lại. Những đề nghị của người Mỹ về việc các bên cần giữ thái độ vừa phải và thực tế hầu như không được ai đếm xỉa đến. Chính trị cục bộ thắng thế so với những nhu cầu kinh tế quốc tế. Thay vì thống nhất một con số bồi thường chiến phí cụ thể, người ta lập ra các ban chuyên gia để tiếp tục nghiên cứu vấn đề này và công bố kết luận trong những năm tiếp theo để làm cơ sơ cho số tiền bồi thường thực sự. Cách làm này kéo dài được thời gian, nhưng vấn đề rắc rối nói trên thực chất chỉ được trì hoãn, rồi lại tiếp tục rối tung lên trong những năm 1920 với hệ thống Bản vị vàng và những nỗ lực tái khởi động hệ thống tiền tệ quốc tế. Vấn đề bồi thường chiến phí đã trở thành cái thòng lọng bao quanh cổ hệ thống tài chính quốc tế trong suốt mười lăm năm sau đó.

• Kết luận

Đến năm 1921, mọi điều kiện đã sẵn sàng cho cuộc chiến tiền tệ hiện đại đầu tiên. Hệ thống Bản vị vàng cổ điển giống như một thanh nam châm hay ngôi sao Bắc cực soi đường cho cuộc tranh luận về việc cần có một hệ thống như thế nào trong thập niên 1920 để tái khởi động dòng chảy vốn và thương mại quốc tế. Thế chiến thứ I và Hiệp ước Versailles đặt ra một yếu tố mới chưa từng là vấn đề quan trọng trong hệ thống Bản vị vàng, đó là các món nợ quốc gia khổng lồ, chồng chéo lẫn nhau và không có khả năng thanh toán, gây ra những trở ngại to lớn cho việc bình thường hóa dòng chảy của vốn. Sự hình thành Hệ thống Dự trữ Liên bang và vai trò của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York báo hiệu sự xuất hiện của Hoa Kỳ trên vũ đài tiền tệ quốc tế như là một đối tác hùng mạnh, chứ không chỉ góp mặt cho có mà thôi. Tiềm năng mà Fed có thể tái tạo thanh khoản cho toàn hệ thống bằng việc in thêm đồng nội tệ (đô-la Mỹ) đã bắt đầu ló dạng. Đầu thập niên 1920, những hoài vọng về Bản vị vàng, sự căng thẳng với những khoản bồi thường chiến phí không trả được, cùng những lo ngại về khả năng của Fed đã dẫn đến việc hình thành một hệ thống tiền tệ quốc tế mới và diễn tiến của Chiến tranh tiền tệ lần thứ nhất.


Chiến tranh tiền tệ lần thứ nhất

(1921-1936)

"Chẳng có nơi nào trên đất Mỹ mà ở đó người ta không nhận ra rằng những mục tiêu và lợi ích riêng tư bí mật đang điều hành toàn bộ chính phủ."

— Tổng thống Woodrow Wilson

Chiến tranh tiền tệ lần thứ nhất nổ ra một cách rất đặc biệt vào năm 1921 ngay sau tiếng súng của Thế chiến thứ I, và kéo dài mà không có kết thúc trọn vẹn cho đến tận năm 1936. Cuộc chiến này được chia thành nhiều giai đoạn, trải dài suốt cả 5 châu lục và thậm chí còn gây ảnh hưởng lớn đến thế kỷ XXI ngày nay. Nước Đức hành động đầu tiên năm 1921 với một đợt siêu lạm phát lúc đầu nhằm làm tăng năng lực cạnh tranh, sau đó kéo dài và phá hủy hoàn toàn một nền kinh tế bị các khoản bồi thường chiến phí đè nặng. Năm 1925, Pháp tiếp tục với việc phá giá đồng Franc trước khi quay lại với chế độ Bản vị vàng, theo đó giành được lợi thế trong xuất khẩu so với những nước như Anh và Mỹ, vốn quay lại Bản vị vàng với tỷ giá như trước chiến tranh. Anh từ bỏ Bản vị vàng năm 1931, giành lại những lợi thế mất về tay Pháp năm 1925. Nước Đức được đẩy mạnh vào năm 1931 khi Tổng thống Mỹ Herbert Hoover tuyên bố hoãn trả nợ bồi thường chiến phí cho họ. Lệnh hoãn trả nợ này sau đó trở thành việc xóa nợ theo kết quả của Hội nghị Lausanne năm 1932. Từ năm 1933 và với sự lên ngôi của Hitler, nước Đức càng ngày càng đi theo con đường riêng của mình, rút ra khỏi hệ thống thương mại thế giới và trở thành một nền kinh tế độc lập, tuy vẫn còn một vài liên hệ với Áo và Đông Âu. Sau đó là động thái phá giá tiền tệ so với vàng của Mỹ vào năm 1933, giành lại phần nào lợi thế cạnh tranh về chi phí xuất khẩu đã mất vào tay Anh hồi năm 1931. Cuối cùng đến lượt Pháp và Anh phá giá một lần nữa. Năm 1936, Pháp từ bỏ Bản vị vàng và trở thành nước lớn cuối cùng thoát khỏi những ảnh hưởng nặng nề của Đại suy thoái, trong khi Anh phá giá nội tệ một lần nữa để giành lại phần nào lợi thế đã mất về tay Mỹ sau tuyên bố phá giá đô-la của Tổng thống F.D. Roosevelt năm 1933.

Với những vòng xoáy phá giá tiền tệ và mất khả năng trả nợ nối tiếp nhau, các nền kinh tế thế giới như lao vào một cuộc đua tới đáy vực, trên đường đua đó thương mại bị đình trệ, sự thịnh vượng bị tàn phá. Tính chất bất ổn và tự hủy hoại của hệ thống tiền tệ quốc tế trong thời kỳ này khiến Chiến tranh tiền tệ lần thứ nhất trở thành lời cảnh báo nghiêm khắc với thế giới ngày nay, khi chúng ta cũng đang phải đương đầu với hàng núi nợ mất khả năng thanh toán.

Chiến tranh tiền tệ bắt đầu năm 1921 khi Ngân hàng trung ương Đức (Reichsbank) bắt đầu hủy hoại giá trị đồng Mark Đức bằng việc ồ ạt in tiền, dẫn đến lạm phát phi mã. Quá trình này được dẫn dắt bởi người đứng đầu Reichsbank khi đó là Tiến sĩ Rudolf von Haven stein (người nguyên là một luật sư chuyển qua làm ngân hàng), và lạm phát xảy ra chủ yếu khi Reichsbank mua trái phiếu chính phủ Đức để cung cấp tiền cho chính phủ bù đắp thâm hụt ngân sách và tiếp tục chi tiêu. Đây là đợt phá giá tiền tệ với quy mô lớn nhất và ảnh hưởng nặng nề nhất ở một nền kinh tế phát triển. Người ta vẫn đồn đoán rằng nước Đức chủ tâm phá giá đồng tiền của họ để thoát khỏi gánh nặng chiến phí phải trả cho Anh và Pháp theo Hiệp ước Ver sailles. Thực sự thì khoản bồi thường chiến phí được tính theo "Mark vàng", tức là bằng một lượng vàng hay một lượng ngoại tệ tương đương cố định, đồng thời các nghị định thư sau hiệp ước nói trên cũng quy định dựa trên một tỷ lệ phần trăm xuất khẩu của Đức, bất kể giá trị của đồng Mark Đức là bao nhiêu đi nữa. Những điều khoản thanh toán gắn với vàng và giá trị xuất khẩu này thực ra không thể bị ảnh hưởng bởi lạm phát. Tuy nhiên, ngân hàng trung ương Đức (Reichsbank) nhận ra cơ hội gia tăng xuất khẩu bằng việc phá giá nội tệ để vừa khiến cho giá hàng xuất từ Đức rẻ hơn ở nước ngoài (lý do chính) vừa khuyến khích được du lịch và đầu tư vào Đức. Theo đó, Đức có thể thu được ngoại tệ cần thiết để trả các khoản bồi thường chiến phí mà không cần phải giảm trực tiếp những khoản bồi thường này.

Khi lạm phát bắt đầu tăng vào cuối năm 1921, điều này không bị xem là một nguy cơ nào cả. Dân Đức hiểu rằng giá cả đang tăng lên, nhưng không ngay lập tức suy đoán được rằng đồng tiền của họ đang sụp đổ. Các ngân hàng Đức có những khoản nợ nhiều gần bằng tài sản của họ, do đó hầu như đã được "bảo hiểm". Nhiều doanh nghiệp sở hữu những tài sản với tính thanh khoản kém như đất đai, nhà máy, thiết bị và hàng tồn kho, với giá trị danh nghĩa gia tăng khi đồng tiền mất giá, do đó họ cũng được bảo vệ. Một số công ty nói trên có những khoản nợ đang "bốc hơi" do số tiền nợ giờ đây chẳng còn giá trị gì, từ đó họ dường như được xóa nợ và giàu lên. Rất nhiều tập đoàn lớn của Đức (tiền thân của những tập đoàn toàn cầu hiện nay) có những tác nghiệp ngoài nước Đức, những hoạt động này giúp họ kiếm được ngoại tệ và "che mắt" công ty mẹ khỏi những tác động tồi tệ của việc đồng Mark sụp đổ.

Khi đồng nội tệ mất giá, phản ứng thông thường của thị trường là dòng vốn tháo chạy. Những ai có thể chuyển tiền Mark Đức ra Franc Thụy Sĩ, vàng hay loại hình cất giữ giá trị nào khác đều vội vã làm như vậy và chuyển các khoản tiết kiệm ra nước ngoài. Ngay cả giới tư sản Đức cũng không nhận ra ngay sự tồi tệ của tình hình, vì thiệt hại do đồng tiền mất giá được bù lại bằng những khoản lời trên thị trường chứng khoán. Không nhiều người nhận ra rằng những khoản lời đó được định giá bằng Mark, một đồng tiền sẽ trở thành vô giá trị không lâu sau đó. Sau chót, những công chức nhà nước hay công đoàn lúc đầu cũng được bảo vệ vì chính phủ tăng lương cho họ tương ứng với mức lạm phát.

Tất nhiên không phải ai cũng làm việc trong khu vực công, có chứng khoán, tài sản hay hoạt động kinh doanh ở nước ngoài để miễn nhiễm với lạm phát. Những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là những người lĩnh lương hưu thuộc tầng lớp trung lưu không đủ điều kiện được tăng lương, và những người dân gửi tiết kiệm tại ngân hàng thay vì đầu tư vào chứng khoán. Những người này hoàn toàn bị đánh gục về mặt tài chính, nhiều người phải bán đồ đạc trong nhà để có tiền mua thức ăn mà sống. Những chiếc đàn dương cầm lúc đó được nhiều người tìm mua, và chúng đã trở thành một dạng tiền tệ của những người khó khăn này. Một số cặp vợ chồng già, tuyệt vọng vì số tiền tiết kiệm đã tiêu ma, tìm đến cái chết qua việc tự tử bằng gas trong nhà bếp. Tội phạm liên quan tới tài sản gia tăng, sau đó thì những vụ nổi loạn và cướp phá xảy ra thường xuyên.

Năm 1922, lạm phát trở thành siêu lạm phát khi Ngân hàng trung ương Đức đầu hàng tình thế và điên cuồng in thêm tiền để đáp ứng nhu cầu trả lương cho công chức và những người lao động thuộc công đoàn. Một đô-la Mỹ trở nên đắt giá đến mức du khách Mỹ... không thể tiêu xài nó vì người bán hàng tại Đức không sao thu xếp đủ hàng triệu Mark Đức để thối tiền cho khách! Khách ăn tối tại quán ăn đòi được trả tiền trước khi ăn, vì ngay sau khi họ dùng bữa xong, giá cả có thể đã tăng lên rất nhiều rồi. Nhu cầu về tiền giấy lớn đến mức ngân hàng trung ương phải thuê thật nhiều nhà in tư nhân và sử dụng nhiều đơn vị hậu cần đặc biệt để tìm đủ giấy và mực cho việc in tiền liên tục. Đến năm 1923, tiền giấy Đức chỉ được in trên một mặt giấy để... tiết kiệm mực in.

Khi tình hình hỗn loạn về kinh tế lên đến đỉnh điểm, Pháp và Bỉ kéo quân tràn vào khu vực công nghiệp tại vùng thung lũng Ruhr năm 1923 để đảm bảo duy trì những lợi ích trong các khoản đòi bồi thường chiến phí của họ. Cuộc xâm lăng này tạo điều kiện cho hai quốc gia nói trên thu được một khoản chiến phí bằng hiện vật, cụ thể là than đá và các hàng hóa chế tạo của Đức. Công nhân Đức ở khu vực này phản ứng bằng cách lãn công, đình công, phá hoại sản xuất. Ngân hàng trung ương Đức nhất trí với cách này và khuyến khích sự phản ứng nói trên bằng việc in thêm nhiều tiền hơn để tăng lương và phụ cấp thất nghiệp.

Nước Đức cuối cùng cũng phải nỗ lực chống lại nạn lạm phát phi mã vào tháng 11/1923 bằng việc ban hành một đồng tiền mới mang tên Rentenmark, lúc đầu đồng tiền này được lưu hành song song với đồng Mark cũ. Đồng Rentenmark được bảo đảm bằng các khoản thế chấp bất động sản cũng như khả năng thu thuế trên các bất động sản đó. Việc phát hành và lưu hành đồng tiền mới này được giám sát chặt chẽ bởi một quan chức vừa được bổ nhiệm là Hjalmar Schacht, một chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực ngân hàng tư nhân, người không lâu sau đó sẽ thay thế Rudolf von Havenstein trong cương vị Thống đốc Ngân hàng trung ương Đức. Rất nhanh sau khi đồng Rentenmark được tung ra, đồng Mark cũ hoàn toàn sụp đổ, khi đó 1 Rentenmark đổi được 1 ngàn tỷ Mark. Bản thân đồng Rentenmark cũng chỉ là một giải pháp tạm thời, sau đó cũng được thay thế bằng đồng Mark Đức mới, được đảm bảo trực tiếp bằng vàng. Đến năm 1924, đồng Mark cũ từng bị siêu lạm phát đã được quét sạch theo đúng nghĩa đen của từ này, vào các thùng rác, ống cống, rãnh thoát nước...

Các sử gia kinh tế thường tách rời đợt siêu lạm phát nói trên của nền cộng hòa Weimar (giai đọạn 1921-1924) với toàn bộ những đợt phá giá tiền tệ theo kiểu làm nghèo nhà hàng xóm thời kỳ 1931–1936, tuy nhiên như vậy tức là đã bỏ qua tính liên tục của các đợt phá giá trả đũa lẫn nhau trong thời gian giữa hai cuộc thế chiến. Thực ra thì đợt siêu lạm phát tại Đức cũng đạt được một loạt mục tiêu chính trị quan trọng, điều này gây ra những ảnh hưởng cho các thập niên 1920 và 1930 sau đó. Siêu lạm phát đoàn kết người dân Đức trong việc chống lại những "kẻ đầu cơ ngoại quốc", đồng thời buộc người Pháp phải đưa quân vào vùng thung lũng Ruhr, tạo ra cái cớ cho việc tái vũ trang của người Đức. Siêu lạm phát cũng khiến hai nước Anh và Mỹ thông cảm hơn với Đức trong việc giảm bớt phần nào những đòi hỏi khắt khe nhất liên quan tới việc bồi thường chiến phí theo Hiệp ước Versailles. Tuy việc sụp đổ của đồng Mark không có mối liên hệ trực tiếp tới giá trị của các khoản bồi thường, Đức cũng có cơ hội giải thích rằng nền kinh tế của họ đang bị tàn phá nặng nề, từ đó có được đôi chút giảm trừ trong việc bồi thường. Việc đồng tiền bị phá giá cũng củng cố sức mạnh của giới công nghiệp Đức, những người nắm trong tay các tài sản thực tế thay vì các tài sản tài chính. Những nhà công nghiệp này cất cánh từ đợt lạm phát vì họ có thể thu thập các ngoại tệ mạnh từ nước ngoài và mua rẻ các công ty trong nước đang thất bại.

Sau chót, siêu lạm phát cho thấy một quốc gia hoàn toàn có khả năng đùa với lửa khi chấp nhận phá giá tiền giấy, rồi sau đó tìm đến giải pháp cuối cùng là Bản vị vàng hay các tài sản hữu hình khác (đất đai chẳng hạn) để vãn hồi trật tự khi có cơ hội – đây chính là những gì mà người Đức đã làm! Chúng tôi không có ý nói rằng đợt siêu lạm phát năm 1922 ở Đức là kết quả của một kế hoạch được trù tính cẩn thận, mà chỉ muốn nói là siêu lạm phát hoàn toàn có thể được sử dụng như một đòn bẩy chính sách. Với siêu lạm phát, người ta có thể dự đoán được những nhóm người thua cuộc và những nhóm người thắng cuộc từ nó, cũng như hình dung được một số hành vi phản ứng nhất định, từ đó nó có thể được sử dụng về mặt chính trị để dàn xếp các quan hệ kinh tế/xã hội giữa quốc gia đi vay và quốc gia cho vay, giữa lao động và tư bản; trong khi vàng luôn được giữ như một quân bài dự trữ để khi cần thì đem ra dùng nhằm dọn dẹp đống đổ nát do lạm phát gây ra.

Tất nhiên, chi phí của lạm phát là không nhỏ. Lòng tin vào các thể chế chính phủ tại Đức đã hoàn toàn tiêu tan, cuộc sống bị thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, những gì đã diễn ra ở đây cho thấy một nước lớn với tài nguyên thiên nhiên, lao động, tài sản và vàng sẵn có để bảo đảm sự thịnh vượng hoàn toàn có thể trỗi dậy hầu như nguyên vẹn từ đống tro tàn của siêu lạm phát. Giai đoạn ngay sau cuộc lạm phát, từ 1924 đến 1929, sản xuất công nghiệp Đức tăng trưởng nhanh hơn bất kỳ nền kinh tế lớn nào, kể cả Hoa Kỳ. Trước kia, các quốc gia thường chỉ từ bỏ Bản vị vàng trong thời chiến, một ví dụ điển hình là trường hợp của nước Anh tạm dừng việc đổi tiền giấy ra vàng trong và ngay sau cuộc chiến tranh với Napoleon (thời gian 1803-1815). Còn giờ đây, nước Đức đã xóa bỏ Bản vị vàng ngay trong thời bình, mặc dù đây chỉ là một giai đoạn hòa bình khó khăn sau Hiệp ước Versailles. Ngân hàng trung ương Đức đã chứng minh được rằng trong một nền kinh tế hiện đại, đồng tiền không gắn với vàng có thể bị phá giá vì những mục tiêu thuần túy chính trị, và những mục tiêu đó có thể đạt được với hành động phá giá nói trên. Bài học này hẳn đã được nhiều quốc gia công nghiệp lớn ghi nhớ.

Cùng thời gian lạm phát ở Đức đang leo thang ngoài tầm kiểm soát, đại diện của các quốc gia công nghiệp lớn gặp nhau tại Hội nghị Genoa (Ý) mùa xuân năm 1922 để xem xét khả năng quay lại chế độ Bản vị vàng lần đầu tiên kể từ trước Thế chiến thứ I. Trước năm 1914, hầu hết các nền kinh tế lớn đều áp dụng chế độ Bản vị vàng thực sự, với tiền giấy được lưu hành trong mối liên hệ chặt chẽ với vàng, do đó cả tiền giấy và tiền vàng (tiền xu) đều cùng lưu hành và tự do chuyển đổi qua lại. Tuy nhiên, chế độ Bản vị vàng đó đã bị lãng quên khi thế chiến bùng nổ, cùng với nhu cầu in tiền để tài trợ cho các chi phí chiến tranh ngày một tăng cao. Giờ đây vào năm 1922, với Hiệp ước Versailles và những khoản bồi thường chiến phí được xác định (dù chưa rõ ràng), thế giới lại quay lại tìm kiếm một mỏ neo của Bản vị vàng.

Tuy nhiên, so với những ngày hoàng kim của Bản vị vàng trước đây thì hiện tại đã có quá nhiều thay đổi quan trọng. Hoa Kỳ đã lập một ngân hàng trung ương mới (Fed) vào năm 1913, tổ chức này có quyền lực vô song trong việc điều tiết lãi suất và mức cung tiền. Tương quan giữa dự trữ vàng và tiền giấy do Fed phát hành vẫn còn là đề tài thử nghiệm trong những năm 1920. Các quốc gia cũng đã quen với sự tiện lợi của việc phát hành tiền giấy khi cần thiết trong thời kỳ thế chiến 1914–1918, còn người dân thì quen với việc sử dụng tiền giấy sau khi tiền vàng bị rút khỏi lưu thông. Các đại diện của các cường quốc đến hội nghị Genoa với mục tiêu giới thiệu lại Bản vị vàng trên cơ sở linh hoạt hơn, được kiểm soát chặt chẽ hơn bởi chính các ngân hàng trung ương.

Chính từ Hội nghị Genoa mà người ta hình thành một tiêu chuẩn Bản vị vàng mới (Bản vị hối đoái vàng – gold exchange standard), với những khác biệt quan trọng so với Bản vị vàng cổ điển. Các nước tham gia hệ thống này thỏa thuận rằng dự trữ của các ngân hàng trung ương có thể bằng ngoại tệ chứ không chỉ bằng vàng, chữ "hối đoái" ở đây đơn giản nghĩa là một số lượng ngoại tệ nhất định có thể được xem như vàng, xét về mục tiêu dự trữ. Phương pháp này cho phép việc chuyển một phần gánh nặng về Bản vị vàng sang những nước có dự trữ vàng lớn như Hoa Kỳ. Nước Mỹ có trách nhiệm duy trì giá trị theo vàng của đồng đô-la ở mức 20,67USD/ounce, trong khi các nước khác có thể dự trữ đô-la Mỹ thay cho vàng. Theo hệ thống tiêu chuẩn mới này, các tài khoản quốc tế vẫn được thanh toán bằng vàng, nhưng một quốc gia phải tích lũy đủ một lượng ngoại tệ tương đối lớn trước khi đem đổi ra vàng thỏi.

Thêm nữa, tiền vàng và vàng thỏi sẽ không còn được lưu hành rộng rãi như trước khi thế chiến nổ ra. Các quốc gia vẫn chấp nhận đổi tiền giấy ra vàng, nhưng chỉ với một số lượng tối thiểu quy định, chẳng hạn như một thỏi vàng 400 ounce, với trị giá thời đó tương đương 8.268USD, hoặc 110.000USD nếu theo giá hiện nay. Điều này có nghĩa chỉ các ngân hàng trung ương, ngân hàng thương mại và những người cực kỳ giàu có mới sử dụng vàng thỏi, còn những người khác sẽ sử dụng tiền giấy được đảm bảo bằng cam kết của chính phủ về việc duy trì giá trị tương đương theo vàng của tiền giấy đó. Tiền giấy như vậy vẫn "tốt như vàng", nhưng vàng thật sẽ chỉ còn nằm trong kho của ngân hàng trung ương mà thôi. Nước Anh đã luật hóa những thỏa thuận này vào bộ luật Bản vị Vàng năm 1925, một bộ luật nhắm tới việc phục vụ hệ thống Bản vị hối đoái vàng mới.

Bất chấp việc quay về với chế độ Bản vị vàng có điều chỉnh, các cuộc chiến tiền tệ tiếp diễn và càng lúc càng có hướng tăng lên. Năm 1923, đồng Franc Pháp sụp đổ, tuy không nặng nề như đồng Mark Đức mấy năm trước đó. Sự sụp đổ này tạo điều kiện cho những ngày vàng son của kiều dân Mỹ tại Paris trong giai đoạn giữa thập niên 1920, trong đó có Scott và Zelda Fitzgerald, hay Ernest Hemingway, những người viết báo hàng ngày miêu tả những tác động của đồng Franc trượt giá cho tờ báo Toronto Star. Người Mỹ có thể sống hết sức thoải mái tại Paris khi đó bằng việc đem đô-la Mỹ đổi lấy đồng Franc đang mất giá hàng ngày.

Những khiếm khuyết nghiêm trọng trong hệ thống Bản vị hối đoái vàng bắt đầu xuất hiện ngay từ khi hệ thống này được áp dụng. Rõ ràng nhất là sự bất ổn do việc các nước thặng dư dự trữ quá nhiều ngoại tệ, tiếp theo là những nhu cầu về vàng không được dự đoán trước từ những nước thâm hụt. Ngoài ra, nước Đức – có tiềm năng là nền kinh tế lớn nhất châu Âu – thiếu vàng để hỗ trợ việc cung tiền đủ cho hoạt động thương mại quốc tế mà nước này cần cho quá trình tái tăng trưởng kinh tế. Người ta đã nỗ lực sửa chữa khuyết điểm này vào năm 1924 với Kế hoạch Dawes, đặt theo tên của kiến trúc sư trưởng của kế hoạch này – Charles Dawes, chuyên gia ngân hàng Mỹ, sau này trở thành Phó Tổng thống Mỹ. Kế hoạch Dawes được đưa ra bởi một ủy ban tiền tệ quốc tế có nhiệm vụ giải quyết các vấn đề tồn đọng liên quan tới các khoản bồi thường chiến phí theo Hiệp ước Versailles. Theo kế hoạch này, các khoản bồi thường của Đức được giảm một phần, đồng thời nước này cũng được nhận một số khoản vay mới để họ có thể có được lượng dự trữ vàng và ngoại tệ mạnh cần thiết cho việc hỗ trợ nền kinh tế Đức. Sự kết hợp của Hội nghị Genoa 1922, đồng tiền mới và ổn định (đồng Rentenmark năm 1923) và Kế hoạch Dawes năm 1924 cuối cùng đã làm ổn định nền tài chính Đức, tạo điều kiện cho quốc gia này phát triển cả về công nghiệp và nông nghiệp mà không phải chịu lạm phát.

Hệ thống tỷ giá cố định trong giai đoạn 1925-1931 hàm ý rằng vào thời kỳ đó các cuộc chiến tiền tệ sẽ sử dụng những vũ khí như tài khoản vàng hay lãi suất, thay vì tỷ giá. Việc vận hành trơn tru hệ thống Bản vị hối đoái vàng trong giai đoạn này phụ thuộc vào cái gọi là "luật chơi". Theo đó, những quốc gia có dòng vàng đi vào (gold inflows) sẽ nới lỏng tiền tệ một phần bằng việc hạ lãi suất để cho phép nền kinh tế tăng trưởng; trong khi những quốc gia có dòng vàng đi ra (gold outflows) sẽ phải thắt chặt tiền tệ và nâng lãi suất, dẫn đến việc thu hẹp kinh tế. Cuối cùng, những nền kinh tế thu hẹp sẽ có được mức giá cả và lương bổng đủ thấp để khiến hàng hóa của họ rẻ hơn, cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế, còn những nền kinh tế đang tăng trưởng sẽ trải qua những điều ngược lại. Tại thời điểm này dòng di chuyển của vàng sẽ đảo chiều: quốc gia có dòng vàng từng đi ra trước kia nay sẽ có dòng vàng đi vào do quốc gia này có thặng dư thương mại từ việc hàng hóa của họ rẻ đi, trong khi quốc gia tăng trưởng trước kia nay sẽ bắt đầu thâm hụt thương mại và dòng vàng sẽ chảy ra từ nước họ.

Hệ thống Bản vị hối đoái vàng mang tính chất tự cân bằng, với một điểm yếu chết người. Trong hệ thống Bản vị vàng thuần túy, nguồn cung vàng là cơ sở cho việc phát hành tiền, thực hiện công việc tăng trưởng hay thu hẹp kinh tế, còn trong hệ thống Bản vị hối đoái vàng, dự trữ ngoại tệ cũng có vai trò tương tự. Điều này nghĩa là các ngân hàng trung ương có thể ra các quyết định về lãi suất và chính sách tiền tệ liên quan tới dự trữ ngoại tệ như là một phần của quá trình điều chỉnh. Chính ở trong những điều chỉnh do chính sách này, chứ không phải do vận hành của vàng, mà hệ thống này cuối cùng đã sụp đổ.

Một đặc điểm của tiền giấy là việc nó đồng thời vừa là tài sản của bên nắm giữ, vừa là một nghĩa vụ nợ của ngân hàng phát hành. Trong khi đó vàng nói chung chỉ là một loại tài sản, trừ những trường hợp vàng được các ngân hàng dùng để cho vay lẫn nhau (điều này chưa phổ biến trong những năm 1920). Các giao dịch điều chỉnh bằng vàng do đó thường mang tính chất bù trừ: nếu vàng di chuyển từ Anh qua Pháp, cung tiền ở Anh giảm và cung tiền ở Pháp tăng tương ứng với số vàng đó.

Hệ thống sẽ vận hành tốt đến chừng nào mà Pháp còn chấp nhận Bảng Anh khi buôn bán và tái ký gửi Bảng Anh vào các ngân hàng Anh để có thể duy trì lượng cung đồng Bảng Anh. Tuy nhiên nếu ngân hàng trung ương Pháp bất thần rút các khoản ký gửi này và đòi ngân hàng trung ương Anh chi trả bằng vàng thật, thì cung tiền của Anh sẽ bị co lại đáng kể. Thay vì những đợt điều chỉnh nhẹ nhàng và từ tốn như thường xảy ra trong hệ thống Bản vị vàng cổ điển, hệ thống Bản vị hối đoái vàng dường như dễ phải chịu đựng những đợt thay đổi mau chóng và bất ổn, dễ làm nảy sinh hỗn loạn.

Một quốc gia thâm hụt dưới hệ thống Bản vị hối đoái vàng sẽ có cảm giác giống như một tá điền mà địa chủ không thu tiền thuê đất suốt cả một năm, sau đó bất thình lình đòi toàn bộ số tiền này ngay lập tức! Một số tá điền trước đó có thể đã dành dụm, nhưng đa phần họ không cưỡng lại được sự cám dỗ của việc được thiếu nợ một cách dễ dàng, và do đó lúc này không thể có tiền trả địa chủ, phải đối diện với nguy cơ bị đuổi đi. Một cách tương tự, các quốc gia sẽ rất lúng túng khi thiếu vàng và bị một quốc gia khác đến đòi quy đổi lượng ngoại tệ ra vàng. Hệ thống Bản vị hối đoái vàng dự định kết hợp những cái tốt đẹp nhất của hệ thống tiền giấy và hệ thống Bản vị vàng, nhưng thực tế đây lại là sự kết hợp của những điểm yếu, nhất là khả năng bất ổn nội tại gây ra do những nhu cầu đòi chuyển đổi ra vàng một cách bất ngờ.

Đến năm 1927, khi Pháp dần dần gia tăng khối lượng dự trữ vàng và ngoại tệ, còn Anh bị "chảy máu" vàng nghiêm trọng, theo đúng luật chơi thì nước Anh phải tăng lãi suất và thu hẹp kinh tế, với mục đích nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế theo thời gian. Nhưng Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh lúc đó, Montagu Norman, không chịu tăng lãi suất, một phần vì ông ta lo ngại những phản đối về mặt chính trị, một phần nữa cũng vì ông ta cho rằng luồng vàng chảy vào Pháp là do đồng Franc bị phá giá. Về phần mình, người Pháp cũng từ chối việc định giá lại đồng Franc, chỉ đề xuất rằng họ sẽ làm điều đó trong tương lai, tất cả những điều này làm gia tăng bất ổn và khuyến khích sự đầu cơ vào cả đồng Bảng Anh và đồng Franc Pháp.

Trong một diễn biến khác, nước Mỹ sau lần cắt giảm lãi suất năm 1927 lại bắt đầu một loạt đợt gia tăng lãi suất vào năm 1928, đều có tác dụng thu hẹp kinh tế. Những đợt gia tăng lãi suất này đi ngược với những gì Hoa Kỳ cần làm theo luật chơi của hệ thống Bản vị hối đoái vàng, nếu xét tới vị thế cường quốc của họ cũng như việc vàng vẫn liên tục chảy vào nước Mỹ. Nhưng cũng tương tự như những quan ngại mang tính chính trị dẫn tới việc Anh không tăng lãi suất vào năm 1927, quyết định của Fed tăng lãi suất trong năm tiếp theo (thay vì giảm) cũng bắt nguồn từ những tính toán nội bộ, nhất là nỗi lo sợ bong bóng tài sản trong giá chứng khoán tại Mỹ. Nói ngắn gọn, các thành viên trong cơ chế Bản vị hối đoái vàng luôn đặt lợi ích và những quan tâm của từng nước lên trên luật chơi chung, do đó mau chóng phá hỏng sự vận hành trơn tru của hệ thống này.

Ngoài ra, còn có một khiếm khuyết nữa của hệ thống Bản vị hối đoái vàng, sâu sắc hơn so với sự thiếu phối hợp chung giữa các ngân hàng trung ương của Anh, Mỹ, Pháp hay Đức, đó chính là giá vàng tính theo đô-la nhằm mục đích "neo chặt" tiêu chuẩn mới này. Trong thời gian Thế chiến thứ I, các nước đều phát hành những lượng tiền giấy khổng lồ để tài trợ cho các khoản nợ chiến tranh, trong khi lượng cung vàng tăng không đáng kể. Hơn nữa, lượng vàng này cũng không nằm yên mà càng ngày càng chảy sang Mỹ, trong khi châu Âu chỉ còn dự trữ vàng rất ít. Giờ đây, việc xử lý tỷ lệ tiền giấy/vàng thời hậu chiến với mức giá vàng như trước chiến tranh đặt ra những tình huống tiến thoái lưỡng nan sau năm 1919. Giải pháp đầu tiên là thu hẹp cung tiền giấy để đạt được mức giá vàng thấp như trước chiến tranh. Phương án này nặng tính giảm phát, và cần có một sự giảm giá mạnh nói chung để trở lại với giá vàng hồi trước chiến tranh. Lựa chọn khác là định giá lại với vàng theo hướng đi lên để phù hợp với mức giá mới, tương ứng với cung tiền đã tăng trước đó. Tăng giá vàng đồng nghĩa với việc phá giá tiền tệ liên tục. Như vậy, sự lựa chọn ở đây là giữa giảm phát và phá giá tiền tệ.

Giá cả có thể đi xuống theo thời gian khi có những phát minh, cách tân, tăng hiệu quả sản xuất hay có những lợi thế do quy mô. Đây là trường hợp giảm phát "có lợi" mà bất kỳ người tiêu dùng hiện đại nào cũng quen thuộc khi thấy giá các mặt hàng như máy tính hay TV màn hình phẳng giảm đi sau mỗi năm. Tuy nhiên, khi giá bị ép xuống do giảm cung tiền không cần thiết, giảm tín dụng, giảm đòn bẩy tài chính, những đổ vỡ trong kinh doanh, phá sản và thất nghiệp, thì vấn đề lại hoàn toàn khác: đây có thể xem là giảm phát "có hại". Chính loại giảm phát có hại này là cái giá phải trả để duy trì giá vàng so với các đồng tiền quan trọng trở lại mức như trước khi chiến tranh xảy ra.

Lựa chọn này không quá nghiêm trọng với Mỹ, vì mặc dù Mỹ cũng gia tăng cung tiền trong Thế chiến thứ I, họ cũng đồng thời có thặng dư thương mại và do đó tăng dự trữ vàng. Tỷ lệ giữa tiền giấy và vàng tại đây không bị lệch quá nhiều so với thời kỳ trước chiến tranh như trường hợp của Anh và Pháp.

Đến năm 1923, cả Pháp và Đức đều đã đối mặt với vấn đề lạm phát thời kỳ chiến tranh và phá giá đồng tiền của họ. Trong ba cường quốc châu Âu, chỉ có nước Anh thực hiện các bước cần thiết để thu hẹp cung tiền nhằm khôi phục lại Bản vị vàng ở mức trước chiến tranh. Điều này đã được thực hiện do sự kiên quyết của Winston Churchill, lúc đó là Bộ trưởng Tài chính. Churchill coi việc quay lại với mức giá vàng trước chiến tranh là một vấn đề danh dự và cũng là cách để kiểm tra sức khỏe nền tài chính Anh. Tuy nhiên, ảnh hưởng của điều này lên nền kinh tế Anh là cực kỳ tàn khốc: mức giá cả chung giảm khoảng 50%, tỷ lệ thất bại kinh doanh rất cao, hàng triệu người thất nghiệp. Churchill sau đó đã viết rằng chính sách quay trở lại với Bản vị vàng trước chiến tranh là một trong những sai lầm lớn nhất của cuộc đời mình. Trước khi giảm phát và thất nghiệp hành hạ Mỹ vào năm 1930, chính nước Anh đã trải qua những thống khổ đó trong gần một thập kỷ trước đó!

Thập niên 1920 là thời gian thịnh vượng tại Hoa Kỳ, đồng thời kinh tế Pháp và Đức cũng phát triển mạnh qua thời điểm giữa thập niên này. Chỉ có nước Anh tụt lại phía sau. Nếu Anh cải thiện được tình hình thất nghiệp và giảm phát vào năm 1928 thì nhìn chung cả thế giới đã đạt mức tăng trưởng kinh tế chưa từng có từ trước Thế chiến thứ I trở lại đây.

Thay vào đó, nền tài chính toàn cầu chẳng bao lâu sau đã rơi vào tồi tệ.

Các nhà kinh tế thường tính thời điểm bắt đầu cho cuộc Đại suy thoái là ngày Thứ Hai đen tối 28/10/1929, khi chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 12,8% chỉ trong vòng một ngày. Tuy nhiên, thật sự thì Đức đã chìm trong suy thoái từ một năm trước đó, còn Anh chưa bao giờ hồi phục từ đợt suy thoái 1920–1921. Ngày thứ hai đen tối chỉ đánh dấu sự nổ tung của bong bóng tài sản tại nước Mỹ hùng mạnh, trong một thế giới đang phải vật lộn với giảm phát và suy thoái.

Những năm ngay sau sự sụp đổ của thị trường chứng khoán 1929 thực sự là thảm họa, xét về khía cạnh thất nghiệp, suy giảm sản xuất, kinh doanh thất bại và những đau khổ mà con người phải gánh chịu. Từ quan điểm của hệ thống tài chính toàn cầu, giai đoạn nguy hiểm nhất là vào mùa xuân và mùa hè năm 1931. Cơn hoảng loạn tài chính năm đó, tương đương với một đợt đổ xô rút tiền tại ngân hàng với phạm vi toàn cầu, bắt đầu vào tháng 5 với việc công bố các khoản lỗ lên tới mức mất toàn bộ vốn chủ sở hữu của ngân hàng Credit Anstalt (Vienna, Áo). Trong những tuần sau đó, một đợt hỗn loạn ngân hàng tràn ra khắp châu Âu, và những ngày nghỉ ngân hàng đã được tuyên bố tại Áo, Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc và Nam Tư. Đức tạm treo các khoản thanh toán nợ nước ngoài và áp đặt việc kiểm soát vốn. Điều này là tương đương với việc rời bỏ Bản vị hối đoái vàng, vì các chủ nợ nước ngoài không thể đòi chi trả vàng tại các ngân hàng Đức, nhưng về mặt chính thức Đức vẫn tuyên bố duy trì giá trị của đồng Mark theo một mức giá cố định với vàng.

Sự hỗn loạn mau chóng lan tới Anh, và qua tháng 7/1931 thì việc rút vàng ồ ạt diễn ra. Các ngân hàng lớn tại Anh đã sử dụng đòn bẩy tài chính, dùng các nguồn tài trợ ngắn hạn để đầu tư vào các tài sản kém thanh khoản, giống hệt như các khoản đầu tư đã giết chết Lehman Brothers vào năm 2008 gần đây. Khi các khoản nợ đến hạn, các chủ nợ nước ngoài chuyển đổi các khoản truy đòi bằng Bảng Anh ra vàng, và vàng từ Anh chạy sang Hoa Kỳ, Pháp hay các cường quốc khác chưa bị khủng hoảng hỏi thăm. Khi lượng vàng chảy ra quá nhiều và trước nguy cơ các ngân hàng lớn ở London sụp đổ, nước Anh đành rời bỏ Bản vị vàng vào ngày 21/09/1931. Ngay lập tức, giá trị đồng Bảng rớt thê thảm so với đô-la Mỹ, tới mức giảm khoảng 30% chỉ sau vài tháng. Nhiều nước khác, như Nhật, các nước Bắc Âu và các nước thuộc Khối Thịnh vượng chung, cũng rời bỏ Bản vị vàng và có được những lợi ích ngắn hạn từ việc phá giá đồng tiền của họ. Những lợi ích này gây thiệt hại cho đồng Franc Pháp và những đồng tiền của các nước còn duy trì Bản vị hối đoái vàng như Bỉ, Luxembourg, Hà Lan.

Sự hỗn loạn tại các ngân hàng châu Âu gia tăng khi Anh rời bỏ Bản vị vàng, tuy nhiên, tâm điểm chú ý tiếp theo lại chính là nước Mỹ. Trong khi kinh tế Mỹ đã suy thoái từ năm 1929, việc phá giá đồng Bảng Anh và những đồng tiền chính khác so với đồng đô-la Mỹ năm 1931 như giáng thẳng gánh nặng giảm phát và suy thoái toàn cầu vào đất nước này. Thực sự thì năm 1932 là năm tồi tệ nhất trong cuộc Đại suy thoái tại Mỹ. Tỷ lệ thất nghiệp lên tới mức 20%; đầu tư, sản xuất và giá cả đều đổ nhào ở mức hai con số so với thời kỳ đầu suy thoái.

Tháng 11/1932, Franklin D. Roosevelt trúng cử Tổng thống Mỹ thay thế Herbert Hoover, người mà nhiệm kỳ Tổng thống vừa qua hoàn toàn bị tràn ngập bởi bong bóng chứng khoán, rồi sự nổ tung của bong bóng và sau đó là Đại suy thoái. Tuy nhiên, phải đến tháng 3/1933 Roosevelt mới chính thức tuyên thệ nhậm chức, và trong quãng thời gian 4 tháng từ khi kết thúc bầu cử đến khi Tổng thống mới tuyên thệ, tình hình tiếp tục xấu đi với các vụ sụp đổ của ngân hàng, cùng các vụ đổ xô đến ngân hàng rút tiền của người dân. Hàng triệu người Mỹ rút tiền mặt từ các ngân hàng đem về nhà bỏ trong tủ hay cất dưới thảm, còn những kẻ chậm chân có thể mất toàn bộ khoản tiết kiệm của mình. Khi Tổng thống mới nhậm chức, dân Mỹ đã hầu như mất hết lòng tin vào các thể chế hiện hành, đến mức lòng tin ít ỏi còn sót lại có chăng là vào chính Tổng thống Roo sevelt mà thôi.

Ngày 06/03/1933, tức là chỉ hai ngày sau khi nhậm chức, Roosevelt sử dụng quyền về tình trạng khẩn cấp, ra lệnh tuyên bố một đợt tạm đóng cửa ngân hàng (hay "ngày nghỉ của ngân hàng") trên toàn quốc. Thoạt tiên, lệnh này kéo dài đến ngày 09/03, sau đó được kéo dài vô thời hạn. Tổng thống muốn cho mọi người biết rằng các ngân hàng sẽ được kiểm tra toàn diện trong đợt này, và chỉ những ngân hàng "mạnh khỏe" mới được phép kinh doanh tiếp. Đợt "nghỉ lễ" này rốt cuộc kết thúc vào ngày 13/03, một số ngân hàng mở cửa trở lại và một số tiếp tục phải đóng cửa. Thực sự mà nói thì động thái này mang tính chất xây dựng lòng tin nhiều hơn, vì chính phủ không thể kiểm tra sổ sách của tất cả các ngân hàng chỉ trong thời gian vỏn vẹn có 8 ngày như trên được.

Tiếp theo, việc ban hành Luật Khẩn cấp về Ngân hàng ngày 09/03/1933 có tầm quan trọng hơn so với việc kiểm tra các ngân hàng trong nỗ lực giành lại lòng tin vào hệ thống ngân hàng. Đạo luật này cho phép Fed cho các ngân hàng vay tới mức bằng 100% mệnh giá của bất kỳ chứng khoán nào do chính phủ phát hành, và 90% mệnh giá của bất kỳ loại séc hay chứng từ có giá ngắn hạn nào mà ngân hàng đang nắm giữ. Fed cũng có thể cho vay tín chấp với bất kỳ ngân hàng nào thuộc Hệ thống Dự trữ Liên bang. Về thực tế mà nói, những điều này có nghĩa là các ngân hàng sẽ có quyền tiếp cận đủ lượng tiền mặt cần thiết để đối phó với các đợt đổ xô rút tiền của khách hàng. Bảo hiểm tiền gửi chỉ xuất hiện vào cuối năm đó, nhưng về chức năng thì những quy định trên là tương tự như một dạng bảo hiểm tiền gửi, khi nó đảm bảo cho người gửi tiền tin tưởng rằng các ngân hàng sẽ luôn có tiền mặt chi trả cho họ.

Thú vị là ở chỗ, cơ sở pháp lý cho việc Tổng thống Roosevelt tuyên bố tạm đóng cửa các ngân hàng một thời gian trong tháng 3 vừa nêu chính là đạo luật Buôn bán với nước thù địch năm 1917, có hiệu lực trong Thế chiến thứ I, trao cho Tổng thống Mỹ những quyền lực về kinh tế trong những tình trạng khẩn cấp nhằm mục tiêu bảo vệ an ninh quốc gia. Còn nếu như sau này các tòa án có đặt câu hỏi về tính pháp lý của thẩm quyền được đóng cửa tạm thời các ngân hàng xét theo luật thời chiến nói trên, thì một luật mới, Đạo luật Ngân hàng Khẩn cấp (Emergency Banking Act) năm 1933 sẽ chính thức hợp thức hóa quyết định tạm đóng cửa các ngân hàng của Tổng thống Roosevelt (sau khi mọi chuyện đã xảy ra!) với một thẩm quyền rõ ràng hơn về vấn đề này.

Khi các ngân hàng mở cửa trở lại vào ngày 13/03/1933, người gửi tiền lại xếp hàng dài trước cổng nhưng không phải để rút tiền mà là để đem tiền đang cất ở nhà ra gửi lại, những đồng tiền trước đó được cất giấu trong những bình pha cà phê hay dưới những tấm thảm trải sàn trong thời kỳ hỗn loạn vài tháng trước đó. Mặc dù chẳng có mấy thay đổi trong bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, việc tuyên bố đóng cửa vài ngày để kiểm tra sổ sách cũng như quyền của Fed được cho các ngân hàng vay tiền chi trả cho người dân đã lập lại lòng tin vào ngân hàng. Giải quyết xong vấn đề rút tiền tại các ngân hàng, Tổng thống Roosevelt giờ đây đối mặt với một vấn đề đau đầu hơn: giảm phát nhập khẩu vào nước Mỹ từ khắp nơi trên thế giới thông qua con đường tỷ giá. Chiến tranh tiền tệ lần thứ nhất nay đã tràn vào ngưỡng cửa của Nhà Trắng.

Khi Anh và các nước khác từ bỏ Bản vị vàng năm 1931, chi phí xuất khẩu của họ lập tức giảm xuống so với các đối thủ cạnh tranh. Điều này nghĩa là các đối thủ cạnh tranh nói trên phải tìm ra những cách làm giảm chi phí để vẫn duy trì khả năng cạnh tranh của hàng hóa của họ trên thị trường quốc tế. Đôi khi việc giảm chi phí này diễn ra dưới hình thức giảm lương hay giãn thợ, khiến tình trạng thất nghiệp trầm trọng hơn. Kết quả là những quốc gia phá giá tiền tệ qua việc từ bỏ Bản vị vàng nay đã xuất khẩu giảm phát/suy thoái sang các nước khác, làm trầm trọng hơn xu thế suy thoái kinh tế toàn cầu.

Lạm phát đương nhiên là liều thuốc giải độc dành cho giảm phát, nhưng vấn đề là làm sao để có lạm phát khi mà vòng xoáy giảm chi tiêu, nợ nần gia tăng, thất nghiệp gia tăng, tích trữ tiền mặt càng ngày càng nghiêm trọng hơn! Về mặt ảnh hưởng kinh tế mà nói thì lạm phát và phá giá tiền tệ là khá tương đồng: cả hai đều làm giảm cơ cấu chi phí nội địa, làm cho hàng nhập khẩu đắt hơn, hàng xuất khẩu rẻ đi so với các nước khác, từ đó tạo ra nhiều việc làm trong nước hơn. Anh, Khối Thịnh vượng chung và Nhật Bản đều đi theo con đường này năm 1931 với ít nhiều thành công. Nước Mỹ hoàn toàn có thể lựa chọn việc phá giá đô-la so với Bảng Anh và những đồng tiền khác, nhưng làm như vậy sẽ dẫn đến những đợt phá giá trả đũa trong tương lai với đồng đô-la, và kết quả chung là không ai có lợi. Sự tiếp tục các cuộc chiến tiền tệ theo kiểu ăn miếng trả miếng không cho chúng ta một giải pháp rốt ráo nào cả. Do đó, thay vì phá giá đô-la Mỹ so với các loại tiền tệ khác, Tổng thống Roosevelt chọn cách phá giá đô-la so với đồng tiền cuối cùng, đó chính là... vàng!

Vàng là một vấn đề riêng biệt của nước Mỹ. Ngoài số lượng vàng dự trữ tại các ngân hàng dự trữ thuộc Hệ thống Dự trữ Liên bang, vàng còn được lưu hành dưới dạng các đồng tiền vàng và các thỏi vàng được cất giữ trong các két sắt và những địa điểm an toàn khác của người dân. Số vàng này có thể xem như tiền, nhưng là lượng tiền được tích trữ và không lưu hành/chi tiêu. Cách dễ nhất để phá giá đô-la với vàng là việc nâng giá vàng (tính theo đô-la), cách này Tổng thống Roosevelt hoàn toàn có thể làm với quyền đưa ra những biện pháp khẩn cấp về kinh tế như đã nói ở trên. Ông có thể tuyên bố rằng từ nay vàng sẽ được chuyển đổi ở mức giá 25USD hay 30USD/ounce thay vì mức giá của Bản vị vàng hiện tại là 20,67USD/ounce. Vấn đề là việc tăng giá vàng như vậy sẽ đa phần đi vào túi những người tích trữ vàng, thay vì giải phóng số vàng tích trữ đó ra lưu thông. Nhiều người sẽ kỳ vọng vàng còn tăng giá nữa, do đó tiếp tục chuyển đổi tiền giấy sang vàng để cất giữ, còn những ai đã có vàng trước đó cũng sẽ ngồi yên vì lý do tương tự, và vì những dự đoán trước đó của họ được khẳng định. Roosevelt cần đảm bảo rằng những lợi ích từ việc định giá lại vàng phải thuộc về chính phủ chứ không phải những người tích trữ vàng, đồng thời người dân chỉ còn một loại tiền là tiền giấy mà thôi. Nếu vàng rời khỏi những người sở hữu tư nhân và nếu người dân kỳ vọng sẽ còn những đợt phá giá tiền giấy nữa, họ sẽ có xu hướng chi tiêu tiền giấy thay vì cứ nắm giữ một loại tài sản ngày càng mất giá.

Việc cấm tích trữ và sở hữu vàng là một phần không thể thiếu của kế hoạch phá giá đồng đô-la so với vàng và khuyến khích người dân chi tiêu nhiều hơn. Trong bối cảnh trên, Tổng thống Roosevelt ban hành Sắc lệnh Hành chính 6102 ngày 05/04/1933, một trong những sắc lệnh kỳ lạ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ngôn ngữ thẳng băng trong sắc lệnh do chính đương kim Tổng thống ký ban hành tự nó đã nói lên tất cả:

Tôi, Franklin D. Roosevelt... tuyên bố rằng tình trạng khẩn cấp ở tầm quốc gia vẫn tiếp diễn, và... do đó cấm việc tích trữ tiền xu vàng, và thỏi và chứng chỉ vàng trong phạm vi... toàn nước Mỹ đối với mọi cá nhân, doanh nghiệp tư nhân, công ty... tất cả mọi người phải giao nộp, chậm nhất vào ngày 01/05/1933, cho một ngân hàng dự trữ liên bang... hoặc bất kỳ thành viên nào thuộc Hệ thống Dự trữ Liên bang tất cả số tiền xu vàng, vàng thỏi và chứng chỉ vàng mà họ còn đang nắm giữ... Bất kỳ ai cố tình vi phạm bất kỳ điều nào của sắc lệnh này... sẽ bị phạt tới mức tối đa là 10.000USD, hoặc... bị giam tới mức tối đa là 10 năm.

Như vậy, người dân Hoa Kỳ buộc phải giao nộp vàng cho chính phủ và được đổi lại tiền giấy theo mức giá 20,67USD/ounce. Một vài ngoại lệ được dành cho nha sĩ, thợ kim hoàn và một số người khác, những người này được giữ vàng một cách hợp pháp để sử dụng trong ngành nghề chuyên môn của họ. Người dân chỉ được giữ một lượng vàng tương đương 100USD (khoảng 5 ounce theo giá vàng năm 1933), và vàng dưới hình thức tiền xu hiếm. Mức phạt tiền 10.000USD (dành cho những ai vi phạm sắc lệnh nói trên của Tổng thống và tiếp tục cất giữ vàng) tương đương khoảng 165.000USD ngày nay, tức là một mức phạt rất nặng!

Roosevelt sau đó còn ra một loạt sắc lệnh bổ sung, trong đó có Sắc lệnh Hành chính 6111 ngày 20/04/1933, theo đó cấm hoàn toàn việc xuất khẩu vàng từ Hoa Kỳ trừ khi có chấp thuận của Bộ trưởng Ngân khố. Sắc lệnh Hành chính 6261 ngày 29/08/1933 buộc các nhà sản xuất vàng tại Mỹ bán sản phẩm của họ cho Bộ Ngân khố theo một mức giá do Bộ này quy định, thực tế đã quốc hữu hóa các mỏ vàng của nước Mỹ.

Như vậy, sau một loạt động thái mau lẹ, Tổng thống Mỹ đã tịch thu vàng tư nhân, cấm xuất khẩu vàng và quản lý luôn ngành khai thác vàng. Kết quả là lượng dự trữ vàng của chính phủ tăng lên. Theo các số liệu thống kê thời đó, người dân đã giao nộp hơn 500 tấn vàng cho Bộ Ngân khố trong năm 1933. Kho vàng của chính phủ tại Fort Knox được lập ra năm 1937 chỉ để lưu giữ lượng vàng do người dân đem nộp, đơn giản vì kho chứa của Bộ Ngân khố đã không còn đủ chỗ.

Ngày nay, khó mà hình dung được một tình cảnh tương tự, tuy quyền lực của Tổng thống trong việc trưng thu vàng vẫn còn tồn tại. Vấn đề không phải do một cuộc khủng hoảng tương tự không thể xảy ra, mà chủ yếu là do những trở ngại về chính trị có thể xảy ra nếu hành động tương tự trong một thời đại mà thông tin tràn lan với các chương trình thảo luận trên radio, truyền thông xã hội v.v..., tất cả làm suy giảm lòng tin của người dân Mỹ vào chính phủ. Trong các yếu tố nói trên, sự mất lòng tin là quan trọng nhất. Chính Tổng thống Roosevelt cũng có những đối thủ trong các cuộc tranh luận trên radio, nổi tiếng nhất là Cha Charles Coughlin, với một lượng thính giả vào những năm 1930 tính ra lớn hơn so với thính giả của Rush Limbaugh ngày nay. Tuy không đạt tầm phủ sóng như Twitter hay Facebook ngày nay, thời đó cũng chẳng thiếu các phương tiện truyền thông xã hội, bao gồm báo chí và nhất là thông tin truyền miệng qua mạng lưới dày đặc các gia đình, nhà thờ, các câu lạc bộ xã hội và các nhóm sắc tộc. Sự phản đối kế hoạch trưng thu vàng của Roosevelt hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng thực tế đã không xảy ra. Mọi người khi đó dang tuyệt vọng và tin rằng Tổng thống Roosevelt có thể sửa chữa lại nền kinh tế, và nếu việc ngăn cấm tích trữ vàng là cần thiết thì người ta sẵn lòng giao nộp vàng khi được yêu cầu.

Các phương tiện truyền thông xã hội điện tử ngày nay có sức ảnh hưởng ghê gớm đến cảm xúc của quần chúng, nhưng chính cảm xúc mới là điều đáng quan tâm. Những gì còn sót lại của niềm tin vào sự lãnh đạo và chính sách kinh tế trong những năm đầu của thế kỉ XXI ngày càng bị bào mòn. Chẳng có gì khó khăn để hình dung rằng một vài cú sụp đổ của đồng đô-la sẽ khiến chính phủ phải trưng thu vàng. Nhưng sẽ rất khó để có thể nghĩ rằng người Mỹ sẽ lại sẵn lòng làm y chang như những gì họ đã làm vào năm 1933!

Hành động trưng thu vàng của Roosevelt đã để lại một câu hỏi không lời đáp về giá trị mới của đồng đô-la so với vàng trong hoạt động thương mại và thanh toán quốc tế. Với việc trưng thu vàng của dân chúng Hoa Kỳ với giá chính thức là 20,67 đô-la /ounce, Tổng thống Roosevelt đã tiến hành mua thêm vàng ở thị trường mở từ tháng 10/1933, đẩy giá vàng lên từ từ và do đó làm giảm giá đồng đô-la. Nhà kinh tế và sử học Alan Meltzer mô tả cách Roosevelt sẽ thỉnh thoảng chọn một mức giá cho vàng là trong khi đang... nằm trên giường trong bộ đồ ngủ của mình, chẳng hạn ông ta có thể yêu cầu Bộ Ngân khố tăng giá vàng thêm 21 xu bởi vì 21 bằng 3 lần 7, mà 7 là con số may mắn của Ngài Tổng thống! Câu chuyện nghe có vẻ hài hước nếu nó không dùng để mô tả hành vi ăn cắp của cải từ chính người dân Mỹ; những lợi nhuận có được từ việc tăng giá vàng lúc này đổ dồn vào Bộ Ngân khố chứ không phải vào túi của những công dân, những người trước đây đã từng sở hữu số vàng đó. Trong vòng 3 tháng tiếp theo, Roosevelt dần dần tăng giá vàng lên mức 35 đô-la /ounce, sau đó ông ta quyết định bình ổn giá tại mức này. Từ khởi sự cho đến hoàn tất, đồng đô-la đã bị giảm 70% giá trị khi so với vàng.

Như một đòn đánh cuối cùng, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Dự trữ Vàng năm 1934, phê chuẩn giá vàng mới ở mức 35 đô-la /ounce và vô hiệu hóa tất cả những điều khoản vàng (gold clause) trong các hợp đồng. Điều khoản vàng là một giao kèo được định ra để bảo vệ cả hai bên khỏi những bất ổn của lạm phát hoặc giảm phát. Một điều khoản tiêu biểu thuộc loại này chỉ ra rằng trong trường hợp có thay đổi về giá cả của đồng đô-la so với vàng thì bất kỳ khoản thanh toán nào bằng đô-la theo hợp đồng cũng phải được điều chỉnh để giá trị của số tiền mới ngang bằng với giá trị của số tiền trước đây khi so với một khối lượng vàng không đổi. Sự tấn công của Tổng thống Roosevelt vào các điều khoản vàng đã gây ra nhiều tranh cãi kịch liệt và bị kiện lên Tòa án tối cao vào năm 1935 với vụ kiện giữa Norman và Baltimore & Ohio Railroad Co., cuối cùng dẫn đến việc tán thành loại trừ các điều khoản vàng trong một phán quyết cực kỳ sít sao (5 phiếu thuận, 4 phiếu chống), với ý kiến đa số được phê chuẩn bởi Chánh án Charles Evans Hughes. Mãi đến năm 1977 Quốc hội Mỹ mới một lần nữa cho phép việc sử dụng các điều khoản vàng trong các hợp đồng.

Cuối cùng, Đạo Luật Dự trữ Vàng năm 1934 cũng thiết lập quỹ bình ổn hối đoái thuộc Bộ Ngân khố, được tài trợ bằng những khoản lợi nhuận từ việc trưng thu vàng, trong đó Bộ Ngân khố có thể tùy ý sử dụng số tiền này để can thiệp tỷ giá hối đoái trên thị trường tiền tệ và những hoạt động khác của thị trường mở. Quỹ bình ổn hối đoái đôi khi được xem như quỹ bôi trơn của Bộ Ngân khố, bởi lẽ số tiền này không bị chi phối bởi Quốc hội như một phần của quy trình ngân sách. Quỹ này trở nên nổi tiếng khi được sử dụng bởi Bộ trưởng Ngân khố Robert Rubin vào năm 1994 để bình ổn thị trường tiền tệ của Mexico sau sự sụp đổ của đồng peso vào tháng 12 năm đó. Còn ngoài ra thì Quỹ bình ổn hối đoái rất ít khi được sử dụng và hầu như không được biết đến thậm chí ngay cả trong giới làm chính sách của Washington trong suốt thời gian từ 1934 đến 1994. Các nghị sĩ đã bỏ phiếu thông qua Đạo luật Dự trữ Vàng năm 1934 hầu như không hề biết rằng họ đã tạo điều kiện cho gói cứu trợ tại Mexico 60 năm sau đó.

Sự đoạn tuyệt của người Anh với vàng vào năm 1931 và việc phá giá vàng của người Mỹ vào năm 1933 đã mang lại những ảnh hưởng được mong đợi. Cả nền kinh tế của Anh lẫn của Mỹ đều cho thấy những lợi ích ngay lập tức từ việc phá giá của họ: giá cả ngừng đi xuống, cung tiền gia tăng, việc mở rộng tín dụng bắt đầu, sản xuất công nghiệp tăng và nạn thất nghiệp giảm. Cuộc Đại suy thoái còn lâu mới đi đến hồi kết và những dấu hiệu tiến bộ vừa nêu chỉ xuất phát từ những mức rất đáng thất vọng, cho nên gánh nặng trên vai các doanh nghiệp và các cá nhân vẫn còn vô cùng to lớn. Tuy nhiên, một lối rẽ khác được mở ra, ít nhất là đối với những quốc gia đã phá giá (đồng nội tệ) so với vàng và so với đồng tiền của những quốc gia khác.

Vào thời điểm đó, những quốc gia theo Bản vị vàng, những nước đã được hưởng lợi từ đợt sóng phá giá đầu tiên vào những năm 1920, bắt đầu bị cuốn vào đợt giảm phát mà Hoa Kỳ và Anh đã làm chệch hướng. Điều này cuối cùng đã dẫn đến một Hiệp ước Tay Ba (Tripartie Agreement) năm 1936, một sự kiện nữa trong chuỗi vô tận những hội nghị và những thỏa thuận sơ bộ về tiền tệ quốc tế, bắt đầu từ Hiệp ước Versailles năm 1919. Hiệp ước Tay Ba là một hiệp ước không chính thức được ký giữa Anh, Mỹ và Pháp, có hiệu lực giữa các các bên và nhân danh khối quốc gia theo hệ thống Bản vị vàng. Phiên bản chính thức của Mỹ được công bố bởi Bộ trưởng Ngân khố Henry Morgenthau vào ngày 25/09/1936 chỉ rõ rằng mục đích là để "hỗ trợ các điều kiện bảo vệ hòa bình và đóng góp tốt nhất cho công cuộc hồi phục trật tự trong các mối quan hệ kinh tế quốc tế". Trọng tâm của hiệp ước là Pháp được phép phá giá ở một mức độ không đáng kể. Về việc phá giá tiền tệ này của Pháp, Mỹ tuyên bố "Chính phủ Mỹ... tuyên bố mục tiêu tiếp tục sử dụng các nguồn lực thích hợp sẵn có để tránh... bất kỳ sự xáo trộn nào về nền tảng của hối đoái quốc tế có thể bắt nguồn từ việc tái điều chỉnh được đề xuất". Đây là một cam kết "không trả đũa" từ Mỹ – một tín hiệu khác cho thấy chiến tranh tiền tệ đang đi đến hồi kết từ đây.

Cả ba bên đã cam kết duy trì giá trị đồng tiền ở một mức mới được thống nhất so với vàng, và như thế cũng là thống nhất so với nhau (tỷ giá giữa ba loại tiền tệ này nhìn chung sẽ được cố định – ND), ngoại trừ trường hợp nhất thiết phải tăng cường phát triển kinh tế nội địa. Trường hợp ngoại lệ được đặt ra đối với nhu cầu phát triển nội địa này đặc biệt mang ý nghĩa về mặt chính trị, đây chính là bằng chứng cho thấy tuy các cuộc chiến tranh tiền tệ có thể diễn ra trên vũ đài quốc tế, chúng vẫn được dẫn dắt bởi những suy xét mang tính chính trị nội địa. Về mặt này, bản tuyên bố của Morgenthau chỉ ra rằng: "Trong chính sách đối với các quan hệ tiền tệ quốc tế, đương nhiên chính phủ Mỹ phải cân nhắc mọi mặt đến các yêu cầu về sự thịnh vượng của đất nước mình". Các phiên bản Hiệp ước nói trên của Anh và Pháp, được công bố bằng một loạt ba thông báo riêng biệt thay vì một bản hiệp ước duy nhất, chứa đựng những lời lẽ về thực chất cũng tương tự như vậy. Cụm từ "sự thịnh vượng nội địa" này không hề mang nghĩa vu vơ, khi mà cả ba quốc gia đều đang phải vật lộn với những hậu quả của cuộc Đại suy thoái. Họ được kỳ vọng sẽ sẵn sàng hủy bỏ hiệp ước nếu giảm phát hoặc tỷ lệ thất nghiệp cao quay trở lại theo chiều hướng đòi hỏi những liều thuốc gây lạm phát thông qua cơ chế tỷ giá hoặc phá giá đồng tiền so với vàng. Rốt cuộc thì Hiệp ước Tay Ba cũng chẳng có giá trị gì, bởi lẽ sự phát triển của bản thân mỗi đất nước luôn lấn át những suy xét mang tính quốc tế, tuy nhiên hiệp ước này vẫn đánh dấu một sự đình chiến trong các cuộc chiến tranh tiền tệ.

Thụy Sỹ, Hà Lan và Bỉ cũng đã kí hiệp ước sau khi Pháp mở lối. Việc này kết thúc vòng xoay phá giá đầy cạnh tranh, bắt đầu với Đức, Pháp và toàn bộ khối quốc gia theo hệ thống Bản vị vàng những năm 1920, tiếp tục với Anh vào năm 1931, lên đến cực điểm là với Mỹ vào năm 1933 và giờ đây quay trở lại thành một vòng tròn đầy đủ các quốc gia theo hệ thống Bản vị vàng vào năm 1936. Liều thuốc tạm thời mang tên phá giá tiền tệ đã truyền từ quốc gia này sang quốc gia khác như một bình nước duy nhất dùng cho tất cả những anh lính đang chết khát. Việc ổn định lâu dài những đồng tiền đang bị giảm giá so với vàng nhằm khuyến khích việc lạm phát giá cả hàng hóa tiêu dùng và để thoát khỏi giảm phát tại thời điểm đó đã được chia sẻ bởi tất cả các quốc gia.

Một kết quả tích cực từ việc phá giá đồng tiền của Pháp và lời cam kết ổn định tỷ giá của Hiệp Ước Tay Ba là sự phục hồi việc trao đổi vàng trên phạm vi quốc tế giữa các quốc gia làm ăn buôn bán với nhau. Thời kì đình chỉ việc xuất khẩu vàng và các ngân hàng trung ương trưng thu vàng đã bắt đầu tan biến. Bộ Ngân khố Hoa Kỳ, trong một thông báo riêng biệt chưa đầy ba tuần sau Hiệp ước, đã nêu rõ "Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ tuyên bố rằng... Hoa Kỳ cũng sẽ bán vàng để xuất khẩu trực tiếp, hoặc ghi sổ, cho các quỹ bình ổn hoặc quỹ cân bằng hối đoái của các quốc gia có các quỹ tương tự đang sẵn sàng bán vàng cho Hoa Kỳ". Hoa Kỳ sẵn sàng dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vàng đến những quốc gia có hành động tương tự (tức là cũng dỡ bỏ lệnh cấm bán vàng sang Mỹ - ND). Giá vàng mới trong các giao dịch quốc tế được ấn định ở mức 35 đô-la/ounce, và mức giá này được duy trì cho đến năm 1971.

Sự kết hợp của một loạt những hoạt động phá giá lần cuối, của những lời cam kết duy trì các tỷ giá mới bằng nhau và sự tái tục của việc mua bán vàng có lẽ đã có tác dụng tạo ra một kỷ nguyên bình ổn về mặt tiền tệ dựa trên giá trị vàng. Nhưng đó là một trường hợp quá nhỏ bé, quá trễ nải. Sự phá hoại kinh tế do những khoản bồi thường chiến phí từ Hiệp ước Versailles và tình trạng siêu lạm phát của nền cộng hòa Weimar đã làm cho Đảng Quốc xã phân biệt chủng tộc và theo chủ nghĩa nghiệp đoàn dấy lên ở Đức, và nắm toàn quyền vào đầu năm 1933. Ở Nhật Bản, một nhóm quân sự trung thành với chuẩn mực phong kiến Võ sĩ đạo phiên bản thế kỷ XX đã nắm quyền kiểm soát chính phủ Nhật Bản và đã tiến hành một loạt những cuộc xâm lược quân sự khắp vùng Đông Á. Đến năm 1942, phần lớn thế giới chìm vào chiến tranh, một cuộc vật lộn mang tính sống còn giữa quân Đồng minh và quân Phát xít. Những lần phá giá và những cuộc vật lộn với các khoản nợ và bồi thường chiến tranh còn sót lại từ Thế chiến thứ I đã bị lãng quên. Vào năm 1944, khi các vấn đề tiền tệ mang tính quốc tế lại được đem ra bàn luận một lần nữa, thế giới đã hoàn toàn trở nên khác biệt.

Cuối cùng, những khiếm khuyết của hệ thống Bản vị hối đoái vàng 1925 và chính sách tiền tệ của Mỹ giai đoạn 1928-1931 đã là quá lớn so với sự chịu đựng của hệ thống tiền tệ toàn cầu. Những quốc gia đã phá giá như Pháp và Đức đã đạt được ưu thế thương mại so với những nước không thực hiện việc phá giá. Những quốc gia như Anh, nơi đã cố trở lại hệ thống Bản vị vàng trước chiến tranh, đã khốn khổ với nạn thất nghiệp và giảm phát nghiêm trọng, còn những quốc gia như Hoa Kỳ (nơi tích trữ lượng vàng lớn) thì lại thất bại trong việc thực hiện các trách nhiệm quốc tế của mình khi thắt chặt các điều kiện tín dụng trong khoảng thời gian đáng ra họ phải nới lỏng.

Người ta đã tranh luận từ đó đến nay về phạm vi mà sự mất cân bằng và những chính sách sai lầm này đã đóng góp vào cuộc Đại Suy thoái. Rõ ràng sự thất bại của hệ thống Bản vị hối đoái vàng đã làm cho nhiều nhà kinh tế học ngày nay nghi ngờ việc sử dụng vàng trong tài chính quốc tế. Nhưng ít nhất cũng sẽ công bằng để hỏi rằng liệu vấn đề có phải là tự bản thân vàng không hay là do giá vàng, vấn đề bắt nguồn từ một mong ước có tính chất hoài cổ về một cột mốc trước chiến tranh, kết hợp với những đồng tiền bị định giá thấp và những chính sách lãi suất sai lầm, đã thật sự đọa đày hệ thống. Có lẽ một hệ thống Bản vị vàng thuần khiết hơn, thay vì một hệ thống Bản vị hối đoái vàng khá lai căng, và một mức giá vàng thực tế hơn, tương đương 50 đô-la/ounce vào năm 1925, đã có thể mang lại sự giảm phát ngắn hơn và sức chịu đựng lâu dài hơn. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết được điều này. Những gì xảy ra tiếp theo sau năm 1936 không phải là sự kéo dài của một cuộc chiến tranh tiền tệ mà là một cuộc chiến thực sự đẫm máu nhất trong lịch sử.


Chiến tranh tiền tệ lần thứ II

(1967-1987)

"Đồng đô-la là đồng tiền của chúng tôi, nhưng nó là vấn đề của các bạn."

— Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ John Connally gửi các Bộ trưởng Tài chính nước ngoài, 1971

"Tôi cóc cần phải quan tâm đến đồng Lia."

— Tổng thống Richard M. Nixon, 1972

Khi Thế chiến thứ II đi đến hồi kết, các cường quốc kinh tế chính yếu trong phe Đồng minh, dẫn đầu bởi Hoa Kỳ và Anh, đã lên kế hoạch cho một trật tự tiền tệ thế giới mới nhằm tránh những sai lầm của Versailles và thời kỳ giữa hai cuộc chiến tranh thế giới. Những kế hoạch này được xem xét lần cuối tại Hội nghị Bretton Woods ở New Hampshire vào tháng 7 năm 1944. Kết quả là một bộ các quy tắc, tiêu chuẩn và thể chế đã định hướng cho hệ thống tiền tệ quốc tế trong ba thập kỷ sau đó.

Kỷ nguyên Bretton Woods (từ năm 1944 đến năm 1973) tuy bị gián đoạn bởi vài cuộc suy thoái kinh tế, nhìn tổng thể vẫn là một giai đoạn ổn định về mặt tiền tệ, lạm phát thấp, tỷ lệ thất nghiệp thấp, tăng trưởng kinh tế cao và thu nhập thực gia tăng. Ở hầu hết các khía cạnh, giai đoạn này là sự đối lập của giai đoạn Chiến tranh Tiền tệ lần thứ I (1921-1936). Dưới hệ thống Bretton Woods, hệ thống tiền tệ quốc tế được neo với vàng thông qua việc đồng đô-la Mỹ được tự do chuyển đổi qua vàng bởi các đối tác thương mại với giá 35 đô-la/ounce, còn những đồng tiền khác gián tiếp được neo với vàng thông qua các tỷ giá hối đoái cố định so với đồng đô-la Mỹ. Việc cho một số quốc gia cụ thể vay ngắn hạn trong trường hợp bị thâm hụt thương mại sẽ được giải quyết bởi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Các quốc gia chỉ có thể phá giá đồng tiền của mình nếu được IMF cho phép và điều đó thường chỉ được diễn ra trong trường hợp thâm hụt thương mại dai dẳng cộng với lạm phát cao. Mặc dù được xem như một giao ước quốc tế quan trọng nhưng cấu trúc của hệ thống Bretton Woods hầu như chỉ do một mình nước Mỹ đề ra, vào một thời điểm mà sức mạnh quân sự và kinh tế của Mỹ đang ở đỉnh cao so với toàn thế giới, một sự thắng thế ghê gớm mà người ta chỉ thấy lại được khi Liên bang Xô Viết sụp đổ vào năm 1991.

Mặc cho sự tồn tại bền vững của hệ thống Bretton Woods cho đến những năm 70 của thế kỉ XX, mầm mống của Chiến tranh Tiền tệ lần thứ II đã được gieo vào khoảng giữa cuối thập niên 60. Có thể nói khởi đầu của cuộc chiến tiền tệ này là từ năm 1967, trong khi điềm báo của nó xuất phát từ việc thắng cử vang dội của Lyndon B. Johnson và lời tuyên bố "súng và bơ" của ông ta. Súng tượng trưng cho cuộc chiến ở Việt Nam và bơ tượng trưng cho các chương trình xã hội Great Society, bao gồm cuộc chiến chống đói nghèo.

Mặc dù Mỹ đã duy trì một lực lượng quân sự ở Việt Nam từ năm 1950 nhưng việc triển khai đội quân chiến đấu trên diện rộng đầu tiên diễn ra vào năm 1965, làm leo thang chi phí chiến tranh. Chiến thắng vang dội của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 1964 dẫn đến một Quốc hội mới được triệu tập vào tháng 1 năm 1965, và Thông điệp Liên bang của Johnson nêu rõ rằng tháng đó đánh dấu việc khởi động chương trình Great Society trên phạm vi toàn diện.

Sự kết hợp chi phí cho vấn đề leo thang chiến tranh tại Việt Nam và cho chương trình Great Society vào đầu năm 1965 đã đánh dấu một bước ngoặt thực sự đối với các chính sách kinh tế hậu chiến thành công của Mỹ. Tuy nhiên, phải mất vài năm để người Mỹ có thể nhận thấy rõ ràng những tổn thất về mặt chi phí đó. Trước đó, nước Mỹ đã xây dựng một nguồn tích trữ sức mạnh kinh tế nội địa và thiện chí chính trị trên bình diện quốc tế, và giờ đây nguồn tích trữ đó bắt đầu dần dần kiệt quệ.

Lúc đầu, dường như Hoa Kỳ có đủ khả năng cho cả "súng và bơ". Chính sách giảm thuế thời Kennedy, được ký bởi Tổng thống Johnson không lâu sau khi Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát vào năm 1963, đã mang lại sự khởi sắc cho nền kinh tế. GDP tăng 5% trong năm đầu tiên thực hiện chính sách giảm thuế và tăng trưởng đạt trung bình trên 4,8%/năm trong thời Kennedy-Johnson. Nhưng hầu như ngay từ đầu, lạm phát đã tăng nhanh khi mà cả ngân sách và thương mại cùng bị thâm hụt, bắt nguồn từ các chính sách của Johnson.

Lạm phát tính theo năm gần như tăng gấp đôi từ mức có thể chấp nhận được là 1,9% vào năm 1965 đến mức đáng lo ngại là 3,5% vào năm 1966. Sau đó, lạm phát như con ngựa bất kham suốt thời gian 20 năm. Cho mãi đến năm 1986 tỉ lệ lạm phát mới trở lại mức chỉ hơn 1%. Trong một khoảng thời gian không thể tin được kéo dài 5 năm từ 1977 đến 1981, lạm phát lũy tiến lên đến mức hơn 50%, khiến giá trị của đồng đô-la giảm chỉ còn một nửa.

Các công dân Mỹ trong thời kỳ này đã phạm một lỗi phân tích tương tự như người dân Đức dưới thời cộng hòa Weimar vào năm 1921. Nhận thức đầu tiên của họ là giá cả đang lên; nhưng những gì đang thực sự diễn ra là đồng tiền đang bị sụp đổ. Giá cả cao hơn là triệu chứng chứ không phải là nguyên nhân của việc đồng tiền sụp đổ. Vòng cung của Chiến tranh tiền tệ lần thứ II thật ra là vòng cung của sự lạm phát đồng đô-la Mỹ và sự sụt giá của đồng tiền này.

Tuy các chính sách và lạm phát của Mỹ là trung tâm của cuộc chiến tiền tệ lần thứ II, nhưng những phát súng khai hỏa đã không xảy ra ở Mỹ mà lại là ở Anh, nơi cuộc khủng hoảng đồng Bảng Anh đã âm ỉ từ năm 1964 và trở nên sôi sục vào năm 1967 bằng việc phá giá đồng tiền chính thức đầu tiên kể từ hội nghị Bretton Woods. Tuy đồng Bảng Anh ít quan trọng hơn so với đồng đô-la Mỹ trong hệ thống Bretton Woods, nhưng đây vẫn là một đồng tiền quan trọng trong thương mại và dự trữ. Vào năm 1945, trong tổng lượng dự trữ toàn cầu (tổng mức dự trữ ngoại tệ của tất cả các ngân hàng trung ương), đồng Bảng Anh chiếm tỷ lệ còn lớn hơn cả đồng đô-la Mỹ. Vị trí này dần dần mất đi và cho đến năm 1965, chỉ còn 26% lượng dự trữ toàn cầu là bằng Bảng Anh. Cán cân thanh toán của nước Anh cũng dần suy yếu kể từ đầu những năm 60, và trở nên trầm trọng vào khoảng cuối năm 1964.

Sự bất ổn của đồng Bảng Anh xảy ra không chỉ bởi việc mất cân bằng cán cân mậu dịch ngắn hạn mà còn là do việc mất cân bằng trên phạm vi toàn cầu giữa tổng dự trữ đồng Bảng Anh bên ngoài nước Anh và lượng dự trữ đồng đô-la Mỹ và vàng sẵn có tại Anh để bù cho sự mất cân bằng bên ngoài đó. Vào khoảng giữa những năm 60, lượng Bảng Anh nằm ngoài nước Anh được báo cáo là nhiều gấp bốn lần lượng dự trữ trong nước. Tình huống này thể hiện sự bất ổn cao độ và khiến Anh có thể gặp nguy cơ đổ xô rút tiền tại các ngân hàng nếu những người nắm giữ đồng bảng cố đổi đồng bảng để lấy đô-la hoặc vàng một cách ồ ạt. Một loạt các kỹ thuật khác nhau đã được bày ra để hỗ trợ đồng Bảng Anh và giữ cho nó ở mức cân bằng, bao gồm các hạn mức tín dụng quốc tế, hạn mức hoán đổi với Ngân hàng Dự trữ New York, một gói thắt lưng buộc bụng dành cho Anh và những can thiệp bất ngờ đối với thị trường tiền tệ. Nhưng vấn đề vẫn còn nguyên đó.

Ba cuộc khủng hoảng nhỏ nữa của đồng Bảng Anh xảy ra vào giữa những năm 1964 và 1966 nhưng sau cùng đã được giải quyết. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng thứ tư xảy ra vào giữa năm 1967 đã chính thức thông báo cái chết của đồng tiền này. Vô vàn yếu tố cộng lại đã ấn định thời điểm của nó, bao gồm việc đóng cửa kênh đào Suez trong Cuộc chiến 6 ngày (năm 1967) giữa các nước Ả Rập và Israel và sự kỳ vọng rằng Anh có thể được yêu cầu phá giá đồng tiền để gia nhập Cộng đồng Kinh tế Châu Âu (EEC). Tại thời điểm đó, lạm phát tăng cao tại Anh cũng như tại Hoa Kỳ. Tại Anh, lạm phát được cho là cần thiết để chống lại nạn thất nghiệp đang tăng lên, nhưng ảnh hưởng của nó đối với giá trị của đồng tiền lại rất tiêu cực. Sau một nỗ lực không thành nhằm chống đỡ áp lực bán đồng Bảng Anh đang xảy ra, đồng Bảng Anh chính thức bị phá giá so với đồng đô-la Mỹ vào ngày 18/11/1967, từ 2,80 đô-la còn 2,40 đô-la một Bảng Anh, tức là phá giá 14,3%.

Vết nứt nghiêm trọng đầu tiên của hệ thống Bretton Woods đến nay đã xuất hiện sau 20 năm thành công trong việc duy trì tỷ giá hối đoái cố định và sự bình ổn giá cả. Nếu Anh đã có thể phá giá thì các nước khác cũng có thể! Các quan chức Hoa Kỳ đã làm việc vất vả để ngăn chặn việc phá giá đồng Bảng Anh, với nỗi sợ hãi rằng đồng đô-la sẽ là đồng tiền tiếp theo chịu áp lực này. Nỗi sợ hãi của họ nhanh chóng trở thành hiện thực. Hoa Kỳ đã trải nghiệm cùng một vấn đề bao gồm thâm hụt thương mại và lạm phát, điều đã đánh gục đồng Bảng Anh, tuy nhiên với một sự khác biệt đáng kể. Theo hệ thống Bretton Woods, giá trị của đồng đô-la không gắn với giá trị đồng tiền khác mà gắn với giá trị của vàng. Vì vậy việc phá giá đồng đô-la đồng nghĩa với việc tái định giá vàng theo giá đô-la với chiều hướng đi lên. Mua vàng là hành động thương mại hợp lý nếu bạn kỳ vọng vào việc phá giá đồng đô-la, vì vậy những kẻ đầu cơ đã chuyển mối quan tâm của họ sang thị trường vàng London.

Từ năm 1961 Mỹ và những cường quốc kinh tế hàng đầu khác đã điều hành London Gold Pool (Kho Dự trữ Vàng London), về bản chất là một nghiệp vụ thị trường mở nhằm định giá vàng, trong đó các bên tham gia kết hợp các nguồn dự trữ vàng và đô-la của mình để duy trì giá vàng thị trường theo mức quy định tại Bretton Woods là 35 đô-la / ounce. London Gold Pool bao gồm Hoa Kỳ, Anh, Đức, Pháp, Ý, Bỉ, Hà Lan và Thụy Sỹ, trong đó Hoa Kỳ đóng tới 50% nguồn dự trữ và 50% kia được chia đều cho bảy nước còn lại. London Gold Pool đã một phần đáp ứng được sự bùng nổ của cuộc hỗn loạn mua vàng vào năm 1960, một sự kiện đã tạm thời kéo giá vàng trên thị trường lên đến 40 đô-la/ ounce. London Gold Pool vừa là bên mua vừa là bên bán: họ sẽ mua khi giá xuống cực thấp và bán lại khi giá lên cao để duy trì mức giá vàng 35 đô-la/ounce. Nhưng cho đến năm 1965 thì tổ chức này hầu như chỉ còn đơn thuần là bên bán!

• Hồi cuối của Bretton Woods

Sự công kích của công chúng đối với việc một đồng đô-la thống trị neo với vàng của hệ thống Bretton Woods đã bắt đầu thậm chí trước cả sự kiện phá giá đồng Bảng Anh vào năm 1967. Vào tháng 2/1965, Tổng thống Pháp Charles de Gaulle đã có một diễn văn gây kích động, trong đó ông tuyên bố rằng đồng đô-la đã được thu xếp thành đồng tiền đứng đầu trong hệ thống tiền tệ quốc tế. Ông đã kêu gọi sự trở lại của hệ thống Bản vị vàng cổ điển, điều mà ông mô tả như là "một nền tảng tiền tệ không thể bàn cãi, một hệ thống không phải chịu dấu ấn của bất kỳ một quốc gia nào. Trên thực tế, không ai có thể hình dung ra một tiêu chuẩn hệ thống nào khác hơn là vàng". Người Pháp đã nói là làm: vào tháng 01/1965, Pháp chuyển đổi 150 triệu đô-la Mỹ dự trữ thành vàng và tuyên bố kế hoạch chuyển đổi tiếp 150 triệu đô-la nữa trong thời gian sớm nhất. Tây Ban Nha đã theo chân Pháp và đã chuyển đổi 60 triệu đô-la tiền dự trữ của họ thành vàng. Nếu không dùng giá vàng 35USD/ounce nói trên mà tính theo giá vàng vào thời điểm tháng 6/2011, thì những động thái hoán đổi này đáng giá vào khoảng 12,8 tỉ USD đối với Pháp và 2,6 tỉ USD đối với Tây Ban Nha; khi đó đã làm kiệt quệ dự trữ vàng của Mỹ. De Gaulle đã rất "chân thành" đề nghị gửi hải quân Pháp đến Hoa Kỳ để chở vàng về Pháp.

Việc hoán đổi đô-la để lấy vàng này diễn ra khi các doanh nghiệp của Mỹ đang mua lại các công ty châu Âu và mở rộng hoạt động ở châu Âu bằng những đồng đô-la đang được định giá quá cao, một việc De Gaulle gọi là "sự chiếm đoạt". De Gaulle đã cảm thấy rằng nếu Mỹ phải sử dụng vàng thay vì tiền giấy thì hành động ăn tươi nuốt sống các doanh nghiệp châu Âu này hẳn sẽ phải dừng lại. Tuy nhiên, đã có sự phản đối mạnh mẽ với hệ thống Bản vị vàng thuần túy vào cuối những năm 60, vì cũng giống như vào những năm 30, nó đòi hỏi phải phá giá đồng đô-la và những đồng tiền khác so với vàng. Những người được hưởng lợi nhiều nhất từ việc lên giá của vàng chính là những quốc gia chuyên sản xuất vàng, như Nam Phi và Nga. Các lý do địa chính trị này khiến nhiệt thành đối với một phiên bản mới của hệ thống Bản vị vàng cổ điển giảm dần.

Mặc cho những chỉ trích gay gắt đến từ Pháp, Hoa Kỳ vẫn có một đồng minh trong London Gold Pool, đó là Đức. Điều này là vô cùng quan trọng bởi lẽ Đức có thặng dư thương mại bền vững và đang tích lũy vàng cả từ IMF như là một phần trong những hoạt động hỗ trợ đồng Bảng Anh lẫn thông qua tư cách tham dự như là một bên mua thường xuyên trong nhóm thành viên Gold Pool. Nếu Đức đột nhiên yêu cầu chuyển đổi lượng đô-la dự trữ ra vàng thì một cuộc khủng hoảng đồng đô-la tồi tệ hơn cả cuộc khủng hoảng đồng Bảng Anh là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, Đức bí mật đảm bảo với Mỹ rằng họ sẽ không chuyển đổi đô-la để lấy vàng, được tiết lộ trong một bức thư từ Karl Blessing, chủ tịch Deutsche Bundesbank (ngân hàng trung ương Đức) gửi William McChesney Martin, chủ tịch Ban Thống đốc Hệ thống Dự trữ Liên bang.

Đề ngày 30/3/1967, "Lá thư chúc phúc" này viết:

Ngài Martin thân mến,

Thỉnh thoảng có một vài mối lo lắng... rằng... những khoản chi tiêu bắt nguồn từ sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Đức [có thể] dẫn đến việc Mỹ sẽ tổn thất một số vàng...

Dĩ nhiên ngài cũng nhận thấy rõ sự thật hiển nhiên là Ngân hàng Trung ương Đức trong mấy năm qua đã không hề chuyển đổi bất kỳ... một đồng đô-la nào... thành vàng...

Ngài có thể yên tâm rằng trong tương lai Ngân hàng Trung ương Đức cũng sẽ tiếp tục chính sách này và sẽ thực hiện đầy đủ vai trò của mình trong việc đóng góp cho sự hợp tác tiền tệ quốc tế.

Việc có được sự đảm bảo bí mật từ Đức hoàn toàn làm an lòng nước Mỹ. Đổi lại, Hoa Kỳ tiếp tục gánh chịu chi phí bảo vệ Đức khỏi xe tăng và quân đội Liên Xô đóng quân trong những khu rừng xung quanh Berlin và khắp vùng Đông Âu!

Tuy nhiên, Đức không phải là nước duy nhất có tiềm năng đổi đôla lấy vàng, và hậu quả ngay lập tức của việc phá giá đồng Bảng Anh vào năm 1967 là Mỹ đã buộc phải bán hơn 800 tấn vàng với giá thấp để duy trì tỷ suất cân bằng giữa đồng đô-la và vàng. Vào tháng 6/1967, chỉ một năm sau khi rút khỏi quyền kiểm soát quân sự của NATO, Pháp cũng đã rút khỏi London Gold Pool. Những thành viên khác tiếp tục điều hành, nhưng đây đã là một sự thất bại: các yêu cầu đổi lấy vàng từ những người đang giữ đô-la đã trở thành một cơn bệnh dịch. Đến tháng 3/1968, lượng vàng chảy ra khỏi kho dự trữ đã đạt đến mức 30 tấn một giờ.

Thị trường vàng London tạm thời đóng cửa vào ngày 15/3/1968 để tạm dừng việc chảy máu vàng, và tiếp tục đóng cửa trong vòng hai tuần, một sự bắt chước mù quáng đến kỳ lạ như kỳ nghỉ của ngân hàng Mỹ năm 1933. Một vài ngày sau vụ đóng cửa, Quốc hội Hoa Kỳ đã hủy bỏ yêu cầu dự trữ vàng để đảm bảo cho đồng đô-la; điều này đã giải phóng nguồn cung vàng của Hoa Kỳ để có thể sẵn sàng đem bán với giá 35 đô-la/ounce khi cần. Tất cả những chuyện này không đem lại chút lợi ích nào cả. Đến cuối tháng 3/1968, London Gold Pool sụp đổ. Sau đó, người ta tính tới việc chuyển vàng vào một cơ chế hai lớp: mức giá thị trường được quyết định tại London và mức giá thanh toán quốc tế theo hệ thống Bretton Woods – 35 đô-la/ounce. Kết quả đạt được là "cửa sổ vàng" (gold window), dùng để chỉ ra khả năng của các quốc gia trong việc hoán đổi đồng đô-la để lấy vàng với mức giá 35 đô-la và bán vàng ra thị trường mở với giá 40 đô-la hoặc cao hơn.

Hệ thống hai lớp này tạo ra áp lực đầu cơ hướng tới thị trường mở trong khi mức giá 35 đô-la chỉ còn áp dụng tại các ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, các đồng minh của Mỹ đã đạt được một thỏa thuận không chính thức mới, theo đó không ai được lợi dụng cửa sổ vàng qua việc mua vàng với giá chính thức rẻ hơn. Sự kết hợp của việc Gold Pool sụp đổ, việc tạo ra hệ thống hai lớp và các biện pháp thắt chặt ngắn hạn của Hoa Kỳ và Anh đã giúp bình ổn hệ thống tiền tệ quốc tế vào cuối 1968 và năm 1969, nhưng hồi kết của hệ thống Bretton Woods dường như đã khá rõ ràng.

Vào ngày 29/11/1968, không lâu sau sự sụp đổ của London Gold Pool, tờ báo Time đã tường thuật rằng một trong số những vấn đề của hệ thống tiền tệ là "doanh số thương mại thế giới đang tăng nhanh gấp nhiều lần so với nguồn cung vàng toàn cầu". Những nhận định kiểu này minh họa cho một trong những hiểu lầm tai hại về vai trò của vàng. Thật sai lầm khi nói rằng không có đủ vàng để hỗ trợ thương mại thế giới bởi lẽ số lượng chưa bao giờ là vấn đề; đúng hơn, vấn đề nằm ở chỗ giá cả. Nếu như không có đủ vàng ở mức giá 35 đô-la/ounce thì một lượng vàng tương ứng sẽ dễ dàng hỗ trợ thương mại thế giới ở mức 100 đô-la/ounce hoặc cao hơn. Vấn đề mà Time thật sự đang ám chỉ đến là việc giá vàng thấp một cách giả tạo ở mức 35 đô-la, một điểm mà tờ báo đã nói đúng. Nếu giá vàng ở mức quá thấp, vấn đề không phải nằm ở chỗ thiếu vàng mà là sự thừa mứa của tiền giấy trong mối tương quan với vàng. Số tiền thừa mứa này được phản ánh bằng sự lạm phát đang tăng lên tại Hoa Kỳ, Anh và Pháp.

Vào năm 1969, IMF đã giải quyết nguyên nhân "thiếu vàng" và tạo ra một hình thức tài sản dự trữ quốc tế mới được gọi là quyền rút vốn đặc biệt (SDR). SDR hoàn toàn được IMF tạo ra từ "chân không", không có sự hỗ trợ vật chất nào, mà được phân bổ cho các thành viên theo hạn ngạch IMF của họ. SDR mau chóng được xem như "vàng giấy" bởi đây là một loại tài sản có thể được sử dụng để cân bằng thâm hụt cán cân thanh toán, tương tự như vàng hay các đồng tiền dự trữ khác.

Việc tạo ra SDR là một việc lạ thường khó hiểu tại thời điểm đó. Một lượng "vàng giấy" nhỏ đã được phát hành trong các năm 1970-1972 và một lượng khác cũng được phát hành để xử lý vấn đề tăng giá dầu và lạm phát toàn cầu vào năm 1981. Sau đó, việc phát hành SDR tạm dừng trong vòng gần 30 năm. Chỉ đến năm 2009, tại đáy của một cuộc suy thoái bắt đầu vào năm 2007, một lượng SDR khổng lồ khác đã được in và phân bổ cho các thành viên. Mặc dù vậy, việc phát hành SDR đầu tiên vào năm 1970 chính là một bằng chứng cho thấy cung tiền giấy đã trở nên mất cân bằng như thế nào so với vàng; cũng như sự tuyệt vọng khi Mỹ và các nước khác cố níu kéo giữ giá vàng ở mức 35 đô-la/ounce ngay cả sau khi mức giá đó đã trở nên bất khả thi.

Toàn bộ thời gian từ năm 1967 đến năm 1971 được mô tả chính xác nhất như một khoảng thời gian của sự hỗn loạn và bất ổn trong các vấn đề tiền tệ quốc tế. Việc phá giá đồng Bảng Anh vào năm 1967 ở một mặt nào đó là một cú sốc, ngay cả khi sự bất ổn của nó đã được các giám đốc ngân hàng trung ương chẩn đoán nhiều năm trước đó. Nhưng những năm sau đó được đánh dấu bằng hàng loạt đợt phá giá, định giá lại, lạm phát, SDR, sự sụp đổ của London Gold Pool, hoán đổi tiền tệ, các khoản cho vay của IMF, giá vàng hai lớp và những giải pháp tình thế khác. Cùng thời điểm này, các nền kinh tế hàng đầu trên thế giới đang phải trải qua những vấn đề nội bộ như các cuộc nổi loạn của sinh viên, các cuộc phản kháng của người lao động, các cuộc biểu tình chống chiến tranh, cách mạng tình dục, sự kiện Mùa xuân Praha, Cách mạng Văn hóa và sự dâng cao liên tục của vấn đề phản văn hóa. Tất cả những sự kiện này được lồng vào sự thay đổi nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, sự có mặt khắp nơi của máy vi tính, nỗi sợ hãi về một cuộc chiến tranh nhiệt hạch và sự thán phục khi đưa được người lên Mặt Trăng. Cả thế giới dường như cùng một lúc đứng trên một nền tảng lung lay, điều mà có lẽ chưa bao giờ được nhìn thấy từ năm 1938.

Tuy nhiên qua tất cả những chuyện này, có một thứ dường như vẫn an toàn. Giá trị của đồng đô-la Mỹ vẫn giữ nguyên ở mức 1/35 so với một ounce vàng ròng và Mỹ dường như đã chuẩn bị để bảo vệ giá trị này, bất chấp nguồn cung đô-la mỗi lúc một tăng và sự thật là việc hoán đổi (ở mức giá vàng nói trên – ND) chỉ giới hạn cho một số ít các ngân hàng trung ương nước ngoài, những ngân hàng thể hiện sự tôn trọng đối với thỏa thuận quân tử về việc không khăng khăng đòi chuyển đổi.

Sau đó đột nhiên chiếc neo cuối cùng này cũng bị gãy.

Chủ nhật 15/08/1971, Tổng thống Richard Nixon đã chiếm chương trình truyền hình được yêu thích nhất ở Mỹ, Bonanza, để trình bày một thông báo trực tiếp trên TV về điều mà ông gọi là Chính sách Kinh tế Mới (New Economic Policy) của ông, bao gồm việc kiểm soát lương và giá cả ngay lập tức, thuế suất 10% đối với nhập khẩu và việc đóng cửa sổ vàng. Từ nay trở đi, đồng đô-la sẽ không còn được đổi thành vàng theo yêu cầu của các ngân hàng trung ương nước ngoài; còn quyền hoán đổi của tất cả các bên khác đã bị tước bỏ từ nhiều năm trước. Nixon đã gói gọn những hành động của mình vì quyền lợi của nước Mỹ, thậm chí đã tuyên bố: "Tôi quyết định rằng đồng đô-la Mỹ sẽ không bao giờ là con tin trong tay của những kẻ đầu cơ quốc tế nữa". Dĩ nhiên, chính sự thâm hụt và việc nới lỏng tiền tệ của Mỹ, chứ không phải các nhà đầu cơ, đã đẩy đồng đô-la đến tình trạng này, nhưng cũng như Roosevelt, Nixon đã không bị nhụt chí bởi những sự kiện thực tế. Những vết tích cuối cùng của hệ thống Bản vị vàng Bretton Woods năm 1944 và hệ thống Bản vị hối đoái vàng theo Hội nghị Genoa năm 1922 giờ đây đã ra đi.

Chính sách Kinh tế Mới của Nixon đã rất được ngưỡng mộ. Tin tức báo chí tràn ngập các ý kiến tán thành, và trong ngày giao dịch đầu tiên sau bài diễn văn, Chỉ số Công nghiệp Dow Jones đã có mức tăng trong một ngày cao nhất trong lịch sử của nó cho đến giờ phút đó. Thông cáo của Nixon từ đó được nhắc đến với tên gọi Cú sốc Nixon (Nixon Shock). Chính sách này đã được hình thành trong vòng bí mật và được thông cáo một cách đơn phương, không hề tham khảo ý kiến của IMF hoặc những thành viên chính khác trong hệ thống Bretton Woods. Bản thân chính sách kinh tế này không phải là một cú sốc đối với các đối tác thương mại của Mỹ – trên thực tế việc phá giá đồng đô-la so với vàng, điều mà Chính sách Kinh tế Mới đã thực hiện – là việc còn lâu sau đó mới xảy ra, và áp lực trên đồng đô-la đã tăng chóng mặt trong vài tuần trước bài diễn văn. Thụy Sỹ đã đổi đô-la để lấy hơn 40 tấn vàng vào tháng 7/1971. Việc đổi đô-la lấy vàng của Pháp đã biến quốc gia này trở thành một cường quốc về vàng, chỉ xếp sau Mỹ và Đức, và điều này duy trì cho đến ngày hôm nay.

Điều làm cho châu Âu và Nhật Bản sốc nhất về Chính sách Kinh tế Mới không phải là việc phá giá đồng đô-la mà là thuế suất 10% đối với tất cả các hàng hóa được nhập khẩu vào Mỹ. Bản thân việc loại bỏ hệ thống Bản vị vàng không hề ngay lập tức làm thay đổi giá trị tương quan của các loại tiền tệ - đồng Bảng Anh, đồng Franc Pháp, và đồng Yen Nhật đều có tỷ giá đã được thiết lập so với đồng đô-la, và đồng Mark Đức và đô-la Canada đã được thả nổi trước thời điểm bản tuyên bố của Nixon. Nhưng những gì Nixon thực sự muốn đối với đồng đô-la là phá giá nó ngay lập tức so với tất cả các đồng tiền chính, sau đó sẽ thả nổi để đồng đô-la có thể đắm chìm trong những cuộc phá giá tiếp theo trên các thị trường ngoại hối. Tuy nhiên, điều này sẽ mất thời gian và các lần thương thuyết để chính thức hóa, và Nixon không muốn chờ đợi. Thuế suất 10% của ông đã có tác động kinh tế ngay lập tức tương đương với việc phá giá 10%. Thuế suất giống như phát súng nhắm vào đầu của những đối tác thương mại của Mỹ. Nixon sẽ hủy bỏ thuế một khi ông đạt được những vụ phá giá mà ông theo đuổi, và nhiệm vụ thương thuyết những vụ phá giá này được giao cho ngài Bộ trưởng Ngân khố đầy ngạo mạn của ông là John Connally đến từ Texas.

Những phản hồi của thế giới trước nước cờ của Nixon vào năm 1971 đến ngay lập tức. Cuối tháng 8, Nhật Bản đã thông báo rằng họ sẽ cho thả nổi đồng Yen so với đồng đô-la. Không có gì ngạc nhiên là ngay lập tức đồng Yen đã tăng 7% so với đồng đô-la. Cộng với 10% thuế suất, con số này tăng lên thành 17% khi tính giá thành bằng đô-la Mỹ đối với các hàng hóa nhập khẩu từ Nhật vào Mỹ, đây chính là một tin tốt lành cho các nhà sản xuất thép và xe hơi của Mỹ. Thụy Sỹ đã tạo ra "lãi suất âm" bằng hình thức tính phí đối với các khoản tiền gửi ngân hàng bằng Franc Thụy Sỹ, nhằm ngăn cản dòng tiền đi vào và giúp yểm trợ đồng đô-la.

Vào cuối tháng 9, hội đồng GATT (Hiệp ước chung về Thuế quan và Mậu dịch) nhóm họp để xem xét liệu thuế nhập khẩu của Hoa Kỳ có vi phạm các nguyên tắc thương mại tự do hay không. Chẳng điều gì biện minh được cho khoản thuế suất này; và phó thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Nathaniel Samuels cũng chẳng buồn tranh cãi để bảo vệ nó ngoại trừ việc đề nghị rằng thuế suất sẽ được gỡ bỏ khi cán cân thanh toán của Hoa Kỳ được cải thiện. Theo các quy định của GATT, trong trường hợp này việc trả đũa có khả năng được chấp nhận. Tuy nhiên, các đối tác thương mại của Mỹ chẳng có bụng dạ nào cho một cuộc chiến tranh thương mại. Ký ức về những năm 30 vẫn còn tươi mới và việc Mỹ với vai trò là lực lượng đối trọng siêu hùng mạnh trước Liên Xô, là người bảo vệ về mặt quân sự cho Nhật Bản và Tây Âu vẫn quan trọng hơn nhiều so với việc mạo hiểm đối đầu về mặt thương mại. Nhật Bản và Tây Âu đơn giản sẽ phải chịu đựng việc đồng đô-la yếu hơn đồng tiền của mình; vấn đề đặt ra là ở mức độ nào và với những điều kiện nào mà thôi.

Một hội nghị quốc tế đã được tổ chức ở London dưới sự bảo trợ của một nhóm được gọi là G10 vào cuối tháng 9. Đây là những quốc gia giàu nhất trên thế giới vào thời điểm đó, và quan trọng là bao gồm cả Thụy Sỹ mặc dù nước này khi đó không phải là một thành viên của IMF. Connally đã có một màn trình diễn xứng với nguồn gốc Texas của mình. Ông đã tuyên bố với các đại biểu rằng Hoa Kỳ cần phải ngay lập tức có 13 tỉ đô-la nhằm giải quyết cán cân thương mại của mình từ thâm hụt 5 tỉ trở thành thặng dư 8 tỉ, và rằng yêu cầu này là không có gì để bàn cãi. Sau đó ông ta từ chối tham gia các cuộc bàn thảo về việc làm thế nào để đạt được mục tiêu này; mà chỉ nói với các đại biểu rằng họ sẽ phải lên kế hoạch, rồi sau khi xem xét, kiểm tra, ông ta sẽ cho họ biết kế hoạch đó có thành công hay không! Chín thành viên khác của G10 chưng hửng trước sự ngạo mạn của Connally và tự hỏi không biết nước Mỹ thay đổi cán cân thương mại của họ theo kiểu gì nữa!

Hai tuần sau, vào đầu tháng 10, những thành viên chính gặp lại nhau tại Washington trong cuộc họp hàng năm của IMF. Chẳng có mấy tiến bộ kể từ kỳ hội nghị ở London, nhưng những ảnh hưởng của mức thuế suất 10% của Nixon bắt đầu lộ ra. Bộ trưởng thương mại Canada JeanLuc Pépin ước lượng rằng thuế suất này sẽ làm mất 90 ngàn việc làm ở Canada trong năm đầu tiên. Một vài vụ phá giá đồng đô-la đã diễn ra trên thị trường hối đoái, khi nhiều quốc gia bắt đầu thả nổi đồng tiền của họ so với đồng đô-la và nhiều đồng tiền ngay lập tức tăng giá từ 3% đến 9%! Nhưng Nixon và Connally đang tìm kiếm mức phá giá từ 12% đến 15% cùng với việc đảm bảo rằng mức này sẽ ổn định và không bị thị trường đảo ngược. Không có gì ngạc nhiên khi IMF, với đội ngũ chuyên viên thiên về nghiên cứu, bắt đầu xem xét các giải pháp kỹ thuật. Những kỹ thuật này bao gồm những "biên độ" tỷ giá lớn hơn mà theo đó các đồng tiền có thể dao động trước khi đề xuất được phá giá chính thức, khả năng sử dụng rộng rãi SDR và việc tạo ra một ngân hàng trung ương của thế giới. Những đề xuất này không ăn nhằm gì tới Connally. Ông ta muốn một đáp án ngay lập tức cho vấn đề đang cấp bách và sẽ sử dụng công cụ cùn là thuế suất để thúc đẩy sự việc diễn ra bằng bất kỳ giá nào. Tuy nhiên, ông ta đã nhẹ giọng một chút tại hội nghị IMF bằng cách nói rằng vấn đề thuế suất sẽ được gỡ bỏ nếu các cân thương mại của Hoa Kỳ dịch chuyển đúng hướng, ngay cả khi những mục tiêu tối ưu của họ vẫn chưa đạt được.

Có một vấn đề khác mà Hoa Kỳ dường như sẵn sàng bày tỏ sự linh hoạt và các nước châu Âu cũng rất quan tâm. Tuy Hoa Kỳ tuyên bố rằng sẽ không còn việc đổi đô-la lấy vàng, nhưng họ vẫn không thay đổi giá vàng một cách chính thức; tức là 1 USD vẫn được xem như tương đương 1/35 ounce vàng, dù không thể hoán đổi USD ra vàng theo yêu cầu. Giá vàng tăng sẽ tương đương với đô-la bị giảm giá cũng như các đồng tiền khác tăng giá. Điều này, theo một cách khá tượng trưng, rất quan trọng đối với các nước châu Âu và sẽ được các nước này xem như sự bại trận của Mỹ trong cuộc chiến tiền tệ mặc cho sự lãnh đạm của Mỹ trước sự việc. Đức và Pháp cũng sẽ hưởng lợi vì họ đang tích trữ một lượng vàng khổng lồ và việc đồng đô-la hạ giá so với vàng đồng nghĩa với việc giá trị vàng dự trữ của họ khi tính ra đô-la sẽ tăng lên gấp bội.

Nixon và Connally dường như chẳng hề quan tâm đến chuyện này; khi đóng cửa sổ vàng, giá vàng dường như về một mặt nào đó không còn liên quan, và việc phá giá bằng bất kỳ hình thức nào cũng chỉ là một phương tiện để đạt mục tiêu. Trước khi kết thúc hội nghị IMF, dường như sự kết hợp của việc liên tục lên giá của hầu hết các đồng tiền so với đồng đô-la trên thị trường hối đoái, của việc linh hoạt về mặt ấn định thời gian cho vấn đề giảm thâm hụt thương mại của Mỹ và sự sẵn lòng nâng giá vàng của Mỹ đã tạo thành nền tảng cho việc tái tổ chức hệ thống tiền tệ có tính chất lâu dài, phù hợp với các mục tiêu của Nixon.

Đầu tháng 12, hiệp đấu cuối cùng đã bắt đầu bằng một cuộc họp khác của nhóm G10, được triệu tập tại lâu đài Palazzo Corsini lộng lẫy ở Rome. Lần này, Connally đã sẵn sàng để thảo luận. Ông ta đề nghị mức nâng giá trung bình của các ngoại tệ là 11% và mức phá giá của đồng đô-la so với vàng là 10%. Sự kết hợp hai chiều này đồng nghĩa với mức tăng hơn 20% tính theo giá đô-la dành cho hàng xuất khẩu của các nước vào Hoa Kỳ. Đổi lại, Hoa Kỳ sẽ bỏ thuế suất nhập khẩu 10%.

Châu Âu và Nhật Bản đều giật mình: tổng mức thay đổi vào khoảng từ 12% đến 15% còn có thể chấp nhận được, nhưng tới 20% thì quả là quá sức chịu đựng. Hơn nữa, các thành viên của G10 bắt đầu định vị bản thân mình so với các nước khác. Mức thay đổi 20% đối với đồng đô-la sẽ chỉ là một con số nếu các quốc gia thực hiện đồng loạt, nhưng nếu giả sử Anh định giá lại chỉ ở mức 15% trong khi Đức thực hiện tối đa 20% thì Đức sẽ mất lợi thế so với cả Anh và Mỹ! Pháp muốn giới hạn quy mô phá giá đồng đô-la so với vàng để việc điều chỉnh phần nhiều rơi vào Đức, tránh cho Pháp phải tham gia hoàn toàn. Và đó là cách mọi việc tiếp diễn.

Đến lúc này, việc thương lượng hầu như không có hồi kết. Một vài ngày sau kỳ họp ở Rome, Tổng thống Nixon gặp riêng Tổng thống Pháp Georges Pompidou tại Azores, nơi Pompidou nhấn mạnh đòi hỏi tăng giá đồng đô-la so với vàng như một phần của gói thỏa thuận. Nixon đã tiến hành việc thương lượng trong tình trạng thiếu ngủ bởi lẽ ông ta đã hầu như thức trắng đêm để theo dõi trận bóng đá kiểu Mỹ của đội Washington Redskins theo giờ địa phương. Cuối cùng, Nixon đã đồng ý với yêu cầu của Pháp và Pompidou đã trở lại Pháp như một người anh hùng vì đã đánh bại được người Mỹ trước vấn đề nhạy cảm của đồng đôla và vàng. Tuy nhiên, Nixon cũng chẳng ra về trắng tay, bởi vì Pompidou đã đồng ý thúc đẩy việc miễn giảm đáng kể thuế quan được áp đặt bởi Khối Thị trường chung châu Âu cho các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ.

Các thảo luận mang tính thăm dò đạt được ở Palazzo Corsini và Azores đã được phê duyệt hai tuần sau đó bởi nhóm G10 trong một hội nghị được tổ chức tại lâu đài cổ màu đỏ nổi tiếng của Viện Smithsonian, ngay kế bên National Mall ở Washington D.C. Nơi tổ chức cuộc họp đã được dùng để đặt tên cho bản thỏa thuận: Hiệp ước Smithsonian. Đồng đô-la Mỹ giảm giá khoảng 9% so với vàng, và các đồng tiền chính được nâng giá từ 3% đến 8% so với đồng đô-la – tổng số điều chỉnh là từ 11% đến 17%, tùy thuộc vào từng ngoại tệ. Những trường hợp ngoại lệ quan trọng là Anh và Pháp, những nước đã không nâng giá đồng tiền của mình nhưng vẫn đạt được mức tăng khoảng 9% so với đồng đô-la do việc phá giá của đô-la. Nhật Bản đã phải chịu sự tổn thất nặng nề nhất, tổng mức điều chỉnh ở mức cao nhất là 17% - thậm chí cao hơn cả Đức – nhưng họ nhận được sự cảm thông ít nhất từ Connally do nền kinh tế của Nhật Bản đang tăng trưởng ở mức trên 5% một năm. Các nước đã ký kết hiệp ước thỏa thuận duy trì những tỷ giá mới này với biên độ giao dịch là +/-2,25% – như vậy tổng cộng là 4,5% – và Mỹ đã đồng ý gỡ bỏ mục thuế suất nhập khẩu 10%; thuế suất này đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Không có điều khoản nào về việc quay lại hệ thống Bản vị vàng được đặt ra, mặc dù về mặt kỹ thuật vàng chưa hề bị xóa bỏ. Như một nhà báo đã quan sát: "Thay vì từ chối bán vàng với mức 35 đô-la/ounce, Bộ Ngân khố chỉ đơn giản từ chối bán... với mức 38 đô-la/ounce".

Hiệp ước Smithsonian, giống như Cú sốc Nixon 4 tháng trước, hoàn toàn được ủng hộ ở Mỹ và đã dẫn đến việc lên giá mạnh trên thị trường chứng khoán khi các nhà đầu tư nhắm đến khoản lợi nhuận tính theo đô-la Mỹ cao hơn từ thép, xe hơi, hàng không, phim ảnh và những khu vực khác được hưởng lợi cả từ việc gia tăng xuất khẩu hoặc giảm nhập khẩu, hoặc cả hai. Phụ tá Tổng thống Peter G. Peterson đã ước lượng rằng việc phá giá đồng đô-la tạo ra ít nhất 500.000 công việc mới trong vòng hai năm tới.

Không may là những kỳ vọng thái quá này đã sớm bị nghiền nát. Chưa tới hai năm sau đó, Hoa Kỳ đã rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ II, với GDP sụt giảm, nạn thất nghiệp tăng vọt, khủng hoảng dầu lửa, thị trường chứng khoán sụp đổ và lạm phát ở mức hỏa tiễn. Bài học về một quốc gia không thể phá giá đồng tiền đi đến thịnh vượng đã không nằm trong sự hiểu biết của Nixon, Connally, Peterson và thị trường chứng khoán vào cuối năm 1971, cũng như với những người tiền nhiệm của họ trong cuộc Đại suy thoái. Dường như đây là một bài học khó tiếp thu.

Cũng như với những hội nghị tiền tệ quốc tế lớn vào những năm 20 và 30, những lợi ích của Hiệp ước Smithsonian đã bị chết yểu. Đồng Bảng Anh bị phá giá lần nữa vào ngày 23/6/1972, lần này dưới hình thức thả nổi thay vì tuân theo tỷ suất Smithsonian. Đồng Bảng ngay lập tức rớt 6% và rớt tiếp đến 10% vào cuối năm 1972. Đã có nhiều lo lắng về hiệu ứng lây lan từ việc phá giá đồng Bảng Anh lên đồng Lia của Ý. Tham mưu trưởng của Nixon đã báo cáo tóm tắt cho ông nghe về cuộc khủng hoảng tiền tệ mới của châu Âu. Câu trả lời bất hủ của Nixon được ghi lại là: "Tôi không quan tâm. Chúng ta chẳng làm gì được trước vấn đề này... Tôi cóc cần phải quan tâm đến đồng Lia."

Vào ngày 29/6/1972, Đức áp đặt lệnh kiểm soát tiền tệ với nỗ lực ngăn chặn việc thu mua hỗn loạn đồng Mark. Cho đến ngày 3/7, cả Franc Thụy Sỹ và đô-la Canada đều được thả nổi. Việc phá giá đồng Bảng Anh cuối cùng dẫn tới việc thất bại thảm hại của đồng đô-la, khi các nhà đầu tư tìm kiếm sự an toàn với đồng Mark Đức và đồng Franc Thụy Sỹ. Tháng 6/1972 John Connally từ chức Bộ trưởng Ngân khố, và bộ trưởng mới, George P. Shultz, hầu như ngay lập tức chìm vào công việc cứu vãn cuộc khủng hoảng đồng đô-la khi vừa nhận chức. Với sự giúp đỡ của Paul Volcker, cũng làm việc tại Bộ Ngân khố, và chủ tịch Hệ thống Dự trữ Liên bang Arthur Burns, Shultz đã có thể khởi động hạn mức hoán đổi, về cơ bản là những khoản vay ngắn hạn, giữa Hệ thống Dự trữ Liên bang (Fed) và các ngân hàng trung ương Châu Âu, và bắt đầu can thiệp vào các thị trường nhằm xoa dịu cơn hoảng loạn đối với đồng đô-la. Cho đến thời điểm này, tất cả những cách thức như biên độ tỷ giá, thả nổi v.v... và những công cụ khác được sáng chế nhằm duy trì bề mặt của hệ thống Bretton Woods đều đã thất bại. Chẳng có gì còn sót lại để giải quyết vấn đề này ngoại trừ việc đưa tất cả các đồng tiền chính vào một hệ thống tỷ giá thả nổi. Cuối cùng, vào năm 1973, IMF tuyên bố khai tử hệ thống Bretton Woods, chính thức kết thúc vai trò của vàng trong tài chính quốc tế và để cho giá trị của các đồng tiền biến động so với nhau ở bất kỳ mức nào mà các chính phủ hoặc các thị trường mong muốn. Một kỷ nguyên tiền tệ đã kết thúc và một kỷ nguyên khác bắt đầu, nhưng cuộc chiến tiền tệ còn lâu mới kết thúc.

Thời đại của tỷ giá hối đoái thả nổi, bắt đầu từ năm 1973, kết hợp với sự chấm dứt mối liên hệ giữa đồng đô-la Mỹ và vàng đã đặt dấu chấm hết tạm thời cho các bi kịch phá giá, vốn đã chiếm lĩnh các vấn đề tiền tệ quốc tế kể từ những năm 20. Sẽ không còn cảnh các ông chủ Ngân hàng trung ương và các Bộ trưởng Tài chính đau khổ về việc phá vỡ tỷ giá hay từ bỏ Bản vị vàng. Giờ đây, thị trường đưa giá đồng tiền lên hoặc xuống mỗi ngày khi họ thấy hợp lý. Các chính phủ cũng can thiệp vào thị trường bất cứ lúc nào nhằm cân đối những gì họ cho là vượt mức hoặc hỗn loạn, nhưng điều này thường chỉ có tác động giới hạn hoặc nhất thời.

• Sự Trở Lại Của Hoàng đế đô-la

Phản ứng trước cái chết dần chết mòn của hệ thống Bretton Woods, các quốc gia chủ lực ở Tây Âu đã bắt đầu một cuộc hành trình tìm kiếm sự thống nhất tiền tệ kéo dài 30 năm, đỉnh điểm là sự ra đời ở EU và đồng Euro, chính thức được công bố vào năm 1999. Khi châu Âu đang từng bước chập choạng tiến đến sự ổn định tiền tệ thì hai cái neo song sinh trước đây của hệ thống tiền tệ thế giới, đô-la Mỹ và vàng, vẫn còn ở rất xa mục tiêu ấy. Mặc cho những kỳ vọng về tăng trưởng và việc làm xuất phát từ việc phá giá đồng đô-la, nước Mỹ vẫn phải chịu đựng thêm ba cuộc suy thoái kinh tế từ năm 1973 đến năm 1981. Tổng cộng sức mua của đồng đô-la từ năm 1977 đến năm 1981 giảm đến 50%. Giá dầu tăng gấp bốn lần trong khoảng thời gian suy thoái từ năm 1973 đến năm 1975 và tiếp tục tăng gấp đôi từ mức đó vào năm 1979. Giá vàng thường niên trung bình nhảy từ 40,80 đô-la/ounce vào năm 1971 lên đến 612,56 đô-la/ounce vào năm 1980, trong đó bao gồm một cú nhảy vọt ngắn hạn lên mức 850 đô-la/ounce vào tháng 1/1980.

Trong con mắt của nhiều người, thế giới thật sự trở nên điên đảo. Một thuật ngữ mới, "đình lạm, hay lạm phát đình đốn (stagflation)", đã được dùng để mô tả sự kết hợp chưa từng xảy ra giữa lạm phát cao và tăng trưởng trì trệ ở Mỹ. Cơn ác mộng kinh tế từ năm 1973 đến năm 1981 là sự đối lập hoàn toàn với sự tăng trưởng bằng con đường xuất khẩu mà hành động phá giá đồng đô-la hướng tới. Những động cơ của phá giá đã hoàn toàn phá sản.

Khi niềm tin vào đồng đô-la gần như tan vỡ, người ta tuyệt vọng trông chờ vào một chính quyền mới cùng với những chính sách mới. Mỹ đã tìm thấy cả hai điểm này khi Tổng thống Jimmy Carter chỉ định Paul Volcker vào ghế chủ tịch Hệ thống Dự trữ Liên bang vào tháng 8/1979 và Ronald Reagan trúng cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/1980.

Volcker đã giữ vai trò Thứ trưởng Ngân khố từ năm 1969 đến năm 1974 và cũng đã tham gia sâu vào các quyết định bãi bỏ Bản vị vàng và thả nổi đồng đô-la trong khoảng thời gian từ 1971 đến 1973. Giờ đây ông ta phải sống với hậu quả của những quyết định đó, nhưng kinh nghiệm bản thân đã giúp ông hoàn toàn tự tin sử dụng các đòn bẩy lãi suất, nghiệp vụ thị trường mở và hạn mức hoán đổi để đảo ngược tình thế khủng hoảng của đồng đô-la, giống như ông ta và Arthur Burns đã thực hiện trong thời kỳ khủng hoảng đồng Bảng Anh vào năm 1972.

Đối với lạm phát, Volcker đã áp dụng chiến thuật "buộc garô và xiết chặt để cầm máu". Ông tăng lãi suất Fed lên mức đỉnh 20% vào tháng 6/1981, và liệu pháp gây sốc này đã có tác dụng. Một phần nhờ Volcker, lạm phát hàng năm giảm mạnh từ 12,5% vào năm 1980 xuống còn 1,1% vào năm 1986. Vàng cũng theo sau, giá trung bình rơi từ 612,56 đô-la năm 1980 xuống còn 317,26 đô-la vào năm 1985. Lạm phát đã bị đánh bại và vàng cũng bị chinh phục. Hoàng đế đô-la đã trở lại.

Mặc dù những nỗ lực của Volcker là vô cùng quả cảm, nhưng đây không phải là lý do duy nhất làm giảm tình trạng lạm phát và làm cho đồng đô-la mạnh hơn. Ngoài ra còn phải kể đến tín dụng công bằng, có được do việc giảm thuế và các chính sách giảm điều tiết Nhà nước của chính quyền Ronald Reagan. Tổng thống chính thức điều hành công việc vào tháng 1/1981, vào thời điểm mà niềm tin vào nền kinh tế của Mỹ đã bị đập tan do các cuộc suy thoái, tình trạng lạm phát và giá dầu tăng trong thời kỳ Nixon-Carter. Mặc dầu Fed hoàn toàn độc lập với Nhà Trắng nhưng Reagan và Volcker đã cùng nhau xây dựng một đồng đô-la vững mạnh, thi hành một chính sách thuế thấp, điều được cho là một liều thuốc tăng lực cho nền kinh tế Mỹ, và đã đưa nước Mỹ bước vào một trong những giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất trong lịch sử. Các chính sách thắt chặt tiền tệ của Volcker cùng với việc cắt giảm thuế của Reagan đã giúp GDP tăng trưởng liên tục, đạt mức 16,6% trong vòng 3 năm, từ 1983 đến 1985. Nền kinh tế Mỹ chưa bao giờ có được mức tăng trưởng như vậy trong một khoảng thời gian 3 năm bất kỳ kể từ khi ấy.

Đồng đô-la mạnh không hề gây tác hại mà dường như còn đẩy mạnh tăng trưởng, thông qua việc kết hợp với các chính sách ủng hộ tăng trưởng khác. Tuy nhiên, nạn thất nghiệp vẫn còn cao trong nhiều năm sau khi đợt suy thoái cuối cùng trong ba đợt suy thoái kết thúc vào năm 1982. Thâm hụt thương mại với Đức và Nhật Bản đang tăng lên do đồng đô-la mạnh hơn đã khiến người Mỹ mua xe hơi Đức và đồ điện tử Nhật Bản, cùng những hàng hóa khác.

Đến đầu năm 1985, việc các ngành công nghiệp Hoa Kỳ cùng nhau tìm kiếm sự bảo hộ trước hàng nhập khẩu, kết hợp với việc người Mỹ tìm kiếm việc làm đã dẫn đến việc Công đoàn các chính trị gia thuộc các bang công nghiệp liên tục kêu gọi phá giá đồng đô-la để thúc đẩy xuất khẩu và giảm nhập khẩu. Việc chính sách này đã từng thất bại thảm hại vào năm 1973 đã không hề làm nhụt chí đám đông ủng hộ một đồng đô-la yếu. Sự cám dỗ của một giải pháp nhanh chóng cho các ngành công nghiệp đang suy yếu và những ngành công nghiệp thiếu năng lực tổ chức thực sự khó cưỡng, xét về mặt chính trị. Vì vậy, theo sự hướng dẫn của một Bộ trưởng Ngân khố khác đến từ Texas, James A. Baker, một người kế nhiệm xứng tầm với John Connally, Mỹ lại yêu cầu thế giới để có được một đồng đô-la rẻ.

Lần này phương pháp phá giá hoàn toàn khác biệt. Không còn bất kỳ tỷ giá hối đoái cố định hay tỷ lệ chuyển đổi vàng- đô-la nào nữa để loại bỏ. Các đồng tiền đã được mua bán trao đổi một cách tự do với nhau và tỷ giá hối đoái được thiết lập bởi thị trường hối đoái, bao gồm hầu hết những ngân hàng quốc tế lớn và những khách hàng công ty. Một phần sức mạnh của đồng đô-la vào đầu những năm 80 bắt nguồn từ sự kiện các nhà đầu tư nước ngoài muốn có đô-la để đầu tư vào Mỹ do sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của quốc gia này. Đồng đô-la mạnh là một lá phiếu tạo nên sự tự tin cho nước Mỹ, chứ không phải là một vấn đề cần phải được giải quyết. Tuy nhiên, các quan điểm chính trị trong nước đã gán ghép một số phận khác cho đồng đô-la, một điều lặp đi lặp lại trong các cuộc chiến tranh tiền tệ. Do đồng đô-la đang lên giá trên thị trường nên để giảm giá nó thì bắt buộc chính quyền phải can thiệp vào các thị trường hối đoái trên diện rộng! Kiểu can thiệp sâu rộng này đòi hỏi sự nhất trí và hợp tác của các chính quyền các nước lớn có liên quan.

Tây Âu và Nhật Bản không hề mong muốn việc phá giá đồng đô-la; tuy nhiên, ký ức về Cú sốc Nixon vẫn như còn mới và không ai có thể chắc rằng Baker sẽ không sử dụng đến khoản thuế suất nhập khẩu như Connally đã làm năm 1971. Hơn nữa, Tây Âu và Nhật Bản vẫn còn phụ thuộc vào Hoa Kỳ trong việc phòng vệ và vấn đề an ninh quốc gia như họ đã từng ở trong tình thế đó vào những năm 70. Tóm lại, tốt hơn là nên thương lượng với Mỹ về việc phá giá đồng đô-la, hơn là lại bị... ngạc nhiên lần nữa.

Hiệp ước Plaza vào tháng 9/1985 là kết quả của những nỗ lực đa phương nhằm hạ giá đồng đô-la. Các Bộ trưởng Tài chính của Tây Đức, Nhật Bản, Pháp và Anh đã gặp gỡ với Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ tại khách sạn Plaza ở New York để vạch ra một kế hoạch phá giá đồng đôla, chủ yếu là so với đồng Yen Nhật và đồng Mark Đức. Các ngân hàng trung ương đã cam kết số tiền hơn 10 tỉ đô-la cho vụ này, sẽ được thực hiện theo kế hoạch trong vòng vài năm. Từ năm 1985 đến năm 1988, đồng đô-la giảm 40% so với đồng Franc Pháp, 50% so với Yen Nhật và 20% so với Mark Đức.

Hiệp ước Plaza là một thành công nếu được đánh giá riêng biệt như là một cách thức phá giá, nhưng các kết quả kinh tế lại gây thất vọng. Tình trạng thất nghiệp của Mỹ vẫn ở mức cao – 7% vào năm 1986, trong khi tốc độ tăng trưởng thì chậm chạp đáng kể, chỉ ở mức 3,2% vào năm 1987. Một lần nữa, một giải pháp "ăn xổi" đã tỏ ra hão huyền; và một lần nữa cái giá đắt phải trả là lạm phát, chầm chậm bắt đầu ngay sau Hiệp ước Plaza, vọt lên mức 6,1% vào năm 1990. Phá giá và các cuộc chiến tranh tiền tệ chưa bao giờ mang lại sự tăng trưởng hay việc làm như được hứa hẹn, mà chỉ chắc chắn mang lại lạm phát.

Hiệp ước Plaza được các bên đánh giá là cực kỳ thành công và được điều chỉnh lần cuối nhằm ngăn chặn việc xuống dốc nhanh chóng của đồng đô-la vào năm 1985. Nhóm G7, bao gồm các bên đã ký Hiệp ước Plaza, cộng thêm Canada và Ý, đã họp ở Louvre, Paris vào đầu năm 1987 để kí Hiệp ước Louvre, nhằm ổn định đồng đô-la ở một mức giá mới, thấp hơn. Với Hiệp ước Louvre, Chiến tranh Tiền tệ lần thứ II đã kết thúc, khi các Bộ trưởng Tài chính của nhóm G7 quyết định mọi chuyện đã quá đủ sau hai mươi năm hỗn loạn!

Đến năm 1987, vàng không còn thuộc hệ thống tài chính quốc tế, đồng đô-la bị phá giá, đồng Yen và đồng Mark nắm ưu thế, đồng Bảng bất ổn, đồng Euro có triển vọng và Trung Quốc vẫn chưa có chỗ đứng của riêng mình trên sàn diễn. Từ đây, hòa bình tương đối được lập lại đối với các vấn đề tiền tệ quốc tế, nhưng cái gọi là hòa bình này lại chẳng dựa trên thứ gì lớn lao hơn niềm tin vào đồng đô-la như là phương tiện cất trữ, dựa trên một nền kinh tế Hoa Kỳ phát triển và chính sách tiền tệ ổn định của Hệ thống dự trữ Liên bang Mỹ. Những điều kiện này phổ biến suốt những năm 90 và sang cả đầu thế kỷ XXI, bất chấp hai cuộc suy thoái nhẹ trong quãng thời gian đó. Các cuộc khủng hoảng tiền tệ xảy ra đã không hề dính dáng đến đồng đô-la, như là khủng hoảng đồng Bảng Anh vào năm 1992, khủng hoảng Peso Mexico vào năm 1994 và khủng hoảng tài chính Á-Nga vào năm 1997-1998. Không có cuộc khủng hoảng nào trong số này đe dọa đồng đô-la – trên thực tế, đồng đô-la trở thành nơi trú ẩn khi khủng hoảng xảy ra. Dường như chỉ có sự sụp đổ trong tăng trưởng (của nước Mỹ - ND) hoặc sự nổi lên của một cường quốc kinh tế khác, hoặc cả hai, mới có thể đe dọa được uy quyền của đồng đô-la Mỹ mà thôi. Và thực tế là khi những yếu tố này cùng xảy ra vào năm 2010, kết quả là một cơn sóng thần tiền tệ quốc tế.


Chiến tranh tiền tệ lần thứ III

(2010...)

"Mục đích... không phải là giảm giá đồng đô-la. Không nên coi đây là một giai đoạn trong một cuộc chiến tranh tiền tệ."

— Janet Yellen,

Phó chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, nhận định về việc nới lỏng định lượng, ngày 16/11/2010

"Nới lỏng định lượng cũng gây ảnh hưởng thông qua các tỷ giá hối đoái... Fed có thể đẩy mạnh chương trình này... để giảm giá đồng đô-la."

— Christina D. Romer,

Nguyên Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế, nhận định về việc nới lỏng định lượng, ngày 27/2/2011

Ba đồng tiền mạnh nhất hiện nay – đô-la Mỹ, Euro và Nhân dân tệ – do ba nền kinh tế lớn nhất thế giới phát hành (Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa) – chính là các thế lực siêu cường trong một cuộc chiến tranh tiền tệ mới. Đây là Chiến tranh tiền tệ lần thứ III, bắt đầu từ năm 2010 như hệ lụy của đợt suy thoái 2007 và đến nay người ta mới quan tâm đến mọi khía cạnh và hậu quả của cuộc chiến này.

Chẳng ai phủ nhận tầm quan trọng của các loại tiền tệ mạnh khác trong hệ thống tài chính toàn cầu, bao gồm đồng Yen Nhật, Bảng Anh, Francs Thụy Sỹ, và các tiền tệ còn lại trong nhóm BRIC: Real Brazil, Ruble Nga, Rupee Ấn Độ, và Rand Nam Phi. Tầm quan trọng của các loại tiền tệ này phát sinh từ quy mô của các nền kinh tế, sản lượng thương mại và khối lượng giao dịch tài chính của các quốc gia tương ứng. Xét theo các tiêu chí này thì các đồng đô-la của Australia, New Zealand, Canada, Singapore, Hong Kong và Đài Loan (Tân Đài tệ) cũng như đồng Krone Na Uy, Won Hàn Quốc và Dirham UAE cũng đều là các tiền tệ khá quan trọng. Nhưng tổng GDP của Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc – gần 60% GDP toàn cầu – đã tạo thành một tâm điểm kinh tế theo đó mọi nền kinh tế khác và các loại tiền tệ khác phần nào đều trở thành thứ yếu.

Mọi cuộc chiến tranh đều có các mặt trận chính và những sự kiện phụ vừa lãng mạn vừa thường đẫm máu. Thế chiến thứ Hai từng là cuộc xung đột quân sự vĩ đại nhất và lan rộng nhất trong lịch sử. Quan điểm của nước Mỹ đối với Thế chiến thứ Hai được phân chia rõ ràng thành hai mảng: châu Âu và Thái Bình Dương, trong khi quan điểm của người Nhật khi đó lại là một đế quốc trải dài từ Myanmar cho đến Trân Châu Cảng. Và dường như người Anh đồng loạt tham chiến tại khắp mọi nơi.

Các cuộc chiến tranh tiền tệ cũng vậy. Các mặt trận chính hiện nay là đô-la – Nhân dân tệ giữa hai bờ Thái Bình Dương, đô-la – Euro giữa hai bờ Đại Tây Dương và Euro – Nhân dân tệ trên lục địa Á Âu. Các cuộc chiến tiền tệ này là có thật, còn cách phân chia theo bản đồ địa lý chỉ là phép ẩn dụ. Thực ra các cuộc chiến tiền tệ đang đồng thời diễn ra trên toàn cầu tại tất cả các trung tâm tài chính lớn, 24 giờ mỗi ngày, và các bên tham chiến là các ngân hàng, thương nhân, chính trị gia và các hệ thống tự động – còn số phận của các nền kinh tế và những công dân sẽ lệ thuộc vào kết cục của cuộc chiến.

Các bên tham chiến ngày nay không bị giới hạn trong phạm vi các quốc gia phát hành tiền tệ và ngân hàng trung ương của mỗi nước. Sự tham gia còn dành cho các định chế đa quốc gia và toàn cầu như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (World Bank), Ngân hàng Thanh toán quốc tế (Bank for International Settlements), Liên Hiệp Quốc, và các tổ chức tư nhân như các quỹ đầu tư phòng vệ, các công ty toàn cầu và doanh nghiệp gia đình "siêu giàu có". Cho dù là người đầu cơ, người đầu tư mạo hiểm hoặc người thao túng giá cả thị trường thì các tổ chức tư nhân này vẫn gây ảnh hưởng rất nhiều đến vận mệnh của các loại tiền tệ – nhiều không kém gì chính phủ của quốc gia đã phát hành ra tiền tệ đó. Để thấy được toàn cảnh trận chiến toàn cầu, chứ không chỉ diễn ra giữa các quốc gia đơn lẻ, bạn chỉ cần tìm hiểu câu chuyện mà người ta thường kể về quỹ đầu tư mạo hiểm của George Soros – nó đã "phá sập ngân hàng trung ương Anh" năm 1992 trong một vụ cá cược tiền tệ khổng lồ. Ngày nay, có rất nhiều quỹ đầu tư sử dụng đòn bẩy lên đến nhiều nghìn tỷ đô-la, vượt xa trí tưởng tượng của Soros cách đây 20 năm.

Các trận chiến tiền tệ xuyên Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và lục địa Á Âu trong Chiến tranh tiền tệ lần thứ III đã bùng phát từ một số diễn biến quan trọng tại Brazil, Nga, Trung Đông và khắp châu Á. Tuy nhiên, cuộc chiến lần này lại không nhắm đến số phận của đồng Real hay Ruble, mà định đoạt các giá trị tương quan giữa đồng Euro, đô-la và Nhân dân tệ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến vận mệnh của các quốc gia phát hành 3 loại tiền nói trên cũng như tác động đến các đối tác thương mại của họ.

Thế giới lại bùng nổ chiến tranh tiền tệ sau gần 100 năm. Hiện chưa thể biết kết cục lần này có thê thảm như Chiến tranh tiền tệ lần thứ I hay người ta lại phải vật lộn để "hạ cánh an toàn" như Chiến tranh tiền tệ lần thứ II. Nhưng rõ ràng – xét đến sự tăng trưởng của các nền kinh tế quốc gia từ thập niên 1980, việc in tiền và sử dụng đòn bẩy thông qua các công cụ phái sinh – cuộc chiến lần này sẽ thực sự đạt quy mô toàn cầu và là cuộc chiến lớn nhất từ trước tới nay. Chiến tranh tiền tệ lần thứ III sẽ có sự tham gia của các "tay chơi" công và tư. Sự mở rộng phạm vi, vùng miền địa lý và thành phần tham chiến sẽ gia tăng rủi ro đổ vỡ theo hàm lũy thừa. Rủi ro ngày nay không chỉ là sự phá giá của một loại tiền tệ này so với một tiền tệ khác hay là tình trạng tăng giá vàng. Rủi ro ở đây là sự sụp đổ của bản thân các hệ thống tiền tệ – mất niềm tin vào các loại tiền giấy và người ta ồ ạt chuyển đổi sang các tài sản hữu hình khác. Với các rủi ro quá khủng khiếp như thế này, Chiến tranh tiền tệ lần thứ III có thể là cuộc chiến tranh tiền tệ sau cùng – hoặc, như diễn giải của Woodrow Wilson, là cuộc chiến để kết thúc tất cả các cuộc chiến tranh tiền tệ.

• Mặt trận Thái Bình Dương

Cuộc giằng co giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, giữa đồng Nhân dân tệ và đồng đô-la Mỹ, hiện đang là tâm điểm của nền tài chính thế giới và cũng là mặt trận then chốt trong cuộc Chiến tranh tiền tệ lần thứ III. Sự tranh đấu này phát xuất từ sự trỗi dậy của Trung Quốc cách đây hơn một phần tư thế kỷ: trước đó chế độ chính trị của đất nước này đã tạo nên sự ngăn cách, biệt lập về kinh tế, nhiều bất ổn xã hội và chủ thuyết đàn áp thị trường tự do.

Thần kỳ kinh tế Trung Quốc hiện đại đã bắt đầu xuất hiện từ tháng 1 năm 1975 với kế hoạch Bốn Hiện Đại Hóa do Thủ tướng Chu Ân Lai khởi xướng ban hành, làm cách mạng trong các ngành nông nghiệp, công nghiệp, quốc phòng và công nghệ. Tuy nhiên việc thực thi đã bị trì hoãn vì cái chết của vị Thủ tướng này vào tháng 1/1976, rồi sau đó Tổng bí thư Đảng Cộng sản Mao Trạch Đông cũng qua đời vào tháng 9 cùng năm và một tháng sau là sự kiện truy bắt nhóm Tứ Nhân Bang (bao gồm cả vợ của Mao, sau khoảng thời gian ngắn kiểm soát được chính quyền).

Người kế nhiệm đã được Mao dàn xếp là Hoa Quốc Phong. Hoa tiếp tục thực thi tầm nhìn của Chu Ân Lai và đoạn tuyệt dứt khoát với những người theo chủ thuyết Mao tại Đại hội Đảng Cộng sản tháng 12/1978. Hoa Quốc Phong còn được yểm trợ trong vấn đề này bởi một nhân vật mới được phục chức và chẳng bao lâu sau đã nắm quyền kiểm soát lớn trong đảng: Đặng Tiểu Bình. Sang năm sau thì thay đổi thực sự diễn ra với nhiều chương trình thử nghiệm và thí điểm nhằm gia tăng tính tự quyết tại các nông trang và nhà máy. Năm 1979, Trung Quốc đã có một quyết định bước ngoặt để xây dựng bốn Đặc khu Kinh tế trong đó có các điều kiện làm việc thuận lợi, giảm bớt sự hạn chế và giảm thuế thu nhập nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong các lĩnh vực sản xuất, lắp ráp và dệt may. Đây chính là các dấu hiệu báo trước một chương trình phát triển kinh tế lớn hơn được tung ra vào năm 1984 và liên quan đến hầu hết các thành phố duyên hải lớn ở phía đông Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc tăng trưởng nhanh xét theo tỷ lệ phần trăm từ giữa thập niên 1980, nhưng nền móng căn bản của kinh tế Trung Quốc khi đó còn thấp và cả tiền tệ lẫn quan hệ thương mại song phương của quốc gia này với các nước lớn khác như Hoa Kỳ và Đức đều chưa phải là chuyện đáng quan ngại.

Cuộc chiến tranh tiền tệ ngày nay có đặc trưng đáng chú ý là những cáo buộc đối với sự định giá thấp đồng tiền của Trung Quốc, nhưng cần nhớ rằng đến năm 1983 thì đồng tiền này nhìn chung vẫn được định giá cao theo tỷ giá 2,8 Nhân dân tệ bằng một đô-la. Tuy nhiên, vào thời điểm đó hoạt động xuất khẩu chỉ đóng góp một tỷ lệ nhỏ cho GDP Trung Quốc và các nhà lãnh đạo vẫn tập trung nhiều hơn vào nhập khẩu giá rẻ để phát triển hạ tầng. Khi xuất khẩu phát triển mạnh hơn, Trung Quốc liên tiếp tiến hành 6 lần phá giá tiền tệ trong vòng 10 năm và như vậy đến năm 1993 thì đồng Nhân dân tệ đã trở nên rẻ hơn với tỷ giá 5,32 so với đô-la. Kế đến, vào ngày 1/1/1994, Trung Quốc tuyên bố cải cách hệ thống tỷ giá hối đoái và ồ ạt phá giá đồng Nhân dân tệ xuống mức 8,7 tệ/đô-la. Cú sốc này khiến Bộ ngân khố Hoa Kỳ gán cho Trung Quốc cái nhãn là "kẻ thao túng thị trường tiền tệ" theo đạo luật Thương mại 1988, và cơ quan này phải sàng lọc ra các quốc gia áp dụng tỷ giá nói trên nhằm giành lợi thế bất công trong thương mại quốc tế. Đây là lần sau cùng Bộ Ngân khố Hoa Kỳ gán cái nhãn "thao túng tiền tệ" cho Trung Quốc bất chấp nhiều sự đe dọa úp mở đối với động thái này. Sau đó thì hàng loạt các đợt xác định lại tỷ giá đã được tiến hành và đến năm 1997 thì tỷ giá Nhân dân tệ/đô-la Mỹ đã được chốt tại mức 8,28 và không thay đổi cho đến tận năm 2004.

Hồi cuối thập niên 1980, Trung Quốc phải gánh chịu một đợt lạm phát lớn. Cơn lạm phát này thúc đẩy sự bất mãn trong dân chúng và xuất hiện nhiều phản ứng gay gắt với chương trình cải cách và mở cửa nền kinh tế của Đặng. Trong một diễn biến khác, một phong trào phản kháng được lãnh đạo bởi sinh viên và tầng lớp trí thức cũng góp phần làm cho hệ thống chính trị càng bất ổn hơn. Hai trường phái tự do và bảo thủ đối đầu nhau bằng bạo lực và hậu quả là thảm kịch Thiên An Môn ngày 4/6/1989. Hàng trăm người chết. Kinh tế Trung Quốc giảm tốc độ phát triển từ năm 1989, phần nào do các nỗ lực kiềm chế lạm phát và một phần khác là do phản ứng của quốc tế đối với vụ thảm sát Thiên An Môn. Tuy nhiên, giảm tốc chỉ là tạm thời.

Trong thập niên 1990, Trung Quốc sau cùng cũng xóa bỏ chế độ bao cấp "bát cơm sắt" – được hiểu là chính sách an sinh xã hội trong quá khứ từng bảo đảm lương thực và một số tiện ích xã hội khác cho nhân dân, nhưng đổi lại thì đất nước phải tăng trưởng chậm và thiếu năng lực. Bắt đầu xuất hiện một mô hình tương tự như kinh tế thị trường, nghĩa là người lao động Trung Quốc có cơ hội tốt hơn để làm việc cho bản thân mình nhưng không nhận được cam kết hỗ trợ nếu anh ta thất bại. Yếu tố then chốt trong khế ước xã hội mới này là hàng triệu việc làm được tạo ra dành cho những người lao động mới đang tìm việc. Ký ức chưa phai về Thiên An Môn và tình hình đất nước hỗn loạn kéo dài hàng thế kỷ giúp các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu rằng sự sống còn của Đảng Cộng sản và sự ổn định chính trị phụ thuộc vào vấn đề tạo ra công ăn việc làm; tất cả các chính sách khác đều chỉ là phụ trợ. Cách thức "chắc ăn" nhất để tạo ra nhiều việc làm trong thời gian nhanh nhất là: xây dựng Trung Quốc thành một nước xuất khẩu hùng mạnh. Bình ổn tiền tệ là phương tiện cho cứu cánh đó. Đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, giữ vững tỷ giá đô-la - Nhân dân tệ là một "công sự kinh tế" nhằm không để diễn ra một sự kiện Thiên An Môn nào khác.

Đến năm 1992, các thế lực phản động tại Trung Quốc một lần nữa phản đối công cuộc cải cách và bắt đầu gây áp lực để xóa bỏ các Đặc khu Kinh tế và những chương trình khác mà Đặng Tiểu Bình đã đề ra. Đáp lại động thái này, Đặng Tiểu Bình dù già yếu thấy rõ và đã chính thức nghỉ hưu vẫn có một chuyến đi nổi tiếng: với tư cách cá nhân, ông thăm các thành phố công nghiệp lớn tại miền Nam, kể cả Thượng Hải, nhằm tạo sự ủng hộ đối với công cuộc cải cách kinh tế và "giải giáp" các nhóm phản động dưới góc độ chính trị. Chuyến đi thăm miền Nam năm 1992 đã đánh dấu cho lần cất cánh lần thứ hai của nền kinh tế Trung Quốc, theo đó GDP thực tế đã tăng gần gấp đôi trong giai đoạn 1992 – 2000. Tuy nhiên, sự phát triển ngoạn mục này chẳng có bất cứ tác động nào đến quan hệ kinh tế Trung – Mỹ trong thập niên 1990 bởi vì Hoa Kỳ vẫn tiếp tục phản ứng lại vụ thảm sát Thiên An Môn. Các phản ứng từ phía Hoa Kỳ bao gồm sự trừng phạt kinh tế và sự thờ ơ của các doanh nghiệp Mỹ đối với việc đầu tư trực tiếp tại Trung Quốc. Căng thẳng leo thang với hàng loạt động thái ngớ ngẩn và những tính toán sai lầm, bao gồm vụ NATO bắn tên lửa hành trình vào tòa đại sứ quán Trung Quốc tại Belgrade năm 1999. Các quan hệ kinh tế vẫn cứ bất lợi như trên cho tới sự kiện tháng 4/2001: một máy bay chiến đấu của Trung Quốc va chạm với một máy bay trinh sát Hoa Kỳ khiến phi công Trung Quốc tử nạn còn máy bay của Mỹ phải hạ cánh khẩn cấp xuống lãnh thổ Trung Quốc. Phi hành đoàn Hoa Kỳ bị tạm giam.

Thật nực cười, vụ tấn công của al-Qaeda ngày 11/9/2001 và kéo theo sau đó là sự yểm trợ chắc chắn của Trung Quốc trong cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu (do nước Mỹ lãnh đạo) lại làm tan băng và khôi phục quan hệ Trung – Mỹ. Không tính đến 21 năm tăng trưởng mạnh về kinh tế của Trung Quốc, khởi đầu từ năm 1976, chỉ đến năm 2002 thì hai quốc gia này mới bắt đầu đẩy nhanh các hiệp ước thương mại song phương và tiến hành đầu tư liên lập.

Có thêm một dấu ấn nữa cũng trong năm 2002: chủ tịch Fed Alan Greenspan bắt đầu thử nghiệm các mức lãi suất siêu thấp. Greenspan đã giảm lãi suất từ mùa hè năm 2000 sau khi bong bóng công nghệ nổ tung. Việc giảm lãi suất liên ngân hàng qua đêm (fed funds rate) hơn 4,75% trong giai đoạn từ tháng 7/2000 đến tháng 7/2002 có thể được xem là giải pháp bình thường, mang tính chu kỳ nhằm giúp nền kinh tế thoát khỏi vết sa lầy. Những gì xảy ra sau đó là một giai đoạn 2 năm rất bất thường: lãi suất liên ngân hàng không bao giờ vượt quá 1,8% và đã xuống 1% vào tháng 12/2003. Cuối tháng 10/2004, lãi suất này thực sự ở mức 1,76%, gần như bằng mức đã quy định từ tháng 7/2002.

Thoạt đầu, chính sách lãi suất thấp như trên đã được biện minh rằng: để đáp trả lại các thách thức sau vụ nổ bong bóng công nghệ 2000, đợt suy thoái 2001, vụ khủng bố 11/9 và nỗi lo của Greenspan về tình trạng giảm phát. Nhưng căn bản nó phải phát xuất từ nỗi hãi sợ giảm phát nên Greenspan mới quyết định giữ lãi suất thấp trong khoảng thời gian dài hơn nhiều so với khoảng thời gian cần thiết nhằm chống lại đợt suy thoái nhẹ. Trung Quốc đang xuất khẩu giảm phát ra toàn thế giới, phần nào thông qua một nguồn cung ổn định: nhân công giá rẻ. Chính sách lãi suất thấp của Greenspan, ít nhiều nhằm mục đích xử lý các ảnh hưởng do nạn giảm phát của Trung Quốc tại Hoa Kỳ, đã tạo ra mầm mống cho cuộc chiến tranh tiền tệ quy mô lớn bùng phát trong thập niên sau đó.

Chính sách giữ lãi suất thấp của Greenspan không phải là công cụ chỉ nhằm đối phó với tiềm năng giảm phát; mà còn là một dạng "thuốc tiêm chích" dành cho phố Wall. Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (Federal Open Market Committee), cơ quan chịu trách nhiệm thiết lập lãi suất mục tiêu đối với các khoản vay liên ngân hàng ngắn hạn, đã hành động như nơi "làm thuốc" cho các con nghiện giao dịch tại phố Wall. Các mức lãi suất thấp có nghĩa là mọi loại giao dịch đáng ngờ hoặc có rủi ro đã bắt đầu trông hấp dẫn hẳn lên, bởi vì những người đi vay dưới chuẩn có vẻ như đủ khả năng thanh toán các chi phí tài chính. Các mức lãi suất thấp còn mở màn cho các định chế đầu tư đi tìm kiếm lợi nhuận – những tổ chức muốn kiếm chác nhiều hơn mức lợi nhuận từ những chứng khoán của chính phủ không có rủi ro hoặc các trái phiếu được xếp hạng cao. Cả hai thị trường (i) tín dụng tiêu dùng cư trú dưới chuẩn và (ii) bất động sản thương mại đều bùng nổ xét từ góc độ khởi phát tín dụng, luồng giao dịch, chứng khoán hóa và định giá tài sản căn bản vì chính sách lãi suất thấp của Greenspan. Bong bóng bất động sản khổng lồ trong giai đoạn 2002 – 2007 đã được hình thành.

Tháng 9/2002, ngay sau khi bắt đầu chính sách lãi suất thấp, Greenspan lại có được một đồng minh nữa là Ben Bernanke – người được bổ nhiệm làm thành viên mới trong Ban Thống đốc của Fed. Bernanke sợ hãi nạn giảm phát còn nhiều hơn cả Greenspan. Chỉ 2 tháng sau khi được bổ nhiệm, Bernanke đã mau mắn trình bày năng lực chống giảm phát của mình bằng một diễn văn trước Câu lạc bộ của các nhà Kinh tế học Quốc gia (National Economists Club) tại Washington, D.C. Diễn văn này, có tiêu đề "Giảm phát: hãy chắc chắn rằng điều này không diễn ra tại đây", nhận được sự quan tâm rộng rãi khi đó bởi vì có tham chiếu đến ý tưởng của Milton Friedman về việc nếu cần thì dùng trực thăng thả những gói tiền mới in xuống đất để ngăn ngừa giảm phát, và Bernanke đã có biệt danh là "Ben Trực thăng."

Diễn văn năm 2002 của Bernanke đã trở thành bản vẽ thiết kế cho các cuộc giải cứu năm 2008 và chính sách nới lỏng định lượng năm 2009. Bernanke đã thẳng thắn phát biểu về cách thức mà Fed có thể in tiền để "tiền tệ hóa" (nguyên văn: monetize – chuyển đổi thành tiền tệ, ND) các khoản thâm hụt của chính phủ, cho dù sự thâm hụt là do giảm thuế hoặc vì gia tăng chi tiêu công, như sau:

Việc cắt giảm thuế nói chung... được hậu thuẫn bởi một chương trình bán (chứng khoán chính phủ) ra thị trường tự do... hẳn sẽ là phương pháp kích thích tiêu dùng hiệu quả... Một chương trình cắt giảm thuế được tài trợ bằng tiền, về căn bản, cũng tương tự như ý tưởng nổi tiếng của Milton Friedman: "dùng trực thăng thả tiền xuống đất"...

Đương nhiên... chính phủ thậm chí có thể... thu lại các tài sản thực hoặc tài sản tài chính. Nếu... sau đó Fed mua lại toàn bộ các khoản nợ của Bộ Ngân khố bằng một lượng tiền mới được in, thì tổng thể kế hoạch này, xét từ góc độ kinh tế, cũng tương đương như việc trực tiếp xử lý các tài sản tư trên thị trường tự do.

Bernanke đã trình bày phương pháp để Bộ Ngân khố có thể vay nợ rồi mua lại các cổ phiếu tư nhân và Fed có thể tài trợ cho khoản vay đó bằng cách in tiền. Về căn bản thì điều này thực sự đã diễn ra khi Bộ Ngân khố mua lại AIG, GM, Citibank và giải cứu Goldman Sachs, và còn một số sự việc khác. Bernanke từng nói đến điều này từ vài năm trước.

Bernanke "nhập cuộc" vào Fed, và Greenspan đã có một "người bạn tâm giao", một người kế nhiệm hoàn hảo cho công cuộc chống giảm phát. Giai đoạn 2002 – 2011 là khoảng thời gian mà Greenspan - Bernanke luôn luôn sợ giảm phát. Quan điểm của họ cho rằng giảm phát là kẻ thù và Trung Quốc là một nguồn gốc quan trọng của kẻ thù này, bởi vì Trung Quốc chẳng quan tâm gì đến an toàn và ô nhiễm nên có giá nhân công rẻ và chi phí sản xuất thấp.

Mặc dù là một "thần kỳ kinh tế" nhưng thực ra Trung Quốc đã tiến hành thâm hụt thương mại với thế giới cho đến tận năm 2004. Điều này không có gì lạ đối với một nền kinh tế đang phát triển trong giai đoạn đầu, khi mà các nỗ lực để xuất khẩu thành công phải bị hạn chế bởi nhu cầu nhập khẩu để xây dựng hạ tầng cơ sở, trang thiết bị công nghiệp, nguyên vật liệu thô và công nghệ phục vụ xuất khẩu. Trung Quốc đã có thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ; tuy nhiên điều này ban đầu chẳng đáng quan ngại. Năm 1997 thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc còn dưới $50 tỷ. Sau đó khoản thâm hụt ngày càng tăng, và trong vòng 3 năm từ 2003 đến 2006 đã tăng từ $124 tỷ lên $234 tỷ. Giai đoạn từ 2003 đánh dấu sự quan ngại sâu sắc về quan hệ thương mại song phương Hoa Kỳ – Trung Quốc và vai trò của yếu tố tỷ giá đô-la/Nhân dân tệ trong mối tương quan này. Năm 2006, Thượng nghị sĩ Charles E. Schumer của New York đã gọi sự thâm hụt thương mại của nước Mỹ là "một vết cắt làm chảy máu nơi cổ tay của nền kinh tế quốc gia" và xác định chính Trung Quốc là một tác giả chính gây ra vết thương nguy hiểm này.

Tình trạng giảm phát trong nội bộ đất nước Trung Quốc được "xuất khẩu" sang Hoa Kỳ thông qua tỷ giá hối đoái và sau cùng cũng khiến cho Hoa Kỳ giảm phát. Đầu tiên, Trung Quốc quyết định neo tỷ giá Nhân dân tệ và đô-la. Đồng Nhân dân tệ không được tự do mua bán trên các thị trường tiền tệ quốc tế như đô-la, Euro, Bảng, đồng Yen và các loại tiền tự do chuyển đổi khác. Việc sử dụng đồng Nhân dân tệ và tính khả dụng của tiền tệ này để thanh toán các giao dịch được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (People's Bank of China – PBOC) kiểm soát chặt. Đây chính là ngân hàng trung ương của Trung Quốc.

Khi một nhà xuất khẩu của Trung Quốc giao hàng ra nước ngoài và thu về đồng đô-la Mỹ hoặc Euro, anh ta phải nộp số ngoại tệ này cho Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc để đổi lấy Nhân dân tệ, theo tỷ giá do chính Ngân hàng này ấn định. Khi nhà xuất khẩu này cần tiền đô-la Mỹ hoặc Euro để mua nguyên vật liệu hay nhập khẩu các thứ khác từ nước ngoài, anh ta có thể mua lại ngoại tệ từ PBOC nhưng chỉ với số lượng vừa đủ chứ không được mua nhiều hơn; ngân hàng trung ương vẫn giữ phần ngoại tệ dôi dư.

Quá trình thu hút lượng đô-la thặng dư vào nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là sau năm 2002, đã mang đến một số hậu quả bất ngờ. Vấn đề đầu tiên là Ngân hàng Trung ương PBOC không những chỉ giữ lại lượng đô-la thặng dư, mà còn đi mua thêm đô-la bằng tiền Nhân dân tệ mới in thêm. Điều này có nghĩa là khi Fed phát hành đô-la và những tờ tiền này đi vào Trung Quốc để thanh toán các giao dịch thương mại, thì PBOC cho in Nhân dân tệ để nuốt hết phần thặng dư. Thực ra Trung Quốc chỉ "nhờ" Fed xây dựng giùm họ chính sách tiền tệ, và khi Fed in thêm tiền thì PBOC cũng in thêm nhằm giữ vững tỷ giá đã được neo.

Vấn đề thứ hai là: làm gì với số đô-la thu được. Ngân hàng Trung ương PBOC cần đầu tư số tiền này vào đâu đó, và nhất thiết phải đạt mức lợi nhuận hợp lý. Các ngân hàng trung ương, theo lối truyền thống, đều "cực kỳ bảo trọng" trong các chính sách đầu tư, ưu tiên những chứng khoán của chính phủ, có tính thanh khoản cao, được Bộ Ngân khố Hoa Kỳ phát hành. PBOC cũng không phải là ngoại lệ. Kết quả là Trung Quốc giành được khối lượng lớn các khoản nợ của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ khi thặng dư thương mại của Trung Quốc với Hoa Kỳ được giữ nguyên và còn tăng cao hơn. Đầu năm 2011, Reuters ước tính tổng các loại ngoại tệ mà Trung Quốc dự trữ được lên đến 2,85 nghìn tỷ đô-la Mỹ, với khoảng $950 tỷ đã đầu tư vào nợ công của Hoa Kỳ dưới một số hình thức. Hoa Kỳ và Trung Quốc "dính chùm" vào nhau trong quan hệ tài chính tiền tệ lên đến con số nghìn tỷ đô-la. Về thực chất thì mối ràng buộc này là một thùng thuốc súng tiền tệ, một trong hai bên đều có thể kích hoạt cho phát nổ nếu vòng xoáy của chiến tranh tiền tệ đã đi ra ngoài tầm kiểm soát.

Hoa Kỳ khăng khăng đòi Trung Quốc tăng giá trị của đồng Nhân dân tệ để giảm bớt các khoản thâm hụt thương mại (hiện vẫn đang leo thang) của Hoa Kỳ với Trung Quốc và trì hoãn tốc độ tích lũy các tài sản được định giá bằng đô-la của PBOC. Các yêu cầu này được đáp ứng rất ít. Từ năm 2004 đến giữa năm 2005, đồng Nhân dân tệ vẫn được neo cứng tại tỷ giá 8,28 tệ/đô-la, tương đương tỷ giá từ năm 1997. Bất thình lình, trong 2 ngày cuối tháng 7/2005, đồng Nhân dân tệ tăng giá lên 8,11 – nghĩa là tăng gần 3%. Sau lần định giá tăng bất ngờ đó, đồng Nhân dân tệ bắt đầu được tái định giá chậm chạp trong hơn 3 năm tiếp theo và sau cùng đạt mức tỷ giá giá 6,82 vào trung tuần tháng 7/2008.

Từ đó ngân hàng PBOC lại một lần nữa "rà thắng" và giữ tỷ giá Nhân dân tệ ổn định tại mức 6,83 trong 2 năm nữa. Tháng 6/2010 là thời điểm bắt đầu vòng tái định giá thứ hai. Tháng 8/2011 thì tỷ giá Nhân dân tệ/ đô-la Mỹ mới chậm rãi nhưng ổn định dịch chuyển về mức 6,40. Quá trình xác định lại tỷ giá hối đoái nói trên thường luôn luôn trục trặc và gay gắt. Các cuộc thi hùng biện và đấu tranh chính trị giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong giai đoạn 2004-2011 về tỷ giá hối đoái đã là chủ đề then chốt trong quan hệ kinh tế giữa hai nước, bất chấp hàng loạt các vấn đề song phương quan trọng khác, bao gồm vấn đề Iran và Triều Tiên.

Có ý tưởng tư duy thật thú vị rằng cách thức dẫn đến những mất cân bằng (Hoa Kỳ thâm hụt thương mại với Trung Quốc còn Trung Quốc tích lũy được các khoản nợ công khổng lồ của Hoa Kỳ) có thể phát xuất từ hệ thống Bretton Woods. Việc Trung Quốc thu gom các khoản nợ công của Hoa Kỳ cũng sẽ có thể đi đến chỗ mất cân bằng và họ vẫn luôn luôn muốn cầm nắm một lượng chứng khoán của Bộ Ngân khố nhằm đa dạng hóa và đảm bảo thanh khoản – các lý do phục vụ công tác quản lý. Nhưng tại một thời điểm nào đó, Trung Quốc sẽ có thể cần chuyển đổi một phần chứng khoán đó thành tiền mặt để mua vàng mà Hoa Kỳ dự trữ, điều này là được phép theo hệ thống Bretton Woods. Một lượng nhỏ chứng khoán của Bộ Ngân khố sẽ được mua lại, ví dụ là $100 tỷ chứng khoán, nếu tiến hành vào đầu năm 2008 với giá vàng khi đó vào khoảng $1.000/ounce, sẽ tương đương với 100 triệu ounce vàng hoặc 2.840 tấn. Khối lượng này tức là 35% tổng lượng cung vàng chính thức của Hoa Kỳ. Thật ra, nếu hoàn trả lại toàn bộ giá trị chứng khoán của chính phủ cho Trung Quốc thì nước Mỹ hoàn toàn cạn kiệt lượng cung vàng. Hoa Kỳ không còn một ounce vàng nào cả trong khi Trung Quốc tự hào là chủ sở hữu của hơn 9.000 tấn vàng. Bạn có thể tưởng tượng các tàu hải quân Trung Quốc cập cảng New York và các đoàn xe quân sự Hoa Kỳ được vũ trang "tận răng" sẽ di chuyển trên đại lộ Palisades Interstate từ West Point để tiếp đón. Vàng được chất lên các boong tàu Trung Quốc và sau đó vận chuyển về một kho dự trữ mới được xây dựng tại Thượng Hải. Không nghi ngờ gì nữa, cảnh tượng này sẽ gây "sốc" cho người dân Mỹ, chưa nói đến chuyện xa xôi hơn. Nước Mỹ, trên thực tế, đã thâm hụt thương mại đủ lớn để làm cạn kiệt lượng vàng dự trữ theo các quy định cũ của "cuộc chơi". Ý tưởng của chế độ Bản vị vàng không phải để hút cạn các quốc gia có vàng, mà để buộc họ ổn định nền tài chính lâu dài trước khi không còn vàng nữa. Khi không còn chế độ Bản vị vàng và sự điều chỉnh theo thời gian thực, người Mỹ dường như không ý thức được hệ thống tài chính của đất nước mình đã thực sự xuống cấp tệ hại cỡ nào.

Tình huống giả định như trên có thể quá cực đoan trong bối cảnh hiện nay, nhưng đó đúng là những gì mà hầu hết các hệ thống tiền tệ trên thế giới đều thực hiện cho tới thời điểm cách đây 40 năm. Năm 1950, Hoa Kỳ có lượng dự trữ vàng chính thức là hơn 20.000 tấn. Do liên tục thâm hụt thương mại trên quy mô lớn (với châu Âu và Nhật Bản chứ không phải với Trung Quốc), nên lượng vàng dự trữ của Hoa Kỳ đã giảm sút và chỉ còn hơn 9.000 tấn khi Tổng thống Nixon tuyên bố "đóng cửa quầy giao dịch vàng" năm 1971 (tức là chính phủ không bán vàng ra nữa – ND). Vậy là 11.000 tấn vàng trong vòng 21 năm (từ 1950 đến 1971) đã từ Mỹ chảy vào một vài quốc gia xuất khẩu mạnh. Cũng trong giai đoạn này, lượng vàng dự trữ của Đức tăng từ zero lên hơn 3.600 tấn. Kho vàng của Italy phát triển từ 227 tấn lên hơn 2.500 tấn. Tương tự như vậy, vàng của nước Pháp tăng từ 588 tấn lên hơn 3.100 tấn, Hà Lan từ 280 tấn lên gần 1.700 tấn. Không phải tất cả lượng vàng dự trữ tăng lên của các quốc gia này đều đến từ Hoa Kỳ. Một đất nước mạnh về lượng vàng dự trữ khác là Anh đã bị giảm sút từ 2.500 tấn trong năm 1950 xuống chỉ còn 690 tấn năm 1971. Nhưng nói chung, vàng của Hoa Kỳ đã chuyển dịch sang các nước đối tác thương mại, phần nào tuân theo những tính toán cân bằng tự động trong hệ thống Bretton Woods.

Trong "thời buổi của vàng" này (thập niên 1950 và 1960), Trung Quốc đã chưa trỗi dậy để trở thành một cường quốc xuất khẩu. Chỉ từ đầu thế kỷ 21 thì Trung Quốc mới trở nên hùng mạnh và lúc này việc thanh toán lại được thực hiện bằng các chứng chỉ/giấy ghi nhận nợ (IOU: viết tắt của I Owe You – ND) hoặc các thao tác tương đương thông qua hệ thống điện tử. Điều này có nghĩa là Trung Quốc đã không thu về được lượng vàng chính thức từ những thành công trong hoạt động xuất khẩu. Và nó cũng có nghĩa là không còn cơ chế giám sát khả năng in tiền, vay tiền và chi tiêu quá mức của Hoa Kỳ. Việc say sưa đi vay tiền và chi tiêu vung vít còn được cổ vũ bởi các mức lãi suất siêu thấp bởi Greenspan và Bernanke. Thiếu đi một chế độ Bản vị vàng hoặc sự giới hạn tiền tệ nào đó để "đạp phanh", Trung Quốc và Hoa Kỳ cùng lao vào một cuộc Chiến tranh tiền tệ lần thứ III, không có la bàn và bản đồ để định hướng xử lý các chứng từ ghi nợ – đến nay đã đạt quy mô lớn chưa từng có.

Lời cáo buộc chủ yếu mà Hoa Kỳ nhằm vào Trung Quốc là: Trung Quốc thao túng tiền tệ của họ nhằm giữ được giá xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn dành cho người mua nước ngoài. Cáo buộc này được liên tục thảo luận trong báo giới nhưng chưa bao giờ được Nhà Trắng chính thức đưa ra kể từ năm 1994. Nhưng bản thân guồng máy xuất khẩu của Trung Quốc cũng không phải là mục đích – nó chỉ là phương tiện để đạt mục đích mà thôi. Mục đích thực của Trung Quốc cũng rất quen thuộc với các chính trị gia trên toàn cầu – công ăn việc làm. Các nhà máy ven biển, công xưởng lắp ráp và trung tâm vận tải của Trung Quốc là nơi đón nhận các đợt "biển người" tràn về từ các tỉnh nông thôn miền Trung và miền Nam Trung Quốc. Hàng chục triệu người mà hầu hết là người lao động trẻ đang tìm kiếm việc làm ổn định chỉ để nhận được tiền lương bằng một phần mười so với mức lương của công việc tương đương tại Hoa Kỳ.

Những người lao động mới đến này đều sống các khu trọ tập thể rất đông đúc, làm việc 70 giờ mỗi tuần, đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng, ăn mỳ và cơm, có rất ít tiện nghi và giải trí. Khoản tiền ít ỏi mà những người lao động dành dụm được sẽ được chuyển về quê nhà để giúp đỡ cha mẹ già hoặc người thân khác trong gia đình họ – những người ở nông thôn không được hưởng an sinh xã hội. Từ góc nhìn của nông thôn Trung Quốc, đời sống và làm việc như trên là "giấc mộng Trung Hoa", một giấc mơ trong thế kỷ 21 làm đối trọng với "Giấc mơ Mỹ" hồi thế kỷ 20. "Giấc mơ Mỹ" dù sao vẫn khá hơn: có nhà, có xe hơi và các trường học tốt cùng với việc làm ổn định. Tất nhiên, những người lao động từ nông thôn Trung Quốc mới đến thành thị chỉ cần được nhìn thấy xe hơi Mercedes, Cadillac và các căn hộ sang trọng của giới "đại gia mới nổi" để biết rằng trên đời này còn có những thứ tốt đẹp hơn các khu trọ tập thể và xe buýt.

Giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc là những người biết rõ nhất điều gì sẽ xảy ra nếu không tạo ra công ăn việc làm như thế này.

Tìm hiểu lịch sử Trung Quốc chính là tìm hiểu những sụp đổ mang tính chu kỳ. Cụ thể, trong vòng 140 năm từ năm 1839 đến 1979, Trung Quốc thường xuyên biến động hỗn loạn. Khởi đầu là Chiến tranh Nha phiến (1839–1860) và tiếp theo là phong trào khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc (1850–1864), Nghĩa Hòa Đoàn (1899–1901), sự sụp đổ của nhà Thanh năm 1912, các quân phiệt và phe phái đấu tranh nhau trong thập niên 1920, cuộc nội chiến giữa những người theo chủ nghĩa Quốc gia và những người Cộng sản vào đầu thập niên 1930, sự xâm lược của Nhật Bản và Thế chiến thứ Hai (1931–1945), Cộng sản giành chính quyền năm 1949, Đại Nhảy Vọt (1958–1961), Cách mạng Văn hóa (1966–1976), và sau cùng là cái chết của Mao và sự sụp đổ của Tứ Nhân Bang năm 1976. Trên đây không những là các cột mốc đáng chú ý trong lịch sử mà còn liên quan đến những giai đoạn mà Trung Quốc tham gia chiến tranh, có nội chiến, nạn đói trên diện rộng, cưỡng hiếp tập thể, khủng bố, di cư, tham nhũng, ám sát, quốc hữu hóa, tử hình chính trị và không có bất cứ trung tâm quyền lực chính trị hay nhà nước pháp quyền nào cả. Cuối thập niên 1970, nền văn hóa và văn minh Trung Quốc đã kiệt quệ xét từ góc độ chính trị, đạo đức, và vật chất. Nhân dân và Đảng Cộng sản không muốn gì hơn là sự ổn định và tăng trưởng kinh tế. Tự do dân chủ và các quyền công dân có thể tạm gác lại, tính sau.

Đó là lý do tại sao sự kiện Thiên An Môn năm 1989 đã là vấn đề rắc rối đối với các lãnh đạo Trung Quốc bởi vì sự đàn áp dã man tại quảng trường này khiến Tây phương phải kinh hoàng. Tây phương cho rằng, dường như Thiên An Môn lại khiến Trung Quốc sa vào một giai đoạn đầy biến động chỉ sau 10 năm phát triển và ổn định. Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã hiểu rằng khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc từ thế kỷ 19 đã bùng phát chỉ vì một sinh viên bất mãn rồi lan rộng ra hơn một nửa đất nước khiến 20 triệu người chết. Lịch sử Trung Quốc minh chứng rằng mạng lưới xã hội không đòi hỏi phải có Internet mà sự lan tỏa vẫn diễn ra mạnh mẽ thông qua lời truyền miệng và báo chữ to (tiếng Trung Quốc gọi là dazibao). Giới lãnh đạo Trung Quốc cũng hiểu rằng những người phản kháng tại Thiên An Môn không chỉ là những người nhiệt tình với dân chủ mà họ còn là các sinh viên, công nhân đang bất mãn vì giá lương thực quá cao và số lượng việc làm tăng quá chậm – nguyên nhân là những người xây dựng chính sách của Trung Quốc đã vội vàng đè nén nền kinh tế để chống lạm phát khi nó bắt đầu lên cao trong đầu thập niên 1980.

Đương nhiên, Hoa Kỳ cũng quan tâm đến việc tạo việc làm. Đợt suy thoái 2001 được cho là suy thoái nhẹ nếu xét theo các số liệu thống kê GDP và sản lượng công nghiệp, nhưng số lượng người thất nghiệp đã tăng vọt, từ 5,6 triệu hồi cuối năm 2000 đã lên hơn 8,2 triệu vào cuối năm 2001. Mặc dù có hồi phục "kỹ thuật" trong năm 2002, nhưng số thất nghiệp vẫn tăng thêm và cuối năm 2002 đã có 8,6 triệu người không có việc làm. Sau đó, số lượng này giảm chậm và vẫn còn 7,2 triệu người thất nghiệp tính đến cuối năm 2005. Khi đợt suy thoái 2007 bắt đầu, nước Mỹ vẫn còn rất nhiều người thất nghiệp, và đội quân thất nghiệp này đã có tổng số là 15,6 triệu người tính đến tháng 10/2009. Nếu tính bao gồm luôn cả những người có công việc bán thời gian nhưng vẫn đang tìm việc toàn thời gian và những người không chính thức thất nghiệp nhưng mong muốn tìm việc thì tổng số thất nghiệp và chưa tận dụng hết khả năng lao động tại Mỹ là hơn 25 triệu tính đến cuối năm 2009. Mỗi con người trong số 25 triệu người này đều có danh tính cụ thể và gia đình của riêng họ. Các nhà kinh tế học chỉ thống kê tình trạng thất nghiệp theo tỷ lệ phần trăm, ví dụ 6% thất nghiệp vào cuối năm 2002 và 9,9% tính đến cuối năm 2009, nhưng tính đến cả những người bị ảnh hưởng vì nạn thất nghiệp – nhiều hơn con số 25 triệu người – thì mới thấy rõ chiều sâu của vấn nạn. Hoa Kỳ rất cần tạo ra việc làm.

Trong ngắn hạn, bi kịch này được che đậy bởi các chính sách nới lỏng tiền tệ của Greenspan – Bernanke và sự thanh thản khi người ta chi tiêu bằng thẻ tín dụng, giá nhà tăng cao hơn, giá cổ phiếu tăng hơn và được vay các khoản lớn để mua nhà mà không cần bất cứ khoản đặt cọc nào. Mặc dù vẫn có lời phàn nàn về việc Trung Quốc thao túng tiền tệ và người Mỹ mất việc làm trong năm 2004 và 2005, nhưng chẳng mấy ai quan tâm bởi vì sự thịnh vượng vẫn thể hiện rõ ràng trong giai đoạn này, do lãi suất thấp. Sự thịnh vượng nói trên, xét cho cùng, là không bền vững. Khi cuộc vui bất chợt kết thúc năm 2007 và Hoa Kỳ chao đảo trong cơn hoảng loạn năm 2008, thì người ta đã nhận diện ra những người làm chính sách của Trung Quốc.

Bây giờ thì các chính khách Hoa Kỳ đã công khai phê phán việc neo tỷ giá Nhân dân tệ - đô-la và quy trách nhiệm cho Trung Quốc vì đã gây ra tình trạng mất việc làm tại Hoa Kỳ. Thượng nghị sĩ Charles Schumer dẫn đầu phong trào công kích này khi ông là người lớn tiếng nhất. Một nhóm các Thượng nghị sĩ thuộc cả hai đảng, trong đó có Schumer đã viết thư trình Tổng thống Bush tại Nhà Trắng năm 2008 đề đạt, "Lợi thế bất công về giá cả của các doanh nghiệp Trung Quốc – có được từ sự định giá thấp đồng Nhân dân tệ – đã buộc rất nhiều công ty Mỹ phải tuyên bố phá sản hoặc thậm chí rời bỏ lĩnh vực kinh doanh, gây tác hại đến đội ngũ người lao động, nhiều gia đình và tầng lớp trung lưu của chúng ta." Thượng nghị sĩ Schumer và những người đồng tình với ông đã không nản lòng khi chỉ có một số ít ỏi các bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa việc làm và tỷ giá hối đoái. Dường như một công nhân điển hình trong ngành sản xuất đồ gỗ tại tiểu bang Bắc Carolina sẽ không thể chấp nhận làm việc với mức lương tháng là $118 – đây là mức lương của công nhân Trung Quốc làm công việc tương tự. Thậm chí nếu đồng Nhân dân tệ tăng giá gấp đôi, thì mức lương tháng của công nhân làm đồ gỗ Trung Quốc cũng chỉ là $236 – quá thấp khiến công nhân Mỹ không thể cạnh tranh được. Tuy không chứng minh được rõ ràng nhưng điều đó không quá quan trọng đối với "nhóm mị dân đôla" này. Quan điểm của họ vẫn là: hiển nhiên phải cáo buộc các chính sách tiền tệ của Trung Quốc và hiện Trung Quốc phải đáp ứng các yêu cầu về việc tái định giá tiền tệ.

Chính quyền Tổng thống George W. Bush đã nhận thức rõ các điệp khúc phàn nàn đổ lỗi cho Trung Quốc nhưng vẫn phải điều chỉnh cho vấn đề tiền tệ hài hòa với tầm quan trọng của các quan hệ nhiều mặt khác với Trung Quốc. Trung Quốc là khách hàng mua dầu mỏ xuất khẩu lớn nhất của Iran và do đó có vị thế để ảnh hưởng đến Iran trong việc nước này đối đầu với Hoa Kỳ về lĩnh vực phát triển vũ khí hạt nhân. Trung Quốc còn là chiếc phao kinh tế không thể thiếu đối với chế độ hoàn toàn đóng kín tại Triều Tiên, hai nước này có đường biên giới chung và do đó vị thế của Trung Quốc có thể giúp Hoa Kỳ đạt được các mục tiêu chiến lược tại bán đảo Triều Tiên. Các doanh nghiệp lớn của Mỹ nhìn vào thị trường Trung Quốc với ánh mắt ghen tỵ và họ tìm cách xâm nhập trực tiếp thị trường này thông qua hoạt động mở rộng, thâu tóm hoặc liên doanh với các đối tác Trung Quốc – mọi hình thức nói trên đều phải được sự chấp thuận của chính phủ Trung Quốc. Trung Quốc từng "mất mặt" hồi 2005 khi Tập đoàn Quốc gia về Khai thác Dầu khí ngoài khơi Trung Quốc (China National Offshore Oil Corporation - CNOOC) phải rút lui khỏi cuộc đấu thầu mua lại công ty dầu Unocal Oil của Hoa Kỳ sau khi Hạ Viện Hoa Kỳ biểu quyết với tỷ lệ phiếu 398 – 15 để yêu cầu Tổng thống Bush xem xét lại cuộc đấu thầu này, dưới góc độ an ninh quốc gia. Sự rút lui như thế này rất dễ dẫn đến các hành động trả đũa và từ đó không cho phép các doanh nghiệp Hoa Kỳ thâu tóm các công ty tại Trung Quốc. Nói ngắn gọn, trong mọi cuộc đối đầu với Trung Quốc thì nước Mỹ đều trong hoàn cảnh "có thể được rất nhiều mà cũng có thể mất rất nhiều", và dường như phương pháp hiệu quả vẫn là tiếp tục đối thoại cấp cao.

Tổng thống Bush chỉ rõ yêu cầu phải kiểm soát được tình hình căng thẳng tiền tệ giữa Hoa Kỳ – Trung Quốc bằng việc khai mạc Đối thoại Chiến lược Kinh tế Mỹ – Trung 2006. Các phiên họp này được chính quyền Obama tiếp tục thực hiện sau đó, mở rộng hình thức và đổi tên thành Đối thoại Chiến lược & Kinh tế (Strategic and Economic Dialogue - S&ED) nhằm thể hiện sự quan tâm của Ngoại trưởng Mỹ và Quốc vụ viện Trung Quốc đối với chính sách ngoại giao. Sự vào cuộc của các quan chức ngoại giao và kinh tế rõ ràng đã thừa nhận mối tương thuộc địa chính trị và tài chính giữa các chính sách quốc gia trong thế kỷ 21 này.

Đối thoại Chiến lược và Kinh tế chỉ là một trong nhiều diễn đàn song phương và đa phương được thiết kế nhằm góp phần giải quyết nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh tiền tệ mới. Đối thoại giúp đôi bên chặn đứng sự leo thang của các căng thẳng từ cáo buộc thao túng tiền tệ, nhưng chẳng giúp giải quyết được vấn đề. Hàng loạt phiên họp thượng đỉnh song phương giữa Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Hoa Kỳ Obama đã được tiến hành, nhưng kể cả S&ED lẫn các phiên họp đều không mang lại bất cứ bước tiến đáng kể nào.

Hoa Kỳ hiện đang dùng nhóm G20 như một "vũ đài" chính nhằm buộc Trung Quốc đi theo hướng tái định giá tiền tệ, bởi vì Hoa Kỳ có năng lực kêu gọi đồng minh tham gia vào nỗ lực chung và cũng bởi vì Trung Quốc tôn trọng quan điểm quốc tế nhiều hơn quan điểm của riêng nước Mỹ. Một số bước tiến quan trọng gần đây trong việc tái định giá đồng Nhân dân tệ có xu hướng diễn ra trước các phiên họp của G20 nhiều hơn chứ chẳng mấy liên quan đến Đối thoại Chiến lược và Kinh tế S&ED. Ví dụ, một thay đổi tuy nhỏ nhưng đáng chú ý trong công cuộc tái định giá Nhân dân tệ, từ mức 6,83 trong ngày 15 tháng 6/2010 lên mức 6,79 vào ngày 25 tháng 6/2010, đã diễn ra ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 tại Toronto. Một lần tăng giá Nhân dân tệ khác, từ giá 6,69 vào ngày 1 tháng 11/2010 lên mức 6,62 vào ngày 11 tháng 11/2010, cũng trùng hợp với thời gian Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 tại Seoul. Điều này cho thấy Trung Quốc quan tâm đến nhóm G20 theo những cách thức khác so với khi họ đến với các diễn đàn khác.

Đến mùa xuân năm 2011, mặt trận Thái Bình Dương giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc trong cuộc chiến tranh tiền tệ đã im tiếng súng. Tuy nhiên, các vấn đề then chốt vẫn còn đó. Nạn thất nghiệp gây sức ép cho cả Trung Quốc và Hoa Kỳ có nghĩa là sự căng thẳng vẫn có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Sự thay đổi người trong giới lãnh đạo Trung Quốc năm 2012 và một cuộc bầu cử Tổng thống cũng trong năm 2012 tại Hoa Kỳ đã tạo ra nỗi ám ảnh: các nguồn lực chính trị trong nước có thể trở thành chất xúc tác cho những đối đầu tiếp theo trên trường quốc tế.

• Mặt trận Đại Tây Dương

Mặt trận Đại Tây Dương, mối quan hệ giữa đồng đô-la và đồng Euro, có thể được nhận thức đúng đắn hơn nếu hiểu đây là sự tương thuộc nhau chứ không phải đối đầu nhau. Nguyên nhân phát xuất từ mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu trên các thị trường vốn và hệ thống ngân hàng – mối quan hệ này đạt quy mô và mức độ gắn kết lẫn nhau cao hơn bất cứ quan hệ tài chính giữa 2 nhóm nào khác trên thế giới. Sự tương thuộc này có thể được minh chứng sống động nhất ngay sau vụ phá sản của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers hồi tháng 9/2008. Mặc dù hồ sơ phá sản được thông qua tại Tòa án Liên bang Hoa Kỳ sau thất bại trong nỗ lực giải cứu của Bộ Ngân khố nước này, nhưng trong số các nạn nhân tài chính lớn nhất và các bên chịu ảnh hưởng tồi tệ nhất lại là các quỹ đầu tư phòng vệ của Liên minh châu Âu – các tổ chức này đã thực hiện các giao dịch hoán đổi qua quầy (OTC swaps) hoặc có các tài khoản thanh toán bù trừ tại các chi nhánh của Lehman tại London. Thất bại xuyên Đại Tây Dương này, từng được báo giới đăng tải nhiều vào thời điểm diễn ra, còn bị khuyếch đại thêm vào tháng 12/2010 khi Fed phải tiết lộ đến từng chi tiết về các vụ cho vay khẩn cấp và chiến dịch giải cứu châu Âu trong giai đoạn Hỗn loạn 2008, theo yêu cầu của đạo luật mới Dodd-Frank.

Tỷ giá Euro - đô-la vào đầu năm 2011 hầu như không đổi so với tỷ giá đã thiết lập từ năm 2007. Một Euro khi đó tương đương 1,30 đô-la Mỹ (tháng 1/2007) và vẫn giữ nguyên như vậy trong 4 năm tiếp theo, nhưng đừng hiểu nhầm đây là sự ổn định. Thực ra, quan hệ tiền tệ Euro - đôla là mối quan hệ rất dễ biến động, khi đồng Euro từng tương đương $1,59 hồi tháng 7/2008 và chỉ còn mức giá $1,10 trong tháng 6/2010.

Tốt nhất nên hiểu rằng Euro và đô-la đều là hai hành khách trên cùng một chuyến tàu. Trong một thời điểm nhất định, người khách này ngồi ở boong trên còn vị khách kia nằm boong dưới. Họ có thể hoán đổi chỗ cho nhau, tùy ý muốn đôi bên. Nhưng suy cho cùng hai vị hành khách này dịch chuyển cùng tốc độ và đến cùng một bến cảng. Sự dao động tỷ giá hàng ngày chỉ cho thấy các yếu tố kỹ thuật, quan hệ cung cầu trong ngắn hạn, sự sợ hãi vỡ nợ hoặc sự tan rã của đồng Euro và ngay sau đó được khắc phục bởi các gói giải cứu sớm nhất. Trong toàn bộ hành trình, cặp đôi Euro – đô-la luôn luôn đồng hành chứ chưa khi nào chia tách nhau khỏi phạm vi con tàu chung.

Vậy mà Hoa Kỳ luôn luôn tất bật trên mặt trận Đại Tây Dương trong cuộc chiến tranh tiền tệ lần này, không phải để cố sức củng cố sức mạnh vượt trội cho đồng Euro mà nhằm đảm bảo rằng nó không sụp đổ. Bản thân đồng Euro là một sự sáng tạo tiền tệ thần kỳ. Các thành viên trong Liên minh châu Âu đã phát minh ra tiền tệ này sau 30 năm thảo luận và 10 năm nghiên cứu hoạch định về mặt kỹ thuật chuyên sâu. Đồng Euro là thành tựu đỉnh cao của một dự án do Liên minh châu Âu tiến hành sau Thế chiến thứ Hai và nhằm mục đích gìn giữ hòa bình.

Từ sau khi kết thúc giai đoạn Phục hưng hồi giữa thế kỷ 16, châu Âu đã khốn đốn trong vòng hơn 400 năm với rất nhiều trận chiến diễn ra trong phong trào Cải cách Kháng Cách, chống Cải cách, cuộc chiến 30 năm, cách mạng Anh, các cuộc chiến tranh của Louis XIV, cuộc chiến Bảy năm, cách mạng Pháp, các cuộc chiến tranh của Napoleon, chiến tranh Pháp – Phổ, Thế chiến thứ Nhất, Thế chiến thứ Hai và sự thảm sát người Do Thái (the Holocaust), Bức màn Sắt và nỗi khiếp sợ vũ khí hạt nhân trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh. Cuối thế kỷ 20, châu Âu đã bi quan cao độ vì những tuyên bố của chủ nghĩa quốc gia dân tộc và tiềm năng từ các loại vũ khí hiện đại. Sự chia cắt về sắc tộc, quốc gia và tôn giáo vẫn còn đó. Cần phải có một lực lượng thống nhất – đó là lực lượng ràng buộc được nhiều nền kinh tế khiến chúng gần gũi với nhau sao cho người ta ít nhất cũng phải suy nghĩ kỹ trước khi muốn tiến hành chiến tranh, hoặc tốt hơn là không thể xảy ra chiến tranh.

Phát xuất từ 6 quốc gia tham gia vào Cộng đồng Than đá và Thép năm 1951, châu Âu đã liên tục có nhiều bước tiến dưới nhiều hình thức khác nhau: các hiệp ước thương mại, thị trường chung và các hệ thống tiền tệ chung. Hiệp ước Maastricht năm 1992, được đặt tên theo tên một thành phố của Hà Lan nơi hiệp ước này được thương lượng và ký kết, tạo nên một dạng thức cho một thực thể chính trị là Liên minh châu Âu, và sau cùng dẫn đến việc tạo ra đồng tiền chung Euro năm 1999. Một ngân hàng trung ương mới được thành lập trong Liên minh châu Âu đã phát hành đồng Euro và đến năm 2011 thì có tổng cộng 17 quốc gia thành viên trong Liên minh này đã sử dụng nó.

Nhưng ngay từ đầu, các nhà phân tích đã cảnh báo rằng một loại tiền tệ duy nhất, chỉ được cung cấp bởi một ngân hàng trung ương duy nhất sẽ không đủ khả năng đáp ứng được nhiều chính sách tài chính đa dạng của các quốc gia thành viên có sử dụng Euro. Các quốc gia trong quá khứ từng tiêu xài hoang phí và bị vỡ nợ hoặc đã định giá thấp đồng tiền của riêng mình, chẳng hạn như Hy Lạp hoặc Tây Ban Nha, sẽ trở thành các đối tác gây khó xử trong một liên minh có các thành viên hùng mạnh về tài chính, ví dụ như nước Đức.

Phải mất thêm 10 năm nữa thì tất cả những khiếm khuyết trong kế hoạch tổng thể này mới hoàn toàn lộ diện, mặc dù đó là những trục trặc đã có ngay từ buổi ban đầu. Sự kết hợp độc hại giữa nhiều yếu tố bao gồm: những cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng bị mua chuộc, các "nghệ sĩ" tại Phố Wall với mưu đồ sử dụng các công cụ phái sinh và bỏ chạy sau khi "gây tai nạn", các quan chức Liên minh châu Âu tại Brussels luôn luôn mù quáng đã để cho một số quốc gia (như Hy Lạp) bị thâm hụt ngân sách và nhiều nước được vay mượn với hạn mức vượt xa hơn rất nhiều so với giới hạn theo Hiệp ước Maastricht, trong khi họ che giấu các chi phí thực tế trong báo cáo thu chi ngân sách năm tài chính và các hạng mục ngoại bảng. Trong khi đó thì các nhà đầu tư vẫn vui vẻ thâu tóm các khoản nợ công lên đến nhiều tỷ Euro từ các chính phủ như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ireland và một số quốc gia châu Âu khác, với các mức lãi suất chỉ nhỉnh hơn chút ít so với lãi suất trong các hệ thống tín dụng vững vàng khác, chẳng hạn như tại Đức. Cơ sở của hiện tượng này là việc các cơ quan thẩm định thiếu năng lực đã cho kết quả đánh giá cao, khiến người ta hiểu sai về các báo cáo tài chính của nhiều quốc gia và lối tư duy ảo tưởng của chính các nhà đầu tư khi cứ tin rằng đế chế đồng Euro sẽ không bao giờ sụp đổ.

Con đường dẫn đến cuộc khủng hoảng nợ công của các nước châu Âu năm 2010 phần nào được hình thành từ các hiệp ước thân thiện mới được ký kết giữa các ngân hàng, những người đi vay và các quan chức quan liêu. Các ngân hàng sẽ mua lại trái phiếu chính phủ của các nước thuộc Liên minh châu Âu và ghi vào sổ sách các khoản lợi nhuận được đảm bảo bằng niềm tin rằng chẳng có chính phủ nào được phép sụp đổ. Các chính phủ thì mặc sức phát hành trái phiếu để tài trợ cho những khoản chi tiêu không bền vững mà phần lớn chỉ đem lại lợi ích cho các tổ chức công. Lợi ích của các quan chức quan liêu tại Brussels có lẽ là thứ tinh vi hơn cả. Nếu cuộc khủng hoảng nợ công của các nước châu Âu tự nó được giải quyết, mọi người sẽ tán dương sự thành công của dự án đồng Euro. Nếu một số chính phủ nước thành viên trong Liên minh châu Âu bị vỡ nợ công, giải pháp của các quan chức quan liêu này sẽ là tích hợp nhiều hơn (chứ không loại bớt ra khỏi liên minh) và Brus sels sẽ giám sát nhiều hơn (chứ không phải nới lỏng sự giám sát). Khi nhắm mắt làm ngơ trước sự khinh suất của các bên, Brussels đã tạo cho mình một vị thế "không thể thua cuộc". Nếu đồng Euro thành công thì họ được ca ngợi và nếu đồng Euro chịu sức ép thì họ có thêm quyền lực. Chẳng bao lâu thì sức ép đã đủ lớn.

Các ngân hàng của Liên minh châu Âu không những "ăn cho hết" các khoản nợ công bằng đồng Euro mà còn nhận thêm những khoản nợ được phát hành bởi Fannie Mae và gánh luôn cả "một nồi lẩu từ A đến Z" chứa đầy các sản phẩm lừa đảo được Phố Wall thiết kế nên, chẳng hạn như các công cụ nợ có đảm bảo (collateralized debt obligations – CDOs). Các khoản nợ này được khởi phát từ các ngân hàng địa phương thiếu kinh nghiệm trên khắp nước Mỹ và được "tái đóng gói" thành nhiều tỷ đô-la bởi một số đơn vị dạng như Lehman Brothers trước khi chúng vỡ tan tành. Các ngân hàng của Liên minh châu Âu thực sự là mối liên kết yếu nhất trong hệ thống tài chính toàn cầu, thậm chí chúng còn yếu hơn cả Citigroup, Goldman Sachs và những "biểu tượng" trong các cuộc giải cứu tài chính của nước Mỹ.

Đến năm 2010 thì nền tài chính của Liên minh châu Âu đã là một mạng lưới phức tạp với nhiều khoản nợ chồng chéo nhau. Trong số nợ $236 tỷ của Hy Lạp, có $15 tỷ nợ người Anh, $75 tỷ nợ Pháp và $45 tỷ nợ Đức. Trong số nợ $867 tỷ của Ireland có $60 tỷ nợ người Pháp, $188 tỷ nợ Anh và $184 tỷ nợ Đức. Trong số nợ $1,1 nghìn tỷ của Tây Ban Nha, có $114 tỷ nợ người Anh, $220 tỷ nợ Pháp và $238 tỷ nợ Đức. Mô hình tương tự cũng xuất hiện tại nhiều quốc gia thành viên trong hệ thống đồng Euro đang là con nợ lớn khác: Italy, Bồ Đào Nha... Mẹ đẻ của các khoản nợ qua lại trong nội bộ Liên minh châu Âu là món nợ trị giá $511 tỷ mà Italy đã đi vay từ Pháp.

Trong khi mỗi khoản nợ công thường được hình thành thông qua việc đi vay từ nhiều định chế khác nhau, bao gồm vay từ các quỹ hưu trí và quỹ hiến tặng, nhưng phần lớn vẫn là nợ vay từ các ngân hàng nước ngoài. Đó là lý do mà Fed đã âm thầm giải cứu châu Âu trong năm 2008 và Fed tranh đấu quyết liệt để bảo mật các chi tiết liên quan cho tới khi tổ chức này buộc phải công khai theo đạo luật Dodd-Frank được ban hành năm 2010. Đó cũng là lý do các chủ sở hữu trái phiếu của Fannie Mae và Freddie Mac không chịu bất cứ tổn thất nào khi hai công ty này được giải cứu bởi chính những người đóng thuế cho nước Mỹ hồi năm 2008. Đó còn là lý do các chính phủ hàng đầu trong Liên minh (Đức và Pháp) đã mau mắn tập hợp lại để yểm trợ cho các chính phủ đi vay khác như Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha khi cơn khủng hoảng đồng Euro đi vào giai đoạn quyết định trong năm 2010. Sự khốc liệt phía sau cả ba cuộc giải cứu nói trên là việc hệ thống ngân hàng của Liên minh châu Âu đã vỡ nợ. Trợ cấp cho những người hưởng lương hưu tại Hy Lạp và giúp đỡ các ngân hàng Ireland chỉ là một phần che chắn nho nhỏ để người ta khỏi nhìn thấy cảnh cả một dinh thự lớn và mục nát đang sụp đổ.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng nợ công của các nước châu Âu không chỉ diễn biến trong phạm vi châu lục này. Cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều đã yểm trợ cho việc giải cứu Liên minh châu Âu, vì nhiều lý do khác nhau nhưng suy cho cùng cũng vì tư lợi. Châu Âu chính là thị trường xuất khẩu lớn của Hoa Kỳ. Một đồng Euro mạnh sẽ giúp Liên minh châu Âu tiếp tục ham muốn mua được máy móc thiết bị, máy bay, dược phẩm, phần mềm, nông sản, dịch vụ giáo dục cũng như nhiều hàng hóa dịch vụ khác của Hoa Kỳ. Sự sụp đổ của đồng Euro cũng có nghĩa là sự đổ vỡ trong thương mại giữa hai gã khổng lồ về sản lượng đầu ra của thế giới này. Sự sụp đổ của Liên minh châu Âu có thể làm suy tàn các ngân hàng của liên minh này và cả đồng Euro, khi các nhà đầu tư ngay lập tức rút lui khỏi các khoản vay nợ được định giá bằng đồng Euro và tháo chạy khỏi các ngân hàng thuộc Liên minh. Các hệ lụy sẽ vô cùng lớn: Liên minh châu Âu vỡ nợ công và không thể thanh toán được cho các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ. Nhưng châu Âu đã là một châu lục "quá lớn đến mức không thể sụp đổ". Các cuộc giải cứu, các công cụ hoán đổi và hỗ trợ cho những tổ chức như Fannie Mae đều là những bộ phận cấu thành trong một nỗ lực đa chiều, nhiều năm nhằm củng cố giá trị của đồng Euro.

Trung Quốc cũng có lợi ích khi tham gia chống đỡ cho đồng Euro, nhưng các nỗ lực của quốc gia này lại phát xuất từ vấn đề chính trị. Châu Âu cũng là thị trường xuất khẩu lớn của Trung Quốc (tương tự như đối với Hoa Kỳ), và xét đến chừng mực này thì lợi ích của Trung Quốc cũng giống như lợi ích của Hoa Kỳ. Nhưng khác với các ngân hàng Mỹ, các ngân hàng Trung Quốc lại không gắn kết quá mật thiết với các ngân hàng châu Âu, do đó Trung Quốc có thể ung dung hơn khi quyết định sẽ hỗ trợ như thế nào và khi nào. Cuộc khủng hoảng nợ công của các nước châu Âu đã mang đến cho Trung Quốc cơ hội đa dạng hóa các nguồn dự trữ và danh mục đầu tư. Họ chuyển hướng từ đô-la sang Euro để tiếp nhận được các hệ thống công nghệ tiên tiến hàng đầu (Hoa Kỳ đã từ chối cung cấp các công nghệ này) và tranh thủ phát triển các yếu tố nền tảng để có thể tham gia vào cuộc chuyển giao công nghệ về đất nước Trung Quốc trên quy mô lớn.

Đức hoan nghênh sự yểm trợ đồng Euro từ Hoa Kỳ và Trung Quốc. Là một nhà xuất khẩu mạnh, lẽ ra Đức phải mong đợi một đồng Euro yếu vì các nguyên nhân tương tự như việc Hoa Kỳ thích một đồng đôla yếu và Trung Quốc muốn đồng Nhân dân tệ cũng yếu: như vậy mới có lợi thế trong các cuộc chiến tranh tiền tệ. Đồng nội tệ giá rẻ sẽ thúc đẩy xuất khẩu. Tuy nhiên, Đức không chỉ là nhà xuất khẩu ra khỏi Liên minh châu Âu mà quốc gia này còn xuất khẩu mạnh vào các nước ngay trong Liên minh này. Đối với hoạt động xuất khẩu trong khu vực châu Âu, ví dụ xuất khẩu từ Đức vào Tây Ban Nha, thì tương quan tiền tệ sẽ không phải là vấn đề: cả nhà xuất khẩu lẫn nhà nhập khẩu đều sử dụng chung đồng Euro. Nếu đồng Euro sụp đổ hoặc các thành viên trong liên minh rút khỏi hệ thống tiền tệ chung này để quay lại với những đồng tiền riêng đã có, nay còn được định giá thấp, thì Đức có thể mất nhiều thị trường xuất khẩu.

Theo lối tư duy phổ biến thì người ta cho rằng Đức đã khốn khổ khi phải yểm trợ Hy Lạp, Ireland và các liên kết yếu khác trong chuỗi tiền tệ Euro. Thực ra, Đức cũng chẳng còn lựa chọn nào khá hơn. Những phí tổn khi đồng Euro sụp đổ còn lớn hơn nhiều so với gánh nặng giải cứu các thành viên trong khu vực. Vậy nên Đức hưởng lợi được từ cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu. Sự tồn tại của đồng Euro giúp cho Đức có vị thế thống trị trong nội bộ châu Âu, trong khi một đồng Euro phần nào yếu hơn trên thị trường quốc tế lại cho phép Đức giành thị phần trong các khu vực khác của thế giới. Tình thế thuận lợi nhất cho nước Đức là một đồng Euro vừa đủ yếu sao cho Đức đẩy mạnh được xuất khẩu sang Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhưng cũng không quá yếu đến mức sụp đổ. Đức đã thành công trong việc tìm ra tình thế này trong năm 2010 bất chấp các biến động xoay quanh đồng Euro.

Khi các lợi ích riêng của Hoa Kỳ, Trung Quốc và Đức đều cùng chiều nhau thì đến nay không còn nghi ngờ gì về sự sống sót của đồng Euro. Có thể tạm gác lại việc các ngân hàng đang chất đống những loại tài sản mục rữa, việc các quốc gia "đóng vai phụ" trong liên minh vẫn thực hiện nhiều chính sách tài chính không bền vững và việc nhân dân Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đang đối mặt với khó khăn trong cuộc sống khi các dây chuyền lắp ráp tại Seattle và Thượng Hải vẫn chạy đều. Đến giờ này thì điều cốt lõi nhất vẫn được giữ vững.

• Mặt trận liên lục địa Á - Âu

Nếu quan hệ giữa đồng Euro và đồng đô-la có thể được mô tả là sự tương thuộc qua lại thì quan hệ giữa đồng Euro và đồng Nhân dân tệ đơn giản là sự phụ thuộc. Trung Quốc trỗi dậy nhanh chóng để trở thành một Đấng Cứu Thế tiềm năng đối với một số nền kinh tế phụ, ít quan trọng trong Liên minh châu Âu (chẳng hạn Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha) dựa trên việc Trung Quốc sẵn lòng mua một số trái phiếu chính phủ trong giai đoạn diễn ra cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu. Tuy nhiên, các ý đồ của Trung Quốc đối với châu Âu và đồng Euro đều dựa trên sự tư lợi và toan tính lạnh lùng.

Trung Quốc có lợi ích sống còn từ một đồng Euro mạnh. Liên minh châu Âu đã vượt qua Hoa Kỳ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Nếu sự biến động trong Liên minh châu Âu khiến cho một số quốc gia như Hy Lạp hoặc Ire land phải từ bỏ đồng Euro, thì các nước này có thể quay lại sử dụng các loại tiền tệ riêng của mình với mức tỷ giá thấp tương đối so với Nhân dân tệ. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc sang châu Âu. Lợi ích của Trung Quốc trong việc hỗ trợ cho đồng Euro cũng nhiều bằng hoặc nhiều hơn cả lợi ích từ việc neo chặt tỷ giá Nhân dân tệ với đô-la.

Các động cơ của Trung Quốc tại châu Âu bao gồm: đa dạng hóa nguồn dự trữ với việc cầm nắm Euro nhiều hơn, được tôn trọng hoặc thân thiện hơn với một số quốc gia trong Liên minh châu Âu sau khi đã trực tiếp yểm trợ các nước này bằng cách mua trái phiếu, và đánh đổi được thêm một số lợi ích khác liên quan đến việc mua trái phiếu nói trên. Những cái đổi chác được ở đây có nhiều dạng thức, bao gồm hoạt động đầu tư trực tiếp vào một số cơ sở hạ tầng nhạy cảm như cảng và nhà máy điện, tiếp cận được các công nghệ nhạy cảm của Liên minh châu Âu và khả năng mua được các hệ thống vũ khí tối tân mà thông thường chỉ dành riêng cho các đồng minh NATO và các thân hữu như Israel. Tất cả các lợi ích của Trung Quốc trong việc củng cố cho đồng Euro không phải đều trái chiều với lợi ích của Đức, mặc dù Đức và Trung Quốc cạnh tranh nhau khốc liệt về xuất khẩu trên thế giới.

Bằng cách thu mua trái phiếu chính phủ của các quốc gia không đóng vai trò quan trọng về kinh tế trong Liên minh châu Âu, Trung Quốc đã giúp Đức gánh chịu phí tổn trong công cuộc giải cứu liên minh này. Khi yểm trợ cho sức mạnh của đồng Euro, Trung Quốc đã giúp cho Đức tránh được các tổn thất nếu đồng Euro sụp đổ, bao gồm cả thảm họa cho các ngân hàng Đức. Đây là tình huống "không thể thua" dành cho Trung Quốc và còn gìn giữ được mạn sườn Liên lục địa Á - Âu trong khi Trung Quốc bận đối đầu trực diện với Hoa Kỳ. Mặt trận chủ đạo của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh tiền tệ này là Hoa Kỳ, và Trung Quốc đến nay vẫn tránh đụng độ tại mặt trận Á - Âu. Có thể có cả hai nguyên nhân: sự suy yếu của Liên minh châu Âu và sự khôn khéo của Trung Quốc.

Giống như Trung Quốc, Hoa Kỳ cũng hỗ trợ cho đồng Euro vì các lý do tương tự: thảm họa khi đồng Euro sụp đổ sẽ làm suy yếu giá trị tương đối của Euro so với đô-la và gây ảnh hưởng xấu cho hoạt động xuất khẩu của Hoa Kỳ hiện đang cạnh tranh với Liên minh châu Âu tại các thị trường Trung Đông, Mỹ Latin và Nam Á. Trung Quốc và Hoa Kỳ không những muốn đồng Euro sống sót; hai nước này còn muốn đồng Euro lấy lại sức mạnh tương đối so với đô-la và Nhân dân tệ để họ thuận lợi hơn trong xuất khẩu. Châu Âu, Trung Quốc và Hoa Kỳ đều thống nhất với nhau trong các nỗ lực để giữ vững đồng Euro, bất chấp sự khác biệt xét về động cơ của từng bên và những mâu thuẫn trong thái độ đối với các lĩnh vực khác.

Sự thống nhất về mục đích nói trên cũng hầu như có nghĩa là đồng Euro sau cùng sẽ loay hoay thoát khỏi được cơn khủng hoảng này và vẫn còn nguyên giá trị trong một tương lai được thấy trước, bất chấp việc có thể tái cấu trúc trái phiếu và những kế hoạch khắc nghiệt. Hiện vẫn chưa thể biết động thái nhất quán này còn có thể tiếp diễn hay không và Trung Quốc sẽ tiếp tục tấn công vào châu Âu một cách tinh tế hay không. Nếu đồng Euro thực sự sụp đổ, Trung Quốc có thể cùng lúc gánh chịu những tổn thất lớn từ việc nắm giữ trái phiếu, việc tái định giá đồng Nhân dân tệ và các thua lỗ trong xuất khẩu. Trung Quốc vẫn có thể đối đầu với Châu Âu về hàng loạt vấn đề khác, nhưng hiện nay mặt trận tiền tệ ở phía tây Trung Quốc đã im ắng.

• Các cuộc giao tranh nhỏ trên toàn cầu

Ngoài ba mặt trận lớn của cuộc chiến tranh tiền tệ – Thái Bình Dương (đô-la - Nhân dân tệ), Đại Tây Dương (Euro - đô-la) và Liên lục địa Á - Âu (Euro - Nhân dân tệ) – còn có vô số các mặt trận, sự kiện phụ và những giao tranh nhỏ khác đang diễn ra trên toàn thế giới. Đáng chú ý nhất trong số này là "chiến trường Brazil".

Đến tận năm 1994, Brazil vẫn còn duy trì chính sách neo tỷ giá giữa đồng Real của họ với đồng đô-la Mỹ. Tuy nhiên, các hệ lụy lan ra toàn cầu từ sau "Khủng hoảng Tequila" tại Mexico hồi tháng 12/1994 đã gây áp lực lên đồng Real và buộc Brazil phải bảo vệ đồng nội tệ của mình. Kết quả là một "Kế hoạch Real", theo đó Brazil tiến hành hàng loạt các động thái định giá thấp đồng Real so với đô-la, dưới sự quản lý. Tiền Real đã giảm giá khoảng 30% trong giai đoạn 1995 - 1997.

Sau khi đã thành công trong việc quản lý giá trị tương đối giữa đô-la so với Real tại một mức độ ổn định hơn, Brazil một lần nữa lại trở thành nạn nhân của sự lây lan khủng hoảng. Lần này, cuộc khủng hoảng không phát xuất từ khu vực Mỹ Latin mà đến từ Đông Á. Cơn khủng hoảng tài chính mới đã bùng nổ năm 1997 và lan tràn khắp thế giới: từ Thái Lan đến Indonesia, Hàn Quốc, Nga và sau cùng dừng lại ở Brazil, nơi mà Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dàn xếp một "bức tường lửa tiền tệ" với các quỹ khẩn cấp khi Fed điên cuồng cắt giảm các mức lãi suất tại Hoa Kỳ nhằm đảm bảo thanh khoản cần thiết cho toàn cầu. Sau khi gánh chịu cơn bão tài chính và theo lời xúi dục của IMF, Brazil đã bắt đầu thả nổi tiền tệ và có một tài khoản vốn cởi mở hơn, để rồi họ phải trải qua các đợt khủng hoảng cán cân thanh toán theo chu kỳ và lại phải nhờ IMF hỗ trợ trong năm 2002.

Vận mệnh của Brazil đã sáng sủa hơn với cuộc bầu cử 2002 và chiến thắng của tân Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva, thường được biết với cái tên Lula. Dưới sự lãnh đạo của ông từ năm 2003 đến 2010, Brazil đã mở rộng năng lực xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên, đạt nhiều thành tựu đáng kể về công nghệ và sản xuất căn bản. Máy bay Embraer đã trở thành sản phẩm có đẳng cấp thế giới và đưa Brazil bay vọt lên vị trí là nhà sản xuất máy bay lớn thứ 3 toàn cầu. Thị trường nội địa khổng lồ của quốc gia này cũng trở thành nơi thu hút các dòng vốn toàn cầu nhằm kiếm lợi nhuận cao hơn, nhất là sau sự giảm sút về tỷ suất lợi nhuận tại các thị trường Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu kể từ đợt hỗn loạn 2008.

Giai đoạn 2009 - 2010, tỷ giá đồng Real so với đô-la Mỹ dịch chuyển từ khoảng 2,4 lên 1,69. Việc tái định giá tiền Real so với đô-la tăng hơn 40% chỉ trong vòng 2 năm đã gây khốn đốn cho ngành xuất khẩu Brazil. Cán cân thương mại song phương Brazil – Hoa Kỳ cũng biến đổi: từ thặng dư khoảng $15 tỷ thành thâm hụt $6 tỷ cũng trong 2 năm đó. Chính sự việc này đã khiến Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantega đưa ra tuyên bố hồi cuối tháng 9/2010 rằng một cuộc chiến tranh tiền tệ toàn cầu đã bắt đầu.

Bởi vì Trung Quốc vẫn neo chặt tỷ giá Nhân dân tệ - đô-la, cho nên việc tái định giá tiền Real tăng 40% so với đô-la cũng có nghĩa là Real được tái định giá tăng thêm 40% so với Nhân dân tệ. Nền xuất khẩu của Brazil đã chịu tổn thất không những từ Hoa Kỳ trong lĩnh vực công nghệ cao, mà còn từ Trung Quốc trong lĩnh vực lắp ráp theo dây chuyền và dệt may. Brazil phản kích bằng sự can thiệp tiền tệ từ ngân hàng trung ương, tăng khoản dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng địa phương nào đang bán khống đô-la đầu cơ giá xuống, và một số dạng thức kiểm soát vốn khác.

Cuối năm 2010, người kế nhiệm của Tổng thống Lula là Dilma Rousseff đã long trọng tuyên bố rằng bà sẽ thúc đẩy nhóm G20 và IMF xây dựng nên các đạo luật để nhận diện được những kẻ thao túng tiền tệ – có lẽ là cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ – nhằm giải tỏa áp lực đẩy giá lên dành cho đồng Real. Các nỗ lực của Brazil nhằm kìm chế giá đồng Real đã thành công trong ngắn hạn cũng vào cuối năm 2010 nhưng ngay sau đó lại làm phát sinh vấn đề mới – đó là tình trạng lạm phát. Brazil đã nhập khẩu lạm phát từ Hoa Kỳ khi cố gắng kìm chế tỷ giá Real/đô-la vì e ngại trước hành động in tiền ồ ạt của Fed.

Brazil hiện đang lâm vào tình cảnh "tiến thoái lưỡng nan" giống như Trung Quốc, họ buộc phải chọn lựa giữa lạm phát và việc tái định giá tiền tệ. Khi Hoa Kỳ in thêm đô-la và một quốc gia khác lại cố gắng neo chặt tỷ giá đồng nội tệ của họ với đô-la, thì quốc gia này sau cùng cũng buộc phải in thêm tiền (vậy mới giữ được tỷ giá), và do đó dẫn đến lạm phát trong nước. Hậu quả là các nhà đầu tư, những ai kiếm tìm lợi nhuận cao nhờ "dòng tiền nóng" (nguyên văn hot money: tiền được các nhà đầu tư cho dịch chuyển thật nhanh, từ hình thức này sang hình thức khác, để tận dụng các biến động tỷ giá hoặc thu lợi nhuận đầu tư ngắn hạn – ND) từ Hoa Kỳ đã đổ dồn về Brazil. Tình hình bi đát đến mức một báo cáo nghiên cứu của Nomura Global Economics hồi đầu năm 2011 đã khẳng định rằng Brazil là kẻ thua nhiều nhất trong các cuộc chiến tranh tiền tệ. Điều này đúng, nếu xét đến tình trạng tăng giá của đồng Real. Tới tháng 4/2011, Brazil đã "tung cờ trắng đầu hàng trong cuộc chiến tranh tiền tệ," theo một phân tích trên tờ Phố Wall Journal. Brazil dường như đã xuôi tay mặc cho đồng Real tăng giá sau khi nhiều cách kiểm soát tiền tệ, đánh thuế lên các hoạt động đầu tư nước ngoài và nhiều biện pháp khác nhằm chặn đứng tăng giá tiền tệ đều thất bại.

Thiếu dự trữ và không có thặng dư thương mại như Trung Quốc, Brazil không thể neo tỷ giá Real/đô-la theo cách đơn giản là mua vào tất cả số đô-la khi chúng vừa đến cửa khẩu. Brazil mắc kẹt giữa việc định giá tiền tệ và nạn lạm phát. Cũng như trường hợp của Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu, tuy những lý do là khác nhau, Brazil ngày càng mong đợi nhóm G20 hỗ trợ họ trong các cuộc chiến tranh tiền tệ.

Brazil là trường hợp đặc biệt bởi vì yếu tố địa lý, nhân khẩu và quy mô kinh tế, nhưng quốc gia này không thể là quốc gia duy nhất bị kẹt giữa nhiều làn đạn đan xen nhau trong cuộc chiến tranh tiền tệ giữa đồng đô-la, Euro và Nhân dân tệ. Các quốc gia khác cũng đang triển khai hoặc có tính toán đến việc kiểm soát vốn nhằm chặn đứng các "dòng tiền nóng" đổ về mình, nhất là đồng đô-la Mỹ, trong đó bao gồm Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Nam Phi, Đài Loan và Thái Lan. Mỗi quốc gia trong số này đều lo sợ rằng đồng nội tệ của họ sẽ bị tăng giá và hoạt động xuất khẩu của họ sẽ chịu hậu quả xấu từ các chính sách nới lỏng tiền tệ của Fed và dòng lũ đô-la từ khắp thế giới tràn về đất nước mình để tìm kiếm lợi nhuận cao và tăng trưởng nhanh hơn.

Những cách kiểm soát vốn xuất hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau, tùy chọn lựa của các ngân hàng trung ương và Bộ tài chính từng đất nước. Năm 2010, Indonesia và Đài Loan đã cắt giảm hoạt động đầu tư ngắn hạn, buộc các nhà đầu tư "tiền nóng" phải đầu tư trong thời hạn dài hơn. Hàn Quốc và Thái Lan lại áp đặt các loại thuế thu nhập đánh vào lợi nhuận từ trái phiếu nội địa của các nhà đầu tư nước ngoài – đây là một cách nhằm làm nản lòng những ai muốn đầu tư "nóng" và giảm áp lực tăng giá các loại nội tệ. Trường hợp của Thái Lan mới thật mỉa mai, bởi vì Thái Lan chính là nơi phát xuất cơn khủng hoảng tài chính 1997–1998. Lần đó, các nhà đầu tư đã cố gắng rút tiền khỏi Thái Lan và quốc gia này cố nâng cao giá trị nội tệ. Đến năm 2011 thì các nhà đầu tư lại thi nhau đẩy tiền vào Thái Lan còn chính phủ thì hạ thấp giá trị nội tệ. Thái Lan và Hoa Kỳ là hai ví dụ minh họa rõ nét hơn cả, cho thấy sự thay đổi về sức mạnh tài chính giữa các thị trường mới nổi và các thị trường đã phát triển trong vòng 10 năm qua.

Các quốc gia có nền kinh tế nhỏ như trên, hầu hết là những nước châu Á đang gắng sức giữ giá trị nội tệ của mình ở mức thấp, sẽ không thể phát hành được một loại tiền tệ dự trữ được chấp nhận rộng rãi. Và tất cả những quốc gia này cũng không thể đạt quy mô kinh tế tương đương với quy mô của Hoa Kỳ, Trung Quốc hoặc Liên minh châu Âu nếu xét đến khả năng thực hiện một cuộc chiến tranh tiền tệ bằng cách trực tiếp can thiệp vào thị trường. Các quốc gia này cần tạo nên một diễn đàn đa phương nhằm giải quyết các áp lực gây ra bởi Chiến tranh tiền tệ lần thứ III. Trong khi theo truyền thống thì Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF sẽ lập ra một diễn đàn dạng này, mọi nền kinh tế có hoạt động thương mại lớn, bất chấp có phải là thành viên G20 hay không, đang nôn nóng muốn nhận được sự định hướng hoặc các quy định từ nhóm G20 để chặn đứng tình trạng leo thang chiến tranh tiền tệ và có thể gây ra những tổn thất không thể bù đắp được cho từng nền kinh tế đơn lẻ và cho cả thế giới.


Giải pháp của nhóm G20

"Tôi nói đơn giản thế này... có thể có mâu thuẫn giữa các lợi ích của giới tài chính và các lợi ích của giới chính trị... Chúng ta không thể liên tục giải thích với các cử tri và công dân của đất nước mình rằng người đóng thuế phải gánh chịu phí tổn từ một số rủi ro nhất định, trong khi họ sẽ không phải là những người hưởng lợi từ việc chấp nhận các rủi ro đó."

— Angela Merkel, Thủ tướng Đức, phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh G20, tháng 11/2010

Nhóm Hai mươi nền kinh tế lớn (Group of Twenty), thường được gọi tắt là nhóm G20, là một tổ chức đặc biệt và đầy quyền lực được thành lập nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu khi chưa có một chính phủ toàn cầu thực sự. Cái tên "G20" ngụ ý có hai mươi thành viên trong nhóm. Đây là sự kết hợp giữa 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới (nhóm G7 bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Đức, Anh, Italy, Nhật Bản), và một số nền kinh tế tăng trưởng nhanh, mới nổi (chẳng hạn như Brazil, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mexico, Ấn Độ và Indonesia). Các thành viên khác được mời tham gia vì họ có tài nguyên thiên nhiên hoặc vì lý do địa chính trị hơn là sự năng động của nền kinh tế; ví dụ như Nga và Ả Rập Saudi. Một số thành viên khác nữa lại được mời gia nhập nhóm G20 để tạo đối trọng cân bằng về địa lý, bao gồm Australia, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina. Liên minh châu Âu, mặc dù không phải là một quốc gia, cũng được mời gia nhập để bổ sung thêm cho nhóm bởi vì ngân hàng trung ương của Liên minh này là tổ chức phát hành một trong các loại tiền tệ được dự trữ trên toàn cầu. Một số nền kinh tế "nặng ký" khác chẳng hạn như Tây Ban Nha, Hà Lan và Na Uy đã chính thức rời bỏ G20, nhưng các quốc gia này đôi khi vẫn được mời đến họp bởi vì họ vẫn đóng vai trò quan trọng về kinh tế. Có lẽ tên gọi "G20 và các thân hữu" sẽ là thích hợp hơn.

Nhóm G20 vận hành theo nhiều cấp độ. Hàng năm, nhóm này tổ chức nhiều phiên họp để các vị Bộ trưởng Tài chính và lãnh đạo các ngân hàng trung ương cùng thảo luận về các vấn đề kỹ thuật, cố gắng đạt được sự đồng thuận trong một số mục tiêu nhất định và cách triển khai. Tuy nhiên, các phiên họp quan trọng nhất là các Hội nghị thượng đỉnh dành cho những nhà lãnh đạo quốc gia, theo đó những vị Tổng thống, Thủ tướng và Quốc vương định kỳ họp lại để thảo luận về các vấn đề tài chính toàn cầu, chú trọng đến cấu trúc của hệ thống tiền tệ quốc tế và yêu cầu hạn chế các cuộc chiến tranh tiền tệ. Cũng tại các hội nghị thượng đỉnh như thế này, trong khuôn khổ hội họp chính thức và trao đổi hành lang không chính thức, các nhà lãnh đạo cùng thương lượng để hình thành nên hệ thống tài chính toàn cầu. Ngồi xen kẽ giữa các nguyên thủ quốc gia trong phiên họp là những quan chức nhà nước giúp việc cho họ. Đó là nhóm các chuyên gia kỹ thuật trong lĩnh vực tài chính quốc tế, đóng vai trò trợ thủ cho các nhà lãnh đạo với việc chuẩn bị chương trình nghị sự, cung cấp những kết quả nghiên cứu và giải thích rõ những nội dung còn tối nghĩa khi các nhà lãnh đạo trao đổi với nhau. Mọi quan điểm về giải pháp dành cho các cuộc chiến tranh tiền tệ đều coi định hướng của nhóm G20 như một yếu tố then chốt.

Sự tham gia của Trung Quốc vào nhóm G20 là hoàn toàn phù hợp. Trung Quốc thường không chịu thỏa hiệp trong các cuộc đàm phán song phương, họ coi các yêu cầu nhượng bộ là sự "bắt nạt" và họ sẽ mất mặt nếu chấp nhận các yêu cầu đó. Điều này không là vấn đề lớn trong nhóm G20, tại đây có nhiều chương trình hành động khác nhau được triển khai cùng lúc. Các thành viên nhỏ vẫn có cơ hội được cả nhóm lắng nghe quan điểm bởi vì họ không thể tự mình tác động đến tất cả các thị trường. Hoa Kỳ được thuận lợi vì có nhiều đồng minh trong phòng họp và không "mang tiếng" là đơn phương hành động. Rõ ràng G20 tạo thuận lợi cho tất cả các bên tham gia.

Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy chính là hai tác nhân chủ chốt để thay đổi G20: từ hội nghị các Bộ trưởng Tài chính (bắt đầu từ năm 1999) trở thành hội nghị của các nhà lãnh đạo quốc gia (từ năm 2008 trở về sau). Ngay sau vụ sụp đổ của Lehman Brothers và AIG hồi tháng 9/2008, mọi quan tâm chú ý đều đổ dồn về phiên họp G20 giữa các Bộ trưởng Tài chính trong tháng 11. Cơn hoảng loạn 2008 là một trong các thảm họa tài chính tồi tệ nhất trong lịch sử và không thể phủ nhận vai trò của Trung Quốc như một trong những nhà đầu tư lớn nhất thế giới và có tiềm năng giải cứu vốn. Vào thời điểm này, nhóm G7 đang dẫn dắt diễn đàn điều phối kinh tế, nhưng Trung Quốc không phải thành viên G7. Thực ra, Sarkozy và Bush đã đóng lại phim Hàm cá mập trong đoạn một nhân vật (diễn viên Roy Scheider thủ vai) nói với một người khác (Robert Shaw thủ vai) sau khi anh lần đầu tiên nhìn thấy con cá mập: "chúng ta cần một chiếc thuyền lớn hơn." G20 là chiếc thuyền lớn hơn G7, xét về góc độ chính trị và tài chính.

Tháng 11/2008, Tổng thống Bush triệu tập Hội nghị thượng đỉnh G20, thảo luận về các thị trường tài chính và nền kinh tế thế giới. Hội nghị này có sự tham gia đầy đủ của các nguyên thủ quốc gia thành viên: các Tổng thống, Thủ tướng, hoặc Quốc vương. Ngay lập tức, nhóm G20 được chuyển đổi từ góc độ kỹ thuật giữa các Bộ trưởng Tài chính để trở thành tập hợp của các nhà lãnh đạo có quyền lực nhất thế giới. Khác hẳn với nhiều hội nghị thượng đỉnh khu vực khác, hội nghị này quy tụ được đại diện của mọi vùng miền trên Trái Đất; và cũng khác với phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, các thành viên đều vào phòng họp cùng lúc.

Sau khi xét đến tính khẩn cấp trong cơn khủng hoảng tài chính và chương trình nghị sự đầy tham vọng mà nhóm G20 đã xây dựng hồi tháng 11/2008, Hội nghị thượng đỉnh dành cho các nhà lãnh đạo được tiếp diễn với 4 phiên họp nữa trong giai đoạn 2009 - 2010. Sang năm 2011, các lãnh đạo trong nhóm G20 đã quyết định chỉ họp một phiên duy nhất tại Cannes, Pháp trong tháng 11. Mức độ gắn kết trong các Hội nghị thượng đỉnh nói trên là cao nhất, nếu so sánh với các hội nghị thượng đỉnh toàn cầu khác, và dường như sự gắn kết này vẫn chưa giảm đi.

Cách thức vận hành của nhóm G20 hoàn toàn phù hợp với phương pháp làm việc của Bộ trưởng Bộ Ngân khố Hoa Kỳ Timothy Geithner, điều mà ông gọi là "quyền triệu tập." Tác giả David Rothkopf đã làm sáng tỏ khái niệm này thông qua nội dung phỏng vấn dành cho Geithner được trình bày trong quyển sách Superclass (tạm dịch Siêu đẳng cấp), viết về các tập quán của giới tinh hoa quyền lực toàn cầu. Năm 2006, khi còn đang giữ chức Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang New York, Geithner đã nói với Rothkopf:

Nơi đây chúng tôi có một thứ quyền lực gọi là "quyền triệu tập", nó không liên quan gì với những quyền lực được trao cho tổ chức này (Fed New York)... Tôi nghĩ rằng tiền đề cho các lập luận theo sau là: bạn phải có một quy trình liền lạc và mang tính cộng tác. Điều này không có nghĩa là bao hàm tất cả mọi thứ... mà chỉ cần đạt một số lượng tới hạn của các thành viên phù hợp. Ta sẽ có một thế giới gắn kết bền chặt hơn. Nếu bạn chỉ tập trung vào một số lượng hạn chế với 10 hoặc 20 định chế lớn, nhưng các định chế này có tầm bao phủ toàn cầu, thì bạn đã có thể làm được rất nhiều.

Khái niệm quyền triệu tập của Geithner cho rằng: trong cơn khủng hoảng, người ta có thể triệu tập một đại hội bất thường với sự tham gia của các thành viên phù hợp, từ đó có thể xác định được vấn đề phát sinh. Các thành viên này sẽ thống nhất một chương trình làm việc, phân bổ các nhiệm vụ, sử dụng nhân lực và nhóm họp lại sau một khoảng thời gian thích hợp, có thể là một ngày hoặc một tháng tùy mức độ khẩn cấp của tình hình. Tiến độ thực hiện sẽ được báo cáo lại và sau đó các mục tiêu mới sẽ được đề ra, không cần đến các bộ máy quan liêu hoặc khâu quản trị cứng nhắc sẵn có.

Geithner đã học hỏi được quy trình này khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 trở nên sâu sắc. Ông đã hiểu ra một lần nữa sau khi quy trình này được ứng dụng thành công trong cuộc giải cứu Công ty Quản lý Vốn Dài hạn (Long-Term Capital Management) trong năm 1998. Trong cuộc khủng hoảng đó, các nhà lãnh đạo của "mười bốn gia đình" (tức là những ngân hàng chính trong thời điểm đó) đã ngồi lại cùng nhau bàn bạc, khi chưa có một khung mẫu chung nào cả, ngoại trừ các kiến thức về cơn Hoảng loạn năm 1907, và trong vòng 72 giờ làm việc đã thống nhất được một gói giải cứu bằng tiền mặt trị giá $3,6 tỷ nhằm không để cho các thị trường vốn sụp đổ. Năm 2008, khi làm Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang tại New York, Geithner lại vận dụng "quyền triệu tập" khi chính phủ Mỹ triển khai những giải pháp tình thế đối với sự thất bại của Bear Stearns, Fannie Mae và Freddie Mac từ tháng 3 tới tháng 7 năm 2008. Khi cơn hoảng loạn 2008 đạt đỉnh cao trong tháng 9, các định chế then chốt đã vận dụng quyền triệu tập một cách hiệu quả. Cuộc họp các nhà lãnh đạo G20 lần đầu tiên, hồi tháng 11/2008, có thể được hiểu là một dạng thức của quyền triệu tập theo khái niệm của Geithner nhưng với quy mô lớn mạnh hơn nhiều.

Hoa Kỳ đã chọn lựa để đưa ra gợi ý về tầm nhìn của nhóm G20: một sự thương lượng lớn trên quy mô toàn cầu – điều mà Geithner đã từng đặt ra với cái tên "tái lập cân bằng." Để hiểu được sự tái lập cân bằng và tại sao điều này lại có ý nghĩa then chốt đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ, chúng ta không thể bỏ qua các bộ phận cấu thành nên tổng sản phẩm quốc nội GDP. GDP Hoa Kỳ đã tăng trưởng lên khoảng $14,9 nghìn tỷ vào đầu năm 2011, trong đó tiêu dùng chiếm 71%; đầu tư 12%; chi tiêu công là 20%; và (trừ đi) xuất khẩu ròng 3%. Giá trị này cao hơn thành quả của nền kinh tế Mỹ trước giai đoạn suy thoái 2007. Nhưng tăng trưởng như thế này là chưa đủ nhanh để giảm đáng kể số lượng người thất nghiệp vốn đã rất cao từ đầu năm 2009.

Liệu pháp truyền thống cho một nền kinh tế suy yếu của Hoa Kỳ vẫn là người tiêu dùng. Chi tiêu của chính phủ và đầu tư có thể đóng vai trò nhất định, nhưng người tiêu dùng Hoa Kỳ luôn luôn là yếu tố then chốt để phục hồi nền kinh tế khi tiêu dùng chiếm 70% GDP hoặc hơn. Sự kết hợp giữa các mức lãi suất thấp, điều kiện cho vay dễ dàng, các hiệu ứng từ một thị trường chứng khoán đang đi lên và vay nợ thông qua thẻ tín dụng trong quá khứ đã từng đủ mạnh để giúp người tiêu dùng không còn lo sợ nữa, từ đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển trở lại.

Nhưng ngày nay thì kịch bản trên đã hết tác dụng. Người tiêu dùng đã vay mượn quá mức và phải gánh chịu sức ép lớn. Phần giá trị căn nhà thuộc về chủ nhà (home equity: được tính bằng thị giá căn nhà trừ đi số tiền còn nợ để mua căn nhà đó – ND) đã bốc hơi; thực ra rất nhiều người Mỹ đã vay mượn số tiền nhiều hơn so với giá trị thực của căn nhà thế chấp. Họ phải chịu sức ép khi tỷ lệ thất nghiệp cao, sắp tới lúc nghỉ hưu và học phí cho con cái. Và dường như người tiêu dùng còn phải chịu đựng tình cảnh này trong nhiều năm nữa.

Trên lý thuyết thì hoạt động đầu tư có thể được mở rộng, nhưng đầu tư vào các nhà máy và trang thiết bị sẽ trở nên vô nghĩa nếu người tiêu dùng không mua các hàng hóa dịch vụ được tạo ra từ đó. Ngoài ra, các mức thuế cao đánh vào doanh nghiệp Hoa Kỳ khiến nhiều công ty cứ để phần thu nhập ở nước ngoài mà không chuyển về nước, phần lớn các hoạt động đầu tư mới của họ cũng diễn ra ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ và không đóng góp gì cho GDP. Đầu tư vẫn im lìm và sẽ không thay đổi chừng nào người tiêu dùng vẫn "ngủ đông".

Khi người tiêu dùng "án binh bất động" và hoạt động đầu tư suy yếu, những người theo trường phái Keynes trong chính quyền Bush và Obama đã quay sang sử dụng chi tiêu công để kích thích kinh tế. Tuy nhiên, sau khi cả bốn chương trình kích thích kinh tế từ năm 2008 đến năm 2010 đều không tạo được mạng lưới công ăn việc làm mới thì người ta bắt đầu thay đổi quan điểm về chi tiêu công. Sự thay đổi này được khuấy động bởi phong trào Tiệc Trà, những mối đe dọa khi Hoa Kỳ bị các tổ chức đánh giá mức độ tin cậy thấp hơn và làn sóng chiến thắng của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2010. Rõ ràng là người dân Mỹ muốn có ai đó đóng hầu bao của Chú Sam lại. Chúng ta hiện chưa biết được sự cắt giảm chi tiêu này sẽ đến mức độ nào, nhưng rõ ràng là phương pháp tăng chi tiêu công đã bị gạt ra khỏi chương trình nghị sự.

Vậy là với phép loại suy, chính quyền Obama có thể nhìn thấy rằng: khi tiêu dùng, đầu tư và chi tiêu công đều không hiệu quả, thì cách duy nhất để phát triển kinh tế là xuất khẩu ròng – chứ không còn gì khác. Trong diễn văn hàng năm trước Quốc hội Mỹ ngày 27 tháng 1 năm 2010, Tổng thống Obama trình bày Sáng kiến Quốc gia về Xuất khẩu, dự kiến tăng gấp đôi giá trị xuất khẩu của Hoa Kỳ trong 5 năm. Đạt được thành quả này sẽ tạo nên các tác động sâu sắc. Giá trị xuất khẩu tăng gấp đôi có thể góp thêm 1,3% cho GDP Hoa Kỳ, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hàng năm sẽ từ 2,6% lên 3,9% hoặc cao hơn, có thể đủ để chặn đứng nạn thất nghiệp. Xuất khẩu tăng gấp đôi là một mục tiêu xứng đáng đặt ra, nếu khả thi. Nhưng liệu có khả thi hay không? Nếu khả thi, thì đâu là cái giá phải trả dành cho những đối tác thương mại của chúng ta và sự phát triển cân bằng trên toàn cầu sẽ như thế nào?

Xét từ quan điểm này thì chính sách kinh tế của Hoa Kỳ đã hấp tấp sa vào các cuộc chiến tranh tiền tệ. Phương pháp "cổ truyền" nhất và nhanh nhất để gia tăng xuất khẩu luôn luôn là làm giảm giá đồng nội tệ, đúng như những gì mà Montagu Nor man đã thực hiện tại nước Anh năm 1931 và Richard Nixon đã làm tại Hoa Kỳ năm 1971. Nước Mỹ và thế giới đã từng trải nghiệm điều này và những hệ lụy toàn cầu thật thê thảm. Một lần nữa, đồng đô-la rẻ hơn lại là chính sách được ưu tiên áp dụng và một lần nữa thế giới lại chứng kiến một thảm họa được báo trước.

Cấu thành GDP của Trung Quốc phần nào có thể được coi là hình ảnh tương phản của GDP Hoa Kỳ. Tiêu dùng của Trung Quốc chỉ đóng góp 38% trong nền kinh tế chứ không cao chót vót tới 70% như tại Hoa Kỳ. Ngược lại, xuất khẩu ròng thực sự giúp tăng thêm 3,6% cho GDP Trung Quốc chứ không phải là giảm bớt 3% như trong nền kinh tế Mỹ. Sự phát triển của Trung Quốc phần nhiều dựa vào đầu tư, và tổng đầu tư chiếm 48% GDP chứ không chỉ là 12% như Hoa Kỳ. Với sự tương phản như trên, một động thái tái lập cân bằng dường như sẽ thích hợp. Nếu Trung Quốc tăng tiêu dùng, phần nào bằng cách mua các hàng hóa và dịch vụ từ Hoa Kỳ bao gồm phần mềm, trò chơi điện tử và các sản phẩm điện ảnh Hollywood, thì cả hai quốc gia đều có thể phát triển. Chỉ cần thay đổi tiêu dùng và xuất khẩu. Trung Quốc có thể tăng tiêu dùng và giảm xuất khẩu ròng, trong khi Hoa Kỳ làm điều ngược lại. Những hàng hóa dịch vụ mới được xuất khẩu sang Trung Quốc có thể tạo thêm nhiều công ăn việc làm tại Hoa Kỳ. Điều này không thể được thực hiện chỉ bằng các biện pháp tỷ giá; tuy nhiên, Geithner lặp đi lặp lại rằng việc tái định giá đồng Nhân dân tệ lên mức cao hơn là phần quan trọng trong toàn bộ chính sách.

Một lý do giải thích việc Trung Quốc không gia tăng tiêu dùng là: mạng lưới an sinh xã hội của họ còn yếu, vậy nên mỗi cá nhân đều tăng cường tiết kiệm để tự lo cho bản thân khi về hưu và lúc đau ốm. Một yếu tố khác cản trở tiêu dùng của Trung Quốc là nét văn hóa Khổng giáo hàng ngàn năm của người Hoa: họ ghét phô trương sự giàu có. Nhưng các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ đã không tìm kiếm một cuộc cách mạng văn hóa ngả theo hướng tiêu dùng; thay cho quan niệm "giản tiện vẫn là đủ". Tiêu dùng Trung Quốc chỉ cần tăng thêm vài phần trăm, tạo thuận lợi cho xuất khẩu của Hoa Kỳ, cũng đủ để Hoa Kỳ khởi động quá trình tự hồi phục.

Đây là một dạng tái lập cân bằng kỳ lạ: việc Trung Quốc gia tăng tiêu dùng và Hoa Kỳ tăng giá trị xuất khẩu ròng sẽ diễn ra với phí tổn hoàn toàn dành cho Trung Quốc. Trung Quốc sẽ phải điều chỉnh mọi thứ, trong đó có đồng nội tệ, mạng lưới an sinh xã hội của họ và thay đổi luôn cả văn hóa Khổng giáo đã tồn tại 2.500 năm; trong khi Hoa Kỳ không phải làm gì cả và thu lợi ích từ sự phát triển xuất khẩu ròng sang một thị trường đang tăng trưởng nhanh là Trung Quốc. Một chọn lựa "quá êm" cho nước Mỹ: không đòi hỏi các nỗ lực vật chất nào mà vẫn cải thiện được môi trường kinh doanh bằng cách giảm thuế cho doanh nghiệp và bãi bỏ bớt các quy định, lượng cung tiền phù hợp hoặc khuyến khích tiết kiệm và đầu tư. Một số thứ Hoa Kỳ muốn đạt được cũng có thể là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, nhưng thế giới không thể nhận định rằng Trung Quốc bị "ăn hiếp" với một kế hoạch chỉ tạo thuận lợi cho Hoa Kỳ. Theo lối nói của nhóm G20, "tái lập cân bằng" đã trở thành quy tắc hành xử khi thực thi những ý muốn của Hoa Kỳ.

Những người am hiểu tài chính quốc tế không cần phải đợi đến khi có bài diễn văn tháng 1/2010 của Tổng thống trước Quốc hội Mỹ thì mới biết Hoa Kỳ sẽ đi tới đâu với kế hoạch tái lập cân bằng. Ý tưởng về việc gia tăng xuất khẩu của Hoa Kỳ và liên quan theo đó là việc tái định giá đồng Nhân dân tệ đã được nghiên cứu kỹ lưỡng trong tháng 9/2009 tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại Pittsburgh. Hai Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên, tổ chức tại Washington và London, đều dành cho việc tìm kiếm các giải pháp đối với cơn Hoảng loạn 2008 và yêu cầu tạo ra lượng thanh khoản mới thông qua IMF. Các hội nghị này cũng quan tâm nhiều đến các kế hoạch kìm chế các ngân hàng và cấu trúc chi trả lương thưởng dựa trên lòng tham của các ngân hàng đó. Số tiền lương thưởng quá lố dành cho những khoản lợi nhuận thu được trong ngắn hạn đã tàn phá hàng nghìn tỷ đô-la của sự thịnh vượng toàn cầu trong dài hạn. Thông qua Hội nghị thượng đỉnh Pittsburgh năm 2009, các nhà lãnh đạo cảm thấy rằng trong khi tình hình vẫn còn mong manh nhưng sự ổn định đã quay lại, đủ để họ có thể tạm gác lại các mối lo về cơn khủng hoảng và bắt đầu tư duy về cách thức để giúp nền kinh tế toàn cầu tiến bước. Pittsburgh có thể là Hội nghị thượng đỉnh G20 sau cùng trước khi Tổng thống Mỹ có bài diễn văn trước Quốc hội năm 2010. Nếu Hoa Kỳ tiếp tục đồng thuận kế hoạch tái lập cân bằng dựa vào xuất khẩu, thì đây là lúc họ thực thi.

Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 tại Pittsburgh đã xây dựng nên một kế hoạch đột phá nhằm tái lập cân bằng trong phát triển. Đây là điều mà Geithner mong muốn. Kế hoạch này nằm trong một tuyên bố chính thức của các nhà lãnh đạo về "Một khung mẫu để Phát triển Mạnh, Bền vững và Cân bằng." Hiện vẫn chưa rõ sự tái lập cân bằng này có thể đạt được như thế nào. Giống như tất cả các tuyên bố mang tính kỹ thuật của những tổ chức đa phương lớn, văn bản này dùng ngôn ngữ của giới tinh hoa toàn cầu chứ không phải loại câu cú chân phương thông dụng. Tuy nhiên trong phần 20 của Khung mẫu có đoạn:

Phản ứng chung của tất cả chúng ta đối với cuộc khủng hoảng đã nêu bật lên... nhu cầu phải có một Quỹ tiền tệ Quốc tế phù hợp hơn và hiệu quả hơn. Quỹ này phải đóng vai trò then chốt trong việc ổn định nền tài chính toàn cầu và tái lập cân bằng cho sự phát triển.

Các thành viên tham gia Hội nghị hẳn tin chắc rằng "tái lập cân bằng" có nghĩa là gia tăng tiêu dùng của Trung Quốc và gia tăng xuất khẩu của Hoa Kỳ. Hiện nay nhóm G20 đại diện cho IMF để hành động như một dạng "cảnh sát" theo dõi quá trình thực thi của các thành viên xem có đúng như những gì họ cam kết hay không. Vậy là sau đó 2 tháng, quỹ quốc tế được đặt tại Pittsburgh nhằm hỗ trợ Sáng kiến Quốc gia về Xuất khẩu của Tổng thống Obama.

Việc nhóm G20 sử dụng IMF như một văn phòng hành chính, một ban nghiên cứu, một phòng thống kê và một trọng tài về chính sách mà nhóm vừa "thuê ngoài" là phù hợp với cả hai tổ chức. Nó cho phép nhóm G20 tiếp cận được đội ngũ chuyên gia đông đảo của IMF mà không cần phải tạo dựng và phát triển đội ngũ cho riêng mình. Đối với IMF, việc được "thuê làm việc" như trên có thể coi là sự ân xá. Mãi đến năm 2006 thì nhiều chuyên gia tiền tệ quốc tế mới đặt câu hỏi nghiêm túc về mục đích và sự tồn tại tiếp theo của IMF. Trong thập niên 1950 và 1960, IMF từng cung cấp tín dụng tạm thời (bridge loans) cho các quốc gia đang gặp khó khăn về cán cân thanh toán tạm thời, để họ duy trì các tỷ giá nội tệ neo chặt với đồng đô-la. Trong thập niên 1980 và 1990, tổ chức này đã hỗ trợ nhiều nền kinh tế đang phát triển khi họ phải chịu đựng các khủng hoảng tỷ giá, bằng cách tài trợ kèm theo các điều kiện khắc nghiệt được thiết kế nên nhằm bảo vệ cho các ngân hàng và trái chủ của nước ngoài. Nhưng khi vàng bị loại ra ngoài hệ thống, các tỷ giá được thả nổi ngày càng nhiều hơn và các nước đang phát triển ngày càng tích tụ được thặng dư thương mại nhiều hơn, thì IMF không nhận nhiệm vụ rõ ràng nào trong thế kỷ 21. Bất chợt, nhóm G20 mang lại sinh khí mới cho IMF khi định vị tổ chức này như một dạng ngân hàng của nhóm hoặc là nguyên bản cho một ngân hàng trung ương toàn cầu. Người lãnh đạo đầy tham vọng của IMF, Dominique Strauss-Kahn, khi đó không thể có gì đáng mừng hơn và ông ta nhiệt tình bắt đầu công việc của một trọng tài toàn cầu, "thổi còi" theo bất cứ chỉ dẫn nào của nhóm G20.

Bất chấp sự khởi đầu "xôm tụ" cho công cuộc tái lập cân bằng toàn cầu như trên và bất chấp sự ủng hộ của cá nhân Tổng thống Obama, hai Hội nghị thượng đỉnh G20 trong năm 2010 đã không mang lại chuyển biến đáng kể nào trong việc thúc đẩy các thành viên thực thi những mục tiêu mà họ đã cam kết từ Hội nghị thượng đỉnh Pittsburgh. IMF đã tiến hành tái đánh giá các thực hành của từng quốc gia liên quan, dưới cái gọi là "thẩm định song phương" và vẫn trung thành với Khung mẫu đã nêu trong thông cáo G20, nhưng các mục tiêu đầy tham vọng về việc tái lập cân bằng vẫn bị phớt lờ, nhất là từ phía Trung Quốc.

Geithner đã thẳng thắn phê phán Trung Quốc vì quốc gia này không cho phép việc tái định giá đồng Nhân dân tệ tại một mức giá cao hơn. Khi tờ Phố Wall Journal phỏng vấn hồi tháng 9/2010 và đặt câu hỏi rằng các động thái của Trung Quốc về việc tái định giá đã là đủ hay chưa, ông trả lời, "Tất nhiên là chưa đủ... họ đã làm rất, rất ít." Xuất khẩu của Hoa Kỳ có tăng trưởng trong năm 2010, nhưng nguyên nhân chính của sự tăng trưởng này là sự phát triển tại các thị trường mới nổi và nhu cầu đối với các sản phẩm công nghệ cao của Hoa Kỳ, chứ không phải là những thay đổi trong tỷ giá hối đoái. Trung Quốc đã để cho giá Nhân dân tệ nhích cao hơn một chút – chủ yếu nhằm giảm nhẹ sự quy kết là một kẻ thao túng tiền tệ từ Bộ Ngân khố Hoa Kỳ và theo đó có thể khiến Quốc hội Mỹ trừng phạt thương mại. Nhưng sự tăng giá tiền tệ này chưa thể đáp ứng các yêu cầu của Geithner. Thậm chí một Hội nghị thượng đỉnh song phương được tổ chức trong tháng 1/2011 giữa Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Obama (được gọi là hội nghị G2) cũng chẳng mang lại kết quả gì nhiều hơn những lời nhận định thân ái giữa đôi bên và mấy tấm ảnh chụp họ đang tươi cười. Có vẻ như nếu Hoa Kỳ muốn giảm giá đồng đô-la thì Hoa Kỳ phải tự mình hành động. Việc thế giới cứ trông cậy vào nhóm G20, cho đến lúc này, vẫn tỏ ra vô vọng.

Tuy nhiên, tới tháng 6/2011 Hoa Kỳ trỗi dậy như một người chiến thắng trong cuộc chiến tranh tiền tệ. Giống như những kẻ chiến thắng trong các cuộc chiến tranh từng diễn ra trong lịch sử, Hoa Kỳ lần này cũng sở hữu được một thứ vũ khí bí mật. Vũ khí tài chính đó mang cái tên khá "sượng" là "nới lỏng định lượng" (QE), còn về căn bản đó là sự gia tăng lượng cung tiền để thổi phồng giá cả của các loại tài sản. Giống như thời 1971, Hoa Kỳ lần này đã tự mình làm suy yếu đồng đô-la thông qua lạm phát. QE là một quả bom chính sách được ném xuống nền kinh tế toàn cầu trong năm 2009, và tiếp theo sau là quả QE2 cũng được ném vào cuối năm 2010. Chúng tác động nhanh và đáng kể tới hệ thống tiền tệ thế giới. Khi sử dụng biện pháp nới lỏng định lượng để chuyển lạm phát sang nước ngoài, Hoa Kỳ đã cũng lúc làm gia tăng cấu trúc chi phí của hầu hết các quốc gia xuất khẩu mạnh và các nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh trên thế giới.

Dạng thức giản đơn nhất của việc nới lỏng định lượng là in tiền. Để "tạo ra tiền từ không khí", Cục Dự trữ Liên bang mua lại các chứng khoán nợ của Bộ Ngân khố, từ một nhóm các ngân hàng được chọn lọc gọi là các "trung gian sơ cấp". Nhóm các trung gian sơ cấp này lại có các khách hàng căn bản trên toàn cầu, bao gồm các quỹ đầu tư quốc gia (SWF), các ngân hàng trung ương, các quỹ hưu trí, các định chế đầu tư và cả những cá nhân giàu có (tạm gọi là các "đại gia"). Nhóm trung gian nói trên đóng vai cầu nối giữa Fed và không gian thị trường thông qua việc chào bán đấu giá các khoản nợ mới của Bộ Ngân khố và tạo ra thị trường cho các khoản nợ đã có.

Khi muốn giảm lượng cung tiền, Fed bán các loại chứng khoán cho các trung gian sơ cấp. Chứng khoán vào tay nhóm trung gian này và tiền trả cho Fed đơn giản là sẽ biến mất. Ngược lại, khi Fed muốn tăng lượng cung tiền, nó đi mua chứng khoán từ nhóm trung gian: thu về các chứng khoán và trả cho các trung gian bằng lượng tiền mới in. Tiền này vào tài khoản ngân hàng của các trung gian, nơi đó nó có thể hỗ trợ việc tăng lượng cung tiền bởi hệ thống ngân hàng. Việc mua vào và bán ra chứng khoán giữa Fed và các trung gian sơ cấp là hình thái chính yếu của các nghiệp vụ thị trường mở. Mục đích thường thấy của các nghiệp vụ thị trường mở là kiểm soát các lãi suất ngắn hạn, điều mà Fed thường thực hiện theo cách điển hình là mua vào hoặc bán ra các chứng khoán ngắn hạn nhất của Bộ Ngân khố – chẳng hạn như các trái phiếu đáo hạn trong vòng 30 ngày. Nhưng chuyện gì xảy ra khi các mức lãi suất ngắn hạn đã về mức zero và Fed vẫn muốn "nới lỏng" tiền tệ hơn nữa? Thay vì mua vào các chứng khoán nợ ngắn hạn, Fed có thể mua các trái phiếu trung hạn của Bộ Ngân khố - đáo hạn sau 5, 7 hoặc 10 năm. Cụ thể, trái phiếu 10 năm được dùng làm chuẩn để định giá tài sản thế chấp và các khoản nợ. Khi mua vào các khoản nợ trung hạn, Fed có thể đưa ra các mức lãi suất thấp hơn dành cho các cá nhân đi mua nhà và những doanh nghiệp đi vay, nhằm hy vọng kích thích được nền kinh tế. Ít nhất thì đây cũng là một lý thuyết quen thuộc.

Tuy nhiên, trong một thế giới được toàn cầu hóa, các loại tỷ giá giống như hệ thống cầu trượt nước và chúng chuyển động rất nhanh. Chương trình Nới lỏng định lượng của Fed không những tác động tới các điều kiện tài chính tại Hoa Kỳ mà còn có ảnh hưởng tại Trung Quốc . Nó là một vũ khí hoàn hảo trong cuộc chiến tranh tiền tệ và Fed biết rõ. Nới lỏng định lượng có tác dụng bởi vì Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã neo chặt tỷ giá Nhân dân tệ - đô-la Mỹ. Khi Fed in thêm tiền thông qua chương trình Nới lỏng định lượng, phần lớn lượng tiền này tìm đường sang Trung Quốc dưới hình thức thặng dư thương mại hoặc các "dòng tiền nóng" đi tìm mức lợi nhuận cao hơn so với mức có thể có tại nội địa Hoa Kỳ. Một khi đồng đô-la vào đến Trung Quốc, chúng được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (ngân hàng trung ương) thu vào và đổi lại là đồng Nhân dân tệ mới được in. Fed in thêm bao nhiêu tiền, Trung Quốc cũng phải in thêm số lượng tiền tương ứng để duy trì được tỷ giá. Chính sách neo tỷ giá của Trung Quốc được dựa trên một niềm tin sai lầm và niềm hy vọng hão huyền rằng Fed sẽ không lạm dụng quyền in tiền của nó. Bây giờ thì Fed đang in tiền với cường độ cao.

Có một sự khác biệt quan trọng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Hoa Kỳ là nền kinh tế phát triển tốc độ chậm và rất ít có khả năng lạm phát trong ngắn hạn. Còn Trung Quốc lại là nền kinh tế bùng nổ và đã phục hồi ngoạn mục sau Cơn hoảng loạn 2008. Trung Quốc ít có khả năng hơn trong việc hấp thụ được tiền mới in mà không phải gánh chịu nạn lạm phát. Việc in tiền tại Trung Quốc đã nhanh chóng dẫn đến tình trạng giá cả tăng cao trong đất nước này. Trung Quốc đang nhập khẩu lạm phát từ Hoa Kỳ thông qua việc neo chặt tỷ giá, sau khi họ đã xuất khẩu được giảm phát sang Hoa Kỳ cũng với cách thức tương tự.

Trong khi việc tái định giá đồng Nhân dân tệ được tiến hành chậm rãi vào cuối năm 2010 và đầu năm 2011, mức độ lạm phát của Trung Quốc đã tăng vọt và nhanh chóng vượt mức 5%/năm. Vì không chấp nhận tái định giá tiền tệ, Trung Quốc đã phải gánh chịu lạm phát. Kiểu nào thì Hoa Kỳ cũng mãn nguyện, bởi vì việc tái định giá và tình trạng lạm phát đều làm tăng chi phí xuất khẩu của Trung Quốc và giúp Hoa Kỳ nâng cao sức cạnh tranh. Từ tháng 6/2010 đến tháng 1/2011, đồng Nhân dân tệ đã được định giá tăng thêm trung bình 4%/năm và tỷ lệ lạm phát của Trung Quốc tăng thêm 5%/năm – vậy nên tổng cấu trúc chi phí của Trung Quốc tăng thêm 9%. Điều này có nghĩa là trong một vài năm nữa thôi thì đồng đô-la sẽ giảm giá 20% so với đồng Nhân dân tệ, xét từ góc độ giá cả trong xuất khẩu. Đây đúng là điều mà Thượng nghị sĩ Chuck Schumer và các nhà phê bình Hoa Kỳ mong muốn. Hiện Trung Quốc chưa có chọn lựa nào tốt đẹp. Nếu Trung Quốc vẫn neo chặt tỷ giá tiền tệ, Fed cứ in thêm tiền và lạm phát tại Trung Quốc có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Nếu Trung Quốc chấp nhận tái định giá, họ có thể kìm chế được lạm phát, nhưng cấu trúc chi phí của họ sẽ tăng thêm khi so sánh với các loại tiền tệ khác. Theo cách nào đi nữa thì Fed và Hoa Kỳ cũng thắng.

Trong khi việc tái định giá và vấn đề lạm phát có thể là tương đương nhau nếu xét từ góc độ kinh tế (đều khiến tăng chi phí), chúng vẫn có sự khác biệt quan trọng. Tái định giá, đến một chừng mực nào đó, vẫn còn có thể kiểm soát được bởi vì Trung Quốc còn có thể quyết định được thời điểm thay đổi tỷ giá đã neo ngay cả khi Fed áp đặt xu hướng chung. Nhưng lạm phát thì khó có thể kiểm soát được. Lạm phát có thể bùng lên từ một lĩnh vực nào đó, chẳng hạn như lương thực hoặc xăng dầu, và nhanh chóng lan rộng ra toàn bộ chuỗi cung ứng theo những cách thức không thể dự báo được. Lạm phát có thể tạo nên những tác động mang tính hành vi và tiếp sức cho chúng theo một chu trình tự vận động, khi các thương nhân và người bán sỉ đồng loạt tăng giá dựa trên suy đoán rằng những người bán khác cũng đang tăng giá.

Lạm phát từng là một trong những chất xúc tác cho sự kiện Thiên An Môn hồi tháng 6/1989. Những người thuộc phe bảo thủ Trung Quốc đã mong đợi sự bình ổn trong quan hệ giữa tiền tệ của họ và đồng đô-la Mỹ, và họ còn hy vọng vẫn giữ được một lượng giá trị ổn định thông qua các khoản nợ lớn của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ, đúng như những gì mà châu Âu đã từng trải qua trong thời gian đầu của hệ thống Bretton Woods. Giờ đây họ đã bị phản bội – Fed buộc phải ra tay. Khi phải chọn lựa giữa tình trạng lạm phát không thể kiểm soát nổi kéo theo các hệ lụy không thể dự báo được và sự tái định giá đồng Nhân dân tệ có thể nằm trong khả năng kiểm soát, Trung Quốc dịch chuyển đều đặn theo hướng tái định giá tiền tệ, khởi động từ tháng 6/2010, và đang tăng tốc tính đến giữa năm 2011.

Hoa Kỳ đã thắng một hiệp trong cuộc chiến tranh tiền tệ. Trong một trận đấu quyền Anh hạng nặng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, đây mới chỉ là hiệp thứ nhất trong một trận đánh hứa hẹn kéo dài tới 15 hiệp. Hai võ sĩ vẫn đứng vững; Hoa Kỳ thắng điểm trong hiệp 1, chứ không phải thắng tuyệt đối và hạ đối thủ đo ván. Fed được bố trí ngồi trong góc võ đài của Hoa Kỳ, giống như săn sóc viên đang sẵn sàng xử lý các vết thương sau hiệp thứ nhất. Trung Quốc cũng có sự trợ giúp trong góc võ đài của họ – đó là sự yểm trợ của những nạn nhân QE khác trên toàn cầu. Chẳng bao lâu nữa thì tiếng chuông báo hiệu hiệp 2 sẽ cất lên thôi.

Trong khi các bên tác chiến sử dụng vũ khí trong chiến tranh thì những bên không tác chiến cũng phải gánh chịu tổn thất liên đới, và điều này vẫn đúng trong một cuộc chiến tranh tiền tệ. Nạn lạm phát theo mong muốn của Hoa Kỳ không những đã tìm đường vào Trung Quốc mà còn lan đến các thị trường mới nổi nói chung. Thông qua sự kết hợp giữa thặng dư thương mại và "dòng tiền nóng" nhằm thu lợi nhuận cao hơn, tình trạng lạm phát do Hoa Kỳ in tiền đã nhanh chóng xuất hiện tại Hàn Quốc, Brazil, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và một số nơi khác nữa. Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Bernanke vô tư "đổ lỗi cho nạn nhân" khi ông nhận định rằng các quốc gia nói trên không thể quy trách nhiệm cho ai khác mà phải tự nhận lỗi về mình, bởi vì họ đã từ chối không tăng giá các loại nội tệ của mình so với đô-la Mỹ nhằm giảm bớt thặng dư và khiến dòng tiền nóng chảy chậm lại. Với giọng điệu nhẹ nhàng an ủi của các quan chức ngân hàng trung ương , Bernanke đã nói:

Những người xây dựng chính sách của các thị trường mới nổi có nhiều công cụ mạnh... để họ có thể quản lý nền kinh tế của mình và ngăn chặn không cho phát triển quá nóng, trong đó bao gồm khả năng điều chỉnh tỷ giá... Yêu cầu cần phải phục hồi tại các thị trường mới nổi đã góp phần quan trọng vào tình trạng giá cả toàn cầu tăng vọt như gần đây. Một cách tổng quát hơn, việc một số quốc gia vẫn giữ chặt giá trị tiền tệ của họ ở mức thấp đã góp phần tạo nên một mô hình chi tiêu không cân bằng và không bền vững trên toàn cầu.

Nhận định như trên đã bỏ qua một sự thật rằng: rất nhiều hàng hóa mà công dân các quốc gia này cần mua (chẳng hạn như bột mỳ, bắp, dầu, đậu nành, gỗ, cà phê và đường) được định giá bởi thị trường thế giới, chứ không phải các thị trường địa phương. Khi người tiêu dùng tại một số thị trường địa phương nào đó đẩy giá cả lên cao hơn để đối phó với việc in tiền của Fed, thì các mức giá cả trên thị trường thế giới cũng bị đẩy lên theo.

Chẳng bao lâu sau, người ta đã cảm thấy được các tác động từ việc in tiền của Fed, không những đối với các thị trường mới nổi, khá thành công của Đông Á và châu Mỹ Latin mà còn với một số khu vực nghèo hơn nhiều chẳng hạn như châu Phi và Trung Đông. Đối với một công nhân làm việc trong nhà máy với mức lương $12.000 hàng năm, giá thực phẩm tăng đã là một điều khó chịu. Còn đối với một nông dân có thu nhập $3.000/năm thì tăng giá thực phẩm là vấn đề giữa có ăn và đói ăn, giữa sống và chết. Các vụ chống đối, bạo loạn và nổi dậy bùng phát tại Tunisia hồi đầu năm 2011 và mau chóng lan sang Ai Cập, Jordan, Yemen, Morocco, Libya và nhiều quốc gia khác hầu hết đều là hành động phản kháng trước tình hình giá lương thực và năng lượng tăng cao, mức sống của nhân dân quá thấp trong các chế độ độc tài và thiếu dân chủ. Các quốc gia vùng Trung Đông đã vắt kiệt ngân sách để trợ giá cho những hàng hóa thiết yếu (bánh mỳ chẳng hạn) nhằm hạn chế các tác động tồi tệ nhất từ cuộc lạm phát. Điều này lại khiến lạm phát chuyển thành vấn đề khó khăn tài chính, đặc biệt là tại Ai Cập khi việc thu thuế trở nên hỗn loạn và thu nhập từ du lịch đã cạn kiệt vì hậu quả từ Làn sóng Nổi dậy của người Ả Rập (Arab Spring). Tình hình thê thảm đến mức các thành viên G8, nhóm họp tại Deauville, Pháp hồi tháng 5/2011, đã vội vã dàn xếp $20 tỷ để viện trợ tài chính cho Ai Cập và Tunisia. Bernanke đã mất dạng đối với những người dân thường của Mỹ gặp khốn đốn, tới giờ này thì cả thế giới không biết ông đang ở đâu.

Hiện vẫn chưa thể biết được liệu nhóm G20 có thể làm Hoa Kỳ thay đổi định hướng trong các chính sách tài chính và tiền tệ hay không. Các chính sách hiện hành của Mỹ vẫn đang làm cho cả thế giới tràn ngập đồng đô-la và gây nên cuộc lạm phát toàn cầu đối với giá thực phẩm và năng lượng. Về phần mình, Hoa Kỳ kiếm tìm một số đồng minh trong nhóm G20, chẳng hạn như Pháp và Brazil, để gây sức ép đòi Trung Quốc tái định giá tiền tệ. Mỹ cho rằng mọi bên khác – châu Âu, khu vực Bắc Mỹ và Mỹ Latin – đều có thể phát triển xuất khẩu và tăng trưởng nếu Trung Quốc tái định giá đồng Nhân dân tệ và gia tăng tiêu dùng quốc nội. Điều này có thể đúng trên lý thuyết, nhưng hiện nay chiến lược của Hoa Kỳ làm tràn ngập cả thế giới với đồng đô-la dường như đã gây tai hại không nhỏ. Trung Quốc và Hoa Kỳ đang chơi với nhau "trò con gà" trên quy mô toàn cầu: Trung Quốc bám chắc vào mô hình xuất khẩu hiện có của mình và Hoa Kỳ cố gắng thổi phồng các chi phí xuất khẩu hiện là lợi thế của Trung Quốc. (Nguyên văn: game of chicken, tên gọi này phát xuất từ một trò chơi trong đó hai người lái xe ngược chiều nhau và đang trên hướng lao thẳng vào nhau. Nguyên tắc của trò chơi là: cả 2 đều không muốn nhường đường cho người ngược chiều, ai bẻ lái trước sẽ bị coi là "hèn nhát" (như con gà) trong khi nếu không ai chịu nhường thì hậu quả rất tồi tệ sẽ dành cho cả hai – ND). Nhưng lạm phát đâu chỉ giới hạn trong một mình Trung Quốc, và cả thế giới đang nghe hồi chuông cảnh báo rủi ro. G20 được cho là nhóm có thể mang đến diễn đàn các chính sách điều phối kinh tế toàn cầu, nhưng tới nay thì G20 ngày càng giống một sân chơi chỉ dành cho hai đối thủ lớn. Hai đối thủ này "chuyên ăn hiếp" các tay chơi nhỏ khác và đang dọa nạt họ phải chọn lựa để ngả theo bên nào.

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo nhóm G20 tổ chức tại Seoul vào tháng 11/2010, Geithner đã cố gắng gây khó khăn cho Trung Quốc khi trình bày một kết quả tính toán, theo tỷ lệ %, để cho thấy khi nào có thể coi thặng dư thương mại là thái quá và không bền vững, xét từ quan điểm toàn cầu. Một cách tổng quát thì theo tính toán này, bất cứ lượng thặng dư thương mại nào cao hơn 4% GDP đều có thể được coi là dấu hiệu cho thấy tiền tệ (của nước có thặng dư) cần phải được tái định giá nhằm điều chỉnh lại hoạt động thương mại, chuyển từ quốc gia có thặng dư sang nơi nào đang bị thâm hụt (ví dụ Hoa Kỳ). Điều này từng tự động diễn ra trong chế độ Bản vị vàng nhưng bây giờ cần có tác động từ ngân hàng trung ương.

Ý tưởng của Geithner chẳng đi đến đâu cả. Ông muốn nhắm vào mục tiêu Trung Quốc, nhưng không may ở chỗ nếu đi theo lý thuyết này thì Đức cũng trở thành mục tiêu: thặng dư thương mại của Đức cũng lớn không kém gì thặng dư của Trung Quốc nếu tính theo phần trăm GDP. Với các tính toán của Geithner thì tiền tệ của Đức, nghĩa là đồng Euro, cũng sẽ phải được tái định giá ở mức cao hơn hiện nay. Đây là điều mà nước Đức cũng như phần còn lại của châu Âu không hề mong muốn: nền kinh tế mới hồi phục còn chưa vững vàng, cấu trúc yếu kém trong hệ thống ngân hàng và tầm quan trọng của nền xuất khẩu Đức đối với vấn đề công ăn việc làm của châu Âu. Không nhận được sự đồng thuận từ cả châu Âu lẫn châu Á, Geithner âm thầm từ bỏ ý tưởng của mình.

Thay vì đặt ra các chỉ số cụ thể, Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Seoul chỉ đề xuất ý tưởng về "các gợi ý hướng dẫn" nhằm xác định khi nào thì thặng dư thương mại đạt mức không bền vững. Bản chất của những hướng dẫn này sẽ là chủ đề để các Bộ trưởng Tài chính và quan chức ngân hàng trung ương thảo luận làm rõ trong phiên họp tiếp theo. Tháng 2/2011, các Bộ trưởng và quan chức ngân hàng đã họp tại Paris và thống nhất trên nguyên tắc về các yếu tố không bền vững, bao gồm cả một số "chỉ báo" nhưng họ chưa đồng thuận cụ thể về mức độ cho từng chỉ báo (bao nhiêu là chấp nhận được) trong hệ thống các nội dung hướng dẫn. Quá trình định lượng lại được dành cho phiên họp tháng 4 cùng năm và toàn bộ quy trình sẽ được đệ trình để các nhà lãnh đạo G20 phê duyệt trong hội nghị thường niên tổ chức tại Cannes vào tháng 11/2011.

Trong khi đó, việc ủy quyền để IMF đóng vai trò giám sát của nhóm G20 vẫn tiếp tục diễn biến nhanh. Trong hội thảo tháng 3/2011 tại Nam Kinh, Trung Quốc, với sự tham gia của các chuyên gia và các nhà kinh tế học, Tổng thống Nicolas Sarkozy, đại diện cho nước Pháp khi đó đang là chủ tịch của nhóm G20, khi nói đến cán cân thanh toán, đã tuyên bố, "sự giám sát vĩ đại của IMF xem ra là yếu tố không thể thiếu." Có thể nói rằng các chuyển biến trong quy trình làm việc của nhóm G20 là khá chậm chạp. Với 20 nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới và rất nhiều chương trình nghị sự, diễn đàn này vẫn không biết rõ sẽ có sự thay đổi nào nếu đạt được một giải pháp toàn cầu. Đây là khía cạnh bất lợi trong lý thuyết về quyền triệu tập của Geithner. Thiếu sự chủ trì, điều hành chính trong cuộc họp thì cuộc họp vẫn có thể đạt hiệu quả nếu mọi thành viên tham gia đều có tư duy cùng chiều hoặc nếu có một bên đủ sức mạnh ép buộc tất cả những bên khác. Điều này đúng là diễn biến khi Fed cùng lúc đối mặt với "mười bốn gia đình" trong cuộc giải cứu Công ty Quản lý Vốn Dài hạn. Khi các bên có những mục tiêu quá xa cách nhau và họ còn mang theo nhiều quan điểm khác nhau về cách thức đạt mục tiêu, thì thiếu sự lãnh đạo cũng có nghĩa là người ta chỉ hy vọng đạt được những bước tiến không đáng kể. Đến năm 2011 thì dường như các chuyển biến mà nhóm G20 đạt được là rất nhỏ và chậm chạp đến mức hầu như không tạo nên bất cứ thay đổi nào.

Nhóm G20 không thể nào là một định chế hoàn hảo, nhưng đó là tất cả những gì mà thế giới này hiện có trong tay. Mô hình G7 hình như đã chết và Liên Hiệp Quốc không mang đến cái gì khác tương đương với G7. IMF có năng lực phân tích kỹ thuật; nó hữu ích trong vai trọng tài đối với mọi chính sách mà nhóm G20 đồng thuận ban hành. Nhưng việc điều hành của IMF dành quá nhiều thiên vị cho mô hình "tam đầu chế" cổ xưa: Bắc Mỹ, Nhật Bản và Tây Âu. Sự tác động của IMF gây phẫn nộ tại các thị trường mới nổi đầy quyền lực chẳng hạn như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Indonesia. Tuy nhiên, IMF vẫn hữu dụng và cũng cần thay đổi tổ chức này sao cho nó hài hòa với thực trạng mới trên toàn cầu.

Cuối năm 2008 và đầu năm 2009, nhóm G20 đã có thể có chính sách điều phối hiệu quả bởi vì đây là lúc các thành viên vì hoảng sợ mà phải thống nhất lại với nhau. Sự sụp đổ của các thị trường vốn, hoạt động thương mại quốc tế, sản lượng công nghiệp và vấn đề công ăn việc làm đều quá tệ hại khiến người ta buộc phải đồng thuận trong các cuộc giải cứu, trong việc kích thích kinh tế và xây dựng quy định mới cho các ngân hàng.

Tới năm 2011, dường như cơn bão đã qua và các thành viên nhóm G20 lại quay về với các chương trình nghị sự của riêng mình - Trung Quốc và Đức tiếp tục có thặng dư lớn, Hoa Kỳ tiếp diễn các nỗ lực nhằm giảm giá đồng đô-la để đảo ngược các tình trạng thặng dư nói trên và tự củng cố xuất khẩu cho mình. Nhưng kỳ này không còn một Richard Nixon để "chiếm tiên cơ" và cũng không có một John Connally đứng ra đương đầu với khó khăn. Mỹ đã đánh mất quyền lực. Cần phải có một cơn khủng hoảng nữa thì mới thúc đẩy nhóm G20 có các hành động được đồng thuận. Với chính sách in tiền của Hoa Kỳ và các "tác dụng phụ" là tình trạng lạm phát lây lan ra toàn cầu, dường như lại sắp diễn ra một đợt khủng hoảng nữa.

Cuộc khủng hoảng đó đã đến sau sự kiện gây chấn động gần thành phố Sendai, Nhật Bản, vào buổi trưa ngày 11 tháng 3 năm 2011. Đó là trận động đất cường độ 9.0 theo thang moment và ngay sau đó là sóng thần cao 10 mét đã tàn phá vùng duyên hải đông bắc nước Nhật, khiến hàng ngàn người chết, nhấn chìm tất cả các thị trấn và làng mạc, phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng – cảng, tàu cá, nông trại, cầu đường và viễn thông. Sau đó vài ngày, thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất từ sau vụ Chernobyl lại diễn ra tại một nhà máy điện hạt nhân gần Sendai, năng lượng hạt nhân rò rỉ tại nhiều lò phản ứng và chất phóng xạ làm công chúng hãi sợ. Trong khi thế giới vật lộn giải quyết các hậu quả, thì một mặt trận mới trong cuộc chiến tranh tiền tệ lại được mở màn. Đồng Yen Nhật bất ngờ tăng giá đạt mức cao kỷ lục so với đồng đô-la, khi người ta mong đợi rằng một khối lượng lớn tiền của các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ được hồi hương để tái thiết đất nước. Nhật Bản đã nắm giữ lượng tài sản trị giá hơn $2 nghìn tỷ bên ngoài lãnh thổ, phần lớn tại Hoa Kỳ, và có lượng dự trữ được định giá bằng đô-la đạt hơn 850 tỷ. Một phần tài sản này sẽ được bán theo mức giá tính bằng đô-la, rồi đổi sang đồng Yen và dịch chuyển về Nhật Bản để thanh toán cho công cuộc tái xây dựng. Đồng Yen tăng giá vì người ta dự đoán sẽ có lượng tiền đô-la lớn được bán ra để mua lại đồng Yen.

Theo quan điểm của nước Mỹ, đồng Yen tăng giá tương đối so với đô-la là điều thuận lợi cho các mục tiêu của nước Mỹ, còn phía Nhật Bản lại muốn điều ngược lại. Nền kinh tế Nhật Bản đang đối mặt với một thảm họa, và một đồng Yen giá rẻ sẽ giúp Nhật Bản phát triển được xuất khẩu, khôi phục được nền kinh tế. Thảm họa kinh tế này của Nhật Bản là rất lớn – hiện nay Nhật Bản quan tâm đến việc hạ giá đồng Yen trước rồi mới xem xét đối phó với chính sách hạ giá đồng đô-la của Hoa Kỳ sau.

Không thể phủ nhận rằng Nhật Bản đang có nhu cầu khẩn cấp trong việc chuyển đổi các tài sản được định giá bằng đô-la Mỹ của họ thành tiền mặt nhằm xây dựng lại đất nước; điều này đẩy giá đồng Yen lên cao hơn. Chỉ có sự can thiệp từ ngân hàng trung ương mới đủ mạnh để đẩy lùi cơn lũ đồng Yen đang tràn ngược về Nhật Bản. Mối tương quan giữa đồng Yen và đô-la là quan hệ tiền tệ đặc thù và lẽ ra G20 phải có động thái đối với vấn đề này. Vậy mà nhóm G20 lại chẳng tổ chức cuộc họp nào để thảo luận. Bộ ba "đại gia Ngân hàng trung ương" của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu sẽ phải tự tìm cách xử lý.

Dưới lá cờ của nhóm G7, Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde đã gọi điện thoại cho Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Geithner ngày 17 tháng 3 năm 2011 để khởi xướng một đợt tấn công được dàn xếp nhắm vào đồng Yen Nhật. Sau khi có sự tư vấn từ các quan chức ngân hàng trung ương chịu trách nhiệm can thiệp và một báo cáo nhanh trình lên Tổng thống Obama, cuộc tấn công vào đồng Yen được mở màn vào sáng ngày 18 tháng 3/2011. Đợt tấn công này bao gồm động thái bán phá giá đồng Yen trên quy mô lớn được thực thi bởi các ngân hàng trung ương và việc mua vào tương ứng đối với đô-la Mỹ, Euro, Francs Thụy Sĩ và một số loại tiền tệ khác. Nó diễn ra trên toàn thế giới và xuyên qua các múi giờ khi các thị trường của Liên minh châu Âu và New York mở cửa. Sự can thiệp của các ngân hàng trung ương lần này đã thành công, và đến cuối ngày 18 tháng 3 thì đồng Yen đã bị đẩy giá xuống, trở về mức bình thường so với đô-la. Sự khéo tay của Lagarde khi can thiệp vào đồng Yen đã củng cố thêm cho danh tiếng sẵn có của bà: một nhà quản lý khủng hoảng tài ba trong Cơn hoảng loạn 2008 và trong giai đoạn đầu của đợt khủng hoảng nợ công (đồng Euro) trong năm 2010. Bà đã trở thành người có nhiều khả năng được chọn nhất để thay thế cho Dominique Strauss-Kahn đang mất tín nhiệm trong vai trò Chủ tịch IMF vào tháng 6/2011.

Nếu nhóm G20 giống như một quân lực hùng hậu thì nhóm G7 đã chứng minh rằng họ có thể đóng vai trò của lực lượng đặc nhiệm, hành động nhanh gọn và kín đáo nhằm đạt mục tiêu trong phạm vi hẹp. Nhóm G7 ít nhất cũng đã tạm thời làm tình hình đổi chiều. Tuy nhiên, dòng lũ đồng Yen tràn về quê hương Nhật Bản vẫn chưa bị triệt tiêu hoàn toàn từ đầu nguồn, và vẫn còn nhiều nhà đầu cơ thu lợi được từ hiện tượng này. Trước mắt, tình hình tái hiện những tháng ngày tồi tệ trong thập niên 1970 và 1980 khi một nhóm nhỏ các ngân hàng đã chặn đứng được sự đầu cơ và sức ép căn bản đối với việc tái định giá. Trong một chương trình hành động lớn hơn, nhu cầu có một đồng Yen Nhật yếu hơn sẽ được xếp sau kế hoạch của Mỹ để có một đồng đô-la yếu. Câu chuyện kinh điển "làm nghèo nhà hàng xóm" trong cuộc thi đua định giá thấp tiền tệ đã mang bộ mặt mới. Hiện nay, ngoài Trung Quốc, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đều muốn hạ giá các loại tiền tệ của mình, thì còn có thêm Nhật Bản cũng muốn giảm giá đồng Yen – trong quá khứ Nhật Bản từng sẵn lòng hợp tác với Hoa Kỳ nhằm xây dựng một đồng Yen mạnh hơn. Không phải tất cả đều có thể đồng loạt giảm giá; phải có người trước kẻ sau. Suy cho cùng, cuộc đấu tranh giữa đô-la và Yen sẽ được cộng thêm vào cuộc chiến đô-la - Nhân dân tệ đã có trong chương trình nghị sự của nhóm G20 khi thế giới tìm một giải pháp toàn cầu đối với những vấn nạn tiền tệ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#money